TẬP III: THIÊN
UẨN
CHƯƠNG I
22. TƯƠNG ƯNG UẨN
A. Năm Mươi Kinh Căn Bản
I. Phẩm Nakulapità
I. Nakulapità (Tạp, 5.5 Trưởng Giả, Ðại 2,33a) (Tăng 13.4, Ðại
2,573a) (S.iii,1)
1) Như vầy tôi nghe.
Một thời Thế Tôn sống giữa dân chúng Bhayga, tại núi Cá Sấu, rừng
Bhesaka, vườn Nai.
2) Rồi gia chủ Nakulapità đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế
Tôn rồi ngồi xuống một bên.
3) Ngồi xuống một bên, gia chủ Nakulapità bạch Thế Tôn:
-- Bạch Thế Tôn, con đã già, tuổi lớn, trưởng lão, cao niên, đã đạt
đến tuổi thọ, thân bịnh hoạn, luôn luôn ốm đau. Bạch Thế Tôn, con không
được thường thấy Thế Tôn và các vị Tỷ-kheo đáng kính. Bạch Thế Tôn, mong
Thế Tôn hãy giáo giới cho con! Bạch Thế Tôn, mong Thế Tôn hãy giảng dạy
cho con! Nhờ vậy, con được hạnh phúc, an lạc lâu dài.
4) -- Thật sự là vậy, này Gia chủ. Thật sự là vậy, này Gia chủ. Thân
của Gia chủ, này Gia chủ, là bịnh hoạn, ốm đau, bị nhiễm ô che đậy. Ai
mang cái thân này, này Gia chủ, lại tự cho là không bịnh, dầu chỉ trong
một giây phút; người ấy phải là người ngu! Do vậy, này Gia chủ, Gia chủ
cần phải học tập như sau: "Dầu cho thân tôi có bịnh, tâm sẽ không bị
bịnh". Như vậy, này Gia chủ, Gia chủ cần phải học tập.
5) Rồi gia chủ Nakulapità sau khi hoan hỷ, tín thọ lời Thế Tôn dạy,
từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Thế Tôn, thân bên hữu hướng về Ngài, đi
đến Tôn giả Sàriputta; sau khi đến, đảnh lễ Tôn giả Sàriputta rồi ngồi
xuống một bên.
6) Tôn giả Sàriputta nói với gia chủ Nakulapità đang ngồi một bên:
-- Này Gia chủ, tịch tịnh là các căn của Gia chủ; thanh tịnh và trong
sáng là sắc diện của Gia chủ. Có phải hôm nay Gia chủ đối diện với Thế
Tôn, được nghe pháp thoại?
-- Làm sao không thể như vậy được, thưa Tôn giả? Hôm nay, thưa Tôn
giả, con được rưới với nước bất tử, nhờ Thế Tôn giảng cho pháp thoại!
-- Như thế nào, này Gia chủ, Gia chủ được rưới với nước bất tử, nhờ
Thế Tôn giảng cho pháp thoại?
7) -- Ở đây, thưa Tôn giả, con đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ
Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, thưa Tôn giả, con
bạch Thế Tôn:
"-- Bạch Thế Tôn, con đã già, tuổi lớn, trưởng lão, cao niên, đã đạt
đến tuổi thọ, thân bịnh hoạn, luôn luôn ốm đau. Bạch Thế Tôn, con không
được thường thấy Thế Tôn và các Tỷ-kheo đáng kính. Bạch Thế Tôn, mong
Thế Tôn giáo giới cho con! Bạch Thế Tôn, mong Thế Tôn giảng dạy cho con!
Nhờ vậy con được hạnh phúc, an lạc lâu dài!"
Ðược nghe nói vậy, thưa Tôn giả, Thế Tôn nói với con:
"-- Thật sự là vậy, này Gia chủ. Thật sự là vậy, này Gia chủ. Thân
của Gia chủ, này Gia chủ, là bịnh hoạn, ốm yếu, bị nhiễm ô che đậy. Ai
mang cái thân này, này Gia chủ, lại tự cho là không bịnh, dầu chỉ trong
một giây phút; người ấy phải là người ngu! Do vậy, này Gia chủ, Gia chủ
cần phải học tập như sau: "Dầu thân tôi có bịnh, tâm sẽ không bị bịnh!"
Như vậy, thưa Tôn giả, con được rưới với nước bất tử, nhờ Thế Tôn
giảng cho pháp thoại.
8) -- Nhưng này Gia chủ, Gia chủ có hỏi thêm Thế Tôn như sau: "Cho
đến như thế nào, bạch Thế Tôn, là thân bị bịnh và tâm cũng bị bịnh? Cho
đến như thế nào là thân bị bịnh, nhưng tâm không bị bịnh không?"
9) -- Thưa Tôn giả, con có thể đi đến thật xa để nghe tận mặt Tôn giả
Sàriputta ý nghĩa của lời nói này. Lành thay, nếu được Tôn giả
Sàriputta giải thích ý nghĩa của lời nói này!
10) -- Vậy này Gia chủ, hãy lắng nghe và khéo suy nghiệm, ta sẽ nói.
-- Thưa vâng, Tôn giả.
Gia chủ Nakulapità vâng đáp Tôn giả Sàriputta.
11) Tôn giả Sàriputta nói như sau:
-- Thế nào, này Gia chủ, là thân bịnh và tâm bịnh?
12) Ở đây, này Gia chủ, có kẻ vô văn phàm phu không thấy rõ các bậc
Thánh, không thuần thục pháp các bậc Thánh, không tu tập pháp các bậc
Thánh, không thấy rõ các bậc Chân nhân, không thuần thục pháp các bậc
Chân nhân, không tu tập pháp các bậc Chân nhân, quán sắc như là tự ngã,
hay tự ngã như là có sắc, hay sắc ở trong tự ngã, hay tự ngã ở trong
sắc. Vị ấy bị ám ảnh: "Sắc là ta, sắc là của ta". Do bị ám ảnh: "Sắc là
ta, sắc là của ta!" khi sắc biến hoại, đổi khác; do sắc biến hoại, đổi
khác, nên vị ấy khởi lên sầu, bi, khổ, ưu não!
13) Vị ấy quán thọ như là tự ngã, hay tự ngã như là có thọ, hay thọ ở
trong tự ngã, hay tự ngã ở trong thọ. Vị ấy bị ám ảnh: "Thọ là ta, thọ
là của ta". Do bị ám ảnh: "Thọ là ta, thọ là của ta" khi thọ biến hoại,
đổi khác; nên do thọ biến hoại, đổi khác, vị ấy khởi lên sầu, bi, khổ,
ưu, não!
14) Vị ấy quán tưởng như là tự ngã, hay tự ngã như là có tưởng, hay
tưởng ở trong tự ngã, hay tự ngã ở trong tưởng. Vị ấy bị ám ảnh: "Tưởng
là ta, tưởng là của ta". Do bị ám ảnh: "Tưởng là ta, tưởng là của ta"
khi tưởng biến hoại, đổi khác; nên do tưởng biến hoại, đổi khác, vị ấy
khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não!
15) Vị ấy quán các hành như là tự ngã hay tự ngã như là có các hành,
hay các hành ở trong tự ngã, hay tự ngã ở trong các hành. Vị ấy bị ám
ảnh: "Các hành là ta, các hành là của ta". Do bị ám ảnh: "Các hành là
ta, các hành là của ta" khi các hành biến hoại, đổi khác; do các hành
biến hoại, đổi khác, vị ấy khởi lên sầu, bi, khổ, ưu não!
16) Vị ấy quán thức như là tự ngã, hay tự ngã như là có thức, hay
thức ở trong tự ngã, hay tự ngã ở trong thức. Vị ấy bị ám ảnh: "Thức là
ta, thức là của ta" khi thức biến hoại, đổi khác; nên do thức biến hoại,
đổi khác, vị ấy khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não!
17) Như vậy, này Gia chủ, là thân có bịnh và tâm có bịnh.
18) Thế nào, này Gia chủ, là thân có bịnh nhưng tâm không có bịnh?
19) Ở đây, này Gia chủ, vị đa văn Thánh đệ tử hiểu rõ các bậc Thánh,
thuần thục pháp các bậc Thánh, tu tập pháp các bậc Thánh, hiểu rõ các
bậc Chân nhân, thuần thục pháp các bậc Chân nhân, tu tập pháp các bậc
Chân nhân, không quán sắc như là tự ngã, hay tự ngã như là có sắc, hay
sắc ở trong tự ngã, hay tự ngã ở trong sắc. Vị ấy không bị ám ảnh: "Sắc
là ta, sắc là của ta". Do vị ấy không bị ám ảnh: "Sắc là ta, sắc là của
ta" khi sắc biến hoại, đổi khác; nên không do sắc biến hoại, đổi khác mà
khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não!
20) Không quán thọ như là tự ngã, hay tự ngã như là có thọ, hay thọ ở
trong tự ngã, hay tự ngã ở trong thọ. Vị ấy không bị ám ảnh: "Thọ là
ta, thọ là của ta". Do vị ấy không bị ám ảnh: "Thọ là ta, thọ là của ta"
khi thọ biến hoại, đổi khác; nên không do thọ biến hoại, đổi khác, mà
khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não!
21) Không quán tưởng như là tự ngã, hay tự ngã như là có tưởng, hay
tưởng ở trong tự ngã, hay tự ngã ở trong tưởng. Vị ấy không bị ám ảnh:
"Tưởng là ta, tưởng là của ta". Do vị ấy không bị ám ảnh: "Tưởng là ta,
tưởng là của ta" khi tưởng biến hoại, đổi khác; nên không do tưởng biến
hoại, đổi khác mà khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não!
22) Không quán các hành như là tự ngã, hay tự ngã như là có hành, hay
các hành ở trong tự ngã, hay tự ngã ở trong các hành. Vị ấy không bị ám
ảnh: "Các hành là ta, các hành là của ta". Do vị ấy không bị ám ảnh:
"Các hành là ta, các hành là của ta" khi các hành biến hoại, đổi khác;
nên không do các hành biến hoại, đổi khác mà khởi lên sầu, bi, khổ, ưu,
não!
23) Không quán thức như là tự ngã, hay tự ngã như là có thức, hay
thức ở trong tự ngã, hay tự ngã ở trong thức. Vị ấy không bị ám ảnh:
"Thức là ta, thức là của ta". Do vị ấy không bị ám ảnh: "Thức là ta,
thức là của ta" khi thức biến hoại, đổi khác; nên không do thức biến
hoại, đổi khác mà khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não.
24) Như vậy, này Gia chủ, là thân có bịnh, nhưng tâm không có bịnh.
25) Tôn giả Sàriputta thuyết như vậy, gia chủ Nakulapità hoan hỷ, tín
thọ lời Tôn giả Sàriputta thuyết.
II. Devadaha (Tạp 5.6, Tây, Ðại 2,33b) (Tăng 41.4, Ðại 2,745b)
(S.iii,5)
1) Như vầy tôi nghe.
Một thời Thế Tôn ở giữa dân chúng Sakka, tại một thị trấn của dân
chúng Sakka tên là Devadaha.
2) Lúc bấy giờ, một số đông Tỷ-kheo du hành ở phía Tây, đi đến Thế
Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên.
3) Ngồi xuống một bên, các vị Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:
-- Chúng con muốn xin Thế Tôn cho phép chúng con đi đến quốc độ
phương Tây. Chúng con muốn trú ở quốc độ phương Tây.
-- Này các Tỷ-kheo, các Tỷ-kheo đã xin phép Sàriputta chưa?
-- Bạch Thế Tôn, chúng con chưa xin phép Tôn giả Sàriputta.
-- Này các Tỷ-kheo, vậy hãy xin phép Sàriputta. Sàriputta, này các
Tỷ-kheo, là bậc Hiền trí, là người đỡ đầu các vị Tỷ-kheo đồng Phạm hạnh.
-- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn.
4) Lúc bấy giờ, Tôn giả Sàriputta đang ngồi dưới cây ba đậu (elagalà:
cassia), không xa Thế Tôn bao nhiêu.
5) Rồi các Tỷ-kheo ấy, sau khi hoan hỷ, tín thọ lời Thế Tôn dạy, từ
chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Thế Tôn, thân phía hữu hướng về Ngài, rồi đi
đến Tôn giả Sàriputta; sau khi đến, các vị ấy nói lên với Tôn giả
Sàriputta những lời chào đón hỏi thăm, sau khi nói lên những lời chào
đón hỏi thăm thân hữu rồi ngồi xuống một bên.
6) Ngồi xuống một bên, các Tỷ-kheo ấy nói với Tôn giả Sàriputta:
-- Chúng tôi muốn, thưa Hiền giả Sàriputta, đi đến quốc độ phương
Tây. Chúng tôi muốn trú ở quốc độ phương Tây. Bậc Ðạo Sư đã cho phép
chúng tôi.
7) -- Này các Hiền giả, có những người đặt câu hỏi với vị Tỷ-kheo
thường đi các quốc độ khác nhau: Các Sát-đế-lị hiền trí, các Bà-la-môn
hiền trí, các Gia chủ hiền trí, các Sa-môn hiền trí. Này chư Hiền giả,
các bậc hiền trí với óc ưa quán sát (sẽ hỏi): "Bậc Ðạo Sư của Tôn giả
nói gì, tuyên bố gì? Pháp có được chư Tôn giả khéo nghe, khéo nắm giữ,
khéo tác ý, khéo thọ trì, khéo thâm nhập với trí tuệ không?" Ðể khi trả
lời, các Tôn giả có thể lập lại các ý kiến của Thế Tôn, không có xuyên
tạc Thế Tôn với điều không thật, có thể trả lời tùy pháp, đúng với Chánh
pháp, và không để một vị đồng pháp nào, nói lời đúng pháp, có thể có lý
do để quở trách.
8) -- Chúng tôi có thể đi đến thật xa, thưa Tôn giả, để nghe tận mặt
Tôn giả Sàriputta nói về ý nghĩa của lời nói này! Lành thay, nếu được
Tôn giả Sàriputta giải thích ý nghĩa của lời nói này!
9) -- Vậy này các Hiền giả, hãy lắng nghe và khéo tác ý, tôi sẽ nói.
-- Thưa vâng, Tôn giả.
Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Tôn giả Sàriputta. Tôn giả Sàriputta nói như
sau:
10) -- Này các Hiền giả, có những người đặt câu hỏi với vị Tỷ-kheo
thường đi các quốc độ khác nhau: Các Sát-đế-lị hiền trí... các Sa-môn
hiền trí. Này các Hiền giả, các bậc hiền trí với óc ưa quán sát (có thể
hỏi): "Bậc Ðạo Sư của Tôn giả nói gì, tuyên bố gì?" Ðược hỏi vậy, này
các Hiền giả, các Hiền giả phải trả lời: "Này các Hiền giả, bậc Ðạo Sư
của chúng tôi nói đến sự điều phục dục và tham".
11) Ðược trả lời như vậy, này các Hiền giả, có thể có người hỏi thêm
câu hỏi như sau: Có những vị Sát-đé-lị hiền trí... có những Sa-môn hiền
trí. Này chư Hiền giả, các bậc hiền trí với óc ưa quán sát (có thể hỏi):
"Ðối với cái gì, bậc Ðạo Sư của các Tôn giả nói đến sự điều phục dục và
tham?" Ðược hỏi như vậy, này các Hiền giả, các Hiền giả phải trả lời
như sau: "Ðối với sắc, này các Hiền giả, bậc Ðạo Sư chúng tôi nói về sự
điều phục dục và tham... đối với thọ... đối với tưởng... đối với các
hành... đối với thức, bậc Ðạo Sư chúng tôi nói về sự điều phục dục và
tham".
12) Ðược trả lời như vậy, này các Hiền giả, có thể có người hỏi thêm
như sau: Các Sát-đế-lị hiền trí... các Sa-môn hiền trí. Các vị hiền trí
có óc quán sát, này các Hiền giả, (có thể hỏi): "Nhưng thấy sự nguy hiểm
gì, bậc Ðạo Sư các Tôn giả nói đến sự điều phục dục và tham đối với
sắc... đối với thọ... đối với tưởng... đối với các hành, bậc Ðạo Sư các
Tôn giả nói đến sự điều phục dục và tham đối với thức?" Ðược hỏi như
vậy, này các Hiền giả, các Ông cần phải trả lời như sau: "Này các Hiền
giả, đối với sắc, ai chưa viễn ly tham, chưa viễn ly dục, chưa viễn ly
ái, chưa viễn ly khát, chưa viễn ly nhiệt tình, chưa viễn ly khát ái,
khi sắc ấy biến hoại, đổi khác, sẽ khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não. Ðối
với thọ... đối với tưởng... đối với các hành... đối với thức, ai chưa
viễn ly tham, chưa viễn ly dục, chưa viễn ly ái, chưa viễn ly khát, chưa
viễn ly nhiệt tình, chưa viễn ly khát ái, khi thức ấy biến hoại, đổi
khác, sẽ khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não. Này chư Hiền giả, do thấy sự
nguy hiểm này đối với sắc mà bậc Ðạo Sư của chúng tôi nói lên sự điều
phục dục và tham".
13) Ðược trả lời như vậy, này các Hiền giả, có thể có người hỏi thêm
như sau: Các Sát-đế-lị hiền trí... các Sa-môn hiền trí. Các vị hiền trí
có óc quán sát, này các Hiền giả, (có thể hỏi): "Nhưng thấy sự lợi ích
gì, bậc Ðạo Sư các Tôn giả nói đến sự điều phục dục và tham đối với
sắc... đối với thọ... đối với tưởng... đối với các hành; bậc Ðạo Sư các
Tôn giả nói đến sự điều phục dục và tham đối với thức?" Ðược hỏi vậy,
này các Hiền giả, các Hiền giả phải trả lời như sau: "Ðối với sắc, này
các Hiền giả, ai đã viễn ly tham, đã viễn ly dục, đã viễn ly ái, đã viễn
ly khát, đã viễn ly nhiệt tình, đã viễn ly khát ái, khi sắc ấy biến
hoại, đổi khác, sẽ không khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não. Ðối với thọ...
đối với tưởng... đối với các hành... đối với thức, này các Hiền giả, ai
đã viễn ly tham, đã viễn ly dục, đã viễn ly ái, đã viễn ly khát, đã viễn
ly nhiệt tình, đã viễn ly khát ái, khi thức ấy biến hoại, đổi khác, sẽ
không khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não. Do thấy sự lợi ích này, này các
Hiền giả, bậc Ðạo Sư của chúng tôi nói đến sự điều phục dục và tham đối
với sắc... đối với thọ... đối với tưởng... đối với các hành; bậc Ðạo Sư
của chúng tôi nói đến sự điều phục dục và tham đối với thức".
14) Và này các Hiền giả, đạt được và an trú trong các bất thiện pháp
và ngay trong đời sống hiện tại, sống được an lạc, không bị chướng ngại,
không bị ưu não, không bị nhiệt não, sau khi thân hoại mạng chung, sẽ
được sanh thiện thú, đây không phải là sự đoạn tận các bất thiện pháp
được Thế Tôn tán thán.
15) Nhưng này các Hiền giả, vì rằng đạt được và an trú trong các bất
thiện pháp, và ngay trong đời sống hiện tại, sống bị đau khổ, bị chướng
ngại, bị ưu não, bị nhiệt não và sau khi thân hoại mạng chung, sẽ phải
sanh ác thú. Do vậy, đây là sự đoạn tận các bất thiện pháp được Thế Tôn
tán thán.
16) Và này các Hiền giả, đạt được và an trú trong các thiện pháp, và
ngay trong đời sống hiện tại, sống đau khổ, bị chướng ngại, bị ưu não,
bị nhiệt não, và sau khi thân hoại mạng chung, sẽ phải sanh ác thú. Ðây
không phải là sự thành tựu các thiện pháp được Thế Tôn tán thán.
17) Nhưng này các Hiền giả, vì rằng đạt được và an trú trong các
thiện pháp, và ngay trong đời sống hiện tại, sống được an lạc, không bị
chướng ngại, không bị ưu não, không bị nhiệt não, và sau khi thân hoại
mạng chung, sẽ được sanh thiện thú. Do vậy, đây là sự thành tựu các
thiện pháp, được Thế Tôn tán thán.
18) Tôn giả Sàriputta thuyết như vậy. Các Tỷ-kheo ấy hoan hỷ, tín thọ
lời Tôn giả Sàriputta nói.
III. Hàliddikàni (Tạp, 20.15, Kha-lê, Ðại 2,144a) (S.iii,9)
1) Như vầy tôi nghe.
Một thời Tôn giả Mahà Kaccàna (Ma-ha Ca-chiên-diên) sống giữa các dân
chúng Avanti, tại Kulaghara bên bờ một vực núi.
2) Rồi gia chủ Hàliddikàni đi đến Tôn giả Mahà Kaccàna; sau khi đi
đến, đảnh lễ Tôn giả Mahà Kaccàna rồi ngồi xuống một bên.
3) Ngồi xuống một bên, gia chủ Hàliddikàni nói với Tôn Giả Mahà
Kaccàna:
- Thưa Tôn Giả , Thế Tôn đã nói trong phẩm thứ tám, trong tập: "Các
câu hỏi của Màgandiya" như sau:
"Bậc Thánh bỏ gia đình,
Du hành không trú xứ,
Ðối với dân trong làng,
Không tác thành hệ lụy.
Tuyệt không các dục vọng,
Không ước vọng hão huyền,
Chấm dứt mọi tranh luận,
Bất cứ với một ai".
Với lời nói vắn tắt này của Thế Tôn, thưa Tôn giả, ý nghĩa cần phải
hiểu một cách rộng rãi như thế nào?
4) -- Sắc giới, này Gia chủ, là nhà của thức. Thức bị lòng tham sắc
giới trói buộc, này Gia chủ, được gọi là du hành có gia đình. Thọ giới,
này Gia chủ, là nhà của thức. Thức bị lòng tham thọ giới trói buộc, này
Gia chủ, được gọi là du hành có gia đình. Tưởng giới, này Gia chủ, là
nhà của thức. Thức bị lòng tham tưởng giới trói buộc, này Gia chủ, được
gọi là du hành có gia đình. Hành giới, này Gia chủ, là nhà của thức.
Thức bị lòng tham hành giới trói buộc, này Gia chủ, được gọi là du hành
có gia đình. Thức giới, này Gia chủ, là nhà của thức. Thức bị lòng tham
thức giới trói buộc, này Gia chủ, được gọi là du hành có gia đình. Như
vậy, này Gia chủ, là du hành có gia đình.
8) Và này Gia chủ, thế nào là du hành không gia đình?
9) Ðối với sắc giới, này Gia chủ, cái gọi là dục, là tham, là hỷ, là
khát ái, những gì thuộc chấp thủ, tâm trú trước, thiên chấp tùy miên;
Như Lai đoạn tận chúng, cắt đứt tận gốc rễ, làm cho như thân cây ta-la,
làm cho không tái sanh, không thể sanh khởi trong tương lai. Do vậy, Như
Lai được gọi là du hành không gia đình.
10) Ðối với thọ giới, này Gia chủ...
11) Ðối với tưởng giới, này Gia chủ...
12) Ðối với hành giới, này Gia chủ...
13) Ðối với thức giới, này Gia chủ, cái gọi là dục, là tham, là hỷ,
là khát ái, những gì thuộc chấp thủ, tâm trú trước, thiên chấp tùy miên;
Như Lai đoạn tận chúng, cắt đứt tận gốc rễ, làm cho như thân cây ta-la,
làm cho không tái sanh, không thể sanh khởi trong tương lai. Do vậy,
Như Lai được gọi là du hành không gia đình.
14) Như vậy, này Gia chủ, là du hành không gia đình.
15) Như thế nào, này Gia chủ, là du hành có trú xứ? Bị trói buộc bởi
an trú chấp trước (niketa-visàra) vào sắc tướng, này Gia chủ, gọi là du
hành có trú xứ... vào thanh tướng... vào hương tướng... vào vị tướng...
vào xúc tướng. Bị trói buộc bởi an trú chấp trước vào pháp tướng, này
Gia chủ, gọi là du hành có trú xứ. Như vậy, này Gia chủ, là du hành có
trú xứ.
16) Như thế nào là du hành không trú xứ? Sự trói buộc bởi an trú chấp
trước vào sắc tướng, này Gia chủ, đối với Như Lai đã được đoạn tận, cắt
đứt tận gốc rễ, làm cho như thân cây ta-la, làm cho không tái sanh,
không thể sanh khởi trong tương lai. Do vậy, Như Lai được gọi là du hành
không trú xứ. Sự trói buộc bởi an trú chấp trước vào thanh tướng... vào
hương tướng... vào vị tướng... vào xúc tướng... vào pháp tướng, này Gia
chủ, đối với Như Lai đã được đoạn tận, cắt đứt tận gốc rễ, làm cho như
thân cây ta-la, làm cho không tái sanh, không thể sanh khởi trong tương
lai. Do vậy, Như Lai được gọi là du hành không trú xứ.
17) Như vậy, này Gia chủ, là du hành không trú xứ.
18) Như thế nào, này Gia chủ, là tác thành hị lụy trong làng? Ở đây,
này Gia chủ, có người sống thân mật với gia chủ, cùng vui, cùng buồn.
Giữa những người sung sướng, vị ấy sung sướng. Giữa những người buồn
khổ, vị ấy buồn khổ. Khi có công việc phải làm khởi lên, tự liên hệ mình
vào các công việc ấy. Như vậy, này Gia chủ, là tác thành hệ lụy trong
làng.
19) Và như thế nào, này Gia chủ, là không tác thành hệ lụy trong
làng? Ở đây, này Gia chủ, vị Tỷ-kheo không sống quá thân mật với gia
chủ, không cùng vui, không cùng buồn, không vui sướng giữa những người
sung sướng, không buồn khổ giữa những người buồn khổ. Khi có công việc
phải làm khởi lên, không tự mình liên hệ vào các công việc ấy. Như vậy,
này Gia chủ, là không tác thành hệ lụy trong làng.
20) Như thế nào, này Gia chủ, là không tuyệt không các dục vọng? Ở
đây, này Gia chủ, có người không ly tham đối với các dục vọng, không ly
dục, không ly ái, không ly khát, không ly nhiệt não, không ly khát ái.
Như vậy, này Gia chủ, là không tuyệt không đối với các dục.
21) Như thế nào, này Gia chủ, là tuyệt không các dục vọng? Ở đây, này
Gia chủ, có người ly tham đối với các dục, ly dục, ly ái, ly khát, ly
nhiệt não, ly khát ái. Như vậy, này Gia chủ, là tuyệt không các dục.
22) Như thế nào, này Gia chủ, là hy vọng hão huyền? Ở đây, này Gia
chủ, có người suy nghĩ như sau: "Mong rằng có sắc như vậy trong tương
lai! Mong rằng có thọ như vậy trong tương lai! Mong rằng có tưởng như
vậy trong tương lai! Mong rằng có các hành như vậy trong tương lai! Mong
rằng có thức như vậy trong tương lai!" Như vậy, này Gia chủ, là hư vọng
hão huyền.
23) Như thế nào, này Gia chủ, là không hy vọng hão huyền? Ở đây, này
Gia chủ, có người không có suy nghĩ như sau: "Mong rằng có sắc như vậy
trong tương lai! Mong rằng có thọ như vậy trong tương lai! Mong rằng có
tưởng như vậy trong tương lai! Mong rằng có các hành như vậy trong tương
lai! Mong rằng có thức như vậy trong tương lai!" Như vậy, này Gia chủ,
là không hy vọng hão huyền.
24) Như thế nào, này Gia chủ, là tranh luận với người? Ở đây, này Gia
chủ, có người nói như sau: "Ông không biết Pháp và Luật này. Ta biết
Pháp và Luật này. Sao Ông có thể biết Pháp và Luật này? Ông đã phạm vào
tà kiến. Ta mới thật đúng chánh kiến. Những điều đáng nói trước, Ông lại
nói sau. Những điều đáng nói sau, Ông lại nói trước. Lời nói của ta mới
tương ưng. Lời nói của Ông không tương ưng. Chủ kiến của Ông đã bị bài
bác. Câu nói của Ông đã bị thách đố. Hãy đến mà giải vây lời nói ấy. Ông
đã bị thuyết bại. Nếu có thể được, hãy gắng thoát ra khỏi lối bí". Như
vậy, này Gia chủ, là tranh luận với người.
25) Như thế nào, này Gia chủ, là không tranh luận với người? Ở đây,
này Gia chủ, vị Tỷ-kheo không nói lời nói như sau: "Ông không biết Pháp
và Luật này.... .. Hãy thoát ra khỏi lối bí". Như vậy, này Gia chủ, là
không tranh luận với người.
26) Như vậy, này Gia chủ, Thế Tôn đã nói trong phẩm thứ tám, trong
tập: "Các câu hỏi của Màgandiya" như sau:
"Bậc Thánh bỏ gia đình,
Du hành không trú xứ,
Ðối với dân trong làng,
Không tác thành hệ lụy.
Tuyệt không các dục vọng.
Không ước vọng hão huyền,
Chấm dứt mọi tranh luận,
Bất cứ với một ai".
Với lời nói vắn tắt này của Thế Tôn, này Gia chủ, ý nghĩa cần phải
hiểu một cách rộng rãi như vậy.
IV. Hàliddikàni (Tạp 20.16 Kha-lê, Ðại 2,144c) (S.iii,12)
1) Như vầy tôi nghe.
Một thời Tôn giả Mahà Kaccàna sống giữa dân chúng Avanti, tại
Kulaghara, bên bờ một vực núi.
2) Rồi gia chủ Hàliddikàni đi đến Tôn giả Mahà Kaccàna... rồi ngồi
xuống một bên.
3) Ngồi xuống một bên, gia chủ Hàliddikàni nói với Tôn giả Mahà
Kaccàna:
4) -- Thế Tôn đã nói trong tập Các Câu hỏi Của Sakka như vầy: "Những
Sa-môn, Bà-la-môn nào được giải thoát với sự đoạn tận khát ái, những vị
ấy đã hoàn toàn đạt được toàn thiện, đã hoàn toàn đạt được an ổn khỏi
các khổ ách, đã hoàn toàn hành Phạm hạnh, đã hoàn toàn đạt được mục
đích, là bậc tối thượng giữa loài Trời, loài Người". Với lời nói vắn tắt
này của Thế Tôn, thưa Tôn giả, ý nghĩa cần phải hiểu một cách rộng rãi
như thế nào?
5) -- Ðối với sắc giới, này Gia chủ, cái gọi là dục, là tham, là hỷ,
là khát ái, những gì thuộc chấp thủ, tâm trú trước, thiên chấp, tùy
miên; sự đoạn tận chúng, ly tham, đoạn diệt, từ bỏ, từ khước chúng một
cách hoàn toàn; như vậy gọi là tâm khéo giải thoát.
6) Ðối với thọ giới, này Gia chủ...
7) Ðối với tưởng giới, này Gia chủ...
8) Ðối với hành giới, này Gia chủ...
9) Ðối với thức giới, này Gia chủ, cái gọi là dục, là tham, là hỷ, là
khát ái, những gì thuộc chấp thủ, tâm trú trước, thiên chấp, tùy miên;
sự đoạn tận chúng, ly tham, đoạn diệt, từ bỏ, từ khước chúng một cách
hoàn toàn; như vậy gọi là tâm khéo giải thoát.
10) Như vậy, này Gia chủ, là ý nghĩa đã được Thế Tôn nói đến trong
tập Các Câu hỏi Của Sakka: "Những Sa-môn, Bà-la-môn nào được giải thoát
với sự đoạn tận khát ái, những vị ấy đã hoàn toàn đạt được toàn thiện,
đã hoàn toàn đạt được an ổn khỏi các khổ ách, đã hoàn toàn hành Phạm
hạnh, đã hoàn toàn đạt được mục đích, là bậc tối thượng giữa loài Trời
và loài Người".
V. Thiền Ðịnh (Tạp 3.7-8 Thọ, Ðại 2,17a) (Tạp 3.1. Sanh Diệt,
Ðại 2,15b) (Tạp 3.2 Bất Thừa, Ðại 2,15b) (S.iii,13)
1) Một thời Thế Tôn trú tại Sàvatthi...
2) Tại đấy, Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo: "Này các Tỷ-kheo". -- "Thưa
vâng, bạch Thế Tôn". Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như
sau:
-- Này các Tỷ-kheo, hãy tu tập Thiền định. Vị Tỷ-kheo có Thiền định,
này các Tỷ-kheo, hiểu biết một cách như thật.
3) Hiểu biết gì một cách như thật? Sắc tập khởi và đoạn diệt; thọ tập
khởi và đoạn diệt; tưởng tập khởi và đoạn diệt; các hành tập khởi và
đoạn diệt; thức tập khởi và đoạn diệt.
4) Này các Tỷ-kheo, thế nào là sắc tập khởi? Thế nào là thọ tập khởi?
Thế nào là tưởng tập khởi? Thế nào là các hành tập khởi? Thế nào là
thức tập khởi?
5) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo hoan hỷ, hoan nghênh, đắm trước
rồi an trú. Hoan hỷ, hoan nghênh, đắm trước và an trú gì?
6) Hoan hỷ, hoan nghênh, đắm trước rồi an trú sắc. Do vị ấy hoan hỷ,
hoan nghênh, đắm trước rồi an trú sắc, hỷ đối với sắc khởi lên. Do hỷ
đối với sắc, thủ đối với sắc khởi lên. Do duyên thủ đối với sắc, hữu
khởi lên. Do duyên hữu, sanh khởi lên. Do duyên sanh, già chết, sầu, bi,
khổ, ưu não khởi lên. Như vậy là sự tập khởi của toàn bộ khổ uẩn này.
7-10) Hoan hỷ, hoan nghênh, đắm trước rồi an trú thọ... rồi an trú
tưởng... rồi an trú các hành... rồi an trú thức. Do vị ấy hoan hỷ, hoan
nghênh, đắm trước rồi an trú thức, hỷ khởi lên. Do hỷ đối với thức, thủ
đối với thức khởi lên. Do duyên thủ đối với thức, hữu khởi lên. Do duyên
hữu, sanh khởi lên. Do duyên sanh, già chết, sầu, bi, khổ, ưu, não khởi
lên. Như vậy là sự tập khởi của toàn bộ khổ uẩn này.
11) Này các Tỷ-kheo, đây là sắc tập khởi, đây là thọ tập khởi, đây là
tưởng tập khởi, đây là hành tập khởi, đây là thức tập khởi.
12) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là sắc đoạn diệt, thế nào là thọ đoạn
diệt, thế nào là tưởng đoạn diệt, thế nào là các hành đoạn diệt, thế
nào là thức đoạn diệt? Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị ấy không hoan hỷ,
không hoan nghênh, không đắm trước và an trú.
13) Không hoan hỷ, không hoan nghênh, không đắm trước và an trú gì?
Không hoan hỷ, không hoan nghênh, không đắm trước và an trú sắc. Do vị
ấy không hoan hỷ, không hoan nghênh, không đắm trước và an trú sắc, hỷ
đối với sắc đoạn diệt. Do hỷ đối với sắc đoạn diệt nên thủ đoạn diệt. Do
thủ đoạn diệt nên hữu đoạn diệt... Như vậy là sự đoạn diệt của toàn bộ
khổ uẩn này.
14) Không hoan hỷ, không hoan nghênh, không đắm trước và an trú thọ.
Do vị ấy không hoan hỷ, không hoan nghênh, không đắm trước và an trú
thọ, hỷ đối với thọ đoạn diệt. Do hỷ đối với thọ đoạn diệt nên thủ đoạn
diệt. Do thủ đoạn diệt nên hữu đoạn diệt... Như vậy là sự đoạn diệt của
toàn bộ khổ uẩn này.
15-16) Không hoan hỷ, không hoan nghênh, không đắm trước và an trú
tưởng... không đắm trước và an trú các hành. Do vị ấy không hoan hỷ,
không hoan nghênh, không đắm trước và an trú các hành, hỷ đối với các
hành đoạn diệt. Do hỷ đối với các hành đoạn diệt nên thủ đoạn diệt. Do
thủ đoạn diệt nên hữu đoạn diệt... Như vậy là sự đoạn diệt của toàn bộ
khổ uẩn này.
17) Không hoan hỷ, không hoan nghênh, không đắm trước và an trú thức.
Do vị ấy không hoan hỷ, không hoan nghênh, không đắm trước và an trú
thức, hỷ đối với thức đoạn diệt. Do hỷ đối với thức đoạn diệt nên thủ
đoạn diệt. Do thủ đoạn diệt nên hữu đoạn diệt... Như vậy là sự đoạn diệt
của toàn bộ khổ uẩn này.
18) Này các Tỷ-kheo, đây là sắc đoạn diệt, đây là thọ đoạn diệt, đây
là tưởng đoạn diệt, đây là các hành đoạn diệt, đây là thức đoạn diệt.
VI. Tỉnh Mặc (Tạp, 3.7-8, Thọ, Ðại 2,17a) (S.iii,15)
1) Nhân duyên tại Sàvatthi...
2) -- Này các Tỷ-kheo, hãy trú tâm, dán tâm vào tỉnh mặc. Này các
Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo có tỉnh mặc hiểu biết một cách như thật.
3) Hiểu biết gì một cách như thật? Sắc tập khởi và đoạn diệt; thọ tập
khởi và đoạn diệt; tưởng tập khởi và đoạn diệt; các hành tập khởi và
đoạn diệt; thức tập khởi và đoạn diệt ( Như kinh trước, từ số 4 đến số
18 ).
VII. Chấp Thủ Và Ưu Não (Tạp 2.11 Thủ Trước, Ðại 2,10c)
(S.iii,15)
1) Nhân duyên ở Sàvatthi...
2) -- Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ giảng cho các Ông về sự chấp thủ và ưu
não, sự không chấp thủ và không ưu não. Hãy lắng nghe và khéo tác ý, Ta
sẽ giảng.
-- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Các vị Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn.
3) Thế Tôn nói như sau:
-- Này các Tỷ-kheo, thế nào là chấp thủ và ưu não?
4) Ở đây, này các Tỷ-kheo, kẻ vô văn phàm phu không thấy rõ các bậc
Thánh, không thuần thục pháp các bậc Thánh, không tu tập pháp các bậc
Thánh, không thấy rõ các bậc Chân nhân, không thuần thục pháp các bậc
Chân nhân, không tu tập pháp các bậc Chân nhân, người ấy quán sắc như là
tự ngã, hay tự ngã như là có sắc, hay sắc ở trong tự ngã, hay tự ngã ở
trong sắc. Ðối với vị ấy, sắc ấy biến hoại và đổi khác. Ðối với vị ấy,
khi sắc ấy biến hoại và đổi khác, thức tùy chuyển theo sự biến hoại của
sắc. Các pháp ưu não sanh khởi do thức tùy chuyển theo sự biến hoại của
sắc sau khi xâm nhập tâm và an trú. Do tâm bị xâm chiếm nên khủng bố,
chướng ngại, khát vọng được sanh khởi và ưu não.
5) Vị ấy quán thọ như là tự ngã, hay tự ngã như là có thọ, hay thọ
trong tự ngã, hay tự ngã trong thọ. Ðối với vị ấy, thọ ấy biến hoại và
đổi khác. Ðối với vị ấy, khi thọ ấy biến hoại và đổi khác, thức tùy
chuyển theo sự biến hoại của thọ. Các pháp ưu não sanh khởi do thức tùy
chuyển theo sự biến hoại của thọ sau khi xâm chiếm tâm và an trú. Do tâm
bị xâm nhập nên khủng bố (uttàsavà), chướng ngại, khát vọng được sanh
khởi và ưu não.
6-7) Vị ấy quán tưởng như là tự ngã... vị ấy quán các hành như là tự
ngã, hay tự ngã như là có các hành, hay các hành trong tự ngã, hay tự
ngã trong các hành. Ðối với vị ấy, các hành ấy biến hoại và đổi khác.
Ðối với vị ấy, khi các hành ấy biến hoại và đổi khác, thức tùy chuyển
theo sự biến hoại của các hành. Các pháp ưu não do thức tùy chuyển theo
sự biến hoại của các hành sanh khởi sau khi xâm chiếm tâm và an trú. Do
tâm bị xâm chiếm nên khủng bố, chướng ngại, khát vọng được sanh khởi và
ưu não.
8) Vị ấy quán thức như là tự ngã, hay tự ngã như là có thức, hay thức
trong tự ngã, hay tự ngã trong thức. Ðối với vị ấy, thức ấy biến hoại
và đổi khác. Ðối với vị ấy, khi thức ấy biến hoại và đổi khác, thức tùy
chuyển theo sự biến hoại của thức. Các pháp ưu não do thức tùy chuyển
theo sự biến hoại của thức sanh khởi sau khi xâm chiếm tâm và an trú. Do
tâm bị xâm chiếm nên khủng bố, chướng ngại, khát vọng được sanh khởi và
ưu não.
9) Như vậy, này các Tỷ-kheo, là chấp thủ và ưu não.
10) Và này các Tỷ-kheo, như thế nào là không chấp thủ và không ưu
não?
11) Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Ða văn Thánh đệ tử thấy rõ các bậc
Thánh, thuần thục pháp các bậc Thánh, khéo tu tập pháp các bậc Thánh,
thấy rõ các bậc Chân nhân, thuần thục pháp các bậc Chân nhân, khéo tu
tập pháp các bậc Chân nhân, không quán sắc như là tự ngã, hay tự ngã như
là có sắc, hay sắc ở trong tự ngã, hay tự ngã ở trong sắc. Ðối với vị
ấy, sắc ấy biến hoại và đổi khác. Ðối với vị ấy, khi sắc ấy biến hoại và
đổi khác, thức không tùy chuyển theo sự biến hoại của sắc. Các pháp ưu
não do thức tùy chuyển theo sự biến hoại của sắc không sanh khởi, không
xâm chiếm tâm và an trú. Do tâm không bị xâm chiếm nên không có khủng
bố, không có chướng ngại, không có khát vọng khởi lên và ưu não.
12) Không quán thọ như là tự ngã, hay tự ngã như là có thọ, hay thọ ở
trong tự ngã, hay tự ngã ở trong thọ. Ðối với vị ấy, thọ ấy biến hoại
và đổi khác. Ðối với vị ấy, khi thọ ấy biến hoại và đổi khác, thức không
tùy chuyển theo sự biến hoại của thọ. Các pháp ưu não do thức tùy
chuyển theo sự biến hoại của thọ không sanh khởi, không xâm chiếm tâm và
an trú. Do tâm không bị xâm chiếm nên không có khủng bố, không có
chướng ngại, không có khát vọng khởi lên và ưu não.
13) Không quán tưởng như là tự ngã...
14) Không quán các hành như là tự ngã...
15) Không quán thức như là tự ngã, hay tự ngã như là có thức, hay
thức ở trong tự ngã, hay tự ngã ở trong thức. Ðối với vị ấy, thức ấy
biến hoại và đổi khác. Ðối với vị ấy, khi thức ấy biến hoại và đổi khác,
thức không tùy chuyển theo sự biến hoại của thức. Các pháp ưu não do
thức tùy chuyển theo sự biến hoại của thức không sanh khởi, không xâm
chiếm tâm và an trú. Do tâm không bị xâm chiếm nên không có khủng bố,
không có chướng ngại, không có khát vọng khởi lên và ưu não.
16) Như vậy, này các Tỷ-kheo, là sự không chấp thủ, không ưu não.
VIII. Chấp Thủ Và Ưu Não (Tạp 2.12, Hị Trước, Ðại 2,11a)
(S.iii,18)
1) Nhân duyên ở Sàvatthi...
2) -- Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ giảng cho các Ông về sự chấp thủ và ưu
não, sự không chấp thủ và không ưu não...
Thế Tôn nói như sau:
3) -- Này các Tỷ-kheo, thế nào là chấp thủ và ưu não?
4) Ở đây, này các Tỷ-kheo, kẻ vô văn phàm phu quán sắc: "Ðây là của
tôi, đây là tôi, đây là tự ngã của tôi". Sắc ấy của vị này biến hoại,
đổi khác. Vị này khi sắc ấy biến hoại, đổi khác, khởi lên sầu, bi, khổ,
ưu, não.
5) ... quán thọ...
6) ... quán tưởng....
7) ... quán các hành...
8) ... quán thức: "Ðây là của tôi, đây là tôi, đây là tự ngã của
tôi". Thức ấy của vị này biến hoại, đổi khác. Vị này khi thức ấy biến
hoại, đổi khác, khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não.
9) Như vậy, này các Tỷ-kheo, là chấp thủ và ưu não.
10) Này các Tỷ-kheo, như thế nào là không chấp thủ và không ưu não?
11) Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Ða văn Thánh đệ tử quán sắc: "Ðây
không phải của tôi, đây không phải là tôi, đây không phải là tự ngã của
tôi". Sắc ấy của vị này biến hoại, đổi khác. Vị này, khi sắc biến hoại,
đổi khác, không khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não.
12) ... quán thọ: "Ðây không phải của tôi..".
13) ... quán tưởng: "Ðây không phải của tôi..".
14) ... quán các hành: "Ðây không phải của tôi.."..
15) ... quán thức: "Ðây không phải của tôi, đây không phải là tôi,
đây không phải tự ngã của tôi". Thức ấy của vị này biến hoại, đổi khác.
Vị này, khi thức ấy biến hoại, đổi khác, không khởi lên sầu, bi, khổ,
ưu, não.
16) Như vậy, này các Tỷ-kheo, là không chấp thủ, không ưu não.
IX. Ba Thời Là Vô Thường (Tạp 1.8 Quá Khứ, Ðại 2,1c. Tạp
3.29-30 Lược Thuyết, Ðại 2,20a) (S.iii,19)
1) Nhân duyên ở Sàvatthi...
2) -- Này các Tỷ-kheo, sắc là vô thường, trong quá khứ, trong vị lai,
còn nói gì đến hiện tại. Thấy vậy, này các Tỷ-kheo, bậc Ða văn Thánh đệ
tử đối với sắc quá khứ không tiếc nuối (anapekkha), đối với sắc vị lai
không hoan hỷ, đối với sắc hiện tại hướng đến yếm ly, ly tham, đoạn
diệt.
3) Này các Tỷ-kheo, thọ là vô thường...
4) Này các Tỷ-kheo, tưởng là vô thường...
5) Này các Tỷ-kheo, các hành là vô thường, trong quá khứ, trong vị
lai, còn nói gì đến hiện tại. Thấy vậy, này các Tỷ-kheo, bậc Ða văn
Thánh đệ tử đối với các hành quá khứ không tiếc nuối, đối với các hành
vị lai không hoan hỷ, đối với các hành hiện tại hướng đến yếm ly, ly
tham, đoạn diệt.
6) Này các Tỷ-kheo, thức là vô thường trong quá khứ, trong vị lai,
còn nói gì đến hiện tại. Thấy vậy, này các Tỷ-kheo, bậc Ða văn Thánh đệ
tử đối với thức quá khứ không tiếc nuối, đối với thức vị lai không hoan
hỷ, đối với thức hiện tại hướng đến yếm ly, ly tham, đoạn diệt.
X. Ba Thời Là Khổ
1) Nhân duyên ở Sàvatthi...
2) -- Sắc, này các Tỷ-kheo, là khổ, quá khứ, vị lai, còn nói gì đến
hiện tại. Thấy vậy, này các Tỷ-kheo, vị Ða văn Thánh đệ tử, đối với sắc
quá khứ không tiếc nuối, đối với sắc vị lai không hoan hỷ, đối với sắc
hiện tại hướng đến yếm ly, ly tham đoạn diệt.
3) Thọ, này các Tỷ-kheo, là khổ...
4) Tưởng, này các Tỷ-kheo, là khổ...
5) Các hành, này các Tỷ-kheo, là khổ...
6) Thức, này các Tỷ-kheo, là khổ, quá khứ, vị lai, còn nói gì đến
hiện tại. Thấy vậy, này các Tỷ-kheo, vị Ða văn Thánh đệ tử đối với thức
quá khứ không tiếc nuối, đối với thức vị lai không hoan hỷ, đối với thức
hiện tại hướng đến yếm ly, ly tham, đoạn diệt.
XI. Ba Thời Là Vô Ngã (S.iii,20)
1) Nhân duyên ở Sàvatthi...
2) -- Sắc, này các Tỷ-kheo, là vô ngã, quá khứ, vị lai, còn nói gì
đến hiện tại. Vị Ða văn Thánh đệ tử đối với sắc quá khứ không tiếc nuối,
đối với sắc vị lai không hoan hỷ, đối với sắc hiện tại hướng đến yếm
ly, ly tham, đoạn diệt.
3) Thọ, này các Tỷ-kheo, là vô ngã...
4) Tưởng, này các Tỷ-kheo, là vô ngã...
5) Các hành, này các Tỷ-kheo, là vô ngã...
6) Thức, này các Tỷ-kheo, là vô ngã, quá khứ, vị lai, còn nói gì đến
hiện tại. Vị Ða văn Thánh đệ tử đối với thức quá khứ không tiếc nuối,
đối với thức vị lai không hoan hỷ, đối với thức hiện tại hướng đến yếm
ly, ly tham, đoạn diệt.
II. Phẩm Vô Thường
I. Vô Thường (Tạp 1.1 Vô thường, Ðại 2,1a) (S.iii,21)
1) Như vầy tôi nghe.
Một thời Thế Tôn ở Sàvathi...
2) Tại đấy...
3-6) -- Này các Tỷ-kheo, sắc là vô thường..., thọ là vô thường...,
tưởng là vô thường... các hành là vô thường..., thức là vô thường.
7) Thấy vậy, này các Tỷ-kheo, vị Ða văn Thánh đệ tử yếm ly đối với
sắc, yếm ly đối với thọ, yếm ly đối với tưởng, yếm ly đối với các hành,
yếm ly đối với thức... Do yếm ly, vị ấy ly tham. Do ly tham, vị ấy giải
thoát. Trong sự giải thoát, trí khởi lên: "Ta đã được giải thoát". Vị ấy
biết: "Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm,
không còn trở lui trạng thái này nữa".
II. Khổ (S.iii,21)
1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi...
3-7) -- Này các Tỷ-kheo, sắc là khổ..., thọ là khổ..., tưởng là
khổ..., các hành là khổ..., thức là khổ...
8) Thấy vậy, này các Tỷ-kheo, vị Ða văn Thánh đệ tử... "... không còn
trở lui trạng thái này nữa".
III. Vô Ngã (S.iii,21)
1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi...
3-7) -- Này các Tỷ-kheo, sắc là vô ngã..., thọ là vô ngã..., tưởng là
vô ngã..., các hành là vô ngã..., thức là vô ngã...
8) Thấy vậy, này các Tỷ-kheo, vị Ða văn Thánh đệ tử yếm ly đối với
sắc, yếm ly đối với thọ, yếm ly đối với tưởng, yếm ly đối với các hành,
yếm ly đối với thức. Do yếm ly, vị ấy ly tham. Do ly tham, vị ấy giải
thoát. Trong sự giải thoát, trí khởi lên: "Ta được giải thoát". Vị ấy
biết: "Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm, không
còn trở lui trạng thái này nữa".
IV. Cái Gì Vô Thường (Tạp 1.9, Vô Thường, Ðại 2,2a) (S.iii,22)
1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi...
3)-- Sắc,này các Tỷ-kheo, là vô thường; cái gì vô thường là khổ; cái
gì khổ là vô ngã; cái gì vô ngã, cần phải như thật quán với chánh trí
tuệ: "Cái này không phải của tôi; cái này không phải là tôi; cái này
không phải tự ngã của tôi".
4) Thọ, này các Tỷ-kheo, là vô thường; cái gì vô thường là khổ; cái
gì khổ là vô ngã; cái gì vô ngã cần phải như thật quán với chánh trí
tuệ: "Cái này không phải của tôi; cái này không phải là tôi; cái này
không phải tự ngã của tôi".
5) Tưởng, này các Tỷ-kheo, là vô thường...
6) Các hành, này các Tỷ-kheo, là vô thường...
7) Thức, này các Tỷ-kheo, là vô thường; cái gì vô thường là khổ; cái
gì khổ là vô ngã; cái gì vô ngã cần phải như thật quán với chánh trí
tuệ: "Cái này không phải của tôi; cái này không phải là tôi; cái này
không phải tự ngã của tôi".
8) Thấy vậy, này các Tỷ-kheo, vị Ða văn Thánh đệ tử yếm ly đối với
sắc... "... không còn trở lui trạng thái này nữa".
V. Cái Gì Khổ (Tạp 1.10 Vô Thường. Ðại 2,2a) (S.iii,22)
1-2) Nhân duyên tại Sàvatthi...
3) -- Sắc, này các Tỷ-kheo, là khổ. Cái gì khổ là vô ngã; cái gì vô
ngã cần phải như thật quán với chánh trí tuệ: "Cái này không phải của
tôi; cái này không phải là tôi; cái này không phải tự ngã của tôi".
4) Thọ, này các Tỷ-kheo, là khổ...
5) Tưởng, này các Tỷ-kheo, là khổ...
6) Các hành, này các Tỷ-kheo, là khổ...
7) Thức, này các Tỷ-kheo, là khổ. Cái gì khổ là vô ngã; cái gì vô ngã
cần phải như thật quán với chánh trí tuệ: "Cái này không phải của tôi;
cái này không phải là tôi; cái này không phải tự ngã của tôi".
8) Thấy vậy, này các Tỷ-kheo, vị Ða văn Thánh đệ tử yếm ly đối với
sắc... "...không còn trở lui trạng thái này nữa".
VI. Cái Gì Vô Ngã (S.iii,22)
1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi...
3) -- Sắc, này các Tỷ-kheo, là vô ngã. Cái gì vô ngã; cần phải như
thật quán với chánh trí tuệ: "Cái này không phải của tôi; cái này không
phải là tôi; cái này không phải tự ngã của tôi".
4-6) Thọ, này các Tỷ-kheo, là vô ngã... Tưởng, này các Tỷ-kheo, là vô
ngã... Các hành, này các Tỷ-kheo, là vô ngã...
7) Thức, này các Tỷ-kheo, là vô ngã. Cái gì vô ngã cần phải như thật
quán với chánh trí tuệ: "Cái này không phải của tôi; cái này không phải
là tôi; cái này không phải tự ngã của tôi".
8) Thấy vậy, này các Tỷ-kheo, vị Ða văn Thánh đệ tử yếm ly đối với
sắc... "... không còn trở lui trạng thái này nữa".
VII. Có Nhân Là Vô Thường (Tạp 1.11 Nhân. Ðại 2,2a) (S.iii,23)
1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi...
3) -- Sắc, này các Tỷ-kheo, là vô thường. Cái gì là nhân, cái gì là
duyên cho sắc sanh khởi; cái ấy cũng vô thường. Sắc đã được cái vô
thường làm cho sanh khởi, này các Tỷ-kheo, từ đâu có thể thường được?
4) Thọ, này các Tỷ-kheo, là vô thường. Cái gì là nhân, cái gì là
duyên cho thọ sanh khởi; cái ấy cũng vô thường. Thọ đã được cái vô
thường làm cho sanh khởi, này các Tỷ-kheo, từ đâu có thể thường được?
5) Tưởng, này các Tỷ-kheo, là vô thường...
6) Các hành, này các Tỷ-kheo, là vô thường...
7) Thức, này các Tỷ-kheo, là vô thường. Cái gì là nhân, cái gì là
duyên cho thức sanh khởi; cái ấy cũng vô thường. Thức đã được cái vô
thường làm cho sanh khởi, này các Tỷ-kheo, từ đâu có thể thường được?
8) Thấy vậy, này các Tỷ-kheo, vị Ða văn Thánh đệ tử yếm ly đối với
sắc... "... không còn trở lui với trạng thái này nữa".
VIII. Có Nhân Là Khổ (Tạp 1.12 Nhân. Ðại 2,2b) (S.iii,23)
1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi...
3) -- Sắc, này các Tỷ-kheo, là khổ. Cái gì là nhân, cái gì là duyên
cho sắc sanh khởi; cái ấy cũng khổ. Sắc đã được cái khổ làm cho sanh
khởi, này các Tỷ-kheo, từ đâu có thể lạc được?
4) Thọ, này các Tỷ-kheo, là khổ...
5) Tưởng, này các Tỷ-kheo, là khổ...
6) Các hành, này các Tỷ-kheo, là khổ...
7) Thức, này các Tỷ-kheo, là khổ. Cái gì là nhân, cái gì là duyên cho
thức sanh khởi; cái ấy cũng khổ. Thức đã được cái khổ làm cho sanh
khởi, này các Tỷ-kheo, từ đâu có thể lạc được?
8) Thấy vậy, này các Tỷ-kheo, vị Ða văn Thánh đệ tử yếm ly đối với
sắc... "... không còn trở lui trạng thái này nữa".
IX. Có Nhân Là Vô Ngã (S.iii,23)
1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi...
3) -- Sắc, này các Tỷ-kheo, là vô ngã. Cái gì là nhân, cái gì là
duyên cho sắc sanh khởi; cái ấy cũng vô ngã. Sắc đã được cái vô ngã làm
cho sanh khởi, này các Tỷ-kheo, từ đâu là ngã được?
4-6) Thọ... Tưởng... Các hành, này các Tỷ-kheo, là vô ngã...
7) Thức, này các Tỷ-kheo, là vô ngã. Cái gì là nhân, cái gì là duyên
cho thức sanh khởi; cái ấy cũng vô ngã. Thức đã được cái vô ngã làm cho
sanh khởi, này các Tỷ-kheo, từ đâu là ngã được?
8) Thấy vậy, này các Tỷ-kheo, vị Ða văn Thánh đệ tử yếm ly đối với
sắc... "... không còn trở lui trạng thái này nữa".
X. Ananda (S.iii,24)
1) Ở tại Sàvatthi... trong vườn...
2) Lúc bấy giờ Tôn giả Ananda đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ
Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên.
3) Ngồi xuống một bên, Tôn giả Ananda bạch Thế Tôn:
-- "Ðoạn diệt, đoạn diệt", bạch Thế Tôn, chúng con được nghe nói đến.
Do đoạn diệt những pháp nào, bạch Thế Tôn, được gọi là đoạn diệt?
4) -- Sắc, này Ananda, là vô thường, hữu vi, do nhân duyên sanh khởi,
chịu sự đoạn tận, chịu sự hoại diệt, chịu sự ly tham, chịu sự đoạn
diệt. Sự đoạn diệt của sắc được gọi là đoạn diệt.
5) Thọ, này Ananda, là vô thường, hữu vi, do nhân duyên sanh khởi,
chịu sự đoạn tận, chịu sự hoại diệt, chịu sự ly tham, chịu sự đoạn diệt.
Sự đoạn diệt của thọ được gọi là đoạn diệt.
6-7) Tưởng, này Ananda, là vô thường... Các hành, này Ananda, là vô
thường...
8) Thức, này Ananda, là vô thường, hữu vi, do nhân duyên sanh khởi,
chịu sự đoạn tận, chịu sự hoại diệt, chịu sự ly tham, chịu sự đoạn diệt.
Sự đoạn diệt của thức được gọi là đoạn diệt.
9) Sự đoạn diệt của những pháp này, này Ananda, được gọi là đoạn
diệt.
III. Phẩm Gánh Nặng
I. Gánh Nặng (Tạp, 2.3, Trọng Ðởm. Ðại 2,19a) (Tăng 25.4, Ðại
2,631c) (S.iii,25)
1-2) Ở Sàvatthi...
3) -- Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ giảng cho các Ông về gánh nặng, mang
gánh nặng lên, đặt gánh nặng xuống. Hãy nghe và khéo suy nghiệm, Ta sẽ
giảng.
4) Này các Tỷ-kheo, thế nào là gánh nặng? Năm thủ uẩn là câu trả lời.
Thế nào là năm? Sắc thủ uẩn, thọ thủ uẩn, tưởng thủ uẩn, hành thủ uẩn,
thức thủ uẩn. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là gánh nặng.
5) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là kẻ mang gánh nặng? Người là câu trả
lời. Vị Tôn giả này có tên như thế này, dòng họ như thế này. Này các
Tỷ-kheo, đây gọi là kẻ mang gánh nặng!
6) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là mang gánh nặng lên? Chính là tham
ái này đưa đến tái sanh, câu hữu với hỷ và tham, đi tìm hỷ lạc chỗ này,
chỗ kia. Tức là dục ái, hữu ái, phi hữu ái. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là
mang gánh nặng lên.
7) Này các Tỷ-kheo, thế nào là đặt gánh nặng xuống? Ðây là sự ly
tham, đoạn diệt ái ấy một cách hoàn toàn, sự từ bỏ, sự xả ly, sự giải
thoát, sự không chấp thủ. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là đặt gánh nặng
xuống.
8) Thế Tôn thuyết như vậy, Thiện Thệ nói như vậy xong, bậc Ðạo Sư lại
nói thêm:
Năm uẩn là gánh nặng,
Kẻ gánh nặng là người;
Mang lấy gánh nặng lên,
Chính là khổ ở đời.
Còn đặt gánh nặng xuống,
Tức là lạc (không khổ),
Ðặt gánh nặng xuống xong,
Không mang thêm gánh khác.
Nếu nhổ khát ái lên,
Tận cùng đến gốc rễ,
Không còn đói và khát,
Ðược giải thoát tịnh lạc!
II. Liễu Tri (Parinna) (Tạp 3.22 Trì Pháp. Ðại 2,19a)
1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi...
3) -- Và này các Tỷ-kheo, Ta sẽ thuyết những pháp cần phải liễu tri,
phải được liễu tri. Hãy nghe và khéo suy nghiệm, Ta sẽ nói...
4) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là các pháp cần phải liễu tri? Sắc,
này các Tỷ-kheo, là pháp cần phải liễu tri, thọ là pháp cần phải liễu
tri, tưởng là pháp cần phải liễu tri, các hành là pháp cần phải liễu
tri, thức là pháp cần phải liễu tri. Những pháp này, này các Tỷ-kheo, là
những pháp cần phải liễu tri.
5) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là liễu tri? Này các Tỷ-kheo, sự đoạn
tận tham, sự đoạn tận sân, sự đoạn tận si, này các Tỷ-kheo, được gọi là
liễu tri.
III. Thắng Tri (Tạp 1.3, Vô Tri. Ðại 2,1a) (S.iii,27)
1-2) Nhân duyên tại Sàvatthi...
3) -- Này các Tỷ-kheo, do không thắng tri sắc, không liễu tri, không
ly tham, không từ bỏ, nên không có thể đoạn tận khổ.
4) Này các Tỷ-kheo, do không thắng tri thọ...
5-6) Này các Tỷ-kheo, do không thắng tri tưởng... không thắng tri các
hành...
7) Này các Tỷ-kheo, do không thắng tri thức, không liễu tri, không ly
tham, không từ bỏ, nên không có thể đoạn tận khổ.
8) Này các Tỷ-kheo, do thắng tri sắc, liễu tri, ly tham, từ bỏ, nên
có thể đoạn tận khổ.
9-11) Này các Tỷ-kheo, do thắng tri thọ... thắng tri tưởng... thắng
tri các hành...
12) Này các Tỷ-kheo, do thắng tri thức, liễu tri, ly tham, từ bỏ, nên
có thể đoạn tận khổ.
IV. Dục Tham (Tạp 3.27 Tham, Ðại 2,19c) (S.iii,27)
1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi...
3) -- Dục và tham (chandaràga) đối với sắc, này các Tỷ-kheo, hãy từ
bỏ nó. Như vậy, sắc ấy sẽ được đoạn trừ, nhổ tận gốc rễ, làm cho như
thân cây ta-la, làm cho không thể tái sanh, không thể sanh khởi trong
tương lai.
4) Dục và tham đối với thọ, này các Tỷ-kheo, hãy từ bỏ nó. Như vậy,
thọ ấy sẽ được đoạn trừ, nhổ tận gốc rễ, làm cho như thân cây ta-la, làm
cho không thể tái sanh, không thể sanh khởi trong tương lai.
5) Dục và tham đối với tưởng...
6) Dục và tham đối với các hành...
7) Dục và tham đối với thức, này các Tỷ-kheo, hãy từ bỏ nó. Như vậy,
thức ấy sẽ được đoạn trừ, nhổ tận gốc rễ, làm cho như thân cây ta-la,
làm cho không thể tái sanh, không thể sanh khởi trong tương lai.
V. Vị Ngọt (Tạp 1.14, Vị, Ðại 2,2c) (S.iii,27)
1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi...
3) -- Này các Tỷ-kheo, trước khi Ta giác ngộ, chưa chứng Chánh Ðẳng
Giác, còn là Bồ-tát, Ta suy nghĩ như sau:
4) "Cái gì là vị ngọt, cái gì là sự nguy hiểm, cái gì là sự xuất ly
của sắc? Cái gì là vị ngọt, cái gì là sự nguy hiểm, cái gì là sự xuất ly
của thọ? Cái gì là vị ngọt, cái gì là sự nguy hiểm, cái gì là sự xuất
ly của tưởng? Cái gì là vị ngọt, cái gì là sự nguy hiểm, cái gì là sự
xuất ly của các hành? Cái gì là vị ngọt, cái gì là sự nguy hiểm, cái gì
là sự xuất ly của thức?"
5) Rồi này các Tỷ-kheo, Ta suy nghĩ như sau:
6) "Do duyên sắc, lạc hỷ sanh; cái ấy gọi là vị ngọt của sắc. Sự vô
thường, đau khổ, chịu sự biến hoại của sắc; cái ấy gọi là sự nguy hiểm
của sắc. Sự nhiếp phục dục và tham đối với sắc, sự đoạn tận dục và tham;
cái ấy là xuất ly của sắc".
7) "Do duyên thọ, lạc hỷ sanh.."..
8) "Do duyên tưởng, lạc hỷ sanh..".
9) "Do duyên các hành, lạc hỷ sanh; cái ấy gọi là vị ngọt của các
hành. Sự vô thường, đau khổ, chịu sự biến hoại của các hành; cái ấy gọi
là sự nguy hiểm của các hành. Sự nhiếp phục dục và tham đối với hành, sự
đoạn tận dục và tham; cái ấy là sự xuất ly của các hành".
10) "Do duyên thức, lạc hỷ sanh; cái ấy gọi là vị ngọt của thức. Sự
vô thường, đau khổ, chịu sự biến hoại của thức; cái ấy gọi là sự nguy
hiểm của thức. Sự nhiếp phục dục và tham đối với thức, sự đoạn tận dục
và tham; cái ấy là sự xuấy ly của thức".
11) Này các Tỷ-kheo, cho đến khi nào đối với năm thủ uẩn này, Ta chưa
như thật thắng tri vị ngọt là vị ngọt, nguy hiểm là nguy hiểm, xuất ly
là xuất ly, thời này các Tỷ-kheo, Ta không tuyên bố rằng Ta đã giác ngộ
vô thượng Chánh Ðẳng Giác đối với thế giới gồm có Thiên, Ma, Phạm thiên,
đối với quần chúng Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên và loài Người.
12) Nhưng này các Tỷ-kheo, khi nào đối với năm thủ uẩn này, Ta như
thật thắng tri vị ngọt là vị ngọt, nguy hiểm là nguy hiểm, xuất ly là
xuất ly, thời này các Tỷ-kheo, Ta tuyên bố rằng Ta đã giác ngộ vô thượng
Chánh Ðẳng Giác đối với thế giới gồm có Thiên, Ma, Phạm thiên, đối với
quần chúng Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên và loài Người.
13) Và tri kiến như sau khởi lên nơi Ta:
"Tâm Ta giải thoát, bất động. Ðây là đời sống cuối cùng, nay không
còn tái sanh nữa".
VI. Vị Ngọt (S.iii,29)
1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi...
3) -- Này các Tỷ-kheo, Ta đã đi tìm cầu vị ngọt của sắc. Vị ngọt của
sắc là gì, Ta đã chứng đắc. Vị ngọt của sắc như thế nào, Ta đã khéo thấy
với trí tuệ.
4) Này các Tỷ-kheo, Ta đã đi tìm cầu sự nguy hiểm của sắc. Sự nguy
hiểm của sắc là gì, Ta đã chứng đắc. Sự nguy hiểm của sắc như thế nào,
Ta đã khéo thấy với trí tuệ.
5) Này các Tỷ-kheo, Ta đã đi tìm cầu sự xuất ly của sắc. Sự xuất ly
của sắc là gì, Ta đã chứng đắc. Sự xuất ly của sắc như thế nào, Ta đã
khéo thấy với trí tuệ.
6-8) Này các Tỷ-kheo, Ta đi tìm cầu vị ngọt của thọ...
9-11) Này các Tỷ-kheo, Ta đã đi tìm cầu vị ngọt của tưởng...
12-14) Này các Tỷ-kheo, Ta đã đi tìm cầu vị ngọt của các hành...
15) Này các Tỷ-kheo, Ta đã đi tìm cầu vị ngọt của thức. Vị ngọt của
thức là gì, Ta đã chứng đắc. Vị ngọt của thức như thế nào, Ta đã khéo
thấy với trí tuệ.
16) Này các Tỷ-kheo, Ta đã đi tìm cầu sự nguy hiểm của thức. Nguy
hiểm của thức là gì, Ta đã chứng đắc. Nguy hiểm của thức như thế nào, Ta
đã khéo thấy với trí tuệ.
17) Này các Tỷ-kheo, Ta đã đi tìm cầu sự xuất ly của thức. Xuất ly
của thức là gì, Ta đã chứng đắc. Xuất ly của thức như thế nào, Ta đã
khéo thấy với trí tuệ.
18-19) Này các Tỷ-kheo, cho đến khi nào đối với năm thủ uẩn này, Ta
chưa như thật biết vị ngọt là vị ngọt, nguy hiểm là sự nguy hiểm, xuất
ly là xuất ly, thời này các Tỷ-kheo, Ta không tuyên bố rằng... Sa-môn,
Bà-la-môn, chư Thiên và loài Người.
20) Và tri kiến như sau khởi lên nơi Ta: "Tâm Ta giải thoát, bất
động. Ðây là đời sống cuối cùng, nay không còn tái sanh nữa".
VII. Vị Ngọt (Tạp 1.13 Vị, Ðại 2,2bb) (S.iii,29)
1-2) Nhân duyên tại Sàvatthi...
3) -- Này các Tỷ-kheo, nếu không có vị ngọt của sắc, thời các loài
hữu tình không có tham đắm đối với sắc. Và vì rằng, này các Tỷ-kheo, có
vị ngọt của sắc cho nên các loài hữu tình có tham đắm đối với sắc.
4) -- Này Tỷ-kheo, nếu không có sự nguy hiểm của sắc, thời các loài
hữu tình không có yếm ly đối với sắc. Và vì rằng, này các Tỷ-kheo, có sự
nguy hiểm của sắc cho nên các loài hữu tình có yếm ly đối với sắc.
5) Này các Tỷ-kheo, nếu không có sự xuất ly đối với sắc, thời các
loài hữu tình không có xuất ly đối với sắc. Và vì rằng, này các Tỷ-kheo,
có sự xuất ly của sắc cho nên các loài hữu tình có sự xuất ly đối với
sắc.
6-8) Này các Tỷ-kheo, nếu không có vị ngọt của thọ...
9-11) Này các Tỷ-kheo, nếu không có vị ngọt của tưởng...
12-14) Này các Tỷ-kheo, nếu không có vị ngọt của các hành...
15) Này các Tỷ-kheo, nếu không có vị ngọt của thức, thời các loài hữu
tình không có tham đắm đối với thức. Và vì rằng, này các Tỷ-kheo, có vị
ngọt của thức cho nên các loài hữu tình có tham đắm đối với thức.
16) Này các Tỷ-kheo, nếu không có sự nguy hiểm của thức, thời các
loài hữu tình không có xuất ly đối với thức. Và vì rằng, này các
Tỷ-kheo, có sự nguy hiểm đối với thức cho nên các loài hữu tình có yếm
ly đối với thức.
17) Này các Tỷ-kheo, nếu không có sự xuất ly đối với thức, thời các
loài hữu tình không có xuất ly đối với thức. Và vì rằng, này các
Tỷ-kheo, có sự xuất ly đối với thức cho nên các loài hữu tình có xuất ly
đối với thức.
18) Này các Tỷ-kheo, khi nào các loài hữu tình đối với năm thủ uẩn
này không như thật thắng tri vị ngọt là vị ngọt, nguy hiểm là nguy hiểm,
xuất ly là xuất ly, thời các loài hữu tình ấy, này các Tỷ-kheo, với thế
giới chư Thiên, Ma, Phạm thiên, với quần chúng Sa-môn, Bà-la-môn, với
chư Thiên và loài Người, không thể sống xuất ly, thoát sự liên hệ, giải
thoát, với tâm tự tại.
19) Và này các Tỷ-kheo, khi nào các loài hữu tình đối với năm thủ uẩn
này, như thật thắng tri vị ngọt là vị ngọt, nguy hiểm là nguy hiểm,
xuất ly là xuất ly, thời các loài hữu tình ấy, này các Tỷ-kheo, với thế
giới chư Thiên, Ma, Phạm thiên, với quần chúng Sa-môn, Bà-la-môn, với
chư Thiên và loài Người, có thể sống xuất ly, thoát sự liên hệ, giải
thoát, với tâm tự tại.
VIII. Hoan Hỷ (Tạp 1.7, Ư Sắc Hỷ Lạc, Ðại 2,1c)(Tạp 1.5, Ðại
2,1b) (S.iii,31)
1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi...
3) -- Này các Tỷ-kheo, ai hoan hỷ sắc, người ấy hoan hỷ khổ. Ai hoan
hỷ khổ, Ta nói, người ấy không giải thoát khỏi khổ.
4) Này các Tỷ-kheo, ai hoan hỷ thọ...
5) Này các Tỷ-kheo, ai hoan hỷ tưởng...
6) Này các Tỷ-kheo, ai hoan hỷ các hành...
7) Này các Tỷ-kheo, ai hoan hỷ thức, người ấy hoan hỷ khổ. Ai hoan hỷ
khổ, Ta nói, người ấy không giải thoát khỏi khổ.
8) Và này các Tỷ-kheo, ai không hoan hỷ sắc, người ấy không hoan hỷ
khổ. Ai không hoan hỷ khổ, Ta nói, người ấy giải thoát khỏi khổ.
9) Và này các Tỷ-kheo, ai không hoan hỷ thọ...
10) Và này các Tỷ-kheo, ai không hoan hỷ tưởng...
11) Và này các Tỷ-kheo, ai không hoan hỷ các hành...
12) Và này các Tỷ-kheo, ai không hoan hỷ thức, người ấy không hoan hỷ
khổ. Ai không hoan hỷ khổ, Ta nói, người ấy giải thoát khỏi khổ.
IX. Sanh Khởi (Tạp 3.28 Sanh, Ðại 2,20a) (S.iii,31)
1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi...
3) -- Này các Tỷ-kheo, cái gọi là sắc sanh, trú, khởi, hiện hữu; cái
ấy là khổ sanh, bệnh tật trú, già chết hiện hữu.
4-6) Này các Tỷ-kheo, cái gọi là thọ sanh, trú, khởi, hiện hữu...
tưởng sanh, trú, khởi, hiện hữu... các hành sanh, trú, khởi, hiện,
hữu...
7) Này các Tỷ-kheo, cái gọi là thức sanh, trú, khởi, hiện hữu; cái ấy
gọi là khổ sanh, bệnh tật trú, già chết hiện hữu.
8) Này các Tỷ-kheo, cái gọi là sắc đoạn diệt, an chỉ, biến mất; cái
ấy gọi là khổ đoạn diệt, bệnh tật an chỉ, già chết biến mất.
9-11) Này các Tỷ-kheo, cái gọi là thọ đoạn diệt... tưởng đoạn diệt...
các hành đoạn diệt...
12) Này các Tỷ-kheo, cái gọi là thức đoạn diệt, an chỉ, biến mất; cái
ấy là khổ đoạn diệt, bệnh tật an chỉ, già chết biến mất.
X. Cội Gốc Của Ðau Khổ (S.iii,32)
1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi...
3) -- Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ thuyết về đau khổ và cội gốc của đau
khổ. Hãy lắng nghe...
4) Này các Tỷ-kheo, thế nào là đau khổ? Sắc, này các Tỷ-kheo, là đau
khổ; thọ là đau khổ; tưởng là đau khổ; các hành là đau khổ; thức là đau
khổ. Ðây, này các Tỷ-kheo, gọi là đau khổ.
5) Này các Tỷ-kheo, thế nào là cội gốc của đau khổ? Chính là khát ái
này hướng tới tái sanh, câu hữu với hỷ và tham, tìm cầu hỷ lạc chỗ này,
chỗ kia; tức là dục ái, hữu ái, phi hữu ái.
XI. Hoại Pháp (Tạp 2,19, Hoại Pháp, Ðại 2,12b) (S.iii,32)
1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi...
3) -- Và này các Tỷ-kheo, Ta sẽ thuyết về hoại pháp và bất hoại pháp.
Hãy lắng nghe...
4) Và này các Tỷ-kheo, cái gì là hoại pháp? Cái gì là bất hoại pháp?
5) Sắc, này các Tỷ-kheo, là hoại pháp. Sự đoạn diệt của sắc ấy, sự an
chỉ, biến mất là bất hoại pháp.
6) Thọ, này các Tỷ-kheo, là hoại pháp...
7) Tưởng, này các Tỷ-kheo, là hoại pháp...
8) Hành, này các Tỷ-kheo, là hoại pháp...
9) Thức, này các Tỷ-kheo, là hoại pháp. Sự đoạn diệt của thức ấy, sự
an chỉ, biến mất là bất hoại pháp.
IV. Phẩm Không Phải Của Các Ông
I. Không Phải Của Các Ông (Tạp 10.14 Kỳ Lâm, Ðại 2,10b)
(S.iii,33)
1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi...
3) -- Này các Tỷ-kheo, cái gì không phải của các Ông, hãy từ bỏ nó.
Từ bỏ nó sẽ đưa lại hạnh phúc, an lạc cho các Ông.
4) Này các Tỷ-kheo, cái gì không phải của các Ông?
5) Sắc, này các Tỷ-kheo, không phải của các Ông, hãy từ bỏ nó. Từ bỏ
nó sẽ đưa lại hạnh phúc, an lạc cho các Ông.
6) Thọ, này các Tỷ-kheo, không phải của các Ông, hãy từ bỏ nó. Từ bỏ
nó sẽ đưa lại hạnh phúc, an lạc cho các Ông.
7) Tưởng, này các Tỷ-kheo...
8) Các hành, này các Tỷ-kheo...
9) Thức, này các Tỷ-kheo, không phải của các Ông, hãy từ bỏ nó. Từ bỏ
nó sẽ đưa lại hạnh phúc, an lạc cho các Ông.
10) Ví như, này các Tỷ-kheo, có người mang lại cỏ, củi, cành cây, lá
của Jetavana này, và đốt chúng hay tùy theo duyên sử dụng chúng. Các Ông
có nghĩ rằng: "Người (ấy) mang chúng tôi, hay đốt, hay tùy theo duyên
sử dụng chúng tôi"?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn. Vì sao như vậy? Vì cái ấy không phải
chúng con. Bạch Thế Tôn, cái ấy không phải thuộc tự ngã của chúng con.
11) -- Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, sắc không phải của các Ông, hãy từ
bỏ nó. Từ bỏ nó sẽ đưa lại hạnh phúc, an lạc cho các Ông. Thọ không phải
của các Ông... Tưởng không phải của các Ông. Các hành không phải của
các Ông... Thức không phải của các Ông, hãy từ bỏ nó. Từ bỏ nó sẽ đưa
lại hạnh phúc, an lạc cho các Ông.
II. Không Phải Của Các Ông (S.iii,34)
1-2) Nhân duyên ở Sàavatthi...
3) -- Cái gì không phải của các Ông, này các Tỷ-kheo, hãy từ bỏ nó.
Từ bỏ nó sẽ đưa lại hạnh phúc, an lạc cho các Ông.
4) Này các Tỷ-kheo, cái gì không phải của các Ông?
5) Sắc, này các Tỷ-kheo, không phải của các Ông, hãy từ bỏ nó. Từ bỏ
nó sẽ đưa lại hạnh phúc, an lạc cho các Ông.
6-8) Thọ, này các Tỷ-kheo, không phải của các Ông... Tưởng, này các
Tỷ-kheo... Các hành, này các Tỷ-kheo...
9) Thức, này các Tỷ-kheo, không phải của Ông, hãy từ bỏ nó. Từ bỏ nó
sẽ đưa lại hạnh phúc, an lạc cho các Ông.
III. Tỷ Kheo (S.iii,35)
1) Nhân duyên ở Sàvatthi.
[I]
2) Rồi một vị Tỷ-kheo đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn
rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:
3) -- Lành thay, bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy thuyết pháp vắn tắt cho
con! Sau khi nghe Thế Tôn thuyết pháp, con sẽ sống một mình, tịnh cư,
không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần.
4) -- Này Tỷ-kheo, cái gì người ta thiên chấp tùy miên, người ta sẽ
được xưng danh tùy theo thiên chấp tùy miên ấy. Cái gì người ta không
thiên chấp tùy miên, người ta sẽ không được xưng danh tùy theo thiên
chấp tùy miên ấy.
-- Bạch Thế Tôn, con đã hiểu. Bạch Thiện Thệ, con đã hiểu.
5) -- Như thế nào, này Tỷ-kheo, Ông hiểu ý nghĩa một cách rộng rãi
điều Ta nói một cách vắn tắt?
6) -- Bạch Thế Tôn, nếu thiên chấp sắc, do thiên chấp ấy được xưng
danh. Nếu thiên chấp thọ, do thiên chấp ấy được xưng danh. Nếu thiên
chấp tưởng, do thiên chấp ấy được xưng danh. Nếu thiên chấp các hành, do
thiên chấp ấy được xưng danh. Nếu thiên chấp thức, do thiên chấp ấy
được xưng danh.
7) Bạch Thế Tôn, nếu không thiên chấp sắc, không do thiên chấp ấy
được xưng danh. Nếu không thiên chấp thọ... Nếu không thiên chấp
tưởng... Nếu không thiên chấp hành... Nếu không thiên chấp thức, không
do thiên chấp ấy được xưng danh. Bạch Thế Tôn, với lời nói vắn tắt này
của Thế Tôn, con hiểu ý nghĩa một cách rộng rãi như vậy.
8) -- Lành thay, lành thay, Tỷ-kheo! Lành thay, với lời nói vắn tắt
này của Ta, Ông đã hiểu ý nghĩa một cách rộng rãi như vậy. Nếu thiên
chấp sắc, do thiên chấp ấy được xưng danh. Nếu thiên chấp thọ... Nếu
thiên chấp tưởng... Nếu thiên chấp các hành... Nếu thiên chấp thức, do
thiên chấp ấy được xưng danh. Này Tỷ-kheo, nếu không thiên chấp sắc,
không do thiên chấp ấy được xưng danh... Nếu không thiên chấp thọ... Nếu
không thiên chấp tưởng... Nếu không thiên chấp các hành... Nếu không
thiên chấp thức, không do thiên chấp ấy được xưng danh. Với lời nói vắn
tắt này của Ta, này Tỷ-kheo, Ông cần phải hiểu một cách rộng rãi như
vậy.
9) Rồi Tỷ-kheo ấy, sau khi hoan hỷ, tín thọ lời Thế Tôn thuyết, từ
chỗ ngồi đứng dậy, thân phía hữu hướng về Ngài rồi ra đi.
[II]
10) Rồi Tỷ-kheo ấy sống một mình, tịnh cư, không phóng dật, nhiệt
tâm, tinh cần, không bao lâu chứng được mục đích mà con nhà lương gia
chân chánh xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình hướng đến: Ðó
là vô thượng cứu cánh Phạm hạnh. Vị ấy ngay trong hiện tại, tự mình với
thắng trí, chứng ngộ, chứng đạt và an trú. Vị ấy biết: "Sanh đã tận,
Phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng
thái này nữa".
11) Và vị Tỷ-kheo ấy trở thành một vị A-la-hán nữa.
IV. Vị Tỷ Kheo (S.iii,37)
1) Nhân duyên ở Sàvatthi...
2) Rồi một Tỷ-kheo đi đến Thế Tôn... ngồi xuống một bên, Tỷ-kheo ấy
bạch Thế Tôn:
3) -- Bạch Thế Tôn, lành thay, nếu Thế Tôn thuyết pháp một cách vắn
tắt cho con. Sau khi nghe Thế Tôn thuyết pháp, con sẽ sống một mình,
tịnh cư, không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần.
4) -- Này Tỷ-kheo, cái gì người ta thiên chấp (anuseti), cái ấy người
ta được đo lường (anopuyti). Cái gì người ta được đo lường, cái ấy
người ta được xưng danh (sankham gacchati). Cái gì người ta không thiên
chấp, cái ấy người ta không được đo lường. Cái gì người ta không được đo
lường, cái ấy người ta không được xưng danh.
-- Con đã hiểu, bạch Thế Tôn. Con đã hiểu, bạch Thiện Thệ.
5) -- Lời nói vắn tắt này của Ta, này Tỷ-kheo, Ông đã hiểu một cách
rộng rãi như thế nào?
6) -- Nếu thiên chấp sắc, bạch Thế Tôn, với sắc, người ta được đo
lường. Với cái gì người ta được đo lường, với cái ấy, người ta được xưng
danh. Nếu thiên chấp thọ... Nếu thiên chấp tưởng... Nếu thiên chấp các
hành... Nếu thiên chấp thức, với thức, người ta được đo lường. Với cái
gì người ta được đo lường, với cái ấy, người ta được xưng danh.
7) Nếu không thiên chấp sắc, bạch Thế Tôn, với sắc, người ta không
được đo lường. Với cái gì người ta không được đo lường, với cái ấy,
người ta không được xưng danh. Nếu không thiên chấp thọ... Nếu không
thiên chấp tưởng... Nếu không thiên chấp các hành... Nếu không thiên
chấp thức, với thức, người ta không được đo lường. Với cái gì người ta
không được đo lường, với cái ấy, người ta không được xưng danh. Với lời
nói vắn tắt này của Thế Tôn, bạch Thế Tôn, con hiểu ý nghĩa một cách
rộng rãi như vậy.
8) -- Lành thay, lành thay, này Tỷ-kheo! Lành thay, này Tỷ-kheo! Lời
nói vắn tắt này của Ta, Ông đã hiểu một cách rộng rãi như vậy. Nếu thiên
chấp sắc, này Tỷ-kheo, với sắc, người ta được đo lường. Với cái gì được
đo lường, với cái ấy, người ta được xưng danh. Nếu thiên chấp thọ...
Nếu thiên chấp tưởng... Nếu thiên chấp các hành... Nếu thiên chấp thức,
với thức, người ta được đo lường. Với cái gì người ta được đo lường, với
cái ấy, người ta được xưng danh. Nếu không thiên chấp sắc, này Tỷ-kheo,
với sắc, người ta không được đo lường. Với cái gì người ta không được
đo lường, với cái ấy, người ta không được xưng danh. Nếu không thiên
chấp thọ... Nếu không thiên chấp tưởng... Nếu không thiên chấp các
hành... Nếu không thiên chấp thức, với thức, người ta không được đo
lường. Với cái gì người ta không được đo lường, với cái ấy, người ta
không được xưng danh. Với lời nói vắn tắt này của Ta, này Tỷ-kheo, Ông
đã hiểu ý nghĩa một cách rộng rãi như vậy.
9) Rồi vị Tỷ-kheo ấy, sau khi hoan hỷ, tín thọ lời Thế Tôn dạy, từ
chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Thế Tôn, thân bên hữu hướng về Ngài rồi ra
đi.
10) Rồi vị Tỷ-kheo ấy sống một mình, tịnh cư...
11) Vị Tỷ-kheo ấy trở thành một vị A-la-hán.
V. Ananda (S.iii,37)
1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi...
3) Thế Tôn nói với Tôn giả Ananda đang ngồi một bên:
-- Này Ananda, nếu có người hỏi Ông: "Này Hiền giả Ananda, những pháp
nào sự sanh khởi đã được thấy rõ, sự diệt mất được thấy rõ, trong khi
tồn tại, sự biến đổi được thấy rõ?" Nếu được hỏi vậy, này Ananda, Ông
trả lời như thế nào?
4) -- Bạch Thế Tôn, nếu có người hỏi con: "Này Hiền giả Ananda, những
pháp nào sự sanh khởi được thấy rõ, sự diệt mất được thấy rõ, trong khi
tồn tại, sự biến đổi được thấy rõ?" Ðược hỏi vậy, bạch Thế Tôn,con sẽ
trả lời như sau:
5) "Trong sắc, này Hiền giả, sự sanh khởi được thấy rõ, sự diệt mất
được thấy rõ, trong khi tồn tại, sự biến đổi được thấy rõ. Trong thọ...
Trong tưởng... Trong các hành... Trong thức, này Hiền giả, sự sanh khởi
được thấy rõ, sự diệt mất được thấy rõ, trong khi tồn tại, sự biến đổi
được thấy rõ". Ðược hỏi vậy, bạch Thế Tôn, con sẽ trả lời như vậy.
6) -- Lành thay, lành thay, này Ananda! Này Ananda, trong sắc sự sanh
khởi được thấy rõ, sự diệt mất được thấy rõ, trong khi tồn tại, sự biến
đổi được thấy rõ. Trong thọ... Trong tưởng... Trong các hành... Trong
thức, sự sanh khởi được thấy rõ, sự diệt mất được thấy rõ, trong khi tồn
tại, sự biến đổi được thấy rõ. Này Ananda, trong những pháp này, sự
sanh khởi được thấy rõ, sự diệt mất được thấy rõ, trong khi tồn tại, sự
biến đổi được thấy rõ. Ðược hỏi vậy, Này Ananda, Ông phải trả lời như
vậy.
VI. Ananda (S.iii,38)
1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi...
3) -- Này Ananda, nếu Ông được hỏi như sau: "Trong những pháp nào,
này Hiền giả Ananda, sự sanh khởi đã được thấy rõ, sự diệt mất đã được
thấy rõ, trong khi tồn tại, sự biến đổi đã được thấy rõ? Trong những
pháp nào sự sanh khởi sẽ được thấy rõ, sự diệt mất sẽ được thấy rõ,
trong khi tồn tại, sự biến đổi sẽ được thấy rõ? Trong những pháp nào, sự
sanh khởi được thấy rõ, sự diệt mất được thấy rõ, trong khi tồn tại, sự
biến đổi được thấy rõ?" Ðược hỏi như vậy, này Ananda, Ông trả lời như
thế nào?
4) -- Bạch Thế Tôn, nếu con được hỏi như sau: "Trong những pháp nào,
này Hiền giả Ananda, sự sanh khởi đã được thấy rõ, sự diệt mất đã được
thấy rõ, trong khi tồn tại, sự biến đổi đã được thấy rõ? Trong những
pháp nào, sự sanh khởi sẽ được thấy rõ, sự diệt mất sẽ được thấy rõ,
trong khi tồn tại, sự biến đổi sẽ được thấy rõ? Trong những pháp nào, sự
sanh khởi được thấy rõ, sự diệt mất được thấy rõ, trong khi tồn tại, sự
biến đổi được thấy rõ?" Ðược hỏi vậy, bạch Thế Tôn, con trả lời như
sau:
5) "Ðối với sắc quá khứ, này Hiền giả, đã đoạn diệt, đã biến hoại,
đối với sắc ấy, sự sanh khởi đã được thấy rõ, sự diệt mất đã được thấy
rõ, trong khi tồn tại, sự biến đổi đã được thấy rõ. Ðối với thọ quá khứ,
đã đoạn diệt, đã biến hoại, sự sanh khởi của thọ ấy được thấy rõ, sự
diệt mất đã được thấy rõ, trong khi tồn tại, sự biến đổi đã được thấy
rõ. Ðối với tưởng... Ðối với các hành... Ðối với thức quá khứ, đã đoạn
diệt, đã biến hoại, sự sanh khởi của thức ấy đã được thấy rõ, sự diệt
mất đã được thấy rõ, trong khi tồn tại, sự biến đổi đã được thấy rõ.
Trong những pháp này, Này Hiền giả, sự sanh khởi đã được thấy rõ, sự
diệt mất đã được thấy rõ, trong khi tồn tại, sự biến đổi đã được thấy
rõ.
6) Ðối với sắc chưa sanh, này Hiền giả, chưa hiện hữu, trong sắc ấy,
sự sanh khởi sẽ được thấy rõ, sự diệt mất sẽ được thấy rõ, trong khi tồn
tại, sự biến đổi sẽ được thấy rõ. Ðối với thọ chưa sanh, chưa hiện hữu,
trong thọ ấy, sự sanh khởi sẽ được thấy rõ, sự diệt mất sẽ được thấy
rõ, trong khi tồn tại, sự biến đổi sẽ được thấy rõ. Ðối với tưởng... Ðối
với các hành... Ðối với thức chưa sanh, chưa hiện hữu, sự sanh khởi sẽ
được thấy rõ, sự diệt mất sẽ được thấy rõ, trong khi tồn tại, sự biến
đổi sẽ được thấy rõ. Trong những pháp này, này Hiền giả, sự sanh khởi sẽ
được thấy rõ, sự diệt mất sẽ được thấy rõ, trong khi tồn tại, sự biến
đổi sẽ được thấy rõ.
7) Ðối với sắc đã sanh, này Hiền giả, đã hiện hữu, trong sắc ấy, sự
sanh khởi được thấy rõ, sự diệt mất được thấy rõ, trong khi tồn tại, sự
biến đổi được thấy rõ. Ðối với thọ đã sanh, đã hiện hữu... Ðối với tưởng
đã sanh, đã hiện hữu... Ðối với các hành đã sanh, đã hiện hữu... Ðối
với thức đã sanh, đã hiện hữu, trong thức ấy, sự sanh khởi được thấy rõ,
sự diệt mất được thấy rõ. Trong những pháp này, này Hiền giả, sự sanh
khởi được thấy rõ, sự diệt mất được thấy rõ, trong khi tồn tại, sự biến
đổi được thấy rõ".
Nếu con được hỏi như vậy, bạch Thế Tôn, con sẽ trả lời như vậy.
8) -- Lành thay, lành thay, này Ananda! Này Ananda, đối với sắc thuộc
quá khứ đã đoạn diệt, đã biến hoại; đối với sắc ấy, sự sanh khởi đã
được thấy rõ, sự diệt mất đã được thấy rõ, trong khi tồn tại, sự biến
đổi đã được thấy rõ. Ðối với thọ... Ðối với tưởng... Ðối với các hành...
Ðối với thức, thuộc quá khứ đã đoạn diệt, đã biến hoại, trong thức ấy,
sự sanh khởi đã được thấy rõ, sự biến mất đã được thấy rõ, trong khi tồn
tại, sự biến đổi đã được thấy rõ. Trong các pháp này, này Ananda, sự
sanh khởi đã được thấy rõ, sự biến mất đã được thấy rõ, trong khi tồn
tại, sự biến đổi đã được thấy rõ.
9) Ðối với sắc chưa sanh, này Ananda, chưa hiện hữu, trong sắc ấy, sự
sanh khởi sẽ được thấy rõ, sự diệt mất sẽ được thấy rõ, trong khi tồn
tại, sự biến đổi sẽ được thấy rõ. Ðối với thọ... Ðối với tưởng... Ðối
với các hành... Ðối với thức chưa sanh khởi, chưa hiện hữu, trong thức
ấy, sự sanh khởi sẽ được thấy rõ, sự diệt mất sẽ được thấy rõ, trong khi
tồn tại, sự biến đổi sẽ được thấy rõ. Ðối với những pháp này, này
Ananda, sự sanh khởi sẽ được thấy rõ, sự diệt mất sẽ được thấy rõ, trong
khi tồn tại, sự biến đổi sẽ được thấy rõ.
10) Ðối với sắc đã sanh, này Ananda, đã hiện hữu, đối với sắc ấy, sự
sanh khởi được thấy rõ, sự diệt mất được thấy rõ, trong khi tồn tại, sự
biến đổi được thấy rõ. Ðối với thọ... Ðối với tưởng... Ðối với các
hành... Ðối với thức đã sanh, đã hiện hữu, đối với thức ấy, sự sanh khởi
được thấy rõ, sự diệt mất được thấy rõ, trong khi tồn tại, sự biến đổi
được thấy rõ. Trong những pháp này, sự sanh khởi được thấy rõ, sự diệt
mất được thấy rõ, trong khi tồn tại, sự biến đổi được thấy rõ. Ðược hỏi
như vậy, này Ananda, Ông cần phải trả lời như vậy.
VII. Tùy Pháp (S.iii,41)
1-2) Nhân duyên ở Sàavatthi...
3) -- Ðối với vị Tỷ-kheo thực hành pháp và tùy pháp, tùy pháp này có
mặt: Ðối với sắc, vị ấy sống nhiều yếm ly; đối với thọ, vị ấy sống nhiều
yếm ly; đối với tưởng, vị ấy sống nhiều yếm ly; đối với các hành, vị ấy
sống nhiều yếm ly; đối với thức, vị ấy sống nhiều yếm ly.
4) Ai sống nhiều yếm ly đối với sắc... đối với thọ... đối với
tưởng... đối với các hành... ai sống nhiều yếm ly đối với thức, vị ấy
liễu tri sắc... liễu tri thọ... liễu tri tưởng... liễu tri các hành...
liễu tri thức. Do liễu tri sắc... thọ... tưởng... các hành... do liễu
tri thức, vị ấy được giải thoát khỏi sắc, giải thoát khỏi thọ, giải
thoát khỏi tưởng, giải thoát khỏi các hành, giải thoát khỏi thức, giải
thoát khỏi sanh, già chết, sầu, bi, khổ, ưu, não. Ta nói vị ấy giải
thoát khỏi đau khổ.
VIII. Tùy Pháp (S.iii,41)
1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi...
3-5) -- Ðối với vị Tỷ-kheo thực hành pháp và tùy pháp, tùy pháp này
có mặt: Vị ấy sống tùy quán vô thường trong sắc... Ta nói vị ấy giải
thoát khỏi đau khổ.
IX. Tùy Pháp (S.iii,41)
1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi...
3-5) -- Ðối với vị Tỷ-kheo thực hành pháp và tùy pháp, tùy pháp này
có mặt: Vị ấy sống tùy quán khổ trong sắc... Ta nói vị ấy giải thoát
khỏi đau khổ.
X. Tùy Pháp (S.iii,41)
1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi...
3) -- Ðối với vị Tỷ-kheo thực hành pháp và tùy pháp, tùy pháp này có
mặt: Vị ấy sống tùy quán vô ngã trong sắc... trong thọ... trong tưởng...
trong các hành. Vị ấy sống tùy quán vô ngã trong thức...
4) Ai sống tùy quán vô ngã trong sắc, trong thọ, trong tưởng, trong
các hành, trong thức; vị ấy liễu tri sắc, liễu tri thọ, liễu tri tưởng,
liễu tri các hành, liễu tri thức. Do vị ấy liễu tri sắc, liễu tri thọ,
liễu tri tưởng, liễu tri các hành, liễu tri thức; vị ấy giải thoát khỏi
sắc, giải thoát khỏi thọ, giải thoát khỏi tưởng, giải thoát khỏi các
hành, giải thoát khỏi thức, giải thoát khỏi sanh, già chết, sầu, bi,
khổ, ưu, não. Ta nói vị ấy giải thoát khỏi đau khổ.
V. Phẩm Tự Mình Làm Hòn Ðảo.
I. Tự Mình Làm Hòn Ðảo (Ðại 2,8a) (S.iii,42)
1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi...
3) -- Hãy sống tự mình làm hòn đảo cho chính mình, này các Tỷ-kheo,
hãy nương tựa nơi chính mình, không nương tựa một ai khác. Hãy lấy pháp
làm hòn đảo, hãy lấy pháp làm chỗ nương tựa, không nương tựa một ai
khác.
4) Với những ai sống tự mình làm hòn đảo cho chính mình, này các
Tỷ-kheo, nương tựa nơi chính mình, không nương tựa một ai khác. Lấy pháp
làm hòn đảo, lấy pháp làm chỗ nương tựa, không nương tựa một ai khác,
hãy như lý quán sát: "Sầu, bi, khổ, ưu, não do nguồn gốc gì sanh? Do cái
gì làm cho hiện hữu?"
5) Và này các Tỷ-kheo, sầu, bi, khổ, ưu, não do nguồn gốc gì sanh? Do
cái gì làm cho hiện hữu?
6) Ở đây, này các Tỷ-kheo, kẻ vô văn phàm phu không thấy rõ các bậc
Thánh, không thuần thục pháp các bậc Thánh, không tu tập pháp các bậc
Thánh, không thấy rõ các bậc Chân nhân, không thuần thục pháp các bậc
Chân nhân, không tu tập pháp các bậc Chân nhân; quán (samamupassati) sắc
như là tự ngã, hay tự ngã như là có sắc, hay sắc ở trong tự ngã, hay tự
ngã ở trong sắc. Sắc của vị ấy biến hoại và đổi khác. Khi sắc của vị ấy
biến hoại và đổi khác thì sầu, bi, khổ, ưu, nào sẽ khởi lên.
7) Vị ấy quán thọ như là tự ngã, hay tự ngã như là có thọ...
8) Vị ấy quán tưởng như là tự ngã...
9) Vị ấy quán các hành như là tự ngã...
10) Vị ấy quán thức như là tự ngã, hay tự ngã như là có thức, hay
thức ở trong tự ngã, hay tự ngã ở trong thức. Thức này của vị ấy biến
hoại và đổi khác. Khi thức của vị ấy biến hoại và đổi khác thì sầu, bi,
khổ, ưu, não sẽ khởi lên.
11) Này các Tỷ-kheo, biết sắc là vô thường, biến hoại, ly tham, đoạn
diệt; vị ấy thấy tất cả sắc xưa và nay là vô thường, khổ, chịu sự biến
hoại. Do thấy như thật với chánh trí tuệ như vậy, sầu, bi, khổ, ưu, não
được đoạn tận. Do chúng được đoạn tận, vị ấy không bị ưu, não. Do không
bị ưu, não, vị ấy sống an lạc. Do sống an lạc, vị Tỷ-kheo được gọi là
(Tadanganibbuto) vị đã lắng dịu mọi tướng phần, nhứt hướng Niết-bàn.
12) Này các Tỷ-kheo, biết thọ là vô thường, biến hoại, ly tham, đoạn
diệt, vị ấy thấy tất cả thọ xưa và nay là vô thường, khổ, chịu sự biến
hoại. Do thấy như thật với chánh trí tuệ như vậy, các sầu, bi, khổ, ưu,
não được đoạn tận. Do chúng được đoạn tận, vị ấy không bị ưu, não. Do
không bị ưu, não, vị ấy sống an lạc. Do sống an lạc, vị Tỷ-kheo được gọi
là vị đã lắng dịu mọi tướng phần, nhứt hướng Niết-bàn..
13) Này các Tỷ-kheo, biết tưởng là vô thường...
14) Này các Tỷ-kheo, biết các hành là vô thường...
15) Này các Tỷ-kheo, biết thức là vô thường, biến hoại, ly tham, đoạn
diệt; vị ấy thấy tất cả thức xưa và nay là vô thường, khổ, chịu sự biến
hoại. Do thấy như thật với chánh trí tuệ như vậy, các sầu, bi, khổ, ưu,
não được đoạn tận. Do chúng được đoạn tận, vị ấy không bị ưu, não. Do
không bị ưu, não, vị ấy sống an lạc. Do sống an lạc, vị Tỷ-kheo được gọi
là vị đã lắng dịu mọi tướng phần, nhứt hướng Niết-bàn..
II. Con Ðường (Ðại 2,8a) (S.iii,44)
1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi...
3) -- Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ giảng cho các Ông con đường đưa đến thân
kiến tập khởi và con đường đưa đến thân kiến đoạn diệt. Hãy lắng nghe.
4) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là con đường đưa đến thân kiến tập
khởi?
5) Ở đây, này các Tỷ-kheo, kẻ vô văn phàm phu không thấy rõ các bậc
Thánh, không thuần thục pháp các bậc Thánh, không tu tập pháp các bậc
Thánh, không thấy rõ các bậc Chân nhân, không thuần thục pháp các bậc
Chân nhân, không tu tập pháp các bậc Chân nhân; quán sắc như là tự ngã,
hay tự ngã như là có sắc, hay sắc ở trong tự ngã, hay tự ngã ở trong
sắc.
6-8) ... quán thọ... quán tưởng... quán các hành...
9) ... quán thức như là tự ngã, hay tự ngã như là có thức, hay thức ở
trong tự ngã, hay tự ngã ở trong thức.
10) Này các Tỷ-kheo, đây gọi là con đường đưa đến thân kiến tập khởi.
Con đường đưa đến thân kiến tập khởi có nghĩa là: Sự quán sát đưa đến
khổ tập khởi.
11) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là con đường đưa đến thân kiến đoạn
diệt?
12) Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Ða văn Thánh đệ tử thấy rõ các bậc
Thánh, thuần thục pháp các bậc Thánh, tu tập pháp các bậc Thánh, thấy rõ
các bậc Chân nhân, thuần thục pháp các bậc Chân nhân, tu tập pháp các
bậc Chân nhân; không quán sắc như là tự ngã, hay không quán tự ngã như
là có sắc, hay không quán sắc ở trong tự ngã, hay không quán tự ngã ở
trong sắc.
13-15) ... không quán thọ... không quán tưởng... không quán các
hành...
16) ... không quán thức như là tự ngã, hay không quán tự ngã như là
có thức, hay không quán thức ở trong tự ngã, hay không quán tự ngã ở
trong thức.
17) Này các Tỷ-kheo, đây gọi là con đường đưa đến thân kiến đoạn
diệt. Con đường đưa đến thân kiến đoạn diệt có nghĩa là: Sự quán sát đưa
đến sự khổ đoạn diệt.
III. Vô Thường (Tạp 3,35, Thanh Tịnh, Ðại 2,21c) (S.iii,44)
1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi...
3) -- Sắc, này các Tỷ-kheo, là vô thường. Cái gì vô thường là khổ.
Cái gì khổ là vô ngã. Cái gì vô ngã, cần phải như thật quán với chánh
trí tuệ là: "Cái này không phải của tôi; cái này không phải là tôi; cái
này không phải tự ngã của tôi". Do như thật quán với chánh trí tuệ như
vậy, tâm ly tham, được giải thoát, không có chấp thủ các lậu hoặc.
4-6) Thọ, này các Tỷ-kheo, là vô thường... Tưởng, này các Tỷ-kheo...
Các hành, này các Tỷ-kheo...
7) Thức, này các Tỷ-kheo, là vô thường. Cái gì vô thường là khổ. Cái
gì khổ là vô ngã. Cái gì là vô ngã, cần phải như thật quán với chánh trí
tuệ là: "Cái này không phải của tôi; cái này không phải là tôi; cái này
không phải tự ngã của tôi". Do như thật quán với chánh trí tuệ như vậy,
tâm ly tham, được giải thoát, không có chấp thủ các lậu hoặc.
8) Này các Tỷ-kheo, nếu vị Tỷ-kheo đối với sắc giới có tâm ly tham,
giải thoát, không có chấp thủ các lậu hoặc, đối với thọ giới... đối với
tưởng giới... đối với hành giới... đối với thức giới, có tâm ly tham,
giải thoát, không có chấp thủ các lậu hoặc. Do giải thoát, vị ấy an trú.
Do an trú, vị ấy tri túc. Do tri túc, vị ấy không ưu não. Do không ưu
não, vị ấy tự mình tịch tịnh. Vị ấy biết: " Sanh đã tận, Phạm hạnh đã
thành, những việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa".
IV. Vô Thường (Tạp 3,36, Chánh Quán Sát, Ðại 2,21c) (S.iii,45)
1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi...
3) -- Sắc, này các Tỷ-kheo, là vô thường. Cái gì vô thường là khổ.
Cái gì khổ là vô ngã. Cái gì vô ngã, cần phải như thật quán với chánh
trí tuệ là: "Cái này không phải của tôi; cái này không phải là tôi; cái
này không phải tự ngã của tôi".
4-6) Thọ, này các Tỷ-kheo, là vô thường... Tưởng, này các Tỷ-kheo, là
vô thường... Các hành, này các Tỷ-kheo, là vô thường...
7) Thức, này các Tỷ-kheo, là vô thường. Cái gì vô thường là khổ. Cái
gì khổ là vô ngã. Cái gì vô ngã, cần phải như thật quán với chánh trí
tuệ là: "Cái này không phải của tôi; cái này không phải là tôi; cái này
không phải tự ngã của tôi".
8) Do như thật quán với chánh trí tuệ như vậy, vị ấy không có các tùy
kiến về quá khứ. Do không có các tùy kiến về quá khứ nên không có các
tùy kiến về tương lai. Do không có các tùy kiến về tương lai, kiên trì
chấp thủ không có. Do không có kiên trì chấp thủ, đối với sắc... đối với
thọ... đối với tưởng... đối với các hành... đối với thức, tâm ly tham,
giải thoát, không chấp thủ các lậu hoặc. Do giải thoát, vị ấy an trú. Do
an trú, vị ấy tri túc. Do tri túc, vị ấy không ưu não. Do không ưu não,
vị ấy tự mình được tịch tịnh một cách viên mãn. Vị ấy biết: "Sanh đã
tận, Phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm, không còn trở lui
trạng thái này nữa".
V. Quán Kiến (Tạp 2,13, Giác, Ðại 2,11b) (S.iii,46)
1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi...
3) -- Này các Tỷ-kheo, những Sa-môn hay Bà-la-môn nào quán tự ngã
dưới nhiều hình thức sai khác, quán cả năm thủ uẩn hay quán một trong
năm thủ uẩn.
4) Thế nào là năm? Này các Tỷ-kheo, ở đây kẻ vô văn phàm phu không
được thấy rõ các bậc Thánh, không thuần thục pháp các bậc Thánh, không
tu tập pháp các bậc Thánh, không được thấy rõ các bậc Chân nhân, không
thuần thục pháp các bậc Chân nhân, không tu tập pháp các bậc Chân nhân,
quán sắc như là tự ngã, hay tự ngã như là có sắc, hay sắc ở trong tự
ngã, hay tự ngã ở trong sắc, quán thọ... quán tưởng... quán các hành...
quán thức như là tự ngã, hay tự ngã như là có thức, hay thức ở trong tự
ngã, hay tự ngã ở trong thức. Nếu quán như vậy, thời đi đến chấp kiến:
"Tôi là".
5) Này các Tỷ-kheo, khi đi đến chấp kiến: "Tôi là", thời năm căn nhập
vào avakkanti (hiện hữu), tức là nhãn căn, nhĩ căn, tỷ căn, thiệt căn,
thân căn.
6) Này các Tỷ-kheo, có ý, có các pháp, có vô minh giới. Cảm xúc bởi
cảm thọ, (cảm thọ này) sanh do xúc chạm với vô minh; kẻ vô văn phàm phu
đi đến chấp kiến: "Tôi là", đi đến chấp kiến: "Cái này là tôi", đi đến
chấp kiến: " Tôi sẽ là", đi đến chấp kiến: "Tôi sẽ không là" đi đến chấp
kiến: "Tôi sẽ hiện hữu với sắc", đi đến chấp kiến: "Tôi sẽ hiện hữu với
vô sắc", đi đến chấp kiến: "Tôi sẽ hiện hữu với tưởng", đi đến chấp
kiến: "Tôi sẽ hiện hữu với không tưởng", đi đến chấp kiến: "Tôi sẽ hiện
hữu với phi tưởng phi phi tưởng".
7) Như vậy, này các Tỷ-kheo, do năm căn an trú ở đây, nhưng đối với
vị Ða văn Thánh đệ tử, vô minh được đoạn trừ và minh khởi lên. Do vô
minh được viễn ly, do minh sanh khởi, không đi đến chấp kiến: "Tôi là",
không đi đến chấp kiến: "Cái này là tôi", không đi đến chấp kiến: "Tôi
sẽ hiện hữu"... "Tôi sẽ không hiện hữu"... "Tôi sẽ hiện hữu với sắc"...
"Tôi sẽ hiện hữu với vô sắc"... "Tôi sẽ hiện hữu với tưởng"... "Tôi sẽ
hiện hữu với vô tưởng", không đi đến chấp kiến: "Tôi sẽ hiện hữu với phi
tưởng phi phi tưởng".
VI. Các Uẩn (Tạp 2,23 Ấm, Ðại 2,13b) (S.iii,47)
1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi...
3) -- Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ giảng năm uẩn và năm thủ uẩn, hãy lắng
nghe...
4) Này các Tỷ-kheo, thế nào là năm uẩn?
5) Này các Tỷ-kheo, phàm có sắc gì quá khứ, vị lai, hiện tại, thuộc
nội hay ngoại, thô hay tế, liệt hay thắng, xa hay gần; đây gọi là sắc
uẩn.
6-8) Này các Tỷ-kheo, phàm có thọ gì... phàm có tưởng gì... phàm có
các hành gì...
9) Này các Tỷ-kheo, phàm có thức gì quá khứ, vị lai, hiện tại, thuộc
nội hay ngoại, thô hay tế, liệt hay thắng, xa hay gần; đây gọi là thức
uẩn.
10) Những cái này, này các Tỷ-kheo, được gọi là năm uẩn.
11) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là năm thủ uẩn?
12) Này các Tỷ-kheo, phàm có sắc gì quá khứ vị lai, hiện tại, thuộc
nội hay ngoại... hoặc xa hay gần, có lậu hoặc, được chấp thủ; đây gọi là
sắc thủ uẩn.
13-15) Này các Tỷ-kheo, phàm có thọ gì... phàm có tưởng gì... phàm có
các hành gì...
16) Này các Tỷ-kheo, phàm có thức gì, quá khứ, vị lai, hiện tại,
thuộc nội hay ngoại, thô hay tế, liệt hay thắng, xa hay gần, có lậu
hoặc, được chấp thủ; đây gọi là thức thủ uẩn.
17) Này các Tỷ-kheo, đây được gọi là năm thủ uẩn.
VII. Sona (Tạp 1,20, Thu-lữ-na, Ðại 2,6a) (S.iii,48)
1) Như vầy tôi nghe.
Một thời Thế Tôn ở Ràjagaha (Vương Xá), Veluvana (Trúc Lâm), tại chỗ
nuôi dưỡng các con sóc.
2) Rồi Sona, con một gia chủ, đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ
Thế Tôn, rồi ngồi xuống một bên.
3) Thế Tôn nói với Sona, con một gia chủ, đang ngồi một bên:
4) -- Này Sona, những Sa-môn hay Bà-la-môn nào quán sắc vô thường,
khổ, biến hoại là: "Ta tốt đẹp hơn", hay quán: "Ta bằng nhau", hay quán:
"Ta hạ liệt hơn"; những vị ấy đâu phải là những ai khác, nếu không phải
là những người không thấy như thật!
5) ... quán thọ vô thường, khổ, biến hoại...
6) ... quán tưởng vô thường, khổ, biến hoại...
7) ... quán các hành vô thường, khổ, biến hoại...
8) ... quán thức vô thường, khổ, biến hoại là: "Ta tốt đẹp hơn", hay
quán: "Ta bằng nhau", hay quán: "Ta hạ liệt hơn"; những vị ấy đâu phải
là những ai khác, nếu không phải là những người không thấy như thật!
9) Này Sona, những Sa-môn hay Bà-la-môn nào không quán sắc vô thường,
khổ, biến hoại là: "Ta tốt đẹp hơn", hay không quán: "Ta bằng nhau",
hay không quán: "Ta hạ liệt hơn"; những vị ấy đâu phải là những ai khác,
nếu không phải là những vị thấy như thật!
10-12) Này Sona, những Sa-môn hay Bà-la-môn nào không quán thọ...
không quán tưởng... không quán các hành...
13) Này Sona, những Sa-môn hay Bà-la-môn nào không quán thức vô
thường, khổ, biến hoại là: "Ta tốt đẹp hơn", hay không quán: "Ta bằng
nhau", hay không quán: "Ta hạ liệt hơn"; những vị ấy đâu phải là những
ai khác, nếu không phải là những vị thấy như thật!
14) Ông nghĩ thế nào, này Sona, sắc là thường hay vô thường?
-- Vô thường, bạch Thế Tôn.
-- Cái gì vô thường là khổ hay lạc?
-- Là khổ, bạch Thế Tôn.
-- Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, có hợp lý chăng nếu quán
cái ấy là: "Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của
tôi"?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
15) -- Thọ là thường hay vô thường?...
16) Tưởng là thường hay vô thường?...
17) Các hành là thường hay vô thường?...
18) Thức là thường hay vô thường?
-- Vô thường, bạch Thế Tôn.
-- Cái gì vô thường là khổ hay lạc?
-- Là khổ, bạch Thế Tôn.
-- Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, có hợp lý hay chăng nếu
quán cái ấy là: "Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã
của tôi"?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
19) -- Do vậy, này Sona, phàm sắc gì quá khứ, vị lai, hiện tại, thuộc
nội hay ngoại, thô hay tế, liệt hay thắng, xa hay gần; tất cả sắc cần
phải như thật quán với chánh trí tuệ: "Cái này không phải của tôi, cái
này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi".
20-22) Phàm thọ gì... phàm tưởng gì... phàm các hành gì...
23) Phàm thức gì quá khứ, vị lai, hiện tại, thuộc nội hay ngoại, thô
hay tế, liệt hay thắng, xa hay gần; tất cả thức cần phải như thật quán
với chánh trí tuệ: "Cái này không phải của tôi, cái này không phải là
tôi, cái này không phải tự ngã của tôi".
24) Nếu thấy vậy, này Sona, vị Ða văn Thánh đệ tử yếm ly đối với sắc,
yếm ly đối với thọ, yếm ly đối với tưởng, yếm ly đối với các hành, yếm
ly đối với thức. Do yếm ly, vị ấy ly tham. Do ly tham, vị ấy giải thoát.
Trong sự giải thoát, khởi lên chánh trí: "Ta đã giải thoát". Vị ấy biết
rõ: "Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm, không
còn trở lui trạng thái này nữa".
VIII. Sona (Tạp 1,31, Thu-lữ-na, Ðại 2,6c) (S.iii,50)
1) Như vầy tôi nghe.
Một thời Thế Tôn trú ở Ràjagala (Vương Xá), Veluvana (Trúc Lâm), tại
chỗ nuôi dưỡng các con sóc.
2) Rồi Sona, con vị gia chủ, đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ
Ngài rồi ngồi xuống một bên.
3) Thế Tôn nói với Sona, con vị gia chủ, đang ngồi một bên:
4) -- Những Sa-môn hay Bà-la-môn nào, này Sona, không biết rõ sắc,
không biết rõ (nappajananti) sắc tập khởi, không biết rõ sắc đoạn diệt,
không biết rõ con đường đưa đến sắc đoạn diệt; không biết rõ thọ...
không biết rõ tưởng... không biết rõ các hành... không biết rõ thức,
không biết rõ thức tập khởi, không biết rõ thức đoạn diệt, không biết rõ
con đường đưa đến thức đoạn diệt; những Sa-môn hay Bà-la-môn ấy, này
Sona, không những không được chấp nhận là Sa-môn giữa các hàng Sa-môn,
không được chấp nhận là Bà-la-môn giữa các hàng Bà-la-môn; những vị ấy
trong đời sống hiện tại, cũng không tự mình chứng tri với thắng trí,
chứng đạt và an trú mục đích của Sa-môn hạnh hay mục đích của Bà-la-môn
hạnh.
5) Còn những Sa-môn hay Bà-la-môn nào, này Sona, biết rõ sắc, biết rõ
sắc tập khởi, biết rõ sắc đoạn diệt, biết rõ con đường đưa đến sắc đoạn
diệt; biết rõ thọ... biết rõ tưởng... biết rõ các hành... biết rõ thức,
biết rõ thức tập khởi, biết rõ thức đoạn diệt, biết rõ con đường đưa
đến thức đoạn diệt; những Sa-môn hay Bà-la-môn ấy, này Sona, không những
được chấp nhận là Sa-môn giữa các hàng Sa-môn, được chấp nhận là
Bà-la-môn giữa các hàng Bà-la-môn; những vị Tôn giả ấy, ngay trong đời
sống hiện tại, còn tự mình chứng tri với thắng trí, chứng đạt và an trú
mục đích của Sa-môn hạnh hay mục đích của Bà-la-môn hạnh.
IX. Hỷ Ðược Ðoạn Tận (S.iii,51)
1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi...
3) -- Này các Tỷ-kheo, khi một Tỷ-kheo thấy sắc vô thường là vô
thường; đấy là chánh tri kiến của vị ấy. Thấy chơn chánh như vậy, vị ấy
yếm ly. Do hỷ đoạn tận, tham được đoạn tận. Do tham đoạn tận, hỷ được
đoạn tận. Do hỷ, tham đoạn tận, tâm được giải thoát, vị ấy được gọi là
vị đã khéo giải thoát.
4-6) Này các Tỷ-kheo, khi một Tỷ-kheo thấy thọ vô thường là vô
thường... tưởng vô thường... các hành vô thường...
7) Này các Tỷ-kheo, khi vị Tỷ-kheo thấy thức vô thường là vô thường;
đấy là chánh tri kiến của vị ấy. Thấy chơn chánh như vậy, vị ấy yếm ly.
Do hỷ đoạn tận, tham được đoạn tận. Do tham đoạn tận, nên hỷ được đoạn
tận. Do hỷ, tham đoạn tận, tâm được giải thoát, vị ấy được gọi là vị đã
được khéo giải thoát.
X. Hỷ Ðược Ðoạn Tận (S.iii,52)
1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi...
3) -- Hãy như lý tác ý sắc, này các Tỷ-kheo, hãy như thật quán
(samanupassati) sắc là vô thường. Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo nào như lý
tác ý sắc, như thật quán sắc là vô thường, vị ấy yếm ly đối với sắc. Do
hỷ đoạn tận, tham được đoạn tận. Do tham đoạn tận, hỷ được đoạn tận. Do
hỷ, tham đoạn tận, tâm được giải thoát, vị ấy được gọi là vị đã được
khéo giải thoát.
4) Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo nào như lý tác ý thọ... tác ý tưởng...
tác ý các hành...
5) Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo nào như lý tác ý thức, như thật quán thức
là vô thường, vị ấy yếm ly đối với thức. Do hỷ đoạn tận, tham được đoạn
tận. Do tham đoạn tận, hỷ được đoạn tận. Do hỷ, tham đoạn tận, tâm được
giải thoát, vị ấy được gọi là đã được khéo giải thoát.
B. Năm Mươi Kinh Ở Giữa
I. Phẩm Tham Luyến
I. Tham Luyến (Tạp 2, Ðại 2,9a) (S.iii,53)
1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi...
3) -- Này các Tỷ-kheo, tham luyến là không giải thoát. Do tham luyến
sắc, này các Tỷ-kheo, thức có chân đứng được an trú. Với sắc là sở
duyên, với sắc là trú xứ, (thức) hướng tìm hỷ, đi đến tăng trưởng, tăng
thịnh, lớn mạnh.
4) Hay do tham luyến thọ ... tham luyến tưởng ... tham luyến hành,
này các Tỷ-kheo, thức có chân đứng được an trú. Với hành là sở duyên,
với hành là trú xứ, (thức) hướng tìm hỷ, đi đến tăng trưởng, tăng thịnh,
lớn mạnh.
5) Này các Tỷ-kheo, ai nói như sau: "Ngoài sắc, ngoài thọ, ngoài
tưởng, ngoài các hành, tôi sẽ chỉ rõ sự đến hay đi, sự diệt hay sanh, sự
tăng trưởng, sự tăng thịnh hay sự lớn mạnh của thức", sự việc như vậy
không xảy ra.
6-10) Này các Tỷ-kheo, nếu vị Tỷ-kheo đoạn tận tham đối với sắc giới;
do tham được đoạn tận, sở duyên được cắt đứt, chỗ y chỉ của thức không
có hiện hữu. Này các Tỷ-kheo, nếu vị Tỷ-kheo đoạn tận tham đối với thọ
giới... đối với tưởng giới... đối với hành giới... Này các Tỷ-kheo, nếu
vị Tỷ-kheo đoạn tận tham đối với thức giới, do tham được đoạn tận, sở
duyên được cắt đứt, chỗ y chỉ của thức không có hiện hữu.
11) Không có chỗ y chỉ ấy, thức không tăng thịnh, không có hành động,
được giải thoát. Do giải thoát nên được kiên trú; do kiên trú nên được
tri túc; do tri túc nên không có ưu não; do không có ưu não nên tự mình
cảm thấy tịch tịnh hoàn toàn. Vị ấy biết: "Sanh đã tận, Phạm hạnh đã
thành, những việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa".
II. Chủng Tử (Tạp 2, Ðại 2,8c) (S.iii,54)
1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi...
3) -- Này các Tỷ-kheo, có năm loại chủng tử. Thế nào là năm? Chủng tử
từ rễ, chủng tử từ thân, chủng tử từ đọt, chủng tử từ quả, và chủng tử
từ chủng tử là thứ năm.
4) Và này các Tỷ-kheo, nếu năm loại chủng tử này không bị hư hoại,
không bị hư thối, không bị gió và nhiệt phá hoại, có lõi cứng, khéo
gieo, nhưng không có đất, và không có nước, thời này các Tỷ-kheo, năm
loại chủng tử này có thể tăng trưởng, tăng thịnh, lớn mạnh được không?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
5) -- Và này các Tỷ-kheo, nếu năm loại chủng tử này không bị hư hoại,
không bị hư thối, không bị gió và nhiệt phá hoại, có lõi cứng, khéo
gieo, có đất và có nước, thời này các Tỷ-kheo, năm loại chủng tử này có
thể tăng trưởng, tăng thịnh, lớn mạnh được không?
-- Thưa được, bạch Thế Tôn.
6) -- Này các Tỷ-kheo, ví như đất, bốn thức trú cần phải được xem như
vậy. Ví như nước, này các Tỷ-kheo, hỷ tham cần phải được xem như vậy.
Ví như năm loại chủng tử, này các Tỷ-kheo, thức cùng các món ăn cần phải
được xem như vậy.
7) Do tham luyến sắc, này các Tỷ-kheo, thức có chân đứng được an trú.
Với sắc là sở duyên, với sắc là trú xứ, (thức) hướng tìm hỷ, đi đến
tăng trưởng, tăng thịnh, lớn mạnh.
8-10) Do tham luyến thọ... Do tham luyến tưởng... Do tham luyến các
hành, này các Tỷ-kheo, thức có chân đứng được tồn tại. Với hành là sở
duyên, với hành là trú xứ, (thức) hướng tìm hỷ, đi đến tăng trưởng, tăng
thịnh, lớn mạnh.
11) Này các Tỷ-kheo, ai nói như sau: "Ngoài sắc, ngoài thọ, ngoài
tưởng, ngoài các hành, tôi sẽ chỉ rõ sự đến hay đi, sự diệt hay sanh, sự
tăng trưởng, tăng thịnh hay sự lớn mạnh của thức", sự việc như vậy
không xảy ra.
12) Này các Tỷ-kheo, nếu vị Tỷ-kheo đoạn tận tham đối với sắc giới;
do tham được đoạn tận, sở duyên được cắt đứt, chỗ y chỉ của thức không
có hiện hữu.
13-16) Này các Tỷ-kheo, nếu vị Tỷ-kheo đoạn tận tham đối với thọ
giới... đối với tưởng giới... đối với hành giới... đối với thức giới; do
tham được đoạn tận, sở duyên được cắt đứt, chỗ y chỉ của thức không có
hiện hữu.
17) Không có chỗ y chỉ như vậy, thức không tăng thịnh, không có hành
động, được giải thoát; do giải thoát nên được kiên trú; do kiên trú nên
được tri túc; do tri túc nên không có ưu não; do không có ưu não nên tự
mình cảm thấy tịch tịnh hoàn toàn. Vị ấy biết: "Sanh đã tận, Phạm hạnh
đã thành, những việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này
nữa".
III. Lời Cảm Hứng (Tạp 2, Ðại 2,16c) (S.iii,55)
1) Nhân duyên ở Sàvatthi...
2) Ở đấy, Thế Tôn nói lên lời cảm hứng như sau:
Nếu trước, Ta không có,
Thời nay không có Ta,
Không tạo nhân sẽ có,
Tương lai sẽ không Ta.
Tỷ-kheo quyết tâm vậy,
Hạ phần kiết sử đoạn.
3) Ðược nghe nói vậy, một Tỷ-kheo bạch Thế Tôn:
-- Như thế nào bạch Thế Tôn:
Nếu trước, Ta không có,
Thời nay không có Ta,
Không tạo nhân sẽ có,
Tương lai sẽ không Ta.
Tỷ-kheo quyết tâm vậy,
Hạ phần kiết sử đoạn?
4) -- Ở đây, này Tỷ-kheo, kẻ vô văn phàm phu không thấy rõ các bậc
Thánh, không thuần thục pháp các bậc Thánh, không tu tập pháp các bậc
Thánh; không thấy rõ các bậc Chân nhân, không thuần thục pháp các bậc
Chân nhân, không tu tập pháp các bậc Chân nhân, quán sắc như là tự ngã,
hay tự ngã như là có sắc, hay sắc ở trong tự ngã, hay tự ngã ở trong
sắc, quán thọ... quán tưởng... quán các hành... quán thức như là tự ngã,
hay tự ngã như là có thức, hay thức ở trong tự ngã, hay tự ngã ở trong
thức.
5) Vị ấy không như thật biết rõ (pajànàti) sắc vô thường là sắc vô
thường, không như thật biết rõ thọ vô thường là thọ vô thường, không như
thật biết rõ tưởng vô thường là tưởng vô thường, không như thật biết rõ
hành vô thường là hành vô thường, không như thật biết rõ thức vô thường
là thức vô thường.
6) Không như thật biết rõ sắc khổ là sắc khổ, không như thật biết rõ
thọ khổ... tưởng khổ... hành khổ... không như thật biết rõ thức khổ là
thức khổ.
7) Không như thật biết rõ sắc vô ngã là sắc vô ngã, không như thật
biết rõ thọ vô ngã... tưởng vô ngã... hành vô ngã... không như thật biết
rõ thức vô ngã là thức vô ngã.
8) Không như thật biết rõ sắc hữu vi là sắc hữu vi, không như thật
biết rõ thọ hữu vi... tưởng hữu vi... hành hữu vi... không như thật biết
rõ thức hữu vi là thức hữu vi.
9) Không như thật biết rõ sắc sẽ biến diệt... thọ sẽ biến diệt...
tưởng sẽ biết diệt... các hành sẽ biến diệt... không như thật biết rõ
thức sẽ biến diệt.
10) Còn bậc Ða văn Thánh đệ tử, này các Tỷ-kheo thấy rõ các bậc
Thánh, thuần thục pháp các bậc Thánh, tu tập pháp các bậc Thánh, thấy rõ
các bậc Chân nhân, thuần thục pháp các bậc Chân nhân, tu tập pháp các
bậc Chân nhân, không quán sắc như là tự ngã, hay tự ngã như là có sắc,
hay sắc ở trong tự ngã, hay tự ngã ở trong sắc, không quán thọ... không
quán tưởng... không quán các hành... không quán thức như là tự ngã, hay
tự ngã như là có thức, hay thức ở trong tự ngã, hay tự ngã ở trong thức.
11) Vị ấy như thật thấy rõ sắc vô thường là vô thường, thọ vô
thường... tưởng vô thường... hành vô thường... thức vô thường là thức vô
thường.
12) Vị ấy như thật thấy rõ sắc khổ là sắc khổ, thọ khổ... tưởng
khổ... hành khổ... như thật thấy rõ thức khổ là thức khổ.
13) Vị ấy như thật thấy rõ sắc vô ngã là sắc vô ngã, thọ vô ngã...
tưởng vô ngã... các hành vô ngã... thức vô ngã là thức vô ngã.
14) Vị ấy như thật thấy rõ sắc hữu vi là sắc hữu vi, thọ hữu vi...
tưởng hữu vi... các hành hữu vi... thức hữu vi là thức hữu vi.
15) Vị ấy như thật thấy rõ sắc sẽ biến diệt là sắc sẽ biến diệt, thọ
sẽ biến diệt... tưởng sẽ biến diệt... các hành sẽ biến diệt... thức sẽ
biến diệt là thức sẽ biến diệt.
16) Do sắc biến diệt, thọ biến diệt, tưởng biến diệt, hành biến diệt,
thức biến diệt, vị Tỷ-kheo nói lên lời cảm hứng:
Nếu trước, ta không có,
Thời nay không có ta,
Không tạo nhân sẽ có,
Tương lai sẽ không ta.
Tỷ-kheo quyết tâm vậy,
Hạ phần kiết sử đoạn.
17) -- Dầu cho quyết tâm như vậy, bạch Thế Tôn, vị Tỷ-kheo có thể cắt
đứt hạ phần kiết sử. Nhưng bạch Thế Tôn, biết như thế nào, thấy như thế
nào, các lậu hoặc được đoạn tận lập tức?
18) -- Ở đây, này Tỷ-kheo, kẻ vô văn phàm phu hoảng sợ tại chỗ không
có gì đáng hoảng sợ; kẻ vô văn phàm phu hoảng sợ như sau:
Nếu trước, ta không có,
Thời nay không có ta,
Không tạo nhân sẽ có.
Tương lai sẽ không ta.
19) Và vị Ða văn Thánh đệ tử, này Tỷ-kheo, không hoảng sợ tại chỗ
không có gì đáng hoảng sợ; vị Ða văn Thánh đệ tử không có hoảng sợ như
sau:
Nếu trước, ta không có,
Thời nay không có ta,
Không tạo nhân sẽ có,
Tương lai sẽ không ta.
20) Này Tỷ-kheo, do tham luyến sắc, thức có chân đứng được an trú.
Với sắc là sở duyên, với sắc là trú xứ, (thức) hướng tìm hỷ, đi đến tăng
trưởng, tăng thịnh, lớn mạnh.
21-33) Do tham luyến thọ... do tham luyến tưởng... do tham luyến
hành... do tham luyến thức, này Tỷ-kheo, thức có chân đứng được an trú.
Với hành là sở duyên, với hành là trú xứ, (thức) hướng tìm hỷ, đi đến
tăng trưởng, tăng thịnh, lớn mạnh.
24) Này Tỷ-kheo, ai nói như sau: "Ngoài sắc, ngoài thọ, ngoài tưởng,
ngoài các hành, tôi sẽ chỉ rõ sự đến hay đi, sự diệt hay sanh, sự tăng
trưởng, tăng thịnh, lớn mạnh của thức", sự việc như vậy không xảy ra.
25) Này Tỷ-kheo, nếu vị Tỷ-kheo đoạn tận tham đối với sắc giới; do
tham được đoạn tận, sở duyên được cắt đứt, chỗ y chỉ của thức không hiện
hữu.
26) Này Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo đoạn tận tham đối với thọ giới...
27) Này Tỷ-kheo, nếu vị Tỷ-kheo đoạn tận tham đối với tưởng giới...
28) Này Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo đoạn tận tham đối với hành giới...
29) Này Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo đoạn tận tham đối với thức giới, do tham
được đoạn tận, sở duyên được cắt đứt, chỗ y chỉ của thức không hiện
hữu.
30) Không có chỗ y chỉ như vậy thức không tăng trưởng, không có hành
động, được giải thoát; do giải thoát nên được kiên trú; do kiên trú nên
được tri túc; do tri túc nên không có ưu não; do không có ưu não nên tự
mình cảm thấy tịch tịnh hoàn toàn. Vị ấy biết: "Sanh đã tận, Phạm hạnh
đã thành, những việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này
nữa".
IV. Thủ Chuyển (Tạp 2, Ðại 2,9b) (S.iii,58)
1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi...
3) -- Này các Tỷ-kheo, có năm thủ uẩn này. Thế nào là năm? Sắc thủ
uẩn, thọ thủ uẩn, tưởng thủ uẩn, hành thủ uẩn, thức thủ uẩn.
4) Này các Tỷ-kheo, khi nào Ta chưa như thật thắng tri năm thủ uẩn
này theo bốn chuyển, thì cho đến khi ấy, này các Tỷ-kheo, đối với thế
giới chư Thiên, Ma, Phạm thiên, cùng với quần chúng Sa-môn, Bà-la-môn,
chư Thiên và loài Người, Ta không xác chứng rằng Ta đã chứng được vô
thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác.
5) Nhưng này các Tỷ-kheo, khi nào Ta đã như thật thắng tri năm thủ
uẩn này theo bốn chuyển, cho đến khi ấy, này các Tỷ-kheo, đối với thế
giới chư Thiên, Ma, Phạm thiên, cùng với quần chúng Sa-môn, Bà-la-môn,
chư Thiên và loài Người, Ta xác chứng rằng Ta đã chứng được vô thượng
Chánh Ðẳng Chánh Giác.
6) Và thế nào là bốn chuyển? Ta đã thắng tri sắc, Ta đã thắng tri sắc
tập khởi, Ta đã thắng tri sắc đoạn diệt, Ta đã thắng tri con đường đưa
đến sắc đoạn diệt. Ta đã thắng tri thọ... tưởng... hành... Ta đã thắng
tri thức, Ta đã thắng tri thức tập khởi, Ta đã thắng tri thức đoạn diệt,
Ta đã thắng tri con đường đưa đến thức đoạn diệt.
7) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là sắc? Bốn đại chủng và sắc do bốn
đại chủng tạo thành. Này các Tỷ-kheo, đấy được gọi là sắc. Do các thức
ăn tập khởi nên sắc tập khởi. Do các thức ăn đoạn diệt nên sắc đoạn
diệt. Và con đường đưa đến sắc đoạn diệt là con đường Thánh đạo Tám
ngành, tức là chánh tri kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp,
chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định.
8) Này các Tỷ-kheo, các vị Sa-môn hay Bà-la-môn nào do thắng tri sắc
như vậy; do thắng tri sắc tập khởi như vậy, do thắng tri sắc đoạn diệt
như vậy, do thắng tri con đường đưa đến sắc đoạn diệt như vậy, họ hướng
về thực hiện yếm ly, ly tham, đoạn diệt sắc. Những thực hiện ấy, họ khéo
thực hiện. Những ai khéo thực hiện, những vị ấy có chân đứng trong Pháp
và Luật này.
9) Và này các Tỷ-kheo, những vị Sa-môn hay Bà-la-môn nào thắng tri
sắc là như vậy... thắng tri con đường đưa đến sắc đoạn diệt là như vậy;
do yếm ly, ly tham, đoạn diệt sắc, họ được giải thoát, không có chấp
thủ. Họ được khéo giải thoát. Những ai được khéo giải thoát, họ được vẹn
toàn. Những ai được vẹn toàn, thời không thể nêu rõ sự luân chuyển của
họ.
10) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là thọ? Này các Tỷ-kheo, có sáu thọ
thân này: thọ do nhãn xúc sanh, thọ do nhĩ xúc sanh, thọ do tỷ xúc sanh,
thọ do thiệt xúc sanh, thọ do thân xúc sanh, thọ do ý xúc sanh. Này các
Tỷ-kheo, đây gọi là thọ. Do xúc tập khởi nên thọ tập khởi. Do xúc đoạn
diệt nên thọ đoạn diệt. Ðây là con đường Thánh đạo Tám ngành đưa đến thọ
đoạn diệt, tức là chánh tri kiến, chánh tư duy... chánh định.
11) Này các Tỷ-kheo, những Sa-môn hay Bà-la-môn nào thắng tri thọ là
như vậy, thắng tri thọ tập khởi là như vậy, thắng tri thọ đoạn diệt là
như vậy, thắng tri con đường đưa đến thọ đoạn diệt là như vậy, họ hướng
về thực hiện yếm ly, ly tham, đoạn diệt thọ. Những thực hiện ấy, họ khéo
thực hiện. Những ai khéo thực hiện, những vị ấy có chân đứng trong Pháp
và Luật này.
12) Và này các Tỷ-kheo, những vị Sa-môn hay Bà-la-môn nào thắng tri
thọ là như vậy... thắng tri con đường đưa đến thọ đoạn diệt là như
vậy... thời không thể nêu rõ sự luân chuyển của họ!
13-15) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là tưởng? Này các Tỷ-kheo, có sáu
tưởng thân này: sắc tưởng, thanh tưởng, hương tưởng, vị tưởng, xúc
tưởng, pháp tưởng. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là tưởng. Do xúc tập khởi
nên tưởng tập khởi. Do xúc đoạn diệt nên tưởng đoạn diệt. Ðây là con
đường Thánh đạo tám ngành đưa đến tưởng đoạn diệt, tức là chánh tri
kiến, chánh tư duy... chánh định... thời không thể nêu rõ sự luân chuyển
của họ.
16) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hành? Có sáu tư thân này: sắc tư,
thanh tư, hương tư, vị tư, xúc tư, pháp tư. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là
hành. Do xúc tập khởi nên các hành tập khởi. Do xúc đoạn diệt nên các
hành đoạn diệt. Ðây là con đường Thánh đạo Tám ngành đưa đến đoạn diệt,
tức là chánh tri kiến... chánh định.
17) Này các Tỷ-kheo, những Sa-môn hay Bà-la-môn nào thắng tri các
hành là như vậy, thắng tri các hành tập khởi là như vậy, thắng tri các
hành đoạn diệt là như vậy, thắng tri con đường đưa đến các hành đoạn
diệt là như vậy, họ hướng về thực hiện yếm ly, ly tham, đoạn diệt các
hành. Những thực hiện ấy, họ khéo thực hiện. Những ai khéo thực hiện,
những vị ấy có chân đứng trong Pháp và Luật này.
18) Và này các Tỷ-kheo, những vị Sa-môn hay Bà-la-môn nào thắng tri
các hành là như vậy, thắng tri các hành tập khởi là như vậy, thắng tri
các hành đoạn diệt là như vậy, thắng tri con đường đưa đến các hành đoạn
diệt là như vậy; do yếm ly, ly tham, đoạn diệt các hành, họ giải thoát,
không có chấp thủ. Họ được khéo giải thoát. Những ai được khéo giải
thoát, họ được vẹn toàn. Những ai được vẹn toàn, thời không thể nêu rõ
sự luân chuyển của họ.
19) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là thức? Có sáu thức thân này, này
các Tỷ -kheo, (tức là) nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân
thức, ý thức. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là thức. Do danh sắc tập khởi nên
thức tập khởi. Do danh sắc đoạn diệt nên thức đoạn diệt. Ðây là con
đường Thánh đạo tám ngành đưa đến thức đoạn diệt, tức là chánh tri kiến,
chánh tư duy... chánh định.
20) Này các Tỷ-kheo, những vị Sa-môn hay Bà-la-môn nào thắng tri thức
là như vậy, thắng tri thức tập khởi là như vậy, thắng tri thức đoạn
diệt là như vậy, thắng tri con đường đưa đến thức đoạn diệt là như vậy,
họ hướng về thực hiện yếm ly, ly tham, đoạn diệt thức. Những thực hiện
ấy, họ khéo thực hiện. Những ai khéo thực hiện, những vị ấy có chân đứng
trong Pháp và Luật này.
21) Và này các Tỷ-kheo, những vị Sa-môn hay Bà-la-môn nào thắng tri
thức là như vậy, thắng tri thức tập khởi là như vậy, thắng tri thức đoạn
diệt là như vậy, thắng tri con đường đưa đến thức đoạn diệt là như vậy;
do yếm ly, ly tham, đoạn diệt thức, họ được giải thoát, không có chấp
thủ. Họ được khéo giải thoát. Những ai khéo giải thoát, họ được vẹn
toàn. Những ai được vẹn toàn, thời không thể nêu rõ sự luân chuyển của
họ.
V. Bảy Xứ (Sattatthàna) (Tạp 2, Ðại 2,10a; 498c; 875b) (Tăng
35, Ðại 2,754b) (S.iii,61)
1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi...
3) -- Vị Tỷ-kheo thiện xảo trong bảy xứ, này các Tỷ-kheo, quán sát
theo ba cách, được gọi là một vị toàn vẹn trong Pháp và Luật này, đã
thành tựu viên mãn, một bậc tối thượng nhân.
4) Này các Tỷ-kheo, thế nào là vị Tỷ-kheo thiện xảo trong bảy xứ?
5) Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo biết rõ (pajànati) sắc, biết rõ
sắc tập khởi, biết rõ sắc đoạn diệt, biết rõ con đường đưa đến sắc đoạn
diệt, biết rõ vị ngọt của sắc, biết rõ sự nguy hiểm của sắc, biết rõ sự
xuất ly của sắc.
6-8) ... biết rõ thọ... biết rõ tưởng... biết rõ các hành...
9) ... biết rõ thức, biết rõ thức tập khởi, biết rõ thức đoạn diệt,
biết rõ con đường đưa đến thức đoạn diệt, biết rõ vị ngọt của thức, biết
rõ sự nguy hiểm của thức, biết rõ sự xuất ly của thức.
10) Này các Tỷ-kheo, thế nào là sắc? Bốn đại chủng và sắc do bốn đại
chủng tạo thành. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là sắc. Do các món ăn tập khởi
nên sắc tập khởi. Do các món ăn đoạn diệt nên sắc đoạn diệt. Ðây là con
đường Thánh đạo Tám ngành đưa đến sắc đoạn diệt, tức là chánh tri
kiến... chánh định...
11) Duyên sắc khởi lên lạc hỷ gì, đây là vị ngọt của sắc. Sự vô
thường, khổ, chịu sự biến hoại của sắc, đây là sự nguy hại của sắc. Sự
nhiếp phục dục tham đối với sắc, sự đoạn tận dục tham đối với sắc, đây
là xuất ly của sắc.
12) Này các Tỷ-kheo, những Sa-môn hay Bà-la-môn nào thắng tri sắc là
như vậy, thắng tri sắc tập khởi là như vậy, thắng tri sắc đoạn diệt là
như vậy, thắng tri con đường đưa đến sắc đoạn diệt là như vậy, thắng tri
vị ngọt của sắc là như vậy, thắng tri sự nguy hiểm của sắc là như vậy,
thắng tri sự xuất ly của sắc là như vậy; họ hướng về thực hiện yếm ly,
ly tham, đoạn diệt đối với sắc. Những thực hiện ấy, họ khéo thực hiện.
Những ai khéo thực hiện, những vị ấy có chân đứng trong Pháp và Luật
này.
13) Này các Tỷ-kheo, những Sa-môn hay Bà-la-môn nào thắng tri sắc là
như vậy, thắng tri sắc tập khởi là như vậy, thắng tri sắc đoạn diệt là
như vậy, thắng tri vị ngọt của sắc là như vậy, thắng tri sự nguy hiểm
của sắc là như vậy, thắng tri sự xuất ly của sắc là như vậy; do yếm ly,
ly tham, đoạn diệt sắc, họ được giải thoát, không có chấp thủ. Họ được
khéo giải thoát. Những ai được khéo giải thoát, họ được vẹn toàn. Những
ai vẹn toàn, thời không thể nêu rõ sự luân chuyển của họ.
14) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là thọ? Này các Tỷ-kheo, có sáu thọ
thân này: Thọ do nhãn xúc sanh... thọ do ý xúc sanh. Này các Tỷ-kheo,
đây gọi là thọ. Do xúc tập khởi nên thọ tập khởi. Do xúc đoạn diệt nên
thọ đoạn diệt. Ðây là con đường Thánh đạo Tám ngành đưa đến thọ đoạn
diệt, tức là chánh tri kiến... chánh định.
15) Do duyên thọ khởi lên lạc hỷ gì, đây gọi là vị ngọt của thọ. Cảm
thọ vô thường, khổ, vô ngã, đây gọi là nguy hiểm của thọ. Sự nhiếp phục
dục tham, sự đoạn tận dục tham đối với thọ, đây gọi là xuất ly của thọ.
16) Này các Tỷ-kheo, các vị Sa-môn hay Bà-la-môn nào thắng tri thọ là
như vậy, thắng tri thọ tập khởi là như vậy, thắng tri thọ đoạn diệt là
như vậy, thắng tri con đường đưa đến thọ đoạn diệt là như vậy, thắng tri
vị ngọt của thọ là như vậy, thắng tri sự nguy hiểm của thọ là như vậy,
thắng tri sự xuất ly của thọ là như vậy; họ hướng về thực hiện yếm ly,
ly tham, đoạn diệt đối với thọ. Những thực hiện ấy, họ khéo thực hiện.
Những ai khéo thực hiện, những vị ấy có chân đứng trong Pháp và Luật
này.
17) Này các Tỷ-kheo, những Sa-môn hay Bà-la-môn nào thắng tri thọ là
như vậy... thời không thể nêu rõ sự luân chuyển của họ.
18-20) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là tưởng? Này các Tỷ-kheo, có sáu
tưởng thân này: Sắc tưởng, thanh tưởng, hương tưởng, vị tưởng, xúc
tưởng, pháp tưởng. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là tưởng. Do xúc tập khởi
nên tưởng tập khởi. Do xúc đoạn diệt nên tưởng đoạn diệt. Ðây là con
đường Thánh đạo Tám ngành đưa đến tưởng đoạn diệt... thời không thể nêu
rõ sự luân chuyển của họ.
21) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là các hành? Này các Tỷ-kheo, có sáu
tư thân: Sắc tư... pháp tư. Này các Tỷ-kheo, đây được gọi là các hành.
Do xúc tập khởi nên các hành tập khởi. Do xúc đoạn diệt nên các hành
đoạn diệt. Ðây là con đường Thánh đạo tám ngành, tức là chánh tri
kiến... chánh định.
22) Do duyên hành khởi lên lạc hỷ gì, đây là vị ngọt của hành. Các
hành vô thường, khổ, vô ngã, đây là nguy hiểm của hành. Sự nhiếp phục
dục tham, sự đoạn tận dục tham đối với các hành, đây là xuất ly của các
hành.
23-24) Này các Tỷ-kheo, những vị Sa-môn hay Bà-la-môn nào thắng tri
các hành là như vậy, thắng tri các hành tập khởi là như vậy, thắng tri
các hành đoạn diệt là như vậy, thắng tri con đường đưa đến các hành đoạn
diệt là như vậy; họ hướng về thực hiện yếm ly, ly tham, đoạn diệt đối
với các hành. Những thực hiện ấy, họ khéo thực hiện. Những ai khéo thực
hiện, những vị ấy có chân đứng trong Pháp và Luật này... Những ai được
vẹn toàn, thời không thể nêu rõ sự luân chuyển của họ.
25) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là thức? Này các Tỷ-kheo, có sáu thức
thân này: Nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức, ý thức.
Này các Tỷ-kheo, đây gọi là thức. Do danh sắc tập khởi nên thức tập
khởi. Do danh sắc đoạn diệt nên thức đoạn diệt. Ðây là con đường Thánh
đạo Tám ngành đưa đến thức đoạn diệt đối với thức, tức là chánh tri
kiến... chánh định.
26) Do duyên thức khởi lên lạc hỷ gì, đây là vị ngọt của thức. Thức
vô thường, khổ, vô ngã, đây là nguy hiểm của thức. Sự nhiếp phục dục
tham, sự đoạn tận dục tham đối với thức, đây là xuất ly của thức.
27) Này các Tỷ-kheo, các vị Sa-môn hay Bà-la-môn nào thắng tri thức
là như vậy, thắng tri thức tập khởi là như vậy, thắng tri thức đoạn diệt
là như vậy, thắng tri con đường đưa đến thức đoạn diệt là như vậy,
thắng tri vị ngọt của thức là như vậy, thắng tri sự nguy hiểm của thức
là như vậy, thắng tri sự xuất ly của thức là như vậy; họ hướng về thực
hiện yếm ly, ly tham, đoạn diệt đối với thức. Những thực hiện ấy, họ
khéo thực hiện. Những ai khéo thực hiện, những vị ấy có chân đứng trong
Pháp và Luật này.
28) Này các Tỷ-kheo, những Sa-môn hay Bà-la-môn nào thắng tri thức là
như vậy, thắng tri thức tập khởi là như vậy, thắng tri thức đoạn diệt
là như vậy, thắng tri con đường đưa đến thức đoạn diệt là như vậy, thắng
tri vị ngọt của thức là như vậy, thắng tri sự nguy hiểm của thức là như
vậy, thắng tri sự xuất ly của thức là như vậy; do yếm ly, ly tham, đoạn
diệt thức, họ giải thoát, không chấp thủ. Họ được khéo giải thoát.
Những ai được khéo giải thoát, họ được vẹn toàn. Những ai được vẹn toàn,
thời không thể nêu rõ sự luân chuyển của họ.
29) Này các Tỷ-kheo, như vậy là vị Tỷ-kheo thiện xảo trong bảy xứ.
30) Và này các Tỷ-kheo, như thế nào là vị Tỷ-kheo quán sát theo ba
cách? Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo quán sát theo giới, quán sát
theo xứ, quán sát theo duyên khởi. Như vậy, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo
quán sát theo ba cách.
31) Này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo thiện xảo trong bảy xứ, quán sát theo
ba cách, được gọi là một vị toàn vẹn trong Pháp và Luật này, đã thành
tựu viên mãn, một vị tối thượng nhân.
VI. Chánh Ðẳng Giác. (S.iii,54)
1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi...
3) -- Như Lai, này các Tỷ-kheo, là bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, do
yếm ly, ly tham, đoạn diệt sắc, được gọi là bậc Giải Thoát, không có
chấp thủ, Chánh Ðẳng Giác. Còn vị Tỷ-kheo, này các Tỷ-kheo, được giải
thoát nhờ trí tuệ, do yếm ly, ly tham, đoạn diệt sắc, được gọi là bậc
Giải Thoát, không có chấp thủ, giải thoát nhờ trí tuệ.
4) Như Lai, này các Tỷ-kheo, là bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, do yếm
ly, ly tham, đoạn diệt thọ, được gọi là bậc Giải Thoát, không có chấp
thủ, Chánh Ðẳng Giác. Còn vị Tỷ-kheo, này các Tỷ-kheo, được giải thoát
nhờ trí tuệ, do yếm ly, ly tham, đoạn diệt thọ, được gọi là bậc Giải
Thoát, không có chấp thủ, giải thoát nhờ trí tuệ.
5-7) Như Lai, này các Tỷ-kheo, là bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, do
yếm ly, ly tham, đoạn diệt tưởng... đoạn diệt các hành... đoạn diệt
thức, được gọi là bậc Giải Thoát, không có chấp thủ, Chánh Ðẳng Giác.
Còn vị Tỷ-kheo, này các Tỷ-kheo, được giải thoát nhờ trí tuệ, do yếm ly,
ly tham, đoạn diệt thức, được gọi là bậc Giải Thoát, không có chấp thủ,
giải thoát nhờ trí tuệ.
8) Ở đây, này các Tỷ-kheo, thế nào là sự sai biệt, thế nào là sự đặc
thù, thế nào là sự sai khác giữa bậc Như Lai, A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác,
và bậc Tỷ-kheo được giải thoát nhờ trí tuệ?
9) -- Bạch Thế Tôn, đối với chúng con, các pháp lấy Thế Tôn làm căn
bản, lấy Thế Tôn làm chỉ đạo, lấy Thế Tôn làm chỗ y chỉ. Lành thay, bạch
Thế Tôn, nếu được Thế Tôn nói lên ý nghĩa của lời này. Sau khi nghe Thế
Tôn, các Tỷ-kheo sẽ thọ trì!
-- Vậy này các Tỷ-kheo, hãy nghe và khéo suy nghiệm, Ta sẽ nói:
-- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Các vị Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn.
10) Thế Tôn nói như sau:
-- Như Lai, này các Tỷ-kheo, là bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, làm
cho khởi lên con đường (trước kia) chưa khởi, là bậc đem lại con đường
(trước kia) chưa được đem lại, là bậc tuyên thuyết con đường (trước kia)
chưa được tuyên thuyết, bậc tri đạo, bậc ngộ đạo, bậc thuần thục về
đạo. Còn nay, này các Tỷ-kheo, các vị đệ tử là những vị sống theo đạo,
tiếp tục thành tựu (đạo).
11) Này các Tỷ-kheo, đây là sự sai biệt, sự đặc thù, sự sai khác giữa
Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác và bậc Tỷ-kheo được giải thoát
nhờ trí tuệ.
VII. Năm Vị (Vô ngã tưởng) (Ðại 2,7c) (Luật tạng, Ðại phẩm
q.1, từ trang 3) (S.iii,66)
1) Một thời Thế Tôn ở Bàrànasi (Ba-la-nại), tại Isìpatana (Chư Tiên
đọa xứ), vườn Lộc Uyển.
2) Ở đây Thế Tôn nói với đoàn năm vị Tỷ-kheo: "Này các Tỷ-kheo". --
"Thưa vâng bạch Thế Tôn". Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói
như sau:
3) -- Sắc, này các Tỷ-kheo, là vô ngã. Này các Tỷ-kheo, nếu sắc là
ngã, thời sắc không thể đi đến bệnh hoạn và có thể được các sắc như sau:
"Mong rằng sắc của tôi là như thế này! Mong rằng sắc của tôi chẳng phải
như thế này!"
4) Và này các Tỷ-kheo, vì sắc là vô ngã. Do vậy sắc đi đến bệnh hoạn,
và không thể có được các sắc: "Mong rằng sắc của tôi như thế này! Mong
rằng sắc của tôi chẳng phải như thế này!"
5) Thọ, này các Tỷ-kheo, là vô ngã. Này các Tỷ-kheo, nếu thọ là ngã,
thời thọ không thể đi đến bệnh hoạn, và có thể được thọ như sau: "Mong
rằng thọ của tôi như thế này! Mong rằng thọ của tôi chẳng phải như thế
này!"
6) Và này các Tỷ-kheo, vì thọ là vô ngã. Do vậy, thọ đi đến bệnh
hoạn, và không thể có được các thọ: "Mong rằng thọ của tôi như thế này!
Mong rằng thọ của tôi chẳng phải như thế này!"
7) Tưởng là vô ngã...
8) Các hành là vô ngã, này các Tỷ-kheo, nếu các hành là ngã, thời các
hành không thể đi đến bệnh hoạn và có thể được các hành như sau: "Mong
rằng các hành của tôi như thế này! Mong rằng các hành của tôi chẳng phải
như thế này!"
9) Và này các Tỷ-kheo, vì các hành là vô ngã. Do vậy, các hành đi đến
bệnh hoạn, và không thể có được các hành: "Mong rằng các hành của tôi
như thế này! Mong rằng các hành của tôi không phải như thế này!"
10) Thức là vô ngã, này các Tỷ-kheo, nếu thức là ngã, thời thức không
thể đi đến bệnh hoạn, và có thể có được thức như sau: "Mong rằng thức
của tôi như thế này! Mong rằng thức của tôi chẳng phải như thế này!"
11) Và này các Tỷ-kheo, vì thức là vô ngã. Do vậy, thức đi đến bệnh
hoạn, và không có thể có được thức: "Mong rằng thức của tôi như thế này!
Mong rằng thức của tôi chẳng phải như thế này!"
12) Này các Tỷ-kheo, các Ông nghĩ thế nào? Sắc là thường hay vô
thường?
-- Là vô thường, bạch Thế Tôn!
-- Cái gì vô thường là khổ hay lạc?
-- Là khổ, bạch Thế Tôn.
-- Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, có hợp lý chăng khi quán
cái ấy là: " Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của
tôi"?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
13-15) -- Thọ... Tưởng... Các hành...
16) Thức là thường hay vô thường?
-- Là vô thường, bạch Thế Tôn.
-- Cái gì vô thường là khổ hay lạc?
-- Là khổ, bạch Thế Tôn.
-- Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, có hợp lý chăng khi quán
cái ấy là: "Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của
tôi"?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
17) -- Do vậy, này các Tỷ-kheo, phàm sắc gì quá khứ, vị lai, hiện
tại, thuộc nội hay ngoại, thô hay tế, liệt hay thắng, xa hay gần; tất cả
sắc cần phải như thật quán với chánh trí tuệ như sau: "Cái này không
phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của
tôi".
18) Phàm thọ gì...
19) Phàm tưởng gì...
20) Phàm các hành gì...
21) Phàm thức gì quá khứ, vị lai, hiện tại, thuộc nội hay ngoại, thô
hay tế, liệt hay thắng, xa hay gần; tất cả thức cần phải như thật quán
với chánh trí tuệ như sau: "Cái này không phải của tôi, cái này không
phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi".
22) Thấy vậy, này các Tỷ-kheo, bậc Ða văn Thánh đệ tử yếm ly đối với
sắc, yếm ly đối với thọ, yếm ly đối với tưởng, yếm y đối với các hành,
yếm ly đối với thức. Do yếm ly, vị ấy ly tham. Do ly tham, vị ấy giải
thoát. Trong sự giải thoát, trí khởi lên: "Ta đã được giải thoát". Vị ấy
biết rõ: "Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm,
không còn trở lui trạng thái này nữa".
23) Thế Tôn thuyết như vậy. Nhóm năm vị Tỷ-kheo hoan hỷ, tín thọ lời
Thế Tôn dạy. Trong khi lời dạy này được nói lên, tâm của nhóm năm vị
Tỷ-kheo được giải thoát khỏi các lậu hoặc, không có chấp thủ.
VIII. Mahàli (Tạp 3,32, Phú-Lâu-Na, Ðại 2,20b)(Siii,68)
1) Như vầy tôi nghe.
Một thời Thế Tôn trú ở Vesàli, trong rừng Ðại Lâm, tại Trùng Các đại
giảng đường.
2) Rồi Mahàli, người Licchavi, đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ
Thế Tôn, rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Mahàli, người
Licchavi, bạch Thế Tôn:
3) -- Puràna Kassapa (Phú-lan-na Ca-diếp), bạch Thế Tôn, thuyết như
sau: "Không nhân, không duyên là sự nhiễm ô của chúng sanh. Không nhân,
không duyên, chúng sanh bị nhiễm ô. Không nhân, không duyên là sự thanh
tịnh của chúng sanh. Không nhân, không duyên, chúng sanh được thanh
tịnh". Ở đây, bạch Thế Tôn, Thế Tôn thuyết như thế nào?
4) -- Này Mahàli, có nhân, có duyên là sự nhiễm ô của chúng sanh. Này
Mahàli, có nhân, có duyên, chúng sanh bị nhiễm ô. Này Mahàli, có nhân
có duyên là sự thanh tịnh của chúng sanh. Có nhân, có duyên, chúng sanh
được thanh tịnh.
5) -- Nhưng bạch Thế Tôn, do nhân gì, do duyên gì là sự nhiễm ô của
chúng sanh? Do có nhân gì, do có duyên gì chúng sanh bị nhiễm ô?
6) -- Này Mahàli, nếu sắc nhứt hướng khổ, rơi trên đau khổ, nhập cuộc
với khổ, không nhập cuộc với lạc, thời chúng sanh không tham đắm đối
với sắc. Và vì rằng, này Mahàli, sắc là lạc, rơi trên lạc, nhập cuộc với
lạc, không nhập cuộc với khổ, cho nên chúng sanh tham đắm đối với sắc.
Do tham đắm nên bị triền phược, do bị triền phược nên bị nhiễm ô. Này
Mahàli, đây là nhân, đây là duyên cho sự nhiễm ô chúng sanh. Do có nhân
như vậy, do có duyên như vậy, chúng sanh sẽ bị nhiễm ô.
7) Và này Mahàli, nếu thọ nhứt hướng khổ, rơi trên khổ, nhập cuộc với
khổ, không nhập cuộc với lạc, thời các chúng sanh không tham đắm đối
với thọ. Và vì rằng, này Mahàli, thọ là lạc, rơi trên lạc, nhập cuộc với
lạc, không nhập cuộc với khổ, cho nên chúng sanh tham đắm đối với thọ.
Do tham đắm nên bị triền phược, do bị triền phược nên bị nhiễm ô. Này
Mahàli, đây là nhân, đây là duyên cho sự nhiễm ô của chúng sanh. Do có
nhân như vậy, do có duyên như vậy, chúng sanh sẽ bị nhiễm ô.
8-9) Và này Mahàli, nếu tưởng nhứt hướng khổ... nếu các hành nhứt
hướng khổ...
10) Và này Mahàli, nếu thức nhứt hướng khổ, rơi trên khổ, nhập cuộc
với khổ, không nhập cuộc với lạc, thời chúng sanh không tham đắm đối với
thức. Vì rằng, này Mahàli, thức là lạc, rơi trên lạc, nhập cuộc với
lạc, không nhập cuộc với khổ, do vậy chúng sanh tham đắm đối với thức.
Do tham đắm nên bị triền phược, do bị triền phược nên bị nhiễm ô. Này
Mahali, đây là nhân, đây là duyên cho sự nhiễm ô của chúng sanh. Do có
nhân như vậy, do có duyên như vậy, chúng sanh sẽ bị nhiễm ô.
11) -- Bạch Thế Tôn, thế nào là nhân, thế nào là duyên cho sự thanh
tịnh của chúng sanh? Do có nhân như thế nào, có duyên như thế nào, chúng
sanh được thanh tịnh?
12) -- Này Mahàli, nếu sắc là nhứt hướng lạc, rơi trên lạc, nhập cuộc
với lạc, không nhập cuộc với khổ, thời chúng sanh không nhàm chán đối
với sắc. Và vì rằng, này Mahàli, sắc là khổ, rơi trên khổ, nhập cuộc với
khổ, không nhập cuộc với lạc, do vậy chúng sanh mới yếm ly đối với sắc.
Do yếm ly nên ly tham; do ly tham nên giải thoát. Này Mahàli, đây là
nhân, đây là duyên cho sự thanh tịnh của chúng sanh. Do có nhân như vậy,
do có duyên như vậy, chúng sanh được thanh tịnh.
13) Này Mahàli, nếu thọ là nhứt hướng lạc...
14) Này Mahàli, nếu tưởng là nhứt hướng lạc...
15) Này Mahàli, nếu các hành là nhứt hướng lạc...
16) Này Mahàli, nếu thức là nhứt hướng lạc, rơi trên lạc, nhập cuộc
với lạc, không nhập cuộc với khổ, thời chúng sanh không nhàm chán đối
với thức. Và vì rằng, này Mahàli, thức là khổ, rơi trên khổ, nhập cuộc
với khổ, không nhập cuộc với lạc, do vậy chúng sanh mới yếm ly đối với
thức. Do yếm ly nên ly tham, do ly tham nên giải thoát. Này Mahàli, đây
là nhân, đây là duyên cho sự thanh tịnh của chúng sanh. Do có nhân như
vậy, do có duyên như vậy, chúng sanh được thanh tịnh.
IX. Lửa Cháy (S.iii,58)
1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi...
3) -- Sắc, này các Tỷ-kheo, đang bốc cháy; thọ đang bốc cháy; tưởng
đang bốc cháy; hành đang bốc cháy; thức đang bốc cháy!
4) Thấy vậy, này các Tỷ-kheo, bậc Ða văn Thánh đệ tử nhàm chán đối
với sắc... đối với thọ... đối với tưởng... đối với các hành... nhàm chán
đối với thức. Do nhàm chán nên ly tham; do ly tham nên giải thoát.
Trong sự giải thoát, trí khởi lên: "Ta đã được giải thoát".
5) Vị ấy biết: "Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những việc nên làm
đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa".
X. Ngôn Lộ (S.iii,59)
1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi...
3) -- Này các Tỷ-kheo, có ba loại này, ngôn lộ, danh ngôn lộ, thi
thiết lộ, không có lẫn lộn, trước không lẫn lộn, nay không lẫn lộn,
tương lai không lẫn lộn, không bị các Sa-môn, Bà-la-môn có trí quở
trách. Thế nào là ba?
4) Này các Tỷ-kheo, phàm sắc gì đã qua, đã đoạn diệt, đã biến hoại;
sắc ấy được xác nhận là "đã có", được xưng danh là "đã có", được thi
thiết là "đã có". Sắc ấy không được xác nhận là "hiện có", không được
xác nhận là "sẽ có".
5) Phàm thọ gì đã qua, đã đoạn diệt, đã biến hoại; thọ ấy được xác
nhận là "đã có", được xưng danh là "đã có", được thi thiết là "đã có".
Thọ ấy không được xác nhận là "hiện có", không được xác nhận là "sẽ có".
6) Phàm tưởng gì đã qua...
7) Phàm các hành gì đã qua...
8) Phàm thức gì đã qua, đã đoạn diệt, đã biến hoại; thức ấy được xác
nhận là "đã có", được xưng danh là "đã có", được thi thiết là "đã có".
Thức ấy không được xác nhận là "hiện có", không được xác nhận là "sẽ
có".
9) Phàm sắc gì chưa sanh, chưa hiện hữu; sắc ấy được xác nhận là "sẽ
có", được xưng danh là "sẽ có", được thi thiết là "sẽ có". Sắc ấy không
được xác nhận là "hiện có", không được xác nhận là "đã có".
10) Phàm thọ gì chưa sanh, chưa hiện hữu; thọ ấy được xác nhận là "sẽ
có", được xưng danh là "sẽ có", được thi thiết là "sẽ có". Thọ ấy không
được xác nhận là "hiện có", thọ ấy không được xác nhận là "đã có".
11) Phàm tưởng gì...
12) Phàm các hành gì...
13) Phàm thức gì chưa sanh, chưa hiện hữu; thức ấy được xác nhận là
"sẽ có", được xưng danh là "sẽ có", được thi thiết là "sẽ có". Thức ấy
không được xác nhận là "hiện có", thức ấy không được xác nhận là "đã
có".
14) Này các Tỷ-kheo, phàm sắc gì đã sanh, đã hiện hữu; sắc ấy được
xác nhận là "hiện có", được xưng danh là "hiện có", được thi thiết là
"hiện có". Sắc ấy không được xác nhận là "đã có", không được xác nhận là
"sẽ có".
15) Phàm thọ gì đã sanh, đã hiện hữu; thọ ấy được xác nhận là "hiện
có", được xưng danh là "hiện có", được thi thiết là "hiện có". Thọ ấy
không được xác nhận là "đã có", không được xác nhận là "sẽ có".
16) Phàm tưởng gì...
17) Phàm các hành gì...
18) Phàm thức gì đã sanh, đã hiện hữu ; thức ấy được xác nhận là
"hiện có", được xưng danh là "hiện có", được thi thiết là "hiện có".
Thức ấy không được xác nhận là "đã có", thức ấy không được xác nhận là
"sẽ có".
19) Này các Tỷ-kheo, có ba loại này, ngôn lộ, danh ngôn lộ, thi thiết
lộ, không có lẫn lộn, trước không lẫn lộn, nay không lẫn lộn, tương lai
không lẫn lộn, không bị các Sa-môn, Bà-la-môn có trí quở trách.
20) Tuy vậy, dân chúng ở Ukkali, những vị thuyết pháp trong thời an
cư mùa mưa, các vị vô nhân luận giả, các vị vô tác luận giả, các vị vô
hữu luận giả, những vị ấy cũng không có nghĩ rằng ngôn lộ, danh ngôn lộ,
thi thiết lộ này không đáng quở trách, không đáng khinh miệt. Vì sao?
Vì rằng, họ sợ quở trách, công kích, phẫn nộ, chỉ trích.
II. Phẩm A-La-Hán
I. Chấp Trước (Tạp 1. Ðại 2,4b) (S.iii,73)
1) Như vầy tôi nghe.
Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthi (Xá-vệ), tại Jetavana (Kỳ-đà Lâm),
vườn ông Anàthapindika (Cấp Cô Ðộc).
2) Rồi một Tỷ-kheo đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi
ngồi xuống một bên.
3) Ngồi xuống một bên, Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:
-- Lành thay, bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy thuyết pháp tóm tắt cho con.
Sau khi nghe Thế Tôn thuyết pháp, con sẽ sống một mình, tịnh cư, không
phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần.
4) -- Ai chấp trước, này Tỷ-kheo, người ấy bị Ma trói buộc. Ai không
chấp trước, người ấy được giải thoát khỏi Ác ma.
-- Bạch Thế Tôn, con đã hiểu, bạch Thiện Thệ, con đã hiểu.
5) -- Như thế nào, này Tỷ-kheo, Ông hiểu một cách rộng rãi ý nghĩa
lời Ta nói một cách vắn tắt?
-- Ai chấp trước sắc, bạch Thế Tôn, người ấy bị Ma trói buộc. Ai
không chấp trước, người ấy được giải thoát khỏi Ác ma. Ai chấp trước
thọ, người ấy bị Ma trói buộc. Ai không chấp trước, người ấy được giải
thoát khỏi Ác ma. Ai chấp trước tưởng... Ai chấp trước các hành... Ai
chấp trước thức, người ấy bị Ma trói buộc. Ai không chấp trước, người ấy
được giải thoát khỏi Ác ma. Bạch Thế Tôn, lời nói vắn tắt này của Thế
Tôn, con hiểu ý nghĩa một cách rộng rãi như vậy.
6) -- Lành thay, lành thay, này Tỷ-kheo! Lành thay, này Tỷ-kheo! Như
vậy Ông hiểu một cách rộng rãi ý nghĩa lời nói vắn tắt này của Ta. Ai
chấp trước sắc, này Tỷ-kheo, người ấy bị Ma trói buộc. Ai không chấp
trước, người ấy được giải thoát khỏi Ác ma. Ai chấp trước thọ... Ai chấp
trước tưởng... Ai chấp trước các hành... Ai chấp trước thức, người ấy
bị Ma trói buộc. Ai không chấp trước, người ấy được giải thoát khỏi Ác
ma. Này Tỷ-kheo, lời nói vắn tắt này của Ta cần phải hiểu ý nghĩa một
cách rộng rãi như vậy.
7) Rồi Tỷ-kheo ấy, sau khi hoan hỷ, tín thọ lời Thế Tôn dạy, từ chỗ
ngồi đứng dậy, đảnh lễ Thế Tôn, thân bên hữu hướng về Ngài và ra đi.
8) Rồi Tỷ-kheo ấy sống một mình, tịnh cư, không phóng dật, nhiệt tâm,
tinh cần, không bao lâu, vì mục đích gì mà các thiện nam tử chơn chánh
xuất gia, từ bỏ gia đình sống không gia đình mong cầu chính là vô thượng
cứu cánh Phạm hạnh; vị ấy, ngay trong hiện tại, tự mình với thắng trí,
chứng ngộ, chứng đạt và an trú. Vị ấy chứng tri: "Sanh đã tận, Phạm hạnh
đã thành, những việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này
nữa". Tỷ-kheo ấy trở thành một vị A-la-hán nữa.
II. Suy Tưởng (S.iii,74)
1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi...
3) Rồi một Tỷ-kheo... bạch Thế Tôn:
-- Bạch Thế Tôn, lành thay, Thế Tôn hãy thuyết pháp tóm tắt cho
con... nhiệt tâm, tinh cần.
4) -- Ai suy tưởng, này Tỷ-kheo, người ấy bị Ma trói buộc. Ai không
suy tưởng, người ấy được giải thoát khỏi Ác ma.
-- Bạch Thế Tôn, con đã hiểu. Bạch Thiện Thệ, con đã hiểu.
5) -- Như thế nào, này Tỷ-kheo, Ông hiểu một cách rộng rãi ý nghĩa
lời Ta nói một cách vắn tắt:
6) -- Ai suy tưởng sắc, bạch Thế Tôn, người ấy bị Ma trói buộc. Ai
không suy tưởng, người ấy được giải thoát khỏi Ác ma. Ai suy tưởng
thọ... tưởng... hành... thức, người ấy bị Ma trói buộc. Ai không suy
tưởng, người ấy được giải thoát khỏi Ác ma. Bạch Thế Tôn, lời nói vắn
tắt này của Thế Tôn, con hiểu ý nghĩa một cách rộng rãi như vậy.
7) -- Lành thay, lành thay, này Tỷ-kheo! Lành thay, này Tỷ-kheo! Như
vậy Ông hiểu một cách rộng rãi ý nghĩa lời nói vắn tắt này của Ta. Này
Tỷ-kheo, ai suy tưởng sắc, người ấy bị Ma trói buộc. Ai không suy tưởng,
người ấy được giải thoát khỏi Ác ma. Ai suy tưởng thọ... tưởng... các
hành... Ai suy tưởng thức, người ấy bị Ma trói buộc. Ai không suy tưởng,
người ấy được giải thoát khỏi Ác ma. Này Tỷ-kheo, lời nói vắn tắt này
của Ta cần phải hiểu ý nghĩa một cách rộng rãi như vậy.
8-9) Rồi Tỷ-kheo ấy hoan hỷ, tín thọ lời Thế Tôn dạy... Vị Tỷ-kheo ấy
trở thành một vị A-la-hán nữa.
III. Hoan Hỷ (S.iii,75)
1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi...
3). .. Ngồi xuống một bên, Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:
-- Lành thay, bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy thuyết pháp tóm tắt cho
con... con sẽ sống một mình, tịnh cư, không phóng dật, nhiệt tâm, tinh
cần.
4) -- Ai hoan hỷ, này Tỷ-kheo, người ấy bị Ma trói buộc. Ai không
hoan hỷ, người ấy được giải thoát khỏi Ác ma.
-- Bạch Thế Tôn, con đã hiểu. Bạch Thiện Thệ, con đã hiểu.
5) -- Như thế nào, này Tỷ-kheo, Ông hiểu một cách rộng rãi ý nghĩa
lời Ta nói một cách vắn tắt?
6) -- Ai hoan hỷ sắc, bạch Thế Tôn, người ấy bị Ma trói buộc. Ai
không hoan hỷ, người ấy được giải thoát khỏi Ác ma. Ai hoan hỷ thọ...
tưởng... các hành... Ai hoan hỷ thức, người ấy bị Ma trói buộc. Ai không
hoan hỷ, người ấy được giải thoát khỏi Ác ma. Bạch Thế Tôn, lời nói vắn
tắt này của Thế Tôn con đã hiểu ý nghĩa một cách rộng rãi như vậy.
7) -- Lành thay, lành thay, này Tỷ-kheo! Lành thay, này Tỷ-kheo! Như
vậy Ông đã hiểu một cách rộng rãi ý nghĩa lời Ta nói một cách vắn tắt.
Ai hoan hỷ sắc, này Tỷ-kheo, người ấy bị Ma trói buộc. Ai không hoan hỷ,
người ấy được giải thoát khỏi Ác ma. Ai hoan hỷ thọ... tưởng... các
hành... Ai hoan hỷ thức, người ấy bị Ma trói buộc. Ai không hoan hỷ,
người ấy được giải thoát khỏi Ác ma. Này Tỷ-kheo, lời nói vắn tắt này
của Ta cần phải hiểu ý nghĩa một cách rộng rãi như vậy.
8-9) Rồi Tỷ-kheo ấy hoan hỷ, tín thọ lời Thế Tôn dạy... Vị Tỷ-kheo ấy
trở thành một vị A-la-hán nữa.
IV. Vô Thường (Tạp 1, Ðại 2,3b) (S.iii,76)
1-3) Nhân duyên ở Sàvatthi. Rồi một Tỷ-kheo... bạch Thế Tôn:
-- Lành thay, bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy thuyết pháp vắn tắt cho
con... con sẽ sống một mình, tịnh cư, không phóng dật, nhiệt tâm, tinh
cần...
4) -- Cái gì vô thường, này Tỷ-kheo, ở đây, Ông phải đoạn trừ lòng
dục.
-- Bạch Thế Tôn, con đã hiểu. Bạch Thiện Thệ, con đã hiểu.
5) -- Lời Ta nói một cách vắn tắt, này Tỷ-kheo, Ông đã hiểu ý nghĩa
một cách rộng rãi như thế nào?
6) -- Sắc là vô thường, bạch Thế Tôn, ở đây, con phải đoạn trừ lòng
dục. Thọ... Tưởng... Các hành... Thức là vô thường, ở đây, con phải đoạn
trừ lòng dục. Lời nói vắn tắt này của Thế Tôn, con đã hiểu ý nghĩa một
cách rộng rãi như vậy.
7) -- Lành thay, lành thay, này Tỷ-kheo! Lành thay, này Tỷ-kheo! Như
vậy lời Ta nói một cách vắn tắt, Ông đã hiểu ý nghĩa một cách rộng rãi.
Sắc là vô thường, này Tỷ-kheo, ở đây Ông cần phải đoạn trừ lòng dục. Thọ
là vô thường... Tưởng là vô thường... Các hành là vô thường... Thức là
vô thường, ở đây, Ông cần phải đoạn trừ lòng dục. Lời nói vắn tắt này
của Ta, này Tỷ-kheo, Ông cần phải hiểu ý nghĩa một cách rộng rãi như
vậy.
8-9) Rồi Tỷ-kheo ấy hoan hỷ, tín thọ lời Thế Tôn dạy... Tỷ-kheo ấy
trở thành một vị A-la-hán nữa.
V. Khổ (S.iii,77)
1-3) Nhân duyên ở Sàvatthi. Rồi một Tỷ-kheo... bạch Thế Tôn:
-- Lành thay, bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy thuyết pháp vắn tắt cho
con... con sẽ sống một mình, tịnh cư, không phóng dật, nhiệt tâm, tinh
cần.
4) -- Cái gì khổ, này các Tỷ-kheo, ở đây, Ông cần phải đoạn trừ lòng
dục.
-- Bạch Thế Tôn, con đã hiểu. Bạch Thiện Thệ, con đã hiểu.
5) -- Lời Ta nói một cách vắn tắt, này Tỷ-kheo, Ông đã hiểu ý nghĩa
một cách rộng rãi như thế nào?
6) -- Sắc là khổ, bạch Thế Tôn. Ở đây, con phải đoạn trừ lòng dục.
Thọ... Tưởng... Các hành... Thức là khổ, ở đây, con phải đoạn trừ lòng
dục. Bạch Thế Tôn, lời nói vắn tắt này của Thế Tôn, con đã hiểu ý nghĩa
một cách rộng rãi như vậy.
7) -- Lành thay, lành thay, này Tỷ-kheo! Lành thay, này Tỷ-kheo! Lời
Ta nói một cách vắn tắt, Ông đã hiểu ý nghĩa một cách rộng rãi. Sắc là
khổ, này Tỷ-kheo, ở đây, Ông cần phải đoạn trừ lòng dục... Thọ...
Tưởng... Các hành... Thức là khổ, ở đây, Ông cần phải đoạn trừ lòng dục.
Lời nói vắn tắt này của Ta, này Tỷ-kheo, Ông cần phải hiểu ý nghĩa một
cách rộng rãi như vậy.
8-9) Rồi Tỷ-kheo ấy hoan hỷ, tín thọ lời Thế Tôn dạy... Tỷ-kheo ấy
trở thành một vị A-la-hán nữa.
VI. Vô Ngã (Tạp 1, Ðại 2,3b) (S.iii,77)
1-3) Nhân duyên ở Sàvatthi. Rồi một Tỷ-kheo... bạch Thế Tôn:
-- Lành thay, bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy thuyết pháp vắn tắt cho
con... con sẽ sống một mình, tịnh cư, không phóng dật, nhiệt tâm, tinh
cần.
4) -- Cái gì vô ngã, này Tỷ-kheo, ở đây Ông cần phải đoạn trừ lòng
dục.
-- Bạch Thế Tôn, con đã hiểu. Bạch Thiện Thệ, con đã hiểu.
5) -- Lời Ta nói một cách vắn tắt, này Tỷ-kheo, Ông đã hiểu ý nghĩa
một cách rộng rãi như thế nào?
6) -- Sắc là vô ngã, bạch Thế Tôn, ở đây, con phải đoạn trừ lòng dục.
Thọ... Tưởng... Các hành... Thức là vô ngã, ở đây, con phải đoạn trừ
lòng dục. Bạch Thế Tôn, lời nói vắn tắt này của Thế Tôn, con đã hiểu ý
nghĩa một cách rộng rãi như vậy.
7) -- Lành thay, lành thay, này Tỷ-kheo! Lành thay, này Tỷ-kheo! Lời
Ta nói một cách vắn tắt, Ông đã hiểu ý nghĩa một cách rộng rãi. Sắc là
vô ngã, này Tỷ-kheo, ở đây, Ông cần phải đoạn trừ lòng dục. Thọ...
Tưởng... Các hành... Thức là vô ngã, này Tỷ-kheo, ở đây, Ông cần phải
đoạn trừ lòng dục. Lời nói vắn tắt này của Ta, Ông cần phải hiểu ý nghĩa
một cách rộng rãi như vậy.
8-9) Rồi Tỷ-kheo ấy hoan hỷ, tín thọ lời Thế Tôn dạy... Tỷ-kheo ấy
trở thành một vị A-la-hán nữa.
VII. Không Ðáng Thuộc Tự Ngã (Tạp 1, Ðại 2,3c) (S.iii,79)
1-3) Nhân duyên ở Sàvatthi... Ngồi xuống một bên, Tỷ-kheo ấy bạch Thế
Tôn:
-- Lành thay, bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy thuyết pháp vắn tắt cho
con....
4) -- Cái gì không đáng thuộc tự ngã, ở đây, Ông cần phải đoạn trừ
lòng dục.
-- Con đã hiểu, bạch Thế Tôn! Con đã hiểu, bạch Thiện Thệ.
5) -- Lời Ta nói một cách vắn tắt, này Tỷ-kheo, Ông đã hiểu ý nghĩa
một cách rộng rãi như thế nào?
6) -- Sắc không đáng thuộc tự ngã, bạch Thế Tôn, ở đây, con cần phải
đoạn trừ lòng dục. Thọ... Tưởng... Các hành... Thức không đáng thuộc tự
ngã, ở đây, con cần phải từ bỏ lòng dục. Bạch Thế Tôn, lời dạy vắn tắt
này của Thế Tôn, con hiểu ý nghĩa một cách rộng rãi như vậy.
7) -- Lành thay, lành thay, này Tỷ-kheo! Lành thay, này Tỷ-kheo! Lời
nói vắn tắt này của Ta, Ông đã hiểu một cách rộng rãi. Sắc không đáng
thuộc tự ngã, này Tỷ-kheo, ở đây, Ông cần phải đoạn trừ lòng dục. Thọ..
Tưởng... Các hành...Thức không đáng thuộc tự ngã, ở đây, Ông cần phải
đoạn trừ lòng dục. Lời nói vắn tắt này của Ta, này Tỷ-kheo, Ông cần phải
hiểu ý nghĩa một cách rộng rãi như vậy.
8-9) Rồi Tỷ-kheo ấy hoan hỷ, tín thọ lời Thế Tôn dạy... Tỷ-kheo ấy
trở thành một vị A-la-hán nữa.
VIII. Chỉ Trú Cho Ô Nhiễm (Tạp 1, Ðại 2,4a) (S.iii,79)
1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi...
3) Ngồi xuống một bên, Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:
-- Lành thay, bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy thuyết pháp vắn tắt cho
con....
4) -- Cái gì làm chỗ chỉ trú cho sự ô nhiễm, này Tỷ-kheo, ở đây, Ông
cần phải đoạn trừ lòng dục.
-- Con đã hiểu, bạch Thế Tôn! Con đã hiểu bạch Thiện Thệ.
5) -- Lời Ta nói một cách vắn tắt, này Tỷ-kheo, Ông hiểu ý nghĩa một
cách rộng rãi như thế nào?
6) -- Sắc làm chỗ chỉ trú cho sự ô nhiễm, bạch Thế Tôn, ở đây con cần
phải đoạn trừ lòng dục. Thọ... Tưởng... Các hành... Thức làm chỗ chỉ
trú cho sự ô nhiễm, ở đây, con cần phải đoạn trừ lòng dục. Bạch Thế Tôn,
lời nói vắn tắt này của Thế Tôn, con hiểu ý nghĩa một cách rộng rãi như
vậy.
7) -- Lành thay, lành thay, này Tỷ-kheo! Lành thay, này Tỷ-kheo. Lời
Ta nói một cách vắn tắt, Ông đã hiểu ý nghĩa một cách rộng rãi. Sắc là
chỗ chỉ trú cho sự ô nhiễm, này Tỷ-kheo, ở đây, Ông cần phải đoạn trừ
lòng dục. Thọ... Tưởng.. Các hành... Thức là chỗ chỉ trú cho sự ô nhiễm,
này Tỷ-kheo, ở đây, Ông cần phải đoạn trừ lòng dục. Lời nói vắn tắt này
của Ta, này Tỷ-kheo, Ông cần phải hiểu ý nghĩa một cách rộng rãi như
vậy.
8-9) Rồi Tỷ-kheo ấy hoan hỷ, tín thọ lời Thế Tôn dạy... Tỷ-kheo ấy
trở thành một vị A-la-hán nữa!
IX. Ràdha (Tạp 6, Ðại 2,37c) (S.iii,79)
1) Nhân duyên ở Sàvatthi.
2-3) Rồi Tôn giả Ràdha đi đến Thế Tôn sau khi đến... bạch Thế Tôn:
-- Biết như thế nào, bạch Thế Tôn, thấy như thế nào đối với thân thể
có thức này, và đối với tất cả tướng ở ngoài, không có tư tưởng: "Ngã
kiến, ngã sở kiến, ngã mạn tùy miên"?
4) -- Này Ràdha, phàm có sắc gì quá khứ, vị lai, hiện tại, thuộc nội
hay ngoại, thô hay tế, liệt hay thắng, xa hay gần; tất cả sắc cần được
thấy như thật với chánh trí tuệ là: "Cái này không phải của tôi, cái này
không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi".
5) Phàm có thọ...
6) Phàm có tưởng...
7) Phàm có các hành...
8) Phàm có thức gì quá khứ, vị lai, hiện tại, thuộc nội hay ngoại,
thô hay tế, liệt hay thắng, xa hay gần; tất cả thức cần được thấy như
thật với chánh trí tuệ là: "Cái này không phải của tôi, cái này không
phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi".
9) Này Ràdha, do biết vậy, do thấy vậy, đối với thân có thức này, và
đối với tất cả tướng ở ngoài, không có tư tưởng: "Ngã kiến, ngã sở kiến,
ngã mạn tùy miên".
10). .. Tôn giả Ràdha trở thành một vị A-la-hán nữa.
X. Suràdha (S.iii,80)
1) Nhân duyên ở Sàvatthi.
2-3). .. Rồi Tôn giả Suràdha bạch Thế Tôn:
-- Biết như thế nào, bạch Thế Tôn, thấy như thế nào đối với thân thể
có thức này, và đối với tất cả tướng ở ngoài, không có tư tưởng: "Ngã
kiến, ngã sở kiến, ngã mạn", vượt ngoài mọi phân biệt, thuần tịnh, khéo
giải thoát?
4) -- Này Suràdha, phàm sắc gì quá khứ, vị lai, hiện tại... xa hay
gần; sau khi thấy với chánh trí tuệ như thật tất cả các sắc là: "Cái này
không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự
ngã của tôi", (vị ấy) được giải thoát, không có chấp thủ.
5-7) Phàm có thọ gì... có tưởng gì... có hành gì...
8) Phàm có thức gì quá khứ, vị lai, hiện tại, thuộc nội hay ngoại,
thô hay tế, liệt hay thắng, xa hay gần; sau khi như thật thấy với chánh
trí tuệ tất cả các thức là: "Cái này không phải của tôi, cái này không
phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi", (vị ấy) được giải
thoát, không có chấp thủ.
9) Này Suràdha, do biết vậy, do thấy vậy, đối với thân có thức này,
và đối với tất cả tướng ở ngoài, không có tư tưởng: "Ngã kiến, ngã sở
kiến, ngã mạn", vượt ngoài mọi phân biệt, thuần tịnh, khéo giải thoát.
10) Rồi Tôn giả Suràdha... trở thành một vị A-la-hán nữa.
III. Phẩm Những Gì Ðược Ăn
I. Vị Ngọt (S.iii,81)
1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi...
3) -- Này các Tỷ-kheo, kẻ vô văn phàm phu không như thật biết rõ vị
ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của sắc.
4-6) ... của thọ... của tưởng... của các hành.
7) Không như thật biết rõ vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của
thức.
8-12) Và này các Tỷ-kheo, bậc Ða văn Thánh đệ tử như thật biết rõ vị
ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của sắc... của thọ... của tưởng... của
các hành... của thức.
II. Tập Khởi (S.iii,82)
1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi...
3) -- Này các Tỷ-kheo, kẻ vô văn phàm phu không như thật biết rõ sự
tập khởi, sự đoạn diệt, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của sắc.
4-6) ... của thọ... của tưởng... của các hành...
7) Không như thật biết rõ sự tập khởi, sự đoạn diệt, vị ngọt, sự nguy
hiểm và sự xuất ly của thức.
8) Này các Tỷ-kheo, bậc Ða văn Thánh đệ tử như thật biết rõ sự tập
khởi, sự đoạn diệt, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của sắc.
9-11) ... của thọ... của tưởng... của các hành...
12) ... như thật biết rõ sự tập khởi, sự đoạn diệt, vị ngọt, sự nguy
hiểm và sự xuất ly của thức.
III. Tập Khởi (S.iii,82)
1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi...
3) -- Này các Tỷ-kheo, bậc Ða văn Thánh đệ tử như thật biết rõ sự tập
khởi, sự đoạn diệt, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của sắc.
4-6) ... của thọ... của tưởng... của các hành...
7) ... như thật biết rõ sự tập khởi, sự đoạn diệt, vị ngọt, sự nguy
hiểm và sự xuất ly của thức.
IV. Các Vị A-La-Hán (S.iii,83)
1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi...
3) -- Này các Tỷ-kheo, sắc là vô thường. Cái gì vô thường là khổ. Cái
gì khổ là vô ngã. Cái gì vô ngã cần phải như thật thấy với chánh trí
tuệ là: "Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này
không phải tự ngã của tôi".
4-6) ... thọ... tưởng... các hành là vô thường...
7) Này các Tỷ-kheo, thức là vô thường. Cái gì vô thường là khổ. Cái
gì khổ là vô ngã. Cái gì vô ngã cần phải như thật thấy với chánh trí tuệ
là: "Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này
không phải tự ngã của tôi".
8) Này các Tỷ-kheo, do thấy vậy, bậc Ða văn Thánh đệ tử nhàm chán đối
với sắc... đối với thọ... đối với tưởng... đối với các hành. .. đối với
thức.
9) Do nhàm chán nên ly tham. Do ly tham, nên được giải thoát. Trong
sự giải thoát, trí khởi lên: "Ta đã được giải thoát". Vị ấy biết rõ:
"Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những việc gì nên làm đã làm, không
còn trở lui trạng thái này nữa".
10) Này các Tỷ-kheo, cho đến hữu tình cư (Sattavasa), cho đến tột
đảnh của hữu (Bhavaggam), những bậc ấy là tối thượng, những bậc ấy là
tối thắng ở trong đời, tức là các bậc A-la-hán.
11) Thế Tôn thuyết như vậy. Bậc Thiện Thệ nói như vậy xong, bậc Ðạo
Sư lại nói thêm:
1) An lạc, bậc La-hán,
Họ không có khát ái,
Ngã mạn khéo chặt đứt;
Lưới si bị phá rách.
2) Họ đạt được bất động,
Tâm viễn ly ô trược,
Không nhiễm trước thế gian,
Bậc Phạm thiên vô lậu.
3) Họ biến tri năm uẩn.
Do hành bảy Chánh pháp.
Bậc Chân nhân tán thán,
Con đích tôn chư Phật.
4) Ðầy đủ bảy món báu,
Ba học đều thành tựu,
Bậc đại hùng du hành,
Ðoạn tận mọi sợ hãi.
5) Ðầy đủ mười uy lực,
Bậc Long tượng Thiền định.
Họ tối thắng ở đời,
Khát ái được đoạn tận.
6) Thành tựu vô học trí,
Thân này thân tối hậu,
Cứu cánh của Phạm hạnh,
Ðạt được không nhờ ai.
7) Ðối các tưởng, không động,
Giải thoát khỏi tái sanh,
Ðạt được điều phục địa,
Họ chiến thắng ở đời.
8) Thượng, hạ cùng tả, hữu.
Họ không có hỷ lạc,
Họ rống sư tử rống,
Phật vô thượng ở đời!
V. Các Vị A-La-Hán (S.iii,84)
1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi...
3) -- Sắc, này các Tỷ-kheo, là vô thường. Cái gì vô thường là khổ.
Cái gì khổ là vô ngã. Cái gì vô ngã cần phải như thật thấy với chánh trí
tuệ là: "Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này
không phải tự ngã của tôi".
4-7) Thọ... Tưởng... Các hành... Thức là vô thường...
8) Này các Tỷ-kheo, do thấy vậy, bậc Ða văn Thánh đệ tử nhàm chán đối
với sắc... đối với thọ... đối với tưởng... đối với các hành... đối với
thức.
9) Do nhàm chán nên ly tham. Do ly tham nên được giải thoát. Trong sự
giải thoát, trí khởi lên: "Ta đã được giải thoát". Vị ấy biết rõ: "Sanh
đã tận, Phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm, không còn trở
lui trạng thái này nữa".
10) Này các Tỷ-kheo, cho đến hữu tình cư, cho đến tột đảnh của hữu,
những bậc ấy là tối thượng, những bậc ấy là tối thắng ở trong đời, tức
là các bậc A-la-hán.
VI. Sư Tử (S.iii,85)
1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi...
3) -- Này các Tỷ-kheo, con sư tử, vua các loài thú, vào buổi chiều,
đi ra khỏi hang. Sau khi ra khỏi hang, nó duỗi thân mình và chân. Sau
khi duỗi thân mình và chân, nó nhìn xung quanh bốn phương. Sau khi nhìn
xung quanh bốn phương, nó rống lên tiếng rống sư tử ba lần. Sau khi rống
tiếng rống sư tử ba lần, nó đi tìm mồi. Này các Tỷ-kheo, các loài thú
thuộc loại bàng sanh, nghe tiếng rống của con sư tử, vua các loài thú,
phần lớn chúng trở thành sợ hãi, run sợ, khiếp đảm. Các loài ở hang tìm
vào hang. Các loài ở nước tìm xuống nước. Các loài ở rừng tìm vào rừng.
Các loài chim bay lên hư không.
5) Này các Tỷ-kheo, các loài voi chúa ở tại làng, thị trấn hay thành
phố, bị trói bởi các cây đa cứng chắc, bứt đứt, giật đứt những sợi dây
ấy, khiếp đảm cuồng chạy, tung cả phân và nước tiểu.
6) Như vậy, này các Tỷ-kheo, là đại thần thông lực của con sư tử, vua
các loài thú; đối với loài bàng sanh, như vậy là đại thế lực, như vậy
là đại uy lực.
7) Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, khi Như Lai xuất hiện ở đời, bậc ứng
Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Tuệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng
Sĩ, Ðiều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhơn Sư, Phật, Thế Tôn. Vị ấy thuyết
pháp: Ðây là sắc. Ðây là sắc tập khởi. Ðây là sắc đoạn diệt. Ðây là con
đường đưa đến sắc đoạn diệt. Ðây là thọ... Ðây là tưởng... Ðây là các
hành... Ðây là thức. Ðây là thức tập khởi. Ðây là thức đoạn diệt. Ðây là
con đường đưa đến thức đoạn diệt.
8) Này các Tỷ-kheo, có những chư Thiên nào, tuổi thọ dài, có mỹ sắc,
hưởng lạc nhiều, đã sống lâu trong các lâu đài to lớn. Các chư Thiên
này, sau khi nghe Như Lai thuyết pháp, phần lớn họ trở thành sợ hãi, run
sợ, khiếp đảm. Họ nghĩ: "Chúng ta là vô thường, này chư Tôn giả, nhưng
chúng ta nghĩ là chúng ta thường còn. Chúng ta là không thường hằng, này
chư Tôn giả, nhưng chúng ta nghĩ là chúng ta thường hằng. Chúng ta
không thường trú, này chư Tôn giả, nhưng chúng ta nghĩ là chúng ta
thường trú. Này chư Tôn giả, chúng ta là vô thường, không thường hằng,
không thường trú, bị thâu nhiếp trong một thân này".
9) Như vậy, này các Tỷ-kheo, là đại thần thông lực của Như Lai đối
với chư Thiên và thế giới chư Thiên, như vậy là đại thế lực, như vậy là
đại uy lực.
10) Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Thuyết giảng như vậy xong, bậc Ðạo
Sư lại nói thêm:
1) Khi Phật với thượng trí,
Chuyển bánh xe Chánh pháp,
Cho Thiên giới, Nhân giới,
Bậc Ðạo Sư vô tỷ.
2) Sự đoạn diệt tự thân,
Sự hiện hữu tự thân,
Và đường Thánh Tám ngành
Ðưa đến khổ diệt tận,
3) Chư Thiên được trường thọ,
Có mỹ sắc danh xưng,
Sanh khiếp đảm, sợ hãi,
Như thú thấy sư tử.
4) Vì chưa thoát tự thân,
"Chúng ta là vô thường",
Nghe lời bậc ứng Cúng,
Ðã giải thoát như vậy.
VII. Ðáng Ðược Ăn (Tạp 2, Ðại 2,11) (S.iii,86)
1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi...
3) -- Này các Tỷ-kheo, những Sa-môn hay Bà-la-môn nào có nhớ đến các
đời sống ở các kiếp trước, tất cả họ đều nhớ đến năm thủ uẩn hay nhớ đến
một trong những uẩn này.
4) Thế nào là năm? Này các Tỷ-kheo, có người nhớ rằng: "Trong quá
khứ, thân ta như thế này". Nhớ như vậy, vị ấy nhớ đến sắc. Hay có người
nhớ rằng: "Trong quá khứ, ta có cảm thọ như thế này". Nhớ như vậy, vị ấy
nhớ đến thọ. Hay có người nhớ rằng: "Trong quá khứ ta có tưởng... có
các hành... có thức như thế này". Nhớ như vậy, vị ấy nhớ đến thức.
5) Này các Tỷ-kheo, thế nào gọi là sắc? Bị thay đổi, này các Tỷ-kheo,
nên gọi là sắc. Bị thay đổi bởi cái gì? Bị thay đổi bởi lạnh, bị thay
đổi bởi nóng, bị thay đổi bởi đói, bị thay đổi bởi khát, bị thay đổi bởi
sự xúc chạm của ruồi, muỗi, gió, sức nóng và rắn. Bị thay đổi, này các
Tỷ-kheo, nên gọi là sắc.
6) Này các Tỷ-kheo, thế nào gọi là thọ? Ðược cảm thọ, này các
Tỷ-kheo, nên gọi là thọ. Cảm thọ gì? Cảm thọ lạc, cảm thọ khổ, cảm thọ
phi khổ phi lạc. Ðược cảm thọ, này các Tỷ-kheo, nên gọi là thọ.
7) Này các Tỷ-kheo, thế nào gọi là tưởng? Nhận rõ, này các Tỷ-kheo,
nên gọi là tưởng. Nhận rõ gì? Nhận rõ màu xanh, nhận rõ màu vàng, nhận
rõ màu đỏ, nhận rõ màu trắng. Nhận rõ, này các Tỷ-kheo, nên gọi là
tưởng.
8) Này các Tỷ-kheo, thế nào gọi là hành? Làm cho hiện hành (pháp) hữu
vi nên gọi là hành. Làm cho hiện hành (pháp) hữu vi gì? Làm cho hiện
hành sắc với sắc tánh, làm cho hiện hành thọ với thọ tánh, làm cho hiện
hành tưởng với tưởng tánh, làm cho hiện hành các hành với hành tánh, làm
cho hiện hành thức với thức tánh. Làm cho hiện hành (pháp) hữu vi, này
các Tỷ-kheo, nên gọi là các hành.
9) Và này các Tỷ-kheo, thế nào gọi là thức? Rõ biết, này các Tỷ-kheo,
nên gọi là thức. Rõ biết gì? Rõ biết chua, rõ biết đắng, rõ biết cay,
rõ biết ngọt, rõ biết chất kiềm... rõ biết không phải chất kiềm, rõ biết
mặn, rõ biết không mặn. Rõ biết, này các Tỷ-kheo, nên gọi là thức.
10) Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Ða văn Thánh đệ tử suy nghĩ như sau:
"Nay ta bị sắc chinh phục. Trong thời quá khứ, ta cũng bị sắc chinh
phục, như ta bị sắc hiện tại chinh phục. Nếu ta hoan hỷ đối với sắc vị
lai, thời trong vị lai, ta sẽ bị sắc chinh phục, như nay ta bị sắc hiện
tại chinh phục". Do suy nghĩ như vậy, vị ấy không có luyến tiếc đối với
sắc quá khứ, không có hoan hỷ đối với sắc vị lai, và thực hành sự yếm
ly, ly tham, đoạn diệt đối với sắc hiện tại.
12) "Ta nay bị thọ chinh phục. Trong thời quá khứ, ta cũng bị thọ
chinh phục như vậy, như nay ta bị thọ hiện tại chinh phục. Nếu ta hoan
hỷ đối với thọ vị lai, thời trong thời vị lai, ta sẽ bị thọ chinh phục,
như nay ta bị thọ hiện tại chinh phục". Do suy nghĩ như vậy, vị ấy không
luyến tiếc đối với thọ quá khứ, không có hoan hỷ đối với thọ vị lai, và
thực hành sự yếm ly, ly tham, đoạn diệt đối với thọ hiện tại.
13) "Ta nay bị tưởng chinh phục...".
14) "Ta nay bị các hành chinh phục...".
15) "Ta nay bị thức chinh phục. Trong thời quá khứ, ta cũng bị thức
chinh phục như vậy, như nay ta bị thức hiện tại chinh phục. Nếu ta hoan
hỷ đối với thức vị lai, thời trong thời vị lai, ta sẽ bị thức chinh
phục, như nay ta bị thức hiện tại chinh phục". Do suy nghĩ như vậy, vị
ấy không có luyến tiếc đối với thức quá khứ, không có hoan hỷ đối với
thức tương lai, và thực hành sự yếm ly, ly tham, đoạn diệt đối với thức
hiện tại.
16) Này các Tỷ-kheo, các Ông nghĩ thế nào, sắc là thường hay vô
thường?
-- Là vô thường, bạch Thế Tôn.
-- Cái gì vô thường là khổ hay lạc?
-- Là khổ, bạch Thế Tôn.
-- Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, có hợp lý chăng khi quán
cái ấy là: "Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của
tôi"?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
17-19) -- Thọ... Tưởng... Các hành...
20) Thức là thường hay vô thường?
-- Vô thường, bạch Thế Tôn.
-- Cái gì vô thường là khổ hay lạc?
-- Là khổ, bạch Thế Tôn.
-- Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, có hợp lý chăng khi quán
cái ấy là: "Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của
tôi"?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
21) -- Do vậy, này các Tỷ-kheo, đối với sắc quá khứ, vị lai, hiện
tại, thuộc nội hay ngoại, thô hay tế, liệt hay thắng... xa hay gần; tất
cả sắc cần phải như thật quán với chánh trí tuệ là: "Cái này không phải
của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi".
22) Ðối với thọ...
23) Ðối với tưởng...
24) Ðối với các hành..
25) Ðối với thức quá khứ, vị lai, hiện tại, thuộc nội hay ngoại, thô
hay tế, liệt hay thắng, xa hay gần; tất cả thức đều phải như thật quán
với chánh trí tuệ là: "Cái này không phải của tôi, cái này không phải là
tôi, cái này không phải tự ngã của tôi".
26) Này các Tỷ-kheo, đây gọi là vị Thánh đệ tử giảm thiểu, không tăng
trưởng, từ bỏ, không chấp thủ, xa lánh, không thân cận, phân tán, không
huân tập.
27) Giảm thiểu, không tăng trưởng cái gì? Giảm thiểu, không tăng
trưởng sắc..., giảm thiểu, không tăng trưởng thọ...tưởng...các
hành...giảm thiểu, không tăng trưởng thức.
28) Từ bỏ, không chấp thủ cái gì? Từ bỏ, không chấp thủ sắc...thọ...
tưởng... các hành... từ bỏ, không chấp thủ thức.
29) Xa lánh, không thân cận cái gì? Xa lánh, không thân cận sắc...
thọ... tưởng... các hành... xa lánh, không thân cận thức.
30) Phân tán, không huân tập cái g? Phân tán, không huân tập sắc...
thọ... tưởng... các hành... phân tán, không huân tập thức.
31) Thấy vậy, bậc Thánh đệ tử nhàm chán đối với sắc... đối với thọ...
đối với tưởng... đối với các hành... nhàm chán đối với thức. Do nhàm
chán, vị ấy ly tham. Do ly tham, vị ấy giải thoát. Trong sự giải thoát,
trí khởi lên: "Ta đã được giải thoát". Vị ấy biết rõ: "Sanh đã tận, Phạm
hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái
này nữa".
32) Này các Tỷ-kheo, đây gọi là vị Tỷ-kheo không tăng trưởng, không
giảm thiểu. Sau khi giảm thiểu, vị ấy trú, không từ bỏ, không chấp thủ;
sau khi từ bỏ, vị ấy trú, không xa lánh, không thân cận; sau khi xa
lánh, vị ấy trú, không phân tán, không huân tập.
33) Sau khi phân tán, vị ấy trú, không tăng trưởng, không giảm thiểu
cái gì? Sau khi giảm thiểu, vị ấy trú, không tăng trưởng, không giảm
thiểu sắc. Sau khi giảm thiểu, vị ấy trú, không tăng trưởng, không giảm
thiểu thọ... tưởng... các hành... không tăng trưởng, không giảm thiểu
thức.
34) Sau khi giảm thiểu, vị ấy trú, không từ bỏ, không chấp thủ cái
gì? Sau khi từ bỏ, vị ấy trú, không từ bỏ, không chấp thủ sắc; sau khi
từ bỏ, vị ấy trú, không từ bỏ, không chấp thủ thọ... tưởng... các
hành... không từ bỏ, không chấp thủ thức.
35) Sau khi từ bỏ, vị ấy trú, không xa lánh, không thân cận cái gì?
Sau khi xa lánh, vị ấy trú, không xa lánh, không thân cận sắc; sau khi
xa lánh, vị ấy trú, không xa lánh, không thân cận thọ... tưởng... các
hành... không phân tán, không huân tập thức.
36) Sau khi xa lánh, vị ấy trú, không phân tán, không huân tập cái
gì? Sau khi phân tán, vị ấy trú, không phân tán, không huân tập sắc; sau
khi phân tán, vị ấy trú, không phân tán, không huân tập
thọ...tưởng...các hành...không phân tán, không huân tập thức.
37) Sau khi phân tán, vị ấy trú, với tâm giải thoát như vậy. Này các
Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo ấy được chư Thiên với Thiên chủ, Phạm thiên chúng
với Phạm thiên đảnh lễ, dầu cho ở xa:
38)
Ôi, ta đảnh lễ Ông,
Bậc người như lương mã!
Ôi, ta đảnh lễ Ông,
Là bậc tối thắng nhân!
Ta không có chấp trước,
Ðối tượng Ông Thiền tư!
VIII. Người Khất Thực (Tạp 10, Ðại 2,71c) (Trung 34, Ðại
1,647a) (S.iii,91)
1) Một thời Thế Tôn trú ở giữa dân chúng Sakka, tại Kapilavatthu
(Ca-tỳ-la-vệ), ở vườn Cây Bàng (Nigrodhàràma)
2) Rồi Thế Tôn nhân một lỗi lầm, sau khi quở trách chúng Tỷ-kheo
Tăng, đắp y vào buổi sáng, cầm y bát, đi vào thành Kapilavatthu để khất
thực.
3) Ði khất thực ở Kapilavatthu xong, sau buổi ăn, trên con đường đi
khất thực trở về, Thế Tôn đi đến Mahàvana (Ðại Lâm) để nghỉ buổi trưa.
Sau khi đi sâu vào rừng Mahàvana, Ngài ngồi nghỉ trưa dưới một gốc cây
veluvalatthikà.
4) Trong khi Thế Tôn độc cư Thiền tịnh, tư tưởng như sau được khởi
lên:
5) "Chúng Tỷ-kheo đã được Ta làm cho vững mạnh. Nhưng ở đây có một số
tân Tỷ-kheo, xuất gia không bao lâu, mới đến trong Pháp và Luật này.
Nếu họ không thấy Ta, họ có thể đổi khác, biến đổi. Như con bê, nếu
không thấy bò mẹ, có thể thay đổi, đổi khác.
6) Cũng vậy, ở đây có một số tân Tỷ-kheo, xuất gia không bao lâu, mới
đến trong Pháp và Luật này. Nếu họ không thấy Ta, họ có thể đổi khác,
biến đổi. Ví như những hột giống non, nếu không có nước có thể đổi khác,
biến đổi.
7) Cũng vậy, ở đây có một số tân Tỷ-kheo, xuất gia không được bao
lâu, mới đến trong Pháp và Luật này. Nếu họ không thấy Ta, họ có thể đổi
khác, biến đổi. Như trước đây chúng Tỷ-kheo đã được Ta giúp đỡ, cũng
vậy, nay Ta hãy giúp đỡ cho chúng Tỷ-kheo!"
8) Rồi Phạm thiên Sahampati, với tâm của mình biết được tư niệm của
Thế Tôn, như một người lực sĩ duỗi cánh tay đang co lại hay co lại cánh
tay duỗi ra, cũng vậy, biến mất từ Phạm thiên giới, hiện ra trước mặt
Thế Tôn.
9) Rồi Phạm thiên Sahampati, đắp thượng y vào một bên vai, chắp tay
hướng đến Thế Tôn, và bạch Thế Tôn:
-- Như vậy là phải, bạch Thế Tôn! Như vậy là phải, bạch Thiện Thệ!
Bạch Thế Tôn, chúng Tỷ-kheo đã được Thế Tôn làm cho vững mạnh.
10) Nhưng ở đây có một số tân Tỷ-kheo, xuất gia không bao lâu, mới
đến trong Pháp và Luật này. Nếu họ không thấy Thế Tôn, họ có thể đổi
khác, biến đổi. Như con bê, nếu không thấy bò mẹ có thể đổi khác, biến
đổi.
11) Cũng vậy, ở đây có một số tân Tỷ-kheo, xuất gia không bao lâu,
mới đến trong Pháp và Luật này. Nếu họ không thấy Thế Tôn, họ có thể đổi
khác, biến đổi. Ví như những hạt giống non, nếu không có nước, có thể
đổi khác, biến đổi.
12) Cũng vậy, ở đây có một số tân Tỷ-kheo, xuất gia không bao lâu,
mới đến trong Pháp và Luật này. Nếu họ không thấy Thế Tôn, họ có thể đổi
khác, biến đổi.
13) Bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy làm cho chúng Tỷ-kheo hoan hỷ. Bạch Thế
Tôn, Thế Tôn hãy thuyết giảng cho chúng Tỷ-kheo như trước đây chúng
Tỷ-kheo đã được Thế Tôn giúp đỡ, cũng vậy, nay Thế Tôn hãy giúp đỡ cho
chúng Tỷ-kheo!
14) Thế Tôn im lặng nhận lời.
15) Rồi Phạm thiên Sahampati, sau khi biết Thế Tôn đã nhận lời, đảnh
lễ Thế Tôn, thân bên hữu hướng về Ngài rồi biến mất tại chỗ.
16) Rồi Thế Tôn, vào buổi chiều từ chỗ tịnh cư đứng dậy, đi đến vườn
Cây Bàng, sau khi đến, ngồi xuống trên chỗ ngồi đã soạn sẵn. Sau khi
ngồi, Thế Tôn nghĩ rằng: "Ta hãy thị hiện thần thông một cách khiến cho
các vị Tỷ-kheo ấy đến Ta từng nhóm một hay hai người, với tâm có tội
lỗi".
17) Và các Tỷ-kheo ấy đến Thế Tôn, từng nhóm một hay hai người, với
tâm có tội lỗi; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên.
18) Thế Tôn nói với các Tỷ-kheo đang ngồi một bên:
-- Này các Tỷ-kheo, đây là nghề sinh sống hèn hạ nhất, tức là nghề
khất thực. Ðây là một lời nguyền rủa trong đời, này các Tỷ-kheo, khi
nói: "Ông, kẻ khất thực với bát trên bàn tay, Ông đi chỗ này, chỗ kia và
đấy là nghề sinh sống". Này các Tỷ-kheo, điều mà các thiện gia nam tử
chấp nhận là những vị sống vì lý tưởng mục đích, duyên với lý tưởng mục
đích; không phải vì ma cưỡng ép, không phải vì trộm cướp cưỡng ép, không
phải vì thiếu nợ, không phải vì sợ hãi, không phải vì không có nguồn
sinh sống, mà với ý nghĩ: "Ta bị chìm đắm trong sanh, già chết, sầu, bi,
khổ, ưu, não; bị chìm đắm trong đau khổ, bị đoanh vây bởi đau khổ. Rất
có thể, sự chấm dứt toàn bộ khổ uẩn này được tìm ra".
19) Và như vậy, này các Tỷ-kheo, là thiện gia nam tử xuất gia. Vị ấy
có tham dục đối với các dục vọng, tham ái cuồng nhiệt, tâm tư sân hận,
tư niệm ô nhiễm, thất niệm, không tỉnh giác, không định tĩnh, tâm tán
loạn, các căn không chế ngự. Ví như, này các Tỷ-kheo, một que củi từ chỗ
hỏa táng, cả hai đầu đều cháy, ở giữa lại dính phân, không được dùng
làm củi trong làng, không được dùng làm củi trong rừng. Dùng ví dụ ấy,
Ta tả cho các Ông con người ấy, đã mất cả nhà và tài sản, lại không làm
viên mãn mục đích của Sa-môn hạnh.
20) Này các Tỷ-kheo, có ba bất thiện tầm này: dục tầm, sân tầm, hại
tầm. Và này các Tỷ-kheo, ba bất thiện tầm này được đoạn diệt không có dư
tàn, đối với vị nào tâm đã khéo an trú vào bốn Niệm xứ hay tu tập vô
tướng Thiền định.
21) Này các Tỷ-kheo, hãy khéo tu tập vô tướng Thiền định. Này các
Tỷ-kheo, vô tướng Thiền định được tu tập, làm cho tăng thịnh, đưa đến
quả lớn, lợi ích lớn.
22) Này các Tỷ-kheo, có hai kiến này: hữu kiến, phi hữu kiến. Ở đây,
này các Tỷ-kheo, vị Ða văn Thánh đệ tử suy nghĩ như sau: "Có cái gì ở
trong đời, ta chấp trước mà không có phạm tội?"
23) Và vị ấy biết: "Không có cái gì ở trong đời ta chấp trước mà
không có phạm tội". Nếu ta chấp thủ sự chấp thủ sắc... thọ... tưởng...
các hành... Nếu ta chấp thủ sự chấp thủ thức, do duyên chấp thủ, hữu trở
thành của ta. Do duyên hữu, có sanh. Do sanh, có già chết, sầu, bi,
khổ, ưu, não. Như vậy là sự tập khởi của toàn bộ khổ uẩn này.
24) Này các Tỷ-kheo, các Ông nghĩ thế nào, sắc là thường hay vô
thường?
-- Là vô thường, bạch Thế Tôn.
-- Cái gì vô thường là khổ hay lạc?
-- Là khổ, bạch Thế Tôn.
-- Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, có hợp lý chăng nếu quán
cái ấy là: "Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của
tôi"?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
25-28) -- Thọ... Tưởng... Hành... Thức.... Do vậy, này các Tỷ-kheo,
thấy vậy... Vị ấy biết: "... không còn trở lui trạng thái này nữa".
IX. Pàrileyya (Tạp 2, Ðại 2,13c) (S.iii,94)
1) Một thời Thế Tôn ở Kosambi, tại vườn Ghosita.
2) Rồi Thế Tôn, vào buổi sáng đắp y, cầm y bát, đi vào Kosambi để
khất thực. Khất thực xong, sau buổi ăn, trên con đường khất thực trở về,
Ngài dọn dẹp chỗ nằm của mình, cầm y bát, không gọi thị giả, không tin
cho chúng Tăng biết, một mình, không có người đi theo, ra đi du hành.
3) Rồi một Tỷ-kheo, khi Thế Tôn đi chưa bao lâu, liền đi đến Tôn giả
Ananda; sau khi đến, nói với Tôn giả Ananda:
-- Này Hiền giả Ananda, Thế Tôn tự sắp xếp sàng tọa của mình, cầm y
bát, không gọi thị giả, không tin cho chúng Tăng biết, một mình, không
có người đi theo, ra đi du hành.
4) -- Này Hiền giả, trong khi Thế Tôn tự sắp xếp sàng tọa của mình,
cầm y bát, không gọi thị giả, không tin cho chúng Tăng biết, một mình,
không có người đi theo, ra đi du hành; trong khi ấy, Thế Tôn ưa sống một
mình; trong khi ấy, Thế Tôn không muốn ai đi theo Ngài.
5) Rồi Thế Tôn tuần tự du hành, đi đến Pàlileyyaka. Tại đây, Thế Tôn
trú ở Pàlileyyaka, dưới gốc cây bhaddasàla.
6) Rồi nhiều Tỷ-kheo đi đến Tôn giả Ananda; sau khi đến, nói lên với
Tôn giả Ananda những lời chào đón hỏi thăm; sau khi nói lên những lời
chào đón hỏi thăm thân hữu liền ngồi xuống một bên.
7) Ngồi xuống một bên, các Tỷ-kheo ấy nói với Tôn giả Ananda:
-- Ðã lâu lắm, này Hiền giả Ananda, chúng tôi chưa được tận mặt nghe
Thế Tôn thuyết pháp. Chúng tôi muốn, này Hiền giả Ananda, được tận mặt
nghe Thế Tôn thuyết pháp.
8) Rồi Tôn giả Ananda cùng với các Tỷ-kheo ấy đi đến Pàlileyyaka, gốc
cây bhaddasàla, chỗ Thế Tôn ở; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi
xuống một bên.
9) Rồi Thế Tôn thuyết pháp cho các Tỷ-kheo ấy, giảng giải, khích lệ,
làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ.
10) Lúc bấy giờ, một Tỷ-kheo sanh khởi suy nghĩ như sau: "Biết như
thế nào, thấy như thế nào, các lậu hoặc được đoạn tận lập tức?"
11) Thế Tôn với tâm của mình biết được suy nghĩ của Tỷ-kheo ấy, liền
nói với các Tỷ-kheo:
-- Này các Tỷ-kheo, pháp đã được giải thích, thuyết giảng. Bốn niệm
xứ đã được giải thích, thuyết giảng. Bốn chánh cần đã được giải thích,
thuyết giảng. Bốn như ý túc đã được giải thích, thuyết giảng. Năm căn đã
được giải thích, thuyết giảng. Năm lực đã được giải thích, thuyết
giảng. Bảy bồ-đề phần đã được giải thích, thuyết giảng. Thánh đạo Tám
ngành đã được giải thích, thuyết giảng. Như vậy, này các Tỷ-kheo, pháp
được Ta giải thích, thuyết giảng.
12) Dầu cho, này các Tỷ-kheo, các pháp được Ta giải thích, thuyết
giảng như vậy, nhưng ở đây có Tỷ-kheo khởi lên suy nghĩ sau đây: "Biết
như thế nào, thấy như thế nào, các lậu hoặc được đoạn tận lập tức?"
13-16) Này các Tỷ-kheo, biết như thế nào, thấy như thế nào, các lậu
hoặc được đoạn tận lập tức? Ở đây, này các Tỷ-kheo, kẻ vô văn phàm phu
không thấy rõ các bậc Thánh, không thuần thục pháp các bậc Thánh, không
tu tập pháp các bậc Thánh, không thấy rõ các bậc Chân nhân, không thuần
thục pháp các bậc Chân nhân, không tu tập pháp các bậc Chân nhân, quán
sắc như là tự ngã, sự quán như vầy là hành. Hành ấy lấy gì làm nhân, lấy
gì làm tập khởi, lấy gì sanh, lấy gì làm hiện hữu? Ðối với kẻ vô văn
phàm phu, này các Tỷ-kheo, cảm xúc bởi thọ sanh ra do xúc chạm với vô
minh, khát ái sanh. Từ khát ái ấy, hành ấy sanh. Như vậy, này các
Tỷ-kheo, hành ấy là vô thường, hữu vi, do duyên sanh. Khát ái ấy là vô
thường, hữu vi, do duyên sanh. Thọ ấy... xúc ấy là vô thường, hữu vi, do
duyên sanh. Vô minh ấy là vô thường, hữu vi, do duyên sanh. Do biết vậy,
do thấy vậy, các lậu hoặc được đoạn tận lập tức.
17) Vị ấy có thể không quán sắc như là tự ngã, nhưng có thể quán tự
ngã như là có sắc. Sự quán ấy, này các Tỷ-kheo, là hành. Hành ấy lấy gì
làm nhân, lấy gì làm tập khởi, lấy gì sanh, lấy gì làm hiện hữu? Ðối với
kẻ vô văn phàm phu, này các Tỷ-kheo, cảm xúc bởi thọ sanh ra do xúc
chạm với vô minh, khát ái sanh. Do khát ái ấy, hành ấy sanh. Như vậy,
này các Tỷ-kheo, hành ấy là vô thường, hữu vi, do duyên sanh. Khát ái
ấy... thọ ấy... xúc ấy... vô minh ấy là vô thường, hữu vi, do duyên
sanh. Do biết vậy, thấy vậy, này các Tỷ-kheo, các lậu hoặc được đoạn tận
lập tức.
18) Vị ấy có thể không quán sắc như là tự ngã, không quán tự ngã như
là có sắc, nhưng có thể quán sắc ở trong tự ngã. Quán ấy, này các
Tỷ-kheo, là hành. Hành ấy lấy gì làm nhân, lấy gì làm tập khởi, lấy gì
sanh, lấy gì làm hiện hữu? Ðối với kẻ vô văn phàm phu, này các Tỷ-kheo,
cảm xúc bởi thọ sanh ra do xúc chạm với vô minh, khát ái sanh. Do khát
ái ấy, hành ấy sanh. Như vậy, này các Tỷ-kheo, hành ấy là vô thường, hữu
vi, do duyên sanh. Khát ái ấy... thọ ấy... xúc ấy... vô minh ấy là vô
thường, hữu vi, do duyên sanh. Do biết vậy, thấy vậy, này các Tỷ-kheo,
các lậu hoặc được đoạn tận lập tức.
19) Vị ấy có thể không quán sắc như là tự ngã, có thể không quán tự
ngã như là có sắc, có thể không quán sắc ở trong tự ngã, nhưng có thể
quán tự ngã ở trong sắc. Sự quán ấy, này các Tỷ-kheo, là hành. Hành ấy
lấy gì làm nhân, lấy gì làm tập khởi, lấy gì sanh, lấy gì làm hiện hữu?
Ðối với kẻ vô văn phàm phu, do cảm xúc bởi thọ sanh ra do xúc chạm với
vô minh, khát ái sanh. Do khát ái ấy, hành ấy sanh. Như vậy, này các
Tỷ-kheo, hành ấy là vô thường, hữu vi, do duyên sanh. Khát ái ấy... thọ
ấy... xúc ấy... vô minh ấy là vô thường, hữu vi, do duyên sanh. Do biết
vậy, thấy vậy, này các Tỷ-kheo, các lậu hoặc được đoạn tận lập tức.
20-21) Vị ấy có thể không quán sắc như là tự ngã, có thể không quán
tự ngã như là có sắc, có thể không quán sắc ở trong tự ngã, có thể không
quán tự ngã ở trong sắc. Nhưng có thể quán thọ như là tự ngã, và có thể
quán tự ngã như là có thọ, có thể quán thọ ở trong tự ngã, và có thể
quán tự ngã ở trong thọ.
22-23). .. có thể quán tưởng... có thể quán các hành...
24). .. có thể quán thức như là tự ngã, có thể quán tự ngã như là có
thức; có thể quán thức ở trong tự ngã; và có thể quán tự ngã ở trong
thức. Sự quán ấy, này các Tỷ-kheo, là hành. Hành ấy lấy gì làm nhân, lấy
gì làm tập khởi, lấy gì sanh, lấy gì làm hiện hữu? Ðối với kẻ vô văn
phàm phu, do cảm xúc bởi thọ sanh ra do xúc chạm với vô minh, khát ái
sanh. Do khát ái ấy, hành ấy sanh. Như vậy, này các Tỷ-kheo, hành ấy là
vô thường, hữu vi, do duyên sanh. Khát ái ấy... thọ ấy... xúc ấy... vô
minh ấy là vô thường, hữu vi, do duyên sanh. Do biết vậy, thấy vậy, này
các Tỷ-kheo, các lậu hoặc được đoạn tận lập tức.
25) Vị ấy có thể không quán sắc như là tự ngã; có thể không quán thọ
như là tự ngã; có thể không quán tưởng... không quán các hành... không
quán thức như là tự ngã. Nhưng có thể có (tà) kiến như sau: "Ðây là tự
ngã, đây là thế giới; sau khi chết, tôi sẽ trở thành thường còn, thường
hằng, thường trú, không chịu sự biến hoại". Nhưng thường kiến ấy, này
các Tỷ-kheo, là hành. Hành ấy lấy gì làm nhân, lấy gì làm tập khởi... Do
biết như vậy, thấy như vậy, này các Tỷ-kheo, các lậu hoặc được đoạn tận
lập tức.
26) Vị ấy có thể không quán sắc như là tự ngã; không quán thọ...
không quán tưởng... không quán các hành... không quán thức là tự ngã; có
thể không có (tà) kiến như sau: "Ðây là tự ngã, đây là thế giới; sau
khi chết, tôi sẽ trở thành thường còn, thường hằng, thường trú, không
chịu sự biến hoại". Nhưng vị ấy có thể có (tà) kiến như sau: "Nếu trước
ta không có, thời nay không có của ta. Nếu ta sẽ không có, thời sẽ không
có của ta".
27) Ðoạn kiến ấy, này các Tỷ-kheo, là hành. Nhưng hành ấy, lấy gì làm
nhân, lấy gì làm tập khởi, lấy gì sanh khởi, lấy gì làm hiện hữu? Ðối
với kẻ vô văn phàm phu, này các Tỷ-kheo, do cảm xúc bởi thọ sanh ra do
xúc chạm với vô minh, khát ái sanh. Do khát ái ấy, hành ấy sanh. Như
vậy, này các Tỷ-kheo, hành ấy là vô thường, hữu vi, do duyên sanh. Khát
ái ấy... thọ ấy... vô minh ấy là vô thường, hữu vi, do duyên sanh. Do
biết vậy, thấy vậy, này các Tỷ-kheo, các lậu hoặc được đoạn tận lập tức.
28) Vị ấy có thể không quán sắc như là tự ngã... không quán thọ...
không quán tưởng... không quán các hành... không quán thức như là tự
ngã... không quán tự ngã ở trong thức; không có (tà) kiến như sau: "Ðây
là tự ngã, đây là thế giới; sau khi chết tôi sẽ thường còn, thườg hằng,
thường trú, không chịu sự biến hoại" ; có thể không có (tà) kiến như
sau: "Nếu trước ta không có, thời nay không có của ta. Nếu ta sẽ không
có, thời sẽ không có của ta". Nhưng vị ấy có thể nghi hoặc, do dự, không
đạt được cứu cánh trong Chánh pháp này.
29) Nhưng này các Tỷ-kheo, sự nghi hoặc, do dự, không đạt được cứu
cánh trong Chánh pháp này là hành. Hành ấy lấy gì làm nhân, lấy gì làm
tập khởi, lấy gì sanh, lấy gì làm hiện hữu? Ðối với kẻ vô văn phàm phu,
này các Tỷ-kheo, do cảm xúc bởi thọ sanh ra do xúc chạm với vô minh,
khát ái sanh. Do khát ái ấy, hành ấy sanh. Như vậy, này các Tỷ-kheo,
hành ấy là vô thường, hữu vi, do duyên sanh. Khát ái ấy là vô thường,
hữu vi, do duyên sanh. Thọ ấy là vô thường, hữu vi, do duyên sanh. Xúc
ấy là vô thường, hữu vi, do duyên sanh. Vô minh ấy là vô thường, hữu vi,
do duyên sanh.
30) Này các Tỷ-kheo, do biết như vậy, thấy như vậy, các lậu hoặc được
đoạn tận lập tức.
X. Trăng Rằm (Tạp 2, Ðại 2,14b) (S.iii,100) (Trung Bộ Kinh,
trang 109, 110 Tham chiếu)
1) Một thời Thế Tôn ở Sàvatthi (Xá-vệ), Ðông Viên, Lộc Mẫu giảng
đường, cùng với đại chúng Tỷ-kheo.
2) Lúc bấy giờ, Thế Tôn nhân ngày lễ Bố-tát, ngày rằm, đêm trăng
tròn, giữa trời, có chúng Tỷ-kheo đoanh vây.
3) Rồi có Tỷ-kheo, từ chỗ ngồi đứng dậy, đắp thượng y vào một bên
vai, chấp tay hướng đến Thế Tôn và bạch Thế Tôn:
-- Bạch Thế Tôn, con muốn hỏi Thế Tôn một vấn đề, nếu Thế Tôn cho
phép, và trả lời câu hỏi của con.
-- Này Tỷ-kheo, hãy ngồi tại chỗ và hỏi theo ý Ông muốn.
4) -- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn, ngồi tại chỗ ngồi của mình và bạch Thế
Tôn:
-- Bạch Thế Tôn, có phải có năm thủ uẩn này: tức là sắc thủ uẩn, thọ
thủ uẩn, tưởng thủ uẩn, hành thủ uẩn, thức thủ uẩn?
-- Này Tỷ-kheo, có năm thủ uẩn, tức là sắc thủ uẩn... thức thủ uẩn.
5) -- Lành thay, bạch Thế Tôn.
Tỷ-kheo ấy hoan hỷ, tín thọ lời Thế Tôn dạy, rồi hỏi thêm Thế Tôn một
câu khác:
-- Bạch Thế Tôn, năm thủ uẩn này lấy gì làm căn bản?
-- Này Tỷ-kheo, năm thủ uẩn này lấy dục làm căn bản.
6) -- Lành thay, bạch Thế Tôn...
-- Bạch Thế Tôn, chấp thủ ấy là năm thủ uẩn ấy hay chấp thủ ngoài năm
thủ uẩn?
-- Này Tỷ-kheo, chấp thủ ấy không tức là năm thủ uẩn ấy và chấp thủ
cũng không phải ngoài năm thủ uẩn. Nhưng chỗ nào có tham và dục, chỗ ấy
có chấp thủ.
7) -- Lành thay, bạch Thế Tôn.
Tỷ-kheo ấy... hỏi Thế Tôn một câu hỏi khác:
-- Có thể chăng, bạch Thế Tôn, trong năm thủ uẩn, có sự sai khác về
dục và tham?
Thế Tôn đáp:
-- Có thể có, này Tỷ-kheo.
Ở đây, này Tỷ-kheo, có người nghĩ như sau: "Mong rằng trong tương
lai, ta sẽ có sắc như vậy! Mong rằng trong tương lai ta sẽ có thọ như
vậy! Mong rằng trong tương lai, ta sẽ có tưởng như vậy! Mong rằng trong
tương lai ta sẽ có các hành như vậy! Mong rằng trong tương lai ta sẽ có
thức như vậy!" Như vậy, này Tỷ-kheo, có thể có sự sai khác về dục và
tham trong năm thủ uẩn.
8) -- Lành thay, bạch Thế Tôn.
Tỷ-kheo ấy... hỏi thêm câu hỏi nữa:
-- Dưới hình thức nào, bạch Thế Tôn, có định nghĩa về uẩn của các
uẩn?
-- Phàm sắc gì, này Tỷ-kheo, thuộc quá khứ, vị lai, hiện tại, hoặc
nội hay ngoại, hoặc thô hay tế, hoặc liệt hay thắng, hoặc xa hay gần;
đây gọi là sắc uẩn. Phàm thọ gì... Phàm tưởng gì... Phàm các hành gì...
Phàm thức gì thuộc quá khứ, vị lai, hiện tại, hoặc nội hay ngoại, hoặc
thô hay tế, hoặc liệt hay thắng, hoặc xa hay gần; đây gọi là thức uẩn.
Dưới hình thức như vậy, này Tỷ-kheo, có định nghĩa về uẩn của các uẩn.
9) -- Lành thay, bạch Thế Tôn.
Tỷ-kheo ấy... hỏi thêm câu hỏi nữa:
-- Bạch Thế Tôn, do nhân gì, do duyên gì, được gọi là sắc uẩn? Do
nhân gì, do duyên gì, được gọi là thọ uẩn? Do nhân gì, do duyên gì, được
gọi là tưởng uẩn? Do nhân gì, do duyên gì, được gọi là hành uẩn? Do
nhân gì, do duyên gì, được gọi là thức uẩn?
-- Do nhân bốn đại, này Tỷ-kheo, do duyên bốn đại, được gọi là sắc
uẩn. Do nhân xúc, do duyên xúc, được gọi là thọ uẩn. Do nhân xúc, do
duyên xúc, được gọi là tưởng uẩn. Do nhân xúc, do duyên xúc, được gọi là
hành uẩn. Do nhân danh sắc, do duyên danh sắc, được gọi là thức uẩn.
10) -- Lành thay, bạch Thế Tôn.
Tỷ-kheo ấy... hỏi thêm câu khác:
-- Như thế nào, bạch Thế Tôn, là có thân kiến?
-- Ở đây, này Tỷ-kheo, kẻ vô văn phàm phu không thấy rõ bậc Thánh,
không thuần thục pháp các bậc Thánh, không tu tập pháp các bậc Thánh;
không thấy rõ các bậc Chân nhân, không thuần thục pháp các bậc Chân
nhân, không tu tập pháp các bậc Chân nhân, quán sắc như là tự ngã, hay
quán tự ngã như là có sắc, hay quán sắc ở trong tự ngã, hay quán tự ngã ở
trong sắc... thọ... tưởng.. hành... quán thức như là tự ngã, hay quán
tự ngã như là có thức,hay quán thức ở trong tự ngã, hay quán tự ngã ở
trong thức. Như vậy, này Tỷ-kheo, là có thân kiến.
11) -- Lành thay, bạch Thế Tôn.
Tỷ-kheo ấy... hỏi thêm câu nữa:
-- Như thế nào, bạch Thế Tôn, là không có thân kiến?
-- Ở đây, này Tỷ-kheo, vị Ða văn Thánh đệ tử thấy rõ các bậc Thánh,
khéo thuần thục pháp các bậc Thánh, khéo tu tập pháp các bậc Thánh; thấy
rõ các bậc Chân nhân, khéo thuần thục pháp các bậc Chân nhân, khéo tu
tập pháp các bậc Chân nhân, không quán sắc như là tự ngã, hay không quán
tự ngã như là có sắc, hay không quán sắc ở trong tự ngã, hay không quán
tự ngã ở trong sắc, không quán thọ... không quán tưởng... không quán
các hành... không quán thức như là tự ngã, hay không quán tự ngã như là
có thức, hay không quán thức ở trong tự ngã, hay không quán tự ngã ở
trong thức. Như vậy, này Tỷ-kheo, là không có thân kiến.
12) -- Lành thay, bạch Thế Tôn.
Tỷ-kheo ấy... hỏi thêm một câu nữa:
-- Bạch Thế Tôn, cái gì là vị ngọt, là sự nguy hiểm, là sự xuất ly
của sắc?... của thọ... của tưởng... của các hành? Cái gì là vị ngọt, là
sự nguy hiểm, là sự xuất ly của thức?
-- Này Tỷ-kheo, do duyên sắc, khởi lên lạc hỷ gì, đó là vị ngọt của
sắc. Sự vô thường, khổ, chịu sự biến hoại của sắc, đó là sự nguy hiểm
của sắc. Sự nhiếp phục dục và tham, sự đoạn tận dục và tham đối với sắc,
đó là sự xuất ly của sắc. Do duyên thọ... Do duyên tưởng... Do duyên
các hành... Do duyên thức khởi lên lạc hỷ gì, đó là vị ngọt của thức. Sự
vô thường, khổ, chịu sự biến hoại của thức, đó là sự nguy hiểm của
thức. Sự nhiếp phục dục và tham, sự đoạn tận dục và tham đối với thức,
đó là sự xuất ly của thức.
13) -- Lành thay, bạch Thế Tôn.
Tỷ-kheo ấy hoan hỷ, tín thọ lời Thế Tôn dạy, lại hỏi Thế Tôn thêm câu
nữa:
-- Bạch Thế Tôn, do biết như thế nào, do thấy như thế nào, đối với
thân có thức này và đối với tất cả tướng ở ngoài, không có (quan điểm):
ngã kiến, ngã sở kiến, mạn tùy miên?
-- Này Tỷ-kheo, phàm sắc gì thuộc quá khứ, vị lai, hiện tại, hoặc nội
hay ngoại, hoặc thô hay tế, hoặc liệt hay thắng, hoặc xa hay gần; tất
cả sắc, Tỷ-kheo như thật quán với chánh trí tuệ như sau: "Ðây không phải
của tôi, đây không phải là tôi, đây không phải tự ngã của tôi". Phàm
thọ gì... Phàm tưởng gì... Phàm các hành gì... Phàm thức gì thuộc quá
khứ, vị lai, hiện tại, hoặc nội hay ngoại, hoặc thô hay tế, hoặc liệt
hay thắng, hoặc xa hay gần; tất cả thức, Tỷ-kheo như thật quán với chánh
trí tuệ như sau: "Ðây không phải của tôi, đây không phải là tôi, đây
không phải tự ngã của tôi!" Này Tỷ-kheo, do biết như vậy, thấy như vậy,
đối với thân có thức này và đối với tất cả tướng ở ngoài, không có (quan
điểm): ngã kiến, ngã sở kiến, mạn tùy miên.
14) Lúc bấy giờ, một Tỷ-kheo khác khởi lên suy nghĩ sau đây: "Nếu
Ngài nói sắc là vô ngã, thọ... tưởng... các hành... thức là vô ngã, thời
các nghiệp do vô ngã tạo ra, thời ngã nào lãnh thọ?"
15) Rồi Thế Tôn với tâm tư của mình biết rõ suy nghĩ của Tỷ-kheo ấy,
liền nói với các Tỷ-kheo:
-- Sự kiện này xảy ra, này các Tỷ-kheo, là có kẻ ngu si, vô trí, chìm
đắm trong vô minh, tâm bị khát ái chi phối, nghĩ rằng có thể vượt qua
lời dạy bậc Ðạo Sư, nghĩ rằng: "Nếu Ngài dạy rằng sắc là vô ngã, thọ...
tưởng... các hành... thức là vô ngã, thời các nghiệp do vô ngã làm, các
nghiệp ấy do ngã nào lãnh thọ?" Này các Tỷ-kheo, các câu vấn nạn đã được
Ta khéo dạy cho các Ông, chỗ này, chỗ kia trong các pháp ấy.
16) Này các Tỷ-kheo, các Ông nghĩ thế nào, sắc là thường hay vô
thường?
-- Là vô thường, bạch Thế Tôn.
17-19) -- Thọ... tưởng... các hành...
20) Thức là thường hay vô thường?
-- Là vô thường, bạch Thế Tôn.
-- Cái gì vô thường là khổ hay lạc?
-- Là khổ, bạch Thế Tôn.
-- Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, có hợp lý chăng, nếu
quán cái ấy là: "Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã
của tôi"?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
-- Do vậy... thấy vậy... vị ấy biết: "Sanh đã tận... không còn trở
lui trạng thái này nữa".
IV. Phẩm Trưởng Lão
I. Ananda (Tạp 10, Ðại 2,66a) (S.iii,105)
1) Như vầy tôi nghe.
Một thời Tôn giả Ananda ở Sàvatthi, tại Jetavana, vườn ông
Anàthapindika.
2) Ở đây, Tôn giả Ananda gọi các Tỷ-kheo:
-- Này các Tỷ-kheo.
-- Thưa vâng, Hiền giả.
Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Tôn giả Ananda. Tôn giả Ananda nói như sau:
3) -- Chư Hiền giả, Tôn giả Punna Mantaniputta, lúc chúng ta mới tu
học, đã giúp đỡ chúng ta nhiều. Vị ấy giáo giới chúng ta với lời giáo
giới này: Này Hiền giả Ananda, do chấp thủ, khởi lên (tư tưởng) "Tôi
là", không phải không chấp thủ.
4) Do chấp thủ gì, khởi lên (tư tưởng) "Tôi là", không phải không
chấp thủ. Do chấp thủ sắc, khởi lên (tư tưởng) "Tôi là", không phải
không chấp thủ. Do chấp thủ thọ... tưởng... các hành... Do chấp thủ
thức, khởi lên (tư tưởng) "Tôi là", không phải không chấp thủ.
5) Này Hiền giả Ananda, ví như một người đàn bà hay người đàn ông,
hay người trẻ tuổi, ưa thích trang điểm, ngắm bóng mặt của mình trong
một tấm gương sạch sẽ, trong sáng, hay trong một bát nước trong, thấy
được do duyên chấp thủ, không phải không chấp thủ. Cũng vậy, này Hiền
giả Ananda, do chấp thủ sắc, nên có (tư tưởng) "Tôi là", không phải
không chấp thủ. Do chấp thủ thọ... tưởng... các hành... do chấp thủ
thức, nên có (tư tưởng) "Tôi là", không phải không chấp thủ.
6) Hiền giả Ananda, Hiền giả nghĩ thế nào, sắc là thường hay vô
thường?
-- Là vô thường, Hiền giả.
7-10) -- Thọ... tưởng... các hành... thức là thường hay vô thường?
-- Là vô thường, Hiền giả.
11-12) -- Do thấy vậy... vị ấy biết "...không còn trở lui trạng thái
này nữa".
13) Chư Hiền giả, Tôn giả Punna Mantàniputta, khi chúng tôi mới tu
học, đã giúp đỡ chúng tôi rất nhiều. Tôn giả ấy giảng cho chúng tôi lời
giáo giới này. Sau khi nghe Tôn giả Punna Mantàniputta thuyết pháp,
chúng tôi hoàn toàn chứng tri (Chánh) pháp.
II. Tissa (Tạp 10, Ðại 2,71a) (S.iii,106)
1) Nhân duyên ở Sàvatthi.
2) Lúc bấy giờ, Tôn giả Tissa, cháu trai Thế Tôn, nói với một số đông
Tỷ-kheo:
-- Này chư Hiền, thân ta như bị say vì vị ngọt (nặng nề và bại hoại).
Ta không thấy rõ các phương hướng. Ta không phân biệt được các pháp.
Thụy miên, hôn trầm xâm chiếm tâm ta và tồn tại. Ta sống Phạm hạnh không
còn thoải mái, và ta nghi ngờ đối với các pháp.
3) Rồi nhiều Tỷ-kheo đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi
ngồi xuống một bên.
4) Ngồi xuống một bên, các Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:
-- Bạch Thế Tôn, Tôn giả Tissa, cháu trai Thế Tôn, có nói với một số
đông Tỷ-kheo: "Này chư Hiền, thân ta như bị say vì vị ngọt (nặng nề và
bại hoại). Ta không thấy rõ các phương hướng. Ta không phân biệt được
các pháp. Thụy miên, hôn trầm xâm chiếm tâm ta và tồn tại. Ta sống Phạm
hạnh không còn thoải mái, và ta nghi ngờ đối với các pháp".
5) Rồi Thế Tôn gọi một Tỷ-kheo:
-- Ðến đây, này Tỷ-kheo! Hãy nhân danh Ta, gọi Tỷ-kheo Tissa: "Hiền
giả Tissa, bậc Ðạo Sư gọi Hiền giả!"
6) -- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn, đi đến Tôn giả Tissa; sau khi đến, nói
với Tôn giả Tissa:
-- Hiền giả Tissa! Bậc Ðạo Sư gọi Hiền giả.
7) -- Thưa vâng, Hiền giả.
Tôn giả Tissa vâng đáp Tỷ-kheo ấy, đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh
lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên.
8) Thế Tôn nói với Tôn giả Tissa đang ngồi một bên:
-- Có thật chăng, này Tissa, Ông đã nói như sau cho một số đông
Tỷ-kheo: "Này chư Hiền, thân ta như bị say vì vị ngọt... và ta nghi ngờ
đối với các pháp"?
-- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
9) -- Ông nghĩ thế nào, này Tissa? Ðối với người chưa ly tham, chưa
ly dục, chưa ly ái, chưa ly khát, chưa ly nhiệt tình, chưa ly khát ái
đối với sắc, thời khi sắc ấy biến hoại, đổi khác, có khởi lên sầu, bi,
khổ, ưu, não không?
-- Thưa có, bạch Thế Tôn.
10-13) -- Lành thay, lành thay, này Tissa! Như vậy là phải, này
Tissa! Như người chưa ly tham đối với sắc... đối với thọ... đối với
tưởng... Như người chưa ly tham đối với các hành, thời khi các hành ấy
biến hoại, đổi khác, có khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não không?
-- Thưa có, bạch Thế Tôn.
14) -- Lành thay, lành thay, này Tissa! Như vậy là phải, này Tissa!
Như người chưa ly tham đối với thức, người chưa ly tham, chưa ly dục,
chưa ly ái, chưa ly khát, chưa ly nhiệt tình, chưa ly khát ái đối với
thức, thời khi thức ấy biến hoại, đổi khác, có khởi lên sầu, bi, khổ,
ưu, não không?
-- Thưa có, bạch Thế Tôn.
15) -- Lành thay, lành thay, này Tissa! Như vậy là phải, này Tissa,
đối với người chưa ly tham đối với thức.
16) Này Tissa, Ông nghĩ thế nào, đối với người đã ly tham, đã ly dục,
đã ly ái, đã ly khát, đã ly khát ái, đã ly nhiệt tình, đã ly khát ái
đối với sắc, thời khi sắc ấy biến hoại, đổi khác, sầu, bi, khổ, ưu, não
có khởi lên không?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
17)-- Lành thay, lành thay, này Tissa! Như vậy là phải, này Tissa,
đối với người đã ly tham đối với sắc. Ðối với người đã ly tham, đã ly
dục, đã ly ái, đã ly khát, đã ly khát ái, đã ly nhiệt tình, đã ly khát
ái đối với thọ... đối với tưởng... đối với các hành... Như người đã ly
tham đối với các hành, người đã ly tham, đã ly dục, đã ly ái, đã ly
khát, đã ly khát ái đối với thức, thời khi thức ấy biến hoại, đổi khác,
sầu, bi, khổ, ưu, não có khởi lên không?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
18) -- Lành thay, lành thay, này Tissa! Như vậy là phải, này Tissa,
đối với người đã ly tham đối với thức.
19) Này Tissa, Ông nghĩ thế nào, sắc là thường hay vô thường?
-- Là vô thường, bạch Thế Tôn.
20-23) -- Thọ... tưởng... các hành... thức là thường hay vô thường?
-- Là vô thường, bạch Thế Tôn.
24-25) -- Do vậy... thấy vậy... "... không còn trở lui trạng thái này
nữa". Vị ấy biết rõ như vậy.
26) Ví như, này Tissa, có hai người. Một người không giỏi về đường
sá, một người giỏi về đường sá. Trong hai người ấy, người không giỏi về
đường sá này hỏi người giỏi về đường sá kia về con đường. Người ấy trả
lời: "Hãy đi, này Bạn, đây là con đường. Hãy đi theo con đường ấy trong
một thời gian. Sau khi đi theo con đường ấy một thời gian, Bạn sẽ thấy
con đường ấy chia làm hai. Ở đây, hãy bỏ con đường phía trái, và lấy con
đường phía mặt. Rồi đi theo con đường ấy trong một thời gian. Sau khi
đi theo con đường ấy trong một thời gian, Bạn sẽ thấy một khu rừng rậm.
Hãy đi theo con đường ấy trong một thời gian. Sau khi đi theo con đường
ấy trong một thời gian, Bạn sẽ thấy một đầm nước lớn. Hãy đi theo con
đường ấy trong một thời gian, Bạn sẽ thấy một vực nước sâu. Hãy đi
theo con đường ấy trong một thời gian. Sau khi đi theo con đường ấy
trong một thời gian, Bạn sẽ thấy một khoảnh đất bằng khả ái!"
27) Ðây là ví dụ của Ta dùng, này Tissa, để nêu rõ ý nghĩa. Và ý
nghĩa như sau:
28) Người không giỏi về đường sá, này Tissa,là ví cho kẻ phàm phu.
Người giỏi về đường sá, này Tissa, là ví cho Như Lai, bậc A-la-hán,
Chánh Ðẳng Giác.
29) Con đường chia làm hai, này Tissa, là ví cho trạng thái nghi
hoặc. Con đường tay trái, này Tissa, là ví cho con đường tà đạo tám
ngành, tức là tà tri kiến... tà định. Con đường tay mặt, này Tissa, là
ví cho con đường Thánh đạo Tám ngành, tức là chánh tri kiến... chánh
định.
30) Khu rừng rậm, này Tissa, là ví cho vô minh. Các đầm nước thấp,
này Tissa, là ví cho các dục. Vực nước sâu, này Tissa, là ví cho phẫn
nộ, ưu não. Khoảnh đất bằng phẳng khả ái, này Tissa, là ví cho Niết-bàn.
31) Hãy hoan hỷ, này Tissa! Hãy hoan hỷ, này Tissa! Ta giáo giới (cho
Ông), Ta giúp đỡ (cho Ông), Ta giảng dạy (cho Ông).
32) Thế Tôn thuyết giảng như vậy, Tôn giả Tissa hoan hỷ, tín thọ lời
Thế Tôn dạy.
III. Yamaka (Tạp 5, Ðại 2,30c) (S.iii,109)
1) Một thời Tôn giả Sàriputta trú tại Sàvatthi, Jetavena, tại vườn
ông Anàthapindika.
2) Lúc bấy giờ, Tỷ kheo Yamaka khởi lên ác tà kiến sau đây: "Như ta
hiểu lời Thế Tôn thuyết pháp, Tỷ-kheo đã đoạn tận các lậu hoặc, sau khi
thân hoại mạng chung, sẽ đoạn tận, sẽ diệt tận, không còn gì nữa sau khi
chết".
3) Nhiều Tỷ-kheo nghe Tỷ-kheo Yamaka khởi lên ác tà kiến sau đây:
"Như ta hiểu lời Thế Tôn thuyết pháp, Tỷ-kheo đã đoạn tận các lậu hoặc,
sau khi thân hoại mạng chung, sẽ đoạn tận, sẽ diệt tận, không còn gì nữa
sau khi chết".
4) Rồi các Tỷ-kheo ấy đi đến Tôn giả Yamaka; sau khi đến, nói lên với
Tôn giả Yamaka những lời chào đón hỏi thăm; sau khi nói lên những lời
chào đón hỏi thăm thân hữu, liền ngồi xuống một bên.
5) Ngồi xuống một bên, các Tỷ-kheo ấy nói với Tôn giả Yamaka:
-- Có thật chăng, này Hiền giả Yamaka, Hiền giả khởi lên ác tà kiến
như sau: "Như ta hiểu lời Thế Tôn thuyết pháp, Tỷ-kheo đã đoạn tận các
lậu hoặc, sau khi thân hoại mạng chung, sẽ đoạn tận, sẽ diệt tận, không
còn gì nữa sau khi chết".
6) -- Này chư Hiền, tôi đã hiểu lời Thế Tôn thuyết pháp như vầy: "Như
ta hiểu lời Thế Tôn... sau khi chết".
7) -- Chớ có nói vậy, Hiền giả Yamaka! Chớ có xuyên tạc Thế Tôn!
Xuyên tạc Thế Tôn là không tốt lành. Thế Tôn không có nói như sau:
"Tỷ-kheo đã đoạn tận các lậu hoặc, sau khi thân hoại mạng chung, sẽ đoạn
tận, sẽ diệt tận, không còn gì nữa sau khi chết".
8) Dầu được các Tỷ-kheo ấy nói như vậy, Tôn giả Yamaka vẫn kiên trì,
kiên cố chấp nhận ác tà kiến ấy, nói rằng: "Như ta hiểu lời Thế Tôn
thuyết pháp, Tỷ-kheo đã đoạn tận các lậu hoặc, sau khi thân hoại mạng
chung, sẽ đoạn tận, sẽ diệt tận, không còn gì nữa sau khi chết".
9) Vì rằng các Tỷ-kheo không thể làm cho Tôn giả Yamaka rời bỏ ác tà
kiến ấy, các Tỷ-kheo ấy từ chỗ ngồi đứng dậy, đi đến Tôn giả Sàriputta,
sau khi đến, thưa với Tôn giả Sàriputta:
-- Tỷ-kheo Yamaka, thưa Hiền giả Sàriputta, có khởi lên ác tà kiến
như sau: "Như ta hiểu lời Thế Tôn thuyết pháp, Tỷ-kheo đoạn tận các lậu
hoặc, sau khi thân hoại mạng chung, sẽ đoạn tận, sẽ diệt tận, không còn
gì nữa sau khi chết". Lành thay, nếu Tôn giả Sàriputta vì lòng lân mẫn
đi đến Tỷ-kheo Yamaka.
10) Tôn giả Sàriputta im lặng nhận lời.
11) Rồi Tôn giả Sàsriputta, vào buổi chiều, từ chỗ tịnh cư đứng dậy,
đi đến Tôn giả Yamaka; sau khi đến, nói lên với Tôn giả Yamaka những lời
chào đón hỏi thăm; sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu
rồi ngồi xuống một bên.
12) Ngồi xuống một bên, Tôn giả Sàriputta nói với Tôn giả Yamaka:
-- Có thật chăng, Hiền giả Yamaka, Hiền giả có khởi lên ác tà kiến
như sau: "Như ta đã hiểu lời Thế Tôn thuyết pháp... không còn gì nữa sau
khi chết".
13) -- Thưa Hiền giả, tôi hiểu như vậy lời Thế Tôn thuyết pháp:
"Tỷ-kheo đã đoạn tận các lậu hoặc, sau khi thân hoại mạng chung, sẽ đoạn
tận, sẽ diệt tận, không còn gì nữa sau khi chết".
14) -- Hiền giả nghĩ thế nào, Hiền giả Yamaka, sắc là thường hay vô
thường?
-- Là vô thường, này Hiền giả.
15-18) -- Thọ... tưởng... các hành... thức là thường hay vô thường?
-- Là vô thường, này Hiền giả.
19-20) -- Do vậy... thấy vậy... "... không còn trở lui trạng thái này
nữa". Vị ấy biết rõ như vậy.
21) Hiền giả nghĩ thế nào, Hiền giả Yamaka? Hiền giả có quán Như Lai
là sắc không?
-- Thưa không, này Hiền giả.
22-26) -- Hiền giả có quán Như Lai là thọ... tưởng... hành... thức
không?
-- Thưa không, này Hiền giả.
27) -- Hiền giả nghĩ thế nào, Hiền giả Yamaka? Hiền giả có quán Như
Lai ở trong sắc không?
-- Thưa không, này Hiền giả.
-- Hiền giả có quán Như Lai ở ngoài sắc không?
-- Thưa không, này Hiền giả.
28) -- Hiền giả, có quán Như Lai ở trong thọ không?...
20) Hiền giả có quán Như Lai ở trong tưởng không?...
30) Hiền giả có quán Như Lai ở trong các hành không?...
31) Hiền giả có quán Như Lai ở trong thức không?
-- Thưa không, này Hiền giả.
-- Hiền giả có quán Như Lai là ngoài thức không?
-- Thưa không, này Hiền giả.
32) -- Hiền giả nghĩ thế nào, Hiền giả Yamaka? Hiền giả có quán Như
Lai là sắc, thọ, tưởng, hành, thức không?
-- Thưa không, này Hiền giả.
33) -- Hiền giả nghĩ thế nào, Hiền giả Yamaka? Hiền giả có quán cái
không sắc, không thọ, không tưởng, không hành, không thức là Như Lai
không?
-- Thưa không, này Hiền giả.
34) -- Và ở đây, Hiền giả Yamaka, ngay trong đời sống hiện tại, cũng
không thể tìm được một Như Lai thường chơn, thường trú, thời hợp lý
chăng khi Hiền giả trả lời: "Như ta đã hiểu lời Thế Tôn thuyết pháp,
Tỷ-kheo đã đoạn tận các lậu hoặc, sau khi thân hoại mạng chung, sẽ đoạn
tận, sẽ tận diệt, không còn gì nữa sau khi chết".
35) -- Trước đây tôi vô trí nên có ác tà kiến ấy. Nay sau khi nghe
Tôn giả Sàriputta thuyết pháp, ác tà kiến ấy được đoạn trừ, và pháp được
tôi hoàn toàn chứng tri.
36) -- Hiền giả Yamaka, nếu có người hỏi Hiền giả: "Hiền giả Yamaka,
vị Tỷ-kheo là bậc A-la-hán, các lậu hoặc đã đoạn tận, sau khi thân hoại
mạng chung, vị ấy sẽ trở thành gì?"; được hỏi như vậy, Hiền giả Yamaka,
Hiền giả trả lời như thế nào?
37) -- Thưa Hiền giả, nếu có người hỏi tôi: "Này Hiền giả Yamaka,
Tỷ-kheo là bậc A-la-hán, các lậu hoặc đã đoạn tận, sau khi thân hoại
mạng chung, vị ấy sẽ trở thành gì?"; được hỏi như vậy, này Hiền giả, tôi
sẽ trả lời: "Sắc là vô thường, này Hiền giả, cái gì vô thường là khổ.
Cái gì khổ là đoạn diệt, là tiêu diệt. Thọ... Tưởng... Các hành... Thức
là vô thường, này Hiền giả, cái gì vô thường là khổ. Cái gì khổ là đoạn
diệt, là tiêu diệt". Ðược hỏi vậy, này Hiền giả, tôi sẽ trả lời như vậy.
38-39) Lành thay, lành thay, Hiền giả Yamaka! Hiền giả Yamaka, ta sẽ
cho Hiền giả một ví dụ để ý nghĩa này được hiểu rõ thêm nữa. Ví như, này
Hiền giả Yamaka, một người gia chủ hay con của người gia chủ, là nhà
hào phú, tiền nhiều,của nhiều, lại được bảo vệ. Rồi có người đến, muốn
điều bất lợi, muốn điều bất hạnh, muốn điều bất an, muốn đoạt mạng sống
người kia. Người ấy suy nghĩ: "Người gia chủ hay con của người gia chủ
này là nhà hào phú, tiền nhiều, của nhiều, lại được bảo vệ. Thật không
dễ gì đoạt mạng sống nó bằng sức mạnh. Vậy ta hãy tìm cách xâm nhập rồi
sẽ đoạt mạng sống". Người ấy đi đến người gia chủ hay con của người gia
chủ kia, và nói như sau: "Thưa Tôn giả, tôi xin được hầu hạ Tôn giả".
Người gia chủ hay con của người gia chủ kia chấp nhận cho người ấy
hầu hạ. Người ấy hầu hạ, dậy trước ngủ sau, sự việc nhanh nhẹn, cử chỉ
đẹp lòng, lời nói khả ái. Người gia chủ hay con của người gia chủ kia
tin tưởng người ấy, xem người ấy như thân hữu, tin tưởng người ấy, xem
như tâm hữu, và đặt lòng tín cẩn vào người ấy. Này Hiền giả, khi người
ấy đã tin tưởng rằng: "Người gia chủ hay con của người gia chủ này đã
tín cẩn ta", khi bắt gặp người con của gia chủ ở một chỗ thanh vắng,
liền lấy con dao sắc bén, đoạt mạng sống người con của gia chủ.
40) Hiền giả Yamaka, Hiền giả nghĩ thế nào? Khi người ấy đến với
người gia chủ hay con của người gia chủ kia và nói: "Thưa Tôn giả, tôi
muốn hầu hạ Tôn giả"; khi ấy người ấy có phải là kẻ giết người không? Và
dầu cho người ấy là kẻ giết người, người gia chủ hay con của người gia
chủ cũng không nghĩ rằng: "Ta có một kẻ giết người".
41) Khi người ấy hầu hạ, dậy trước ngủ sau, sự việc nhanh nhẹn, cử
chỉ đẹp lòng, lời nói khả ái, khi ấy dầu cho người ấy là kẻ giết người,
người gia chủ hay con của người gia chủ cũng không nghĩ rằng: "Ta có một
kẻ giết người".
-- Thưa vâng, này Hiền giả.
42-43)-- Cũng vậy, này Hiền giả, kẻ vô văn phàm phu, không được thấy
rõ các bậc Thánh, không thuần thục pháp các bậc Thánh, không tu tập pháp
các bậc Thánh, không thấy rõ các bậc Chân nhân, không thuần thục pháp
các bậc Chân nhân, không tu tập pháp các bậc Chân nhân, quán sắc như là
tự ngã, hay tự ngã như là có sắc, hay sắc ở trong tự ngã, hay tự ngã ở
trong sắc; quán thọ... quán tưởng... quán các hành... quán thức như là
tự ngã, hay tự ngã như là có thức, hay thức ở trong tự ngã, hay tự ngã ở
trong thức.
44) "Sắc là vô thường", người ấy không như thật biết rõ: "Sắc là vô
thường"; "Thọ là vô thường", người ấy không như thật biết rõ: "Thọ là vô
thường"; tưởng là vô thường, người ấy không như thật biết rõ: "Tưởng là
vô thường"; "Các hành là vô thường", người ấy không như thật biết rõ:
"Các hành là vô thường"; "Thức là vô thường", người ấy không như thật
biết rõ: "Thức là vô thường".
45) "Sắc là khổ", người ấy không như thật biết rõ: "Sắc là khổ"; "Thọ
là khổ"... "Tưởng là khổ"... "Các hành là khổ"... "Thức là khổ", người
ấy không như thật biết rõ: "Thức là khổ".
46) "Sắc là vô ngã", người ấy không như thật biết rõ: "Sắc là vô
ngã"; "Thọ là vô ngã"... "Tưởng là vô ngã"... "Các hành là vô ngã"...
"Thức là vô ngã", người ấy không như thật biết rõ: "Thức là vô ngã".
47) "Sắc là hữu vi", người ấy không như thật biết rõ: "Sắc là hữu
vi"; "Thọ là hữu vi"... "Tưởng là hữu vi"... "Các hành là hữu vi"; "Thức
là hữu vi", người ấy không như thật biết rõ: "Thức là hữu vi".
48) "Sắc là kẻ giết người", người ấy không như thật biết rõ: "Sắc là
kẻ giết người"; "Thọ là kẻ giết người"... "Tưởng là kẻ giết người"...
"Các hành là kẻ giết người"... "Thức là kẻ giết người", người ấy không
như thật biết rõ: "Thức là kẻ giết người".
49) Người ấy đến với sắc, chấp thủ, nhiếp trì: "Sắc là tự ngã của
ta". Người ấy đến với thọ... với tưởng... với các hành... người ấy đến
với thức, chấp thủ và nhiếp trì: "Thức là tự ngã của ta". Năm thủ uẩn
này được người ấy đi đến chấp thủ, sẽ đưa đến bất hạnh, đau khổ lâu dài
cho người ấy.
50) Này Hiền giả, bậc Ða văn Thánh đệ tử thấy rõ các bậc Thánh... tu
tập pháp các bậc Chân nhân, không quán sắc như là tự ngã, hay tự ngã như
là có sắc, hay sắc ở trong tự ngã, hay tự ngã ở trong sắc; không quán
thọ... không quán tưởng... không quán các hành... không quán thức như là
tự ngã, hay tự ngã như là có thức, hay thức ở trong tự ngã, hay tự ngã ở
trong thức.
51) "Sắc là vô thường", vị ấy như thật biết rõ: "Sắc là vô thường";
"Thọ là vô thường"... "Tưởng là vô thường"... "Các hành là vô thường"...
"Thức là vô thường", vị ấy như thật biết rõ: "Thức là vô thường".
52) "Sắc là khổ", vị ấy như thật biết rõ: "Sắc là khổ"... "Thọ là
khổ"... "Tưởng là khổ"... "Các hành là khổ"... "Thức là khổ", vị ấy như
thật biết rõ: "Thức là khổ".
53) "Sắc là vô ngã", vị ấy như thật biết rõ: "Sắc là vô ngã"... "Thọ
là vô ngã"... "Tưởng là vô ngã"... "Các hành là vô ngã"... "Thức là vô
ngã", vị ấy như thật biết rõ: "Thức là vô ngã".
54) "Sắc là hữu vi", vị ấy như thật biết rõ: "Sắc là hữu vi"... "Thọ
là hữu vi"... "Tưởng là hữu vi"... "Các hành là hữu vi"... "Thức là hữu
vi", vị ấy như thật biết rõ: "Thức là hữu vi".
55) "Sắc là kẻ giết người", vị ấy như thật biết rõ: "Sắc là kẻ giết
người"... "Thọ là kẻ giết người"... "Tưởng là kẻ giết người"... "Các
hành là kẻ giết người"... "Thức là kẻ giết người", vị ấy như thật biết
rõ: "Thức là kẻ giết người".
56) Vị ấy không đến với sắc, không chấp thủ, không nhiếp trì: "Sắc là
tự ngã của ta". Không đến với thọ... với tưởng... với các hành... Không
đến với thức, không chấp thủ, không nhiếp trì: "Thức là tự ngã của ta".
Ðối với năm thủ uẩn này, vị ấy không đi đến, không chấp thủ, sẽ đưa đến
hạnh phúc, an lạc cho vị ấy trong một thời gian dài.
57) -- Như vậy, này Hiền giả Sàriputta, các Tôn giả ấy có được người
như Hiền giả làm đồng Phạm hạnh, có lòng lân mẫn như vậy, muốn họ được
hạnh phúc như vậy, bậc giáo giới như vậy, bậc giảng dạy như vậy.
58) Và nay, sau khi được nghe Tôn giả Sàriputta thuyết pháp, tâm tôi
được giải thoát khỏi các lậu hoặc, không còn chấp thủ.
IV. Anuràdha (Tạp 5, Ðại 2,32c) (S.iii,116)
1) Như vầy tôi nghe.
Một thời Thế Tôn ở Vesàli, Ðại Lâm, tại Trùng Các giảng đường.
2) Lúc bấy giờ Tôn giả Anuràdha ở một cái chòi trong rừng, không xa
Thế Tôn bao nhiêu.
3) Rồi nhiều ngoại đạo du sĩ đi đến Tôn giả Anuràdha; sau khi đến,
nói lên với Tôn giả Anuràdha những lời chào đón hỏi thăm, sau khi nói
lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu, rồi ngồi xuống một bên.
4) Ngồi xuống một bên, các ngoại đạo du sĩ ấy nói với Tôn giả
Anuràdha:
-- Này Hiền giả Anuràdha, bậc Như Lai ấy là Tối thượng nhân, Tối
thắng nhân, đã đạt được Tối thắng quả, bậc Như Lai ấy, được xem là đã
tuyên bố theo bốn trường hợp: "Như Lai tồn tại sau khi chết; Như lai
không tồn tại sau khi chết; Như Lai tồn tại và không tồn tại sau khi
chết; Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết".
5) Ðược nói vậy, Tôn giả Anuràdha nói với các ngoại đạo du sĩ ấy:
-- Này Chư Hiền, bậc Như Lai, Tối thượng nhân, Tối thắng nhân, bậc đã
đạt được Tối thắng quả, bậc Như Lai ấy được xem là đã tuyên bố ra ngoài
bốn trường hợp như sau: "Như Lai tồn tại sau khi chết; Như Lai không
tồn tại sau khi chết; Như Lai tồn tại và không tồn tại sau khi chết; Như
Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết".
6) Ðược nghe nói vậy, các ngoại đạo du sĩ nói với Tôn giả Anuràdha
như sau:
-- Hoặc là vị Tỷ-kheo này mới tu học, xuất gia không bao lâu. Hay vị
này là vị Trưởng lão, nhưng ngu dốt không có học tập.
7) Rồi các ngoại đạo du sĩ ấy sau khi chỉ trích Tôn giả Anuràdha là
mới tu học, là ngu si, liền từ chỗ ngồi đứng dậy và ra đi.
8) Rồi Tôn giả Anuràdha, sau khi các ngoại đạo du sĩ ấy ra đi không
bao lâu, liền suy nghĩ như sau: "Nếu ngoại đạo du sĩ ấy hỏi ta thêm câu
hỏi nữa, ta phải trả lời như thế nào để khi ta nói với các ngoại đạo du
sĩ ấy, ta nói lên quan điểm của Thế Tôn, ta không xuyên tạc Thế Tôn với
điều không thật, ta có thể trả lời tùy pháp, thuận với Chánh pháp; và ai
là người đồng pháp, nói lên lời thuận với quan điểm của Ngài, sẽ không
tìm được lý do để quở trách".
9) Rồi Tôn giả Anuràdha đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn
rồi ngồi xuống một bên.
10) Ngồi xuống một bên, Tôn giả Anuràdha bạch Thế Tôn:
-- Ở đây, bạch Thế Tôn, con ở trong một cái chòi trong rừng không xa
Thế Tôn bao nhiêu. Rồi bạch Thế Tôn, nhiều ngoại đạo du sĩ đi đến con;
sau khi đến... nói với con như sau: "Này Hiền giả Anuràdha, bậc Như Lai
ấy là Tối thượng nhân, Tối thắng nhân, đã đạt được Tối thắng quả, bậc
Như Lai ấy được xem là đã tuyên bố theo bốn trường hợp: "Như Lai tồn tại
sau khi chết... Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi
chết'".
11) Ðược nói vậy, bạch Thế Tôn, con nói với các ngoại đạo du sĩ ấy
như sau: "Này chư Hiền. .. không tồn tại sau khi chết".
12) Ðược nghe nói vậy, các ngoại đạo du sĩ nói với con: "Hoặc là
Tỷ-kheo này mới học... nhưng ngu dốt, không có học tập".
13) Rồi các ngoại đạo du sĩ ấy sau khi chỉ trích con là mới tu học...
liền từ chỗ ngồi đứng dậy và ra đi.
14) Rồi bạch Thế Tôn, sau khi các ngoại đạo du sĩ ấy ra đi không bao
lâu, con liền suy nghĩ như sau: "Nếu các ngoại đạo du sĩ ấy hỏi ta thêm
câu hỏi nữa, ta phải trả lời như thế nào để khi ta nói với các ngoại đạo
du sĩ ấy, ta nói lên quan điểm của Thế Tôn. Ta không xuyên tạc Thế Tôn
với điều không thật, ta có thể trả lời với tùy pháp, thuận với Chánh
pháp; và ai là người đồng pháp, nói lên lời thuận với quan điểm của
Ngài, sẽ không tìm được lý do để quở trách".
15) Ông nghĩ thế nào, này Anuràdha, sắc là thường hay vô thường?
-- Là vô thường, bạch Thế Tôn.
-- Cái gì vô thường là khổ hay lạc?
-- Là khổ, bạch Thế Tôn.
-- Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, có hợp lý chăng khi quán
cái ấy là: "Cái này là của tôi. Cái này là tôi. Cái này là tự ngã của
tôi"?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
-- Thọ... tưởng... các hành... thức là thường hay vô thường?
-- Là vô thường, bạch Thế Tôn.
-- Cái gì vô thường là khổ hay lạc?
-- Là khổ, bạch Thế Tôn.
-- Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, có hợp lý chăng khi quán
cái ấy là: "Cái này là của tôi. Cái này là tôi. Cái này là tự ngã của
tôi"?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
16-17) -- Do vậy... thấy vậy... "... không còn trở lui trạng thái này
nữa". Vị ấy biết rõ như vậy.
18) Ông nghĩ thế nào, này Anuràdha, Ông có quán: "Sắc là Như Lai
không?"
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
"-- Thọ... tưởng... các hành... thức là Như Lai không?"
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
19) Ông nghĩ thế nào, này Anuràdha, Ông có quán: "Như Lai ở trong sắc
không?"
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
-- Ông có quán: "Như Lai ở ngoài sắc không"?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
-- Ông có quán: "Như lai ở trong thọ... ở ngoài thọ... ở trong
tưởng... ở ngoài tưởng... ở trong các hành... ở ngoài các hành... ở
trong thức không"?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
-- Ông có quán: "Như Lai ở ngoài thức không"?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
-- Ông nghĩ thế nào, này Anuràdha, Ông có quán: "Sắc, thọ, tưởng,
hành, thức là Như Lai không"?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
20) -- Ông nghĩ thế nào, này Anuràdha, Ông có quán: "Cái phi sắc, phi
thọ, phi tưởng, phi hành, phi thức là Như Lai không"?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
21) -- Và ở đây, này Anuràdha, ngay trong hiện tại không tìm được một
Như Lai thường còn, thường trú, thời có hợp lý chăng khi Ông trả lời:
"Này chư Hiền, vị Như Lai nào là bậc Tối thượng nhân, Tối thắng nhân, đã
đạt được quả Tối thắng, bậc Như Lai ấy được xem là đã tuyên bố ra ngoài
bốn trường hợp như sau: "Như Lai tồn tại sau khi chết; Như Lai không
tồn tại sau khi chết; Như Lai tồn tại và không tồn tại sau khi chết; Như
Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết' "?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
22) -- Lành thay, lành thay, này Anuràdha! Trước kia và nay, này
Anuràdha, Ta chỉ tuyên bố khổ và đoạn diệt khổ.
V. Vakkàli (Tạp 47, Ðại 2,346b) (Tăng 19, Ðại 2,642b)
(S.iii,119)
1) Như vầy tôi nghe.
Một thời Thế Tôn trú ở Ràjagaha (Vương Xá), Veluvana (Trúc Lâm), tại
chỗ nuôi dưỡng các con sóc.
2) Lúc bấy giờ, Tôn giả Vakkali trú tại nhà một thợ gốm, đang bị
bệnh, đau đớn, trầm trọng.
3) Rồi Tôn giả Vakkali gọi những người thị giả:
-- Ðến đây, các Hiền giả! Hãy đi đến Thế Tôn; sau khi đến, nhân danh
ta cúi đầu đảnh lễ chân Thế Tôn và thưa: "Bạch Thế Tôn, Tỷ-kheo Vakkali
bị bệnh, đau đớn, trầm trọng; (Vakkali) cúi đầu đảnh lễ chân Thế Tôn và
thưa: "Lành thay, bạch Thế Tôn, Thế Tôn vì lòng từ mẫn hãy đi đến
Tỷ-kheo Vakkali.'"
4) -- Thưa vâng, Hiền giả.
Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Tôn giả Vakkali, đi đến Thế Tôn; sau khi đến
đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, các Tỷ-kheo
ấy bạch Thế Tôn:
-- Tỷ-kheo Vakkali, bạch Thế Tôn, bị bệnh, đau đớn trầm trọng. Vị ấy
cúi đầu đảnh lễ chân Thế Tôn và có thưa như sau: "Lành thay, bạch Thế
Tôn! Thế Tôn vì lòng từ mẫn hãy đi đến Tỷ-kheo Vakkali".
5) Thế Tôn im lặng nhận lời.
6) Rồi Thế Tôn đắp y, cầm y bát, đi đến Tỷ-kheo Vakkali.
7) Tôn giả Vakkali thấy Thế Tôn từ xa đi đến, thấy vậy liền cố gắng
từ giường ngồi dậy.
8) Thế Tôn nói với Tôn giả Vakkali:
-- Thôi Vakkali, Ông chớ có cố gắng từ giường ngồi dậy. Có chỗ ngồi
đã soạn sẵn, Ta sẽ ngồi trên chỗ ngồi ấy.
Rồi Thế Tôn ngồi xuống trên chỗ ngồi đã soạn sẵn.
9) Sau khi ngồi, Thế Tôn nói với Tôn giả Vakkali:
-- Ông có kham nhẫn được không? Ông có chịu đựng được không? Có phải
khổ thọ tổn giảm, không tăng trưởng? Có phải có những dấu hiệu tổn giảm,
không phải tăng trưởng?
-- Bạch Thế Tôn, con không có thể kham nhẫn! Con không có thể chịu
đựng! Khổ thọ kịch liệt tăng trưởng nơi con, không có tổn giảm. Có những
dấu hiệu tăng trưởng, không có tổn giảm.
10) -- Này Vakkali, Ông có gì phân vân, hối hận không?
-- Bạch Thế Tôn, thật sự con có nhiều phân vân, có nhiều hối hận!
11) -- Này Vakkali, Ông có gì tự trách mình về giới luật không?
-- Bạch Thế Tôn, con không có gì tự trách mình về giới luật.
12) -- Này Vakkali, nếu Ông không có gì tự trách mình về giới luật,
vậy Ông có gì phân vân, có gì hối hận?
-- Ðã từ lâu, bạch Thế Tôn, con muốn đến để được thấy Thế Tôn. Nhưng
thân con không đủ sức mạnh để được đến thấy Thế Tôn.
13) -- Thôi vừa rồi, này Vakkali, có gì đáng thấy đối với cái thân
hôi hám này. Này Vakkali, ai thấy Pháp, người ấy thấy Ta. Ai thấy Ta,
người ấy thấy Pháp. Này Vakkali, đang thấy Pháp, là thấy Ta. Ðang thấy
Ta, là thấy Pháp.
14) -- Này Vakkali, Ông nghĩ thế nào, sắc là thường hay vô thường?
-- Là vô thường, bạch Thế Tôn.
-- Cái gì vô thường, là khổ hay là lạc?
-- Là khổ, bạch Thế Tôn.
-- Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, có hợp lý chăng khi quán
cái ấy là: "Cái này là của tôi. Cái này là tôi. Cái này là tự ngã của
tôi"?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
-- Thọ... Tưởng... Các hành... Thức là thường hay vô thường?
-- Là vô thường, bạch Thế Tôn.
-- Cái gì vô thường là khổ hay lạc?
-- Là khổ, bạch Thế Tôn.
-- Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, có hợp lý chăng khi quán
cái ấy là: "Cái này là của tôi. Cái này là tôi. Cái này là tự ngã của
tôi"?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
15-16) -- Do vậy, ở đây... thấy vậy... "... không còn trở lui trạng
thái này nữa". Vị ấy biết rõ như vậy.
17) Rồi Thế Tôn, sau khi giáo giới cho Tôn giả Vakkali với bài giáo
giới này, từ chỗ ngồi đứng dậy và đi đến núi Gijjhakuuta (Linh Thứu).
18) Rồi Tôn giả Vakkali, sau khi Thế Tôn đi không bao lâu, liền gọi
các thị giả:
-- Hãy đến ta, này chư Hiền, hãy nhắc cái giường ta và đi đến tảng đá
đen (kàlasilà), tại sườn núi Isigili (hang của Tiên nhân). Làm sao
người như ta, lại nghĩ đến mệnh chung trong một căn nhà?
19) -- Thưa vâng, Hiền giả.
Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Tôn giả Vakkali, nhắc chiếc giường với Tôn
giả Vakkali đi đến tảng đá đen, tại sườn núi Isigili.
20) Thế Tôn, đêm ấy và ngày còn lại, trú tại núi Gijjhakuuta.
21) Rồi hai vị Thiên, trong khi đêm đã gần tàn, với nhan sắc thù
thắng, chói sáng toàn vùng núi Gijjakuuta, đi đến Thế Tôn... liền đứng
một bên.
22) Ðứng một bên, một vị Thiên bạch Thế Tôn:
-- Tỷ-kheo Vakkali, bạch Thế Tôn, đang có ý nghĩ muốn giải thoát.
23) Vị Thiên khác bạch Thế Tôn:
-- Vị ấy muốn giải thoát, chắc chắn được khéo giải thoát.
24) Chư Thiên ấy nói như vậy xong; sau khi nói vậy, liền đảnh lễ Thế
Tôn, thân bên hữu hướng về Ngài, rồi biến mất tại chỗ.
25) Rồi Thế Tôn, sau khi đêm ấy đã qua, liền gọi các Tỷ-kheo:
-- Hãy đến, này các Tỷ-kheo. Hãy đi đến Tỷ-kheo Vakkali; sau khi đến,
nói với Tỷ-kheo Vakkali như sau: "Này Hiền giả Vakkali, hãy nghe lời
nói của hai vị Thiên nói với Thế Tôn. Này Hiền giả, đêm nay, hai vị
Thiên, sau khi đêm đã gần tàn, với nhan sắc thù thắng, chói sáng toàn
vùng Gijjhakuuta, đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi đứng
một bên. Ðứng một bên, này Hiền giả, một vị Thiên bạch Thế Tôn: "Bạch
Thế Tôn, Tỷ-kheo Vakkali đang có ý nghĩ muốn giải thoát'. Vị Thiên khác
bạch Thế Tôn: "Vị ấy muốn giải thoát, chắc chắn được khéo giải thoát'.
Và Hiền giả Vakkali, Thế Tôn nói với Hiền giả như sau: "Này Vakkali, chớ
có sợ! Này Vakkali, chớ có sợ! Cái chết của Ông sẽ không phải là ác
hạnh, sự mệnh chung không phải ác hạnh!'"
26) -- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn, đi đến Tôn giả Vakkali; sau khi đến,
thưa với Tôn giả Vakkali:
-- Này Hiền giả Vakkali, hãy nghe lời nói của Thế Tôn và hai vị
Thiên.
27) Rồi Tôn giả Vakkali gọi các vị thị giả:
-- Hãy đến, này chư Hiền! Hãy nhắc tôi ra khỏi giường. Làm sao một
người như tôi, có thể nghĩ ngồi trên chỗ ngồi cao để nghe Thế Tôn giảng
dạy.
28) -- Thưa vâng, này Hiền giả.
Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Tôn giả Vakkali, nhắc Tôn giả Vakkali ra khỏi
giường.
29) -- Này Hiền giả, đêm nay, hai vị Thiên, sau khi đêm đã gần tàn...
đứng một bên. Ðứng một bên, này Hiền giả, một vị Thiên bạch Thế Tôn:
"Tỷ-kheo Vakkali, bạch Thế Tôn, đang nghĩ đến tự giải thoát". Vị Thiên
kia bạch Thế Tôn: "Vị ấy, bạch Thế Tôn, muốn giải thoát sẽ được khéo
giải thoát". Và Thế Tôn, này Hiền giả Vakkali, nói với Hiền giả như sau:
"Chớ có sợ, này Vakkali! Chớ có sợ, này Vakkali! Cái chết của Ông không
phải là ác hạnh, sự mệnh chung không phải là ác hạnh!"
30) -- Vậy này chư Hiền, hãy nhân danh ta cúi đầu đảnh lễ chân Thế
Tôn và thưa: "Tỷ-kheo Vakkali, bạch Thế Tôn, bị bệnh, đau đớn, bệnh trầm
trọng! Vị ấy cúi đầu đảnh lễ chân Thế Tôn, và nói như sau: "Sắc là vô
thường, bạch Thế Tôn. Con không có ngờ gì vấn đề này, bạch Thế Tôn! Cái
gì vô thường là khổ, con không có nghi ngờ gì vấn đề này. Cái gì vô
thường, khổ, chịu sự biến hoại, ở đây con không có lòng dục, lòng tham,
lòng ái. Con không có nghi ngờ gì vấn đề này. Thọ là vô thường, bạch Thế
Tôn, con không có nghi ngờ gì vấn đề này. Cái gì vô thường, khổ, chịu
sự biến hoại, ở đây con không có lòng dục, lòng tham, lòng ái. Con không
có nghi ngờ gì vấn đề này. Tưởng là vô thường... Các hành là vô
thường... Thức là vô thường, bạch Thế Tôn, con không có nghi ngờ gì về
vấn
đề này. Cái gì vô thường là khổ, con không có nghi ngờ gì vấn đề này.
Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, ở đây con không có lòng dục,
lòng tham, lòng ái. Con không có nghi ngờ gì về vấn đề này.'"
31) -- Thưa vâng, này Hiền giả.
Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Tôn giả Vakkali rồi ra đi.
32) Tôn giả Vakkali, khi các Tỷ-kheo ấy đi không bao lâu liền đem lại
con dao.
33) Rồi các Tỷ-kheo ấy đi đến Thế Tôn; sau khi đến, liền ngồi xuống
một bên. Ngồi xuống một bên, các Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:
-- Tỷ-kheo Vakkali, bạch Thế Tôn, bị bệnh, đau đớn, bị trọng bệnh. Vị
ấy cúi đầu đảnh lễ chân Thế Tôn, và nói như sau: "Sắc là vô thường,
bạch Thế Tôn, con không có nghi ngờ gì về vấn đề này. Cái gì vô thường
là khổ, con không có nghi ngờ gì về vấn đề này. Cái gì vô thường, khổ,
chịu sự biến hoại, ở đây con không có lòng dục, lòng tham, lòng ái. Con
không có nghi ngờ gì về vấn đề này. Thọ... Tưởng... Các hành... Thức là
vô thường, bạch Thế Tôn, con không có nghi ngờ gì về vấn đề này. Cái gì
vô thường là khổ, con không có nghi ngờ gì về vấn đề này. Cái gì vô
thường, khổ, chịu sự biến hoại, ở đây con không có lòng dục, lòng tham,
lòng ái. Con không có nghi ngờ gì về vấn đề này".
34) Rồi Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo:
-- Này các Tỷ-kheo, chúng ta hãy đi đến Isigili, chỗ tảng đá đen. Ở
đấy, Thiện gia nam tử đem lại con dao.
-- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn.
35) Thế Tôn cùng với số đông Tỷ-kheo đi đến Isigili, chỗ tảng đá đen.
36) Và ở đàng xa, Thế Tôn thấy Tôn giả Vakkali nằm trên giường, với
vai co quắp lại.
37) Lúc bấy giờ, một đám khói đen, một luồng ám khí đi về phía Ðông,
đi về phía Tây, đi về phía Bắc, đi về phía Nam, đi về phía trên, đi về
phía dưới, đi về phía bốn góc.
38) Rồi Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo:
-- Này các Tỷ-kheo, các Ông có thấy đám khói đen ấy, luồng ám khí ấy
đi về phía Ðông... đi về phía bốn góc không?
-- Thưa có, bạch Thế Tôn.
39) -- Ðó là Ác ma, này các Tỷ-kheo, đang đi tìm thức của Thiện nam
tử Vakkali và nói: "thức của Thiện nam tử Vakkali an trú tại chỗ nào?"
40) Nhưng này các Tỷ-kheo, với thức không an trú tại một chỗ nào,
Thiện nam tử Vakkali đã nhập Niết-bàn một cách hoàn toàn!
VI. Assaji (Tạp 27, Ðại 2,267b) (S.iii,124)
1) Một thời Thế Tôn ở Ràjagaha (Vương Xá), Veluvana (Trúc Lâm), tại
chỗ nuôi dưỡng các con sóc.
2) Lúc bấy giờ Tôn giả Assaji trú ở vườn Kassapa, bị bệnh, đau đớn,
trầm trọng.
3) Rồi Tôn giả Assaji gọi các người thị giả:
-- Hãy đến, này chư Hiền! Hãy đi đến Thế Tôn; sau khi đến, nhân danh
ta cúi đầu đảnh lễ Thế Tôn: "Tỷ-kheo Assaji, bạch Thế Tôn, bị bệnh, đau
đớn, trầm trọng, cúi đầu đảnh lễ chân Thế Tôn, và thưa như sau: "Lành
thay, bạch Thế Tôn! Thế Tôn vì lòng từ mẫn hãy đi đến Tỷ-kheo Assaji!'"
4) -- Thưa vâng, Hiền giả!
Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Tôn giả Assaji, đi đến Thế Tôn, sau khi đến,
đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên.
5) Ngồi xuống một bên, các Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:
-- Tỷ-kheo Assaji, bạch Thế Tôn, bị bệnh đau đớn, trầm trọng... Lành
thay, bạch Thế Tôn! Thế Tôn vì lòng từ mẫn hãy đi đến Tỷ-kheo Assaji!
Thế Tôn im lặng nhận lời.
6) Rồi Thế Tôn, vào buổi chiều, từ chỗ tịnh cư đứng dậy, đi đến Tôn
giả Assaji.
7) Tôn giả Assaji thấy Thế Tôn từ xa đi đến, thấy vậy liền cố gắng từ
nơi giường ngồi dậy. Thế Tôn nói với Tôn giả Assaji:
-- Thôi Assaji! Ông chớ có cố gắng từ giường ngồi dậy! Có chỗ ngồi đã
soạn sẵn. Tại chỗ ấy, Ta sẽ ngồi.
9) Thế Tôn ngồi xuống trên chỗ ngồi đã soạn sẵn. Sau khi ngồi, Thế
Tôn nói với Tôn giả Assaji:
10) -- Ông có kham nhẫn được không, này Assaji? Ông có chịu đựng được
không?... Có phải có những dấu hiệu thuyên giảm, không có tăng trưởng?
-- Bạch Thế Tôn, con không có thể kham nhẫn!... Có những dấu hiệu
tăng trưởng, không có thuyên giảm!
11) -- Này Assaji, Ông có phân vân gì, có hối hận gì không?
-- Chắc chắn, bạch Thế Tôn, con có nhiều phân vân, có nhiều hối hận!
12) -- Này Assaji, Ông có điều gì tự trách mình về giới luật hay
không?
-- Bạch Thế Tôn, con không có điều gì tự trách mình về giới luật.
13) -- Này Assaji, nếu Ông không có điều gì tự trách mình về giới
luật, Ông có phân vân gì, có hối hận gì không?
-- Trước đây, bạch Thế Tôn, sau khi cố gắng làm cho lắng xuống cơn
bịnh, con sống với thân hành, do vậy con không chứng được Thiền định.
Dầu cho không chứng được Thiền định, con tự nghĩ: "Ta sẽ không thối
thất".
14) Những Sa-môn hay Bà-la-môn nào kiên trì trong Thiền định, tập
trung trong Thiền định, nếu họ không chứng đắc Thiền định, họ sẽ nghĩ
rằng: "Chúng ta sẽ không thối thất!"
15-21) -- Này Assaji, Ông nghĩ thế nào, sắc là thường hay vô thường?
-- Vô thường, bạch Thế Tôn!... Thức là thường hay vô thường?... do
vậy... thấy vậy... "... không còn trở lui trạng thái này nữa". Vị ấy
biết rõ như vậy.
22) Khi cảm giác lạc thọ, vị ấy biết rõ: "Là vô thường"; vị ấy biết
rõ: "Là không nên đắm trước"; vị ấy biết rõ: "Là không nên hoan hỷ". Khi
cảm giác khổ thọ, vị ấy biết rõ: "Là vô thường"; vị ấy biết rõ: "Là
không nên đắm trước"; vị ấy biết rõ: "Là không nên hoan hỷ". Khi cảm
giác bất khổ bất lạc khổ, vị ấy biết rõ: "Là vô thường"; vị ấy biết rõ:
"Là không nên đắm trước"; vị ấy biết rõ: "Là không nên hoan hỷ".
23) Nếu vị ấy cảm giác lạc thọ, vị ấy cảm thọ không có hệ lụy. Nếu vị
ấy cảm giác khổ thọ, vị ấy cảm thọ không có hệ lụy. Nếu vị ấy cảm giác
bất khổ bất lạc thọ, vị ấy cảm thọ không có hệ lụy.
24) Nếu vị ấy cảm thọ một cảm thọ cùng tận về thân, vị ấy biết rõ:
"Ta đang cảm giác một cảm thọ cùng tận về thân". Nếu vị ấy cảm giác một
cảm thọ cùng tận về sinh mạng, vị ấy biết rõ: "Ta đang cảm giác một cảm
thọ cùng tận về sinh mạng". Vị ấy biết rõ rằng: "Khi thân hoại mạng
chung trên cho đến khi sinh mạng đi đến chỗ cùng tận, ở đây tất cả những
gì vị ấy cảm thọ, tất cả những gì vị ấy hoan hỷ, sẽ trở thành thanh
lương!"
25) Ví như, này Assaji, do duyên dầu, do duyên tim bấc, một cây đèn
dầu được cháy đỏ. Khi dầu và tim bấc của (ngọn đèn) ấy đoạn tận, không
có mang lại nhiên liệu, ngọn đèn ấy sẽ tắt. Cũng vậy, này Assaji,
Tỷ-kheo, khi cảm giác một cảm thọ cùng tận về thân, vị ấy biết rõ: "Ta
đang cảm giác một cảm thọ cùng tận về thân". Khi cảm giác một cảm thọ
cùng tận về sinh mạng, vị ấy biết rõ: "Ta đang cảm giác một cảm thọ cùng
tận về sinh mạng". Sau khi thân hoại mạng chung trên cho đến khi sinh
mạng đi đến chỗ cùng tận, ở đây tất cả những gì vị ấy cảm thọ, tất cả
những gì vị ấy hoan hỷ, sẽ trở thành thanh lương!
VII. Khemaka (Tạp 5, Ðại 2,29c) (S.iii,126)
1) Một thời, nhiều Tỷ-kheo Trưởng lão sống ở Kosambi, tại vườn
Ghosita.
2) Lúc bấy giờ, Tôn giả Khemaka trú tại vườn Badarica, bị bệnh, đau
đớn, bị trọng bệnh.
3) Rồi các Tỷ-kheo Trưởng lão, vào buổi chiều, từ chỗ tịnh cư đứng
dậy và gọi Tôn giả Dàsaka:
-- Hãy đến đây, này Hiền giả Dàsaka! Hãy đi đến Tỷ-kheo Khemaka; sau
khi đến, hãy nói với Tỷ-kheo Khemaka: "Này Hiền giả Khemaka, các Trưởng
lão nói với Hiền giả như sau: "Này Hiền giả, Hiền giả có kham nhẫn được
không? Hiền giả có chịu đựng được không? Có phải khổ thọ tổn giảm không
tăng trưởng? Có phải có những dấu hiệu tổn giảm, không phải tăng
trưởng?'"
4) -- Thưa vâng, chư Hiền.
Tôn giả Dàsaka vâng đáp các Tỷ-kheo ấy, đi đến Tôn giả Khemaka, sau
khi đến, nói với Tôn giả Khemaka:
-- Các Trưởng lão, này Hiền giả Khemaka, nói với Hiền giả như sau:
"Hiền giả có kham nhẫn được không? Này Hiền giả Khemaka... không phải
tăng trưởng?"
5) -- Tôi không có thể kham nhẫn, thưa Hiền giả... tôi không có thể
chịu đựng... có những dấu hiệu tăng trưởng, không phải thuyên giảm!
6) Rồi Tôn giả Dàsaka đi đến các Tỷ-kheo Trưởng lão; sau khi đến,
thưa với các Tỷ-kheo Trưởng lão:
-- Thưa chư Hiền, Tỷ-kheo Khemaka nói như sau: "Tôi không có thể kham
nhẫn, này Hiền giả... có những dấu hiệu tăng trưởng, không phải thuyên
giảm!"
7) -- Hãy đến đây, Hiền giả Dàsaka! Hãy đi đến Tỷ-kheo Khemaka; sau
khi đến, nói với Tỷ-kheo Khemaka như sau: "Này Hiền giả Khemaka, các bậc
Trưởng lão nói với Hiền giả như sau: "Này Hiền giả, Thế Tôn có nói đến
năm thủ uẩn, tức là sắc thủ uẩn, thọ thủ uẩn, tưởng thủ uẩn, hành thủ
uẩn, thức thủ uẩn. Trong năm thủ uẩn này, Tôn giả Khemaka quán có cái gì
là tự ngã hay ngã sở không?'"
8) -- Thưa vâng, chư Hiền.
Tôn giả Dàsaka vâng đáp các Tỷ-kheo Trưởng lão, đi đến Tôn giả
Khemaka, sau khi đến...
-- Các bậc Trưởng lão, này Hiền giả, nói với Hiền giả như sau: "Này
Hiền giả, Thế Tôn có nói đến năm thủ uẩn này, tức là sắc thủ uẩn... thức
thủ uẩn. Trong năm thủ uẩn này, Tôn giả Khemaka quán có cái gì là tự
ngã hay ngã sở không?"
9) -- Thưa Hiền giả, Thế Tôn có nói đến năm thủ uẩn này, tức là sắc
thủ uẩn... thức thủ uẩn. Trong năm thủ uẩn này, này Hiền giả, tôi không
quán cái gì là tự ngã hay ngã sở cả.
10) Rồi Tôn giả Dàsaka đi đến các Tỷ-kheo Trưởng lão; sau khi đến,
nói với các Tỷ-kheo Trưởng lão:
-- Tỷ-kheo Khemaka, thưa chư Hiền, đã nói như sau: "Thưa Hiền giả,
Thế Tôn có nói đến năm thủ uẩn này, tức là sắc thủ uẩn... thức thủ uẩn.
Trong năm thủ uẩn này, này Hiền giả, tôi không quán cái gì là tự ngã hay
ngã sở cả!"
11) -- Hãy đến đây, Hiền giả Dàsaka! Hãy đi đến Tỷ-kheo Khemaka; sau
khi đến, nói với Tỷ-kheo Khemaka như sau: "Các vị Trưởng lão, này Hiền
giả Khemaka, nói với Hiền giả như sau: "Hiền giả Khemaka, Thế Tôn có nói
đến năm thủ uẩn này, tức là sắc thủ uẩn...thức thủ uẩn. Trong năm thủ
uẩn này, nếu Tôn giả Khemaka không quán cái gì là tự ngã hay ngã sở cả,
thời Tôn giả Khemaka là vị A-la-hán, các lậu hoặc đã được đoạn tận"."
12) -- Thưa vâng, chư Hiền giả.
Tôn giả Dàsaka vâng đáp các Tỷ-kheo Trưởng lão, đi đến Tôn giả
Khemaka...
-- Này Hiền giả Khemaka, các bậc Tỷ-kheo Trưởng lão nói với Hiền giả
như sau: "Thưa Hiền giả, Thế Tôn có nói đến năm thủ uẩn này, tức là sắc
thủ uẩn... thức thủ uẩn. Nếu Tôn giả Khemaka, trong năm thủ uẩn này,
không quán cái nào là tự ngã hay ngã sở, thời Tôn giả Khemaka là bậc
A-la-hán, đã đoạn tận các lậu hoặc".
13). .. -- Thưa Hiền giả, Thế Tôn có nói đến năm thủ uẩn này, tức là
sắc thủ uẩn... thức thủ uẩn. Trong năm thủ uẩn này, này Hiền giả, tôi
không quán cái gì là tự ngã hay ngã sở cả. Nhưng tôi không phải là bậc
A-la-hán, đã đoạn tận các lậu hoặc. Và thưa Hiền giả, trong năm thủ uẩn
này, dầu cho tôi có chứng được: "Tôi là", tuy vậy tôi cũng không quán:
"Cái này là tôi".
14) Rồi Tôn giả Dàsaka đi đến Tỷ-kheo Trưởng lão... nói với các
Tỷ-kheo Trưởng lão:
-- Tỷ-kheo Khemaka, thưa chư Hiền, đã nói như sau: "Thưa Hiền giả,
Thế Tôn có nói đến năm thủ uẩn này, tức là sắc thủ uẩn... thức thủ uẩn.
Trong năm thủ uẩn này, thưa Hiền giả, tôi không quán cái gì là ngã hay
là ngã sở. Tuy vậy, tôi không phải là bậc A-la-hán, đã đoạn tận các lậu
hoặc. Và thưa Hiền giả, trong năm thủ uẩn, dầu cho tôi chứng được: "Tôi
là", tuy vậy tôi cũng không quán: "Cái này là tôi".
15) -- Hãy đến đây, Hiền giả Dàsaka! Hãy đi đến Tỷ-kheo Khemaka; sau
khi đến, hãy nói với Tỷ-kheo Khemaka: Thưa Hiền giả Khemaka, các Tỷ-kheo
Trưởng lão nói với Hiền giả như sau: "Này Hiền giả Khemaka, cái mà Hiền
giả nói: "Tôi là", các Hiền giả nói "Tôi là, là cái gì?" Hiền giả nói:
"Tôi là sắc?" Hiền giả nói: "Tôi là khác sắc"?. ..; Hiền giả nói: "Tôi
là thức?"; Hiền giả nói: "Tôi là khác thức?". Này Hiền giả Khemaka, cái
mà Hiền giả nói: "Tôi là", các Hiền giả nói: "Tôi là, là cái gì?""
16) -- Thưa vâng.
Tôn giả Dàsaka vâng đáp các Tỷ-kheo Trưởng lão, đi đến Tôn giả
Khemaka...
17) -- Thôi vừa rồi, Hiền giả Dàsaka chạy qua, chạy lại như thế này
để làm gì? Hãy đem gậy lại đây! Ta sẽ đi đến các Tỷ-kheo Trưởng lão!
18) Rồi Tôn giả Khemaka chống gậy đi đến các Tỷ-kheo Trưởng lão; sau
khi đến, nói lên với các Tỷ-kheo Trưởng lão những lời chào đón hỏi thăm;
sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu, liền ngồi xuống
một bên.
19) Các Tỷ-kheo Trưởng lão nói với Tôn giả Khemaka đang ngồi một bên:
-- Này Hiền giả Khemaka, cái mà Hiền giả nói: "Tôi là", cái mà Hiền
giả nói: "Tôi là", là cái gì? Hiền giả nói: "Tôi là sắc?"; Hiền giả nói:
"Tôi là khác sắc"... "là thọ... là tưởng... là các hành"...; Hiền giả
nói: "Tôi là thức?"; Hiền giả nói: "Tôi là khác thức?"; Này Hiền giả
Khemaka, cái mà Hiền giả nói: "Tôi là", cái mà Hiền giả nói "Tôi là", là
cái gì?
20) -- Thưa chư Hiền, tôi không nói: "Tôi là sắc". Tôi không nói:
"Tôi là khác sắc"... "là thọ... là tưởng... là các hành"... Tôi không
nói: "Tôi là thức". Tôi cũng không nói: "Tôi là khác thức". Dầu rằng,
này các Hiền giả, Tôi có chứng được (tư tưởng): "Tôi là", nhưng tôi
không có quán: "Cái này là tôi".
21) Ví như, này chư Hiền, hương thơm của hoa sen xanh, hay hoa sen
hồng, hay hoa trắng, nếu có người nói: "Hương thuộc về lá hay thuộc về
sắc, hay thuộc về nhụy hoa", nói như vậy có nói đúng không?
-- Thưa không, này Hiền giả.
-- Vậy chư Hiền, trả lời như thế nào là trả lời một cách đúng đắn?
Chư Hiền, hương là của hoa. Trả lời như vậy là trả lời một cách đúng
đắn.
22) Cũng vậy, này chư Hiền, tôi không nói: "Tôi là sắc"; tôi không
nói: "Tôi là khác sắc"... "Tôi là thọ"... "Tôi là tưởng"... "Tôi là các
hành"... Tôi không nói: "Tôi là thức". Tôi không nói: "Tôi là khác
thức". Nhưng này chư Hiền, dầu rằng đối với năm thủ uẩn của tôi được có
này, tôi không có quán: "Cái này là tôi".
23) Dầu cho đối với vị Thánh đệ tử, này chư Hiền, năm hạ phần kiết sử
đã được đoạn tận, nhưng vị ấy còn nghĩ: "Ðối với năm thủ uẩn, vẫn còn
dư tàn tế nhị". Dư tàn kiêu mạn "Tôi là", dư tàn dục "Tôi là', dư tàn
tùy miên "Tôi là' chưa được vị ấy đoạn trừ. Vị ấy sau một thời gian,
sống quán sự sanh diệt trong năm thủ uẩn: "Ðây là sắc, đây là sắc tập
khởi, đây là sắc đoạn diệt. Ðây là thọ... Ðây là tưởng... Ðây là các
hành... Ðây là thức, đây là thức tập khởi, đây là thức đoạn diệt"
24) Vì rằng vị ấy sống, quán sự sanh diệt trong năm thủ uẩn này, các
dư tàn ngã mạn (?) "Tôi là", các dư tàn ngã dục "Tôi là", các dư tàn ngã
tùy miên (?) "Tôi là", mà vị ấy chưa được đoạn trừ, nay đi đến đoạn
tận.
25) Này chư Hiền, ví như một tấm vải nhớp nhúa dính bụi, những người
chủ giao nó cho một người thợ giặt. Người thợ giặt sau khi nhồi nó, đập
nó trong nước muối, hay trong nước tô đã, trong nước phân bò rồi giặt
sạch nó trong nước trong. Dầu cho tấm vải ấy nay được sạch sẽ, trong
trắng, nhưng nó vẫn còn dư tàn mùi muối hay mùi tô đã, hay mùi phân bò.
Người thợ giặt giao lại tấm vải cho những người chủ. Những người chủ đem
bỏ nó vào trong một cái hòm có ướp hương thơm. Như vậy cái dư tàn mùi
muối hay mùi tô đã bay mùi phân bò chưa được đoạn tận, nay được đoạn
trừ.
26-27) Cũng vậy, này chư Hiền, dầu cho vị Thánh đệ tử đã đoạn tận năm
hạ phần kiết sử, nhưng với vị ấy, cái dư tàn trong năm thủ uẩn, dư tàn
ngã mạn "Tôi là", dư tàn ngã dục "Tôi là", dư tàn ngã tùy miên: "Tôi là"
chưa được đoạn trừ. Vị ấy sau một thời gian, sống tùy quán sự sanh diệt
trong năm thủ uẩn: "Ðây là sắc, đây là sắc tập khởi, đây là sắc đoạn
diệt. Ðây là thọ... đây là tưởng... đây là các hành... đây là thức, đây
là thức tập khởi, đây là thức đoạn diệt". Vì rằng vị ấy sống tùy quán sự
sanh diệt trong năm thủ uẩn này nên các dư tàn trong năm thủ uẩn này,
ngã mạn "Tôi là", ngã dục "tôi là", ngã tùy miên "Tôi là" chưa được đoạn
tận nay đi đến đoạn trừ.
28) Khi được nói vậy, các Tỷ-kheo Trưởng lão nói với Tôn giả Khemaka:
-- Không phải chúng tôi vì muốn phiền nhiễu Tôn giả Khemaka mà chúng
tôi hỏi. Nhưng vì chúng tôi nghĩ rằng: " Tôn giả Khemaka có thể giải
đáp, thuyết giảng, trình bày, xác chứng, khai triển, phân tích, hiển lộ
một cách rộng rãi giáo lý của Thế Tôn".
29) Và rồi Tôn giả Khemaka đã giải đáp, thuyết giảng, trình bày, xác
chứng, khai triển, phân tích, hiển lộ một cách rộng rãi giáo lý của Thế
Tôn.
30) Tôn giả Khemaka thuyết giảng như vậy. Các Tỷ-kheo Trưởng lão hoan
hỷ, tín thọ lời Tôn giả Khemaka giảng.
31) Trong khi lời dạy này được nói lên, khoảng sáu mươi Tỷ-kheo được
tâm giải thoát khỏi các lậu hoặc, kể cả Tôn giả Khemaka.
VIII. Channa (Tạp 10, Ðại 2,66b) (S.iii,132)
1) Một thời, nhiều Tỷ-kheo Trưởng lão trú ở Bàrànasi, Isipatana, vườn
Lộc Uyển.
2) Rồi Tôn giả Channa, vào buổi chiều, từ chỗ tịnh cư đứng dậy, cầm
chìa khóa, đi từ tịnh xá này đến tịnh xá khác và nói với các Tỷ-kheo
Trưởng lão:
-- Chư Tôn giả Trưởng lão, hãy giáo giới cho tôi! Chư Tôn giả Trưởng
lão, hãy giảng dạy cho tôi! Chư Tôn giả, hãy thuyết pháp cho tôi để tôi
có thể thấy được pháp.
3) Ðược nói vậy, các vị Tỷ-kheo Trưởng lão nói với Tôn giả Channa:
-- Sắc, này Hiền giả Channa, là vô thường; thọ là vô thường ; tưởng
là vô thường; các hành là vô thường; thức là vô thường. Sắc là vô ngã;
thọ... tưởng... các hành... thức là vô ngã. Tất cả các hành là vô
thường; tất cả các pháp là vô ngã.
4) Rồi Tôn giả Channa suy nghĩ như sau: "Ta cũng suy nghĩ như vầy:
"Sắc là vô thường; thọ... tưởng... các hành... thức là vô thường. Sắc là
vô ngã; thọ... tưởng... các hành... thức là vô ngã. Tất cả các hành là
vô thường; tất cả pháp là vô ngã.'
5) Nhưng tâm của ta không hướng tiến đến sự chỉ tịnh tất cả các hành,
sự từ bỏ tất cả sanh y, sự đoạn diệt khát ái, ly tham, đoạn diệt,
Niết-bàn, không có thoải mái, không có an trú, không có hướng về. Do sự
tham luyến (paritassanà), chấp thủ khởi lên. Tâm ý trở lui lại tư tưởng:
"Có phải tự ngã của ta sinh hoạt?' Như vậy thời ta không thể thấy pháp.
Ai có thể thuyết pháp cho ta để ta có thể thấy pháp?"
6) Rồi Tôn giả Channa suy nghĩ: "Ðây là Tôn giả Ananda, hiện trú ở
Kosambi, tại vườn Ghosita, được bậc Ðạo Sư tán thán và các bậc đồng Phạm
hạnh có trí kính trọng. Tôn giả Ananda có thể thuyết pháp cho ta để ta
có thể thấy pháp. Và cho đến như vậy, ta có lòng tin tưởng đối với Tôn
giả Ananda. Vậy ta hãy đi đến Tôn giả Ananda!"
7) Rồi Tôn giả Channa, sau khi dọn dẹp chỗ nằm của mình, cầm y bát đi
đến Kosambi, vườn Ghosita, chỗ Tôn giả Ananda ở, sau khi đến, nói với
Tôn giả Ananda những lời chào đón hỏi thăm, sau khi nói lên những lời
chào đón hỏi thăm thân hữu, liền ngồi xuống một bên.
8) Ngồi xuống một bên, Tôn giả Channa nói với Tôn giả Ananda:
-- Một thời, này Hiền giả Ananda, tôi ở Bàrànasi, Isipatana, vườn Lộc
Uyển. Rồi vào buổi chiều, này Hiền giả, tôi từ chỗ tịnh cư đứng dậy,
cầm chiếc chìa khóa, đi từ tịnh xá này đến tịnh xá khác, sau khi đến nói
với các Tỷ-kheo Trưởng lão: "Chư Tôn giả Trưởng lão, hãy giáo giới cho
tôi! Chư Tôn giả Trưởng lão, hãy giảng dạy cho tôi! Chư Tôn giả Trưởng
lão, hãy thuyết pháp cho tôi để tôi có thể thấy pháp".
9) Ðược nghe nói vậy, này Hiền giả, các Tỷ-kheo Trưởng lão nói với
tôi: "Sắc, này Hiền giả Channa, là vô thường; thọ... tưởng... các
hành... thức là vô thường. Sắc là vô ngã; thọ... tưởng... các hành...
thức là vô ngã. Tất cả các hành là vô thường; tất cả các pháp là vô
ngã".
10) Về vấn đề ấy, này Hiền giả, tôi suy nghĩ như sau: "Ta cũng suy
nghĩ như vầy: "Sắc là vô thường... thức là vô thường. Sắc là vô ngã,
thọ... tưởng... các hành... thức là vô ngã. Tất cả các hành là vô
thường; tất cả các pháp là vô ngã'.
11) Nhưng tâm của ta không hướng tiến đến sự chỉ tịnh tất cả hành, sự
từ bỏ tất cả sanh y, sự đoạn diệt khát ái, ly tham, đoạn diệt,
Niết-bàn, không có thoải mái, không có an trú, không có hướng về. Do sự
tham luyến, chấp thủ khởi lên. Tâm ý trở lui lại tư tưởng: "Có phải tự
ngã của ta sinh hoạt?' Như vậy thời ta không thể thấy pháp. Ai có thể
thuyết pháp cho ta để ta có thể thấy pháp?"
12) Rồi về vấn đề này, này Hiền giả, tôi suy nghĩ như sau: "Ðây là
Tôn giả Ananda, hiện trú ở Kosambi, tại vườn Ghosita, được bậc Ðạo Sư
tán thán và các bậc đồng Phạm hạnh có trí kính trọng. Tôn giả Ananda có
thể thuyết pháp cho ta để ta có thể thấy pháp! Và cho đến như vậy, ta có
lòng tin tưởng đối với Tôn giả Ananda! Vậy ta hãy đi đến Tôn giả
Ananda".
13) Tôn giả Ananda hãy giáo giới cho tôi! Tôn giả Ananda hãy giảng
dạy cho tôi! Tôn giả Ananda hãy thuyết pháp cho tôi để tôi có thể thấy
pháp.
14) -- Cho đến như vậy, thật sự tôi rất hoan hỷ đối với Tôn giả
Channa. Tôn giả Channa đã làm cho sự việc rõ ràng. Tôn giả Channa đã phá
vỡ chướng ngại. Hãy lóng tai, này Hiền giả Channa! Hiền giả có thể hiểu
được Chánh pháp.
15) Ngay lúc ấy, Tôn giả Channa khởi lên hoan hỷ, hân hoan thù thắng
khi nghe đến: "Ta có thể hiểu được pháp".
16) -- Này Hiền giả Channa, tôi tận mặt nghe Thế Tôn, tận mặt nhận
lãnh từ Thế Tôn lời giáo giới này cho Kaccànaghotta: "Thế giới này dựa
trên hai (quan điểm), này Kaccàna, hiện hữu và không hiện hữu. Ai thấy
như thật với chánh trí tuệ sự tập khởi của thế giới, thì không chấp nhận
là thế giới không hiện hữu! Nhưng này Kaccàna, ai thấy như thật với
chánh trí tuệ sự đoạn diệt của thế giới, thì cũng không chấp nhận là thế
giới có hiện hữu. Thế giới này phần lớn, này Kaccàna, là chấp thủ các
phương tiện và bị trói buộc bởi thành kiến. Với ai không đi đến, không
chấp thủ, không an trú vào chấp thủ các phương tiện, tâm không an trú và
thiên kiến tùy miên, vị ấy không nói: "Ðây là tự ngã của tôi". Với ai
nghĩ rằng: "Cái gì khởi lên là đau khổ, cái gì diệt là đau khổ', vị ấy
không có phân vân, nghi hoặc. Trí ở đây không mượn nhờ người khác. Cho
đến như vậy, này Kaccàna, là chánh trí".
17) ""Tất cả đều có', này Kaccàna, là một cực đoan. "Tất cả đều không
có' là một cực đoan. Không chấp nhận hai cực đoan ấy, này Kaccàna, Như
Lai thuyết pháp một cách trung đạo. Do duyên vô minh, nên hành khởi. Do
duyên hành, nên thức khởi... Như vậy là sự tập khởi của toàn bộ khổ uẩn
này. Do sự ly tham, đoạn diệt vô minh không có dư tàn nên các hành
diệt... Như vậy là sự đoạn diệt của toàn bộ khổ uẩn này".
18) -- Như vậy, này Hiền giả Ananda, là điều sẽ đến với các bậc Tôn
giả nào có được những đồng Phạm hạnh như vậy, những vị có lòng từ mẫn,
những vị muốn sự lợi ích, những vị giáo giới, những vị giảng dạy, nghe
được lời thuyết pháp này từ Tôn giả Ananda, tôi được an trú vững chắc
trong Chánh pháp.
IX. Ràhula (Tạp 1, Ðại 2,5a) (S.iii, 136)
1) Nhân duyên ở Sàvatthi.
2) Rồi Tôn giả Ràhula đi đến Thế Tôn...
3) Ngồi xuống một bên, Tôn giả Ràhula bạch Thế Tôn:
-- Biết như thế nào, bạch Thế Tôn, thấy như thế nào đối với thân có
thức này và đối với tất cả tướng ở ngoài, không có (tư tưởng) ngã kiến,
ngã sở kiến, ngã mạn tùy miên?
4) -- Phàm sắc gì, này Ràhula, thuộc quá khứ, vị lai, hiện tại, hoặc
nội hay ngoại, hoặc thô hay tế, hoặc liệt hay thắng, hoặc xa hay gần;
tất cả pháp cần phải như thật thấy với chánh trí tuệ rằng: "Cái này
không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã
của tôi".
5-8) Phàm thọ gì... tưởng gì... các hành gì... Phàm thức gì, thuộc
quá khứ, vị lai, hiện tại, hoặc nội hay ngoại, hoặc thô hay tế, hoặc
liệt hay thắng, hoặc xa hay gần; tất cả pháp cần phải như thật thấy với
chánh trí tuệ rằng: "Cái này không phải của tôi, cái này không phải là
tôi, cái này không phải tự ngã của tôi".
9) Biết như vậy, này Ràhula, thấy như vậy đối với thân có thức này và
đối với tất cả các tướng ở ngoài, không có (tư tưởng) ngã kiến, ngã sở
kiến, ngã mạn, tùy miên.
X. Ràhula
1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi...
3) Ngồi xuống một bên, Tôn giả Ràhula bạch Thế Tôn:
-- Biết như thế nào, bạch Thế Tôn, thấy như thế nào đối với thân có
thức này và đối với tất cả tướng ở ngoài không có những ý niệm về ngã
kiến, ngã sở kiến, ngã mạn, tùy miên, vượt ngoài kiêu mạn, tịch tịnh,
khéo giải thoát?
4) -- Phàm sắc gì, này Ràhula, thuộc quá khứ, vị lai, hiện tại, hoặc
nội hay ngoại... hoặc xa hay gần; tất cả pháp, sau khi thấy với chánh
trí tuệ là: "Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái
này không phải tự ngã của tôi", thì sẽ được giải thoát, không có chấp
thủ.
5-7) Phàm thọ gì... phàm tưởng gì... phàm các hành gì...
8) Phàm thức gì thuộc quá khứ, vị lai, hiện tại, hoặc nội hay ngoại,
hoặc thô hay tế, hoặc liệt hay thắng, hoặc xa hay gần; tất cả pháp, sau
khi thấy với chánh trí tuệ là: "Cái này không phải của tôi, cái này
không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi", thì sẽ được giải
thoát, không có chấp thủ.
9) Do biết như vậy, này Ràhula, do thấy như vậy, đối với thân có thức
này và đối với tất cả tướng ở ngoài, không có những ý niệm về ngã kiến,
ngã sở kiến, ngã mạn, tùy miên, vượt ngoài kiêu mạn, được giải thoát,
không có chấp thủ.
10) Do biết như vậy, này Ràhula, do thấy như vậy đối với thân có thức
này và đối với tất cả tướng ở ngoài, không có những ý niệm về ngã kiến,
ngã sở kiến, ngã mạn, tùy miên, vượt ngoài kiêu mạn, tịch tịnh, khéo
giải thoát.
V. Phẩm Hoa
I. Dòng Sông (Tạp 10, Ðại 2,70a) (S.iii,137)
1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi...
3) -- Ví như, này các Tỷ-kheo, một con sông từ núi cao chảy xuống, từ
xa chảy đến, dòng nước chảy xiết. Trên hai bờ con sông ấy, nếu cỏ lau
kàsà mọc lên, chúng từ bờ rũ xuống; nếu các loại cỏ kàsà mọc lên, chúng
từ bờ rũ xuống; nếu các loại lau babbakjà mọc lên, chúng từ bờ rũ xuống;
nếu các loại cỏ bìranà mọc lên, chúng từ bờ rũ xuống; nếu các loại cây
mọc lên, chúng từ bờ rũ xuống.
4) Và một người bị dòng nước của con sông ấy cuốn trôi, nếu người ấy
nắm lấy cỏ lau kàsà, cỏ này có thể bựt đứt. Do nhân duyên ấy, người ấy
bị rơi vào tai ách khổ nạn. Nếu người ấy nắm lấy loại cỏ kàsà, cỏ này có
thể bựt đứt. Do nhân duyên ấy, người ấy bị rơi vào tai ách khổ nạn. Nếu
người ấy nắm lấy loại lau babbakjà, cỏ này có thể bựt đứt. Do nhân
duyên ấy, người ấy bị rơi vào tai ách khổ nạn. Nếu người ấy nắm lấy các
loại cây, loại cây này có thể bựt đứt. Do nhân duyên ấy, người ấy bị rơi
vào tai ách khổ nạn.
5) Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, kẻ vô văn phàm phu không thấy rõ các
bậc Thánh, không thuần thục pháp các bậc Thánh, không tu tập pháp các
bậc Thánh, không thấy rõ các bậc Chân nhân, không thuần thục pháp các
bậc Chân nhân, không tu tập pháp các bậc Chân nhân, quán sắc như là tự
ngã, hay tự ngã như là có sắc, hay sắc ở trong tự ngã, hay tự ngã ở
trong sắc. Khi sắc ấy của người ấy bị bựt đứt, do nhân duyên ấy, người
ấy bị rơi vào tai ách khổ nạn.
6-8) ... quán thọ... quán tưởng... quán các hành...
9) ...quán thức như là tự ngã, hay tự ngã như là có thức, hay thức ở
trong tự ngã, hay tự ngã ở trong thức. Thức ấy của người ấy bị bựt đứt,
do nhân duyên ấy, người ấy rơi vào tai ách khổ nạn.
10) Các Ông nghĩ thế nào, này các Tỷ-kheo, sắc là thường hay vô
thường?
-- Vô thường, bạch Thế Tôn.
11-14) -- Thọ... Tưởng... Các hành... Thức là thường hay vô thường?
-- Vô thường, bạch Thế Tôn.
15-16) Do vậy... Thấy vậy... "... không còn trở lui trạng thái này
nữa". Vị ấy biết rõ như vậy.
II. Bông Hoa (hay Tăng trưởng) (Tạp 2, Ðại 2,8b) (Siii,113)
1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi...
3) -- Này các Tỷ-kheo, Ta không tranh luận với đời, chỉ có đời tranh
luận với Ta. Này các Tỷ-kheo, người nói Pháp không tranh luận bất cứ với
một ai ở đời.
4) Này các Tỷ-kheo, cái gì người có trí ở đời chấp nhận là "không",
Ta cũng nói là "không". Này các Tỷ-kheo, cái gì người có trí ở đời chấp
nhận là "có", Ta cũng nói là "có".
5) Và này các Tỷ-kheo, cái gì người có trí ở đời chấp nhận là
"không", Ta cũng nói là "không"?
6) Này các Tỷ-kheo, người có trí ở đời không chấp nhận sắc là thường
còn, thường hằng, thường trú, không chịu sự biến hoại, thời Ta cũng nói
là "không".
7-9) Thọ... tưởng... các hành...
10) Người có trí ở đời không chấp nhận thức là thường còn, thường
hằng, thường trú, không chịu sự biến hoại, thời Ta cũng nói là "không".
11) Này các Tỷ-kheo, đây là cái gì ở đời người có trí chấp nhận là
"không", Ta cũng nói là "không".
12) Và này các Tỷ-kheo, cái gì người có trí ở đời chấp nhận là "có",
Ta cũng nói là "có"?
13) Này các Tỷ-kheo, người có trí ở đời chấp nhận sắc là vô thường,
không thường hằng, không thường trú, chịu sự biến hoại, thời Ta cũng nói
là "có" (vậy).
14-16) ... thọ... tưởng... các hành...
17) Này các Tỷ-kheo, người có trí ở đời chấp nhận thức là vô thường,
không thường hằng, không thường trú, chịu sự biến hoại, thời Ta cũng nói
là "có" (vậy).
18) Này các Tỷ-kheo, đây là cái gì người có trí ở đời chấp nhận là vô
thường, không thường hằng, không thường trú, chịu sự biến hoại, thời Ta
cũng nói là "có" (vậy).
19) Ở trong đời, này các Tỷ-kheo, có thế pháp. Thế pháp ấy Như Lai
hoàn toàn chứng ngộ, hoàn toàn chứng tri. Sau khi hoàn toàn chứng ngộ,
hoàn toàn chứng tri, Như Lai tuyên bố, thuyết giảng, trình bày, xác
chứng, khai thị, phân tích, hiển lộ.
20) Này các Tỷ-kheo, thế pháp ở trong đời là gì, thế pháp ấy được Như
Lai chứng ngộ, chứng tri; sau khi chứng ngộ, chứng tri, Ngài tuyên bố,
thuyết giảng, trình bày, xác chứng, khai thị, phân tích, hiển lộ?
21) Sắc, này các Tỷ-kheo, là thế pháp ở trong đời. Thế pháp ấy được
Như Lai chứng ngộ, chứng tri, sau khi chứng ngộ, chứng tri, Ngài tuyên
bố, thuyết giảng, trình bày, xác chứng, khai thị, phân tích, hiển lộ.
Và ai, khi Như Lai tuyên bố, thuyết giảng, trình bày, xác chứng, khai
thị, phân tích, hiển lộ như vậy, (vẫn) không biết, không thấy, thì đối
với người ấy, Ta xem là vô tích sự, là kẻ ngu si, phàm phu, mù lòa,
không có mắt, không có biết, không có thấy.
22-24) Thọ... Tưởng... Các hành...
25) Thức, này các Tỷ-kheo, là thế pháp ở trong đời. Thế pháp ấy được
Như Lai chứng ngộ, chứng tri. Sau khi chứng ngộ, chứng tri, Ngài tuyên
bố, thuyết giảng, trình bày, xác chứng, khai thị, phân tích, hiển lộ. Và
ai, khi Như Lai tuyên bố, thuyết giảng, trình bày, xác chứng, khai thị,
phân tích, hiển lộ như vậy, (vẫn) không biết, không thấy, thì đối với
người ấy, Ta xem là vô tích sự, là kẻ ngu si, phàm phu, mù lòa, không có
mắt, không có biết, không có thấy.
26) Ví như, này các Tỷ-kheo, bông sen xanh, hay bông sen hồng, hay
bông sen trắng sanh ra trong nước, lớn lên trong nước, vươn lên khỏi
nước, và đứng thẳng không bị nước nhiễm ướt.
27) Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Như Lai sanh ra ở trong đời, lớn lên
trong đời, vươn lên khỏi đời, và sống không bị đời ô nhiễm.
III. Bọt Nước (Tạp 10, Ðại 2,86b) (S.iii,114)
1) Một thời Thế Tôn ở Ayujjàya, trên bờ sông Hằng.
2) Ở đấy Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo...
3) -- Ví như, này các Tỷ-kheo, sông Hằng này chảy mang theo đống bọt
nước lớn. Có người có mắt nhìn đống bọt nước ấy, chuyên chú, như lý quán
sát. Do nhìn chuyên chú, như lý quán sát nó, đống bọt nước ấy hiện rõ
ra là trống không, hiện rõ ra là rỗng không, hiện rõ ra là không có lõi
cứng. Làm sao, này các Tỷ-kheo, lại có lõi cứng trong đống bọt nước
được?
4) Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, phàm có sắc gì thuộc quá khứ, vị lai,
hiện tại, hoặc nội hay ngoại, hoặc thô hay tế, hoặc liệt hay thắng, hoặc
xa hay gần; vị Tỷ-kheo thấy sắc, chuyên chú, như lý quán sát sắc. Do vị
Tỷ-kheo nhìn chuyên chú, như lý quán sát sắc, sắc ấy hiện rõ ra là
trống không, hiện rõ ra là rỗng không, hiện rõ ra là không có lõi cứng.
Làm sao, này các Tỷ-kheo, lại có lõi cứng trong sắc được?
5) Ví như, này các Tỷ-kheo, trong mùa thu, khi trời mưa những giọt
mưa lớn, trên mặt nước, các bong bóng nước hiện ra rồi tan biến. Một
người có mắt nhìn chuyên chú, như lý quán sát nó, bong bóng nước ấy hiện
rõ ra là trống không, hiện rõ ra là rỗng không, hiện rõ ra là không có
lõi cứng. Làm sao, này các Tỷ-kheo, lại có lõi cứng trong bong bóng nước
được?
6) Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, phàm có thọ gì thuộc quá khứ, vị lai,
hiện tại, hoặc nội hay ngoại, hoặc thô hay tế, hoặc liệt hay thắng, hoặc
xa hay gần; Tỷ-kheo nhìn chuyên chú, như lý quán sát thọ ấy. Do Tỷ-kheo
nhìn chuyên chú, như lý quán sát nó, thọ ấy hiện rõ ra là trống không,
hiện rõ ra là rỗng không, hiện rõ ra là không có lõi cứng. Làm sao, này
các Tỷ-kheo, lại có lõi cứng trong thọ được?
7) Ví như, này các Tỷ-kheo, trong tháng cuối mùa hạ, vào đúng giữa
trưa đứng bóng, một ráng mặt trời rung động hiện lên. Một người có mắt
nhìn chuyên chú, như lý quán sát nó. Do người ấy nhìn chuyên chú, như lý
quán sát, nên ráng mặt trời ấy hiện rõ ra là trống không, rỗng không,
không có lõi cứng... Làm sao, này các Tỷ-kheo, lại có lõi cứng trong
ráng mặt trời được?
8) Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, phàm có tưởng gì...
9) Ví như, này các Tỷ-kheo, một người cần có lõi cây, tìm cầu lõi
cây, đi tìm lõi cây, cầm cái búa sắc bén đi vào ngôi rừng. Ở đây, người
ấy thấy một cụm cây chuối lớn, mọc thẳng, mới lớn, cao vút. Người ấy
chặt rễ cây ấy. Sau khi chặt rễ, người ấy chặt ngọn. Sau khi chặt ngọn,
người ấy lột vỏ chuối ngoài. Khi lột vỏ chuối ngoài, giác cây còn tìm
không được, tìm đâu cho có được lõi cây?
10) Một người có mắt nhìn chuyên chú, như lý quán sát cụm chuối ấy.
Khi người ấy nhìn chuyên chú, như lý quán sát cụm chuối ấy, cụm chuối ấy
hiện rõ ra là trống không, hiện rõ ra là trống rỗng, hiện rõ ra là
không có lõi cây. Làm sao, này các Tỷ-kheo, lại có lõi cây trong cụm
chuối được?
11) Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, phàm các hành gì thuộc quá khứ, vị
lai, hiện tại, hoặc nội hay ngoại, hoặc thô hay tế, hoặc liệt hay thắng,
hoặc xa hay gần; Tỷ-kheo nhìn chuyên chú, như lý quán sát hành ấy. Khi
người ấy nhìn chuyên chú, như lý quán sát, hành ấy hiện rõ ra là trống
không, hiện rõ ra là trống rỗng, hiện rõ ra là không có lõi cây. Làm
sao, này các Tỷ-kheo, lại có lõi cây trong các hành được?
12) Ví như, này các Tỷ-kheo, một ảo thuật sư hay đệ tử một ảo thuật
sư, tại ngã tư đường bày trò ảo thuật. Một người có mắt nhìn chuyên chú,
như lý quán sát trò ảo thuật ấy. Do người ấy nhìn chuyên chú, như lý
quán sát, ảo thuật ấy hiện rõ ra là trống không, hiện rõ ra là trống
rỗng, hiện rõ ra là không có lõi cứng. Làm sao, này các Tỷ-kheo, lại có
lõi cứng trong ảo thuật được?
13) Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, phàm thức gì thuộc quá khứ, vị lai,
hiện tại... hoặc xa hay gần; Tỷ-kheo nhìn chuyên chú, như lý quán sát,
thức ấy hiện rõ ra là trống không, hiện rõ ra là trống rỗng, hiện rõ ra
là không có lõi cây. Làm sao, này các Tỷ-kheo, lại có lõi cây trong thức
được?
14) Thấy vậy, này các Tỷ-kheo, vị Ða văn Thánh đệ tử nhàm chán đối
với sắc... đối với thọ... đối với tưởng... đối với các hành... nhàm chán
đối với thức. Do nhàm chán, vị ấy ly tham. Do ly tham, vị ấy giải
thoát. Trong sự giải thoát, trí khởi lên: "Ta đã giải thoát... không còn
trở lui trạng thái này nữa". Vị ấy biết rõ như vậy.
15) Thế Tôn thuyết như vậy. Bậc Thiện Thệ sau khi nói như vậy, bậc
Ðạo Sư lại nói thêm:
1) Sắc ví với đống bọt,
Thọ ví bong bóng nước,
Tưởng ví ráng mặt trời,
Hành ví với cây chuối,
Thức ví với ảo thuật,
Ðấng bà con mặt trời,
Ðã thuyết giảng như vậy.
2) Nếu như vậy chuyên chú,
Như lý chơn quán sát,
Như lý nhìn (các pháp),
Hiện rõ tánh trống không.
3) Bắt đầu với thân này,
Bậc Ðại Tuệ thuyết giảng,
Ðoạn tận cả ba pháp,
Thấy sắc bị quăng bỏ.
4) Thân bị quăng, vô tri,
Không thọ, sức nóng, thức,
Bị quăng đi, nó nằm,
Làm đồ ăn kẻ khác.
5) Cái thân liên tục này,
ảo sư, kẻ ngu nói,
Ðược gọi kẻ sát nhân,
Không tìm thấy lõi cây.
6) Hãy quán uẩn như vậy,
Vị Tỷ-kheo tinh cần,
Suốt cả đêm lẫn ngày,
Tỉnh giác, chánh tư niệm.
7) Hãy bỏ mọi kiết sử,
Làm chỗ mình nương tựa,
Sống như lửa cháy đầu,
Cầu chứng cảnh bất động.
IV. Phân Bò (Tạp 10, Ðại 2,67c) (Trang 11, Ðại 1,496a) (Trang
34, Ðại 1,645a) (S.iii,143)
1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi...
3-4) Sau khi ngồi, vị Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:
-- Bạch Thế Tôn, có thể có sắc nào, sắc ấy là thường còn, thường
hằng, thường trú, không chịu sự biến hoại, vĩnh viễn thường hằng, vĩnh
trú như vậy?
5-8) Bạch Thế Tôn, có thể có thọ nào... có thể có tưởng nào... có thể
có các hành nào... có thể có thức nào, thức ấy là thường còn, thường
hằng, thường trú, không chịu sự biến hoại, vĩnh viễn thường hằng, vĩnh
trú như vậy?
9) -- Này Tỷ-kheo, không có sắc nào, sắc ấy là thường còn, thường
hằng, thường trú, không chịu sự biến hoại, vĩnh viễn thường hằng, vĩnh
trú như vậy.
10-13) Này Tỷ-kheo, không có thọ nào... không có tưởng nào... không
có các hành nào... không có thức nào, thức ấy là thường còn, thường
hằng, thường trú, không chịu sự biến hoại, vĩnh viễn thường hằng, vĩnh
trú như vậy.
14) Rồi Thế Tôn lấy tay cầm lên một miếng phân bò và nói với Tỷ-kheo
ấy:
15) -- Này Tỷ-kheo, cho đến được một ngã thể nhỏ như thế này cũng
không thường còn, thường hằng, thường trú, chịu sự biến hoại, không vĩnh
viễn thường hằng, vĩnh trú.
16) Nếu được một ngã thể nhỏ như thế này, này Tỷ-kheo, là thường còn,
thường hằng, thường trú, không chịu sự biến hoại, vĩnh viễn thưòng
hằng, vĩnh trú, thời đời sống Phạm hạnh để chơn chánh đoạn tận khổ đau
không thể trình bày. Vì này Tỷ-kheo, cho đến được một ngã thể nhỏ bé như
thế này cũng không thường còn, thường hằng, thường trú, chịu sự biến
hoại, không vĩnh viễn thường hằng, vĩnh trú; do vậy đời sống Phạm hạnh
để chơn chánh đoạn tận khổ đau có thể trình bày.
17) Thuở xưa, này Tỷ-kheo, Ta là vị vua Sát-đế-lị đã làm lễ quán
đảnh. Khi Ta là vị vua Sát-đế-lị đã làm lễ quán đảnh, Ta có 84.000 đô
thị, và đô thị Kusàvatì là bậc nhất.
18) Này Tỷ-kheo, khi Ta là vị vua Sát-đế-lị đã làm lễ quán đảnh, Ta
có 84.000 cung điện, và cung điện Dhamma là bậc nhất.
19) Này Tỷ-kheo, khi Ta là vị vua Sát-đế-lị đã làm lễ quán đảnh, Ta
có 84.000 trùng các, và là trùng các Mahàvyuuha là bậc nhất.
20) Này Tỷ-kheo, khi Ta là vị vua Sát-đế-lị đã làm lễ quán đảnh, Ta
có 84.000 sàng tọa làm bằng ngà, làm bằng lõi cây, làm bằng vàng, làm
bằng bạc, trải bằng nệm len có lông dài, trải bằng chăn len trắng, trải
bằng chăn len thêu bông, trải nệm bằng da con sơn dương gọi là kadali,
có lầu che phía trên và có gối chân màu đỏ cả hai đầu.
21) Này Tỷ-kheo, khi Ta là vị vua Sát-đế-lị đã làm lễ quán đảnh, Ta
có 84.000 con voi với những trang sức bằng vàng, với những cờ xí bằng
vàng, bao bọc với những lưới bằng vàng, và voi chúa Uposatha là bậc
nhất.
22) Này Tỷ-kheo, khi Ta là vị vua Sát-đế-lị đã làm lễ quán đảnh, Ta
có 84.000 con ngựa với những trang sức bằng vàng, với những cờ xí bằng
vàng, bao bọc với những lưới bằng vàng, và ngựa chúa Valàhaka là bậc
nhất.
23) Này Tỷ-kheo, khi Ta là vị vua Sát-đế-lị đã làm lễ quán đảnh, Ta
có 84.000 cỗ xe, với những trang sức bằng vàng, với những cờ xí bằng
vàng, bao bọc với những lưới bằng vàng, và cỗ xe Vejayanta là bậc nhất.
24) Này Tỷ-kheo, khi Ta là vị vua Sát-đế-lị đã làm lễ quán đảnh, Ta
có 84.000 châu báu, và Ma-ni châu là bậc nhất.
25) Này Tỷ-kheo, khi Ta là... Ta có 84.000 phụ nữ, và hoàng hậu
Subhaddà là bậc nhất.
26) Này Tỷ-kheo, khi Ta là... Ta có 84.000 chư hầu Sát-đế-lị, và Binh
chủ báu là bậc nhất.
27) Này Tỷ-kheo, khi Ta là... Ta có 84.000 con bò cái, với những dây
thừng bằng vải đay mịn màng, và chậu sữa bằng bạc.
28) Này Tỷ-kheo, khi Ta là... Ta có 84.000 áo bằng vải gai tinh tế,
bằng vải lụa tinh tế, bằng vải len tinh tế, bằng vải bông tinh tế.
29) Này các Tỷ-kheo, khi Ta là... Ta có 84.000 dĩa bàn, và trên ấy
các cơm sáng và cơm chiều được dọn lên.
30) Lại nữa, này các Tỷ-kheo, trong 84.000 đô thị ấy, đô thị Ta trú
thời ấy là kinh đô Kusàvatì.
31) Lại nữa, này các Tỷ-kheo, trong 84.000 cung điện ấy, cung điện Ta
trú thời ấy là cung điện Dhamma.
32) Lại nữa, này các Tỷ-kheo, trong 84.000 trùng các ấy, trùng các Ta
trú là trùng các Mahàvyuuha.
33) Lại nữa, này các Tỷ-kheo, trong 84.000 sàng tọa ấy, sàng tọa Ta
thọ dùng thời ấy là sàng tọa bằng ngà, hay bằng lõi cây, hay bằng vàng,
hay bằng bạc.
34) Lại nữa, này các Tỷ-kheo, trong 84.000 con voi ấy, con voi Ta
cưỡi thời ấy là voi chúa Uposatha.
35) Lại nữa, này các Tỷ-kheo, trong 84.000 con ngựa ấy, con ngựa Ta
cưỡi thời ấy là ngựa chúa Valàhaka.
36) Lại nữa, này các Tỷ-kheo, trong 84.000 cỗ xe ấy, cỗ xe Ta cưỡi
thời ấy là cỗ xe Vejayanta.
37) Lại nữa, này các Tỷ-kheo, trong 84.000 phụ nữ ấy, phụ nữ hầu hạ
Ta thời ấy là Khattiyàni hay Velàmikà.
38) Lại nữa, này các Tỷ-kheo, trong 84.000 áo mặc ấy, đôi áo Ta mặc
thời ấy, hoặc bằng vải gai tinh tế, hay bằng lụa tinh tế, hay bằng len
tinh tế, hay bằng vải bông tinh tế.
39) Lại nữa, này các Tỷ-kheo, trong 84.000 dĩa bàn ấy, một dĩa bàn Ta
dùng để ăn một phần (nàlika) cơm, còn dĩa bàn thứ hai, Ta dùng để ăn đồ
ăn tương đương.
40) Như vậy, này các Tỷ-kheo, tất cả các hành ấy là thuộc quá khứ,
đoạn diệt, biến hoại.
41) Như vậy vô thường, này các Tỷ-kheo, là các hành. Như vậy không
thường hằng, này các Tỷ-kheo, là các hành. Như vậy không thường trú, này
các Tỷ-kheo, là các hành.
42) Cho đến như vậy, này các Tỷ-kheo, là vừa đủ để nhàm chán đối với
tất cả hành, là vừa đủ để ly tham, là vừa đủ để giải thoát.
V. Ðầu Ngón Tay (Tăng 14, Ðại 2,617b) (S.iii,147)
1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi...
3) Sau khi ngồi, vị Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:
4) -- Bạch Thế Tôn, có thể có sắc nào là thường còn, thường hằng,
thường trú, không chịu sự biến hoại, vĩnh viễn thường hằng, vĩnh trú như
vậy?
5) Bạch Thế Tôn, có thể có thọ nào...
6) Bạch Thế Tôn, có thể có tưởng nào...
7) Bạch Thế Tôn, có thể có các hành nào...
8) Bạch Thế Tôn, có thể có thức nào, thức ấy là thường còn, thường
hằng, thường trú, không chịu sự biến hoại, vĩnh viễn thường hằng, vĩnh
trú như vậy?
9) -- Này Tỷ-kheo, không có sắc nào, sắc ấy là thường còn, thường
hằng, thường trú, không chịu sự biến hoại, vĩnh viễn thường hằng, vĩnh
trú như vậy.
10-13) Này Tỷ-kheo, không có thọ nào... không có tưởng nào... không
có các hành nào... không có thức nào, thức ấy lại thường còn, thường
hằng, thường trú, không chịu sự biến hoại, vĩnh viễn thường hằng, vĩnh
trú như vậy.
14) Rồi Thế Tôn lấy lên một ít đất trong đầu ngón tay và nói với
Tỷ-kheo ấy:
15) -- Này Tỷ-kheo, cho đến một sắc nhỏ như thế này cũng không thường
còn, thường hằng, thường trú, chịu sự biến hoại, không vĩnh viễn thường
hằng, vĩnh trú.
Nếu một sắc nhỏ như thế này, này Tỷ-kheo, là thường còn, thường hằng,
thường trú, không chịu sự biến hoại, vĩnh viễn thường hằng, vĩnh trú,
thời đời sống Phạm hạnh để chơn chánh đoạn tận khổ đau không thể trình
bày. Nhưng vì rằng, này Tỷ-kheo, cho đến một sắc nhỏ như thế này cũng
không thường còn, thường hằng, thường trú, chịu sự biến hoại, không vĩnh
viễn thường hằng, vĩnh trú, do vậy, đời sống Phạm hạnh để chơn chánh
đoạn tận khổ đau có thể trình bày.
16) Cho đến một thọ nhỏ như thế này, này các Tỷ-kheo, cũng không
thường còn, thường hằng, thường trú, chịu sự biến hoại, không vĩnh viễn,
thường hằng, vĩnh trú. Nếu thọ nhỏ như thế này, này Tỷ-kheo, là thường
còn, thường hằng, thường trú... có thể trình bày.
17) Cho đến một tưởng...
18) Cho đến một hành...
19) Cho đến một thức nhỏ như thế này, này Tỷ-kheo, cũng không thường
còn, thường hằng, thường trú, chịu sự biến hoại, không vĩnh viễn thường
hằng, vĩnh trú. Nếu một thức nhỏ như thế này, này Tỷ-kheo, là thường
còn, thường hằng, thường trú, không chịu sự biến hoại, vĩnh viễn thường
hằng, vĩnh trú, thời đời sống Phạm hạnh để chơn chánh đoạn tận khổ đau
không thể trình bày. Nhưng vì rằng, này Tỷ-kheo, cho đến một thức nhỏ
như thế này cũng không thường còn, thường hằng, thường trú, chịu sự biến
hoại, không vĩnh viễn thường hằng, vĩnh trú, do vậy đời sống Phạm hạnh
để chơn chánh đoạn tận khổ đau có thể trình bày.
20) Ông nghĩ thế nào, này Tỷ-kheo, sắc là thường hay vô thường?
-- Là vô thường, bạch Thế Tôn.
-- Thọ... tưởng... các hành... thức là thường hay vô thường?
-- Là vô thường, bạch Thế Tôn.
21-22) Do vậy, thấy vậy... "... không có trở lui trạng thái này nữa".
Vị ấy biết rõ như vậy.
VI. Thanh Tịnh (hay Biển) (Tạp 18, Ðại 2,69c) (S.iii,149)
1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi...
3) Ngồi một bên, Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:
4) -- Có một sắc nào, bạch Thế Tôn, sắc ấy là thường còn, thường
hằng, thường trú, không chịu sự biến hoại, vĩnh viễn thường hằng, vĩnh
trú không?
5-8) Có một thọ... tưởng... hành... thức nào, bạch Thế Tôn, thức ấy
là thường còn, thường hằng, thường trú, không chịu sự biến hoại, vĩnh
viễn thường hằng, vĩnh trú không?
9) -- Không có một sắc nào, này Tỷ-kheo, sắc ấy là thường còn, thường
hằng, thường trú, không chịu sự biến hoại, vĩnh viễn thường hằng, vĩnh
trú.
10-13) Không có một thọ... một tưởng... các hành... một thức nào,
thức ấy là thường còn, thường hằng, thường trú, không chịu sự biến hoại,
vĩnh viễn thường hằng, vĩnh trú.
VII. Dây Thằng (Hay Dây Buộc) (Tạp 10, Ðại 2,69b) (S.iii,149)
1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi...
3) -- Vô thỉ, này các Tỷ-kheo, là sự luân hồi này. Ðiểm bắt đầu không
thể nêu rõ đối với chúng sanh bị vô minh che đậy, bị khát ái trói buộc,
phải lưu chuyển, luân hồi.
4) Có thể có một thời, này các Tỷ kheo, biển lớn đi đến khô cạn, hoàn
toàn đi đến khô kiệt, không có hiện hữu. Nhưng này các Tỷ kheo, Ta
không có tuyên bố rằng, có sự chấm dứt khổ đau đối với chúng sanh bị vô
minh che đậy, bị khát ái trói buộc, phải lưu chuyển, luân hồi.
5) Có thể có một thời, này các Tỷ-kheo, Sineru(Tu-di), Vua các núi,
đi đến băng hoại, hoại diệt, không có hiện hữu. Nhưng này các Tỷ-kheo,
Ta không có tuyên bố rằng, có sự chấm dứt khổ đau đối với chúng sanh bị
vô minh che đậy, bị khát ái trói buộc, phải lưu chuyển, luân hồi!
6) Có thể có một thời, này các Tỷ-kheo, đại địa đi đến băng hoại,
hoại diệt, không có hiện hữu. Nhưng này các Tỷ-kheo, Ta không có tuyên
bố rằng, có sự chấm dứt khổ đau đối với chúng sanh bị vô minh che đậy,
bị khát ái trói buộc, phải lưu chuyển luân hồi!
7) Ví như, này các Tỷ-kheo, có con chó bị dây thằng trói chặt vào một
cây cột hay cột trụ vững trắc, chạy vòng theo, chạy tròn xung quanh cây
cột ấy hay cột trụ ấy. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, kẻ vô văn phàm phu...
không tu tập pháp các bậc Chân nhân, quán sắc như là tự ngã... quán thọ
như là tự ngã... quán tưởng như là tự ngã... quán các hành như là tự
ngã... quán thức như là tự ngã, hay tự ngã như là có thức, hay thức ở
trong tự ngã, hay tự ngã ở trong thức. Người ấy chạy vòng theo, chạy
tròn xung quanh sắc... thọ... tưởng... các hành... Người ấy chạy vòng
theo, chạy tròn xung quanh thức. Vì rằng người ấy chạy vòng theo, chạy
tròn xung quanh sắc... thọ... tưởng... các hành... người ấy chạy theo
vòng theo, chạy tròn xung quanh thức; người ấy không giải thoát khỏi
sắc, không giải thoát khỏi thọ, không giải thoát khỏi tưởng, không giải
thoát khỏi các hành, không giải thoát khỏi thức, không giải thoát khỏi
sanh, già chết, sầu, bi, khổ, ưu, não. Ta tuyên bố rằng: "Vị ấy không
giải thoát khỏi khổ đau".
8) Nhưng bậc Ða văn Thánh đệ tử, này các Tỷ-kheo, được thấy các bậc
Thánh... khéo tu tập pháp các bậc Chân nhân, không quán sắc như là tự
ngã... không quán thọ... không quán tưởng... không quán các hành...
không quán thức như là tự ngã, hay tự ngã như là có thức, hay thức ở
trong tự ngã, hay tự ngã ở trong thức. Vị ấy không chạy vòng theo, chạy
tròn xung quanh thức. Vị ấy không chạy vòng theo, chạy tròn xung quanh
sắc... thọ... tưởng... các hành... không chạy vòng theo, chạy tròn xung
quanh thức. Vị ấy không chạy vòng theo, chạy tròn xung quanh sắc...
thọ... tưởng... các hành... thức; do không chạy vòng theo, chạy vòng
tròn xung quanh thức, vị ấy được giải thoát khỏi sắc, được giải thoát
khỏi thọ, được giải thoát khỏi tưởng, được giải thoát khỏi các hành,
được giải
thoát khỏi thức, được giải thoát khỏi sanh, già chết, sầu, bi, khổ, ưu,
não. Ta nói: "Vị ấy được giải thoát khỏi đau khổ".
VIII. Dây Thằng (Hay Dây Buộc) (Tạp 10, Ðại 2,69c) (S.iii,151)
1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi...
3) -- Vô thỉ, này các Tỷ-kheo, là sự luân hồi này. Ðiểm bắt đầu không
thể nêu rõ đối với chúng sanh bị vô minh che đậy, bị khát ái trói buộc,
phải lưu chuyển, luân hồi.
4) Ví như, này các Tỷ-kheo, có con chó bị dây thằng trói chặt vào một
cây cột trụ vững chắc. Nếu nó có đi, nó chỉ đi tới cây cột hay cột trụ
ấy. Nếu nó đứng, nó chỉ đứng gần cây cột hay cột trụ ấy. Nếu nó ngồi, nó
chỉ ngồi gần cây cột hay cột trụ ấy. Nếu nó nằm, nó chỉ nằm gần cây cột
hay cột trụ ấy.
5) Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, kẻ vô văn phàm phu quán sắc: "Cái này
là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi", quán thọ... quán
tưởng... quán các hành... quán thức: "Cái này là của tôi, cái này là
tôi, cái này là tự ngã của tôi". Nếu người ấy có đi, người ấy chỉ đi tới
năm thủ uẩn này. Nếu người ấy đứng, người ấy chỉ đứng gần năm thủ uẩn
này. Nếu người ấy ngồi, người ấy chỉ ngồi gần năm thủ uẩn này. Nếu người
ấy nằm, người ấy chỉ nằm gần năm thủ uẩn này.
6) Do vậy, này các Tỷ-kheo, cần phải luôn luôn quán sát tâm của mình
như sau: "Trong một thời gian dài, tâm này bị tham, sân, si nhiễm ô. Do
tâm nhiễm ô, này các Tỷ-kheo, chúng sanh bị nhiễm ô. Do tâm thanh tịnh,
chúng sanh được thanh tịnh".
7) Này các Tỷ-kheo, các Ông có thấy một bức họa gọi là danh họa
không?
-- Thưa có, bạch Thế Tôn.
-- Này các Tỷ-kheo, bức danh họa ấy do tâm tư họa mà thành. Do vậy,
này các Tỷ-kheo, tâm còn đa dạng hơn cả danh họa ấy.
8) Do vậy, này các Tỷ-kheo, cần phải luôn luôn quán sát tâm của mình
như sau: "Trong một thời gian dài, tâm này bị tham, sân, si làm nhiễm ô.
Do tâm nhiễm ô, này các Tỷ-kheo, chúng sanh bị nhiễm ô. Do tâm thanh
tịnh, chúng sanh được thanh tịnh".
9) Này các Tỷ-kheo, Ta không quán thấy một bộ loại nào khác lại đa
dạng như tâm. Như các hữu tình thuộc loại bàng sanh; các hữu tình thuộc
loại bàng sanh ấy, này các Tỷ-kheo, do tâm tư duy (mà thành). Do vậy,
này các Tỷ-kheo, tâm ấy lại đa dạng hơn các hữu tình thuộc loại bàng
sanh ấy.
10) Do vậy, này các Tỷ-kheo, cần phải luôn luôn quán sát tâm của mình
như sau: "Trong một thời gian dài,tâm này bị tham, sân, si làm nhiễm ô.
Do tâm nhiễm ô, này các Tỷ-kheo, chúng sanh bị nhiễm ô. Do tâm thanh
tịnh, chúng sanh được thanh tịnh".
11) Ví như, này các Tỷ-kheo, một người thợ nhuộm hay một họa sĩ, nếu
người ấy có thuốc nhuộm, hay lạc, hay nghệ, hay màu xanh, hay màu đỏ
tía, hay một tấm gỗ khéo bào, hay một bức tường, hay một tấm vải. Người
ấy có thể vẽ hình người đàn bà hay hình người đàn ông với đầy đủ tất cả
chi tiết. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, kẻ vô văn phàm phu, liên tục làm
cho hiện hữu sắc... thọ... tưởng... các hành... liên tục làm cho hiện
hữu thức.
12) Các Ông nghĩ thế nào, này các Tỷ-kheo, sắc là thường hay vô
thường?
-- Vô thường, bạch Thế Tôn.
-- Thọ... tưởng... các hành... thức là thường hay vô thường?
-- Vô thường, bạch Thế Tôn.
13-14) -- Do vậy, này các Tỷ-kheo... Thấy vậy... "... không còn trở
lui trạng thái này nữa". Vị ấy biết rõ như vậy.
IX. Cán Búa (Hay Chiếc Thuyền) (Tạp 10, Ðại 2,67a) (S.iii,152)
1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi...
3) -- Do biết, do thấy, này các Tỷ-kheo, Ta tuyên bố sự đoạn tận các
lậu hoặc, không phải do không biết, do không thấy.
4) Do biết cái gì, thấy cái gì, này các Tỷ-kheo, các lậu hoặc được
đoạn tận? Ðây là sắc, đây là sắc tập khởi, đây là sắc đoạn diệt. Ðây là
thọ... Ðây là tưởng... Ðây là các hành... Ðây là thức. Ðây là thức tập
khởi. Ðây là thức đoạn diệt. Do biết như vậy, do thấy như vậy, này các
Tỷ-kheo, các lậu hoặc được đoạn tận.
5) Này các Tỷ-kheo, như có Tỷ-kheo sống không chí tâm trong sự tu
tập, khởi lên ước muốn như sau: "Mong rằng tâm của ta được giải thoát
khỏi các lậu, hoặc không có chấp thủ!" Tuy vậy, tâm của vị ấy cũng không
giải thoát khỏi các lậu hoặc, không có chấp thủ.
6) Vì sao? Phải nói rằng vì vị ấy không có tu tập. Không có tu tập
cái gì? Không có tu tập Bốn niệm xứ. Không có tu tập Bốn chánh cần.
Không có tu tập Bốn như ý túc. Không có tu tập Năm căn. Không có tu tập
Năm lực. Không có tu tập Bảy bồ, đề phần. Không có tu tập Thánh đạo Tám
ngành.
7) Ví như, này các Tỷ-kheo, có tám, mười hay mười hai trứng gà, không
được con gà mái ấp nằm đúng cách, không được ấp nóng đúng cách, không
được ấp dưỡng đúng cách.
8) Dầu cho con gà mái ấy khởi lên ý muốn: "Mong rằng những con gà con
của ta, với chân, móng và đỉnh đầu, hay với miệng và mỏ, sau khi làm bể
vỏ trứng, được xuất sanh một cách an toàn"; tuy vậy các con gà con ấy
không có thể, với chân, móng, đỉnh đầu hay với miệng và mỏ, sau khi làm
bể vỏ trứng, được xuất sanh một cách an toàn.
9) Vì sao? Này các Tỷ-kheo, tám, mười hay mười hai trứng gà ấy không
được con gà mái ấp nằm một cách đúng đắn, ấp nóng một cách đúng đắn, ấp
dưỡng một cách đúng đắn.
10) Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không chí tâm trong sự tu tập.
Dầu cho vị ấy có khởi lên ý muốn: "Mong rằng tâm ta được giải thoát
khỏi các lậu hoặc, không có chấp thủ"; tuy vậy, tâm vị ấy cũng không
giải thoát khỏi các lậu hoặc, không có chấp thủ.
11) Vì sao? Phải nói rằng, vì vị ấy không có tu tập. Không có tu tập
cái gì? Không có tu tập Bốn niệm xứ... Không có tu tập con đường Thánh
đạo Tám ngành.
12) Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo sống chí tâm trong sự tu tập. Dầu cho vị
ấy không khởi lên ước muốn: "Mong rằng tâm của ta được giải thoát khỏi
các lậu hoặc, không có chấp thủ"; tuy vậy, tâm vị ấy được giải thoát
khỏi các lậu hoặc, không có chấp thủ.
13) Vì sao? Phải nói rằng, vì vị ấy có tu tập. Có tu tập cái gì? Có
tu tập Bốn niệm xứ, có tu tập Bốn chánh cần. Có tu tập Bốn như ý túc. Có
tu tập Năm căn. Có tu tập Năm lực. Có tu tập bảy giác chi. Có tu tập
con đường Thánh đạo Tám ngành.
14) Ví như, này các Tỷ-kheo, có tám, mười hay mười hai trứng gà. Các
trứng ấy được con gà mái ấp nằm một cách đúng đắn, ấp nóng một cách đúng
đắn, ấp dưỡng một cách đúng đắn. Dầu cho con gà mái ấy không khởi lên
ước muốn: "Mong rằng các con gà con của ta, với chân, móng và đỉnh đầu,
hay với miệng và mỏ, sau khi làm bể vỏ trứng, được xuất sanh một cách an
toàn"; tuy vậy, các con gà con ấy có thể với chân, móng và đỉnh đầu,
hay với miệng và mỏ, sau khi làm bể vỏ trứng, được xuất sanh một cách an
toàn.
15) Vì sao? Vì rằng, này các Tỷ-kheo, có tám, mười hay mười hai trứng
gà được con gà mái ấy ấp nằm một cách đúng đắn, ấp nóng một cách đúng
đắn, ấp dưỡng một cách đúng đắn.
16) Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ấy sống chí tâm tu tập. Dầu
cho vị ấy không khởi lên ước muốn: "Mong rằng tâm của ta được giải thoát
khỏi các lậu hoặc, không có chấp thủ"; tuy vậy, tâm của vị ấy vẫn được
giải thoát khỏi các lậu hoặc, không có chấp thủ.
17) Vì sao? Phải nói rằng, vì vị ấy có tu tập. Tu tập cái gì? Có tu
tập Bốn niệm xứ... có tu tập con đường Thánh đạo Tám ngành.
18) Ví như, này các Tỷ-kheo, một người thợ đá hay đệ tử người thợ đá,
khi nhìn vào cán búa thấy dấu các ngón tay và dấu các ngón tay cái. Vị
ấy không có thể biết được như sau: "Hôm nay, từng ấy cán búa của ta bị
hao mòn; hôm nay từng ấy, các ngày khác từng ấy". Nhưng vị ấy biết được
cán búa bị hao mòn trên sự hao mòn của cán búa.
19) Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo chí tâm trong sự tu tập
không có biết như sau: "Hôm nay, từng ấy lậu hoặc của ta được hao mòn,
hôm qua từng ấy, các ngày khác từng ấy". Nhưng vị ấy biết được (các lậu
hoặc) được hao mòn trên sự hao mòn (các lậu hoặc).
20) Ví như, này các Tỷ-kheo, một chiếc thuyền đi biển có đầy đủ cột
buồm và dây buồm, bị mắc cạn sáu tháng do thiếu nước trong mùa khô; các
cột buồm và dây buồm bị gió và mặt trời làm hư hỏng, rồi bị nước mưa đổ
xuống trong mùa mưa, chúng trở thành yếu và hư nát (?).
21) Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo sống chí tâm trong sự tu tập,
các kiết sử rất dễ bị yếu dần và hư nát.
X. Vô Thường Tánh (Hay Tưởng) (Tạp 10, Ðại 2,70c) (S.iii,155)
1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi...
3) -- Do tu tập, làm cho sung mãn vô thường tưởng, tất cả dục tham
được đoạn tận, tất cả sắc tham được đoạn tận, tất cả hữu tham được đoạn
tận, tất cả vô minh được đoạn tận, tất cả ngã mạn được tận trừ.
4) Ví như, này các Tỷ-kheo, một người làm ruộng, vào mùa thu, dùng
một cái cày lớn cắt đứt tất cả rễ mọc trong khi cày. Cũng vậy, này các
Tỷ-kheo, do tu tập, làm cho sung mãn vô thường tưởng, tất cả dục tham
được đoạn tận, tất cả sắc tham được đoạn tận, tất cả hữu tham được đoạn
tận, tất cả vô minh được đoạn tận, tất cả ngã mạn được tận trừ.
5) Ví như, này các Tỷ-kheo, một người cắt cỏ cắt đứt cây cỏ, nắm lấy
đầu ngọn đập lên, đập xuống, đập tả, đập hữu, rồi quăng một bên. Cũng
vậy, này các Tỷ-kheo, do tu tập, làm cho sung mãn vô thường tưởng, tất
cả dục tham được đoạn tận... tất cả ngã mạn được tận trừ.
6) Ví như, này các Tỷ-kheo, khi một chùm xoài bị cắt đứt từ cành,
thời các trái xoài cùng dính vào cành đều bị đứt theo. Cũng vậy, này các
Tỷ-kheo, do tu tập, làm cho sung mãn vô thường tưởng, tất cả dục tham
được đoạn tận... tất cả ngã mạn được tận trừ.
7) Ví như, này các Tỷ-kheo, một ngôi nhà có nóc nhọn, phàm có rui kèo
nào, tất cả đều đi đến nóc nhọn, hướng đến nóc nhọn, quy tụ về nóc
nhọn, và nóc nhọn là tối thượng hơn chúng. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, do
tu tập, làm cho sung mãn vô thường tưởng... tất cả ngã mạn được tận
trừ.
8) Ví như, này các Tỷ-kheo, phàm có những rễ hương gì, hương anusàri
đen là tối thượng. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo... tất cả ngã mạn được tận
trừ.
9) Ví như, này các Tỷ-kheo, phàm có những lõi hương gì, hương
chiên-đàn đỏ là tối thượng. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo... tất cả ngã mạn
được tận trừ.
10) Ví như, này các Tỷ-kheo, phàm có những hoa hương gì, hương
vassika là tối thượng hơn những hương ấy. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo. ..
tất cả ngã mạn được tận trừ.
11) Ví như, này các Tỷ-kheo, phàm có những tiểu vương nào, tất cả
những vua ấy đều tùy thuộc vua Chuyển luân vương. Vua Chuyển luân vương
được gọi là vua tối thượng đối với họ. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo... tất
cả ngã mạn được tận trừ.
12) Ví như, này các Tỷ-kheo, ánh sáng các loại sao gì, tất cả ánh
sáng ấy không bằng một phần mười sáu ánh sáng của mặt trăng. Ánh sáng
mặt trăng được xem là tối thượng trong các ánh sáng ấy. Cũng vậy, này
các Tỷ-kheo... tất cả ngã mạn được tận trừ.
13) Ví như, này các Tỷ-kheo, trong mùa thu, khi trời mở rộng và gột
sạch mây, mặt trời mọc lên trên bầu trời, đuổi sạch tất cả u ám khỏi hư
không, bừng sáng, chói sáng và rực sáng. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, do
tu tập, làm cho sung mãn vô thường tưởng, tất cả dục tham được đoạn tận,
tất cả sắc tham được đoạn tận, tất cả hữu tham được đoạn tận, tất cả vô
minh được đoạn tận, tất cả ngã mạn được tận trừ.
14) Tu tập vô thường tưởng như thế nào, này các Tỷ-kheo, làm cho sung
mãn như thế nào mà tất cả dục tham được đoạn tận... tất cả ngã mạn được
tận trừ?
15) Ðây là sắc; đây là sắc tập khởi; đây là sắc đoạn diệt; đây là
thọ... đây là tưởng... đây là các hành... đây là thức; đây là thức tập
khởi; đây là thức đoạn diệt.
16) Vô thường tưởng được tu tập như vậy, này các Tỷ-kheo, được làm
cho sung mãn như vậy, tất cả dục tham được đoạn tận, tất cả sắc tham
được đoạn tận; tất cả hữu tham được đoạn tận; tất cả vô minh được đoạn
tận; tất cả ngã mạn được tận trừ.
C. Năm Mươi Kinh Sau
I. Phẩm Biên
I. Biên Kinh (Tạp 3, Ðại 2,18b) (S.iii,157)
1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi...
3) -- Có bốn biên này, này các Tỷ-kheo. Thế nào là bốn? Hữu thân
biên, hữu thân tập khởi biên, hữu thân đoạn diệt biên, hữu thân đoạn
diệt đạo biên.
4) Này các Tỷ-kheo, thế nào là thân biên? Phải trả lời là năm thủ
uẩn. Thế nào là năm? Tức là sắc thủ uẩn, thọ thủ uẩn, tưởng thủ uẩn,
hành thủ uẩn thức thủ uẩn. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là năm thủ uẩn.
5) Này các Tỷ-kheo, thế nào là hữu thân tập khởi biên? Chính là khát
ái này, đưa đến tái sanh, câu hữu với hỷ tham, tìm cầu hỷ lạc chỗ này,
chỗ kia. Tức là dục ái, hữu ái, phi hữu ái. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là
hữu thân tập khởi biên.
6) Này các Tỷ-kheo, thế nào là hữu thân đoạn diệt biên? Chính là sự
ly tham, đoạn diệt, không có dư tàn khát ái ấy, sự xả ly, sự từ bỏ, sự
giải thoát, sự thoát ly chấp trước. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là hữu thân
đoạn diệt biên.
7) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hữu thân đoạn diệt đạo biên? Chính
là Thánh đạo Tám ngành, tức là chánh tri kiến, chánh tư duy, chánh ngữ,
chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định. Này
các Tỷ-kheo, đây gọi là hữu thân đoạn diệt đạo biên.
II. Khổ (S.iii,158)
1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi...
3) -- Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ thuyết cho các Ông về Khổ, Khổ tập khởi,
Khổ đoạn diệt, Con đường đưa đến khổ đoạn diệt. Hãy lắng nghe.
4) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Khổ? Phải trả lời là năm thủ uẩn.
Thế nào là năm? Tức là sắc thủ uẩn... thức thủ uẩn. Ðây gọi là Khổ, này
các Tỷ-kheo.
5) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Khổ tập khởi? Chính là khát ái này,
đưa đến tái sanh... phi hữu ái. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là Khổ tập
khởi.
6) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Khổ đoạn diệt? Chính là sự ly tham,
đoạn diệt không dư tàn khát ái ấy, sự xả ly, sự từ bỏ, sự giải thoát,
sự thoát ly chấp trước. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là Khổ đoạn diệt.
7) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Con đường đưa đến khổ đoạn diệt?
Chính là con đường Thánh đạo Tám ngành, tức là chánh tri kiến... chánh
định. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là Con đường đưa đến khổ đoạn diệt.
III. Hữu Thân (Tạp 3, Ðại 2,18b) (S.iii,159)
1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi...
3) -- Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ giảng cho các Ông về hữu thân, hữu thân
tập khởi, hữu thân đoạn diệt, con đường đưa đến hữu thân đoạn diệt. Hãy
lắng nghe.
4) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hữu thân? Phải trả lời rằng chính
là năm thủ uẩn. Thế nào là năm? Tức là sắc thủ uẩn, thọ thủ uẩn, tưởng
thủ uẩn, hành thủ uẩn, thức thủ uẩn. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là hữu
thân.
5) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hữu thân tập khởi? Chính là khát ái
này... Này các Tỷ-kheo, đây gọi là hữu thân tập khởi.
6) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hữu thân đoạn diệt? Chính là sự ly
tham, đoạn diệt không có dư tàn khát ái ấy... sự thoát ly chấp trước.
Này các Tỷ-kheo, đây gọi là hữu thân đoạn diệt.
7) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là con đường đưa đến hữu thân đoạn
diệt? Chính là con đường Thánh đạo Tám ngành, tức là chánh tri kiến...
chánh định. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là con đường đưa đến hữu thân đoạn
diệt.
IV. Sở Biến Tri (Tạp 3, Ðại 2,19a) (S.iii,159)
1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi...
3) -- Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ giảng cho các Ông các pháp cần phải biến
tri, sự biến tri và con người đã biến tri. Hãy lắng nghe.
4) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là pháp cần phải biến tri? Sắc, này
các Tỷ-kheo, là pháp cần phải biến tri. Thọ... tưởng... các hành... thức
là pháp cần phải biến tri. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là các pháp cần
phải biến tri.
5) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là sự biến tri? Sự đoạn tận tham, sự
đoạn tận sân, sự đoạn tận si. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là sự biến tri.
6) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là con người đã biến tri? Cần phải trả
lời là bậc A-la-hán. Bậc Tôn giả này, với tên như vậy, với dòng họ như
vậy. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là con người đã biến tri.
V. Các Sa Môn (S.iii,160)
1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi...
3) -- Có năm thủ uẩn, này các Tỷ-kheo. Thế nào là năm? Tức là sắc thủ
uẩn... thức thủ uẩn.
4) Những vị Sa-môn hay Bà-la-môn nào, này các Tỷ-kheo, không như thật
biết vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của năm thủ uẩn này... như
thật biết rõ...; tự mình chứng ngộ với thượng trí, chứng đạt và an trú.
VI. Các Sa Môn (S.iii,160)
1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi...
3) -- Này các Tỷ-kheo, có năm thủ uẩn này. Thế nào là năm? Tức là sắc
thủ uẩn, thọ thủ uẩn, tưởng thủ uẩn, hành thủ uẩn, thức thủ uẩn.
4-5) Những Sa-môn hay Bà-la-môn nào, này các Tỷ-kheo, không như thật
biết rõ sự tập khởi, sự đoạn diệt, vị ngọt, sự nguy hiểm, sự xuất ly của
năm thủ uẩn này... biết rõ...; tự mình chứng ngộ với thắng trí, chứng
đạt và an trú.
VII. Dự Lưu (S.iii,160)
1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi...
3) -- Này các Tỷ-kheo, có năm thủ uẩn này. Thế nào năm? Tức là sắc
thủ uẩn... thức thủ uẩn.
4) Và khi nào vị Ða văn Thánh đệ tử, này các Tỷ-kheo, như thật biết
rõ sự tập khởi, sự đoạn diệt, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của
năm thủ uẩn này, vị Ða văn Thánh đệ tử ấy, này các Tỷ-kheo, được gọi là
vị Dự lưu, không còn bị thối thất, đã được quyết định, hướng đến Chánh
Ðẳng Giác.
VIII. A-La-Hán (S.iii,161)
1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi...
3) -- Này các Tỷ-kheo, có năm thủ uẩn này. Thế nào là năm? Tức là sắc
thủ uẩn... thức thủ uẩn.
4) Và khi nào vị Tỷ-kheo, này các Tỷ-kheo, như thật biết rõ sự tập
khởi, sự đoạn diệt, vị ngọt, sự nguy hiểm, sự xuất ly của năm thủ uẩn
này, được giải thoát không có chấp thủ. Vị Tỷ-kheo ấy, này các Tỷ-kheo,
được gọi là vị A-la-hán, các lậu hoặc được đoạn tận, Phạm hạnh đã thành,
các việc nên làm đã làm, đã đặt gánh nặng xuống, đã đạt được mục đích,
hữu kiết sử đã được đoạn tận, được giải thoát nhờ chánh trí.
IX. Dục Ðược Ðoạn Trừ (S.iii,161)
1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi...
3) -- Này các Tỷ-kheo, phàm có dục nào, tham nào, hỷ nào, khát ái nào
đối với sắc, hãy đoạn trừ nó. Như vậy sắc ấy sẽ được đoạn trừ, cắt đứt
tận gốc rễ, làm cho như thân cây ta-la, làm cho không thể tái sanh,
không thể sanh khởi lại trong tương lai.
4-6) Ðối với thọ... đối với tưởng... đối với các hành...
7) Này các Tỷ-kheo, phàm có dục nào, tham nào, hỷ nào, khát ái nào
đối với thức, hãy đoạn trừ nó. Như vậy, thức sẽ được đoạn trừ, cắt đứt
tận gốc rễ, làm cho như thân cây ta-la, làm cho không thể tái sanh,
không thể sanh khởi lại trong tương lai.
X. Dục Ðược Ðoạn Trừ (S.iii,161)
1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi...
3) -- Này các Tỷ-kheo, phàm có dục nào, tham nào, hỷ nào, khát ái
nào, phàm có những chấp thủ phương tiện, tâm thủ trước, thiên chấp tùy
miên nào đối với sắc... hãy đoạn trừ chúng. Như vậy, sắc ấy sẽ được đoạn
tận, cắt đứt từ gốc rễ...
4-6)... Ðối với thọ... đối với tưởng... đối với các hành...
7) Này các Tỷ-kheo, phàm có dục nào, tham nào, hỷ nào, khát ái nào,
phàm có những chấp thủ phương tiện, tâm thủ trước, thiên chấp tùy miên
nào đối với thức, hãy đoạn trừ chúng. Như vậy, thức ấy sẽ được đoạn tận,
cắt đứt từ gốc rễ, làm cho như thân cây ta-la, làm cho không thể tái
sanh, không thể sanh khởi lại trong tương lai.
II. Phẩm Thuyết Pháp
I. Vô Minh (Hay Vị Tỷ-kheo) (S.iii,162)
1) Nhân duyên ở Sàvatthi.
2) Rồi một Tỷ-kheo đi đến Thế Tôn...
3) Ngồi xuống một bên, Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:
-- "Vô minh, vô minh", bạch Thế Tôn, như vậy được nói đến. Bạch Thế
Tôn, thế nào là vô minh? Cho đến như thế nào, một người là vô minh?
4-8) -- Ở đây, này các Tỷ-kheo, kẻ vô văn phàm phu không biết rõ sắc,
không biết rõ sắc tập khởi, không biết rõ sắc đoạn diệt, không biết rõ
con đường đưa đến sắc đoạn diệt, không biết rõ thọ... không biết rõ
tưởng... không biết rõ các hành... không biết rõ con đường đưa đến thức
đoạn diệt.
9) Này Tỷ-kheo, đây gọi là vô minh. Và cho đến như vậy, một người là
vô minh.
II. Minh (Hay Vị Tỷ-kheo) (S.iii,163)
1-4) Nhân duyên ở Sàvatthi... Ngồi xuống một bên, vị Tỷ-kheo ấy bạch
Thế Tôn:
-- "Minh, minh", bạch Thế Tôn, như vậy được nói đến. Bạch Thế Tôn,
như thế nào là minh? Cho đến như thế nào, một người là minh?
5) -- Ở đây, này Tỷ-kheo, bậc Ða văn Thánh đệ tử biết rõ sắc, biết rõ
sắc tập khởi, biết rõ sắc đoạn diệt, biết rõ con đường đưa đến sắc đoạn
diệt.
6-8)... biết rõ thọ... biết rõ tưởng... biết rõ các hành... biết rõ
con đường đưa đến thức đoạn diệt.
9) Này Tỷ-kheo, đây gọi là minh. Và cho đến như vậy, một người là
minh.
III. Vị Thuyết Pháp (Tập 3, Ðại 2,5c) (S.iii,163)
1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi...
3) Sau khi ngồi xuống, Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:
-- "Vị thuyết pháp, vị thuyết pháp", bạch Thế Tôn, như vậy được nói
đến. Cho đến như thế nào, được (gọi) là vị thuyết pháp?
4) -- Nếu Tỷ-kheo thuyết pháp về sự nhàm chán, ly tham, đoạn diệt đối
với sắc; như vậy là vừa đủ để được gọi là Tỷ-kheo thuyết pháp. Nếu
Tỷ-kheo đi vào thực hành sự nhàm chán, ly tham, đoạn diệt đối với sắc;
như vậy là vừa đủ để được gọi là Tỷ-kheo thực hành pháp tùy pháp. Nếu
Tỷ-kheo do nhàm chán, ly tham, đoạn diệt đối với sắc, được giải thoát,
không có chấp thủ; như vậy là vừa đủ để được gọi là Tỷ-kheo đã đạt được
Niết-bàn ngay trong hiện tại.
5-7) Nếu Tỷ-kheo đối với thọ... Nếu Tỷ-kheo đối với tưởng... Nếu
Tỷ-kheo đối với các hành...
8) Nếu Tỷ-kheo thuyết pháp về sự nhàm chán, ly tham, đoạn diệt đối
với thức; như vậy là vừa đủ để được gọi là Tỷ-kheo thuyết pháp. Nếu
Tỷ-kheo đi vào thực hành sự nhàm chán, ly tham, đoạn diệt đối với thức;
như vậy là vừa đủ để được gọi là Tỷ-kheo thực hành pháp tùy pháp. Nếu
Tỷ-kheo do nhàm chán, ly tham, đoạn diệt đối với thức, được giải thoát
không có chấp thủ; như vậy là vừa đủ để được gọi là Tỷ-kheo đã đạt được
Niết-bàn ngay trong hiện tại.
IV. Vị Thuyết Pháp (S.iii,164)
1) Nhân duyên ở Sàvatthi.
2) Ngồi xuống một bên, Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:
-- "Vị thuyết pháp, vị thuyết pháp", bạch Thế Tôn, như vậy được nói
đến. Cho đến như thế nào, bạch Thế Tôn, được gọi là vị thuyết pháp? Cho
đến như thế nào, được gọi là vị thực hành pháp tùy pháp? Cho đến như thế
nào, được gọi là vị đã đạt đến Niết-bàn ngay trong hiện tại?
3-4) -- Nếu Tỷ-kheo thuyết pháp về sự nhàm chán, ly tham, đoạn diệt
đối với sắc; như vậy là vừa đủ để được gọi là Tỷ-kheo thuyết pháp. Nếu
Tỷ-kheo đi vào thực hành sự nhàm chán, ly tham, đoạn diệt đối với sắc;
như vậy là vừa đủ để được gọi là Tỷ-kheo thực hành pháp tùy pháp. Nếu
Tỷ-kheo do nhàm chán, ly tham, đoạn diệt đối với sắc, được giải thoát,
không có chấp thủ; như vậy là vừa đủ để được gọi là Tỷ-kheo đã đạt được
Niết-bàn ngay trong hiện tại.
5-7) Nếu Tỷ-kheo đối với thọ... đối với tưởng... đối với các hành...
8) Nếu Tỷ-kheo thuyết pháp về sự nhàm chán, ly tham, đoạn diệt đối
với thức; như vậy là vừa đủ để được gọi là Tỷ-kheo thuyết pháp. Nếu
Tỷ-kheo đi vào thực hành sự nhàm chán, ly tham, đoạn diệt đối với thức;
như vậy là vừa đủ để được gọi là Tỷ-kheo thực hành pháp tùy pháp. Nếu
Tỷ-kheo do nhàm chán, ly tham, đoạn diệt đối với thức, được giải thoát,
không có chấp thủ; như vậy là vừa đủ để được gọi là Tỷ-kheo đã đạt được
Niết-bàn ngay trong hiện tại.
V. Trói Buộc (Tạp 2, Ðại 2,19b) (S.iii,164)
1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi...
3) -- Ở đây, này các Tỷ-kheo, kẻ vô văn phàm phu không thấy rõ các
bậc Thánh... không tu tập pháp các bậc Chân nhân, quán sắc như là tự
ngã, hay tự ngã như là có sắc, hay sắc ở trong tự ngã, hay tự ngã ở
trong sắc. Người như vậy, này các Tỷ-kheo, được gọi là kẻ vô văn phàm
phu, bị trói buộc bởi các trói buộc của sắc, bị trói buộc bởi các trói
buộc nội ngoại, kẻ không thấy bờ bên này, kẻ không thấy bờ bên kia, khi
sanh bị trói buộc, khi chết bị trói buộc, khi đi từ đời này qua đời khác
bị trói buộc.
4-6) ... quán thọ... quán tưởng... quán các hành...
7) Ở đây, này các Tỷ-kheo, kẻ vô văn phàm phu không thấy rõ các bậc
Thánh... không tu tập pháp các bậc Chân nhân, quán thức như là tự ngã,
tự ngã như là có thức, hay thức ở trong tự ngã, hay tự ngã ở trong thức.
Người như vậy, này các Tỷ-kheo, được gọi là kẻ vô văn phàm phu, bị trói
buộc bởi các trói buộc của thức, bị trói buộc bởi các trói buộc của nội
ngoại, kẻ không thấy bờ bên này, kẻ không thấy bờ bên kia, khi sanh bị
trói buộc, khi chết bị trói buộc, khi đi từ đời này qua đời khác bị trói
buộc.
8) Còn vị Ða văn Thánh đệ tử, này các Tỷ-kheo, thấy rõ các bậc
Thánh... tu tập pháp các bậc Chân nhân, không quán sắc như là tự ngã,
hay tự ngã như là có sắc, hay sắc ở trong tự ngã, hay tự ngã ở trong
sắc. Người như vậy, này các Tỷ-kheo, được gọi là vị Ða văn Thánh đệ tử,
không bị trói buộc bởi các trói buộc của sắc, không bị trói buộc bởi các
trói buộc nội ngoại, vị đã thấy bờ bên này, vị đã thấy bờ bên kia. Ta
nói, vị ấy được giải thoát hoàn toàn khỏi đau khổ.
9-11) ... Ðối với thọ... với tưởng.... với các hành...
12) ... không quán thức như là tự ngã, hay tự ngã như là có thức, hay
thức ở trong tự ngã, hay tự ngã ở trong thức. Vị như vậy, này các
Tỷ-kheo, được gọi là vị Ða văn Thánh đệ tử, không bị trói buộc bởi sự
trói buộc của thức, không bị trói buộc bởi sự trói buộc nội ngoại; vị đã
thấy bờ bên này, đã thấy bờ bên kia. Ta nói, vị ấy đã giải thoát hoàn
toàn khỏi đau khổ.
VI. Gỉải Thoát (Tạp 2, Ðại 2,19c) (S.iii,165)
1) Nhân duyên ở Sàvatthi.
2) -- Các Ông nghĩ thế nào, này các Tỷ-kheo? Các Ông có quán sắc:
"Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi"?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
-- Lành thay! Này các Tỷ-kheo, các Ông cần phải như thật quán với
chánh trí tuệ: "Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi,
cái này không phải tự ngã của tôi".
3-5) ... thọ... tưởng... các hành...
6) ... các Ông có quán thức: "Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái
này là tự ngã của tôi"?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
-- Lành thay! Này các Tỷ-kheo, các Ông phải như thật quán thức với
chánh trí tuệ: "Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi,
cái này không phải tự ngã của tôi".
7) Do thấy vậy, này các Tỷ-kheo, vị ấy biết rõ: "... không còn trở
lui trạng thái này nữa".
VII. Gỉải Thoát (Tạp 2, Ðại 2,19c) (S.iii,166)
1) Nhân duyên ở Sàvatthi.
2) -- Các Ông nghĩ thế nào, này các Tỷ-kheo, các Ông có quán sắc:
"Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không
phải tự ngã của tôi"?
-- Thưa có, bạch Thế Tôn.
-- Lành thay! Này các Tỷ-kheo, các Ông cần phải như thật quán sắc với
chánh trí tuệ: "Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi,
cái này không phải tự ngã của tôi".
3-5) ... thọ... tưởng... các hành...
6) ... các Ông có quán thức: "Cái này không phải của tôi, cái này
không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi"?
-- Thưa có, bạch Thế Tôn.
-- Lành thay! Này các Tỷ-kheo, các Ông cần phải như thật quán thức
với chánh trí tuệ: "Cái này không phải của tôi, cái này không phải là
tôi, cái này không phải tự ngã của tôi".
7) Do thấy vậy, này các Tỷ-kheo, vị ấy biết rõ: "... không còn trở
lui trạng thái này nữa".
VIII. Kiết Sử (S.iii,166)
1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi...
3) -- Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ thuyết cho các Ông về các pháp bị trói
buộc và sự trói buộc. Hãy lắng nghe.
4) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là các pháp bị trói buộc? Thế nào là
sự trói buộc? Sắc, này các Tỷ-kheo, là pháp bị trói buộc. Dục và tham
đối với sắc là sự trói buộc của sắc.
5-7) ... Thọ... Tưởng... Các hành...
8) Thức, này các Tỷ-kheo, là pháp bị trói buộc. Dục và tham đối với
thức là sự trói buộc của thức.
9) Này các Tỷ-kheo, các pháp này, này các Tỷ-kheo, được gọi là các
pháp bị trói buộc. Ðây là sự trói buộc.
IX. Chấp Thủ (S.iii,167)
1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi...
3) -- Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ thuyết giảng cho các Ông về các pháp bị
chấp thủ và sự chấp thủ. Hãy lắng nghe.
4) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là các pháp bị chấp thủ? Thế nào là sự
chấp thủ? Sắc, này các Tỷ-kheo, là pháp bị chấp thủ. Dục và tham đối
với sắc là sự chấp thủ đối với sắc.
5-7) ... Thọ... Tưởng... Các hành...
8) Thức, này các Tỷ-kheo, là pháp bị chấp thủ. Dục và tham đối với
thức là sự chấp thủ đối với thức.
9) Này các Tỷ-kheo, các pháp này, được gọi là các pháp bị chấp thủ.
Ðây là sự chấp thủ.
X. Vị Giữ Giới (Tạp 10, Ðại 2,65b) (S.iii,167)
1) Một thời, Tôn giả Sàriputta (Xá-lợi-phất) và Tôn giả Mahà Kotthika
trú ở Bàrànasi (Ba-la-nại), tại Isipatana (Chư Tiên đọa xứ), vườn Lộc
Uyển.
2-3) Rồi Tôn giả Mahà Kotthika, vào buổi chiều, từ Thiền tịnh đứng
dậy, đi đến Tôn giả Sàriputta... thưa như sau:
-- Thưa Hiền giả Sàriputta, những pháp gì Tỷ-kheo giữ giới cần phải
như lý tác ý?
4) -- Này Hiền giả Kotthika, Tỷ-kheo giữ giới cần phải như lý tác ý
năm thủ uẩn là vô thường, khổ, bệnh hoạn, ung nhọt, mũi tên, bất hạnh,
ốm đau, người lạ, hủy hoại, rỗng không, vô ngã.
5) Thế nào là năm? Tức là sắc thủ uẩn, thọ thủ uẩn, tưởng thủ uẩn,
hành thủ uẩn, thức thủ uẩn. Này Hiền giả Kotthika, vị Tỷ-kheo giữ giới
cần phải như lý tác ý năm thủ uẩn là vô thường, khổ, bệnh hoạn, ung
nhọt, mũi tên, bất hạnh, ốm đau, người lạ, hủy hoại, rỗng không, vô ngã.
6) Này Hiền giả, sự kiện này xảy ra: Tỷ-kheo giữ giới do như tác ý
năm thủ uẩn này là vô thường... vô ngã, có thể chứng được quả Dự lưu.
7) -- Với Tỷ-kheo đã chứng quả Dự lưu, này Hiền giả Sàriputta, những
pháp gì cần phải như lý tác ý?
8-9) -- Với Tỷ-kheo đã chứng quả Dự lưu, này Hiền giả Kotthika, cần
phải như lý tác ý năm thủ uẩn này là vô thường... vô ngã. Sự kiện này có
thể xảy ra, này Hiền giả, Tỷ-kheo Dự lưu, do như lý tác ý năm thủ uẩn
này là vô thường... vô ngã, có thể chứng được quả Nhứt lai.
10) -- Nhưng Tỷ-kheo Nhứt lai, này Hiền giả Sàriputta, phải như lý
tác ý các pháp gì?
11) -- Tỷ-kheo Nhứt lai, này Hiền giả Kotthika, phải như lý tác ý năm
thủ uẩn này là vô thường... vô ngã. Sự kiện này có thể xảy ra, này Hiền
giả, Tỷ-kheo Nhứt lai, do như lý tác ý năm thủ uẩn này là vô thường...
vô ngã, có thể chứng được quả Bất lai.
12) -- Nhưng Tỷ-kheo Bất lai, này Hiền giả Sàriputta, cần phải như lý
tác ý những pháp gì?
13-15) -- Tỷ-kheo Bất lai, này Hiền giả Kotthika, cần phải như lý tác
ý năm thủ uẩn này là vô thường... vô ngã. Sự kiện này có thể xảy ra,
này Hiền giả, Tỷ-kheo Bất lai, do như lý tác ý năm thủ uẩn này là vô
thường... vô ngã, có thể chứng được quả A-la-hán.
16) -- Nhưng vị A-la-hán, này Hiền giả Sàriputta, cần phải như lý tác
ý các pháp gì?
17) -- Vị A-la-hán, này Hiền giả Kotthika, cần phải như lý tác ý năm
thủ uẩn này là vô thường, khổ, bệnh hoạn, ung nhọt, mũi tên, bất hạnh,
ốm đau, người lạ, hủy hoại, rỗng không, vô ngã.
18) Với vị A-la-hán, này Hiền giả, không có gì phải làm nữa, hay
không có phải thêm gì nữa trong công việc làm. Nhưng sự tu tập, làm cho
sung mãn những pháp này sẽ đưa đến hiện tại lạc trú và chánh niệm tỉnh
giác.
XI. Vị Có Nghe (S.iii,169)
(Hoàn toàn như kinh trước, chỉ thay thế vị có nghe cho vị giữ giới ).
XII. Kappa (Tạp 1, Ðại 2,4c) (S.iii,169)
1) Nhân duyên ở Sàvatthi.
2) Rồi Tôn giả Kappa đi đến Thế Tôn...
3) Ngồi xuống một bên, Tôn giả Kappa bạch Thế Tôn:
-- Do biết như thế nào, do thấy như thế nào, bạch Thế Tôn, đối với
thân có thức này và đối với tất cả tướng ở ngoài, lại không có (tư
tưởng) ngã kiến, ngã sở kiến, ngã mạn?
4) -- Phàm có sắc gì, này Kappa, thuộc quá khứ, vị lai, hiện tại,
hoặc nội hay ngoại, hoặc thô hay tế, hoặc thắng hay liệt, hoặc xa hay
gần; tất cả sắc ấy cần phải như thật quán với chánh trí tuệ là: "Cái này
không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự
ngã của tôi".
5-7) Phàm có thọ gì... tưởng gì... các hành gì...
8) Phàm có thức gì, này Kappa, thuộc quá khứ, vị lai, hiện tại, hoặc
nội hay ngoại, hoặc thô hay tế, hoặc liệt hay thắng, hoặc xa hay gần;
tất cả thức cần phải như quán với chánh trí tuệ là: "Cái này không phải
của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi".
9) Do biết như vậy, do thấy như vậy, này Kappa, đối với thân có thức
này, và đối với tất cả tướng ở ngoài, không có (tư tưởng) ngã kiến, ngã
sở kiến, ngã mạn.
XIII. Kappa (S.iii,170)
1) Nhân duyên ở Sàvatthi.
2) Ngồi xuống một bên, Tôn giả Kappa bạch Thế Tôn:
-- Do biết như thế nào, thấy như thế nào, bạch Thế Tôn, đối với thân
có thức này và đối với tất cả tướng ở ngoài, tâm ý không còn các tư
tưởng ngã kiến, ngã sở kiến, ngã mạn, vượt qua kiêu mạn, tịch tịnh, khéo
giải thoát?
3) -- Phàm có sắc gì, này Kappa, thuộc quá khứ, vị lai, hiện tại...
tất cả sắc, sau khi như thật quán với chánh trí tuệ là: "Cái này không
phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của
tôi", được giải thoát, không có chấp thủ.
4-6) Phàm có thọ gì... tưởng... các hành...
7) Phàm có thức gì, này Kappa, thuộc quá khứ, vị lai, hiện tại, hoặc
nội hay ngoại, hoặc thô hay tế, hoặc liệt hay thắng, hoặc xa hay gần;
tất cả thức, sau khi như thật quán với chánh trí tuệ là: "Cái này không
phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của
tôi", được giải thoát, không có chấp thủ.
8) Do biết như vậy, thấy như vậy, này Kappa, đối với thân có thức
này, và trong tất cả tướng ở ngoài, tâm ý không có (các tư tưởng) ngã
kiến, ngã sở kiến, ngã mạn, vượt ngoài kiêu mạn, khéo giải thoát.
III. Phẩm Vô Minh
I. Tập Pháp (Tạp 10, Ðại 2,64b) (S.iii,171)
1) Nhân duyên ở Sàvatthi.
2) Rồi một Tỷ-kheo đi đến Thế Tôn; sau khi đến...
3) Ngồi xuống một bên, Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:
-- "Vô minh, vô minh", bạch Thế Tôn, được nói đến như vậy. Bạch Thế
Tôn, thế nào là vô minh? Và cho đến như thế nào được gọi là vô minh?
4) -- Ở đây, này Tỷ-kheo, kẻ vô văn phàm phu, không như thật biết rõ:
"Sắc chịu sự tập khởi" là sắc chịu sự tập khởi, không như thật biết rõ:
"Sắc chịu sự đoạn diệt" là sắc chịu sự đoạn diệt, không như thật biết
rõ: "Sắc chịu sự tập khởi và đoạn diệt" là sắc chịu sự tập khởi và đoạn
diệt.
5-7) ... "Thọ... Tưởng... Các hành..".
8) ... không như thật biết rõ: "Thức chịu sự tập khởi" là thức chịu
sự tập khởi, không như thật biết rõ: "Thức chịu sự đoạn diệt" là thức
chịu sự đoạn diệt, không như thật biết rõ: "Thức chịu sự tập khởi và
đoạn diệt" là thức chịu sự tập khởi và đoạn diệt.
9) Như vậy, này Tỷ-kheo, gọi là vô minh. Cho đến như vậy được gọi là
vô minh.
10) Khi được nói vậy, Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:
-- "Minh, minh", bạch Thế Tôn, được nói đến như vậy. Thế nào là minh,
bạch Thế Tôn? Cho đến như thế nào được gọi là minh?
11) -- Ở đây, bậc Ða văn Thánh đệ tử như thật biết rõ: "Sắc chịu sự
tập khởi" là sắc chịu sự tập khởi, như thật biết rõ: "Sắc chịu sự đoạn
diệt" là sắc chịu sự đoạn diệt, như thật biết rõ: "Sắc chịu sự tập khởi
và đoạn diệt" là sắc chịu sự tập khởi và đoạn diệt.
12-14) ... "Thọ... Tưởng... Các hành..".
15) ... Như thật biết rõ: "Thức chịu sự tập khởi" là thức chịu sự tập
khởi, như thật biết rõ: "Thức chịu sự đoạn diệt" là thức chịu sự đoạn
diệt, như thật biết rõ: "Thức chịu sự tập khởi và đoạn diệt" là thức
chịu sự tập khởi và đoạn diệt.
16) Như vậy, này Tỷ-kheo, được gọi là minh, cho đến như vậy được gọi
là minh.
II. Tập Pháp (S.iii,172)
1) Một thời, Tôn giả Sàriputta và Tôn giả Mahà Kotthika trú ở
Bàrànasi, tại Isipatana, vườn Lộc Uyển.
2) Rồi Tôn giả Mahà Kotthika, vào buổi chiều, từ Thiền tịnh đứng
dậy...
3) Ngồi xuống một bên, Tôn giả Mahà Kotthika thưa với Tôn giả
Sàriputta:
-- "Vô minh, vô minh", thưa Hiền giả Sàriputta, được nói đến như vậy.
Thế nào là vô minh, thưa Hiền giả Sàruputta? Cho đến như thế nào được
gọi là vô minh?
(... như kinh trên).
III. Tập Pháp (S.iii,173)
1-2) Một thời, Tôn giả Sàriputta và Tôn giả Mahà Kotthika trú ở
Bàrànasi (Ba-la-nại), Isipatana (Chư Tiên đọa xứ), tại vườn Lộc Uyển.
3) Ngồi xuống một bên, Tôn giả Mahà Kotthika thưa với Tôn giả
Sàriputta:
-- "Minh, minh", thưa Tôn giả Sàriputta, được nói đến như vậy. Thế
nào là minh, thưa Hiền giả Sàriputta? Cho đến như thế nào được gọi là
minh?
(... như kinh trên).
IV. Vi Ngọt
1-2) Tại Bàrànasi, Isipatana, vườn Lộc Uyển...
3) Ngồi xuống một bên, Tôn giả Mahà Kotthika thưa với Tôn giả
Sàriputta:
-- "Vô minh, vô minh", thưa Hiền giả Sàriputta, được nói đến như vậy.
Thế nào là vô minh, thưa Hiền giả? Và cho đến như thế nào được gọi là
vô minh?
4) -- Ở đây, này Hiền giả, kẻ vô văn phàm phu không như thật biết rõ
vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của sắc.
5-7) ... thọ... tưởng... các hành...
8) ... không như thật biết rõ vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của
thức.
9) Ðây là vô minh, này Hiền giả. Cho đến như vậy được gọi là vô minh.
V. Vị Ngọt (S.iii,174)
1-2) Tại Bàrànasi, Isipatana, vườn Lộc Uyển...
3) -- "Minh, minh", này Hiền giả Sàriputta, được nói đến như vậy. Thế
nào là minh, thưa Hiền giả? Như thế nào được gọi là minh?
4-8) Ở đây, này Hiền giả, bậc Ða văn Thánh đệ tử như thật biết rõ vị
ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của sắc... của thọ... của tưởng... của
các hành... như thật biết rõ vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của
thức.
9) Ðây gọi là vô minh, này Hiền giả. Cho đến như vậy được gọi là vô
minh.
VI. Tập Khởi (S.iii,174)
1-2) Bàrànasi, Isipatana, vườn Lộc Uyển...
3) -- "Vô minh, vô minh", thưa Hiền giả Sàriputa, được nói đến là như
vậy. Và thế nào là vô minh, thưa Hiền giả? Cho đến như thế nào được gọi
là vô minh?
4) -- Ở đây, này Hiền giả, kẻ vô văn phàm phu không như thật biết rõ
sự tập khởi, sự đoạn diệt, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của sắc.
5-7) ... thọ... tưởng... các hành...
8) ... không như thật biết rõ sự tập khởi, sự đoạn diệt, vị ngọt, sự
nguy hiểm và sự xuất ly của thức.
9) Như vậy, này Hiền giả, được gọi là vô minh. Cho đến như vậy được
gọi là vô minh.
VII. Tập Khởi (S.iii,174)
1-2) Bàrànasi, Isipatana, vườn Lộc Uyển...
3) Ngồi xuống một bên, Tôn giả Mahà Kotthika thưa với Tôn giả
Sàriputta:
-- "Minh, minh" thưa Hiền giả Sàriputta, được nói đến như vậy. Thế
nào là minh, thưa Hiền giả? Cho đến như thế nào được gọi là minh?
4) -- Ở đây, thưa Hiền giả, bậc Ða văn Thánh đệ tử như thật biết rõ
sự tập khởi, sự đoạn diệt, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của sắc.
5-7) ... thọ... tưởng... các hành...
8) ... như thật biết rõ sự tập khởi, sự đoạn diệt, vị ngọt, sự nguy
hiểm và sự xuất ly của thức.
9) Như vậy được gọi là minh, này Hiền giả. Cho đến như vậy được gọi
là minh.
VIII. Kotthika (S.iii,175)
1) Bàrànasi, Isipatana, Migadàya.
2) Tôn giả Sàriputta vào buổi chiều...
3) Ngồi xuống một bên, Tôn giả Sàriputta nói với Tôn giả Kotthika:
-- "Vô minh, vô minh", này Hiền giả Kotthika, được nói đến như vậy.
Thế nào là vô minh, thưa Hiền giả? Cho đến như thế nào, được gọi là vô
minh?
4) -- Ở đây, này Hiền giả, kẻ vô văn phàm phu không như thật biết rõ
vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của sắc.
5-7) ... thọ... tưởng... các hành...
8) ... không như thật biết rõ vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của
thức.
9) Như vậy gọi là vô minh, thưa Hiền giả. Cho đến như vậy được gọi là
vô minh.
10) Khi được nói vậy, Tôn giả Sàriputta và nói với Tôn giả Kotthika:
-- "Minh, minh", thưa Hiền giả Kotthika, được nói đến như vậy. Thế
nào là minh, thưa Hiền giả? Cho đến như thế nào, được gọi là minh?
11) -- Ở đây, thưa Hiền giả, vị Ða văn Thánh đệ tử như thật biết rõ
vị ngọt, sự nguy hiểm, và sự xuất ly của sắc.
12-14) ... thọ... tưởng... các hành...
15) ... như thật biết rõ vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của
thức.
16) Như vậy, này Hiền giả, được gọi là minh. Cho đến như vậy được gọi
là minh.
IX. Kotthika (S.iii,175)
1) ... Bàrànasi, Isipatana, Migadàya.
2-3) -- "Vô minh, vô minh", thưa Hiền giả Kotthika, được nói đến như
vậy. Thế nào là vô minh, thưa Hiền giả? Cho đến như thế nào được gọi là
vô minh?
4) -- Ở đây, này Hiền giả, kẻ vô văn phàm phu không như thật biết rõ
sự tập khởi, sự đoạn diệt, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của sắc.
5-7) ... thọ... tưởng... các hành...
8) ... không như thật biết rõ sự tập khởi, sự đoạn diệt, vị ngọt, sự
nguy hiểm và sự xuất ly của thức.
9) Như vậy, này Hiền giả, được gọi là vô minh. Cho đến như vậy được
gọi là vô minh.
10) Ðược nói vậy, Tôn giả Sàriputta nói với Tôn giả Kotthika:
-- "Minh, minh", thưa Hiền giả Kotthika, được nói đến như vậy. Thế
nào là minh, thưa Hiền giả? Cho đến như thế nào được gọi là minh?
11) -- Ở đây, này Hiền giả, bậc Ða văn Thánh đệ tử như thật biết rõ
sự tập khởi, sự đoạn diệt, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của sắc.
12-14) ... thọ... tưởng... các hành...
15) ... như thật biết rõ sự tập khởi, sự đoạn diệt, vị ngọt, sự nguy
hiểm và sự xuất ly của thức.
16) Như vậy, này Hiền giả, được gọi là minh. Cho đến như vậy, được
gọi là minh.
X. Kotthika (S.iii,176)
1-2) Nhân duyên như trên.
3) Ngồi xuống một bên, Tôn giả Sàriputta nói với Tôn giả Kotthika:
-- "Vô minh, vô minh", thưa Hiền giả Kotthika, được nói đến như vậy.
Và thế nào là vô minh, thưa Hiền giả? Cho đến như thế nào, được gọi là
vô minh?
4) -- Ở đây, thưa Hiền giả, kẻ vô văn phàm phu không như thật biết rõ
sắc, không biết rõ sắc tập khởi, không biết rõ sắc đoạn diệt, không
biết rõ con đường đưa đến sắc đoạn diệt.
5-7) ... thọ... tưởng... các hành...
8) ... không biết rõ thức, không biết rõ thức tập khởi, không biết rõ
thức đoạn diệt, không biết rõ con đường đưa đến thức đoạn diệt.
9) Như vậy, này Hiền giả, được gọi là vô minh. Cho đến như vậy được
gọi là vô minh.
10) Khi được nói vậy, Tôn giả Sàriputta nói với Tôn giả Kotthika:
-- "Minh, minh", thưa Hiền giả Kotthika, được nói đến như vậy. Thế
nào là minh, thưa Hiền giả? Cho đến như thế nào, được gọi là minh?
11)-- Ở đây, này Hiền giả, bậc Ða văn Thánh đệ tử như thật biết rõ
sắc, biết rõ sắc tập khởi, biết rõ sắc đoạn diệt, biết rõ con đường đưa
đến sắc đoạn diệt.
12-14) ... thọ... tưởng... các hành...
15) ... biết rõ thức, biết rõ thức tập khởi, biết rõ thức đoạn diệt,
biết rõ con đường đưa đến thức đoạn diệt.
16) Như vậy, này Hiền giả, được gọi là minh. Cho đến như vậy được gọi
là minh.
IV. Phẩm Than Ðỏ
I. Than Ðỏ Hực (S.iii,177)
1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi...
3) -- Sắc là than đỏ, này các Tỷ-kheo! Thọ là than đỏ! Tưởng là than
đỏ! Các hành là than đỏ! Thức là than đỏ!
4) Thấy vậy, này các Tỷ-kheo, bậc Ða văn Thánh đệ tử nhàm chán đối
với sắc, nhàm chán đối với thọ, nhàm chán đối với tưởng, nhàm chán đối
với các hành, nhàm chán đối với thức.
5) Do nhàm chán nên ly tham, do ly tham nên giải thoát. Trong sự giải
thoát, trí khởi lên: "Ta đã được giải thoát". Vị ấy biết rõ: "Sanh đã
tận, Phạm hạnh đã thành, các việc nên làm đã làm, không còn trở lui
trạng thái này nữa".
II. Vô Thường (S.iii,177)
1) Nhân duyên ở Sàvatthi.
2) -- Cái gì vô thường, này các Tỷ-kheo, ở đây các Ông cần phải đoạn
trừ lòng dục. Này các Tỷ-kheo, cái gì là vô thường?
3) Này các Tỷ-kheo, sắc là vô thường.
4-6) ... Thọ... Tưởng... Các hành...
7) Thức là vô thường, ở đây, các Ông cần phải đoạn trừ lòng dục.
8) Cái gì vô thường, này các Tỷ-kheo, ở đây các Ông cần phải đoạn trừ
lòng dục.
III. Vô Thường
(Như kinh trên, chỉ khác là tham (ràga) thay thế cho dục (chanda).
IV. Vô Thường
(Như kinh trên, chỉ khác là cả dục và tham ).
V-VI-VII. Khổ (1,2,3)
(Như kinh trên, chỉ khác là khổ thay thế cho vô thường ).
VIII-IX-X. Vô Ngã (1,2,3)
(Như kinh trên, chỉ khác là vô ngã thay thế cho khổ ).
XI. Thiện Nam Tử Khổ (Tạp 2, Ðại 2,12a) (S.iii,179)
1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi...
3) -- Ðối với vị thiện nam tử vì lòng tin xuất gia, này các Tỷ-kheo,
đây là thuận pháp (anudhammam): Hãy sống nhàm chán nhiều đối với sắc...
đối với thọ... đối với tưởng... đối với các hành, hãy sống nhàm chán
nhiều đối với thức.
4) Ai sống nhàm chán nhiều đối với sắc... đối với thọ... đối với
tưởng... đối với các hành, ai sống nhàm chán nhiều đối với thức thời sẽ
biến tri sắc... thọ... tưởng... các hành, biến tri thức.
5) Vị nào biến tri sắc, biến tri thọ, biến tri tưởng, biến tri các
hành, biến tri thức, thời được giải thoát khỏi sắc, được giải thoát khỏi
thọ, được giải thoát khỏi tưởng, được giải thoát khỏi các hành, được
giải thoát khỏi thức, được giải thoát khỏi sanh, già, chết, sầu, bi,
khổ, ưu, não. Ta nói vị ấy được giải thoát khỏi đau khổ.
XII. Thiện Nam Tử Khổ
(Như kinh trên, chỉ khác là "thấy vô thường" thay thế "sống nhàm
chán").
XIII. Thiện Nam Tử Khổ
(Như kinh trên, ở đây chỉ khác là "thấy vô ngã" ).
V. Phẩm Kiến
I. Nội (Tạp 7, Ðại 2,43b) (S.iii,180)
1-2) Ở Sàvatthi...
3) -- Do có cái gì, này các Tỷ-kheo, do chấp thủ cái gì, nội lạc, khổ
khởi lên?
4) -- Bạch Thế Tôn, đối với chúng con, các pháp lấy Thế Tôn làm căn
bản...,...
5) -- Này các Tỷ-kheo, do có sắc, do chấp thủ sắc, nội lạc, khổ khởi
lên.
6-8)... thọ... tưởng... các hành...
9) Do có thức, do chấp thủ thức, nội lạc, khổ khởi lên.
10) Các Ông nghĩ thế nào, này các Tỷ-kheo, sắc là thường hay vô
thường?
-- Vô thường, bạch Thế Tôn.
-- Cái gì vô thường là khổ hay lạc?
-- Là khổ, bạch Thế Tôn.
-- Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, nếu không chấp thủ cái
ấy, nội lạc, khổ có thể khởi lên không?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
11-13) ... Thọ... Tưởng... Các hành...
14) -- Thức là thường hay vô thường?
-- Vô thường, bạch Thế Tôn.
-- Cái gì vô thường là khổ hay lạc?
-- Là khổ, bạch Thế Tôn.
-- Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, nếu không chấp thủ cái
ấy, thời nội lạc, khổ có thể sanh khởi không?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
15) Do thấy vậy... "... không còn trở lui trạng thái này nữa".
II. Cái Này Là Của Tôi (Tạp 7, Ðại 2,43a) (S.iii,181)
1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi...
3) -- Này các Tỷ-kheo, do có cái gì, do chấp thủ cái gì, do thiên
chấp cái gì mà quán: "Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự
ngã của tôi"?
4) -- Bạch Thế Tôn, đối với chúng con, các pháp lấy Thế Tôn làm căn
bản...
5-9) -- Này các Tỷ-kheo, do có sắc, do chấp thủ sắc, do thiên chấp
sắc... do có thức, do chấp thủ thức, do thiên chấp thức nên quán: "Cái
này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi".
10) Các Ông nghĩ thế nào, này các Tỷ-kheo, sắc là thường hay vô
thường?
-- Vô thường, bạch Thế Tôn...
-- Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, có nên chấp thủ cái ấy,
và quán cái ấy là: "Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự
ngã của tôi"?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
11-13) ... Thọ... Tưởng... Các hành...
14) -- Thức là thường hay vô thường?
-- Vô thường, bạch Thế Tôn.
-- Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, có nên chấp thủ cái ấy
và quán cái ấy là: "Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự
ngã của tôi"?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
15) Do thấy vậy... vị ấy biết rõ... "... không còn trở lui trạng thái
này nữa".
III. Ngã (Tạp 7, Ðại 2,43c) (S.iii,182)
1-3) Nhân duyên ở Sàvatthi...
-- Này các Tỷ-kheo, do có cái gì, do chấp thủ cái gì, do thiên chấp
cái gì, tà kiến này khởi lên: "Cái này là ngã, cái này là thế giới, cái
này sau khi chết sẽ thường còn, thường hằng, thường trú, không chịu sự
biến hoại"?
4) -- Ðối với chúng con, các pháp lấy Thế Tôn làm căn bản...
5) -- Này các Tỷ-kheo, do có sắc, chấp thủ sắc, thiên chấp sắc nên
khởi lên tà kiến như sau: "Cái này là ngã, cái này là thế giới, cái này
sau khi chết sẽ thường còn, thường hằng, thường trú, không chịu sự biến
hoại".
6-9) ... thọ... tưởng... các hành...
10) Do có thức, chấp thủ thức, thiên chấp thức nên khởi lên tà kiến
như sau: "Cái này là ngã, cái này là thế giới, cái này sau khi chết sẽ
thường còn, thường hằng, thường trú, không chịu sự biến hoại".
-- Các Ông nghĩ thế nào, này các Tỷ-kheo, sắc là thường hay vô
thường?
-- Là vô thường, bạch Thế Tôn.
-- Cái gì vô thường là khổ hay lạc?
-- Là khổ, bạch Thế Tôn.
-- Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, có nên chấp thủ cái ấy,
và khởi lên tà kiến như sau: "Cái này là ngã, cái này là thế giới, cái
này sau khi chết sẽ trở thành thường còn, thường hằng, thường trú, không
chịu sự biến hoại"?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
11-14) ... Thọ... Tưởng... Các hành... Thức là thường hay vô thường?
-- Là vô thường, bạch Thế Tôn?
-- Cái gì vô thường là khổ hay lạc?
-- Là khổ, bạch Thế Tôn.
-- Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, có nên chấp thủ cái ấy,
và khởi lên tà kiến như sau: "Cái này là ngã, cái này là thế giới, cái
này sau khi chết sẽ thường còn, thường hằng, thường trú, không chịu sự
biến hoại"?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
15) Do thấy vậy... vị ấy biết rõ... "... không còn trở lui trạng thái
này nữa".
IV. Và Nếu Không Phải Của Tôi (S.iii,183)
1) Nhân duyên ở Sàvatthi.
2) -- Do có cái gì, này các Tỷ-kheo, do chấp thủ cái gì tà kiến như
sau sanh khởi: "Nếu trước không có ta, thời đã không có của ta. Nếu sẽ
không có ta, thời sẽ không có của ta"?
3) -- Ðối với chúng con, bạch Thế Tôn, các pháp lấy Thế Tôn làm căn
bản...
4) -- Này các Tỷ-kheo, do có sắc, chấp thủ sắc, thiên chấp sắc nên tà
kiến này khởi lên: "Nếu trước không có ta, thời đã không có của ta. Nếu
sẽ không có ta, thời sẽ không có của ta".
5-7) ... thọ... tưởng... các hành...
8) Do có thức, chấp thủ thức, thiên chấp thức nên tà kiến này khởi
lên: "Nếu trước không có ta, thời đã không có của ta. Nếu sẽ không có
ta, thời sẽ không có của ta".
9) Các Ông nghĩ thế nào, này các Tỷ-kheo, sắc là thường hay vô
thường?
-- Vô thường, bạch Thế Tôn.
-- Cái gì vô thường là khổ hay lạc?
-- Là khổ, bạch Thế Tôn.
-- Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, có nên chấp thủ cái ấy,
và khởi lên tà kiến như sau: "Nếu trước không có ta, thời đã không có
của ta. Nếu sẽ không có ta, thời sẽ không có của ta"?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
10-13) ... Thọ... Tưởng... Các hành... Thức là thường hay vô thường?
-- Là vô thường, bạch Thế Tôn.
-- Cái gì vô thường là khổ hay lạc?
-- Là khổ, bạch Thế Tôn.
-- Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, có nên chấp thủ cái ấy,
và khởi tà kiến như sau: "Nếu trước không có ta, thời đã không có của
ta. Nếu sẽ không có ta, thời sẽ không có của ta"?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
Do thấy vậy... vị ấy biết rõ... "... không còn trở lui trạng thái này
nữa".
V. Tà Kiến (S.iii,184)
1-3) Nhân duyên ở Sàvatthi...
-- Này các Tỷ-kheo, do có cái gì, do chấp thủ gì, do thiên chấp gì,
tà kiến khởi lên?
4) -- Ðối với chúng con, bạch Thế Tôn, các pháp lấy Thế Tôn làm căn
bản...
5) -- Này các Tỷ-kheo, do có sắc, có chấp thủ, do thiên chấp sắc,
khởi lên tà kiến.
6-9)... thọ... tưởng... các hành...
Do có thức, có chấp thủ thức, do thiên chấp thức nên khởi lên tà
kiến.
10) Các Ông nghĩ thế nào, này các Tỷ-kheo, sắc là thường hay vô
thường?
-- Là vô thường, bạch Thế Tôn.
-- Cái gì vô thường là khổ hay lạc?
-- Là khổ, bạch Thế Tôn.
-- Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, có nên chấp thủ cái ấy,
và khởi lên tà kiến không?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
11-14) ... Thọ... Tưởng... Các hành... Thức là thường hay vô thường?
-- Là vô thường, bạch Thế Tôn.
-- Cái gì vô thường là khổ hay lạc?
-- Là khổ, bạch Thế Tôn.
-- Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, có nên chấp thủ cái ấy,
và khởi lên tà kiến không?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
Do thấy vậy... vị ấy biết rõ... "... không còn trở lui trạng thái này
nữa".
VI. Hữu Thân
(Giống như kinh trước, chỉ thế "hữu thân" cho "tà kiến").
VII. Ngã Kiến
(Giống như kinh trước, chỉ thế "ngã kiến" (attànuditthi) cho "hữu
thân").
VIII. Thiên Kiến
(Giống như kinh trước, chỉ thế bị trói buộc, thiên chấp kiết sử
cho ngã kiến).
IX. Thiên Kiến
(Giống như kinh trước, chỉ thêm: Sự tham trước về sự trói buộc,
thiên chấp các kiết sử).
X. Ananda (S.iii,187)
1) Nhân duyên ở Sàvatthi...
2) Rồi Tôn giả Ananda đi đến Thế Tôn; sau khi đến... bạch Thế Tôn:
3) -- Lành thay, bạch Thế Tôn! Thế Tôn hãy thuyết pháp vắn tắt cho
con, để sau khi nghe pháp, con sống một mình an tịnh, không phóng dật,
nhiệt tâm, tinh cần.
4) -- Ông nghĩ thế nào, này Ananda, sắc là thường hay vô thường?
-- Là vô thường, bạch Thế Tôn.
-- Cái gì vô thường là khổ hay lạc?
-- Là khổ, bạch Thế Tôn.
-- Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, có hợp lý chăng nếu quán
cái ấy là: "Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này tự ngã của
tôi"?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
5-8) -- Thọ... Tưởng... Các hành... Thức là thường hay vô thường?
-- Là vô thường, bạch Thế Tôn.
-- Cái gì vô thường là khổ hay lạc?
-- Là khổ, bạch Thế Tôn.
-- Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, có hợp lý chăng khi quán
cái ấy là: "Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của
tôi"?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
9) Do thấy vậy... vị ấy biết rõ... "... không còn trở lui trạng thái
này nữa".