Đạo đức - Tâm lý học
Chuyển hóa tâm
Nguyên tác Tây tạng: Shamar Rinpoche Dịch sang tiếng Anh: Anila Rinchen Palmo Việt dịch: Lục Thạch
05/08/2554 04:45 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

CHUYỂN HÓA TÂM
Nguyên tác Tây tạng: Shamar Rinpoche
Dịch sang tiếng Anh: Anila Rinchen Palmo
Việt dịch:  Lục Thạch

PHẦN THỨ BA

CHUYỂN HÓA

            I.- DẪN NHẬP

                 Bây giờ chúng ta bước qua phương diện thực hành, tìm hiểu cách thực hiện tri thức nguyên thủy hay trí huệ đã mô tả ở phần trước. Để đạt được trí huệ, chúng ta phải tu tập thiền định.

            Không một lúc nào Phật tính vắng mặt trong tâm ta, nhưng vì bị ngoại cảnh làm cho xao lãng chúng ta không biết tới Phật tính và cho rằng Phật quả là một cái gì xa xôi, và do đó đã phạm sai lầm lớn nhất trong đời. Vì không biết chính mình, tâm hành động khác với chức năng thật của mình, phóng chiếu vô số Sắc tướng thế gian. Trong một giấc mộng, chúng ta có thể thấy nhiều người, nhiều cảnh khác nhau trong phòng ngủ của mình. Chúng ta bị lôi cuốn theo những ảo ảnh của giấc mộng. Cũng vậy, chu kỳ sống và chết mà chúng ta kinh nghiệm là những ảo ảnh của một giấc mộng dài.

            Cái gì thật sự xảy ra vào lúc chết? Chết chỉ là một sự thay đổi ảo giác. Trong kiếp sống thế gian chúng ta có ảo giác của một con người và có thể truyền thông với những người khác có cùng ảo giác với mình. Một khi nghiệp lực đã cạn, ảo giác cuộc đời chấm dứt, thì chúng ta chết. Khi ảo giác của một người tan biến đi, thì đối với người khác, người đó đã chết, vì ảo giác của người đó mất trước ảo giác của họ. Nhưng sự thật, người đó không chết, mà chỉ thay ảo giác đó bằng một ảo giác thuộc loại khác, vì vậy người đó không thể truyền thông với những nguời còn giữ ảo giác thế gian được nữa.

            Ngoại cảnh hay thực tế bên ngoài chỉ là tâm chứ không gì khác hơn. Giống như nước và nước đá, khi lạnh nước đông lại thành đá, khi nóng nó biến trở lại thành nước, tâm và ảo giác cũng vậy, ngoại vật là sự biểu lộ của tâm không có gì là vững chắc cả, nhưng chúng có vẻ chắc thật, vì có cơ chế ngự của ảo giác. Chúng ta có thể nhận thấy tính chất giả ảo này trong giấc mộng.

            Khi tâm được thanh tịnh và trong sáng thì ảo giác của nó cũng trong sáng, làm cho các phẩm tính tự nhiên của ảo giác hiển lộ. Khi tiến trình này được thực hiện trọn vẹn, chúng ta gọi nó là Phật quả. Khi được thực hiện một phần thi tiến trình này tương ứng với năm giai đoạn của đạo pháp giác ngộ và thập địa Bồ tát.

            Có hai pháp thực hành để thành tựu tiến trình chuyển hóa tâm : thiền định và tích lũy thanh lọc.

            Hiện tại tâm chúng ta có thói quen xao động tự phóng chiếu khắp nơi. Hoạt động chính của nó là chú ý tới những thông tin do tiền ngũ thức ghi nhận từ thế giới bên ngoài, tổ chức và đánh giá những thông tin đó.

            Chúng ta phải tập cho tâm độc lập với những thông tin, nghĩa là đặt tâm vào bản chất thật của nó, trạng thái thật sự của nó khi nó thông tin kết với một đối tượng nào. Đây là cách tốt nhất để luyện tâm, và chúng ta phải làm cho nó quen với trạng thái này.

            Tâm độc lập là như thế nào? Chính yếu thì nó không là gì cả, không có hình thể, mầu sắc hay gì khác, cái mà chúng ta gọi là "tâm không". Tuy nhiên nó không trống rỗng; tâm này cũng có tính nhận biết, một phẩm tính được gọi là "trong sáng" (minh tâm) trong thuật ngữ truyền thống.

            Khi thực sự kinh nghiệm điều này trong thiền quán, chúng ta sẽ thấy tâm này còn vĩ đại hơn ngôn từ mô tả về nó. Vì nó quá sâu xa ở ngoài tầm với của ngôn từ và văn tự.

            Khi mới bắt đầu làm cho tâm tức thời độc lập, chúng ta không thể kinh nghiệm một sự trong sáng nào cả, vì sức mạnh của hoặc nghiệp đã được tích lũy từ lâu. Chúng ta phải vận lực giữ cho tâm thoát sự lôi kéo của ngoại vật, và nếu chúng ta thấy tâm vẫn xao động, chúng phải mang nó trở lại trạng thái không xao động.

            Một khi đã quen với trạng thái an tĩnh, tâm sẽ trong sáng hơn khi hành thiền. Sự trong sáng này sẽ tự cũng cố, và lúc đó nhiệm vụ của chúng ta là hoàn thiện khả năng ổn định tâm trí. Việc tiến tới ổn định tâm một cách hoàn hảo gồm những giai đoạn tu tập rồi tới các địa của Bồ tát, và sau cùng là Phật quả. Những giai đoạn tu tập này vẫn còn thuộc luân hồi nhưng ở một mức rất cao. Khi khả năng định tâm đã được tinh xảo, chúng ta đã đi tới Bồ tát đạo, gồm mười địa vị hay mười cấp. Khi Bồ tát đạo được thực hiện hoàn hảo, không còn điểm gì để trau dồi nữa, thì đó là Phật quả.

            Năm giai đoạn tu tập và mười cấp Bồ tát là thước đo công trình tu tập. Chúng thường được mô tả chi tiết như một đề tài quen thuộc, nhưng về mặt kinh nghiệm bản thân thực sự thì chúng bất khả tư nghị. Chân tâm là không thể "nghĩ bàn", thật vậy chúng ta chỉ có thể gặp tâm thật của mình qua thiền quán.

            Chúng ta phải hành thiền theo một phương pháp tiệm tiến nếu không chúng ta sẽ không bao giờ có thể đạt hoàn hảo trọn vẹn trong việc thiền quán. Ngày nay con người nhiều tham vọng mà lại ít kiên nhẫn, và không thể tỏa mãn với tình trạng hiện tại của mình. Họ tìm cách chữa sự bất mãn, nhưng phải là một cách dễ thực hành, vì họ không có đủ kiên nhẫn để thử một phương pháp đòi hỏi họ phải nổ lực lâu dài.

            Mấy năm trước, vị Viện trưởng Tu viện Rumtec nhận được nhiều lời than phiền của những người Tây Tạng trú ngụ ở đó về một bác sĩ mới. Khi thấy có quá nhiều lời than phiền này không thể bỏ qua được, ngài mới hỏi mọi người là viên bác sĩ đó có điều gì làm họ không hài lòng. Họ nói : "Ông ta cứ bảo chúng tôi không được ăn cái này, cái nọ, không được làm thế này, thế kia. Chúng tôi không thích như vậy". Những người đó vẫn còn bệnh!

            Nhiều người quay sang những phương pháp được tiếng là mang lại kết quả nhanh, cả giác ngộ tức khắc nữa. Có thể đây là một loại can đảm, có thể chỉ do kiêu ngạo. Có lẽ họ nghĩ rằng nếu họ có thể nói với người khác là mình dang htực hành một pháp cao cấp, thì như vậy mình là một người trình độ cao.

            Trước đây ở Nepal có tổ chức nmột khóa giảng về giai đoạn của pháp Mahamudra (đại ấn, đại thành tựu). Trong số những người theo học có một thanh niên người Mỹ, tham dự đủ các buổi dạy và thực hành thiền quán tốt cho đến khi anh ta nghe nói về một phương pháp gọi là Maha Ati (Đại A tỳ, pháp đại thành tựu của phái Nyingma) được coi là sẽ làm cho hành giả đác quả Phật trong hai mươi bốn tiếng đồng hồ. Tài liệu của pháp này nói : "Thực hành pháp Maha Ati buổi sáng, bạn sẽ thành Phật ngay buổi tối, thực hành pháp này buổi tối, bạn sẽ thành Phật ngày mai". Cho rằng Mahamudra quá phức tạp, anh ta bỏ pháp này, đi theo Maha Ati hiệu quả hơn. Từ việc bỏ thiền quán đúng cách thức, anh ta cỡi xe gắn máy chạy vòng vòng ở Katmandu, nghĩ rằng mình có trình độ vì mình đang thực hành pháp Maha Ati.

            Người ta dễ cho mình là đã giải thoát, và thực sự tin như vậy, dù đó chỉ là ảo tưởng. Rất khó trừ bỏ sự mê muội này, mình biết là mình không giác ngộ, nhưng vẫ bám vào ảo tưởng này. Nghiêm trọng hơn vấn đề ngã ái thông thường, giống như đây là một con quỷ hoạt động trong ta.

            Mahamudra và Maha Ati quả thực có khả năng sản sinh giác ngộ tức khắc, nhưng mọi sự đều tùy thuộc vào ta và bối cảnh của ta. Milarepa mất mười hai năm để giác ngộ, Gampopa mười tám ngày, Trangpa Gyare ba ngày. Đừng lo phương pháp không có hiệu năng. Nếu chúng ta thực hành đúng cách, giác ngộ sẽ tự xuất hiện. Thời gian để giác ngộ xuất hiện tùy thuộc thời gian bạn sẵn sàng bỏ ra cho việc thực hành.

            Thực hành những pháp cao cấp, được, nhưng hãy thực hành đúng cách. Chúng ta cần năng lưc và can đảm, nhưng không cần kiêu ngạo. Biết đâu không đầy ba ngày bạn sẽ đạt thành tựu lớn.

            Người Mỹ đó vẫn cỡi xe gắn máy chạy vòng vòng ở Katmandu. Tuyên bố mình giải thoát không làm cho mình giải thoát thật sự. Không có gì thay đổi cả, chỉ có lời nói của chúng ta thôi. Như vậy là ngây thơ, non nớt. Chúng ta chỉ cần thứ thật.

            II.- ĐỊNH TÂM

                  Giai đoan thứ nhất của việc hành hiền quán là an tâm, làm cho tâm trí an tĩnh để chúng ta có thể trông thấy rõ ràng hơn những gì tâm đang làm.

                  1.- Thế ngồi:

                        Thế ngồi khi hành thiền là điều cực kỳ quan trọng. Một thế ngồi không đúng cách có thể mang lại một số điều có hại hay nguy hiểm. Khi hành thiền, ngồi nghiêng bên trái hay bên phải, đàng sau hay đàng trước sẽ có ảnh hưởng tới trạng thái tâm của chúng ta, làm cho tâm mất thăng bằng.

            Thế ngồi thiền lý tưởng được gọi là "Thất điểm Lô-xá-na" và nếu hành thiền đều đăïn, chúng ta phải luyện thân thể của mình dần dần cho đến khi có thể ngồi lâu trong thế ngồi này.

            Dưới đây là bảy điểm và các hiệu ứng của chúng đối với tâm, trích trong luận thư "Biển tín tâm kiên cố" của đức Karmapa thứ chín:

                        a.- Hai chân khoanh theo thế hoa sen, mà trong kinh sách Phật giáo Tây Tạng gọi là thế kim cương vì nó tượng trưng sự cân bằng bất hoại. Thế ngồi này làm an tĩnh các lực tế trong cơ thể mà các lực này vốn hay gây ra sự ganh tị trong tâm.

                        b.- Hai tay đặït trên hai chân. Như vậy sẽ tạo sự an tĩnh của tinh lực liên quan tới cảm xúc sân hận.

                        c.- Hai vai vươn thẳng ra, giống như cánh kên kên, không bị đưa tới trước hay bị kéo ra sau.

                        d.- Cổ cong như lưỡi câu, cằm ép vào thanh quản, nghĩa là kéo cằm thẳng vào cổ họng, cẩn thận đừng để nghiêng đầu tới trước hay ngửa ra sau. Như vậy sẽ ngăn cản hoạt động của tinh lực, liên quan tới tham dục trong tâm.

                        e.- Xương sống thẳng như mũi tên, nghĩa là điều chỉnh trọng tâm của mình bằng cách đưa thân mình ra phía sau một chút từ eo trở lên, trong khi đó đưa bụng tới trước. Việc này, cùng với vị thế của vai đã nói ở điểm (c), là để làm an tĩnh dòng tinh lực gây ra hôn trầm của tâm.

                        f.- Hai mắt nhìn một cách tự nhiên vào một điểm trong không khí cách đầu mũi khoảng bề rộng của bốn ngón tay.

                        g.- Hai môi chạm nhẹ vào nhau, để một khe hở nhỏ giữa hai hàm răng, lưỡi đặt tự nhiên lên vòm miệng. Điểm (f) và (g)   làm an tĩnh tinh lực liên quan tới kiêu ngạo, do đó tâm được trong sáng. Nhờ một vị thầy có khả năng và kinh nghiệm hướng dẫn thế ngồi của bạn cho đến khi bạn biết chắc là mình có thề ngồi đúng cách. Dòng tinh lực trong cơ thể rất nhạy cảm nên hành giả phải hết sức cẩn thận để nó không gây ảnh hưởng tới tâm của mình, trong khi đang cố gắng giữ cho tâm không xao động và được trong sáng.

                  2.- Dùng điểm tham chiếu 1 - Vật đối tượng

                        Trước hết, tâm phải được luyện để an trụ trên một điểm tham chiếu (một đối tượng hay một đề mục). Từ trước tới giờ tâm đã có nhiều điểm tham chiếu, nó phóng chiếu rất nhanh, hết điểm này tới điểm khác, quay vòng vòng như cát bị gió lốc thổi bay trong không khí. Cố gắng đưa tâm phân tán trở về một điểm. Chỉ để cho tâm nghĩ về một điều thôi, thay vì nghĩ nhiều điều cùng một lúc.

            Chúng ta luyện tâm tập trung bằng cách giữ cho tâm nghĩ về một đối tượng nào đó. Tâm trí sẽ tập trung trong một lúc, nhưng chúng ta thấy nó không chịu an tĩnh lâu hơn. Đó là vì tâm đã quen, suy nghĩ nhiều và chưa quen tập trung vào một điều nào hay mọât vật đối tượng trong một thời gian dài, vậy chúng ta phải giúp nó phát triển thói quen mới.

            Dùng một vật nào đó, như một ly nước hay một cây nến, làm đối tượng thiền quán của bạn. Ngọn nến không nên sáng lắm, và thay vì nhìn thấy ngọn lửa, đặt cây nến phía sau vai phải hay vai trái của bạn và một cái gương đằng trước bạn để thiền quán bóng nến trong gương. Nếu bạn dùng một cái ly, đặt nó ở chỗ có ánh sáng ban ngày nhưng không có tia sáng mặt trời rọi trực tiếp, như vậy sẽ không nhức mắt. Ánh sáng của những vật này giúp tâm trí khỏi hôn trầm. Hướng tâm vào vật đối tượng và giữ cho nó an trụ trên đó.

            Mỗi lần thấy tâm xao lãng khỏi đối tượng, bạn hãy đưa nó trở lại điểm tham chiếu độc nhất này. Có khi tâm đã xao lãng vài phút trước khi bạn nhận ra. Đừng lo điều này, mà nên tiếp tục thiền quán, kéo dài dần dần khoảng thời gian bạn trụ trên đối tượng. Điểm then chốt của pháp thực hành này là trụ trên đối tượng và cảnh giác. Cảnh giác để giảm thiểu và loại trừ những tạp niệm chứ không cảnh giác với vật đối tượng. Chúng ta không nên để ý tới những đặc điểm của đối tượng, như ánh sáng, màu sắc của cây nến v.v...

            Vật đối tượng không có gì là quan trọng cả, nó chỉ là một phương tiện để luyện cho tâm tập trung, trụ lên nó. Khi tâm ổn định thì đối tượng không còn giá trị tu tập nữa. Có nhiều người muốn có những loại cảm giác, rung động, cảm tưởng, hay năng lượng trong khi thiền quán. Đó chỉ là ảo tưởng, chỉ có vấn đề an trụ tâm trên vật đối tượng, chứ không có hiệu ứng lạ nào khác.

            Dần dần những ý nghĩ phân tán sẽ giảm và bạn có thể trụ trên điểm tham chiếu độc nhất mỗi lúc mỗi lâu hơn mà tâm không xao động.

                  2.- Dùng điểm tham chiếu 2 - Từ bi

                        Bằng cách dùng từ bi làm điểm tham chiếu (đề mục để thiền quán) tập trung tâm vào đó, chúng ta sẽ đạt lợi ích gấp đôi. Với từ bi, tâm sẽ ổn định và an tĩnh cũng như cây nến và cái ly. Nhưng khi tâm an tĩnh, nó đồng hóa mình với đối tượng, vì vậy ở đây chúng ta có cơ hội đặc biệt để chuyển hóa tâm thành từ bi. Trong khi đó, một người trung bình không thể phát triển từ bi đối với tất cả chúng sanh. Chúng ta đều có tình yêu, nhưng chỉ dành cho một ít người thân hay bạn hữu. Chúng ta phải tìm một phương pháp để gia tăng tình yêu này cho tới khi nó bao trùm lên tất cả chúng sanh. Dùng tâm từ và tâm bi làm điểm tham chiếu chính là phương pháp đó.

            Một vật hữu tình (vật có cảm giác) là một vật có tâm thức. Luận lý học Phật giáo chứng minh rằng từ loài người đến loài muỗi, kể cả chúng sinh trong địa ngục, tất cả đều có tâm thức như nhau. Có sự khác nhau giữa vô tình và hữu tình. Một sinh vật như một cái cây có sự tăng trưởng nhưng nó không có tâm thức. Vật hữu tình là sinh vật có tâm thức, một bông hoa không thể đạt Phật quả vì nó không có tâm thức. Một con muỗi có thể thành tựu tối thượng, dù nó đang ở trong tình trạng không thuận lợi.

            Mọi vật hữu tình đều muốn có hạnh phúc và không đau khổ. Chúng ta nên phát triển từ bi tới tất cả chúng hữu tình không phân biệt.

            Chúng ta phải có cảm giác từ bi trong tâm mình. Có tâm từ bi tự nhiên là tốt nhất, đó là tâm từ bi được trau dồi trong quá khứ. Nếu không chúng ta có thể tạo và phát triển từ bi. Lúc đầu cần phải có nổ lực, nhưng do công đức phát xuất từ ý định tốt của bạn, bạn sẽ dần dần có tâm từ bi đích thực.

            Yếu tính của tình yêu là niềm vui. Hãy phát triển trạng thái tâm đầy tình yêu và niềm vui với ý nguyện làm lợi ích cho người khác. Tưởng tượng bạn có từ bi với một nhóm người hay con vật. Phải thực sự cảm thấy tâm từ bi này trong tâm không nói suông những lời tốt đẹp về người hay vật nào đó. Sau đó tăng trưởng tâm từ bi này để nó bao phủ một trăm, một ngàn, mười ngàn, trăm ngàn người và vật. Hãy tưởng tượng và mở rộng tâm từ bi như vậy mọi lúc cho tới khi tâm từ bi của bạn bao gồm tất cả những vật hữu tình trong vũ trụ.

            Khi đã có cảm giác từ bi đối với chúng sanh trong tâm, hãy coi đó là đối tượng để bạn thiền quán không xao lãng. Mỗi khi tâm duyên theo điều gì khác, hãy đưa nó trở về niệm từ bi, hay yêu thương và tử tế với người khác, làm cho nó trụ vững trên niệm này. Tất cả những niệm tưởng của bạn sẽ được chuyển hóa thành tính chất yêu thương và quan tâm tới người khác. Đây là pháp tự luyện khả năng định tâm bằng từ bi.

            Từ và bi có ý nghĩa gần giống nhau. Từ là yêu thương và bi là thông cảm với những khó khăn và những vấn đề của chúng sinh hữu tình. Thí dụ bi là cảm giác của bạn khi con cháu hay cha mẹ bạn bị đau khổ. Nhưng không có ý nghĩa buồn trong tâm bi. Bạn có thể dễ dàng phát triển tâm từ bi bằng việc nghĩ tới những đau khổ hoạn nạn của chúng sinh. Tập trung tâm vào tâm từ và tâm bi không xao lãng. Trau dồi từ và bi đều đặn không vội vàng. Việc dùng từ bi làm đề mục thiền quán không những làm cho tâm an tĩnh mà còn tích lũy nhiều công đức.

            Tình yêu của từ bi không có tính tham dục, chấp giữ, không phải là tình cảm cuồng nhiệt thông thường. Tinh túy của tâm là sự trong sáng vô ngại vô niệm và cả khi phát triển từ bi tâm cũng nên an trụ nhẹ nhàng trong tính trống không thiết yếu của nó, nếu không tâm từ bi đang được phát triển sẽ có tính chất cảm xúc. Từ bi pha trộn với cảm xúc là không thiện xảo, và có thể gây tai hại. Nhiều người không quen với phẩm tính vô niệm của tâm, ý nghĩ của họ quá duy vật. Đừng dùng tâm như dùng một cái máy. Tình yêu đích thực không cưởng ép, nhẹ nhàng mà rộng lớn.

            Tâm của chúng hữu tình điều chính yếu là giống tâm của bạn, tức là đều có yếu tính trong sáng vô ngại trống không. Vậy hãy quán tưởng chúng sinh cùng thiền quán với bạn, chìm đắm trong tình yêu cùng với bạn. Đây là một phương pháp rất mạnh, mang lại lợi ích lớn và tích lũy nhiều công đức. Các vị Bồ tát dùng phương pháp này để tạo điều kiện cho việc phát triển tự nhiên  bi tâm trong tâm người khác. Hãy chia xẻ từ tâm của bạn với người khác, làm cho họ có cùng cảm giác từ bi. Chúng sinh đều có tâm từ bi, nhưng vì các cảm xúc độc hại gây ra những vấn đề phiền não nên từ bi không thể hiển lộ, hay nếu hiển lộ thì cũng chỉ giới hạn, thiên lệch, luôn luôn dựa trên căn bản ta và người. Hãy hướng tâm từ bi của bạn  vào từ bi của người khác và làm cho nó tăng trưởng như tâm từ bi của chính bạn.

            Thiền quán với một đồ vật hay an trụ trong từ bi chỉ là những kỹ thuật an tâm, chưa phải là thiền định thực sự. Nhưng chúng ta phải tập thuần thục pháp thiền quán này trước khi bước qua giai đoạn kế tiếp, vì như vậy tâm sẽ quen dần với sự an tĩnh. Có thể bạn sẽ phải thực hành thiền quán này qua một thời gian dài trước khi thực hành thiền quán thực thụ.

                  3.- Hôn trầm và xao động

                        Hôn trầm hay trạo cữ (xao động) là hai vấn đề chướng ngại cho việc định tâm và quán sát tính chất thật sự của tâm. Chúng phá hỏng việc hành thiền của chúng ta, cản trở sự tu tiến. Nếu chúng có mặt, dù chúng ta cố gắng đạt tiến bộ, chúng vẫn làm hại phẩm chất của việc thiền quán của chúng ta.

            Hôn trầm và trạo cữ, thường có nguồn gốc nằm trong sinh hoạt hằng ngày của chúng ta, những tập quán tạo điều kiện cho chúng xuất hiện ngay khi chúng ta ngồi xuống chiếu thiền.

            Đây là vài cách thức làm cho tâm hôn trầm và mờ mịt trở nên trong sáng. Gìới hạn những bữa ăn của bạn vào khoảng thời gian từ mặt trời mọc tới một giờ trưa. Tránh ăn vào buổi chiều và buổi tối. Chỉ ăn ba phần tư sức chứa của bạn, để trống một phần tư bao tử. Không nên dùng những món có dầu mỡ.

            Đi ngủ sớm và dậy sớm. Không ngủ quá nhiều, sáu hay bảy tiếng đồng hồ là đủ; nhiều hơn như vậy là ham ngủ. Bạn sẽ thấy là khi không ăn quá nhiều, bạn sẽ không cần ngủ dài.

            Giữ cho các thức cảnh giác. Đừng tạo thói quen uống rượu, coi truyền hình v.v... Như vậy không có nghĩa là không bao giờ uống rượu, coi truyền hình, mà chỉ không nghiện những thứ này.

            Nếu bạn có khuynh hướng hôn trầm hay mờ mịt tâm thức, hãy hành thiền ở những nơi rộng rãi, như trên đồi núi.

            Trạo cữ (xao động) thường là vấn đề của người Tây phương, trong khi vấn đề lười biếng có nhiều ở người Đông phương hơn. Nguyên nhân chính của xao động là phiền não. Tâm bám vào những đối tượng kích thích tham dục và sân hận sẽ trở nên xao động. Bạn phải tập an tĩnh, không vướng vào những dự tính mình đang có. Để giúp cho việc này bạn có thể trau dồi tính bình đẳng, không phân biệt mình với người, hay tâm xả.

            Sự ham mê hoạt động cũng là một hình thức chấp thủ về mặt cảm xúc. Các cảm xúc của bạn quá mạnh, và bạn quá ham mê những công việc nào đó, tới mức lúc nào cũng nghĩ về chúng, ngay cả trong khi tham thiền. Như vậy không có nghĩa là khi quyết định thực hành thiền định, chúng ta sẽ không làm gì cả hay không cần biết tới công việc của mình, mà chỉ có nghĩa khi làm việc thì làm một cách cẩn thận, chăm chú nhưng hãy làm với tâm trạng thoải mái. Một khi bạn chấp giữ một cái gì thì bạn không có sự thanh thản trong tâm trí. Đối tượng chấp giữ của bạn sẽ làm phiền bạn cả trong khi hành thiền, giống như bị điện giựt nhiều lần trong óc. Ngay cả việc hành thiền cũng không nên bám giữ, mà nên coi thiền định là một việc nghiêm chỉnh.

            Suy ngẫm về nhược điểm xao động cũng là một cách đối trị sự tán loạn của tâm trí. Trước hết, bạn hãy nghĩ ngơi một chút, cố gắng buông bỏ xao động rồi mới tham thiền. Nếu vẫn không được, bạn hãy nghĩ : "Tại sao mình nghĩ quá nhiều, không có lợi gì cả mà chỉ mất thời gian, cản trở việc thiền quán mà mình đang phải làm. Mình hành thiền vì đây là việc làm có giá trị. Vậy mình phải ra sức làm công việc thiền quán này bây giờ, dẹp qua một bên những vấn đề khác". Suy ngẫm như vậy, bạn có thể chấm dứt sự xao động của tâm trí.

            Tâm trí không phải là một vật cứng chắc, vì vậy bạn không thể nắm lấy nó, kéo nó trở lại bằng sức mạnh. Khi tâm trí của bạn nghĩ  tới một vấn đề nào đó, không thể ngừng lại được, bạn hãy cho phép mình xét vấn đề đó, nhưng thay vì đi vào tất cả những chi tiết phức tạp, bạn chỉ nghĩ tới khoảng năm phương diện của vấn đề, rồi giảm xuống bốn, ba, hai, một, và cuối cùng loại bỏ nó khỏi tâm trí mình.

            Nếu có sự bám giữ chặt chẻ vào một điều gì trong tâm, bạn sẽ không bao giờ có thể loại bỏ nó được. Bạn hãy bình tĩnh với tất cả những chuyện mình phải nghĩ tới, đừng để bị kích động vì chúng, đừng vướng mắc vào chúng. Khi buồn, đừng bám vào nỗi buồn. Thay vào đó, bạn hãy nghĩ tới những lợi điểm của sự an tĩnh tâm. Tâm an tĩnh là căn bản tốt cho thiền định cao cấp. Khi suy ngẫm về những phẩm tính này, bạn sẽ thấy vui và hứng khởi với việc thiền quán, do nhận biết sự quan trọng và lợi ích của nó. Nếu tâm không an tĩnh, bạn sẽ không thành tựu được việc gì cả.

            Lúc đầu, hành giả thường gặp hôn trầm và xao động, nhưng khi đã quen với việc thiền quán, sức mạnh của hai nhược điểm này sẽ giảm dần.

                  4.- Nhớ và cảnh giác

                        Một điểm quan trọng là phải biết tâm đang an tĩnh hay xao động. Chúng ta phải cảnh giác để biết tâm, sự xao lãng tâm ngay khi nó phát khởi. Sự cảnh giác có thể nhận biết tức khắc điều gì đang xãy ra.

            Tiếp theo là trí nhớ (thuộc chánh niệm trong Bát chánh đạo). Chúng ta nên nhớ cách đưa tâm trở về chỗ trước khi nó xao lãng.

            Hãy cảnh giác để khám phá hôm trầm, xao lảng, căng thẳng..., và nhớ những hướng dẫn về cách đưa tâm trở lại trạng thái trong sáng.

            Tập có ý thức về tâm trí của mình mọi lúc, kể cả những lúc không hành thiền.

            Nếu bạn cứng ngắc trong thiền quán do muốn ổn định tâm, đối tượng có thể bị mờ hay rung động. Vấn dề này không nghiêm trọng, chỉ là sự giảm ý thức của tâm. Bạn nên tức khắc để cho tâm nghĩ ngơi một lúc. Đây là hiệu ứng thần kinh của sự căng thẳng tâm.

            Chỉ có chính bạn là có thể làm cho tâm của mình nghĩ ngơi. Nhưng đừng để tâm nghỉ quá lâu, bạn sẽ buồn ngủ.

            Có nhiều tài liệu trình bày những phương pháp giữ an tĩnh tâm, phương pháp nào cũng mang lại kết quả. Khi bạn đã thuần thực trong việc định tâm, bạn có thể thí nghiệm các phương pháp khác nhau để biết hiệu ứng của chúng đối với bạn và tâm trí của bạn trong khi hành thiền.

            Lúc đầu, ngồi thiền nhiều lần một ngày với những thời gian ngắn khoảng mười phút, để khỏi phát ngán với thiền quán. Các hành giả mới tập thiền thường thấy hơi khó vì họ phải chống lại xao động tâm trí. Bạn sẽ vượt qua giai đoạn này với những thời thiền ngắn. Sau đó kéo dài dần dần thời gian ngồi thiền cho đến khi bạn có thể hành thiền mấy ngày liền.

            Nói chung, bạn nếu tập cách đối xử nhẹ nhàng với chính mình, điều này có hiệu năng lớn đối với sự an tĩnh tâm. Lúc đầu sẽ có một mức độ cưỡng ép nào đó, cảnh giác từng khoảnh khắc, nhớ cách đối trị xao lãng, theo đúng những điều hướng dẫn v.v...Sau đó bạn nên giải tỏa cưởng ép này, nhẹ nhàng, khiêm tốn và từ bi, không tìm cách khống chế việc thiền quán theo ý riêng của mình.

                  5.- Thiền quán không có điểm tham chiếu

                        Khi đã quen thuộc với những kỹ thuật nói trên, bạn hãy cố gắng để cho tâm trí ổn định một cách tự nhiên và độc lập, không dùng một vật nào hay một đề mục nào làm điểm tham chiếu cho tâm .

            Cứ tập pháp thiền quán không đề mục này cho tới khi bạn đạt kết quả, đùng bỏ nữa chừng. Bạn sẽ biết là mình đã thành công khi tâm trí trong sáng của bạn trụ tự nhiên và dễ dàng trên bất cứ đối tượng nào được đưa cho nó. Sự an tĩnh căn bản này sẽ phát triển liên tục, không có gì cản trở được nó.

            Đừng quá hứng khởi về thiền quán, vì kết quả của việc hành thiền có thể không xuất hiện dễ dàng. Và khi có kết quả, đừng bị kích động vì kết quả, vì sự kích động này có thể làm hỏng kết quả.

            Tâm trí phiền não dễ tạo nghiệp xấu, do nghiệp quá khứ xuất hiện thành những khuynh hướng xấu. Nhưng khi tâm đã an tĩnh, nó sẽ hướng về đức hạnh và khuynh hướng tốt này sẽ có sức mạnh đánh những khuynh hướng xấu.

            Với tâm an tĩnh bạn sẽ tiếp cận pháp đại ấn (Mahamudra). Không có sự an tĩnh, thiền đại ấn sẽ bất khả.

            III.- MINH SÁT QUÁN

            Tiếng Tây Tạng gọi loại thiền minh sát này là "Lhagtong", nghĩa là nhìn sâu. Nhìn ở đây có nghĩa là biết, không liên quan gì tới thị giác bình thường. Những điều mà chúng ta biết thường bị bao phủ bởi sự mê muội của tâm vô minh. Nhìn sâu là sự thấy biết chân thật và chúng ta dùng tri thức nguyên thủy của tâm để quan sát.

            Minh sát quán là pháp luyện cho tâm biết về chính nó một cách sâu xa, tâm sẽ ở mức sâu hơn tâm bình thường. Khi tâm của bạn đạt được tính chất sâu xa này, nó sẽ thoát khỏi những rối loạn và cái bẫy ảo tưởng, và lấy lại tự chủ.

            Minh sát quán là làm cho tâm khảo sát, hay quán chiếu, chính mình sâu xa hơn.

            Nhưng trí quán sát chỉ có thể phát triển khi tâm đã an tĩnh không còn hôn trầm hay xao động. Một cái tâm thanh tịnh.

        Trước hết hãy tìm hiểu tính chất của tâm. Những đối tượng của tâm không có thực thể riêng. Do ảo tưởng tâm gán cho chúng những sự thật. Tại sao tâm trở nên mê muội? Trong trạng thái tự nhiên của nó, tâm không mê muội, nhưng khi trạng thái tự nhiên này tìm cách nắm giữ chính mình, dù đây là chuyện bất khả, giống như tìm cách đứng lên trên chân của mình, thì khi đó nó trở nên mê muội và phóng chiếu ra thế giới đối tượng.

            Sự phóng chiếu của tâm là khả hữu vì bản chất của tâm là trống không, trong sáng, vô ngại, mở rộng. Nếu nó có thể nhận ra tính chất thật của nó, nó sẽ không mê muội nữa. Sự trong trắng của tâm sẽ hiển lộ như tri thức nguyên thủy hay trí huệ. Tâm sẽ lại có thể nắm quyền điều khiển những sự vật mà nó đã phóng chiếu thay vì bị chúng làm cho mê muội, giống như bạn biết mình đang nằm mộng, bạn có thể kiểm soát giấc mộng thay vì bị nó điều khiển.

            Chúng ta phải trở về tri thức nguyên thủy bằng cách khảo sát tính chất thật của tâm trí. Việc này sẽ dẫn tới sự hiểu biết tính chất thật của sự vật. Việc nắm quyền kiểm soát sự phóng chiếu của tâm sẽ làm cho chúng ta biết tính chất đa dạng của sự vật.

            Đầu tiên chúng ta tìm hiểu tâm bị ảnh hưởng và bị lôi cuốn bởi những thông tin mà nó liên tục nhận được như thế nào, tức là làm cho tâm an tĩnh, để cho nó nhận biết trọn vẹn về chính nó, và cố gắng phân biệt nó với thông tin mà nó đang nhận. Khi bạn nghe thấy cái gì, cố gắng làm cho tâm phân cách với âm thanh đó, khi bạn nhìn thấy cái gì, hãy làm cho tâm độc lập với hình thể đó. Rồi tự hỏi "Có cái gì?" Sự thật là không có gì cả.

            Bạn sẽ khám phá ra rằng tâm là một cái gì sống động, trong sáng và có ý thức nhưng không có gì để được cảm nhận như một đối tượng cả. Tâm trống không và rộng như không gian; và nó cũng an tĩnh, vì mọi xao động gây ra bởi thông tin từ các đối tượng đềøu được vô hiệu hóa khi tâm thoát khỏi các bẫy nhị nguyên. Chúng ta tìm thấy một tâm bén nhạy, trong sáng và rộng rãi.

                  1.- Khảo sát tâm thức

                        Khi thực hành minh sát quán, thế ngồi và phuơng pháp để tránh xao lãng và những lỗi khác cũng là thế ngồi của pháp an tâm và phương pháp đã nói ở phần trên. Bạn sẽ quán chiếu tâm của mình một cách nhất tâm.

            Cái mà chúng ta thường gọi là tâm đó, là một chuổi liên tục những sát na niệm tưởng chỉ gián đoạn khi chúng ta rơi vào trạng thái vô thức (bất tỉnh) hay chìm vào giấc ngủ sâu. Tâm liên tục phóng chiếu những niệm tưởng tùy thuộc vào những kích thích từ bên ngoài như âm thanh, hình ảnh và những đối tượng khác, hay từ những ký ức bên trong. Cả ký ức cũng được tạo bởi những hình ảnh, những cuộc nói chuyện v.v...tất cả những thứ này dựa trên một kinh nghiệm cảm giác có trước. Vậy bất cứ điều gì chúng ta nghĩ tới cũng tùy thuộc vào đối tượng bên ngoài.

            Tâm xao lãng khi nó duyên theo những cảm giác thông tin này. Nhưng thoát khỏi sự xao lãng không có nghĩa là cố bắt chước sự vô thức. Một tâm giải thoát hay tự tại là tâm tự nhiên, tâm tự chứng.

            Đông phương và Tây phương có ý kiến khác nhau về giác thức. Theo quan điểm Tây phương, tâm nhận thông tin, còn Đông phương thì cho rằng tâm đi tìm thông tin. Nhưng sự khác biệt này không làm cho việc thực hành thiền quán của chúng ta khác nhau nhiều. Việc truyền thông giữa chúng ta vẫn diển ra, với sự tham dự của tâm. Không bên nào chối cãi điều này.

            Tâm không thể trực tiếp nắm bắt đối tượng. Mà đó là hình dạng hay sắc tướng của đối tượng xuất hiện nơi tâm và được tâm nhận ra, tiến trình này diễn ra rất nhanh. Chỉ trong một cái búng tay sáu mươi mốt (61) khoảnh khắc tâm (sát na tâm) đã trôi qua. Đây là cách định nghĩa truyền thông về tốc độ của tâm.

            Trong khoảnh khắc đầu tiên của việc nhận thức, tâm di chuyển về phía đối tượng, trong khoảnh khắc thứ nhì nó nắm lấy đối tượng, trong khoảnh khắc thứ ba sự biểu hiện hoặc hình ảnh của đối tượng xuất hiện nơi tâm và được nhận biết.

            Nhưng một khoảnh khắc tâm là phù du, không có một tâm nào trụ ở đó mãi. Thí dụ nghe một người nói chuyện. Nếu để ý kỹ, bạn sẽ thấy là mỗi khi tiếng nói đó thay đổi, tâm của bạn cũng thay đổi.

            Rõ rệt hơn, bạn dễ nhận thấy tâm mình thay đổi khi bạn nghe hai tiếng nói khác nhau. Cái tâm tập trung vào tiếng nói thứ nhất và cái tâm tập trung vào tiếng nói thứ hai không phải là một tâm. Nếu tâm của bạn vẫn là một thì nó không bao giờ có thể phản ứng với hai tiếng nói khác nhau, đầu óc bạn sẽ quay cuồng. Tất nhiên tâm hiện diện như người nghe, nhưng tâm không tiếng nói nghĩa là gì? Tâm nghe tiếng nói nhưng không thể là tiếng nói, vì tâm là của bạn, còn tiếng nói là của người khác. Tâm phân cách với sự kiện tiếng nói là tâm như thế nào? Hãy khảo sát tính chất thật của nó.

            Nếu tâm là một vật đơn độc thì làm sao nó có thể nghe nhiều tiếng khác nhau?Nó có quay qua quay lại như người ta quay mặt không. Nó làm gì khi không có tiếng nói nào để nghe? Khi không còn tiếng  nói nữa, điều gì xảy ra cho cái tâm đã nghe tiếng nói đó?

            Bạn có một cái tâm cho mỗi vần, mỗi chữ cái, mỗi thành phần của những âm thanh phức hợp đó. Khi những tâm này không được dùng thì chúng được chứa ở đâu? Nếu chúng được cất đi và chỉ được mang ra hoạt động khi có dịp, thì chúng đang ở đâu?

            Tiếng nói gặp tâm để được nghe, nhưng tiếng nói đến với tâm như thế nào? Khi bạn nghĩ tới hay cảm nhận một cái gì, thì điều gì xảy ra ở khoảnh khắc tiếp xúc?

            Nếu không có một đối tượng bên ngoài được nhận biết như một bông hoa chẳng hạn, thì ý tưởng "hoa" sẽ không xuất hiện nơi tâm. Liên hệ giữa tâm và đối tượng được kiến lập như thế nào? Bông hoa đi vào tâm bằng cách nào? Tâm từ đâu đi ra để gặp bông hoa, từ mắt, óc, hay ngón tay?

            Khi thông tin của các đối tượng đã đến với tâm, yếu tính của tâm và yếu tính của đối tượng là một hay khác nhau? Chúng rõ ràng không phải là một, vì đối tượng là đối tượng, tâm là tâm. Nhưng nếu vậy, làm sao đối tượng có thể xuất hiện nơi tâm, khi yếu tính của chúng khác nhau? Hãy khảo sát các tiến trình cảm giác về sắc tướng, âm thanh, hương, vị và xúc giác.

            Niệm tưởng là tâm. Một khoảnh khắc niệm tưởng là một khoảnh khắc tâm. Niệm là hành động của tâm. Niệm và tâm là một hay khác nhau?

            So sánh ba khoảnh khắc tâm : nhìn một bông hoa, nhìn một cái máy vi âm, nhìn một cuốn sách. Ba khoảnh khắc tâm này là một hay khác nhau? Niệm được sản sinh từ một tiếp xúc có thể là "đỏ", trong khi tiếp xúc kế tiếp có thể gợi ý tưởng :"đen", vậy làm sao sự tiếp xúc có thể là một được?

            Có phải tâm xuất hiện để nắm bông hoa rồi quay trở lại, rồi lại xuất hiện để nắm cái máy vi âm, và một lần nữa nắm cuốn sách? Hay người nắm là một trong cả ba lần, nó có ở lại bên ngoài để nắm ba đối tượng từng vật một, cầm chúng lên và đăït chúng xuống mà không quay trở về trong lúc đó?

            Bạn phải tìm hiểu tâm đích thực là như thế nào từ kinh nghiệm riêng của mình khi bạn thiền quán. Nếu bạn đã quen nghĩ tâm là bộ óc và không thắc mắc gì cả thì ý tưởng này có thể là một chướng ngại cho việc thiền quán. Nếu tâm là bộ óc thì mỗi khoảnh khắc cảm nhận, bộ óc sẽ đi ra khỏi thân thể để gặp đối tượng, như vậy trông rất kỳ cục. Một vật là vật chất, vật kia phi vật chất, thì làm sao chúng có thể là một. Bộ óc không phải là tâm, dù nó liên quan mật thiết với tâm. Chúng ta có thể nói rằng bộ óc là nơi tâm được nuôi dưỡng.

            Tất cả những điều này chỉ là lý luận nhưng có thể có ích cho việc quá bỏ một số kết luận của chúng ta về giác thức của tâm.

            Trong khi thiền quán, hãy làm cho tâm thoát mọi tiếp xúc thông tin để cho nó trụ trong trạng thái tự nhiên của nó. Giữ ổn định trong trạng thái không có vật gì gọi là tâm cả, không có mọi ý tưởng tự tạo.

            Tâm vô nhiễm là tâm không liên can tới thông tin đến từ bên ngoài. Tâm vô niệm là tâm trong trạng thái tự nhiên của nó. Một tâm như vậy sẽ hiểu về chính mình.

            Hãy xét tâm như vậy cho đến khi bạn tìm thấy sự trống không của tâm. Tâm không có gì cả thế mà nó vẫn sống động và có ý thức rõ rệt chứ không phải là hư không.

            Chính vì tâm không phải là vật chất cụ thể mà chúng ta có thể tư duy rất nhiều. Tâm có thể tiếp nhận bất cứ số lượng kích thích nào từ bên ngoài. Thử nghĩ trong một tiếng đồng hồ nó nhận được một lượng thông tin nhiều bao nhiêu. Bạn sẽ để lượng thông tin này ở đâu.

            Tâm thường được coi là có phẩm tính trong sáng vô ngại trống không. Trống không nghĩa là tâm không phải là vật chất cụ thể. Trong sáng là nói tâm trí hiểu biết do trong sáng mà có khả năng biết tất cả mọi sự việc. Vô ngại ở đây nghĩa là rộng lớn, có thể dung chứa tất cả. Sự rộng lớn không có chướng ngại này làm cho tâm có tính sáng tạo.

            Khi tâm không còn có thể trụ trong yếu tính không của nó thì chính sự trong sáng rộng lớn này cho phép sự mê muội tự biểu hiện một cách đa dạng và phức tạp. Tâm theo đuổi những vật do chính nó phóng chiếu ra và mất tự chủ. Tâm không còn độc lập, mà chịu sự điều khiển của thông tin mà nó nhận được qua tiền ngũ thức.

            Chúng ta thiền quán để trả lại sự tự chủ cho tâm. Nếu tâm không duyên vào một vật được phóng chiếu, nó sẽ không rối loạn ở một khoảnh khắc, tâm là nạn nhân của những sự phóng chiếu của nó. Nếu tâm có thể giữ độc lập với thông tin trong một khoảnh khắc, chúng ta sẽ thấy thực chất của khoảnh khắc đó là trống không. Vậy chúng ta có thể nhận ra thực chất của mọi khoảnh khắc là trống không.

            Giáo lý dạy rằng "Tâm tự tại là đại ấn". Tâm độc lập không có nghĩa là một cá thể cô lập. Khi tâm của chúng ta không hướng tới những đối tượng, thì đó là đại ấn.

            Pháp thiền quán này có thể được ứng dụng cả khi tâm xao động. Qua tham thiền dần dần mọi ý nghĩ trở nên trong suốt.

            Khi bạn thi hành việc khảo sát chân tướng của tâm này, thỉnh thoảng bạn lại quay về với sự an tĩnh tâm một lần, để tâm bớt căn thẳng.

                  2.- Những kết quả vững chắc

                        Sau khi đã khảo sát thấu đáo, bạn sẽ có cảm tưởng vững chắc về tính chất thật của tâm. Hãy trụ vững trong sự hiểu biết này và phát triển nó dần dần.

            Việc thực hành minh sát quán của bạn dễ dàng tới mức nào là tùy vào việc thiền quán định tâm mà bạn đã tập trước đó.

            Cách tốt nhất để ôn định dễ dàng tâm là khi tư tưởng phát khởi, chúng bị trói trong thông tin mà chúng mang. Trụ trên tư tưởng mà không đi theo thông tin, tư tưởng đó sẽ tan vào bản tâm, và không có ý niệm nào được tạo ra. Những ý nghĩ tiếp tục tan biến vào thực tính của tâm. Khi bạn trụ trong sự hiểu biết vững chắc và các cảm giác đến rồi đi trong tâm, bạn sẽ hiểu rằng, những cảm thức đó chỉ là sự biểu hiện của sự trong sáng vô ngại trống không của tâm.

            Qua kinh nghiệm bản thân bạn sẽ khám phá mọi phẩm tính tự nhiên của tâm.

            Một khi đã quen với giai đoạn thực hành này, những cảm xúc thường có của bạn sẽ lắng xuống, dù những cảm xúc tinh tế hơn sẽ còn xuất hiện, vì chúng bám rễ rất sâu.

                  3.- Khảo sát tiếp tục - Pháp thực hành chính yếu

                        Chúng ta tiếp tục cuộc khảo sát. Bạn hãy tưởng tượng một hình ảnh nào đó, thí dụ một con voi. Hãy khảo sát tính chất của hình ảnh và của tâm cảm nhận hình ảnh đó. Con voi có ở bên trong tâm hay không? Nếu con voi không thực sự ở trong tâm thì nó chỉ là sự tưởng tượng của tâm. Hình ảnh con voi có phải là tâm hay không? Nếu nó là tâm thì nó đã xuất hiện như thế nào? Hình dạng con voi có thực sự ở trong tâm không? Nếu không, tâm hình dung nó như thế nào? Ứng dụng cách khảo sát này với một âm thanh, một mùi thơm, một vị ngon và một xúc giác dễ chịu. Giai đoạn minh sát quán thứ ba này sẽ phát triển sự thiện xảo của tâm.

            Khi sự hiểu biết và niềm tin của bạn về tính chất của tâm tăng trưởng, bạn hãy làm cho việc thực hành thiền quán này được thoải mái hơn. Khi tin tưởng hơn, bạn sẽ an trụ nhiều hơn trong sự trong sáng trống không của tâm, tâm không còn bị ảnh hưởng bởi sự phóng chiếu của nó nữa. Đây là thiền quán thật sự, và càng quen thuộc với pháp này bạn càng cảm thấy dễ chịu hơn, không nên gò ép khi ứng dụng những kỹ năng nói trên, mà hãy hành thiền một cách thoải mái với tâm cảnh giác.

            Loại thiền minh sát quán này phải có kết quả nhiều hơn là sự hiểu biết về mặt trí thức. Nếu không nó không có lợi ích gì cho hành giả cả. Việc khảo sát của bạn là kinh nghiệm bản thân, chứ không phải những lý thuyết mà bạn đã nghe nói hay đọc ở đâu đó.

                  4.- Thực hành với sáu trạng thái cảm xúc

                        Bạn có thể ứng dụng khả năng khảo sát mới của mình cùng với sự trong sáng của tâm vào sáu cảm xúc giả ảo vốn là những khuynh hướng rất tiêu cực bám rễ trong tâm. Trong việc này, một mặt bạn phân tích và nghiên cứu trong mọi hoàn cảnh, tất nhiên khi nào những cảm xúc này xuất hiện, chứ không chỉ trong thiền quán. Khi biết những điểm tiêu cực của những cảm xúc này, bạn sẽ thành công trong việc làm cho tâm thoát khỏi ảnh hưởng của chúng. Mặt khác, bạn quan sát tính chất của cảm xúc trong khi thiền quán. Nếu có một cảm xúc xuất hiện vào lúc đó thì tốt hơn, nhưng nếu nó không xuất hiện, bạn hãy tái tạo cảm xúc đó.

            Trong pháp đối trị cảm xúc này, bạn cần có sự cảnh giác hay sự chú tâm để khám phá cái cảm xúc khi chúng xuất hiện và bạn cũng cần có trí nhớ để nhớ cách đối ứng ngay khi chúng xuất hiện.

            Sáu ảo tưởng có tính cảm xúc này là tham, sân, si, ganh tị, tà kiến và nghi ngờ. Chúng ta hãy bắt đầu vơi si vì nó luôn luôn có mặt.

                        a.- Si - vô minh

                             Chúng ta xét hai vấn đề do vô minh hay không hiểu biết : ngã chấp và những tư tưởng phát xuất từ vọng niệm.

            Ngoài thời thiền, bạn hãy suy ngẫm về những điểm tiêu cực của tính ngã chấp, nghĩ tới những đau khổ và khó khăn mà nó gây ra. Trong sinh hoạt hằng ngày, bạn hãy quan sát xung quanh mình để thấy mọi người hành động cho riêng mình như thế nào và những quyền lợi mâu thuẩn nhau, kết quả của những hành động đó.

            Trong khi tham thiền, bạn hãy lục soát thân, khẩu, ý của mình để tìm cái "ta" mà bạn cho là nguồn gốc của hành động và mọi quyết định của mình. Bạn sẽ không tìm thấy gì cả, vậy cái ta mà bạn luôn luôn bám vào ở đâu? Hãy tiếp tục tìm cho đến khi bạn nhận ra tính vô ngã.

            Sau đó hãy phân tích những ý tưởng và những nhược điểm của chúng. Trong sinh hoạt hằng ngày, bạn hãy tìm hiểu để nhận ra rằng những ý nghĩ chỉ là ảo tưởng của một tâm mê muội.

            Chúng ta đã thấy mỗi ý nghĩ là một hiệu ứng của tâm tiếp xúc với một đối tượng cảm giác. Tâm không biết sự trong sạch của chính nó, vì vậy nó sai lầm phát ra vô số những ý nghĩ. Nó luôn luôn phân biệt tốt, xấu, đáng ưa hay đáng ghét, theo sự phán đoán của nó, khi nó còn vô minh. Tại sao như vậy là sai lầm? Bạn hãy tự tìm hiểu. Hãy tìm hiểu những phán đoán như vậy gây ra những hiệu ứng gì đối với khung cảnh quanh bạn, và xét hậu quả phiền não của điều này trong tâm.

            Trong khi ngồi thiền, bạn hãy quán chiếu tính chất của tư tưởng. Ở đây, chúng ta thấy những ý nghĩ không có hình dạng hay mầu sắc. Khi tâm của chúng ta tiếp xúc với một đối tượng, những ý nghĩ của chúng ta cụ thể tới mức có thể nắm lấy được. Khi tâm thấy một chậu cây, chúng ta nghĩ ngay tới việc thay cái chậu, tưới nước hay bón phân cho cái cây.

            Do cái tâm phan duyên, những ý tưởng của chúng ta có vẻ rất cụ thể, nhưng khi chúng ta nhìn thẳng vào tính chất của ý nghĩ, thì chúng ta không thấy có gì ở đó cả. Hãy trụ trong tính chất không này. Quán chiếu mỗi tư tưởng khi nó xuất hiện.

                        b.- Sân hận

                             Chúng ta cũng làm như vậy với ảo tưởng cảm xúc thứ nhì, sân hận. Bắt đầu bằng việc xét những cái xấu của sân hận. Hãy nhận xét khi tức giận, tâm của chúng ta không vui. Hơn nữa phản ứng của tức giận đó gây ra sự tức giận của người khác. Tâm bị khuấy động, tạo môi trường thuận tiện cho tất cả mọi cảm xúc khác phát khởi. Và chính xã hội cũng xao động. Hãy tiếp tục khảo sát, bạn sẽ tìm thấy những cái hại khác của sân hận.

            Trong việc hành thiền, hãy quán tưởng thực chất của cảm xúc sân hận. Nếu không có ý nghĩ tức giận nào xuất hiện, hãy tự tạo một tức giận để quan sát nó.

                        c.- Tham dục

                             Tham dục hay ham muốn, là một cảm xúc có tính lừa dối. Nó có vẻ hấp dẫn, nhưng dần dần nó đưa bạn tới tình trạng rắc rối. Xét kỹ những điểm xấu của nó. Thấy nó mang theo sân hận và ganh tị như thế nào, nó khêu gợi những tham vọng, ham muốn ra sao? Dù bạn đạt được cái bạn muốn, bạn cũng vẫn không thỏa mãn. Dục vọng của bạn không bao giờ biết đủ. Tham muốn giống như bị ngứa, khi bạn gãi, ngứa sẽ dịu đi, nhưng nó sẽ quay trở lại. Hãy khảo sát tâm tham dục của bạn khi nó hoạt động trong sinh hoạt hằng ngày cho đến khi bạn nhận ra tất cả những cái xấu của nó, rồi xét tính chất của nó theo cách đã trình bày ở phần trên.

                        d.- Ganh tị - Kiêu ngạo

                             Kiêu ngạo và ganh tị liên hệ mật thiết với nhau, kiêu ngạo là ý thức về sự quan trọng của mình, hay tự cao  tự đại, và tính kiêu ngạo gây ra sự ganh tị với người khác. Kiêu ngạo làm cho bạn không có cảm tưởng tốt về người khác, không hưởng ứng những ưu diểm của người khác. Vì bạn không sẳn lòng nhìn vào khuyết nhược điểm của mình nên bạn không phát triển được đức tính nào cả.

            Ganh tị là sự phối hợp mạnh mẽ giữa sân hận và kiêu ngạo. Đó là tức giận người khác trong khi không có lý do gì thuộc về người khác. Trong sân hận, có thể có một nguyên nhân thuộc người khác, họ làm cho bạn khó chịu, nhưng trong ganh tị thì không. Sự vô lý làm cho ganh tị có tính chất vô đạo đức cao độ. Khi người khác có may mắn đạt danh tiếng và của cải vật chất, bạn không thấy tâm mình an tĩnh khi bạn nghĩ về họ, dù họ không có lỗi gì với bạn cả. Ganh tị là một kẻ địch rất tinh tế phá hoại tất cả. Chúng ta có thể dễ dàng thấy nó hoạt động trong xã hội quanh ta.

            Suy ngẫm về nhưũng điều xấu của những xúc cảm vốn là những ảo tưởng của tâm này, rồi quán chiếu tính chất thật của chúng trong sự an tĩnh của những thời thiền.

                        e.- Tà kiến

                             Tà kiến là những ý tưởng mà chúng ta tự tạo ra cho mình. Có hai lãnh vực trong đời sống đặc biệt bị ngự trị bởi tà kiến., đó là chính trị và tôn giáo.

            Mọi tà kiến có thể hủy diệt tất cả. Thí dụ, tôn giáo có thể thoái hóa thành sự tôn thờ những tạo vật của chính tâm của chúng ta.

            Nguồn gốc của sự kiện này là vô minh, liên kết chặt chẻ với kiêu ngạo. Chúng gặp vô số những tà kiến tôn giáo như : "Mình có thể làm cho mình linh thiêng, mình có huyền năng chửa bệnh cho người khác, mình có thể điều khiển người khác bằng quyền năng của mình, làm cho họ nghe theo mình".

            Ý định có thể là tốt, là giúp đở người khác, nhưng lúc đó từ bi đã được pha trộn với kiêu ngạo. Cũng có thể có người nào đó với ý định này thực sự chữa lành bệnh cho người khác bằng năng lực tưởng tượng của mình, nhưng sự thật đó chỉ là ngẫu nhiên. Ảo tưởng này làm cho người đó tự tin và cũng cố quan điểm của mình.

            Nhiều tai họa tôn giáo và chính trị trong hiện tại cũng như trong quá khứ đã xảy ra vì những tà kiến như vậy. Chúng ta phải luôn luôn cảnh giác với những sai lầm trong quan điểm.

            Nếu quan nìệm của chúng ta không tự nhiên mà do tâm vô minh của chúng ta tạo ra dưới ảnh hưởng của các cảm xúc, chúng ta sẽ không bao giờ có được một quan niệm hoàn hảo, chân xác. Những quan niệm sai lầm không những làm hại riêng mình mà còn làm người khác lạc hướng.

            Nếu chúng ta xét kỹ một quan niệm trước khi chấp nhận nó, chúng ta có thể nhận định là nó hoàn hảo hay không. Một quan niệm hoàn hảo là một quan niệm không dựa trên những ý niệm phát xuất từ những cảm xúc. Nếu quan niệm của chúng ta là phương pháp diệt trừ cảm xúc thì đó là một quan niệm đáng chấp nhận.

            Nếu bạn muốn biết thêm về những tà kiến, bạn nên đọc những tác phẩm của các luận sư Phật giáo, và tập thảo luận và phân tích những tác phẩm đó với luận lý, như vậy bạn sẽ có khả năng nhận xét và phê bình những quan niệm và những lý thuyết của người khác.

            Nên đăïc biệt cảnh giác với những quan niệm cực đoan, hung hăng, dễ gây ra những rắc rối. Hãy thiền quán về những tà kiến như vậy. Chúng chỉ là những ý niệm không có thực chất, vì vậy không có lý do gì để bận tâm về giá trị của chúng.

                        f.- Nghi ngờ

                             Nghi ngờ hay nghi hoặc là ảo tưởng xuất hiện khi chúng ta không biết phải quyết định ra sao về đúng, sai, phải, trái. Thí dụ, chúng ta có thể thắc mắc : "mình đang hành thiền đúng cách hay không đúng? Phật quả có thật hay không? Việc tu tập của mình có đưa mình tới đâu hay không?".

            Đừng tin những nghi ngờ của bạn. Bạn đã không tìm thấy gì thực sự giá trị của chính mình, thì bây giờ bạn cũng đừng nghe theo chính mình. Nếu bạn củng cố những nghi ngờ của chính mình rồi đi theo chúng thì bạn sẽ lạc hướng. Chúng chỉ là những ý tưởng phát xuất từ sự vô minh và thiếu hiểu biết của chính bạn. Hãy tin tưởng vào những phương pháp mà bạn đã được dạy và cứ thực hành theo.

            Nghi ngờ là điều chấp nhận được khi bạn đang nghiên cứu tìm hiểu. Bạn cứ nêu thắc mắc, đặt câu hỏi cho đến khi thông suốt vấn đề. Trong khi đó, sự nghi ngờ xuất hiện trong khi thực hành thì không có lý do. Do nghiệp quá khứ hành giả đột ngột cảm thấy nghi ngờ. Đây là một trong những kinh nghiệm trong khi tham thiền của các hành giả, vì vậy, không đáng quan tâm.

            Nếu nghi ngờ xuất hiện, hãy xét những sai lầm của nó, rồi tìm hiểu thực chất của mối nghi ngờ này, giống như với những cảm xúc ảo tưởng khác đã nói trên.

{

            Thực hành phương pháp này chúng ta sẽ được hai điều lợi. Chúng ta sẽ được biết rõ về những cái hại của sáu cảm xúc này, và chúng ta sẽ đạt kinh nghiệm sâu hơn về tính chất thật của tâm trí. Mọi e ngại của bạn khi nghĩ tới việc phải quán sát tất cả những cảm xúc sẽ tan biến hết khi bạn trụ trong chân tướng của ảo tưởng, trong chiều sâu của thực tế tự nhiên của tâm.

            Bạn cũng có thể dùng phương pháp này để tăng phẩm chất của tâm từ và tâm bi của mình. Đây là hai đức tính, nhưng bên trong hai đức tính này phải không có sự bám giữ. Bằng cách nhìn vào yếu tính của Từ và Bi bạn sẽ thấy chúng là một. Bạn đã tạo tâm từ bi, bây giờ bạn sẽ thấy tính không của tâm này, vì vậy bạn sẽ không bám vào nó.

            IV.- KINH NGHIỆM

                    Ở phần trên chúng ta đã xét điểm then chốt của những phương pháp thiền quán quan trọng nhất. Nhưng thiền quán là một việc rất tế nhị. Mỗi người có cá tính và tính chất riêng, những cảm xúc riêng, vì vậy việc thực hành thiền quán phải có những chi tiết phù hợp với nhu cầu cá nhân, dù nói chung vẫn có cùng những giai đoạn. Trong khi tham thiền, các hành giả sẽ có đủ loại cảm giác và kinh nghiệm cần phải được xét riêng theo mỗi cá nhân, đặc biệt là trong pháp thiền minh sát, đó là lý do hành giả cần phải tìm sự giúp đở của một vị thầy có khả năng.

            Trong Phật giáo có nhiều lãnh vực chuyên biệt và các vị thầy thường chỉ thông thạo một lãnh vực. Bạn cần phải có một vị thầy có khả năng và kinh nghiệm về môn thiền quán, chớ không phải một chuyên viên về giáo lý hay nghi lễ. Chính xác hơn, những phương pháp được dạy trong quyển sách này là của đạo pháp Mahamudra, pháp môn đặc biệt của dòng Kagyu, vì vậy bạn nên tìm sự hướng dẫn cần thiết ở bên trong truyền thống Kagyu. Tất cả các tu viện và học viện Kagyu được tổ chức tốt đều có những người có khả năng và đáng tin cậy được chỉ định làm thiền sư.

            Những kinh nghiệm mà bạn có thể gặp trong khi tham thiền được trình bày sơ lược trong phần sau đây. Có ba giai đoạn cảm giác phát xuất từ an lạc, trong sáng và tâm trống không hay tâm vô niệm.

                   1.- An lạc

                        Khi tâm thực sự bị xâm chiếm bởi kinh nghiệm an lạc, thì thân thể cũng cảm thấy kinh nghiệm này. Lúc đầu cảm giác an lạc này nhuốm màu cảm xúc, nhưng sau đó an lạc không cảm xúc sẽ tràn ngập toàn thân. Cảm giác này như thế nào? Khi tâm an tĩnh, thân thể có cảm giác dễ chịu và mềm dẻo. Phản ứng tức khắc của hành giả là thọ hưởng cảm giác này và bám vào nó, nhưng nếu bạn tiếp tục thời thiền với thái độ đúng đắn, thì cảm giác đó sẽ được thay thế bằng cảm giác hoan lạc sâu xa không bám giữ.

            Kinh nghiệm này làm cho tâm cảm thấy không bao giờ chán ngán. Hạnh phúc của chúng ta thường được tạo bằng những điều kiện bên ngoài, tâm có thể chán ngán loại hạnh phúc đó. Nhưng khi tâm kinh nghiệm sự an lạc độc lập của riêng nó, nó sẽ không bao giờ chán ngán cảm giác này. Một lần nữa, vào lúc đầu sẽ có sự bám giữ vào cảm giác này, nhưng khi khả năng hành thiền của bạn được phát triển đúng cách, sự bám giữ sẽ giảm và cảm giác này sẽ thư thái và tự nhiên hơn.

            Tại sao chúng ta hay bám vào sự dễ chịu của tâm và thân. Vì đó là thói quen xưa nay của chúng ta. Khi những cảm giác đó xuất hiện trong khi thiền định, chúng gợi ký ức về thói quen bám giữ trong chúng ta. Bằng cách ứng dụng pháp minh sát quán vào những kinh nghiệm này, chúng ta sẽ loại trừ được khuynh hướng bám giữ vào chúng. Nhìn thẳng vào an lạc khi nó xuất hiện trong tâm, khi tâm không duyên theo cảm giác này, nó sẽ tan biến đi, để lại sự thật của an lạc đó với một cảm giác không giống bất cứ một cảm giác nào khác. Lúc này bạn không thể tưởng tượng được sự thật này và bạn không có một tâm có thể cảm nhận được nó.

                   2.- Trong sáng

                        Sự trong sáng được nói tới ở đây là kinh nghiệm của tiền ngũ thức và ý thức có sự cảm nhận trong sáng. Kinh nghiệm này xuất hiện vì sự an tĩnh tâm làm cho các giác quan trở nên rất bén nhạy.

            Việc này có những hiệu ứng gì? Đa số hành giả có những biểu lộ (những ấn chứng) bằng hình ảnh hay âm thanh hơn là những loại thức khác. Điều này không có nghĩa là thị giác của bạn trở nên tốt hơn, mà chỉ có nghĩa là thị giác hay thính giác cảm nhận những thông tin tưởng tượng đó. Mắt bạn mở nhưng bạn hiểu những hình ảnh mà bạn biết là không thuộc về môi trường cụ thể bên ngoài trong tầm mắt của bạn. Bạn có thể nghe thấy những âm thanh mà bạn biết là không có nguồn gốc xác định nào bên ngoài. Đừng bận tâm với những hiện tượng này, vì chúng không quan trọng gì cả, và chỉ là hiệu ứng của tâm trở nên trong sáng hơn.

            Sự trong sáng của tâm cho bạn có những khả năng nhận biết tức khắc bất cứ lúc nào một ý nghĩ xuất hiện. Ý thức này là tự động, bạn sẽ không để lỡ một khoảnh khắc nào cả. Bạn sẽ không ngủ nhiều, và khi bạn ngủ, giấc ngủ của bạn rất trong sáng, bạn biết là bạn đang ngủ.

                   3.- Trống không

                        Một khi bạn đã nhận ra những kinh nghiệm về an lạc và trong sáng phát xuất về những thói quen của tâm, và qua việc quán chiếu sự thật căn bản, hay chân tướng của chúng, không chấp giữ chúng và sự biểu lộ của chúng, thì khi đó chúng sẽ tan biến đi và được thay thế bằng trạng thái tâm vô niệm.

            Sự thật những ý nghĩ vẫn xuất hiện, nhưng chúng tức khắc tan biến vào tánh không mà bạn đang hòa nhập. Nhưng ở đây cũng vậy, ảnh hưởng của ký ức cũng trở lại. Bạn có cãm giác trống không, bạn tự nhủ : "Tất cả đều không". Nhưng đây chỉ là một ý niệm. Hãy khảo sát tính chất của cảm giác trống không này bằng minh sát quán.

            Kỹ thuật này được gọi là "Dùng trí nhận biết trọn vẹn để xét kinh nghiệm thiền quán". Với cách này bạn sẽ không tạo sự ham mê mùi vị an lạc nhị nguyên. Bạn không chịu ảnh hưởng của nó, vì bạn biết nó không có tự tính. Khi cảm giác sự trong sáng bạn có thể nghĩ : "Những ấn tín này là dấu hiệu tốt chứng tỏ tâm mình đã trong sáng để thấy và biết mọi ý nghĩ". Như vậy bạn sẽ bị xao động. Nhưng nếu bạn dùng kỹ thuật tri thức trọn vẹn để quán chiếu trạng thái an lạc, và trống không, bạn sẽ hiểu ra rằng sự trong sáng chỉ là một ý niệm, và sóng ý niệm này sẽ lặng, tan vào biển tâm. Việc cảm nhận sự trống không như một kinh nghiệm của tâm vô niệm có thể làm cho bạn chỉ biết một mặt, bạn rơi vào thuyết hư vô chối bỏ sự hiện hữu của mọi sự vật. Sự trống không đó là có thật, nhưng trong mỗi khoảnh khắc tâm sống động cũng biết chính mình. Hãy dùng tri thức trọn vẹn để xét ý tưởng "Đây là tính không", lúc đó tâm sẽ biểu lộ mạng lưới những khoảnh khắc trong sáng.

            Những kinh nghiệm an lạc, trong sáng, và trống không này xuất hiện lần đầu tiên khi tâm cảm giác sự an tĩnh của mình. Bằng việc ứng dụng tri thức trọn vẹn, bạn sẽ bớt dần sự bám giữ vào chúng, và cuối cùng sự bám giữ đó sẽ bị tiêu diệt. Lúc đó những kinh nghiệm đối ứng chân xác của chúng sẽ bắt đầu xuất hiện. Chưa có những kinh nghiệm này thì không thể tưởng tượng được những cảm giác về chúng, không giống những cảm giác an lạc, trong sáng và trống không. Chúng báo hiệu giai đoạn kiến tánh và sẽ tiếp tục cho đến khi giác ngộ.

            Trong khi đó, bạn đừng chấp giữ kinh nghiệm mà hãy phân tích nó, và nó sẽ đưa bạn tới chân tâm (Bản lai diện mục).

            Đây chỉ là những điều hướng dẫn sơ lược, không thể thay thế cho sự hướng dẫn trực tiếp của một vị thầy có khả năng và kinh nghiệm về môn thiền quán.

            Đối với một số người thiền quán liên quan nhiều tới những hình ảnh ấn chứng, những cảm giác, và những điều huyền bí. Mahamudra thì không như vậy. Pháp đại ấn này là một đạo pháp có hệ thống hợp lý và thực tế.

            Bạn có thể học được nhiều về thiền quán trong các sách, nhưng bạn luôn luôn cần phải có một vị thầy để hướng dẫn bạn tùy theo cá tính của bạn. Kinh sách không thể nói hết chi tiết về những vấn đề của mỗi cá nhân ở mỗi giai đoạn tu tập. Người ta rất khác nhau, mà sách thì chỉ nói tổng quát về những phương pháp. Nhưng nếu bạn quan tâm tới một công trình nghiên cứu thấu đáo về pháp Mahamudra, tôi đề nghị bạn đọc quyển "Mahamudra Ánh trăng". Bản dịch tiếng Anh hơi quá chuyên môn, một số trong các bạn có thể thấy khó đọc, nhưng vẫn là một quyển sách tốt. Quyển này có tính cách chính yếu là chìa khóa cho việc thiền quán, và dù ngắn, bạn có thể thấy nó có lối tiếp cận thực hành hơn.

            V.- MAHAMUDRA - Và hợp nhất với bản thể

                  Trong bốn phái Phật giáo Tây Tạng : Nyingma, Kagyu, Sakya, Geluk, thì phái Kagyu chú trọng về thiền quán nhất. Dòng này giữ giáo lý của Milarepa, kỹ năng thực hành giáo lý này của ngài được bảo tồn trọn vẹn.

            Phái Kagyu thực hành Mahamudra, phái Nyingma dạy Maha Ati, nhưng sự thật hai pháp này là một (đều có nghĩa là đại thành tựu).

                  1.- Mahamudra

                        "Mahamudra" nghĩa là gì? "Maha" nghĩa là lớn vĩ đại, hàm ý phương pháp thiền quán này là cao nhất và lợi ích nhất, giống như nhiều từ ngữ Sanskrist khác, "Mudra" có nhiều nghĩa. Tùy trường hợp nó có nghĩa là con dấu, hành động, hay cử chỉ. Trong trường hợp này Mudra nghĩa là con dấu, con dấu ấn chứng của Đức Phật, sự bảo đảm của ngài cho tính chất vô thượng của pháp này, không có gì sâu hơn hay tốt hơn nó. Vậy Mahamudra là con dấu lớn, đại ấn.

            Trong truyền thống Kagyu, có ba loại Mahamudra, ba giai đoạn tu tập tương ứng với nhu cầu và khả năng của những người có tư chất khác nhau.

            Loại thứ nhứt dùng lối tiếp cận triết lý, vì liên quan chặt chẻ với Trung Đạo Luận của luận sư Long Thọ, đây là cách đến với Mahamudra một cách yên tĩnh và tiệm tiến.

            Phương pháp này bắt đầu với việc định tâm, lúc đầu quán tưởng một hình ảnh trong tâm, sau đó là thiền quán không đối tượng, tâm trụ trong chính nó. Tiếp theo là thiền quán khảo sát, dùng trí quán sát để xét tính chất thật của trạng thái. Sau đó vị thầy trình bày bản tính của tâm cho đệ tử khi đệ tử đã có khả năng hiểu lời hướng dẫn này sau vài tháng tu tập, có khi sau vài năm. Pháp Mahamudra này đặt căn bản trên kinh sách Đại Thừa và là phương pháp tiệm ngộ nhưng chắc chắn.

            Một hình thức Mahamudra kinh điển khác được Gampopa, đệ tử của Milarepa giới thiệu. Ngài cho thấy bằng cách phối hợp kinh điển và Mahamudra thành một đạo pháp rất trực tiếp, hành giả thoát khỏi những giới hạn được áp đặt lên mình do việc phải giữ nhiều giới nguyện mật giáo (Samaya).

            Trong quyển kinh Nguyệt Đăng Tam Muội (Samadhiraja Sutra) của bộ kinh Phương Quảng, Đức Phật tiên tri sự xuất hiện của Gampopa, người sẽ giới thiệu và phổ biến phương pháp này, đưa hàng ngàn người tới giác ngộ.

            Khi Gampopa bắt đầu dạy đại ấn kinh điển, cả hươu nai trong rừng cũng tới nằm dưới chân ngài để nghe, giống như khi Đức Phật thuyết pháp lần đầu tiên ở vườn Lộc Uyển.

            Loại Mahamudra thứ hai đăïc biệt liên quan tới các mật điển. Trong pháp này, bạn được điểm đạo (truyền pháp), quán tưởng thân của một vị thần, cảnh giới của vị thần, và niệm thần chú của vị thần đó. Pháp quán tưởng này là để thanh lọc và chuyển hóa tâm, đưa bạn tới những phương pháp tu tập như sáu pháp của Naropa, vốn được đặt ra để làm cho việc chuyển hóa này được trọn vẹn và sẽ có kết quả thành tựu đại ấn.

            Pháp Mahamudra này tương ứng với các pháp thiền quán "Treg-chod" và "Thod-gal" trong hệ thống (Maha Ati) Đại A Tỳ.

            Loại thứ ba là Mahamudra tinh yếu, không có gì giống với hai loại trước. Trong cách tiếp cận Trung Đạo, việc quán chiếu tinh tấn tạo sự tự tin vững chắc trong tâm hành giả đưa tới việc thực hiện Mahamudra. Trong Mahamudra mật điển hành giả thực hành thần linh quán và các pháp du già. Mahamudra tinh yếu không dùng những pháp này.

            Vị thầy đã giác ngộ và đệ tử đã sẳn sàng để được giác ngộ. Ở đây tâm trực tiếp nhận ra tâm, trực tiếp thiền quán về kết quả, chứ không đi qua nhiều giai đoạn. Đệ tử có thể nhận ra tâm, và những biểu lộ của nó mà không dựa vào phương pháp nào nói trên, chỉ cần vị thầy chỉ ra cho mình, ngay lúc đó trí huệ đã thức tỉnh của đệ tử nhận cái mà mình đã được chỉ. Một số người có thể nhận ra tức khắc chân tâm của mình.

            Pháp Mahamudra tinh yếu đã được dạy bởi Saraha trong quyển "Kho tàng đạo ca" của ngài, bởi Tilopa cũng như Milarepa. Pháp thậm thậm này siêu đẳng so với tất cả các phương pháp khác. Tương ứng với pháp này là hai pháp Maha Ati "Vượt tri thức" và "Dứt hiện tượng".

            Ba loại Mahamudra nói trên là những phương tiện thiện xảo vì một hành giả có căn cơ thấp nhất cũng có thể đạt những tu tập cao bằng cách tiến từng bước một.

                  2.- Hợp nhất với bản thể

                        Sự thực hiện Mahamudra cũng được gọi là hợp nhất bản thể, nghĩa là chúng ta hợp nhất tâm của mình với bản thể của ba phương diện của kinh nghiệm hiện tại của chúng ta : bản thể của tâm, của tư tưởng và của các pháp.

                        a.- Bản thể của tâm

                             Bản thể của tâm có trong mỗi khoảnh khắc tâm; nó không có mầu sắc, hình dạng, hay tính chất nào khác như một vật cụ thể, nó không vui không buồn. Chân tâm là trong sáng hiểu biết, trống không và rộng lớn.

                        b.- Bản thể của pháp

                             Vì tâm không bị cản trở, hay vô ngại, nó có thể phóng chiếu đủ loại sự vật, hóa hiện những cảnh tượng lớn. Những sự biểu lộ này đều không có tự tính. Chúng ta có thể hiểu khuynh hướng này của tâm khi xét một giấc mộng. Trong giấc mộng, do khả năng vô ngại của tâm, chúng ta thấy người, đồ vật, thú vật, cảnh núi sông và nhiều cảnh khác. Tất cả đều khả hữu trong một giấc mộng, và tất cả đều không có thật mà chỉ do tâm lưu xuất.

            Thế giới lúc thức của chúng ta cũng vậy. Là người khi mới sanh ra, bạn đã bắt đầu nghĩ, nói và nhìn sự vật như một con người. Tâm của bạn thông với thế giới loài người. Nhưng thế giới này không có tự tính để có thể phân biệt nó với cái tâm thông với nó. Tất cả chỉ là sự biểu lộ của tâm, vì vậy cũng không có thật như một giấc mộng.

                        c.- Bản thể của tư tưởng

                             Tư tưởng ý nghĩ nằm giữa tâm bên trong và ảo giác bên ngoài của tâm. Nó là sự truyền thông của tâm, sự đáp ứng với thông tin mà tâm nhận được từ những vật biểu lộ của chính tâm. Ý nghĩ luôn luôn chuyển động; số lượng ý nghĩ tương ứng với số lượng những cuộc tiếp xúc của tâm với thế giới bên ngoài do tâm phóng chiếu. Nhưng ý nghĩ không có tự tính, chúng giống như bọt nước, xuất hiện cách phù du vì có những điều kiện nào đó và rồi biến đi khi những điều kiện đổi khác. Nếu chúng ta tìm hiểu thực chất của tư tưởng phù du, chúng ta sẽ nhận thấy sự trong sáng, trống không, vô ngại của tâm. Bản thể của tư tưởng là bản thể của tâm.

            Chúng ta phải hợp nhất mình với bản thể của ba điều trên. Nhưng thật ra, quan trọng nhất là sự hợp nhất với bản thể của tâm, cùng với hợp nhất với bản thể của các pháp biểu lộ rồi bản thể của tư tưởng sẽ tự động xuất hiện một cách tự nhiên.

            Để có sự hợp nhất này, chúng ta phải điều khiển được tâm của mình. Lúc này, khi tâm phóng chiếu, chúng ta bị lôi cuốn theo nó và quen phản ứng với khối lượng thông tin hỗn độn mà nó nhận được, chúng ta phải học cách nhận ra bản thể của tâm, khi đó tâm của chúng ta trở thành tri thức nguyên thủy hay trí huệ.

            Giữ cho tâm không cùn lụt hay hôn trầm, cũng không xao động hay ở ngoài sự kiểm soát của chúng ta. Nó phải trụ trong chính nó, chứ không dựa trên thông tin từ bên ngoài. Hãy an trụ một cách tự nhiên trong chân tâm và quan sát nó. Không cưỡng ép nó phải an tĩnh hay dùng những phương tiện giả tạo hay hung bạo. Mọi ý nghĩ thô kệch hay tinh tế đều sẽ tự biến đi, và khi đó tâm nhận ra chính mình nhưng không bám giữ chính mình. Đây là lúc bắt đầu của việc hợp nhất với bản thể.

            Một khi bạn có thể an trụ trong trạng thái này, bản thể của tâm sẽ tự hiển lộ mỗi lúc mỗi rõ hơn. Tiến trình này là bất tận bạn không thể nào nói "Đây là chỗ cuối cùng". Bạn không thể mô tả nó bằng ngôn từ hay ví nó với một cái gì khác, vì không có gì trên thế gian này giống nó, sự phát triển vô giới hạn của chân tâm.

            Khi tâm còn can hệ vào những sự vật mà nó biểu lộ, thì những ý nghĩ sẽ phát sinh do sự kích thích của ngoại vật. Đó là những ý tưởng vui, buồn, yêu, ghét hay vô cảm. Tư tưởng là tâm, nhưng chúng phù du như bọt nước.

            Để hợp nhất với bản thể của tư tưởng, bắt đầu bằng việc phát ra một ý nghĩ rõ rệt, dễ được nhận biết. Thí dụ "Mình muốn có nhiều tiền". Hãy nhìn thẳng vào ý tưởng này. Quán chiếu thực chất của nó. Nếu không làm như vậy, sự tham muốn sẽ làm cho ý nghĩ này gia tăng và biến thể, nhiều ý tưởng khác cùng đề tài sẽ xuất hiện. Còn nếu bạn nhìn vào thực chất của ý tưởng muốn có tiền thì nó sẽ chuyển thành tâm. Tư tưởng đó biến thành tính chất trong sáng trống không. Bọt nước tan hòa vào nước, cho thấy rõ nó chính là nước.

            Tư tưởng và tâm có cùng phẩm tính. Bạn không hủy diệt ý tưởng đó; bạn thâm nhập tính chất của nó. Bạn không mang những phẩm tính đó để ráp vào ý tưởng, không diệt ý tưởng và thay nó bằng những phẩm tính này, và bạn tự biểu hiện chúng. Khi bạn đã quen thuộc với việc này, mỗi ý nghĩ sẽ trở thành pháp thân, cõi của sự thật tối hậu. Nếu không biết tới những tư tưởng, chúng sẽ còn là biển luân hồi phiền não, luôn luôn xao động. Nếu bạn hiểu tính chất thật của một ý nghĩ, tại sao lại không tìm hiểu một chuổi ý nghĩ. Trong phái Kagyu, đây là pháp Mahamudra để đốn ngộ, nếu bạn may mắn.

            Đây là việc khó nhất trong ba việc nói trên, nhưng khi đã nhìn thấy bản thể của ý nghĩ bạn sẽ hiểu tính chất tâm của các pháp biểu lộ, vạn pháp duy tâm.

                  3.- Bốn lời khuyên

                        Sau đây là bốn lời khuyên truyền thống cần ghi nhớ khi bạn thực hành đạo pháp.

            "Y pháp bất y nhân"

            Nếu bạn có khuynh hướng kính nể một người nào đó trước, rồi sau đó mới đến giáo pháp thì bạn sẽ gặp một vị thầy kém khả năng. Chọn một vị thầy thông hiểu giáo pháp. Nếu bạn đề cao sự quan trọng của giáo pháp, bạn sẽ gặp một vị thầy có khả năng thật sự.

            "Y kinh liễu nghĩa"

            Có nhiều kinh sách rất dài, thí dụ những quyển của Luận tạng, và nhiều người chịu học thuộc lòng những quyển này và trình diển tài năng này với người khác. Lối học như vậy không phải là vô dụng, nhưng ý nghĩa quan trọng hơn ngôn từ. Một giáo sư có thể giảng giải giáo pháp, nhưng tốt hơn người đó nên thực hành giáo pháp. Nếu không tự hiểu ý nghĩa, bạn sẽ không bao giờ thành đạo quả.

            "Đừng dựa vào nghĩa tương đối, mà hãy dựa vào nghĩa tuyệt đối"

            Trong một số giáo lý. Đức Phật trình bày sự thật đơn giản hay tương đối (tục đế) cho những người không có khả năng hiểu sự thật tuyệt đối (chân đế). Thí dụ, trong một số quyển kinh, ngài nói rằng sự vật là có thật như mọi người biết, vì có một số đệ tử của ngài lúc đó chưa thể chấp nhận ý niệm tính không của các pháp hiện tượng. Trong Kim Cương Thừa, chúng ta cũng thấy có hai mức độ  : dùng biểu tượng được quán tưởng là sự thật tương đối, còn sự hoàn hảo hóa của biểu tượng là sự thật tuyệt đối.

            Hãy tìm hiểu ý nghĩa thật "Đừng dựa vào phàm trí, mà hãy dựa vào chân trí".

            Đây là vấn đề của toàn bộ giáo lý này. Bây giờ bạn đã biết tri thức vụn vặt và tri thức nguyên thủy là gì, và bạn cũng đã biết cách chuyển hóa tâm của mình.-