CHÁNH VĂN:
Các thứ hình mạo dụ như nhà cửa, bỏ nhà lừa vào nhà người, bỏ thân người đến thân trời, cho đến nhà Thanh văn, Duyên-giác, Bồ-tát, Phật đều là chỗ lấy bỏ của ông. Do đó có sai khác chớ tánh bản nguyên đâu có sai khác.
GIẢNG:
Trôi lăn trong lục đạo luân hồi hay chuyển lên Tứ thánh cũng là chuyện lấy bỏ thôi. Lấy bỏ hình thức này, hình thức kia chuyển dời mãi nhưng ông Phật của chúng ta vẫn không hai. Ai ai cũng sẵn có ông Phật mà quên đi, nên Bồ-tát Thường Bất Khinh gặp mọi người đều bái nói “tôi không dám khinh các ngài, vì các ngài đều sẽ thành Phật”. Chuyện thành Phật của chúng ta là nhất định rồi, vì ai cũng có chủng tánh Phật nhưng vấn đề là gần hay xa thôi. Mười đời, trăm đời, muôn triệu đời kiếp… cũng sẽ thành hết.
Như vậy trên đường tu, không phải chúng ta tìm kiếm những gì xa lạ ở chân trời gốc biển, hay trong cõi hư không vô tận, mà chỉ nhìn thẳng nơi mình, biết được mình có tánh Phật. Buông xả những nghiệp tập trong lục đạo chúng sanh, từ từ nghiệp tập sạch thì tánh Phật hiện ra, không tìm ở đâu xa hết. Người tu là thực tế chớ không phải viễn vông. Bởi Phật là giác, giác tức tri giác, biết và sáng. Như hiện giờ quí vị ngồi nghe giảng, chỉ nghe thôi không nghĩ, không tính, không suy, không nhớ tưởng gì hết, lúc đó có nghe biết không? Nghe biết rõ ràng. Chúng ta sẵn có tánh nghe biết, không đợi suy nghĩ mới có. Suy nghĩ tốt, suy nghĩ xấu, suy nghĩ bị chê được khen v.v… mới sanh phiền não, còn thường nghe như vậy đâu có phiền não, trong sáng rõ ràng.
Trong khi nghe giảng nếu quí vị chú tâm, lúc đó không có niệm sanh diệt, chỉ là ròng rặc tánh nghe thanh tịnh, làm sao không có Phật. Niệm nghĩ suy mới là tướng sanh diệt, còn tánh nghe thanh tịnh có sanh diệt không? Không. Vậy mà bảo mình luân hồi lục đạo, tội nghiệp chưa? Chúng ta bỏ của quí nhà mình, chạy theo điên đảo rốt cuộc phải chịu luân hồi. Do đó Phật Tổ thương chỉ dạy, nhắc tới nhắc lui để chúng ta nhớ mình đang có cái chân thật, đừng quên mất, quên mất thì đi trong luân hồi đau khổ.
Ở đây nói các thứ hình mạo trong lục đạo luân hồi dụ như nhà cửa, bỏ nhà lừa vào nhà người. Nhà lừa tức là tái sanh làm lừa, bỏ thân lừa được trở lên làm người là tới nhà người. Thân này như nhà cửa, vô nhà này một thời gian, bỏ ra đi tới nhà khác, liên miên như vậy. Quí vị muốn đi hoài trong các nhà đó hay muốn ra khỏi? Đi hoài trong đó thì nhọc nhằn khổ sở, chi bằng chúng ta ra phắt một cái, không thèm tới nhà nào hết. Nếu sắp lâm chung vị nào ôm lòng sân hận oán thù thì đi vào nhà ngạ quỷ, súc sanh hoặc hơn nữa là địa ngục. Vào đó lâu ngày hết nghiệp sân hận được trở ra, ra rồi đi tới nhà khác, nhà nào thích thì tới. Như vậy đi ra đi vào không biết bao nhiêu kiếp luân hồi.
Phật thương chúng sanh tại sao không thức tỉnh, có Phật sẵn mà cứ ôm Phật đi trong luân hồi, tội nghiệp Phật quá. Ông Phật bị mình cột mấy sợi dây nghiệp lôi đi theo, đi cho đả rồi khổ. Nhưng ông Phật theo mình có khổ không? Không khổ. Sao vậy? Bởi vì Phật đâu có bị nghiệp, mình bị nghiệp chớ Phật không bị nghiệp. Ví dụ như khi chúng ta bị ai chửi, mình nghe tức trong bụng, đó là mình tức giận, chớ tánh nghe đâu có giận. Tuy nhiên từ nghe mình sanh ra tức giận, đó là nghiệp, từ nghiệp sanh khổ phiền đủ thứ, song tánh nghe không có khổ phiền. Cho nên tuy chúng sanh vào địa ngục mà Phật không bị khổ, nhớ như vậy mới hiểu câu “mình ở đâu thì Phật ở đó, mình khổ còn Phật không khổ”.
Nếu chúng ta biết trở về Phật của mình thì còn khổ không? Sống được với Phật làm sao khổ. Ngược lại sống với tâm phàm tục, bị nó lôi kéo mới khổ. Từ các nhà lừa, nhà người, nhà trời, nhà Thanh văn, nhà Duyên-giác, nhà Bồ-tát, nhà Phật cũng đều do tâm lấy bỏ mà có, thành ra sai khác, chớ tánh bản nguyên đâu có sai khác. Sai khác là hình thức, công phu tu hành, còn tánh giác sẵn không bao giờ sai khác.
CHÁNH VĂN:
Hỏi: Chư Phật thế nào hành đại từ bi vì chúng sanh thuyết pháp?
Đáp: Phật từ bi là vô duyên nên gọi là đại từ bi. Từ là không thấy có Phật để thành. Bi là không thấy có chúng sanh để độ.
GIẢNG:
Người ta bảo đại từ, đại bi là thấy chúng sanh khổ khóc theo chúng sanh, thấy chúng sanh vui cười theo chúng sanh. Còn đại từ đại bi ở đây là vô duyên, lạ chưa! Chữ vô duyên này dễ bị hiểu lầm. Thường thường chúng ta nghe ai nói những câu không có ý nghĩa thì bảo nói vô duyên quá. Nhưng vô duyên của nhà Phật là không có tâm phân biệt. Chúng ta là phàm phu nên khởi lòng từ phải có nhân duyên, còn Phật lòng từ tràn ngập không đợi nhân duyên nên gọi là vô duyên.
Thế nào là lòng từ có nhân duyên? Như một người đang khổ cay đắng nhưng trước mặt chúng ta họ không thố lộ, không trình bày, vì vậy tuy đối diện với họ mà ta không khóc. Trong khi đó mấy cô đào khéo nói, khéo gợi trúng tình cảm của mình, nên họ khóc mình khóc theo, dù biết họ khóc giả mà mình vẫn khóc sướt mướt. Lòng thương là từ bi nghe người ta khổ, thấy người ta khóc mình thương nhưng cái thương đó là do gợi trúng chỗ mới thương, còn không gợi thì không thương. Đó gọi là lòng từ có nhân duyên.
Phật thấy tất cả chúng sanh khổ đều thương, không đợi nhân duyên. Trong một tiền kiếp, đức Phật hành hạnh Bồ-tát, thấy con cọp rớt xuống hố bị đói, ngài tội quá thả mình xuống cho nó ăn. Người sau bảo Ngài hành động như vậy là từ bi mà không có trí tuệ. Con cọp nếu sống nó sẽ hại người khác, tại sao Ngài không để nó chết mà thả mình xuống cứu nó, một ngày sống của nó là một ngày giết hại chúng sanh. Thử hỏi việc làm đó có từ bi không? Người đời từ bi mà còn suy gẫm, xét lý, đó là lòng từ hữu duyên. Còn đức Phật vì dùng lòng từ vô duyên nên thấy chúng sanh khổ là giúp, không nghĩ tới một lý do nào hết. Khi lòng từ đạt tới vô duyên từ rồi thì thấy chúng sanh khổ là sẵn sàng giúp, không nghĩ giúp như thế sẽ được lợi ích hay có tai hại gì. Cho nên ở đây nói “Phật từ bi là vô duyên nên gọi là đại từ”, lòng từ ấy mới tràn ngập khắp tất cả.
Từ là không thấy có Phật để thành, nghĩa là tu sống trở về tánh giác của mình, không phải từ Phật nào khác thành. Bi là không thấy có chúng sanh để độ, chúng sanh đã sẵn tánh giác, mình nhắc họ để họ trở về, chớ không phải đưa họ tới đâu để họ thành Phật.
CHÁNH VĂN:
Phật thuyết pháp là không nói không dạy. Người nghe pháp là không nghe không được, ví như huyễn sĩ vì người huyễn nói pháp.
GIẢNG:
Phật thuyết pháp là không nói không dạy. Người nghe pháp là không nghe không được, như vậy sao gọi là thuyết pháp, nghe pháp? Thuyết pháp là không nói không dạy, nghe pháp là không nghe không được. Nói thế để nhắc nhở cho chúng ta biết người thuyết pháp không sở đắc, không có, không được nên thuyết mà không thuyết, người nghe pháp cũng biết rõ không có sở đắc thì còn có pháp nào để nghe, để được. Chúng ta học đạo là nhận chân được lý đạo, đó mới thật là học đạo. Nếu chúng ta nghe pháp rồi phân biệt pháp này hay, pháp này dở, pháp này cao, pháp này thấp, đó là nghe trong so sánh, do so sánh nên thấy có pháp, có người nói pháp. Nghe như vậy chưa phải là nghe pháp.
Ví như huyễn sĩ vì người huyễn nói pháp, huyễn sĩ là người huyễn. Phật như huyễn sĩ, chúng ta nghe là người huyễn, huyễn sĩ nói pháp người huyễn nghe pháp, không có gì thật hết. Như vậy mới là nói pháp, nghe pháp.
CHÁNH VĂN:
Pháp ấy nếu vì nói, ta từ thiện tri thức ngay một câu liền nhận được, hội được, ngộ được, cái ấy là từ bi. Nếu ông khởi tâm động niệm học được hiểu biết của người, không phải là tự ngộ bản tâm, rốt ráo vô ích.
GIẢNG:
Học mà chỉ học câu nói của thầy, không nhận ra bản tâm của mình, học đạo như thế thật vô ích. Nhiều vị nghe pháp, câu nào hay hay liền ghi chép học thuộc lòng, cho rằng như thế là khéo học. Ở đây không phải vậy. Nghe pháp là nghe Phật chỉ rõ bản tâm mình, cố gắng nhận cho được bản tâm mới hữu ích, còn nghe mà lệ thuộc vào ngôn ngữ chữ nghĩa, đó là nghe bên ngoài, không có lợi ích. Người thời nay đa số nghe pháp, gom nhặt cho nhiều để ăn nói giòn giã, lưu loát thu hút người khác, chớ không thấy tột cùng chỗ chân thật của mình.
CHÁNH VĂN:
Hỏi: Thế nào là tinh tấn?
Đáp: Thân tâm không khởi ấy gọi là đệ nhất dũng mãnh tinh tấn. Vừa khởi tâm hướng ngoại tìm cầu, gọi là Ca Lợi Vương, Di hầu yêu bọt. Tâm không chạy ra ngoài là tiên nhân nhẫn nhục. Thân tâm đều không, tức là Phật đạo.
GIẢNG:
Hỏi tu thế nào gọi là tinh tấn. Ngài đáp Thân tâm không khởi ấy gọi là đệ nhất dũng mãnh tinh tấn. Nơi thân, nơi tâm không khởi làm sao đi lại, chẳng lẽ nằm hoài. Nếu nói tâm không khởi thì dễ hiểu, nói thân không khởi là không động, chẳng lẽ nằm tới chết luôn. Cho nên nói thân tâm không khởi là nơi thân tâm này không dấy khởi niệm hay dở xấu tốt v.v… ấy gọi là đệ nhất dũng mãnh tinh tấn. Nhiều người cho rằng tinh tấn là một đêm lạy Phật một ngàn lạy hoặc sám hối một ngày ba thời… Nhưng ở đây ngài định nghĩa tinh tấn khác hơn. Người đối với thân tâm không dấy niệm, không khởi ý nghĩ lăng xăng là người tinh tấn dũng mãnh bậc nhất. Tinh tấn như thế có ai thấy không? Không ai thấy, nhiều khi bị chê nữa là khác. Cả ngày không nói năng chi, ai nói gì cũng không khen chê, thiên hạ bảo là lừ đừ. Đối với các pháp thế gian không bận, không dính, không mắc, không khởi tâm, trong đạo khen là người đại tinh tấn.
Vừa khởi tâm hướng ngoại tìm cầu là Ca Lợi vương, Di hầu yêu bọt. Ca Lợi vương liên hệ tới một câu chuyện tiền thân của đức Phật. Vào thuở quá khứ, đức Phật là vị tiên tu hạnh nhẫn nhục. Bấy giờ có vua Ca Lợi ác nghiệt vô đạo, một hôm vua cùng các cung nhân đi du ngoạn, gặp vị tiên tu hạnh nhẫn nhục, đang ngồi thiền dưới gốc cây. Các thị nữ tùy tùng trông thấy, liền bỏ vua Ca Lợi đến chỗ vị tiên này để nghe pháp. Ca Lợi vương thấy vậy nổi giận, bèn chặt hết tay chân của vị tiên nhân này. Vị tiên nhân này chính là tiền thân của đức Phật hành hạnh nhẫn nhục.
Di hầu yêu bọt là chỉ bầy khỉ ở trên cây cạnh bờ sông, thấy khối bọt nước do ánh sáng mặt trời chiếu lóng lánh, bèn đua nhau nhảy xuống vớt. Kết quả tất cả đều chết chìm. Những thứ hư ảo, giả dối mà tưởng là thật, đắm chìm trong đó nên khởi tâm hướng ngoại tìm cầu. Giống như những con khỉ yêu đắm bọt nước vậy.
Ngược lại Tâm không chạy ra ngoài là tiên nhân nhẫn nhục. Tiên nhân nhẫn nhục bị vua Ca Lợi chặt tay, chặït chân mà không buồn, không giận vì tâm không chạy ra ngoài.
Thân tâm đều không, tức là Phật đạo. Không chấp thân, không chấp tâm, thân tâm đều thanh tịnh, đó là Phật đạo.
CHÁNH VĂN:
Hỏi: Nếu không tâm, hành đạo này được chăng?
Đáp: Không tâm tức là hành đạo này, lại nói cái gì được cùng chẳng được? Vã lại vừa khởi một niệm bèn là cảnh, nếu không một niệm tức là cảnh mất, tâm cũng tự diệt, không cần lại tìm kiếm.
GIẢNG:
Hỏi “Nếu không tâm, hành đạo này được chăng?”. Đáp “Không tâm tức là hành đạo này”. Lúc nào ta không dấy niệm, không khởi nghĩ là đang hành đạo. Một số tu sĩ ngày nay cho rằng suy tính tổ chức làm việc này việc nọ là hành đạo. Ở đây ngược lại, Tổ nói không tâm là hành đạo. Đã không tâm là hành đạo, lại nói cái gì được cùng chẳng được? Không tâm là hành đạo rồi, lại nói được chẳng được cái gì.
Vã lại vừa khởi một niệm bèn là cảnh, vừa khởi niệm nghĩ về cái gì đều là cảnh cả. Như khi nghĩ tới người thân, thì bóng của người thân hiện trong chúng ta, nghĩ tới kẻ thù thì bóng của kẻ thù hiện trong chúng ta. Nhớ cái gì, nghĩ cái gì thì hình ảnh ấy hiện ra, cho nên nói là cảnh.
Nếu không một niệm tức là cảnh mất, không khởi nghĩ gì hết thì không có cảnh nào. Tâm cũng tự diệt, không cảnh thì đâu có tâm duyên theo, nên nói tâm tự diệt. Không cần lại tìm kiếm, đó là tu rồi, tìm kiếm cái gì nữa. Như vậy không nghĩ thì không cảnh, không cảnh thì tâm duyên cảnh lặng, tức tâm vọng tưởng không có. Đó là chân thật khỏi đi tìm kiếm gì cả. Ngài chỉ cho chúng ta cách tu rất rõ ràng.
CHÁNH VĂN:
Hỏi: Thế nào là xuất tam giới?
Đáp: Thiệc ác đều chớ suy nghĩ, ngay chỗ ấy liền xuất tam giới. Như Lai ra đời vì phá ba cõi, nếu không tất cả tâm, tam giới cũng chẳng có. Như một hạt bụi đập làm trăm phần, chín mươi chín phần là không, một phần là có, thì pháp Đại thừa không thể xuất hiện, trăm phần đều không thì pháp Đại thừa mới hay xuất hiện.
GIẢNG:
Xuất tam giới là ra khỏi ba giới: Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới. Thiện ác đều chớ suy nghĩ, ngay chỗ ấy liền xuất tam giới. Câu này gọn quá mà cũng dễ quá, phải không? Ngài Hoàng Bá nói giống như Lục Tổ, thiện ác đều chớ suy nghĩ, ngay đó liền xuất tam giới, ngay đó là bản lai diện mục. Bản lai diện mục là chỉ cho cái chân thật của chính mình, cái chân thật đó không bị luân hồi trong tam giới lục đạo, cho nên nói xuất tam giới.
Chúng ta ngồi thiền một giờ, nửa giờ không nghĩ thiện, không nghĩ ác v.v… ngay đó liền xuất tam giới. Xuất tam giới là gì? Là giải thoát sanh tử. Người tu nào không mơ ước được giải thoát sanh tử. Một giờ ngồi thiền không có niệm thiện, niệm ác là một giờ giải thoát sanh tử. Niệm thiện thì sanh đường lành, niệm ác thì đọa đường dữ, nếu không có niệm thiện, niệm ác thì sanh ở đâu? Thì ra khỏi tam giới. Chỉ một câu hết sức đơn giản, mà dạy chúng ta tu rất tuyệt vời, để được giải thoát sanh tử.
Như Lai ra đời vì phá ba cõi, nếu không tất cả tâm, tam giới cũng chẳng có. Đức Phật ra đời là vì chỉ cho chúng sanh tu giải thoát sanh tử. Giải thoát sanh tử là không còn lăn lộn trong tam giới nữa, cũng gọi là phá ba cõi. Người tu ra khỏi tam giới tức là giải thoát sanh tử, đó là phá tam giới. Phật dạy chúng ta phá ba cõi tức là tu để ra khỏi tam giới.
Nếu không tất cả tâm, tam giới cũng chẳng có. Tất cả tâm là niệm thiện, niệm ác, niệm phải, niệm quấy… lặng hết thì tam giới cũng không còn, không dính dáng gì với mình. Nhiều người nghĩ cõi này khổ quá, làm người nhọc nhằn phiền não quá, muốn được sanh cõi trời sướng hơn. Như vậy là còn muốn sanh cõi lành. Lên cõi trời sống hoài cả muôn ngàn triệu năm, không biết như vậy vui hay buồn? Người ta cứ ngỡ sống dai là vui, nhưng thử hỏi quí vị lớn tuổi xem họ có vui không? Nhiều khi sống lâu một mình, bà con thân thuộc đi hết trơn, buồn chết, có gì vui đâu. Sống vừa vừa với nhau, có bạn có bè,người này đi còn người khác. Nếu bạn bè đi hết, mình sống với lớp nhỏ nó không thông cảm, nói chuyện với ai đây, có buồn không? Vậy mà ai cũng đòi sống dai, sống để mà buồn sống làm chi. Hoặc lên các cõi trời không làm gì hết, muốn gì được nấy cũng sẽ buồn. Con người sống có sinh hoạt, trồng cây hái trái mới vui, còn muốn gì được nấy mới đầu thấy thích, nhưng sau đó hết thích, riết rồi không biết sống để làm gì nữa!
Nhà Phật khuyên chúng ta không nên ở trong tam giới, dù cho các cõi trời sắc giới, vô sắc giới rất sung gướng, nhưng đức Phật thấy cũng ràng buộc thôi. Chỉ ra khỏi tam giới mới tự tại thảnh thơi. Vì vậy Đức Phật dạy chúng ta tu phá ba cõi. Nếu không tất cả niệm khởi, không tất cả suy nghĩ thì tam giới cũng vô nghĩa, không có đối với chúng ta. Như vậy ra khỏi tam giới cần gì thần thông? Dù có thần thông mà nghĩ lung tung cũng không ra khỏi tam giới nổi. Bây giờ không cần thần thông, chỉ không tất cả niệm liền ra khỏi tam giới. Vì niệm khởi là tạo nghiệp lành dữ, nếu không niệm khởi còn gì tạo nghiệp, không tạo nghiệp thì cái gì dẫn đi trong tam giới? Cho nên chỉ cần không tất cả niệm là ra khỏi tam giới, giải thoát sanh tử.
Chúng ta có đủ thẩm quyền quyết định, đi trong tam giới hoặc đường xấu, hoặc đường tốt, hoặc ra khỏi tam giới. Quyền của mình hết. Nếu gặp cảnh khổ mình kêu than với ai? Quyền của mình chọn mà than cái gì? Nếu sanh cõi lành cũng là quyền của mình, ra khỏi tam giới cũng là quyền của mình. Đức Phật bảo chúng ta có cái quyền tuyệt đối ấy, chẳng những quyền ở trong thế gian, mà còn quyền ra khỏi thế gian nữa. Đã trọn quyền, tại sao chúng ta không chịu chọn lựa đường đi, lại than khổ quá phiền não quá.
Nếu nhớ lại đôi khi chúng ta cũng cảm thấy hổ thẹn, Phật dạy không tất cả niệm thì ra khỏi tam giới, mà mỗi đêm chúng ta thắp hương cầu Phật độ con giải thoát sanh tử. Ra khỏi sanh tử là quyền của mình, chúng ta quyết định can đảm để dẹp bỏ những vọng tưởng lăng xăng. Những cái đó hết thì nghiệp cũng hết là ra khỏi sanh tử, đừng cầu cứu ai hết. Chúng ta có quyền thì ráng mạnh mẽ buông hết tất cả vọng tưởng để ra khỏi sanh tử, chớ Phật không làm thế chúng ta được. Hiểu rồi mới thấy người tu Phật là người can đảm, tự quyết định lấy thân phận của mình trong hiện tại và mai sau, chớ không trông cậy vào ai.
Như một hạt bụi đập làm trăm phần, chín mươi chín phần là không, một phần là có, thì pháp Đại thừa không thể xuất hiện, trăm phần đều không thì pháp Đại thừa mới hay xuất hiện. Ví dụ như một hạt bụi đập thành trăm phần, chín mươi chín phần nói không, chỉ còn phần tí ti nói có thì pháp Đại thừa cũng không có mặt trên thế gian. Chừng nào một trăm phần trăm các hạt đó đều không hết thì pháp Đại thừa mới có mặt ở thế gian này. Nghĩa là sao? Tất cả pháp thế gian từ lớn như núi sông rừng núi v.v… nhỏ như hạt bụi tí ti chúng ta đều thấy là duyên hợp, hư huyễn không có tự tánh, cái lớn không, cái bé cũng không, thấy tột cùng như vậy thì pháp Đại thừa xuất hiện. Nếu thấy cái lớn duyên hợp, còn những hạt nguyên tử nhỏ tí ti không phải duyên hợp, pháp Đại thừa cũng chưa xuất hiện.
Khoa học ngày nay có kính hiển vi phân tích những nguyên tử thì thấy còn chia chẻ được nữa. Nếu kính tinh vi hơn nữa thì sẽ chia chẻ hoài, chia chẻ hoài. Còn có một chút hình tướng là còn chia chẻ, như vậy khoa học ngày nay đã chứng minh được điều này. Tinh thần Phật học nhất là tinh thần Đại thừa thấy các pháp duyên hợp như huyễn, những gì duyên hợp mắt thấy được đều không có thực thể. Có hình tướng là không có thực thể, do duyên hợp hư giả, tánh nó là không. Thấy tất cả các pháp từ lớn tới bé đều duyên hợp, tánh không, đó là tinh thần Đại thừa.
Nếu tất cả pháp đều duyên hợp tánh không thì tâm chúng ta dính mắc cái gì? Thấy người biết duyên hợp tánh không. Thấy nhà biết duyên hợp tánh không, thấy tất cả sự vật đều biết duyên hợp tánh không thì có gì đâu để dính mắc. Không dính mắc là xuất tam giới. Tất cả pháp thế gian phá sạch rồi thì cái xuất thế hiện tiền, muốn như thế phải dùng kiếm Bát-nhã mới được.
Kinh Kim Cang phá sạch để đưa chúng ta tới chỗ cuối cùng ấy. Ngày xưa tôi lấy làm lạ tại sao chư Tổ đã nói giáo ngoại biệt truyền mà Lục Tổ lại giảng kinh Kim Cang? Sau này càng tu tôi càng thấm, mới thấy rõ kinh Kim Cang chỉ dạy chúng ta phá hết những dính kẹt, chỉ thẳng tâm chân thật như Lục Tổ vậy. Nếu không phá chấp thì không bao giờ chúng ta thấy được chỗ chân thật. Như vậy pháp Đại thừa xuất hiện khi nào ta thấy tất cả pháp không thật, còn có một pháp là chưa phải thật, chưa phải Đại thừa.
CHÁNH VĂN:
Sư thượng đường nói:
Tức tâm là Phật, trên đến chư Phật dưới đến các loài bò bay máy cựa đều có Phật tánh, đồng một tâm thể.
GIẢNG:
Tức tâm là Phật, trên đến chư Phật dưới đến các loài bò bay máy cựa đều có Phật tánh, đồng một tâm thể. Ai có tâm là người đó có Phật. Tâm là cái biết, nên ai có cái biết người đó có Phật, lo gì không thành Phật. Chỉ sợ người nhiều tâm quá không thành Phật thôi.
CHÁNH VĂN:
Sở dĩ Tổ sư Đạt Ma từ Ấn Độ sang chỉ truyền một tâm pháp, chỉ thẳng tất cả chúng sanh xưa nay là Phật, chẳng nhờ tu hành.
GIẢNG:
Xưa nay là Phật, chẳng nhờ tu hành. Xưa nay là Phật có thể hiểu được, vì sao lại chẳng nhờ tu hành? Vì tu mà được, mà thành thì Phật đó sanh diệt. Tu là hành động sanh diệt, đem nhân sanh diệt để cầu quả không sanh diệt thì không được. Cho nên chúng ta tu không phải để thành Phật, mà tu để sạch vọng tưởng. Như kiến bị bụi đóng dơ, người ta thường nói lau kiến cho sạch. Nhưng sự thực kiến không dơ, tại bụi đóng mới thấy dơ. Bây giờ lau là lau bụi, chớ không phải lau kiến. Lau hết bụi kiến sáng lên thì nói kiến sáng, nhưng thật ra không phải lau bụi kiến mới sáng, mà nó sáng sẵn, khi bị bụi bám thấy mờ, đến lúc bụi sạch nó hiện lại cái sáng vốn có của nó. Cho nên nói lau kiến là không đúng, phải nói lau hết bụi, kiến hiện ra ánh sáng.
Việc tu cũng vậy. Tu là dẹp phiền não, dẹp vọng tưởng, không phải tu để thành Phật, vì Phật đã sẵn rồi. Khi nào dẹp hết phiền não vọng tưởng thì ông Phật hiện ra, không phải do tu mới có Phật. Như người đúc tượng, đắp từng miếng rồi ráp lại thành Phật, đó là làm thành. Đằng này tu là dẹp phiền não, dẹp vọng tưởng rồi ánh sáng sẵn của mình hiện ra, không phải làm thành ông Phật mới. Cho nên nói “chẳng nhờ tu hành”. Phật do tu hành được là Phật sanh diệt, cũng như bụi dính mình chùi, có bụi không bụi, chớ đâu phải kiến sáng và tối. Tối là tại bụi che, sáng là tại bụi hết, không phải kiến hồi chưa lau tối, bây giờ lau rồi sáng.
Tánh giác sẵn có của chúng ta cũng vậy. Nó có sẵn nhưng vì vọng tình che phủ, không một phút giây lắng lặng, nên bây giờ chúng ta ráng ra công dẹp bỏ nó, nó lóng lặng lại thì tánh giác hiện ra. Sự tu hành thấy như hết sức khó, nhưng ngẫm lại thì hết sức dễ. Sao dễ, sao khó? Bởi vì chúng ta quen thói nghĩ suy rồi, hết chuyện này tới chuyện kia. Ngồi lại thì thôi là đủ thứ chuyện trên đời, không rảnh phút giây nào nên không nhận ra cái thật của mình. Bây giờ từ chối không tiếp duyên nữa, chuyện từ chối dễ ợt có gì đâu. Không tiếp riết họ không tới nữa, tự nhiên mình thảnh thơi. Ông chủ nhà thảnh thơi được hiện tiền dễ hay khó? Phải chi cắt tay chặt chân thì khó, chỉ từ chối không tiếp khách thôi, vậy mà không chịu từ chối, lại còn thương khách nữa, khách chưa tới đã rủ tới rồi. Vì vậy chúng ta khổ.
Tu là gì? Là từ chối không tiếp khách, vừa dấy niệm lên liền tự nhắc “vọng, không theo” tức là không tiếp. Cứ bao nhiêu đó làm hoài, chuyện nhẹ nhàng thảnh thơi quá, tại sao làm không được. Phải chi bắt quí vị lạy một đêm mấy ngàn lạy hoặc tụng mấy quyển kinh thì nói nhọc, đằng này chỉ từ chối vọng tưởng thôi. Ai tới không chơi, không tiếp là xong. Không tiếp hoài tức nhiên mình không có khách. Tại vì người ta tới mình tiếp nên có khách. Cả ngày bao nhiêu vọng tưởng phiền não tới, mình không theo thì khỏe khoắn vô cùng. Ngược lại chạy đuổi theo vọng tưởng thì khổ. Như đang ngồi nhớ hôm kia người đó nói một câu dễ ghét quá, ôn lại rồi suy nghĩ phải gặp người ấy đáp câu nào cho xứng đáng hơn, mạnh hơn, đáng tức hơn, cho họ khổ bằng mười lần mình mới được. Suy nghĩ vậy hết bao nhiêu giờ? Tâm trạng buồn bực hay vui tươi? Bao nhiêu đó đủ thấy không tu thì khổ. Tu thật ra rất dễ, nhưng người thấy khó là vì khách thân quá không nở từ chối, vì vậy cứ bị khách dẫn đi hoài.