Quan hệ với bạn bè
Bước ra khỏi gia đình, quanh ta đều là bạn bè. Bạn đồng nghiệp, bạn
chơi thể thao, bạn cùng sở thích, bạn học cũ, bạn trong quan hệ làm ăn,
nhờ cậy phụ thuộc lẫn nhau... và hàng loạt những quan hệ bạn bè khác nữa
không sao kể hết. Thậm chí, đi cùng chuyến xe cũng có thể trở thành bạn
bè nếu xét thấy có điểm nào đó hợp nhau qua dăm ba câu trao đổi...
Vì thế, nói đến một nếp sống đẹp không thể không xem xét đến quan hệ bạn
bè. Tất nhiên, nói cho cùng thì trong mỗi một quan hệ bạn bè khác nhau
đều có những điểm dị biệt khác nhau, nhưng dù sao vẫn có một số điểm
chung mà ta có thể vận dụng vào trong từng quan hệ khác biệt.
Những mối quan hệ bạn bè tốt đẹp sẽ đóng một vai trò quan trọng và tích
cực trong mọi quan hệ xã hội. Những người bạn tốt có thể là chỗ dựa tinh
thần lẫn vật chất cho chúng ta những lúc sa sút trong cuộc sống. Một
tình bạn thật sự luôn xuất phát từ những tương đồng nhất định nào đó, vì
thế mà những người bạn tốt luôn biết cách chia sẻ và nâng đỡ lẫn nhau
trong những tình huống xấu.
Nhìn từ một góc độ khác, bạn bè cũng là nguồn kiến thức phong phú, đa
dạng để chúng ta học tập. Tục ngữ có câu: “Học thầy không tày học bạn.”
Điều này càng chính xác hơn nữa trong bối cảnh xã hội ngày nay. Khi
chúng ta nhận một công việc mới, chính các bạn đồng nghiệp bao giờ cũng
là những người dạy cho ta nhiều điều nhất, kể cả những điều mà có thể
chúng ta chưa từng được học qua nơi trường lớp.
Một thực tế là, cho dù gia đình là nơi thân thiết nhất, nhưng phần lớn
thời gian trong cuộc sống của đa số chúng ta lại là gần gũi với bạn bè.
Trừ khi bạn rất may mắn để có được một công việc làm tại nhà, bằng không
thì thời gian làm việc và giao tiếp ngoài xã hội bao giờ cũng vượt xa
hơn thời gian mà bạn được gần gũi với gia đình.
Quan hệ với bạn bè là một mối quan hệ bình đẳng theo hai chiều, vì thế
bạn chỉ có thể có được những người bạn tốt, hay nói đúng hơn là những
tình bạn tốt đẹp, khi bạn biết cách xây dựng cũng như gìn giữ những mối
quan hệ ấy.
1. Chọn bạn mà chơi
Cho dù các quan hệ xã hội ngày nay có mở rộng đến đâu, phức tạp đến đâu,
bạn cũng không thể phủ nhận được nguyên tắc có vẻ như đã cũ mèm này.
Người ta nói rằng, chỉ cần biết được những người mà bạn giao du là có
thể hiểu được con người của bạn. Đó là nói về khuynh hướng lựa chọn của
mỗi người nói lên bản chất của con người ấy. Nhưng điều này cũng còn có
nghĩa là, bạn khó lòng mà tránh được những ảnh hưởng nhất định, tích cực
hoặc tiêu cực của bạn bè chung quanh. Vì thế, cách khôn ngoan nhất vẫn
là phải biết “chọn bạn mà chơi”.
Tuy nhiên, việc chọn bạn mà chơi ngày nay hoàn toàn không thể hiểu một
cách đơn giản như ngày trước. Có những người bạn mà dù muốn dù không
chúng ta cũng không thể tránh né quan hệ với họ. Hơn thế nữa, nếu chúng
ta không thật tế nhị trong cung cách ứng xử, không khéo rồi sẽ chẳng còn
mấy ai đến gần để cho ta chọn lựa đâu! Trong mối quan hệ hai chiều này,
nếu bạn công khai đưa ra những tiêu chuẩn này nọ để chọn lựa người
khác, e rằng bạn sẽ là người đầu tiên được xem là không đủ tiêu chuẩn để
kết giao cùng bè bạn.
Trong xã hội ngày nay, cũng khó mà đưa ra những nhận xét phân loại cụ
thể về những người bạn tốt hoặc xấu để chọn lựa. Có thể tạm hiểu một
cách giản đơn, những người bạn tốt là những người mà ta cảm thấy thích
hợp trong quan hệ, có thể chia sẻ, hỗ trợ cho nhau để cùng phát triển
tốt mà không có những khác biệt thái quá trong quan điểm cũng như trong
cách sống. Hiểu như thế, một người mà ta không thích giao du vẫn có thể
là bạn tốt của nhiều người khác. Và chính bản thân chúng ta cũng chưa
chắc đã được tất cả mọi người xem là bạn tốt!
Một câu cách ngôn phương Tây nói: “Có trăm người bạn vẫn không thừa, chỉ
một kẻ thù là quá đủ.” Hiểu theo cách này, chúng ta sẽ thấy việc mở
rộng quan hệ giao tiếp là quan trọng như thế nào. Hơn bao giờ hết, cuộc
sống của chúng ta ngày nay phụ thuộc rất nhiều vào những người chung
quanh trong xã hội, hay nói cách khác là phụ thuộc rất nhiều vào bạn bè.
Chúng ta không thể thành công hoặc duy trì được một nếp sống thoải mái
nếu không có được một quan hệ ngoại giao rộng rãi và tốt đẹp.
Vấn đề ở đây là, làm thế nào để vừa có thể “chọn bạn mà chơi” và vẫn có được nhiều bạn tốt?
Thật ra, trong những sinh hoạt xã hội ngày nay, những điều kiện kết giao
bè bạn đã mở rộng hơn xưa rất nhiều. Điều quan trọng là chúng ta phải
biết cách để nhận ra và giữ lấy những người bạn tốt trong quan hệ của
mình, đồng thời cũng biết cách để khéo léo từ chối, tránh đi những mối
quan hệ mà xét thấy không tốt đẹp về một phương diện nào đó.
Chúng ta có thể bắt đầu bằng cách mở rộng quan điểm giao tế. Hãy sẵn
lòng kết giao bạn bè trong nhiều mối quan hệ khác nhau. Trong một chừng
mực nào đó, việc có thêm mỗi một người bạn là có thêm một giá trị tinh
thần cho chính mình. Vì thế, chúng ta cần phải có một khuynh hướng rộng
mở thay vì khép kín. Nói cho cùng, chính chúng ta là người phải đi tìm
những người bạn tốt, không phải tự nhiên họ tìm đến với chúng ta đâu.
Một trong những khuynh hướng chọn lọc tự nhiên là sự đồng cảm. Người xưa
gọi là “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”. Vì thế, hãy sống
chân thật, bộc lộ chính mình trong giao tiếp. Rồi chúng ta sẽ thấy là
chỉ những người đồng cảm mới tiếp tục giữ mối quan hệ thường xuyên với
mình. Chẳng hạn, nếu chúng ta không có khuynh hướng thích bàn chuyện
chính trị, đừng cố tỏ ra quan tâm đến đề tài ấy trong một đám đông cốt
chỉ để làm cho người khác không thất vọng. Hãy bộc lộ chính mình. Điều
đó không có gì sai trái, nhưng nó giúp những người bạn thật sự biết để
tìm đến cùng chúng ta.
Sự chân thật và một chút khéo léo, tế nhị cũng giúp chúng ta tránh được
những mối quan hệ không thích hợp. Đừng ngại mếch lòng khi từ chối không
đi xem bóng đá với một người bạn mà mình không thích. Nhưng cũng đừng
từ chối một cách quá thẳng thừng. Bạn có thể đưa ra hàng tá lý do, và
tôi tin là có những lý do rất thật, để nhẹ nhàng từ chối. Qua vài lần
như thế, bạn sẽ không còn nhận được những lời mời bất đắc dĩ nữa.
“Kính nhi viễn chi” cũng là một trong các phương thức hữu hiệu khi phải
giữ mối quan hệ chừng mực với những người mà mình thấy là không thích
hợp, chẳng hạn một người bạn nào đó cùng sở làm. Điều đó có nghĩa là
“cung kính mà lánh xa”. Nhưng lánh xa không có nghĩa là tránh không đến
gần (?), mà có nghĩa là tránh kết nối những mối quan hệ thân mật hoặc
quá thường xuyên, tạo sự hiểu lầm về một tình bạn thân thiết. Chẳng hạn,
bạn không cần thiết phải mời ai đó dự tiệc sinh nhật của mình chỉ vì sợ
“mếch lòng”, nếu như không thực sự thích giao du với người ấy. Một lần
nữa, ở đây cũng là yếu tố chân thật. Tuy nhiên, một lời xin lỗi có tính
cách xã giao là cần thiết khi gặp gỡ về sau.
Mặt khác, việc “chọn bạn mà chơi” trong thời đại này cũng nên được hiểu
theo hai chiều. Nếu như bạn lăm le có ý “chọn lựa” người khác, thì bản
thân bạn cũng là đối tượng “chọn lựa” của “thiên hạ” vậy. Điều đó có
nghĩa là, nếu bạn muốn có những người bạn tốt, thì bản thân mình cũng
phải là một người thật tốt trước đã.
2. Sự chân thật và cảm thông
Thiết lập được mối quan hệ bạn bè là một chuyện, gìn giữ và phát triển tốt mối quan hệ ấy lại là một chuyện khác hơn.
Mặc dù có rất nhiều yếu tố cần thiết có thể được xem xét trong việc duy
trì một mối quan hệ bè bạn tốt đẹp, nhưng về mặt chủ quan có thể thấy
nổi bật nhất là sự chân thật và biết cảm thông.
Chân thật có nghĩa là không để cho những yếu tố giả tạo chi phối vào
quan hệ bạn bè. Cần phân biệt sự giả dối với những tránh né mang tính xã
giao mà ai ai cũng phải có trong giao tiếp. Khi bạn làm ra vẻ hết sức
nhiệt tình muốn giúp đỡ ai đó, có thể bạn sẽ được họ cảm kích. Nhưng sự
thật cuối cùng cũng sẽ phơi bày, bởi vì thực tế là khi sự việc xảy đến
bạn lại chẳng giúp gì cho người ấy cả. Trong trường hợp đó, mối quan hệ
sẽ xấu đi còn hơn cả trước kia, khi chưa xảy ra sự việc. Ngược lại, bạn
có thể nói là bận việc để từ chối một lời mời dùng cơm tối – trong khi
không bận gì cả – thì người mời vẫn có thể cảm thông được mà không xem
đó là một sự dối trá. Anh ta sẽ hiểu rằng bạn có những lý do riêng nhất
định nào đó mà không tiện nói ra.
Sự chân thật giúp cho mối quan hệ bạn bè được bền vững, vì mỗi người đều
cảm thấy mình được tôn trọng và có thể tin cậy lẫn nhau. Ngược lại, sự
dối trá được hiểu như là một sự khinh thường và khó tin cậy.
Bạn có thể biểu lộ sự chân thật qua cách ứng xử của mình, qua việc tôn
trọng những gì đã nói và qua việc chân thành chấp nhận những sai lầm,
khiếm khuyết. Một cung cách ứng xử như thế, thông thường sẽ nhận lại
được một cách ứng xử tương tự từ phía bên kia. Nếu không, cần xét lại ở
khâu “chọn bạn mà chơi” của bạn.
Sự cảm thông giúp chúng ta vượt qua được những khác biệt không sao tránh
khỏi trong quan hệ bạn bè. Trừ khi đó là những khác biệt làm cho hai
người trở nên không thể nào hoà hợp với nhau, còn thì hầu hết mọi sự
khác biệt đều có thể bằng cách này hay cách khác vượt qua được. Tất
nhiên là khi hai bên có sự cảm thông nhau.
Mỗi người trong chúng ta đều thường xuyên mắc phải những lỗi lầm về
phương diện này hay phương diện khác. Những người bạn tốt luôn biết cách
cảm thông và khuyến khích nhau để cùng hoàn thiện. Sự chỉ trích thiếu
xây dựng thường không làm cho vấn đề trở nên tốt hơn mà chỉ khiến cho
quan hệ bạn bè dễ đi đến chỗ ngày càng xa cách.
3. Giúp đỡ lẫn nhau
Nếu bạn nghĩ rằng nhận sự giúp đỡ cụ thể của một người bạn là một hành
vi lợi dụng, bạn đã sai lầm. Một quan hệ bạn bè chỉ thực sự tốt đẹp đúng
nghĩa khi đôi bên có sự giúp đỡ qua lại với nhau. Chẳng những bạn cần
biết cách giúp đỡ bạn bè khi khốn khó, hoạn nạn, hoặc đơn giản chỉ là
khi được cần đến, nhưng đồng thời cũng cần biết chấp nhận sự giúp đỡ
chính đáng của bạn bè. Nếu không có được sự qua lại hài hoà như thế, sẽ
không bao giờ có được một tình bạn thật sự gắn bó. Điều quan trọng là
bạn biết ghi nhận sự giúp đỡ chân thành của bạn bè và sẽ sẵn sàng đáp
lại bất cứ khi nào có dịp. Tuy vậy, đừng nên tính toán hơn thua trong
những mối quan hệ qua lại theo cách này. Có những giá trị của tình bạn
mà chắc chắn bạn sẽ không sao đo lường được bằng tiền bạc hay vật chất
của cải.
Việc giúp đỡ lẫn nhau được thực hiện bằng vào sự quan tâm chân thật, thể
hiện ngay cả qua những ý kiến đóng góp cho bạn mình, không phải lúc nào
cũng phải là những giúp đỡ bằng tiền bạc hay công sức. Đôi khi, sự quan
tâm chân thật của bạn bè có thể giúp ta có cảm giác được chia sẻ gánh
nặng, và vì thế mà bản thân sự quan tâm tự nó đã là một cách giúp đỡ
rồi.
Bạn bè cũng có thể giúp nhau qua những lời khuyên chân thành để cùng
tiến bộ. Một người bạn tốt thường đưa ra những lời khuyên xuất phát từ
lòng chân thành mong muốn sự tốt đẹp cho bạn mình, khác hẳn với những
cách nói đẩy đưa của người ngoài cuộc.
Nói tóm lại, sự giúp đỡ lẫn nhau là yếu tố quan trọng để nối kết tình
bạn ngày càng gắn bó hơn. Vì thế, hãy sẵn sàng giúp đỡ khi được cần đến,
và hãy chấp nhận sự giúp đỡ của bạn bè khi bản thân chúng ta gặp khó
khăn.
4. Đừng tạo ra cách biệt
Quan hệ bạn bè, dù thân thiết đến đâu cũng vẫn là bạn bè. Nghĩa là vẫn
còn có những điều cần phải tế nhị gìn giữ. Nếu bạn may mắn có được thu
nhập khá tốt, bạn cũng phải biết cách sử dụng tiền bạc trong quan hệ
giao tiếp sao cho điều đó không trở thành một nguyên nhân gây cách biệt.
Thử tưởng tượng bạn thường ra căn-tin uống nước với một người bạn vào
giờ giải lao hàng ngày. Nhưng anh ta bao giờ cũng giành trả tiền mà
không để cho bạn có một cơ hội nào đáp lễ. Dù không phải là một sự tính
toán sòng phẳng, nhưng lòng tự trọng của bạn rất dễ dàng bị tổn thương,
và quan hệ giữa hai bên bắt đầu nảy sinh sự cách biệt nhất định...
Quan tâm đến khó khăn về tài chánh của bạn mình cũng là điều rất tốt.
Điều đó thể hiện một tình bạn chân thật. Tuy nhiên, trong những trường
hợp không cần thiết, hãy khéo léo đừng cư xử một cách vượt trội quá. Một
món quà sinh nhật có thể cần có giới hạn nhất định để thể hiện sự hiểu
biết của bạn, khi nó được đưa ra chung với những món quà khác của bạn
bè. Cho dù bạn có khả năng tài chánh và rất muốn tặng cho bạn mình một
món quà thật đắt tiền, điều đó cũng không phải là một cách ứng xử đẹp,
bởi vì nó tạo ra sự cách biệt với những người khác. Tương tự, khi giao
tiếp với bạn bè tránh ăn mặc quá “khác thường” hoặc tỏ ra rộng rãi quá
đáng. Sự hào phóng của bạn sẽ có rất nhiều dịp khác đúng đắn hơn nhiều
để bày tỏ.
Những người có cuộc sống khó khăn về tài chánh lại càng dễ mang mặc cảm
thua kém với bạn bè. Nếu có một người bạn như thế, chúng ta cần phải
biết cư xử sao cho có sự hài hoà, hạn chế tối đa những cách biệt. Chẳng
hạn, nếu có dịp đi ăn cơm chung, hãy chủ động chọn một quán ăn bình dân
khiêm tốn. Điều này không dựa vào túi tiền của chúng ta mà là nhằm để
tránh cho người bạn một sự khó xử, ngay cả khi anh ta không phải là
người trả tiền.
Nếu bạn có một điều gì đó đặc biệt hơn người, cũng nên tránh sự bộc lộ
mình thường xuyên trước bạn bè. Một người luôn nói về mình – cho dù là
những điều đáng nói – ít khi tạo được sự hoà hợp cùng người khác. Nếu sự
phô trương ấy kèm theo chút tự cao, ngạo mạn – mà điều này lại rất
thường xảy ra – nó sẽ khiến cho những người bạn tốt dần dần xa lánh
chúng ta.
5. Nhưng cũng đừng vượt qua giới hạn
Nếu bạn ỷ lại vào sự thân thiết với một người bạn để xen vào những
chuyện riêng tư thuộc về cá nhân hoặc gia đình người ấy, bạn đã sai lầm.
Quan hệ bạn bè có những giới hạn nhất định không thể vượt qua, và người
khôn ngoan bao giờ cũng biết tự giữ mình trước khi vấn đề trở nên quá
đáng.
Chúng ta không thể chờ đợi một người bạn nói với chúng ta rằng “anh đang
xen vào chuyện riêng của tôi”. (Nhưng nếu điều này thường xuyên xảy ra
thì tôi e rằng sẽ có đấy!) Công khai nói lên một giới hạn mà mình không
muốn bạn bè vượt qua, đó là một điều tế nhị không làm được, vì nó cũng
đồng nghĩa với việc nói rằng “sự thân mật giữa tôi với anh chỉ đến mức
này thôi”, và tất nhiên là không ai muốn nói như thế cả.
Nhưng trong thực tế đó là một điều có thật. Vì vậy, chúng ta cần biết tự
nhận ra những giới hạn nhất định của tình bạn để không gây sự khó xử
cho người khác.
Gia đình của mỗi người là một thế giới riêng tư. Chúng ta không nên đến
chơi nhà bạn bè vào những giờ giấc mà người ta có thể cần có những sinh
hoạt gia đình nhất định. Những khách không mời mà đến vào giờ cơm là tỏ
ra thiếu lịch sự. Bữa cơm gia đình không chỉ đơn thuần là một bữa ăn, nó
còn là một “cuộc họp mặt gia đình”, vì người ta thường tranh thủ thời
gian đó để trao đổi với nhau những điều cần thiết, hoặc thậm chí là để
bày tỏ tình cảm, sự quan tâm đến nhau. Sự hiện diện của một người ngoài –
dù là bạn thân – thường chỉ được chào đón “theo phép lịch sự” mà thôi,
vì có những khó chịu mà không thể nói ra được. Nói chung, trừ khi được
chính thức mời, còn thì việc đến chơi nhà riêng cần nên được cân nhắc
hạn chế ở mức tối thiểu.
Thậm chí nếu chúng ta có dịp đến thăm một người bạn ở xa lâu ngày không
gặp, thì việc ở lại nhà người ấy cũng cần nên cân nhắc. Nói chung thì sự
hiện diện của một người ngoài trong gia đình dù có được chủ gia đình
chào đón cũng còn có thể gây lúng túng cho những thành viên khác. Nếu
chúng ta dự định ở lại nơi nào khá lâu, nên tự giải quyết chỗ ở của
mình, hoặc tìm một nhà bà con trong thân tộc thì tốt hơn.
Việc gọi điện thoại đến nhà bạn bè vào giờ cơm, giờ nghỉ ngơi ... đều
cần được hạn chế. Điều này có thể tự biết qua tâm lý của chính mình.
Không gì khó chịu bằng đang bữa ăn của cả gia đình, nhất là khi đang dở
dang một câu chuyện, mà chuông điện thoại reo lên và một người phải đi
nhấc máy. Sự khó chịu sẽ càng tăng lên gấp bội nếu như cú điện thoại ấy
không có thông tin gì cấp bách, cần thiết mà chỉ là để thăm hỏi và ...
tán gẫu. Nếu là đang giờ nghỉ trưa của cả nhà, vấn đề cũng sẽ không được
hoan nghênh hơn chút nào.
Khi chúng ta muốn góp ý với bạn bè về một vấn đề gì đó có liên quan đến
sự riêng tư trong gia đình, tốt hơn là nên hết sức thận trọng. Sự khó
chịu không phải bao giờ cũng được bộc lộ ra ngay để chúng ta thấy được –
và nếu đã đến mức đó thì e rằng chúng ta sẽ không còn có cơ hội để lập
lại sự việc lần thứ hai!
Nếu là bạn bè khác phái thì càng phải thận trọng hơn nhiều. Cho dù là
một tình bạn “trong sạch” mà không có sự khéo léo, tế nhị trong ứng xử
cũng có thể gây ra những sự hiểu lầm không cần thiết.
Những chuyện riêng tư của bạn bè mà chúng ta tình cờ biết được hoặc
chính thức được nghe bạn tâm sự, cũng cần nên được giữ kín. Điều đó thể
hiện một sự hiểu biết và tôn trọng. Khi người bạn thân đến than phiền
với chúng ta về một người cha nghiện ngập đã có những hành vi quá đáng
trong cơn say..., người ấy chỉ muốn chia sẻ nỗi buồn bực trong lòng mình
vào lúc đó, chứ hoàn toàn không muốn chúng ta mang chuyện ấy đi nói với
bất kỳ ai khác. Nhưng những việc tương tự như vậy rất thường xảy ra, và
chính là một trong những nguyên nhân gây thương tổn cho tình bạn.
Khi một người bạn đến nhờ chúng ta giúp đỡ trong lúc khó khăn, chẳng hạn
như cho mượn một số tiền, điều tất nhiên là họ sẽ nói hết cho chúng ta
nghe về lý do cần tiền của họ. Việc chúng ta đồng ý giúp đỡ bằng cách
cho mượn tiền cũng không bao giờ là lý do chính đáng để có thể mang
chuyện ấy ra kể lại cho người khác biết.
Để nhận thức đúng về những giới hạn trong tình bạn, chúng ta cũng cần
phải đánh giá đúng về mức độ thân mật giữa mình với mỗi người bạn khác
nhau. Đây là điều rất tế nhị không dễ làm. Cách tốt nhất là dựa vào cách
ứng xử của mỗi người bạn đối với chúng ta để xác định điều đó. Nếu một
người bạn sẵn lòng chia sẻ những chuyện buồn trong gia đình với chúng
ta, điều đó có nghĩa là người ấy cũng sẽ sẵn lòng lắng nghe những tâm sự
của ta khi cần thiết. Và nếu một người bạn có ý muốn tránh né không đề
cập đến những chuyện riêng tư trong gia đình họ, hãy thận trọng đừng làm
điều đó với anh ta.
6. Biết tôn trọng lẫn nhau
Dù là bạn bè thân thiết đến đâu, sự tôn trọng lẫn nhau vẫn là cần thiết.
Nếu là bạn bè mới quen, hoặc bạn bè quan hệ trong công việc... thì điều
này lại càng quan trọng hơn nữa.
Sự tôn trọng lẫn nhau được thể hiện qua cung cách giao tiếp, có khi chỉ là trong ngôn từ hoặc những cử chỉ rất nhỏ.
Nhiều người coi thường việc chọn lựa cách xưng hô. Họ không biết rằng
việc xưng hô không thích hợp thường gây khó chịu cho người khác rất
nhiều, và nó cũng bộc lộ sự thiếu hiểu biết của bản thân chúng ta. Muốn
xưng hô thích hợp, chúng ta cần phải đánh giá đúng mức độ thân mật giữa
mình với người khác. Dùng tên riêng để xưng hô với một người bạn mới
quen biết không phải là điều thích hợp, trong khi việc sử dụng những
danh xưng thật trịnh trọng, nghiêm trang với một người bạn thân thường
tạo ra cách biệt.
Những lời nói đùa giữa bạn bè với nhau cũng cần được chú ý. Sự pha trò
đúng mức là một yếu tố làm cho cuộc gặp gỡ giữa bạn bè với nhau trở nên
vui nhộn, hào hứng, nhưng đừng bao giờ đưa ra những lời nói đùa có tính
cách xúc phạm đến người khác. Một tiếng cười hoà nhập cùng tập thể vào
lúc đó không có nghĩa là người ấy hoàn toàn hài lòng hoặc không khó
chịu. Và những người pha trò như thế là đã thiếu đi sự tôn trọng tối
thiểu đối với bạn bè.
Quan hệ bạn bè trong một chừng mực nào đó là quan hệ rất thoải mái, ít
có sự gò bó, khuôn khổ như nhiều mối quan hệ khác. Tuy nhiên, nếu thiếu
sự tôn trọng lẫn nhau thì sự thoải mái sẽ trở thành sự bừa bãi và không
thể giữ cho mối quan hệ ấy tốt đẹp dài lâu được.
7. Sòng phẳng trong công việc
Đôi khi, một mối quan hệ bạn bè còn đi kèm theo với một quan hệ khác
nữa, chẳng hạn như quan hệ trong công việc. Một người bạn thân đồng thời
cũng là cộng sự trong công tác chẳng hạn, hoặc hai người cùng hợp tác
buôn bán hay làm một dịch vụ nào đó...
Những mối quan hệ song song này nên được phân biệt rạch ròi, tránh sự
lẫn lộn qua lại với nhau. Một người bạn rất thân, nhưng đồng thời cũng
giữ cương vị trưởng phòng mà bạn đang phải làm việc dưới quyền. Trong
trường hợp đó, chúng ta cần phải biết phân biệt rõ khi nào là quan hệ bè
bạn và khi nào là quan hệ công việc.
Điều này người xưa đã từng nhắc nhở. Trong công việc người ta gọi là
“công tư phân minh”, trong mua bán cũng thường nói “ăn cho, buôn so”...
Những quan điểm này chính là sự phân biệt tách bạch quan hệ bạn bè và
những mối quan hệ khác...
Sự nhập nhằng trong quan hệ bè bạn và những mối quan hệ khác thường
không thấy ngay những điều khó xử, nhưng về lâu về dài sẽ dẫn đến nhiều
lúng túng cho cả đôi bên. Và nếu điều này không được giải quyết thoả
đáng thì tình bạn cũng khó mà duy trì được sự tốt đẹp lâu dài.
Một nguyên tắc chung là bao giờ cũng nên sòng phẳng trong công việc.
Đừng bao giờ để cho quan hệ bạn bè chi phối vào những gì thuộc về trách
nhiệm của mình, cũng đừng ngại việc quy trách nhiệm cho một người bạn
nếu như điều đó là cần thiết. Xét cho cùng, bạn có thể giúp đỡ bạn bè
theo nhiều cách khác nhau, nhưng không thể thay thế để nhận lãnh trách
nhiệm về một điều thuộc phạm vi công việc của người khác.
Thử tưởng tượng, nếu như chúng ta ỷ lại vào quan hệ bè bạn với trưởng
phòng để thường xuyên đi làm trễ giờ, điều đó sẽ không sao chấp nhận
được. Và trong cương vị ngược lại, nếu là một trưởng phòng, chúng ta
cũng không thể vì tình bạn mà bỏ qua không nhắc nhở sự vi phạm kỷ luật
thường xuyên của bạn mình.
Nhiều quan hệ nhỏ nhặt khác trong cuộc sống cũng cần được ứng xử một
cách sòng phẳng, rõ ràng minh bạch. Sự sòng phẳng không có nghĩa là coi
trọng tiền bạc hơn tình nghĩa, nhưng nó là cách tốt nhất để bảo vệ tình
cảm lâu dài. Bởi vì có những điều tuy không nói ra được nhưng sẽ hình
thành những gút mắc trong quan hệ, mà nếu kéo dài lâu ngày có thể trở
nên căng thẳng.
Nếu bạn khéo léo trong ứng xử và nắm vững nguyên tắc này, bạn sẽ tránh
được rất nhiều tình huống khó xử về sau. Hơn thế nữa, trong trường hợp
này tình bạn sẽ là một yếu tố tích cực thúc đẩy cho công việc. Ngược
lại, bạn có thể sẽ phá hỏng cả tình bạn lẫn công việc đang làm.
Quan hệ với đồng nghiệp
Sự phát triển của xã hội ngày nay đòi hỏi mở rộng mối quan hệ giao tiếp
trong công việc. Mặt khác, quan hệ tốt với các bạn đồng nghiệp là một
trong những yếu tố tất yếu để dẫn đến thành công trong công việc. Đôi
khi quan hệ với các đồng nghiệp cũng có thể là một quan hệ bạn bè, nhưng
đôi khi đó cũng có thể chỉ thuần tuý là một quan hệ trong công việc. Dù
thế nào đi nữa thì bạn đồng nghiệp cũng là những người mà chúng ta phải
thường xuyên tiếp xúc, và cũng là những người cùng chúng ta chia sẻ
những khó khăn hoặc thuận lợi trong công việc.
Một trong những nguyên tắc đầu tiên trong giao tiếp với đồng nghiệp là
biết giới hạn phạm vi công việc của mình. Nếu như chúng ta có thể chân
thành đưa ra sự góp ý xây dựng cho một người bạn thân về những gì mà
người ấy còn thiếu sót, thì chúng ta không thể làm tương tự như thế với
một đồng nghiệp, trừ khi điều muốn nói ra là thuộc về phạm vi trách
nhiệm trong công việc của chúng ta.
Nguyên tắc này cũng có nghĩa là chúng ta phải luôn nhận rõ và hoàn thành
tốt phần công việc thuộc phạm vi trách nhiệm của mình. Ngày nay, phần
việc của mỗi cá nhân thường bao giờ cũng liên quan đến khối lượng công
việc chung. Nếu chúng ta không hoàn thành tốt phần việc của mình, điều
đó thường cũng có nghĩa là có ai đó sẽ phải nhúng tay vào, và như vậy
không phải là một dấu hiệu tốt cho quan hệ trong công việc.
Tinh thần trách nhiệm bao giờ cũng là một trong những yếu tố giúp tạo
thiện cảm nơi những người cùng làm việc chung. Việc đi trễ thường xuyên
chẳng hạn, thường gây khó chịu cho các đồng nghiệp, cho dù họ không phải
là người trả lương cho chúng ta. Tinh thần trách nhiệm cũng giúp tạo ra
được sự tin cậy trong công việc, và đây chính là chìa khoá thiết yếu
cho sự thăng tiến trong tương lai.
Một nguyên tắc khác trong giao tiếp với đồng nghiệp là sẵn sàng giúp đỡ.
Khi bạn nhận lời giúp đỡ đồng nghiệp của mình – tất nhiên là trong phạm
vi có thể làm được – bạn vẫn được nhận đủ tiền lương như bình thường,
nhưng đồng thời bạn còn đã “ký gửi” được một phần “lợi tức” nhất định
nơi người được giúp đỡ. Cho dù bạn không tính đến, chắc chắn cũng sẽ có
lúc bạn nhận lại được cả “vốn lẫn lãi”. Hơn thế nữa, biết đâu được lúc
nào là lúc chính bạn sẽ cần được giúp đỡ?
Biết giữ lời hứa cũng là một điều quan trọng. Xét cho cùng, mối quan hệ
chính với các đồng nghiệp là công việc, không phải tình cảm. Và để đảm
bảo công việc, người khác cần có thể tin cậy được vào những gì bạn đã
hứa. Việc giữ lời hứa giúp công việc dễ dàng được sắp xếp trôi chảy,
hiệu quả, và do đó làm cho các đồng nghiệp được hài lòng. Sự hài lòng là
một yếu tố để dẫn đến mối quan hệ tốt đẹp.
Nhưng mối quan hệ với các đồng nghiệp không phải lúc nào cũng thuận lợi.
Có những trường hợp bạn vô cớ bị “chiếu tướng” bởi một đồng nghiệp.
Hoặc có khi nguyên do rất khó nói ra nhưng có thể ngầm hiểu là sự ganh
tỵ vì thua kém trong công việc, hoặc đơn giản chỉ là vì bạn có vẻ ngoài
trông hao hao giống... với một người mà người ấy không thích.
Cho dù là vì lý do gì thì việc có một đồng nghiệp hay cau có, gắt gỏng
hoặc luôn luôn nghiêm nghị, lầm lì với mình cũng là một điều không lấy
gì làm thoải mái. Trong những trường hợp này, sự chủ động tích cực của
bạn đôi khi cũng có thể giải quyết được vấn đề.
Trước hết, hãy loại bỏ ý tưởng chủ quan của bạn về một sự đối nghịch “vô
cớ”. Hãy thận trọng xem xét lại mình, liệu có thể đã có điều gì sai sót
hoặc vô tình trong cách ứng xử của mình có thể đã là nguyên nhân hay
không? Nếu bạn đủ may mắn để nhận ra được một nguyên nhân nào đó, đừng
ngại nói chuyện trực tiếp ngay với người ấy, nhận lỗi để hoá giải đi sự
hiềm khích.
Đôi khi, bạn không thể tìm ra bất cứ nguyên nhân nào về phía mình, điều
đó cũng không có nghĩa là bạn đã hoàn toàn đúng. Trong trường hợp này,
hãy chủ động đặt thẳng vấn đề với người ấy một cách xây dựng và lắng
nghe những gì người ấy trình bày.
Tuy nhiên, vấn đề đôi khi cũng không đơn giản như vậy. Nếu đó là những
nguyên nhân không thể nói ra hoặc chỉ là một định kiến không rõ ràng, có
thể bạn cần phải kiên nhẫn nhiều hơn mới có thể hoá giải được.
Hãy giữ thái độ lịch sự và thân thiện ngay cả khi bạn nhìn thấy một
khuôn mặt cau có, lầm lì. Thường thì người ta không thể “căng thẳng” quá
lâu với người khác khi không có một sự “căng thẳng” đáp lại.
Bạn cũng có thể bày tỏ thiện chí của mình bằng nhiều cách. Chân thành
khen ngợi khi người ấy có điểm nào đó thật sự đáng khen, hoặc giúp đỡ
một cách tế nhị trong công việc...
Và nếu bạn thật hết sức không may mà gặp phải một “trái tim sắt đá”
không hề lay chuyển, thì lời khuyên cuối cùng là hãy “tự giữ mình”, đừng
để bị lôi cuốn vào một cuộc đối đầu không cần thiết. Chỉ cần giữ thái
độ “phớt lờ” là đủ rồi.
Những người hàng xóm
Trừ khi bạn lên sống tận miền Bắc cực xa xôi hay vùng núi cao hoang vắng
nào đó, bằng không thì bạn nhất thiết phải sống giữa những người hàng
xóm. Trong cuộc sống ngày nay, hàng xóm láng giềng là một trong những
yếu tố mà chúng ta không có mấy khả năng lựa chọn, chỉ có thể làm thế
nào đó để thích nghi với họ mà thôi. Quả thật, khi đi mua nhà, rất hiếm
khi người ta có đủ điều kiện để cân nhắc đến yếu tố này.
Tục ngữ có câu “Bán anh em xa, mua láng giềng gần.” Điều này nói lên
được tầm quan trọng của những người hàng xóm. Bởi vì những khi “tối lửa
tắt đèn”, nếu có hoạn nạn bạn không thể nào trông đợi người thân mình có
thể đến giúp đỡ nhanh chóng hơn là các ông bà hàng xóm.
Thế nhưng, cho dù bạn có không cần quan tâm đến việc “phòng xa” khi hoạn
nạn, thì những người hàng xóm vẫn đóng một vai trò quan trọng trong đời
sống của bạn. Hoặc là họ làm cho cuộc sống của bạn tươi đẹp hơn, hoặc
là họ đẩy nó đến chỗ tồi tệ, căng thẳng nhất.
Ngoài giờ làm việc ra, phần lớn thời gian chúng ta sinh hoạt ở nhà. Và
nếu bạn may mắn có được một công việc làm tại nhà thì vấn đề lại càng
quan trọng hơn. Khi bạn ở nhà, dù muốn dù không bạn sẽ chịu một số ảnh
hưởng nhất định từ những người hàng xóm. Dù không là những ảnh hưởng
quan trọng nhưng lại là những ảnh hưởng lập đi lập lại hàng ngày, hàng
tháng... Vì thế, nếu không may đó là những ảnh hưởng xấu thì bạn thật
khó lòng phớt lờ đi được.
Nếu hàng tuần, hoặc thậm chí hàng đêm, bạn đều phải nhức nhối cả hai lỗ
tai vì tiếng nhạc xập xình phát ra từ một dàn loa “hảo hạng” bên hàng
xóm, bạn có thể hiểu ngay được điều tôi muốn nói ở đây. Vấn đề là bạn
không thể khiếu nại đến đâu đó với lý do là mình “không muốn nghe nhạc”,
vì e rằng điều đó có vẻ khôi hài quá.
Bạn cũng có thể không sao mở cửa sổ được vì những mùi hương “thân thương
quyến rũ” từ cái chuồng heo hàng xóm cứ liên tục bay sang. Mà thậm chí
có đóng cả cửa sổ thì nó cũng vẫn tìm cách “chui” vào được.
Bạn cũng có thể phải cấm cửa mấy đứa con mình không được bước ra khỏi
nhà, vì cứ mỗi lần chúng lang thang sang hàng xóm đều phải nhận lãnh một
“dấu ấn” nhất định nào đó khi quay về, chỉ vì các vị “tiểu anh hùng”
bên nhà hàng xóm.
Và rất nhiều những vấn đề rắc rối nhỏ nhặt, vụn vặt khác, mà đôi khi cũng khó lòng kể ra hết được...
Nhưng nhiều khi bạn cũng có thể may mắn có được những người hàng xóm
tốt. Họ sẽ là những người bạn tốt có điều kiện để giúp đỡ bạn nhiều
nhất. Bạn cũng có thể sẽ chia sẻ được với họ cả những khó khăn hoặc buồn
vui trong cuộc sống của mình.
Dù sao đi nữa, rõ ràng là bạn cũng rất cần quan tâm đến việc nên ứng xử
như thế nào với những người hàng xóm. Bạn cần biết cách hoá giải những
khó khăn, làm cho chúng trở nên “dễ chịu” hơn đôi chút chẳng hạn. Và
cũng cần biết cách gìn giữ những mối quan hệ tốt, nếu như không muốn
chúng sẽ thay đổi theo chiều hướng xấu đi.
Giữ hoà khí là chiếc chìa khoá vàng trong giao tiếp với những người hàng
xóm. Tuy nhiên, không phải bao giờ việc này cũng có thể thực hiện được
một cách dễ dàng. Để có thể giữ hoà khí với những người hàng xóm khó
tính hoặc ... có “cá tính mạnh”, bạn cần có một sự kiên nhẫn thích hợp
và thời gian để tạo thiện cảm.
Điều trước tiên nên nhớ là đừng bao giờ tranh hơn thua với những người
hàng xóm của bạn. Hay nói khác hơn là nên có một chuẩn mực đánh giá khác
hơn cho sự “hơn thua”. Ở đây, nếu bạn giữ được hoà khí, tạo được thiện
cảm với một người hàng xóm, có nghĩa là bạn đã thắng. Ngược lại, cho dù
bạn có thể làm cho người ấy phải lép vế, hoặc thậm chí xin lỗi bạn nhưng
với một sự hiềm khích trong lòng, xem như bạn đã thua. Sở dĩ như vậy là
vì tính cách “sát sườn” của những người hàng xóm. Có thể họ chào thua
bạn lần này, nhưng ai mà biết được... hãy đợi đấy!
Bạn cũng có thể áp dụng nguyên tắc này ngược lại về phía mình. Nhường
nhịn không có nghĩa là chịu thua. Và nếu bạn khéo léo biết “hạ mình”
đúng lúc, nhiều khi bạn sẽ đạt được những kết quả rất bất ngờ.
Nếu bạn gặp phải một người hàng xóm khó tính, sự khiêm tốn, chủ động tạo
hoà khí vẫn thường mang lại kết quả tốt đẹp. Bởi vì nói chung thì bất
cứ ai cũng có những “điểm yếu” nhất định để bạn tấn công vào. Một vài
lời thăm hỏi chân thành, hoặc đề nghị giúp đỡ khi cần thiết, thậm chí
đôi khi là một bữa cơm khách thân mật... Những điều đó có thể góp phần
làm êm dịu tình hình.
Ngay cả khi bạn bắt buộc phải đưa ra một sự phản đối – vì vấn đề đã vượt
quá mức chịu đựng – hãy chọn làm điều đó theo cách ôn hoà nhất. Những
cuộc “chiến tranh” với hàng xóm không bao giờ là “trận chiến cuối cùng”,
vì thế phải nghĩ đến lúc còn “nhìn mặt nhau” về sau.
Hồi tôi còn nhỏ, tôi nhớ mẹ tôi thường sai tôi mang thức ăn ngon cho
những người hàng xóm. Có khi chỉ là một bát canh, một đĩa đồ xào...
thuộc loại đặc biệt mà ít khi chúng tôi có được. Mẹ tôi thường nói:
“Người ăn thì còn, con ăn thì mất.” Tất nhiên, câu này chỉ đúng ở một
khía cạnh nào đó thôi, và đó chính là khía cạnh mà chúng ta đang bàn
đến. Những cử chỉ đẹp như vậy thường được hàng xóm đón nhận với một sự
trân trọng, trừ khi bạn gặp phải những người thuộc loại “phi thường”.
Tính nhẫn nhục của mẹ tôi với những người hàng xóm còn đáng ghi nhận hơn
khi chúng tôi thỉnh thoảng lại bị mất cả những bát đĩa đã dùng để mang
thức ăn đi cho, vì người ta “quên” trả lại! Nhưng mẹ tôi vẫn cười xoà mà
chẳng bao giờ lấy đó làm bực mình. Bù lại, từ khi tôi khôn lớn, tôi
chưa bao giờ thấy gia đình gặp phải bất cứ vấn đề gì rắc rối với các
người hàng xóm.
Giao tiếp nơi công cộng
Giao tiếp nơi công cộng là một khái niệm chỉ chung cho các quan hệ ở
những nơi đông người, với những người mà bạn chỉ thoáng gặp tình cờ
trong đám đông. Có thể đó là khi xếp hàng mua vé xem ca nhạc, đi chung
trên xe buýt, hoặc dạo chơi trong công viên, cho đến như khi mua sắm
trong siêu thị...
Đặc điểm của những mối quan hệ giao tiếp này là bạn sẽ được người khác –
những người mà bạn giao tiếp – nhìn nhận một cách đơn giản như là trong
quan hệ giữa con người với con người, thế thôi. Bởi vì bạn chỉ xuất
hiện trước mắt họ với những gì của chính bản thân bạn, như trang phục,
cử chỉ, phong cách nói năng, đi đứng... Ngoài ra, những thứ như cương vị
xã hội, gia đình, quyền lực hay tri thức, thậm chí danh tiếng mà bạn có
được... đóng vai trò rất nhỏ hoặc không có gì trong những mối quan hệ
thoáng qua này.
Giao tiếp nơi công cộng là sự giao tiếp làm bộc lộ rõ nét nhất sự lịch
thiệp và khả năng giao tế của mỗi người. Bởi vì bạn phải hoàn toàn dựa
vào chính mình để tạo ra một ấn tượng – tốt hoặc xấu – trong mắt nhìn
của những người mà bạn giao tiếp, hoặc thậm chí không hề giao tiếp mà
chỉ là được nhìn thấy.
Tuy là những mối quan hệ thoáng qua, nhưng các quan hệ giao tiếp nơi
công cộng đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành nên nhân cách
của một con người. Suy cho cùng, nếu đã là người có một nếp sống đẹp,
điều đó phải có nghĩa là sống đẹp với tất cả mọi người chứ không chỉ
riêng gì với những người mà ta đã từng quen biết.
Hơn thế nữa, rất nhiều mối quan hệ thoáng qua này, nếu tốt đẹp, sẽ là
khởi đầu cho những mối quan hệ dài lâu khác – một người hợp tác làm ăn,
một khách hàng, thậm chí một người bạn thân mà về sau sẽ cùng ta chia sẻ
suốt đoạn đời còn lại... Và nếu bạn là người có một nghề nghiệp đòi hỏi
giao tiếp rộng, đôi khi bạn khó lòng phân biệt được những mối quan hệ
giao tiếp nơi công cộng này với các quan hệ khác. Những người hoạt động
xã hội lại càng xem trọng các quan hệ giao tiếp nơi công cộng, bởi vì
chính thông qua đó mà họ bộc lộ chính mình để chinh phục sự ủng hộ của
người khác.
Nguyên tắc đầu tiên trong giao tiếp nơi công cộng là phải tôn trọng
người khác. Sự tôn trọng này xuất phát đơn giản từ chính bản thân bạn,
một người biết sống đẹp, mà không cần phân biệt người mình đang giao
tiếp đó là ai – bởi vì bạn thật ra bạn cũng không thể biết được là đang
giao tiếp cùng với ai cả.
Khi bạn cần phải đi vội trong một đám đông chẳng hạn, cũng không thể
dùng sức chen lấn để vượt qua. Sự tôn trọng người khác không cho phép
chúng ta làm như vậy. Và những trường hợp khác đại loại là như thế...
Sự tôn trọng người khác được thể hiện cụ thể qua ngôn ngữ và cử chỉ của
chúng ta. Chỉ một lời nói hay cử chỉ đúng đắn có thể tạo nên thiện cảm
hoặc ấn tượng tốt đẹp, và thậm chí có thể hoá giải được cả nhiều xung
đột không cần thiết.
Khi bạn đến những nơi công cộng, điều nhỏ nhặt nhưng rất quan trọng là
hãy thể hiện sự tôn trọng người khác bằng cách sử dụng đúng lúc những
cụm từ “cảm ơn” và “xin lỗi”. Những cụm từ này, sử dụng một cách chân
thành và đúng lúc, sẽ là những vũ khí giúp bảo vệ cho nhân cách của bạn
nơi công cộng, và cũng là những vũ khí rất hữu hiệu để chinh phục lòng
người.
Tôi dùng từ “chân thành”, bởi vì có rất nhiều người vẫn nói ra những lời
“cảm ơn” hoặc “xin lỗi”, nhưng họ không thật sự nói ra với lòng chân
thành, vì họ cho rằng đây chỉ là những nghi thức xã giao, những ngôn từ
“cửa miệng” nhằm để tạo ra vẻ lịch sự tối thiểu cho một con người, thế
thôi! Và điều đó là một sai lầm.
Khi nhờ ai đó làm điều gì giúp ta, hoặc thậm chí là một việc thuộc
trách nhiệm của người ấy nhưng có lợi cho chúng ta, ta đều nói lời “cảm
ơn”. Vấn đề là ở chỗ, đôi khi chúng ta không ý thức được đầy đủ tính
đúng đắn của những lời cảm ơn như thế mà chỉ thực hiện điều đó như một
thông lệ. Có bao giờ bạn suy nghĩ về lý do phải nói lên những lời cảm ơn
như thế, để có thể thấy được tính đúng đắn và hợp lý của nó đến mức nào
hay chăng? Nếu không, sẽ có lúc bạn cho rằng đó là điều không cần
thiết, hoặc có thể có nói ra thì cũng chỉ là những lời “đầu môi chót
lưỡi” mà không có được sự chân thành cần thiết để tạo ra tính thuyết
phục.
Chúng ta sinh ra trong cuộc sống này vốn dĩ đã chịu ơn của tất cả mọi
người chung quanh. Bản thân ta không thể tồn tại hoặc làm nên chuyện gì
nếu không có những sự giúp đỡ trực tiếp hoặc gián tiếp từ bên ngoài. Nói
lời cảm ơn là thừa nhận thực tế đó, không phải chỉ đơn giản là vì ta
“muốn làm người lịch sự”. Thử tưởng tượng, có một công việc nào bạn có
thể thực hiện được mà hoàn toàn không chịu những ảnh hưởng nhất định từ
người khác? Xã hội càng phát triển, con người càng phụ thuộc vào nhau.
Thừa nhận mối tương quan đó và chân thành biết ơn người khác là một cách
suy nghĩ đúng đắn khởi đầu cho một nếp sống đẹp.
Trong từng trường hợp cụ thể mà bạn nói lên lời cảm ơn cũng đều thể hiện
ý nghĩa sâu xa đó. Mỗi người đều có quyền tự do sử dụng thời gian của
mình và quyền tự do đó phải được người khác tôn trọng. Khi ai đó chịu
bớt thời gian để giúp ta chuyện gì, dù là nhỏ nhặt, người ấy xứng đáng
nhận được lời cảm ơn một cách chân thành. Giả sử như trên đường phố, khi
ai đó chịu dừng lại để chỉ cho bạn đường đi đến bưu điện gần nhất, có
hai lý do để bạn phải chân thành nói lời cảm ơn người ấy. Một là kết quả
thiết thực mà bạn có được, có thể là không phải đi vòng vo thêm một giờ
đồng hồ nữa chẳng hạn... Hai là thiện chí và thời gian mà người ấy đã
vui lòng bỏ ra để giúp bạn. Với hai lý do đó, làm sao bạn lại có thể nói
ra lời cảm ơn một cách hời hợt thiếu chân thành?
Ngay cả khi ai đó thực hiện điều gì cho chúng ta trong phạm vi trách
nhiệm của họ, người ấy vẫn xứng đáng nhận được lời cảm ơn, vì họ đã thực
hiện sự việc với thiện chí hoặc đã mang lại ích lợi cho chúng ta. Bạn
có thể nhờ người phục vụ mang hành lý lên phòng mình trong khách sạn.
Bạn đã trả tiền để được phục vụ như thế. Tuy nhiên, người phục vụ đã
mang hành lý giúp bạn với một thiện chí, đã không làm hư hỏng nó, và có
thể là đã vui vẻ khi làm điều đó. Vì thế, anh ta xứng đáng nhận được một
lời cảm ơn chân thành...
Hầu hết những trường hợp mà chúng ta nói lời cảm ơn, đều xuất phát từ
những ý nghĩa tương tự như thế. Nếu chúng ta chịu phân tích, suy nghĩ,
chúng ta sẽ không bao giờ có thể nói ra những lời cảm ơn một cách hời
hợt được.
Chẳng những là những lời cảm ơn, mà trong những trường hợp chúng ta cần
nói lời “xin lỗi”, chúng ta cũng nên nói ra với một sự chân thành như
thế. Điều đó thể hiện sự tôn trọng người khác và cũng là tôn trọng chính
mình, vì qua đó chúng ta thể hiện một cung cách ứng xử biết quan tâm
đến mọi người chung quanh.
Lời xin lỗi được sử dụng đúng lúc có tác động xoa dịu một sự khó chịu
hoặc bực mình do một hành vi nào đó của chúng ta, dù là nhỏ nhặt. Điều
đó hoàn toàn không có nghĩa là tự hạ thấp mình mà là ngược lại. Ngay cả
một người lớn tuổi hoặc những kẻ “bề trên” cũng cần phải biết nói lời
xin lỗi khi làm điều gì đó vô tình gây tổn hại hoặc khó chịu cho những
thuộc cấp của mình. Bởi vì điều đó xuất phát từ sự tôn trọng lẫn nhau
giữa những con người.
Một ông chủ khôn ngoan không bao giờ hạn chế những lời cảm ơn và xin lỗi
với nhân viên của mình khi cần thiết. Điều đó cũng có nghĩa là mọi
người sẽ càng gắng sức hơn nữa trong việc phục vụ hữu hiệu công việc
được giao phó.
Việc nói ra những lời cảm ơn và xin lỗi một cách chân thành và đúng lúc
là nguyên tắc đầu tiên và quan trọng trong giao tiếp nơi công cộng.
Không chỉ là những lời nói ra, mà chính sự hoàn thiện cách nhận thức vấn
đề của bạn là điều kiện cơ bản để hình thành nên một nếp sống đẹp.
Một vấn đề khác cũng cần được lưu ý là không nên nói về mình quá nhiều.
Điều đó thường không tạo cho những người mới quen biết một ấn tượng tốt
mà là ngược lại. Suy cho cùng, khi tiếp xúc lần đầu tiên với ai đó thì
trang phục, cử chỉ và phong cách nói năng của một người nói lên nhiều
hơn là những gì mà người ấy tự nói ra. Và nói càng nhiều về chính mình
càng tỏ ra là thiếu sự quan tâm và tôn trọng đối với những người chung
quanh.
Trang phục và cung cách ứng xử cũng đóng một vai trò quan trọng trong
giao tiếp nơi công cộng. Nói chung cũng không đi ngoài nguyên tắc tôn
trọng người khác.
Trong việc chọn trang phục, cần tránh hai thái độ có thể xem là cực
đoan. Một là quá xuề xoà đến mức khó coi. Hai là quá cầu kỳ, sang trọng
hoặc nghiêm trang thái quá. Hai mức độ được xem là cực đoan này cũng
được đánh giá khác nhau tuỳ theo nơi mà bạn đến. Đi mua sắm ở siêu thị
không giống với đi dự một bữa tiệc của bạn bè. Đi dự một bữa tiệc thân
mật của bạn bè lại không giống như một bữa tiệc xã giao do công ty tổ
chức...
Nói chung, việc ăn mặc khi giao tiếp nơi công cộng, dù là ở đâu thì tối
thiểu cũng phải đảm bảo gọn gàng, sạch sẽ và kín đáo. Tuỳ theo tính cách
trang trọng hay thân mật của nơi giao tiếp mà chúng ta chọn lựa trang
phục cho thích hợp. Nguyên tắc chung là đừng quá nổi bật so với những
người chung quanh, trừ ra là khi bạn đang đi dự một buổi biểu diễn thời
trang...
Việc chọn một trang phục phù hợp sẽ chứng tỏ được sự khéo léo của bạn
trong giao tiếp, và là một trong những cách hiệu quả nhất để bạn tự bộc
lộ mình trước người khác.
Nói tóm lại, trong giao tiếp nơi công cộng, biết tôn trọng người khác và
ứng xử một cách khiêm tốn, lễ độ là những bí quyết đơn giản giúp bạn
tạo được ấn tượng đẹp trong mắt nhìn của người khác. Trong khi đó những
nỗ lực nhằm lôi kéo sự chú ý hay phô trương bản thân chỉ tạo ra tác động
ngược lại.
° ° °
Thích ứng với môi trường chung quanh
Trong giao tiếp xã hội, không phải lúc nào chúng ta cũng luôn ở trong
một môi trường quen thuộc. Điều tất yếu phải có là đôi khi chúng ta gặp
phải một số tình huống mà những người chung quanh không có cách ứng xử
hoàn toàn giống như mình.
Tuy nhiên, trừ trường hợp bạn phải ra nước ngoài, bằng không thì những
khác biệt được nói đến ở đây thường chỉ là những khác biệt nhỏ mà thôi.
Mặc dù vậy, nếu bạn không khéo léo nhận ra những “khác biệt nhỏ” đó, cơ
may thành công trong giao tế của bạn sẽ bị giảm đi một phần nào.
Người xưa nói: “Đi trên sông tuỳ theo sự quanh co của khúc sông, vào nhà
nào theo tục lệ của nhà ấy.” Chính là nói lên ý này. Ngoài những quy
ước chung trong xã hội, mỗi gia đình còn có “tục lệ” riêng của mình. Khi
chúng ta đến một quốc gia khác, điều tất nhiên là ta phải tuân thủ theo
pháp luật của quốc gia ấy – Bạn không thể chạy xe theo phần đường bên
phải nếu như bạn sang Anh quốc! Nhưng khi chúng ta vào nhà một ai đó, ít
người nghĩ đến việc tuân thủ những “tục lệ” riêng của gia đình. Đây là
một điều khá nhỏ nhặt, tế nhị nhưng lại không kém phần quan trọng trong
giao tế.
Thường thì chúng ta cũng ít khi gặp phải những “tục lệ” gì mới lạ, mà
chỉ là sự chọn dùng những quy ước nhất định đã có trong cộng đồng chung
mà thôi. Vì thế, với một người lịch lãm thì việc nhận ra không phải là
khó lắm. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là ở chỗ phải nhận thức đúng vấn
đề để chấp nhận tuân theo, chấp nhận việc thích ứng với môi trường.
Mở rộng ra, khi chúng ta đến những nơi cơ quan tập thể, các tổ chức tư
nhân hoặc công cộng, các nơi miếu, đền, nhà thờ, chùa chiền... chúng ta
cũng đều cần tuân thủ theo “tục lệ” của những nơi ấy. Những “tục lệ” này
có khi được thể hiện thành nội quy rõ ràng, mang tính cách bắt buộc,
cũng có khi chỉ là những ước lệ chung cho các thành viên nơi đó. Chẳng
hạn như, nếu bạn đến thăm ai ở một bệnh viện, bạn có thể dành vài ba
phút để đọc bản nội quy thường được niêm yết ngay ở nơi dễ nhìn thấy
nhất khi bước vào. Tuy nhiên, nếu bạn đến một ngôi chùa, bạn sẽ không
bao giờ có thể tìm thấy một bản nội quy rõ ràng như thế. Nhưng vẫn có
rất nhiều điều mà bạn phải tự hiểu lấy để tuân theo khi đến chùa, để
không tỏ ra mình là một người ... thiếu lịch sự.
Biết thích ứng với môi trường sẽ tạo điều kiện cho bạn giao tiếp dễ dàng
trong mọi tình huống, và tránh tạo ra những sự khó chịu không cần thiết
cho người khác.
Khi đến nhà một người bạn mới quen chẳng hạn. Nếu sàn nhà lót bằng gạch
men, điều đó rất dễ dàng để chúng ta quyết định phải để giày dép bên
ngoài cửa. Tuy nhiên, đây có thể là một căn nhà rất sơ sài thôi, và sàn
nhà tráng xi-măng đã khá cũ kỹ. Bạn có thể nhận thấy việc mang giày dép
vào nhà hẳn là hợp lý. Mặc dù vậy, hãy liếc nhìn người bạn mình trước
đã. Nếu anh ta cẩn thận cởi giày hoặc dép để lại ngoài cửa, bạn hãy vui
vẻ làm theo như thế.
Cũng có khi là những điều nhỏ nhặt hơn. Chẳng hạn, khi một người lớn
trong nhà hỏi bạn: “Bố cháu có khoẻ không?” và bạn trả lời: “Cảm ơn bác,
ba cháu vẫn khoẻ?” Bạn đã tỏ ra thiếu sự thích ứng trong câu trả lời
rất nhỏ nhặt này. Hãy chú ý, người nói gọi cha bạn là “bố”, và ông ta
hẳn mong đợi câu trả lời là “bố cháu vẫn khoẻ”. Sẽ không ai phiền lòng
hoặc trách cứ khi có sự khác biệt nhỏ trong ngôn ngữ như thế này, nhưng
một sự thích ứng nhỏ nhặt có thể đưa bạn đến gần gũi hơn với người mà
mình giao tiếp. Đó là một thực tế không thể phủ nhận được.
Tương tự, khi bạn nhận thấy mọi người trong nhà nói chuyện với nhau bằng
một phong cách nghiêm trang, lễ giáo, chẳng hạn như mỗi câu nói đều
phải dạ, thưa... khi nói với người lớn, bạn hãy khéo léo thích ứng và
đừng nên sử dụng phong cách ngôn ngữ tự nhiên, thoải mái hàng ngày của
mình.
Nói chung, sự khéo léo của bạn là nhận ra những khác biệt nào đó ở nơi mình đến và nhanh chóng thích ứng theo.
Nhiều người cho rằng cách ứng xử như thế có phần nào là tự hạ mình hoặc
không chân thật. Đó là một cách nghĩ sai lầm. Điều đó phải được hiểu là
một sự tôn trọng lẫn nhau theo phép lịch sự. Nếu bạn không muốn những
người khác khi đến nhà mình lại ứng xử quá tự do, bừa bãi, thì bạn hẳn
phải đồng ý rằng thái độ “nhập gia tuỳ tục” là một thái độ hoàn toàn
đúng đắn, lịch sự.
Ngay cả việc chọn lựa trang phục khi đến nhà người khác cũng biểu lộ sự
tế nhị của bạn trong giao tiếp. Cho dù bạn bè rất thân nhau, cũng phải
quan tâm đến yếu tố gia đình của bạn mình. Nếu là một gia đình có nề nếp
rất nghiêm khắc, bảo thủ, đừng chọn những trang phục “tân thời” quá khi
đến đó, sẽ làm người ta khó chịu. Ngược lại, nếu là một gia đình “theo
mới”, sự thoải mái của bạn có thể sẽ được chấp nhận một cách vui vẻ.
Thích ứng với môi trường cũng có nghĩa là nhận ra ngay bầu “không khí”
quanh mình và có cách ứng xử thích hợp. Chẳng hạn, khi đến viếng một lễ
tang, đừng bao giờ biểu lộ niềm vui của bạn cho người khác thấy, cho dù
thực tế là bạn đang có một chuyện vui nào đó; cũng đừng nói những lời
đùa cợt ở những nơi như thế. Ngày nay, trong hầu hết các đám tang ở miền
Nam, cảnh cười đùa vui vẻ ở các bàn khách đến viếng đều có thể được
nhìn thấy. Cho dù điều này đã trở thành một thực tế, nhưng quả là một
thực tế “không đẹp” mà bất cứ người hiểu biết nào cũng đều không thể tán
thành.
Ngược lại, khi dự tiệc cưới, đừng bao giờ mang một khuôn mặt “đưa đám”
đến đó – thà rằng không đến còn hơn. Có một lần, tôi được mời dự đám
cưới của một người rất thân vào buổi sáng, nhưng buổi chiều phải đến
viếng lễ tang người bác họ vừa qua đời. Sau khi cân nhắc, tôi đã quyết
định không đi dự đám cưới. Vì tôi tự biết mình khó lòng làm chủ hoàn
toàn được tâm trạng, và tôi không muốn tỏ ra “khác lạ” với môi trường
chung quanh.
Khi một người bạn đến thông báo một tin buồn hoặc kể cho bạn nghe về một
sự thất bại, bạn hãy quên đi việc nói cho anh ta nghe một tin vui nào
đó mà bạn vừa nghe được và cũng định nói với anh ta, vì điều đó đã tỏ ra
là không còn thích hợp nữa.
Khi bạn biết thích ứng với môi trường chung quanh, bạn sẽ không bao giờ
có những cách ứng xử quá khác biệt với mọi người. Chẳng hạn, nếu tất cả
những người làm việc chung phòng đều hết sức bận rộn, nhưng chẳng có
việc gì thuộc phạm vi công việc của bạn, thì tốt hơn là nên tránh đi
thay vì ngồi đó với vẻ thản nhiên vô sự.
Một thực tế quan trọng là, những người biết thích ứng với môi trường
chung quanh sẽ tìm thấy được sự thoải mái và hoà hợp trong mọi tình
huống, thay vì là căng thẳng hơn trong giao tiếp như nhiều người vẫn lầm
tưởng.
Biết thích ứng với môi trường chung quanh tỏ ra bạn là người hiểu biết
và sẵn sàng cảm thông, chia sẻ với tất cả mọi người, và vì thế phần
thưởng tất nhiên mà bạn nhận được chắc chắn sẽ là thiện cảm chân thành
trong các quan hệ giao tiếp.