CHỊU ĐÓI GIÚP NGƯỜI
Dương Tự Trừng là người huyện Ninh Ba, tỉnh Triết Giang,
làm chức giám ngục trong nha huyện. Lúc nào tâm ý của tiên sinh cũng hết
sức nhân từ, đối xử với mọi người đều trung hậu, làm việc gì cũng tuân
thủ nội qui, đúng pháp luật. Ông đặc biệt quản lý tội nhân hết sức công
bằng và rộng lượng. Nhưng quan huyện bấy giờ tính tình rất hung dữ, tàn
khốc, khi hỏi cung tội phạm thì sắc mặt hùng hổ như muốn ăn tươi nuốt
sống phạm nhân, thậm chí có khi còn dùng đến cực hình. Vào thời ấy, nha
huyện cũng chính là cơ quan chấp pháp hành hình.
Một hôm, quan huyện bắt được một tội phạm. Ông cho rằng tên tội phạm này
tính tình độc ác, liền ra lệnh cho lính canh bắt người ấy phải quì
xuống, sau đó dùng gậy đánh mạnh vào người y cho đến khi khắp người máu
me lai láng, cảnh tượng thật bi thảm không dám nhìn.
Người bị đánh quằn quại đau đớn bởi cực hình, song vẫn không chịu khuất
phục, do đó càng làm cho quan huyện nổi trận lôi đình, tiếp tục ra lệnh
đánh.
Dương Tự Trừng không thể chịu được, bèn quì xuống xin quan huyện hãy tha cho người đó. Quan huyện trừng mắt nói:
– Người này phạm pháp, lại không khuất phục khi bị hình phạt, dù tình dù lý đều khiến cho người ta phải tức giận.
Dương Tự Trừng lại ôn tồn nói với quan huyện:
– Người xưa có dạy: “Đối với dân ngu muội phạm vào pháp luật, bậc thánh
nhân thấu tình đạt lý sao có thể sinh lòng vui vẻ mà không thương xót?”
Thưa đại nhân, vui còn không được, sao có thể tức giận?
Quan huyện nghe tiên sinh nói xong, trong lòng cảm thấy hết sức cảm động
và cũng có phần nào xấu hổ, liền nén cơn giận trong lòng xuống, ra lệnh
ngừng cực hình.
Gia đình của Dương Tự Trừng tuy hết sức nghèo khó nhưng ông không hề
nhận bất cứ quà biếu gì của ai, càng không bao giờ tham lam nhận của hối
lộ. Ngược lại, mỗi khi nhìn thấy phạm nhân ăn không đủ no, chịu cảnh
đói khát, ông còn thương xót luôn nghĩ cách giúp đỡ.
Một hôm, lính huyện dẫn đến một số phạm nhân mới. Tất cả đều bị bỏ đói
từ mấy hôm trước vì lương thực dành cho phạm nhân chưa được chuyển đến
kịp. Lúc đó, trong nhà giam cũng không thể kiếm đâu ra thức ăn. Dương Tự
Trừng nhìn thấy các phạm nhân mới đến bị đói đến nỗi bước đi xiêu vẹo,
rồi nằm thoi thóp thật đáng thương. Tiên sinh liền nghĩ cách để giúp họ,
nhưng hiện tại trong nhà tiên sinh cũng không có nhiều gạo nên không
biết phải làm sao.
Thế là tiên sinh liền trở về bàn bạc với vợ. Người vợ hỏi:
– Phạm nhân từ đâu đến?
– Đều từ Hàng Châu giải đến, đi thuyền suốt cả ngày đêm song không có gì
ăn, do đó ai cũng đói đến nỗi ù tai hoa mắt, hơi thở yếu ớt, đáng
thương lắm!
Người vợ nghe chồng nói như vậy cũng đồng tình thương xót. Hai vợ chồng
quyết định mang hết số gạo hiện có trong nhà ra để cứu giúp phạm nhân.
Dù biết là làm như thế thì hai vợ chồng sẽ phải chịu đói, nhưng nghĩ đến
sự đói khổ mà những phạm nhân đang phải chịu nên vợ chồng ông vẫn quyết
ý làm.
Suốt đời tiên sinh làm được rất nhiều việc phước thiện, thường không
tiếc công sức giúp đỡ những người khốn khó. Về sau, quả nhiên con cháu
của tiên sinh đều hiển đạt. Người con trưởng là Thủ Trần, con thứ là Thủ
Chỉ đều làm đến chức quan Lại bộ thị lang; cháu đích tôn là Mậu Nguyên
giữ chức Hình bộ thị lang; người cháu thứ tên Mậu Nhân làm Tuần sát sử ở
Tứ Xuyên, đều là những đại thần nổi tiếng.
Sách Đức Dục Cổ Giám có lời khen ngợi tiên sinh Dương Tự Trừng rằng:
“Làm người cai ngục mà có khả năng tích đức hành thiện, thu hoạch được
phước báo như thế. Tại sao người xưa nói rằng trong chốn công môn tu
hành rất tốt? Vì ở đó lúc nào cũng có những cảnh tượng thẩm tra tội
phạm, nhiều khi người nghèo lại bị liên lụy, người oan khuất lại bị kết
án khổ sai, người ngu dốt bị khinh khi, người yếu thế bị áp bức, kêu
trời khóc đất chẳng biết tỏ cùng ai. Nếu người trong nha môn biết thấu
tình đạt lý, muôn dân sẽ được nhờ, có thể cứu tế những gian khổ nguy
cấp, giúp đỡ khoan dung cho người, tuy rất khó làm nhưng kết quả vượt xa
hơn việc lành của người đời trong cuộc sống bình thường.”
(trích Đức Dục Cổ Giám)