LÃO GIÀ
Trăm đời làm cha Phật không tiếp tục,
Bởi gây chướng ngại Bồ Tát đạo.
Lúc đức Như Lai ở thành Xá-vệ, có một lần đức Như Lai đang trên đường đến vườn Kỳ-đà bỗng gặp một ông già Bà-la-môn. Ông già này vừa thấy đức Như Lai, không cầm được lòng liền gọi lớn một cách mừng rỡ:
– Con yêu của cha! Con yêu của cha!
Nói xong, ông cắm đầu chạy nhanh đến, định ôm chầm lấy đức Như Lai. Ngay tức khắc, các thầy tỳ-kheo đi phía sau vội bước tới cản lại, không cho ông làm như vậy.
Đức Như Lai từ bi bảo các vị tỳ-kheo:
– Các con không nên ngăn cản ông ấy, bằng không ông ta sẽ lập tức thổ huyết chết.
Các vị tỳ-kheo liền buông ông già ra, ông nhào đến ôm chầm lấy đức Như Lai, giống như người cha lâu ngày thương nhớ con, cuối cùng đã được gặp, miệng lắp bắp gọi:
– Con yêu của cha! Con yêu của cha!
Đức Như Lai vẫn đứng yên như vậy rất lâu. Ông già khi ấy mới nhẹ nhàng buông tay ra, tâm kích động dần dần lắng xuống, ông bình tĩnh trở lại.
Lúc đó, đức Như Lai liền thuyết giảng với ông giáo pháp giải thoát thích hợp. Ngay tức khắc, ông già này được chứng đắc quả Dự lưu.
Sau khi chứng quả, ông quỳ xuống phát nguyện với đức Như Lai:
– Con mong muốn được xuất gia trong giáo pháp của đức Như Lai, xin Ngài từ bi chấp nhận.
Đức Như Lai hoan hỷ nhận lời, lại dùng cách gọi “thiện lai tỳ-kheo” để truyền giới cụ túc cho ông.
Sau khi xuất gia sống đời tỉnh thức, ông luôn nghiêm trì giới luật, tinh tấn tu tập đúng theo Chánh pháp.
Sau đó, đức Như Lai tùy theo căn cơ của ông mà thuyết giảng những pháp giải thoát thích hợp. Ông nỗ lực tu tập tinh tấn, không bao lâu dứt trừ được hết phiền não trong Ba cõi, chứng đắc quả vị A-la-hán.
Lúc đó, chúng tỳ-kheo cung kính đảnh lễ thưa hỏi đức Như Lai:
– Kính bạch đức Thế Tôn! Trong ngàn vạn người nam từng quỳ mọp đảnh lễ Ngài, chẳng có ai cư xử với Phật giống như ông già này. Hành vi kỳ lạ của ông già này, rốt cuộc là do nhân duyên như thế nào? Ngưỡng mong đức Như Lai từ bi giảng nói cho chúng con được rõ.
Đức Như Lai từ bi nhìn khắp đại chúng một lượt rồi chậm rãi nói:
– Này các tỳ-kheo! Ông lão này đã từng làm cha của ta trong suốt 500 kiếp trước. Do tập khí đời trước còn sót lại nên mới có hành vi như vậy.
Chúng tỳ-kheo lại bạch hỏi:
– Kính bạch đức Thế Tôn! Ông lão này đã làm cha Ngài suốt 500 kiếp, vậy sao đời này lại không tiếp tục như vậy?
Đức Như Lai đáp:
– Khi ta tu hành đạo Bồ Tát, rất ưa thích sự bố thí rộng khắp, tâm xuất ly mãnh liệt, nhưng ông lão này trong suốt 500 đời đó thường không ủng hộ ta, cố ý tạo ra rất nhiều chướng ngại, nghịch duyên. Vì thế ta đã phát nguyện là sau này ông ấy sẽ không làm cha ta nữa. Ngoài ra, đức vua Tịnh-phạn, cha của ta trong đời này, trước đây đã từng phát nguyện khi ta thành Phật sẽ được làm cha ta. Do hai nhân duyên đó nên đời này ông ta không còn được làm cha ta nữa.
Các vị tỳ-kheo lại thưa hỏi:
– Kính bạch đức Thế Tôn! Vậy không biết vào đời trước vua Tịnh-phạn đã có nhân duyên phát nguyện như thế nào?
Đức Phật dạy:
– Cách đây 91 đại kiếp về trước, vào thời đức Phật Câu-lưu-tôn còn tại thế, có một người lái buôn lớn cúng dường đức Phật Câu-lưu-tôn, thấy sắc thân vàng ròng đủ 32 tướng tốt, vô cùng thù thắng trang nghiêm của đức Như Lai, ông ta liền phát nguyện:
“Do công đức cúng dường đức Phật hôm nay, nguyện cho sau này tôi sẽ có được người con giống như Đức Phật.”
Người lái buôn thuở đó nay chính là vua Tịnh-phạn. Do nguyện lực ngày trước nên đời này trở thành cha của ta.
Chúng tỳ-kheo lại thưa hỏi:
– Kính bạch đức Thế Tôn! Vậy do nhân duyên gì mà ông lão Bà-la-môn đó phải chịu quả báo đời này bần cùng, mãi đến cuối đời mới gặp được đức Như Lai và xuất gia sống đời tỉnh thức?
Đức Phật dạy:
– Này các tỳ-kheo! Do nhân duyên nhiều đời gây chướng ngại cho sự bố thí rộng khắp và sinh tâm xuất ly của Đại Bồ Tát, nhất là ngăn cản sự xuất gia sống đời tỉnh thức, như vậy tạo tác không ít duyên xấu. Vì thế nên đời này ông ấy phải chịu quả báo nghèo khổ, mãi đến những năm cuối đời mới được gặp Phật, xuất gia sống đời tỉnh thức.
Các vị tỳ-kheo lại hỏi:
– Kính bạch đức Thế Tôn! Vậy do nhân duyên gì mà ông ấy khởi tâm hoan hỉ đối với Như Lai, lại xuất gia sống đời tỉnh thức trong giáo pháp giải thoát, chứng đắc quả vị A-la-hán?
Phật dạy:
– Đây đều là do nguyện lực đời trước của ông ấy, đến đời này đã thành thục. Trong Hiền kiếp này, lúc đức Phật Ca-diếp còn tại thế, tuổi thọ con người đến 20.000 tuổi, có một vị tỳ-kheo khi lâm chung phát nguyện rằng:
– Do công đức xuất gia sống đời tỉnh thức, trọn đời giữ giới thanh tịnh, tu tập giáo pháp giải thoát của Phật-đà, nguyện cho sau này tôi sẽ được sinh trong giáo Phật của đức Thích-ca Mâu-ni Thế Tôn, khởi tâm hoan hỉ, xuất gia sống đời tỉnh thức, dứt trừ hết phiền não trong Ba cõi, chứng đắc quả vị A-la-hán.
Do nguyện lực ấy, ngày nay ông ấy được xuất gia sống đời tỉnh thức trong giáo pháp giải thoát, trở thành bậc A-la-hán.
Đại chúng tỳ-kheo nghe Phật thuyết dạy nhân duyên đời trước, thảy đều sinh tâm hoan hỷ, tin sâu giáo lý nhân quả, cung kính đảnh lễ lui ra.
[1] Lục độ, tức Lục Ba-la-mật, nói đủ là Ba-la-mật-đa, phiên âm từ Phạn ngữ pramit. Hán văn dịch nghĩa từ này là “độ”, có nghĩa là vượt qua, đưa qua; cũng được dịch là “đáo bỉ ngạn”, nghĩa là “sang đến bờ bên kia”. Vì thế, sáu pháp ba-la-mật có nghĩa là sáu pháp môn giúp “đưa sang bờ bên kia”, nghĩa là đạt đến sự giải thoát. Đây là sáu công hạnh căn bản của hàng Bồ Tát, được sử dụng như phương tiện tu tập để đạt đến quả vị Phật. Vì thế, các pháp ba-la-mật được xem là hàm chứa cả ý nghĩa tự lợi lẫn lợi tha; vừa giúp đỡ người khác vừa là tự giải thoát cho chính mình. Lục độ hay Lục ba-la-mật bao gồm: 1. Bố thí độ Sanskrit: dna pramit), là hạnh bố thí, buông xả tất cả những vật sở hữu của mình để bố thí cho tất cả chúng sinh. Bố thí có ba hình thức là Tài thí (bố thí bằng tài vật), Pháp thí (bố thí bằng giáo pháp, nghĩa là dạy người khác tu tập) và Vô úy thí (bố thí bằng sự không sợ hãi, nghĩa là che chở, bảo vệ, khiến cho người khác không còn sự sợ hãi). Ở mức độ hành trì thấp nhất, bố thí là phương pháp hiệu quả để đối trị với sự tham lam, keo kiệt. Khi đạt đến mức độ vô phân biệt (không còn thấy có người thí, người được thí và vật thí), bố thí là hạnh nguyện lớn lao có thể giúp hành giả đạt đến sự giải thoát cũng như cứu độ mọi chúng sinh khác, khiến cho họ cũng đạt được giải thoát. Về mặt nhân quả thì người thực hành bố thí sẽ được quả báo không bao giờ rơi vao cảnh nghèo đói, khốn cùng. 2. Trì giới độ Sanskrit: ỵla pramit), là công hạnh nghiêm trì giới luật đã thọ nhận, dù phải chịu mất cả tính mạng cũng không phạm vào giới cấm. Ở mức độ hành trì thấp nhất, việc trì giới là phương pháp hiệu quả để ngăn ngừa mọi hành vi bất thiện, xấu ác. Khi đạt đến mức độ vô phân biệt (không còn có giới và người trì giới, cũng không có người phạm giới) thì trì giới là hạnh nguyện lớn lao khiến cho thân tâm hành giả đều trở nên thanh tịnh, xa lìa mọi sự cấu nhiễm, đạt đến giải thoát. Về mặt nhân quả thì người thực hành trì giới sẽ được mọi quả báo tốt lành vì không bao giờ tạo tác các nghiệp xấu ác. 3. Nhẫn nhục độ Sanskrit: kṣnti pramit), là công hạnh nhẫn chịu mọi điều trái ý vì mục đích tự giác, giác tha, dù rơi vào bất cứ nghịch cảnh nào cũng không để tâm Bồ-đề thối chuyển. Ở mức độ hành trì thấp nhất, nhẫn nhục là phương pháp hiệu quả để đối trị tâm sân hận. Khi đạt đến mức độ vô phân biệt (không có người nhẫn nhục, đối tượng nhẫn nhục cũng như sự việc phải nhẫn nhục), hành giả tự mình được giải thoát khỏi mọi phiền não, vì không còn có tâm sân hận đối với mọi chúng sinh. 4. Tinh tấn độ, là công hạnh chuyên cần trong sự tu tập. Ở mức độ hành trì thấp nhất, tinh tấn là phương pháp hiệu quả để đối trị tâm lười nhác, buông thả. Với mức độ cao hơn, tinh tấn được hiểu là chuyên cần, siêng năng trong việc chấm dứt những điều ác đã làm, ngăn ngừa những điều ác chưa làm, phát triển những điều thiện đã làm và làm sinh khởi những điều thiện chưa phát sinh. 5. Thiền định độ Sanskrit: dhyna pramit), là công hạnh tu tập sự định tâm, loại trừ mọi vọng niệm và sự tán loạn tâm trí. 6. Trí huệ độ Sanskrit: prajđ pramit), là công hạnh tu tập trí tuệ Bát-nhã, thấu suốt được thật tánh của các pháp, không rơi vào các kiến giải sai lệch, tà vạy của thế gian.
[2] Long Hoa tam hội: Ba hội thuyết pháp của đức Phật Di-lặc dưới cội Long Hoa. Sau khi đức Thích-ca Mâu-ni Thế Tôn thị hiện nhập Niết-bàn 56 ức 7.000 vạn năm (có thuyết nói 57 ức 6 ngàn vạn năm, 56 ức vạn năm), Bồ-tát Di-lặc từ cõi trời Đâu-suất thị hiện hạ sinh xuống nhân gian, xuất gia học đạo, ngồi dưới cội Long Hoa, trong vườn Hoa Lâm, thành Sí-đầu, thành bậc Chính Đẳng Chính Giác, trước sau có tất cả ba lần thuyết pháp. Theo phẩm Tam Thế Đẳng, kinh Bồ Tát Xử Thai, trong Long Hoa tam hội, hội thứ nhất thuyết pháp độ 96 ức người chứng quả A-la-hán, 36 vạn chư thiên, loài người và các loài khác trong Tám bộ chúng phát tâm Vô thượng Bồ-đề, lại có nhiều vị chứng được bốn thánh quả của Ba thừa. Hội thứ nhì thuyết pháp độ 94 ức người chứng quả A-la-hán, 64 ức chư thiên, loài người và các loài khác trong Tám bộ chúng phát tâm Vô thượng Bồ-đề, lại có nhiều vị chứng được bốn thánh quả của hàng Nhị thừa. Hội thứ ba thuyết pháp độ 92 ức người chứng quả A-la-hán, 34 ức chư thiên, loài người và các loài khác trong Tám bộ chúng phát tâm Vô thượng Bồ-đề, lại có nhiều vị chứng được bốn thánh quả của hàng Nhị thừa. (Theo kinh Phật thuyết Di-lặc đại thành Phật do ngài Cưu-ma-la-thập dịch, được đưa vào Đại chính tạng, quyển 14, kinh số 456.) Những ai muốn tham dự ba hội Long Hoa, nên thực hành đúng ba điều theo lời nguyện của đức Di-lặc Thế Tôn như sau: 1. Những tăng ni xuất gia sống đời tỉnh thức trong giáo pháp của đức Phật Thích-ca Mâu-ni, nếu có thể giữ gìn giới hạnh trang nghiêm, tương lai sẽ được tham dự và độ thoát trong pháp hội đầu tiên. 2. Hàng Phật tử tại gia nếu giữ đúng năm giới cấm (Ngũ giới), Bát quan trai giới, phụng thờ và cung kính cúng dường Ba ngôi báu (Tam bảo) sẽ được độ thoát trong pháp hội thứ hai. 3. Những người tuy chưa giữ giới, song có lòng tin thanh tịnh vào Ba ngôi báu, biết lễ kính Phật và đem tâm thành kính cúng dường Phật, Pháp và Tăng, sẽ được độ thoát trong pháp hội thứ ba.
[3] Tam môn: Ba pháp môn mà Bồ Tát tu hành để hướng về Niết-bàn: 1. Trí tuệ môn: Biết tiến, thoái là trí; biết Không, Vô ngã là tuệ; nương vào trí nên không tìm cầu sự an lạc cho riêng mình, y vào tuệ nên xa lìa tâm tham lam. 2. Từ bi môn: Cứu khổ là từ, ban vui là bi, nương vào từ nên cứu khổ hết thảy chúng sinh, y vào bi nên làm cho chúng sinh xa lìa tâm bất an. 3. Phương tiện môn: Ngay thẳng là phương, ngoài mình là tiện, vì nương vào sự ngay thẳng cho nên tự mình thương xót hết thảy chúng sinh, vì y vào ngoài mình nên xa lìa tâm ưa thích sự cúng dường cung kính của người khác đối với mình. – Trên đây Trí tuệ môn thuộc về tự lợi, Từ bi môn thuộc về lợi tha, Phương tiện môn thuộc tự lợi lẫn lợi tha. Tuy chia làm ba môn, nhưng thật ra không khác biệt. Trí tức bi, bi tức trí, bi trí song hành để nhiếp hóa chúng sinh thành Phương tiện môn.
[4] Kiến giải Tát-ca-da (Tát-ca-da kiến, phiên âm từ tiếng Phạn là satkya-dṛṣṭi, là kiến giải sai lầm cho rằng thật có ngã và ngã sở trong thân do 5 uẩn hòa hợp. Đây là một trong 5 kiến, một trong 10 tùy miên.
[5] Quả Dự lưu (Dự lưu quả tiếng Phạn là srotpanna, là quả vị đầu tiên của Thanh văn thừa, bắt đầu dự vào hàng Thánh vô lậu, là trong bốn quả Thanh văn. Hàng Thanh văn sau khi đoạn kiến hoặc trong ba cõi mới bắt đầu dự vào dòng Thánh và ngược dòng thác sinh tử, nên cũng được gọi là quả Nghịch lưu. Vì là quả Thánh đầu tiên của Thanh văn thừa nên còn gọi là Sơ quả. Quá trình tu tập hướng đến quả vị này gọi là Dự lưu hướng, Phạn ngữ là srotpatti-pratipannaka. Dự lưu hướng gọi là Kiến đạo vị, Dự lưu quả gọi là tu đạo vị.
[6] Vào thời đức Phật, những vị tỳ-kheo có đủ nhân duyên được trực tiếp xuất gia với Phật, chỉ cần nghe Phật gọi “Thiện lai tỳ-kheo” thì râu tóc tự nhiên rụng sạch, trên thân hình hiện ra áo cà-sa và bình bát, ngay lúc đó liền được trọn đủ giới thể, không khác gì vị tỳ-kheo được truyền giới nơi giới đàn.
[7] Thiền duyệt: niềm vui thiền định. Người nhập thiền định, tâm được an vui tự tại không thể dùng lời để diễn tả.
[8] Nhiễu quanh về bên phải (hữu nhiễu): là phong tục Ấn Độ ngày xưa để bày tỏ lòng tôn kính. Vì vậy, mỗi khi viếng thăm các tháp thờ tượng Phật, người hành hương cũng thường đi quanh tháp nhiều vòng theo chiều về bên phải.
[9] Hiền kiếp tiếng Phạn là Bhadra-kalpa): tên kiếp trụ hiện nay chúng ta đang sống. Trong kiếp này có 1.000 vị Phật ra đời nên gọi là Hiền kiếp. Trong Hiền kiếp có 1.000 Đức Phật lần lượt thị hiện giáo hóa chúng sinh, trong đó có các đức Phật Câu-lưu-tôn, Câu-na-hàm Mâu-ni, Ca-diếp, Thích-ca Mâu-ni, Di-lặc... cho đến đức Phật cuối cùng là Lâu-chí.
[10] Địa ngục Bát hàn (Bát hàn địa ngục: là tám địa ngục cực kỳ lạnh lẽo rét buốt, khiến cho các chúng sinh thọ tội trong đó phải vô cùng đau khổ. Các địa ngục này gồm có: 1. Át-bộ-đà, phiên âm từ Phạn ngữ Arbuda, có nghĩa là phồng rộp, vì da thịt của chúng sinh thọ tội trong địa ngục này bị phồng rộp lên do quá lạnh. 2. Ni-thích-bộ-đà, phiên âm từ Phạn ngữ Nirarbuda, có nghĩa là phồng rộp và nứt ra, vì da thịt của chúng sinh thọ tội trong địa ngục này bị phồng rộp lên rồi nứt nẻ ra vì quá lạnh. 3. Át-triết-trá, phiên âm từ Phạn ngữ Aṭaṭa, vì chúng sinh thọ tội trong địa ngục này bị rét buốt khổ đến cùng cực, môi không thể cử động, chỉ phát ra thành tiếng rên xiết “át-triết-trá”. 4. Hoắc-hoắc-bà, phiên âm từ Phạn ngữ Apapa, vì chúng sinh thọ tội bị rét buốt khổ đến cùng cực, lưỡi không thể cử động, chỉ còn phát ra thành tiếng “hoắc-hoắc-bà”. 5. Hổ-hổ-bà, phiên âm từ Phạn ngữ Hahdhara, vì chúng sinh thọ tội bị rét buốt khổ đến cùng cực, rên xiết thành tiếng “hổ-hổ-bà”. 6. Ốt-bát-la, phiên âm từ Phạn ngữ Utpala, nghĩa là hoa sen xanh, vì chúng sinh thọ tội bị lạnh buốt quá mức, da thịt nứt nẻ giống như hoa sen xanh. 7. Bát-đặc-na, phiên âm từ Phạn ngữ Padma, nghĩa là hoa sen hồng, vì chúng sinh thọ tội bị lạnh buốt khổ đến tột độ, da thịt nứt toát ra giống hoa sen hồng. 8. Ma-ha Bát-đặc-na, phiên âm từ Phạn ngữ Mahpadma, nghĩa là hoa sen hồng lớn, vì chúng sinh thọ tội bị rét buốt khổ đến tột độ, da thịt lạnh cứng nứt ra, toàn thân biến thành màu hồng, giống như hoa sen lớn màu hồng. (Theo Danh nghĩa đại tập
[11] Địa ngục Bát nhiệt (Bát nhiệt địa ngục: là tám địa ngục mà tội nhân ở đó chịu khổ vì khí nóng. Tám địa ngục đó là: 1. Tưởng địa ngục, Phạn ngữ là Saṃjỵva, cũng còn gọi là Đẳng hoạt địa ngục. Chúng sinh trong địa ngục này tay mọc móng sắt dài nhọn, do lòng sân giận mà sinh ra ý tưởng hại nhau, nên dùng móng vồ lấy nhau, da thịt liền rơi rớt; có những tội nhân bị chặt, đâm, xay, giã, như vậy tưởng là đã chết, song gió lạnh thổi qua, da thịt lành lặn rồi sống trở lại. Địa ngục này dành cho những chúng sinh không ý thức được khổ đau do sự giết hại gây ra nên tạo nghiệp giết hại các chúng sinh khác. 2. Hắc thằng địa ngục, Phạn ngữ là Klastra, nghĩa là địa ngục dây đen. Nơi đây ngục tốt dùng dây sắt nóng buộc kéo tội nhân, sau đó cưa chém thân hình, lại có gió dữ thổi dây sắt nóng quấn quanh thân họ, đốt da, lóc thịt, thui xương, nấu tủy vô cùng khổ sở. 3. Đôi áp địa ngục, Phạn ngữ là Saṃghta, cũng gọi Chúng hợp địa ngục. Địa ngục này có núi đá lớn, sau khi tội nhân rơi vào, núi tự nhiên khép lại, đè ép thân họ, xương thịt nát nhừ. Địa ngục này dành cho những chúng sinh phạm vào các tội giết hại, lường gạt trộm cắp và tà dâm. 4. Khiếu hoán địa ngục, Phạn ngữ là Raurava. Ngục tốt trong địa ngục này đem tội nhân ném vào chảo lớn để hầm nấu, tội nhân chịu các đau đớn, gào khóc kêu la, nên gọi là Khiếu hoán địa ngục. Chúng sinh do phạm vào bốn tội: giết hại, trộm cắp, tà dâm, uống rượu mà sa vào địa ngục này. 5. Đại khiếu hoán địa ngục, Phạn ngữ là Mahraurava. Trong địa ngục này, tội nhân sau khi bị hầm nấu rồi, gió nghiệp thổi vào lại sống dậy; khi ấy ngục tốt dẫn họ vào lò sấy bằng sắt để rang sấy họ. Tội nhân đau đớn rên la thống thiết, phát tiếng kêu to nên gọi là Đại khiếu hoán địa ngục. Chúng sinh do phạm vào các tội giết hại, lường gạt trộm cắp, tà dâm, nói dối nên sa vào địa ngục này. 6. Thiêu chích địa ngục Phạn ngữ là Tapana,cũng gọi là Tiêu nhiệt địa ngục hay Viêm nhiệt địa ngục. Địa ngục này có tường thành bằng sắt, lửa cháy hừng hực, trong ngoài đốt nướng, da thịt phạm nhân bị cháy rục, vô cùng khổ sở. 7. Đại thiêu chích địa ngục, Phạn ngữ là Pratpana,cũng gọi là Đại tiêu nhiệt địa ngục, Đại cực nhiệt địa ngục. Trong địa ngục này, ngục tốt bắt tội nhân nhốt vào thành sắt, đốt lửa cháy rực, trong ngoài đều đỏ, đốt nướng tội nhân; lại có hầm lửa, lửa cháy đỏ rực, hai bên bờ hầm có núi lửa, đem tội nhân xiên vào chỉa ba bằng sắt, nướng trên lửa lớn, da thịt cháy rục, vô cùng khổ sở. 8. Vô gián địa ngục, Phạn ngữ là Avỵci,phiên âm là A-tỳ địa ngục, cũng gọi là Vô cứu địa ngục. Trong địa ngục này, tội nhân phải chịu khổ liên tục nên gọi “vô gián” (không gián đoạn), là địa ngục rất khổ. Người tạo tội ngũ nghịch (giết cha, giết mẹ, giết A-la-hán, phá hòa hợp tăng, làm thân Phật chảy máu), phỉ báng Đại thừa rơi vào ngục này.
[12] Thế giới Tam thiên Đại thiên (Tam thiên đại thiên thế giới, Phạn ngữ là tri-shasra-mah-shasrḥloka-dhtavaḥ: Theo vũ trụ quan của người Ấn Độ thời xưa lấy núi Tu-di làm trung tâm, xung quanh có 4 đại châu và 9 lớp núi, 8 lớp biển, gọi là một Tiểu thế giới, kể từ trời Sơ thiền của Sắc giới đến lớp phong luân dưới đáy mặt đất, trong đó bao gồm: mặt trời, mặt trăng, núi Tu-di, Tứ thiên vương, Tam thập tam thiên, trời Dạ-ma, trời Đâu-suất, trời Lạc biến hóa, trời Tha hóa tự tại, trời Phạm thế... 1.000 tiểu thế giới như vậy hợp thành một Tiểu thiên thế giới, 1.000 Tiểu thiên thế giới hợp thành một Trung thiên thế giới, 1.000 Trung thiên thế giới hợp thành một Đại thiên thế giới. Vì có sự hợp thành qua ba tầng bậc nên ta quen gọi là Tam thiên Đại thiên thế giới, nhưng cũng đồng nghĩa với Đại thiên thế giới.
[13] Ba mươi bảy phẩm đạo (Tam thập thất đạo phẩm, Phạn ngữ là bodhi-pkṣika): cũng gọi là Tam thập thất Bồ-đề phần, là 37 pháp môn tu tập, được chia thành 7 nhóm: 1. Tứ niệm xứ (a. Thân niệm xứ: Tức quán sắc thân này đều là bất tịnh; b. Thọ niệm xứ: Quán các cảm thọ khổ, vui... thảy đều là khổ; c. Tâm niệm xứ: Quán trong tâm này niệm niệm sinh diệt và không thường trụ; d. Pháp niệm xứ: Quán các pháp do nhân duyên sinh, không có tính chất tự tồn tại.), 2. Tứ chính cần (a. Tinh tấn dứt trừ điều ác đã sinh; b. Tinh tấn ngăn ngừa điều ác chưa sinh; c. Tinh tấn sinh khởi điều thiện chưa sinh; Tinh tấn phát triển điều thiện đã sinh.), 3. Tứ như ý túc (a. Dục như ý túc: Hi vọng pháp sở tu được đầy đủ như nguyện; b. Tinh tấn như ý túc: Đối với pháp sở tu phải chuyên chú nhất tâm, không có xen tạp, được đầy đủ như nguyện; c. Niệm như ý túc: Đối với pháp sở tu ghi nhớ không quên, được đầy đủ như nguyện; d. Tư duy như ý túc: Tâm tư duy pháp sở tu, không để quên mất, được đầy đủ như nguyện.), 4. Ngũ căn (Năm cội gốc sinh ra tất cả pháp lành, gồm có: a. Tín căn: Tin sâu chính đạo và pháp trợ đạo thì có công năng sinh ra tất cả vô lậu thiền định giải thoát; b. Tinh tấn căn: Chuyên cần tu tập theo chính pháp, không xen không tạp; c. Niệm căn: Ghi nhớ chính pháp không quên; d. Định căn: Nhiếp tâm không cho tán loạn, nhất tâm tịch tĩnh; e. Tuệ căn: Dùng trí tuệ quán chiếu các pháp rõ ràng.), 5. Ngũ lực (Là năm sức mạnh, lực dụng, có công năng phá ác sinh thiện, gồm có: a. Tín lực: Tín căn tăng trưởng có công năng phá trừ các nghi hoặc; b. Tinh tấn lực: Tinh tấn căn tăng trưởng có công năng phá trừ sự biếng nhác của thân tâm; c. Niệm lực: Niệm căn tăng trưởng có công năng phá diệt các tà niệm, thành tựu công đức chính niệm xuất thế; d. Định lực: Định căn tăng trưởng có công năng diệt trừ các loạn tưởng, phát sinh các thiền định; e. Tuệ lực: Tuệ căn tăng trưởng có công năng ngăn chặn, trừ dứt các kiến giải và tư tưởng tà vạy, sai lệch trong 3 cõi.), 6. Thất giác phần, cũng gọi là Thất giác chi (a. Trạch pháp giác phần: Có công năng giản trạch, phân biệt sự chân ngụy của các pháp, b. Tinh tấn giác phần: Tu các đạo pháp không xen tạp, c. Hỉ giác phần: Khế ngộ chân pháp, tâm được hoan hỉ, d. Trừ giác phần: Có công năng đoạn trừ các kiến hoặc phiền não, e. Xả giác phần: Có công năng xa lìa cảnh giới vướng mắc của sở kiến, g. Định giác phần: Có công năng biết rõ thiền định sở phát, h. Niệm giác phần: Có công năng tư duy đạo pháp.) 7. Bát chính đạo (a. Chính kiến: Kiến giải chân chính, có công năng thấy được chân lí, b. Chính tư duy: Tư duy chân chính, tâm không tà niệm, c. Chính ngữ: Lời nói chân chính, không hư dối, không ác ý, d. Chính nghiệp: Tác nghiệp chân chính, thường trụ trong thiện nghiệp thanh tịnh, e. Chính mạng: Nghề nghiệp chân chính, nuôi sống bằng những phương cách chính đáng, không gây hại đến bản thân và người khác, g. Chính tinh tấn: Tinh tấn tu tập các pháp môn chân chính, h. Chính niệm: Niệm tưởng chân chính, chuyên tâm nhớ nghĩ đến các pháp lành, i. Chính định: Thiền định chân chính, thân tâm tịch tĩnh, thường trụ trong chính pháp.) Bảy nhóm pháp môn này cộng lại có 37 pháp tu, gọi chung là Ba mươi bảy phẩm đạo.
[14] Bích-chi Phật, phiên âm từ Phạn ngữ là Pratyeka-buddha, đọc trọn âm là Bích-chi-ca Phật-đà, theo Cựu dịch là Duyên giác, theo Tân dịch là Độc giác. Trí độ luận dùng cả hai danh xưng này, nên được hiểu theo cả hai nghĩa. Người tu hành sinh vào thời không gặp Phật, nhờ quán nhân duyên sinh diệt của các pháp (Thập nhị nhân duyên) mà ngộ đạo, nên gọi là Duyên giác. Lại vì sinh nhằm thời không có Phật, không do thầy dạy bảo, chỉ tự mình quán xét thấu suốt lý nhân duyên mà giác ngộ nên gọi là Độc giác, Một trong hai thừa, một trong ba thừa. Ngoài ra, ý nghĩa nhân duyên còn được hiểu là tiên thế nhân duyên, tức là nhân duyên tu tập phước huệ từ nhiều đời trước; và hiện thế nhân duyên , tức quán xét những nhân duyên trước mắt mà hiểu được lý vô thường và duyên khởi, nhân đó được giác ngộ. (Theo Trí độ luận quyển 18 và quyển 75)
[15] Hội đại thí: vị thí chủ phát tâm bố thí không phân biệt trong suốt một thời gian, bất cứ ai cũng có thể đến đó để nhận sự bố thí các phẩm vật, gọi là hội đại thí.
[16] Phạm hạnh: hạnh thanh tịnh dứt hẳn sự dâm dục.
[17] Thọ ký: lời báo trước của Phật đối với một vị đệ tử về sự chứng quả giác ngộ của vị ấy trong tương lai. Đức Phật thường chỉ thọ ký với những trường hợp đầy đủ nhân duyên.
[18] Độc giác, hay Độc giác Phật, cũng tức là Duyên giác Phật, Bích-chi Phật, đã có chú giải ở trước. Vì các vị này ra đời không gặp Phật, tự mình tu hành giác ngộ nên gọi là Độc giác.
[19] Phi nhân: hạng chúng sinh không phải người, không phải chư thiên; tuy có thần thông nhưng phước lực kém hơn chư thiên.
[20] Ba ngôi báu: tức Tam bảo, gồm Phật bảo, Pháp bảo và Tăng bảo.
[21] Đà bối có nghĩa là người gù lưng, lưng lúc nào cũng cong xuống như đang cõng vật nặng.
[22] Bà Ma-ha Ba-xà-ba-đề, tên Phạn ngữ là Mahprajpati, dịch nghĩa là Đại Ái Đạo, là di mẫu của thái tử Tất-đạt-đa, người đã thay thế hoàng hậu Ma-da nuôi nấng thái tử cho đến khi khôn lớn, vì hoàng hậu từ trần chỉ 7 ngày sau khi thái tử ra đời. Bà là người đầu tiên đề xuất và khẩn thỉnh đức Thế Tôn cho phép thành lập ni chúng. Mặc dù ban đầu đức Thế Tôn không chuẩn thuận, nhưng sau nhờ tâm chí thành của bà và nhiều vị phu nhân khác trong hoàng tộc, cùng với sự khẩn cầu của ngài A-nan nên Phật mới đồng ý cho thành lập ni chúng, giao cho bà đứng đầu.
[23] Quả Bất hoàn (Bất hoàn quả, Phạn ngữ là Angmin, dịch âm là A-na-hàm, tức thánh quả thứ ba trong bốn thánh quả của Thanh văn thừa, chỉ dưới quả A-la-hán.
[24] Nghi quỹ, Phạn ngữ là kalpa, chỉ chung các nghi thức, phép tắc được quy định khi thực hiện một việc gì. Ở đây là các phép tắc, nghi thức của việc thọ giới.
[25] Gia hạnh đạo, Phạn ngữ l prayoga-mrga, Còn gọi là Phương tiện đạo. Giai đoạn tu gia hạnh để đoạn trừ phiền não, pháp tu gia hạnh này giống với gia hạnh vị trong ngũ vị của Duy thức, là Tứ thiện căn (Noãn, Đảnh, Nhẫn và Thế đệ nhất pháp) trước giai đoạn Kiến đạo.
[26] Hữu học : chỉ bậc hành giả còn phải tu tập giới, định, tuệ để đoạn trừ phiền não, chứng đắc Thánh quả. Trong Tứ hướng, tứ quả của Thanh văn thừa, bậc Thánh Tứ hướng và ba quả vị trước đều là Hữu học, chỉ có quả vị A-la-hán là Vô học.
[27] Vô học : chỉ bậc hành giả đã đạt đến chỗ cùng cực của chân lí, tức thánh quả A-la-hán. Người tuy đã thấy biết chân lí nhưng chưa đoạn trừ được mê lầm, còn có điều phải tu học thì gọi là Hữu học. Trái lại, Vô học chỉ người đã đạt được chân lí cùng cực, không còn mê lầm nào để đoạn, cũng không còn điều gì để tu học.
[28] Chấp sự : chỉ người có phận sự trông nom công việc trong tự viện, thường do các vị tăng thuận theo nguyện vọng của đại chúng, nghiêm trì giới luật, có tâm công bằng chính trực đảm nhiệm.