Xưa thật là xưa, ở thành Lạc Dương, quan lại thì tham ô, thanh thiếu
niên thì hư hỏng. Bồ Tát Quán Âm có ý định muốn giáo hóa họ, nên biến
thành một người đàn bà nhà quê, tay cầm một cái hộp gấm, trong hộp có
một tấm kính bằng đồng đen quý báu, đem đến chợ Lạc Dương bán.
Có người tới hỏi giá, người đàn bà nhà quê đáp:
– Tấm kính của tôi đây là một bảo vật rất quý hiếm có trên thế gian này,
giá là một ngàn lượng bạc ròng, dư một hào không lấy, thiếu một hào
không bán, không bớt không trừ, già trẻ lớn bé ai muốn mua cũng được.
Người nào có mắt tinh đời hãy mau đem tiền tới mua, bỏ lỡ cơ hội này thì
về sau có mười vạn tám ngàn lượng bạc cũng không mua được!
Có một thiếu niên muốn kiếm chuyện nên chỏ mồm vô hỏi:
– Tấm kính bằng đồng có chút xíu mà đòi giá cao quá vậy, thật là nói
thách quá cỡ! Đâu bà nói cho tôi nghe thử, tấm kính này có cái gì hay?
Người đàn bà nhà quê trả lời:
– Tấm kính của tôi có nhiều cái hay lắm chứ! Thứ nhất, nó có thể soi
được tâm người thiện hay ác; thứ hai, có thể chiếu ra tất cả quá khứ và
vị lai. Tốt thì chiếu ra tốt, xấu thì chiếu ra xấu, không sai một ly một
tí nào. Quý vị nghĩ xem, với hai đặc điểm ấy, không lẽ tấm kính này
không đáng giá một ngàn lượng bạc hay sao?
Người thiếu niên kia nói:
– Khoác lác vừa thôi chứ, bà nội! Thế gian này làm gì có một bảo vật như
thế, chúng tôi không tin đâu, trừ khi nào bà cho chúng tôi soi thử một
cái!
Ngài Quán Âm đáp:
– Soi một cái thì được, nhưng theo lệ thì mượn kính soi một cái phải trả
tôi ba đồng.
Thiếu niên nọ bèn móc túi ra ba đồng trao cho Bồ Tát Quán Âm. Ngài Quán
Âm lấy kính trong hộp ra, cầm trong tay và nói với thiếu niên nọ:
– Soi đi. Nhưng phải nhớ, không được suy nghĩ loạn xạ lung tung, phải
tập trung tinh thần mà soi một cách nghiêm chỉnh, có thế kết quả mới rõ
ràng được.
Thiếu niên nghe lời Bồ Tát, soi một cách nghiêm chỉnh. Quả nhiên trong
kính hiện ra một cách rõ rệt từng cảnh, từng cảnh đã xảy ra trong quá
khứ. Chuyện quá khứ chiếu xong, lại hiện ra đủ thứ các chuyện sẽ phát
sinh trong tương lai, cho tới đoạn cuối là thiếu niên chết rồi sẽ đọa
vào đường súc sinh, đầu thai thành một con chó cái.
Thiếu niên soi xong, kinh hãi không cùng, không ngờ rằng thành tích xấu
xa hư hỏng của mình lại hiện lên hết trong kính, và hắn càng hoảng kinh
hơn nữa khi thấy kiếp tới mình sẽ biến thành một con chó cái. May mà
những điều hắn thấy người khác lại không trông thấy, người khác chỉ thấy
mặt trái của kính, hoàn toàn trống rỗng, không có gì trên ấy cả.
Ngài Quán Âm lấy lại kính và hỏi:
– Sao, đáng giá ba đồng bạc không?
Thiếu niên nọ xuất mồ hôi trán, mặt mày tái mét, trả lời liên thanh:
– Đáng lắm! Đáng lắm!
Người xung quanh hỏi hắn đã thấy được những gì, hắn sợ làm trò cười cho
thiên hạ, không dám trả lời sự thật nên chỉ lầu bầu:
– Mấy người đừng hỏi tôi, cứ bỏ ra ba đồng mà tự soi lấy, bảo đảm mấy
người sẽ vừa ý.
Cuối cùng người hiếu kỳ rất đông, nghe lời thiếu niên nọ nên tranh nhau
thử món đồ chơi mới này. Người này bỏ ra ba đồng, người kia cũng móc ra
ba đồng, thay phiên nhau mà soi kính. Người nào chưa được soi thì dành
soi trước, nhưng một khi soi rồi thì không khóc lóc thê thảm cũng nhíu
mày nhăn mặt, tâm sự trùng trùng. Mọi người ngẩn ngơ nhìn nhau, không ai
thốt lên lời nào.
Bồ Tát Quán Âm cười thật tươi đứng thủ đằng trước, nhưng cũng không nói
lên một tiếng. Từ giờ thìn đến giờ dậu, thấm thoát ba ngàn người đã soi
kính rồi. Trong số ba ngàn người ấy, hơn chín phần mười soi xong thì mặt
mày buồn hiu, không tới một phần mười còn lại là vui vẻ hân hoan.
Tri phủ thành Lạc Dương thời ấy là một tên quan rất tham ô, chỉ chạy
theo danh lợi, tâm tâm niệm niệm chỉ nghĩ làm sao để thăng quan tiến
chức. Nghe nói ngoài đường có người bán kính báu, soi một cái là thấy
ngay chuyện hên xui họa phúc của mình, ông rất muốn thử soi một phen,
xem mình rồi sẽ được chức quan lớn tới đâu, và phát tài giàu đến chừng
nào?
Nghĩ thế ông cũng chạy ra chợ. Khi ông chạy tới thì Ngài Quán Âm cũng
vừa đang thu xếp để trở về. Nhưng người mới đến là quan tri phủ đại
nhân, đâu có thể không ngó ngàng đến, nên Ngài Quán Âm lại lấy kính ra
để ông soi cho kỹ càng.
Lần này Ngài Quán Âm để cho ông soi tha hồ, không gấp gáp, và quan tri
phủ mới soi đã kinh hoàng, mồ hôi lạnh toát ra dầm dề.
Trong kính bắt đầu xuất hiện từng cảnh từng cảnh một, lúc ông ăn hối lộ,
vi phạm luật pháp, vu oan giá hoạ hại người, kết án người vô tội. Về sau
bị oan hồn uổng tử báo thù, chết bất đắc kỳ tử, đọa xuống địa ngục, chịu
đủ các cực hình tàn khốc. Sau đó nữa lại tái sinh làm lợn, được nuôi cho
mập rồi vào tay đồ tể cắt mổ. Tri phủ càng nhìn càng sợ hãi, trong tâm
dần dần có chút tỉnh ngộ. Lúc ấy người đàn bà nhà quê đã lấy lại tấm
kính cất vào hộp, và thở dài:
– Một bảo vật như thế chỉ có ngàn lượng bạc, rẻ thế mà chỉ có người soi
chứ chẳng có người mua, thế mới biết là ở thành Lạc Dương này thật ra
không có ai có mắt tinh đời!
Nói xong bèn cầm hộp lên đứng dậy sửa soạn rời đi.
Khi Ngài Quán Âm đứng dậy thì đột nhiên khuôn mặt người đàn bà nhà quê
biến mất nhường chỗ cho pháp tướng của Bồ Tát. Lúc ấy những người đứng
nhìn, mỗi người thấy Bồ Tát một cách khác nhau: người ác thì thấy người
đàn bà nhà quê kia biến thành một hung thần vô cùng bạo ác, nhìn thấy là
kinh hồn khiếp vía. Người bình thường thì thấy bà lộ vẻ giận dữ, cũng đủ
khiến họ cũng phải hết hồn. Chỉ có người hiền mới thấy bà mang khuôn mặt
dịu hiền từ ái thân thiện, rõ ràng là Đại Từ Đại Bi Cứu Khổ Cứu Nạn Quán
Thế Âm Bồ Tát.
Ai nấy đều kinh dị, định thần nhìn kỹ, thì không còn thấy người đàn bà
nhà quê bán kính ở đâu nữa. Tri phủ như người mê chợt tỉnh, lập tức quỳ
xuống đất cáo bạch:
– Trượng thừa Bồ Tát đến giáo hóa, hạ quan đã biết lỗi rồi.
Nghe tri phủ nói thế, mọi người mới vỡ lẽ ra người đàn bà bán kính vừa
rồi chính là Bồ Tát Quán Thế Âm. Từ đó, những kẻ chuyên làm ác đều tỉnh
ngộ, bỏ ác làm lành. Những người làm quan đều trở nên thanh liêm, dân
chúng cũng theo đó mà trở nên thuần hậu.
Sau đó, bá tánh thành Lạc Dương mới dùng số tiền mà Ngài Quán Âm đã bỏ
lại xây lên một cái miếu thờ Bồ Tát Quán Âm và tượng của Ngài được tạc
theo mắt thấy của họ, nghĩa là có ba mặt: một mặt Bồ Tát Quán Âm từ bi
hiền hậu, một mặt vô cùng giận dữ và một mặt hung tợn, trong tay cầm một
tấm kính báu, soi sáng cả đại thiên thế giới.
Bức tượng này, trong Phật giáo gọi là “Quán Âm du hí tam muội” và người
phàm thì gọi là “Quán Âm ba mặt”.