PHẦN I
MỤC ĐÍCH CỦA CUỘC ĐỜI
(tiếp
theo)
-ooOoo-
CHƯƠNG 3
RÈN LUYỆN TÂM
ĐỂ CÓ HẠNH
PHÚC
CON ĐƯỜNG ĐI TỚI HẠNH PHÚC
Nhận biết trạng tình trạng tinh thần là nhân tố
hàng đầu để đạt hạnh phúc, đương nhiên việc này không phủ nhận những nhu cầu căn
bản như thực phẩm, quần áo, chỗ ở cần phải có. Nhưng một khi những nhu cầu căn
bản đã được đáp ứng, lời nhắn nhủ này thật rõ ràng: Chúng ta không cần nhiều
tiền hơn, không cần thành công nhiều hay nổi tiếng hơn, không cần một thân hình
tuyệt mỹ, hay cả đến người bạn đường hoàn hảo - ngay bây giờ, chính lúc này,
chúng ta có tâm, hoàn toàn là trang bị căn bản mà chúng ta cần để đạt hạnh phúc
trọn vẹn.
Trình bày phương pháp hoạt động bằng tâm, Đức
Đạt Lai Lạt Ma bắt đầu: "Khi chúng ta nhắc đến 'tâm' hay 'thức', có nhiều trạng
thái khác nhau. Giống như những hoàn cảnh hay các vật thể bên ngoài, một số thật
hữu ích, một số rất có hại, và một số trung tính. Cho nên khi đề cập đến vấn đề
bên ngoài, đầu tiên chúng ta thường cố gắng nhận biết những chất khác nhau này
hay chất hóa học nào tốt để ta có thể chú ý phát trưởng, tăng trưởng và sử dụng
chúng. Những chất nào có hại thì ta loại bỏ. Cũng giống như vậy, khi chúng ta
nói về tâm, có cả hàng ngàn tư tưởng khác nhau hay "tâm" khác nhau. Trong số ấy,
một số hữu ích, những cái đó chúng ta phải nắm lấy và nuôi dưỡng. Một số tiêu
cực và có hại, những cái đó chúng ta phải cố gắng giảm thiểu.
"Cho nên
bước đầu tìm cầu hạnh phúc là học hỏi. Đầu tiên phải biết những xúc cảm và ứng
xử tiêu cực có hại cho chúng ta như thế nào và những xúc cảm tích cực có ích ra
sao. Chúng ta phải hiểu những cảm xúc tiêu cực này lại không chỉ là rất xấu và
có hại cho cá nhân mà còn có hại cho xã hội cũng như tương lai toàn thế giới.
Cách nhận thức như thế nâng cao quyết tâm đương đầu và khắc phục chúng. Sau đó
sẽ hiểu ra những khía cạnh có lợi của cảm xúc và ứng xử tích cực. Một khi nhận
ra điều đó, chúng ta trở nên quyết tâm nuôi dưỡng, phát triển, và làm tăng thêm
những cảm xúc tích cực dù khó khăn đến thế nào đi nữa. Hầu như có sự tự nguyện
tự phát trong lòng. Cho nên quá trình học hỏi, phân tích những tư tưởng và xúc
cảm nào có lợi lạc và có hại, chúng ta dần dần phát triển sự quyết tâm mạnh mẽ
thay đổi cảm nghĩ: "Giờ đây chìa khóa mở cánh cửa hạnh phúc của chính tôi, tương
lai tốt đẹp của chính tôi, ở trong tầm tay tôi. Tôi không được bỏ lỡ cơ hội
đó!"
Trong Phật Giáo nguyên lý nhân quả được chấp
nhận như qui luật tự nhiên. Đứng trước thực tế, bạn phải lưu tâm tới qui luật
đó. Chẳng hạn, trong kinh nghiệm hàng ngày, nếu có những sự việc nào đó mà bạn
không thích, thì phương pháp bảo đảm tốt nhất để việc đó không xẩy ra là phải
làm cho những điều kiện nguyên nhân thường gây rủi ro cho sự việc ấy chắc chắn
không còn phát sinh nữa. Cũng tương tự như vậy, nếu bạn muốn một sự việc hay
điều đã kinh qua xẩy ra, thì điều hợp lý phải làm là tìm và thu thập những
nguyên nhân và điều kiện có nguy cơ cho sự việc ấy.
"Việc này cũng đúng với các trạng thái tinh thần
và các kinh nghiệm. Nếu bạn ham muốn hạnh phúc, bạn phải tìm ra nguyên nhân gây
rủi ro cho điều đó, và nếu bạn không muốn đau khổ, điều phải làm là bảo đảm
không để những nguyên nhân và điều kiện gây rủi ro cho điều đó phát sinh nữa.
Đánh giá nguyên lý nhân quả rất quan trọng.
"Giờ đây, chúng ta đã nói đến tầm quan trọng tột
bậc của nhân tố tinh thần để đạt hạnh phúc. Cho nên nhiệm vụ kế tiếp là quan sát
sự đa dạng của các trạng thái tinh thần mà chúng ta kinh qua. Chúng ta cần phải
nhận biết rõ ràng những trạng thái tinh thần khác nhau, phân biệt và xếp loại
chúng xem chúng có mang đến hạnh phúc hay không."
"Ngài có thể cho một vài thí dụ đặc biệt về
những trạng thái tinh thần khác nhau và mô tả cách phân loại chúng?" Tôi hỏi
Ngài.
Đức Đạt Lai Lạt Ma giải thích: "Bây giờ, ví dụ, sân hận, ganh ghét, và nóng
giận vân vân ... đều có hại. Chúng ta coi chúng là những trạng thái tiêu cực của
tâm vì chúng phá vỡ hạnh phúc tinh thần của chúng ta, một khi bạn ấp ủ cảm nghĩ
sân hận hay cảm nghĩ không tốt với ai, một khi lòng bạn tràn ngập hận thù hay
cảm xúc tiêu cực, thì người khác hình như cũng thù nghịch với bạn. Cho nên kết
quả là sợ hãi nhiều hơn, sự ức chế và lưỡng lự nhiều hơn, và cảm giác bất an.
Những thứ này phát triển, và thấy cô đơn ở giữa một thế giới bị coi là thù
nghịch. Tất cả những cảm nghĩ tiêu cực này phát triển vì cảm nghĩ thù hận. Mặt
khác những trạng thái tinh thần như ần cần tử tế, và tình thường chắc chắn là
tích cực. Chúng rất hữu dụng..."
"Tôi đúng là hiếu kỳ" Tôi cắt ngang " Ngài nói
có hàng ngàn trạng thái tâm khác biệt. Ngài có thể định nghĩa thế nào là một
người tâm lý lành mạnh hay thích ứng tốt không? Chúng ta phải sử dụng định nghĩa
này làm nguyên tắc chỉ đạo để quyết định trạng thái tinh thần nào cần phải trau
dồi và trạng thái nào cần phải loại bỏ."
Ngài cười, rồi với nét khiêm nhường nổi bật của
Ngài, Ngài trả lời: "Là một chuyên gia tâm thần học, ông phải có một định nghĩa
hay hơn về người có tâm lý lành mạnh."
"Nhưng tôi muốn đây là quan điểm của
Ngài"
"Được, tôi coi một người có lòng trắc ẩn, nồng
nhiệt, tốt bụng là lành mạnh. Nếu bạn duy trì được cảm xúc tình thương, lòng từ
ái, thì điều gì đó tự động mở cánh cửa bên trong bạn. Nhờ đó bạn có thể giao
tiếp với người khác dễ dàng hơn nhiều. Và tính niềm nở hầu như tạo ra sự chân
thật cởi mở. Bạn sẽ thấy rằng tất cả mọi con người đều giống bạn, cho nên bạn sẽ
dễ dàng liên hệ với họ. Điều này cho bạn tình thân hữu nghị. Rồi bạn ít cần phải
che đậy sự việc hơn, và kết quả là cảm nghĩ sợ hãi, sự nghi ngờ, và bất an tự
động bị xua tan. Ngoài ra nó cũng tạo cảm nghĩ tin cẩn đối với những người khác.
Mặt khác, thí dụ, bạn tìm được một người rất giỏi và bạn biết rằng bạn có thể
tin vào khả năng của người ấy. Nhưng nếu bạn cảm giác người đó không tử tế, rồi
bạn phải kìm nén cái gì đó. Bạn cảm thấy "Ồ, tôi biết người đó có thể làm được
việc, nhưng thực sự tôi có thể tôi tin người ấy không?" cho nên bạn bao giờ cũng
có một sự e sợ nào đó hồ như tạo ra sự xa cách người đó.
"Cho nên, dù sao, tôi vẫn nghĩ là trau dồi trạng
thái tinh thần tích cực như ân cần và tình thương nhất định dẫn đến tâm lý lành
mạnh và hạnh phúc hơn".
KỶ LUẬT TINH THẦN
Nghe Ngài nói tôi thấy một cái gì đó rất hấp dẫn
về phương pháp để đạt hạnh phúc của Đức Đạt Lai Lạt Ma. Điều này tuyệt đối thực
tiễn và hữu lý: Nhận biết và trau dồi những trạng thái tinh thần tích cực, nhận
biết và loại bỏ những trạng thái tinh thần tiêu cực. Mặc dù đề xuất của Ngài bắt
đầu bằng cách lý giải theo hệ thống các loại trạng thái tinh thần mà ta kinh qua
lúc đầu tôi thấy hơi vô vị, tôi dần dần bị kích thích bởi sức mạnh của sự hợp lý
và lập luận của Ngài. Và tôi thích thực tế hơn là xếp loại những trạng thái tinh
thần dựa xúc cảm, hay ham thích dựa trên trên cơ sở cmột phán xét đạo đức nào đó
bị áp đặt từ bên ngoài như " Tham là một tội ác" hay "Sân hận là tội lỗi", Ngài
xếp loại xúc cảm là tích cực hay tiêu cực chỉ dựa trên cơ sở chúng có dẫn đến
hạnh phúc cơ bản của chúng ta hay không.
Tiếp tục đối thoại với Ngài vào buổi chiều hôm
sau, tôi hỏi "Nếu hạnh phúc đơn giản chỉ là vấn đề trau dồi trạng thái tinh thần
tích cực hơn nữa như lòng tốt và vân vân... tại sao lại có quá nhiều người không
hạnh phúc?"
"Muốn đạt được hạnh phúc chính đáng, nó đòi hỏi
phải thay đổi cách nhìn, cách suy nghĩ, và đó không phải là một vấn đề đơn
giản". Ngài nói." Cần phải áp dụng nhiều nhân tố khác nhau từ nhiều hướng khác
nhau. Bạn không nên có khái niệm, chẳng hạn như, chỉ có một chìa khóa, một bí
quyết và nếu bạn có giải pháp đúng, mọi việc đều tốt đẹp. Nó cũng tương tự như
chăm sóc thích hợp thân thể, bạn cần nhiều thứ vitamin và chất dinh dưỡng, không
phải chỉ một hay hai. Cũng giống như thế, muốn đạt hạnh phúc, bạn cần có nhiều
cách giải quyết và nhiều phương pháp để đối phó và khắc phục một loạt trạng thái
tinh thần tiêu cực thay đổi và phức tạp. Và nếu bạn đang tìm cách khắc phục một
số cách suy nghĩ tiêu cực, thì không thể nào có thể hoàn tất được chỉ bằng cách
áp dụng một tư tưởng đặc biệt nào đó hay một rèn tập kỹ thuật nào đó một hay hai
lần. Sự thay đổi cần phải có thời gian. Ngay cả đến thể chất thay đổi cũng cần
phải có thời gian. Chẳng hạn, khi bạn di chuyển từ vùng khí hậu này đến vùng khí
hậu khác, có thể cần thời gian mới thích nghi được với môi trường mới. Cũng như
vậy, thay đổi tâm bạn cần phải có thời gian. Có nhiều nét đặc điểm tinh thần
tiêu cực, cho nên bạn cần phải chăm chú và phản ứng từng nét đặc điểm một. Điều
này không dễ dàng. Cần phải áp dụng đi áp dụng lại hàng loạt kỹ thuật khác nhau
và có thì giờ để tự bạn quen dần với sự thực hành. Đó là tiến trình học
hỏi.
"Nhưng tôi nghĩ rằng với thời gian bạn có thể có
những sự thay đổi tích cực. Mỗi ngày, ngay khi bạn thức dạy, bạn có thể phát
triển một động cơ suy nghĩ tích cực thành thực."Tôi sẽ sử dụng ngày hôm nay theo
một đường lối tích cực hơn. Tôi không nên phí phạm ngày hôm nay. Và buổi tối
trước khi lên giường, kiểm lại xem bạn đã làm được những gì, hãy tự hỏi "Tôi đã
sử dụng ngày hôm nay theo như đã trù tính chưa? Nếu như mọi việc diễn ra đúng,
bạn nên vui mừng. Nếu không đúng, hãy hối tiếc việc bạn đã làm và tìm ra lỗi lầm
ngày đó. Cho nên, nhờ những phương pháp như vậy, bạn có thể dần dần củng cố khía
cạnh tâm tích cực của bạn. "Giờ đây, thí dụ, trường hợp của riêng tôi, là một
nhà sư Phật Giáo, tôi tin tưởng vào Phất Giáo, và nhờ kinh nghiệm bản thân mà
tôi biết sự tu tập Phật Giáo giúp cho tôi rất nhiều. Tuy nhiên vì thói quen, qua
nhiều tiền kiếp, một số sự việc có thể phát sinh như nóng giận và luyến ái. Cho
nên bây giờ những gì tôi cần làm trước nhất là học về giá trị tích cực của sự tu
tập, rồi xấy dựng quyết tâm, và rồi cố gắng thi hành chúng. Lúc đầu việc tiến
hành tu tập tích cực còn không đáng kể, nên ảnh hưởng tiêu cực vẫn còn mạnh. Tuy
nhiên, cuối cùng, khi bạn càng ngày càng củng cố được sự tu tập tích cực, ứng xử
tiêu cực tự động giảm thiểu. Cho nên, thực tế là thực hành "Pháp" [*] là một
cuộc chiến không ngưng ở bên trong, thay thế tính nết hay thói quen tiêu cực
trước đây bằng phản xạ tính nết mới tích cực."
[*] Chữ Pháp có nhiều nghĩa rộng mà không
có chữ Anh nào tương đương. Chữ này thường được dùng để nói về giáo lý hay học
thuyết của Đức Phật, gồm có truyền thống kinh điển cũng như lối sống và sự hiểu
biết tinh thần do áp dụng giáo lý. Đôi khi người Phật Tử dùng chữ này trong ý
nghĩa tổng quát hơn - có nghĩa là tu tập tinh thần hay tôn giáo trong luật tinh
thần phổ biến thông thường, hay bản chất thực sự của hiện tượng - và sử dụng
thuật ngữ Buddhadharma (Phật Pháp) để tham chiếu cụ thể hơn về nguyên tắc
và sự tu tập của Phật Đạo. Tiếng Dharma trong tiếng Phạn bắt nguồn từ gốc từ
nguyên có nghĩa là "giữ" và trong phạm vi vấn đề này nó có nghĩa rộng hơn là
hành xử hay hiểu biết dùng để "giữ người ta lại" hay bảo vệ người ta khỏi bị khổ
đau và nguyên nhân của nó.
Tiếp tục Ngài nói: "Dù bạn đang hoạt động nào
hay sự tu tập nào, thì cũng không có gì là khó khăn nhờ sự làm quen và rèn luyện
liên tục. Nhờ rèn luyện chúng ta có thể thay đổi, chúng ta có thể tự biến đổi.
Trong phạm vi tu tập Phật Giáo, có nhiều phương pháp giữ cho tâm bình tĩnh khi
nhiều chuyện rắc rối xẩy ra.
Nhờ tu tập lặp đi lặp lại những phương pháp này,
chúng ta có thể đi đến chỗ xáo trộn nào đó vẫn có thể xẩy ra nhưng tác động tiêu
cực vào tâm vẫn còn trên bề mặt, giống như làn sóng nhấp nhô trên mặt biển nhưng
không có tác động sâu xuống nhiều. Mặc dù kinh nghiệm cá nhân tôi rất ít ỏi, tôi
thấy nó rất đúng trong sự tu tập của cá nhân tôi. Cho nên, khi tôi nhận được một
số tin tức bi thảm, vào lúc đó tôi có thể chứng nghiệm một vài xáo trộn trong
tâm, nhưng rồi nó cũng qua đi rất mau. Hay tôi có thể khó chịu và bực tức, nhưng
rồi nó cũng biến đi rất nhanh. Không có tác động vào tâm khảm. Không sân hận.
Việc này đạt được nhờ tu tập dần dần, không thể chỉ qua một đêm mà thành công
được". Nhất định là không. Đức Đạt Lai Lạt Ma đã rèn tập tâm từ khi Ngài bốn
tuổi.
Huân tập tâm có phương pháp - sự vun trồng hạnh
phúc, sự thay đổi đích thực nội tâm bằng cách chọn lựa và tập trung một cách có
mục đích vào trạng thái tinh thần tích cực và chống lại trạng tinh thái thần
tiêu cực - có thể thực hiện được vì chính cấu trúc và chức năng của bộ não.
Chúng ta sinh ra với bộ não được kết nối về mặt di truyền với một số mô hình
hành xử có thiên hướng bẩm sinh chúng ta có khuynh hướng tìm cách phản ứng lại
môi trường để sinh tồn về mặt tinh thần cảm xúc và thân thể. Những tập hợp chỉ
dẫn căn bản được mã hóa trong vô số hoạt hóa mô hình tế bào thần kinh bẩm sinh,
sự phối hợp đặc biệt của tế bào não phát ra đáp ứng bất cứ sự việc, kinh nghiệm,
hay suy nghĩ nào. Nhưng kết nối trong não không phải là tĩnh, không phải là cố
định không thay đổi được. Bộ não của chúng ta có khả năng thích ứng. Các nhà
khoa học thần kinh đã chứng minh bằng tài liệu một sự việc có thật là bộ não có
thể lập mô hình mới, những phối hợp khác hẳn của các tế bào thần kinh và thần
kinh truyền tải (hóa chất chuyển thông tin giữa những tế bào thần kinh) đáp ứng
dữ kiện mới truyền vào. Thực ra, bộ não của chúng ta dễ uốn nắn, thay đổi, cấu
hình lại kết nối cho phù hợp với tư tưởng và kinh nghiệm mới. Do học tập, chức
năng của chính tế bào thần kinh cá nhân thay đổi, cho phép những tín hiệu điện
chạy theo chúng dễ dàng hơn. Các khoa học gia gọi khả năng thay đổi vốn có của
bộ não là " tính mềm dẻo"
Khả năng thay đổi kết nối của bộ não để phát
triển những liên hệ thần kinh mới, đã được chứng minh trong các cuộc thí nghiệm
như một thí nghiệm của các Bác Sĩ Avi Karni và Leslie Underleider tại Viện Tấm
Thần Quốc Gia. Trong cuộc thí nghiệm này, các nhà nghiên cứu đã để các đối tượng
thí nghiệm thi hành một nhiệm vụ đơn giản về dấy thần kinh vận động, dùng bài
tập gõ nhẹ ngón tay xuống, và xem những phản ứng của các bộ phận của não liên
quan đến tác động ấy bằng máy cắt lớp não MRI. Những đối tượng thí nghiệm thực
hành bài tập ngón tay hàng ngày trong bốn tuần, càng ngày càng hữu hiệu hơn và
nhanh hơn. Cuối cùng sau giai đoạn bốn tuần, chụp cắt lớp não được làm đi làm
lại cho thấy khu vực não dính líu tới nhiệm vụ này đã mở rộng, cho thấy thực
hành đều đặn và lặp đi lặp lại một nhiệm vụ đã tổ chức được những tế bào thần
kinh mới và thay đổi mối liên hệ thần kinh đầu tiên dính líu vào nhiệm vụ này.
Nét đặc biệt đáng chú ý này của bộ não có vẻ là
cơ sở tâm lý cho khả năng thay đổi tâm. Bằng cách vận động tư tưởng và thực hành
cách suy nghĩ mới, chúng ta có thể tái định hướng các tế bào thần kinh và thay
đổi cách hoạt động của bộ não. Đó cũng là cơ sở cho khái niệm thay đổi bên trong
bắt đầu bằng học hỏi (nhập liệu mới ) và kéo theo kỷ luật dần dần thay thế những
"tính nết tiêu cực " (tương đương với mô hình hoạt hóa tế bào thần kinh riêng
của chúng ta bằng "tính nết tích cực" (hình thành mạch thần kinh mới). Nhu vậy,
khái niệm huân luyện tâm để đạt hạnh phúc trở thành khả năng có thể làm được
thực sự.
Trong lần thảo luận sau này đề cập đến việc huân
luyện tinh thần để đạt hạnh phúc, Đức Đạt Lai Lạt Ma nhân mạnh "Tôi nghĩ rằng
cách ứng xử đạo đức là một nét đặc thù khác thuộc loại kỷ luật nội tâm dẫn đến
cuộc sống hạnh phúc. Ta có thể gọi nó là kỷ luật đạo đức. Những đại đạo sư tinh
thần như Đức Phật khuyên chúng ta thực hiện những hành động thiện và tránh vui
thích những hành động bất thiện. Liệu hành động của chúng ta là thiện hay bất
thiện điều đó tùy thuộc vào hành động hay hành vi ấy phát sinh từ một trạng thái
tâm thức có kỷ luật hay không có kỷ luật. Người ta cho rằng tâm kỷ luật dẫn đến
hạnh phúc và tâm vô kỷ luật dẫn đến đau khổ, và thực tế người ta nói rằng đưa
kỷ luật vào tâm là bản chất giáo lý của
Đức Phật.
"Khi tôi nói kỷ luật, tôi tmuốn nói đến kỷ luật
tự giác, không phải là kỷ luật do một người nào đó bên ngoài áp đặt cho bạn. Tôi
nói đến thứ kỷ luật được áp dụng để khắc phục những đức tính tiêu cực. Một băng
đảng tội phạm có thể cần kỷ luật để ăn cướp thành công, nhưng thứ kỷ luật ấy
thật vô ích.
Đức Đạt Lai Lạt Ma ngưng lại một lúc dường như để phản ảnh tập trung tư tưởng
của Ngài. Hoặc có lẽ chỉ là Ngài tìm từ bằng tiếng Anh. Tôi không biết. Nhưng
nghĩ về cuộc đàm thoại buổi chiều hôm đó khi Ngài ngừng lại, một cái gì đó về
toàn bộ cuộc nói chuyện liên quan đến tầm quan trọng về học tập và kỷ luật bắt
đầu làm cho tôi thấy khá nhạt nhẽo khi nó tương phản với những mục tiêu cao quý
của hạnh phúc thực sự, tăng trưởng tinh thần và sự thay đổi hoàn toàn nội tâm.
Dường như sự tìm cầu hạnh phúc bằng cách này hay cách khác là một tiến trình tự
phát.
Đưa ra vấn đề, tôi xen vào "Ngài mô tả những xúc cảm ứng xử tiêu cực là "bất
thiện" và ứng xử tích cực là "thiện". Hơn nữa, Ngài nói tâm không được huân
luyện hay vô kỷ luật nói chung đưa đến kết quả ứng xử tiêu cực hay bất thiện,
cho nên chúng ta phải học và rèn luyện mình nhằm tăng trưởng ứng xử tích cực.
Cho đến bây giờ mọi điều đều tốt đẹp.
"Nhưng điều làm cho tôi băn khoăn là sự xác định
của Ngài về ứng xử tiêu cực hay bất thiện là những ứng xử dẫn đến khổ đau. Và
Ngài định nghĩa một ứng xử thiện dẫn đến hạnh phúc. Ngài cũng bắt đầu với tiền
đề căn bản là tất cả chúng sanh với mong muốn tránh khổ đau và đạt hạnh phúc -
sự ham thích này là bẩm sinh; điều này không cần phải học. Vậy thì câu hỏi là:
Nếu tự nhiên là chúng ta mong muốn tránh khổ đau thì tại sao chúng ta không càng
ngày càng bị đẩy lui một cách tự nhiên bởi ứng xử tiêu cực hay bất thiện khi trở
về già? Và nếu là tự nhiên muốn có hạnh phúc thì tại sao chúng ta không hàng
ngày càng ngả về ứng xử thiện một cách tự động và tự nhiên để rồi được hạnh phúc
hơn khi đời ta tiến về phía trước? Tôi muốn nói là nếu những ứng xử thiện tự
nhiên dẫn đến hạnh phúc và chúng ta muốn có hạnh phúc, liệu điều đó có xẩy ra
như một tiến trình tự nhiên không? Tại sao chúng ta cần nhiều đến giáo dục, huân
luyện và kỷ luật để tiến trình ấy xẩy ra?
Lắc đầu, Ngài Đạt Lai Lạt Ma trả lời " Ngay cả
đến trong những điều kiện thông thường, trong đời sống hàng ngày của chúng ta,
chúng ta coi giáo dục là một nhân tố rất quan trọng để bảo đảm một cuộc sống
thành công và hạnh phúc. Và kiến thức không thể có được một cách tự nhiên. Chúng
ta phải rèn luyện, chúng ta phải trải qua một loại chương trình huân luyện có hệ
thống và vân vân.. Và chúng ta coi giáo dục và huân luyện thông thường này là
hết sức khó, nếu không tại sao các học sinh lại cần đến nhiều kỳ nghỉ như vậy?
Tuy nhiên chúng ta biết loại giáo dục đó rất quan trọng nhằm bảo đảm một cuộc
sống thành công và hạnh phúc.
"Cũng giống như vậy, muốn làm việc thiện cũng
không đến một cách tự nhiên mà chúng ta phải có ý thức rèn luyện để hướng tới
nó. Đúng vậy, nhất là trong xã hội hiện đại, bởi vì có một khuynh hướng tin rằng
vấn đề việc thiện và bất thiện - làm gì và không nên làm gì - được coi là trong
phạm vi hoạt động của tôn giáo. Theo truyền thống tôn giáo được coi là có trách
nhiệm của tôn giáo qui định cách ứng xử nào là thiện và bất thiện. Tuy nhiên
trong xã hội ngày này, tôn giáo đã mất uy tín và ảnh hưởng của nó ở một mức nào
đó. Và đồng thời, không có sự lựa chọn nào, như đạo lý thế tục xuất hiện để thay
thế vào. Cho nên dường như ít có sự lưu tâm đến sự cần thiết phải có lối sống
thiện. Chính vì điều này mà tôi nghĩ rằng chúng ta cần phải gắng sức nhiều và có
ý thức làm việc tiến tới đạt loại kiến thức này. Thí dụ, mặc dù cá nhân tôi tin
tưởng bản chất con người chúng ta căn bản là hòa nhã và giàu lòng thương, nhưng
tôi cảm thấy không đủ vì bản chất tiềm ẩn của chúng ta, chúng ta cũng phải phát triển sự đánh giá cao và tỉnh
thức về sự thật đó. Và thay đổi cách nhận thức chính mình, nhờ học tập và hiểu
biết, có thể có tác động thực sự vào cách chúng ta tương tác với những người
khác và cách chúng ta sống hàng ngày ".
Vờ không đồng ý để nêu ra vấn đề, tôi phản kháng
" Tuy nhiên Ngài đã sử dụng sự tương đồng của hệ thống giáo dục và rèn luyện lý
thuyết thông thường. Điều đó là một việc. Nhưng nếu Ngài nói chuyện về cách ứng
xử nào đó gọi là thiện hay tích cực, dẫn đến hạnh phúc, và những ứng xử khác dẫn
đến khổ đau thì tại sao phải học nhiều đến thế mới nhận biết ra chúng và phải
rèn luyện quá nhiều mới thực hiện được cách ứng xử tích cực và loại bỏ ứng xử
tiêu cực? Tôi muốn nói là nếu bạn đưa tay vào lửa, bạn sẽ bị bỏng. Bạn rụt tay
lại, bạn đã biết cách ứng xử này dẫn đến khổ đau. Bạn đâu cần học hay rèn luyện
nhiều mới biết đừng đụng vào lửa nữa.
"Vậy thì, tại sao tất cả những cách ứng xử hay
cảm xúc dẫn đến khổ đau lại không như vậy? Chẳng hạn, Ngài cho rằng nóng giận và
sân hận rõ ràng là những cảm xúc tiêu cực và cuối cùng dẫn đến khổ đau. Nhưng
tại sao ta phải được giáo dục về những hậu quả có hại của nóng giận và sân hận
để loại bỏ chúng? Vì nóng giận trực tiếp gây ra cảm xúc khó chịu cho con người,
chắc chắn là dễ cảm thấy trực tiếp cái khó chịu ấy, tại sao ta không tự nhiên và
tự động tránh nó trong tương lai?
Khi Đức Đạt Lai Lạt Ma chú ý nghe những lập luận
của tôi, đôi mắt thông minh của Ngài như mở rộng ra, như thể Ngài hơi ngạc
nhiên, hoặc thậm chí thích thú về tính ngấy thơ trong câu hỏi của tôi. Rồi với
một chuỗi cười lớn, đầy thiện chí Ngài nói:
"Khi bạn nói về kiến thức dẫn đến tự do hay giải
pháp của một vấn đề, bạn phải hiểu rằng có nhiều mức độ khác nhau. Thí dụ, con
người ở vào Thời Đại Đồ Đá không biết nấu thịt nhưng vẫn có nhu cầu sinh học về
ăn, cho nên họ ăn giống như thú hoang. Khi con người tiến bộ, họ học cách nấu và
nêm các loại gia vị khác nhau làm cho đồ ăn ngon hơn và làm thành nhiều món. Và
ngay cả thời đại ngày nay, nếu chúng ta bị bệnh đặc biệt nào đó và nhờ kiến thức
chúng ta biết được loại đồ ăn nào không tốt cho chúng ta, thì dù chúng ta thích
ăn món đó, nhưng chúng ta cũng tự kiềm chế không ăn. Cho nên rõ ràng là mức độ
kiến thức càng tinh vi thì chúng ta sẽ đương đầu với thế giới tự nhiên càng hiệu
quả.
"Bạn cần có khả năng xét đoán hậu quả trong
tương lai gần và xa về cách ứng xử của bạn và cân nhắc cả hai. Thí dụ, khắc phục
nóng giận, mặc dù thú vật cũng chứng nghiệm nóng giận, nhưng chúng không biết
nóng giận là tai hại. Tuy nhiên con người ở một mức độ khác, khác ở chỗ bạn có
sự tự ý thức để bạn ngẫm nghĩ và quan sát khi nóng giận phát sinh, nó làm hại
bạn. Cho nên bạn có sự phán xét nóng giận là tiêu cực. Bạn cần phải biết suy
luận. Cho nên không phải là đơn giản như đưatay vào lửa, và để rồi bị bỏng, và
để rồi biết không bao giờ làm điều đó trong tương lai nữa. Học vân và kiến thức
về những gì dẫn đến hạnh phúc và những gì gây khổ đau càng tinh vi thì bạn sẽ có
nhiều kết quả hơn trong việc đạt hạnh phúc. Cho nên, chính vì điều đó tôi nghĩ
rằng giáo dục và kiến thức là rất quyết định." Tôi cho là Ngài cảm thấy tôi vẫn
phản kháng khái niệm về giáo dục đơn giản là một phương cách để thay đổi nội
tâm, Ngài nhận xét " Một vấn đề trong xã hội hiện nay là thái độ của chúng ta
hướng về giáo dục như thể nó chỉ làm cho bạn tài giỏi hơn. Đôi khi dường như
những người ít học, ít tinh vi hơn về đào tạo giáo dục, thì họ lại càng chất
phác và ngay thật hơn. Mặc dù xã hội chúng ta không nhân mạnh vào việc này,
nhưng việc sử dụng kiến thức và giáo dục lại quan trọng nhất là giúp chúng ta
hiểu rõ tầm quan trọng của việc làm các hành động thiện và đưa kỷ luật vào tâm
chúng ta. Sử dụng thích hợp trí thông minh và kiến thức sẽ đem lại sự thay đổi
từ bên trong để phát triển lòng tốt".
-ooOoo-
CHƯƠNG 4
GIÀNH LẠI TÌNH TRẠNG HẠNH PHÚC BẨM
SINH
BẢN CHẤT CƠ BẢN CỦA CHÚNG TA
Giờ đây, chúng ta được làm người để tìm cầu hạnh
phúc. Rõ ràng là cảm giác yêu thương, tình cảm, gần gũi, và từ bi mang lại hạnh
phúc, tôi tin là mỗi người trong chúng ta có cơ sở để có hạnh phúc, để đi vào
trạng thái tâm trìu mến và từ bi, những trạng thái mang đến hạnh phúc, Đức Đạt
Lai Lạt Ma khẳng định."Thật ra, đó là một trong những niềm tin chủ yếu của tôi
mà chúng ta vốn có không chỉ là khả năng từ bi mà tôi tin là bản chất căn bản
tiềm ẩn trong con người là tính hòa nhã"
Niềm tin đó của Ngài dựa vào cái gì?
"Học thuyết Phật Giáo về "Phật Tánh" cung cấp
một số điểm về niềm tin này là bản chất cơ bản của tất cả chúng sinh thực chất
là hiền hòa và không gây gỗ." Nhưng ta có thể tiếp nhận quan điểm ấy mà không
cần phải dùng đến học thuyết Phật Giáo về Phật Tánh." Niềm tin của tôi còn dựa
vào những điểm khác. Tôi nghĩ rằng vấn đề tình cảm hay từ bi của con người không
phải chỉ là vấn đề tôn giáo, nó còn là một nhân tố cần thiết cho đời sống từng
ngày của con người
"Cho nên, trước hết nếu chúng ta nhìn vào chính
mô hình cuộc sống từ lúc tuổi nhỏ đến lúc chết, chúng ta có thể thấy cách chúng
ta được cơ bản nuôi dưỡng là tình cảm của người khác. Nó bắt đầu ngay lúc mới
sinh. Sau khi sinh ra, hành động thực sự đầu tiên của chúng ta là bú mẹ hay sữa
của người nào đó. Đó là một hành động của tình cảm, của tình thương. Không có
hành động đó chúng ta không thể tồn tại. Điều ấy thật rõ ràng. Hành động ấy
không thể thực hiện được nếu không có cảm giác yêu mến lẫn nhau. Từ phía đứa
trẻ, nếu không có cảm giác tình cảm, không có ràng buộc gì với người cho sữa thì
đứa trẻ có thể không bú sữa. Và nếu không có tình cảm về phần người mẹ, hay
người nào khác, sữa không tự nhiên có được. Cho nên, đó là cách sống. Đó là thực
tế.
"Rồi, cấu trúc thân thể dường như phù hợp hơn
đối với cảm giác tình yêu thương và từ bi. Chúng ta dều thấy tình trạng bình
tĩnh, tình cảm, lành mạnh có tác dụng tốt cho sức khỏe và hạnh phúc thể chất.
Ngược lại, những cảm giác thất vọng, sợ hãi, bồn chồn và nóng giận có thể hủy
hoại sức khỏe của chúng ta.
"Trong
triết học Phật Giáo, "Phật Tánh" nói đến bản chất tiềm ẩn, căn bản, và tinh tế
nhất của tâm. Trạng thái tâm này, hiện hữu ở mọi con người, hoàn toàn không bị
hư hoại bởi cảm xúc hay tư tưởng tiêu cực.
"Chúng ta cũng có thể thấy sức khỏe cảm xúc của
chúng ta được nâng cao bởi cảm giác tình cảm. Muốn hiểu việc này, chúng ta chỉ
cần nghĩ xem chúng ta cảm thấy ra sao khi những người khác tỏ ra nhiệt tình và
tình cảm với chúng ta. Hoặc hãy quan sát cảm giác tình cảm hay thái độ của chính
mình đã tác động một cách tự động và tụ nhiên ảnh hưởng đến bên trong chúng ta
ra sao, chúng làm cho chúng ta cảm thấy ra sao. Những xúc cảm hiền hòa và ứng xử
tích cực đi kèm với chúng ta dẫn đến gia đình và đời sống cộng đồng hạnh phúc
hơn.
"Cho nên tôi nghĩ rằng chúng ta có thể kết luận
bản chất cơ bản của con người là tính hòa nhã Và nếu đúng như vậy, nó làm cho
tất cả có ý nghĩa hơn khi có lối sống phù hợp hơn với bản chất căn bản hòa nhã
của con người chúng ta".
"Nếu bản chất cốt lõi là hòa nhã và tình thương,
Tôi hỏi "Tôi chỉ băn khoăn làm sao Ngài có thể giải thích tất cả những xung đột
và cách ứng xử hung hăng chung quanh chúng ta "
Đức Đạt Lai Lạt Ma gật đầu tư lự một lúc rồi trả lời " Đương nhiên chúng ta
không thể bỏ qua sự thực là luôn luôn có những mâu thuẫn và căng thẳng, không
chỉ trong phạm vi tâm trí cá nhân mà còn trong phạm vi gia đình, khi chúng ta
tác động qua lại với người khác, và ở mức xã hội, mức quốc gia, và mức toàn cầu.
Cho nên nhìn vào đây, một số người kết luận bản tính con người căn bản là hung
hăng. Họ có thể chỉ vào lịch sử con người đem so sánh với các loài có vú khác,
ứng xử của con người hung hãn hơn nhiều. Hay, họ có thể nói, "Tuy tình thương là
một phần của tâm, nhưng nóng giận cũng là một phần của tâm. Chúng đồng đều là
một phần bản tính của chúng ta, cả hai ít nhiều đều ở cùng một mức độ"."'Tuy
nhiên, nhoài người về phía trước, ra sức một cách tỉnh táo, Ngài quả quyết
"Tôi vẫn vững tâm bản tính con người chủ
yếu là tình thương, hòa nhã. Đó là nét đặc thù trội hơn hẳn trong bản tính con
người." Nóng giận, bạo lực, và hung hãn
có thể phát sinh, tôi nghĩ nhưng điều đó chỉ là phụ, hay ở bề ngoài nhiều hơn,về
một ý nghĩa nào đó chúng phát sinh khi chúng ta nản lòng trong cố gắng muốn
giành được tình yêu và tình cảm. Chúng không phải là phần bản tính căn bản tiềm
ẩn của chúng ta.
"Cho nên mặc dầu sự gây hân có thể xẩy ra, nhưng
tôi tin là những xung đột này không nhất thiết vì bản tính con người mà đúng hơn
là kết quả của tri thức con người - trí thông minh con người mất quân bình, sử
dụng sai trí thông minh của chúng ta, khả năng sáng tạo của chúng ta. Bây giờ
hãy nhìn vào sự tiến hóa của loài người, tôi nghĩ rằng nếu đem so sánh với một
số thú vật khác, thể chất của chúng ta có lẽ rất yếu. Nhưng vì sự phát triển của
trí thông minh con người, chúng ta đã có thể sử dụng nhiều dụng cụ và khám phá
ra nhiều phương pháp để chiến thắng những hoàn cảnh môi sinh có hại. Khi xã hội
loài người và điều kiện môi sinh càng ngày càng trở nên phức tạp, vấn đề này đòi
hỏi trí thông minh và khả năng nhận thức của chúng ta đóng một vai trò to lớn
hơn để đáp ứng được những đòi hỏi không ngưng của môi trường phức tạp. Cho nên,
tôi tin tiềm ẩn hay bản tính cơ bản hay tiềm ẩn của chúng ta là tính hòa nhã và
trí thông minh là cái phát triển sau. Và tôi nghĩ rằng nếu khả năng con người,
trí thông minh con người, phát triển theo chiều hướng không quân bình, không
được cân bằng bằng tình thương, thì nó sẽ trở thành phá hoại. Nó sẽ dẫn đến thảm
họa.
"Nhưng, tôi nghĩ rằng điều quan trọng là phải
công nhận rằng nếu những xung đột của con người gây ra do sử dụng sai lầm trí
thông minh thì chúng ta cũng có thể dùng trí thông minh để tìm ra cách thức và
phương tiện để khắc phục những xung đột ấy. Khi trí thông minh con người và lòng
tốt hay tình cảm con người được sử dụng cùng với nhau, tất cả những hành động
của con người trở thành xấy dựng. Khi chúng ta phối hợp một trái tim nồng hậu
với kiến thức và giáo dục, chúng ta sẽ biết tôn trọng quan điểm và quyền của
người khác. Điều này trở thành cơ sở cho tinh thần hòa giải nhằm khắc phục sự
gây hân và giải quyết những vụ xung đột của chúng ta.
Đức Đạt Lai Lạt Ma ngưng lại và nhìn vào đồng hồ của Ngài."Cho nên, Ngài kết
luận, dù cho bạo lực nhiều đến đâu hay bao nhiều điều tồi tệ mà ta phải chịu
đựng, tôi tin là giải pháp tối hậu cho những xung đột, cả bên trong lẫn bên
ngoài, nằm trong sự quay về của bản tính cơ bản hay tiềm ẩn của con người, đó là
hòa nhã và tình thương
Lại nhìn vào đồng hồ, Ngài bắt đầu cười một cách
rất thân mật " Vậy, chúng ta ngưng tại đây, quả là một ngày dài!". Ngài xỏ lại
đôi giầy Ngài đã cởi ra trong lúc đàm thoại, và trở về phòng.
VẤN ĐÈ BẢN TÍNH CON NGƯỜI
Trên vài thập kỷ qua, quan điểm của Đức Đạt Lai
Lạt Ma về bản tính từ bi tiềm ẩn của con người dường như tiến bộ rất chậm tại
Phương Tây, mặc dầu đã có sự tranh đấu. Khái niệm về cách ứng xử của con người
chủ yếu là ích kỷ, cơ bản là tìm kiếm cho chính mình, đã ăn sâu vào tư tưởng Tây
Phương. Tư tưởng ấy không chỉ chúng ta vốn ích kỷ mà còn hung hăng và thù nghịch
là một phần bản tính căn bản con người đã ngự trị văn hóa chúng ta nhiều thế kỷ.
Đương nhiên, theo lịch sử có rất nhiều người có quan điểm đối nghịch. Chẳng hạn,
vào giữa thế kỷ thứ 17, David Hume viết rất nhiều về "lòng nhân từ tự nhiên" của
con người. Và vào thế kỷ sau, ngay chính Charles Darwin cho rằng " bản năng đồng
cảm" là của loài người. Nhưng vì một lý do nào đó, quan điểm bi quan hơn về nhân
tính đã bén rễ trong nền văn hóa của chúng ta, ít nhất từ thế kỷ thứ 17, dưới
ảnh hưởng của các triết gia như Thomas Hobbes, người đã có một quan điểm khá tối
tăm về loài người. ông hình dung loài người như là hung bạo, tranh đua, luôn
luôn trong xung đột, và chỉ quan tâm đến quyền lợi bản thân. Hobbes nổi tiếng
coi nhẹ bất cứ khái niệm nào về lòng tốt căn bản của con người, một lần bị bắt
gặp đang cho tiền cho một người ăn xin tại hè phố. Khi được hỏi về sự bốc đồng
rộng lượng đó, ông nói "Không phải tôi làm như vậy để giúp đõ hắn, tôi làm vậy
là để giảm bớt khổ đau của tôi khi nhìn thấy sự nghèo nàn của người
đó".
Tương tự như vậy, vào đầu thế kỷ này, George
Santayana, một triết gia sinh ra tại Tây Ban Nha, viết rằng những thôi thúc hào
phóng, giúp đỡ, trong thời gian người ta tồn tại, thường là rất yếu, phù du, và
không vững vàng trong bản tính của loài người nhưng, "chỉ cần phanh phui một chút dưới bề mặt đó bạn sẽ thấy
một con người tàn bạo, cố chấp, hết sức ích kỷ ." Bất hạnh thay, khoa học và tâm lý học Tây Phương chộp
lấy khái niệm đó, thừa nhận thậm chí khuyến khích quan điểm ích kỷ ấy. Ngay
trong những ngày đầu của khoa học tâm lý hiện đại, đã có sự thừa nhận cơ bản
chung tiềm ẩn là tất cả các động cơ thúc đẩy của con người chủ yếu là ích kỷ,
hoàn toàn dựa vào quyền lợi bản thân.
Sau khi hoàn toàn chấp nhận tính ích kỷ chủ yếu
của chúng ta là một tiền đề, một số khoa học gia lỗi lạc hơn trăm năm qua đã
tăng thêm niềm tin vào điều này về bản tính thực chất hung hăng của con người.
Freud nói rằng "khuynh hướng hung hăng là một thiên hướng trước tiên, tự tồn tại
và bản năng." Ở cuối thế kỷ này, hai nhà văn, Robert Ardrey và Konrad Lorenz,
nhìn vào kiểu hoạt động sinh vật ở một số loài ăn thịt sống, kết luận con người
căn bản cũng là loài ăn thịt sống, có ham muốn bẩm sinh hay bản năng tranh giành
lãnh thổ.
Tuy nhiên trong những năm gần đây, xu thế có vẻ
chống lại quan điểm hết sức bi quan về nhân loại tỏ ra gần hơn với quan điểm của
Đức Đạt Lai Lạt Ma về bản tính tiềm ẩn của chúng ta là hòa nhã và tình thương.
Trên hai hay ba thập niên qua, đã có đến hàng trăm nghiên cứu khoa học cho thấy
tính hung hăng không nhất thiết là bẩm sinh và cách cư xủ bạo lực bị ảnh hưởng
bởi nhiều nhân tố về sinh học, xã hội, địa dư và môi trường. Có lẽ báo cáo bao
quát nhất về nghiên cứu mới nhất được tổng kết trong bản Tuyên Bố Seville 1986
về Bạo Lực do 20 khoa học gia đứng hàng đầu trên khắp thế giới soạn thảo và ký.
Đương nhiên trong tuyên bố này họ thừa nhận cách cư xử bạo lực đang xẩy ra,
nhưng họ khẳng định là theo khoa học khi
nói rằng chúng ta kế thừa khuynh hướng để gây chiến tranh và bạo lực là sai.
Cách cư xử ấy không phải do di truyền đặt vào bản tính con người. Họ nói rằng dù chúng ta có bộ máy thần kinh bạo hành
thì cách cư xử ấy cũng không tự động hoạt động. Không có gì trong sinh lý học
thần kinh bắt buộc chúng ta bạo hành. Khảo sát vấn đề bản tính căn bản của con
người, hầu hết các nhà nghiên cứu trong lãnh vực này hiện cảm thấy cơ bản là
chúng ta có tiềm năng phát triển thành người hòa nhã, chu đáo hay bạo lực, hung
hăng, khuynh hướng hành động được nhân mạnh nhiều vào vấn đề huân luyện.
Những nhà nghiên cứu đương đại nay đã bắt bẻ
không chỉ khái niệm về tính hung hãn bẩm sinh của con người, mà cả khái niệm con
người bẩm sinh vị kỷ và ích kỷ cũng bị công kích. Những người điều tra nghiên
cứu như C. Daniel Batson hay Nancy Eisenberg của Đại Học Tiểu Bang Arizona đã
tiến hành nhiều cuộc nghiên cứu trong những năm vừa qua cho thấy con người có
khuynh hướng về cách đối xử vị tha. Một số nhà khoa học như Tiến sĩ xã hội học
Linda Wilson cũng tìm cách khám phá tại sao điều này lại như vậy. Đức tính vị
tha theo lý thuyết của bà là một phần bản năng sinh tồn - hết sức đối lập với lý
thuyết của những nhà tư tưởng trước đây cho rằng thái độ thù nghịch và hung hãn
là tiêu chuẩn xác nhận bản năng sinh tồn của chúng ta. Nhìn vào trên hàng trăm
thảm họa tự nhiên, Tiến sĩ Wilson tìm thấy một mẫu hình mạnh mẽ về lòng vị tha
trong số những nạn nhân thảm họa dường như là một phần của tiến trình khôi phục.
Bà thấy rằng cùng nhau làm việc giúp đỡ lẫn nhau có khuynh hướng tránh các khó
khăn tâm lý sau này có thể xẩy ra do chân thương.
Khuynh hướng liên kết chặt chẽ với những người
khác, hành động vì phúc lợi của người khác cũng như cho chính mình, đã ăn sâu
trong bản tính con người, được tôi luyện trong quá khứ xa xăm khi người ta cùng
liên kết lại và trở thành thành viên của một nhóm có cơ may sống sót cao hơn.
Nhu cầu thiết lập quan hệ xã hội chặt chẽ vẫn còn dai dẳng cho đến ngày nay.
Trong những cuộc nghiên cứu, như trong cuộc nghiên cứu của Tiến Sĩ Larry
Scherwitz, khảo sát những nhân tố rủi ro về bệnh động mạch vành tim, cho thấy
những người thích nổi bật (những người thường nhắc mình bằng cách dùng những đại
từ như "Tôi", và "của tôi" trong các cuộc phỏng vấn) dễ bị bệnh động mạch vành
nhiều hơn, cả khi những cách đối xử đe dọa sức khỏe được kiềm chế. Các nhà khoa
học khám phá ra rằng những người ít có mối liên hệ xã hội, dường như bị kém sức
khỏe yếu, mức độ bất hạnh phúc cao hơn, và dễ bị căng thẳng hơn.
Chìa tay giúp đỡ người khác có thể là cần thiết
cho bản tính chúng ta cũng như giao tiếp. Ta có thể làm một sự so sánh với sự
phát triển ngôn ngữ, giống như khả năng có tình thương và lòng vị tha, là một
trong những nét đẹp của loài người. Những khu vực đặc biệt của bộ não dành riêng
cho tiềm lực về ngôn ngữ. Nếu chúng ta được đặt vào hoàn cảnh môi trường phù
hợp, tức là, một xã hội biết nói, thì những nơi kín đáo của não bắt đầu phát
triển và hoàn thiện và khả năng về ngôn ngữ tăng trưởng. Cũng giống như vậy, tất
cả ai cũng được phú cho "hạt giống của tình thương". Khi được đặt vào hoàn cảnh
thích hợp - ở nhà, hay ở ngoài xã hội nói chung, và sau đó nhờ vào những cố gắng
rõ rệt của mình - "hạt giống" ấy sẽ thăng hoa. Với khái niệm ấy trong tâm, các
nhà nghiên cứu hiện đang tìm cách khám phá ra những hoàn cảnh môi sinh tốt nhất
để hạt giống quan tâm và tình thương chín muồi nơi con cái. Họ đã nhận biết một
số nhân tố: có những bậc cha mẹ có thể điều hòa được cảm xúc, làm gương về cách
đối xử chu đáo, dạy bảo giới hạn về tư cách đạo đức của con cái, truyền đạt cho
chúng hiểu trách nhiệm về tư cách của chúng, và dùng lý luận để giúp con cái
hướng sự lưu tâm tới các trạng thái cảm xúc hay những hậu quả về cách đối xử của
chúng đối với người khác.
Nhìn lại sự thừa nhận cơ bản của chúng ta về bản
tính tiềm ẩn của con người, từ bản tính thù nghịch đến có ích, có thể mở ra
nhiều khả năng. Nếu chúng ta bắt đầu bằng việc thừa nhận mô hình tư lợi trong
tất cả các cách ứng xử của con người, thì một đứa trẻ nhỏ có thể là một thí dụ
hoàn hảo làm "bằng chứng" cho lý thuyết này. Sanh ra, đứa trẻ hình như đã được
lập trình việc duy nhất trong tâm chúng: thỏa mãn nhu cầu của chính
chúng, đồ ăn, tiện nghi vật chất và vân vân...Nhưng nếu chúng ta không theo
sự ích kỷ căn bản này, một búc tranh hoàn toàn mới sẽ hiện ra. Chúng ta có thể
dễ dàng nói đứa trẻ này sanh ra đã được lập trình cho một điều duy nhất: có
khả năng và mục đích là đem lạc thú và
niềm vui đến cho người khác. Chỉ cần
quan sát một đứa trẻ khỏe mạnh, rất khó có thể chối bỏ bản tính hiền hòa tiềm ẩn
của con người. Từ ưu thế mới này, chúng ta có thể tán thành khả năng mang niềm
vui cho người khác, người chăm sóc, là bẩm sinh. Thí dụ, ở đứa trẻ sơ sinh,khứu
giác phát triển chỉ bằng 5 phần trăm của người lớn, và vị giác phát triển rất
ít. Nhưng ở các trẻ sơ sanh cái tồn tại ở những giác quan đó hướng về mùi và vị
của sữa mẹ. Việc cho con bú không những cung cấp dinh dưỡng cho đứa trẻ, mà còn
làm giảm căng thẳng cở ngực. Cho nên chúng ta cũng có thể nói đứa trẻ sinh ra
với khả năng bẩm sinh đem lạc thú cho người mẹ bằng cách giảm thiểu sự căng
thẳng của nhũ hoa.
Về mặt sinh học, đứa trẻ sanh được lập trình là
để nhận biết và phản ứng trước các gương mặt, chỉ có một số ít người không tìm
thấy niềm vui đích thực khi thấy trẻ nhỏ ngấy thơ nhìn vào mắt họ, và mỉm cười.
Một số nhà dân tộc học đã đề ra lý thuyết về điều này, cho rằng khi một đứa trẻ
mỉm cười với người chăm sóc nó hay nhìn thẳng vào mắt người này thì đứa trẻ đó
đang theo đuổi " kế hoạch sinh học" sâu xa theo bản năng, "đưa ra" cách ứng xử
quan tâm, hòa nhã, dịu dàng từ người chăm sóc nó, người đó cũng đang tuân hành
snhiệm vụ bản năng bắt buộc tự nhiên. Vì có thêm nhiều nhà điều tra nghiên cứu
phấn đấu khám phá một cách khách quan bản tính của con người, khái niệm đứa trẻ
ít có tính ích kỷ, một bộ máy ăn và ngủ, đang phải nhường chỗ cho cách nhìn nhận
một con người ra đời với bộ máy bẩm sinh là để làm vừa lòng người khác, chỉ cần
đến điều kiện môi trường thích hợp để cho "hạt giống tình thương" tiềm ẩn và tự
nhiên được nẩy mầm và phát triển.
Một khi chúng ta kết luận bản tính căn bản của
nhân loại là tình thương hơn là hung hăng, mối quan hệ với thế giới chung quanh
chúng ta thay đổi tức khắc. Nhìn những người khác như căn bản là thương yêu thay
vì thù nghịch và ích kỷ giúp chúng ta bớt căng thẳng, tin tưởng, sống thoải mái,
làm chúng ta hạnh phúc hơn.
SUY NGẪM VỀ MỤC ĐÍCH CUỘC ĐỜI
Khi Đức Đạt Lai Lạt Ma ngồi ở sa mạc Arizona
tuần này, nghiên cứu bản tính con người và quan sát tâm con người với sự xem xét
kỹ lưỡng của một khoa học gia, một sự thật đơn giản dường như lóe lên và sáng tỏ
mọi bàn cãi: mục đích cuộc đời là hạnh
phúc. Cấu nói đơn giản này có thể sử
dụng như một công cụ có sức mạnh giúp chúng ta vượt qua khó khăn trong cuộc sống
hàng ngày. Từ viễn cảnh ấy, nhiệm vụ của chúng ta là loại bỏ những điều dẫn đến
khổ đau và tích lũy những điều dẫn đến hạnh phúc. Phương pháp, thực hành hàng
ngày này dẫn đến tăng dần dần ý thức và hiểu biết của chúng ta về những gì thực
sự dẫn đến hạnh phúc và những gì không dẫn tới hạnh phúc.
Khi đời sống trở nên quá phức tạp và chúng ta
cảm thấy không chịu nổi, thường là rất hữu ích nếu chúng ta dừng lại và nhớ lại
toàn bộ mục đích, toàn bộ mục tiêu của chúng ta. Khi đương đầu với cảm giác trì
trệ và bối rối, bỏ một giờ hay một buổi chiều, thậm chí vài ngày chỉ nghĩ xem
điều đó thực sự đem hạnh phúc sẽ giúp ích cho chúng ta nhiều, và rồi thì sắp đặt
lại sự ưu tiên trên cơ sở đó. Việc này sẽ đem cuộc sống của chúng ta trở lại
khung cảnh thích hợp có một cái triển vọng mới, và giúp chúng ta nên đi hướng
nào.
Thỉnh thoảng chúng ta phải đương đầu với những
quyết định then chốt có thể ảnh hưởng suốt cuộc đời. Chẳng han ch úng ta quyết
định lập gia đình, có con, hay theo một môn học để trở thành luật sư, nghệ sĩ,
hay thợ điện. Quyết tâm mạnh mẽ để đạt được hạnh phúc - biết những nhân tố dẫn
đến hạnh phúc và làm những bước tích cực để xấy dựng một cuộc sống hạnh phúc hơn
- đúng là một quyết định như vậy. - Chỗ ngoặt hướng tới hạnh phúc vì một mục
tiêu có giá trị và quyết định có ý thức tìm cầu hạnh phúc theo một cách thức có
hệ thống có thể thay đổi sâu xa phần còn lại cuộc đời của chúng ta.
Sự hiểu biết về những nhân tố sẽ dẫn đến hạnh
phúc của Đức Đạt Lai Lạt Ma dựa vào suốt cuộc đời quan sát tâm có phương pháp
của Ngài, khảo sát bản chất thân phận con người, và điều tra nghiên cứu những sự
việc này trong khuôn khổ mà Đức Phật lần đầu tiên thiết lập từ trên 25 thế kỷ
qua. Và từ quá trình này, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã đi đến kết luận rõ ràng về những
hoạt động và tư tưởng nào có giá trị nhất. Ngài tóm tắt niềm tin cuả Ngài vào
những lời nói sau có thể dùng làm sự suy ngẫm.
Đôi khi gặp những bạn cũ, nó nhắc nhở cho tôi thời gian qua mau như thế nào.
Và điều này cũng làm cho tôi băn khoăn tự hỏi liệu chúng ta có sử dụng thì giờ
đứng đắn hay không. Sử dụng đứng đắn thì giờ rất quan trọng. Trong khi chúng ta
có thân xác này, và nhất là bộ óc con người hết sức đáng ngạc nhiên này, tôi
nghĩ rằng mỗi phút là thứ gì quý báu. Cuộc sống từng ngày quá nhiều hy vọng, mặc
dù không có gì bảo đảm cho tương lai. Không có gì bảo đảm là ngày mai cũng vào
giờ này chúng ta vẫn ở đây. Nhưng chúng ta vẫn làm việc vì điều đó hoàn toàn
trên cơ sở hy vọng. Cho nên chúng ta cần phải sử dụng thì giờ hữu hiệu nhất. Tôi
tin rằng sử dụng đúng thì giờ là như thế này: nếu bạn có thể phục vụ người khác,
những chúng sinh khác. Nếu không, ít nhất hãy kiềm chế đừng làm hại chúng, tôi
nghĩ đó là toàn bộ căn cứ triết lý của tôi.
"Cho nên, hãy suy ngẫm về những gì có giá trị
thực sự cho đời sống, những gì đem ý nghĩa cho đời sống, và hãy đặt sự ưu tiên
trên cơ sở ấy. Mục tiêu cuộc sống cần phải tích cực. Chúng ta sinh ra không phải
có mục đích gây rắc rối làm hại người khác. Để đời sống chúng ta có giá trị, tôi
nghĩ rằng chúng ta phải phát triển những đức tính tốt căn bản của con người -
nhiệt tình, tử tế và từ bi. Rồi đời sống của chúng ta sẽ trở nên có ý nghĩa và
an lạc hơn - hạnh phúc hơn.
-ooOoo-