Giáo dục
Nhân quả báo ứng hiện đời
Đường Tương Thanh biên soạn, Nguyễn Minh Tiến hiệu đính, Đạo Quang dịch
30/10/2554 07:41 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

LÒNG HIẾU CẢM ĐỘNG HÀI CỐT CHA

Cuối đời nhà Chu có pháp sư Đạo Phi người làng Quý Trụ, Trường An, tỉnh Thiểm Tây. Từ nhỏ thầy đã nuôi chí nguyện xuất gia, đến năm 7 tuổi thì chính thức xuất gia nhập đạo. Năm thầy 19 tuổi, Trường An xảy ra chiến tranh loạn lạc, thầy đưa mẹ lên Hoa Sơn lánh nạn, hai mẹ con trú trong một hang động. Thời cuộc nhiễu nhương, đời sống khó khăn, việc khất thực hằng ngày thật cũng không dễ dàng, thầy chỉ thường xin được chút đỉnh thức ăn vừa đủ nuôi mẹ, còn phần mình phải ăn rau dại trái rừng đắp đổi qua ngày.

Mỗi bữa ăn, người mẹ đều hỏi thầy:

– Con à! Con đã ăn no chưa?

Mặc dù bụng đói cồn cào nhưng vì sợ mẹ lo lắng nên thầy luôn cung kính đáp rằng:

– Thưa mẹ! Con đã ăn rất no rồi ạ!

Cha thầy trước đây từng tham gia chiến trận và bỏ xác tại Hoắc Sơn. Mẹ thầy vì quá thương nhớ chồng nên rất mong muốn tìm được hài cốt của chồng về an táng. Một hôm, bà nói với thầy:

– Con à! Cha con đã bỏ xác trong trận chiến tại Hoắc Sơn, hiện nay hài cốt vẫn còn không biết đang nằm lạnh lẽo ở nơi đâu. Con hãy đi tìm hài cốt của cha con về an táng để mẹ được sớm hôm nhang khói cho ông.

Pháp sư vâng lời mẹ, lập tức lên đường đến Hoắc Sơn tìm kiếm hài cốt của cha. Nhưng đến nơi rồi, thầy nhìn thấy khắp nơi trên bãi chiến trường toàn là xương trắng, bộ xương nào cũng giống hệt như nhau, không thể phân biệt để biết được bộ xương nào là di cốt của cha thầy.

Thầy liền ở lại ngay trên bãi chiến trường xưa, ngày đêm tụng kinh niệm Phật, phát nguyện rằng:

– Hôm nay con hết lòng muốn tìm lại hài cốt của cha, nguyện cho trong bãi xương trắng này, nếu bộ xương nào có thể tự nhiên chuyển động thì đó chính là di cốt của cha con.

Thầy đem hết tâm ý thiền quán nhiều ngày ngay giữa bãi chiến trường xưa còn đầy sát khí mà lòng không chút nao núng, sợ sệt, chỉ luôn một lòng nghĩ đến việc cố tìm cho được hài cốt của cha. Ban ngày thầy đi lang thang giữa bãi xương trắng, mắt chăm chú nhìn vào từng bộ xương; đêm đến thầy lại chuyên tâm tụng kinh niệm Phật, trải qua suốt nhiều ngày như vậy.

Thế rồi một hôm, trong lúc thầy đang chăm chú nhìn vào một bộ xương trắng, bỗng thấy từng đoạn xương như tự nhiên động đậy. Thầy tiếp tục chú tâm quan sát, lát sau lại thấy nhiều đoạn xương đã văng ra cách đó một khoảng xa cũng tự nhiên di chuyển và cuối cùng ghép lại thành một bộ xương hoàn chỉnh. Thật là kỳ lạ đến mức không sao tưởng tượng được! Thầy tin chắc đó là do tâm thành của mình đã có được sự cảm ứng, nên đây chắc chắn là hài cốt của cha thầy.

Thế là thầy thu nhặt trọn bộ hài cốt đó cho vào một cái túi vải rồi lập tức lên đường về nhà. Lạ thay, chính ngay trong đêm đó mẹ thầy nằm mộng thấy chồng về báo rằng con trai đã tìm được hài cốt của ông.

Quả nhiên, chỉ mấy hôm sau thì pháp sư Đạo Phi đưa hài cốt cha về đến nhà. Cứ theo những sự linh ứng trùng hợp này thì nhất định sự tìm kiếm của thầy đã đạt được kết quả chính xác, không thể có nhầm lẫn. Thầy liền tổ chức lễ an táng hài cốt của cha thật nghiêm trang, kính cẩn.

Về sau, pháp sư Đạo Phi thường được nhà vua thỉnh vào cung thuyết pháp và ngài đã dùng giáo pháp giải thoát của đức Phật để cảm hóa đức vua cũng như nhiều vị quan chức đương triều, giúp họ biết làm lành lánh dữ, tạo phúc cho dân. Vì thế, pháp sư luôn nhận được sự kính trọng đặc biệt của nhân sĩ khắp nơi, từ trong cung cho đến bên ngoài.

Lòng hiếu thảo như pháp sư Đạo Phi thật đáng kính phục thay! Ngài tự mình chịu đói để dành cơm nuôi mẹ, lại dùng tâm chí thành để cảm ứng tìm được hài cốt của cha, thật là bậc đại hiếu, có thể nói là xưa nay hiếm thấy, có thể làm tấm gương sáng để muôn đời noi theo.

(trích Cao tăng truyện)

GƯƠNG HIẾU THUẬN

Vào triều Minh, tại làng Phú Mỹ, quận Linh Lăng có một người phụ nữ góa chồng, người ta thường gọi là bà Mã Ổn. Gia cảnh bà chỉ vừa đủ ăn, có hai đứa con trai là Mã Văn và Mã Võ, đều được bà lo cho ăn học đàng hoàng.

Mã Văn lanh lẹ, học hành thông suốt, năm 12 tuổi đã nổi danh khắp huyện, còn Mã Võ tính tình chậm lụt, học hành không có tiến bộ, đành trở về nhà lo chuyện buôn bán làm ăn.

Một hôm, bà Mã Ổn gọi Mã Văn vào bảo:

– Con à! Nay con cũng đã 17 tuổi rồi, mẹ lại già nua, vậy con xin phép nghỉ học ít hôm, ở nhà để mẹ lo việc cưới vợ cho con, để một mai mẹ có nhắm mắt cũng được yên lòng phần nào.

Mã Văn nghe mẹ nói đến chuyện lập gia đình liền vòng tay cung kính thưa:

– Thưa mẹ! Mẹ dạy con đâu dám cãi lời, nhưng con nghĩ hiện nay con có ba điều chưa nên cưới vợ. Thứ nhất, dâu hiền khó kiếm, duyên nợ khôn lường. Nếu may gặp được duyên lành thì chẳng nói làm chi, còn ngược lại như gặp duyên xấu, cưới nhằm người vợ không được hiếu thuận, e rằng chỉ càng làm cho mẹ phải thêm mệt nhọc lo lắng mà thôi. Thứ hai, ân đức sinh thành dưỡng dục của cha mẹ khác nào như trời cao đất rộng, thăm thẳm mênh mông, từ khi con lớn khôn đến nay, nỗi khó nhọc của mẹ cũng chưa vơi được bao nhiêu, thế mà nay đã phải nhọc nhằn lo bề gia thất cho con, lòng con thật áy náy. Thứ ba, con làm thân nam nhi mà chưa lập được chút công danh sự nghiệp gì, nay đã vướng vào đường thê tử, e rằng như vậy sẽ không còn có dịp để làm rạng rỡ tông đường. Thưa mẹ, việc cưới vợ con nghĩ cũng không gấp gáp gì, đợi sau khi con công thành danh toại rồi sẽ tính cũng chẳng muộn màng chi, xin mẹ hãy nghĩ lại.

Không ngờ bà Mã Ổn nghe con nói thế lại nổi giận đùng đùng, lập tức lớn tiếng quát mắng:

– Nay mẹ đã già rồi, việc cần làm thì mẹ bảo con làm, tuyệt đối con không được cãi lại. Mẹ nay đã gần đất xa trời, cả hai anh em con đều khôn lớn cả, nếu lúc này không lo cưới vợ về phụ giúp công việc trong nhà thì còn đợi đến bao giờ nữa? Hay là con muốn thấy mẹ làm lụng vất vả suốt ngày, hết lo ngoài lại đến lo trong, từ những việc xách nước, giã gạo, nấu cơm, quét nhà... đều chẳng có ai thay mẹ? Hơn nữa, những lúc trái gió trở trời, ốm đau bệnh tật, có ai là người giặt giũ hong phơi áo quần cho mẹ, ai là người chăm sóc thuốc thang, lo chuyện cơm cháo cho mẹ? Chẳng lẽ con phải bỏ cả chuyện học hành để lo những chuyện đó?

Mã Văn nghe mẫu thân lớn tiếng rầy la thì sợ sệt, cung kính thưa:

– Thưa mẹ! Xin mẹ bớt giận, thật lòng con đâu dám cãi lời mẹ dạy, cũng muốn có thêm người nhà để đỡ đần mọi việc giúp mẹ. Nhưng con thấy gia đình mình còn nghèo, tiền gạo thiếu trước hụt sau, sợ mẹ lo lắng nhiều việc sinh bệnh nên mới xin trì hoãn việc này. Nếu ý mẹ đã quyết thì con xin nghe, tuyệt đối không dám cãi lại nữa!

Mã Văn lại theo vuốt ve năn nỉ hồi lâu bà Mã mới chịu nguôi giận. Bà nói:

– Mẹ chỉ nói ra cho con biết thế thôi, chứ việc này mẹ đã tự có chủ ý sắp xếp xong xuôi cả rồi. Mẹ đã dò hỏi được ở làng Phước Khê cách đây chừng 15 dặm có con gái nhà họ Đào tên là San Hô, năm nay vừa tròn 18 tuổi, phong thái yểu điệu, thân hình đầy đặn, nhan sắc chim sa cá lặn, công hạnh vẹn toàn. Gia đình ấy cũng là nhà có lễ nghĩa, mẹ đã mang lễ đến cầu hôn rồi, định ngày mùng 9 tháng này sẽ tổ chức hôn lễ. Nay chỉ còn có 5 ngày nữa mà thôi, con phải lo sửa soạn ngay đi cho kịp.

Mã Văn nghe mẹ nói vậy thì thấy không còn gì để bàn thêm, liền đứng dậy chào mẹ lui ra, sau đó lo dọn dẹp nhà cửa, sắp đặt các việc từ trong ra ngoài chu đáo. Đúng ngày mùng 9, chàng đem sính lễ sang nhà họ Đào, rước thẳng cô dâu về nhà lễ bái tổ tiên, ra mắt mẹ chồng rồi làm lễ hợp cẩn luôn trong ngày ấy.

Mối lương duyên này quả đúng là trai tài gái sắc. Từ khi hai người nên duyên cầm sắc, đẹp phận xướng tùy, một chữ đồng tâm thề cùng non nước. Mọi người ai cũng cho rằng đôi vợ chồng sẽ hòa hợp cùng nhau trăm năm tơ tóc, gắn chặt keo sơn, ngờ đâu chưa được bao lâu thì đã gặp phải sự tình trắc trở.

Từ khi nàng San Hô về làm dâu nhà họ Mã, mẹ con hòa nhã, chồng vợ vui vầy, tưởng như cảnh hạnh phúc chốn trần gian không còn gì hơn thế nữa. Nhưng chỉ được hơn một năm qua thì chẳng biết duyên cớ vì sao bà Mã Ổn bỗng sinh lòng ác cảm, đối xử với nàng dâu như kẻ thù nghịch, lúc nào cũng tỏ ra vẻ như căm ghét nàng đến tận xương tủy. Mỗi khi thấy nàng mặc áo quần lành lặn, bà liền mắng chửi là “đồ bán hình bán dạng”, còn thấy nàng mặc áo quần rách rưới, bà lại lớn tiếng bảo là “có ý đồ bêu xấu, bôi tro trét trấu tổ tiên nhà họ Mã”. Đến bữa ăn, dù cơm chín bà cũng bảo là sống, dù canh ngon bà cũng bảo là dở, rồi nặng lời chê bai đủ điều... Nhà cửa tuy lúc nào cũng được nàng dâu quét dọn sạch sẽ, nhưng bà luôn miệng chê là dơ nhớp. Suốt ngày nín lặng thì bà chửi là “câm như hến”, mở miệng ra nói thì bà quát tháo là “lẳng lơ, nhiều chuyện”. Thậm chí đến chuyện đi đứng của nàng dâu cũng bị bà bắt lỗi, khóc cười cũng là có tội... Dường như chỉ cần thấy bóng nghe tiếng của nàng dâu là đã đủ để cho bà căm ghét, bực tức, nên không có chuyện gì liên quan đến nàng mà bà không bắt bẻ, đay nghiến...

Mã Văn tuy cũng nhận ra sự vô lý của mẹ mình, nhưng chàng vốn là người con hiếu thuận, không bao giờ dám làm điều gì trái ý mẹ. Vì thế, biết mẹ không ưa thích nên chàng cũng không bao giờ dám tỏ vẻ yêu thương âu yếm người vợ trẻ. Bởi vậy mà vợ chồng sống chung một nhà nhưng vợ không dám ngó chồng, chồng không dám nhìn vợ, chẳng lúc nào dám gần gũi trao đổi với nhau dù chỉ một đôi lời.

Mặc dù vậy, bà Mã Ổn cũng chưa thấy hài lòng, nên không tiếc lời đặt điều thêu dệt để trách mắng cả con trai, bảo là Mã Văn quá nuông chiều vợ, không ngó ngàng gì đến bà...

Nhưng rồi sự việc cũng không dừng lại ở đó. Thật không thể nào hiểu nổi vì sao mà lòng căm ghét của bà Mã Ổn đối với nàng dâu San Hô lại mỗi ngày một tăng thêm, mặc dù nàng hết sức hiếu thuận, luôn dịu dàng hòa nhã và chưa bao giờ dám cãi lại bà dù chỉ một lời. Công việc nhà từ sớm đến tối nàng luôn tận tụy thu xếp trong ngoài đều chu đáo, chưa từng bê trễ bất cứ việc gì. Thế nhưng bà vẫn thấy ghét cay ghét đắng nàng dâu này, chỉ cần nhìn thấy mặt nàng trong nhà là bà đã cảm thấy ăn không ngon, ngủ không yên...

Thế là một hôm bà quyết định bảo Mã Văn viết giấy ly hôn, bỏ vợ. Mã Văn cảm thấy bất ngờ choáng váng trước quyết định của mẹ, nhưng đứng trước tình cảnh ấy, quả thật chàng cũng không biết phải làm sao. Nếu thuận theo ý mẹ mà ruồng bỏ nàng San Hô thì quả thật là bất công vô lý, vì nàng đâu có tội lỗi gì, ngược lại còn là một người vợ hiền hiếm có, một nàng dâu mẫu mực ngoan hiền. Nhưng nếu không nghe theo thì trái ý mẹ già, sợ làm cho bà giận tức mà sinh bệnh, hại đến sức khỏe hoặc tính mạng thì thật không tránh khỏi tội bất hiếu. Quả là khó xử biết bao!

Chàng nghĩ đi nghĩ lại nhiều lần mà vẫn chẳng biết phải làm sao cho phải đạo, liền đến thưa với mẹ:

– Thưa mẹ! Vợ con còn nhỏ dại, ăn ở không vừa ý mẹ nên mẹ bảo con đuổi nàng đi, việc đó con cũng không dám cãi. Nhưng nếu đuổi nàng đi rồi, mẹ lại phải lo lắng cưới vợ khác cho con, như thế há chẳng phải thêm phần khó nhọc, hao tâm tổn trí của mẹ lắm sao? Lại nếu như con cưới nhằm người vợ khác cũng dại dột như San Hô thì biết tính làm sao? Nếu đuổi đi nữa thì không khỏi mang tiếng xấu với đời, còn không đuổi đi thì thêm nhọc lòng mẹ. Con xin mẹ suy xét lại, thương tình con mà bỏ qua cho. Dù mẹ không thương vợ con, xin hãy xem như đã bỏ nó đi, chẳng phải dâu con gì nữa mà chỉ như người giúp việc trong nhà. Vậy cứ để nàng ở nơi nhà bếp, sai bảo công việc hằng ngày để mẹ được thong thả. Chỉ cần mẹ bằng lòng như thế cũng được, con nghĩ vợ con cũng không dám oán than gì, chẳng hay mẹ có bằng lòng hay không?

Những tưởng Mã Văn đã xuống nước đến như vậy chắc bà Mã Ổn sẽ hài lòng, vì xưa nay chưa từng thấy có người vợ chính thức nào lại phải chịu chấp nhận thân phận như một người giúp việc, phải ăn ở nơi nhà bếp... Xem ra thì việc hành hạ đay nghiến một con người cũng chỉ đến thế là cùng! Nào hay bà Mã Ổn lập tức nổi cơn thịnh nộ, quát tháo lung tung, quyết làm sao cho Mã Văn phải dứt tình với vợ thì bà mới chịu thôi!

Mã Văn chịu đựng những lời cay nghiệt của mẹ như búa bổ vào đầu, dao đâm vào ruột, biết là không còn cách nào khuyên giải bà được nữa, đành phải viết giấy ly hôn, đau đớn dứt tình với nàng San Hô.

Đáng thương thay! San Hô là người con gái nết na thùy mị, đức hạnh vẹn toàn, từ khi về nhà chồng chưa hề phạm phải một lỗi lầm nào, dù chỉ là nhỏ nhặt. Dù bị mẹ chồng cay nghiệt ghét bỏ, nàng vẫn một lòng thuận thảo, sớm hôm hết lòng hầu hạ chăm sóc, thế mà nay phải chịu cảnh bị gia đình chồng ruồng bỏ đuổi đi. Tình cảnh này quả thật là đớn đau oan uổng biết dường nào!

Trong xã hội ngày xưa, người phụ nữ sau khi lấy chồng là xem như đã phụ thuộc hẳn vào gia đình nhà chồng. Hơn thế nữa, nếu người nào bị chồng bỏ thì bị xem như đó là cả một mối nhục rất lớn cho gia đình cha mẹ ruột. Vì thế, nếu khăn gói trở về nhà cha mẹ thì có khác nào làm nhục mẹ cha, khiến cho họ hàng cô bác xóm giềng đàm tiếu. Vì thế, nàng San Hô quyết định dù sao cũng không thể trở về nhà cha mẹ.

Nàng mang gói hành lý thất thểu bước ra khỏi nhà họ Mã, ruột rối như tơ vò. Nhớ lại những ngày làm dâu họ Mã, từ khi gà vừa gáy thì nàng đã thức giấc, dâng nước rửa mặt, dâng trà nóng buổi sáng cho mẹ; vừa sáng ra đã lo quét tước trong ngoài sạch sẽ, lại nấu cơm, giặt giũ, xay lúa, giã gạo... chịu đủ trăm bề khổ cực, lúc nào cũng chiều theo ý mẹ chồng, thế mà nay đành phải ôm gói ra đi, thân gái dặm trường không nơi nương tựa... Càng nghĩ nàng càng thấy trong lòng đớn đau tủi nhục, không biết làm sao sống nổi trong những ngày sắp tới...

Nàng San Hô vừa bước đi mấy bước đã thấy lòng nặng trĩu như đeo đá, nhìn về phía trước mịt mờ tăm tối không còn chút hy vọng sáng sủa nào... Nàng lặng lẽ ngồi xuống một gốc cây bên đường. Trong một thoáng buồn đau tột độ, nàng rút con dao nhỏ mang theo trong người đâm thẳng vào yết hầu tự vẫn...

oo0oo

N

àng San Hô tự tay muốn kết liễu cuộc đời khốn khổ bất hạnh của mình, ngờ đâu duyên nghiệp vẫn còn chưa dứt, trong lúc máu tuôn lai láng, nàng ngã xuống ngất xỉu bên đường bỗng mơ màng ngước lên nhìn thấy một vị Bồ Tát thân mặc áo trắng hiện ra trong đám mây bạc, có tòa sen vàng đỡ gót, lọng báu che thân, dáng vẻ trang nghiêm từ hòa, tay cầm tịnh bình và nhành dương liễu, dịu dàng nói:

– Này con ơi, vì sao lại dại dột muốn tự hủy hoại thân mình như thế? Mọi việc ở đời đều do nhân quả, đều có nguyên do. Nếu con không có tội lỗi gì, đâu có lẽ nào lại vô duyên vô cớ mà phải chịu bao nỗi đắng cay khổ nhục? Chẳng qua con không nhớ được những việc làm sai trái trong tiền kiếp của mình đó thôi. Nay ta sẽ nhắc lại cho con được biết. Trong một kiếp trước, con là một thư sinh con nhà giàu có, tên là Phan Đức Tuấn, đã kết duyên với một người con gái tên Kiều Phi Nga. Duyên tình đang nồng thắm thì con có việc đi lên kinh thành, sau đó ham mê những thú vui chơi nơi thành thị mà quên hẳn người vợ chốn quê nhà, khiến cô ấy phải phòng không chiếc bóng, lạnh lẽo trông chờ năm này sang năm khác. Lại còn một kiếp khác con làm thân gái, tên là Phạm Ngọc Hà, cũng sinh trong nhà giàu sang, phú quý, kẻ hầu người hạ rất đông. Tuy vậy, chỉ có một người hầu gái được con yêu mến nhất, chủ tớ tương đắc lúc nào cũng kề cận bên nhau. Rồi người hầu gái ấy không may bị bệnh nặng, ghẻ chốc đầy người, mùi hôi hám không ai chịu nổi. Khi ấy con chẳng sinh lòng thương xót chăm sóc, lại ghét bỏ nó, đuổi ra khỏi nhà. Người hầu gái đó vốn là trẻ mồ côi, từ nhỏ đã không nơi nương tựa, không họ hàng thân thích, nên khi bị đuổi thì hết lời khóc lóc van xin, nhưng con không chút động lòng vẫn nhất quyết đuổi đi. Con hãy nghĩ xem, tình cảnh con phải gánh chịu ngày nay có khác gì cô Kiều Phi Nga xa chồng ngày trước? Lại có khác gì người hầu gái bị đuổi khỏi nhà trong lúc ốm đau? Những khổ đau ấy đều là do chính con đã gây ra cho người khác, nay chúng tìm đến với con, chẳng phải là hợp lẽ lắm sao? Nhưng dù sao thì những món nợ ấy con đã trả gần xong hết, mà phước đức con gieo trồng từ nhiều đời trước cũng sắp đến lúc được thọ hưởng. Con ngày trước vẫn thường trì niệm danh hiệu của ta, thường làm nhiều việc nhân đức cứu giúp người khác, nên hôm nay ta đặc biệt đến đây giúp con thoát khỏi tai nạn này. Này con, mẹ chồng con có một người chị tên là Châu thị, nhà ở làng Cẩm Xuyên cách đây hơn 8 dặm đường. Bà ấy là người hiền lành phúc hậu, con có thể tạm đến đó xin nương náu qua ngày, không lâu nữa sẽ đến lúc lại được sum họp một nhà.

Vị Bồ Tát ấy nói xong dịu dàng lấy nhành dương liễu từ trong tịnh bình ra, rảy nhẹ về phía nàng San Hô. Chỉ thấy như một làn sương mỏng đột nhiên lan tỏa, một cơn gió mát lành bỗng dưng thổi đến, thế là nàng bừng tỉnh dậy, thấy mình vẫn còn đang nằm dưới gốc cây, máu chảy ướt đẫm cả thân áo trước nhưng chỗ dao đâm vào thì đã lành lặn không còn dấu vết gì!

Nàng San Hô tỉnh lại rồi mà trong lòng vẫn còn bồi hồi xúc động, nhớ lại những lời được nghe trong mộng, tự thấy rõ ràng mọi việc đều có nguyên do, nhân quả báo ứng quả không sai chạy. Nghĩ đến đó liền thấy nhẹ nhõm trong lòng, bao nhiêu buồn đau khổ não bỗng nhiên tan biến hết. Nàng liền mạnh dạn đứng dậy bước đi, lần hồi hỏi thăm đường tìm đến làng Cẩm Xuyên.

Đến được làng Cẩm Xuyên rồi, nàng dò hỏi người trong làng thì quả nhiên có nhà bà Châu thị. Vì từ ngày nàng về làm dâu nhà họ Mã chưa có dịp nào được gặp bà dì chồng này, nên khi nàng tìm đến nhà thì bà không hề nhận biết. Nàng đánh liều bạo dạn cúi đầu chào rồi thưa:

– Thưa dì! Con tên là San Hô, vợ của chàng Mã Văn, là con dâu bà Mã Ổn.

Bà dì mừng rỡ khi nghe nàng xưng tên, liền rối rít hỏi thăm tin tức gia đình bà Mã Ổn, lại cũng hỏi xem duyên cớ gì nàng phải thân gái lặn lội đường xa nguy hiểm một mình đến đây.

Nàng San Hô không nén được nỗi xúc cảm trong lòng, tức tưởi khóc hồi lâu rồi mới lần hồi kể lại hết mọi việc cho bà dì chồng nghe. Nàng nói:

– Thưa dì, con đã nghĩ quẩn thấy chỉ còn một cách là quyên sinh thủ tiết vì sợ thân gái ra đường e không thể tự giữ được mình, không ngờ sau khi tự vẫn lại Bồ Tát hiển linh cứu sống, lại mách bảo cho con đến đây tìm dì. Mong dì thương xót nhận cho con nương náu nơi này.

Bà dì ôn tồn nói:

– Con à, chỉ cần nghe qua là dì cũng đủ biết mẹ chồng con tâm tính không được hiền hòa, cho dù con có khéo léo, giỏi giang cách mấy cũng khó bề ở được. Thôi, con đừng sợ, cứ yên tâm ở đây với dì, không sao đâu mà ngại.

Từ đó, nàng San Hô nương náu ở nhà bà Châu thị. Nàng ra sức làm thuê làm mướn, hai dì cháu cùng nương nhau mà sống, cho dù bữa đói bữa no nhưng họ thương yêu nhau không khác gì mẹ con ruột thịt. Vì thế cuộc sống trôi qua thật là đầm ấm.

oo0oo

T

rở lại nơi làng Phú Mỹ, sau khi bà Mã Ổn đuổi nàng San Hô đi rồi liền sắm sửa lễ vật cưới vợ cho người em là Mã Võ.

Người con dâu mới này là con nhà họ Lâm, tên là Túy Hoa, sống ở làng Đông Hồ. Cô nàng hình dung xấu xí, vừa mập vừa lùn, mặt rỗ da đen, dáng vẻ hết sức cục mịch, thô xấu, tính tình lại hung dữ, ngỗ nghịch, không biết nể nang ai cả.

Từ ngày về làm dâu nhà họ Mã, Túy Hoa hầu như chỉ e dè được một vài tháng đầu, sau đó liền bắt đầu bộc lộ bản tính hung dữ của mình. Cô ta đánh cả chồng, mắng chửi cả mẹ, lại còn quản lý chặt chẽ cả chuyện ăn ngủ làm lụng trong nhà. Có những hôm gặp việc tức giận, cô ta bỏ đói cả nhà không cho ai ăn uống gì cả, chỉ tự nấu ăn riêng một mình. Nghĩ cũng thật là lạ, chẳng hiểu sao mà từ bà Mã Ổn cho đến hai người con trai, ai cũng răm rắp nghe theo cô ta mà không dám tỏ một lời kháng cự. Dân dần thì mọi công việc trong nhà như nấu cơm, quét dọn, xay lúa, giã gạo... ba người phải chia nhau mà làm, riêng nàng dâu quý hóa này chỉ biết ăn chơi, nhỏng nhẻo, dạo chơi chỗ này chỗ khác, không phải làm việc gì cả. Thậm chí cô ta còn thô bạo đến mức xưng hô bất nhã với cả chồng và anh chồng, lại thường xuyên nặng lời chửi mắng mẹ chồng, thật là ngang ngược vô cùng, không thể nói hết.

Thương hại cho bà Mã Ổn, không biết cái oai phong oanh oanh liệt liệt đối với nàng San Hô thuở trước nay bà đã cất vào đâu, không thấy đem ra đối chọi với con dâu hung dữ này. Thảm thay! Quần áo rách rưới không có tấm giẻ vá, thường xuyên đói khát chẳng có bữa nào được ăn no, vậy mà không hiểu sao cả nhà họ Mã vẫn cam chịu sự hành hạ áp chế của đứa con dâu quá dữ dằn này. Than ôi! Sự đời đúng là có vay có trả, quả báo rõ ràng trước mắt như vậy, thật không sai chạy!

oo0oo

N

hắc lại từ khi nàng San Hô sang nương náu với bà Châu thị, hằng ngày may thuê dệt mướn, nhịn ăn nhịn mặc, tích cóp được đồng nào lại mua thịt cá hay bánh trái nhờ bà Châu thị gửi về cho mẹ chồng, mỗi tháng ít nhất cũng được vài ba lần. Mỗi lần như thế, nàng đều dặn bà Châu:

– Thưa dì! Nếu mẹ con có hỏi, xin dì dặn người mang thức ăn qua đó hãy nói là của dì gửi cho, đừng nói là của con, sợ mẹ chồng con giận mà không ăn.

Mẹ con bà Mã Ổn bị Túy Hoa khắc bạc làm cho thèm khát lâu ngày, mỗi lần nhận được thức ăn từ người chị gửi qua cho thì vừa mừng vừa tủi, nghĩ gia đình mình cũng không đến nỗi đói cơm rách áo mà nay phải ra cơ sự này, thật không nói nên lời! Rồi mẹ con mang đi giấu kỹ, chờ đến khuya mới dám chia nhau ăn, vì sợ Túy Hoa nhìn thấy sẽ đánh chửi. Ba mẹ con thường xuyên nhận được quà bánh như vậy rất lấy làm biết ơn bà Châu thị, trong lòng lúc nào cũng thầm cảm tạ.

Một hôm, Mã Văn qua làng Cẩm Xuyên thăm dì và hỏi mượn một ít tiền. Không ngờ khi đến đó, dì cháu trò chuyện và cơm nước xong rồi, Mã Văn đứng dậy xin phép dì ra về thì nàng San Hô cũng vừa về đến. Nàng mừng rỡ chạy đến ôm chầm lấy chồng, khóc nức nở rồi nói:

– Em có tội gì mà mẹ đuổi xua, còn anh lại nỡ để em lưu lạc như thế này.

Mã Văn nghẹn ngào không nói được thành lời, ôm vợ hồi lâu rồi chỉ biết gạt nước mắt quay về nhà, lại cũng giấu kín không dám hở môi cho mẹ biết chuyện gặp nàng San Hô ở nhà dì.

Thời gian thấm thoát trôi qua, đã gần được hai năm kể từ khi cô nàng Túy Hoa về làm dâu nhà họ Mã. Do ăn uống thiếu thốn, cộng thêm tâm trạng lo buồn, bà Mã Ổn phải lâm trọng bệnh. Bà Châu thị hay tin em bị bệnh liền lập tức sang thăm.

Trong lúc chuyện trò, bà Châu buột miệng hỏi:

– Dì nó đau sao mà đau ốm dữ vậy?

Bà Mã Ổn thút thít khóc một hồi rồi nói khẽ:

– Hai năm nay em chẳng lúc nào được ăn no cả chị ơi!

– Sao dì nó lại ra nông nỗi này?

Bà Mã Ổn khoát tay, chỉ xuống nhà dưới mà không dám nói chi cả. Bà Châu lại hỏi tiếp:

– Vậy chứ con vợ của thằng Văn đi đâu không chăm sóc để dì phải khổ như thế?

Bà Mã Ổn thú thật:

– Con San Hô đã bị tôi đuổi đi từ năm trước rồi, đâu còn ở đây nữa!

Bà Châu thị vờ như không biết, lại hỏi:

– Tôi nghe nói rằng con San Hô siêng năng giỏi giắn, hiền đức hiếu thuận, vì sao dì lại đuổi nó đi?

Bà Mã Ổn vội nói tránh đi:

– Chắc tại nhân duyên vợ chồng nó trắc trở, làm sao em biết được! Em đuổi nó đi rồi, chắc giờ nó cũng không khỏi oán hận em thấu xương thấu tủy.

Bà Châu thị lại vặn hỏi:

– Thế mấy năm nay dì có biết ai là người thường xuyên gửi bánh trái, thức ăn cho dì đó không?

Bà Mã Ổn tròn xoe mắt ngạc nhiên:

– Chị hỏi gì lạ vậy? Nếu chẳng phải chị thương em thì còn ai vô đó nữa?

Bà Châu thị bật cười:

– Dì nói mới lạ đấy. Tôi lo cái thân già này còn chưa xong, cơm chẳng đủ no, lấy đâu ra mà gửi bánh trái, thức ăn cho dì?

Bà Mã Ổn thắc mắc:

– Vậy không phải chị thì là ai?

Bà Châu thị nghiêm sắc mặt, nói gằn từng tiếng một:

– Chính là đứa con dâu mà dì ghét bỏ đuổi ra khỏi nhà không chỗ dung thân đó!

Bà Mã Ổn bàng hoàng thảng thốt:

– Sao lại là nó? Chẳng phải đều là những người quen của chị nhờ mang đến cho em đó sao?

– Đúng vậy, nhưng đều là do con dâu San Hô của dì đi làm thuê làm mướn, nhịn ăn nhịn mặc để dành tiền mua gửi về cho dì đó. Và nó cũng dặn tôi không được cho dì biết bánh trái, thức ăn đó là của nó mua gửi về, vì sợ dì giận nó mà không ăn.

– ???!!!

– Chưa hết đâu, từ ngày dì đuổi nó đi đến nay, nó lặn lội tìm sang nhà tôi nương náu, khổ nhọc muôn phần, nhưng tôi chưa từng nghe nó nói ra lời nào oán hận hay xúc phạm đến dì, lúc nào cũng quan tâm thăm hỏi, lo lắng cho sức khỏe của dì, cớ sao dì lại nghi oan cho nó là có lòng oán hận?

– ???!!!

– Dì thật là có mắt mà chẳng biết nhìn người. Một đứa con dâu hiếu thuận hiền lành như nó, dẫu có đốt đuốc đi tìm ba năm cũng chưa dễ đã có được, vậy mà dì nỡ đang tâm vô cớ đuổi xô nó ra khỏi nhà, lại khiến cho vợ chồng nó phải chia oanh rẽ phượng. Dì có biết là tội của dì lớn lắm đó không?

Bà Mã Ổn lặng thinh một hồi rồi nói:

– Thưa chị, em biết rồi. Quả thật em không nên làm như vậy. Bởi em ngu dại làm việc càn quấy cho nên bây giờ phải chịu báo ứng gặp phải đứa con dâu hung dữ quá chừng. Nó áp bức cả nhà em lâu nay mà chẳng biết làm sao cho thoát. Chị về cho em nhắn lời xin lỗi con San Hô vậy.

Bà Châu thị nói:

– Ai bảo dì nói chuyện lỗi phải ở đây? Nhưng nếu dì đã nghĩ lại như vậy, sao không bảo thằng Mã Văn sang đón vợ nó về, vợ chồng sum họp một nhà có phải là tốt đẹp hơn không?

Bà Mã Ổn thở dài:

– Thật lòng thì tôi rất muốn như vậy. Nhưng chị nghĩ xem, tôi đối xử với nó như vậy, liệu nó có còn muốn quay về bên tôi nữa không?

Bà Châu thị an ủi:

– Dì đừng lo, tôi dám chắc là con San Hô nó không giận gì mẹ con dì cả. Ngược lại nó còn rất mong dì gọi về.

Bà Mã Ổn nghe vậy thì mừng vui hớn hở ra mặt, cảm ơn bà chị mình rối rít vì mấy năm qua đã chăm sóc đứa con dâu giùm mình. Rồi bà lập tức gọi Mã Văn ra bảo đi theo bà Châu thị ngay hôm đó sang đón San Hô ngay. Mã Văn nghe lời mẹ dạy thì mừng vui lộ ra nét mặt, lập tức lên đường theo dì sang đón người vợ yêu quý của mình về.

Khi vừa sang đến nơi, vợ chồng gặp nhau mừng mừng tủi tủi, tình tự một lúc rồi dắt nhau ra lạy tạ đền ơn bà Châu thị.

Hôm sau, hai vợ chồng đưa nhau vừa về đến ngõ đã thấy bà Mã Ổn ra đứng ngoài đường chờ đón. Nàng San Hô nhìn thấy mẹ chồng liền oà lên khóc rồi ôm chầm lấy mẹ, tỏ vẻ nhớ nhung lâu ngày. Nàng vuốt ve khắp mình mẹ, luôn miệng xuýt xoa khi thấy mẹ bây giờ quá gầy ốm.

Bà Mã Ổn giờ đã hiểu chuyện, được gặp lại con dâu hiền thì mừng vui khôn xiết, nhưng nhớ lại nỗi khổ tâm khổ cảnh đã trải qua trong mấy năm qua thì không khỏi buồn tủi nên cũng khóc òa lên. Nàng San Hô vội lựa lời an ủi, mẹ con hàn huyên quấn quýt tưởng như không còn cảnh mẹ chồng nàng dâu nào trên đời này có thể thương yêu hòa thuận đến như vậy!

Bà Mã Ổn ngập ngừng hồi lâu rồi mới nói:

– Mẹ biết mẹ có lỗi với con nhiều lắm, nếu con thương mẹ thì hãy bỏ qua đừng giận mẹ. Từ nay mẹ hứa sẽ hết lòng thương yêu con như con gái mẹ. Con ơi! Gia đình mình ngày nay nhiều chuyện rối rắm lắm, mẹ nói cũng không hết chuyện, để con về rồi sẽ biết. Giờ mẹ chỉ còn biết trông cậy vào một mình con trong lúc tuổi già thôi!

Nàng San Hô đáp:

– Sao mẹ lại nói vậy, bổn phận con là con dâu trong nhà, có bao giờ dám trách hờn gì mẹ đâu. Mẹ đã thương tưởng cho con trở về, từ nay con xin hết lòng hầu hạ chăm sóc mẹ.

Khi mọi người đưa nhau vào nhà thì gặp Túy Hoa vừa bước ra. Từ khi thấy bà Châu thị sang thăm bà Mã Ổn, nàng ta lấy làm bực dọc vì phải tiếp đãi cơm nước tốn hao, lại thấy hai bà già cứ thì thầm to nhỏ với nhau mãi, ả cố rình nghe mà không nghe được gì, càng thêm bực tức lắm. Giờ lại thấy nàng San Hô vừa mới về, Túy Hoa mới biết là hai bà đã bàn nhau chuyện ấy. Cô ta lập tức ra đòn phủ đầu, phùng mang trợn mắt quát thẳng vào mặt San Hô:

– Mày là đứa đã bị chồng đuổi, sao còn dám vác mặt về đây nữa? Nếu muốn ở đây giúp việc nhà, ăn nhờ cơm thừa canh cặn thì phải lạy xin tao đây, tao mở lòng mà cho, chứ sao mày dám tự tiện chui đầu vào nhà này? Mày phải biết, đây là nhà của tao, mày không thưa gửi với tao thì phải đi ra khỏi nhà này cho mau, đừng ở đó mà chết...

Nàng San Hô thấy ả Túy Hoa hung dữ quá, tính bề không xuôi, bất đắc dĩ phải dùng lời lẽ êm dịu thưa với nó để xin ở, nó sai làm gì thì làm nấy, không dám cãi lẫy, cố giữ cho trong nhà yên ổn, khỏi sự kình địch mà thôi.

Nửa tháng sau, Túy Hoa bực dọc bảo chồng cất nhà riêng, rồi trong nhà còn được bao nhiêu tiền gạo ả gom sạch đem về cất giữ hết. Nàng San Hô thấy vậy theo khuyên lơn an ủi mẹ chồng:

– Thưa mẹ! Tiền của là do người làm ra, nay còn mai mất, xin mẹ đừng buồn. Tùy ý cô ấy muốn lấy gì thì lấy, miễn con còn khỏe mạnh là sẽ cố gắng làm lụng nuôi mẹ, không để mẹ bị đói rách!

Bà Mã Ổn nghe nàng khuyên lơn an ủi như thế cũng thấy đỡ tủi thân phần nào, mẹ con đành an phận khổ học lây lất qua ngày. Nhờ nàng San Hô siêng năng giỏi giắn, lại khôn ngoan hiền hậu, đi đến đâu cũng được mọi người thương mến giúp đỡ nên lần hồi việc sinh hoạt trong nhà cũng ngày càng được tươm tất, đầy đủ hơn. Hơn thế nữa, những tình cảm thương yêu đầm ấm đã nhiều năm vắng bóng trong gia đình này giờ cũng đã quay trở lại. Mọi người cùng nhau chia sẻ mọi nỗi buồn vui, cùng lo lắng chăm sóc cho nhau thật là hạnh phúc.

Nàng San Hô tuy sống trong cảnh nghèo khổ túng thiếu nhưng lúc nào cũng giữ tròn lòng hiếu thuận, nghĩa thủy chung, khiến cho những người biết chuyện không ai là không kính mến. Tiếng lành đồn xa, người người đều biết đến nhân cách cao quý của nàng. Vì thế, không ít người đã tự nguyện giúp đỡ nàng vốn liếng để buôn bán làm ăn, lại có nhiều người khác tạo điều kiện giúp đỡ. Hơn thế nữa, nàng vốn là người khôn ngoan lanh lợi, làm việc gì cũng nhanh nhẹn, tháo vát nên không bao lâu thì việc làm ăn của gia đình ngày càng phát đạt, cảnh đói thiếu ngày xưa không còn nữa.

Nhà họ Mã trước đây vốn nhiều đời giàu có, nay tuy chồng bà Mã Ổn không may mất sớm, gia cảnh suy sụp, nhưng ruộng vườn đất đai vẫn còn rất rộng. Một hôm, nàng San Hô nhân buổi rảnh rỗi, thấy trong vườn cỏ mọc um tùm liền mang cuốc ra dọn xới một khoảnh nhỏ để trồng rau. Đang lúc giẫy cỏ bỗng phát hiện ở một nơi có vật gì rất cứng. Nàng cố sức cạy lên thì hóa ra đó là một phiến đá phẳng được dùng để đậy trên một cái hố nhỏ. Sau khi xê dịch được phiến đá mỏng đó sang một bên, nàng San Hô ngạc nhiên biết bao khi nhìn thấy bên dưới cái hố nhỏ đó là rất nhiều những khối vàng ròng. Nàng vội vã chạy bay vào nhà báo tin với mẹ chồng, sau đó còn chạy sang nhà Túy Hoa để gọi cả hai vợ chồng cô ta đến xem.

Khi mọi người nhận ra đó chính là nơi cất giấu vàng của tổ tiên nhà họ Mã, ả Túy Hoa lập tức hối chồng mang đến một cái thúng thật lớn rồi nhanh tay chọn hết những khối vàng lớn nhất cho vào thúng mang về nhà mình. Nàng San Hô khi ấy mới cùng mẹ chồng chậm rãi nhặt sạch những thỏi vàng nhỏ mà cô ta bỏ lại. Họ nghĩ, dù sao thì bấy nhiêu đây cũng đã thừa sức giúp họ trở nên giàu có, dư ăn dư để...

Túy Hoa cùng chồng khệ nệ khiêng về cả một thúng vàng ròng. Ả lập tức mang ngay một số đến mấy nhà giàu trong xóm bán bớt để lấy tiền tiêu pha hưởng thụ. Ngờ đâu, sau khi mua vàng xong họ gọi thợ vàng đến thử mới biết đó toàn là vàng giả. Mấy người nhà giàu bị lừa gạt thì tức tối lắm, lập tức rủ nhau bẩm báo lên quan huyện. Quan huyện sau khi xác nhận sự việc liền sai người đến lục soát trong nhà Túy Hoa, quả nhiên vẫn còn rất nhiều khối vàng giả chưa đem bán. Chứng cứ lừa bịp đã rỗ ràng, cả hai vợ chồng Túy Hoa lập tức bị tống giam vào ngục, còn bị hành hạ khổ sở vì nha lại không tin vào lời khai của họ là đào được vàng giả trong vườn. Họ bị khép tội cố ý làm vàng giả để lường gạt, phải giam vào ngục để chờ ngày xử tội.

Thật không ai có thể ngờ được ả Túy Hoa vì tham mà thâm. Hóa ra những khối vàng lớn đều là vàng giả, có lẽ đã được trộn lẫn vào để đánh lừa kẻ trộm, còn những thỏi vàng nhỏ thì đều là vàng thật. Khi ấy, nàng San Hô thấy em chồng gặp nạn như vậy thì rất buồn rầu, cố năn nỉ với mẹ chồng xin tìm phương giải cứu. Bà Mã Ổn trong lòng đầy căm tức oán hận, thấy việc này xảy ra lại hả hê vui sướng, làm sao có thể đồng ý cho San Hô ra tay giúp đỡ? Dù nàng thuyết phục cách gì bà cũng nhất quyết không chịu. Bà nói:

– Quân ngỗ nghịch đó cũng nên để nó nếm mùi đau khổ, nếu có chết đi cũng là rảnh bớt nợ đời, lẽ nào con còn muốn thấy nó trở về đây để chửi mắng hành hạ mẹ con mình nữa hay sao?

Nàng San Hô theo năn nỉ thuyết phục nhiều lần mà mẹ chồng vẫn không chịu, buồn rầu không ăn không ngủ, chỉ mấy hôm đã sa sút như người bệnh nặng. Bà Mã Ổn thấy con dâu ngã bệnh thì lo lắng vô cùng, trong ý cũng xiêu lòng muốn cho phép nàng tìm phương giải cứu vợ chồng Mã Võ.

Mã Văn biết ý mẹ, lại gần thưa:

– Chuyện vợ chồng hai em con, chỉ do Túy Hoa ngu dại hung dữ nên lỗi đạo với mẹ, nhưng dù sao chúng nó cũng là con và dâu của mẹ, là em của con. Nếu chúng ta thấy vợ chồng nó bị tù tội mà không ra tay giải cứu, e rằng cũng không phải đạo, không khỏi mang tiếng xấu với đời! Huống chi San Hô là người trọng tình nghĩa, rất thương chúng nó, con sợ nàng buồn rầu sinh bệnh mà chết thì thật tội nghiệp, xin mẹ nghĩ lại.

Bà Mã Ổn nghe nói San Hô có thể vì chuyện này mà bỏ mạng thì lấy làm hốt hoảng, lập tức gật đầu ưng thuận. Nàng San Hô nghe mẹ đồng ý cho phép, mừng quá hết bệnh, vội bàn tính với mẹ bán vàng lấy tiền chuộc tội cho em. May thay cho hai vợ chồng ả Túy Hoa, nhờ có nàng San Hô dùng tiền bạc lo liệu, lại thêm Mã Văn văn hay chữ tốt được nhiều người ở công đường nể nang nên quan huyện đồng ý xét lại sự việc. Sau khi xác nhận số vàng đó chỉ tình cờ đào được trong vườn, không phải do họ cố ý làm ra để lường gạt, quan huyện liền ra lệnh phóng thích hai vợ chồng họ.

Túy Hoa được trở về từ chốn lao ngục, chịu đựng biết bao đắng cay khổ nhục, đau đớn khôn cùng, liền nhận ra rằng sự việc xảy đến với mình chính là quả báo hiện tiền, do sự tham lam và hung dữ của chính mình chứ không do ai đưa đến. Từ đó nàng ta hết sức ân hận, hối lỗi, đêm ngày suy xét hổ thẹn trăm bề. Hơn thế nữa, Túy Hoa còn được cảm hóa bởi chính sự nhân từ độ lượng của nàng San Hô, dù trải qua bao nhiêu việc cay đắng, bị xúc phạm hành hạ rất nặng nề mà chẳng những không giận ghét, còn nghĩ tình chị em hết lòng ra tay giải cứu.

Bởi vậy, từ đó về sau Túy Hoa bỗng nhiên thay đổi hẳn tâm tính, mỗi ngày đều sang thăm viếng mẹ chồng, đối xử thuận thảo, hiếu nghĩa, hết lòng thờ kính, lại cũng trở nên mềm mỏng dịu ngọt với chồng, không còn giữ thói hung dữ ngang nghạnh như ngày trước nữa. Đặc biệt, đối với San Hô nàng hết lòng kính phục, không bao giờ còn dám tỏ thái độ hung dữ, lấn lướt như xưa. Chỉ ít lâu sau, nàng lại xin phép bà Mã Ổn được dọn về ở chung nhà như cũ, để được sớm hôm lo lắng việc nhà và chăm sóc mẹ chồng thay chị. Nhờ đó, nàng San Hô mới được rảnh tay lo phát triển việc mua bán khắp gần xa, khiến cho nhà họ Mã ngày càng phát đạt, còn phần Mã Văn cũng được chuyên tâm đèn sách nên việc học của chàng tiến bộ rất nhanh.

Sau đó khoảng nửa năm thì bà Mã Ổn lâm bệnh qua đời. Cả vợ chồng Mã Văn và Mã Võ cùng chung lo ma chay thật trang nghiêm long trọng. Tội nghiệp cho Túy Hoa, vì nàng thật lòng cải hối nên thấy mẹ sớm ra đi, cứ nghĩ mình chưa đền trả hết được những tội lỗi với mẹ trước đây, nàng đập mình đập mẩy, ngã lăn xuống bên cạnh quan tài khóc lóc thảm thiết, tưởng như chỉ còn một cách chết theo chứ không sao sống nổi! Nàng thống thiết kể lể:

– Mẹ ơi! Sao mẹ không sống trọn trăm tuổi cùng con, để con được nuôi dưỡng đáp đền, chuộc lại cái tội ngỗ nghịch bất hiếu xưa kia. Sao mẹ nỡ bỏ con mà đi sớm vậy!

Cô khóc kể bi thảm suốt ngày đêm, không màng ăn uống, ai nấy đều động lòng rơi lệ. Thật không thể ngờ được rằng đứa con dâu ngỗ nghịch hung dữ ngày nào giờ đây lại có thể được cảm hóa thay đổi trở thành như thế!

Than ôi! Đời người có ai không lầm lỗi, nhưng có lỗi mà biết ăn năn sám hối như Túy Hoa tưởng cũng là ít có, thật đáng trân trọng biết bao!

Sau ba năm để tang mẹ, chàng Mã Văn gặp lúc triều đình mở khoa thi liền ứng thí, đỗ hàng cử nhân. Năm sau đến kỳ thi hội, chàng lại đỗ bảng nhãn, làm quan đến chức Thượng trụ quốc công, quyền cao chức trọng, bổng lộc tràn đầy. Một nhà họ Mã từ đó về sau vinh hoa phú quý chẳng ai bằng, lại càng cố công vun bồi cội phúc.

Các tin đã đăng: