Lịch sử Đức Phật & Thánh chúng
Cuộc Ðời Ðức Xá Lợi Phất (Sàrìputta)
Soạn Giả: Nyanaponika Thera Dịch Giả: Nguyễn Ðiều (1966)
29/10/2554 06:27 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng


[04]

 

PHẦN THỨ TƯ

PHÁP CỦA ÐẠI ÐỨC SÀRÌPUTTA

 

 

Những kinh đã được Ðại Ðức Sàrìputta thuyết ra bao gồm nhiều đề tài khác nhau có liên hệ với đời sống phạm hạnh. Nó diễn tả từ những tư thức đơn giản đến những điểm sâu xa trong giáo lý và sự thực hành Thiền Ðịnh của nhà Phật. Một bảng kê khai những bài pháp ấy với sự trình bày tổng quát về mỗi đề tài sẽ được đưa ra dưới đây. Vị trí sắp xếp của chúng trong Kinh Tạng không chỉ rõ một hệ thống đạo sử nào để người Phật tử có thể định được thời gian tính của nó.

Tuy nhiên, cũng có một số ít nội dung các cuốn kinh nói về những biến cố đặc biệt đã xảy ra và được ghi nhận trong thời gian đức Phật còn sinh tiền và đang lãnh đạo Giáo Hội.

Pháp của Ðại Ðức Sàrìputta trong Majjhima-Nikàya

PHÁP SỐ 3: NHỮNG KẺ THỪA HƯỞNG PHÁP BẢO (DHAMMA DÀYÀDA)

Sau khi đức Phật đã thuyết về "Kẻ thừa hưởng Pháp bảo và loại người đáng thừa hưởng của cải trên đời", Ngài bèn vào tư thất an nghỉ. Ðại Ðức Sàrìputta liền tiếp tục giảng giải cho chư Tỳ-khưu về đề tài "Làm thế nào để kềm chế lấy mình và tại sao không kềm chế được?".

Sau thời pháp là lúc đức Bổn Sư nhập định họ bèn theo cách đó để luyện tập cho tư tưởng mình trở nên thuần thục và thanh tịnh hầu loại trừ những điều phóng tâm lẫn chán nản. Kết quả là tâm họ đã trở nên trong sáng và ưa thích pháp cô tịch. Lý do, Ngài đã nói rõ sự nguy hiểm của mười sáu Tùy phiền não trong tâm và chỉ cho Tăng Chúng biết được con đường Trung đạo, con đường có thể tận diệt tất cả các pháp xấu xa. Hay nói cách khác đó là Bát Chánh Ðạo.

PHÁP SỐ 5: SỰ CHẤM DỨT TỘI LỖI.

Trong số bốn hạng người:

Kẻ gây tội và biết rằng đó là tội.
Kẻ có tội mà thành tâm ăn năn quyết lòng chừa bỏ.
Kẻ không làm tội và ghê sợ tội lỗi.
Kẻ không tội lỗi mà luôn luôn tinh tấn tiêu diệt những nguồn gốc gây ra tội lỗi.

Nếu phạm tội mà biết rằng đó là tội hoặc khi mình dễ duôi phạm nhằm tội lỗi rồi sau đó tự ăn năn, vẫn còn có thể giác ngộ, hơn là làm tội mà không biết tội hay có tội mà không ý thức được nó.

Ðại Ðức Sàrìputta đã giảng giải rõ ràng tại sao Phật giáo lại phân tích như vậy. Trong bài pháp này, Ngài còn chỉ rõ tầm quan trọng trong việc tự kiểm soát lấy tư tưởng và làm sao tạo cho nó sự phát triển.

PHÁP SỐ 9: SAMMÀDITTHI SUTTA

Nói về Chánh Kiến (Sammàditthi) xin xem cuốn "Chánh Kiến Trong Ðạo Phật".

PHÁP SỐ 28: MAHÀ HATTHIPÀDA PAMA SUTTA

Ðó là bài pháp khá sâu sắc, nói về "Sự so sánh những bước chân voi" (Hatthipàda) đã được nhắc đến trong đoạn trước.

PHÁP SỐ 45: MAHÀ DEVALLA SUTTA

Bài pháp thuộc loại thâm thúy này nhắc lại sự Minh Giảng của Ðại Ðức Sàrìputta trước một số câu hỏi do Ðại Ðức Mahà Kotthika đặt ra. Ðại Ðức ấy cũng là một trong những người đã đạt được Tuệ Phân Biệt.

Trưởng lão Sàrìputta đã tạo cho cuộc đối đáp trở nên vô cùng tuyệt diệu với những câu hỏi sáng sủa và những đoạn trả lời thâm thúy, sâu xa đã làm cho thính giả lẫn người luận đạo chấp nhận một cách thích thú mọi khía cạnh trong chiều sâu của trí tuệ. (Dĩ nhiên là bắt đầu bằng Chánh Kiến và kết thúc bằng Chánh Ðịnh.)

PHÁP SỐ 69: GULISSÀNI SUTTA

Ðây là bài pháp thuyết cho ông Gulissàni nói về phương diện trông nom cũng như thực hành Pháp bảo của các Tăng sĩ trú ngụ trong rừng. Ðại Ðức Mahà Moggallàna (Mục Kiền Liên) đã đặt nhiều câu hỏi để bàn luận. Ðức Trưởng lão còn xác nhận rằng "Không phải riêng những Sa-môn ẩn tu trong rừng mà ngay cả các Tăng sĩ ngụ trong những vùng phụ cận thành phố cũng phải thực hành cùng một phận sự mà Pháp bảo đã dạy rõ".

PHÁP SỐ 79: DHÀNANJÀNI SUTTA

Ðại Ðức Sàrìputta giảng giải cho ông Bà-la-môn Dhànanjàni nhiều phận sự khác nhau của một người cư sĩ, là không phải chỉ lo sám hối những ý nghĩ hay hành động sai lầm. Cũng không phải cứ lo làm sao tránh khỏi những hậu quả đau khổ của những tội lỗi đã tạo từ trước sẽ đem đến trong tương lai.

Khi chưa lâm chung, còn nằm trên giường bịnh được nghe bài pháp ấy, ông đã tỉnh ngộ trút hết những phiền toái trong tâm, rồi một lòng tin nơi Ðại Ðức Sàrìputta, niệm tưởng đến ân đức của những bậc Phạm Hạnh. (Như đã nói ở đoạn trướ).

PHÁP SỐ 114: ASEVITABBA SUTTA

Pháp nói về điều nên thực hành hay chẳng nên thực hành (Sevitabba: Nên. Asevitabba: Chẳng nên).

Ðại Ðức Sàrìputta nghiên cứu kỹ lưỡng những lời dạy tóm tắt của đức Phật về các pháp nên thực hành, nên nuôi nấng hay phát triển. Và những pháp nào không nên thực hành như thế. Pháp này được trình bày một cách có liên hệ với những hành động, lời nói và ý nghĩ của con người luôn luôn bị ảnh hưởng bởi những đối cảnh của Lục căn.

PHÁP SỐ 143: ANÀTHAPINDIKA SUTTA

Pháp thuyết cho ông bá hộ Cấp Cô Ðộc (Anàthapindika): Ðại Ðức Sàrìputta đã đến bên giường bịnh để giảng giải cho ông bá hộ Cấp Cô Ðộc nghe về sự gìn giữ tâm hồn, không cho dính mắc vào những âu lo cố hữu.

Ngài hướng dẫn bịnh nhân lần lượt từ căn thức một và dạy ông theo lối kiểm soát: "Này người thợ sinh diệt. Ta không còn âu lo ở con mắt, không còn âu lo ở lỗ tai, không còn âu lo ở cái lưỡi, không còn âu lo ở lỗ mũi, không còn âu lo ở làn da xúc cảm nữa. Vì ngươi đã không bao giờ ngừng nghỉ việc tạo ra xác thân ô uế này. Nó đã chứa trong đó sáu cái nguy hiểm mà giờ đây ta đã biết rồi. Chúng đã được sáu đối tượng là hình sắc, âm thanh, mùi thơm, vị ngọt và sự xúc tiếp vừa lòng nuôi nấng. Sáu sự cấu hợp ấy đã tạo ra sáu cảm nhận đầy vô thường, đầy phiền não".

Ông cứ tiếp tục quán xét như vậy, ghi nhớ theo thứ tự từ Lục thức, Lục nhập (hay còn gọi là Lục thọ), rồi đến những biến thức trong Thiền tâm. Những hình thức gồm sự tan rã từ một thế giới này sinh ra một thế giới khác. Và tất cả các cảnh giới cũng thế. Nghĩa là thoát ly khỏi những màng lưới ràng buộc của Danh và Sắc.

Tóm lại, chỉ có phép quán xét để an tịnh thì mới nên thực hành cho thuần thục, thấm nhuần bởi khi một người sắp chết, sự bắt đầu cho một kiếp sống tiếp theo chính là ở chỗ tâm trí an trụ, các thức sẽ duyên theo đó mà tiến sinh.

 

Pháp của Ðại Ðức Sàrìputta trong Dìgha Nikàya

PHÁP SỐ 28: SAMPASÀ DANIYA SUTTA

Ân đức trọn lành là nguồn phát sinh niềm tin tưởng. Ðại Ðức Sàrìputta đã ca ngợi một cách hùng hồn ân đức của chư Phật trước sự hiện diện của đức Bổn Sư, khi đó Ngài đang thuyết về những phẩm tính vô song (Anuttariya) của những bậc Toàn Giác. Ðó là sự phát biểu đúng lúc để nói lên lòng tin tưởng tuyệt đối của Ðại Ðức Sàrìputta đối với Ðức Phật. Ðây có thể xem như một sự bổ túc cho bài pháp được đức Phật mệnh danh là "Tiếng Gầm Con Sư Tử" (Sìhanada) của Ðại Ðức Sàrìputta. Nội dung của nó hoàn toàn trùng hợp với phần đầu của một đoạn giảng giải về Giáo Lý Giải Thoát đã được ghi trong kinh Mahà Parinibbàna.

PHÁP SỐ 33: SANGÌTI SUTTA

Ðây là một bài pháp do Ðại Ðức Sàriputta nghe đức Phật thuyết rồi lập lại một cách thuộc lòng trong kinh Sangìti Sutta.

PHÁP SỐ 39:

Một bài pháp gồm 10 chi, cắt nghĩa rộng rãi, đã được nói một cách tóm tắt ở đoạn trước (Pháp này nằm trong kinh Dasutara Sutta).

Pháp của Ðại Ðức Sàrìputta trong Anguttara Nikàya

Những số la mã sau đây là số đánh trên các cuốn sách (Nipàta) và những "số thường" là số những bài kinh. Sự phân chia các kinh phần trong Anguttara Nikàya chỉ danh số như vậy.

II. 37. SAMACITTA SUTTA

Pháp này nói về sự Nhập Lưu (Kể từ Tu Ðà Hườn trở lên). Và các Thánh chỉ tái sinh lại một lần mà thôi. Pháp ấy còn nêu rõ điều kiện tái sinh của chư Thánh A Na Hàm nữa.

III. 21

Pháp Phân Biệt những đấng Cao Thượng (Aniya Puggala). Thân Biệt Chứng là hậu quả của Chánh kiến hoàn toàn (Ditthipatto) và được giải thoát là nhờ Ðức tin vững chắc (Saddhà Vimutto).

IV. 79

Ðại Ðức Sàrìputta bạch hỏi đức Phật tại sao lòng can đảm của một số người lại bị chướng ngại pháp đánh bại. Có một số người khác nhờ lòng can đảm ấy đã chiến thắng được chướng ngại pháp, và những thành quả đôi khi còn vượt khỏi sự mong muốn của họ. Ðức Phật trả lời rằng: "Sức mạnh chính trong lòng can đảm là có Tâm đại lượng". Nếu thiếu đức tính đó thì lòng can đảm không thể bền bỉ để vượt qua mọi ác pháp. Ðó là điều mà chư Phật đã chỉ rõ và hằng được các hàng Ðạo sĩ hay Bà-la-môn thực hành từ lâu.

IV. 156

Pháp này nói về bốn điều Thái quá và bốn Trực giác tính. Bốn điều Thái quá thì làm nguyên nhân của sự biến mất những trạng thái tinh thần lành mạnh. Còn bốn Trực giác tính thì khiến cho hành giả biết được cách chắc chắn là họ sắp mất thiện tâm. Ðức Thế Tôn gọi bốn điều Thái quá là pháp Hư Hỏng và bốn Trực giác tính là nền tảng của Trí tuệ. Vậy bốn điều Thái quá ấy là gì?

- Là tham quá độ. Oán giận quá độ. Dối trá quá độ. Ngu dốt (hay Vô minh) quá độ. Người mắc phải bốn điều thái quá ấy rồi thì khó đạt đến quả Giác Ngộ.

Ngược lại nếu một người có bốn Trực giác tính thì khi những ác pháp như tham, sân, si, dối trá phát sinh họ lập tức cảnh giác không để cho chúng lộng hành thái quá. Rồi từ đó họ tinh tấn dũa mòn chúng lần lần để trở lại làm chủ được lý trí và phát triển trí tuệ. Họ chắc chắn sẽ chứng quả Giải Thoát.

IV. 167

Nói về sự không dễ duôi, không lười biếng và hạnh tinh tấn. Ðó là những pháp phát triển vững chắc trên con đường Giải Thoát.

IX. 171

Ðại Ðức Sàrìputta phân tích về một lời dạy tóm tắt của đức Phật bao gồm cả những trạng thái Chấp ngã (Attabhàva) và đặt một câu hỏi bổ túc. Ðức Phật đã giảng giải rành câu hỏi đó và được Ðại Ðức Sàrìputta tái thuyết lại trong kinh Samacitta Sutta.

IX. 172

Ðại Ðức Sàrìputta nói rõ về sự Ngài đã đạt đến bốn Tuệ phân biệt (Patisambhidàĩàna) hai tuần lễ sau khi Ngài được xuất gia (Nghĩa là cùng lúc Ngài đắc quả A-la-hán). Ngài công bố như vậy cốt để đức Phật xác nhận.

Phần Pháp luận với Ngài Mahà Kotthika về những giới hạn của hai pháp có thể cắt nghĩa được là pháp Ngoại Trần và pháp Nội Thức (Phassayatana). Sâu xa hơn nữa là nói về thế gian có đặc tính phân tán và sau khi phân tán, hình thức của cõi người sẽ biến thể ra sao. Theo đó, Ngũ trần dù nằm trong trạng thái vi tế... (Tiểu thế giới) hay trong khung cảnh hoàn vũ (Ðại thế giới) đều luôn luôn vô thường. Khi Ngũ trần vô thường thì Ngũ căn cũng không thể nào vững bền được. Kết quả, Lục thức, nhất là Ý thức là những cái hoàn toàn giả tạo. Ðại Ðức Sàrìputta nhắc lại lời Phật dạy: "Ai có Chánh Kiến thì nhận thức được như thế và sẽ chắc chắn giải thoát".

IV. 175

Nói về sự cần thiết trong việc kiểm soát được cả hai cảm thức: Cảm thức ngoại cảnh và cảm thức nội tâm. Ðồng thời với khả năng suy luận một cách hợp lý (Vijjàcarana) sẽ giúp cho hành giả chấm dứt được một số tà ý hay phiền não.

IV. 179

Pháp đề cập về những động lực hỗ trợ để đạt đến Niết Bàn, và những chướng ngại cản trở sự tiến tới mục tiêu ấy.

V. 165

Nói về năm nguyên nhân tại sao người đời thường chất vấn một vị Sa-môn với một ý nghĩ khinh thường rằng: "Nếu ông ấy trả lời câu hỏi một cách đúng đắn thì tốt, bằng không ta sẽ dạy lại cho ông ta cách giải đáp". Ðây chính là một ý định tội lỗi do vô minh ngã mạn gây ra. Ác tính đó chỉ có ở hạng người phàm tục chứ không bao giờ phát sinh trong tâm một vị Thánh hay Bồ Tát.

V. 167

Pháp nói về phương pháp để thanh lọc các hàng Tăng lữ trong Giáo Hội.

VI. 14, 15

Nói về hai nguyên nhân hằng gây ra hậu quả trong giờ phút lâm chung là trạng thái tâm tính êm dịu hay bức rức. Ý nói cái chết diễn ra một cách bình thản hay đau khổ.

VII. 41

Ðại Ðức Sàrìputta giảng rằng một Sa-môn khi đã có những sức mạnh siêu phàm. Nếu vị ấy vui mừng tán dương sức mạnh đó vững chắc như tảng đá, tinh túy như một chất nước lấy ra từ những đóa hoa, có sức thiêu đốt như lửa, bàng bạc mọi nơi như không khí. Hoặc giả Sa-môn ấy, cứ xem thường nó, coi như không có gì cả thì năng lực siêu phàm ấy vẫn có thể hỗ trợ hành giả một cách hữu hiệu như nhau.

VII. 66

Nói về cử chỉ tôn kính lễ bái, Ðại Ðức Sàrìputta thuyết: "Những hành vi này có thể giúp cho người Phật tử quen đi một số động tác phạm hạnh. Nhất là thói quen ấy lại hướng về đức Phật, đức Pháp và đức Tăng. Ngoài ra; cũng có thể hướng về tư tưởng độ thế hay mong muốn lợi tha (Patisanthàra)".

IX. 6

Nói về phương pháp tìm hiểu tính tình dân chúng của một địa phương xuyên qua y phục, vật thực, chỗ ở, làng xóm, thành thị hay xứ sở v.v... Một Sa-môn trước khi truyền bá giáo lý giải thoát vào một vùng mới cần phải hiểu rõ như thế. Nghĩa là sứ giả của Như Lai khi ở trong một quốc độ nào phải thấy quốc độ ấy thích hợp với mình.

IX. 11

Một tiếng "Gầm sư tử" thứ hai của Ðại Ðức Sàrìputta được trình bày, trước sự chứng minh của đức Phật ngay khi có một Tỳ-khưu cáo oan về Ngài. Khi ấy Ðại Ðức Sàrìputta chỉ mỉm cười, rồi công bố cho mọi người biết những pháp Giải Thoát khỏi sự oán giận là hai đặc tính không cố chấp trong bản ngã và tâm chẳng bao giờ muốn làm hại kẻ khác của một số Ðại Sa-môn.

IX. 13

Ðây là bài luận đạo của Ngài với Ðại Ðức Mahà Kotthika về mục đích của đời sống Thánh Tăng.

IX. 14

Ðại Ðức Sàrìputta chất vấn Ðại Ðức Sàmiddhi về những yếu pháp giải thoát, rồi cống hiến thêm một số chứng minh của mình để bổ túc.

IX. 16

Một đoạn trình bày về tính ngay thẳng tự nhiên của Ðại Ðức Sàrìputta dù cho đối với những kẻ đối lập cũng vậy. Ngài đã cải chính một câu nói của Ðề Bà Ðạt Ða (Devadatta)... Vì Ngài cho rằng câu nói ấy có thể bị vị Tỳ-khưu đến thuật lại với Ngài thêm bớt. Sau đó đức Trưởng lão đã thuyết cho vị Tỳ-khưu ấy nghe về một tư tưởng vững chắc đã được phát triển đầy đủ. Tư tưởng ấy không thể bị lung lay bởi bất cứ ác ý nào hết.

IX. 84

Ðề cập về Niết Bàn (Nibbàna), một cứu cánh được diễn tả bằng những từ ngữ như Vô Sinh, Bất Diệt, Tịnh Lạc, Chẳng Cấu Hợp, Không Ðiều Kiện v.v... Tất cả đều vượt khỏi cảm thức của con người.

X. 7

Ðại Ðức Sàrìputta mô tả về những trạng thức thiền định của Ngài. Cuối cùng bài mô tả ấy Ngài đã nói rõ điểm hội tụ của những trạng thức ấy là Niết Bàn, là sự chấm dứt sinh diệt.

X. 65

Bài pháp có tựa "Tái sinh là một nỗi khổ và không tái sinh là một hạnh phúc".

X. 66

Nghe được giáo lý của đức Phật, làm được lời Phật dạy là hạnh phúc. Không thỏa thích trong việc nghe giáo lý và không thỏa thích trong sự thực hành Phật giáo là một điều bất hạnh và thoái hóa.

X. 67. 68

Những nguyên nhân làm hăng hái hay thối chí trong việc phát triển thiện tánh.

X. 90

Nói về mười sức mạnh để giải thoát những ác pháp ngấm ngầm trong tâm mà một vị A-la-hán lúc còn phàm đã nhờ nó mà đạt tới Thánh quả. Mười sức mạnh này chỉ hiển hiện khi hành giả đã vững chắc trong Thiền Ðịnh, nhất là trong Minh Sát Tuệ. Ðại Ðức Sàrìputta phân tích rõ: Sự thanh lọc nội tâm không phải chỉ mang lại sự yên ổn, mà còn đạt được trạng thái trong sáng nữa.

Pháp của Ðại Ðức Sàrìputta trong Samyutta Nikàya

Ðại Ðức Sàrìputta chỉ dẫn phương pháp thoát khỏi vòng luân hồi bằng cách nói rõ trong sự sinh tử ấy khổ não không phải chỉ phát sinh đơn phương từ nội tâm của một chúng sinh, mà nó hằng phát sinh song song từ tâm của một chúng sanh khác hay từ ngoại cảnh, ở đây ám chỉ sự ảnh hưởng tâm tánh giữa người này với người kia và những khoái lạc Ngũ trần.

No 25

Bài pháp này cũng đồng nội dung với số 24, nhưng có thêm hai chi tiết là sự vui và sự khổ (Sukha-Dukkha).

No 31

Nói về những điều kiện để kéo dài kiếp sinh tồn. (Ý đề cập về những thể chất và vật thực).

No 32

Kàlàra Sutta: Khi được đức Phật chất vấn, Ðại Ðức Sàrìputta đã bạch rằng: Tuệ phân biệt đã giúp Ngài hiểu rõ sự đắc quả A-la-hán và cũng nhờ đó Ngài nhận thấy nguyên nhân của sự Sanh đã bị tận diệt. Hành động trong hiện tại của một vị A-la-hán (hay Phật) sẽ không có quả trong tương lai.

Ðại Ðức Sàrìputta còn nói "Tận diệt tức là sinh vĩnh cửu" (Khìnà Jàti). Sau đó, Ngài tiếp tục đáp những câu hỏi sâu xa hơn của đức Phật về nguyên nhân và khởi đầu của sự SANH, rồi đến sự TRƯỞNG THÀNH cùng những trạng thức phát triển phụ thuộc khác dự phần vào việc lập thành những cảm nghĩ.

Ðức Trưởng lão đã tiết lộ: Chính tuệ thấy rõ mọi vật đều Vô Thường một cách chắc chắn, không nghi ngờ đã giúp Ngài ghê sợ các khoái lạc từ Ngũ trần (Nandi).

KHANDHA SAMYUTTA.

No 1

Ðại Ðức Sàrìputta cắt nghĩa tỉ mỉ về lời nói sau đây của đức Phật: "Ta không thể cản được sự đau đớn của xác thân, nhưng ta có thể sửa trị nổi những đau khổ của linh hồn".

No 2

Bài pháp nói về sự huấn luyện của Ðại Ðức Sàrìputta cho những Tỳ-khưu sắp đi hành đạo tại những vùng biên giới xa xôi. Vì những Tỳ-khưu này sẽ phải đối phó với nhiều câu hỏi do những kẻ ngoại đạo chất vấn. Cuối thời pháp Ngài đã tóm lược: Làm thế nào để tẩy trừ được tất cả các tính tham, sân, si trong Ngũ uẩn, đó chính là đề tài mà quí vị có thể giảng cho bất cứ ai nghe về Giáo pháp của chư Phật.

No 122, 123

Nói về tầm quan trọng của sự hiểu biết rằng "Ngũ uẩn chỉ là một khối giả tạo" Nếu một người đang trau giồi giới hạnh mà ý thức được như vậy thì có thể đạt tới Thánh Lưu. Còn một bậc đã nhập Thánh Lưu rồi mà lấy Vô thường, Khổ não, Vô ngã làm đề mục thì từ bậc Thánh thấp họ sẽ tiến lên bậc Thánh cao hơn. Riêng một vị A-la-hán mà có thói quen quán tưởng thường xuyên như vậy thì vị A-la-hán ấy có thể đạt được trí tuệ viên giác.

No 126

Bài pháp nói về sự ngu muội và sự hiểu biết khi một người may mắn gặp được Pháp bảo của đức Phật.

SÀRÌPUTTA SAMYUTTA

No 1-9

Ðây là một loạt chín bài pháp đã được Ðại Ðức Sàrìputta thuyết về sự phát triển đầy đủ trong chín phẩm trật Thiền Ðịnh, nghĩa là từ nhất thiền đến trạng thái chấm dứt mọi ý nghĩ, mọi cảm thức, Ngài còn bổ túc thêm: Trong khi tiến hóa như vậy, hành giả phải coi chừng sự xuất hiện của Ngã Mạn. Vì theo tâm ý phàm tình, khi một người đạt được bất cứ một phẩm hạnh gì, kẻ ấy thường cho là quan trọng, và do đó cái TA lại được "Bổ Dưỡng".

No 10

Một lần nọ, gần thành Ràjagaha (Vương Xá). Sau khi đi khất thực, Ðại Ðức Sàrìputta đã ngọ thực gần một trường thành. Lúc ấy có một nữ đạo sĩ tên là Sucimukhì tới gần Ngài và hỏi:

- Thưa Ngài! Trong khi thọ thực Ngài có bắt buộc phải quay mặt về một hướng hay một số hướng nào cố định như những đạo sĩ (dĩ nhiên ngoài Phật Giáo) hay không?

Ðại Ðức Sàrìputta vui vẻ trả lời:

- Bần Tăng không hướng vào bất cứ một hướng nào nhất định hết. Tất cả phương hướng đối với bần Tăng đều như nhau. Một Sa-môn khi đã kiếm được vật thực bằng một cách chân chánh rồi thì trước khi thọ hưởng chỉ nghĩ đến cha mẹ hoặc thầy Tổ. Nếu biết những bậc ân nhân ấy ở phương nào thì Sa-môn có thể hướng về phương ấy để cúng dường. Nhưng hành động đó không phải là một ngưỡng vọng phương hướng, mà chỉ đơn giản là một phạm hạnh tri ân.

Nữ đạo sĩ Sucimukhì nghe những lời lẽ chân chánh ấy và nhìn thấy phong độ an tịnh của Ðại Ðức Sàrìputta đã kinh cảm một cách sâu xa. Sau đó bà liền đi từ đường này sang đường khác, phố nọ đến phố kia mà truyền rao lên rằng: "Những Tu sĩ phái Sakya (Thích Ca) nuôi mạng rất chân chánh. Họ dùng những vật thực mà không ai có thể chê trách được. Xin quí vị hảo tâm hãy cúng dường cho họ".

(Nghệ thuật giảng đạo của Ðại Ðức Sàrìputta trong bài này, theo Dìgha Nikàya 31, cũng có khả năng cảm hóa như phương pháp cuả đức Phật trong kinh Sìgàlavàda).

SÀLÀYATANA SAMYUTTA

Nội dung bài pháp này có thể tóm lược như sau: "Chính dục vọng trong những đắm say trần cảnh (Lục trần) đã tạo nên vòng sinh tử luân hồi, chứ không phải do nơi Lục căn và đối tượng của chúng là Lục trần".

JAMBUKHÀDAKA SAMYUTTA

Kinh gồm phần giải đáp đến một số câu hỏi của người cháu Ðại Ðức Sàrìputta tên là Jambukhà Daka. Ông ấy là một đạo sĩ thuộc phái Paribbàjaka. Nội dung có thể chia ra làm hai phần:

No 1:

Giảng giải về đặc tính giải thoát tuyệt đối của Niết Bàn.

No 2:

Phương pháp để chứng đạt được phẩm A-la-hán, trình độ Thánh tâm đã tẩy trừ hết tham lam, sân hận, và si mê.

No 3-16:

Ðại Ðức Sàrìputta trả lời những câu hỏi về "Những kẻ truyền bá chân lý. Mục đích của đời sống thanh tịnh và các Ðấng đã tìm được nơi an nghỉ vĩnh cửu". Nổi bật nhất là Ngài đã làm cho thính giả chú ý và ghê tởm những cảm não và si mê, những xấu xa nhơ bẩn mà bản tâm con người bị phủ kín. Rồi Ngài nói đến các pháp mà người đời khó làm được trong giáo lý của đức Phật.

INDRIYA SAMYUTTA

No 44.

Có một lần được đức Phật gạn hỏi, Ðại Ðức Sàrìputta đã bạch rằng: "Chính nhờ sự không trông cậy vào đấng Siêu Thoát và từ kinh nghiệm của bản thân, Ðại Ðức bỗng hiểu được năm sức mạnh của tâm linh (Ngũ lực). Nghĩa là nhìn thấy con đường dẫn đến chỗ bất tử".

No 48, 50

Phần pháp này đề cập trọn vẹn về Ngũ lực (Pãnca Bala) và trình bày rất chi tiết do Ðại Ðức Sàrìputta. Một chỗ khác trong kinh còn gọi "Ấy là con đường trí tuệ".

SOTÀPATTI SAMYUTTA

No 55.

Pháp nói về bốn yếu tố cần thiết để nhập Thánh Lưu (Sotàpattiyamga).

Các tin đã đăng: