Giáo dục
Nhân quả báo ứng hiện đời
Đường Tương Thanh biên soạn, Nguyễn Minh Tiến hiệu đính, Đạo Quang dịch
30/10/2554 07:41 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

CHA MẸ LÀ PHẬT

Dương Phủ người huyện Thái Hòa, tỉnh An Huy, do căn lành đã trồng sâu nên tiên sinh sớm thể hội cuộc đời vô thường, sớm còn tối mất, công danh như bọt nước ngoài khơi, liền lập chí xuất gia sống đời tỉnh thức. Nghe nói đạo hạnh của Đại sư Vô Tế ở Tứ Xuyên hết sức cao thâm, vì muốn thân cận minh sư liền từ biệt song thân đến Tứ Xuyên tìm thầy cầu đạo. Vừa mới vào địa phận tỉnh Tứ Xuyên, tiên sinh may mắn gặp một vị hòa thượng đã gần 70 tuổi. Tiên sinh cung kính đảnh lễ lão hòa thượng. Lão hòa thượng từ tường hỏi:

– Con từ đâu đến đây, đến Tứ Xuyên có việc gì không?

Dương tiên sinh cung kính chắp tay đáp:

– A-di-đà Phật! Kính bạch thầy, con ở tỉnh An Huy, muốn đến Tứ Xuyên tham học với Đại sư Vô Tế.

– Con muốn gặp Đại sư Vô Tế, như thế không bằng thấy Phật.

– A-di-đà Phật! Kính bạch thầy, đương nhiên con rất muốn gặp Phật, nhưng quả thật con không biết Phật ở đâu, thỉnh lão hòa thượng từ bi chỉ bảo?

– Vậy con hãy lập tức trở về nhà, nếu gặp người nào trên thân khoác cái chăn bông, chân mang dép ngược, người ấy chính là Phật.

Dương Phủ nghe lão hòa thượng nói thế, hết sức vui mừng, tin nhận không chút nghi ngờ. Ngay lập tức tiên sinh cáo biệt lão hòa thượng, lên đường về quê. Trèo núi vượt đèo hơn cả tháng trời mới về đến nhà. Lúc đến nhà, mặt trời đã xuống núi từ lâu, các ngọn đèn trong xóm cũng dần dần thưa thớt, ông gõ cửa gọi mẹ:

– Mẹ ơi! Con vừa về, mẹ ra mở cửa cho con.

Người mẹ nghe tiếng đứa con trai của mình gọi thì mừng vui khôn tả xiết. Tuy ông bà đồng ý cho con xuất gia học đạo, nhưng trong lòng bà vẫn luôn nhớ nhung khôn nguôi, lúc nào cũng dõi theo từng bước chân của con. Vì thế, vừa nghe tiếng con thì bà vui mừng luýnh quýnh, lật đật ngồi dậy bước vội xuống giường, không kịp mặc áo, kéo đại cái chăn bông khoác lên người, líu quýu mang dép ngược, vội vội vàng vàng chạy ra mở cửa đón con...

Dương Phủ nhìn thấy mẹ khoác chăn bông, chân mang dép ngược chạy ra, tức thời nhớ lời hòa thượng và nhận hiểu được ngay ý nghĩa: cha mẹ chính là Phật sống trong nhà.

Từ đó về sau, ông hết lòng hiếu thuận, phụng dưỡng song thân. Về phương diện vật chất, ông luôn cố gắng cung dưỡng đầy đủ; còn về phương diện tinh thần, ông luôn tự mình làm nhiều việc tốt để cha mẹ vui lòng.

Dương Phủ hưởng thọ đến 80 tuổi, lúc sắp lâm chung vẫn an nhiên tự tại, đọc bốn câu kệ trong kinh Kim Cang rồi an tường ra đi.

(trích Đức Dục Cổ Giám)

LÒNG HIẾU CẢM ĐỘNG MÃNH HỔ

Dư Nhất Bằng người huyện Ngân, tỉnh Triết Giang. Bình sinh tiên sinh hết sức hiếu thuận với cha mẹ, do cảnh nhà nghèo khổ túng thiếu nên phải tạm xa cha mẹ đi nơi khác mưu sinh, đến một thôn trang ở Hải Tân dạy học.

Một buổi tối, tiên sinh nằm mộng thấy chuyện lạ, giựt mình tỉnh giấc nói với người chủ nhà:

– E rằng cha tôi ở quê bị bệnh nặng, tôi xin phép được về nhà thăm cha gấp.

Trên đường về nhà đi ngang qua một ngọn núi vắng, bỗng gặp một con hổ rất lớn. Do tâm chí thành muốn được về thăm cha nên tuy đối diện với nguy hiểm như thế mà Dư Nhất Bằng vẫn bình tĩnh không chút sợ hãi, thầm cầu nguyện trong lòng một cách hết sức thành khẩn: “Phụ thân ta bị bệnh nặng, phải gấp rút trở về hầu hạ chăm sóc; xin lão hổ thương tình, không nên cản trở bước đường của ta.”

Thật kỳ lạ, dường như con hổ đó hiểu được nỗi lòng của tiên sinh, nó tỏ ra hết sức cảm động, quay đầu bỏ đi.

Dư Nhất Bằng về đến nhà, phụ thân của ông trước đó đã bị hôn mê bất tỉnh, không còn biết gì cả. Lạ thay, vừa lúc ông về đến liền tươi tỉnh trở lại, nói:

– Con yêu của cha! Trên đường con trở về có gặp hổ không?

Dư Nhất Bằng lấy làm lạ, hỏi lại:

– Quả là con có gặp hổ, nhưng làm sao cha biết được?

Người cha nói:

– Lúc nãy cha bị người ta bắt đưa xuống minh phủ, nghe hai người mặc áo lụa đào nói chuyện, mới biết được thọ mạng của cha đã hết. Song do lòng hiếu thuận của con nên khiến cho mãnh hổ cũng cảm động bỏ đi, mà cha đây cũng được sống thêm một giáp nữa.

Sau đó, bệnh tình của phụ thân ông quả nhiên thuyên giảm, rồi sống đúng một giáp nữa mới lìa trần.

(trích Đức Dục Cổ Giám)

Các tin đã đăng: