Nhân vật
Việt Nam Phật Giáo Sử Lược
Tác giả: Thích Mật Thể
Đã cập nhật: 0 phút
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

II.5 Chương năm: Phật giáo đời nhà Trần

Chương năm

PHẬT GIÁO ĐỜI NHÀ TRẦN (1225 - 1400)

1. Trần Thái Tôn (1225 - 1258).

Lý Chiêu Thánh Hoàng đế truyền ngôi cho chồng là Trần Cảnh, tức là Trần Thái Tôn, Trần Thái Tôn lên ngôi vua mới có 8 tuổi, việc hành chính trong nước đều do tay Thái sư Trần Thủ Độ thu xếp.

Trong sách “Đại Nam thực lục chính biên”có chép: “Năm Kiến Trung thứ 7 (1231), vua Thái Tôn sắc cho nhân gian phải vẽ hình Phật ở khắp các nơi công quán và các nơi công chúng hội họp”. Sách lại chép thêm : “Vua Thái Tôn lúc nhỏ đi xem đám rước thần, có gặp vị Tăng nói sau ngài sẽ làm vua, rồi vị Tăng ấy biến mất, nên ngài mới có lời sắc ấy”.

(Lời cước chú ấy có vẻ huyền hồ lắm. Vả Thái Tôn bấy giờ mới có 14 tuổi, việc triều chính đều ở tay Thủ Độ định đoạt cả, vậy có thể nói đó là sự hành động của Trần Thủ Độ. Nhưng làrn thế để làm gì ? Hoặc giả là một “cách” làm chính trị chi đó mà ta chưa rõ chăng ? Vì Thủ Độ là một tay xảo quyệt trong nghề chính trị; có lẽ nào triều chánh thật tâm truyền bá đạo phật hoặc vua nhớ ơn Phật (?) Hoặc giả vì Thái sư Trần Thủ Độ thường làm những việc trái đạo lý, như  bức tử vua Lý Huệ Tôn ở chùa Chân Giáo và kết duyên với người chị họ, nguyên là vợ vua Lý Huệ Tôn. Mà trong triều bấy giờ vẫn còn các vị Tăng Thống Pháp sư, bên ngoài thiên hạ còn sùng tín đạo Phật nên Thủ Độ làm ra thế để che mắt thiên hạ chăng?

Nếu đúng như lời ấy, thì do đó ta có thể tin rằng cuối đời Lý, đạo Phật tuy không phát triển mạnh, nhưng đến đầu đời nhà Trần vẫn còn quyền thế, dân gian còn theo đuổi mạnh mẽ).

Năm Đinh Dậu (1237), nhân bị Trần Thủ Độ ép làm việc thương luân, vua Thái Tôn chán nản cảnh đời liền bỏ vào chùa Phù Vân núi Yên Tử[1] yết kiến Phù Vân Quốc sư, xin ở lại tu hành. Biết tin ấy, Trần Thủ Độ liền đem quần thần đến rước Thái Tôn về. Thái Tôn không chịu về, nói rằng : 

«Trẫm còn nhỏ dại, không kham nổi việc to lớn, các quan nên chọn người khác để cho khỏi nhục xã tắc. »

Thủ Độ khuyên mãi không được, liền bảo các quan rằng :

- Hoàng thượng ở đâu thì triều chính ở đó.

Nói đoạn truyền sắp sửa xây dựng cung điện ở chùa Phù Vân. Thấy thế, Quốc sư liền đến mời xin Thái Tôn về và tâu :

“Trong núi vốn không có Phật, Phật chỉ ở trong tâm, nếu Thánh Thượng hiểu được tâm thì đứng đâu là Phật ở đấy”.

Thái Tôn bất đắc dĩ phải truyền xa giá về kinh. Nhưng cũng vì câu nói của Phù Vân Quốc sư mà Thái Tôn hiểu rõ đạo Phật. Ngài khuyến khích trăm quan theo gương ngài; nên ngài có lập Viện Tả Nhai cho các vị Vương hầu ra đó học tập đạo truyền.

Bởi thế, Thái Tôn hiểu đạo Phật rất sâu xa. Ngài có làm hai bộ sách trong thời kỳ này. Cuốn “Thiền tôn chỉ nam” và cuốn “Khóa hư”. Đó là hai cuốn sách bàn giải về đạo Phật rất có giá trị, có thể gọi là hai bảo vật trong rừng Thiền về nền Phật giáo nước ta. Sách “Thiền tôn chỉ nam” giải bày đạo lý tu Thiền; sách “Khóa Hư” nói rõ cái khổ sanh, lão, bệnh, tử của đời và phá tan các tánh cố chấp, thành kiến của thế gian viết bằng lời khuyến lệ. Hai sách đều còn lưu truyền ngày nay.

Ngài là người hiểu rõ đạo Phật một cách thấu đáo nên ngài luận đúng được nguyên lý của đạo Phật.

Dưới đây là bài thơ của ngài tặng cho vị sư ở chùa Thanh Phong :

Phong đả tùng quan nguyệt chiếu đình,

Tâm đầu cảnh sắc cọng thê thanh.

Cá trung tư vị vô nhân thức,

Đương dự sơn Tăng lạc cọng minh.

Dịch :

Gió đập hiên tùng nguyệt dọi sân,

Tình này cảnh ấy luống bâng khuâng.

Mùi Thiền trong đó nào ai biết,

Thức suốt đêm trường vui với Tăng.

Ngài thường mời các Cao Tăng vào cung để bàn luận về Phật pháp.

Năm Thiên ứng Chánh Bình thứ 16 (1247), triều đình mở khoa thi tam giáo. Hai năm sau sắc trùng tu chùa Chân Giáo. Năm Nguyên Phong thứ 6 (1256) sắc đúc 330 quả chuông treo ở các chùa.

Đến năm Đinh Tỵ (1257), Thái Tôn tạm dẹp việc kinh điển để ngự giá đi đánh quân Mông Cổ. Nguyên bấy giờ nhà Tống bên Trung Hoa bị quân Mông Cổ lấy, lập ra nhà Nguyên. Vì sự xích mích giữa nhà Trần và nhà Nguyên, quân Mông Cổ liền kéo sang nước ta. Thái Tôn đi đánh bị thua, bỏ kinh đô chạy về Thiên Mục (Hưng Yên). Được ít lâu, Thái Tôn trở lại đuổi được quân địch, lấy lại kinh đô.

Năm sau, Thái Tôn nhường ngôi cho con là Thái tử Trần Quán, tức Thánh Tôn, để dạy cách trị dân. Triều đình tôn ngài lên làm Thái Thượng Hoàng để cùng coi việc nước. Thượng Hoàng ngự ở cung Thiên Trường.

Năm Thiệu Long thứ 5 (1262), Thượng Hoàng sắc dựng chùa Phổ Ninh ở phía Tây điện Thiên Trường.

Năm thứ 12 niên hiệu ấy (1269), hoàng thân Quốc Thương (anh ruột vua Thánh Tôn) lập một sở tịnh xá rất lớn ở Diễn Châu (Nghệ An), để công chúng đến lễ Phật và nghe thuyết pháp.

Năm Bảo Phù thứ 5 (1277), Thái Thượng Hoàng băng, thọ 60 tuổi.

2. Trần Thánh Tôn (1258 - 1278)

Vua Thánh Tôn cũng sùng tín đạo Phật, nhưng có phần mở mang về Nho học hơn. Ngài cho hoàng đệ là Trần Ích Tắc mở học đường để những sĩ từ học tập. Thời này Nho học thạnh hành, nhưng bên Nho cũng không hại cho bên Thích. Ngoài nhân gian các Cao Tăng vẫn tiếp tục mở đạo đường để giảng dạy đệ tử.

3. Trần Nhân Tôn

Năm Mậu Dần (1278), Thánh Tôn lên ngôi Tháin Thượng Hoàng, nhường ngôi cho con là Thái tử Khâm, tức Trần Nhân Tôn. Nhân Tôn là một vị vua sùng mộ đạo Phật từ thuở nhỏ. Năm 16 tuổi được lập làm Hoàng Thái tử, ngài cố nhường lại cho em, nhưng vua cha không chịu. Một hôm ngài trèo thành trốn đi, định vào núi Yên Tử tìm một vị Thiền sư. Nhưng đến chùa Đông Cứu (?) thì trời vừa sáng, trong mình mệt quá, mới vào nằm nghỉ trong tháp chùa. Nhà sư Trú trì ở đó thấy ngài tướng mạo khác thường, liền làm cơm thết đãi. Vua cha được tin, sai các quan đi tìm thấy, ngài miễn cưỡng phải về. Đến khi lên ngôi thiên tử, ngài vẫn giữ mình thanh tịnh để tu tập phép Thiền. Thường đêm ngài nghỉ ở chùa Tư Phúc. Ngài tham học với Tuệ Trung Thượng Sĩ[2] nên ngài hiểu thấu đạo truyền.

Nhưng trong khi ấy giặc Nguyên quấy rối, ngài phải xếp việc kinh kệ để lo gìn giữ xã tắc. Bấy giờ giặc Nguyên là Thoát Hoan, Ô Mã Nhi hai lần sang quấy rối. Nhưng vua được những đại tướng như Hưng Đạo Vương, Quốc Tuấn, Trần Quốc Toản, Trần Nhật Duật, Trần Bình Trọng, Trần Khánh Dư, v.v . . . giúp, nên chẳng bao lâu trong nước lại thái bình.

Nước loạn thì ngài ra trị loạn, nước yên thì ngài lại về nghiên cứu kinh điển nhà Phật.

Năm Quý Tỵ (1293), Nhân Tôn truyền ngôi cho con là Anh Tôn và lên làm Thái Thượng Hoàng. Dạy con được ít năm, năm Kỷ Hợi (1299), ngài vào tu ở núi Yên Tử, lấy tự hiệu là “Hương Vân Đại Đầu đà”, lập trường giảng Pháp độ trăng, môn đồ lần lượt tìm đến trước sau kể có hàng vạn. Ngài lại đi khắp các nơi, sức dân gian hủy phá các dâm tà và thuyết pháp khuyên dân làm mười điều thiện. Tiếng là trú trì ở núi Yên Tử mà ngài thường đi khắp nhân gian lập đàn giảng đạo. Đi theo ngài chỉ có 10 người đệ tửthân tín. Trong số ấy có Pháp Loa Thiền sư là thân cận hơn cả. Thiền sư thường bạch ngài rằng: “Tôn đức bây giờ xuân thu đã cao, mà cứ xông pha mưa tuyết vất vả cực khổ như vậy, lỡ khi nóng lanh bất kỳ, thì mạng mạch Phật pháp trông cậy vào đâu?”

Ngài liền dạy rằng :

- Thời tiết sắp đến nơi rồi, ta chỉ còn đợi ngày giải thoát nữa thôi.

Được 10 ngày, ngài về thăm bệnh bà chị là Thiên Thụy công chúa. Khi trở về núi, đi được nửa đường, ngài bảo mấy người đồ đệ rằng :

- Ta muốn lên am Ngọa Vân[3] mà sức chân yếu quá.

Đệ tử bạch :

- Đệ tử chúng tôi xin phò Tôn Đức đi.

Ngài liền để cho đệ tử dìu lên. Khi đến am Ngọa Vân, ngài gọi Pháp Loa Thiền sư đến, cười mà bảo:

- Ta sắp đi đây.

Pháp Loa Thiền sư bạch: 

- Tôn đức đi đâu bây giờ ?

Ngài liền đọc bài kệ :

Nhất thiết pháp bấ t sanh, 

Nhất thế pháp bất diệt,

Nhược năng như thị giải,

Chư Phật thường hiện tiền,

Hà khứ lai chi hữu.

Đại khái nói: «Hết thảy các pháp trong thế gian, vốn không sanh diệt. Nếu hiểu được như vậy, thì Phật thường hiện ở trước mất, chẳng có đi đâu, mà cũng chẳng có lại đâu cả ».

Nói vậy rồi, ngài dặn Pháp Loa Thiền sư hết mọiviệc về sự truyền bá Phật pháp; ngài ngồi chấp tay mà hóa. Pháp Loa Thiền sư liền làm lễ rồi rước ngài lên hỏa đàn. Vua Anh Tôn cùng đình thần đem long giá rước ngọc cốt về an thế ở Đức Lăng và xây tháp ở chùa Vân Yên núi Yên Tử, lấy tên là «Huệ Quang kim tháp » và dâng tôn hiệu là : «Đại Thánh Trần Triều Trúc Lâm Đầu Đà Tỉnh Tuệ Giác Hoàng Điều Ngự Tổ Phật".

Xét Thiền Tôn ở ta nói ở Bắc thì đúng hơn. Còn lưu truyền đến nay là nhờ ở phái Yên Tử được phát đạt là do Trúc Lâm Tam tổ đứng đầu, mà Trần Nhân Tôn chính là đệ nhất tổ vậy. Ngài tịch vào năm Long Hưng thứ 16 (1308) , thọ 51 tuổi.

Khi vua Nhân Tôn vào núi Yên Tử thì Khâm Từ Hoàng hậu cũng xuất gia làm Ni.

Tuệ Trung Thượng Sĩ[4]: Ngài húy là Quốc Toản, con trai của Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn (xem thêm chú thích ở cuối chương này), được phong làm Hương Nhượng Vương. Giặc Nguyên hai lần sang xâm chiếm nước ta, ngài đi theo Hưng Đạo Vương lập được nhiều chiến công, làm đến chức Tiết Độ Sứ tại Thái Bình.

Ngài chí khí cao siêu, dung thần thanh nhã, lúc nhỏ đã có lòng mộ đạo, nhân đến thăm Tiêu Giác Thiền sư[5], nghe giảng thuyết mà tỉnh ngộ, ngài liền tuyệt ý công danh, chuyên tâm học đạo, từ chức lui về phong ấp là Vạn Niên Hương. Khi ngộ đạo, ngài thường lập đàn giảng pháp.

Ngài tuy chức cao quyền lớn, mà đối đãi với dân chúng rất giản dị, nên mỗi khi đăng đàn thì môn đồ thiện tín đến dự thính rất đông.

Nhơn một hôm người môn đệ hỏi ngài về lẽ sống chết, ngài đáp bằng hai câu kệ rằng :

Trường không túng sử song phi cốc,

Cự hải hà phòng nhất điểm âu.

Dịch :

Ngại gì bọt nước sôi ngoài bể,

Phỏng có vành xe liệng giữa trời.

Vua Thánh Tôn rất kính trọng ngài, tự hiệu ngài là “Tuệ Trung Thượng Sĩ” và ký thác vua Nhân Tôn cho ngài. Ngài hết lòng dạy bảo Nhân Tôn về phần đạo lý. Khi trong nước có giặc ngài lại lấy võ công mà giúp Nhân Tôn.

Một hôm Khâm Từ Hoàng hậu (em gái ngài) thiết tiệc lớn đãi ngài. Trong tiệc dọn đủ đồ chay đồ mặn, ngài dùng cả các món thịt cá. Hoàng hậu lấy làm lạ hỏi rằng :

Anh đã tu mà lại ăn cả thịt cá sao thành Phật được?

Ngài cười :

- Phật là Phật, anh là anh. Anh chẳng cần làm ra Phật., cũng như Phật chẳng cần làm ra anh. Hoàng hậu chẳng nghe Cổ đức nói : “Văn Thù là Văn Thù mà giải thoát là giải thoát” đó ư?

Xem vậy thấy đạo Phật trong tư tưởng ngài thật phiêu dật phóng khoáng không câu nệ, cố chấp điều gì. (Chỗ này rất nên chú ý đừng nên lầm sự vô ngại của các ngài đã giải thoát (làm mà không trú tâm tham trước) với những hành vi phóng túng buông lung mà ngụy biện là giải thoát. Đối với người tu hành bao giờ cũng phải lấy thanh tịnh trì giới là gốc).

Khi gần hóa ngài khiến người nhà kê ghế giữa căn nhà trống, ngồi tựa vào ghế mà tịch. Các nàng hầu khóc lên, ngài liền mở mắt ra quở rằng :

- Sanh tử là lẽ thường, có gì đáng thương xót mà làm nhiễu tâm hồn ta như thế ?

Các nàng hầu phải im khóc; ngài lại nhắm mắt thị tịch. Ngài thọ 62 tuổi.

Vua Nhân Tôn nhớ ơn ngài dạy dỗ, liền sai thợ vẽ chân dung để thờ và lấy đạo của ngài truyền cho mà tuyên dương, lập nên phái Trúc Lâm.

Pháp Loa Tôn sư: Ngài họ Đồng, người làng Cửu La, phủ Nam Sách (nay là làng Tiền Trung, tổng Vũ La, Hải Dương), mẹ là Vũ thị Nguyên, mấy lần trước, bà mẹ mấy lần sanh con gái đến chán nản không muốn sanh con nữa, bèn uống thuốc phá thai hai lần mà không công hiệu.

Đến khi sanh ngài thì mừng lắm, đặt tên là Kiên Cương (cứng chắc). Ngài thiên tư đĩnh ngộ; năm 21 tuổi gặp ngài Điều Ngự (vua Nhân Tôn) khen là có pháp nhãn, liền thâu làm đệ tử, đưa về núi cho học đạo.

Ngài ngộ đạo rất sớm kinh điển đều tinh thông; ít lâu đã được ngài Điều Ngự truyền giới pháp cho và đặt hiệu là Pháp Loa. Khi ngài Điều Ngự trú ở Báo An, huyện Siêu Loại thì lập ngài làm giảng sư. Lúc ấy Huyền Quang[6] mới xuất gia có tới chùa nghe giảng; ngài Điều Ngự trông thấy thâu làm đệ tử rồi giao cho ngài trông nom dạy bảo.

Năm 25 tuổi, ngài phụng mệnh làm lễ khai giảng ở chùa Siêu Loại, có vua và đình thần đến dự lễ; ngài Điều Ngự lên đàn thuyết pháp rồi nhường chỗ cho ngài giảng đạo. Lễ xong, ngài Điều Ngự đặt cho ngài kế thế Trú trì ở chùa Siêu Loại làm chủ Sơn môn Yên Tử và đem in kinh điển hơn 200 bộ giao phó cho ngài.

Ngài có phụng sắc truyền giới xuất gia cho Tuyên Từ Hoàng Thái hậu và Thiên Trinh- trưởng công chúa.

Ngài phụng chiếu định chức các Tăng đồ trong nhân dân, từ đó Tăng chúng mới có sổ sách rõ ràng, đều do ngài quản lãnh cả. Trong một đời ngài, đúc1.300 tượng Phật, dựng 2 Đài giảng đạo, Tháp 5 ngôi,Tăng đường 200 sở. Ngài độ cho Tăng Ni hơn 15.000 đệ tử đắc pháp đến 3.000 người. Ngài có soạn cuốn “Đoạn sách lục” và “Tham thiền yếu chỉ” nay còn lưu truyền

Lúc gần tịch, ngài đem pháp bảo của ngài Điều Ngự truyền cho, truyền lại cho ngài Huyền Quang, rồi đọc bài kệ cho các đệ tử rằng :

Trần duyên rủ sạch từ xưa ,[7]

Bốn mươi năm lẻ bây giờ là tiên.

Hỏi chi thêm bận thêm phiền,

Trăng thanh gió mát là miền tiêu giao.

Dặn dò đệ tử xong đâu đó thì ngài tịch. Thọ 47 tuổi.

Ngài là Tổ Thứ hai của phái Trúc Lâm.

Huyền Quang Tôn sư: Ngài họ Lý, người làng Vạn Tải (thuộc tỉnh Bắc Giang bây giờ), cha là Tuệ Tổ có công đánh Chiêm Thành nhưng không chịu ra làm quan. Ngài hình dung kỳ dị nhưng bẩm tánh thông minh, hai mươi tuổi đỗ Trạng Nguyên (bấy giờ Nho học đã thịnh, nên có nhiều khoa thi tam khôi).

Trước khi thi đỗ, mẹ ngài có định hôn cho nhưng trắc trở mãi. Đến khi thi đỗ, thì các nhà phú quý tranh nhau gọi gả con gái cho, vua cũng gọi gả công chúa, nhưng ngài đều từ chối. Cảm về nhơn tình thế thái ngài có khẩu chiếm hai câu thơ rằng :

Khó khăn thì chẳng ai nhìn,

Đến khi đỗ Trạng tám nghìn nhơn duyên.

Từ đó ngài có ý chán đời mà phát tâm tu đạo, tuy được bổ ra làm quan ở Viện Hàn Lâm và đi sứ Trung Hoa. Một hôm ngài được đi theo vua Anh Tôn nghe Pháp Loa Tôn sư thuyết pháp, ngài liền giác ngộ. Ngài dâng biểu xin từ chức rồi xuất gia thọ giáo với ngài Pháp Loa. Ngài thường cùng ngài Điều Ngự và ngài Pháp Loa đi du lịch và thuyết pháp khắp dân gian. Ngài có phụng mệnh soạn ra sách “Chư phẩm kinh” và “Công văn tập”.

Sau khi được ngài Pháp Loa truyền tâm ấn, ngài Trú trì ở chùa Vân Yên núi Yên Tử, Tăng Ni theo học dễ đến hàng nghìn. Rồi ngài về cố hương thăm phần mộ, lập chùa, in kinh, mở pháp hội bố thí cho kẻ nghèo làm rất nhiều việc công đức. Năm 60 tuổi có xảy ra một việc: Vua Anh Tôn sai thị Bích đến thử ngài. Nhưng sau khi thị Bích đã dùng phương pháp man trá quỉ quyệt mà lừa ngài và lấy được vật tin[8] đem về tâu man với vua là người đã cám dỗ được ngài, khi ấy vua Anh Tôn có ý hối hận than rằng: Việc ấy nếu có thật, thì là tự ta vô cố đặt lưới để lừa chim. Mà nếu không, thì người không khỏi bị mang tiếng oan. Thật là tội lớn của ta”. Vua liền truyền mở hội Vô già mời Quốc sư về làm lễ.

Trong khi hành lễ có hiện nhiều phép lạ điềm lành, ai nấy đều thất kinh , tin rằng đạo hạnh ngài đã cao không đến nỗi bị thị Bích cám dỗ. Vua liền đứng dậy tạ lỗi với ngài và bắt thị Bích hạ ngục.

Sau khi ngài tịch, vua ban tự hiệu là : “Trúc Lâm Đệ Tam Dại Tự Pháp Huyền Quang Tôn Giả”

Vì ngài chính là Tổ thứ ba Phái Trúc Lâm vậy.

Ba vị Tổ Trúc Lâm trên đây ta có thể gọi là những bậc Giáo hoàng về thời ấy. Vì ngoài sự tu hành đắc đạo, thuyết pháp độ sanh, các ngài lại còn được đặc quyền cầm sổ Tăng tịch trong nước, thống lãnh hết thảy Tăng đồ. Thật là một cách thống nhất Phật giáo rất hay, tiếc rằng không biết sao, sau ngài Huyền Quang thì như là không còn người nối nghiệp nữa.

4. Trần Anh Tôn (1293 - 1314)

Ngài là Thái tử nối ngôi vua Nhân Tôn, học trò Pháp Loa Tôn sư, ngài thường đến diễn đàn nghe Tôn sư thuyết pháp, nên hiểu được Phật pháp rất chánh đáng.

Niên hiệu Hưng Long năm thứ bảy (1299), nhơn Thái Thượng Hoàng (Nhân Tôn) xuất gia, vua sắc ban cấp kinh Phật cho khắp nhân dân trong nước.

Nguyên năm trước, sau khi đã thông hiểu với nhà Nguyên xong, Thượng Hoàng sai sứ Trần Khắc Dụng đi sứ Trung Hoa thỉnh được Đại Tạng kinh về để ở cung Thiên Trường để khắc, in làm nhiều bản ban bố cho nhân gian; lại ấn hành cuốn sách “Phật giáo Pháp sự đạo tràng công văn cách thức” ban cho dân.

Niên hiệu Hưng Long năm thứ 21 (1303), Thái Thượng Hoàng Nhân Tôn ngự ở Chiêm Thành về, vua Anh Tôn thiết một đàn tràng lớn gọi là: “Vô lượng Phật pháp” ở chùa Phổ Minh hành lễ phát chẩn cho dân nghèo.

*

Kể Phật giáo đời nhà Trần cũng nằm về thời kỳ rất thạnh. Nhưng đến đời vua Trần Anh Tôn hình như đã pha lẫn đạo giáo vô nhiều. Sự pha lẫn ấy có lẽ bắt đầu từ đời Lý (Xem chuyện Vạn Hạnh Thiền sư đời Lý Thái Tổ, Từ Đạo Hạnh, đời Lý Nhân Tôn), nhưng đến đây càng rõ rệt hơn và từ đây Anh Tôn đến cuối đời Trần, qua đời Hồ rồi đến thuộc Minh nhất là thuộc Minh - Lạc Ma Giáo lại truyền vào làm cho sự pha lẫn ấy trở nên một hại lớn sau này.

Trong sử có chép : Một khi vua Anh Tôn đau nặng, Bảo Từ Hoàng Hậu có mời các Tăng sĩ đến cúng cấp và để xem lẽ sanh tử, nhưng Anh Tôn gạt đi mà phán: “Tăng sĩ đã chết đâu mà biết được sự chết”, nghe Tôn sư thuyết pháp, nên ngài hiểu đạo Phật một cách sáng suốt.

Tiếc thay vua Anh Tôn đã thông minh, biết ngờ vực đạo Phật khi đã bị pha lẫn các tà đạo khác, mà ngài không biết cách ngăn ngừa để lọc lấy phần đạo Phật thuần túy.

Vẫn biết trong sự tu hành, tinh thần chuyên nhất thì tâm quang phát hiện, tâm thanh tịnh thì diệu dụng vô cùng. Nhưng dù thần thông diệu dụng, người tu hành nên coi đó là một “phương tiện”, chớ không nên nhận làm sự thật. Nếu nhận làm sự thật mà đem dùng thường thì trở thành huyễn thuật. Ở đời người biết thì người không biết thì nhiều; sự sai lầm và mất giá trị tự đó.

Sự cúng cấp phù chú ở nước ta, ngoài Đạo Giáo đạo Phật còn bị pha lẫn vào nhiều thứ tà đạo khác có lẽ từ Trung Hoa truyền sang.

Sử Trung Quốc có chép: “Trước khi Hốt Tất Liệt (tức vua Thế Tổ nhà Nguyên (1279- 1367) tức vua Mông Cổ cướp thiên hạ của nhà Tống, thống nhất nước Trung Hoa) phụng mệnh vua Hiến Tôn qua đánh Tây Tạng . Khi về, Hốt Tất Liệt có đem theo một vị Tăng Lạt Ma giáo là “Phát tư Ba”. Từ đó Lạt Ma giáo bắt đầu lưu hành ở Mông Cổ, Mãn Châu rồi truyền bá rộng ra.

Yếu nghĩa của Lạt Ma giáo là dùng sức “bí mật” chú, cầu tức thân thành Phật", cũng là một bộ phận, trong Phật giáo, nhưng chú trọng về ấn chú nhiều. Cũng vì sự quá thiên trọng ấy, dần dần về sau người ta làm sai nhiều, đến trở nên một phái đầy hình thức mê tín. Mà yếu điểm sai lầm ấy có lẽ ở chỗ lòng người hay theo bướng, hiếu kỳ và chỉ làm mà không hiểu.

Khi Hốt Tất Liệt lên ngôi vua, liền lấy Lạt Ma giáo làm Quốc giáo, tôn Phát Tư Ba làm Quốc sư, Giám đốc Phật giáo trong thiên hạ. Phát Tư Ba tiếng tăm lừng lẫy đến nỗi Hốt Tất Liệt phải ban hiệu là : Hoàng Thiên Chi Hạ, Nhân Nhơn Chi Thượng, Tuyên Văn Phụ Chánh, Đại Thánh Chí Đức, Phổ Giác Chân Tri, Hựu Quốc Như Y, Đại Bảo Pháp Vương, Tây Phương Phật Tử, Đại Nguyên Đế Sư.

(Bấy giờ Phật giáo ở Trung Hoa rất đồi bại, mà Lạc Ma giáo truyền vào ít lâu, dân gian đua nhau mê tín thành ra lại càng tệ hại hơn)[9]

Thời ấy ngang với nước ta là đời vua Trần Thánh Tôn, Trần Nhân Tôn.

Một đạo giáo đã ảnh hưởng rộng ở Trung Hoa như vậy, rồi Trung Hoa với ta khi hòa khi chiến khỏi sao ngăn lấp được sự truyền bá sang dân ta. Ngoài Lạt Ma giáo lại còn những thổ giáo của Tây Tạng đồng thời truyền vào Trung Quốc, lọc một lần nữa, thành ra những đạo giáo mạt lưu rồi lại sang ta, dân ta rước lấy. Ấy thế là đạo Phật đến ngày bất hạnh.

Trong lịch sử Phật giáo Việt Nam có thể gọi thời này “Thời đại Phật giáo lạc đạo gốc”.

Trong sách Quốc Triều Chính biên lại có chép: “Niên hiệu Hưng Long thứ 19 (1311), vua Anh Tôn nạp người con gái của vị Tăng lạ tên là Dụ Chi Ba Lam vào cung. Vị Tăng lạ ấy trước thường qua lại ở triều vua Nhân Tôn, có phép tịch cốc và đi trên mặt nước, qua ở nước ta vài năm rồi về xứ. Năm ấy lại qua với người con gái được nạp vào cung thì vị Tăng ấy ở lại và mất ở trong thành.

Có lẽ đó là một người xứ Tây Tạng, một nước thổ sản của các phù chú giáo (tantrisme). Vậy hai năm vị Tăng sĩ ở triều vua Nhân Tôn, rồi triều vua Anh Tôn lại ở hẳn, trong thời gian ấy tránh sao được sự truyền bá Đạo Giáo. Tóm lại, Phật giáo ở Việt Nam về cuối đời Trần, Tăng chúng đã công nhiên mời các giáo chủ của các tà giáo và các tạp phần vào ngồi chung với Phật Thích-ca trong các chùa. Đạo Phật cứ lui dần để nhường chỗ cho đạo giáo, như vậy thì sao tránh khỏi sự hiểu lầm để Trương Hán Siêu, Nguyễn Trung Ngạn ở đời sau này ra mặt bài kích Phật giáo?

Nối vua Anh Tôn là Minh Tôn[10] từ đời Minh luôn trở đi, nhà Trần đã bắt đầu suy, nhân dân đã lại bị giặc ngoài đánh cướp mà trong nhà vua thì lục đục, các quan triều đã chia bè đảng, trong họ hãm hại nhau.

Rồi đến Hiếu Tôn, Dụ Tôn, Nghệ Tôn, đời nào cũng không yên, quân thần thì gian nịnh, vua thì nhu nhược lại cứ hay bắt chước ông cha nhường ngôi cho con - nhường người con trên dưới 10 tuổi - để lên làm Thái Thượng Hoàng.

Vận nước đã suy như vậy, nên các nước ngoài dòm dõ. Hết Ai Lao đến Chiêm Thành, rồi lại nhà Minh nhất thống nước Trung Hoa cũng sang hạch sách. Trong nhà vua và ngoài triều đình đến dân gian thật là lung tung rối beng.

Đến đây trong nước Nho học đã độc tôn rồi, các Tăng sĩ lại làm lạc mất đạo gốc, nên Phật giáo hầu như vô nghĩa và trở nên một tôn giáo mê tín. Các nhà thuần nho đứng lên bài xích. Bởi thế năm Đại Khánh thứ tám đời vua Trần Hiến Tôn (1321), triều đình sắc mở một kỳ khảo hạch Tăng sĩ trong nước, hỏi về nghĩa lý kinh Kim Cương. Đủ biết những lối tu hành của Tăng sĩ bấy giờ cẩu thả và đáng ngờ lắm nên mới có cuộc thi lạ lùng ấy.

Lạ nhất là đến năm Xương Phù thứ 5 đời vua Phế Đế (1381) triều đình sắc Đại Nam Thiền sư thống suất Tăng chúng trong nước đi đánh giặc Chiêm.

Thật ra thì đời ấy dân nước cũng quá hèn yếu mà Tăng đồ thì trở nên một bọn vô ích, gai mắt các phái Nho học rồi, nên họ cử đi vậy.

Đến đời Trần Thuận Tôn năm thứ 9 (1396), lai mở một kỳ sát hạch Tăng chúng, người nào dự tuyển được là in các chức Tri cung (coi việc các cung), Tri quán (coi việc các đền) Tri tự (coi việc các chùa).

Ấy lại là một chứng để nhận thấy các Tăng sĩ vô ích và thất thế đến nỗi phải đi thi để giữ chức coi việc các cung vua và các đền miếu. Một hiện tượng suy đồi đã rõ rệt ?

Trong triều lại đến nạn Lê Quí Ly mưu việc tiếm ngôi. Sử chép: “Quí Ly lập mưu cho người đạo sĩ vào cung, xui vua Thuận Tôn nhường ngôi cho con mới có ba tuổi tức Trần Thiếu Đế”

Thế là Quý Ly tiếm được ngôi vua và lập ra nhà Hồ

*
 
 

[1] Ở huyện Yên Hưng tỉnh Quảng Ninh bây giờ.

 [2] Một vị chân tu có tiểu sử ở dưới, tức đệ tử của Tiêu Giao (học trò Ứng Vương phái Vô Ngôn Thông).

[3] Chỗ trú cuối cùng của Nhân Tôn, ở đây ngài tự xưng Trúc Lâm cư sĩ và lập ra phái Trúc Lâm

 [4] Chú thích của lần tái bản năm 2004 : Theo tài liệu mới xác thực thì Tuệ Trung Thượng Sĩ tên thật là Trần Quốc Tung (1230-1291), con trưởng của An Sinh Vương Trần Liễu, anh của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn (1232-1300) không phải là Trần Quốc Tảng (1252-1313), lại càng không phải là Trần Quốc Toản (1257-1285). 

[5] Đệ tử của của Ứng Vương. cuối phái Vô Ngôn Thông (xem bản đồ phải Vô Ngôn Thông và bản đồ phái Trúc Lâm Yên Tử).

 [6] Đệ tam Tổ Trúc Lâm. Bản đồ B. 

[7] Lúc này đã có ông Hàn Huyên xướng thuyết làm thơ nôm.

 [8] Nguyên  gần lúc đó, vua có ban cho ngài một nén vàng. Đến khi vua và quan muốn thử ngài có phải là người đã hết ái dục chưa, bèn sai thị Bích đến chùa xin ở tu, thấy ngài giới hạnh tinh nghiêm, không thể dỡ thói phong tình ấy được, người bèn nghĩ ra một kế, khóc lóc bảo với các Tăng Ni mình vốn là con nhà thế phiệt, cha làm tri huyện, thâu thuế đem nạp Bộ, không may giữa đường bị cướp. Bộ Hộ thương tình cho khất đến cuối năm, nếu không nạp đủ sẽ phải trọng tội. Vì thế thị phải thu góp tư trang và xin khắp thập phương các nhà từ thiện giúp đỡ. Khi ngài nghe Tăng Ni bạch lại nỗi khổ tâm của thị, ngài muốn về triều để xin tha tội, nhưng có vị Tăng can rằng : pháp luật triều đình là việc công, Tôn sư không nên làm như vậy ... Khi ấy ngài liền đem vàng cho thị Bích.

 [9] Trung Quốc Phật giáo tiểu sử

 [10] Xem bản đồ E