Bát nhã là trí huệ, là thực trí của Pháp thân, là căn bản
trí.
Hai luận “Vật Bất Thiên” và “Bất Chơn Không“ đều nói về
tính bất nhị của Vật (chẳng phải có, chẳng phải không) theo tục đế và chơn đế,
đều là Vật bị quán, còn gọi là “Cảnh Sở Quán“. Còn Bát Nhã là trí năng quán
Bát Nhã là thực trí của Pháp thân, tức là dụng của chơn
tâm, là tính chiếu soi của Phật tánh. Nhưng sao lại gọi là Bát Nhã Vô Tri?
Vì nếu có sở tri, tức là có cái bị biết, thì cũng có cái
không biết tới. Giống như khi ta ở gần một đống cát, nếu ta nhìn kỹ một hạt
cát, thì chẳng biết tới tất cả những hạt khác.
Còn trí Bát Nhã là biết tất cả, bình đẳng không thiên vị,
không chú ý đến một cái nào, (nhưng không cái gì không biết), mà biết tất cả
thì cũng như chẳng biết gì cả. Giống như ta nhìn đống cát, thấy toàn bộ các hạt
cát, bình đẳng như nhau, nên hình như chẳng biết gì cả, vì vậy nên nói là Bát
Nhã Vô Tri.
Kinh Đạo Hạnh nói “ Bát Nhã vô sở tri, vô sở kiến” hay
kinh …..nói “ Chơn tâm bậc Thánh chẳng có chỗ tri, chẳng có chỗ bất tri”.
Vì thấy biết tất cả bình đẳng nên không cần tác ý. Vì
không tác ý nên tâm bậc Thánh trong sạch, trống rỗng. Và càng trống rỗng, trong
sạch chừng nào thì sự chiếu dụng càng đầy đủ chừng ấy. Giống như mặt gương càng
sạch thì càng sáng. Do đó suốt ngày tri mà chưa từng tri là vậy. (Vì không có
tác ý).
Bát Nhã thấy biết tất cả, chiếu soi tất cả, không chướng
ngại, không có cái thứ hai nên còn gọi là độc chiếu hay độc giác.
Bát Nhã ngoài thực trí chiếu soi tất cả mà vô tri, còn có
quyền trí. Quyền trí có công dụng ứng cơ hóa độ mà không qua sự tác ý. Do chẳng
cần tác ý nên siêu việt trên thế tục, vì thế quyền trí suốt ngày ở trong thế
gian mà chẳng nhiễm, suốt ngày tùy cơ hóa độ vô biên chúng sanh mà chẳng thấy
lao nhọc.
Bát Nhã là tánh thấy biết, nhưng thể của nó thì trống rỗng
(thể của nó là Phật tánh, là Pháp thân). Thể thì trống rỗng nhưng dụng thì
chẳng phải không. Cho nên nói có cũng chẳng phải, nói không cũng chẳng phải.
Bát Nhã chiếu soi mà hằng trống rỗng nên dù lẫn lộn trong
thế gian mà vẫn trạm nhiên, chẳng đổi. (vì bản thể trống rỗng, lấy gì đổi
được).
Bát Nhã trống rỗng mà hằng chiếu soi nên tịch diệt mà chẳng
bỏ chúng sanh.
Kinh Bảo Tích nói “Vì vô tâm mà được hiện hành”
Kinh Phóng Quang nói “Đẳng giác bất động mà kiến lập các
pháp“
Vì thế Bát Nhã trống rỗng mà chiếu soi
Vạn vật xáo động mà thường tịnh.
Bậc Thánh ứng cơ tiếp vật, trống rỗng mà vẫn làm thành
Chẳng biết mà không gì không biết, chẳng làm mà không gì
không làm.