Lịch sử Đức Phật & Thánh chúng
Cuộc Ðời Ðức Xá Lợi Phất (Sàrìputta)
Soạn Giả: Nyanaponika Thera Dịch Giả: Nguyễn Ðiều (1966)
29/10/2554 06:27 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

[01]

 

PHẦN THỨ NHẤT

TỪ KHI SANH RA ÐẾN LÚC ÐẠT THÁNH QUẢ

 

 

Câu chuyện bắt đầu từ trong hai làng Bà-la-môn ở Ấn Ðộ gọi là Upatissa và Kolita. Hai làng này cách xa thành Ràjagaha (Vương Xá) chẳng bao nhiêu.

Trước khi đức Phật ra đời, có một thiếu phụ thuộc dòng Bà-la-môn tên Sàrì, sống trong làng Upatissa đã thụ thai (Cunda, Satipatthàna Samyutta và Chú Giải thì nơi sinh của Ngài là Nàlàkà - hay Nàlàgàma. Không chừng đó là tên phụ. Có điều chắc chắn là nơi ấy gần vùng Nalanda... Ở Nalanda có một Ðại Học Ðường đầu tiên trên thế giới. Chính Ðường Huyền Trang đã tòng học tại đây. Còn ông Bà-la-môn, tức thân sinh của Ðại Ðức Sàrìputta tên là Vaganta), và đồng thời tại một làng khác gọi là Kolita, cũng có một thiếu phụ Bà-la-môn khác mang thai. Nhưng có điều lạ là cả hai thiếu phụ này thụ thai trong một ngày. Người thiếu phụ thứ hai tên là Moggallì. Hai gia đình của hai thiếu phụ này giao hảo với nhau rất thân mật và đã kết thân cùng nhau bảy đời.

Kể từ ngày mới thụ thai, hai gia đình Bà-la-môn kia chăm sóc hai thiếu phụ ấy rất chu đáo và sau một thời gian đến ngày nở nhụy khai hoa, cả hai thiếu phụ đồng sinh ra hai đứa con trai cũng cùng trong một ngày.

Trong lúc đặt tên cho đứa bé, thiếu phụ có tên Sàrì đã nhận tên Upatissa mà đặt cho con trai mình, bởi vì gia đình của nàng là một gia đình đứng đầu trong làng. Tương tự như thế, cậu bé con trai của nàng Bà-la-môn Moggallì bên làng kia lại được đặt tên là Kolita.

Khi hai cậu bé bắt đầu khôn lớn, chúng được cha mẹ giáo dục thật chu đáo, và được học hỏi nhiều môn học từ những danh sư nổi tiếng nhất trong xứ. Hai cậu đã trở nên lão thông tất cả những môn học thời bấy giờ.

Mỗi chàng trai xuất chúng ấy đều có hằng năm sáu trăm người thanh niên Bà-la-môn khác theo làm môn đệ. Họ thường dắt nhau đi thưởng cảnh bơi lội hoặc vào trong những công viên vừa giải trí vừa luận bàn thời sự. Upatissa hay dùng năm trăm chiếc võng, và Kolita với năm trăm cỗ mã xa.

Hồi ấy tại thành Ràjagaha (Vương Xá) mỗi năm có một kỳ lễ tưng bừng giống như hội Vu Sơn. Ðôi thanh niên trí thức này được mời ngồi vào những chiếc ghế danh dự để chứng kiến cuộc lễ. Thoạt đầu họ có vẻ vui thú khi những hồi trình diễn trở nên hào hứng, và họ đã tặng nhiều món tiền thưởng để các diễn viên, trình diễn thêm những màn đặc biệt mà họ thích nhất. Họ giải trí vui vẻ như vậy đến hai ngày, nhưng qua đêm thứ ba thì cả hai bỗng trở nên buồn bã, vì họ vừa ý thức được một điều gì. Họ không còn vui vẻ hay tươi cười nữa. Họ cũng chẳng màng treo thêm những món tiền thưởng hậu như hai ngày trước.

Mỗi người đồng có một ý nghĩ: "Ở đây có gì lạ mà ta phải ngồi nhìn? Tất cả những người này khi đã đến trăm tuổi rồi thì họ sẽ phải đi theo thần chết. Vậy việc mà ta nên làm là mau mau đi tìm một con đường để thoát chết".

Những ý nghĩ như vậy cứ lẩn quẩn trong đầu óc họ, ngay khi họ còn ngồi trong cuộc lễ. Sau đó Kolita bèn nói với Upatissa:

- Này bạn Upatissa! Thế này là nghĩa làm sao? Do đâu bạn lại không vui vẻ và thích thú như hai ngày trước? Tôi nhìn bạn như đang lo âu một điều gì, vậy bạn có thể cho tôi biết được chăng?

- Này bạn Kolita. Tôi thấy ngồi nhìn những cảnh tượng này chẳng lợi ích chi cả. Nó hoàn toàn vô vị. Tôi nghĩ phải đi tìm một con đường giải thoát cho chính tôi Kolita ạ. Ðó là vấn đề mà tôi đang băn khoăn trong tâm. Nhưng mà còn anh nữa, anh Kolita ạ, tôi thấy anh cũng không có vẻ an tâm chút nào!

Kolita đáp:

- Tôi quả có sự suy tư đúng như anh vừa thốt.

Khi biết rằng người bạn cùng mang một nỗi âu lo như mình, Upatissa bèn nói:

- Ðó là một mối quan tâm đáng khen của chúng ta. Nhưng muốn đi tìm một người thầy để dạy cho chúng ta con đường giải thoát, chỉ có cách là chúng ta phải rời bỏ nhà cửa để du phương và tìm sống với các bậc đạo sĩ hữu hạnh, song biết ẩn sĩ đắc đạo nào mà chúng ta theo bây giờ?

Thuở ấy có một Giáo chủ sống trong thành Ràjagaha (Vương Xá). Vị này thuộc phái Du Sĩ Paribbàjaka, tên gọi là Sanjaya. Ông có một số môn đồ rất đông.

Với ý định sẽ gia nhập làm môn đệ của vị ấy, Upatissa và Kolita bèn tìm đến đó. Mỗi người cùng dắt theo năm trăm thanh niên đồ đệ của mình rồi tất cả đều được nhận vào môn phái của Sanjaya. Kể từ đó tiếng thăm và hậu thuẫn của đạo sĩ Sanjaya liền trở nên vang dậy.

Sau một thời gian ngắn, đôi bạn Upatissa và Kolita đã học hết học thuyết của Giáo chủ Sanjaya. Họ hỏi thầy đạo sĩ rằng:

- Thưa thầy, giáo pháp của thầy chỉ có chừng ấy hay còn gì hay hơn nữa?

Sanjaya đạo sĩ đáp:

- "Chỉ có thể, và các ngươi đã biết cả rồi."

Nghe vậy đôi bạn Upatissa và Kolita liền nghĩ: "Nếu chỉ có thế mà mình lại tiếp tục cuộc đời đạo sĩ này với ông ta thì vô ích quá! Mình đã lìa bỏ gia đình, sống đời để tìm giải thoát thế sự, mà theo ông thầy này mình chẳng được chi cả!".

Rồi họ lại nghĩ tiếp: "Nhưng nước Ấn Ðộ rộng bao la, nếu mình kiên nhẫn tầm Sư không thối chuyển, cứ đi từ làng này qua làng khác, tỉnh nọ đến tỉnh kia chắc hẳn sẽ tìm được một vị thầy dạy cho ta phương pháp thoát tử!".

Kể từ đó mỗi khi họ nghe có một đạo sĩ uyên bác nào, dù ở xa đi nữa, đôi bạn Kolita và Upatissa cũng tìm đến cầu đạo. Nhưng chẳng có một vị nào giải đáp nổi một câu hỏi của họ, trong khi đối với những người khác các vị đạo sĩ ấy đều tỏ ra thông suốt.

Sau khi đi khắp cả xứ Ấn Ðộ, cả hai phải cùng quay về, và lúc về đến chỗ cũ, họ đồng cam kết với nhau rằng:

"Trong hai người nếu ai tìm được con đường bất tử trước phải chỉ lại cho người kia".

Từ đó họ chính thức kết làm huynh đệ và tình giao hữu giữa đôi thanh niên lại càng sâu đậm hơn.

Chẳng bao lâu, sau khi Upatissa và bạn là Kolita hẹn ước như thế, thì đức Thế Tôn - đấng hoàn toàn Giác Ngộ lại đến thành đô Ràjagaha (Vương Xá). Vì khi Ngài đã thuyết xong một bài pháp nói "Lửa" tại thị trấn Gàya, Ngài bèn nhớ đến lời hứa mà Ngài đã hứa với vua Bimbisàra (Tần Bà Sa) trước khi đắc thành Chánh đẳng Chánh giác là Ngài sẽ trở lại thành Ràjagaha (Vương Xá) ngay sau khi Ngài đã đắc được đạo Giác Ngộ. Ðức Thế Tôn di hành suốt quãng đường dài từ Gàyà đến thành Ràjagaha và được vua Bimbisàra thân hành đón tiếp tại Trúc Lâm tịnh xá (Veluvana Vihàra).

Trong số sáu mươi mốt vị Thánh A-la-hán mà đức Bổn Sư đã phái đi để truyền bá cho thế gian về ân đức của Tam Bảo (Phật Bảo, Pháp Bảo và Tăng Bảo), có Trưởng lão Assàji, người thuộc nhóm năm đạo sĩ trước đây là những vị đồng tu khổ hạnh với đức Thích Ca khi Ngài chưa đạt được giác ngộ, và cũng chính những vị đó sau này đã trở thành những đệ tử đầu tiên của Ngài. (Tức năm thầy Kiều Trần Như).

Trưởng lão Assàji, sau khi đã du hành truyền đạo bèn trở lại thành Ràjagaha.

Vào một buổi sáng nọ, trong khi Trưởng lão đang trì bình khất thực trong thành Ngài được Upatissa, người đang đi trên con đường dẫn đến tu viện thuộc phái đạo sĩ du phương Sanjaya, trông thấy. Bị kinh cảm bởi vẻ mặt trang nghiêm và thoát tục của Ðại Ðức Assàji, Upatissa nghĩ: "Trước đây ta chẳng bao giờ trông thấy một nhà sư như vậy. Ông ta phải là một trong những Thánh Tăng A-la-hán (Arahatta). Nếu không chắc hẳn Ngài cũng là người đang bước trên con đường đến Thánh quả A-la-hán? Tại sao ta không thử đến gần Ngài để tìm hiểu xem Ngài được thọ giáo với ai? Ðâu là Ðạo môn của Ngài và Ngài đã học được giáo lý như thế nào?".

Nhưng Upatissa lại nghĩ: "Giờ phút này không tiện để cho ta đặt những câu hỏi như vậy vì Ngài còn đang khất thực trên đường phố. Tốt hơn ta nên theo sau Ngài như một người ngưỡng mộ". Và rồi Upatissa đã thực hiện ý nghĩ của mình.

Sau khi đức Trưởng lão khất thực xong, Upatissa lại thấy Ngài dời chân đến một nơi khác, dường như với ý định chọn nơi thanh vắng để dùng bữa. Ông ta bèn tiến nhanh đến phía trước sửa soạn cho Ngài một chỗ ngồi bằng chiếc tọa cụ của chính ông đã mang theo, rồi ông cung kính dâng đến đức Trưởng lão Assàji. Khi Ngài dùng bữa xong thì Upatissa liền dâng đến Ngài nước rửa tay lấy từ trong bình đựng nước của ông, và cùng một cách như thế, ông đã lo lắng cho Ngài bằng tất cả cử chỉ của một người đệ tử đối với bậc thầy.

Sau khi trao đổi với nhau với những lời chào hỏi thông thường, lịch sự và lễ phép, Upatissa nói:

- Kính đạo sĩ, nét mặt của Ngài thanh tịnh quá. Phong thái của Ngài sao mà trong sạch sáng sủa thế. Kính đạo sĩ, vậy Ngài đã theo vị nào để trở thành thoát tục? Và ai là thầy của Ngài, cũng như Ngài đã thọ giáo ra sao?

Ðức Assàji đáp lời: - Này đạo hữu! Ðúng vậy chính vị Giác Ngộ, người con cao quí của dòng Sakya chính là Bổn Sư của bần đạo. Ði trên con đường của Ngài, bần đạo đã tiến hóa. đức Thế Tôn ấy là bậc đã giải thoát, và cũng nhờ Pháp bảo của Ngài mà bần đạo đã được thanh tịnh.

- Thưa đạo sĩ. Vị Ðại phúc ấy chắc phải thông rõ vạn pháp và Ngài phải học hỏi có bao nhiêu mới đạt được mức thanh tịnh như thế?

Bị chất vấn như vậy, đức Trưởng lão Assàji bèn tự nghĩ rằng: "Những học giả du phương này thường không hiểu pháp Ba la mật của đức Phật. Ta sẽ chỉ cho ông ta rõ Ba la mật pháp cao dày như thế nào?". Vì vậy Ngài nói:

- Dù sao bần đạo hãy còn trên bước đường tu tập. Con đường giải thoát mà bần đạo đã đi kể từ khi xuất gia đến giờ chưa xa mấy. Bần đạo chỉ mới bước được vài bước thuộc vào những bước mở đầu trong giáo lý và phẩm hạnh này. Bần đạo không thể giải nghĩa Pháp bảo của đức Thế Tôn cặn kẽ đến đạo hữu được.

Người tầm đạo ấy liền thưa:

- Kính Ðại Ðức. Tôi tên là Upatissa, đang quyết lòng tìm đạo. Xin Ngài làm ơn chỉ dẫn cho tôi tùy theo khả năng của Ngài. Dù nhiều hay ít tôi cũng vẫn kính cẩn lắng nghe. Nếu là chánh pháp thì chỉ một câu đã giúp người thành tâm tìm ra nẻo giải thoát.

Và ông ta năn nỉ tiếp: - Xin Ngài chỉ dạy cho tôi theo sức hiểu biết của Ngài. Với ánh sáng giác ngộ dù chỉ le lói đi nữa, nó vẫn có giá trị và đầy đủ khả năng giúp người thiện tâm tìm ra con đường chân lý.

Ðể đáp lại, Trưởng lão Assàji ngâm kệ rằng:

"Vạn pháp đều sanh ra bởi một Nhân,
Ðức Thế Tôn đã chỉ rõ Nhân của nó,
Ngài cũng dạy cho cách diệt tắt,
Nhân ấy! Ðó chính là Giáo Pháp
của bậc Ðại Sa-môn".

(Kệ ngôn trên đây ngày nay đã trở thành một trong những triết lý căn bản và nổi tiếng nhất của Phật giáo. Bất cứ lúc nào nó cũng có thể đóng vai như một sự nhắc nhở về lần tiếp xúc đầu tiên của Ðại Ðức Upatissa - Sàrìputta với Pháp bảo, và nó cũng là một sự ghi nhớ có giá trị về Trưởng lão Assàji, vị thầy đắc đạo A-la-hán của ông).

Nhắc lại thanh niên Upatissa, khi nghe hết hai câu đầu, Upatissa đắc được Pháp Nhãn, chứng đạo Nhập Lưu (Tu Ðà Hườn) và lúc dứt hai câu cuối cùng ông đã hoàn toàn lắng nghe với vẻ mặt của một người đang được giải thoát.

Khi ông đã trở thành một bậc nhập Thánh Lưu rồi, và trước khi đạt được những quả vị cao hơn, ông đã cảm nhận rằng: "Ánh sáng cùng ý nghĩa của sự giác ngộ đã tìm thấy nơi đây rồi". Và ông cung kính nói với đức Trưởng lão:

- Xin Ngài khỏi giải rộng thêm về Pháp bảo này nữa. Như thế đó là đủ tất cả. Upatissa xin qui y đấng Thế Tôn và Ðại Ðức.

- Nhưng thưa Ngài. Hiện vị thầy của chúng ta đang ở đâu?

- Này kẻ tầm đạo. Ngài đang ở trong Trúc Lâm tịnh xá.

- Bạch Ðại Ðức! Thỉnh Ðại Ðức đi trước. Tôi có một người bạn và chúng tôi đã hẹn ước với nhau rằng: "Nếu ai tìm được đạo bất tử trước tiên sẽ chỉ dạy cho người kia. Vậy tôi phải đi thông báo cho người bạn tôi biết, rồi chúng tôi sẽ cùng theo con đường Ngài đã đi để đến ra mắt đấng Thiên Nhân Sư".

Ðoạn Upatissa cung kính mọp xuống tận bàn chân của đức Trưởng lão, lễ bái và từ giã Ngài để trở lại nơi cư ngụ của những đạo sĩ du phương.

Kolita trông thấy bạn mình tiến lại gần và thầm nghĩ: "Hôm nay nét mặt của bạn ta hoàn toàn thay đổi. Chắc hẳn anh ấy đã tìm ra con đường thoát tử?".

Và khi ông hỏi bạn về chuyện ấy, Upatissa đáp:

- Vâng, thưa bạn. Tôi đã tìm ra đạo bất tử.

Rồi ông đọc thuộc lòng cho bạn mình nghe kệ ngôn mà ông đã nghe. Khi kệ ngôn chấm dứt, Kolita liền đắc quả Nhập Lưu (Tu Ðà Hườn) và liền hỏi:

- Bạn thân mến! Hiện đấng Thượng Sư ngụ ở đâu?

- Thầy của tôi, đức Trưởng lão Assàji đã cho tôi biết rằng đấng Thượng Sư đang ở tại Trúc Lâm tịnh xá.

Kolita liền bảo:

- Này Upatissa vậy chúng ta hãy đến ra mắt Ngài đi.

Nhưng Upatissa là người luôn luôn kính trọng thầy, nên ông ta bèn đề nghị với bạn rằng:

- Này bạn! Trước tiên chúng ta hãy đến thầy cũ của chúng ta đã, Ngài du sĩ Sanjaya, và bảo cho ông ấy biết rằng chúng mình vừa tìm được đạo bất tử. Nếu ông ta đón nhận, ông ta sẽ đạt được con đường thật. Dù cho ông ta không tin đi nữa có lẽ ông cũng được ảnh hưởng do lòng tin tưởng mãnh liệt của chúng ta, rồi sẽ cùng đi yết kiến đấng Thượng Sư để nghe giáo lý của Ngài. Biết đâu ông ta cũng gặt hái được đạo quả giải thoát?

Do đó cả hai cùng đến gặp đạo sĩ Sanjaya và báo tin rằng:

- Thưa thầy! Thầy đang làm gì đó? Một đấng Giác Ngộ đã xuất hiện trên thế gian này. Giáo lý của Ngài đã khai sáng nhân sinh và được thực hành chân chánh trong cộng đồng do những Tăng sĩ đệ tử của Ngài. Vậy Ngài hãy cùng đi với chúng tôi đến ra mắt đấng Thượng Sư đã tròn đủ Thập Ðộ.

Ðạo sĩ Sanjaya ngạc nhiên la lên rằng: "Ta chẳng hiểu các ông muốn nói cái gì?".

Rồi ông từ chối không đi theo họ, mà còn khoe khoang với họ về danh dự và tiếng tăm của ông ta để hy vọng thuyết phục hai học trò mình ở lại hưởng thụ và chỉ tin tưởng nơi danh vị của ông thầy cũ.

Nhưng họ đã quyết: - Thầy ạ. Chúng tôi đã dứt khoát, không còn bất cứ ý muốn nào ở lại đây. Thầy ơi! Thầy chỉ cần quyết định rằng đi theo chúng tôi là nên hay không mà thôi?

Thất bại trong những lời thuyết phục, Sanjaya nghĩ: "Nếu họ hiểu nhiều như vậy, họ sẽ chẳng nghe theo những gì ta bảo. Tốt hơn hãy để họ ra đi càng sớm càng tốt, kẻo không những đệ tử khác hay biết sẽ có hại".

Tư tưởng xong ông ta liền đáp: "Thôi các ông hãy đi đi, còn ta không thể đi được".

- Thưa thầy, tại sao không?

- Vì ta là một vị thầy có nhiều môn đệ. Nếu ta đảo lộn hệ thống môn đồ như thế thì chẳng khác nào một bệ nước vĩ đại đem đổi lấy một bình chứa nhỏ nhoi. Bây giờ ta không thể nào trở lại cuộc sống như là một đệ tử được.

Họ lại khẩn cầu: - Xin thầy đừng nghĩ như thế thầy ạ!

- Nhưng ta đã quyết định rồi, các ông hãy đi đi, ta không thể đi được.

- Thầy ơi! Khi đức Phật xuất hiện trên đời, bao nhiêu người từ hạ dân đến quyền quí cao sang đều tôn thờ Ngài, mang cả những bảo vật đến dâng cúng kia mà. Danh vị của thầy làm sao so sánh với đấng Toàn Giác. Cho nên, khi chúng tôi đã theo Phật rồi, những gì sẽ xảy đến cho thầy, chắc thầy đoán biết chứ?

Ðể đáp lại câu đó, đạo sĩ Sanjaya trả lời:

- Này các đệ tử, các ông suy nghĩ gì kỳ lạ vậy? Trên đời này người ngu muội nhiều hay người trí thức nhiều?

- Người ngu muội nhiều, thưa thầy. Song người trí thức thì ít lắm.

- Nếu vậy thì này các ông. Chắc các ông cũng biết rằng những người trí thức sẽ đến với đức Phật Cồ Ðàm (Gotama), còn những kẻ ngu muội sẽ về với ta, chỉ những người ngu muội thôi. Bây giờ các ông có thể đi đi. Nhưng ta chẳng bao giờ đi theo các ông cả.

Vì vậy, đôi bạn Upatissa và Kolita, khi rời thầy đã nói:

- Thưa thầy. Rồi đây thầy sẽ hối hận vì những tư tưởng sai lầm của thầy.

Sau khi họ đi rồi, có một sự rạn nứt trong những môn đồ Sanjaya và tu viện của ông ta đã trở nên gần như trống trải.

Thấy tư thất của mình vắng lặng các môn đồ, đạo sĩ Sanjaya đã uất ức đến hộc máu tươi. Năm trăm đệ tử của ông đã rời bỏ theo Upatissa và Kolita. Trong số đó chỉ có hai trăm năm mươi người trở lại với đạo sĩ du phương Sanjaya.

Với số còn lại là hai trăm năm mươi người, cộng thêm những người tùy tùng xưa kia, đôi bạn Upatissa và Kolita bèn nhắm Trúc Lâm tịnh xá trực chỉ.

Lúc đó đức Thượng Sư đã an tọa trong hàng, Tứ chúng (đó là Tỳ-khưu, Tỳ-khưu Ni, Thiện nam, Tín nữ) và đang thuyết pháp. Khi đức Thế Tôn thấy hai người tiến đến, Ngài bèn công bố với chư Tăng và Phật tử rằng:

- Ðôi bạn Upatissa và Kolita đang đến đây sẽ là những đệ tử ưu tú của Như Lai. Thực là một đôi bạn phước duyên song toàn.

Khi đến gần, hai người ấy liền trịnh trọng đảnh lễ đức Thế Tôn và ngồi lại một bên. An tọa xong, họ bạch với đức Phật rằng:

- Bạch Ngài! Xin Ngài cho chúng con được thọ giáo để được đi trên con đường tấn hóa và xin Ngài dắt dẫn chúng con trên con đường giải thoát tối thượng.

Ðức Thế Tôn thuyết: "Này các Tỳ-khưu! Các vị hãy đến đây! Khi Pháp bảo đã được thuyết giảng, hấp thụ vào tâm rồi thì đời sống của kiếp người là những ngày tháng trong sạch để chấm dứt cả phiền não".

Phật thuyết chỉ có thế và Ngài xem như rất đầy đủ cho những hàng xuất gia cao thượng.

Sau đó đức Bổn Sư tiếp tục bài pháp tùy theo căn cơ của mỗi cá nhân để đưa họ vào một sự suy gẫm. Trường hợp đặc biệt của hai thủ lãnh môn đồ vừa đến, pháp của Ngài đã làm cho họ đạt tới A-la-hán quả. Nhưng hai vị ấy chưa hoàn toàn ngộ được ba đạo Thánh tâm cao thượng hơn. Lý do là vì tính chất, vĩ đại của trí tuệ hòa hợp với sự hoàn toàn của một Ðại đệ tử mà họ còn phải đạt tới. (Sàvakapàramì Ĩàna).

Từ khi trở thành đệ tử của đức Phật, Upatissa có tên là Sàrìputta (Xá Lợi Phất) và Kolita được gọi là Mahà Moggallàna (Mục Kiền Liên).

Sau đó Ðại Ðức Mahà Moggallàna (Mục Kiền Liên) đến ngụ tại một làng trong xứ Magadha (Ma Kiệt Ðà), gọi là làng Kallavàla. Ở đó Ngài phải nhờ vào vật bố thí của thập phương bá tánh. Vào ngày thứ bảy sau khi xuất gia, khi Ngài đang thực hành phận sự của bậc Sa-môn (Thiền định), thì sự lười biếng và hôn trầm kéo đến Ngài. Nhưng nhờ pháp câu thúc của đức Phật Ngài đã đẩy lui được sự lười biếng (điều này căn cứ vào một bài pháp trong kinh Anguttara Nikàya VII N. 58), và sau đó khi nghe đức Thượng Sư dẫn giải cho Ngài về đề mục Thiền Ðịnh Sơ cấp (Dhàtu Kammatthàna), Ngài đã hoàn thành công việc, đạt tới ba đạo tâm cao hơn và chứng được sự hoàn toàn tối thượng của một Ðại đệ tử (Sàvaka Pàramì).

Trong lúc đó thì Ðại Ðức Sàrìputta (Xá Lợi Phất) tiếp tục sống bên cạnh đấng Bổn Sư trong một cái hang gọi là Sakarakhatalena (Ðộng Heo), và thường đi vào thành Ràjagaha (Vương Xá) khất thực. Nửa tháng sau lễ xuất gia của Ngài, đức Thế Tôn đã thuyết một bài pháp về sự nhận thức của tâm (Kinh Dighanakha Sutta, Majjhima Nikàya N.74.) cho người cháu của Ðại Ðức Sàrìputta tên là Dìghanakha (Một đạo sĩ du phương) nghe. Ðại Ðức Sàrìputta đứng phía sau đức Bổn Sư để hầu. Trong khi theo dõi những ý tưởng liên tục của bài pháp, Ðại Ðức Sàrìputta (Xá Lợi Phất) đã nhận thấy rằng đó chính là sự chia sớt những món ăn tinh thần quí báu mà đức Thượng Sư thân hành trao lại cho người đời.

Nhờ hiểu biết như vậy mà Ðại Ðức Sàrìputta đã chứng được trí thức tối thượng tròn đủ của một Ðại đệ tử, và cũng đắc được đạo quả A-la-hán với bốn Tuệ phân biệt (Tứ Phân Biệt Tuệ) (theo chú giải trong Anguttara Nikàya phần thứ 4, số 172). Còn người cháu của Ngài khi dứt bài pháp đã đắc quả nhập lưu (Tu Ðà Hườn) (căn cứ theo Thera Gàthà do Ðại Ðức Sàrìputta thuyết, các kệ ngôn số 995-996).

Nếu có người hỏi: "Ðại Ðức Sàrìputta không có một trí tuệ vĩ đại sao? Và nếu có tại sao Ngài lại đạt được sự hoàn toàn của một Ðại đệ tử sau Ðại Ðức Mahà Moggallàna (Mục Kiền Liên) Câu trả lời là chính vì sự vĩ đại đó mà thời gian phải cần thiết để cho nó được chuẩn bị chín muồi. Chẳng hạn như một thường dân muốn đi đâu, họ liền đặt chân ra đường. Nhưng trường hợp những hạng vua chúa thì lắm sự chuẩn bị chu đáo lại cần thiết. Chẳng hạn như thắng xe tứ mã, bố trí quan quân v.v...

Trường hợp nói trên cũng tương tự như vậy.

Cùng ngày hôm ấy, khi bóng chiều đã đổ dài trên ngàn cây nội cỏ, đức Thượng Sư gọi tất cả môn đồ của Ngài tựu hợp và tỏ lời nâng nhị vị A-la-hán Sàrìputta (Xá Lợi Phất) và Mahà Moggallàna (Mục Kiền Liên) lên hàng Huynh trưởng hướng dẫn Tăng chúng.

Trong dịp này, có một số Tăng sĩ không hài lòng và bàn tính với nhau: "Ðức Bổn Sư nên cho phẩm vị Trưởng lão đến những vị xuất gia đầu tiên mới phải, nghĩa là nhóm năm đệ tử đầu (năm thầy Kiều Trần Như). Nếu không thì hoặc cho nhóm hai trăm năm mươi Tỳ-khưu dẫn đầu do Ngài Yasa hay cho ba mươi vị trong nhóm Bhadda Vaggiya (Thắng Dục Sĩ), còn không thì Ngài phải cho đến ba Huynh đệ Kassapa chứ?

Nhưng tại sao Ngài không kể đến các vị đại Trưởng lão này, mà đem phẩm vị đó ban đến những người mới xuất gia sau cùng". Ðức Bổn Sư dọ hỏi về đề tài bàn tán của họ, và khi được biết Ngài bèn dạy:

- Như Lai không thiên vị mà chỉ cho phẩm vị ấy theo hạnh nguyện của họ. Tỷ như Kondanna (chỉ nhóm Kiều Trần Như), trong kiếp trước họ đã bố thí vật thực chín lần giữa mùa gặt đến tiền thân của Như Lai. Họ không có nguyện vọng trở thành Ðại đệ tử, họ chỉ có nguyện vọng được bước vào giáo lý của Như Lai đầu tiên, cùng chung được phẩm đạo cao nhất là A-la-hán. Ðiều đó giờ đây đã đúng sự thực. Nhưng Sàrìputta và Màha Moggallàna, trong vô lượng quá khứ vào thuở đức Phật Anomadassi, họ sinh làm một thanh niên Bà-la-môn tên Sàrada và một người điền chủ tên Sirivaddhaka. Họ đã có nguyện vọng trở thành những Ðại đệ tử khi gặp đức Phật trong kiếp sau cùng. Này chư Tỳ-khưu! Hãy nghe đây! Phẩm vị mà Như Lai cho họ chính là nguyện vọng của họ đấy. Chư Như Lai không bao giờ thiên vị.

Phần sưu tập về địa vị của Ðại Ðức Sàrìputta này được lấy ở đoạn chú giải trong Kinh Anguttara Nikàya, bộ Etavagga và một số trích từ những bài kệ song đối trong chú giải Pháp Cú Kinh (Dhammapàda Sutta). Trong đó, một số những đặc điểm chính yếu về vai trò của Ðại Ðức Sàrìputta được hoàn toàn ghi nhận. Ngoài ra, đức năng trong tình bạn sâu xa giữa Ngài với Ðại Ðức Mahà Moggallàna cũng được mô tả, không những khi Ngài còn ngoài đời, một thanh niên được giáo dưỡng trong nhung lụa, mà cả đến lúc xuất gia sống đời sống vô gia đình. Rồi đạt được Thánh quả. Ðức năng ấy vẫn luôn luôn bền bỉ trong sạch như ánh sáng mặt trời.

Trong khi vừa thấm nhuần được giáo lý giải thoát và trước khi tiến xa hơn trên con đường thanh tịnh, ý tưởng đầu tiên của Ngài là nghĩ đến bạn, ông Kolita cùng lời thề mà Ngài đã nguyện. Ðại Ðức Sàrìputta có một trí tuệ vô song và tiềm tàng do tu tập trong nhiều kiếp qua. Trí tuệ ấy trong kiếp này là lúc đã chín muồi, chỉ chờ dịp để phát hiện. Do đó nó đã biểu lộ tức khắc giúp Ngài nắm được ngay yếu chất Phật giáo lúc chỉ được nghe vài câu pháp của Trưởng lão Assàji. Và hi hữu hơn nữa là Ngài đã kết hợp được sức thông minh ấy với cá tính khiêm tốn, dịu dàng, tự nhiên và biểu lộ bằng sự hiểu biết khiến cho bất cứ ai cũng kính phục. Ðối với đạo chủ Sanjaya, dù biết rằng ông ấy vô cùng lầm lạc, nhưng Ðại Ðức Sàrìputta vẫn giữ một thái độ tôn kính như xưa. Bởi vậy, ta không thể thắc mắc gì khi biết rằng suốt đời sống của Ngài, Ngài luôn luôn tỏ rõ sự kính trọng đối với Trưởng lão Assàji vì chính nhờ vị này mà Ngài đã được bước vào giáo lý của đức Phật.

Như ta đã biết, theo chú giải kinh Vìva Sutta (Sutta Nipàta), và cũng trong Chú giải cuốn số 392 trong Kinh Pháp Cú rằng: Bất cứ lúc nào, khi Ðại Ðức Sàrìputta cùng sống trong một tịnh xá với Trưởng lão Assàji, Ngài luôn luôn đến nghiêng mình đảnh lễ trước Trưởng lão ngay sau khi đã lễ bái đức Thế Tôn. Ngài làm như thế, ngoài cái nghĩa kính trọng còn nghĩ rằng: "Vị Ðại Ðức này là thầy đầu tiên của ta. Nhờ Ngài mà ta tìm thấy và hiểu được tuyệt pháp Ba la mật của Phật". Và khi đức Trưởng lão Assàji ngụ trong một nơi nào khác. Ðại Ðức Sàrìputta thường hướng về nơi Trưởng lão đang ở để tỏ lòng tôn thờ bằng cách chắp tay nghiêng mình lễ bái khắp các phương.

Những điều này đã dẫn đến một sự hiểu lầm. Mỗi khi trông thấy như thế, chư vị Tỳ-khưu thường bảo với nhau rằng: "Ðã là đệ tử Phật mà Ngài Sàrìputta còn lễ bái những phương trời. Ngay cả bây giờ mà ông còn chưa bỏ được những tư kiến tôn sùng những trời Phạm Thiên ư?".

Nghe được những lời chỉ trách này, đức Thế Tôn bèn dạy rằng:

- Này chư Tỳ-khưu. Không phải như thế đâu. Sàrìputta không phải lễ bái các phương trời đâu. Ông ta chỉ lễ bái đến ai mà nhờ đó ông ta tìm thấy Pháp bảo của Như Lai, vì ông ta xem kẻ ấy là thầy của mình và Sàrìputta là người rất biết ơn Thầy Tổ.

Sau đó đức Thế Tôn liền thuyết cho chư Tăng đang họp nhau bàn tán nghe về kinh Nàva (Nà vasutta) Phật dạy:

- Ðược về trời phải kính trọng người chỉ rành Thiên đạo. Vậy người đời sao không lễ bái ông thầy đem Pháp bảo đến cho mình?

Một thí dụ khác nói về sự biết ơn của Ðại Ðức Sàrìputta đuợc ghi trong câu chuyện Ràdha Thera (Ðại Ðức Ràdha). Chú giải về câu kệ thứ 76 trong Pháp Cú (Dhammapàda) thuật rằng:

Tại một tịnh xá trong thành Sàvatthì (Xá Vệ), có một người Bà-la-môn nghèo. Ông ta chăm lo những công việc lặt vặt như làm cỏ, quét dọn v.v... Và chư Tăng đã bố thí vật thực cho ông để sống. Tuy nhiên họ không muốn cho ông xuất gia.

Ngày kia, đức Thế Tôn khi quan sát căn trí của người đời, đã thấy rằng ông Bà-la-môn ấy có duyên đắc A-la-hán. Ngài bèn dọ hỏi các vị Tỳ-khưu đang tụ họp bàn về ông ta và hỏi họ xem có ai còn nhớ là đã nhận sự giúp đỡ nào của ông Bà-la-môn nghèo kia không. Ðại Ðức Sàrìputta nhận rằng Ngài có nhớ một lần khi Ngài đang khất thực trong thành Ràjagaha (Vương Xá) ông Bà-la-môn nghèo cực này đã cho Ngài một vá cơm đầy mà ông vừa kiếm được để sống. Ðức Bổn Sư bèn bảo Ðại Ðức Sàrìputta làm lễ xuất gia cho ông, và từ đó ông được gọi tên là Ràdha.

Sau ấy Ðại Ðức bắt đầu hướng dẫn và ông Ràdha luôn luôn vui vẻ ghi nhận mọi điều dạy dỗ dù khó nhọc đến đâu cũng không chút buồn giận.

Cứ thế sau một thời gian thực hành theo lời giáo huấn của thầy, ông Ràdha đã trở nên thanh tịnh, rồi chẳng bao lâu nữa ông đã đắc quả A-la-hán.

Lần này chư Tỳ-khưu trở lại bàn tán về hạnh kiểm và năng lực chỉ đạo của Ðại Ðức Sàrìputta. Họ bảo rằng:

- Khi muốn nhận học trò hay khuyên học trò làm như thế nào thì mình cũng phải làm được như thế ấy.

Ðể đánh tan dư luận về vấn đề này, đức Phật nói:

- Không phải như thế đâu, này chư Tỳ-khưu. Sở dĩ ông Sàrìputta đem những pháp khó hành dạy học trò như vậy là vì trước đây Sàrìputta đã thọ ơn do một hành động cao thượng của người kia đã làm đến ông ta.

Và để bổ túc vào câu chuyện ấy, đức Bổn Sư đã kể lại một sự tích trong Alìnacitta Jàtaka (Túc Sanh truyện Alìnacitta). Ðó là câu chuyện của một con voi biết ơn.

(Xin xem Jàtaka, truyện số 156).

Các tin đã đăng: