Em trai tôi chết trẻ, lúc 26 tuổi, nằm trong nghĩa trang chùa làng. Cả
gia đình sau này lên thành phố sinh sống, bỏ em nằm bơ vơ gần chục năm.
Ngày thanh minh, ngày tết, mấy ông anh họ từ Vĩnh Long lên làm cỏ mộ,
đốt cho em vài xấp tiền và bộ đồ bằng giấy, không đến nỗi lạnh lẽo.
Nhưng rồi má tôi và mấy anh chị em trong nhà quyết định bốc mộ em, đưa
tro cốt về chùa gần nhà, để em khỏi thui thủi ngoài đồng hiu quạnh với
giun dế cỏ cây.
Tôi đón xe hơn trăm cây số về quê, đúng vào tháng 3 thanh minh, trong tiết xuân nắng tràn cả đất phương Nam.
Từ mờ sáng, ông anh họ thứ năm đã lấy honda chạy vô Xẻo Trầu chở ra một
người đàn ông chuyên nghề bốc mộ. Mọi người điểm tâm trước khi lên
đường. Người đàn ông ngồi ở một góc đi-văng, im lặng nhai bánh mì, không
nói chuyện với ai. Đầu ông ta húi cua ngắn đến mức gần như cạo trọc, và
sùm sụp chiếc nón vải, chỉ lột ra một lần khi mới bước vô chào chủ nhà,
là bà dì của tôi.
Ông ta ăn chậm rãi, tay khuấy nhẹ ly cà phê đá bên cạnh, đôi mắt nhìn
trân trân vô bức tường trước mặt như thể đang có cái gì đó thu hút. Hai
con mắt to, bất động. Ông anh họ thứ chín khều ông anh thứ ba: “Nhìn ông
này sao tui ớn ớn!” Anh Ba gật đầu, nhưng phá tan không khí bằng một
câu làm quen: “Anh thứ mấy vậy anh?” Người đàn ông quay lại: “Tôi thứ
Bảy.” “Ờ, anh Bảy. Thôi, mình lên đường được rồi đó.” Người đàn ông đứng
dậy cầm cái xà beng và cái leng đào đất, toàn bộ đồ nghề của ông ta chỉ
có bấy nhiêu.
Chúng tôi vạch cỏ mà đi, cỏ lút gần tới đầu, cỏ tràn lên những nấm mộ
hoang không ai thăm viếng. Những bờ trâm bầu ngày xưa xa tít tắp, giờ
như gần lại vì mộ đã ken dày, không còn khoảng đất nào trống. Em tôi nằm
đối diện một tấm bia đá mang tên chính cô bạn gái của em ngày mới lớn.
Tôi ngậm ngùi nhìn “hai đứa nhỏ” khi sống có nhau và khi chết vô tình
cũng có nhau. Một sự vô tình của định mệnh!
Ông Bảy bắt đầu động thổ sau thời kinh bát nhã của thầy trong chùa.
Những nhát xà beng dộng ầm ầm vào nền xi măng, cắt đứt luôn những thanh
sắt đổ bê-tông rắn chắc. Lúc này, ông hoàn toàn khác hẳn, nhanh nhẹn,
mạnh mẽ, gương mặt giãn ra, hồng hào. Anh Ba tôi rót cho ông ly nước,
đưa đến tận miệng, ông uống xong, mỉm cười cám ơn. Ông nói: “Thằng thợ
nào làm ngôi mộ này ẩu thiệt, nhờ vậy mình đập mau.” Ông anh họ thứ Hai
của tôi nhảy vô kéo tiếp cái vỉ sắt, lật qua một bên, để lộ hẳn nền cát
bên dưới. Ông Bảy thở hắt ra: “Ối, chút xíu nữa là xong. Đào mấy lớp
leng là tới liền.” Ông thẳng tay ấn chiếc leng xuống, mồ hôi ướt đẫm
chiếc áo thun màu xanh dương cũ mèm.
Đất dần chuyển sang màu bùn đen và ngập nước. Một miếng ván nâu mục nát
lẫn vào đầu leng. Ông Bảy kêu lên: “Rồi, tới rồi!” Anh em tôi xúm nhau
ngó vào miệng hố rộng. Ông nói: “Rót cho tôi ly rượu.” Ông ực một hơi,
rồi đổ nửa ly còn lại xuống bùn: “Uống đi Dũng! Bữa nay về chùa ở nghen.
Trong chùa đông vui lắm mầy ơi, có nhiều cô đẹp lắm!” Tôi đang bùi ngùi
trong dạ, nghe tới đó liền nạt: “Vô chùa mà nói chuyện bậy bạ!” Anh
Chín tôi thì phá lên cười: “Ổng nói đúng chớ bộ. Tao thấy trong chùa có
hình mấy cô đẹp thiệt.” Nếu Dũng còn sống thì giờ nó bằng đúng tuổi anh
Chín, bốn mươi hai. Ngày xưa, hai anh em đi đâu cũng có nhau, khi tát
mương, khi xúc cá, khi coi hát, lúc ghẹo con gái, lúc có bồ... Anh Chín
cười khà khà như thằng Dũng đang đứng trước mặt anh: “Mà vô chùa không
có nhậu được mầy ơi! Cũng không đánh tiến lên được. Chịu nổi hông mậy?”
Ông anh thứ Hai tôi tiếp lời: “Cũng phải ráng Dũng à! Lớn tuổi rồi, phải
lo nghe kinh kệ chớ chơi hoài sao!” Ông Bảy quăng ly rượu lên bờ: “Rồi
nghen Dũng. Bắt đầu lên đường!” Và ông đục một nhát thật mạnh.
Tất cả quần áo, mùng mền tẩn liệm được móc ra hết, sau cùng mới đến cái
bọc nylon quấn xác em tôi. Ông Bảy lôi cái bọc ra, mừng rỡ: “Trời, không
có nó thì mò từng miếng xương mệt lắm đa!” Anh Hai tôi kéo một đầu bọc,
đưa hẳn lên bờ cỏ. Ông Bảy phóng khỏi miệng hố, bắt đầu mở bọc. Một
dáng người dài chỉ trơ lại những xương, còn thịt da đã hóa bùn, không
hôi tanh gì cả.
Ông Bảy cẩn thận gỡ từng đốt xương bỏ vào cái thau nhôm mới mua sáng
trưng. Anh Hai tôi nói: “Ráng kiếm cho được tượng Phật bằng ngà hôm đó
chính tay tôi đã bỏ vào miệng nó.” Ông Bảy thò tay vào lớp thịt bùn, mò
thật kỹ. Ông nhẹ nhàng chắt bớt nước trong bọc ra, vừa chắt vừa lấy tay
gạn lại không cho bất cứ vật rắn nào rớt xuống. Nhưng mãi vẫn không thấy
tượng Phật. Ông lại tiếp tục bươi bùn, nhất định kiếm cho bằng được.
Tôi choáng người vì nắng, nên nói: “Thôi, rớt đâu đó chớ gì, đừng tìm
nữa.” Nghe vậy ông Bảy mới chịu quẳng cái bọc xuống hố và quay sang rửa
đống xương đang đựng trong thau.
Chúng tôi bắt chước những người dân nơi đây, đổ 20 lít cồn vào thau để
thiêu tại chỗ. Cồn bốc cháy, không có mùi hôi vì xương cốt đã mục. Anh
em tôi chui vào bóng cây trứng cá gần nhà một thằng bạn hồi thơ ấu của
Dũng, tên Uôl, giờ đang ở đậu đất chùa, làm rẫy nuôi vợ con. Uôl rất bất
ngờ khi biết mình đã “ở cạnh” Dũng mười mấy năm mà không hề hay biết.
Uôl lăng xăng bưng cái thau xương đặt ngay ngắn trên bờ cỏ, rồi tự tay
đổ cồn vào, tự tay châm lửa, không cho ai rớ vô. Uôl thì thầm: “Dũng ơi,
phải chi tao biết mầy nằm ở nghĩa trang này thì tao ra thăm mầy hoài.
Bữa nào tao cũng tưới rẫy vòng vòng đây nè. Bà mẹ nó, vậy mà mầy hổng về
báo cho tao biết!”
Ngọn lửa bốc cao, rồi chấp chới theo những cơn gió đồng xao xác. Uôl
phủi tay: “Rồi, vô nhậu mầy ơi! Lo mẹ gì nữa, đời có nhiêu đó thôi!”
Ông Bảy đã tranh thủ lặn xuống sông tắm một hơi, áo quần ướt sũng nhưng
sạch hết lớp bùn đất. Ông ngắt mấy tàu lá chuối trải xuống cỏ, và bày
chai rượu lên. Bộ tam sên cúng mộ hồi nãy được ưu tiên dành cho ông,
thêm dĩa bánh và trái cây. Mấy ông anh tôi không nhậu, chỉ có Uôl ngồi
đối ẩm cùng ông. Ông ực một ly đầy, gắp con tôm bỏ vào miệng nhai rau
ráu. Uôl cũng không vừa, anh ta theo ông Bảy sát nút. Chưa đầy 15 phút
mà cái chai nửa lít đã cạn queo. Ông Bảy lôi ra một chai khác. Và hai
người bắt đầu uống chậm lại.
Anh Hai tôi ngồi buồn, bắt chuyện: “Anh Bảy làm nghề này lâu chưa?” Ông
Bảy gục gặc đầu: “Cũng mười mấy năm rồi.” “Sao anh lại chọn làm vậy? Hồi
trước chắc anh theo nghề khác?” Ông ngước nhìn anh Hai tôi, đôi mắt lộ
to, e dè: “Thì... nghèo quá, biết nghề nào nữa... Hồi trước hả? Thôi,
hỏi chi.” Nhìn vẻ mặt của ông, tôi đâm ra tò mò. Tôi bèn hỏi tới: “Thì
anh cứ nói, có gì đâu mà giấu.” Ông gãi đầu, lúc này trông ông như một
đứa trẻ sợ bị la vì đã phạm một cái lỗi nào đó. “Thôi, quên đi...”
Thấy vậy, tôi không hỏi nữa, ngoảnh mặt ra hướng cái thau đang ngùn ngụt
lửa. Nhưng rồi ông Bảy lại tự động lên tiếng: “Cô hỏi thì tôi... nói
thiệt. Hồi đó tôi lên xe xuống ngựa sướng lắm. Bây giờ... tuột dốc, nên
không muốn nhắc tới.” Ông cúi đầu. Hai con mắt to cụp xuống theo, và cái
vẻ ngượng nghịu hiền lành của ông làm tôi thêm bất ngờ. Tôi dịu giọng:
“Nhắc có sao đâu anh. Ai không có lúc vầy lúc khác.” “Nhưng đời tôi tới
đây coi như hết mức rồi. Nói thiệt, hồi đó tôi đi lính quốc gia, là
thượng sĩ, tiểu đội trưởng, bị đẩy ra trận suốt cho tới ngày giải
phóng.”
Hèn chi, ông sợ, không dám “khai báo lý lịch” chớ gì. Như hiểu được ý
tôi, ông vội nói: “Nhưng tôi không bị đi học tập cải tạo, vì lúc ra
trình diện gặp toàn ‘người quen’. Mấy anh em bên kia đâu lạ gì tôi, bởi
mỗi lần có lệnh đi càn tôi đều vái Trời vái Phật rằng: “Xin cho hai bên
tụi con hổng có ai bắn trúng ai, cũng không ai thua, ai thắng. Cứ nổ
súng một hồi rồi mạnh ai nấy rút. Chớ lính con chết cũng tội nghiệp, mà
bên kia chết cũng tội nghiệp.” Vái xong, tôi lén lén kiếm đường tới báo
tin cho mấy ảnh. Thành ra, mấy ảnh quen mặt luôn. Trời Phật linh thiệt,
lính của tôi không chết không bị thương thằng nào cả.”
Anh Chín tôi lại phá lên cười: “Cha nội ơi, cha vái như vậy hèn chi hai
bên đánh nhau hoài. Phải có bên thắng bên thua thì chiến tranh mới mau
kết thúc chớ!” Ông Bảy biết anh Chín chọc ghẹo, nên cười toét cái miệng
rộng: “Ờ há! Thôi dô dô, một ly nữa coi, bây giờ hòa bình rồi đó!” Câu
chuyện mỗi lúc mỗi thân thiện, mấy ông anh tôi ngồi xít lại mâm rượu,
lột dép kê cho đỡ mỏi.
Ông Bảy lột cái nón vải quăng xuống cỏ, xoa xoa mái đầu đã điểm bạc.
“Hòa bình rồi tôi cũng còn vàng nhiều lắm nghen, bán hết để lên tàu vượt
biên. Nhưng giờ chót nghĩ thương vợ con, đi không đành, xách đồ quay
lại. Tới nhà, thì vợ tôi đã cuốn gói về quê, bỏ lại lá thư chia tay, nói
rằng do tôi văn hóa thấp, không hợp nhau nữa. Thì đúng vợ tôi trước kia
con nhà ăn học, nhưng sao lấy tôi có mấy mặt con rồi mới lên tiếng chê?
Tôi buồn quá, ừ thôi bả chê mình, mình nên để bả tự do. Tôi trôi dạt xứ
khác làm ăn, tới đất Nha Mân này thì trụ lại, rồi theo bạn bè làm cái
nghề bốc mộ, cũng đủ sống qua ngày.”
Tôi hỏi: “Anh có về thăm vợ con không?” “Mấy năm trước thì có. Mỗi lần
về Mỹ Tho, tôi phải “ăn-tây-ni” đàng hoàng, bỏ áo vô quần tử tế, vì mấy
đứa con trai tôi bây giờ đều là chủ doanh nghiệp. Tụi nó hỏi, tôi đâu
dám nói thiệt đang làm nghề gì, chỉ nói là làm công cho người ta. Ở chơi
mấy ngày, thấy đứa nào cũng lu bu, nào họp hành, nào cơ quan, nên mấy
năm nay tôi không về thăm tụi nó nữa.” “Tụi nó có cho tiền anh xài
không?” “Trời, tiền xe còn hổng có. Nó chỉ bày mâm cho nhậu thôi, giống y
bạn bè. Mà mình đi thăm con đâu phải để xin tiền hả cô?” Tôi thở dài:
“Nhưng dù sao nó cũng nên cho anh chút đỉnh tiền xe chớ.” Ông Bảy lại
gãi đầu: “Thiệt tình mỗi lần đi tôi phải dành dụm tiền xe rồi chút đỉnh
quà cáp cho cháu nội, cũng... hơi mệt. Mà thôi cô ơi, tôi không có buồn
gì hết, trái lại còn hãnh diện nữa. Vì thấy con mình khỏe mạnh, thằng
nào cũng cao to, vạm vỡ, là cái phước thứ nhứt. Con mình lại có công ăn
việc làm, đóng góp cho xã hội, là cái phước thứ hai. Riêng mình, cũng tự
sống được bằng hai bàn tay chân chính, không trộm cắp, làm bậy, là cái
phước thứ ba. Lâu lâu, gặp nhà nào quá nghèo, tôi bốc mộ giùm, không lấy
tiền công, coi như một cách cám ơn Trời Phật cho tôi còn sống sót qua
chiến tranh. Vậy đủ rồi. Than thở chi hả cô?”
Ông ực một ly rượu nữa, vói tay lấy miếng xoài sống chấm muối ớt bỏ vào
miệng nhai rôm rốp. Uôl cũng cạn một ly: “Ờ, anh còn khỏe lắm, còn làm
ăn lâu dài mà. Ủa, mà nhiêu tuổi rồi vậy?” “Sáu mươi ba.” Hả? Cả Uôl lẫn
mấy anh em tôi đồng loạt kêu lên. Trông ông chỉ chừng hơn năm mươi. Ông
lại cười khì khì, và móc tiếp một chai nửa lít khác. Chỉ hai người mà
“chơi” hết lít rưỡi đế trắng.
Lát sau, ông loạng choạng đứng dậy: “Thôi, đáng lẽ ngồi đây tiễn đưa
thằng Dũng cho tới phút cuối, nhưng mệt quá, mai còn đi bốc hai mộ nữa.
Tôi về nghen. Dũng, vô chùa ở cho vui nha mậy, có anh chị em đưa đi như
vầy còn đòi gì nữa.” Ông lại trùm cái nón lên đầu, sùm sụp, che gần hết
đôi mắt to thô lố nhưng cái miệng thì lại cười rất tươi.
Tro cốt của em, tôi đã đưa vào chùa. Mấy ông anh tôi hài lòng khi thấy
ngôi chùa trang nghiêm, thoáng mát. Chỉ có điều, ai nấy vẫn thắc mắc về
cái tượng Phật, tại sao tìm mãi không ra. Tôi thì nghĩ rằng, tượng Phật
đã chìm vào đáy mộ sâu, đã tan vào đất, vào trùng trùng của cõi nhân
sinh.
Tìm làm gì, chỉ cần bốc lên một nắm đất là đã thấy Phật trong tay.