Xưa thật là xưa, giữa chùa Phổ Tế và động Phạm Âm có một bãi cát rất
dài, mặt đưa ra ngoài biển chính là Bách Bộ sa ngày nay. Khi thủy triều
lên thì sóng biển vọt cao lên tới trước cửa chùa Phổ Tế. Đến mùa nước lũ
tháng tám thì sóng còn cao hơn thế nữa.
Có một năm nọ, vị hoàng thái tử đương triều đến Phổ Đà Sơn dâng hương
cúng dường Bồ Tát Quán Âm. Hôm ấy rơi đúng vào ngày lễ trung thu tháng
8, hoàng thái tử ngồi trước cửa Đại Viên Thông điện, ngắm trăng, nghe
sóng vỗ. Bỗng nhiên một trận cuồng phong nổi lên xô ngã thái tử, ngay cả
cái mũ cũng bị gió thổi rơi xuống biển. Thái tử kinh hãi hỏi vị hòa
thượng trụ trì:
– Gió sao lại thổi mạnh đến thế, có yêu quái gì gây ra nông nỗi?
Vị hòa thượng trụ trì đáp rằng:
– Ở dưới bãi cát trước cửa chùa có một con rồng nhỏ. Con rồng này ban
đầu ở trong biển, thường hay nhảy lên cao rồi lặn xuống đáy làm cho sóng
to gió lớn, bị thần hộ pháp quất cho một roi gãy xương sống, nên mới
chui xuống bãi cát tịnh dưỡng vết thương. Có khi nó hắt hơi, lăn lộn hay
duỗi chân cho khoan khoái, hễ nó động đậy thì trên núi liền nổi gió,
trên biển liền nổi sóng, thật là làm tình làm tội người ta!
Thái tử nói:
– Đúng là nghiệt súc! Có cách nào giữ cho nó nằm yên không?
Hoà thượng trụ trì đáp:
– Muốn cho con nghiệt súc ấy nằm yên không có gì khó, chỉ cần xây một
tòa bảo tháp là xong!
Thái tử nghe thế vui mừng nói:
– Thế thì quá tốt, tôi về tâu việc này lên cho phụ vương rõ, rồi truyền
chỉ xây tháp, giữ con nghiệt súc nằm yên!
Hòa thượng trụ trì liền chắp tay thi lễ:
– Thái tử vui lòng xây tháp, thật là Bồ Tát hộ trì!
Hôm sau Hòa thượng trụ trì đưa một số người thợ nề, thợ đá đến bãi cát,
bốc một nắm cát bùn đưa lên mũi ngửi, cúi rạp người xuống dán lỗ tai lên
cát nghe ngóng, từ đông sang tây, từ tây sang đông, đi tới đi lui. Cuối
cùng, ngài đến cửa núi Phạm Sơn không xa Bách Bộ sa, lấy thiền trượng vẽ
lên một vòng tròn và nói:
– Đây là chỗ xây tháp!
Hoàng thái tử tỏ vẻ không hiểu, vị trụ trì bèn giải thích rằng:
– Muốn xây tháp trấn rồng thì phải xây đúng tại chỗ yết hầu của nó tính
lên bảy tấc.
Hoàng thái tử nghe thầy trụ trì nói có lý, bèn phái một ông quan áo vàng
lưu lại Phổ Đà Sơn trông coi việc xây cất bảo tháp, còn mình thì trở về
kinh.
Trọn một năm trời trôi qua, một tòa tháp bốn góc xinh xắn được xây lên,
đó chính là tháp Đa Bảo hiện nay vậy. Vì tháp này do một vị thái tử
triều nhà Nguyên cúng dường việc xây cất nên cũng có tên là tháp Thái
Tử.
Hôm ấy tháp vừa xây xong xuôi, cũng rơi đúng vào ngày lễ trung thu, con
rồng nhỏ cũng vừa mới tỉnh dậy sau một giấc ngủ dài. Nó tính duỗi chân,
trườn mình cho thư thái thân rồng, nhưng nó cảm thấy toàn thân không
được tự tại, bèn mở to mắt rồng xem xét, thấy có bốn cây cột trụ vừa to
vừa dài kềm chặt đầu cuống họng, khiến cho nó không có cách nào động
đậy. Nó cảm thấy nóng nảy vô cùng, muốn lấy sừng rồng húc gãy cột trụ
nhưng phía trên lại có một cuốn kinh Pháp Hoa trấn giữ, cho nên nó húc
thế nào đi nữa cũng không vùng vẫy được.
Nó bèn nổi giận, hất đầu rồng, hắt hơi thật mạnh, một trận cuồng phong
bèn nổi lên cuốn đỉnh tháp xuống biển. Thấy thân tháp cũng gần muốn xiêu
đổ, vị quan thái giám áo vàng lo sợ vô cùng, vội chạy đi tìm hòa thượng
trụ trì.
Đúng ngay lúc ấy, đột nhiên trong viện sau của thiền tự có ánh sáng vàng
chiếu lên rực rỡ, một gian phòng từ trước đến nay vốn bị bỏ trống khóa
chặt bỗng bật mở, khóa rơi xuống đất. Mọi người chạy lên xem, bên trong
thấy có một bàn thờ Phật, trên bàn có đài sen báu, trên đài sen chỉ có
một bình bát bằng lưu ly đang phóng ánh sáng vàng, trên bát có đắp một
giải lụa vàng với hàng chữ: “Đa Bảo tháp trấn nghiệt long, lưu ly bát
bình yêu khí” (Đa Bảo tháp trấn giữ nghiệt long, bình bát lưu ly dẹp trừ
yêu khí).
Vị hoà thượng trụ trì thấy thế vội bưng cái bình bát lưu ly, cứ ba bước
lễ một lễ, lên tới tháp Đa Bảo, đặt bát lưu ly lên đỉnh tháp.
Thật là kỳ lạ, sóng gió lập tức lặng yên và tháp Đa Bảo không còn lung
lay nữa.
Từ đó, nước thủy triều chỉ dâng lên đến Bách Bộ Sa là ngừng, Đa Bảo Tháp
vững vàng đứng cao sừng sững trên đảo Phổ Đà!