Thiền học
Từ Nụ Đến Hoa - TS: Soko Morinaga
14/02/2557 18:12 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

TỪ NỤ ĐẾN HOA

FROM NOVICE TO MASTER)  
Thiền sư: Soko Morinaga - Biên dịch: Thuần Bạch Ngọc Bảo 
Nhà Xuất Bản: Thanh Niên 2007 

Mục Lục

 

Lời người dịch 
Lời mở đầu 
Vài nét về tác giả 
Phần một: SA DI 
Viễn tượng cái chết 
Không có gì chắc chắn 
Cuộc gặp gỡ trong bước đường cùng 
Không có gì là rác cả 
Chỉ còn biết lau chùi  
Lời răn dạy của Khổng Tử 
Việc phải lo 
Không thể làm được 
Giữa thầy và trò 
Chuyện của nó và tôi 
Ba loại đệ tử 
Cho tiền mai táng 
Ý nghĩa của sự can đảm 
Tôi đang làm gì ở đây? 
Niềm tin vạn năng 
Phần hai: TU LUYỆN 
Tâm bất động 
Biết đến cái ngu của mình 
Ðời sống hàng ngày trong thiền viện 
Không bao giờ hết tu 
Phần ba: THIỀN SƯ 
Ðiều gì đây?  
Thượng đế ở ngay đây  
Cái chết có bí hiểm không? 
Tâm như thủy 
Cái chết của ông tôi 
Pháp Vô Lậu 
Chết trong khi đang sống 
Buông thả trong cái chết 
Mạng sống Phật

Lời người dịch 

Thiền sư Soko Morinaga sinh năm 1925. Sau khi tốt nghiệp trường Cao đẳng, xuất gia năm 1948 với thiền sư Thụy Nham Tông Thạc (1879 – 1965) thuộc thiền phái Bạch Ẩn Huệ Hạc tông Lâm Tế. Từ 1949 đến 1963 Sư tu tập ở chùa Đại Đức và được Sư huynh là thiền sư Sesso Ota ấn chứng. Sư giảng pháp, viết sách báo, đồng thời là Viện trưởng Đại Học của dọ̀ng Lâm Tế là Hanazono ở Kyoto. Thường cộng tác với Hội Phật Giáo Luân Đôn, Sư đến Anh quốc du hóa hằng năm để giảng dạy khóa tu mùa hạ do nhiều tông phái Phật Giáo bảo trợ. Sư viên tịch năm 1995. 

Những gì chúng ta học được từ người xưa và cả người nay dĩ nhiên không phải trên những danh xưng, tiếng tăm hay bài giảng thơ văn để lại cho đời, mà chính ngay nơi những bước chân của người, như trong tự truyện này, đang đạp trên khắp nẻo đường đời từ chập chững non nớt như chồi nụ đến chững chạc như hoa nở ngát hương. 

Như Sư đă viết, đây không hẳn là cuộc đời riêng của Sư, mà hiện đang xảy ra cho mọi người ở khắp nơi. Đúng hơn đó là bài toán bức thiết của mỗi chúng ta. 

Thuần Bạch  

Lời mở đầu 

Cách đây ít lâu tôi có đến thuyết giảng tại một trường đại học. Thuyết trình viên trước tôi nói khoảng một tiếng rưỡi đồng hồ, quá giờ quy định. Khoảng thời gian nghỉ ngơi giữa hai buổi diễn thuyết của chúng tôi bị thu hẹp lại, và tôi bị gọi lên bục giảng ngay sau đó. Ðể tỏ sự quan tâm đến những thính giả, tôi mở đầu bằng câu hỏi: “Quý vị đã có thì giờ đi tiểu hết chưa?” 

Cử tọa rõ ràng là bị bất ngờ trước câu hỏi của tôi. Lại càng ngạc nhiên hơn nữa, khi họ thấy người đang đứng trước mặt họ, nói về chuyện tiểu tiện, lại là một vị sư. Mọi người cười ầm lên. 

Bắt đầu như vậy rồi, tôi lại tiếp tục lái vào tiêu điểm. “Tiểu tiện không phải là một việc người khác làm dùm bạn được. Chỉ có mình mới tiểu cho chính mình được thôi.” Câu này thật sự đã phá vỡ khoảng cách, và họ cười còn tận tình hơn nữa. 

Nhưng thực sự ta phải thấy rằng, “chỉ có mình mới đi tiểu cho chính mình được thôi, không ai khác có thể làm thế được”, là một nhận định hoàn toàn nghiêm túc. 

Thời xa xưa bên Tầu, có một vị tăng nhập chúng tu nhiều năm trong thiền viện của thiền sư Ðại Huệ, nhưng mặc dù đã hết sức tinh tấn, ông vẫn không giác ngộ được. Một hôm thầy ra lệnh cho ông đem một lá thư đến một nơi xa xôi thuộc vùng Trường Sa. Chuyến đi này, vừa đi vừa về, có thể mất đến nửa năm như chơi. Vị tăng nghĩ: “Tôi làm gì có thì giờ  ở thiền viện này tu tập mãi mãi được! Ai mà rảnh rỗi đi làm một công việc như thế này!” Tăng bèn hỏi ý kiến của sư huynh về vấn đề này. 

Sư huynh bật cười khi nghe vị tăng nói đến vấn đề nan giải này. “Dù có đang đi du hành đệ cũng vẫn thiền được cơ mà! Thôi được rồi, ta sẽ đi cùng với đệ.”, ông đề nghị như vậy, và thế là hai người bắt đầu ra đi trong cuộc hành trình. 

Một hôm, khi họ đang đi trên đường, sư đệ bỗng bật lên khóc. “Em đã tu bao nhiêu năm nay rồi, mà tới giờ vẫn chưa thấy đạt được gì cả. Rồi bây giờ, lang thang đi khắp nơi như thế này, làm sao mà em giác ngộ được chứ,” ông than thở. 

Nghe vậy, sư huynh vận dụng hết sức lực để nói một cách thật mạnh bạo phũ phàng như tát nước: “Ta sẽ làm tất cả những gì có thể làm được cho đệ trong chuyến đi này,” “Nhưng có năm điều mà ta không thể làm được thế cho đệ. Ðó là: 

Ta không thể mặc quần áo thế cho đệ được. Ta không thể ăn thế cho đệ được. Ta không thể đại tiện cho đệ được. Ta không thể tiểu tiện cho đệ được. Và ta không thể vác đệ lên vai mà sống cuộc đời của đệ thế cho đệ được.” 

Khi nghe những câu nói này, vị sư đệ bỗng bừng tỉnh ra khỏi cơn  mê và được đại ngộ. 

Tôi hi vọng rằng, khi đọc những lời này, bạn sẽ nhận ra rằng những gì tôi nói ở đây không phải chỉ là về tôi hay về những điều xẩy ra ở đâu đâu. Không phải như thế,  những điều tôi nói đây chính là những vấn đề khẩn thiết của các bạn .