Ý NGHĨA CỦA SỰ KHÔNG
TRANH BIỆN TRONG
PHẬT GIÁO
Các kinh sách, đặc biệt là kinh sách Nam tông, ghi chép rằng
vào thời kỳ của Đức Phật không phải chỉ có một trào lưu duy nhất là Phật
giáo, trái lại Đức Phật đã sống trong một thời kỳ vô cùng phong phú gồm
nhiều truyền thống triết học và tín ngưỡng khác. Có rất nhiều vị Thầy
lớn tuổi và nổi tiếng hơn cả Phật, chẳng hạn như vị thầy Bà-la-môn Jina
Mahavira mà kinh sách Phật giáo thường nói đến dưới danh hiệu là
Nigantha Nathaputta.
Trong bối cảnh đặc biệt của sự phát triển cao độ các trào
lưu tinh thần của nước Ấn vào thời bấy giờ, sự tranh biện giữa những nhà
lãnh đạo và các người chủ trương các học thuyết cũng hết sức cởi mở,
rộng rải và tự nhiên một cách lạ thường. Bối cảnh đó đã được ghi chép
trong vô số kinh điển Phật giáo và ngoài Phật giáo. Vậy vị trí của Phật
giáo trong bối cảnh ấy như thế nào, Đức Phật đã dạy các đệ tử của Ngài
phải giữ thái độ như thế nào trước những tranh biện phức tạp và thuần lý
mang ít nhiều màu sắc tín ngưỡng ấy ?
Các học phái và trào lưu
ngoài Phật giáo
Kinh sách (trong số này có
kinh Samannaphala-sutta) thường nói đến sáu vị Thầy quan
trọng hơn hết, các vị thầy ấy không nhất thiết chủ trương một tôn giáo
theo định nghĩa thông thường, nhưng đại diện cho nhiều trào lưu triết
học dựa vào sự biện luận duy lý hoặc dựa vào vài sắc thái tín ngưỡng.
Những trào lưu ấy được phân loại như sau :
-
Trào lưu thứ nhất do vị Thầy Purana Kassapa chủ trương. Trào lưu này
tin rằng không có sự thưởng phạt nào cả đối với các hành vi thực thi,
tức không có một hậu quả nào trong các hành vi duy ý. Vì vậy trào lưu
hay chủ thuyết này chủ trương tính cách ngẫu nhiên của vạn vật, có nghĩa
là mọi sự vật và biến cố xảy ra một cách tình cờ, ngẫu nhiên và ngẫu
biến, không lệ thuộc vào điều kiện. Kinh sách Phật giáo gọi chủ thuyết
này là addhiccasamuppanna-vada, (theo Trường Bộ Kinh – Digha-Nikaya).
-
Trào lưu thứ hai do vị Thầy Makkhali Gosala, sống cùng thời đại với
Đức Phật, chủ trương thuyết định mệnh, tiền định hay số mệnh, và cho
rằng những hành vi đạo hạnh hay độc ác không có ảnh hưởng gì đến việc
giải thoát con người. Sự cố gắng và hành vi của con người chẳng có hiệu
quả gì trong chuỗi dài hiện hữu của họ. Họ chỉ cần chịu đựng hết cái
chuỗi dài đó cho đến khi nào nó chấm dứt một cách tự động, khi ấy con
người sẽ đạt được sự giải thoát cuối cùng. Chuỗi dài hiện hữu của mỗi cá
thể đã được quyết định từ trước, không thay đổi được. Tuy nhiên trào lưu
này lại chủ trương có sự biến cải và thăng tiến tuần tự cho mỗi lần tái
sinh, từ dạng thể thấp đến dạng thể cao hơn, cho đến khi nào chấm dứt,
(theo Trường Bộ Kinh – Digha-nikaya).
-
Trào lưu thứ ba do vị Thầy Ajita Kesakambali chủ xướng, dựa vào
thuyết tự hủy, tức là mọi thứ, mọi vật thể tự tiêu tan hay tan biến hết
chẳng còn gì cả (Tây phương gọi là annihilism). Kinh sách Phật giáo gọi
chủ thuyết này là ucceda-vada. Chủ thuyết hư không hay hư vô trên đây
được phổ biến rộng rãi trong thời kỳ Đức Phật còn tại thế và chia ra
nhiều chi phái, nhưng tất cả đều cho rằng sự tu tập chẳng có ích lợi gì,
sự hiểu biết và đạo hạnh chẳng giữ một tầm quan trọng nào nơi mỗi cá
thể. Theo các chủ thuyết này, con người gồm tứ đại : đất, nước, lửa và
khí. Khi chết, mỗi thành phần vừa kể sẽ quay về bản thể chung, tương ứng
với chúng trong thiên nhiên : đất với đất, nước với nước, v.v., các chức
năng giác cảm thì hội nhập với không gian. Mỗi cá thể sẽ bị xoá bỏ bằng
cái chết, và sau cái chết sẽ chẳng còn gì cả.
-
Trào lưu thứ tư chủ trương thuyết bất diệt gọi là sassata-vata, do
nhiều vị thầy khác nhau chủ xướng, trong số đó vị nổi tiếng nhất là
Pakhuda Kaccayana. Theo chủ thuyết này con người được cấu hợp bởi bảy
thành phần : đất, nước, lửa, khí, thích thú, đau đớn và sức sống (jiva).
Bảy thành phần riêng rẽ đó không sinh cũng không diệt, không khởi thủy
cũng không chấm dứt, chúng trường tồn một cách độc lập, không tác động
lẫn nhau, không thay đổi, không biến hoá cũng không thăng tiến, cứ giữ
nguyên như thế đến vô tận, (theo Trường Bộ Kinh – Digha-nikaya).
-
Trào lưu thứ năm thật ra bao gồm nhiều trường phái khác nhau và chủ
trương một hệ thống giáo lý theo đó thế giới này là sự sáng tạo của một
đấng tối thượng, kinh sách Phật giáo gọi đấng tối thượng này là
issara-nimmana-vada. Các trường phái khác nhau đưa ra các định nghĩa
ít nhiều khác nhau về Đấng Sáng tạo này và gọi bằng nhiều danh xưng khác
nhau : Maha-Brama, vị Chiến thắng, vị Chủ thế
giới, Tác giả, vị Sáng tạo, vị Tác tạo định mệnh,
vị Tự quản, người Cha của những kẻ đã được sinh ra và sẽ
được sinh ra…Các vị thầy chủ trương các hệ phái này là các vị :
Acchariyas, Tittiriyas, Chandokas, Chandavas, Brahmacariyas…, đồng thời
tên của các vị thầy cũng được đem ra dùng để gọi các hệ phái do các vị
ấy chủ xướng.
-
Trào lưu thứ sáu là một trào lưu khá lạ
lùng, cũng được truyền bá trong thời kỳ của Đức Phật. Vị Thầy được biết
đến nhiều nhất trong trào lưu này là Sanjaya Bellatthiputta, ông không
bao giờ trả lời những câu hỏi được nêu lên mà luôn luôn tránh né, dùng
luận cứ bất khả tri (không thể hiểu được sự tuyệt đối) để tránh
đối đầu, chẳng những với các câu hỏi về các chủ đề liên quan đến đạo đức
và siêu hình, mà còn tránh né cả các câu hỏi mang tính cách đại cương.
Theo Sanja Bellatthiputta, những câu hỏi và những câu trả lời rốt ráo và
đích thực đều liên quan đến những gì không thể xác định được, không thể
diễn tả được và không thể giải thích được. Người ta thường ví ông như
một cái kim luồn qua hai mép vải.
Thái độ của Phật
Không biết các kinh sách Nam tông có ghi chép và diễn tả đầy
đủ tất cả các chủ thuyết thời bấy giờ hay không, nhưng đều cho biết một
cách minh bạch rằng Đức Phật không chủ trương ngẫu biến, định mệnh, hư
vô, bất diệt, sáng tạo, bất khả tri. Điều đáng chú ý hơn hết là ngay
trong tập đầu tiên của Kinh Tạng (tức kinh Brahmajala-sutta) đã
nêu lên sự kiện Phật bác bỏ 62 chủ thuyết của các vị thầy đương thời.
Trong số 62 chủ thuyết ấy có 23 chủ thuyết chủ trương cái ngã
(atman), còn gọi là cái tôi, cái ta, và trong số các chủ
thuyết còn lại có nhiều chủ thuyết chủ trương sự bất diệt hay
trường tồn.
Phật nói rằng : « Bất cứ một quan điểm nào trong số 62
quan điểm [đã đề cập] đều có thể hiển hiện trong đầu của bất cứ
ai mang ý niệm sai lầm về cá tính con người (sakkaya-ditthi),
nhưng khi nào khái niệm sai lầm này không có, sẽ không còn có sự bám víu
vào các quan điểm ấy nữa » (kinh Sammyutta-nikaya). Câu nói
trên đây của Phật có nghĩa là gì ? Có nghĩa là Phật muốn ám chỉ đến cái
vô minh trong mỗi cá thể con người, cái vô minh về sự hiện
hữu của cái ta, cái tôi, cái ngã. Con người diễn đạt những thứ ấy
qua cái vô minh của mình và gán cho cá thể con người đủ mọi loại
đặc tính như trường tồn, hư vô, an bài, định mệnh, hậu quả hay tác phẩm
của sự sáng tạo thiêng liêng v.v…Những diễn đạt ấy sẽ làm phát sinh
những quan điểm khác nhau. Tệ hơn nữa là mỗi cá thể chẳng những tự diễn
đạt những quan điểm ấy cho riêng mình, mà còn tìm cách áp đặt cho kẻ
khác. Sự áp đặt cho kẻ khác những diễn đạt về cái tôi, cái ta, cái
ngã theo quan điểm của mình chính là nguồn gốc của mọi sự tranh
biện.
Phật cảnh giác chúng ta phải tránh sự tranh biện ấy vì ba lý
do như sau :
-
lý do thứ nhất : các quan điểm khác nhau,
sự cả tin hay đức tin của mỗi người và sự biện luận thuần lý sẽ không có
ích lợi gì cả, không thiết thực và không giúp ta nhìn thẳng vào vấn đề,
do đó Phật dạy không nên quan tâm đến những thứ như thế .
Trong Trung Bộ Kinh (kinh
Culamalunkyaputta-sutta), có kể chuyện về một đệ tử của Phật tên mà
Malunkyaputta như sau. Malunkyaputta đang ngồi thiền định một mình bổng
nhiên những thắc mắc sau đây vụt hiện ra trong đầu : « Vũ trụ trường tồn
vô hạn hay không trường tồn vô hạn ? Vũ trụ có giới hạn hay không có
giới hạn ? Nguyên lý của sự sống thuộc chung một thứ với thân xác hay là
nguyên lý sự sống là một thứ riêng biệt và thân xác là một thứ gì khác ?
v.v. ».
Malunkyaputta liền đến tìm Đức Phật để hỏi. Đức Phật giảng
cho Malunkyaputta như sau : « Này Malunkyaputta, mặc dù có một quan
điểm theo đó vũ trụ vô tận và có một quan điểm [khác] theo đó vũ
trụ không vô tận, nhưng trước nhất phải hiểu rằng có sinh, có già, có
chết, có khổ, có than khóc, có đớn đau, xót xa và tuyệt vọng. [Đối
với] Ta, Ta [chỉ] giảng [cho con] về sự chấm dứt những
thứ ấy trong thế giới này, trong chính sự sống này. Vì thế, này
Malunkuyaputta, hãy giữ lấy trong tâm những gì Ta giảng, đúng như Ta đã
giảng, và những gì Ta không giảng, đúng như Ta không giảng…». Phật
trả lời cho Malunkyaputta từng chủ đề một, nhưng chỉ trích ra đây một
câu tiêu biểu liên quan đến vũ trụ. Vì tính cách lập đi lập lại triền
miên của kinh sách, nếu trích ra hết sẽ làm cho bài viết quá dài.
-lý
do thứ hai : Phật giúp ta tránh khỏi những biện luận duy lý hay
thuần lý đưa đến những quan điểm đối nghịch làm phát sinh ra những tranh
luận bất tận. Các chủ thuyết siêu hình thông thường đưa đến những giáo
điều gò bó, cần phải có sự cả tin để chấp nhận, hoặc đưa đến việc tìm
tòi những luận cứ đủ loại có tính cách chống đỡ hay bài bác. Các luận cứ
ấy không phải là những kinh nghiệm thực tiễn do mỗi người thực hiện
được, vì thế không thể giúp cho ta đánh giá luận cứ này đúng hơn một
luận cứ khác.
Khoa học tiến triển dựa trên
giả thuyết, khi một giả thuyết còn đứng vững chưa bị đã phá thì những
hiểu biết do giả thuyết ấy mang đến vẫn còn có giá trị, khi một giả
thuyết bị xụp đổ thì những hiểu biết dựa trên giả thuyết ấy cũng mất giá
trị theo. Trên phương diện biện luận thuần lý, một quan điểm do một cá
nhân đưa ra cũng chỉ là một quan điểm như những quan điểm khác. Nếu ta
bám víu vào một quan điểm nào đó sẽ đưa đến sự tranh luận hay biện luận
bất tận. Nếu như sự bám víu ấy trở nên quá mạnh sẽ có thể đưa đến sự
phân biệt và kỳ thị, cố chấp và thiếu khoan dung, hậu quả đưa đến là sự
xung đột và chiến tranh tôn giáo như đã từng xảy ra trong lịch sử Phương
Tây.
-lý do thứ ba : Phật dạy ta giữ một thái
độ « trung hoà » hay đúng hơn « đứng ra ngoài mọi quan điểm
», không để cho bất cứ một quan điểm nào gây trở ngại cho sự thăng
tiến nội tâm của ta. Không phải chính các quan điểm « đứng ra »
gây trở ngại, mà chính sự bám víu của ta vào quan điểm này hay
quan điểm khác đã trực tiếp cản trở ta trên đường thăng tiến tâm linh.
Sự kiện bám víu sẽ tạo ra vô minh làm cho tâm thức u mê.
Bám víu vào bất cứ một quan điểm nào (dhamma tanha)
là một điều Phật cấm đoán. Vượt thoát mọi quan điểm là sự Giải thoát.
Một trong những thể dạng của kỹ thuật ngồi thiền là không tìm cách «
giải thích » mọi sự vật và biến cố, đồng thời cũng không diễn đạt những
nhận biết của giác cảm trên thân xác và những tư duy hiển hiện trong tâm
thức, và đó cũng là cách ứng dụng vào thực tế lời giảng của Phật trên
đây : đứng ra ngoài mọi diễn đạt và mọi quan điểm. Giác cảm là giác cảm,
không có sự khác biệt giữa một giác cảm thích thú và một giác cảm khổ
nhọc hay bấn loạn. Không có sự khác biệt giữa một quan điểm gọi là «
đúng » và một quan điểm gọi là « sai », một quan điểm là một quan điểm.
Sau đây là một thí dụ cụ thể hơn. Qua sự lý luận thông
thường, ta cho rằng quan điểm chủ trương « có sự hiện hữu của cái ngã »,
tức tôi có cái ngã của tôi, là một quan điểm sai (miccha ditthi),
quan điểm trái ngược lại tức là vô ngã, có nghĩa là không có cái
tôi (anatta vada) sẽ phải là một quan điểm « đúng». Nhưng thật ra
nên hiểu như thế này : tin rằng không có sự hiện hữu của cái ngã,
hay tin là đúng quan điểm không có cái ngã đều « không đúng »,
giản dị chỉ cần tránh đừng tin là có cái ngã. Sự tế nhị là ở chỗ
phái tránh sự cả tin là có cái ngã. Tin hay không tin là
hai thái cực của nhị nguyên, hai thái cực ấy sẽ được diễn đạt thành hai
quan điểm đối nghịch, tránh là đứng ra ngoài hay lên trên cả hai
quan điểm. Đấy là ý nghĩa và mục đích của việc tránh sự tranh biện
trong Phật giáo.
Những kinh nghiệm thực hiện
trong Phật giáo
Phật giáo tránh những quan điểm dựa vào sự biện luận thuần
lý và những diễn đạt không phát xuất từ kinh nghiệm bản thân, nhất là
những biện luận « siêu hình », nhưng không phải vì thế mà Phật giáo
không đạt được những hiểu biết siêu việt. Kinh nghiệm do bản thân đối
với Phật giáo không phải chỉ dựa trên sự cảm nhận của giác cảm và tâm
thức mà còn dựa trên sự hiểu biết « siêu giác cảm », « siêu tâm thức »,
một sự hiểu biết trực giác và tối thượng, nhờ vào sự tu tập lâu dài,
chẳng hạn như sự nhận biết về các kiếp trước, về sự tái sinh sau khi
chết, sự nhận biết bản thể đích thực của thế giới này, về bản chất của
mọi vật thể và biến cố. Những kinh nghiệm trực giác và tối thượng đó
chính là mục đích của việc tu tập Phật giáo.
Trong kinh Sangarava-sutta, thuộc Trung Bộ Kinh, Đức
Phật phân biệt ba loại thầy chủ xướng ba xu hướng tâm linh khác nhau,
liệt kê như sau : xu hướng thứ nhất có tính cách thần khải (tiết
lộ bằng thần cảm) (anussavika), sự hiểu biết thần khải dựa trên
kinh sách thiêng liêng gọi là thánh kinh, chẳng hạn như trường hợp các
vị thầy Bà-la-môn, nhất là thuộc trường phái Phệ đà (Veda). Các vị thầy
thuộc xu hướng thứ hai dựa vào những khái niệm siêu hình căn cứ trên sự
biện luận duy lý (takki vimansi) và các vị thầy này tự cho rằng họ có
thể đạt được những hiểu biết căn cứ trên sự biện luận và những luận cứ
thuần lý. Xu hướng thứ ba gồm các vị thầy đạt được sự hiểu biết bằng
kinh nghiệm trực tiếp xuyên qua sự luyện tập tâm thức. Đức Phật là một
vị Thầy thuộc vào nhóm thứ ba.
Đối với Phật giáo, không có chỗ nào dành cho các quan điểm
thuần lý cũng như những quan điểm có tính cách thần khải. Trong rất
nhiều kinh sách, chẳng hạn các kinh Kalama-sutta (trong Tăng Nhất
Bộ Kinh), Canki-sutta (trong Trung Bộ Kinh), Phật luôn luôn cảnh giác
các đệ tử của Ngài phải xem xét, kiểm tra thật cẩn thận bằng sự hiểu
biết kinh nghiệm bất cứ một điều gì trước khi chấp nhận hay phủ nhận. Sự
hiểu biết bằng kinh nghiệm trực tiếp hay trí tuệ do sự tu tập
đem đến khác với sự kiện có một quan điểm hay có một
đức tin, hai thể dạng hoàn toàn khác nhau.
Kết luận
Sự lý luận, phân giải, tranh biện rất cần thiết cho khoa
học, giúp khoa học thiết lập những giả thuyết, trên những giả thuyết ấy
sẽ xây dựng sự hiểu biết. Những giả thuyết đánh đổ lẫn nhau để thúc đẩy
sự tiến bộ và hiểu biết. Nhưng theo Phật giáo, những hiểu biết ấy vẫn là
những hiểu biết chủ quan, công thức và quy ước, mang tính cách nhị
nguyên, không thể dùng để diễn tả sự thực thực tuyệt đối của hiện thực.
Tránh sự biện luận trong Phật giáo là tránh những đối
nghịch và bế tắc do sư hiểu biết nhị nguyên, quy ước và sự biện luận
thuần lý gây ra. Tránh sự đối nghịch không phải là một thái độ sợ
sự hiểu biết mà là phương cách vượt lên trên sự hiểu biết để đạt
được sự quán nhận trực tiếp, rốt ráo và tối thượng về bản chất đích thực
của hiện thực. Sự hiểu biết rốt ráo và tối thượng ấy gọi là sự quán nhận
siêu nhiên (panna). Đối với Phật giáo Nam tông, sự hiểu biết ấy tượng
trưng cho cấp bậc thứ ba trong việc tu tập. Cấp bậc thứ nhất là tu
giới, cấp bậc thứ hai là tu định (samadhi), cấp bậc thứ ba là
tu quán (vipassana), tức sự quán thấy hay minh sát
bằng trí tuệ. Theo Nam tông trí tuệ ấy giúp người tu tập nhận biết chính
xác và trực tiếp tứ diệu đế và vô ngã của con người, kết
quả đưa đến là thể dạng giải thoát của bậc A-la-hán. Bắc tông gọi cấp
bậc thứ ba trên đây là tu tuệ và định nghĩa khác hơn một chút.
Bắc tông gọi trí tuệ đạt được trong cấp bậc tu tập thứ ba là Trí tuệ
siêu nhiên còn gọi là Trí tuệ Ba-la-mật (prajnaparamita), tức
là sự quán nhận trức tiếp hay sự thực hiện trực tiếp Tánh không
của cá thể con người và của tất cả mọi hiện tượng từ tâm thức đến ngoại
cảnh, sự quán nhận hay thực hiện Tánh không ấy sẽ đưa đến sự Giải
thoát cuối cùng.
Ghi
chú : bài viết chủ yếu dựa theo kinh sách Nam
tông. Các lời trích dẫn được trích từ các kinh sách đã được dịch thẳng
từ tiếng Pa-li sang ngôn ngữ Tây phương, do đó có thể có vài sự khác
biệt nhỏ so với kinh sách tiếng Việt dịch từ kinh sách gốc Hán. Các chữ
chú thích trong hai dấu ngoặc đơn là tiếng Pa-li, nhưng vì lý do kỹ
thuật nên không đánh dấu được.