Ghi Sau Khi Duyệt Tỷ-Kheo Giới
Tập tục giữa Ấn, Tàu với ta khác nhau
nhiều lắm. Xưa và nay càng khác hơn. Phật giáo cũng vậy. Nên muốn hiểu
luật thì phải biết những cái khác đó, kể cả cái khác giữa Bắc tông với
Nam tông.
Hãy nói vài ví dụ nhỏ nhặt. Tập tục khác nhau như Ấn ăn bốc, không
biết như vậy thì không hiểu được giới 40 (trong 100 giới học) với ghi
chú ăn không được một nửa vào miệng, một nửa còn nơi tay. Xưa nay khác
nhau như rửa tay sau khi đại tiện thì xưa dùng đất, tro, bồ hòn, bồ kết,
nay thì xà phòng. Ấy là chưa nói bao nhiêu cái khác, lớn có nhỏ có,
giữa xưa và nay, giữa 2 tông Bắc Nam. Có những cái bây giờ khác hẳn rồi,
thí dụ nói về ngọa cụ và tọa cụ.
Chỉ nói bấy nhiêu thôi cũng đủ thấy ngày nay Tỷ-kheo giới có một ít
giới điều không còn nói đến nữa. Thế nhưng ngày nay lại có bao nhiêu cái
mà Tỷ-kheo giới đã không qui định trước được. Thí dụ sự học hành, sự
giao tiếp... Chỉ sự giao tiếp mà thôi, mà bao nhiêu điều thích ứng hoặc
phản ứng đã phải đặt ra. Chưa nói ăn mặc ở, ba sự ấy có bao nhiêu là xáo
trộn mà tiện lợi có, khó xử có.
Mấy lời ghi trên đây đi đến kết luận gì? Kết luận ở chỗ phải nhớ luôn
đến cái chủ ý của Tỷ-kheo giới. Chủ ý đó là muốn Tỷ-kheo phải là
bậc Chúng trung tôn, thân miệng ý, cả ba nghiệp ấy đừng có những tội lỗi
và cử động bất xứng, nghĩa là cụ túc giới pháp và oai nghi. Rồi
từ chủ ý đó, phải có những sự hạn chế (giá) và linh động (khai) mà sao
cho như "liên hoa bất trước thủy", "sự lai tâm hiện, sự khứ tâm không".
Làm như vậy với ý thức và hậu quả là Tỷ-kheo giữ được bản sắc của
mình, của Phật giáo mình -- không để đời không có mình cũng được, hay
mình cũng như đời mà thôi. Nói cách khác, Tỷ-kheo không tự cao nhưng
không tục hóa. Giới luật còn thì Phật pháp còn là như thế này đây.
Mồng 10 Tháng 5, PL. 2537
Trí Quang