THIỀN-TỊNH-TỰ TRI
Tuệ Thiền (Lê Bá Bôn)
1)Giới thiệu: Đây là một phương cách cải
thiện bộ não và sức khoẻ thân tâm, thăng hoa trí tuệ-tâm linh chung của tất cả,
thuận hợp đạo lí của vũ trụ. Dù có theo tôn giáo hay không, dù thuộc tôn giáo
nào, nếu thực hành là có lợi ích lớn. (Được rút ra từ kho báu văn hoá minh
triết).
2)Cách ngồi: Ngồi trên một cái ghế; mặt ghế khoảng
tầm thấp hơn đầu gối hoặc ngang đầu gối. Ngồi thẳng lưng, nhưng không ưỡn ngực.
Hai bàn tay úp trên hai đầu gối. Hoặc ngồi sao cho thoải mái bình thường là
được.
3)Cách thở và lắng nghe: Giữ hơi thở ra vào
đều, nhẹ và hơi dài. Khi thở vào, bụng hơi lớn ra một chút. Tuy nhiên, nếu thấy
không thoải mái thì cứ thở tự nhiên theo thói quen. Điều quan trọng là phải
tĩnh tâm lắng nghe (cảm nhận) hơi thở ra và vào. Nghe hơi thở một cách bình
thường, không được tập trung khí lực vào cơ thể. Điều thiện ích lớn xuất sinh
từ năng lượng của sự lắng nghe này. Thời gian thực hành nhiều ít tuỳ ý, nhưng
không nên bỏ thực hành ngày nào cả. Sự tĩnh tâm (chú tâm) lắng nghe hơi thở là
ánh sáng của trí tuệ-tâm linh.
(Ở đây, để tham khảo, xin ghi lại bài vè thở
bụng của Nguyễn Khắc Viện. Ông Viện là một bác sĩ Tây y và là một nhà văn hoá.
Ông cho rằng công trình quan trọng của ông là bài vè này. Ông nói nó đáng được
nhận bằng tiến sĩ. Nó chữa được nhiều bệnh tật. Một ông giáo sư áp dụng bài vè
này đã chữa lành bệnh gai cột sống dạng nan y (các bệnh viện lớn đã bó tay).
Bài vè được viết sau khi ông Viện nghiên cứu các tài liệu tôn giáo và Đông y cổ
để tự chữa bệnh phổi nan y của ông. Nội dung bài vè – theo tạp chí Tài Hoa Trẻ
số 93 năm 1999: Thót bụng thở ra/ Phình bụng thở vào/ Hai vai bất động/ Chân
tay thả lỏng/ Êm, chậm, sâu , đều/ Bình thường qua mũi/ Khi gấp qua mồm/ Ở đâu
cũng được/ Lúc nào cũng được).
4)Thiền định tự tri: Sau thời gian tập thở và
lắng nghe hơi thở (lâu mau tuỳ ý), thì chuyển qua lắng nghe những nói năng
trong tâm trí. Đây gọi là thiền định tự tri (tức là quán tâm). Lắng nghe tâm
trí mang năng lượng thiện ích cực lớn, cho mình và cho toàn vũ trụ, cho toàn
thể chúng sinh, vì đó là hạnh nguyện đại thừa. Sự thông minh tối thượng sẽ tự
biết cách lắng nghe tâm trí; đó là trí vô sư.
Tâm trí luôn nhớ nghĩ (tức là nói năng bên
trong) lắm chuyện không thật sự cần thiết; gọi là vọng tưởng vô minh, không
thấu triệt lí duyên sinh-vô ngã của thế giới hiện tượng. Lắng nghe vọng tưởng
(tức là lắng nghe những nói năng trong tâm trí) một cách thâm sâu và tự nhiên
thì tâm trí có sự đột chuyển, vọng tưởng im lặng (dừng lại): tâm sáng tỏ, tỉnh
thức với tuệ giác tối thượng, an
vui cực lạc. Đó là những giây phút vô niệm, vô ngã, mở con
mắt sự sống; là những giây phút của nhân cách tự-do-tinh-thần, siêu vượt khái
niệm và tướng trạng, bất sinh bất diệt, diệu dụng từ bi hỉ xả.
5)Ý nghĩa tôn giáo: Trạng thái tâm trí tĩnh
lặng, sáng tỏ tỉnh thức, ngộ nhập với tính chất nhất thể của vũ trụ, đầy an vui
cực lạc và thiện ích này có nhiều cách đề cập khác nhau. Ở đây xin nêu một liên
hệ với Phật giáo.
Cách lắng nghe tâm trí này khế hợp với pháp
môn thiền “Phản văn văn tự tánh”. Đây là pháp môn thiền phổ biến của Ngài Bồ
tát Quán Thế Âm. “Phản văn văn tự tánh” là “quay cái nghe nghe tự tánh”. Tự
tánh là thực thể đang nghe đang thấy đang biết, đồng thời đang tự biết tự thấy…
Tự tánh là Phật tánh (tánh giác), là tâm vô niệm (tức là tâm trí tĩnh lặng,
sáng tỏ, tịch tri); là vô ngã, là chân ngã, là tâm linh vĩnh hằng. Nhận ra tự
tánh là giác ngộ, là tự tri tự ngộ đích thực, Viên Giác hiện tiền; đó là giá
trị tối thượng.
Bồ tát Quán Thế Âm là một vị cổ Phật hành Bồ
tát đạo của Đại thừa. Những người tin tưởng Ngài, dù không theo đạo Phật,
thường chú tâm niệm câu “Nam mô đại từ đại bi tầm thanh cứu khổ cứu nạn Quán
Thế Âm Bồ tát”, hoặc niệm câu “Nam mô Quán Thế Âm Bồ tát” khi gặp sự khổ đau
phiền não. Đã có nhiều nghiên cứu khoa học nói về sự linh ứng này (dĩ nhiên là
tuỳ thuộc vào tính chất tâm nghiệp)… John Spencer, một tiến sĩ y khoa danh
tiếng, đã có những công trình nghiên cứu nghiêm túc về lợi ích lớn của sự tự
cầu nguyện chân chính và sự cầu nguyện cho người khác, dù thực hành theo tôn
giáo hay tín ngưỡng thánh thiện nào. (Các dạng cầu nguyện đúng đắn đều có tác
dụng giảm bớt vọng niệm).
Nên biết rằng, dưới cái nhìn của vật lí lượng
tử thì ảnh hưởng của trạng thái tâm linh (tâm trí) đến sức khoẻ, đến hoàn cảnh,
đến tha nhân, đến xã hội và vũ trụ là một sự thật hiển nhiên... Tâm linh vừa
mang tính chất cá thể (cá nhân), vừa mang tính chất tổng thể (vũ trụ). Fritjof
Capra, một nhà vật lí danh tiếng, một giáo sư ở nhiều đại học Anh và Mĩ, nói
trong Đạo Của Vật Lí: “Nền vật lí này bây giờ đã thấy rằng vũ trụ là một mạng
lưới chằng chịt vật chất và tâm linh liên quan mật thiết với nhau, mà mỗi phần
tử chỉ được định nghĩa trong mối tương quan với toàn thể”. Vì vậy, theo nhiều
nhà khoa học hiện đại thì phẩm chất đáng quý nhất của trí tuệ, của đạo đức, của
giáo dục-đào tạo, của tương tác xã hội là năng lực cộng thông với “trí tuệ vũ
trụ”, tức là dạng năng lực ở trạng thái vô niệm (im lặng tư tưởng-tỉnh giác).
Đó cũng chính là
hành động tối thượng, là phẩm chất tối thượng của tâm linh
tôn giáo.
6)Tham khảo thêm:
*-Lắng nghe những nói năng, những nhớ nghĩ trong tâm trí
(tức tự tri) mang năng lượng có công năng cải thiện nghiệp báo đau khổ, phiền
não. (Nghiệp báo là vấn đề nhân quả, do tâm ý tạo trong vòng sinh tử luân hồi)…
Nguyễn Chung Tú (nguyên hiệu phó trường đại học Hùng Vương, giáo sư tiến sĩ vật
lí) nói: “Có thể nói rằng gien nghiệp là cái do mỗi người tự tạo cho mình. Khi
một người chết đi, thân thể vật lí của người ấy tan hoại, nhưng cái nghiệp ấy
vẫn tiếp tục di truyền qua nhiều đời sống của người ấy”. Ông nhắc lại lời một
học giả khác rằng: “Tâm tính là định mệnh” - một câu nói rất quan trọng.
(Nguyệt san Giác Ngộ số 17 năm 1997).
*-Deepak Chopra, giáo sư tiến sĩ y khoa, viết trong Sự Sống
Sau Cái Chết (một tác phẩm rất nổi tiếng): “Vũ trụ mà tôi và bạn thể nghiệm bây
giờ, với cây cối, nhà máy, con người, nhà cửa, xe cộ, hành tinh và các thiên
hà, chính là ý thức biểu hiện ở một tần số nào đó. Đâu đó trong thời không, có
những bình diện khác nhau đồng thời tồn tại”. Ở một chỗ khác ông nói rằng, cái
mà Einstein gọi là “trường tiềm năng” làm tăng các sự kiện không gian-thời
gian, cái đó nhiều tôn giáo gọi là linh hồn.
*-Vọng tưởng là biểu hiện của chấp ngã (cái “tôi”), của vô
minh. Thiền Luận (D.T.Suzuki) viết: “Nếu giác ngộ đã làm cho toàn thể vũ trụ
rung chuyển sáu cách khác nhau như kinh chép thì vô minh, khi chưa bị hàng
phục, ắt vẫn có đủ thần lực ấy, dầu rằng vì bản chất và hiệu lực, thần lực ấy
diễn ngược lại hẳn với giác ngộ”. (D.T.Suzuki là một cư sĩ thiền sư).
*-Trịnh Xuân Thuận (nhà vật lí thiên văn) nói rằng các hạt
quarks - từng được coi là những viên gạch cơ bản của vật chất - chỉ là cấu trúc
tâm thức. Vì thế, theo nhiều nhà khoa học tự nhiên, năng lượng tâm thức là dạng
năng lượng cơ bản, có ảnh hưởng tốt hay xấu cho toàn vũ trụ tuỳ tính chất tâm
thức.
*-Masuru Emoto và các cộng sự đã phát hiện ảnh hưởng của
năng lượng tâm ý đối với cấu trúc và chất lượng nước. (Giáo Dục Và Thời Đại Chủ
Nhật số 47 năm 2006).
*-Hiến chương Liên Hiệp Quốc mở đầu với câu: “Vì chiến
tranh bắt đầu từ trong tâm trí con người, nên cũng từ trong tâm trí con người
mà sự bảo vệ hoà bình được thiết lập”.
*-A. Ciechanover (Nobel hoá học năm 2004) cảnh báo: “Khoa
học phát triển với tốc độ chóng mặt, đến mức cần phải cân nhắc đến nhiều vấn đề
vốn là kết quả của sự phát triển đó”. (Các vấn đề càng ngày càng ngày càng đáng
sợ do con người gây ra là: siêu thiên tai, lan tràn bạo lực và chiến tranh,
bành trướng vũ khí hạt nhân và vũ khí sinh học, môi trường sống bị ô nhiễm
nghiêm trọng, thực phẩm chứa đầy độc hại, gia tăng nhiều bệnh tật hiểm nghèo,
tai nạn giao thông tràn lan, dân đen bị trí-công-cụ bóc lột đa dạng, đói khát,
tranh giành quyền lực quyền lợi khốc liệt, sa đoạ lương tri, sa đoạ tinh thần,
tâm bệnh…).
*-Karen Shanor, một nhà sinh học nữ, nói: “Nhiều nghiên cứu
khoa học đã khiến cho melatonin ngày càng được biết đến với giá trị như một
phân tử chống ung thư.(…).Thú vị là việc luyện thiền được coi là một hành động
kích thích tuyến tùng và giúp tạo ra đủ lượng melatonin cần thiết”. (Trí Tuệ
Nổi Trội).
*-Tạp chí Tài Hoa Trẻ số 404 (năm 2006) viết: “Hai nghiên
cứu khoa học mới đây đã cho thấy rằng ngồi thiền có một sự tác động quan trọng
cả về tinh thần lẫn về mặt sinh học”. (Ngồi thiền rất có lợi cho sức khoẻ).
*-Thiền Tông Việt Nam Cuối Thế Kỉ 20 (Thích Thanh Từ) nói:
“Bao nhiêu kinh điển, bao nhiêu pháp tu, đức Phật đều dạy xoay quanh cái trục:
chận đứng tâm suy nghĩ lăng xăng”. Vì thế, theo sách, có một vị thiền sư có ai
hỏi về yếu chỉ Phật pháp, ngài trả lời ngắn gọn: Đừng vọng tưởng. Đây cũng
chính là huyền nghĩa của Bát Nhã Tâm Kinh.
*-“Vô niệm là tối thượng thừa”. (Thiền sư Thần Hội).
*-Kinh Viên Giác nói: “Tri huyễn tức li, li huyễn tức
giác”. (Tri huyễn là nghe và thấy rõ mọi động niệm của tâm ý. Nghe và thấy rõ
vọng tưởng thì vọng tưởng tự tịnh,Tánh Viên Giác hiện tiền).
*-Trong quyển Krishnamurti Ở Carmel có nói rằng: “Gọi là Thượng Đế hay
chân lí đều như nhau. Chân lí là giải thoát tâm trí khỏi mọi gánh nặng của trí
nhớ”. (Đây là trí nhớ tâm lí - thứ trí nhớ lấy sự chấp ngã làm trọng tâm).
*-Đường Về Minh Triết (Tuệ Thiền; NXB Văn Nghệ, 2007) viết:
“Tự tri-tỉnh thức-vô ngã” là đạo lí của vũ trụ, là mẫu số chung của ý nghĩa
cuộc sống, là Thiền; mang năng lượng tích cực có lợi cho toàn vũ trụ, cho sự
thăng hoa trí tuệ-tâm linh chung của tất cả”.
“Tự tri-tỉnh thức-vô ngã” là minh sư vĩ đại nhất của
chính mình”.
“Thiền định tự tri thì không thuộc riêng tôn giáo
nào hay nền văn hoá-giáo dục nào, đó là tài sản cực kì quý giá của nhân loại
muôn đời, của vũ trụ”.
“Giáo dục “toạ thiền-quán hơi thở-tự tri” là biện
pháp tối ưu để nâng cao hiệu quả giáo dục, thăng hoa tâm trí, cải thiện thế
giới”.
*-Nhớ quê hương tâm linh (tức tự tánh), Trần Thái Tôn, một
ông vua giàu thiền tâm, viết câu thơ rất hay: “Lênh đênh làm khách phong trần
mãi / Ngày hết, quê xa vạn dặm đường!”
*-Kinh Phật nói, sống nương theo mười điều thiện (thập
thiện đạo) là điều kiện tốt để cải thiện nghiệp và vãng sinh thế giới chư
thiên, có duyên tu tập tự giác-giác tha. Thập thiện đạo chứa đựng nhiều điểm
chung của các tôn giáo.
*-Ngày nay có rất nhiều người muốn có sự tỉnh thức tâm
linh, muốn đến với Đạo (chân lí tuyệt đối). Fritjof Capra viết trong Đạo Của
Vật Lí: “Thiền không còn bị nhìn với sự nghi ngờ, đạo học đã được coi trọng,
ngay cả trong cộng đồng khoa học”.
*-Lục tổ Huệ Năng đã chứng ngộ khi còn là một cư sĩ quê mùa
lo việc giã gạo ở chùa.Trong khi đó, hiện nay hậu duệ của Ngài có tu sĩ đã từng
là tài năng lớn lúc chưa xuất gia, như M. Ricard (nhà sinh học người Pháp), B.
Glassman (tiến sĩ toán học ở NASA), L. Kaye (phó giám đốc hãng IBM ở Mĩ)…
*-K. Shanor nói trong lời nói đầu quyển Trí Tuệ Nổi Trội
(NXB Tri Thức, 2007): “Những phát hiện khoa học mới đây và những kinh nghiệm
tâm linh đã từng có lúc hoà hợp nhau. Đây là điểm tốt cho kỉ nguyên mới. Khoa
học có sự liên kết với bản chất tâm linh của nhân loại sẽ có thể bỏ xa khoa học
công nghệ của quá khứ trong việc đóng góp vào sự phồn vinh của nhân loại”.
Tháng 9/2009