Lịch sử Đức Phật & Thánh chúng
Cuộc Đời Đức Phật
Tịnh Minh (dịch) P.L. 2540 - T.L. 1996
29/10/2554 06:27 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

 

PHẦN MỘT

 

 

I- VUA TỊNH-PHẠN VÀ HOÀNG HẬU MA-DA

Thành phố thanh tịnh lộng lẫy nầy chính là nơi mà xưa kia đại ẩn sĩ Ca-tỳ-la (Kapila) cư ngụ. Nó hình như được xây dựng bằng những mảnh trời: tường vách trông như những áng mây bạc trắng, nhà cửa vườn tược tỏa ra màu sắc rực rỡ huy hoàng. Ngọc ngà châu báu lấp lánh khắp nơi. Dân cư trong thành ít biết đến cảnh nghèo khổ tối tăm. Ban đêm, khi ánh trăng vằng vặc soi sáng trên mỗi tháp canh, thành phố nhìn như một ao huệ; ban ngày, khi những dãy nhà nối tiếp tắm mình trong ánh nắng vàng, thành phố trông như một dòng sông đầy sen.

Vua Tịnh-Phạn (Suddhodana) trị vì tại thành Ca-tỳ-la-vệ (Kapilavastu); chính nhà vua là sự trang hoàng rực rỡ nhất của kinh thành. Ngài nhân từ; phúc hậu, khiêm tốn và công bình. Ngài đã truy quét những kẻ thù gan dạ nhứt và họ phải quị ngã trước ngài giữa trận chiến như những thớt voi bị thần sấm (Indra) hạ gục. Vẻ huy hoàng rực rỡ của ngài đã khuất phục kẻ ác như tia nắng mặt trời làm tan biến màn đêm. Ngài đã mang ánh sáng đến cho đời và vạch đúng đường cho những ai gần gũi với ngài. Trí tuệ cao quí của ngài đã thu phục được nhiều thân hữu can trường, sáng suốt, và chính sự can trường sáng suốt của họ đã góp phần vào sự huy hoàng của ngài như ánh sao làm tăng thêm độ sáng của mặt trăng vậy.

Tịnh-Phạn, quốc vương của dòng tộc Thích-Ca (Sakya) đã kết hôn với nhiều hoàng hậu. Trong số những hoàng hậu mà ngài yêu quí nhất là Ma-da (Maya).

Bà đẹp lắm, đẹp như chính nữ thần Hạnh phúc (Laksmi) lạc vào dương thế. Mỗi khi bà nói, giọng bà ngọt ngào, dễ mến như tiếng chim hót mùa xuân. Tóc bà đen huyền như màu sắc ong bầu, trán bà trắng trong như hạt ngọc kim cương, mắt bà mát rợi như chồi sen xanh biếc, và chưa bao giờ có nếp nhăn nào làm hỏng đôi mày vòng nguyệt sắc sảo của bà.

Bà là người có đức hạnh. Bà mong cầu hạnh phúc cho thần dân. Bà rất quan tâm đến những lời huấn thị chân thành của các bậc tôn sư. Bà thật thà. Ðức hạnh của bà là tấm gương sáng cho mọi người noi theo.

Vua Tịnh-Phạn và hoàng hậu Ma-da sống êm đềm hạnh phúc tại thành Ca-tỳ-la-vệ.

Một hôm, hoàng hậu tắm xong, trang điểm phấn hương, khoác lên người một chiếc áo choàng the rực rỡ, và đeo vào tay nhiều châu báu ngọc ngà; những chiếc vòng vàng chạm nhau kêu leng keng ở hai bên mắt cá, và, vừa thấy bóng quốc vương, mặt bà đã sáng lên niềm hạnh phúc.

Tịnh-Phạn ngồi trong một đại điện. Nhạc điệu du duơng từ từ trổi lên, nhè nhẹ ru người vào cảnh giới mộng ảo êm đềm. Ma-da ngồi về phía bên phải của ngài. Bà lên tiếng tâu:

"Tâu hoàng thượng, xin hoàng thượng lắng nghe, xin hoàng thượng ban cho thiếp một đặc ân, hỡi đấng che chở của địa cầu!"

Tịnh-Phạn đáp: "Nói đi, hoàng hậu của trẫm. Ái khanh muốn đặc ân gì?"

"Tâu hoàng thượng, có nhiều nỗi thống khổ trên thế gian này. Với lòng từ mẫn, thiếp thấy tất cả chúng sanh đều nhận chịu khổ đau. Thiếp muốn giúp đỡ nhân loại. Thiếp muốn loại trừ những tư tưởng xấu. Vì vậy, thiếp sẽ không làm ác, thiếp sẽ không nghĩ ác. Thiếp yêu thương thân thiếp thế nào thì thiếp cũng giúp đỡ và thương yêu kẻ khác thế đó. Thiếp sẽ bỏ tính kiêu ngạo, thiếp sẽ không theo tiếng gọi của dục vọng xấu xa. Thiếp sẽ không bao giờ nói lời đê hèn vô bổ. Từ nay về sau, tâu hoàng thượng, thiếp sẽ sống một cuộc đời khổ hạnh. Thiếp sẽ chay tịnh. Thiếp sẽ không bao giờ có ý xấu hay làm ác; mang phiền não hay hận thù; biết sân hận hay tham lam. Thiếp sẽ hài lòng với số phận của thiếp. Thiếp sẽ từ bỏ tâm gian xảo đố kỵ. Thiếp sẽ trong trắng. Thiếp sẽ đi theo chánh đạo. Thiếp sẽ tu tập đức hạnh. Chính vì thế mà giờ đây mắt thiếp rực lên ánh tươi vui, môi thiếp bừng lên niềm hoan hỷ."

Bà dừng lại giây lát. Quốc vương nhìn bà bằng ánh mắt âu yếm thán phục. Bà tiếp:

"Tâu hoàng thượng, xin hoàng thượng cho thiếp sống đời khổ hạnh. Ðừng vào rừng núi âm u của dục vọng, xin cho thiếp sống theo trai giới thánh thiện. Thiếp muốn sửa lại những gian nhà trên tầng tột cùng của cung điện, nơi chim thiên nga thường làm tổ. Xin dọn cho thiếp một chiếc giường con có tẩm hương lót nệm. Thị nữ sẽ giúp thiếp những gì cần yếu, và hoàng thượng có thể thải hồi các quan thái giám, những vệ binh và tất cả các nô bộc khác. Thiếp không muốn nhìn thấy cảnh tượng xấu xa, âm thanh cuồng loạn và mùi vị của những gì khó chịu."

Bà dứt lời, quốc vương đáp:

"Ðược rồi! Trẫm chấp nhận hạnh nguyện của ái khanh."

Vua hạ lệnh:

"Hãy để cho hoàng hậu rực rỡ trong ánh vàng bạc ngọc ngà, an dưỡng trên một chiếc giường con có cài kết danh hoa với nhạc điệu du dương ngày đêm giao hưởng trên những tầng tột cùng của cung điện mà lúc nào cũng có tiếng chim thiên nga hòa vang theo gió. Thị nữ sẽ túc trực hầu hạ bên cạnh hoàng hậu. Bà sẽ giống như ngọc nữ của chư thiên ở một vườn địa đàng nào đó! "

Hoàng hậu đứng lên. Bà nói: "Tốt lắm! nhưng, hỡi hoàng thượng của thiếp, xin nghe thiếp thưa tiếp. Xin hoàng thượng hãy trả tự do cho tù nhân. Hãy rộng lượng cấp phát y phục vật thực cho người nghèo. Hãy mang lại hạnh phúc cho già trẻ gái trai! Tâu hoàng thượng, hãy mở rộng tình thương và đem nguồn hỷ lạc đến cho nhân thế. Xin hoàng thượng hãy là cha lành của tất cả chúng sanh!"

Bà rời khỏi đại điện và đi thẳng lên đỉnh hoàng cung.

Mùa xuân đã đến, chim chóc vui lượng quanh các tầng lầu, ca hót líu lo rộn rã cành cây. Hoa nở đầy vườn, sen vươn bừng nụ trên khắp mặt hồ. Hoàng hậu đã tìm được nơi an dưỡng với nhịp sáo cung đàn hòa điệu vang vang, một cảnh huy hoàng lộng lẫy khắp kinh thành, huy hoàng lộng lẫy đến nỗi ánh sáng mặt trời cũng phải ngã màu râm mát.

II- MA-DA NẰM MỘNG

Cùng lúc với mùa xuân năm đó bắt đầu, một giấc mộng đã đến với hoàng hậu Ma-da khi bà nằm ngủ. Bà thấy một con voi tơ từ trời cao đi xuống. Nó có 6 ngà lớn và trắng như tuyết pha đầu núi. Ma-da thấy nó đi vào dạ bà và hàng ngàn thiên thần đột nhiên xuất hiện trước mặt. Họ tán dương bà bằng những lời ca bất tử. Ma-da hiểu là bà sẽ không bao giờ biết phiền não, hận thù hay sân nhuế nữa.

Bà thức dậy. Bà cảm thấy sung sướng, một cảm giác sung sướng mà trước kia bà chưa bao giờ có. Ðứng lên, bà mặc y phục sặc sỡ, theo sau là hầu hết những thị nữ diễm kiều nhất, bà đi qua các cổng hoàng cung, tản bộ trong các hoa viên và dừng lại tại một chỗ râm mát trong khu vườn nhỏ. Bà phái hai thị nữ đến trình vua Tịnh-Phạn một điệp văn với lời lẽ như sau: "Xin mời hoàng thượng đến khu vườn nhỏ; hoàng hậu mong gặp ngài tại đó."

Quốc vương chấp nhận ngay. Ngài rời khỏi hoàng cung, nơi quốc vương đã và đang ban bố công lý cho dân chúng khắp thành với sự trợ giúp của nhiều cận thần trung chính. Ngài đi thẳng đến khu vườn nhỏ, nhưng, khi ngài sắp bước vào, một cảm giác kỳ lạ bao trùm cả toàn thân. Chân đi lảo đảo, tay run cầm cập, nước mắt ràn rụa; ngài nghĩ:

"Ngay cả khi chiến đấu ác liệt với quân thù gan dạ nhất giữa trận tiền ta cũng chưa bao giờ cảm thấy hốt hoảng trầm trọng như lúc này. Tại sao ta không thể vào chỗ hoàng hậu đang chờ ta? Ai có thể giải thích được nỗi bàng hoàng xao xuyến của ta?"

Ngay lúc đó, ngài nghe từ trời cao vang lên một giọng nói lớn:

"Lành thay, hỡi quốc vương Tịnh-Phạn, xứng đáng thay với dòng tộc Thích-Ca! Người đi tìm tri kiến tối thượng sắp ra đời. Người đã chọn vợ của hoàng thượng, hoàng hậu Ma-da, người phụ nữ cao quí nhất làm mẹ. Người đã chọn gia đình của hoàng thượng làm gia đình của mình là vì danh tiếng và phước đức của gia đình hoàng thượng. Lành thay, hỡi quốc vương Tịnh-Phạn! Người đi tìm tri kiến tối thượng muốn làm hoàng tử của Ngài!"

Vua cho đó là lời của thiên thần, ngài phấn khởi hẳn lên. Lấy lại bình tĩnh, ngài đi thẳng vào khu vườn mà Ma-da đang chờ ngài.

Thấy bà, vua vẫn bình thản, không tỏ vẻ cao sang, ngài lên tiếng hỏi:

"Ái khanh mời trẫm có việc chi? Ái khanh cần gì?"

Hoàng hậu kể lại giấc mơ của mình cho vua nghe, rồi bà thưa tiếp:

"Tâu hoàng thượng, có nhiều giáo sĩ Bà-la-môn giỏi nghề chiêm tinh đoán mộng, hãy triệu họ đến. Họ sẽ coi xem hoàng cung của ta có điều tốt xấu thế nào, chúng ta vui buồn ra sao."

Vua chấp thuận và triệu các giáo sĩ Bà-la-môn quen nghề chiêm tinh đoán mộng đến ngay hoàng cung. Vừa nghe qua câu chuyện của Ma-da, họ liền tâu:

"Tâu quốc vương và hoàng hậu, một nguồn vui lớn sẽ đến với các ngài. Nhờ ân đức của thiên thần, các ngài sẽ hạ sanh một hoàng tử. Nếu ngày kia hoàng tử từ bỏ vương quyền, giã biệt hoàng cung, cắt đứt ái ân; nếu vì lòng xót thương nhân thế, hoàng tử phải sống cuộc đời đó đây của một sa môn, ngài sẽ được tôn vinh kỳ diệu và hưởng thọ phẩm vật cúng dường tuyệt vời. Ngài sẽ được cả thế giới tôn thờ, vì ngài sẽ mang lại cho họ những gì mà họ khao khát. Tâu quốc vương và hoàng hậu, con trai của quí ngài sẽ là một đức Phật!"

Các giáo sĩ Bà-la-môn xin cáo lui. Vua và hoàng hậu đưa mắt nhìn nhau với vẻ mặt sáng lên niềm an lành hạnh phúc. Tại thành Ca-tỳ-la-vệ, vua Tịnh-Phạn ra lệnh cấp phát phẩm vật cho người nghèo, thức ăn cho người đói, nước uống cho người khát, hương hoa cho phụ nữ. Ma-da trở thành đối tượng tôn thờ của họ. Những kẻ tật bịnh tập trung chen chúc hai bên lối đi của bà, và bà chỉ cần duỗi cánh tay phải của bà ra là họ cảm thấy hết bịnh ngay. Người mù có thể thấy, người điếc có thể nghe, người câm có thể nói, kẻ hấp hối sờ vào lá cỏ bà hái là bình phục sức lực liền. Từ trên không trổi lên một điệu nhạc du dương dặt dìu theo gió, mưa hoa sặc sỡ giăng mắc khắp trời, nhạc khúc tạ từ vang khắp thành đô.

III- TẤT-ÐẠT-ÐA RA ÐỜI

Ngày tháng trôi qua, rồi một hôm, hoàng hậu biết sắp đến kỳ mãn nguyệt khai hoa, bà đến tâu vua Tịnh-Phạn:

"Tâu hoàng thượng, thiếp muốn du ngoạn trong vườn ngự uyển. Thiếp muốn nghe tiếng chim hót trên cây và ngắm phấn hoa xõa trắng trên không. Thiếp muốn du ngoạn trong vườn ngự uyển."

Tịnh-Phạn đáp: "Nhưng ái khanh sẽ mệt; hoàng hậu, ái khanh không ngại sao?"

"Hài nhi thiếp đang ôm ấp trong lòng phải được ra đời giữa cảnh hồn nhiên của hoa thơm hé nụ. Không, thiếp sẽ đi! Tâu hoàng thượng, thiếp sẽ vào hoa viên."

Chiều lòng Ma-da, vua sai các thị vệ:

"Hoàng hậu sắp du ngoạn qua vườn ngự uyển. Các ngươi hãy đem vàng bạc châu báu vào vườn trang hoàng, làm cho các loại cỏ cây rực rỡ thêm lên."

Ngài khuyên Ma-da:

"Này Ma-da, hôm nay ái khanh nên ăn mặc thật sang trọng. Các thị nữ diễm kiều nhất của ái khanh sẽ đưa ái khanh du ngoạn trong một chiếc kiệu lộng lẫy. Lệnh các thị nữ của ái khanh dùng toàn phấn hương kỳ diệu, bắt chúng đeo chuỗi ngọc vòng vàng, mang theo đàn trống tiêu sáo và tấu lên những khúc nhạc du dương xưng tán chư thiên".

Lệnh của vua Tịnh-Phạn được mọi người kính cẩn tuân hành. Hoàng hậu vừa ra tới cổng hoàng cung, các vệ binh đều hân hoan cất tiếng chào bà. Hoa lá reo vui, công xòe lộng thắm, từng đàn chim thiên nga tung cánh hót ca vang vọng trên không.

Họ đến một vườn cây đang độ nở hoa, Ma-da bảo họ đặt kiệu xuống. Bà bước ra khỏi kiệu và bắt đầu thư thả dạo quanh. Bà cảm thấy thoải mái. Xem kìa! Bà thấy một cây hoa hy hữu, hoa trĩu đầy cành. Bà bước tới, vừa vương tay nhẹ kéo một cành thì bỗng nhiên bà đứng khựng lại. Bà im lặng, miệng mỉm cười, các thị nữ hầu quanh bà đưa tay bế một hài nhi diễm tuyệt. "

Lúc đó cả thế giới đều hân hoan rúng động. Trái đất rung chuyển. Lời ca nhịp vũ vang dội khắp không gian. Cây cảnh bốn mùa bừng rộ nở hoa, trái chín thơm ngon đu đưa đầy cành. Cả bầu trời rực lên một màu sáng tinh khiết. Nười bệnh hết khổ. Người đói được no. Người say lại tỉnh. Người khùng hồi trí. Người yếu thêm sức. Người nghèo có tiền. Ngục tù mở cửa. Người ác sạch tội.

Một trong những thị nữ của Ma-da hớn hở, vội đến tâu vua Tịnh-Phạn:

"Tâu hoàng thượng, tâu hoàng thượng. Hoàng hậu đã sanh cho hoàng thượng một hoàng tử. Hoàng tử này sẽ mang vinh quang cao quí đến cho hoàng gia!"

Quốc vương im lặng. Nhưng gương mặt của ngài rực lên niềm hoan hỷ, ngài biết rõ nguồn hạnh phúc cao quí đó.

Bấy giờ ngài triệu tập tất cả dòng tộc Thích-Ca, lệnh họ theo ngài vào vườn hoàng tử ra đời. Họ tuân lệnh; với nhiều giáo sĩ bà la môn tháp tùng, họ tạo một đoàn người quí tộc nghiêm trang theo sau quốc vương.

Khi đến gần hoàng tử, vua trịnh trọng cúi đầu và nói:

"Các khanh hãy chào hoàng tử như ta, người mà ta sẽ đặt tên là Tất-đạt-đa (Siddhartha) đó."

Tất cả đều cúi đầu. Các giáo sĩ bà la môn, như được thiên thần giúp sức, cất tiếng hát:

"Hết thảy chúng sanh đều được an vui hạnh phúc, nhân loại không còn phải đi trên những nẻo đường gồ ghề lởm chởm; vì Ngài ra đời, Ngài ban hạnh phúc: Ngài sẽ mang hạnh phúc đến cho đời. Ánh hồng quang đã rực sáng trong đêm, mặt trời mặt trăng giống như những đóm than tàn sắp tắt, Ngài ban ánh sáng: Ngài sẽ mang ánh sáng đến cho đời. Người mù có thể thấy, người điếc có thể nghe, người khùng được hồi trì; vì Ngài ra đời, Ngài phục hồi cái thấy, cái nghe, cái biết: Ngài sẽ mang cái thấy nghe hay biết đến cho đời. Những làn gió hiu hiu thơm ngát xoa được nỗi đau thương của nhân thế, vì Ngài ra đời, Ngài ban sức khỏe: Ngài sẽ mang sức khỏe đến cho đời. Lửa dữ hết bừng cháy, sông ngòi đã ngừng trôi, trái đất nhẹ rung chuyển: Ngài sẽ là người thấy được chân như.

IV- LỜI TIÊN TRI CỦA A-TƯ-ÐÀ

Ðạo sĩ A-tư-đà (Asita), một ẩn sĩ khổ hạnh đến thiên thần phải cảm kích, được tin hoàng tử ra đời, người có thể cứu nhân loại thoát khỏi khổ đau sanh tử. Với lòng khát khao chánh pháp, đạo sĩ đến cung vua Tịnh-Phạn và trịnh trọng tới gần khuê phòng của các cung phi mỹ nữ. Tuổi tác và học thức của đạo sĩ đã đem lại cho ngài một nhân cách cao quí.

Vua tiếp đón đạo sĩ rất trọng hậu theo lễ nghi tập tục và thật lòng bày tỏ với ngài:

"Thật vậy, trẫm sung sướng biết bao! Ðúng rồi, con trẫm sẽ hưởng được cái ân đức thù thắng này.

Ðạo sĩ A-tư-đà đến thăm trẫm hẳn có mục đích. Xin báo cho trẫm biết. Trẫm phải làm gì? Trẫm là môn đệ của đạo sĩ, là đồ chúng của đạo sĩ mà! "

Mắt sáng lên niềm hoan hỷ, đạo sĩ trịnh trọng tâu:

"Muôn tâu bệ hạ cao quí, độ lượng và hiếu hòa, sự thể đã đưa đến cho ngài chính vì ngài coi trọng nghĩa vụ, hậu đãi các bậc hiền tài và tôn kính các vị tôn túc. Sự thể đã đưa đến cho ngài chính vì tổ tiên ngài lắm đất nhiều vàng nhưng vẫn dư thừa đạo đức. Tâu bệ hạ, hãy biết tại sao bần đạo đến đây. Hãy vui lên! Bần đạo đã nghe trên không có tiếng thiên thần mách bảo: "một hoàng tử đã ra đời cho dòng tộc Thích-Ca. Ngài ấy sẽ đạt thành chánh giác' Bần đạo đến đây là vì bần đạo đã nghe rõ những lời đó. Mắt bần đạo giờ đây có thể nhìn thấy ánh huy hoàng của dòng tộc Thích-Ca".

Lòng tràn ngập hân hoan, quốc vương đi bế hoàng tử đang say sưa trên ngực nhũ mẫu đem trình cho đạo sĩ A-tư-đà.

Ðạo sĩ nhận thấy hoàng tử có nhiều dấu hiệu vạn năng. Ngài chăm chú nhìn hoàng tử rồi bất giác thở dài, ngước mắt nhìn trời với đôi mi chứa chan lệ thắm.

Thấy A-tư-đà khóc, quốc vương đâm ra lo ngại cho con mình. Ngài hỏi đạo sĩ:

"Bạch đạo sĩ, ngài nói hình tướng của con trẫm chỉ khác nhau đôi chút với hình tướng của một thiên thần, rằng hoàng tử ra đời là việc phi thường, rằng trong tương lai hoàng tử sẽ được tôn vinh tối thượng; nhưng nhìn hoàng tử sao đạo sĩ lại khóc. Mạng sống của con trẫm mong manh lắm sao? Hoàng tử ra đời chỉ để mang lại buồn khổ cho trẫm sao? Cành non này phải héo tàn trước khi nó đơm hoa kết trái sao? Xin nói cho, hỡi thánh nhân, xin nói mau cho trẫm biết. Hẳn ngài đã hiểu tình thương bao la mà người cha dành trọn cho đứa con trai của mình."

Ðạo sĩ đáp: "Tâu bệ hạ, xin đừng buồn. Ðiều bần đạo tâu với bệ hạ là sự thật. Hoàng tử sẽ thấy rõ sự vinh quang cao quí đó. Bần đạo khóc là khóc cho bần đạo. Ðời bần đạo sắp tàn thì hoàng tử ra đời, ngài sẽ diệt trừ khổ đau sanh tử. Ngài sẽ chế ngự tham dục, ngài sẽ liễu ngộ chân lý, và mê vọng trên đời sẽ tan biến trước ánh sáng giác ngộ của ngài như tia nắng mặt trời làm tan biến màn đêm. Ngài sẽ cứu vớt thế giới khổ đau khỏi biển tử sinh ác trược, khỏi cảnh tật bịnh khốn cùng, khỏi cơn ba đào suy lão, khỏi đợt sóng dữ tử vong. Ngài sẽ chuyên chở tất cả trên một con tàu tri kiến vĩ đại. Ngài sẽ biết dòng sông nghĩa vụ, từ ái, kỳ diệu và thao thao cuồn cuộn bắt nguồn từ đâu. Ngài sẽ chỉ rõ ngọn ngành của nó cho những ai bị đói khát dày vò đến đó uống nước. Ngài sẽ chỉ đường cho những ai bị sầu đau ray rức, bị dục lạc bủa vây, mãi lang thang trong núi rừng sanh diệt như khách lạc lối đi đến giải thoát. Ngài sẽ là mây lành đổ mưa trong mát cho những ai bị lửa dục đốt thiêu. Ngài sẽ võ trang chánh cháp, thẳng đến ngục tù dục vọng, phá vỡ cổng tường tội ác cho chúng sanh hết khổ. Bởi vì ai có tri kiến siêu việt, người đó sẽ giải thoát cho thế nhân. Vậy thì đừng buồn, tâu bệ hạ. Kẻ đáng thương hại chính là người không nghe được âm hưởng của con ngài. Bần đạo khóc là vì thế. Bần đạo dù khổ hạnh và thiền định đến đâu cũng không bao giờ ngộ đạt được giáo pháp của Ngài. Thật đáng xót thương ngay cho những ai lên đến cõi trời Ðâu suất.

V- TẤT-ÐẠT-ÐA TẠI ÐỀN THẦN

Tịnh-Phạn trước hết rất hài lòng về những lời tiên tri của A-tư-đà. Ngài trầm ngâm suy nghĩ: "Thế là con ta sẽ sống và sống một cách vinh hiển." Nhưng ngài lại âu lo, vì người ta bảo hoàng tử sẽ từ bỏ vương quyền, sẽ sống đời ẩn sĩ, và điều đó không có nghĩa là một khi hoàng thượng thăng hà thì gia tộc của Tịnh Phạn phải tuyệt diệt sao?

Ấy thế nhưng nhà vua chỉ lo ngại trong ít lâu, vì rằng từ khi Tất-đạt-đa ra đời, nhà vua không làm điều gì mà không thành tựu phát đạt. Của cải mỗi ngày rót vào kho lẫm của ngài nhiều như nước của trăm ngòi ngàn rạch đổ vào một dòng sông to. Ngựa voi người ta dâng hiến nhiều không chỗ chứa, và bạn hiền lúc nào cũng sẵn sàng hỗ trợ quanh ngài. Vương quốc có nhiều ruộng đất phì nhiêu, trâu bò béo tốt gặm cỏ đầy đồng, phụ nữ sanh con không chút khổ đau, bà con láng giềng sống chung êm đẹp, một cảnh êm đềm hạnh phúc ngự trị trên mảnh đất Ca-tỳ-la-vệ.

Nhưng một niềm vui êm dịu ngọt ngào đã đến với hoàng hậu Ma-da, ngọt ngào đến độ bà không chịu nổi. Cả địa cầu đều biết bà làm mẹ chỉ được bảy ngày rồi qua đời và được chư thiên rước lên cõi trời.

Ma-da có một em gái Ma-ha-ba-xà-ba-đề (Mahaprajapati), người cũng xinh đẹp và đức hạnh như bà. Hoàng tử được giao cho Ma-ha-ba-xà-ba-đề chăm sóc. Bà thương yêu âu yếm hoàng tử như con ruột. Tất-đạt-đa mỗi ngày một khỏe mạnh cao lớn như lửa gặp gió, như trăng sao vằng vặc trên bầu trời rực sáng, như nắng ấm ban mai sưởi khắp rừng núi đông phương.

Ai cũng hoan hỷ đem vật quý đến tặng hoàng tử. Họ đem các thứ đồ chơi mà một em bé cùng tuổi với hoàng tử sẽ lấy làm thích thú: những con vật bé tí như hươu, nai, voi, ngựa, bò, chim, cá, và cả những chiếc xe tí xíu nữa. Những thứ này không phải làm bằng gỗ hay đất sét mà bằng vàng bạc ngọc ngà. Họ mang cho hoàng tử rất nhiều kiềng vòng châu báu.

Một hôm, trong lúc hoàng tử đang nô đùa trong một khu vườn gần thành Ma-ha-ba-xà-ba-đề nghĩ: "Ðây chính là lúc ta tập cho hoàng tử biết đeo kiềng vòng."Bà bảo thị nữ đem châu báu đến. Bà đeo chúng vào tay vào cổ hoàng tử nhưng hình như hoàng tử không đeo gì cả. Vàng ngọc dường như lu mờ tẻ nhạt trước ánh hào quang rực sáng của hoàng tử. Một phụ nữ diễm kiều từ hoa viên đến gặp Ma-ha-ba-xà-ba-đề, nói:

"Nếu như cả trái đất này là vàng thì chỉ một tia hào quang của cậu bé này, đấng đạo sư tương lai của nhân thế, cũng đủ làm cho ánh vàng rực rỡ lu mờ. Hào quang của hoàng tử làm mờ hẳn độ sáng của trăng sao và ngay cả độ sáng của mặt trời nữa. Ngươi muốn cho hoàng tử đeo các thứ châu báu tầm thường do những tay thợ vàng thợ bạc đúc nặn một cách thô kệch ấy sao? Này bà, hãy cởi hết kiềng vòng đó ra. Chúng chỉ hợp với bọn nô lệ. Cậu bé này sẽ có những ý nghĩ riêng, chúng là châu ngọc của một loại nước tinh khiết hơn"

Theo lời người phụ nữ, Ma-ha-ba-xà-ba-đề cởi hết kiềng vòng và bà ngắm mãi hoàng tử không chán.

Ðã đến lúc Tất-đạt-đa đến lễ đền thần. Quốc vương ra lệnh trang hoàng đường phố công viên cực kỳ rực rỡ. Chiêng trống rền vang vui nhộn khắp nơi. Trong lúc Ma-ha-ba-xà-ba-đề mặc y phục sang trọng nhất cho hoàng tử thì cậu hỏi:

"Thưa nhũ mẫu, nhũ mẫu đưa con đi đâu?"

"Ðến lễ đền thần con ạ!" bà đáp.

Hoàng tử mỉm cười và lặng lẽ theo nhũ mẫu đến gặp phụ vương.

Một quang cảnh đi lễ rất oai nghiêm, đi đầu là các giáo sĩ bà la môn ở kinh thành, kế đó là võ tướng và tất cả các bậc trưởng giả trọng yếu, sau cùng là dòng tộc Thích-ca vây quanh chiếc xe chở hoàng tử và phụ vương. Phố xá ngào ngạt hương thơm, hoa rải đầy đường, dân chúng phất cờ vẫy phướn chào đón đoàn lễ đi qua.

Tới nơi, quốc vương dắt tay Tất-đạt-đa đến thẳng chánh điện thờ thần. Hoàng tử vừa bước vào ngưỡng cửa thì tất cả các tượng Hủy-diệt, Công-đức, Sinh-thành, Tài-vật, Ðế-thích, Phạm-thiên (Siva, Skanda, Vishnu, Kuvera, Indra, Brahma) đều cúi đầu tác bạch:

"Hỡi núi Tu-di, xin sơn vương đừng lễ hạt lúa mì; xin đại dương đừng lạy ao nước đọng; xin mặt trời đừng bái loài đom đóm: ai đạt ngộ chánh giác, người ấy khỏi lễ thiên thần. Thần nhân nào kiêu mạn ngông cuồng, kẻ ấy như hạt lúa mì, như ao nước đọng, như loài đo đóm; ai chứng đắc vô thượng bồ đề, người ấy như núi tu di, như biển cả đại dương, như hồng quang rực sáng. Thế nhân xin kính lễ Ngài. Thế nhân sẽ được giải thoát."

VI- TẤT-ÐẠT-ÐA THIỀN ÐỊNH LẦN ÐẦU

Hoàng tử mỗi ngày một khôn lớn và đến lúc cho hoàng tử theo học với Tỳ-xa-bà-mật-đa-la (Visvamitra), bậc tôn sư chuyên dạy nghệ thuật tác văn cho các vương tôn công tử của dòng tộc Thích-ca.

Tất-đạt-đa được giao cho thầy chăm sóc. Họ trao cho hoàng tử một miếng gỗ bạch đàn có mạ vàng và viềng ngọc chung quanh để viết. Cầm miếng gỗ trên tay, hoàng tử thưa:

"Bạch thầy, thầy định dạy con học thứ chữ nào?"

Kể qua một loạt sáu mươi tư loại chữ khác nhau, hoàng tử lại thưa:

"Bạch thầy, trong sáu mươi tư loại chữ đó, thầy định dạy con học thứ chữ nào?"

Tỳ-xa-bà-mật-đa-la không đáp được, thầy sững sờ kinh ngạc, cuối cùng thầy nói:

"Thưa hoàng tử, ta thấy ta không có gì để dạy hoàng tử. Trong số những loại chữ mà hoàng tử vừa kể, ta chỉ biết tên một vài loại, số còn lại ta chưa hề nghe nói bao giờ. Chính ta phải ngồi học dưới chân hoàng tử. Không! thưa hoàng tử, ta không có gì để dạy hoàng tử."

Thầy mỉm cười và hoàng tử cũng đáp lễ bằng một cái nhìn trìu mên.

Từ giã Tỳ-xa-bà-mật-đa-la, hoàng tử đi về miền quê và bắt đầu nhắm đến một ngôi làng. Trên đường đi, chàng dừng lại để ngắm một số nông phu đang lao động dưới ruộng; rồi, vì trời mưa và nắng gắt, chàng phải ghé vào một khóm cây hấp dẫn giữa đồng để nghỉ mát. Hoàng tử đến ngồi dưới một bóng cây; chàng bắt đầu suy tư và không mấy chốc chàng đã mất hút vào cảnh giới thiền định.

Năm du sĩ đi ngang qua cánh đồng cỏ, thấy hoàng tử đang thiền định, họ hỏi sau:

"Phải chăng ngài ngồi nghỉ kia là một thiên thần? Có thể Ngài là thần tài hay thần tình ái? Có thể Ngài là thần sấm Indra hay thần mục đồng Krishna không chừng?"

Nhưng rồi họ nghe có giọng người nói:

"Ánh rực rỡ của thiên thần cũng phải phai nhạt trước hào quang của hoàng tử Thích-Ca đang ngồi trầm tư về những sự thật cao quí dưới cội cây kia!"

Bấy giờ tất cả họ đều lên tiếng ca ngợi:

"Ðúng thế, Ngài ngồi thiền định dưới cội cây kia có những dấu hiệu vạn năng, Ngài ấy chắc chắn sẽ thành Phật!"

Họ tán dương hoàng tử, người thứ nhất cất tiếng hát: "Trần gian bị lửa dữ tàn phá, Ngài đến như hồ nước trong xanh. Giáo pháp của Ngài sẽ tắm mát nhân thế."

Người thứ hai: "Trần gian bị vô minh bao phủ, Ngài đến như ngọn đuốc sáng ngời. Giáo pháp của Ngài sẽ mang ánh sáng đến cho nhân thế."

Người thứ ba: "Trên biển khổ đau, thuyền bè khó bề qua lại, Ngài đến như một con tàu. Giáp pháp của ngài sẽ đưa nhân thế vào bến an lành."

Người thứ tư: "Những ai bị khổ đau xiềng xích, Ngài đến như đấng cứu đời. Giáo pháp của Ngài sẽ giải thoát cho nhân thế."

Người thư năm: "Những ai bị lão bịnh thúc bách, Ngài đến như vị cứu tinh. Giáo pháp của Ngài sẽ giải thoát sanh tử."

Họ đảnh lễ hoàng tử ba lần rồi tiếp tục lên đường.

Trong khi đó, vua Tịnh-Phạn lo ngại không biết chuyện gì đã xảy đến cho hoàng tử, ngài phái nhiều cận thần đi tìm chàng. Thấy chàng đang nhập định, một cận thần tiến đến gần, rồi bỗng dưng đứng lại, trố mắt thán phục. Các bóng cây đã đổ dài trừ bóng cây chỗ hoàng tử ngồi. Nơi đây bóng cây đứng yên; nó vẫn che mát hoàng tử.

Cận thần chạy về hoàng cung tâu vua:

"Tâu bệ hạ, hạ thần đã thấy hoàng tử; chàng đang nhập định dưới một cội cây mà bóng mát vẫn đứng yên trong khi những bóng cây khát thì đổ dài.

Tịnh-Phạn rời hoàng cung, theo quan cận thần đến nơi hoàng tử đang nhập định. Sung sướng đến bật khóc, ngài tự nhủ:

"Con ta đẹp như một ngọn lửa trên đỉnh núi cao. Hoàng tử làm ta chói mắt. Thấy hoàng tử nhập định, tay chân ta bủn rủn. Hoàng tử sẽ là ngọn đèn sáng của thế nhân."

Cả vua quan không dám lên tiếng hay cử động. Nhưng có vài em bé đang kéo một chiếc xe nhỏ băng ngang qua đó, chúng nói cười ầm ỹ, quan thần nói nhỏ với chúng:

"Các em không được làm ồn."

"Sao vậy?" chúng hỏi.

"Thấy ai nhập định dưới cội cây kia không? Hoàng tử Tất-đạt-đa đó. Bóng cây không rời hoàng tử thấy chưa. Các em không được quấy phá hoàng tử, các em không thấy hào quang của hoàng tử sáng như mặt trời sao?"

Hoàng tử xả thiền, đứng dậy, đến gần phụ vương tâu:

"Tâu phụ vương, chúng ta nên nghỉ canh tác dưới ruộng. Chúng ta phải tìm ra những sự thật cao quí."

Hoàng tử trở về thành Ca-tỳ-la-vệ.

VII- HÔN LỄ CỦA TẤT-ÐẠT-ÐA

Tịnh-Phạn mãi suy nghĩ về những điều mà A-tư-đà đã nói với ngài. Không muốn gia đình bị tắt ngúm, ngài tự nhủ:

"Ta sẽ khơi dậy trong lòng con ta một sự ham mê dục lạc; có lẽ rồi ta sẽ có cháu nội và chúng sẽ kế thừa phát đạt."

Vì thế, quốc vương cho triệu hoàng tử đến, ngài tâm sự với chàng:

"Con ơi! con đã đến tuổi lập gia đình, nếu con thấy hài lòng với cô nào, hãy báo cho cha biết."

"Tâu phụ vương, cho phép con suy nghĩ bảy ngày. Bảy ngày nữa con sẽ tâu lại phụ vương."

Chàng suy nghĩ:

"Ta biết nỗi khổ đau bất tận bắt nguồn từ dục vọng. Cây cối mọc trong rừng dục vọng sẽ kết rễ trong khổ đau xung đột, và cành lá của chúng là độc tố. Dục vọng cháy như lửa, tai hại như một lưỡi gươm. Ta không phải là hạng người kiếm tìm phụ nữ. Số kiếp của ta là sống giữa núi rừng u tịch. Ở đó, qua thiền định, tâm hồn ta sẽ yên tĩnh êm đềm, ta sẽ có hạnh phúc. Nhưng hoa sen không nảy nở và phát triển ngay giữa đám hoa đồng cỏ nội sao? không ai có vợ con mà vẫn đạt đến trí tuệ siêu việt sao? Những ngài chứng đắc vô thượng bồ đề trước ta đều trải qua nhiều năm kết duyên với phụ nữ. Và đến lúc từ giã họ để được niềm an vui của thiền định thì việc ra đi là nguồn hỷ lạc to lớn hơn. Ta sẽ theo gương các ngài"

Hoàng tử chỉ nghĩ đến những phẩm hạnh mà chàng đánh giá là cao nhất ở một phụ nữ. Ðến ngày thứ bảy, chàng đến gặp phụ vương và tâu rằng:

"Tâu phụ vương, người mà con sẽ kết hôn phải là một phụ nữ tài đức hiếm có. Nếu phụ vương thấy ai có tài năng thiên phú theo con kể thì phụ vương có thể cưới người ấy cho con!

Chàng tâu:

"Con sẽ kết hôn với cô nào đang độ thanh xuân và đẹp như hoa; nhưng nét trẻ đẹp của cô ấy không làm cho cô ấy vô dụng và kiêu ngạo. Con sẽ kết hôn với ai có tình thương yêu âu yếm của một người chị và một người mẹ đối với tất cả chúng sanh. Nàng sẽ ngọt ngào chân thật và không biết đố kỵ. Nàng sẽ không bao giờ nghĩ đến ai ngoài chồng ngay cả trong mơ. Nàng sẽ không bao giờ nói lời kiêu căng ngạo mạn. Nàng sẽ khiêm tốn. Nàng sẽ hiền hòa nhẫn nhục như một kẻ nô lệ. Nàng sẽ không tham lam tài vật của kẻ khác. Nàng sẽ không có những đòi hỏi vô ý thức. Nàng sẽ hài lòng với số phận của nàng. Nàng sẽ mặc nhiên với rượu ngon kẹo ngọt. Nàng sẽ dửng dưng với âm nhạc phấn hương. Nàng sẽ lạnh nhạt với tiệc tùng ca vũ. Nàng sẽ mến thương thị vệ của con và thị nữ của nàng. Nàng sẽ đi ngủ sau cùng và dậy trước hơn ai. Con sẽ kết hôn với cô nào thanh tịnh thân khẩu ý."

Chàng tiếp:

"Tâu phụ vương, nếu phụ vương biết cô nào có đủ những đức hạnh đó, xin phụ vương cưới cô ấy cho con."

Vua triệu vị đạo sĩ hoàng gia đến và kể tất cả những đức tính của người phụ nữ mà hoàng tử muốn kết hôn, ngài phán:

"Này đạo sĩ Ba-la-môn, hãy đi đi! hãy viếng hết mọi nhà ở Ca-tỳ-la-vệ; hãy thăm dò các cô thanh nữ. Nếu ngài thấy ai có đức hạnh cần thiết như thế thì đưa đến gặp hoàng tử dù cho hắn thuộc giai cấp bần cùng. Con ta không tìm người giàu sang đẳng cấp mà tìm người đức hạnh vẹn toàn."

Ðạo sĩ đi khắp kinh thành Ca-tỳ-la-vệ, nhà ai người cũng vào, gặp cô nào người cũng dò hỏi một cách khéo léo nhưng chả tìm đâu ra một người tương xứng với hoàng tử Tất-đạt-đa. Cuối cùng, người đến nhà của Thiện-giác (Dandapani) thuộc dòng tộc Thích-Ca, và thấy Da-du (Gopa), ái nữ của Thiện-giác, là đạo sĩ hoan hỷ liền. Nàng xinh xắn, thùy mị. Vừa trao đổi với nàng vài lời là đạo sĩ không còn gì phải nghi ngờ nữa.

Ðạo sĩ trở về tâu vua Tịnh-Phạn:

"Tâu bệ hạ, bần đạo đã tìm được một kiều nữ rất tương xứng với hoàng tử."

Vua hỏi: "Người thấy nàng ở đâu?"

Ðạo sĩ Bà-la-môn tâu: "Nàng là ái nữ dòng Thích-Ca của Thiện-giác."

Dù vua Tịnh-Phạn rất tín cẩn vị gia sư nhưng ngài vẫn cho vời Gia-du và Thiện-giác đến gấp. Ngài nghĩ: "Ngay cả những nhà thông thái nhất cũng có thể phạm phải lỗi lầm. Biết đâu đạo sĩ chẳng vì cảm tình thái quá với nàng. Ta phải tìm hiểu thêm ái nữ của Thiện-giác và cũng để xem ý con ta.

Vua truyền làm nhiều loại trang sức bằng châu báu và phái một sứ thần đi thông báo khắp thành Ca-tỳ-la-vệ rằng:

"Trong bảy ngày nữa, hoàng tử Tất-đạt-đa, con vua Tịnh-phạn, sẽ tặng phẩm vật cho các tiểu thư ở kinh thành. Vậy mong tất cả các vị có mặt tại hoàng cung vào ngày thứ bảy!"

Ðúng ngày ấn định, hoàng tử ngồi trên một ngai vàng trong đại điện của hoàng cung. Tất cả các tiểu thư ở kinh thành đều có mặt và sắp hàng trước hoàng tử. Chàng tặng mỗi cô một bảo vật, nhưng khi họ đến gần ngai vàng, vẻ đẹp kỳ diệu của chàng làm họ run sợ đến nỗi phải cúi đầu quay mặt. Họ vội đi không kịp nhận tặng phẩm. Một số cô vội quá nên vừa chạm mấy đầu ngón tay vào tặng phẩm là nó rơi ngay xuống sàn.

Da-du là người đến sau cùng. Nàng thản nhiên bước tới với đôi mắt tươi tỉnh tròn xoe. Hoàng tử không còn một tặng phẩm nào. Nàng tươi cười nói với chàng:

"Thưa hoàng tử, tiểu thiếp đã làm phiền hoàng tử chăng?"

Tất-đạt-đa đáp: "Qúi nương chả làm gì phiền ta cả."

"Thế sao hoàng tử xử tệ với tiểu thiếp?"

Chàng đáp: "Ta không xử tệ với quí nương. Quí nương là người đến sau cùng nên ta không còn ngọc để tặng."

Bỗng nhiên chàng nhớ trên tay đang đeo một chiếc nhẫn quí, chàng cởi ra và tặng nàng.

Không nhận nhẫn, nàng nói:

"Thưa hoàng tử, tiểu thiếp có thể nhận chiếc nhẫn này của hoàng tử sao?"

Hoàng tử đáp: "Nhẫn này của ta, quí nương hãy nhận lấy."

Nàng nói: "Không! tiểu thiếp không muốn tước đoạt bảo vật của hoàng tử. Ðúng hơn là tiểu thiếp tặng hoàng tử một bảo vật."

Nàng cáo từ.

Nghe được câu chuyện bất ngờ này, quốc vương rất lấy làm hoan hỷ.

Ngài nghĩ: "Chỉ có Da-du là có thể đối diện với con ta. Chỉ có Da-du là tương xứng với hoàng tử. Da-du không nhận chiếc nhẫn con cởi từ tay của con, hỡi con yêu quí của cha, Da-du sẽ là bảo vật của con đó."

Quốc vương cho vời phụ thân của Da-du đến hoàng cung, ngài nói:

"Thưa ngài, đã đến lúc hoàng tử Tất-đạt-đa của ta phải kết hôn. Ta tin là công chúa yêu quí của ngài đã hợp với ý con ta. Ngài có bằng lòng gả công chúa cho con ta chăng?"

Thiện-giác còn do dự không trả lời ngay, quốc vương lại hỏi:

"Ngài có bằng lòng gả công chúa cho con ta chăng?"

Thiện-giác đáp: "Thưa ngài, hoàng tử của ngài chỉ được dưỡng dục trong lộng lẫy cao sang; chưa bao giờ chàng ra ngoài cổng thành; khả năng vật chất và tinh thần của hoàng tử chưa được chứng tỏ. Như ngài đã biết, dòng tộc Thích-Ca chỉ gả con cho ai có đầy đủ tài năng, sức lực, dũng cảm và khôn ngoan. Làm sao ta có thể gả con cho hoàng tử, người mà cho đến giờ phút này vẫn còn tỏ ra ham mê lười biếng?"

Lời lẽ của Thiện-giác đã làm cho vua Tịnh-Phạn u uất. Ngài đòi gặp hoàng tử. Tất-đạt-đa đến ngay.

Chàng nói: "Tâu phụ vương, phụ vương trông buồn lắm! Có việc gì đã xảy ra?"

Quốc vương không làm sao kể lại cho chàng biết những điều mà Thiện-giác đã bộc lộ một cách thẳng thắn không e ngại. Ngài im lặng.

Hoàng tử lại tâu:

"Tâu phụ vương, phụ vương trông buồn lắm! Có việc gì đã xảy ra?"

"Ðừng hỏi ta", Tịnh-Phạn đáp.

"Tâu phụ vương, phụ vương buồn lắm! Có việc gì đã xảy ra?"

"Một vấn đề đau buồn, ta không muốn nói ra điều đó."

"Tâu phụ vương, xin phụ vương nói cho. Sự việc rõ ràng thì lúc nào cũng tốt đẹp."

Quốc vương cuối cùng quyết định thuật lại cuộc hội kiến với Thiện-giác. Kể xong, hoàng tử phì cười, tâu rằng:

"Tâu phụ vương, xin phụ vương đừng bận tâm. Phụ vương tin là có ai ở xứ Ca-tỳ-la-vệ này mà sức lực và trí tuệ siêu hơn con? Hãy triệu tập tất cả các tay quán quân về bất cứ lãnh vực nào, cho họ so tài với con và chừng đó phụ vương sẽ thấy rõ khả năng của con."

Yên tâm, vua hạ lệnh thông báo khắp thành:

"Trong bảy ngày nữa, hoàng tử Tất-đạt-đa sẽ so tài với tất cả những ai điêu luyện về bất cứ lãnh vực nào."

Ðến ngày ấn định, tất cả những người tài ba lỗi lạc về các lãnh vực nghệ thuật, khoa học đều có mặt tại hoàng cung. Thiện-giác cũng có mặt tại đó và hứa gả công chúa cho ai thắng cuộc dù người đó thuộc dòng quí tộc hay thường dân.

Ðầu tiên là một thanh niên nắm vững các qui luật tác văn ra thách thức với hoàng tử, nhưng đại sĩ Tỳ-xa-bà-mật-đa-la bước ra trước công chúng nói:

"Này cậu, đừng so tài vô ích. Cậu bại rồi. Hoàng tử đã được ta chăm sóc từ bé. Ta đã dạy hoàng tử nghệ thuật tác văn. Nhưng hoàng tử đã am tường 64 thể văn tự! Hoàng tử đã thấu hiểu các tự thể mà ta chưa hề nghe nói đến tên!"

Qua lời xác quyết của Tỳ-xa-bà-mật-đa-la, hoàng tử đã thắng trong cuộc so tài nghệ thuật tác văn.

Rồi để thử xem kiến thức toán học của hoàng tử, họ cho Ác-giu-na (Arjuna), dòng Thích-Ca, người đã chuẩn bị thời gian giải được những bài toán hiểm hóc nhất làm giám khảo cuộc thi.

Một thanh niên được coi là tay toán học cự phách, nhưng Tất-đạt-đa chỉ hỏi một câu là anh ta không đáp được.

Hoàng tử nói: "Ðó là bài toán dễ. Ðây là bài toán dễ hơn và ai có thể giải được?"

Không ai giải được bài toán thứ hai.

Hoàng tử nói: "Giờ thì đến lượt các bạn hỏi ta."

Họ hỏi chàng những bài toán xem ra khó thật nhưng hoàng tử đã giải đáp ngay trước khi họ ra xong đề.

Quần chúng la lên tứ phía: "Hãy để cho Ác-giu-na thử hoàng tử!"

Ác-giu-na ra những bài toán khó nhất nhưng không lần nào Tất-đạt-đa không đáp đúng.

Tất cả mọi người đều sững sờ ngạc nhiên về kiến thức toán học của hoàng tử và cho rằng tài trí của hoàng tử đã đạt đến ngọn nguồn của các ngành khoa học. Họ quyết định thử tài điền kinh của chàng nhưng hoàng tử chả cần phải dụng sức cũng đủ thắng cuộc đua chạy nhảy, và đến lượt đô vật thì hoàng tử chỉ để nhẹ một ngón tay là đối thủ lăn quay xuống đất.

Họ mang cung ra, những tay cũng lỗi lạc đã bắn tên trúng vào các tiêu điểm xa tít. Ðến lược hoàng tử bắn, thể lực của chàng khỏe đến nỗi chàng lên giây cung nào là gãy cung đó. Rốt cuộc, vua phái vệ binh đem ra một cây cung rất xưa, rất quí được tàng trữ trong đền, và theo họ thì xưa nay chưa có ai lên giây hoặc nhấc nổi nó. Tất-đạt-đa tay trái cầm cung và lên giây chỉ bằng một ngón tay phải. Chàng nhắm đích một thân cây xa đến nỗi chỉ một mình chàng thấy. Mũi tên xuyên qua thân cây, cắm xuống đất và biến mất. Mũi tên đã đi vào lòng đất, tạo thành một cái giếng gọi là giếng tên.

Mọi việc hình như tạm kết thúc, họ dẫn đến một thớt voi trắng khổng lồ cho người thắng cuộc hãnh diện ngồi trên lưng voi diễn qua kinh thành Ca-tỳ-la-vệ. Nhưng một công tử dòng Thích-Ca, tên Ðề-bà-đạt-đa (Devadatta), rất tự hào về sức lực của mình, tóm lấy thân voi, đấm chơi một cú, thế là con voi khổng lồ lăn đùng xuống đất.

Hoàng tử nhìn cậu thanh niên bằng ánh mắt khiển trách, nói:

"Ðề-bà-đạt-đa, cậu đã làm một việc quái ác."

Chàng lấy chân đụng con voi, nó đứng lên và sụp lạy trước chàng.

Mọi người lên tiếng hoan hô cuộc thắng vinh quang của hoàng tử. Tịnh-Phạn vương vô cùng sung sướng. Thiện-giác cũng hân hoan đến tràn nước mắt tuyên bố:

"Da-du, Da-du yêu quí của cha, hãy hãnh diện là vợ của một người như thế."

VIII- TẤT-ÐẠT-ÐA SỐNG ÐỜI KHOÁI LẠC

Hoàng tử Tất-đạt-đa sống êm đềm hạnh phúc với công chúa. Tình thương của vua đối với hoàng tử giờ đây gần như đến mực tôn thờ. Ngài hết lòng chăm sóc hoàng tử, không để hoàng tử trông thấy bất cứ điều gì ưu phiền. Ngài xây cho hoàng tử ba cung điện nguy nga: một cho mùa đông, một cho mùa hè và một cho mùa mưa; và cấm chàng không được rời khỏi ba cung điện này.

Bên trong cung điện trắng tinh như mây mùa thu và sáng rực như những cỗ xe trời của thiên thần thánh mẫu; hoàng tử đã tận hưởng hương vị của lạc thú trần gian. Chàng đã sống một cuộc đời khoái lạc. Chàng đã trải qua hàng giờ mê mải lắng nghe công chúa và thị nữ của nàng tấu nhạc. Chàng đã thích thú ngắm nhìn các vũ công tươi vui xinh đẹp trình diễn trống vàng, đu đưa uốn éo, duyên dáng yêu kiều mà ngay cả tiên nữ cũng khó bề diễn xuất.

Các cô lén nhìn chàng bằng ánh mắt mạnh dạn dâng hiến hoặc ranh mảnh khẩn cầu, những hàng mi lim dim đờ đẫn của họ là cả một sự hứa hẹn ngây ngất không tả nên lời. Các trò giải trí và sức quyến rủ của họ đã làm cho chàng say mê đắm đuối, hài lòng an hưởng trong những cung điện mà lúc nào cũng vang vọng giọng hát tiếng cười. Chàng chả biết gì về cảnh già nua, bịnh tật và chết chóc cả.

Tịnh-Phạn rất hoan hỷ về cuộc sống của hoàng tử mặc dù ngài rất khắt khe phán xét phẩm hạnh của mình. Ngài cố giữ cho tâm hồn mình được trong sạch. Ngài tránh làm điều ác. Ngài cấp phát rộng rãi phẩm vật cho những ai có đức hạnh. Ngài không bao giờ buông xuôi lười biếng hay chạy theo thú vui. Ngài không bao giờ bị thiêu đốt bỡi độc tố tham dục. Ngài đã chế ngự lòng ham muốn như ngựa hoang bị bắt phải kéo cày. Nhờ đức hạnh mà ngài đã được lòng bà con thân hữu. Ngài đã đem kiến thức học hỏi ra phục vụ nhân dân. Ngài chỉ nghiên tầm những gì có ích cho tất cả chúng sanh. Ngài không những tìm hạnh phúc cho dòng tộc riêng tư mà còn muốn đem hạnh phúc đến cho cả thế giới. Ngài đã tắm gội thân thể bằng nước ao thiêng liêng, gạn lọc tâm tư bằng nước thánh đức hạnh. Ngài không bao giờ nói lời đùa bỡn vu khoát. Ngài luôn luôn nói thật nhưng không bao giờ gây xúc phạm đau buồn. Ngài cố tạo công bình, và chính nhờ đạo đức chứ không phải sức mạnh mà ngài đã đánh bại lòng kiêu hãnh của kẻ thù. Ngài không bao giờ đánh đập, ngay cả cái nhìn giận dữ với tù nhân đáng tội tử hình ngài cũng không bao giờ có. Ngài chỉ khuyên nhủ họ và cho họ tự do.

Hoàng thượng là tấm gương sáng cho thần dân noi theo và Ca-tỳ-la-vệ là xứ hạnh phúc và đạo đức nhất trong các vương quốc.

Da-du xinh đẹp đã sinh cho hoàng tử một trai và lấy tên là La-hầu-la (Rahula). Vua Tịnh-Phạn sung sướng thấy gia đình mình phát đạt, hãnh diện có cháu nội như đã hãnh diện thấy hoàng tử ra đời.

Quốc vương vẫn tiếp tục con đường đạo đức. Ngài sống và sinh hoạt thánh thiện như một đạo sĩ nhưng ngài vẫn đưa đẩy con trai yêu quí của mình đến những lạc thú mới lạ. Ngài rất lo sợ thấy hoàng tử từ bỏ hoàng thành để rồi tìm nơi ẩn cư kham khổ trong chốn rừng thiêng.

IX- BA LẦN CHỨNG KIẾN

Một hôm, có người nói trước mặt hoàng tử là cỏ xanh mơn mởn đã dàn trải khắp công viên, chim chóc đón xuân rộn rã cành cây, sen nở tưng bừng khắp các mặt hồ. Thiên nhiên đã bẻ gãy những xiềng xích ảm đạm của mùa đông; và, các cô thanh nữ giờ đây nhởn nhơ thưởng ngoạn trong các hoa viên tươi thắm quanh thành. Thế là, như một thớt voi bị giam giữ lâu ngày trong chuồng, hoàng tử dứt khoát rời khỏi hoàng cung.

Vua biết điều ước nguyện của hoàng tử nhưng không có cách nào ngăn cản.

Ngài suy nghĩ: "Nhưng ta sẽ không cho Tất-đạt-đa nhìn thấy bất cứ điều gì có thể làm đảo lộn tâm hồn trong trắng của chàng. Con ta sẽ không bao giờ được nghi ngờ là trên đời này có những điều xấu xa đau khổ. Ta sẽ truyền lệnh không cho những kẻ hành khất hay đau yếu tật nguyền lang thang khốn đốn trên đường."

Kinh thành phải được trang hoàng cờ hoa rực rỡ; một cổ xe lộng lẫy đã được chuẩn bị để hoàng tử du ngoạn; và, không một kẻ tàn tật, già nua, hành khất nào được phép lảng vảng trên phố chàng qua.

Ðến giờ du ngoạn, vua cho triệu hoàng tử đến, ngài ôm hôn trán con với hai hàng nước mắt ròng ròng; ngài âu yếm nhìn con và nói: "Ði đi con!" chấp thuận cho con du ngoạn nhưng trong lòng ngài lại nghĩ khác.

Cổ xe chở hoàng tử được làm bằng vàng do một phu xe cầm cương vàng điều khiển bốn con ngựa mặc giáp vàng kéo. Chỉ những ai đẹp đẽ, trẻ trung, sang trọng mới được phép xuất hiện trên đường phố. Họ dừng lại để ngắm chàng qua và ca ngợi chàng đủ cách. Số thì ca ngợi chàng có ánh mắt hiền hòa, số thì tán thán chàng có đường đường phong cách, số thì xưng dương chàng có vẻ đẹp tuyệt vời, số thì hết lời với chàng về sinh lực sung mãn... Họ cuối đầu thi lễ hoàng tử như những lá cờ nhấp nhô phất phới trước mặt tượng thần.

Nghe tiếng bàn tán vui vẻ ngoài phố, các cô phụ nữ trong nhà thức dậy, bỏ dãi công việc gia đình, chạy vội đến các cửa sổ hay leo thẳng lên sân thượng. Họ đua nhau ngắm chàng bằng ánh mắt tôn vinh thán phục và nói nhỏ với nhau: "Làm vợ một người như thế thì hạnh phúc biết bao!"

Nhìn vẻ huy hoàng rực rỡ của kinh thành, vẻ giàu sang sung túc của dân chúng, vẻ đẹp đẽ yêu kiều của phụ nữ, hoàng tử cảm thấy một niềm vui mới lạ tràn ngập tâm hồn.

Nhưng rồi có một cụ già chống gậy xuất hiện, người ngợm rách rưới lụ khụ, gân suốc bày ra cùng mình, miệng răng lắp bắp, da thịt nhăn nheo, trên đầu loe hoe vài sợi tóc bạc nhớp nhúa, hai mắt đỏ ngầu không có lông mi, đầu cổ tay chân đều bị phong giật.

Thấy lão khác với mọi người chung quanh, hoàng tử nhìn lão bằng ánh mắt đau buồn và hỏi người xà ích:

"Lão già tóc bạc, thân thể co quắp kia là ai? Sao lão lại tì hai tay xương xẩu của lão vào một khúc cây, hai mắt lão mờ đục, tay chân lão run rẩy, lão là quái vật ư? Thiên nhiên đã hủy hoại lão như thế hay đó là việc ruổi ro.!"

Người xà ích lẽ ra không được trả lời nhưng anh bỗng dưng rối loạn tâm trí, không biết lỗi lầm, anh đáp:

"Cái tàn phá sắc đẹp, tiêu hao sinh lực, gây khổ đau, hoại lạc thú, giảm trí nhớ, diệt cảm giác, đó là cái già. Nó đã tóm lấy lão, bẻ gãy lão. Lão cũng một thời là em bé say sưa trên vú mẹ; cũng một thời bò chơi lổm ngổm trên sàn nhà; rồi lớn lên, khỏe mạnh, trẻ đẹp; rồi đến bóng chiều xế hoàng hôn của tuổi tác; và bây giờ, hoàng tử nhìn lão xem, sức tàn hại chính là cái già."

Bị xúc động mãnh liệt, hoàng tử hỏi:

"Số phận của ta cũng sẽ như thế sao?"

Người xà ích đáp:

"Tâu hoàng tử, một ngày nào đó tuổi xuân cũng sẽ giã từ hoàng tử, và cái già chắc chắn sẽ mang khổ đau đến cho hoàng tử. Thời gian sẽ làm hao mòn sinh lực và cướp mất vẻ đẹp của chúng ta."

Giật mình như con bò mộng nghe sét đánh, hoàng tử lắc đầu, thở phào. Ðảo mắt nhìn từ lão già bất hạnh đến quần chúng tươi vui, chàng thốt ra những lời nghiêm trọng:

"Cái già làm hại trí nhớ, sắc đẹp và sinh lực con người như thế mà nhân loại vẫn chưa khiếp sợ! Xà ích, hãy quay ngưạ, chúng ta về. Làm sao ta có thể vui thú trong hoa viên khi mắt ta chỉ nhìn thấy cái già, tâm ta chỉ nghĩ đến cái già?"

Hoàng tử trở về hoàng cung nhưng chàng không tìm đâu ra sự an lành. Chàng lang thang qua các cung điện với tâm tư khắc khoải u buồn, chàng lẩm bẩm: "Cái già! Ồ, cái gìa!"

Tuy nhiên, hoàng tử quyết định du ngoạn một lần nữa.

Lần này, Tất-đạt-đa thấy một người bịnh gớm guốc đứng lù lù giữa đường, chàng chăm chăm nhìn người bịnh và hỏi xà ích:

"Ngừơi bụng phình to kia là ai? Hai tay hắn khô đét buông thỏng, thân hình tái nhợt, Miệng mồm thều thào thê thảm. Hắn thoi thóp; xem kìa! hắn lảo đảo chen lấn với người qua đường; hắn té kìa! Xà ích, xà ích, người ấy là ai?"

Người xà ích đáp:

"Tâu hoàng tử, người đó đang bị tật bịnh dày vò đau đớn. Hắn mắc bịnh hiểm nghèo. Hắn là hiện thân của sự suy nhược. Hắn cũng một thời khỏe mạnh cường tráng!"

Hoàng tử nhìn hắn với lòng thương hại, chàng hỏi người xà ích:

"Nỗi đau khổ này đặc biệt dành riêng cho người ấy hay tất cả chúng sanh đều bị bịnh tật hành hạ?"

Người xà ích đáp:

"Chúng ta cũng có thể bị khốn khổ như thế. Tật bịnh đe dọa khắp hoàn cầu."

Nghe sự thật đau đớn này, hoàng tử rùng mình như ánh trăng lung linh phản chiếu trên mặt sóng đại dương. Chàng thốt lên những lời xót xa cay đắng:

"Nhân loại thấy khổ đau bịnh tật nhưng không bao giờ đánh mất lòng tự phụ! Ồ, kiến thức của họ cao siêu biết bao! Họ thường xuyên bị tật bịnh khống chế nhưng vẫn nói cười vui vẻ! Xà ích, hãy quay ngựa. Cuộc du ngoạn thú vị của chúng ta đã kết thúc. Chúng ta hãy về hoàng cung đi thôi. Ta đã biết lo sợ bịnh tật. Ta muốn tránh xa lạc thú, tâm hồn ta giờ đây đã khép kín như đóa hoa thiếu ánh sáng mặt trời."

Hoàng tử trở về hoàng cung với tâm tư gói niềm đau đớn.

Nhận ra vẻ u buồn của con, vua Tịnh-Phạn hỏi sao hoàng tử không du ngoạn nữa, người xà ích kể lại những gì đã xảy ra. Vua đau buồn; ngài tự thấy người con yêu quí nhất đời của ngài đã bỏ ngài. Mất hẳn tính điềm đạm sẵn có, ngài lên tiếng giận dữ trừng phạt kẻ có bổn phận làm sạch đường phố, nhưng vì bản chất hiền hòa của vua nên lệnh phạt được ân giảm. Người có trách nhiệm làm sạch đường phố cũng ngạc nhiên thấy mình bị phạt, vì anh không thấy lão già người bịnh nào cả.

Lo lắng hơn bao giờ hết, vua không biết làm sao ngăn ngừa hoàng tử khỏi từ bỏ hoàng cung. Ngài đem đến cho hoàng tử nhiều lạc thú hy hữu, nhưng hình như không có gì làm xiêu lòng Tất-đạt-đa. Vua nghĩ: "Ta sẽ đưa hoàng tử du ngoạn một lần nữa xem sao! Có lẽ con ta sẽ lấy lại niềm vui đã mất."

Ngài nghiêm cấm tất cả những kẻ tật nguyền, đau yếu, già nua ra phố. Ngài còn thay luôn người xà ích của hoàng tử. Ngài cảm thấy chắc chắn là lần này sẽ không có gì làm đảo lộn tâm hồn của Tất-đạt-đa.

Nhưng lần này chàng lại thấy cảnh bốn người khiêng một xác chết với nhiều người khác theo sau khóc than thảm thiết. Chỉ có hoàng tử và người xà ích là thấy cảnh thê lương đó.

Hoàng tử hỏi:

"Bốn người kia đang khiêng ai lại có kẻ mặc đồ đen theo sau khóc than thê thảm thế?"

Người xà ích lẽ ra phải giữ niềm an tịnh cho hoàng tử, nhưng một sức mạnh nào đó buộc anh phải trả lời:

"Tâu hoàng tử, người ấy không còn trí khôn, cảm giác hay hơi thở nữa. Hắn ngủ vùi vô tri vô thức như cỏ cây gỗ đá. Khoái lạc và khổ đau đối với hắn giờ đây trở thành vô nghĩa. Bạn cũng như thù, tất cả đã vĩnh biệt hắn."

Hoàng tử hoảng hốt hỏi: "Ðây là trường hợp đặc biệt cho người ấy hay chung cuộc như thế đang chờ đón tất cả chúng sanh?"

Người xà ích đáp: "Chung cuộc như thế đang chờ đón tất cả chúng sanh. Mọi người sống trên đời, dù sang hay hèn, tất yếu đều phải chết."

Hoàng tử Tất-đạt-đa giờ đây mới hiểu cái chết là gì. Thay vì bình tĩnh, chàng rùng mình. Chàng phải tựa vào cổ xe và thốt lên những lời u buồn chua xót:

"Vận số đưa đẩy cái chết đến với tất cả chúng sanh như thế mà loài người vẫn không sợ, vẫn tự mua vui trong muôn ngàn cách khác nhau! Cái chết sắp đến nơi mà con người vẫn thênh thanh trên đường nhân thế với lời ca khúc nhạc trên môi. Ồ, ta nghĩ tâm hồn của loài người đã biến thành chai đá! Xà ích, hãy quay ngựa, đây không phải là lúc nhởn nhơ du hý qua các hoa viên. Làm sao một người nhạy cảm, biết rõ cái chết, lại có thể tìm kiếm thú vui trong giờ phút thống khố?"

Nhưng người xà ích vẫn theo lệnh vua, tiếp tục đưa hoàng tử đến hoa viên, và cũng theo lệnh của Tịnh-Phạn, Ưu-đà-di (Udayin), con trai của vị đạo sĩ hoàng triều và là bạn thân của Tất-đạt-đa từ nhỏ, đã tập hợp nhiều mỹ nữ có tài ca múa xướng hát và nghệ thuật làm tình tại đó.

X- DA-DU NẰM MỘNG

Cỗ xe chở hoàng tử tiến vào hoa viên. Hoa nở tưng bừng trên các cành lá sum suê mơn mởn. Từng đàn chim tung cánh bay lượn nhởn nhơ như thể say sưa ngây ngất giữa bầu trời trong sáng êm đềm. Và, những cánh hoa sen đã nở bừng trọn vẹn, đu đưa uống trọn bầu không khí mát lành trên mặt hồ ao.

Tất-đạt-đa miễn cưỡng đến hoa viên như một đạo sĩ non trẻ mới phát lòng thệ nguyện, còn sợ sức cám dỗ lôi cuốn lên thiên cung, cảnh giới của những tiên nữ yêu kiều thường vũ ca xướng hát. Các mỹ nữ hiếu kỳ cùng nhau kéo đến như thể đón chào một tráng sĩ hôn phu. Mắt họ sáng lên niềm thán phục với những cánh tay vươn dài như bông hoa rực rỡ dâng hiến Tất-đạt-đa. Họ nghĩ: "Ðây đích thị là thần Tình-ái (Kama) giáng thế." Nhưng vì e thẹn trước mặt hoàng tử nên họ chẳng dám nói cười.

Ưu-đà-di gọi những kẻ bạo dạn xinh đẹp nhất đến nói:

"Tại sao hôm nay các ngươi làm ta hỏng việc? Các ngươi là những người được ta tuyển chọn để thu hút hoàng tử, bạn ta kia mà? Việc gì các ngươi phải rụt rè e thẹn như trẻ con thế? Vẻ đẹp, nét hấp dẫn và tính bạo dạn của các ngươi có thể làm xiêu lòng ngay cả một phụ nữ nữa kìa, thế mà các ngươi lại run sợ trước mặt một thanh niên! Các ngươi làm ta bực mình. Ði, đứng dậy! hãy sử dụng sức quyến rũ hấp dẫn của các ngươi! Hãy làm cho hoàng tử say mê yêu mến!"

Một trong những mỹ nữ thưa lớn:

"Thưa ngài, hoàng tử làm chúng em sợ, vẻ huy hoàng đường bệ của hoàng tử làm chúng em sợ."

Ưu-đà-di đáp: "Ừa! đường bệ cao quí như thế nhưng các ngươi không có gì phải sợ; sức mạnh của phụ nữ kỳ diệu lắm! Hãy cố gợi cho hoàng tử nhớ lại hình bóng của các ngươi năm xưa đã đón chào hoàng tử bằng những ánh mắt kính yêu triều mến. Ðạo sĩ Vi-a-xa (Vyasa) xưa kia đã từng được thiên thần tôn kính cũng bị Ái-mỹ (Belle), một ả làng chơi ở Ba-la-nại (Benares) đá nhưng vẫn cảm thấy hài lòng. Man-tha-la-gô-ta-ma (Manthalagotama) nổi tiếng là một đạo sĩ khổ hạnh lâu năm cũng trở thành kẻ giúp việc cho một trưởng đoàn âm công để được lòng Lệ-hà (Jangha), một thiếu phụ giang hồ thuộc giai cấp cùng đinh. Kiều-da (Santa) đã khéo léo chinh phục Ri-si-a-rin-ga (Rishyasringa) một trí giả chưa bao giờ quen biết phụ nữ. Còn Vis-va-mi-tra (Visvamitra), nhà đạo hạnh sáng chói, một hôm trong rừng, cũng bị mê mệt vì sức cám dỗ của tiên nữ Gờ-ri-ta-ki (Ghritaki). Và, ta có thể kể thêm nhiều trường hợp bị điêu đứng vì phụ nữ như các người. Này các mỹ nữ! hãy đi đi, không có gì phải sợ hoàng tử cả. Hãy tươi cười đon đả với chàng, và thế là chàng sẽ say mê đắm đuối các ngươi. "

Lời lẽ của Ưu-đà-di đã khích lệ được các mỹ nữ. Chúng cười vui nhí nhảnh, liếc mắt đưa tình, dần dần tạo thành một vòng tròn vây quanh hoàng tử.

Chúng dùng đủ trò khêu gợi để gần gũi Tất-đạt-đa, để lân la va chạm hay để trộm tìm một cảm giác vuốt ve. Có ả giả vờ vấp té để được bám vào giây lưng của chàng. Có ả đến gần rồi lén nói nhỏ vào tai chàng: "Tâu hoàng tử, xin lắng nghe điều bí mật của em". Có ả giả vờ chuếnh choáng, từ từ cởi miếng vải xanh che ngực, đến tựa lưng chàng. Có ả từ trên một cành xoài nhảy xuống, cười ha hả, cố chận không cho chàng qua. Nhưng có ả lại tặng chàng một hoa sen. Có ả lại cất tiếng hát:

Xem này!
Hỡi người yêu quí của em ơi,
Từng cánh hoa xinh trải khắp cây,
Hương hoa thoang thoảng quyện đâu đây,
Chim reo vui nhộn vang cành lá,
Như trong lồng vàng hót ngất ngây.
Từng cánh ong vờn hoa nhởn nhơ,
Ðê mê hút trọn nhụy hoa mơ,
Kìa những giây leo ôm cổ thụ,
Vươn gió hờn ghen động phất phơ.
Giữa cánh rừng xanh đẹp ý thơ,
Ơi hồ nước bạc lặng như tờ,
Như nụ cười tình duyên thiếu phụ,
Mừng đón trăng về thỏa ước mơ. "

Nhưng hoàng tử không thể hoan hỷ vui chơi, chàng đang đau khổ. Chàng đang suy tư về cái chết.

Chàng nghĩ: "Không ai thấy tuổi trẻ của các mỹ nữ này đang trôi qua và cái già sẽ đến cướp mất vẻ đẹp thanh xuân của họ! Họ không thấy nạn đe dọa của bịnh tật dù nó đã trở thành chúa tể của trần gian! Họ không biết gì về cái chết, cái chết thúc bách, cái chết làm hủy hoại mọi thứ! Vì thế mà họ có thể vui cười thoải mái!"

Cố ngăn chận dòng tư tưởng của Tất-đạt-đa, Ưu-đà-di nói: "Sao hoàng tử thờ ơ lạnh nhạt với các mỹ nữ thế? Có lẽ chúng không làm vui lòng hoàng tử chăng? Lạ thật! Xin hoàng tử niềm nở với chúng dù chỉ là vài lời vu vơ giả dối. Xin hoàng tử đừng làm chúng cảm thấy xấu hổ bị cự tuyệt. Sắc đẹp của hoàng tử chả có ích gì nếu hoàng tử không từ ái hân hoan? Hoàng tử sẽ như rừng núi trơ vơ không cỏ cây hoa lá."

Hoàng tử đáp: "Giả dối có ích gì? Tâng bốc có ích gì? ta không muốn lường gạt phụ nữ. Cái già và cái chết đang nằm chờ đón ta. Ưu-đà-di, đừng cố thuyết phục ta, đừng mời ta tham dự vào bất cứ một cuộc vui tầm thường nào cả. Ta đã thấy rõ cái già, cái bịnh và cái chết đang sờ sờ ra đó. Không có gì giờ đây có thể mang lại niềm an bình cho tâm trí ta. Bạn muốn ta chạy theo tình yêu ư? Con người sắt thép đã nhận diện cái chết lại còn tìm kiếm tình yêu sao? Hung thần độc ác đang đứng chờ tại cửa, hắn không còn kêu gào than khóc gì được nữa!"

Mặt trời đang từ từ khuất dạng. Các mỹ nữ cũng chấm dứt cuộc vui múa hát. Hoàng tử chả dòm ngó gì đến những vòng hoa trang sức và ngọc ngà châu báu của chúng. Cảm thấy son phấn mặn mà, vũ ca uyển chuyển của mình chả có ích gì, các ả từ từ lên đường trở về thành đô.

Về đến hoàng cung, vua Tịnh-Phạn nghe Ưu-đà-di tâu lại rằng hoàng tử đã tránh xa mọi lạc thú, và thế là quốc vương không sao ngủ được trọn đêm hôm đó.

Da-du đang chờ đợi hoàng tử. Chàng cố tình lánh nàng. Nàng cảm thấy xao xuyến trằn trọc cả đêm, đến khi vừa chợp mắt thì mơ thấy:

Cả trái đất và những ngọn núi cao chót vót đều đu đưa rung chuyển, rồi một cơn gió man rợ thổi lên, làm cây cối gãy đổ trốc gốc. Mặt trời, mặt trăng và các hành tinh đã lặn hẳn về phía bên kia trái đất. Nàng, Da-du, bị lột hết y phục và đồ trang sức, mất cả vành khăn công chúa, nàng trần truồng. Tóc nàng bị cắt sạch. Chiếc giường hôn lễ bị gãy nát. Y phục may thêu bằng ngọc ngà châu báu của hoàng tử cũng bị vung vãi tung tóe. Những vệt sáng xoẹt ngang qua bầu trời trên một kinh thành tối đen, và cả núi tu di đều chuyển động mãnh liệt.

Quá kinh hãi, Da-du thức dậy, chạy đến chồng kêu lớn:

"Hoàng tử yêu quí của em, hoàng tử ơi, có việc gì sẽ xảy đến? Em vừa nằm mơ thấy khủng khiếp! Em khóc òa sợ quá!"

Hoàng tử đáp: "Mơ thế nào cho anh biết."

Da-du thuật lại rõ ràng đầu đuôi giấc mơ, hoàng tử mỉm cười nói:

"Da-du em, hãy vui lên, hãy phấn khởi lên. Em mơ thấy trái đất rung chuyển ư? Thế là một ngày nào đó thiên thần phải đích thân đảnh lễ em. Em thấy mặt trăng, mặt trời lặn hẳn về phía bên kia trái đất? Vậy là chẳng bao lâu nữa em sẽ hàng phục được khổ đau tội ác, em sẽ được tán thán vô biên. Em thấy cây cối trốc gốc? Thế là em sẽ thấy đường ra khỏi núi rừng dục vọng. Tóc em bị cắt sạch? Vậy là em sẽ thoát khỏi mạng lưới tham dục, khỏi bị chúng vây bắt làm tù nhơn. Y phục và châu báu của anh bị vung vãi tung tóe? Thế là anh đang trên đường đi đến giải thoát. Những vệt sáng xoẹt ngang qua bầu trời trên một kinh thành tối đen? Thế là anh sẽ mang ánh sáng trí tuệ đến cho thế giới vô minh đen tối, và ai tin theo lời anh sẽ được an vui hạnh phúc. Da-du, hãy vui lên, đừng buồn nữa; em sẽ sớm được tôn vinh hy hữu. Da-du, ngủ đi, ngủ đi em. Em đã mơ thấy một giấc mơ tuyệt diệu.

XI - TẤT-ÐẠT-ÐA KHAO KHÁT VỀ NHỮNG SỰ THẬT CAO QUÍ

Tất-đạt-đa không còn tìm đâu ra cảnh êm đềm hạnh phúc. Chàng đi vội qua các lâu đài cung điện như một con sư tử bị mũi giáo độc. Chàng đau khổ vô cùng.

Một hôm, vì hết lòng mong muốn dạo ngắm những cánh đồng cỏ bao la xanh tươi mơn mởn, chàng rời khỏi hoàng cung, tản bộ qua một cánh đồng quê và trầm ngâm suy nghĩ:

"Loài người thật đáng xót thương. Suy nhược bịnh tật, già nua, chết chóc là điều hiển nhiên không thể tránh khỏi; vậy mà vẫn ôm ấp thói vô minh kiêu ngạo, khinh miệt những kẻ tật bịnh, già nua, chết chóc. Nếu như ta cũng khinh khi ruồng rẫy họ thì hóa ra ta bất công, không xứng đáng liễu ngộ giáo pháp tối thượng."

Trong khi miệt mài suy nghĩ về nỗi thống khổ của thế nhân, hoàng tử đã đánh mất cái ảo tưởng vô dụng về sinh lực, tuổi trẻ và cuộc đời. Chàng không còn hay biết gì về sự hoan lạc hay khổ đau, hoài nghi hay mệt mỏi, dục vọng hay yêu đương, hận thù hay khinh miệt.

Bỗng nhiên, chàng, và chỉ có chàng nhìn thấy một người tựa kẻ hành khất từ xa đi lại.

Hoàng tử hỏi: "Xin cho ta biết ngươi là ai?"

Ðạo sĩ đáp: "Một tráng sĩ. Vì sợ sinh tử nên ta đã trở thành một đạo sĩ khổ hạnh. Ta đang tìm sự giải thoát. Thế giới phải chịu sự hủy diệt. Ta không suy nghĩ như người khác. Ta lánh xa lạc thú. Ta không biết gì về tham dục. Ta tìm cảnh cô đơn. Có lúc ta ở dưới gốc cây, có khi ta sống trong núi sâu rừng rậm. Ta không có gì cả. Ta không mong gì cả. Ta lang thang đây đó, sống nhờ vào bá tánh thập phương, chỉ tìm ra sự an lạc tối thượng."

Tất-đạt-đa sung sướng. Thấy được vị thế của nghĩa vụ mình, chàng quyết định giã từ hoàng cung và làm một sa môn.

Trở về hoàng thành, gần đến cổng, hoàng tử đi ngang qua một thiếu nữ đang cúi đầu thi lễ chàng và thưa rằng: "Tâu hoàng tử cao quí, ai là hôn thê cửa hoàng tử hẳn phải biết niềm hạnh phúc tối thượng." Nghe giọng nàng nói, tâm hồn chàng tràn ngập niềm hạnh phúc êm đềm: ý nghĩ an vui hạnh phúc và cứu cánh niết bàn đã đến với chàng.

Ðến gặp phụ vương, hoàng tử cúi đầu thi lễ tâu:

"Tâu phụ vương, xin phụ vương chấp thuận lời thỉnh nguyện của con, xin đừng cự tuyệt, con đã quyết định. Con muốn từ giã hoàng cung. Con muốn lên đường giải thoát. Tâu phụ vương, con phải ra đi."

Bị xúc động tê tái, quốc vương nghẹn ngào rơi lệ nói với con:

"Con à, hãy bỏ ý định đó đi. Con còn trẻ lắm, chưa có thể đi theo tiếng gọi của tôn giáo đâu. Những ý nghĩ trong tuổi thanh xuân của chúng ta thường bất định, thay đổi. Ngoài ra, tuổi trẻ mà tu tập khổ hạnh là một lỗi lầm nghiêm trọng. Cảm quan của chúng ta luôn luôn khao khát về những lạc thú mới lạ. Những quyết tâm kiên cố nhất cũng chẳng ăn nhằm gì nếu ta biết cái giá của sự cố gắng. Thể xác của chúng ta lang thang trong rừng dục vọng nhưng tư tưởng của chúng ta không vướng mắc là được. Tuổi trẻ thiếu kinh nghiệm. Ðể cha xuất gia tu hành thì đúng hơn. Ðã đến lúc cho cha từ giã hoàng cung. Con ơi, cha thoái vị. Hãy thay thế cha mà giữ gìn xã tắc. Hãy cứng rắn, cam đảm; hoàng tộc đang cần con. Cha mong con hãy nếm đủ lạc thú của tuổi xuân và khoái lạc của những năm tháng sau này trước khi con vào rừng làm ẩn sĩ."

Hoàng tử tâu:

"Tâu phụ vương, xin phụ vương hứa cho con bốn điều thì con sẽ không từ giã hoàng cung để vào rừng"

"Bốn điều gì? quốc vương hỏi.

"Hứa là mạng sống của con sẽ không kết thúc bằng cái chết, bịnh tật sẽ không tàn hại sức khỏe của con, cái già sẽ không theo sau tuổi xuân của con, và tai họa sẽ không hủy diệt sự phồn vinh của con."

Quốc vương đáp: "Con đòi hỏi nhiều quá. Hãy bỏ ý định đó đi. Hành động theo tiếng gọi ngu xuẩn chả có ích gì đâu con."

Uy nghi như núi tu di, hoàng tử tâu:

"Tâu phụ vương, nếu phụ vương không thể hứa cho con bốn điều đó thì xin phụ vương đừng giữ con lại. Khi một người đang cố thoát khỏi căn nhà hực lửa thì chúng ta không nên ngăn cản họ. Ngày ấy đến thì tất yếu chúng ta phải giã biệt trần thế thôi, nhưng ra đi trong cưỡng bức thì có giá trị gì? Thiện chí ra đi thì tốt đẹp hơn. Cái chết sẽ lôi con ra ngoài trần thế trước khi con đạt đến mục tiêu, trước khi con thõa lòng nhiệt huyết. Thế gian là một ngục tù: làm sao con có thể giải thoát những chúng sanh tù nhân của dục vọng! Thế gian là một hố thẳm đầy dẫy những kẻ vô minh mù tối thất thểu lang thang: làm sao con có thể đốt lên ngọn đèn giác ngộ, con có thể lột bỏ tấm màn che mờ ánh sáng trí tuệ! Thế gian đã giương cao ngọn cờ mê vọng, ngọn cờ kiêu mạn: làm sao con có thể hạ nó xuống và xé nát tan tành! Thế gian nằm trong trạng thái nhiễu nhương rối loạn, thế gian là một vòng lửa khổng lồ: làm sao, với chánh cháp, con có thể mang hòa bình hạnh phúc đến cho nhân loại!"

Hoàng tử trở về cung điện với hai hàng nước mắt ròng ròng. Bạn hữu của Da-du đang vui cười ca hát trong đại sảnh đường. Chàng chả ngó ngàng gì đến họ. Thế rồi màn đêm buông xuống và họ cũng lặng lẽ kết thúc cuộc vui.

Họ lăn ra ngủ. Hoàng tử đứng ngắm họ.

Vẻ duyên dáng yêu kiều đầy dụng tâm của họ đã biến mất, những đôi mắt long lanh quyến rủ của họ cũng đi luôn. Ðầu tóc rối bù, miệng mồm há hốc, ngực vú lép xẹp, tay chân dang ra cứng đờ hoặc vặn vẹo thô kệch chồng gác lên nhau, hoàng tử cất tiếng than:

"Chết! Họ chết rồi! ta đang đứng trong một nghĩa địa!"

Rời khỏi cung điện, hoàng tử đi thẳng đến tàu ngựa của hoàng gia.

XII- TẤT-ÐẠT-ÐA GIÃ TỪ CUNG ÐIỆN CỦA PHỤ VƯƠNG

Hoàng tử gọi Xa-nặc (Chandaka), người xà ích nhanh nhẹn đến.

Chàng ra lệnh! "Xa-nặc, hãy đem ngựa kiền-trắc (Kanthaka) của ta đến ngay. Ta muốn lên đường tìm nguồn hạnh phúc bất diệt. Ta cảm thấy hân hoan sung sướng và không một sức mạnh phi thường nào giờ đây có thể ngăn cản được ý chí của ta. Ta đoan chắc rằng dù sống một mình ta vẫn có người che chở. Tất cả những dự kiện đó cho ta thấy là ta sắp đạt đến mục tiêu. Giờ khởi hành đã đến, đưa ta lên đường giải thoát đi thôi."

Nhớ lệnh vua, nhưng Xa-nặc cảm thấy có một sức mạnh siêu việt nào đó đang thôi thúc anh bất tuân mệnh lệnh. Anh đi tìm ngựa quí.

Kiền trắc là một con tuấn mã kỳ diệu; nó khỏe mạnh và hiền ngoan. Tất-đạt-đa lặng lẽ vuốt ve, âu yếm nói với nó:

"Hỡi tuấn mã yêu quí, nhiều lần phụ vương ta đã cỡi ngươi đánh bại biết bao kẻ thù gan góc giữa trận tiền. Hôm nay, ta ra đi tìm nguồn hạnh phúc tối thượng, hỡi kiền trắc! hãy giúp ta lên đường. Bạn bè khổ sướng bên nhau không phải khó tìm và chúng ta không bao giờ thiếu bạn khi chúng ta đi tìm giàu sang phú quí, nhưng một khi chúng ta dấn thân theo đường hướng thánh thiện thì bạn bè thân thích lại xa lánh ta. Tuy nhiên, ta tin chắc một điều là ai giúp kẻ khác làm thiện hay làm ác, người ấy sẽ gặt hái thành quả thiện ác tương xứng. Này kiền trắc, hãy biết rằng chính động cơ đạo hạnh thúc đẩy ta. Hãy dùng sức lực và vận tốc của ngươi giúp ta lên đường. Sự giải thoát của thế nhân và của chính ngươi là điều hiển nhiên chắc thật."

Hoàng tử nói với con kiền trắc như thể tâm sự với một người bạn. Chàng dũng mãnh lên yên ngựa và trông chàng như vầng thái dương trên một áng mây mùa thu bạc trắng.

Bầu trời đêm trong vắt. Con tuấn mã cẩn thận không gây tiếng động. Chưa có ai thức dậy ở hoàng cung hay ở kinh thành Ca-tỳ-la-vệ. Những thanh sắt nặng nề bảo vệ cổng thành tự động lặng lẽ mở ra cho hoàng tử đi qua, những cửa sắt mà một thớt voi khó khăn lắm mới nhấc chúng lên được.

Từ giã phụ vương, hài nhi và dân chúng, Tất-đạt-đa lên đường xa hẳn thành đô. Không còn gì ân hận, chàng quả quyết tuyên bố:

"Ta sẽ không trở về thành Ca-tỳ-la-vệ cho đến khi ta tìm ra cứu cánh của cuộc đời và cái chết.

XIII- ẨN SĨ TẤT-ÐẠT-ÐA

Con kiền-trắc dũng cảm chở hoàng tử đi được một đoạn xa. Cuối cùng, khi mặt trời sắp bắt đầu phá tan màn đêm, các vị hoàng gia tôn thất thấy chàng gần tới một cánh rừng có nhiều ẩn sĩ tâm thành cư ngụ. Hươu nai nằm ngủ êm đềm dưới những tàng cây. Chim chóc tha hồ nhởn nhơ bay lượn. Tất-đạt-đa cảm thấy tạm ổn, khỏi cần phải đi xa nữa. Chàng xuống ngựa, vuốt ve âu yếm con tuấn mã. Ánh mắt và giọng nói của chàng hiện rõ nét hân hoan sung sướng, chàng tâm sự với Xa-nặc:

"Quả thật con tuấn mã có sức lực và vận tốc của một thiên thần. Còn bạn, người bạn thâm tình quí mến đã hộ tống ta, đã cho ta thấy thiện cảm và lòng can trường của bạn cao quí biết chừng nao. Ðó là một nghĩa cử cao cả. Bạn đã làm ta hài lòng. Mấy ai tổng hợp được năng lực và lòng tận tụy như bạn, hiếm lắm! Bạn đã chứng tỏ là bạn quí của ta và không mong cầu ở ta một ân huệ gì. Nhưng vị tha vô ngã chính là yếu tố đưa người xích lại gần nhau. Ta tin chắc là bạn đã mang lại cho ta rất nhiều hạnh phúc. Giờ đây, mong bạn đưa giùm con tuấn mã này trở về hoàng thành. Ta đã tìm ra cánh rừng mà ta mong muốn."

Tráng sĩ Tất-đạt-đa cởi hết đồ châu báu và trao lại cho Xa-nặc.

Chàng nói: "Mong bạn cầm giùm xâu chuỗi này về trao lại cho phụ vương ta. Tâu với phụ vương ta là hãy tin tưởng vào ta và đừng buồn khổ gì cả. Ta vào rừng ẩn cư tu tập không phải vì thiếu tình cảm bạn bè hay vì kẻ thù gây hấn, cũng không phải vì ta tìm ra nơi an ổn tu hành với các chư thiên. Việc ra đi của ta có một ý nghĩa xứng đáng hơn, cao cả hơn. Ta sẽ diệt trừ cái già và cái chết. Vì thế cho nên, này Xa-nặc, đừng buồn rầu, đừng để cho phụ vương ta phải khổ đau. Ta từ giã hoàng gia là để nhổ sạch gốc rễ đau khổ. Ðau khổ bắt nguồn từ tham dục, và mỗi người là một tên nô lệ cho chính lòng tham dục của mình, thật đáng thương thay! Khi một người qua đời, những kẻ thừa kế sản nghiệp thì lúc nào cũng có, nhưng những kẻ kế thừa đức hạnh thì thật là hiếm hoi, hầu như không bao giờ có. Nếu phụ vương ta nói với bạn:"Nó vào rừng chưa đúng lúc" thì bạn sẽ đáp rằng mạng sống quả thật mong manh, còn việc tu tập đức hạnh thì không bao giờ có chuyện sớm trễ. Này bạn quí của ta, hãy tâu lại với phụ vương ta như thế. Hãy hết lòng giúp phụ vương ta chóng quên ta. Tâu giùm với phụ vương ta rằng ta chả có đức hạnh gì cả. Kẻ nào không đức hạnh, kẻ ấy không được người khác kính yêu; và ai chả bao giờ được người khác kính yêu, người ấy cũng chả bao giờ bị đau khổ. "

Nước mắt ràn rụa, Xa-nặc đáp:

"Ồ, những người yêu quí hoàng tử sẽ khóc than thương nhớ biết bao! Hoàng tử còn trẻ lắm, đẹp lắm, lâu đài cung điện của chư thiên phải là nhà cửa của hoàng tử, vậy mà hoàng tử nỡ sống trong rừng sâu, nỡ ngủ trên cỏ xót sao? Lão biết quyết định tàn nhẫn của hoàng tử rồi. Lão lẽ ra không tìm con tuấn mã kiền trắc, nhưng một năng lực siêu nhiên nào đó đã xúi giục lão, nên lão đã đem ngựa đến cho hoàng tử. Lão biết làm thế nào bây giờ? Ðau buồn giờ đây sẽ tìm đường dẫn lối vào thành Ca-tỳ-la-vệ. Tâu hoàng tử, phụ vương yêu quí hoàng tử biết bao, xin đừng bỏ phụ hoàng! Còn Ma-ha-ba-xà-ba-đề nữa? Mẫu hậu chưa có tình ngĩa gì với hoàng tử sao! Mẫu hậu là dưỡng mẫu của hoàng tử, xin đừng vô ơn bội nghĩa! Và không còn một phụ nữ nào khác vô vàn yêu quí hoàng tử à? Xin đừng bỏ Da-du trung hậu! Hãy giúp người dưỡng dục hài nhi để rồi mai kia con hoàng tử sẽ mang vinh quang đến cho hoàng tử!

Xa-nặc khóc sướt mướt. Tráng sĩ Tất-đạt-đa đứng lặng yên. Xa-nặc thưa tiếp:

"Hoàng tử sẽ vĩnh viễn giã từ hoàng gia! Ồ, nếu hoàng tử phải gây khổ đau cho hoàng tộc thì xin hoàng tử ít ra cũng thương tình lão, thương nỗi thống khổ của người mang tin buồn! Phụ hoàng sẽ nói gì với lão khi thấy lão trở về không thấy hoàng tử? Nhũ mẫu của hoàng tử sẽ nói gì với lão? Da-du sẽ nói gì với lão? Và khi lão đứng trước mặt phụ hoàng thì hoàng tử lại bảo lão phủ nhận đức hạnh của hoàng tử! Trời ơi! Lão biết làm sao bây giờ? Lão không thể nói láo, và dù cho lão phải nói thì ai có thể tin lão, ai là người tin rằng mặt trăng có những tia nắng gay gắt?"

Xa-nặc nắm tay tráng sĩ nói:

"Xin đừng ruồng bỏ chúng tôi! Hãy trở về! Ồ, hãy trở về!"

Tất- đạt-đa vẫn đứnglặng yên. Cuối cùng, chàng nghiêm giọng nói:

"Xa-nặc, chúng ta phải tạm biệt nhau thôi. Ðã đến lúc những ai bị dây yêu thương ràng buộc hẳn phải đi theo đường hướng riêng biệt của mình. Nếu vì tình yêu thương gia đình mà ta không nỡ ra đi thì dù gì chăng nữa cái chết cũng sẽ chia cách chúng ta. Giờ đây, ta là gì với nhũ mẫu ta? Và nhũ mẫu ta là gì với ta? Chim chóc tá túc qua đêm trên cùng một lùm cây, nhưng bình minh vừa ló dạng thì mỗi con một hướng, tứ tản khắp bốn phương trời. Có những cơn gió làm mây hợp lại và cũng có những cơn gió làm mây tan ra. Ta không thể sống trong một thế giới hoàn toàn ảo mộng nữa. Bạn à, chúng ta phải tạm biệt nhau thôi! Nói giùm với dân thành Ca-tỳ la- vệ là ta chưa làm gì đáng trách, bảo giùm với họ là hãy tạm quên ta, chẳng bao lâu nữa họ sẽ gặp lại ta, người chinh phục lão tử, trừ phi ta thất bại và chết thảm thương."

Con kiền-trắc le lưỡi liếm chân tráng sĩ Tất-đạt-đa. Chàng âu yếm vuốt ve con tuấn mã và nói với nó như tâm tình với một người bạn:

"Ðừng đau buồn than khóc. Ngươi đã chứng tỏ là một tuấn mã trung thành. Hãy nhẫn nại. Công việc nặng nhọc của ngươi gần đến lúc được thưởng rồi."

Ðoạn chàng lấy cây kiếm trên tay của Xa-nặc, cây kiếm sắc bén có cán khảm ngọc châu và cẩn vàng, chàng đưa một nhát cắt tiện mái tóc rồi quăng kiếm lên không trung, nó lóe sáng như một hành tinh mới lạ và biến mất.

Nhưng trên người tráng sĩ vẫn còn khoác chiếc cẩm bào sặc sỡ. Chàng đang cần một chiếc áo bình dị, phù hợp với cuộc đời ẩn sĩ hơn. Ngay lúc đó, có một thợ săn mặc chiếc áo vải thô màu ngà ngà xuất hiệt, Tất-đạt-đa nói với gã:

"Chiếc áo êm đềm bình dị của bạn trông giống như y phục của các vị ẩn sĩ, nó trái hẳn với cây cung tàn bạo của bạn. Cho ta đổi chiếc áo của ta cho bạn, nó sẽ phù hợp với bạn hơn."

Gã thợ săn nói: "Xin cảm ơn bộ y phục này, ta có thể đánh lừa được dã thú trong rừng. Chúng sẽ hết sợ ta, và ta có thể hạ chúng trong gang tấc. Thưa ngài, nếu ngài cần, ta bằng lòng đổi y phục của ta cho ngài."

Tất-đạt-đa sung sướng mặc bộ y phục bằng vải thô, màu ngà ngà của gã thợ săn, và gã thợ săn kính cẩn mặc bộ y phục của tráng sĩ rồi đi mất. Tất-đạt-đa vui mừng được bộ y phục của ẩn sĩ trong khi Xa-nặc đứng ngạc nhiên sững sờ.

Khoác bộ y phục màu ngà lên người, tráng sĩ thánh thiện lẫm liệt lên đường thẳng đến nơi ẩn cư. Chàng trông như núi tu di giữa những áng mây hoàng hôn phủ kín.

Và Xa-nặc, với cõi lòng đau buồn nặng trĩu, thất thểu lên đường trở lại kinh thành Ca-tỳ-la-vệ.

XIV- NỖI ÐAU BUỒN CỦA DA-DU VÀ VUA TỊNH-PHẠN

Da-du đã thức dậy trong đêm dày sâu thẳm. Một cảm giác bứt rứt khó chịu bao trùm lấy nàng. Nàng cất tiếng gọi hoàng tử Tất-đạt-đa yêu quí nhưng không ai đáp lại. Nàng đứng lên. Nàng chạy qua các cung điện của hoàng gia nhưng cũng không thấy chàng đâu cả. Hoảng hốt, nàng quay nhìn các thị nữ đang thiếp ngủ và buộc miệng than dài:

"Ồ, tàn nhẫn, tàn nhẫn! Các ngươi đã phản bội ta! Các ngươi đã để người yêu của ta đi mất!"

Các thị nữ thức dậy, chúng tìm khắp các phòng. Không còn gì nghi ngờ nữa: hoàng tử đã giã biệt hoàng cung rồi. Da-du lăn nhào xuống đất, đấm đầu, bứt tóc, bao nhiêu nét đau buồn thê thảm đều hiện rõ trên khuôn mặt nàng.

"Có lần hoàng tử nói với ta là hoàng tử sẽ ra đi, đi xa, hoàng tử là quốc vương của mọi người mà! Ta không bao giờ nghĩ cảnh chia ly tàn nhẫn lại xảy ra sớm thế. Ồ, hoàng tử yêu quí của em ơi, anh đi đâu? Anh đi đâu? Em không thể nào quên anh được. Em khổ lắm, khổ lắm! Anh ở đâu? Anh ở đâu? Anh đẹp lắm mà! Vẻ đẹp của anh không ai sánh bằng mà! Ðôi mắt của anh long lanh mà! Anh đẹp lắm mà! Anh yêu của em mà! Anh yêu quí của em mà! Anh không thấy hạnh phúc sao? Ồ, anh ơi, anh yêu quí của em ơi, anh nỡ bỏ em đi đâu vậy?"

Bạn bè thân thích của nàng cố khuyên giải nàng nhưng vô ích.

"Từ nay về sau ta chỉ ăn uống để cầm hơi, để đỡ đói khát. Ta sẽ ngủ trên sàn đất, bện tóc như ẩn sĩ. Ta sẽ không tắm nước hoa, ta sẽ chế ngự dục lạc. Vườn tược cằn cỗi, cây trái tiêu điều, hoa giăng úa tàn, bám đầy bụi đất. Cung điện vắng vẻ u buồn, không còn giọng hát êm đềm tươi sáng như ngày hôm qua."

Ma-ha-ba-xà-ba-đề được tin Tất-đạt-đa ra đi do một thị nữ của Da-du kể lại, bà vội đến gặp Da du, cả hai ôm nhau khóc nức nở.

Hay tin đau buồn, quốc vương Tịnh-Phạn hỏi nguyên do. Một cận thần đến nơi tìm hiểu và trở về báo rằng:

"Tâu bệ hạ, hoàng tử không còn ở hoàng cung nữa."

Quốc vương quát lên: "Hãy đóng chặt các cổng hoàng thành lại. Hãy tìm khắp các phố thị, hoa viên, nhà cửa thế nào cho ra con ta."

Mọi người răm rắp tuân hành mệnh lệnh của vua nhưng không tìm đâu ra hoàng tử. Quốc vương khóc rống lên:

"Con ơi, con yêu quí nhất đời của cha ơi! Quốc vương vừa nức nở vừa lăn nhào xuống đất bất tỉnh. Lát sau, nhờ mọi người chăm sóc, ngài hồi tỉnh ra lệnh:

"Các kỵ binh hãy đi khắp mọi hướng, tìm được con ta và đưa về đây gấp!"

Ngay lúc đó, Xa-nặc và tuấn mã kiền trắc đang từ rừng khổ hạnh chậm chạp trở về hoàng thành. Gần đến hoàng cung, cả người lẫn ngựa đều ngẩng đầu lộ vẻ đau buồn. Một số kỵ binh vừa trông thấy, họ reo lên:

"Xa-nặc đó! Kiền trắc đó!" họ vừa reo vừa phóng ngựa phi nước đại. Ðến nơi, thấy xa nặc mang đồ châu báu hoàng tử về, họ lo ngại hỏi:

"Hoàng tử đã bị ám sát rồi chăng?"

Xa-nặc nhanh nhẩu đáp: "Không, không. Hoàng tử bắt ta mang đồ châu báu này về trả lại cho hoàng gia. Hoàng tử đã khoác áo ẩn sĩ, đã vào rừng khổ hạnh tu tập với một số thánh nhân nào đó."

Các kỵ binh hỏi: "Ngài tin là chúng ta có thể đến gặp và thuyết phục hoàng tử trở về với chúng ta không?"

"Ta e là lời yêu cầu của các ngài chả được gì. Hoàng tử quyết liệt lắm. Chàng nói: "Ta sẽ không trở về kinh thành Ca tỳ la vệ cho đến khi ta chế ngự được lão tử'. Chàng nói gì là làm đó. "

Xa-nặc theo các kỵ binh trở về hoàng cung. Quốc vương triệu lão đến hỏi ngay:

"Xa-nặc, con trẫm! con trẫm! con trẫm đâu rồi?"

Người xà ích già tâu vua về tự sự của hoàng tử. Quốc vương vô cùng đau đớn nhưng không thể không thán phục tinh thần vĩ đại của con mình.

Da-du và Ma-ha-ba-xà-ba-đề hay tin Xa nặc đã về, họ đến gặp lão, hỏi qua mọi chuyện và thấy được ý chí cao cả của Tất-đạt-đa.

Da-du nghẹn ngào nức nở: Ồ, anh là nguồn vui, nguồn hạnh phúc dủa em. Giọng nói của anh êm dịu ngọt ngào; sức khỏe; vẻ đẹp, kiến thức và đức độ của anh kỳ diệu biết bao! Khi anh nói, em cứ tưởng là em đang nghe khúc tình ca thánh thoát êm đềm. Khi tựa vào anh, em lại được hưởng trọn hương thơm của muôn ngàn hoa lá. Giờ đây, xa anh rồi, em chỉ biết khóc thôi. Anh là đạo sư của em, nay anh đi rồi, việc gì sẽ xảy đến cho em? Em đã mất sạch kho tàng châu báu, em sẽ nếm mùi nghèo khổ. Anh là đôi mắt của em, em không còn nhìn thấy ánh sáng nữa, em mù lòa rồi. Ồ, khi nào anh về hỡi anh là nguồn vui, nguồn hạnh phúc của em? "

Thấy những châu báu do Xa-nặc mang về, Ma-ha-ba-xà-ba-đề đứng nhìn chúng một hồi lâu rồi òa lên khóc. Bà lấy hết châu báu và rời khỏi hoàng cung.

Vừa đi vừa khóc, bà băng ngang qua hoa viên, đến một khu hồ, bà dừng lại ngắm các châu báu một lần nữa rồi vất hết xuống nước.

Con tuấn mã kiền trắc đã về đến tàu cũ, những con ngựa khác mừng rỡ hý vang nhưng hắn chả nghe thấy gì. Hắn khắc khoải đau buồn, thống thiết hý lên vài tiếng rồi lăn đùng ra chết.

XV- GIÁO THUYẾT CỦA ÐẠO SĨ A-LA-LAM

Tất-đạt-đa vào rừng khổ hạnh, nơi đạo sĩ A-la-lam (Arata Kalama) dạy thuyết khổ tu cho một số đông đệ tử. Ngài xuất hiện ở đâu là được mọi người tán dương ở đó, ngài đi đến đâu là hào quang rực sáng đến đó. Mỗi khi ngài nói, các đạo sĩ khác đều thích thú lắng nghe, giọng ngài ngọt ngào và đầy khí lực. Ngài thu hút tất cả mọi người. Một hôm, A-la-lam nói với ngài:

"Ngươi đã hiểu rõ giáo pháp như ta hiểu. Tất cả những gì ta biết, ngươi đều biết. Từ nay về sau, nếu ngươi muốn, ta sẽ nhường việc cho ngươi, hai ta cùng giáo hóa môn đệ."

Tráng sĩ tự hỏi: "Giáo pháp A-la-lam giảng dạy phải chăng là chánh pháp? Nó có đưa đến giải thoát không?"

Ngài suy nghĩ: "A-la-lam và đồ chúng sinh sống cực kỳ khổ hạnh. Họ từ chối thực phẩm do người làm ra. Họ chỉ ăn trái cây hoặc rễ lá. Họ chỉ uống nước lạnh. Họ ăn uống đạm bạc sơ sài hơn cả chim muông mổ vài hạt đậu li ti, hơn cả hươu nai cắn vài lá cỏ, hơn cả rắn rít hít thở khí trời. Họ ngủ dưới tàng cây, mặc cho hơi nóng mặt trời thiêu đốt. Họ phơi mình ra gió rét. Họ quì trên sỏi đá ngoài đường đến bầm cả gối chân. Họ cho đức hạnh bắt nguồn từ đau khổ. Họ nghĩ là họ sẽ được hạnh phúc. Họ tin là càng luyện tập khổ hạnh khắt khe bao nhiêu, họ càng được lên thiên đàng bấy nhiêu! Vâng, họ sẽ lên thiên đàng! nhưng nhân loại vẫn tiếp tục chịu khổ đau lão tử! Tu tập khổ hạnh mà không biết gì về nỗi thống khổ thường xuyên của sanh tử thì chỉ tạo thêm khổ khổ gia tăng. Nhân loại run sợ trước cái chết nhưng vẫn nổ lực để được ra đời. Họ càng lúc càng lao sâu xuống chính cái hố thẳm mà họ lo sợ. Nếu hành hạ xác thân là việc dâng hiến chân thành thì ham mê dục lạc hẳn phải là điều tội ác ghê gớm, nhưng đọa đày thân xác ở kiếp này để được hưởng hoan lạc ở kiếp sau thì hóa ra thành quả của hiến dâng đích thị là tội ác. Nếu ăn uống qua loa đạm bạc để được thành thánh thì hươu nai sẽ thành thánh cả, và những kẻ khốn nạn từ bỏ giai cấp đó cũng thành thánh hết. Ðối với họ, ai vướng vào dục lạc thì không thể thành thánh. Họ cho chủ tâm đọa đày thân thể là yếu tố tăng trưởng đạo hạnh. Chính chủ tâm đó! Chúng ta có thể chủ tâm hưởng thọ dục lạc cũng như chúng ta có thể có chủ tâm chấp nhận khổ đau, và nếu chủ tâm hưởng thọ dục lạc chả có ý nghĩ gì thì tại sao chủ tâm chấp nhận khổ đau phải có giá trị?"

Ngài trầm ngâm suy nghĩ như thế tại rừng khổ hạnh của A-la-lam. Thấy đạo sĩ giảng dạy giáo thuyết hão huyền, ngài đáp:

"Thưa đạo sĩ A-la-lam, ta không thể giảng dạy giáo thuyết của ngài. Ai tu tập theo đó, người ấy sẽ không thấy sự giải thoát. Ta sẽ từ giã cánh rừng khổ hạnh của ngài. Ta sẽ tìm kiếm pháp môn đích thực mà ta phải theo trước khi chúng ta có thể dấn thân vào con đường khổ tu ép xác."

Tráng sĩ lên đường thẳng đến nước Ma-kiệt-đà (Magadha). Ngài tu tập thiền định một mình trên một triền núi gần thành Vương-xá (Rajagriha).

XVI- TẤT-ÐẠT-ÐA VÀ VUA TẦN-BÀ-SA-LA

Một buổi sáng nọ, tráng sĩ ôm bình vào thành Vương-xá khất thực. Dân chúng qua lại trên đường đều tấm tắc thán phục sắc diện và phong thái đẹp đẽ cao sang của ngài. Họ tự hỏi: "Người này là ai? trông như một thiên thần, giống như ngài Ðế-thích (Sakva) hay đấng Phạm-thiên (Brahma) vậy." Chẳng mấy chốc họ đồn ầm lên rằng có một nhân vật kỳ diệu đang vào thành khất thực. Mọi người muốn gặp mặt tráng sĩ; họ theo ngài đi quanh cùng khắp và các cô phụ nữ đổ xô đến các cửa sổ đứng ngắm chàng qua. Ngài vẫn đi nghiêm trang từng bước dọc theo đường lộ trong khi khắp thành rực lên một ánh hào quang kỳ lạ.

Có người đến báo tin cho quốc vương hay là một đạo sĩ như thiên thần đang khất thực trên đường phố. Vội lên sân thượng của hoàng cung, quốc vương Tần-ba-sa-la (Vimbasara) nhìn thấy tráng sĩ. Nét rực rỡ của ngài làm vua chói cả mắt. Quốc vương dâng ngài phẩm vật và cho người theo dõi, tìm hiểu tông tích của ngài. Nhờ thế mà quốc vương biết được vị khất sĩ kỳ đặc kia ẩn dật trên triền núi gần thành Vương-xá.

Ngày hôm sau. Tần-bà-sa-la xuất thành thẳng đến triền núi. Quốc vương xuống xe, một mình đi bộ đến chỗ tráng sĩ ngồi dưới một tàng cây râm mát. Gần đến cội cây, quốc vương dừng lại, yên lặng, ngạc nhiên, cung kính ngắm nhìn vị khất sĩ tự tại.

Khiêm tốn cúi đầu, quốc vương nói:

"Trẫm đã gặp ngài và rất lấy làm hoan hỷ! Ðừng ẩn dật trên triền núi hiu hắt này nữa, đừng ngủ nghỉ trên mặt đất khô cằn này nữa. Ngài đẹp lắm, tuổi xuân của ngài còn huy hoàng lắm, hãy theo ta về thành. Trẫm sẽ dâng ngài một cung điện, và rồi ngài muốn gì sẽ được đó."

Tráng sĩ khiêm tốn thưa: "Tâu quốc vương, tâu quốc vương, chúc quốc vương vạn tuế! Dục lạc chả có nghĩa gì đối với tôi. Tôi sống đời ẩn sĩ, tôi chỉ biết an lành."

Quốc vương nói: "Ngài còn trẻ, đẹp, nhiệt huyết và phong phú lắm. Ngài sẽ được nhiều mỹ nữ diễm kiều ở nước trẫm hầu hạ. Ðừng đi đâu nữa. Hãy ở lại đây và hãy là bạn tâm phúc của trẫm."

Tráng sĩ thưa: "Tôi đã từ bỏ giau sang phú quí."

"Trẫm sẽ hiến cho ngài nửa vương quốc của trẫm."

"Tôi đã từ bỏ vương quốc lộng lẫy nhất."

"Ở đây, ngài có thể thỏa mãn mọi điều mong ước."

"Tôi đã hiểu rõ giá trị trống rỗng của mọi điều mong ước. Dục vọng như thuốc độc. Người khôn ngoan trí tuệ phải biết khinh bỉ từ bỏ chúng. Tôi đã vất chúng như người ta vất một bó rạ khô. Dục vọng dễ hư như trái đậu trên cây. Chúng ngỗ ngáo như mây bay trên trời, chúng gian dối đổi chiều như gió mưa bất định! Ðau khổ phát sanh từ dục vọng, bởi vì không ai thỏa mãn hết dục vọng của mình. Nhưng những ai tìm kiếm trí tuệ, ôm ấp chánh pháp, người ấy sẽ thấy an lạc hạnh phúc. Kẻ nào uống nước muối, người ấy khát mãi thôi; kẻ nào bỏ dục vọng, người ấy hết khao khát. Tôi không còn biết dục vọng là gì. Tôi đang kiếm tìm chánh pháp."

Quốc vương nói:

"Bạch khất sĩ, trí tuệ của ngài cao quí thay! Cho trẫm biết quê hương của ngài là gì? Phụ mẫu của ngài ở đâu? Ngài thuộc giai cấp nào?"

"Tâu quốc vương, có lẽ ngài đã nghe nói đến kinh thành Ca-tỳ-la-vệ? Ðó là một hoàng thành trù phú, sầm uất. Quốc vương Tịnh-Phạn là phụ thân của tôi. Tôi đã từ giã phụ vương tôi để lên đường đó đây khất thực."

Quốc vương đáp:

"Xin chúc ngài gặp nhiều may mắn! Trẫm rất sung sướng được gặp ngài. Gia đình ngài và gia đình trẫm giờ đây có thêm mối tình thâm giao bền chặt. Bạch tôn giả, xin thương trẫm, khi nào ngài chứng đắc vô thượng bồ đề, xin ngài thương tình mà truyền đạt cho trẫm với."

Quốc vương đảnh lễ tráng sĩ ba lần rồi quay về kinh thành Vương-xá.

Tráng sĩ nghe gần thành Vương-xá có một ẩn sĩ lừng danh tên là Uất-đầu-lam-phất (Rudraka), con trai của Ra-ma (Rama). Ẩn sĩ này đã trao truyền giáo pháp cho nhiều môn đệ. Tráng sĩ đến nghe giảng thuyết nhưng cũng như A-la-lam, Uất-đầu-lam phất không biết gì về chánh pháp cả. Tráng sĩ lại lên đường, không chịu ở lại. Lát sau, ngài đến bờ sông Ni-liên-thuyền (Nairanjana). Năm môn đệ của Uất-đầu-lam-phất là Kiều-trần-như (Kaundinaya), A-xả-bà thệ, còn gọi là Át-bệ hay Mã-thắng (Asvajit), Thập-lực-ca-diếp (Vashpa), Ma-ha-nam-câu-lỵ (Mahanaman) và Bạt-đề (Bhadrika) đều xin theo ngài.

XVII- CÁC ÐỆ TỬ ÐẦU TIÊN TỪ BỎ TẤT-ÐẠT-ÐA

Dòng sông Ni-liên-thuyền trong xanh chảy qua một vùng đất phì nhiêu trù mật. Làng mạc nhỏ bé ẩn hiện trong mơ màng dưới những tàng cây xinh xinh, và những cánh đồng cỏ bao la trải dài bát ngát. Tráng sĩ, ngẫm nghĩ: "Nơi đây đẹp lắm, thú vị lắm! Cảnh trí êm đềm, phù hợp cho việc tu tập thiền định biết bao! Có lẽ, ở đây, ta sẽ tìm ra con đường dẫn đến trí tuệ. Ta sẽ ở lại đây."

Ngài đã mất hút vào thiền định. Ngài nhập định đến độ ngừng thở, và rồi một hôm, ngài té nhào bất tỉnh. Bỗng dưng ngài thấy các thiên thần đang theo dõi ngài từ thiên giới la lên:

"Cậu bé dòng Thích-ca kia chết rồi, hoàng tử đã vĩnh biệt trần thế khốn khổ rồi sao?"

Và Ma-da, mẫu thân của tráng sĩ, sống với thiên thần, nghe tiếng kêu la thương tiếc, bà đâm ra lo sợ cho mạng sống của con trai mình. Cùng với một số đông tiên nữ theo hầu, bà hiện xuống bờ sông Ni-liên-thuyền, nhìn Tất-đạt-đa cứng đờ, bất động, bà khóc òa, than thở:

"Con ơi! khi con ra đời ở hoa viên, mẹ quyết chắc là con thấy được sự thật. Và sau này, A-tư-đà cũng tiên đoán rằng con sẽ giải thoát cho nhân thế. Nhưng tất cả đều sai hết. Con chưa được vinh hiển bằng một cuộc chinh phục lừng lẫy nào, con chưa chứng đắc vô thượng bồ đề! Vậy mà con đành chết một cách tội nghiệp cô quạnh thế này! Con ơi, ai có thể giúp con? Ai sẽ cứu được mạng sống của con? Mẹ đã mang con mười tháng nhọc nhằn, con yêu quí của mẹ ơi, tất cả chỉ là sự đau đớn!"

Bà vừa rải hoa lên thân thể của con trai mình thì ngài liền cử động và từ tốn thưa rằng:

"Mẹ ơi, đừng sợ! Việc mang nặng đẻ đau của mẹ không vô ích đâu; A-tư-đà không nói dối mẹ đâu. Dù trái đất có tan thành tro bụi, núi tu di có chìm xuống biển sâu, trăng sao có rơi rụng như mưa tuôn trên mặt đất, con vẫn sẽ không chết. Dù cho loài người và thế giới có bị tàn rụi đi nữa! Sắp đến lúc con chứng đắc vô thượng bồ đề rồi."

Ma-da hoan hỷ vui cười theo lời con, bà ba lần vái chào Tất đạt đa rồi cáo biệt về trời, về với điệu thiên nhạc êm đềm, du dương bất tuyệt.

Trong sáu năm dài, tráng sĩ đã lưu lại trên bờ sông và tu tập thiền định. Ngài không hề tìm kiếm chỗ trú nắng che mưa, mặc cho gió bão gào thét, mặc cho muỗi mòng rắn rít tha hồ đốt cắn. Trẻ em nam nữ, những bọn chăn cừu, những lão tiều phu, mỗi khi đi qua thường quấy phá ngài, có lúc họ ném cả đất bùn vào người ngài, ngài vẫn thản nhiên. Ngài hạn chế ăn uống đến mức tối đa: mỗi ngày chỉ ăn một trái cây hay vài ba hạt gạo hạt mè. Ngài mỗi lúc một gầy hẳn đi, bao nhiêu xương xẩu hiện rõ ra ngoài. Nhưng bên dưới vầng trán gầy gò hốc hác ấy, đôi mắt tinh anh của ngài vẫn sáng quắc như trăng sao.

Tuy thế, ngài vẫn chưa thành tựu chánh giác. Ngài cảm thấy bị suy nhược trầm trọng. Ngài ý thức rằng nếu tiếp tục phí phạm sinh lực như thế thì chắc chắn sẽ không bao giờ đạt đến mục tiêu đã đặt. Ngài quyết định ăn uống trở lại.

Gần nơi tu tập thiền định hằng giờ của Tất-đạt-đa có một ngôi làng gọi là Ưu-lâu-tần-loa (Uruvilva). Viên xốm trưởng của làng này có mười người con gái, tất cả đều quí trọng tráng sĩ. Họng mang mè gạo và trái cây đến dâng hiến ngài. Ngài ít khi động đến những phẩm vật cúng dường đó. Nhưng, một hôm, các cô thấy ngài đã dùng hết những phẩm vật mà họ hiến cúng. Ngày hôm sau, họ mang đến một đĩa cơm to đầy ắp, ngài dùng hết đĩa cơm đó. Ngày hôm sau nữa, mỗi cô mang đến một món ăn quí khác nhau và tráng sĩ cũng dùng hết. Ngài bắt đầu khỏe mạnh, có da có thịt trở lại; và ít lâu sau, ngài lại vào làng khất thực. Dân làng tranh nhau cúng dường. Không mấy chốc, ngài đã lấy lại sức lực và vẻ đẹp như xưa.

Năm vị đệ tử theo ngài thọ giáo bàn với nhau;

"Lối khổ tu của ông ấy không đưa ông ấy thực hành đúng chánh giác. Ông ấy hết giữ khổ hạnh rồi. Ông ấy ăn uống sung sướng. Ông ấy mưu cầu tiện nghi thoải mái. Ông ấy không còn nghĩ đến việc tu tập thánh thiện nữa. Làm sao ông ấy giờ đây có thể chứng thành đạo quả? Chúng ta đã coi ông ấy là một hiền giả thông thái, chúng ta lầm; hắn là một thằng điên, một thằng khùng."

Họ bỏ ngài và đi thẳng đến thành Ba-la-nại (Benares).

XVIII- TẤT-ÐẠT-ÐA DƯỚI CÂY ÐẠI GIÁC

Sáu năm mặc một bộ đồ, y phục của tráng sĩ đã trở nên bạc màu sờn rách. Ngài ngẫm nghĩ:

"Nếu như ta có một bộ đồ mới thì hay hơn, bằng không thì ta sẽ phải đi đứng lõa lồ thôi; và như thế thì bất lịch sự quá."

Bấy giờ Tu-xà-đa (Sujata), cô bé thuần thành nhất trong mười cô thiếu nữ đã mang thực phẩm dâng ngài, có một tên nô lệ vừa chết. Nàng quấn thi thể bằng một tấm vải ngà và sai người đưa đi tống táng. Xác nô lệ nằm chình ình trên mặt đất. Tráng sĩ đi qua, nhìn thấy tử thi, ngài ghé đến, nhẹ nhàng cởi lấy tấm vải bọc xác đó.

Tấm vải dính đầy bụi đất và tráng sĩ lúng túng không biết tìm đâu ra nước để giặt. Một tảng đá và một hồ nước trong xanh bỗng nhiên hiện ngay trước mặt thánh nhân.

Một cụ già đầu tóc bạc phơ từ xa đi đến thưa:

"Bạch tôn giả, tôn giả đưa tấm vải đó cho ta, ta sẽ giặt nó cho tôn giả."

Tôn giả đáp: "Không, không. Ta biết công việc phải làm của một đạo sĩ. Chính ta phải giặt lấy tấm vải này."

Giặt xong ngài xuống hồ tắm, sau đó ngài ngồi dưới một tàng cây và bắt đầu khâu tấm vải thành một chiếc y mới.

Màn đêm buông xuống, ngài thiếp ngủ và mơ thấy năm điều:

Trước hết, ngài thấy mình nằm trên một chiếc giường rộng lớn bằng cả trái đất; chiếc gối dưới đầu là rặng Hy mã lạp sơn; tay phải gác trên biển đông, và hai chân duỗi tới biển nam hải.

Kế đó, ngài thấy một cây lau từ rốn ngài mọc ra, mọc nhanh đến nỗi chỉ trong tích tắc đã vươn tới trời xanh.

Rồi ngài thấy sâu bọ bò phủ đầy lên hai chân ngài.

Ngài thấy chim muông từ mọi nơi ào ào bay đến và khi gần tới đầu ngài thì chúng hình như toàn vàng.

Cuối cùng, ngài thấy mình ở dưới một chân núi nhớp nhúa đầy dẫy phân tro; ngài trèo lên tới đỉnh núi rồi trèo xuống lại nhưng ngài không bị phân tro nhớp nhúa làm ô uế.

Thức dậy, kiểm nghiệm lại giấc mơ, ngài biết là ngày giác ngộ đã đến, và một khi đạt đến tri kiến tối thượng thì ngài sẽ thành một đức Phật.

Tu-xà-đa vừa lấy sữa xong tám con bò sữa tuyệt diệu của riêng nàng. Sữa có nhiều dầu mỡ và hương vị rất ngọt ngào. Nàng trộn chung cả sữa, mật ong và bột gạo vào một cái nồi mới và bắt nấu trên một cái lò mới. Bột sữa bắt đầu tạo thành những bọt bong bóng to tướng nổi lềnh bềnh về phía bên phải chứ không như nước dâng lên hoặc tràn ra ngoài từng giọt. Chiếc lò không có một tí khói. Tu-xà-đa ngạc nhiên, nói với tỳ nữ Buộc-na (Purna) rằng:

"Buộc-na, hôm nay thiên thần sẽ ban ơn huệ cho chúng ta, ra xem thử có vị thánh nhân nào sắp đến nhà đó."

Buộc-na, từ ngưỡng cửa, nhìn thấy tráng sĩ đang tiến bước về hướng nhà của Tu-xà-đa, khắp người tỏa ra một ánh hào quang sáng chói, Buộc-na lóe cả mắt, chạy vào báo với cô chủ:

"Thưa cô, ngài ấy sắp đến! Ngài ấy sắp đến! Ánh hào quang rực rỡ của ngài sẽ làm cô chói mắt kìa!"

Tu-xà-đa nói: "Ồ, mong ngài đến! mong ngài đến! Chính vì ngài mà ta đã sửa soạn nồi sữa tuyệt diệu này."

Nàng rót sữa khuấy với mật ong và bột gạo vào một cái bát bằng vàng rồi chờ tráng sĩ đến.

Ngài vừa bước vào, cả phòng sáng rực lên. Ðể tỏ lòng tôn kính, Tu-xà-đa đảnh lễ ngài bảy lần. Ngài ngồi xuống. Tu-xà-đa quì rửa chân ngài bằng một loại nước hoa thơm ngát; xong, nàng dâng ngài chiếc bát vàng đựng đầy sữa pha bột gạo và mật ong đó. Ngài nghĩ:

"Người ta bảo rằng chư Phật ở quá khứ, trước khi chứng đắc vô thượng bồ đề đều được cúng dường và thọ trai lần cuối trong một cái bát bằng vàng. Nay Tu-xà-đa dâng ta sữa mật đựng trong bát bằng vàng thế này chắc là thời điểm đã đến cho ta thành Phật."

Ngài hỏi thiếu nữ:

"Cô nương, ta phải làm gì với chiếc bát bằng vàng này?"

Nàng đáp: "Nó là của ngài."

Ngài nói: "Ta không biết dùng vào việc gì với chiếc bát như thế này."

Tu-xà-đa nói: "Thế thì ngài làm gì tùy ý. Cúng dường thực phẩm mà không cúng luôn cả bát thì thật là không phải cho con."

Tay cầm bình bát, ngài cáo lui và đi thẳng đến bờ sông. Tắm xong, ngài dùng hết bát sữa, rồi ném bát xuống nước và nguyền rằng:

"Nếu ta có thể thành Phật chính ngày hôm nay thì nguyện xin chiếc bát này trôi ngược dòng nước; bằng không thì cứ tự nhiên xuôi dòng."

Chiếc bát nổi bềnh bồng ra đến giữa sông rồi bắt đầu phăng phăng trôi ngược dòng nước và biến mất tại một chỗ nước xoáy.

Tráng sĩ đi bộ từ từ dọc theo bờ sông. Màn đêm dần dần buông xuống. Hoa lá xếp gọn cánh cành, một mùi hoa ngọt ngào thoang thoảng tỏa khắp ruộng vườn và từng đàn chim e thẹn tấu lên những khúc nhạc đều đều theo gió vang xa.

Tráng sĩ rảo bước về hướng cây Trí giác.

Con đường phủ đầy phấn vàng với những cây thốt nốt hy hữu máng đầy ngọc thạch đứng dài ở hai bên. Ngài đi dọc theo một bờ hồ ngạt ngào hương thơm thánh thủy. Những đóa sen xanh vàng đỏ trắng bừng nở trên khắp mặt hồ như thể khoe sắc khoe màu với đàn chim thiên nga đang cất tiếng líu lo vang vọng trên không. Gần hồ, dưới bóng cây thốt nốt, các tiên nữ đang hân hoan vũ múa, trong khi từ thiên giới, chư thiên đang hết lời thán phục vị tráng sĩ anh hùng.

Ngài tiến đến gần cây Trí-giác và gặp Cát-tường (Savastika), một gã cắt cỏ bên lề đường.

"Cát-tường, cỏ bạn đang cắt mơn mởn lắm! cho ta xin một ít. Ta muốn làm một chỗ ngồi và ta sẽ ngồi lên đó cho đến khi đạt thành chánh giác. Cát-tường, cỏ bạn đang cắt xanh tươi lắm! cho ta xin một ít, rồi ngày kia bạn sẽ hiểu được chánh pháp. Ta sẽ truyền chánh pháp cho bạn, và bạn có thể truyền lại cho nhiều người khác."

Gã cắt cỏ dâng cho tôn giả tám nắm cỏ.

Cây Trí-giác đứng sừng sững. Tráng sĩ vòng sang phía đông vái cây ấy bảy lần. Ngài vừa trải cỏ lên mặt đất, một chỗ ngồi trang nghiêm đột nhiên xuất hiện. Những nắm cỏ mơn mởn mềm mại trải đều lên chỗ ngồi như một tấm thảm êm ái xinh xinh.

Tráng sĩ ngồi xuống, đầu vai thẳng đứng, mắt ngó về phương đông, rồi dũng mãnh trịnh trọng phát thệ nguyện rằng:

"Dù da nám, tay khô, xương tan thành cát bụi, nếu không đạt đến chánh giác, ta quyết không rời khỏi chỗ này."

Phát nguyện xong, ngài ngồi kiết già nhập định.

XIX- CẢNH THẤT BẠI CỦA MA-VƯƠNG

Hào quang khắp châu thân của tráng sĩ phóng xa đến tận thành lũy của tên ác quỉ Ma vương. Hắn chói mắt. Hắn hình như đã nghe được một giọng nói văng vẳng đâu đây báo nguy;

"Tráng sĩ, hoàng tử của Tịnh-phạn, đã từ bỏ vương quyền, giờ đây ngồi yên dưới cây đại giác. Ngài đang tập trung tinh thần. Ngài đang tập trung nổ lực. Chẳng bao lâu nữa Ngài sẽ mang đến cho tất cả chúng sanh sự giúp đỡ cần thiết. Con đường ngài đi, người khác sẽ theo. Một khi giải thoát, ngài sẽ giải thoát cho kẻ khác. Một khi tìm được thanh bình, ngài sẽ manh thanh bình đến cho mọi người. Ngài sẽ vào niết bàn. Ngài sẽ tìm ra trí tuệ hạnh phúc, và ngài sẽ mang trí tuệ hạnh phúc đến cho tất cả chúng sanh. Vì ngài, lâu đài cung điện của chư thiên sẽ mỗi ngày một gia tăng; vì ngài, thành lũy của Ma-vương sẽ dần dần bị tiêu diệt. Còn mi, này Ma vương, một tư lệnh mà không có quân, một vì vua mà không có trung thần tá sứ, rồi đây sẽ không biết tá túc vào đâu."

Ma-vương đâm ra lo sợ. Hắn cố ngủ, nhưng ác mộng cứ chập chờn quấy phá. Hắn thức dậy và triệu tập tất cả tướng sĩ đến. Vừa trông thấy hắn, các tướng sĩ đều kinh hãi. Xát-tha-va-ha (Sarthavaha), một trong những người con trai của hắn, lên tiếng thưa.

"Tâu phụ vương, trông phụ vương xanh xao khổ sở lắm! Phụ vương đã nghe thấy gì mà tim phụ vương đập mạnh, tay chân phụ vương run rẫy thế này. Xin phụ vương cho con biết."

Ma-vương đáp: "Con ơi, những ngày tháng kiêu kỳ hống hách của cha sắp tàn rồi. Có kẻ cho cha biết là hoàng tử dòng Thích-Ca đang ngồi dưới cây bồ đề. Cha đã thấy những ác mộng khủng khiếp. Một đám mây đen bụi đất tấp vào mặt cha. Vườn tược của cha hết sạch hoa quả, trơ trụi cành lá. Ao hồ của cha khô cạn. Chim thiên ngà và đàn công của cha bị cắt trụi cánh. Cha cảm thấy trơ trọi một mình giữa cảnh hoang tàn đổ nát. Tướng sĩ và các con đều từ bỏ cha. Mẫu hậu của con thì đấm ngực bứt tóc như thể bị ân hận ám ảnh dày vò. Con gái chủa cha thì khóc than thê thảm, còn các con, con trai của cha, thì sụp lạy trước người nhập định dưới cội bồ đề! Cha muốn chiến đấu với kẻ thù của cha, nhưng cha không thể tuốt gươm ra khỏi vỏ. Tất cả thần dân của cha đều hãi hùng trốn hết. Màn đêm dày đặc trùm phủ lên cha, và cha nghe thấy cung điện của cha sụp đổ tan tành trên mặt đất."

Xát-tha-va-ha thưa:

"Tâu phụ vương, thất trận thì nản lắm! nếu phụ vương đã thấy những điềm bất tường như thế thì xin phụ vương hãy chờ dịp thuận tiện, đừng chạy theo liều lĩnh mà thất bại ô nhục."

Nhưng Ma-vương, thấy các đoàn quân đã tập trung quanh mình, lại hăng hái bảo con:

"Con người nghị lực phải kết thúc trận chiến trong thắng lợi huy hoàng. Chúng ta có thừa dũng cảm; chúng ta chắc chắn sẽ thắng. Tên đó tài cán sức lực gì? Hắn một mình. Ta sẽ tiến đánh hắn với một đoàn quân hùng hậu, và sẽ quật cổ hắn xuống gốc cây."

Xát-tha-va-ha thưa: "Số binh sĩ đó chưa đủ để tạo thành sức mạnh của một đoàn quân. Mặt trời có thể phóng ra hằng hà sa số tia sáng. Nếu trí tuệ là nguồn năng lực của hắn thì chỉ một tráng sĩ đó thôi cũng đủ sức đánh bại muôn ngàn hùng binh."

Không nghe theo lời con, Ma-vương ra lệnh đoàn quân tiến ngay. Xát-tha-va-ha ngẫm nghĩ:

"Kẻ điên cuồng kiêu ngạo sẽ không bao giờ hồi tỉnh."

Ðoàn quân của Ma-vương trông dễ sợ. Gươm giáo cung tên chỉa lên tua tủa; kẻ cặp xà mâu tổ bố, người vác côn chùy nặng nề. Binh tốt xanh vàng đen đỏ đủ loại, mặt mày trông khủng khiếp. Mắt chúng phóng lửa dữ, miệng chúng khạc máu độc. Số thì vểnh tai dê, số thì bành tai voi tai lợn. Nhiều tên thân hình tròn vo như cái lu. Một tên đầu lừa, vuốt hổ, bứu lạc đà; một tên khác kỳ sư tử, sừng tê giác, đuôi khỉ đột. Nhiều tên có hai, bốn hay năm đầu; nhiều tên có mười, mười hai hay hai mươi tay. Chúng trang sức bằng những bộ xương hàm, xương sọ và những đốt ngón tay khô đét đeo lủng lẳng cùng mình. Chúng vừa ồ ạt xông tới vừa lắc lư những cái đầu lâu lông lá gớm guốc với giọng hò reo man rợ kinh hồn:

"Ta có thể bắn mỗi phát một trăm mũi tên, ta sẽ tóm được thân mạng của gã sa môn đó. Bàn tay ta có thể bóp nát mặt trời, mặt trăng và muôn ngàn tinh tú. Nghiền nát hắn và cây bồ-đề sẽ là chuyện dễ dàng không đáng kể. Ðôi mắt ta chứa đầy độc tố: chúng có thể đốt cạn cả biển khơi. Ta chỉ nhìn hắn là hắn sẽ cháy thành tro bụi."

Xát-tha-va-ha đứng một mình. Vài ba tên bạn khác vây quanh hắn nói:

"Ðồ ngu! Ngài nghĩ xem, hắn điên là vì hắn nhập định, hắn im lặng là vì hắn hèn nhát. Chính bọn bay điên, chính bọn bay là những tên hèn nhát. Bọn bay không biết năng lực của tôn giả đó. Chính vì trí tuệ cao quí của ngài mà ngài sẽ đánh bại tất cả bọn bay. Dầu chúng bay có hằng hà sa số tướng sĩ như cát trên bờ sông Hằng, chúng bay cũng không thể xúc phạm đến một sợi tóc trên đỉnh đầu ngài. Bay tin là bay có thể giết được ngài ư! Ồ, hãy về đi! đừng ra sức hãm hại người vô ích, hãy cung kính quì lễ trước mặt ngài. Thời điểm ngự trị của ngài đã đến. Chó sói tru trong rừng chỉ khi nào vắng sư tử, nhưng một khi sư tử gầm lên thì chó sói khiếp hồn trốn lẹ. Ðồ ngu! đồ ngu! Bọn bay gào thét kiêu hãnh trong lúc tôn giả lặng lẽ ngồi yên, đến khi sư tử gầm lên thì bọn bay lại chạy không bén gót."

Ðoàn quân lắng nghe Xát-tha-va-ha và bạn hắn nói về trí tuệ cao quí của tôn giả, nhưng chúng vẫn khinh thị, tiến tới.

Trước khi tấn công tráng sĩ, Ma-vương tìm cách làm cho ngài kinh hoàng. Hắn khiêu khích ngài bằng những trận cuồng phong khủng khiếp. Gió dữ từ xa ầm ầm thổi tới, làm bật gốc cây cối, tàn phá làng mạc, rung động núi rừng, nhưng tráng sĩ không hề nao núng, không hề dao động đến cả một nếp y.

Tên ác quỉ gọi mưa. Mưa tuôn ào ào xối xả, ngập chìm thành thị, vỡ mặt địa cầu, nhưng tráng sĩ vẫn thản nhiên bất động, một đường chỉ may y cũng còn nguyên không ẩm ướt.

Tên ác quỉ lại tạo ra những khối đá cháy đỏ ném vào tráng sĩ. Ðá bay vèo vèo trên không nhưng khi gần đến cây bồ đề, chúng rơi xuống và biến thành hoa tươi.

Sau đó, Ma-vương hạ lệnh binh tốt xả tên bắn vào kẻ thù, nhưng tên bắn cũng biến thành hoa tươi. Ðoàn quân đánh ập đến tráng sĩ, nhưng hào quang từ thân ngài tỏa ra chính là mộc khiên giáp trụ che chở quanh ngài; gươm dáo gãy ngang, búa đao mẻ sứt, và khi một binh khí nào rơi xuống đất là nó biến thành hoa tươi liền.

Thấy những cảnh tượng huyền diệu đó, binh lính của Ma-vương đâm ra kinh hãi và đột nhiên biến mất.

Ma-vương đau đớn, vò tay đấm đầu than thở:

"Ta phải làm gì nếu như tên đó đánh bại ta? Ta đã ban phát đủ thứ cho mọi tướng sĩ chứ đâu phải riêng ai! Ta đã từng bày tỏ lòng nhân từ độ lượng với chúng biết bao! Những tên hèn nhát kia đã thấy rõ điều đó, vậy mà chúng vẫn bỏ ta chạy trốn."

Ðoàn quân yên lặng, lắng nghe, rồi lên tiếng đáp rằng:

"Vâng, ngài nhân từ độ lượng lắm! Chúng tôi đã thấy rõ điều đó."

Ma vương nói tiếp: "Còn hắn, hắn đã thể hiện chút gì độ lượng? Hắn đã làm gì được gọi là hy sinh? Ai có thể thấy lòng nhân ái của hắn?"

Ngay lúc đó, một giọng nói từ dưới đất vọng lên:

"Ta có thể thấy lòng độ lượng của tôn giả."

Ma vương sững sờ, hoảng hốt. Giọng nói thuật tiếp:

"Vâng, ta là địa nương, ta là thánh mẫu của tất cả chúng sanh, ta đã thấy rõ lòng nhân từ độ lượng của tôn giả. Ở những tiền kiếp xa xưa, tôn giả đã hàng trăm ngàn lần hy sinh cả tay, mắt, đầu, mình cho kẻ khác. Và ngay ở kiếp này, ngài sẽ tận diệt lần cuối cùng sanh, già, bịnh, chết. Này Ma-vương, ngài không những hơn hẳn ngươi về sức lực mà còn bỏ xa ngươi về lòng nhân từ độ lượng nữa."

Tên ác quỉ thấy một phụ nữ cực kỳ diễm lệ từ dưới đất hiện lên nửa người. Nàng chấp tay quì lễ tráng sĩ và thưa rằng:

"Bạch tôn giả, thần xin làm chứng cho lòng quảng đại của ngài."

Nói xong, nàng biến mất.

Ma-vương, tên ác quỉ, khóc rống lên, hắn đã bị thảm bại cay đắng.

XX- TẤT-ÐẠT-ÐA THÀNH PHẬT

Ðoàn quân của tên ác quỉ đã biến hết vào lúc màn đêm buông xuống. Tráng sĩ giờ đây yên tĩnh nhập định, không còn bị Ma-vương quấy phá nữa. Canh một, Ngài chứng túc mạng thông, trực nhận mọi điều xảy ra ở những tiền kiếp xa xưa. Canh hai, Ngài ngộ tha tâm thông, rõ biết trạng thái tâm ký hiện hữu của vạn loại. Canh ba, Ngài chứng lậu tận thông, thấu triệt chuỗi nhân quả rốt ráo.

Bấy giờ Ngài thấy tất cả chúng sanh đều bị luân hồi sanh tử liên tục; dù cao hay thấp, dù sang hay hèn, ở vị thế nào Ngài cũng thấy chúng quay tròn theo vòng sanh diệt. Ðộng lòng bi mẫn trước duyên nghiệp của chúng sang, tráng sĩ ngẫm nghĩ:

"Trần gian này chịu cảnh sanh già bịnh chết rồi lại sanh già bịnh chết trôi lăn miên tục thống khổ xiết bao! nhân loại chả biết đường nào ra khỏi:"

Trong lúc nhập đại định, Ngài tự nhủ:

"Lão tử do đâu mà có? Có lão tử là vì có sanh. Lão tử do sanh mà có. Sanh do đâu mà có? Có sanh là vì có hữu. Sanh do hữu mà có. Hữu do đâu mà có? Có hữu là vì có thủ. Hữu do thủ mà có. Thủ do đâu mà có? Có thủ là vì có ái. Thủ do ái mà có. Ái do đâu mà có? Có ái là vì có thọ. Ái do thọ mà có. Thọ do đâu mà có? Có thọ là vì có xúc. Thọ do xúc mà có. Xúc do đâu mà có? Có xúc là vì có lục nhập. Xúc do lục nhập mà có. Lục nhập do đâu mà có? Có lục nhập là vì có danh sắc. Lục nhập do danh sắc mà có. Danh sắc do đâu mà có? Có danh sắc là vì có thức. Danh sắc do thức mà có. Thức do đâu mà có? Có thức là vì có hành. Thức do hành mà có. Hành do đâu mà có? Có hành là vì có vô minh. Hành do vô minh mà có."

Ngài suy nghĩ:

"Vì thế cho nên chính vô minh là gốc rễ của ưu bi khổ não và lão tử. Diệt vô minh là diệt hành. Diệt hành là diệt thức. Diệt thức là diệt danh sắc. Diệt danh sắc là diệt lục nhập. Diệt lục nhập là diệt xúc. Diệt xúc là diệt thọ. Diệt thọ là diệt ái. Diệt ái là diệt thủ. Diệt thủ là diệt hữu. Diệt hữu là diệt sanh. Diệt sanh là diệt lão và tử. Hiện hữu là khổ đau. Ái dẫn dắt từ sanh đến tái sanh, từ khổ đến khổ khổ. Ðoạn ái, chúng ta tránh được sanh; đoạn ái, chúng ta ngăn được khổ. Sống đời thánh thiện là ái bị tiêu trừ, và thế là chúng ta hết chịu sanh diệt đau khổ."

Khi bình minh vừa ló dạng, bậc vô thượng sĩ đó đã hiển nhiên là một đức Phật. Ngài tuyên bố:

"Ta đã trải qua vô lượng kiếp luân hồi sanh tử. Ta đã hoài công tìm kiếm kẻ xây nhà. Ồ, vòng tái sanh miên viễn đau thương khốn nạn biết bao! Nhưng, hỡi kẻ xây nhà, rốt cuộc ta đã nhận ra ngươi. Ngươi không còn xây nhà được nữa. Rui mè, tường vách đều bị sụp đổ tan tành. Núi rừng cổ xưa tan vỡ; tâm trí đạt đến niết bàn; sanh không còn thì ái cũng diệt."

Cả trái đất rung chuyển mười hai lần, cả trần gian giống như một đóa hoa vĩ đại. Chư thiên tán thán:

"Ngài mang ánh sáng cho nhân thế đã đến; Ngài che chở cho nhân gian đã đến! Con mắt mù lòa lâu đời của thế nhân nay được khai sáng, con mắt của nhân gian nay được hào quang rọi sáng từ đây. Hỡi đấng chinh phục vinh quang, Ngài đã mang lại cho vạn loại hữu tình những điều mà chúng khao khát. Nhờ ánh sáng tối thượng của chánh pháp soi đường, tất cả chúng sanh sẽ đến bờ giải thoát. Xin Ngài hãy cầm đèn trí tuệ, hãy dũng mãnh lên đường xua tan hắc ám vô minh.