Phía sau chùa Pháp Vũ có ngọn núi Cẩm Bình, tương truyền rằng đó là gấm
vóc do ngài Quán Âm dệt chồng chất lên mà thành. Núi Cẩm Bình nguyên là
một bãi đất hoang. Trên bãi đất hoang đó có một ngôi nhà của hai mẹ con
ở.
Đó là một bà mẹ với đứa con trai. Đứa con trai cưới vợ, cô con dâu là
một người rất chịu khó làm lụng, nào giặt giũ thổi cơm, nào chặt củi
trồng rau, việc trong việc ngoài, việc gì cô cũng làm được. Nào ngờ bà
mẹ chồng lại là người vừa khắt khe vừa ác độc, hay vạch lá tìm sâu, hạch
hỏi con dâu đủ chuyện, không bao giờ hài lòng. Cậu con trai là người con
có hiếu, không dám trái ý mẹ, tuy biết vợ mình chịu oan ức, cậu buồn lắm
nhưng chỉ biết an ủi khuyên giải vợ, khuyên vợ phải nhẫn nhục, nhẫn nhục
hơn nữa.
Không lâu sau, cậu con trai phải rời nhà đi làm ăn xa. Trước khi đi, cậu
trăm câu ngàn cú dặn dò khuyên nhủ vợ, khuyên cô hãy cố gắng nhẫn nhục
chịu đựng mà chờ chồng về. Con trai đi rồi, bà mẹ chồng đối với con dâu
trở nên hà khắc hơn, trong ngày hễ có chút giờ trống thì bắt cô bửa củi,
buổi tối về nhà thì dệt gấm. Mỗi ngày làm việc như thế không phút nào
ngừng mà bà mẹ chồng vẫn chưa vừa lòng, khi thì nói cô bửa củi không đủ,
khi thì mắng cô dệt hư cả gấm. Lại có lúc mắng nhiếc con dâu mà chưa
thấy đủ, bà còn đánh đập cô nữa. Cô con dâu thật sự hết chịu đựng nổi,
bao lần nghĩ tới chuyện kết liễu cuộc đời, nhưng không nỡ bỏ người chồng
đang xa nhà.
Có một hôm, cô con dâu gánh củi về nhà, vừa mệt vừa đói, toàn thân không
còn chút sức lực. Bỗng nhiên trước mắt cô là một màn đen, cô ngã nhào
xuống đất bất tỉnh nhân sự. Trong phút mông lung, cô nghe như có ai gọi
cô bên tai, mở mắt ra nhìn thì thấy trước mắt là một thiếu phụ giống hệt
mình từ áo quần đến mặt mũi. Thiếu phụ đỡ cô ngồi dậy, vui vẻ bảo:
– Xong rồi, xong rồi, vậy là cô tỉnh lại rồi ! Chồng cô đang chờ cô ở
Ninh Ba đấy, cô mau đi gặp ông ấy đi!
Nói xong, người thiếu phụ gánh củi lên toan bỏ đi. Người con dâu lập cập
bò dậy, chợt thấy khoẻ khoắn trong người, tràn đầy sức sống. Cô vội vàng
chạy tới cản đường người thiếu phụ nọ, nói rằng:
– Chị ơi, cảm ơn chị giúp em, nhưng chị để em gánh củi về đi chị!
Người thiếu phụ đưa tay nhẹ điểm lên trán cô, nói:
– Biển khổ vô biên, quay đầu là bờ!
Cô con dâu chợt không giành giật nữa, quay đi đến bến tàu, bước lên một
chiếc thuyền không buồm không lái, nhắm hướng Ninh Ba mà lướt sóng.
oo0oo
Bạn có biết người thiếu phụ nói trên là ai không? Chính là Bồ Tát Quán
Thế Âm cứu khổ cứu nạn. Ngài biết được cô con dâu bị bà mẹ chồng hành hạ
ngược đãi nên đặc biệt đến cứu.
Quán Âm Bồ Tát gánh củi về nhà. Bà mẹ chồng người phàm mắt thịt làm sao
phân biệt được thật giả, chỉ nghĩ rằng con dâu mới bửa củi gánh về, nên
bảo cô mau húp chén cháo loãng để còn vào phòng dệt gấm.
– Hôm nay mi gánh củi về muộn nên ta phạt đêm nay phải dệt hai tấm.
Bà cho rằng trong một đêm cô con dâu không có cách nào dệt nổi hai tấm
gấm. Lúc ấy bà sẽ có cớ để đánh mắng cô. Nào ngờ hôm sau mới tảng sáng,
hai tấm gấm đã được trải ra ngay ngắn trước mắt bà.
Bà sững sờ, nhưng lại ra lệnh đêm sau phải dệt 4 tấm, rồi đêm thứ ba 8
tấm... Cứ như vậy, mỗi ngày một tăng thêm. Thế mà “nàng dâu” cũng cứ vậy
mà hoàn thành theo đúng ý muốn của bà.
Bà mẹ chồng thấy sự việc quá kỳ quái, sinh lòng tò mò, nên nửa đêm lén
bước đến phòng dệt nhìn trộm. Bà nhìn đến đờ đẫn, miệng há hốc không
ngậm lại được! Thì ra “nàng dâu” mọc ra tới ngàn cánh tay, và trong mỗi
bàn tay có một con mắt sáng lóng lánh. Cô dùng ngàn tay ngàn mắt mà dệt
gấm nên dệt nhanh như bay, gấm vóc từ máy dệt tuôn ra như thác đổ cuồn
cuộn.
Bà mẹ chồng cứ đứng như trời trồng, quên bảo “nàng dâu” ngừng lại nên
gấm vóc càng lúc càng nhiều, chôn vùi cả bà và ngôi nhà nhỏ, rồi chất
cao lên mãi thành một ngọn núi.
Từ đó Phổ Đà sơn có thêm một thắng cảnh. Đó là ngọn núi Cẩm Bình, chính
là gấm vóc do ngài Quán Âm dệt chất lên mà thành.