Đạo đức - Tâm lý học
Bố Thí Độ
Tỳ khưu Chánh Minh
21/08/2553 15:18 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

* PHÂN ĐỊNH CÁC LOẠI BỐ THÍ.

Bố thí có hai chi phần.

A- Về vật thí.

Đức Phật có dạy:

"Cho ăn là cho lực.
Cho mặc là cho sắc.
Cho xe là cho lạc.
Cho đèn là cho mắt.
Ai cho chỗ trú xứ.
Người ấy cho tất cả.
Ai giảng dạy chánh pháp.
Vị ấy  cho bất tử.
[1]

Lời dạy trên cho thấy có hai loại bố thí, là bố thí tài vật (āmisadāna) và bố thí pháp (dhammadāna). Và ĐứcPhật cũng dạy rằng:

" Này các Tỳ khưu, có hai loại bố thí, thế nào là hai? Bố thí tài vật và bố thí pháp... Tối thắng trong hai loại bố thí này là bố thí pháp"[2]

1- Bố thí tài vật là bố thí cơm, nước, y phục.. hay bố thí tứ sự (paccayadāna) như đã giải ở trên.

Có câu hỏi là: xây chùa, tháp, dựng tượng Phật  có thuộc  vào thí sự không?

Có ý kiến cho rằng: Việc xây chùa, tạo tượng Phật xuất phát từ tâm cung kỉnh Tam bảo, hay cung kỉnh Đức Phật. Không xuất phát từ tâm bố thí, nên việc làm này được xếp vào pháp cung kỉnh (apacāyama), trong 10 điều thiện (puññakiriya vatthu) không kể vào bố thí.

Tuy nhiên, ý kiến trên bị bác bỏ: Sự tôn kính ân đức Tam bảo, hay ân đức Phật, thì không cần phải bỏ ra một số tài vật lớn, khi có sự xả bỏ một số tài sản lớn để xây chùa, lập tượng Phật thì thuộc về bố thí với tâm cung kỉnh.

Nhưng:"nếu thuộc về bố thí sự (danākamma), phải chăng là thí sự không có người nhận?".

có ý kiến cho rằng: chùa, tượng Phật không phải là thí vật, là biểu tượng của ân đức Tam Bảo (chùa, tự viện) hay là biểu tượng của ân đức Phật (tượng Phật).

Những biểu tượng của các ân đức lớn này không thể trở thành thí vật, không một ai có đủ năng lực thọ nhận những biểu tượng ân đức này. Do vậy, xây chùa,  xây tháp, dâng tượng Phật không phải là bố thí.

Chúng ta thấy rằng:

Bố thí sự  (dānakamma) có bốn ý nghĩa:

- Trạng thái: có trạng thái là dứt bỏ (cāga lakkhaṇa).
- Phận sự: loại trừ tham luyến (đối với vật thí) (sampatti rasa).
- Thành tựu: không dính mắc (vật thí) (virāga paccupaṭṭhāna).
-Nhân cần thiết: có vật thí (dānavatthupadaṭṭhāna).

Ứng dụng tứ ý nghĩa này vào vấn đề: "xây chùa, tháp, lập tượng phật", chúng ta thấy:

"Có trạng thái dứt bỏ", vì người xây chùa, tháp hay tôn tạo tượng Phật,  đã lìa bỏ một số tiền lớn.

Về phận sự: người cho đã loại trừ sự luyến ái với vật cúng dường, từ bỏ quyền sở hửu những tài vật ấy.

Về thành tựu: người cho không có sự dính mắc với tài sản đả bỏ ra, không dính mắc đến chùa hay tượng phật (túc là không có ý nghĩ "chùa của ta, tượng Phật của ta").

Về nhân cần thiết: đã có tài sản cúng dường.

Tứ ý nghĩa của bố thí sự có đầy đủ, do đó, chúng ta kết luận: "xây chùa, tôn tạo tượng phật là bố thí sự".

Nhưng ai là người thọ nhận vật thí ?

Câu trả lời là: "chư thiên hay nhân loại đến viếng chùa hoặc đang trú trong chùa là người thọ nhận tự viện.

Bất kỳ chư thiên - nhân loại nào đến lễ bái kim thân phật là người thọ nhận kim thân Phật".

Các Giáo thọ sư có giải:

"Người thọ dụng vật thí sẽ thọ dụng theo đặc tính hay công dụng của vật thí như: vật thực dùng để ăn, y phục để mặc, trú xứ (chùa) để ở, bảo tháp - kim thân Phật để lễ bái ....

Một minh họa sẽ rõ ràng hơn: một người cho đào giếng hoặc hồ nước để bố thí nước, mọi người đều có quyền đến lấy nước, đem về uống, giặt, rửa...

Người thí chủ bố thí nước, không thấy có người nhận (hồ, giếng) cụ thể, nhưng rõ ràng "vật thí đã có người nhận" và người cho không hề quan tâm đến đối tượng thọ lãnh vật. Như vậy, đào giếng hoặc hồ nước để bố thí nước là "bố thí có dứt bỏ".

Rất hợp lý khi nói rằng: "xây chùa, tháp - tạo tượng Phật là "bố thí có dứt bỏ", người nhận vật thí là chư thiên và nhân loại".

2- Bố thí pháp là giảng dạy chánh pháp.

Có một chư Tăng hoặc phật tử không có khả năng giảng dạy Phật pháp, nhưng muốn tạo phước trí, thường ấn tống kinh sách Phật giáo, hoặc soạn dịch kinh điển, Phật ngôn. Như vậy có được gọi là bố thí pháp không ?

Tuy sự ấn tống kinh sách ấy không thật sự trực tiếp giảng dạy chánh pháp, nhưng lời dạy của Đức Phật nhờ đó được lan rộng trong đại chúng. Người có duyên lành khi đọc được những lòi dạy của Đức Phật, hiểu biết Phật ngôn, tinh tấn hành pháp chứng đắc quả Níp-bàn, hay mang lại lợi ích hiện tại lẫn vị lai cho chính mình.

Đưa Phật dạy: "Ba vật mở trống ra được sự lợi ích và tốt đẹp là:

- Mặt trăng cần mở rộng (candamaṇdalaṃ).
- Mặt trời cần mở rộng (suriyamaṇdalaṃ)
- Pháp luật được Đấng Như Lai tuyên thuyết cần mở rộng (Tathāgatappavedito dhammavinaya)
[3].

Một đoạn kinh khác trong Tăng chi kinh, có ghi nhận:

Bàlamôn Saṅgārava đi đến hỏi pháp từ Đức Thế Tôn, Đức Phật giảng cho Bàlamôn Saṅgārava về ba loại thần thông là:

- Thần thông biến hóa (iddhipaṭihāriyaṃ).
- Thần thông ký thuyết (ādesanāpāṭihāriyaṃ).
- Thần thông giáo hóa (anūsasanipaṭihāriyaṃ).

"... Và thế nào, này Bàlamôn, là thần thông giáo hóa?".

"Ở đây này Bàlamôn, có người giáo giới như sau: "hãy suy nghĩ như thế này, chớ suy nghĩ như vậy. Hãy tác ý như thế này, chớ tác ý như vậy. Hãy từ bỏ cái này, hãy đạt đến cái này và an trú". Này Bà la môn, đây gọi là thần thông giáo hóa.

Này Bà la môn, có ba loại thần thông này."

Trong ba loại thần thông này, ngươi có thể chấp nhận (khamati) loại thần thông nào là hy hữu hơn, thù diệu hơn."[4]

Và Bà la môn Saṅgārava chấp nhận giáo giới thần thông là thù diệu hơn.

Do đó, người ấn tống, soạn dịch kinh điển... phổ biến Phật ngôn rộng rải, sau đó có hành giả hành pháp chứng đắc Nípbàn. Và người ấn tống... xem như gián tiếp cho "Bất tử",  gián tiếp "giáo hóa thần thông", có thể được xem là bố thí pháp.

Các Giáo thọ sư có cho ví dụ như sau:

Như một người không có thuốc cho đến người bịnh, y trao cho người bịnh toa thuốc trị bịnh. Người bịnh theo toa thuốc tìm thuốc trị bịnh, sau đó người bịnh được khỏe mạnh. Người cho toa thuốc có thể gọi là "lương y".

Cũng vậy, tuy không có khả năng thuyết giảng, nhưng bố thí kinh điển vẫn có khả năng giúp người khác đạt được trí pháp, xem như "bố thí pháp".

B- Về tài thí (vật chất thí).

Có hai loại vật chất dùng làm vật thí là:

1- Vật ngoại thân (bāhiradāna): là những gì không liên quan đến thân thể của người cho, như: Vương quốc, kho báu, tài sản, vợ, con...

2- Vật nội thân (ajjhattikadāna): là tứ chi, mắt, gan... hay toàn bộ thân thể.

C- Về người nhận.

Có hai loại là:

1- Cá nhân thí (puggalikadāna): là bố thí đến riêng một người.

2- Tập thể thí (saṅgahadāna): Là bố thí đến một nhóm người.

Về đối tượng nhận thí vật là cá nhân, trong Trung bộ kinh III, bài kinh Cúng dường phân biệt (dakkhiṇavibhaṇgasutta), Đức Phật dạy: Có 14 đối tượng là cá nhân thí như sau:

1- Cho đến (dānaṃ deti) Đức Như Lai, bậc A la hán Chánh Đẳng giác,

2- Cho đến vị Độc giác Phật.

3- Cho đến bậc A la hán, đệ tử Như Lai.

4- Cho đến vị trên con đường chứng quả A la hán.

5- Cho đến vị chứng quả Bất Lai.

6- Cho đến vị trên con đường chứng quả Bất Lai.

7-  Cho đến vị chứng quả Nhất Lai.

8- Cho đến vị trên đường chứng quả Nhất Lai.

9- Cho đến vị chứng quả Dự lưu.

10- Cho đến vị trên đường chứng quả Dự lưu.

11- Cho đến vị ngoại học (bāhiraka) đã ly tham trong các dục vọng.

12- Cho đến phàm phu gìn giữ giới luật.

13- Cho đến phàm phu ác giới.

14- Cho đến các loại bàng sanh.[5]

Tập thể thí: Đối với sự cúng dường Tăng chúng (saṅghikadāna), có 7 bảy cách như đã giải.

Trong kinh có đề cập đến bố thí (dāna) và cúng dường (dakkhiṇā) như:

"Tathāgate arahante Sammāsambuddhe dānaṃ deti; ayaṃ paṭhamā pāṭipuggalikā dakkhiṇā:

Bố thí  các Đức Như Lai, bậc A la hán Chánh Đẳng giác, là cúng dường thứ nhất, phân theo hạng người."

Nên phân biệt hai từ pūjādakkhiṇā tuy cả hai đều có nghĩa "cúng dường". Nhưng chữ pūjā hàm nghĩa "có sự tôn kính", tức là "bố thí với tâm kỉnh trọng", thường áp dụng trong trường hợp người cho có phẩm cách thấp kém hơn người nhận, như: "cúng dường đến cha mẹ", "cúng dường đến bậc trưởng thượng" (người cho có tuổi đời thấp hơn người nhận), "dâng lễ vật đến Đức vua", "cúng dường đến bậc có giới hạnh"...

Còn dakkhiṇā ngoài ý nghĩa "cung kỉnh"  còn có nghĩa "tế độ", tức là bố thí với tâm tế độ (anuggahadāna). Ý nghĩa này rất rõ với: "bố thí đến bàng sanh (thú vật)" như kinh văn ghi:

"Tiracchānagate dānaṃ deti; ayaṃ cuddasami pāṭipuggalikā dakkhiṇā:

Bố thí các loại bàng sanh, là cúng dường thứ 14, phân theo hạng người."

Bố thí với tâm tế độ (anuggahacittena dānaṃ) thường dùng với ý nghĩa "người cho có phẩm cách cao hơn người nhận".

Dựa vào ý nghĩa này, một số người giải thích:

- Pūja dāna là bố thí với tâm cung kỉnh, như: cúng dường tài vật (amisapūja),  cúng dường pháp (dhammapūja). Cúng dường Pháp là hành pháp của Đức Phật đã giáo truyền.

Tuy nhiên, có nhiều trường hợp chữ pūja (cúng dường) được dùng "cho cả cao lẫn thấp", như câu chuyện  "Tăng thí" đã giải ở trên, hay "vua Bình sa vương (bậc Thánh Dự lưu) cúng dường am thất đến Ngài Girimānanda, trong khi vị này còn phàm".[6]

Hoặc trong Milindapañhā (Vua Milinda Vấn Đạo), vua Milinda hỏi :

"Vì sao Thánh cư sĩ đảnh lễ tỳ khưu phàm?". Đức Nāgasena (Na tiên) có giải thích:

-"Vì tỳ khưu hay sa di có 20 pháp hành của Sa môn (samaṇa karaniya dhamma), nên Thánh cư sĩ đảnh lễ tỳ khưu phàm)[7].

Một mẫu chuyện minh họa khác, tóm lược như sau:

Một thời, gia chủ Citta đi đến rừng Andhabataka tại Macchikasanda, cung thỉnh các vị Trưởng lão đang trú ngự nơi đó rằng:

- Bạch các Ngài, mong các Trưởng lão nhận lời mời dùng bữa cơm của con vào ngày mai.

Chư trưởng lão im lặng nhận lời.

Vào hôm sau, sau khi thọ dụng vật thực nơi nhà gia chủ Citta xong rồi, chư trưởng lão trở vể rừng Andhabataka. Khi ấy, trời nóng rất gay gắt (kuthitaṃ), thân các vị trưởng lão ướt đẩm nước (mồ hôi).

Tôn giả Mahaka là vị mới xuất gia giữa chúng tỳ khưu, sau khi được sự đồng ý của chư Trưởng lão, thực hành thần thông khiến cho gió mát nổi lên, cơn giông nổi lên và trời có mưa nhẹ.

Khi về đến nơi trú ngụ, Tôn giả Mahaka bạch rằng:

- Bạch chư trưởng lão, như vậy là vừa rồi.

- Như vậy là vừa rồi, này hiền giả Mahaka. Làm như vậy là vừa rồi, này hiền giả Mahaka. Cúng dường như vậy (pūjātaṃ ettavatā) là vừa rồi, này hiền giả Mahaka...[8]

Ở nhiều đoạn kinh, chữ dakkhiṇā được dùng như chữ anuggaha (tế  độ), như vị Thánh thọ dụng vật thực "để tế độ" người hữu duyên  (ở đây vị trí người nhận cao hơn người cho) ...

Nhưng chữ dhammānuggaha (pháp tế độ) được dùng với ý nghĩa "giáo pháp thánh thiện cao tột của Đức Phật".

Nên ghi nhận: sự phân định giữa "bố thí cúng dường" với "bố thí tế độ" chỉ tương đối thôi.

Cũng có thể hiểu "bố thí cúng dường đến súc sanh" ám chỉ những linh vật trong những tế đàn của giáo hệ Bàlamôn.

* Những điểm đặc biệt trong kinh Cúng dường phân biệt.

1- Cá nhân thí.

a- Về dakkhiṇa (cúng dường).

- Những người cúng dường đến Đức Phật Chánh giác, Phật Độc giác hay bậc Thánh A la hán, sự cúng dường này xuất phát từ niềm tin.

Các bậc Thánh hữu học, cho dù là vị Thánh Anahàm như trưởng giả Citta, trưởng giả Visākha, bà Nandamātā (mẹ của Nanda)... cũng không thể biết rõ: "Đây là bậc Chánh giác, bậc Độc giác hay bậc A la hán".

Trưởng giả Visākha đã chứng đắc Anahàm, tuy không biết bà Dhammadinnā là bậc Thánh A lahán,nhưng khi đến chỗ ngụ của bà Dhammadinnā thì:

"Nam cư sĩ Visākha đến chỗ Tỳ khưu ni Dhammadinnā ở, sau khi đến đảnh lễ Tỳ khưu ni Dhammadinnā rồi, ngồi xuống một bên (Visākha upāsako yena Dhammadinnā bhikkhunī ten ‘ upasaṅkami upasaṅkamitaṃ nisīti)."[9]

Khi cúng dường đến các bậc Chánh giác, các vị Thánh hữu học ấy với niềm tin bất động rằng "Đây là bậc Chánh giác", xuất phát từ niềm tin ấy nên pháp cung kỉnh sanh khởi, tương tự như thế đối với đối tượng thọ thí là bậc A lahán.

Phàm nhân trong Phật giáo cũng có mô thức tương tự, chỉ khác là "niềm tin phàm nhân không vững chắc như bậc Thánh hữu học". Trong trường hợp này, chữ dakkhiṇā  dùng theo nghĩa "cung kỉnh".

Còn người ngoài Phật giáo, khi bố thí đến các bậc ấy, đa phần xuất phát từ tâm tế độ, xuất phát từ sự giúp đở ngưới khác, nên dakkhiṇā trong trường hợp này nên hiểu theo nghĩa "tế độ".

- Đối tượng đem cho là những linh vật như rồng (nāga)... người Ấn cổ rất sùng bái những linh vật này, thường có những tế đàn cúng dường đến linh vật, trường hợp này chữ dakkhiṇā mang ý nghĩa cung kỉnh, còn với những loại bàng sanh khác thì mang ý nghĩa tế độ.

b- Về đối tượng cá nhân tuyển thí.

Trong 14 đối tượng nhận vật thí, kinh văn ghi nhận:

"Vị trên đường chứng quả Alahán (arahattaphalasacchikiriyāya paṭipanne) (chữ sacchikiriyā là làm cho thấu rõ).

Và : "Vị chứng quả Bất lai (anāgāmissa)". Có gì khác nhau giữa hai bậc ấy chăng?

Hai bậc ấy đều là bậc Anahà, nhưng có sự khác nhau là bậc A na hàm đang cố gắng hành pháp để chứng đạt Alahán gọi là "vị trên đường chứng quả Alahán, còn vị Thánh A na hàm chưa có ước vọng chứng quả Alahán, như trường hợp Ngài Anuruddha, sau khi nghe Đức Sāriputta nhắc nhở là còn ngã mạn, còn trạo cữ, còn hối quá và:

"Lành thay, nếu tôn giả Anuruddha đoạn trừ ba pháp này, không chú ý đến ba pháp này, hãy chú tâm vào giới bất tử (amatāya dhātuyāa upasamharatu)"[10].

Ngài Anuruddha sau một thời gian "sống tinh cần, không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, không bao lâu đạt được mục đích mà một thiên gia nam tử chân chánh xuất gia, từ bỏ gia đình sống không gia đình (ám chỉ quả vị Alahán ) "(sđd).

Như vậy, trước khi được Đức Xálợiphất nhắc nhở, Ngài Anuruddha là bậc Anahàm. Sau khi được nhắc nhở, Ngài cố gắng hành đạo để chứng đạt quả vị Alahán, giai đoạn này gọi là "vị trên đường chứng quả Alahán".

Một ý nghĩa khác: "Bậc Thánh Anahàm có hai phẩm mạo: xuất gia và tại gia".

"Vị trên đường chứng quả Alahán" ám chỉ bậc Thánh Anahàm xuất gia, còn "bậc Thánh Anahàm" ám chỉ bậc Thánh Anahàm tại gia, như gia chủ Citta, gia chủ Ugga...

Bậc Thánh Alahán chỉ có một phẩm mạo xuất gia, nếu người cư sĩ chứng đắc quả Alahán như tể tướng Santati, bà hoàng hậu Khemā... thi: "Phải xuất gia hoặc phải viên tịch trong ngày ".[11]

Ngài Nāgasena có giải thích "vì phẩm mạo cư sĩ không dung chứa nổi quả vị Alahán" (sđd).

Phẩm mạo tại gia ví như thuyền nhỏ, phẩm vị Alahán ví như tảng đá rất lớn, thuyền nhỏ khi chứa tảng đá (quá) lớn tất phải bị chìm. Còn phẩm mạo xuất gia ví như thuyền lớn, có thể tải được tảng đá lớn nên vẫn nỗi trên mặt nước.

Các bậc Thánh hữu học : "trên đường chứng quả Anahàm, trên đường chứng quả Tưđàhàm" cũng lý giải tương tự.

c- Về đối tượng là "các vị trên đường chứng quả Dự lưu".

Vị trên đường chứng quả Dự lưu là ám chỉ vị đang tinh tấn hành pháp quán (vipassanā dhamma).

Trong bản Sớ giải ghi nhận: đối tượng này bao gồm cả hai bậc: Xuất gia và tại gia.

Chữ sacchikiriyā (trong bản kinh Cúng dường phân biệt), theo nguyên nghĩa là "tự mình đã thấy, tự mình đã kinh nghiệm như vậy", ám chỉ vị ấy đã thấy được sự "sanh diệt của danh sắc".

Do vậy, khi cúng dường đến cư sĩ đang hành thiền quán vượt qua tuệ sinh diệt (udayabbayañāṇa), xem như bố thí cúng dường đến vị trên đường chứng quả Dự lưu.

Và điều này đã được Đức phật phân biệt rõ với phàm nhân (cả tại gia lẫn xuất gia) đang gìn giữ giới luật.

d- Về đối tượng là vị ngoại học (bāhiraka).

Tập sớ giải thích: "Là vị thành tựu được năm thắng trí phàm là: Thiên nhãn thông, thiên nhĩ thông, túc mạng thông, tha tâm thông và thần túc thông".

e- Về đối tượng thọ thí là phàm nhân ác giới.

Có ý kiến cho rằng: "Không nên cúng dường đến các tỳ khưu ác giới (dussīla), có hạnh kiểm xấu, sự cúng dường ấy như bón phân cho loại cây độc hại, vì vị tỳ khưu ác giới là nhân tố góp phần làm hoại Giáo pháp của Đức Phật". Ý kiến này  xét ra quá khe khắc.

Nên ghi nhận rằng: Trong 14 đối tượng cúng dường cá nhân ở trên, Đức Phật không đề cập đến tỳ khưu hoại giới, ác giới.

Vì rằng "vị ấy chỉ có lỗi với Pháp luật của Đức Phật", không có lỗi với người bố thí hay cư sĩ, vị ấy tự tạo ác nghiệp cho chính mình, ác nghiệp ấy không ảnh hưởng gì đến cư sỉ.

Tuy làm hoại phẩm hạnh của bậc xuất gia, nhưng tối thiểu vị ấy cũng còn nương nhờ Tam bảo.

Mặt khác, so sánh hai hạng ác giới: tỳ khưu ác giới và cư sĩ ác giới, Ngài Nāgasena có giải thích: "bố thí đến tỳ khưu hoại, ác giới vẫn tốt hơn bố thí đến cư sĩ ác giới. Vì rằng: Sa môn phá giới còn có 10 đặc tính:

1-       Sa môn phá giới cung kính Phật (buddho sagāravo).

2-       Sa môn phá giới cung kính Pháp(dhammo sagāravo).

3-       Sa môn phá giới cung kính Tăng (saṅgha sāgavo).

4-       Sa môn phá giới ấy cung kính bậc có phạm hạnh (sabrahmacārīsu sagāravo).

5-       Sa môn phá giới còn có thể dạy được Pāli và chú giải (đến cư sĩ) (uddesaparipucchāya vāyamati).

6-       Sa môn phá giới ấy được nghe pháp nhiều (savanabahulo).

7-       Sa môn phá giới tỏ ra (là người có giới hạnh) khi đi đến các cư sĩ (bhinnasīlopi).

8-       Sa môn phá giới ấy, quyết giữ tâm lãnh đạo (padhānābhimukhaṃ).

9-       Sa môn phá giới ấy là người nâng đở phẩm mạo Sa môn (samaññaṃ upagato).

10-   Sa môn phá giới, hằng làm ở nơi khuất lấp, giống như nữ nhân ngoại tình thường che dấu (pāpaṃ paticchannaṃ) sở hành.

Ngoài ra, sa môn phá giới còn có 10 nguyên nhân làm cho quả bố thí của thí chủ đến vị ấy tốt hơn khi bố thí đến cư sĩ phá giới là:

1-       Do có phẩm mạo sa môn.

2-       Do nâng đở phẩm mạo sa môn.

3-       Do còn sự hiểu biết đúng về chánh pháp.

4-       Do còn Tam quy (tisaraṇa).

5-       Do không chấp giữ trú xứ (anikettavāsi).

6-       Do còn hành trì theo Giáo pháp của Đức Phật.

7-       Do còn thuyết giảng pháp cao thượng của Đức Phật.

8-       Do còn nương nhờ vào Giáo pháp của Đức Phật.

9-       Do còn tôn kính Đức Phật là bậc cao quý nhất (aggo buddho).

10-   Do còn phục vụ Tam bảo như: quét chùa, quét nơi làm lễ phát lồ (uposatha), quét Sīmā ...[12]

Khi cúng dường đến vị tỳ khưu ác giới không, người cư sĩ có đáng trách không?.

Điều cần xét đến là: "Tác ý (cetanā) của người cho".

- Nếu người cho tán thành sở hành ác giới của người thọ thí (là tỳ khưu ác giới), cho với chủ ý ủng hộ, khích lệ những pháp hành phi đạo đức của vị ấy. Bấy giờ sự bố thí này được ví như "bón phân cho cây độc hại".

Kinh điển ghi nhận: "Có bốn cách tạo nghiệp:

-           Tự mình làm.

-           Bảo kẻ khác làm.

-           Tán thán (đồng tình hay khen ngợi) việc làm ấy.

-           Vui thích với việc làm ấy".

Người tán thán ác hành (duccarita) của tỳ khưu ác giới cũng sẽ thọ lãnh ác quả tương tự như thế.

- Nếu người cho chỉ làm với tâm tế độ, như một sự từ thiện giúp đở đến sự sinh tồn của một chúng sanh và xem bố thí là một truyền thống tốt đẹp của bậc trí (sappurisa).

Như trường hợp Đức Phật dạy gia chủ Upāli:

Dīgharattaṃ kho te gahapati nigaṇṭhānaṃ opānabhūtaṃ kulaṃ, yena nesaṃ upagatānaṃ piṇḍakaṃ dātabbaṃ mañneyyāsīti.

"Này gia chủ, đã từ lâu gia đình của ngươi như là giếng nước mưa nguồn cho các người Nigaṇṭha. Hãy cho các món ăn tốt, hãy tế độ những ai nghĩ tưởng đến ngươi"[13].

Lời dạy này cũng được tìm thấy đối với Tướng quân Sīha, trước đó là đệ tử của Nigantha Nātaputta[14] và thí sự với tâm tế độ là việc làm tốt đẹp, không có khuynh hướng cổ vũ cho những pháp hành ác xấu. Thí sự như vậy nên thực hiện.

Đức Phật có dạy rằng:

"Này Ānanda, trong tương lai sẽ có những tỳ khưu chuyển tánh (gotrabhuno) với áo cà sa vàng xung quanh cổ (kāsāvakaṇṭhā), theo ác giới, ác pháp và cuộc bố thí đối với chúng tăng theo ác giới.

Nhưng này, Ānanda, Ta nói rằng cúng dường cho chúng Tăng là vô số, vô lượng, này Ānanda, Ta không nói rằng, bất cứ phương tiện gì, một sự bố thí cá nhân lại có kết quả lón hơn đối với cúng dường Tăng chúng"[15].

Lời dạy này cho thấy "cúng dường đến hội chúng tăng ác giới, vẫn có phước báu lớn so với cúng dường cá nhân trong sạch".

Chữ gotrabhuno = gotrabhū, gotrabhū là "cắt đứt dòng giống cũ (gotta)", nghĩa là không phải những vị tỳ khưu thật sự, chỉ còn những tỳ khưu giả danh, có sở hành ác giới.

Đến thời hoại pháp thì những vị này "chứng tỏ mình là bậc xuất gia" bằng dấu hiệu (nimitta): "quấn mảnh vải vàng quanh cổ", trong khi  có đời sống sinh hoạt như người tại gia.

Lại có quan niệm rằng: "Người thọ thí có hay không có giới hạnh, không liên quan gì đến người cho. Do đó, không cần phải biết đối tượng thọ nhận là tốt, hay xấu, người cho chỉ cần tưởng niệm rằng "đây là bậc Thánh Alahán" thì sự bố thí ấy vô tội và có kết quả sung mãn như khi bố thí đến vị Thánh Alahán".

Quan điểm này xét ra không đứng vững, vì rằng trong kinh Cúng dường phân biệt, Đức Phật có dạy:

- "Này Ānanda, sau khi bố thí cho các loại bàng sanh, cúng dường như vậy có hy vọng đem lại 100 phần công đức (sataguṇa).

Sau khi bố thí cho phàm phu ác giới, cúng dường này có hy vọng đem lại ngàn phần công đức.

Sau khi bố thí cho  các phàm phu gìn giữ giới luật, cúng dường này có hy vọng đem lại trăm ngàn lần công đức...."

Những người có quan điểm trên sẽ giải thích ra sao: "khi bố thí cúng dường đến các đệ tử ngoại đạo hay những giáo chủ ngoại đạo, tâm lại nghĩ rằng: "Đây là vị Thánh Alahán". Sự tưởng niệm ấy đúng hay sai?.

Loại tưởng niệm hay niềm tin như thế là "tà quyết định (micchā- adhimokkha), là tà tín (micchā saddhā) vì họ biết rõ "người thọ thí không phải là bậc Thánh Alahán". Họ đã bị tà kiến bao phủ.

Các vị Bồ tát khi thực hiện thí sự với đối tượng thọ thí như vậy, trong tâm các Ngài chỉ khởi lên lòng bi mẫn "tế độ bất kỳ ai (người hay thú) đến yêu cầu". Nói cách khác, các Ngài "bố thí với tâm bi mẫn".

Và như vậy, phàm phu ác giới ở đây có ba loại:

- Tỳ khưu phàm ác giới, cư sĩ ác giới trong Phật giáo và cư sĩ ác giới ngoài Phật giáo .

Xét về khía cạnh ác giới (dussīlla) thì: cư sĩ ác giới trong Phật giáo vẫn hơn cư sĩ ngoài Phật giáo, vì có được tam quy đồng thời có sự hiểu biết đúng (sammā diṭṭhi). Đức Phật có dạy: "Đệ tử Như lai dù có dễ duôi vẫn hơn ngoại đạo tinh tấn", chính tri kiến đúng sẽ dẫn đến sự thoát ra luân hồi.

2- Tăng thí.

Bảy cách Tăng thí được nêu lên trong bài kinh là dành chung cho tại gia và xuất gia.

Trong tạng Luật,  có bốn loại Tăng thí dành riêng cho chư tỳ khưu để phân chia lễ vật của gia chủ cúng dường đến Tăng, đó là:

- Hiện diện Tăng (sammukhībhūta saṅghikā).

Là chư Tăng có mặt tại hiện trường. Trong cuộc lễ thí nào đó như lễ trai tăng chẳng hạn,  tuy gia chủ có tác bạch "cúng dường đến chư Đại đức Tăng", nhưng chỉ những vị sư hiện diện thọ dụng.

- Tự viện Tăng (ārāmattha saṅghikā).

Là vật thí được phân phát cho chư tăng trong khu vực Tịnh xá. Như trường hợp lễ dâng y  Kaṭhina chẳng hạn, những chiếc y được thí chủ cúng dường, tuy có tác bạch "cúng dường đến chư Tăng", nhưng những vị sư không an cư mùa mưa tại tự viện ấy, không được thọ lãnh y. Chỉ những vị sư an trú mùa mưa tại tự viện ấy (dù khi ấy không có mặt như bị bịnh chẳng hạn, có gửi lời tùy hỷ (anumodāna) phước) mới được hưởng.

- Khách Tăng.

Là chư Tăng được mời đến tham dự, lễ phẩm ấy được chia đều.

Giữa khách Tăng và hiện diện Tăng giống nhau, nhưng hiện diện Tăng bao gồm: thường trú Tăng và khách Tăng.

- Tứ phương Tăng.

Là vật thí dành cho Tăng tứ phương như  giường ngủ, liêu cốc...Bất kỳ vị sư nào đến cũng có thể thọ dụng.

 

* PHÂN ĐỊNH BỐ THÍ THEO CÁCH HỖN HỢP

* Bố thí có hai chi: còn bao gồm nhiều cách như:

1- Bố thí (vật) dư thừa (ucchiṭṭha dāna) và bố thí (vật) không dư thừa (anucchiṭṭha dāna).

Ở đây cần phân biệt "vật dư thừa" mang ý nghĩa là "vật đáng quăng bỏ", tức là nói lên giá trị của vật thí đối với người cho.

Trong lúc đang thọ dụng vật thực có người đến xin, trích ra một số vật thực đang dùng đem cho, bố thí như vậy không gọi là "cho vật dư thừa" mà là anucchiṭṭha dāna (bố thí vật không dư thừa).

Đồng thời sự cho này là tối thượng thí (aggadāna), vì loại vật thí ấy là vật cần thiết cho người đang thọ dụn, bao giờ người ấy dùng bữa ăn xong, đem cho những loại vật thực còn lại, tuy chúng chưa dùng đến (trên bàn ăn), gọi là bố thí vật dư thừa.

Một người có hai chiếc y, đang mặc chiếc y có giá trị, một chiếc không có giá trị thì chưa dùng đến. Có người đến xin y, cho chiếc y đang mặc có giá trị là bố thí không dư thừa, cho chiếc y không có giá trị chưa dùng, gọi là bố thí vật dư thừa.

Một người chỉ có một vật dụng duy nhất, tuy có giá trị chẳng là bao, nhưng với người ấy là cần thiết, cho vật cần thiết như thế là tối thượng thí. Như ông Bàlamôn Cūḷekasātaka cúng dường đến Đức phật chiếc áo choàng duy nhất của gia đình, gọi là tối thượng thí [16]. Lược tích như sau:

Có vợ chồng Bàlamôn chỉ có một chiếc áo choàng để mặc khi đi dự lễ, khi người chồng mặc thì người vợ phải ở nhà và ngược lại, nên ông có tên là Ekasātaka (người chỉ có một áo choàng).

Một hôm, ông Ekasātaka theo chư phật tử đi nghe Đức Phật giảng pháp vào ngày Uposatha. Tâm ông vô cùng thỏa thích với pháp thoại của Đức Phật, phát tâm muốn cúng dường cái áo choàng duy nhất đến Đức Phật, nhưng lại bị tâm ái luyến chế ngự. Suốt đêm ông chiến đấu với tâm bỏn xẻn, vào cuối đêm đã chiến thắng được tâm bỏn xẻn, cúng dường chiếc áo đến Đức Phật. Ông reo lớn rằng : "Ta đã thắng, ta đã thắng". Câu chuyện đến tai vua Pasenadi (Batưnặc), ban thưởng cho ông làm chủ những vật dụng mỗi thứ bốn loại như: được thu thuế bốn ngôi làng, có được 4 tòa lâu đài, bốn voi, bốn ngựa, bốn tôi nam, bốn tớ gái ... Đức Phật dạy:

- Canh đầu ông cúng dường thì mỗi thứ sẽ là 16, canh giữa ông cúng dường thì mỗi thứ là tám, vào canh cuối mới cúng dường nên mỗi thứ chỉ còn có bốn.

Tiếp đến Ngài dạy kệ ngôn:

"Abhittharetha kalyāne.
Pāpā cittaṃ nivāraye.
Danthaṃ hi karoto puññam.
Pāpasmiṃ ramati mano.

Hãy gấp làm điều lành.
Ngăn tâm làm điều ác.
Ai chậm làm việc lành.
Ý ưa thích việc ác".
[17]

2- Bố thí  (vật chính) (aparivāra dāna) và bố thí có phụ tùng (saparivāra dāna).

Bố thí chỉ có vật chính, không có đính kèm những vật phụ thuộc, như bố thí y không có kim, chỉ ...đính kèm, hay khi bố thí cơm nhưng không có vật thực khác đi kèm, gọi là aparivāra dāna.

Bố thí ngoài vật chính còn có những vật khác đính kèm theo, gọi là saparivāra dāna.

Theo Sớ giải kinh Tướng (Nimittasutta), những đặc tướng phụ (8o tướng phụ) trên thân Bồ tát, hay Ngài có đông tùy tùng theo hầu là kết quả từ bố thí có kèm phụ tùng.

3- Bố thí hữu lậu (vattanissita dāna) và vô lậu thí (vivattanissita dāna).

Bố thí có sự mong cầu thụ hưởng những lạc thú thế gian, gọi là hữu lậu thí.

Loại bố thí này còn gọi là "nô lệ thí", vì tâm người cho đang làm nô lệ cho dục lạc thế gian, nói cách khác: "người ấy đang bị ái dục sai khiến".

Bố thí với tâm nguyện đạt được đạo, quả Níp bàn, là vô lậu thí, hay bố thí không bị trói buộc (bhujissa dāna).

Chúng sanh luân hồi là do  vô minh và ái dục tạo ra nghiệp trói buộc (upādāna kamma), Đạo - quả, Nípbàn có khuynh hướng diệt nghiệp ấy, nên bố thí với ước nguyện chứng đắc Nípbàn là vô lậu thí.

4- Bố thí (vật thí) không trong sạch (sāvajja dāna) và bố thí (vật thí) trong sạch (anavajja dāna).

Hai cách bố thí này còn có tên gọi là: bố thí hợp pháp (dhammiya dāna) và bố thí phi pháp (adhammiya dāna).

Chữ savajja nghĩa là "đang quở trách". Ở đây, vật thí không trong sạch là nói đến vật thí phát sanh không đúng pháp, như giết con vật rồi đem cúng dường, hoặc vật thí này phát sanh từ nghề nghiệp có tội, như đánh bắt cá rồi dùng số tiền này mua sắm vật cúng dường.

Có một số người có tài sản từ nghề đánh cá hay buôn bán rượu.... Sau khi nghe pháp, họ quyết định[18]: "Ta sẽ bỏ nghề bất chánh này, sẽ sống bằng nghề lương thiện".

Nhưng khi làm những nghề khác thì tài sản của họ bị suy giảm, họ lại quay về nghề cũ thì tài sản lại tăng vượng, đây là do trong quá khứ những người này đã "bố thí vật thí không trong sạch", trong hiện tại phải do duyên "không trong sạch" ấy khởi lên, quả bố thí trước mới sanh khởi, nếu như không có duyên "không trong sạch" ấy khởi lên, quả bố thí trước đó (tức là tài sản) không hiện khởi.

Điều này giải thích: vì sao một số người hành nghề không lương thiện lại giàu.

Câu chuyện Ngài Pūtigatta Tissa (Ngài Tissa có thân hôi thối) minh họa cho bố thí không trong sạch này. Tóm lược như sau:

Trong quá khứ Ngài Pūtigatta là người sinh sống bằng nghề bẩy chim. Khi chim có nhiều, bán không hết ông liền bẻ gảy cánh chim, chân chim để chúng không thể bay hay đi được.

Một lần nọ, vào buổi ăn trưa ông nướng chim lên để ăn, một vị Độc giác Phật ngự đên khất thực, ông hoan hỷ cúng dường phần ăn trưa ấy, rồi nguyện rằng: "Xin cho con chứng được an lạc pháp mà Ngài đã chứng", Đức Độc Giác chúc phúc: "icchitaṃ paṭṭhitaṃ tuyhaṃ samijjhatu...: Ước nguyện của người hãy thành sự thật đi..."

Đến thời Đức Phật hiện tại, vị ấy xuất gia trong Giáo pháp này, khi nghiệp bẻ gảy cánh, chân chim sanh khởi, vị Trưởng lão này phát sanh chứng bịnh ghẻ khắp châu thân, đồng thời không thể cử động được, mình mẩy bị mủ máu làm cho hôi thối, nên Ngài có tên là Pūtigatta Tissa.

Vào một buổi sáng, hình ảnh Ngài Tissa lọt vào võng trí của Đức Như lai,  sáng hôm đó Ngài cùng với Đức Ānanda ngự đến nơi ngụ của Pūtigatta Tissa, tự tay Ngài tắm rửa cho vị ấy, còn Đức Ānanda giặt chiếc y dính đầy mủ màu của vị ấy. Sau khi được Đức Thế Tôn tắm rửa đấp lên người chiếc y sạch, Ngài Pūtigatta Tissa cảm thấy thân an lạc, tâm phát sanh niềm tịnh tín vô biên.

Thế rồi, Đức Thế Tôn giảng pháp thoại về tấm thân ô trược đến Trưởng lão Tissa.

Kết thúc bài pháp, Đấng Như lai nói lên kệ ngôn:

"Aciraṃ vat’ayṃ kāyo.
Paṭhaviṃ adhisessati.
Chuddho apetaviññāṇo
Niratthaṃ’va kaḷingaraṃ.

Không bao lâu thân này,
Sẽ nằm dài trên đất,
Bị vất bỏ, vô thức,
Như khúc cây vô dụng"
[19]

Nghe dứt kệ ngôn, ngài Pūtigatta chứng quả Vô lậu và viên tịch trong ngày hôm ấy.

Sự cúng dường của người thợ bẩy chim là bố thí vật thí không trong sạch, nhưng ước nguyện của vị ấy là "vô lậu thí" và khi quả ác nghiệp bẻ gảy chân, cánh chim trổ  cũng là duyên khiến quả "vô lậu thí" khởi sanh.

Bố thí những tài sản phát sanh từ nghề nghiệp lương thiện, hay không sát sanh để làm thành những loại vật thực cúng dường. Đó là bố thí vật thí trong sạch.

5- Bố thí có nắm giữ (parāmaṭṭha dāna) và bố thí không nắm giữ (aparāmaṭṭha dāna).

Chữ parāmaṭṭha nghĩa là dính líu đến. Theo Abhidhamma (Atỳđàm), parāmaṭṭha chỉ cho mạn (māna), ái (taṅhā) và kiến(diṭṭhi).

Bố thí vì danh dự dòng dõi, hoặc để khoa trương hay để được khen ngợi... là bố thí dính líu đến mạn.

Bố thí mong cầu những lạc thú thế gian, là bố thí dính líu đến ái. Bố thí để sanh về cõi trời vì cho rằng cõi trời an lạc thường hằng, là bố thí dính líu đến tà kiến.

Những cách bố thí như trên, gọi là bố thí có dính mắc. Ngược lại bố thí chỉ mong chứng Nípbàn là bố thí không dính mắc hay vô lậu bố thí (vivattanissata dāna).

Nhiều việc thiện có thể được thực hiện ngoài Phật giáo hay trong thời không có Phật pháp, nhưng phần lớn đều là "bố thí có dính mắc", chỉ trong thời có Giáo pháp củaĐức Phật mới có bố thí không dính mắc.

6- Hợp trí thí (ñāṇasampayutta dāna) và ly trí thí (ñāṇavippayutta dāna).

Bố thí hiểu được nguyên nhân cùng kết quả của hành động thiện này, gọi là hợp trí thí. Một số phật tử khi thực hành bố thí có thể hiểu kết quả của thiện sự này một cách chung chung như: "bố thí thí phát sanh tài sản", nhưng cụ thể là loại tài sản nào? họ không trả lời được. Một số khác thì có sự hiểu biết hơn, trả lời rằng: "Cho ăn là cho lực, nên kết quả là có sức mạnh. Cho mặc là cho sắc, nên có quả là sắc đẹp ...". Nhưng phần lớn không quan tâm đến nhân phát sanh"việc bố thí này", tức là không biết "động lực nào khiến người ấy bố thí ?", họ chỉ hiểu chung chung:"bố thí là làm phước thế thôi".

Những người khi thực hiện bố thí mà không hiểu biết nhân quả, gọi là bố thí ly trí, như  có một số người làm theo sự bố thí của người khác.

Không hiểu biết nhân, hiểu được kết quả là "hợp trí khiếm khuyết".

Hiểu được nhân cùng với quả ở trên (cho ăn được lực, cho mặc được sắc..) tuy trí có cao hơn, nhưng vẫn còn khiếm khuyết.

Các Giáo thọ sư dạy rắng:

Tác ý trước khi cho, người cho phải nhận thức được "do động lực nào khởi sanh tác ý này: do lòng từ bi, do có đức tin, do sự cung kính...".Đó là hiểu về nhân phát sanh tác ý bố thí trước khi cho.

Về kết quả sẽ tương ứng với thí vật như: cho ăn là cho lực, sẽ được lực, nhưng sức mạnh của thân thể không liên quan gì đến Đạo - quả, Nípbàn mà người có trí đang tầm cầu cả, lực (bakla) ở đây là 5 lực: tín, tấn, niệm, định và trí lực.

Cho mặc là cho sắc, sẽ có sắc đẹp (vaṇṇa), sắc đẹp ở đây là, bốn tâm vô lượng (từ, bi, hỷ xả).

Cho xe là cho lạc, sẽ có được an lạc là kết quả, lạc (sukha) ở đây chỉ cho lạc bốn thiền chứng: Sơ thiền, nhị thiền, tam thiền và tứ thiền, nhất là Nípbàn lạc tối thắng.

"Nibbānaṃ paramaṃ sukhaṃ: Níp bàn lạc tối thượng".[20]

Cho đèn là cho mắt, sẽ có mắt tốt. Ở đây chỉ cho thiên nhãn, tuệ nhãn  (paññā cakkhu), pháp nhãn (dhamma cakkhu) và Phật nhãn (buddha cakkhu)....

Lại nữa, người bố thí với tâm cung kỉnh đến những đối tượng trong sạch, sẽ làm tăng trưởng bốn pháp là "sống lâu (āyu), sắc đẹp (vaṇṇa), an lạc (sukha), sức mạnh (bala)". Như kệ ngôn:

Abhivādanasīlissa
Niccaṃ vaddhāpacāyino
Cattāro dhammā vaḍḍhanti
Āyu vaṇṇo sukhaṃ balaṃ

"Với ai quen một lòng kính nể và tôn trọng các bậc trưởng thượng, bốn phước báu sẽ tăng trưởng: tuổi thọ, sắc đẹp, hạnh phúc và sức mạnh".[21]

Tuổi thọ (āyu) ở đây chỉ cho bốn pháp như ý (catuttha idhipāda).

Như vậy, trước khi cho biết được nhân quả, trong khi cho sẽ tác ý đến những pháp thượng nhân liên quan tương ứng với vật thí.

Còn sau khi cho thì như thế nào?.

Bất cứ một thiện nghiệp nào, sau khi hoàn thành đều phải đi kèm với trí quán (vipassanā ñāṇa), cũng vậy thí sự sau khi hoàn thành, cần quán xét rằng "người cho là vô thường, vật thí là vô thường, người nhận cũng vô thường vì đã thay đổi", quán xét như vậy để phá vỡ liên tục tưởng (santatisaññā) và khối tưởng (ghaṇasañña), người cho lẫn người nhận không còn như trước khi cho, trong khi cho mà đã thay đổi trờ thành khác.

Hoặc quán xét theo lý vô ngã: "Người cho là vô ngã, người nhận không là tha ngã, vật thí không là "của ta""...

Bồ tát Sumedha (Thiện Huệ), sau khi cúng dường thân đến Đức Phật Dīpaṅkara (Nhiên Đăng) với chư Tăng, được Đức Phật Nhiên Đăng thọ ký. Bồ tát ngồi quán tưởng để tìm những pháp hành dẫn đến giải thoát, tức là 10 pháp Balamật.[22] 

Cách thực hiện thí sự như thế, gọi là thí sự hợp trí hoàn hảo.

7- Trực tiếp thí (sāhatthaka dāna) và gián tiếp thí (ahatthaka dāna).

Chữ hattha nghĩa là "cánh tay", cho với cánh tay là trực tiếp thí, sai bảo hay nhờ người khác làm, gọi là gián tiếp thí.

8- Bố thí chu đáo (sakkacca dāna) và bố thí không chu đáo (asakkacca dāna).

Thí sự được chuẩn bị tốt đẹp, gọi là bố thí chu đáo, như trường hợp lễ dâng y, người thí chủ chuẩn bị cho cuộc lễ cúng dường y đến chư Tăng là bố thí chu đáo, còn như khi gặp một vị sa môn đang đi khất thực, hoan hỷ cùng dường vật thực tìm thấy gần đó, là bố thí không chu đáo. Một ví dụ khác như sau:

Một người sau khi hái hoa về, anh kết thành tràng hoa, trang trí xinh đẹp tràng hoa rồi mang đến cúng dường bảo tháp, đó là bố thí chu đáo. Một người muốn cúng dường hoa đến tháp thờ Xá lợi, anh đi tìm hoa có được hoa mang đến cúng dường ngay, đó là bố thí không chu đáo.

Hoặc là, trong một cuộc lễ, người thí chủ không hoan hỷ nên làm "qua quít cho xong", gọi là bố thí không chu đáo.

Trong thời Đức Phật Kassapa, có cuộc tranh cúng dường "không cúng dường (vật thí) nào sánh bằng" giữa Đức vua và dân thành Banduvatī. Sau sáu lần bất phân thắng bại.

Lần thứ 7, dân chúng thảo luận: "Lần này thí sự của chúng ta sẽ không được thiếu món chi cả".

Vào lúc sắp cung thỉnh Đức Phật Kasssapa (Ca Diếp) cùng với 68 ngàn vị Tỳ khưu đến thọ thực, kiểm tra lại lần cuối, họ thấy rằng còn thiếu món mật ong tươi và người chủ trì cuộc lễ đã cử 4 người, mỗi người mang ngàn đồng vàng  đi ra bốn cửa thành để tìm mật ong.

Một người nông dân có mang tổ mật đi đến, sau khi nghe rõ đã cúng dường tổ mật ong của mình đến cuộc đại thí. người nông dân đó là tiền thân Ngài Sivāli.[23] Đây là bố thí chu đáo.

Pāyāsi là người đứng đầu (rājañño) lãnh địa Setavyā do vua Kosala ban cho, tổ chức bố thí cho những Samôn, Bàlamôn. Nam tử Uttara không tham dự và chê trách cuộc bố thí của lãnh chúa Pāyāsi là bố thí hạ liệt.

Lãnh chúa Pāyāsi vì bố thí không chu đáo (asakkaccaṃ dānaṃ), bố thí gián tiếp (asahatthā dānaṃ), bố thí không suy xét (acittikataṃ dānaṃ), bố thí vật phế thải (apaviddhaṃ dānaṃ). Sau khi thân hoại mệnh chung, tái sanh vào cảnh giới Tứ đại vương (Catummahārājikānaṃ), trong cung điện trống không của Serīsaka.

Còn thanh niên Uttara đã bố thí chu đáp (sakaccaṃ dānaṃ), bố thí trực tiếp (sahatthā dānaṃ), bố thí có suy xét (cittikata dānaṃ), bố thí những vật thí không phải là vật phế thải (paviddhaṃ dānaṃ). Sau khi mệnh chung tái sanh về cõi trời Ba mươi ba (tāvatiṃsānaṃ)[24].

Khi so sánh quả bố thí thì bố thí trực tiếp, bố thí chu đáo có quả tốt đẹp hơn bố thí gián tiếp, bố thí không chu đáo (về khía cạnh tâm thí thì như nhau).

9- Hỷ thí (somanassa dāna) và xả thí (upekkhā dāna).

Bố thí với tâm vui thích là hỷ thí, bố thí với tâm thản nhiên là xả thí.

10- Hữu trợ thí (sasaṅkhārika dāna) và vô trợ thí (asaṅkhārika dāna).

Hữu trợ thí là bố thí có sự kích thích tác động đến, hoặc có sự nài xin của người khác trong khi người cho còn lưỡng lự, hay khi bố thí vì miễn cưỡng phải làm.

Nên ghi nhận rằng: "Một sự yêu cầu chưa hẳn dẫn đến hữu trợ thí. Như một người chưa có ý miệm bố thí, chợt có người đến quyên góp từ thiện, anh cho ngay không do dự, hành động như thế là vô trợ thí".

Khi tâm chần chừ do dự mới là hữu trợ thí, như ông Bàlamôn Cūḷekasātaka ở trên là điển hình. Tức là tự khởi ý bố thí, nhưng sau đó rút lại ý định này, rồi lại tự động viên, sau cùng thực hiện thí sự.

11- Bố thí của bậc có trí (sappurisa dāna) và bố thí của người không có trí (asappurisa dāna).

Bậc có trí thường thực hiện:

a- Bố thí chu đáo (sakkacca dāna).

b- Bố thí có suy xét (cittikatvā deti).

c- Bố thí tự tay làm (sahattha dāna).

d- Bố thí vật không đáng quăng bỏ.

e- Bố thí nghĩ đến tương lai (anāgata diṭṭhikaṃ deti).[25]

* Bố thí chu đáo (sakacca dāna).

Chữ sakkacca có nghĩa là "chu đáo", người chuẩn bị chu đáo vật thí là người có tâm tôn trọng đối tượng thọ thí và ngược lại. Cách thức bố thí này là: xem xét cẩn thận vật bố thí, như: vật thực tươi, bổ dưỡng, đáng hài lòng,  sạch sẽ, vật dụng tốt.., như gia chủ Ugga dâng chiếc ghế dài bằng gỗ chiên đàn đến Đức Thế Tôn (sđd).

Đối tượng thọ thí là bậc đáng cúng dường, thì chữ sakkacca có nghĩa là "cung kính". Tức là bố thí với tâm cung kỉnh.

* Bố thí có suy xét.

Là để tâm xem xét lại vật thí cẩn thận trước khi cho, xem vật thí có đúng như ý không? có khuyết điểm nào trong lễ thí này không?. Tuy có ý bố thí vật tốt, sai bảo người cận sự sắp xếp vật thí, trước khi cho không xem xét lại, gọi là "bố thí không suy xét".

* Vì sao phải bố thí bằng chính tự tay?.

Trong vòng luân hồi, có nhiều kiếp sống ta không có tay như chim... Trong kiếp sống này, khi được may mắn có đầy đủ cả chân tay thì nên tận dụng cơ hội, dùng chính tay mình để bố thí. Dùng chính đôi tay để bố thí là nói lên ý nghĩa "tự mình giải thoát khỏi ô nhiễm", không ai có thể giúp mình giải thoát ô nhiễm được, chỉ tự mình mà thôi.

Đức Phật có dạy:

"Attā hi attano nātho: Ta là vị cứu tinh cho chính ta".[26]

Cho dù có thấy số châu báu ở chung quanh, người không có tay không thể nhặt được chúng. Cũng vậy, có một số chúng sanh tuy hiểu thông Giáo pháp nhưng lại không chứng đắc đạo quả, như du sĩ Saccaka Nigantha chẳng hạn, đó cũng là do thiếu duyên này.

Đồng thời, tự tay làm sẽ đem đến nhiều may mắn khi còn phải tái sanh trong luân hồi.

* Bố thí vật không đáng quăng bỏ.

Ngoài ý nghĩa không đem cho những vật không có giá trị, những vật dư thừa ra. Người có trí sữa soạn vật thí đầy đủ cho những người thọ thí, không quá dư thừa phải dẫn đến quăng bỏ.

* Bố thí nghĩ đến tương lai.

Là hiểu biết rằng "hành động thiện hiện tại", chắn chắn sẽ đem đến quả tốt đẹp trong vị lai. Đây ám chỉ tin vào nhân quả, là một chi phần trong chánh tín (sammā saddhā).

* Chánh tín có bốn chi phần là:

- Tin nghiệp (kammassaddhā).

- Tin quả của nghiệp (vipākassaddhā).

- Tin chúng sanh có nghiệp là của riêng (kamassakatā) .

- Tin vào tuệ giác của Đức Phật (tathāgata bodhissaddhā)[27].

Năm cách bố thí khác được thực hiện bởi người có trí (sappurisa) là:

a- Bố thí với niềm tin (saddhā dāna).

b- Bố thí chu đáo.

c- Bố thí hợp thời (kāla dāna).

d- Bố thí với tâm tế độ (anuggahitacitto dānaṃ).

e- Bố thí không hại mình, hại người (attānañ ca parañ ca anupahacca dānaṃ).[28]

* Bố thí hợp thời (kāla dāna).

Là bố thí vật thích hợp đúng lúc, như: Trong giờ thọ thực thì vật thực là thích hợp, trong mùa dâng y kaṭhina thì cúng dường y là thích hợp....

"Này các tỳ khưu, có năm bố thí đúng thời. Thế nào là năm?.

-           Bố thí cho người vừa đến (āgantuka dāna).

-           Bố thí cho người sắp đi (gamika dāna).

-           Bố thí đến người bịnh (gilāna dāna).

-           Bố thí trong thời đói (dubhikkha dāna).

-           Phàm có những hoa quả gì gặt hái được, dành chúng đấu tiên để cúng dường các bậc có giới hạnh. (nava dāna: bố thí trái cây đầu mùa).[29]

* Người vừa đến là người đang cần những tư cụ để trú lại lâu dài, bố thí những vật ấy, gọi là đúng thời thí (kāla dāna).

* Người sắp đi xa, cần có tư cụ mới để dùng trong cuộc du hành dài.

* Người bịnh, bố thí thuốc trị bịnh cùng vật thực thích hợp, gọi là đúng thời thí.

Trong Vimāna vatthu (Thiên cung sự) có ghi mẩu truyện tóm lược như sau:

Có vị tỳ khưu hành thiền Quán, phát sanh chứng bịnh ù tai, nên pháp quán không thể tiến triển. Vị ấy trình bạch lên Đức Thế Tôn việc này, với Phật trí Đức Thế Tôn thấy rằng: "vị tỳ khưu này dùng gạch cua sẽ dứt bịnh ù tai", Ngài dạy rằng:

- Này tỳ khưu, hãy khất thực nơi ruộng của dân thành Rājagaha (Vương xá) này đi.

Theo lời dạy của Đức Thế Tôn, vị trưởng lão đi đến ruộng lúa của dân thành Vương xá để khất thực và được một nông dân cúng dường gạch cua.

Thọ dụng gạch cua nướng chín, chứng bịnh ù tai của Ngài dứt khỏi. Ngay chính tại chỗ ngồi, tâm tư vị Trưởng lão vô cùng hoan hỷ, phát triển Minh sát và chứng đắc quả vị Alahán.

Đây là ví dụ về cúng dường hợp thời đến người bịnh.

* Bố thí trong thời đói. Có hai loại thời đói:

-           Thời kỳ có nạn đói phát sanh. Như tiền thân Trưởng giả Mendaka bố thí trong lúc có nạn đói.[30]

-           Thời người ấy đang bụng đói, bố thí cả hai thời như thế, gọi là bố thí đúng thời.

Một nông dân có duyên lành đạo quả, trong lúc đi tìm bò, anh đói bụng nên đi đến Jetavanavihāra (Tịnh xá Kỳ viên) để xin tàn thực của chư Tăng. Đức Phật cho người dọn cơm đến anh, ăn xong anh nghe Đức Phật giảng pháp và chứng quả Dự lưu. Vài vị tỳ khưu thắc mắc, nhân đó Đức Phật dạy:

"Jigacchā paramā roga: Đói là bịnh tối trọng" [31]

* Bố thí không hại mình và hại người (anupaghāta dāna).

Chữ anupagghāta nghĩa là "không làm tổn hại", " có lòng nhân từ".

Bậc có trí không hề cho những vật mang tác hại đến người thọ dụng, vì chính người cho cũng bị tác hại nếu như thọ dụng những vật thí ấy.

Trong tạng Luật, bộ Tạp sự (Parivāra) có đề cập đến năm vật thí độc hại và không có giá trị.

Đó là:

-           Cho chất say (majjā dāna).

-           Cho âm nhạc (samajja dāna).

-           Cho người nữ đến người nam (itthī dāna).

-           Cho bò đực vào đàn bò cái để gây giống (usabha dāna).

-           Cho những tranh tượng khiêu dâm (cittakamma-dāna).

"Cho âm nhạc" là tổ chức những buổi liên hoan, những buổi tiệc vui, có đàn ca, múa hát.

"Cho người nữ đến người nam" là chuẩn bị các cô gái giang hồ để thỏa mãn tình dục cho người nam có ham muốn.

Đây là những vật bố thí không có đạo đức và vô giá trị, vì không đem lại lợi ích cùng tâm trong sạch cho người nhận.

Một số người nghĩ rằng "khi đem thuốc phiện cho những người nghiện sắp chết vì thiếu thuốc là bố thí mạng sống (jivita dāna)". Đây là ý nghĩ vô cùng tai hại, vì kẻ nô lệ cho chất độc hại ấy sẽ mãi mãi là nô lệ suốt cuộc sống của chất độc hại ấy, đồng thời gây nhiều tai họa đến người khác. Tương tự như thế với việc "đem cho chất say".

Chú giải Bổn sanh có đề cập "chất say đã được Vua Vessantara dùng trong các lễ đại thí (mahādāna)".

Có ý kiến giải thích rằng:

"Bồ tát Vessantara không có ý cấp rượu cho người nghiện, Ngài không muốn bất kỳ ai uống chất say. Sở dĩ Ngài bố thí chất say trong các lễ đại thí ấy, đơn thuần Ngài chỉ muốn "tránh bị chỉ trích", cho rằng trong cuộc Đại thí (mahādāna) của Ngài thiếu chất say."

Sự giải thích này không thuyết phục, những bậc đại nhân như vua Vessantara không quan tâm đến những lời chỉ trích của người khác, nhất là sự chỉ trích vô lý.

"Sự bố thí chất say đáng bị chỉ trích khi người nhận dùng để uống trực tiếp". Còn khi sử dụng nó như một gia vị, làm mất mùi, vị của vài loại vật thực khác, hay dùng làm dung dịch hòa tan vị thuốc ở dạng riêng thì chúng không phải là vô giá trị.

Đức Phật có dạy:

"Này các tỳ khưu, trong loại dầu nấu nào (có thêm vào rượu mạnh) mà màu sắc, mùi, vị của rượu mạnh không nhận ra được thì ta cho phép uống dầu có thêm vào rượu mạnh loại như thế".[32]

Đối với những loại thuốc cần phải có nhiều rượu mạnh, chất say không thể biến chất thì chỉ được dùng làm thuốc thoa (sđd).

Do đó, nên ghi nhận rằng: "với mục đích này, vua Vessantara thêm chất say vào làm thành vật thí  cho cuộc Đại thí" .

Bố thí trái cây đầu mùa.

Cách bố thí này liên quan đến người nông dân hay người cấp dưỡng, nhưng có thể hiểu rộng là : "bố thí những thành quả đầu tiên có được, sau đó mới dùng".

Trong thành Rājagaha (Vương xá), có ông Bàlamôn tên là Pañcaggadāyaka (người bố thí có 5 điểm tối thắng):

-           Khi gặt lúa xong ông bố thí.

-           Khi đem lúa về nhà ông bố thí.

-           Khi đập lúa xong ông bố thí.

-           Khi đem lúa vào bồ ông bố thí.

-           Khi nấu cơm xong có người đến xin, chưa cho thì vị ấy chưa dùng vật thực. Do đó ông có tên gọi Pañcāggadāyaka.

Thấy được duyên lành của vợ chồng Bàlamôn này, Đức Phật ngự đi khất thực tại nhà của ông, sau đó Ngài thuyết lên kệ ngôn an trú họ vào quả Dự lưu.[33]

Mẩu chuyện khác nói về tiền thân của Ngài Aññakoṇḍañña và Ngài Subhadda.

Trong quá khứ hai vị là anh em cùng làm chung ruộng lúa, khi lúa trổ sữa đòng đòng, người em dùng phần lúa của mình cúng đường đến Đức Phật Kassapa và chư tăn, còn người anh sau khi hoàn tất thời vụ mới cúng dường.

Đến thời Đức Phật hiện tại, người em là Trưởng lão Aññakoṇḍañña vị chứng ngộ pháp trước tiên trong Giáo pháp này, còn người anh là du sĩ Subhadda khi Đức Phật sắp viên tịch mới chứng quả Alahán.[34]

Với năm cách bố thí này, mỗi cách đều mang lại đại tài sản sung mãn, ngoài ra:

-           Bố thí với đức tin (saddhā) sẽ có dung mạo xinh đẹp, dung sắc thù thắng như hoa sen.

-           Bố thí chu đáo (sakkacca dāna), sẽ được mọi người nghe theo lời và phục vụ với tâm hiểu biết (aññacittaṃ).

-           Bố thí hợp thời (kāla dāna), các vật dụng (atthā) lợi ích sẽ đến đúng lúc và sung túc (pacurā).

-           Bố thí với tâm tế độ (anuggaha dāna), sẽ thọ hưởng đầy đủ năm dục tăng trưởng (là sắc tốt, tiếng du dương, hương thơm, vị ngon ngọt và thân xúc chạm êm ái).

-           Bố thí không hại mình, hại người (anupaghāta dāna), tài sản của người này   hoàn toàn tránh khỏi năm tai hoạ (nước, lửa, vua, trộm đạo và kẻ thù nghịch hay người thừa tự ) làm hư họai.[35]

Bố thí của người vô trí (asappurisa).

Ngược lại với cách bố thí của bậc có trí, là cách bố thí của người vô trí, tức là:

a- Bố thí không chu đáo.

b- Bố thí không suy xét.

c- Bố thí không tự tay làm (như lãnh chúa Pāyāsi thay vì tự bố thí thì đã cho người hầu làm thay).

d- Bố thí đồ quăng bỏ.

e- Bố thí không nghĩ đến tương lai.[36]

Năm cách bố thí sau của bậc trí, trong kinh không dẫn ra, nhưng có thể hiểu lại như sau:

- Bố thí không tin vào luật nhân quả (asaddhiyadāna). Là bố thí làm theo người khác hay làm theo truyền thống, hoặc để tránh bị chỉ trích là keo kiết. Sự bố thí này tuy có mang lại tài sản, nhưng không là tài sản quý, đồng thời không có diện mạo xinh đẹp.

- Bố thí không chu đáo (asakkaccadāna). Tuy tài sản sẽ phát sanh từ sự bố thí này, nhưng người ấy không được người khác vâng lời.

- Bố thí phi thời (akāladāna). Tuy tài sản có phát sanh nhưng sẽ không nhiều và không đến đúng lúc, cần thì không có, không cần lại có. Nên ghi nhận: Bố thí phi thời là bố thí không thích hợp, cho dù bố thí với tâm cung kính nhất, như cúng dường ánh sáng đến Đức Phật vào ban ngày hay cúng dường vật thực đến chư Tăng sau giờ ngọ.

- Bố thí hời hợt (ananuggaha dāna), là cho với sự khinh rẻ người nhận. Tuy tài sản phát sanh từ sự thí này, nhưng người này sẽ không hưởng được những tài sản đó, hoặc là bị từ chối hoặc bị lãng quên, hay chính người ấy không biết mình có vật quý. Như có người tình cờ phát sanh viên ngọc quý, nhưng anh mang cho người khác vì không biết giá trị của viên ngọc ...

- Bố thí tổn hại mình, tổn hại người (upaghātadāna). Tuy tài sản có thể phát sanh từ sự bố thí này, nhưng không thể tránh khỏi bị hư hoại bởi năm tai hoạ. 


[1] - S.i, 32 - Phẩm thiêu cháy.

[2] - A.i, 91. Phẩm bố thí,

[3] - Đại trưởng lão Bửu Chơn – Kho tàng Pháp bảo.

[4] - A.i, 168. Phẩm các bà la môn.

[5] - M.iii, kinh Cúng dường phân biệt

[6] - Khp (Tiểu bộ Kinh), Theragāthā (kệ Trưởng lão Tăng) - phẩm năm kệ.

[7] - Milindapañhā –Đúc Giới Nghiêm dịch, q,2 –  phẩm II, câu thứ 7 : Sṭṭha dhamma.

[8] - S. iv, 238

[9] - M.i, Kinh tiểu Hữu Minh (Cūlavedallasutta).

[10] - A.i, 281.

[11] - Theo Milindapañhā (Mi –Tiên  vấn đáp). CâuGiri arahatta (cư sĩ A la hán – q3 - phẩm vi – câu thứ ba)- Đức Giới Nghiêm dịch Một số tài liệu khác thì nói là trong vòng7 ngày.

[12] - Milindapañhā – Đức Giới Nghiêm dịch, q.3 - phẩm 7, câu số 4.

[13] - M.ii, Upāli sutta (Kinh Upāli).

[14] - A.iv, 179.

[15] - M.iii, kinh Cúng dường phân biệt (dakkhiṇāvibhaṇgasutta).

[16] - DhpA, kệ ngôn số 116.

[17] - Dhp – câu 116 – Hòa thượng Thích Minh Châu dịch.

[18] - DhpA, kệ ngôn số 41.

[19] - Dhp, câu 41. Hòa thượng Thích minh Châu dịch.

[20] - Dhp, kệ ngôn số 203.

[21] - Dhp, câu 109 ( Đại trưởng lão  Narāda - Ông Phạm Kim Khánh dịch)

[22] - Buddhavaṃsa (Chánh giác tông)

[23] - DhpA, Kệ ngôn số 98,

[24] - D.iii, kinh Tệ túc (Pāyāsisutta).

[25] - A.iii, 171.

[26] - Dhp, câu số 160.

[27] - Đại trưởng lão Bửu Chơn, Kho tàng Pháp Bảo.

[28] - A.iii, 172.

[29] - A.iii, 42 - phẩm Sumana.

[30] - DhpA, kệ ngôn số 416.

[31] - Dhp, kệ ngôn số 203.

[32] - Luật Đại phẩm (Mahāvagga), chương dược phẩm (bhesajākkhandhakaṃ), 39 – Đai đức Nguyệt Thiên dịch.

[33] - DhpA, kệ ngôn số 367.

[34] - DhpA, kệ ngôn số 11-12.

[35] - A.iii, 172.

[36] - A.iii, 171.

-ooOoo-