Không hẹn mà cả bốn chị em cùng lén đi coi bói, lại coi đúng một bà thầy
“có tiếng” trong quận. Bà thầy cũng không biết đó là bốn chị em ruột,
nên phán một lèo y chang nhau, bởi bốn quẻ đều có con ách bích đen thui
nằm chúi đầu xuống đầy đe dọa: “Trong nhà có người nữ lớn tuổi coi chừng
bệnh nặng, e... hèm... sợ không qua khỏi năm nay...”
Bốn chị em xanh mặt. Thì bà má ở nhà mới đi xét nghiệm, lượng đường
trong máu tăng cao, kèm theo gan nhiễm mỡ, thấp khớp, mắt lại bị cườm
nặng. Đêm nào má cũng rên vì không ngủ được, nằm trăn qua trở lại đến
sáng mới thiêm thiếp đi một chút. Thức ăn bày ra đủ món má thèm, nhưng
bị cấm tiệt. Nào chuối, xoài, nhãn, bánh... cứ phải nhai đủ thứ thuốc
dân gian ai chỉ đâu làm đó, hết cây nha đam đến khổ qua luộc, rau má,
rau lang, rồi rễ bần, trái nhàu, lá sa kê nấu nước uống... Chưa kể bao
nhiêu cái toa của bác sĩ và hàng chục lời căn dặn. Thế nhưng cái cơ thể
già nua ấy dường như không còn chịu nghe lời ai cả ngoài cái quy luật vô
thường sinh lão bệnh tử dành cho kiếp người khổ não.
Biết thì biết vậy, nhưng bốn đứa con vẫn không chịu nổi, và cuối cùng
những niềm tin nhỏ nhoi còn sót lại đành chỉ biết đem gởi gắm vào những
lá số huyền bí, hy vọng một lời phán truyền nào đó sẽ lấy lại chút sinh
khí cho ngôi nhà đang đầy mùi thuốc và tiếng thở dài. Không ngờ, lời
phán truyền của bà thầy bói lại càng làm rối tung hơn nữa. Chị Hai ngồi
một góc khóc hu hu như trẻ con, khác hẳn cái tật gắt gỏng om sòm của
chị. Vợ chồng anh Ba là con và dâu trưởng trong nhà, khẽ khàng nhìn tới
nhìn lui. Cô Tư thì không buồn nhấc điện thoại của anh người yêu gọi
tới, xù luôn cái hẹn đi ăn tối. Cô Út có chồng sớm, đã ra riêng, bảo anh
chồng ở nhà một mình, còn cô về ngủ với má mấy bữa. Má không hiểu chị
em nó có chuyện gì mà cứ xì xầm to nhỏ với nhau miết trên gác, mặt đứa
nào đứa nấy cứ bơ bơ như mất hồn. Má chép miệng: “Cơm nước dọn ra nguội
ngắt hết rồi. Ăn uống vậy làm sao có sức đi làm! Thiệt tình!”
Những tờ lịch cứ rơi dần, rơi dần. Bốn chị em thường nhìn nhau. Chị Hai
tự nhiên ăn chay cả tuần, hỏi cầu cái gì chỉ ừ à không nói. Ngạc nhiên
hơn nữa là không nghe chị cãi vả với má như hồi trước. Hai mẹ con vốn
khắc khẩu, mẹ thì bảo thủ, con thì cấp tiến, nên làm cái gì cũng không
chịu nhau, cứ lời qua tiếng lại suốt ngày. Má có tật cằn nhằn, cử nhử,
còn chị Hai đi làm mệt, thường đổ quạu. Vậy mà bây giờ, nghe má cằn
nhằn, chị Hai nhe hàm răng ra cười trong sáu con mắt kinh ngạc của lũ
em: “Ừ, còn sức thì cằn nhằn! Cho má nói thoải mái luôn đó! Ê tụi bây,
lấy cái cát-xét ra thu tiếng chừng nữa phát cho mấy bà bạn già của má
nghe chơi!” Má “xuất chiêu” mà không có người “đỡ” nên tức cười im ru
luôn.
Chị Hai còn đi kiếm mấy cuốn kinh Phật về cho má coi, lâu lâu thấy hai
mẹ con nói chuyện rất tâm đắc về nhà sư này giảng hay, nhà sư kia khuyên
làm việc thiện. Những câu chuyện đạo tự hồi nào len giữa hai mẹ con
thay cho những lời tranh biện hồi trước. Má nói: “Hóa ra cả nhà này chỉ
có chị Hai tụi bây giống má, còn tụi bây ham chơi quá chừng!” Chị Hai
nheo nheo mắt với lũ em: “Chứ tao không nói chuyện kinh kệ với má, hổng
lẽ đem chuyện bảo thủ của ‘bà già’ ra cãi nữa!”
Vợ chồng anh chị Ba dạo này hết giờ làm việc cũng về nhà sớm hơn, không
la cà ngoài công viên, siêu thị. Về nhà sớm, còn thời gian ăn cơm với
má, khen món này ngon, món kia ngon, khiến má sung sướng cả ngày. Má
thuộc lòng ý thích của thằng con trai độc nhứt, nhưng sau này anh Ba đi
làm về muộn, cứ ăn cơm tiệm hoài, nên má hết còn hứng thú nấu nướng cho
anh. Bây giờ nhìn anh húp canh soàn soạt, má bảo chị bếp: “Mai mua giò
heo hầm măng cho nó ăn nghen!” Chị Ba cười, giả bộ tị nạnh: “Mới hôm nay
đã lo đến ngày mai! Má cưng ảnh quá, ảnh quen tật, con chiều không nổi
đâu nghen!”
Thằng Nghé, đứa cháu nội bụ bẫm, chạy lạch bạch tới chỗ nội khoe bài hát
mới học được trong lớp. Nghé vừa hát vừa minh họa làm má cưng hết chỗ
nói. Má nắm tay nó hôn một cái, nó vùng vằng vì đang muốn hát. Chị Ba
lườm con: “Hỗn nè! Cho nội hôn, nội thương con nhứt nhà đó!” Hai mẹ con
không còn rúc vào phòng riêng nữa, mà thường bày trò chơi chỗ nội, cho
nội ngắm cháu thỏa thích. Má tẩn mẩn tìm lại tấm ảnh cũ trong album, tấm
ảnh của anh Ba đầu trọc lóc, cởi truồng, toét miệng cười trong chiếc
ghế mây: “Coi Nghé giống thằng cha nó không! Y như khuôn đúc. Thiệt lẹ,
mới đây mà mấy chục năm...” Mắt má long lanh hạnh phúc.
Má khổ nhất là vợ chồng cô Út, dăm bữa giận, chục bữa hờn, khóc lóc, bỏ
ăn. Mỗi lần điện thoại nhà này réo lên vào lúc nửa đêm là biết ngay từ
nhà cô Út gọi sang, méc chuyện giận nhau, có cả tiếng khóc và tiếng chó
sủa inh ỏi. Vợ chồng trẻ con, nuôi chú chó con, ôi thôi như cái chợ.
Chẳng biết bao giờ tụi nó trưởng thành, tao chết rồi chắc nó bỏ nhau
quá! Tao còn sống đây mà nó còn ì xèo như vậy! Má than thở, buồn rầu,
vừa thương con, thương rể, không biết xử làm sao.
Nhưng nửa năm nay, hình như không có cú điện thoại nào vào lúc nửa đêm.
Vợ chồng cô Út lại siêng năng ghé thăm má, mua tùm lum món ăn, rồi hai
vợ chồng ngồi ăn một hơi sạch bách. Má có ăn được gì đâu, bác sĩ cấm kia
mà. Nhưng má vui lắm, lui cui vô mở tủ lấy thêm bánh trái cho “hai đứa
con nít”. Má cười: “Tụi nó đừng cãi nhau thì ăn bao nhiêu má cũng chịu!”
Vợ chồng cô Út cười hì hì.
Và chuyện vui nhất trong năm là đám cưới cô Tư, đám cưới nhanh ngoài dự
kiến của bà con. Cô Tư đã hơn ba mươi tuổi rồi nhưng cứ dùng dằng chuyện
hôn nhân, dù anh người yêu đã ngỏ lời suốt bốn năm. Cô nói cô còn muốn ở
bên má một thời gian nữa. Thật ra, má hợp với cô Tư nhất, vì cô dịu
dàng, chăm sóc má, biết chia sẻ những câu chuyện lẩm cẩm của người già
một cách kiên nhẫn, biết im lặng khi má cằn nhằn, biết giảng hòa mỗi khi
má và anh chị hờn nhau. Cô là linh hồn của nhà này, mỗi khi cô đi công
tác xa, má cứ thấy buồn buồn và cô đơn thế nào. Chính vì vậy mà cô Tư cứ
nấn ná không chịu có chồng. Nhưng cũng chính vì vậy mà má lo âu, day
dứt. “Vắng con thì má nhớ, nhưng má yên tâm nhắm mắt. Chừng nào con chưa
lập gia đình, má còn ăn ngủ không yên.” Cái nghịch lý trong tình cảm
của má là vừa muốn có con bên cạnh, vừa muốn con yên bề gia thất.
Nhưng cuối cùng đám cưới lại được sắp xếp rất nhanh chóng khiến anh
người yêu của cô Tư mừng quýnh lên. Và cuối năm, con rể phóng xe như bay
về nhà mẹ vợ: “Má, má! Vợ con có bầu. Má cố vấn cho con mua cái gì cho
cổ ăn, bổ bổ nghen má!” Má lật đật khăn gói qua nhà cô Tư, quên là đêm
qua mới rên vì cái chân thấp khớp.
Những tờ lịch cuối cùng trong năm rơi xuống, trơ lại cái khung lịch màu
đỏ in một cành mai rực rỡ hy vọng. Bốn chị em nhìn nhau, lè lưỡi: “Thầy
bói coi trật lất! Hú hồn. Đừng đi coi nữa nghen!”