LÝ SĨ KHIÊM THÍCH BỐ THÍ
Vào đời Tùy có vị cư sĩ tên Lý Sĩ Khiêm, từ nhỏ đã hết sức
hiếu thuận. Ông mồ côi cha từ bé, rồi sau khi mẫu thân theo cha về thế
giới bên kia thì ông buồn thương thọ tang thủ hiếu trọn ba năm. Kỳ hạn
thọ tang vừa xong liền sửa sang ngôi nhà đang ở thành một ngôi chùa, và
từ đó lập chí nguyện không tiếp tục làm quan nữa. Cả đời ông không hề
nhấm môi dù chỉ một giọt rượu, không ăn thịt cá, hành vi lúc nào cũng
đoan chính, khẩu nghiệp hết sức thanh tịnh, từ xưa đến nay chưa từng nói
ra lời nào có liên quan đến sự giết hại.
Tiên sinh được kế thừa gia sản kếch xù do cha mẹ để lại nhưng sự sinh
hoạt, chi tiêu hằng ngày lại tiết kiệm, dè sẻn hơn cả người nghèo. Ông
mặc y phục thô cũ, ăn cơm rau đạm bạc, lúc nào cũng xem việc giúp đỡ
những người có hoàn cảnh khó khăn, nghèo đói là nhiệm vụ quan trọng
nhất.
Nếu trong thôn xóm có gia đình nào khó khăn, chẳng hạn như người chết
không có quan tài, tiên sinh liền bố thí quan tài. Anh em cãi nhau vì
phân chia tài sản không đồng đều, ông tự lấy tiền nhà thêm vào cho đủ
chia để không ai thấy thiệt thòi. Cũng không ít trường hợp khi đó cả hai
anh em đều cảm động và xấu hổ, tự thay đổi tâm tánh không còn tranh
chấp mà biết nhường nhịn lẫn nhau, yêu thương và tha thứ cho nhau, nhờ
đó mà cả hai đều trở thành người tốt.
Một hôm, tiên sinh phát hiện có người đang cắt trộm lúa trong ruộng của
mình. Ông chẳng những không hô hoán để bắt tên trộm, ngược lại chỉ lặng
lẽ bỏ tránh đi nơi khác. Mọi người trong gia đình thấy khó hiểu trước
hành động của tiên sinh liền theo hỏi, ông giải thích:
– Con người không ai không có sĩ diện, nào ai thích làm kẻ trộm? Nhưng
bởi thiên tai hoạn họa, nghèo đói bức bách nên mới bất đắc dĩ rơi vào
đường xấu. Do đó chúng ta nên khoan dung tha thứ cho anh ta đi!
Không lâu sau, người cắt trộm lúa biết được tấm lòng nhân từ của tiên
sinh, cảm động sâu sắc liền phát tâm hối cải, từ đó thề với lòng thà
chết đói chứ không làm kẻ trộm nữa. Quả thật, nhờ đó mà anh trở thành
người tốt.
Một năm nọ, mất mùa đói kém, rất nhiều người rơi vào cảnh thiếu trước
hụt sau, gia đình đói khát. Lý tiên sinh liền mở kho xuất hơn ngàn bao
tạ lúa để cứu giúp dân chúng. Đến năm sau, mùa màng lại tiếp tục thất
bát, những người mượn nợ năm trước đều không đủ khả năng trả nợ, cùng
kéo đến nhà Lý tiên sinh xin khất nợ. Lý tiên sinh chẳng những không một
lời làm khó mà còn nấu cơm thết đãi, sau đó đem tất cả giấy nợ ra đốt
sạch và nói mọi người một cách hết sức từ ái:
– Ngũ cốc trong nhà tôi được chứa trữ vốn là để cứu tế, giúp đỡ mọi
người khi hoạn nạn, tuyệt đối không có ý đầu cơ để thừa nước đục thả
câu. Hiện tại nợ nần của các vị đã hết, vậy mọi người hãy yên tâm làm ăn
đừng nên lo lắng nữa!
Mấy năm sau, lại tiếp tục gặp năm mất mùa rất nặng nề, Lý tiên sinh đem
hết tất cả gia sản ra để tổ chức việc bố thí lương thực với qui mô lớn,
cứu sống hơn vạn người đang đứng trước cái chết vì đói thiếu.
Mùa xuân năm sau, Lý tiên sinh lại tiếp tục bố thí một số lượng rất lớn hạt giống để giúp nông dân trồng tỉa vụ mùa mới.
Có người thấy việc làm của tiên sinh như thế, liền nói:
– Lý tiên sinh! Ông đã cứu sống được rất nhiều người, quả thật âm đức không nhỏ!
Ông cười xòa đáp:
– Ý nghĩa của âm đức cũng giống như việc bị ù tai, chỉ bản thân mình
biết, người khác không nghe biết được. Hiện tại những việc tôi đã làm,
anh đều biết cả, như vậy sao có thể gọi là âm đức được chứ?
Sau đó, con cháu của Lý tiên sinh đều làm ăn phát đạt, mọi người cho
rằng đây là quả báo tích đức của tiên sinh. Nhưng lúc đó lại có người
không tin đạo lý nhân quả, đưa ra lập luận rằng chẳng có sách vở thánh
hiền nào ghi chép về nhân quả cả. Lý tiên sinh ôn tồn nói:
– Ông sai rồi, đức Khổng Tử tán thán Kinh Dịch, mà trong Kinh Dịch có
nói: “Tích thiện chi gia, tất hữu dư khánh; tích bất thiện chi gia, tất
hữu dư ương.” (Nhà tích chứa điều thiện ắt sẽ có niềm vui; nhà tích chứa
điều bất thiện ắt sẽ gặp tai ương). Như vậy có thể thấy trong sách Nho
cũng nói đến đạo lý nhân quả, sao bảo là không?
Người đó hiểu ra, rất thán phục sở học của tiên sinh, lại thưa hỏi về chỗ khác biệt giữa Tam giáo. Lý tiên sinh giải thích:
– Phật giáo giống như mặt trời, Đạo giáo giống như ánh trăng, Nho giáo giống như những ngôi sao lấp lánh trên bầu trời.
Người ấy nghe được những lý luận cao thâm của Lý tiên sinh bỗng chốc liền khởi tâm hoan hỉ, tin phục.
Vào năm 66 tuổi, Lý tiên sinh thuận theo lẽ vô thường, an nhiên xả bỏ
xác thân. Người người nghe tin đều đau buồn khóc than thảm thiết. Người
đến tham dự lễ tang và tiễn đưa linh cữu có đến hơn hàng vạn.
Một đời của Lý Sĩ Khiêm được nuôi dưỡng trong giáo lý giải thoát của
Phật-đà, thấm nhuần Phật pháp, cho nên đối với gia đình hết lòng hiếu
thuận song thân, làm tròn trách nhiệm, nghĩa vụ, tình thương; còn đối
với xã hội cũng thực hành hạnh nguyện lợi tha rộng lớn, cứu độ chúng
sinh chẳng khác hàng Bồ Tát. Ông đã mang toàn bộ tài sản của mình ra để
thực hành hạnh bố thí, song trong lòng không khởi chút ý niệm tham cầu
danh thơm tiếng tốt hay kể lể công lao. Hành động này có thể nói là
những người bình thường không dễ gì làm được. Tấm gương cuộc đời của Lý
tiên sinh có thể nói là: “Sống được mọi người kính mến, lúc chết được
mọi người thương xót.”
(trích Tùy Sử – truyện Lý Sĩ Khiêm)