Những năm đầu đời nhà Thanh, có một vị tăng người Nhật đến hành hương ở
Phổ Đà Sơn, tá túc ở chùa Pháp Vũ. Khi nhìn thấy kinh sách ở lầu Tàng
kinh từng bộ, từng bộ đầy đủ, chữ in tinh xảo đẹp đẽ thì trong lòng rất
ao ước. Vì vậy thầy không đi chùa nào khác lễ Phật, cả ngày chỉ quanh
quẩn trước lầu Tàng kinh, có giờ rảnh thì đứng trước cửa phòng ngây
người ra mà nhìn kinh sách trong lầu kinh.
Bên cạnh phòng ngủ của thầy có một vị hương khách khác tên là Nguyễn
Tuấn. Thật ra, đây là tên đầu sỏ của một bọn giặc cướp nổi danh. Mấy
ngày vừa qua hắn đã đoán rõ tâm tư của vị tăng người Nhật.
Một buổi tối nọ, Nguyễn Tuấn đi qua phòng của vị tăng, thì thà thì thào
nói chuyện to nhỏ với thầy cho tới nửa đêm. Lúc đầu thì vị tăng lắc đầu
quầy quậy, một lúc sau thì thầy cúi mặt, và cuối cùng, thầy gật đầu. Lúc
ấy Nguyễn Tuấn mới hài lòng bước ra khỏi phòng. Thì ra hai người đã bàn
tính và ước định với nhau rằng Nguyễn Tuấn sẽ lấy trộm những bộ kinh quý
báu từ lầu Tàng kinh, và vị tăng sẽ mua lại những bộ kinh ấy chở về Nhật
Bản. Hôm sau, Nguyễn Tuấn kêu gọi đồng bọn chuẩn bị chiếc thuyền đến
tiếp ứng. Đến ấy, hắn lẻn vào lầu Tàng kinh, lấy trộm ra chừng mười bộ
kinh như kinh Hoa Nghiêm, kinh Kim Cang, kinh Đại Bi v.v..., và cùng vị
tăng Nhật âm thầm chuyển ra thuyền, và ngay đêm ấy thuyền vượt sóng rời
khỏi Phổ Đà Sơn.
Khi thuyền cướp đến gần núi Lạc Ca thì cũng vừa đúng lúc Ngài Quán Âm
muốn đến chỗ ấy. Từ rừng trúc tím Ngài đến Triều Âm động, chỉ lướt mắt
là nhìn thấy thuyền cướp và những bộ kinh bị lấy trộm, và đồng thời cũng
khám phá ra là thuyền đã bị thủng một lỗ và nước đang tràn vào, bèn gọi
lớn “Cá ngao đâu?”
Con cá ngao đã bị Ngài Quán Âm thu phục ngày xưa, đúng lúc ấy đang ngủ
gà ngủ gật ở cửa động Triều Âm, nghe tiếng gọi của ngài hãy còn lười
biếng thả người nổi lên mặt nước, mở con mắt ngái ngủ ra nhìn. Ngài Quán
Âm dặn dò:
– Thuyền cướp bị thủng một lỗ rồi, bên trong lại có kinh Phật, con hãy
mau đi kéo nó vào bãi cát Thiên bộ sa.
Con kim ngao nghe nói phải đi kéo thuyền cướp trong lòng không vui, nên
còn nấn ná chưa muốn đi vội. Ngài Quán Âm nóng ruột, nghiêm giọng:
– Nghiệt súc, mi chưa đi thì kinh ướt hết còn chi! Mi mà làm hỏng việc
thì ta sẽ phạt mi nhốt trong động, quay mặt vào tường 300 năm!
Con cá ngao nghe thế thì giật nẩy mình, vội vàng hướng về Ngài Quán Âm
gật gật đầu rồi quay người lại hướng về Lạc Ca sơn.
Trở lại Nguyễn Tuấn, lái thuyền tới cửa núi Lạc Ca rồi, nhìn sóng đầy
mặt biển như vô số nén bạc đang chạy lại phía mình, không khỏi cảm thấy
vui thú mà cất lên tiếng ca, ca khẽ một câu hò chài lưới. Đột nhiên một
tên đồng lõa la lên:
– Thuyền bị thủng! Thuyền bị thủng!
Nguyễn Tuấn cấp tốc hạ lệnh bịt chỗ thủng, nhưng càng bịt nước càng tràn
vào nhiều hơn. Trong lúc cả thuyền cướp còn đang nhốn nháo và lúng túng,
con thuyền bỗng từ từ được nâng lên cao, chỗ thủng từ từ bớt chảy nước,
và một tia ánh sáng chiếu vào mạn thuyền. Bọn cướp nhìn nhau kinh ngạc.
Nguyễn Tuấn nhô người ra nhìn, chỉ thấy một con vật khổng lồ, giống cá
mà không phải cá, giống rùa mà không phải rùa đang kéo con thuyền đi
ngược hướng, đáy thuyền dán sát trên mặt nước phăng phăng hướng về bãi
cát Thiên Bộ sa.
Nguyễn Tuấn chưa kịp hiểu ất giáp chuyện gì đang xảy ra cho họ, con cá
ngao đã kéo thuyền cướp đến gần bãi cát, dùng lưng ủi một cái, thuyền đã
bị đẩy lên bãi.
Con kim ngao trút bỏ được gánh nặng, thấy nhẹ nhõm hẳn, đang muốn uốn
mình lao vào dòng nước giỡn sóng một chút cho khuây khoả thì đã nghe
Ngài Quán Âm đứng trên lưng hắn mắng rằng:
– Đừng có phá phách mà bẩn kinh Phật bây giờ!
Không còn cách nào hơn, con kim ngao chỉ biết chở ngài Quán Âm từ từ đến
Lạc Ca sơn.
Bọn giặc cướp thấy tình cảnh chiếc thuyền như thế, đứa nào cũng run lẩy
bẩy, bèn bỏ thuyền chạy trốn.
Những vị tăng giữ lầu Tàng kinh của chùa Pháp Vũ nghe tin ấy, chạy một
mạch tới bãi cát, chỉ thấy vị tăng Nhật Bản đang đối diện với núi Lạc
Ca, tụng kinh “Từ Bi” sang sảng, quỳ mọp xuống đất không ngẩng đầu lên.
Các thầy đến Thiên Bộ sa xem xét, quả nhiên nhìn thấy những bộ Kinh bị
mất cắp không thiếu bộ nào, bèn mừng rỡ đưa kinh Phật trở về lầu Tàng
kinh.