Lịch sử Đức Phật & Thánh chúng
Thường đề Bồ Tát
Pháp sư Long Căn Người dịch: TT. Thích Chân Tính
29/10/2554 06:35 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Thường đề Bồ-tát
 
   1. Vì tiếng khóc mà thành tên thiên hạ đều biết
   Thường Đề là một vị Bồ-tát thanh niên đặc biệt xuất sắc của Phật giáo.
Thường Đề ra đời vào thời đức Phật quá khứ, hiệu Lôi Hống Âm Vương. Không ai biết rõ chàng là người nước nào và cũng không có tên họ chi cả, chỉ biết chàng từ nhỏ hay khóc và cho đến lớn cũng vậy. Đối trước người đời, chàng thường phát ra những lời than thở bi thiết, như muốn tỏ bày tâm sự đau thương bất tận của mình, vì thế mọi người đều gọi là Thường Đề (hay khóc).
   Thường Đề sinh trưởng trong hoàn cảnh nghèo cùng khốn khó, nhờ vậy khi thành nhân đã trui rèn cho mình một tính cách chịu đựng, thân tâm như kim cang sắt đá. Bẩm tính của chàng càng đặc biệt hơn nữa. Người ta đánh, chàng không trả đũa. Người ta chửi, chàng cũng không giận hờn. Chẳng ham thế tục, chẳng ưa trân bảo, nhưng lại rất thích lễ Phật, nghe kinh.
   Thường Đề tánh tình khác người. Bình sinh, chàng không nghĩ đến phước lạc thế gian, thân tâm yên định như đá núi, trời lay cũng không sợ, đất chuyển cũng chẳng kinh. Thường Đề hiểu sâu Phật pháp, biết rõ vấn đề lớn của con người là bị sinh, lão, bệnh, tử bức bách, bị xâm lấn bởi hết thảy khổ nạn. Chỉ tiếc cho người đời mải miết chạy theo danh lợi không tiếc thân mạng, nên bị nó cướp đoạt, khiến cho thiên hạ chẳng được thái bình. Từ khi biết được cái khổ của cuộc đời và con người, Thường Đề ôm ấp lòng thương cứu nhân độ thế. Chàng biết muốn giải quyết được vấn đề này chỉ có phương pháp học Phật tu hành. Cho nên, chàng đã phát đại thệ nguyện tu Bồ-tát đạo, độ hết thảy chúng sinh thoát mọi khổ nạn.
   Khi Thường Đề phát tâm Bồ-đề rộng lớn, chàng liền suy nghĩ những vấn đề như: “Muốn tu hạnh Bồ-tát phải tu như thế nào? Muốn độ chúng sinh thoát khổ phải độ như thế nào? Trong khi đức Phật Lôi Hống Âm Vương không còn tại thế nữa biết hỏi ai bây giờ?”. Những điều này khiến chàng băn khoăn suy nghĩ, ăn uống không ngon, ngủ nghỉ không yên, trong lòng rối bời, không ngăn nổi đau thương, chàng bèn khóc than đến bảy ngày không thôi, khiến người đời phải ngạc nhiên kinh hãi. Có người bảo chàng là kẻ đần, có người nói là đồ si, cũng có người mắng là thằng điên, chàng thản nhiên không đáp, nhưng vẫn cứ khóc mãi. Vì thế mà trở thành tên, thiên hạ đều gọi chàng là Bồ-tát Thường Đề (Bồ-tát hay khóc)
   2. Chí thành cảm động Phật hiện thân
   Tiếng khóc của Bồ-tát Thường Đề rất chí thành vô tư, nhưng người đời không hiểu lại nói châm nói chọc. Thường Đề chẳng hề xấu hổ, trái lại tiếng khóc của chàng lại càng thống thiết hơn. Cho đến sáng sớm ngày thứ bảy, chợt xuất hiện chuyện lạ thường: Một vị Phật tướng hảo đoan nghiêm, hào quang sáng rực từ trên không giáng xuống đứng trước mặt khiến chàng bối rối vừa mừng vừa sợ. Chàng không thể ngờ là đức Phật đã phóng quang đến. Ngay lúc ấy, chàng chỉ biết chí thành đảnh lễ rồi quỳ trước đức Phật, nhưng rồi chàng lại lúng túng không biết thưa hỏi điều gì và cũng quên không hỏi danh hiệu đức Phật.
   Có một điều mà người đời khó có thể biết được là đức Phật vốn ở khắp mọi nơi mọi chỗ, không chỗ nào là không có các Ngài. Cho nên, khi Thường Đề phát tâm Bồ-đề và học đạo Bồ-tát liền được các đức Phật trong mười phương thế giới cảm nhận. Lúc đức Phật xuất hiện, không đợi Thường Đề thưa hỏi, liền vì chàng mà giải đáp vấn đề.
   Đầu tiên, đức Phật khen ngợi chàng rằng:
   - Lành thay! Lành thay! Ngươi đối với danh tiếng và lợi dưỡng thế gian đều không tham đắm, một lòng tu học Phật pháp để cứu nhân độ thế. Thật tốt thay! Khó được! Khó được! Ngươi vì cầu pháp mà thành khẩn khóc như vậy khiến Ta rất cảm động. Thật là hy hữu! Hy hữu! Ngươi là người có chí lớn hạnh lớn, nhất định sẽ được thành công như nguyện.   Hãy nỗ lực lên, gắng tinh tấn, tinh tấn lên!
   Tiếp đến, đức Phật khai đạo cho chàng rằng:
   - Thường Đề! Kẻ học Phật độ người phải tu học hạnh Bát-nhã. Bát-nhã là trí tuệ, là phương pháp tự độ mình và độ người, hay cứu hết thảy mọi khổ nạn. Bát-nhã là đạo của Bồ-tát, là chiếc thuyền độ người, năng cứu hết thảy chúng sinh thoát khỏi biển khổ. Chúng sinh trong thế gian rất nhiều, tâm tánh mỗi người mỗi khác, chỉ có thông đạt Bát-nhã mới có thể tùy cơ mà cứu độ giáo hóa. Ta cũng từ chỗ tu theo Bát-nhã mà đạt đến quả vị Phật. Ngươi muốn học Phật độ thế nên tu theo Bát-nhã Ba-la-mật.
Rồi Ngài lại chỉ dạy tiếp:
   - Từ đây đi về hướng Đông khoảng năm trăm dặm đường, có một thành tên gọi Chúng Hương. Trong thành có một vị Bồ-tát tên Pháp Thượng, lãnh đạo chúng hội Thanh niên Phật giáo có đến hàng vạn người cùng tham gia nghiên cứu Phật pháp. Hiện tại, Bồ-tát Pháp Thượng đang cử hành pháp hội lớn, tuyên dương Phật pháp, chủ giảng về kinh Bát-nhã. Đây là một cơ hội rất khó gặp, ngươi mau đến đó tham dự, chắc chắn sẽ gặt hái được nhiều lợi ích trong việc tu học Phật pháp!
   Thường Đề nhất tâm lắng nghe lời khai thị của đức Phật, thân tâm chìm đắm trong ánh hào quang pháp lạc của Ngài không biết bao lâu, đến khi giật mình sực tỉnh thì không còn thấy đức Phật ở trước mặt nữa. Thường Đề liền hướng lên không trung đảnh lễ ba lạy, cảm tạ đức Phật đã quang lâm chỉ dạy.
   3. Nơi chợ bán thân làm kinh động cả Quỷ, Trời
   Thường Đề cảm ứng trước sự phi thường này, cho nên sự tín tâm học Phật càng thêm thâm thiết, nhất tâm ghi nhớ lời chỉ giáo của đức Phật. Lúc này, trong tâm chàng chỉ tha thiết nghĩ nhớ đến một việc là mong mỏi không bao lâu sẽ được thân cận Bồ-tát Pháp Thượng và nghe pháp Bát-nhã. Chàng tha thiết đến nỗi quên cả thân tâm lẫn thế giới bên ngoài, lần đi vào cảnh giới chân chánh quên mất bản ngã mình. Trong cảnh giới tâm linh an định, chàng thấy mình đến chỗ các đức Phật ở mười phương thế giới, được các Ngài khuyên bảo sách tấn. Sau khi tỉnh giác khỏi cảnh mộng ảo và quay trở về với thế giới hiện thực, thân tâm chàng cảm nhận được sự khinh an vô hạn.
   Do thân tâm sung mãn và hưng phấn khiến cho tinh thần của Thường Đề càng thêm phấn chấn hẳn lên, và chàng quyết tâm phải đến cho được thành Chúng Hương. Nhưng vì không có tiền bạc mua hương hoa dâng cúng Tam Bảo, chàng liền nghĩ kế bán mình làm nô lệ nơi chợ thành. Thế nhưng, kết quả chẳng được như ý muốn. Không một người nào thèm đoái hoài tới. Chàng buồn rầu la lớn, rồi lại khóc lớn lên làm chấn động cả Quỷ vương.
   Quỷ vương thường hay phá hoại Phật pháp, làm chướng ngại lớn cho người tu hành. Quỷ vương rất vui mừng khi thấy có người làm ác và rất sợ trên thế gian có nhiều người học Phật tu hành. Vì nếu có một người học Phật, tu hạnh Bồ-tát, tương lai sẽ độ cho rất nhiều người. Nhiều người học Phật tức là có nhiều người lành, người tốt và người ác sẽ ít đi. Khi đó, con cái đệ tử của Quỷ vương sẽ bị giảm dần, quyền uy của Quỷ vương phải bị lay chuyển, thế lực của Quỷ vương phải bị tiêu mất. Cho nên, Quỷ vương bị chấn động bởi tiếng khóc của Thường Đề, lo sợ lũ quỷ trong cung hoang mang, bèn dùng quỷ thuật ngăn chặn khiến mọi người không thể nghe được tiếng khóc của Thường Đề.
Mặc dù Quỷ vương thành công trong việc ngăn trở Thường Đề bán mình làm nô lệ, nhưng không thể nào lay chuyển được tâm chí học Phật chắc như sắt đá của chàng. Và tiếng khóc của chàng lại càng bi thương thống thiết hơn nữa, oán trách thân thể của mình kiếm tiền còn thua loài trâu ngựa.
   Tiếng khóc của Thường Đề cũng làm kinh động đến Thiên cung, là nơi ở của Đế Thích Thiên Chủ. Thiên Chủ rất ủng hộ Phật pháp, một lòng bảo vệ người học Phật. Thấy Thường Đề còn trẻ mà đã phát tâm Bồ-đề cứu nhân độ thế, Thiên Chủ rất lấy làm hoan hỷ và tôn kính, nhưng e sợ ý chí của chàng không kiên định, thế nên Thiên Chủ liền biến thành một người Bà-la-môn đến trước mặt Thường Đề nói:
   - Anh muốn bán thân, nay tôi cần tủy máu của người để tế thần, anh có thể bán cho tôi không?
   Thường Đề đang khổ sở vì bán thân mà không ai chịu mua, chợt có người đến hỏi mua tủy máu, chàng rất vui mừng chấp nhận ngay ý nguyện này không một chút do dự đắn đo. Trong lúc chàng cầm dao định chích thân lấy huyết, Thiên Chủ liền xuất hiện nguyên hình, nói rõ ý của mình, rồi ca ngợi Thường Đề rằng:
   - Anh là người chí thành học Phật cầu pháp không tiếc thân mạng, khiến tôi đây rất lấy làm kính phục. Tôi xin chúc lành cho anh được thành công trong việc cầu pháp. Anh không nên chích máu lấy tủy nữa mà cần phải bảo vệ thân thể cho được tốt lành để tu hành. Anh cũng không nên bận tâm đến việc không có tiền, nếu anh muốn có hương hoa để cúng Phật sẽ có người đem cho. Trân trọng thay! Tâm Bồ-đề tối cao vô thượng của anh!
   Thiên Chủ nói xong liền biến mất. Thường Đề vừa kinh sợ vừa vui mừng, mặc dù việc bán huyết không thành công nhưng nội tâm chàng rất an ổn hoan hỷ. Do vì chí hạnh kiên cố của chàng nên mới có sự cảm ứng dị thường đó.
   Việc bán thân và chích huyết của Thường Đề được một nữ trưởng giả giàu có tình cờ trông thấy. Bà rất lấy làm khâm phục cảm động và tự nguyện hỗ trợ chàng đi đến thành Chúng Hương. Bà hứa sẽ cung phụng hết thảy tiền của vật dụng lên Bồ-tát Pháp Thượng và đại chúng trong hội Thanh niên Phật giáo theo ý muốn của Thường Đề. Bà cũng phát tâm học Phật, khuyên các thị nữ hầu cận bên mình đồng theo Thường Đề quy y Tam Bảo, nghe pháp Bát-nhã và thân cận Pháp Thượng thiện tri thức. Điều này, khiến Thường Đề rất lấy làm cảm động, phấn khởi, chàng liền chấp nhận sự hỗ trợ và nguyện vọng của nữ trưởng giả. Đồng thời, chàng cũng tổ chức thành một đoàn người cầu pháp. Nữ trưởng giả đem theo rất nhiều vàng bạc châu báu và mua sắm đầy đủ các thứ hương hoa, phẩm vật cúng dường, chở trên các cỗ xe, hướng về thành Chúng Hương.
   4. Trên hội Bát-nhã, vui mừng thành công
   Thành Chúng Hương là nơi giáo hóa thù thắng của đức Phật. Trong thành kiến thiết trang nghiêm không thể tả. Đường phố bằng thẳng, không một chút bụi dơ, bốn phương tám hướng nhà cửa dân chúng ở san sát nhau. Lâu đài, điện các trang hoàng bằng thất bảo, cờ xí giăng khắp mọi nơi. Chim hót líu lo, hoa hương thơm ngát khắp nơi. Du khách mặc tình dạo chơi tại các công viên hoặc bơi lội thỏa thích trong các ao hồ. Dân chúng người người thân tâm khỏe mạnh thơ thới, sinh hoạt rất hòa thuận vui vẻ. Nét đặc sắc của thành Chúng Hương, nơi Phật giáo hóa, thế đất sung mãn hẳn ra.
   Trụ sở hội Thanh niên Phật giáo rất nguy nga tráng lệ, tọa lạc tại khu trung tâm của thành. Bồ-tát Thường Đề hướng dẫn đoàn cầu pháp đang trên đại lộ tiến vào thành. Xa xa, đã trông thấy người người nô nức đi đến chỗ hội Thanh niên Phật giáo thành một biển người di động, khiến đoàn cầu pháp của Thường Đề càng thêm phấn chấn. Họ hòa trong dòng người để cùng tiến đến pháp hội.
   Nơi thuyết pháp là một giảng đường rộng lớn, ở giữa thiết kế hai tòa đại bửu cao lớn. Một tòa là nơi cúng dường kinh Bát-nhã để mọi người chiêm ngưỡng lễ bái. Còn tòa kia là nơi Bồ-tát Pháp Thượng an tọa giảng kinh Bát-nhã. Thính chúng trong ngoài giảng đường thật đông đảo nhưng không khí rất yên tĩnh, một tiếng động nhỏ cũng không có, cảnh tượng thật là trang nghiêm kính cẩn. Giảng đường tuy rộng lớn nhưng pháp âm rất rõ ràng, khiến người người đều nghe được hết.
   Thường Đề hướng dẫn đoàn tiến vào một góc giảng đường, yên lặng lắng nghe. Đến khi Bồ-tát Pháp Thượng tuyên giảng xong, chàng mới dẫn đoàn vào thăm hỏi lễ bái, bày tỏ ý nguyện của mình, rồi dâng các báu vật và hương hoa cúng dường. Phẩm vật được chia làm hai phần, một phần cúng dường kinh Bát-nhã và Bồ-tát Pháp Thượng, phần còn lại dâng cúng cho hội Thanh niên Phật giáo, số vàng bạc có tới hàng vạn.
   Bồ-tát Thường Đề rất khâm phục biện tài của Bồ-tát Pháp Thượng, liền thỉnh cầu Ngài dũ lòng từ bi thâu nhận họ làm đệ tử, chỉ dẫn cách thức tu hành Bát-nhã và đạo Bồ-tát. Họ mong mỏi Bồ-tát Pháp Thượng nhận họ vào hội Thanh niên để nương tựa đức độ của Ngài và tu học dưới sự hướng dẫn của Ngài, họ khỏi phải sợ trái với hạnh nguyện Bồ-tát.
Những lời thỉnh cầu này đều được Bồ-tát Pháp Thượng hứa khả. Công việc hướng dẫn đoàn cầu pháp của Thường Đề đã thành công viên mãn, mọi người vui mừng khôn xiết, đồng thời họ cũng được quy y Tam Bảo dưới sự chứng minh của Bồ-tát Pháp Thượng, phát khởi tâm đại Bồ-đề, lập nguyện lớn hành đạo Bồ-tát, vì cứu nhân độ thế mà hy sinh thân mạng, vì việc giải trừ hết thảy mọi khổ nạn cho chúng sinh mà phục vụ. Họ chính thức trở thành những tân học Bồ-tát được hết thảy mọi người trong cộng đồng hội tán thán ngưỡng mộ.
   5. Tán ngưỡng tên Thường Đề được lưu truyền
   Trên thế gian này không có người nào không khóc, nhưng xưa nay khó kiếm được một người nào do khóc mà thành tên như Thường Đề. Bồ-tát Thường Đề sầu khổ không phải vì những tư lợi ích kỷ của sự nghèo khó, mà chính là vì thiên hạ muôn dân khổ nạn cho nên chàng mới thương tâm. Vì thấy chúng sinh cầu Phật pháp trên thế gian này không có bao nhiêu người, và không làm sao khiến cho lòng người sinh tín ngưỡng được, cho nên chàng mới khóc để tỏ bày tâm sự đau thương bất tận của mình.
   Vậy nên, có bài kệ ca ngợi rằng:
                                          “Kính lạy Thánh giả Thường Đề xưa,
                                           Chẳng lo đói lạnh chẳng ưa tranh.
                                           Chỉ nghĩ muôn dân bao khổ nạn,
                                           Mong cầu Phật đạo cứu quần sinh.
                                           Khóc để muôn dân bừng tỉnh ngộ,
                                           Khóc cho Thần, Quỷ phải thất kinh.
                                           Quy y Pháp Thượng tu Bát-nhã,
                                           Mười phương thế giới mãi tên
truyền”.