Năm Đồng Trị đời nhà Thanh, có một vị cao tăng ở Phổ Đà Sơn, pháp hiệu là Trúc Thiền. Hoà thượng
Trúc Thiền từ bé đã thích vẽ, học vẽ tới mức nét vẽ tinh vi tuyệt diệu.
Có một năm nọ, Hòa thượng Trúc Thiền được đương gia hòa thượng phái lên
kinh thành lấy kinh Phật. Tới kinh thành, vừa đúng lúc trống điểm canh
năm, trong cung chuông Cảnh Dương, trống Long Phụng cũng vừa gióng lên,
hoàng thượng lâm triều. Hòa thượng Trúc Thiền bèn theo bá quan văn võ đi
vào cung gặp vua.
Hoàng đế biết được đạo tràng Phổ Đà Sơn gởi Hòa thượng Trúc Thiền đến
thỉnh kinh, vô cùng hoan hỉ, tuyên chỉ mở yến tiệc ở khắp các điện làm
lễ “tiếp phong”. Giữa buổi tiệc, có một vị tiểu thái giám đem tới một cuộn giấy lụa
trắng dâng lên Hòa thượng Trúc Thiền, bảo rằng Lão Phật gia từ lâu ngưỡng mộ danh tiếng của Phổ Đà Sơn,
đặc biệt tuyên chỉ muốn Hòa
thượng vẽ cho bà một bức hình ngài Quán Âm cao một trượng hai chỉ.
Hòa thượng về đến Phổ Đà Sơn, không dám trễ nãi, lập tức mài mực sửa
soạn vẽ tranh. Khi ngài trải cuộn giấy trắng ra đo thì ngạc nhiên đứng
sững! Tại sao vậy? Vì cuộn giấy lụa bề dài tổng cộng chỉ có một trượng,
làm cách nào để vẽ một bức hình ngài Quán Âm một trượng hai đây? Cuộn
giấy lụa này lại chính tự tay Lão Phật gia ban tặng, làm sao tùy tiện
đem đi đổi? Tuy nói rằng kỹ thuật của Hòa thượng Trúc Thiền rất cao
siêu, và ngài là người cực kỳ thông minh trí tuệ nhưng đến lúc này cũng
phải bó tay!
Hòa thượng bèn định tâm lại, tĩnh tọa trên bồ đoàn nhắm mắt khấn nguyện
rằng:
– Bồ Tát ơi, giả như đệ tử không vẽ được bảo tượng thì khó mà phụng chỉ
vua ban, làm sao tránh khỏi tổn hoại thanh danh của Phổ Đà Sơn, đạo
tràng của Bồ Tát đây? Xin Bồ Tát cho đệ tử linh cảm để vẽ được một bức
tranh cao một trượng hai trên một tấm giấy chỉ dài có một trượng!
Ngài cứ khấn nguyện như thế mãi, từ từ thấm mệt. Đột nhiên, bảo tướng
trang nghiêm của Bồ Tát Quán Âm hiện ra trước mắt ngài, thoắt nhiên biến
thành hình dáng của một cô gái bán cá chầm chậm bước tới, tay cầm giỏ
tre, trong giỏ có một con cá đang nhảy lung tung. Hòa thượng Trúc Thiền
đón chào nói:
– Cô thí chủ à, cô bán cho tôi con cá này đi!
Cô gái bán cá đáp:
– Ông là thầy tu, mua cá làm gì?
– Mua cá phóng sinh.
– Nếu như mua cá phóng sinh thì tôi xin tặng ông con cá này.
Cô gái vừa nói vừa khom lưng xuống để lấy con cá từ trong giỏ ra. Ngay
giây phút ấy, cô gái bán cá giữ nguyên vị thế không động đậy nữa. Hòa
thượng bắt đầu cảm thấy bối rối, tại sao lại nói cho tôi con cá rồi lại
cứ đứng khom lưng không động đậy nữa? Ngài vừa nhìn vừa suy nghĩ, bỗng
nhiên tâm trí như khai mở, giật mình thức giấc, trước mắt không còn thấy
cô gái bán cá nào hết.
– Tuyệt diệu! Tuyệt diệu!
Hòa thượng tán thán không ngừng. Vừa rồi chính là Bồ Tát ứng mộng, dạy
rằng chỉ cần vẽ hình ngài Quán Âm dưới lốt một cô bái bán cá đang đứng
khom lưng cầm giỏ, thì cuộn giấy một trượng dư sức dung chứa hình ngài
Quán Âm cao một trượng hai.
Hòa thượng Trúc Thiền lập tức thắp một ngọn nến lớn, trải dài cuộn giấy,
vung bút thoăn thoắt vẽ. Ngày hôm sau, một bức hình ngài Quán Âm rất
khác thường được trình lên Lão Phật gia. Bức hình vẽ ngài Quán Âm, đầu
phủ khăn tơ trắng, eo thắt dây vải, cúi đầu khom lưng chăm chú nhìn một
con cá chép trong giỏ, dáng vẻ giản dị thanh tao, linh động như người
sống.
Từ Hi Thái hậu nhìn bức hình không ngớt tán thán, tự tay cầm bút đề lên
bốn chữ “Ngư Lam Quán Âm” (Quán Âm cầm giỏ cá), truyền chỉ sao lại bức
hình ấy để ban hành trong dân gian, cho các chùa viện và bách tính có
thể đem về thờ phụng, lại còn ban thưởng cho Hòa thượng Trúc Thiền một
bộ cà sa đỏ thắm, và cho ngài đặc chế vào cung không phải hành đại lễ.