Lời Người Dịch
Cuốn sách “Tin Tức Từ Biển Tâm” của nhà văn Phật giáo Đài
Loan – Lâm Thanh Huyền – quả là một cú “sốc” tuyệt vời đối với các nhà Phật học
Việt Nam.
Tôi tự nhủ mình đã đọc nhiều sách cổ kim đông tây giới thiệu giáo lý nhà Phật, bằng
nhiều thứ tiếng. Nhưng có ít quyển sách nào – xuất bản trong thời cận hiện đại
– gây cho tôi nhiều xúc động trên cả hai bình diện lý trí và tình cảm như cuốn
“Tin Tức Từ Biển Tâm.” Chính vì vậy mà tôi hoan hỷ dịch cuốn sách này ra tiếng
Việt, với cố gắng gìn giữ tối đa tính sống động và thực tiễn của nguyên bản chữ
Hán, để cung cấp cho đông đảo độc giả Phật tử Việt Nam đọc, thưởng thức và suy
ngẫm. Theo tôi nghĩ, các độc giả Việt Nam, không phải Phật tử, càng nên đọc
cuốn sách này, để biết đạo Phật quan hệ với cuộc sống như thế nào, cuộc sống
hiện tại, cuộc sống hằng ngày.
Minh Chi
(Giáo sư Học Viện
Phật Giáo Việt Nam
tại TP. HCM)
Vì Hiện Tại Hãy Làm
Một Chút Gì Đó (Thay lời tựa)
Một ngày, tôi đi dạo chơi ở đường phố Đôn Hoa Nam,
bỗng một phụ nữ chạy theo gặp tôi, cô ta vừa thở vừa nói: “Xin hỏi, ông có phải
là Lâm Thanh Huyền không?”
Tôi nói: Phải.
Cô vui vẻ nói: “Tôi muốn gọi điện thoại đến nhà xuất bản
gặp ông, ngờ đâu lại gặp ông trên đường đi.”
Tôi nói: “Cô có việc gì đấy?”
“Tôi...à.” Cô ta muốn nói nhưng lại thôi, rồi lại mạnh dạn
nói: “Tôi cảm thấy là trước khi học Phật tôi rất vui, nhưng bây giờ lại sống
rất khổ, không biết có phải là do tự mình hay không?.”
Sau đó, chúng tôi cùng đi dạo dọc đường Đôn Hoa Nam,
giữa hai hàng cây trùng dương. Tiếng người và tiếng xe cộ chạy qua bên cạnh.
Dòng xe chạy ngược xuôi này, từ đâu đến và đi đâu tôi không biết. Tôi có cảm
giác như đang xem một đoạn phim về một đoạn đường, khi thì dồn dập, vội vàng,
khi thì yên tĩnh vắng lặng.
Vị nữ sĩ trung niên, đi bên cạnh tôi, nói về sự xung đột,
va chạm, khổ đau, giữa học Phật và cuộc sống.
“Tôi mỗi ngày đều lên khóa lễ sớm và chiều. Mỗi lần tụng
kinh một giờ. Vì khóa lễ sớm và chiều cho nên tôi không thể đưa con đi học,
cũng không đi đón con về nhà. Chồng tôi rất không bằng lòng, cho rằng tôi đã bỏ
quá nhiều thì giờ vào một công việc không có ý nghĩa.
Các con tôi rất thích nghe loại âm nhạc sôi động, nhưng
nhà chúng tôi chỉ có một dàn máy mà thôi. Nếu tôi lên khóa lễ, thì các con tôi
không nghe nhạc được, do đó mà có tranh chấp, cũng do đó mà các con tôi không
tin Phật giáo. Khi chúng nó nói thì tỏ ra bất kính Phật và Bồ tát. Tôi nghe
chúng nó nói mà càng thêm khổ.
Bà tôi, chồng tôi và cô em tôi đều theo tín ngưỡng dân
gian. Năm mới hay gặp ngày lễ thì giết gà vịt để cúng. Tôi không thể làm như
vậy được, vì làm như vậy sẽ mâu thuẫn với tín ngưỡng của tôi. Nhưng nếu không
làm thì lại sanh ra cãi vã, mâu thuẫn, trong nhà không được yên.
Tôi muốn hóa độ cho họ, nhưng họ bài bác tôi và bài bác cả
Phật giáo. Giữa tôi với họ, không thông cảm với nhau được. Lâm tiên sinh xem
tôi nên giải quyết thế nào?”
Càng nói về sau, đụng chạm đến chỗ thương tâm của cô, cho
nên mắt cô đỏ hoe.
Tôi nói: “Vì sao cô học Phật?”
Cô ta nói: “Đời người là biển khổ. Tôi hy vọng sau khi
chết được vãng sanh về cõi Cực lạc phương Tây.”
“Thế thì vì sao cô lên khóa lễ sớm chiều?.” Tôi lại hỏi.
Cô nói với giọng chí thành: “Bởi vì tôi cảm thấy nghiệp
chướng rất nặng, cho nên phải theo khóa lễ để sám hối nghiệp chướng đời trước
của mình.”
“Cô có bao giờ nghĩ rằng, cô chỉ lo lắng cho quá khứ và
tương lai, còn đối với hiện tại cô có nên làm đôi chút gì chăng?.” Cô ta đứng
ngẩn người ra, không nói được nửa lời. Bởi vì, đúng là trong quá trình học
Phật, cô ta hoàn toàn không nghĩ tới vấn đề hiện tại.
Tôi nói với cô ta: “Hãy đối xử với chồng tốt hơn. Đó chính
là khóa lễ rất tốt đấy. Hằng ngày, quan tâm đến con, đưa nó đến trường và đón
nó về nhà. Đó cũng là khóa lễ rất tốt đấy. Hãy thử đừng có tranh cãi với người
khác, và khéo tùy thuận họ. Lại là một khóa lễ rất tốt nữa. Thậm chí, cùng với
các con nghe nhạc sôi động khiến các con cảm thông với tình yêu của mẹ, chúng
nó sẽ không còn sợ hãi.
Đó cũng là một khóa lễ rất tốt nữa. Các hạnh Bồ tát như bố
thí, ái ngữ, lợi hành, đồng sự đều là những việc làm như thế cả! Nếu chúng ta
thể nghiệm được “nhà nào cũng có bộ kinh khó tụng”, mà lại đem bộ kinh đó đọc
tụng được, đọc thuộc được, đọc thông được thì việc thể nghiệm Phật pháp chân
thực sẽ rất giản đơn.
“Bởi vì, bộ kinh ở trong nhà đó, cũng sâu sắc, khó nghĩ
bàn như các bộ kinh trong chùa vậy.”
Tôi thấy mắt cô bạn như sáng ra và cô nói: “Đúng vậy! Vì
sao trước đây, tôi không có nghĩ hay làm một chút gì đó cho hiện tại?.” Này,
Lâm tiên sinh, dưới lầu công ty Bách Hóa Viễn Đông này có quán cà phê, bán cà
phê rất ngon. Tôi mời ông uống cà phê và giảng thêm cho tôi một tí.
Chúng tôi đi uống cà phê. Loại cà phê ở đây rất đặc biệt, nước cà phê đen váng
sữa trắng, lấy thìa con khuấy lên, mùi thơm bay khắp, nhất là vào một buổi
chiều thu như hôm nay, lòng con người có cảm giác êm dịu.
Tôi hỏi cô ta “Cô có biết thuyết 12 nhân duyên không?”
“Biết chứ.” Tôi nói tiếp: 12 nhân duyên giống như 12 giờ,
ghi trên mặt đồng hồ đeo tay của tôi đây, chúng ta hãy viết trên đó: “12 nhân
duyên”
Đó là cái bí mật của sự luân chuyển của chúng ta trong
vòng sanh tử luân hồi? Vô minh và hành là hai cái nhân phiền não thuộc đời sống
quá khứ, chúng ta dựa vào thức mà tái sanh ở thế giới này. Khi chúng ta mới tái
sanh, chúng ta còn ở trạng thái bào thai mới thành hình gọi là danh sắc. Trong
thai mẹ, sáu cảm quan mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý dần dần hoàn bị gọi là sáu
xứ. Sau khi lọt lòng mẹ, mới 2, 3 tuổi thì mới có cảm xúc, gọi là xúc. Từ 4, 5
tuổi đến 14 tuổi, 15 tuổi mới cảm thọ được thế giới này gọi là thọ.
Vô minh, hành là hai cái nhân của “đời sống quá khứ.”
Thức, danh sắc, sáu xứ, xúc thọ là “năm quả của đời sống
hiện tại.” Ái là gì? Từ 16 tuổi, 17 tuổi trở đi, cảm giác ái dục bắt đầu mạnh
mẽ. Đó là ái.
Vì có ái cho nên tham cầu, muốn chiếm hữu được cái này,
cái kia. Đó là thủ.
Do ái, thủ mới tạo ra các nghiệp, gọi là hữu.
Ái, thủ, hữu là “ba cái nhân của đời sống hiện tại.” Ba
cái nhân đó là chỗ dựa để chúng ta tái sanh ở đời vị lai. Do đó mà có sanh. Đã
có sanh thì có già chết (lão tử). Tiếp đó, lại theo thứ tự như trên mà quay một
vòng nữa, dựa vào vô minh, hành mà tái sanh. Tôi giảng qua 12 nhân duyên, khiến
cho bầu không khí giữa chúng tôi trở thành trang nghiêm.
“Trên hình thức, cuộc sống chúng ta hình thành một đường
thẳng quá
khứ, hiện tại, vị lai. Thực ra, thì đó là một sự quay vòng
như trên mặt đồng hồ đeo tay vậy. Do đó, kinh nghiệm hiện tại có thể đã từng là
kinh nghiệm quá khứ, và những kinh nghiệm đó sẽ lặp lại nhiều lần trong vị lai.
Chúng ta không cách nào hiểu biết được các nhân từ vô minh đến thọ, cũng không
quản được 2 nhân sanh và lão tử ở vị lai. Làm gì cho hiện tại đây, tức là với
thái độ chân thực, xem xét khâu ái dục của chúng ta, khâu tham cầu của chúng
ta, và nghiệp của chúng ta. Đó là những điều mà hàng ngày chúng ta đều có thấy,
cảm thọ và đổi mới được!”
Vị nữ sĩ xem đồng hồ đeo tay của tôi bỗng kêu lên một
tiếng “Tôi phải về nhà đón con tôi và làm cơm!”
Tôi nói “Không phải là những việc ấy chồng cô làm cả sao?”
Cô ta cáo từ với giọng niềm nở “Tôi hiện nay hiểu rồi, phải
làm chút gì đó cho hiện tại chứ.”
“Nếu có thời giờ rỗi, cô cũng đừng quên khóa lễ ở bàn thờ
Phật đấy! Nếu hiểu rõ đuợc hiện tại, hiểu rõ được chân giá trị của giờ phút này
thì lên khóa lễ sớm và chiều mới có sự phát hiện sâu sắc hơn.”
Nhìn thấy cô ta đi khuất sau thang lầu tôi mới nhớ rằng
mình đã quên không hỏi tên cô.
Tôi ngồi trong hàng cà phê, suy xét và thưởng thức 2 chữ
thần kỳ “hiện tại.” Hiện 現 là vương kiến: 2 Hán tự, nghĩa là
cái thấy của quốc vương. Cũng tức là cách hiểu biết trọng yếu nhất, thù thắng
nhất. Tại tức là “tôi đang ở.”
Dùng một kiến giải trọng yếu nhất để nhìn rõ cảnh giới,
nơi thâm tâm tôi đang tồn tại, thấy rõ thân tâm mình khởi và diệt như thế nào,
thấy rõ thân tâm như như bất động như thế nào?
Đó là sự thể nghiệm thân thiết và chân thực biết bao!
Tin rằng trong quá khứ, chúng ta đã tạo nhiều tội nghiệp
mà không biết, nhưng làm sao mà thay đổi đặng!
Cũng tin rằng, trong vị lai sẽ có một thế giới mới tốt
đẹp, nhưng nếu như chúng ta hiện nay, ngay một bát cơm, một chén trà cũng không
thưởng thức được thì làm sao sẽ thưởng thức được cái tốt đẹp ở cõi Tịnh độ?
Chúng ta trở về xem xét hiện tại, đó là “tỉnh giác”, cũng
tức là trở về Phật pháp, bởi vì Phật pháp không hướng về quá khứ, cũng không
hướng tới tương lai mà cầu tìm. Phật pháp vốn là ở đây Phật tánh là vốn có. Chỉ
vì chúng ta không tỉnh giác, xem thường cho nên mới thấy xa vời.
Hàng đàn chim ở trong rừng, không bằng một con chim ở trong tay mình... nước
đầy ở đại dương không bằng nước ở trong chén. Tiệc lớn ngày hôm qua không giúp
ích gì cho cơn đói ngày hôm nay. Bộ áo mới hôm nay, đến mai sẽ không còn mới
nữa.
Tôi cũng đứng dậy, chuẩn bị đi đón con ở trường về, đó
cũng là khóa lễ hàng ngày của tôi.
Trong một thời gian rất ngắn, rất ngắn, trong vườn lớn của
nhà chúng tôi, trồng các cây đa, cây táo và cây long nhãn, bọn trẻ con thay
phiên nhau phụ trách quét sạch lá rơi trong vườn.
Cha chúng tôi dạy chúng tôi một phương pháp rất tốt để
quét sạch lá vườn, tức là sáng sớm, trước khi lấy chổi quét vườn thì hãy dùng
sức lay từng cây một. Ông nói: Như vậy là để quét luôn những lá sẽ rụng ngày
mai, và như vậy sẽ tiết kiệm sức cho ngày mai.
Do đó, trước khi quét vườn, chúng tôi đều lay gốc cây để
cho lá rụng, nhưng điều rất lạ là mặc dù dùng sức đến đâu, ngày mai vẫn có lá
rụng.
Thậm chí, đối với cây vừa mới lay gốc không lâu, qua một
cơn gió thổi, lá lại rụng nữa.
Như vậy, cứ lay gốc cây mãi. Một ngày cây táo ở gần giếng
bị lay mạnh đến bật rễ mà chết.
Lúc đó, tôi mới thể nghiệm rằng, ngày hôm nay chỉ cần quét
sạch lá trên đất này là được, vì ngày mai nhất định sẽ còn có lá rụng.
Điều quan trọng là trong quá trình quét sân, phải quét tử
tế, có để tâm. Như vậy, hàng ngày đều giữ vườn được sạch sẽ. Trong tâm mình
cũng nhờ quét vườn mà được thanh thản.
Lá rơi trên đất vừa quét sạch, lại nổi bật lên như còn
tươi, thậm chí lại còn đẹp nữa.
Các khâu ái, thủ, hữu bị rơi rụng trong đời sống con người,
cũng như lá vàng lúc ban đầu nhìn cũng chướng mắt. Nhưng nếu con mắt biết quan
sát mà xem, thì vẫn có khía cạnh đẹp của chúng.
Vì hiện tại hãy làm một chút gì vậy!
Hãy làm chút gì cho cuộc sống vô thường, ngắn ngủi, trôi
nổi bất định này!
Ngày ngày tỉnh giác, ngày ngày có sự chuẩn bị trong sáng,
đó là khóa lễ vĩ đại nhất!
Tinh thần cơ bản của cuốn sách “Tin tức từ biển tâm” là giải thích việc trở về
với giờ phút này, trở về hiện tại, để lắng nghe những tin tức tựa hồ như huyền
ảo.
Tiếp theo các tập “Thân tâm an tịnh”, “Trên trời có một vì
sao”, “Thắp đèn lên giữa trời xanh”, đây là tập bài diễn giảng thứ tư của tôi.
Khi sửa chữa bản thảo, tôi có cảm tưởng phảng phất như trở lại đứng trên bục
giảng. Thời gian cũng đã trôi qua rồi! Xuất bản tập bài giảng này, chỉ là để kỷ
niệm những dòng suy nghĩ của khoảng thời gian đó. Tôi bôn ba đó đây, ngày này
qua ngày khác, cũng là để thể hiện nguyện vọng ban đầu của tôi là mong đánh
thức được những tiếng nói, những tin tức đến từ biển tâm của mọi người.
Đặc biệt cảm tạ hai vị Phùng Quý Mi và Dương Bạch Húc đã
bỏ ra nhiều tâm huyết để chỉnh đốn lại các bài giảng tùy cơ, tùy duyên này.
“Tin tức từ biển tâm” là khó nghĩ bàn, rộng lớn, vô biên.
Nhưng vẫn mong mọi người lắng nghe, vớt lên một ít nước từ biển tâm, để uống
hay tắm rửa, làm dịu bớt cơn nhiệt não bức bách con người trong cái nhà đang
cháy là thế gian này!
Trong cuộc đời, tiếng cười và nước mắt đan xen này, buồn
và vui quyện nhau này, hãy vì hiện tại mà làm một chút gì!
Lâm Thanh Huyền
Năm 1991, mùa thu ở
Đài Bắc
Mục Lục
Vì Hiện Tại Hãy Làm Một Chút Gì Đó (Thay lời tựa)
Chương I: Tin Tức Từ Biển Tâm
Chương II: Mũi Dao Và Cán Dao
Chương III: Bảy Báu Và Bảy Tình
Chương IV: Cuộc Sống Hiện Nay, Thế Giới Hiện Nay
Chương V: Vượt Qua Sông Tình Dục
Chương VI: Ái Hận Tình Thù