- Ðức Phật Lịch Sử (The Historical Buddha)
- H.W. Schumann (1982)
M. O'C. Walshe dịch sang Anh ngữ (1989)
Nguyên Tâm Trần Phương Lan dịch Việt (1997)
Chương II (tt)
CHÍNH THỐNG GIÁO Ở BENARES ÐỐI LẬP PHONG TRÀO SA-MÔN KHẤT SĨ
Ngay thời đức Phật tại thế, Benares đã lừng danh là nơi đặc biệt nhiều ân sủng cho những ai đi tìm cứu rỗi dù không bằng với mức độ như sau này ở thời Ấn giáo. Nhiều người tin rằng lễ tắm ở sông Hằng tại Benares đặc biệt mang tính cứu độ linh thiêng, và các người chết được hỏa thiêu trên các bến sông (ghats) trong thành phố sẽ đi thẳng lên thiên giới tạo cho nơi này một bầu không khí thần thánh.
Danh từ Vàrànasì hay Bàrànasì, từ đó phát xuất tên Banàras hay Benares ngày nay, là do tên hai con sông Varunà (Barnà) và Asi, về mùa khô, sông Asi chỉ là một dòng nước nhỏ. Thành phố Benares nằm giữa hai miệng sông trên tả ngạn (bờ tây) sông Hằng. Hữu ngạn (bờ đông) sông Hằng ở Benares trước tiên chảy từ nam ra bắc, rồi rẽ hướng đông bắc, là vùng không trồng trọt, chỉ là một dãi đất rộng đen xám bị nước vùi sâu vào thời gió mùa. Người ta tin là ai chết trên bờ đông con sông đối diện thành phố này sẽ tái sanh làm con lừa!
Truyền thống cho rằng Benares xưa là kinh đô thật ít mang tính thuyết phục. Thành phố này có vẻ đã phát triển từ một giang cảng chuyển tàu thuyền mọc lên ở góc sông Varunà và sông Hằng giao lưu, phía đông bắc cầu Malavìya ngày nay, nơi đó hàng hóa được tháo ra từ các ghe xuồng nhỏ trên sông Varunà đưa đến các thuyền lớn trên sông Hằng. Tại đây và Bến Hoàng Gia (Ràj Ghàt) kế cận, các nhà khảo cổ đã khám phá di tích nhiều tòa nhà đá tối cổ của thành phố, từ thế kỷ thứ sáu trước CN, đúng vào thời đức Phật. Trung tâm thương mại của thành phố nằm khoảng 2km phía tây nam trên một ngọn đồi, tương ứng với vùng Chauk (Chowk) ngày nay. Ðồi này cao khoảng 40km trên mực nước sông và bảo vệ dân chúng khỏi bị nạn lụt mà phần lớn thành phố dọc các bờ sông phải chịu đựng hằng năm.
Ngay từ thời cổ đại, Benares đã nổi tiếng về các loại gỗ tốt. Vải vóc, tơ lụa tinh xảo và hạng thêu gấm dày thường dệt chen sợi vàng rất lừng danh và được khách hàng ưa chuộng khắp tiểu lục địa này. Người nào có sáng kiến cần thiết trong thương mại và một số vốn để đầu tư, ứng tiền trước mua vải sợi và cung cấp mẫu thời trang cho đám thợ dệt làm ra hàng mới rồi lo việc xuất cảng bán sản phẩm có thể làm giàu to. Ðiều này chắc hẳn là cách phụ thân chàng Yasa đã trở thành vị phú thương xưa kia.
Một vài ngành kỹ nghệ và kinh doanh có liên hệ đến vai trò tôn giáo của thành phố này là việc sản xuất các thứ bình bằng đất và đồng dành cho lễ rảy nước thánh, việc buôn hương trầm và nhiên liệu dành cho lễ tế thần lửa, lễ hỏa thiêu, cùng các súc vật hiến tế và làm tràng hoa. Một số lớn dân chúng Benares (có lẽ khoảng 120.000 người thời ấy) đã sinh sống bằng cách cung cấp các dịch vụ liên hệ việc hành hương như làm tế sư ở các tế đàn hay hỏa táng, hướng đạo của đoàn lữ hành, gia nhân quán trọ, hoặc bọn lừa đảo chuyên rình rập đám người hành hương. Quanh thành phố trong một địa bàn rộng lớn lại có những "nhân viên quảng cáo" đủ loại luôn miệng hùng hồn tuyên bố các đặc tính của thành phố thiêng liêng này và giá trị của nó trong sự cứu rỗi linh hồn.
Mặc dù Benares với nếp sinh hoạt nhộn nhịp bên bờ sông là một thành phố phồn thịnh thời đức Phật, chúng ta cũng phải hình dung đó là một thành phố khá khiêm tốn về phương diện kiến trúc. Những hình dáng mà chúng ta thường nghĩ tới ngày nay khi nói về Benares thật sự vào thời ấy chưa có. Ngày xưa không có nhiều ảnh tượng hay đền đài vì các tế lễ Vệ-đà chỉ diễn ra ngoài trời. Không có các bậc đá đưa xuống sông, mà chỉ có các bờ đất sét, và cũng không có quang cảnh thành phố nguy nga tráng lệ, mà chỉ có các dãy nhà gạch hoặc đất sét, và thậm chí chúng cũng không mang được sắc thái điển hình của Ấn Ðộ như ta thường thấy ngày nay.
Lãnh vực văn hóa lại càng nghèo nàn hơn nữa: ta phải hình dung một nước Ấn Ðộ chưa có các thiên anh hùng ca như Ràmàyana, Mahàbhàrata, Bhagavadgìtà, các truyện thần thoại cổ điển chỉ mới ở thời kỳ non trẻ, và thần Siva, mà kinh thành Benares trở thành nơi thờ thần sau này, thời ấy chỉ là một tiểu thần thứ yếu, còn phong tục thờ bò thiêng cũng chưa phát triển. Và cũng như bây giờ, thời ấy không có một giới thẩm quyền nào điều hành vấn đề tế lễ: mọi việc cúng tế không do một nhóm người hay cộng đồng nào thực hiện, mà chỉ do cá nhân. Mỗi người tự thi hành, hoặc nhờ người khác thi hành các thủ tục lễ nghi mà vị ấy xét cần thiết cho mình.
Vậy thì Benares như thế nào thời đức Phật? Quả thực đó là linh địa của tri thức Upanisad, nơi mà những tư tưởng về tái sanh còn mới mẻ và quy luật thưởng phạt tự nhiên đang được thảo luận rồi thông qua; nhưng còn hơn thế nữa, đó là trung tâm tế đàn theo kinh Vệ-đà vốn nằm trong tay một tập đoàn Bà-la-môn chuyên nghiệp và cũng là trung tâm hỏa táng, một thành phố mời mọc mua bán một đời sau trên thiên đàng! Rõ ràng là những kẻ đang kiếm nhiều lợi nhuận béo bở nhờ các dịch vụ này không thể nào thân thiện được với phong trào Sa-môn tìm cầu giải thoát lại khinh thường mọi tập quán tế lễ từ xưa ấy.
Do vậy đa số dân thành Benares đều tỏ ra lạnh nhạt và thù ghét đối với các du sĩ khất thực cắm lều ở ngoại thành với số lượng nhiều đáng lo ngại như thế và lại thuyết giảng các tư tưởng phi truyền thống. Nếu có vị nào liều lĩnh vào trung tâm thành phố thì bình bát khất thực của vị ấy có thể chẳng nhận được gì mà bản thân vị ấy còn bị nhục mạ nữa. Vì thế đa số Sa-môn chỉ ở ngoại thành và tránh tiếp xúc với dân nội thành.
Ðức Phật cũng đã làm như vậy. Trong bốn mươi lăm năm hành đạo, ngài chỉ an cư mùa mưa một lần duy nhất gần Benares, đó là vào năm 528 trước CN, năm ngài thành đạo và thiết lập Tăng đoàn, mùa an cư ấy tại Lộc Uyển ở Isipatana (Chư Thiên Ðọa Xứ), tức Sàrnàth. Sau đó, ngài đã ở lại Isipatana hai ba lần nữa, có lẽ trên đường về Kosambì, song ngài giới hạn việc du hành vào trung tâm Benares đến mức tối thiểu. Nếu ngài không được gia đình tôn giả Yasa cúng dường thực phẩm, ngài cũng không đi khất thực ở trong thành phố, mà chỉ đến chợ gia súc ở ngoại ô (AN 3. 126). Ngài rất ít liên hệ với dân chúng theo chính thống Vệ-đà và tập tục tế lễ của họ.
Thực ra, đức Phật ủng hộ mọi quan điểm bị đám tín đồ Bà-la-môn theo kinh Vệ-đà thù ghét: ngài xem (1) việc rảy nước rửa tội và (2) tế thần lửa đều là vô ích; (3) ngài công khai chỉ trích việc hiến tế súc vật và (4) đối với lễ tế đàn theo kinh Vệ-đà, ngài nêu quan điểm là mọi tế lễ đều có thể được loại bỏ vì không cần thiết.
1) Lễ tắm nước: Niềm tin tưởng nước có thể rửa sạch cho con người không chỉ các chất dơ bẩn mà còn tẩy sạch hậu quả các tội lỗi như phá bỏ lễ nghi, vi phạm luật giao tế giữa các giai cấp xã hội v.v... là niềm tin tưởng thông thường ở Benares cũng như các nơi khác. Ngoài sông Hằng còn có nhiều sông thiêng khác nữa. Dòng nước sông được xem là có khả năng thanh tịnh lớn hơn nước ao hồ. Nước biển được cho là không chỉ vô hiệu quả trong việc thanh tịnh tâm linh mà còn rất nguy hiểm vì nó làm hại phần tinh hoa con người.
Những Bà-la-môn thông thái hơn không hoàn toàn tin tưởng ngây ngô như vậy về tính cách thanh tịnh hóa của nước sông. Ðối với họ, nước chỉ tiêu hủy tội lỗi của con người khi kẻ ấy không những đã tẩm đầy mình bằng nước rửa tội, mà còn ý thức rõ rệt về tính cách thiêng liêng của lễ "tẩy trần" này, vừa phối hợp lễ nghi với một thái độ tinh thần đúng đắn. Chính thái độ tâm linh này mới phân biệt được thánh lễ rửa tội với việc tắm rửa chỉ nhằm tẩy sạch chất bẩn. Tuy nhiên, yêu cầu này thường bị bỏ qua, cho nên việc rửa tội đối với đa số dân chúng chỉ là những hình thức bề ngoài hoàn toàn trống rỗng.
Một tín đồ điển hình của việc tôn thờ nước thánh là Bà-la-môn Sundarika-Bhàradvàja: khi đức Phật viếng thành Sàvatthi, Bà-la-môn này bất chợt hỏi ngài không tắm sông Bàhulà gần đó sao, vì sông ấy đem lại giải thoát, đó là nguồn công đức có thể thanh tịnh hóa con người khỏi ác nghiệp (MN 7.39). Ðức Phật bác bỏ ý kiến sai lầm ấy, vì không một cách tắm rửa nào có thể tẩy sạch các hậu quả của ác nghiệp do người phạm tội gây nên. Con người chỉ có thể thanh tịnh bản thân bằng các nghiệp thanh tịnh đem lại an bình cho mọi loài.
Ngài cũng thuyết giảng như vậy với Bà-la-môn Sangàrava, vị này tắm rửa sáng chiều với ý định rõ ràng là tẩy sạch mọi tội lỗi đã phạm suốt đêm ngày (SN 7.21). Ðức Phật giảng cho vị ấy hiểu: Giáo Pháp ngài là cái ao, Giới Luật là bến tắm, và bất cứ ai đến tắm mình tại đây đều có thể qua bờ bên kia, đó là giải thoát. Ngài cũng phát biểu tương tự nhân dịp lễ Astaka ở Gayà Sisà (Tượng Ðầu Sơn) khi ngài thấy một nhóm du sĩ khổ hạnh bện tóc (jatila) đang hành lễ rửa tội bằng nước:
"Những người tắm rửa tại dòng sông
Không tẩy sạch mình bởi nước trong,
Chân chính, công bằng: thanh tịnh đó,
Người này đích thực Bà-la-môn."
(Ud 1. 9)
Giới tại gia và Tỳ-kheo đôi khi cũng biểu đồng tình với thái độ đức Phật khinh chê lễ rửa tội bằng nước ấy. Khi có người đến nhắc nhở vị đại thần Nandaka đi tắm lễ chiều đang lúc vị này, là người của bộ tộc Licchavi, từ Vesali đến nghe đức Phật thuyết Pháp, vị ấy đáp: "Thôi đủ rồi, này hiền hữu! Ðừng lo tắm rửa bề ngoài - tắm rửa nội tâm là đủ cho ta rồi, đó là việc ta làm đệ tử bậc Giác Ngộ". (SN 55. 11.3)*
Ðề tài này cũng được nhắc đến nhiều lần trong các vần kệ của Punna (Punnikà) con gái của một nữ tỳ tại nhà trưởng giả Anàthapindika (Cấp Cô Ðộc), một thí chủ hào phóng hộ trì đức Phật, vị này đã trả tự do cho nàng vì nàng đã thuyết phục Bà-la-môn Sotthiya quy y Phật Pháp. Sau khi trở thành một Tỳ-kheo-ni, Punnà liền ngâm bài kệ nêu những lý luận nàng đã dùng để cảm hóa Sotthiya:
Ta nay gánh nước làm công,
Dù đông hàn phải xuống sông hằng ngày,
Hãi kinh vì chủ đọa đày,
Sợ nhiều hình phạt lòng này bất an.
Sợ gì hỡi vị La môn,
Chịu bao giá lạnh tay chơn run hoài?
- Nàng ôi, đã biết rạch ròi,
Nàng còn muốn hỏi đây người thiện chân,
Trẻ già làm việc bất lương,
Muốn tìm giải thoát: tắm trường giang đây.
- Kẻ nào bảo thật ngu thay,
Ngâm mình xuống nước sạch ngay tội người!
Vậy là ếch nhái, đồi mồi,
Bao loài thủy tộc lên trời cả ru?
Kẻ làm ác nghiệp nhỏ to:
Bẫy mồi, săn bắn, mổ bò, ngư ông,
Cùng phương trộm cắp, sát nhân,
Muốn tiêu trừ nghiệp tắm dòng nước sông!
Ví dòng nước rửa tội xong,
Thì dòng nước cũng cuốn công đức ngài.
Thế là mất hết cả hai,
Chỉ còn để lại mình ngài trống trơn!
(Thìg. 236-243)
Lý luận này cũng dễ hiểu, nhưng chỉ ứng dụng cho những ai tin tưởng một cách máy móc vào việc tẩy sạch tội lỗi bằng nước sông thiêng.
2) Tục thờ lửa: Về việc thờ lửa, thái độ đức Phật vẫn không biểu lộ quá rõ ràng như vậy. Ðối với Bà-la-môn Sundarika - Bhàradvàja nói trên là người tin tưởng vào việc thanh tịnh bản thân nhờ lửa cũng như nhờ nước, ngài tuyên bố:
Bà-la-môn, đừng tin nhờ đốt lửa
Sẽ đạt niềm thanh tịnh giữa trần ai,
Kẻ nào tìm các phương tiện bên ngoài,
Người trí bảo không thể nào thanh tịnh.
Ta bác bỏ củi dâng bàn thần thánh,
Ngọn lửa ta nhen nhóm ở trong tâm,
Ngọn lửa ta luôn cháy, mãi sáng bừng,
A-la-hán, ta theo đời thanh tịnh.
(SN 7.1.9)
Việc thi hóa các vần kệ thuộc về đời sau, nhưng chắc chắn cũng đã phản ảnh trung thực ý nghĩa lời ngài dạy.
Tục thờ lửa có nhiều hình thức ở Ấn Ðộ cổ đại. Hình thức quan trọng nhất là tế đàn lửa thiêng của Bà-la-môn theo kinh Vệ-đà do các Bà-la-môn chuyên nghiệp thực hiện, tuân hành những lễ nghi thờ cúng thật công phu để cho thần lửa Agni mang lễ vật lên Thiên chúng. Một số người khác thờ thần lửa nỗ lực thanh tịnh tâm hồn họ bằng cách đốt cháy các tội lỗi qua ngọn lửa thiêng. Trong đám ấy có các vị khổ hạnh bện tóc (jatila), một số đã theo đức Phật như tôn giả Nadikassapa (Ca-diếp ở bên Dòng Sông) là một vị lãnh đạo các nhà khổ hạnh Jatila, sau khi trở thành một Tỳ-kheo, đã tự trách mình trước kia tin tưởng vào hiệu lực của việc thờ ngọn lửa thiêng:
Bao lễ vật xưa ta cúng dàng
Ðổ vào trong ngọn lửa thiên đàng.
"Thế là thanh tịnh!" ta thầm nghĩ,
Tục tử phàm phu thật rõ ràng.
(Thag 341)
3) Hiến tế súc vật: Mặc dù lễ rửa tội bằng nước và thờ lửa không có giá trị đạo đức dưới mắt đức Phật, ít ra chúng cũng không làm hại ai. Còn các tế lễ bằng máu lại khác hẳn. Ở Ấn Ðộ cổ đại mỗi năm các tế lễ này làm thiệt mạng vài người cùng vài ngàn súc vật. Ta phải công nhận một thành tựu văn hóa của đạo Phật là nhờ đó sự giết người sống để tế lễ không còn nằm trong các phong tục thông thường ở Ấn và tế lễ bằng súc vật ngày nay chỉ còn thấy ở Bengal, nơi đó nữ thần Kàli (nữ Hắc thần) của Ấn Ðộ giáo được xem là đòi hỏi việc ấy.
Ðối với đức Phật, súc vật là mọi loài chúng sanh có toàn quyền sống và lòng từ bi (mettà-karunà) của ngài trải rộng đến chúng không kém gì đối với loài người. Ngài không thích việc giết chúng để làm thức ăn cho người, mặc dù ngài là người có đầy đủ óc thực tiễn để thấy rằng chế độ dinh dưỡng toàn rau quả là điều không thể áp đặt chung cho mọi người. Song ngài xem việc giết súc vật để tế lễ là điều sai lầm, nhất là vì nhiều người tin tưởng rằng việc giết lễ vật sống diễn ra càng chậm lại càng tăng hiệu quả tế đàn. Thông thường bầy súc vật - trâu bò, ngựa dê - đều bị bóp cổ. Mãi cho đến nay vẫn còn một nơi trên bờ sông Hằng tại Benares được gọi là Dasàsvamedhaghàt, Bến Tế Mười Ngựa, để kỷ niệm một lễ tế đàn của hoàng gia.
Sự kiện các súc vật vô tội phải hiến mạng sống cho các mục đích tín ngưỡng của loài người không những làm động lòng trắc ẩn của ngài mà còn xúc phạm cả ý thức về công bằng của ngài nữa. Ngài tin rằng mọi loài đều phải trả nghiệp của chính mình, không thể hối lộ mua chuộc thần linh cũng như không thể chuyển hậu quả ác nghiệp (kamma) của mình cho ai khác - như việc đền tội thay bằng con vật hiến tế.
Bất cứ khi nào có dịp thuận tiện đưa đến, ngài đều chống đối các tư tưởng ấy, dĩ nhiên không phải trên cương vị một nhà tiên tri đe dọa hình phạt thích đáng, mà là một bậc hiền nhân với tâm bình đẳng giảng giải và gợi ý chứ không cố tình bắt buộc người khác chấp nhận Giáo Lý của ngài. Như ngài tự nhận xét ngài không tranh chấp với đời (SN 22-94). Tính hợp lý của tư tưởng ngài và vẻ kỳ diệu của nhân cách ngài là tất cả những gì ngài muốn bày tỏ trước công luận.
Ngài phản đối các đại tế lễ bằng máu theo kinh Vệ-đà bằng cách nêu rõ sự vô dụng của chúng. Khi vua Pasenadi nước Kosala chuẩn bị đại tế đàn gồm 500 bò mộng, 500 bò đực, 500 bò cái, 500 dê và 500 cừu cùng bắt buộc đám nô tỳ đi thâu góp đám súc vật này từ các chủ buôn, có lẽ là không trả tiền, đức Phật bình luận rằng không có tế lễ bằng người hay vật nào đem lại kết quả gì cả. Bậc trí tránh xa các đại tế đàn có bầy dê, bò trâu, v.v... bị giết. Trái lại, các tế đàn không đẫm máu và không hao tốn nhiều sẽ giúp đỡ người cúng tế và làm vui lòng chư Thiên. (SN 3.1.9)
Bà-la-môn Kùtadanta, một phú gia ở Khànumata dự định mở một tế lễ còn trọng đại hơn với 700 súc vật mỗi loại, nhưng đức Phật đã can gián vị này khỏi làm việc ấy. Bằng cách kể một câu chuyện theo kiểu chuyện Tiền Thân đức Phật (Jàtaka) ngài thuyết phục Bà-la-môn Kùtadanta rằng thường xuyên cúng dường các Sa-môn, xây tinh xá, quy ngưỡng Phật Pháp và giữ ngũ giới (kiêng sát sanh, trộm cắp, tà hạnh trong các dục, nói láo và uống rượu) cùng hành thiền là những cách tế lễ không những dễ thực hiện hơn mà còn có nhiều công hiệu, thực sự đem lại nhiều lợi ích nhất trong các loại tế đàn. (DN 5.22.7)
Ngài dùng thêm nhiều lý luận bài bác tế lễ bằng máu khi được một số Bà-la-môn chuyên nghiệp hỏi ngài thời này - (tức thế kỷ thứ sáu trước CN) còn có các Bà-la-môn sống theo giới luật cổ sơ chăng. Ngài phủ nhận điều này, và mô tả các Bà-la-môn thời thượng cổ là những vị độc cư không có tài sản gì, chỉ sống hoàn toàn bằng cách khất thực, không cho phép giết trâu bò, mà xem chúng như những thân hữu tối ưu cung cấp chư vị đủ hương liệu, dầu xoa, thực phẩm, dõng lực, hảo tướng và an lạc (SNip 295). Về sau các Bà-la-môn lạc tà đạo vì theo gương các vua chúa sống xa hoa nên đã xúi giục vua chúa tế lễ bò ngựa và cả người sống nữa, nhờ đó họ có thể đòi lệ phí hành lễ. Thế rồi vua chúa truyền giết hàng trăm ngàn gia súc với đao kiếm, ngay cả thần linh cũng xem việc này là tội lỗi. Do việc giết hại các sinh linh vô tội, các tế sư đã đọa lạc xa rời chánh đạo và người có trí cùng quần chúng có đủ lý do đúng đắn khiển trách các gia chủ dâng tế lễ quá hao tài tổn mạng đến như vậy. (SNip 299 - 313)
4)Một việc nữa khiến phe chính thống Bà-la-môn chống lại đức Phật là thái độ đối lập lễ nghi của ngài. Không phải ngài phản bác mọi giới luật tập quán, vì trong Giáo hội Phật giáo cũng có nhiều giới luật tập quán. Nhưng điều ngài bài bác chính là tư tưởng cho rằng lễ nghi luật lệ rất quan trọng đối với việc giải thoát - thậm chí ta có thể đòi hỏi sự giải thoát nhờ nghi lễ. Ngài công khai xem giới cấm thủ (tuân hành một số nghi lễ giới luật) là một trong mười kiết sử (samyojana) phải được phá bỏ, và đó là một trong bốn sự chấp thủ (upàdàna) theo Giáo Lý của ngài. Ngày nay ta cũng dễ hình dung được cảm tưởng của các Bà-la-môn chuyên nghiệp sinh sống bằng cách làm các vị tế sư tinh thông các nghi thức hành lễ và pháp thuật tế đàn thời ấy, khi nghe nói đến các điều lệ trong Giới Luật của đạo Phật đi ngược lại với quyền lợi của hội chúng họ như vậy.
AN CƯ MÙA MƯA ÐẦU TIÊN Ở ISIPATANA
Biết rằng dân chúng Benares không ưa thích ngài, dầu cho họ có chú ý đến ngài đi nữa, cũng không mong tìm được nhiều người công nhận Giáo Pháp ngài ở Benares ngoại trừ những thân bằng quyến thuộc của tôn giả Yasa, đức Phật cùng hội chúng Tỳ-kheo ít ỏi của ngài an cư mùa mưa năm 528 trước CN tại Vườn Nai ở Isipatana (Chư Tiên Ðọa Xứ) (nay là Sàrnàth). Lúc ấy chưa có một tinh xá thích hợp. Nơi cư ngụ duy nhất gồm vài thảo am hoặc khả quan hơn cả là các lều tre mái sậy mà các Tỳ-kheo dựng lên để bậc Ðạo Sư và chư vị ở tạm.
Thời kỳ gió mùa không chỉ có mưa lớn. Ðó là cả sự biến đổi người ta thường chờ đợi từ tháng Tư - Năm trở đi như một cách xoa dịu khí hậu cứ diễn tiến chầm chậm từng bước một. Hiện tượng thiên nhiên báo trước thời gió mùa là cây cỏ nở rộ hoa, mặc dù có nhiều loài hoa tô điểm thêm phong cảnh Ấn Ðộ ngày nay do các nhà hàng hải người AÂu mang đến. Về phương diện sinh thái, nước Ấn thời đức Phật không phong phú như thời này. Nhưng các chòm hoa màu cam nghệ rực rỡ của cây Kadamba (Nauclea cordifolia), cây Campaka (Michelia Champaka) nở hoa vàng thơm ngát, cây hoa phượng vĩ (Butea frondosa) đỏ ối trong rừng, cây hoàng hậu (Lagerstroemia flos-reginae) với các hoa hình lồng đèn xanh nhạt, cây kim điệp (Cassia fistula) với những chuỗi hoa vàng lộng lẫy, cây hoa san hô đỏ chiếu lấp lánh (Erythrina indica) và cây Asoka (Vô ưu: Saraca indica) với những hoa hình cầu đổi màu từ cam đến đỏ. Tất cả phong cảnh này hẳn đã đủ làm thích thú người Ấn Ðộ vào thế kỷ thứ sáu trước CN.
Tiếp theo sau cảnh sắc rực rỡ của thời nở hoa là thời rụng lá ngắn ngủi, các cành cây chỗng lên trời khao khát như những bộ xương khô. Từ trước đến giờ sương rơi xuống ban sáng làm cho cây cỏ thấm ướt phần nào nay không còn nữa. Ðồng ruộng xám ngắt dưới mặt trời gay gắt oi nồng. Mặt đất giống như vũng lầy khô cằn lộ ra những đường nứt nẻ thật sâu. Nhiều nơi khí nóng cuộn lên thành hình xoắn ốc như cái phểu hút bụi từ đồng ruộng tung lên không.
Vài ngày sau, được bầy chim ưng và quạ bay đi trốn báo hiệu, một cơn bão bùng ra - lều tranh mất mái, cây cối gãy đổ nhưng cơn bão cũng qua đi thật nhanh như lúc đến. Rồi cuối cùng, khoảng giữa tháng sáu, cơn mưa thời gió mùa được mong đợi từ lâu đã bắt đầu. Từ các đám mây khổng lồ từng giọt nước rơi xuống càng lúc càng đều dặn hơn rồi bỗng nhiên cùng với sấm chớp vang dội, trận mưa như thác đổ dần dần trở thành mưa liên tục. Ðám trẻ con trần truồng thích thú chạy quanh các vũng nước mưa đọng và ngay cả người lớn cùng vui vẻ chường mặt ra ngoài chốc lát để hưởng bầu không khí mát rượi làm tươi tỉnh.
Sau thời kỳ mưa liên tục, các đám mây thỏa hiệp với mặt trời, mỗi thứ lần lượt thay phiên nhau thống trị giang sơn vài giờ. Trong các khoảng thời gian giữa những cơn mưa rào, phong cảnh cỏ cây đầy hơi nước, rồi làn không khí oi bức lại đến thay thế cái nóng nực trước đó không lâu.
Phong cảnh đổi thay thật lớn lao mau chóng lạ thường. Các dòng sông lờ đờ trước kia bỗng trở nên các nguồn nước lũ rộng lớn màu nâu chảy ồ ạt đe dọa các vùng ở trên bờ với làn nước dâng cao rất nhanh, đường sá chìm ngập bùn lầy khó đi lại. Nhiều nhà bằng đất tan rã khiến cho các mái (cũng không phải là không thấm nước) đổ ụp xuống đám người trong nhà. Thế giới loài vật cũng phô bày một cảnh tượng khác thường: rắn rít, bọ cạp bò ra khỏi lỗ vì ngập nước, những con nhái bén tí ti nhảy ra đường và tiếng cóc ồm ộp kêu to. Trong nhà, tắc kè chạy quanh tường, trên trần tìm ăn muỗi mòng, sâu mọt đến căng phồng cả bụng.
Bầu không khí của thời kỳ gió mùa đến cùng mọi vẻ biến đổi do nó mang lại đã gây nhiều cảm hứng sau này cho biết bao thi sĩ theo đạo Phật, thì dĩ nhiên bậc Ðạo Sư và các đệ tử ngài cũng nhận thấy quang cảnh thiên nhiên này trong Vườn Nai tại Isipatana ấy. Song mùa an cư đầu tiên năm 528 này phần lớn dành vào việc tu học của chúng Tỳ-kheo. Ngoài các bài thuyết giảng "Chuyển Pháp Luân" (Dhammacakka-ppattana) và Vô Ngã Tướng (Anatta Lakkhana) (Mv1.6), còn ba bài khác nữa dành cho các tuần lễ này đều được bảo tồn trong Kinh Tạng. Qua một bài Pháp (Mv1.13; SN 4.1.4, ngài khuyến giáo chư Tỳ-kheo - mặc dù chư vị đều được ngài xem là đã đắc quả A-la-hán - cần phải suy tư đúng như thực hay như lý tác ý (yoniso manasikara), đó là điều kiện ngài tuyên bố đã đưa ngài đến Giác Ngộ. Trong bài thứ hai (Mv1.11; SN 4.1.5) ngài tuyên bố ngài cùng chư Tỳ-kheo đều thoát khỏi mọi kiết sử của nhân giới cũng như thiên giới; và trong bài thứ ba (AN 3.15) ngài dạy chư vị bài kinh Dụ Người Ðóng Xe phải làm hai bánh xe cho vua Pacetana - một vị vua trong thần thoại cổ. Một bánh xe được làm cẩn thận trong gần sáu tháng ròng, nên đứng vững vàng sau khi chạy thử và sức đẩy đã hết, còn bánh kia chỉ được làm trong sáu ngày, nên lảo đảo rồi ngã nhào vì có nhiều khuyết điểm trong vành xe, nan hoa và trục. Cũng vậy, chư Tỳ-kheo phải đoạn trừ các khuyết điểm và lỗi lầm trong thân nghiệp, khẩu nghiệp và ý nghiệp để tránh ngã nhào ra khỏi Pháp - Luật của ngài.
Kinh Tạng Pàli còn có thêm bốn bài kinh do đức Phật thuyết tại Isipatana, tất cả đều ghi dấu vài ba cuộc du hành của ngài đến nơi ấy về sau. Ðiều này có thể được thấy rõ qua sự kiện thính giả ở đấy gồm những người chỉ gia nhập hội chúng của ngài sau năm 528.
Khoảng cuối mùa mưa, đức Phật thuyết hai bài Pháp rất quan trọng đối với việc phát triển Giáo hội tương lai. Ngài quyết định không giới hạn việc truyền bá Chánh Pháp cho riêng ngài, mà đưa cả chư Tỳ-kheo vào trọng trách này nữa. Do vậy, ngài gọi các đệ tử tụ họp lại và dạy bảo chư vị đi làm sứ giả truyền Pháp:
"Này các Tỳ-kheo, hãy ra đi, vì lợi ích và an lạc của quần sanh, vì lòng thương tưởng đối với đời, vì lợi ích, an lạc và hạnh phúc của chư Thiên và nhân loại. Ðừng đi chung hai người cùng đường. Này các Tỳ-kheo, hãy thuyết Pháp (Dhamma) hoàn thiện ở phần đầu (sơ thiện), hoàn thiện ở phần giữa (trung thiện), hoàn thiện ở phần cuối (hậu thiện), cả về ý nghĩa lẫn văn cú, hãy truyền bá đời Phạm hạnh hoàn toàn đầy đủ thanh tịnh. Có những người nhiễm bụi ít trong mắt sẽ đọa lạc nếu không nghe Pháp. Song nếu chư vị ấy nghe Pháp, chư vị sẽ được giải thoát. Còn chính ta, này các Tỳ-kheo, ta sẽ đi đến thành lũy Uruvelà (Ưu-lâu-tần-loa) để thuyết Pháp". (Mv 1.11.1)
Chư Tỳ-kheo ra đi như đã được huấn thị, và chẳng bao lâu sứ mạng của chư vị đạt nhiều thành quả tốt đẹp. Chư vị đưa nhiều người từ bốn phương về Isipatana để xin thọ giới. Tuy nhiên, chư vị chưa hoan hỷ về điểm đức Phật đã dành quyền truyền giới cho riêng ngài, và chư vị cũng thỉnh cầu ngài cho phép chư vị có quyền ấy. Bậc Ðạo Sư không dễ gì ban ngay ước nguyện ấy cho chư vị. Trước tiên ngài xem xét riêng vấn đề ấy, rồi ngài thảo luận với chúng Tăng cuối cùng ngài quyết định:
"Này chư Tỳ-kheo, ta cho phép chư vị khi ở trong những xứ sở, thôn làng xa xôi có quyền truyền tiểu giới xuất gia (pabbajà) (làm Sa di) và đại giới xuất gia (upasampadà) (làm Tỳ-kheo). Việc ấy phải thực hiện theo cách này: Trước tiên hãy cho giới tử cạo sạch râu tóc, đắp các y vàng và phủ vai bên trái với thượng y; rồi khi vị ấy đến đảnh lễ chân vị Tỳ-kheo truyền giới (như một dấu hiệu của bổn phận đệ tử), hãy cho phép vị ấy quỳ xuống cung kính nghiêng mình trước giới sư với hai tay chắp lại. Sau đó vị ấy phải được dạy bảo lập lại câu: "Ðệ tử xin quy y Phật, đệ tử xin quy y Pháp, đệ tử xin quy y Tăng". Câu này phải được lập lại ba lần. Này chư Tỳ-kheo, ta cho phép chư vị truyền tiểu giới xuất gia và đại giới của một tân thọ Tỳ-kheo bằng cách nhận Tam Quy này". (Mv 1.12.3-4)
Bằng cách cho phép chư Tăng truyền giới xuất gia, đức Phật đã cắt cuống nhau liên kết Tăng chúng và vị sáng lập Ðạo Pháp, khiến cho Tăng chúng có thể sống đời độc lập của mình. Về sau, việc truyền giới đã được tổ chức thành nghi lễ (Mv1.28.3-5) và bổ sung nhiều tiết mục đặc biệt liên hệ đến giới tử và giới sư.
Năm 528 trước CN là một năm đầy kết quả mỹ mãn đối với đức Phật và ngài đã trở thành vị lãnh đạo một trường phái trong phong trào Sa-môn khất sĩ. Bấy giờ mùa mưa cùng thời kỳ ngưng hoạt động trong năm đã trôi qua. Rừng núi, đồng ruộng đều xanh tươi mơn mởn và lúa mạ được trồng từ giữa tháng sáu nay đã nhô lên vài tấc trên mặt nước đồng. Mọi giếng và ao hồ tràn đầy nước, đường sá đi lại được như cũ, và làn không khí oi bức ngột ngạt của thời gió mùa đã nhường chỗ cho những ngày ấm áp và đêm mát dịu. Như ngài đã tuyên bố, đức Phật còn trẻ tuổi rời Vườn Nai ở Isipatana và lên đường đi Uruvelà.
TRỞ LẠI URUVELÀ
Lý do đức Phật muốn viếng thăm nơi ngài thành Ðạo một lần nữa là đến thuyết Pháp cho những gia chủ đã có lòng cúng dường ngài thực phẩm khi ngài còn là nhà tu khổ hạnh. Kinh Tạng Pàli (Mv 1.14) tường thuật một cuộc hành trình tuyệt đẹp của ngài trên đường trở lại nơi ấy, chuyện này được xem là đã diễn tiến trong khu rừng Kappàsiya.
Trong khi đức Phật ngồi nghỉ dưới một gốc cây, một đám thanh niên nhốn nháo, rõ ràng thuộc giai cấp sang trọng, chạy đến hỏi ngài xem ngài có nhìn thấy một nữ nhân chạy ngang qua đó chăng. Ðám ấy giải thích rằng họ gồm ba mươi người đến khu rừng này cùng các cô vợ để vui chơi. Một người trong bọn còn độc thân, đã mang theo một kỹ nữ. Bọn họ đuổi theo tìm nàng ấy vì nàng đã trộm tài vật của họ và chạy trốn mất.
Ðức Phật hỏi: "Này các nam tử, chư vị nghĩ thế nào? Ði tìm nữ nhân ấy và đi tìm chính mình, việc gì tốt hơn?
Các nam tử đáp: Bạch Thế Tôn, đi tìm chính mình tốt hơn.
Ðức Phật bảo: Vậy này các nam tử, hãy ngồi xuống đây và ta sẽ thuyết Pháp cho chư vị".
Sau đó ngài thuyết Pháp thuận thứ và giảng bày Tứ Thánh Ðế cho chư vị. Ðược Phật Pháp cảm hóa, ba mươi thanh niên ấy thỉnh cầu được thọ giới Tỳ-kheo và đức Phật lập tức nhận lời.
Câu chuyện ly kỳ này có lẽ mang tính lịch sử; chỉ riêng phần cuối hình như được các vị kiết tập Kinh Tạng Pàli "tô điểm" thêm cho hoàn mãn. Vì cả ba mươi thanh niên đầy đủ mọi lạc thú ở đời lại trở thành - không phải cư sĩ tại gia - mà là Tỳ-kheo, để cho hai mươi chín cô vợ trẻ trung phải trở về làng làm các "sương phụ của chư Tăng" là chuyện khó tin vậy.
Ngoài tính cách lịch sử của câu chuyện trên, phương thức truyền giới mà bậc Ðạo Sư sử dụng cũng cần được lưu ý. Ðó không phải là Tam Quy như đức Phật đã chỉ dạy, mà là câu " Hãy đến đây, Tỳ-kheo!" (Ehi, Bhikkhu!) như ngài đã dùng khi ngài nhận tôn giả Kondañ ñ a (Kiều-trần-như) làm vị Tỳ-kheo đầu tiên ở thế gian (Mv1.6.32). Hình như cách truyền giới này chỉ được vị Giáo chủ tối cao sử dụng mà thôi.
Ðại Phẩm (Luật Tạng) còn kể nhiều sự kiện xảy ra trên đường đức Phật trở lại Uruvelà với tính cách giáo dục khô cứng và cố ý biến mọi việc thành các phép thần thông cả. Chúng ta cần theo sát các câu chuyện ly kỳ này để có thể tìm ra vài chi tiết lịch sử trong ấy.
Gần Uruvelà có ba anh em dòng họ Kassapa sống đời đạo sĩ khổ hạnh bện tóc (jatila) thờ lửa và nước. Mỗi vị lãnh đạo một giáo phái. Ðạo sĩ Uruvela-Kassapa (Ca-diếp ở Ưu-lâu -tần-loa) có năm trăm đệ tử, đạo sĩ Nadì-Kassapa (Ca-diếp ở Bên Dòng Sông) có ba trăm đệ tử và đạo sĩ Gayà-Kassapa (Ca-Diếp ở Tượng Ðầu Sơn) có hai trăm đệ tử, dù các con số này cũng không được xem là chính xác.
Vì mùa đông Ấn Ðộ đã bắt đầu và nhiệt độ ban đêm không quá âm điểm, đức Phật đến am thất của đạo sĩ Uruvela-Kassapa và xin nghỉ qua đêm trong am thất thờ lửa mà các vị đạo sĩ jatilas đang đốt cháy. Vẻ tự tin và nhân cách của người khách lạ đã chinh phục giáo chủ Uruvela-Kassapa khiến vị này không dám chối từ, song bảo rằng căn lều thờ lửa có một con rắn độc khổng lồ. Tuy nhiên đức Phật cũng không cảm thấy hãi kinh mà rút lui, và ngài nghỉ qua đêm bình an trong căn lều "nhờ thần lực của ngài". (Mv1.15)
Ngài ở lại thêm vài đêm nữa trong khu rừng gần am thất đạo sĩ Uruvela-Kassapa và khu rừng quanh ngài chiếu sáng rực lên ba lần. Ðạo sĩ Kassapa mời đức Phật đến thọ thực buổi sáng trong am thất mình và hết sức cảm phục khi nghe đức Phật đã được chư Thiên đầy hào quang đến thăm viếng các đêm trước: đêm đầu tiên ngài được Tứ Ðại Thiên Vương viếng, đêm thứ hai được Sakka (Indra) Thiên Chủ viếng và đêm thứ ba được Brahmà Sahampati (Phạm Thiên Ta-bà Chủ) viếng (Mv1.16.18). Ðặc điểm lịch sử của câu chuyện này có thể là đức Phật đã đốt lửa ban đêm để chống lạnh và các loài dã thú.
Trong lúc ấy, một đại tế đàn sắp được tổ chức hằng năm tại am thất đạo sĩ Uruvela -Kassapa, mong đợi khách hành hương đến chiêm bái từ khắp quốc độ Magadha và đất nước Anga ở phía Ðông. Sợ rằng đức Phật có thể lôi cuốn đám người ủng hộ phái du sĩ jatilas về phía ngài, đạo sĩ Kassapa thầm cầu nguyện đức Phật đừng đến dự lễ tế đàn. Biết được tâm tư của đạo sĩ Kassapa, đức Phật khéo léo tránh xa thảo am của vị này vào ngày tế lễ. Vị này kinh ngạc vì đức Phật Gotama có thể đọc được tư tưởng người khác nhờ tha tâm thông. (Mv 1. 19)
Sau khi đức Phật đã quan sát giáo chủ Uruvela-Kassapa và đám môn đồ một thời gian, ngài thừa cơ hội vị đạo sĩ già nua này tuyên bố khoác lác để hạ vị này xuống đất. Nói thẳng vào lương tâm vị này, ngài bảo: "Này hiền giả Kassapa, hiền giả không phải là một vị A-la-hán và cũng không phải là vị đang đi trên con đường đưa đến A-la-hán quả. Lối sống của hiền giả không phải là cách đưa hiền giả đến chứng đắc A-la-hán, thậm chí cũng không thể nhập A-la-hán Ðạo!".
Giáo chủ Kassapa, người mà trước kia chưa một ai từng nói như vậy thẳng mặt, bấy giờ đã hoàn toàn thảm bại. Vội quỳ xuống chân đức Phật, vị ấy xin được gia nhập Giáo đoàn của ngài (Mv 1. 20. 17).
Ðức Phật tỏ ra rất công bằng khi ngài không chấp nhận ngay lập tức sự quy phục của đạo sĩ Kassapa, mà ngài bảo vị ấy phải xét kỹ hậu quả của bước tiến này với đám môn đệ: "Này hiền giả Kassapa, hiền giả là vị lãnh đạo trường phái 500 vị khổ hạnh jatilas. Hãy thảo luận với cả hội chúng để chư vị có thể làm việc gì thích hợp!". Ðạo sĩ Kassapa nghe lời khuyên này, với kết quả là tất cả môn đồ đều cùng vị ấy quy thuận gia nhập trường phái của đức Phật. Chư vị đều cắt bỏ sạch các cuộn tóc bện kia, ném bỏ các đòn gánh và dụng cụ thờ lửa xuống sông Nerañjarà. Rồi đức Phật truyền giới Tỳ-kheo cho chư vị gia nhập Giáo hội ngài. (Mv 1. 20. 17)
Khi các cuộn tóc bện và các dụng cụ bằng gỗ trôi bồng bềnh xuôi dòng Nerañ jarà ngang qua am thất của Nadì-Kassapa, vị này lo sợ có tai nạn gì đó đã xảy ra cho trưởng huynh mình. Vị này đến thảo am vị kia và Uruvela-Kassapa giải thích cho bào đệ mọi lợi ích khi gia nhập Giáo đoàn đức Phật, và vị này cũng xin gia nhập Hội chúng Tỳ-kheo cùng với tất cả ba trăm môn đồ. (Mv 1. 20. 20f)
Việc trên cũng xảy ra với đạo sĩ Gayà-Kassapa, vị này cũng đi xem thử bào huynh có bình an chăng khi thấy các vật thờ trôi bồng bềnh ngang qua thảo am. Rồi vị này cũng gia nhập giáo đoàn Tỳ-kheo với tất cả hai trăm môn đồ (Mv 1. 20. 22f)
Cùng với đám môn đồ mới thu nhận đông đảo như vậy (cho dù có thể không đến con số một ngàn vị) gồm toàn các vị khổ hạnh bện tóc jatilas trước kia, giờ đây ngài đã truyền giới làm Tỳ-kheo tại Uruvelà, đức Phật tiến về Gayà không xa là bao, nơi đó cả đoàn dựng lều trên một ngọn đồi cách hướng tây nam thành phố khoảng gần một dặm, tên gọi là Gayàsìsa (Tượng Ðầu Sơn, nay là Brahmayoni). Tại đây đức Phật thuyết bài Pháp với đề tài ám chỉ tập tục thờ lửa của nhóm khổ hạnh jatilas. Ðó là bài Thuyết Giảng Về Lửa (Àdittapariyàya Sutta, Mv1.21; SN 35.28) bắt đầu bằng những lời nói lừng danh: "Tất cả đều đang bốc cháy!". Bài kinh này dựa trên lý thuyết của đức Phật về nhận thức, theo đó không chỉ có năm mà là sáu giác quan: ngoài mắt, tai, mũi, lưỡi và thân là xúc giác, còn có tâm (Manas) hay đúng hơn, là cơ quan suy tưởng. Tương ứng sáu giác quan này là sáu ngoại xứ đối với con người: sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp (dhamma) hay đối tượng của tư tưởng. Ngay khi một giác quan nhận thức (ví dụ: mắt) và ngoại xứ tương ứng (vd: các sắc) tiếp xúc với nhau, thì nhận thức (vd nhãn thức) sanh khởi. Bằng cách này một đối tượng được đưa vào ý thức và được người ta nhận thức. Mọi thực tại bên ngoài đều do sáu giác quan đưa đến cho ta: chính sáu giác quan này tạo nên thế giới riêng tư của mỗi người.
Tiếp theo đó là cách chúng ta nhìn đời tùy thuộc vào bản chất các giác quan của ta, và tùy thuộc vào cách chúng mang hình ảnh của đối tượng vào ý thức của ta mà không làm sai lạc màu sắc chân thật của đối tượng. Nếu giác quan của người nào bị tham sân si chi phối thì tất cả nhận thức của người ấy sẽ bốc cháy vì chúng làm sanh khởi thêm nhiều tham dục và sân hận trong tâm người ấy: đối với người ấy toàn thế giới đang bốc cháy. Song nếu người nào chế ngự được lục căn thì sẽ giải thoát khỏi tham dục, cấu uế và sẽ được giải thoát sanh tử luân hồi.
Nghe nói về lửa trong ý nghĩa triết lý thâm áo như vậy chắc hẳn đã gây ấn tượng sâu sắc trong tâm chư Tỳ-kheo trước đây là các đạo sĩ thờ lửa theo cách cổ truyền.