Đạo đức - Tâm lý học
Tin Tức Từ Biển Tâm
Lâm Minh Chi
02/03/2555 22:23 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

1. Bảy Tình, Sáu Dục

Trong đạo Phật, tình dục là vấn đề hết sức trọng yếu. Tình dục là gì? Nói một cách giản đơn, tức là bảy tình sáu dục. Bảy tình là hỷ (mừng), nộ (giận), ai (bi thương), lạc (vui), ái (yêu), ố (ghét), dục (thèm muốn). Hỷ là hoan hỷ. Nộ là nổi nóng. Ai là bi ai. Lạc là khoái lạc. Ái là yêu thích. Ố là chán ghét. Dục là cầu mong.

Sáu dục là sắc dục, hành mạo dục, uy nghi tư thái dục, ngữ ngôn âm thanh dục, tế hoạt dục, nhân tượng dục. Sắc dục là do thân trai, gái khác nhau mà khởi lên. Gái thấy trai sinh ra sắc dục. Trai thấy gái cũng sinh ra sắc dục. Hành mạo dục là do sắc đẹp khác nhau mà khởi lên. Đó là vì dáng mạo bên ngoài của con người khác nhau. Đã làm người thì hay chấp trước, tham cầu dáng mạo bên ngoài. Uy nghi tư thái dục, là nhìn thấy tư thế của một người, khi đi, khi cười, bèn sinh lòng thèm muốn. Ngữ ngôn âm thanh dục là nghe người ta nói, nghe giọng nói mà sinh ra thèm muốn, ưa thích. Tế hoạt dục là nhìn màu da người khác trong sáng mượt mà mà sanh ra ưa thích. Nhân tượng dục là do tướng mạo người khác đáng yêu mà sinh ra ham muốn.
Nói tóm lại, bảy tình là tình cảm, tình ái khiến chúng sanh trôi nổi, lưu chuyển. Sáu dục là thèm khát, hướng tới chấp thủ nhiễm trước. Theo đạo Phật nguyên thủy thì bảy tình, sáu dục đều là những chuyện không tốt, và người tu hành phải đoạn trừ bảy tình sáu dục, vì bảy tình sáu dục là chướng ngại trên con đường tiến tới giác ngộ, Bồ đề. Phải đoạn trừ chúng rồi mới mong được giải thoát.

Ai nghe nói như vậy cũng rất sợ. Chúng ta như vậy sẽ vĩnh viễn không được giải thoát bởi vì đoạn trừ bảy tình sáu dục là chuyện rất khó. Trong thời kỳ đầu của Phật giáo Nguyên thủy, vấn đề tình dục bị quy định và hạn chế rất nghiêm khắc. Chỉ cần đưa ra hai ví dụ:

Thứ nhất, trong kinh điển có câu: “La Hán bất tam túc không tang.” Nghĩa là người tu hạnh A la hán không ngủ hay ngồi liên tục ba ngày dưới một gốc cây dâu, sợ rằng sinh ra thích thú đối với gốc cây dâu đó. Tốt nhất là mỗi ngày một gốc cây, để tránh khỏi thích thú đối với một gốc cây nhất định, tránh không chấp trước vào thế gian này. Đối với gốc cây còn sợ có cảm tình huống hồ là đối với người? Qua đó, có thể thấy tính nghiêm khắc của giới luật.

Ví dụ thứ hai, nếu nghe qua tường tiếng vòng đeo trang sức của phụ nữ là phạm giới. Tuy là tiếng vòng xủng xẻng, nhưng người nghe biết đó là tiếng vòng của phụ nữ, thế là phạm giới. Nếu nghĩ đó là phụ nữ trẻ, thế là phạm giới, nếu nghĩ là phụ nữ đẹp lại càng phạm giới nặng. Vì vậy mà cảm xúc người tu hành nghe tiếng vòng xủng xẻng của phụ nữ phải giống như tiếng chuông rung trong gió mà thôi, không được nghĩ rằng đó là tiếng xủng xẻng của vòng đeo của phụ nữ.

Nếu cứ dựa vào giới luật như vậy mà tu hành thì chúng ta sẽ ngày ngày phạm giới, bởi vì ngày nào chúng ta cũng ngủ trong một phòng, nếu nói phải đoạn trừ bảy tình sáu dục mới tu hành được thì e khó như bay lên trời. Phải có quyết tâm lớn lắm mới tu hành được, chứ người bình thường không thể tu nổi.

2. Khi Luyện Vàng Không Được Nghĩ Tới Con Khỉ

Vậy thì lấy thái độ gì để đối xử với tình dục? Có hay không một phương pháp giản đơn, có thể dùng được để cho người tu tại gia có thể chuyển hóa được tình dục, không để cho tình dục gây trở ngại cho sự tu hành.

Có một chuyện xưa Ấn Độ, có thể giúp khai thông vấn đề, ngày xưa ở vùng Bắc Ấn Độ, gần chân núi Hi Mã Lạp Sơn (Himalaya) có một làng rất nghèo, người dân trong làng rất thiếu thốn tiền. Một ngày, có một cụ già từ xa đến, mang trên vai một cái nồi và một chiếc gậy sắt. Cụ già chọn một nơi trống, trải một miếng vải ra rồi nằm ngủ. Vì làng này nhỏ và ở xa, rất ít người ngoài đến, cho nên dân làng tò mò, chú ý theo dõi cử động của cụ già.

Cụ già, sau khi nghỉ ngơi một lát, bèn thức dậy, bắc nồi châm lửa, rồi lấy gậy sắt khua trong nồi. Khua mãi, khua mãi, không ngừng tay. Dân làng tụ tập xung quanh nhìn. Một người hỏi: “Thưa cụ, cụ khua cái gì trong nồi?” Cụ già trả lời: “Ta đang luyện vàng.” Người làng nhao nhao hỏi: “Luyện vàng thế nào nhỉ?.” Cụ già nói: “Cứ xem thì khắc biết.” Nói xong lại tiếp tục khua, khua mãi và cuối cùng lấy ra một cục vàng. Dân chúng trong làng nhốn nháo cả lên và chạy về nói cho nhau biết về chuyện đó.

Buổi tối cụ già ngủ, nhưng cả làng đều thức. Và thảo luận với nhau về câu chuyện kỳ lạ đó. Kết quả cuộc thảo luận là người làng quyết tâm phải học cho được thuật luyện vàng, trước khi cụ già rời khỏi làng, để cho dân làng trở nên giàu có. Họ bèn quyết định thu thập tiền của tất cả người làng lại, để mua cho được thuật luyện vàng của cụ già. Ngày hôm sau, dân làng cử một vị Trưởng lão đại diện đến gặp cụ già.

Sớm ngày thứ hai, cụ già lại luyện vàng. Mọi người thấy cụ già lại lấy gậy sắt khua nồi, và luyện ra được một cục vàng nữa. Người làng bái phục cụ già sát đất. Vị Trưởng lão đại diện cho làng bèn đề nghị cụ già dạy cho thuật luyện vàng. Cụ già nói: “Không được. Thuật này rất khó học.” Người làng đồng thanh nói: “Không can chi, chúng tôi đều muốn học, và xin nộp tiền để cụ dạy cho.” Cuối cùng, cụ già cũng đồng ý. Cụ thu tiền và giao lại cái nồi và cây gậy sắt cho vị Trưởng lão, và nói với Trưởng lão rằng: “Luyện vàng rất dễ, chỉ cần lấy gậy sắt này khua trong nồi thì lập tức có vàng, nhưng cần đặc biệt chú ý một điều, là khi khua nồi, không được nghĩ tới con khỉ. Nếu nghĩ tới con khỉ thì sẽ không có vàng xuất hiện.”

Trưởng lão nói: “Thực là quá dễ.” Bèn ngồi xuống luyện vàng. Nhưng không biết vì sao, vị Trưởng lão một mặt khua nồi, một mặt cứ nghĩ tới con khỉ, cho nên khua nồi mãi không ra vàng. Tuyệt vọng bèn thôi không khua nồi nữa. Ngày thứ hai, giao cho người khác khua nồi, và nhắn lại người này rằng: “Chỉ cần khua nồi, sẽ có vàng nhưng không được nghĩ tới con khỉ...”
Kết quả là người thứ hai cũng thế. Một mặt khua nồi, một mặt nghĩ tới con khỉ.

Người cả làng thay nhau luyện vàng, nhưng không có người nào thành công, vì người nào cũng vừa khua nồi vừa nghĩ tới con khỉ.

Câu chuyện xưa rất có ý nghĩa. Nó cho thấy rất khó khống chế được ý nghĩ của mình. Người có thể khống chế được hoàn toàn ý nghĩ của mình thì sẽ luyện ra vàng ngay!

Đoạn trừ tình dục, thì sẽ lăn lộn trong tình dục. Hãy thử đấu sức với tình dục, sẽ không khác gì người dân làng luyện vàng muốn khống chế ý nghĩ của mình cố gắng không nhớ tới con khỉ.

3. Dòng Chảy Cảm Tình, Con Sông Ái Dục, Chìm Nổi ở Trong Đó Kiếp Này Qua Kiếp Khác

Tình dục là gốc của sanh tử. Siêu việt tình dục tức là siêu việt sanh tử, Phật giáo thường giảng về giải thoát. Giải thoát tức là siêu việt sanh tử. Có thể thấy, siêu việt tình dục, thì sẽ được giải thoát.

Tình dục giống như con sông vậy.

Con sông có hình dáng và đặc điểm ra sao?

Thứ nhất, con sông luôn luôn chảy tới không ngừng.

Thứ hai, con sông do hoàn cảnh thay đổi mà biến động, không cố định. Đáy sông đột nhiên sụt xuống thì thành thác chảy. Dòng sông hốt nhiên thu hẹp, sẽ thành dòng chảy xiết. Dòng sông hốt nhiên mở rộng, tốc độ nước sẽ chậm lại hẳn. Như vậy, dòng chảy của con sông tùy theo hoàn cảnh mà thay đổi.

Thứ ba, con sông có thể làm chìm đắm người, trừ những người rất giỏi bơi lội còn những người khác bị chìm đắm. Ngay đối với người giỏi bơi lội, cũng không phải bơi lội dễ dàng trong dòng sông.
Thứ tư, nước sông có sức mạnh làm ô nhiễm, dần dần xâm nhiễm và hủy hoại sự vật.
Thứ năm, dòng sông không thể vĩnh viễn giữ được tính trong sạch của nó, vì từ thượng nguồn cho đến hạ nguồn, cho đến lúc chảy vào biển cả, có rất nhiều sông suối và dòng chảy khác hội nhập vào nó.

Cả năm đặc điểm đó của dòng sông đều cũng xuất hiện trong dòng chảy tình dục.

1. Dòng nước chảy tới không ngừng. Dòng chảy tình dục cũng không ngừng lại được, dù cho có sức mạnh lớn hơn cũng không ngăn nổi được tình cảm và ham muốn

2. Tình dục cũng tùy hoàn cảnh mà biến động. Tuy rằng mọi người đều hy vọng trong tình cảm và ham muốn, có yếu tố nào đó vĩnh cửu không biến động, nhưng sự thực là không thể được. Cảm tình của con người, qua một ngày đã thay đổi, hôm nay khác với hôm qua. Hôm nay yêu một người đến có thể chết vì người đó, nhưng qua ngày hôm sau đã thấy kém phần tha thiết rồi. Có thể nói, đối với người, với sự vật, tình thương gắn bó của chúng ta thay đổi tới mức, không phải tính từng ngày mà tính từng giờ, từng giây phút, khi thì tăng lên, khi thì giảm xuống, nghĩa là có sự biến động liên tục

3. Tình dục làm người ta bị chìm đắm, rất khó cất đầu lên được. Nếu không có thuyền tốt, không có kỹ thuật bơi lội rất tốt, nhất định sẽ bị chìm. Vì vậy người tu cần có thuyền, cần rèn luyện kỹ thuật bơi lội rất tốt mới có thể vượt qua được con sông lớn tình dục.

4. Tình dục có sức mạnh làm ô nhiễm con người, cũng như nước sông có thể làm ô nhiễm và hao mòn những hòn đá nằm ở chỗ sâu nhất của đáy sông. Tình dục cũng vậy, cũng có thể xâm nhiễm những chỗ sâu kín nhất của con người.

Chúng ta rất thích lượm các hòn đá ven sông, đập vỡ những hòn đá ấy và phát hiện thấy trong lòng những hòn đá vẫn có nước thấm ướt, và biết được sức xâm nhiễm của nước thật là mạnh mẽ. Tình dục cũng có sức mạnh xâm nhiễm vào sâu như vậy của nội tâm con người.

5. Sống trong thế gian này, con người không thể tránh khỏi không giao tiếp với những người khác. Con sông tình dục cũng vậy, luôn luôn có ngoại vật xen vào.

Tình dục có thể ví vớí sông. Kinh Phật (Hoa Nghiêm) có câu: “Tùy theo dòng sanh tử, chảy vào sông ái lớn. Chúng ta cũng tùy theo dòng sanh tử lưu chuyển mà không ngừng chảy vào sông ái rộng lớn.

Hiện nay, người ta thường cho rằng chảy vào sông ái lớn là chuyện rất tốt, nào ngờ rằng, vào sông ái chính là gốc của sanh tử luân hồi. Khi mừng một người sắp lập gia đình, thường tặng câu “Vĩnh dục ái hà.” Nghĩa là, vĩnh viễn tắm trong dòng tình ái. Câu đó diễn dịch nôm na là: Chìm đắm vĩnh viễn, trôi dạt vĩnh viễn trong sanh tử, đời đời kiếp kiếp bị trói buộc

Nhớ lại, có một năm, một người bạn của tôi kết hôn. Tôi gởi tặng một cái bánh kem lớn, trên có câu: “Vĩnh dục ái hà.” Khi cắt bánh, bạn tôi người cắt bánh trước cắt mất chữ “vĩnh.” Chỉ còn lại ba chữ “dục ái hà.” Lát dao thứ hai cắt mất chữ ái, chỉ còn lại hai chữ làm người ta phát sợ là “dục hà”, nghĩa là vĩnh viễn chìm đắm trong dòng sông dục vọng.

Sau khi hiểu ý nghĩa của câu “vĩnh dục ái hà” thì khi bạn tôi kết hôn, không nên chúc mừng anh ta với câu ấy. Vì rằng, vĩnh viễn chìm đắm trong sông sanh tử không phải là chuyện đáng chúc mừng.

4. Tình Dục Và Sanh Tử

Tình dục không những có đủ 5 đặc điểm của dòng sông, mà còn là bản chất của cuộc sống con người.
Người sanh ra là có tình dục. Một đứa bé 2 tháng đã biết ai là mẹ nó, thích được mẹ bế, không muốn người khác bế. Sự yêu ghét ấy mới sanh ra đã có rồi.

Người cũng do tình dục mà sanh ra. Một người hoàn toàn không có tình dục, sẽ không sanh ra ở cõi dục giới này.

Trong kinh Viên Giác có câu: “Nên biết ái là gốc của luân hồi, do có các thèm muốn mà giúp cho tham ái, làm cho sanh tử nối tiếp nhau. Thèm muốn là do ái sanh, sinh mạng là do thèm muốn mà có; chúng sanh yêu thích mạng sống, đều lấy thèm muốn làm gốc. Ái dục làm nhân, yêu mạng sống làm quả.” Nếu diễn nôm na đoạn văn trên, sẽ là: Con người sở dĩ phải sanh tử luân hồi, là vì có gốc là ái. Có ái là vì có những thèm muốn không thanh tịnh. Có ái cho nên không từ bỏ xa lìa được. Vì từ bỏ không được cho nên mới trở lại, sanh một kiếp nữa, để có đủ nhân duyên thỏa mãn sự thèm muốn.

Một người không từ bỏ được vợ, con, có thể kiếp sau sanh trở lại làm con trai, hay con gái của vợ, con xưa của mình. Đó là vì lòng yêu thương, muốn nối duyên xưa với những người ấy. Nối duyên xưa, cũng có nghĩa là nối tiếp sanh tử.

Thèm muốn, yêu thương, mạng sống: ba cái này quyện chặt vào một chỗ.

Ái (yêu thương) sanh ra là vì yêu thương mạng sống của mình mà sanh ra thèm muốn (dục vọng), có thèm muốn, lại sanh ra yêu thương, có yêu thương lại sanh ra mạng sống. Như vậy, nối tiếp mãi trong vòng luân hồi, vĩnh viễn không được giải thoát. Một người hoàn toàn không có tình dục, sẽ không trở lại thế giới này nữa.

Tình dục, phải chăng là cái đáng sợ? Cũng không hoàn toàn như vậy. Ngay Bồ tát cũng có tình. Kinh Hoa Nghiêm nói, Bồ tát vì có tình ở cõi người này cho nên luôn luôn trở lại cõi người. Đó là một cảnh giới đẹp vô cùng

Tình ái bản thân không phải tốt hay xấu. Đó là bản chất thứ nhất của tình dục. Bản chất thứ hai của tình dục là dù là kẻ ác nhất, hay là bậc thánh hiền, đều có tình cảm. Người người sống ở thế giới này đều là như vậy.

Kinh Lăng Nghiêm có câu: “Tưởng thuần túy thì bay, tình thuần túy thì chìm.” Một người hoàn toàn không tình dục, sống dựa vào Trí tuệ và tư tưởng, thì sau khi chết sẽ tái sanh lên các cõi trời. Nếu trong Trí tuệ và tư tưởng của người ấy có Bồ đề, và “tánh không Bát nhã” thì có thể bay tới cõi Phật. Một người có chín phần tưởng (Trí tuệ, tư tưởng), một phần tình (tình dục), sau khi chết sẽ bay lên các cõi trời, trở thành loài Trời. Một người có bảy phần tưởng, ba phần tình, sau khi chết sẽ trở thành A tu la hay thiên long bát bộ. Còn những người được tái sanh làm người đều là tình, tưởng cân bằng nhau, tức là 5 phần tưởng, 5 phần tình.

Loại người như thế nào sẽ phải tái sanh ở cõi Súc sanh? Đó là loại người bảy phần tình, ba phần tưởng. Chó, mèo cũng có Trí tuệ, cũng rất thông minh, nhưng không thông minh bằng người. Chúng không có đủ Trí tuệ để khống chế tình dục. Như con chó nhà tôi nếu đói bụng thì phá nồi cơm, vì Trí tuệ của nó chỉ có ba phần, nó bị tình dục khống chế. Một con mèo của bạn tôi biết ngồi bô để đại tiện, ngồi xong biết đem đi rửa. Một con khỉ của bạn tôi ăn xong biết rửa tay bằng xà phòng. Người ta khen con mèo và con khỉ đó là có Trí tuệ. Sự thật, đó là những thao tác đơn giản nhất của con người. Càng khen càng làm nổi bật hơn tính hạn chế của Trí tuệ ở loài súc vật.

Loại người nào phải tái sanh ở cõi Ngạ quỷ và ở Địa ngục? Kinh Lăng Nghiêm nói là người tình cảm thuần túy sẽ đọa xuống Địa ngục. Vì vậy, không được sống bằng tình cảm hoàn toàn. Những người hoàn toàn không có Trí tuệ để khống chế tình dục, hoàn toàn sống bằng tình dục, sau khi chết sẽ đọa Địa ngục.

Chúng ta nhất định phải nhớ câu: “Thuần tưởng thì bay, thuần tình thì chìm”, nhờ nhận thức điểm này mà chúng ta biết được, những người sinh ra ở thế giới này đều có 5 phần tình dục và năm phần tư tưởng. Chỉ có hình tướng bên ngoài là sai biệt mà thôi, như có người thì tương đối nhu hòa, có người tương đối thô bạo, có người tương đối thiên về lý tánh, có người tương đối thiên về tình cảm, nhưng nói chung, mọi người đều là tình và tưởng cân phân.

Vì trong thế giới mà chúng ta sống, tình và tưởng cân bằng cho nên Kinh Phật gọi thế giới này là Dục giới. Chúng sanh ở Dục giới có đầy đủ tâm tán loạn, tâm phiền não, tâm chiếm hữu. Nhưng vì tướng và tình cân bằng, cho nên có lúc Trí tuệ chiếm ưu thế, có lúc tình dục chiếm ưu thế. Đó gọi là tâm tán loạn.

Con người cũng chịu đựng phiền não. Trên địa cầu này, có rất nhiều người bị đói, bị khổ vì chiến tranh. Hàng ngày, đọc báo, chúng ta thấy đầy rẫy phiền não. Trước đây, có ba trang lớn trong báo đăng về phiền não, thì bây giờ có đến 8, 9 trang lớn toàn là chuyện phiền não, bởi vì phiền não càng ngày càng có thêm nhiều.

Con người lại còn có tâm chiếm hữu: cái này là của tôi, cái kia là của tôi. Người nào cũng chiếm hữu mảnh đất để xây cất nhà ở, buôn cổ phiếu, vui chơi âm nhạc, càng chiếm hữu nhiều cho mình càng tốt.

“Ba cái tâm ấy” là đặc điểm của chúng sanh ở Dục giới, do tình trạng và tư tưởng cân bằng mà có. Cũng không cần hâm mộ người khác thái quá, bởi vì về cơ bản họ cũng là tình tưởng cân bằng. Nếu họ đặc biệt có Trí tuệ thì họ đã xa lìa thế giới này rồi.

Kết quả của tình trạng tình tưởng cân bằng là ở thế giới này, không thể có trường hợp tình dục được thỏa mãn đầy đủ và tình cảm thỏa mãn đầy đủ, không có cặp vợ chồng nào hạnh phúc viên mãn.

Chúng ta sống trong thế giới gọi là thế giới Ta bà. Trong sách Phật, Ta bà có nghĩa là “kham nhẫn”, thế giới trong đó chúng sanh phải nhẫn nại để mà sống, vì là thế giới có khuyết điểm, không hoàn thiện.

Chúng ta đối với người và việc, thường có nhiều chuyện không vừa ý, đi trên đường, gặp người khác, tưởng tượng rằng họ hạnh phúc hơn mình, thông minh hơn mình, giàu có hơn mình... So sánh với họ, thấy mình có nhiều khuyết điểm, họ có nhiều ưu điểm, hay ngược lại thấy mình có rất nhiều ưu điểm, họ có rất nhiều khuyết điểm.

Thực ra, không nên quá đắc ý, cũng không nên quá thất vọng. Những người sanh ra ở thế giới này đều khá tương đương nhau, nhận thức điểm này cũng là một niềm vui.

Cuộc sống của con người không thể hoàn thiện, không thể hoàn toàn vui vẻ sung sướng. Mọi người đều giống nhau ở điểm này. Người giàu có nỗi khổ của người giàu, người nghèo có nỗi khổ của người nghèo, người có Trí tuệ cũng khổ, người không có Trí tuệ cũng khổ. Về nỗi khổ, mọi người đều giống nhau, chỉ có hình thức bề ngoài là khác nhau.

Có lần, tôi cùng với vợ đến thăm một người bạn, ăn cơm xong mọi người ngồi uống trà. Bỗng nhiên, hai ông bà chủ nhà cãi nhau, càng cãi càng to tiếng. Ông chồng cầm cái gạt tàn thuốc lá đánh vào đầu vợ. Người vợ ôm cái máy truyền hình đánh vào đầu chồng, khiến người chồng kêu oai oái. Tôi và vợ tôi ngồi trên ghế xô pha sửng sốt, không nói được nửa lời, vì chưa từng chứng kiến cảnh tượng này bao giờ. Bà vợ cảnh cáo ông chồng: “Tối nay, mày đừng có ngủ nghe! Nếu mày ngủ thì tao lấy dao cứa cổ mày.” Ông chồng cũng không chịu thua: “Để xem ai ngủ trước! Ai cắt cổ ai!” Hai vợ chồng lại to tiếng cãi nhau không ngừng. Chúng tôi hợp sức lại kéo bà vợ ra, khuyên bà về nhà chúng tôi nghỉ một ngày, chờ mọi việc yên rồi hãy về nhà. Về đến nhà chúng tôi bà vợ không ngớt tỏ lời oán ông chồng là ích kỷ, tàn bạo, nhẫn tâm. Bà trách ông chồng đến 3, 4 tiếng đồng hồ liên tục như vậy, vợ chồng chúng tôi cũng đồng tình với bà và an ủi bà.

Sáng sớm ngày hôm sau, chúng tôi dậy thấy bà bạn đi đâu mất, vội đánh điện thoại hỏi thăm các nhà bạn quen không ai biết tin tức bà. Trừ nhà bà ra, chúng tôi đã hỏi thăm khắp mọi nơi, nhưng không ai biết cả. Chúng tôi vô cùng lo lắng vì đã đưa bà ta về nhà rồi lại để bà ta mất hút! Cuối cùng chúng tôi đánh điện thoại về nhà bà, hỏi thăm thì chồng bà trả lời là trời chưa sáng thì bà đã về nhà. Té ra, gia đình họ cứ ba hay năm ngày một lần lại diễn ra một cuộc ẩu đả như vậy, vợ chồng không đánh nhau không chịu được, đánh nhau rồi lại ái ân như cũ. Đối với họ, thỉnh thoảng đánh nhau vỡ đầu như thế còn hơn là chiến tranh lạnh kéo dài, nhưng chúng tôi là người ngoài cuộc, thật không thể hiểu được.

5. Tình Dục Là Gốc Của Khổ

Tình dục là gốc của khổ. Bởi vì có tình, có dục là có chấp trước. Trong kinh “A Hàm” có câu chuyện kể Phật Thích Ca một lần cùng với học trò đi tản bộ bên bờ sông Hằng. Phật hỏi các học trò: “Các người nói xem nước bốn đại dương nhiều hay là nước mắt chúng ta đổ ra vì trong quá khứ phải biệt ly với người thân, bên nào nhiều hơn?”

Các học trò trả lời: “Nước mắt đổ ra nhiều hơn.”

Đức Phật tỏ ra vui vẻ, vì học trò của mình đã trả lời đúng, chúng ta từ vô số kiếp đến nay, đã bao lần khóc vì mẹ cha chết, con cái chết, bạn bè thân thuộc, cùng người mình yêu thương ly biệt... thu thập tất cả dòng nước mắt ấy lại nhiều hơn nước trong bốn bể.

Có tình dục là có đau khổ, bi ai, nước mắt chảy. Tình dục đúng là gốc của đau khổ. Cái khổ đó là do chấp trước. Chấp trước vào tình dục cho nên đau khổ.

Nếu anh có người bạn, bị người yêu là nam hay nữ từ bỏ, anh không cảm thấy đau khổ, nhưng nếu bản thân anh bị người yêu là nam hay nữ từ bỏ, anh sẽ cảm thấy rất đau khổ, bởi vì anh cảm thấy đối phương, tức người mình yêu là “của anh.” Nhưng sự thực không phải như vậy, đối phương không phải là do anh đẻ ra, dựa vào đâu mà nói rằng là “của anh”, thân thể, tư tưởng, ý nghĩ đều là của cô ta, đâu phải là của anh. Chỉ cần anh nhận thức rõ, cô ta không phải là của anh, thì anh sẽ bớt đau khổ. Anh khổ là vì anh chấp trước cô ấy là của anh.

Vì sao chúng ta đau khổ khi phải từ bỏ thế giới này? Là vì chúng ta không muốn từ bỏ cái thân này. Nếu chúng ta không chấp trước cái thân này, chúng ta sẽ không đau khổ. Có rất nhiều thanh niên vì thất tình nên đến tìm tôi. Trong số này, có người muốn quyên sinh để làm cho người mình yêu khổ cả đời. Tôi trả lời: “Anh tự tử thì chỉ có anh đau khổ mà thôi. Người yêu của anh đâu có khổ, nếu cô ta là người tốt thì có chịu khổ nữa năm cũng chịu không nổi. Còn các cô gái khác thì đại khái khổ một tháng hoặc nửa tháng, hay là đi viếng anh một bó hoa trắng. Nếu người yêu định sớm từ bỏ anh mà anh tự sát, thì có khác nào cô ta cởi bỏ gánh nặng, mừng thầm trong bụng.”

Cái vui, cái buồn của một người, do chính người ấy làm chủ. Cái vui, cái buồn của người khác làm sao chúng ta khống chế được. Chúng ta đau khổ là vì chúng ta tưởng có thể làm chủ được sự đau khổ của người khác. Kỳ thực, tự sát chỉ là mình tự làm khổ mình, người khác không đau khổ. Bạn trai, bạn gái của người thất tình mà tự sát, về sau đều kết hôn, lấy vợ, lấy chồng cả và sống hạnh phúc.

Vì bản chất tình dục là thống khổ, cho nên tình dục vĩnh viễn không thể nào thỏa mãn đầy đủ được. Đau khổ là có chấp trước. Không phải chỉ có chúng ta là phàm phu mới chấp trước. Có những người tu hành rất tốt cũng chấp trước.

Trong kinh “A Hàm” kể một câu chuyện rất thú vị: Sau khi đức Phật Thích Ca thành đạo, có rất nhiều đệ tử đi theo Ngài. Nhưng, trong đó, có rất nhiều người vẫn còn chấp trước. Người xuất gia không có gì làm vui, có người thu thập nhiều bát ăn, có bát bằng vàng, bằng bạc, bằng ngọc, mỗi ngày đổi dùng một bát. Phật Thích Ca biết được bèn răn dạy người học trò đó không được chấp trước vì ngay cái bát ăn cơm mà không xả được thì làm sao có thể giải thoát

Những vấn đề giống như vậy rất là nhiều. Trong số người học Phật, có người rất thích sưu tầm tượng Phật, trong nhà có tới hàng trăm tượng Phật, có người thu thập nhiều vòng tràng hạt, nhưng lại không niệm Phật, kiểu chấp trước như vậy rất là nhiều.

Người tu hành theo Tiểu thừa, thì nhờ đoạn trừ tình dục mà được giải thoát. Còn người tu hành theo Đại thừa thì dùng phương pháp khác. Họ nói: “Phiền não tức Bồ đề; không đoạn trừ hết thảy tình dục mà vẫn chứng được Trí tuệ Bát nhã, không đoạn trừ phiền não mà vẫn chứng được Niết bàn. Nói một cách nôm na, tức là triển khai tâm địa rộng lớn để chuyển hóa sự chấp trước của tình dục, dùng “tính không” của Trí tuệ để “bao dung” tất cả mọi phiền não, chứ không phải là trực tiếp đoạn trừ phiền não.

6. Chuyển Hoá Tình Dục

Phật giáo Đại thừa không đoạn trừ phiền não, không đoạn trừ tình dục, mà là chuyển hóa tình dục, cũng tức là lấy Trí tuệ Bát nhã để chuyển hóa tham, sân, si.

Bồ tát thường giảng 8 chữ: “Đồng thể đại bi, vô duyên đại từ.” Đó chính là nói về chuyển hóa tình dục, khuyên chúng ta không phải đoạn trừ cha mẹ mình, như vậy là khác với việc đoạn trừ tình cảm đối với cha mẹ.

Chúng ta có thể yêu thương cha mẹ, nhưng đối với mọi người, chúng ta cũng yêu thương như cha mẹ chúng ta vậy. Thương yêu con cái mình, cũng phải thương yêu con cái của thiên hạ.

Dùng phương pháp đó để chuyển hóa tình dục và phiền não, tức là “đồng thể đại bi, vô duyên đại từ.”

Khi một người mở rộng và chuyển hóa lòng Từ bi và Trí tuệ thì tình dục cũng tùy theo mà được chuyển hóa.

Rất nhiều người tu hành theo Mật tông. Mật tông có một vị Hộ Pháp lớn nhất gọi là “Ma hợp Hạt Lai Đại hắc thiên.” Ông ta trước khi tu hành vốn là một người rất hung bạo và hay giận dữ, Bồ tát Quan Thế Âm muốn độ cho ông bèn hóa thân làm vợ ông để chuyển hóa ông. Sau khi được chuyển hóa, ông giữ tính tình hung bạo và hay giận giữ, nhưng ông lại là vị Hộ Pháp rất vĩ đại của Phật giáo. Theo lời kể thì mỗi lần ông ta xuất hiện đều có mưa đá từ trên trời dội xuống, cục đá nào cũng rất to làm cho tất cả tà ma ngoại đạo phải sợ hãi bỏ chạy, nghe tên ông, tiếng ông tất cả đều sợ hãi khiếp đảm.

Ở Ấn Độ cổ đại hay Trung Quốc cổ đại người tu hành thường có phong cách rất trong sáng như Bồ tát Quan Thế Âm là người hết sức Từ bi, Bồ tát Văn Thù là người rất có Trí tuệ, đó là không phải đoạn trừ nhân cách mà là nâng cao hoàn thiện nhân cách.

Chuyển hóa nhân cách, không phải là đoạn trừ nhân cách cho nên trong lịch sử, các Thiền sư đều là những người rất sống động và có phong cách cá biệt. Có người thì mềm mỏng, nhu hòa, có người thì như ù ù cạc cạc, có người thì la hét đánh gậy. Trong sách Thiền tông, thậm chí có ghi trường hợp Thầy cắt ngón tay học trò, nhảy xuống từ vách núi cao, cắt bắp vế v.v... những Thiền sư đó đều có phong cách vĩ đại. Vì họ đã chuyển hóa được nhân cách, tình cảm của mình, đồng thời cũng duy trì đặc tính của mình.

Nếu đoạn trừ hoàn toàn phong cách vốn có của mình để được giải thoát, thì mọi người sẽ giống nhau tất cả.

Người con hiếu thuận với cha mẹ, không rời bỏ cha mẹ mình được, thì cũng không rời bỏ cha mẹ thiên hạ được. Người cha yêu thương con cái của mình, không rời bỏ con cái của mình được, có thể hay không, cũng không rời bỏ con cái của thiên hạ. Không rời bỏ được chồng vợ, thì cũng một lòng thương yêu chồng vợ người khác! Đó gọi là chuyển hóa tình dục, mở rộng lòng từ, lòng bi và Trí tuệ.

Thiền sư Hoàng Bích rời bỏ bà mẹ cô đơn của mình, dù trong lòng có chút vướng mắc. Nhưng ông nghĩ tới chúng sanh, chúng sanh cũng có mẹ, chứ không phải riêng mình có mẹ phải cứu độ. Đó chính là tâm trạng của người tu theo Đại thừa: Không quên người mẹ của thiên hạ. Một thí dụ của bậc tu hành đã giác ngộ rồi mà không để mất cuộc sống tình cảm, là Phật Thích Ca.

Sau khi thành đạo, Phật đã nhiều lần trở về tổ quốc cứu độ cho cha rồi lại lên cõi trời, cứu độ cho mẹ! Sau lại cứu độ cho em, cho vợ, cho con. Nhờ vậy mà về sau, cả nhà đều theo Ngài xuất gia.

Phật không có đoạn trừ tình cảm trong lòng mình, không những hóa độ cho người nhà mà còn hóa độ cho tất cả chúng sanh.

Sau khi Phật Thích Ca thành đạo, cả nhà đều theo Ngài xuất gia, chỉ trừ có người em là Nan Đà, là người duy nhất còn ở lại để thừa kế ngôi vua, cho nên vua Tịnh Phạn rất lo lắng và sợ Nan Đà xuất gia. Vua quản Nan Đà rất chặt, bắt Nan Đà suốt ngày trong hoàng cung. Vợ Nan Đà cũng rất nghiêm, mỗi lần Nan Đà ra khỏi cung, nàng đều điểm trên trán một điểm son, quy định trước khi son khô thì Nan Đà phải trở về cung. Vợ Nan Đà là người rất xinh đẹp, được Nan Đà hết lòng yêu thương. Để người vợ khỏi phải lo lắng, Nan Đà mỗi lần ra vào cũng đều rất khẩn trương, tất bật.

Một ngày, Phật Thích Ca biết nhân duyên xuất gia của Nan Đà đã chín muồi, bèn đến trước hoàng cung khất thực. Nan Đà dự định cầm bát thức ăn đi ra để cúng dường thì vợ không chịu. Hai bên cãi nhau một hồi, cuối cùng, theo lệ thường, người vợ điểm trên trán Nan Đà một điểm son, quy định Nan Đà xong việc phải về ngay, không được bắt chuyện với Phật Thích Ca.

Nan Đà không có bắt chuyện với Phật Thích Ca, nhưng Phật bảo Nan Đà đi theo mình, và Nan Đà đi theo. Đi được một vài bước, bèn xóa sạch điểm son trên trán mình và theo Phật xuất gia. Sau khi xuất gia, Nan Đà rất nhớ vợ, Phật bèn hỏi vì sao Nan Đà nhớ vợ đến thế. Nan Đà trả lời: “Cô ta đẹp quá đẹp không ai bằng.” Phật bèn đưa Nan Đà đi Đông Hải chơi, thấy xác một phụ nữ còn đẹp hơn vợ của Nan Đà nữa. Phật bảo Nan Đà: “Chú có thấy không? Cô gái này hết sức đẹp: con dòi trên mặt cô ta chính là cô ta biến thành vì cô ta tự cho mình quá đẹp, không từ bỏ sắc đẹp ấy được, cho nên sắc đẹp là cái không nên nương tựa.”

Qua sự việc xảy ra, Nan Đà nỗ lực tu hành nhưng lòng nhớ vợ vẫn không nguôi. Phật Thích Ca thấy Nan Đà còn thích sắc đẹp, bèn đưa Nan Đà lên các cõi Trời. Thiên nữ trên cõi Trời người nào cũng đẹp hơn vợ Nan Đà hàng nghìn vạn lần. Nan Đà hỏi: “Có nhiều thiếu nữ xinh đẹp dường này; sao lại không có nam giới.” Một thiên nữ trả lời: Có chứ, nhưng anh ta chưa lại, anh ta tên là Nan Đà, hiện nay anh Nan Đà đang cùng với người anh trai tu hành ở Ấn Độ. Năm trăm thiên nữ chúng tôi đều thuộc về anh ta.” Nan Đà nghe xong liền kéo tay Phật Thích Ca về, và ra sức tu hành, hy vọng sau khi chết, sẽ được tái sanh lên cõi Trời. Phật Thích Ca biết động cơ tu hành của Nan Đà không chân chính, bèn đưa Nan Đà xuống Địa ngục, thăm viếng những cảnh khổ sở bi thảm ở đấy. Khắp nơi, ở Địa ngục đều đầy rẫy các cảnh lửa thiêu đốt rét cắt da, dao kiếm v.v... hành hạ con người. Đang đi, Nan Đà thấy một vạc dầu, hai bên có hai con quỷ nhen đỏ lửa. Trong vạc, dầu đang sôi sục, nhưng không thấy ai đến. Nan Đà hỏi: “Các ông chờ đợi ai đó?” Một con quỷ trả lời: “Chúng tôi đang đợi một người tên Nan Đà anh ta hiện đang tu hành cùng với một người anh trai ở Ấn Độ. Anh ta tu hành là để hưởng thụ các tiên nữ trên cõi trời. Vì vậy, sau khi anh ta ở cõi trời 500 kiếp, sẽ phải đọa Địa ngục và rơi vào vạc dầu này.” Nan Đà nghe nói hoảng quá, từ đó về sau chăm chỉ tu hành, cuối cùng chứng quả A la hán.

Chuyện Nan Đà cho chúng ta bài hai học:

Một, đừng có vì tình dục mà tu hành. Người tu hành không nên có mong cầu riêng gì.

Hai, cõi Trời, Địa ngục, Tịnh độ, cõi Người, tuy rằng chúng ta cảm giác là những không gian khác nhau, thế nhưng những không gian đó thực ra đồng thời cùng tồn tại đối với một con người, tùy theo tâm trạng của người đó.

Thí dụ chúng ta đang sống ở không gian cõi người, nhưng tâm chúng ta lại đầy lửa sân như ở Địa ngục và liên tục mãi như thế, thì sau khi chết, chúng ta ắt phải đọa Địa ngục. Trái lại, sống ở cõi người mà tâm chúng ta thanh tịnh siêu thoát như ở cõi Trời, thì sau khi chết, ắt chúng ta sẽ tái sanh lên cõi Trời. Vì vậy cho nên sống ở cõi người này, trong vấn đề tình dục chúng ta phải cảnh giác, đừng để bị lửa Địa ngục nung nấu như ở Địa ngục, chúng ta sẽ có tâm trạng Địa ngục và sau khi chết sẽ bị đọa Địa ngục.

Các vị Bồ tát, dù sống ở không gian nào, cũng đều giữ vững tâm niệm hóa độ chúng sanh, dù chúng sanh có duyên hay không có duyên.

7. Cảm Ơn Và Học Tập

Bản chất của tình dục không phải là hại người, nhưng vì bị nhiễm trước cho nên người bị hại. Dùng tâm lượng rộng lớn, Trí tuệ cao siêu để đối đãi với tình dục, để siêu việt tình dục, không để cho tình dục nhiễm trước, mà không phải giữ thái độ đối lập với tình dục, đó chính là thái độ nên có của người tu hành.

Một người tu hành, phải tiếp thu tất cả những cái tốt đẹp trong cuộc sống, có trách nhiệm và chủ động đối với tất cả những cái gì ác xấu trong cuộc sống, khiến cho tất cả, vô tình hay hữu tình, nghịch cảnh hay thuận cảnh, đều trở thành yếu tố tăng trưởng Bồ đề và Trí tuệ của mình “vĩnh dục ái hà” (Vĩnh viễn sống trong sông tình dục). Đối với vị Bồ tát mà nói, thực ra không có sông tình dục tồn tại, bởi vì Bồ tát để cho dòng sông tình dục trôi qua mà vẫn giữ tâm mình trong sáng; vị Bồ tát có con mắt tốt đẹp ấy, tức là mãi mãi giữ thái độ cảm ơn và học tập.

Sống ở thế gian này, chúng ta gặp rất nhiều chúng sanh và rất nhiều nhân duyên. Những chúng sanh và nhân duyên đó có thể là không tốt đẹp, thí dụ, hôn nhân tan vỡ, luyến ái thất bại, anh chị em bất hòa...

Chúng ta phải dùng thái độ cảm ơn và học tập để chuyển hóa những nhân duyên xấu đó. Thấy chúng là xấu, bèn sinh tâm cảnh giác, không để bản thân mình cũng trở thành xấu xa theo.

Đó chính là thái độ học tập tốt, là thái độ cảm ơn.

Đối với người nhà, đối với con cái, chúng ta cũng nên có thái độ cảm ơn và học tập như vậy.

Có lần, tôi bị nước sôi làm bỏng tay, không khỏi được. Con tôi đem một bát nước lại, cũng không rõ nó học ở đâu mà nó niệm một hơi một hồi rồi nói: “Bát nước đã được gia hộ. Ba hãy uống đi, khắc khỏi.”

Tôi chưa uống hết bát nước mà tay đã khỏi một nửa rồi, tôi hết sức cảm ơn. Con tôi thấy tôi đau tay, trong lòng không yên. Tôi uống bát nước xong, thấy bàn tay đỡ rất nhiều. Đó chính là thái độ cảm ơn.

Tái sanh ở thế gian này toàn là những bậc tiền bối của anh cả, không có ai thua kém anh đâu, kể cả con cái của anh. Vì sao khi giảng Phật học cho con cái, anh lại có thái độ phóng túng thiếu phụ trách, còn khi giảng Phật học cho người lớn thì anh lại hết sức thận trọng, phụ trách. Phải chăng vì chúng ta đánh mất bản tính thiên chân của chúng ta, vì thiếu thái độ cảm ơn và học tập đối với người đời.

Có trường hợp, về mặt Trí tuệ, con cái chúng ta hơn chúng ta rất nhiều.

Các bài diễn giảng của tôi sở dĩ ghi âm lại trong băng là do nhân duyên như sau:

Tôi thường hay đi diễn giảng, có lúc đem con đi theo. Một lần, con tôi nói: “Ba hay diễn giảng, sao ba không ứng cử tổng thống?” Tôi rất ngạc nhiên: “Diễn giảng và ứng cử tổng thống thì có quan hệ gì.” Con tôi nói: “Ba xem năm vừa rồi, tổng thống diễn giảng, bài diễn giảng được dịch ra nhiều tiếng, kể cả tiếng Đài Loan và tiếng Quan Thoại, và được phát nhiều lần trên đài vô tuyến truyền hình, mọi người đều được nghe. Ông ta chỉ giảng một lần là đủ...”

Con tôi nói tôi nên cho ghi âm trên băng từ, ai mời diễn giảng cứ gởi băng từ đi là được. Tôi nói: “Không được vì người ta muốn nhìn mặt ba!” Con tôi nói: “Ba cho phóng đại ảnh của ba rồi đặt trên bục giảng, và mở băng ghi âm, nghe xong băng ghi âm, sẽ gửi thù lao diễn giảng cho ba, tốt nhất là gửi ngân phiếu. Vì bưu cục có khắp nơi, cho nên ở đâu nhận tiền cũng được.”
Tôi rất khen ngợi bẩm tánh thiên chân của con tôi. Nó nói thẳng thắn ý kiến của nó về điều nó không thích, đồng thời cũng bày tỏ quan điểm của nó về cách thức giải quyết vấn đề. Về sau, nơi nào mời tôi diễn giảng mà tôi đi không được, tôi đều gởi băng ghi âm bài giảng của tôi nhưng không có thu tiền.

8. Hồi Hướng Làm Cho Nhân Duyên Thanh Tịnh

Người có thái độ cảm ứng và học tập sẽ ít có vấn đề tình dục phải giải quyết. Tình dục của chúng ta thông thường nảy sinh từ những người có liên quan đến chúng ta: vợ, con, bè bạn, người quen, bạn đồng sự, những người này khiến chúng ta chấp trước, không được giải thoát. Chúng ta phải tỏ ra khiêm nhường đối với họ, phải cảm ơn họ, thì có thể đối trị được tình dục.

Còn có một phương pháp nữa để đối trị tình dục, đó là đem công đức của mình, sức mạnh trong sạch của mình hồi hướng cho đối tượng đang bị vướng mắc trong tình dục.

Đối tượng ấy có thể không phải là người, mà có thể là một cái chén, một đồ cổ. Có người sưu tập đồ cổ, chết rồi không vãng sanh được vì ham đồ cổ quá sau tái sanh lại trong gia đình cũ để giữ đồ cổ. Nhưng sau khi tái sanh lại quên rằng chính vì đồ cổ mà mình tái sanh lại ở đây, về sau lại đem bán hết những đồ cổ ấy đi.

Đối tượng của tình dục không phải chỉ là người mà là sự vật, nhân duyên.

Chúng ta phải có thái độ hồi hướng, đem công đức của chúng ta, sức mạnh thanh tịnh của chúng ta hồi hướng cho thế giới này, hồi hướng cho những người có nhân duyên hay không có nhân duyên đối với chúng ta. Làm như vậy chắc chắn có thể đối trị được sự ràng buộc của tình dục.

Có lần, nhà tôi bị nạn dán hoành hành. Tôi bèn đọc kinh, làm công đức, hồi hướng cho các con dán, cầu cho chúng được tái sanh với thân phận tốt đẹp hơn thân phận con dán.

Nếu ngày nào, anh cũng phải gặp người mà anh ghét, thì mỗi ngày hãy tụng một biến kinh Kim Cang và hồi hướng công đức tụng kinh cho anh ta, tự khắc sẽ thấy quan hệ giữa hai người trở nên tốt đẹp hơn.

Hồi hướng có thể khiến cho ác duyên trở thành thiện duyên, khiến nhân duyên ràng buộc biến thành nhân duyên sáng suốt tốt lành.

9. Hoan Hỷ Sống, Tùy Tục, Tùy Duyên

Có câu chuyện sau đây về Thiền sư Hoàng Bích. Khi Thiền sư còn là đệ tử một vị Hòa thượng trụ trì một ngôi chùa, thì có Đường Tuyên Tôn, lúc bấy giờ chưa lên ngôi vua, chạy loạn đến ngôi chùa, trong khi Thiền sư Hoàng Bích ngồi tham Thiền. Một ngày, Đường Tuyên Tôn thấy Thiền sư Hoàng Bích đang lễ Phật, bèn hỏi: “Người cầu đạo không được chấp trước ở Phật, Pháp, Tăng, sao sư còn lễ bái?” Thiền sư Hoàng Bích trả lời: “Tôi không có chấp trước ở Phật, Pháp, Tăng. Tôi chỉ tùy tục mà thôi.” Sự lễ bái của Thiền sư Hoàng Bích không nhằm một đối tượng cụ thể mà là nhằm khai phát nội tâm, chỉ là tùy tục, không có mong cầu, không có nhiễm trước, không có tham trước, chấp trước và hoàn toàn thanh tịnh.

Chúng ta đối với tình dục trong cuộc sống, cũng phải tùy tục, tùy duyên.

Yêu thương cha mẹ, vợ, con bạn bè mình, đều không có mong cầu riêng. Yêu thương cha mẹ không phải là vì cha mẹ có tiền, dù cha mẹ có nghèo không đồng xu dính túi, cũng yêu thương cha mẹ. Yêu vợ không phải vì được vợ nấu cơm, quét dọn nhà cửa, giặt dũ quần áo mà là vì nhân duyên vợ chồng, yêu thương con cái cũng không có mong cầu riêng, để cho chúng nó sau này lớn sẽ nuôi dưỡng mình, mà cũng là tùy tục, tùy duyên mà thôi.

Có lần con tôi hỏi: “Này ba, khi ba già rồi, con không muốn ở cùng với ba nữa, vì người già rất khó tính. Nhưng tháng nào, con cũng gởi tiền cho ba.” Tôi bèn nói: “Ngày mai, con phải dọn ở một nơi khác, vì con quá nhỏ tuổi, hay gây phiền phức, nhưng ba sẽ gởi tiền cho con.” Con tôi rất hổ thẹn, nói: “Thưa ba, con xin lỗi ba, khi ba già con sẽ ở với ba.”

Chúng ta săn sóc con cái, không phải để sau này, chúng phụng dưỡng chúng ta. Chúng ta có bạn bè, cũng không phải vì bạn bè cho chúng ta nhiều lợi ích. Chúng ta trong quan hệ bạn bè cũng không có mong cầu riêng gì hết.

10. Bố Thí Mà Không Chấp Ngã

Học Phật cũng phải như vậy. Niệm Phật mà không cầu mong gì thì mới được thanh tịnh. Lễ Phật mà không cầu mong gì thì thân tâm mới nhu hòa. Trì chú cũng chỉ cầu mong cho sức mạnh của chú sẽ đem lại lợi ích cho chúng sanh. Chúng ta chỉ nghĩ đến giúp người, giúp chúng sanh, không có chấp ngã.

Khi có cơ hội bố thí, thì đừng có chấp ngã.

Có lần tôi đến thăm hội “Từ tế công đức”, thấy có hàng trăm người tình nguyện hàng ngày đến phục vụ ở bệnh viện của hội. Tôi hỏi những người ấy rằng: “Sức mạnh gì thúc đẩy các anh đến làm việc ở đây?” Một người trả lời: “Người phục vụ bệnh nhân hạnh phúc hơn bệnh nhân.”

Đúng vậy! Họ phục vụ bệnh nhân, bởi vì họ là người có sức khỏe. Đó thực là hạnh phúc vậy.

Tôi lại hỏi Pháp sư Chứng Nghiêm, là người sáng lập ra hội Từ tế: “Bà hàng ngày cứu giúp những người bệnh nghèo, hàng ngày chứng kiến những cảnh bi thảm. Bà có thấy gian khổ hay không?.”
Bà nói: “Người ham thích leo núi, đường leo núi gian khổ, nhưng trong tâm không thấy là khổ, chỉ có người không ham thích leo núi mới thấy leo núi là rất khổ.”

Lời của Pháp sư Chứng Nghiêm làm tôi rất cảm động, một người có thể hoàn toàn quên mình thì không thấy khổ. Pháp sư Chứng Nghiêm là người có bệnh, mắc bệnh tim nặng, ngày nào cũng uống thuốc, tiêm thuốc rất là gian khổ, nhưng bà lại không thấy khổ, vì bà luôn nghĩ tới người khác.

Tôi thường khuyên những người thất tình rằng: “Trên thế giới, những người thất tình đều khổ như anh. Nghĩ tới nỗi đau khổ của người khác thì anh cũng giảm bớt đau khổ.”

Nếu biết nghĩ tới mặt tốt của sự việc, nghĩ tới người khác và bỏ chấp ngã thì sẽ không còn thống khổ.

Làm thế nào để đoạn trừ chấp trước, giải thoát khỏi sự ràng buộc. Hãy đừng có mong cầu gì hết! Đối với chúng sanh, không có mong cầu. Đối với Phật cũng không có mong cầu.

Không có mong cầu là thái độ có lợi đối với bản thân. Có người đốt hương cúng dường Phật, Bồ tát. Tôi nói với họ: “Phật và Bồ tát không cần các anh thắp hương cúng dường, bởi vì là Phật là Bồ tát. Các anh thắp hương là để cho tâm mình thanh tịnh, là để có lợi ích cho bản thân các anh. Đối với Phật không có mong cầu, đối với chúng sanh cũng không có mong cầu, đừng có hy vọng chúng sanh cho mình cái gì cả.”

Bồ tát Phổ Hiền dạy chúng ta rằng: “Phải tùy thuận chúng sanh, phải tùy theo nhân duyên của chúng sanh mà chuyển hóa, mà không có yêu cầu gì đối với chúng sanh, không phải lên lớp cho chúng sanh mà lên lớp cho bản thân mình; bởi vì mình cũng là chúng sanh.”

Tôi có một người bạn mới học Phật, có lần anh đến tìm tôi, với giọng nói rất kích động: “Chúng ta không thể hằng ngày cứ ngồi trong nhà niệm Phật mà phải đi ra ngoài cứu độ chúng sanh.” Tôi trả lời: “Đúng là chúng ta phải cứu độ chúng sanh. Nhưng trước tiên phải cứu độ chúng sanh ở trong cái nhà này đã.” Anh bạn tôi ngạc nhiên hỏi: “Trong nhà này có chúng sanh ư?” Tôi nói với anh ta rằng anh ta và tôi đều là chúng sanh.

Khi chúng ta nói cứu độ chúng sanh, thường thường chúng ta quên chúng ta là chúng sanh, vì chúng ta tự cho mình là ở trên chúng sanh. Thực ra, chúng ta cũng là chúng sanh; chúng sanh cũng là Bồ tát. Chúng ta chỉ là nhân duyên di động giữa chúng sanh và Bồ tát mà thôi!.

11. Tùy Duyên Mà Ứng Xử Với Tình Cảm Tốt Nhất Không Thay Đổi

Trong kinh điển có câu: “Tùy duyên bất biến, bất biến tùy duyên.”

Tùy theo nhân duyên, tình dục và thế giới mà chuyển động, còn tâm tánh mình thì không biến hóa. Đó là tùy duyên bất biến. Tâm tánh của một người không thay đổi, vẫn giữ được chất vắng lặng thiện lành, nhờ vậy là có thể tùy duyên một cách vui vẻ.

Không có sợ hãi mình bị biến chất mà không dám tùy duyên. Vì rằng, khi một người mở rộng được bản tính trong sáng của mình thì anh ta phát hiện thấy bản tính đó kiên cường hơn nhiều, so với nhân duyên, và không bị dao động.

Một người giác ngộ sẽ biết rằng, nhân duyên thời gian và không gian rất là rộng lớn. Phải yêu thương cha mẹ mình, cũng phải yêu thương tất cả chúng sanh như là yêu thương cha mẹ vậy. Sự thật, tất cả chúng sanh mà chúng ta có nhân duyên gặp gỡ, rất có thể trong các đời sống quá khứ, đã từng làm cha mẹ chúng ta. Từ kiếp vô thỉ đến nay, chúng sanh đã từng là cha mẹ chúng ta.

Có người bị thất bại trong hôn nhân hay trong luyến ái, bèn nói: “Đó là nhân duyên. Số mệnh đã quyết định rồi.” Sự thực thì không phải như vậy. Nếu mở rộng quan điểm thời gian và không gian ra nữa, thì sẽ phát hiện thấy, trên thế giới có rất nhiều người cùng ở với chúng ta đã có quan hệ vợ chồng. Những nhân duyên đó trong tương lai dần dần chín mùi mà chưa chắc là ở đời này. Trong đời này có rất nhiều nhân duyên chín mùi, nhưng còn do chúng ta lựa chọn trong số nhân duyên chín mùi đó, chúng ta lựa chọn lấy ông này, bà kia làm chồng làm vợ. Còn đối với những nhân duyên chưa chín mùi, thì hãy chờ đợi ở vị lai.

Người với người đều có nhân duyên. Nhưng lựa chọn và phán đoán cũng rất quan trọng. Chúng ta không nên vì học Phật mà trở thành nhà túc mạng luận. Tất cả đều là quan hệ nhân quả nhưng vẫn có phạm vi để chúng ta cân nhắc, lựa chọn. Đó là vì bản tính chúng ta mạnh hơn nhân duyên.

Thế giới nội tại ở trong chúng ta lớn mạnh hơn nhân duyên.

Vì vậy mà chúng ta không bị tình dục chuyển, mà có thể siêu việt lên trên tình dục.

Trong Thiền tông, có câu chuyện này: Có một người tu hành, đã tu hành hơn 20 năm, và được một bà già thường xuyên cúng dường mỗi ngày, và đều cho một cô gái xinh đẹp đem cơm cúng dường nhà tu hành. Một ngày bà già muốn thử trình độ của nhà tu hành, bèn dặn cô con gái đưa cơm ngồi trên đùi nhà tu hành và hỏi nhà tu hành cảm giác thế nào. Cô gái trở về, thuật lại với bà già rằng, nhà tu hành chỉ nói:

“Khô mộc y hàn nham

Tam đông vô hoản khí.”

(Cây khô dựa vào tảng đá lạnh

Ba mùa đông không có hơi ấm)

Bà già nghe nói rất bực, cho rằng 20 năm cúng dường là uổng công, bèn phóng hỏa đốt am và đuổi nhà tu hà nh đi chỗ khác. Bà cho rằng tu hành mà biến thành người vô tình thì không phải là người tu hành chân chính.

Siêu việt tình cảm cha mẹ không phải là vô tình mà là chí tình. Chí tình là thăng hoa tình cảm đến trình độ cao nhất. Như xem cha mẹ thiên hạ như cha mẹ mình, vợ con thiên hạ như vợ con mình. Nâng cao tâm tánh, mở rộng tâm tánh, để bao dung mọi phiền não và chuyển hóa tình dục.

Nên nhớ bốn chữ này: “Tùy duyên, nhậm vận” là ứng xử một cách tự tại với nhân duyên, không dao động, không thay đổi. Trên thế giới này, có rất nhiều nhân duyên gặp gỡ, làm tâm người dao động. Chúng ta vẫn có thể không né tránh, không đoạn trừ tất cả những nhân duyên đó mà vẫn tu hành được nếu biết nhậm vận tùy duyên. Tình dục sẽ được làm cho thanh tịnh và con người sẽ được giải thoát.

12. So Sánh Với Giây Phút Trước

Có nhớ tới mâm cỗ thịnh soạn hôm qua cũng không giúp gì cho cơn đói ngày hôm nay. Bây giờ ăn no căng bụng, cũng không giúp gì cho cơn đói của giờ phút sau! Mỗi giờ phút đều có tình hình của giờ phút ấy. Các giờ phút đều không giống nhau.

Có sự thể nghiệm như vậy, mới không chấp trước vào giờ phút trước hay giờ phút sau; không chiếm hữu gì cũng không cầu mong gì thì sẽ không chấp trước vào giờ phút trước cũng không chấp trước vào giờ phút sau.

Chúng ta học Phật không cầu mong được gì, chỉ cầu mong làm cho nhân cách con người được nâng cao và hoàn thiện không ngừng.

Thường có người đến gặp tôi, như là để so sánh “thành tích” vậy. Họ cho rằng tôi rất có danh tiếng, chắc là tu hành rất tốt. Họ hỏi: “Ông tu hành được quả vị nào rồi?”, đồng thời cũng nói với tôi một cách nghiêm túc là họ đã chứng đệ tam quả. Tôi trả lời là tôi tu hành chưa chứng được quả nào hết. Chỉ có ngày nào cũng được ăn quả chuối, được nuôi dưỡng tốt, thưởng thức mùi vị. Tức là không được gì! Nếu tâm còn nghĩ được nhiều, ít quả, thì trongcuộc sống sẽ có vướng mắc, bị trở ngại.

Xin đừng có nghĩ tu được “bao nhiêu quả”, mà nên làm sao cho giờ phút này so với giờ phút trước, giờ phút sau này so với giờ phút này anh nhận thức “tánh không” một cách tốt hơn, giờ phút này so với giờ phút trước, anh sống Từ bi hơn, anh gần gũi hơn với chúng sanh, nhân cách anh hoàn thiện hơn.

Hằng ngày, cứ tiến bộ như thế thì sẽ có ngày, anh tiến tới đích Từ bi, Trí tuệ hoàn thiện và tự tại.
Đừng có một mặt tu hành, một mặt lo nghĩ rằng mình đã tu đến trình độ nào! Nếu ngày nào cũng nghĩ tới vấn đề đó thì lấy thời gian đâu mà tu hành?

Hãy sống mỗi giây phút một cuộc sống tốt đẹp. Hãy sống qua mỗi ngày một cách tốt đẹp, nói chung hãy sống một cách tốt đẹp.

Anh đang lễ Phật, vái Phật. Nếu con anh khóc, đòi mẹ thì xin anh hãy tạm thời ngưng lễ Phật, đến chăm sóc đứa bé. Bởi vì, trong giây phút này, đứa bé đang cần anh, chứ Phật không nhất định cần đến anh, Đức Phật, không cần gì hết. Phật và Bồ tát đều không muốn được gì, không cần gì hết ở nơi anh.

Có câu chuyện vui như sau: một người đi trong sa mạc, mới đi được nửa đường, thì vừa mệt, vừa đói, vừa khát. Anh ta bắt đầu cầu nguyện Bồ tát đến cứu anh ta. Đi mãi, đi mãi, anh tìm được giữa quãng đường một cây đèn thần. Anh rất thích bèn lượm lên và xoa xoa. Quả nhiên, hiện ra một người khổng lồ, người khổng lồ nói với anh ta rằng: “Tôi là đầy tớ của ông, ông có gì sai bảo?” Anh ta nói: “Tôi đang rất khát, xin cho tôi một bát nước.” Người khổng lồ trả lời: “Ở đây tôi không có nước.” “Vậy thì hãy cho tôi một bộ quần áo, vì tôi đang rét.” Người khổng lồ nói: “Tôi ở đây, không có quần áo.” “Vậy thì hãy cho tôi một quả dưa.” “Tôi cũng không có quả dưa.” Cuối cùng, người khách bộ hành hỏi: “Thế thì anh cho tôi cái gì nào?” Người khổng lồ trả lời: “Tôi có thể cho ông Phật pháp.” Người khách bộ hành nghe xong bèn chết xỉu trong sa mạc.

Phật pháp là gì? Khi người khác khát, anh cho họ chén nước. Đó là Phật pháp. Khi người khác đói anh cho họ bát cơm, đó là Phật pháp. Giúp đỡ người khác, với tâm không cầu đền đáp, và luôn luôn như vậy, đó là Phật pháp.

13. Nhân Sanh Tốt Đẹp Nhất Chính Là ở Đời Này, Thế Gian Này

Phật pháp không có xa lìa cuộc sống, cũng không xa lìa đời sống này, thế gian này.

Trong nội dung các bài giảng đầu tiên của Phật Thích Ca, có bốn câu rất trọng yếu, gọi là bốn gia hạnh: “Cuộc sống vô thường, thân người khó được, lý nhân quả là chân thực, luân hồi là đau khổ.”

Điều nên đặc biệt chú ý là lẽ vô thường.

Cuộc sống là vô thường, cho nên phải biết trân trọng giờ phút này. Sau đó cần ghi nhớ, thân người là khó được. Cuộc sống này, thế gian này là nhân sanh tốt đẹp nhất. Hãy cứu cái thân này ngay tại cuộc sống này, đừng có chờ đợi một cuộc sống nào khác. Phải suy nghĩ thế này: Chúng ta hãy khẳng định cái thân này của chúng ta là đáng trân trọng, hãy khẳng định cuộc sống của chúng ta trên thế giới này là đáng trân trọng, khẳng định cuộc sống này, thế gian này của chúng ta là đáng trân trọng.

Nếu chúng ta có thể trân trọng thân người này, cuộc sống này của con người, thì chúng ta sẽ biết trân trọng cõi Tịnh độ, và trân trọng mọi chúng sanh.

Nếu đối với cuộc sống này và thế gian này mà không biết trân trọng thì tất cả Phật pháp sẽ trở thành hư vọng, chúng ta sẽ không có nơi nào để đứng vững chân cả.

Hằng ngày chúng ta hãy kiểm điểm hành vi nơi thân ta, lời nói của ta, ý nghĩ của ta, và hằng tháng, hằng năm, chúng ta cũng kiểm điểm như vậy.

Ở đời sống này, thế gian này, không ngừng kiểm điểm hành vi nơi thân ta, lời nói của ta, ý nghĩ của ta. Và đời này qua đời khác, cũng kiểm điểm như vậy. Đó chính là sự tu hành căn bản, trọng yếu nhất.