Giới thiệu & Giảng giải Luật tạng
Kinh Phạm Võng Bồ Tát Giới Giảng Ký
Sa Môn Thích Trí Minh (Dịch)
26/07/2554 23:30 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

 

CHƯƠNG III. CHÁNH THUYẾT GIỚI TƯỚNG
(Chánh Thức Thuyết Giảng Giới Tướng)

 

A. TỔNG THUYẾT GIỚI TƯỚNG
(Thuyết Giảng Tổng Quán Tướng Trạng Của Các Giới)

 

Kinh văn:

1. Phiên âm:

Từ câu "Phật cáo chư Phật tử ngôn: "Hữu thập trọng Ba La Đề Mộc Xoa... " cho đến câu: ". . ưng đương học, kính tâm phụng trì".

2. Dịch nghĩa:

Đức Phật bảo các Phật tử rằng: "Có mười giới trọng; nếu người thọ giới Bồ Tát mà không tụng những giới điều này thì người ấy không phải là Bồ Tát, không phải là Phật tử. Chính Ta cũng tụng như vậy. Tất cả Bồ Tát đã học, đương học và sẽ học, sau khi nghe lược giảng xong tướng trạng của giới Bồ Tát, đều cần nên học và hết lòng kính trọng, phụng trì".

Lời giảng:

Tiếp theo, vì cần phải chánh thức tuyên thuyết tướng trạng của các giới trọng và giới khinh, cho nên Đức Phật lại bảo các Phật tử rằng:

- Các ông phải biết có mười giới trọng Ba La Đề Mộc Xoa, là người thọ giới Bồ Tát, quyết phải đọc tụng. Nếu như không tụng giới Bồ Tát này thì chẳng phải là Bồ Tát, chẳng phải giòng giống Phật tử.

Vì thọ giới quyết định phải tụng giới. Tụng giới mới biết rõ thế nào là Trì, thế nào là Phạm, thế nào là giới trọng, thế nào là giới khinh. Có biết rõ Trì, Phạm, Trọng, Khinh mới có thể hộ trì giới pháp một cách hoàn bị.

Nếu thọ giới mà không tụng giới thì trải qua một thời gian lâu xa, sẽ dần dần quên lãng. Do đó, đối với những giới tướng đã bẩm thọ, sẽ không biết rõ được giới tướng khinh, trọng, cho nên cũng không thể nào minh bạch được Khai, Giá.

Khai, Giá phân biệt không rành thì khi phạm giới lại không hay biết, như thế chẳng phải là tạo tội lỗi rất lớn ư? Chẳng những vậy, hiện tiền lại mất hẳn danh vị Đại Thừa và luôn cả tư cách của một vị Bồ Tát cũng không được bảo tồn.

Nên biết: Mười giới trọng Ba La Đề Mộc Xoa là bổn nghiệp của Bồ Tát nên thực hành. Nếu hiện tại không tuân theo lời Phật dạy, đúng như pháp mỗi nửa tháng phải tụng giới một lần, thì sẽ bị mất hẳn bổn nghiệp.

Đối với bổn nghiệp đã không thể bảo tồn, thử hỏi làm sao nói đến việc lợi ích cho chúng sanh? Không làm lợi ích cho chúng sanh thì còn tư cách gì là Bồ Tát? Nên kinh Phật dạy: "Chẳng phải là Bồ Tát". Một khi tư cách Bồ Tát đã bị tán thất thì cũng mất hẳn quả Phật ở tương lai.

Phật quả do đâu mà thành?

Do Phật chủng tử kết thành. Chủng tử chân thật thành Phật chính là giới này. Nếu chỉ có danh suông mà không thực hành theo lời Phật dạy thì Phật quả đương nhiên cũng mất theo. Cho nên thà rằng không thọ giới, nếu đã thọ giới thì nhất định phải đọc tụng, bất luận tại gia hay xuất gia.

Vì có tụng giới mới biết rõ Trì, Phạm, Khinh, Trọng. Tụng giới chính là từng giờ, từng phút dùng nước pháp tưới rưới chủng tử chân thật thành Phật cho luôn được tươi nhuận, không bị héo khô.

Tiến lên một bậc nữa, Đức Phật lại dạy rằng: "Chẳng những Bồ Tát các ông cần phải tụng, chính Ta, cũng mỗi nửa tháng tự tụng như thế. Lại tất cả Bồ Tát thời quá khứ mong cầu quả vị đại Bồ Đề đã học giới này. Tất cả các Bồ Tát đời vị lai mong cầu quả vị Đại Bồ Đề, đối với giới này, cũng sẽ học. Tất cả các Bồ Tát hiện tại cầu quả vị Bồ Đề cũng đang học giới này. Tức là chư Bồ Tát ba đời, cứ mỗi nửa tháng, đều tụng pháp Ba La Đề Mộc Xoa này. Hiện tại ta đã lược giảng tướng trạng Ba La Đề Mộc Xoa của Bồ Tát. Hàng Bồ Tát các ông cần phải hết lòng kính trọng, phụng trì".

Giới thể, đặc biệt là Tâm Địa diệu giới này, vốn không có tướng trạng nào có thể chỉ ra được, chỉ căn cứ vào thâm tâm của hành giả trì giới hay phạm giới biểu hiện như thế nào, thì giới tướng thể hiện ra như thế ấy. Nghĩa là: Người trì giới có tướng mạo của người trì giới, người phạm giới có tướng mạo của người phạm giới. Cho nên kinh Lăng Nghiêm dạy: "Tâm trì cấm giới, cử thân khinh thanh" (tâm giữ gìn giới cấm, thân thể sẽ được nhẹ nhàng, trong sạch) là biểu thị ý nghĩa trên đây vậy.

Trì giới hay phạm giới biểu hiện tướng mạo như thế, cho nên Bồ Tát được nghe giới này và đã bẩm thọ giới pháp, cần phải sanh tâm hiếu thuận, hết lòng kính trọng, phụng trì. Nếu không hết lòng phụng trì thì chẳng những không được gọi là hiếu thuận, lại còn mất hẳn chân nhân thành Phật, không mong gì được thành Phật ở tương lai.

Tiêu điểm: