Những ngày hoằng pháp biết bao nhiêu kỷ niệm, nhưng rảnh đâu mà ghi
lại. Ghi được một hai năm đầu, rồi sau đó bận quá, bỏ luôn quyển sổ. Bây
giờ chỉ lướt qua những tấm ảnh mà "chú thích" lại, một chút bồi hồi
những ngày "lãng du" cùng chiếc ba lô, chẳng khác nào "nhất bát thiên
gia phạn, cô thân vạn lý du..."
Chùa Đông An...
Chùa nhỏ xíu, nằm ngay biên giới huyện Tân Hồng (Đồng Tháp). Bước ra
một chút là thấy đồn biên phòng Bình Phú, và nhìn chéo qua sông Sở
Thượng là đất nước Campuchia. Mười mấy năm trước, tôi đã lặn lội suốt
nơi này để viết những bài phóng sự cho báo Văn Nghệ Đồng Tháp. Chân tôi
ngập trong cát nóng, nhìn xung quanh chỉ có cây me keo là sống nổi, cát
bụi bám trắng xóa lá cành. Mùa mưa thì lội bì bõm trong một thứ đất nhão
nhoét pha với phân bò rã ra, ớn cả người. Không có xe cộ gì chạy được,
tôi thường xuyên lội bộ 4, 5 cây số từ bến tắc ráng đến đồn biên phòng,
hoặc đi vào nhà dân. Vậy mà mê đất, mê người nên cứ lặn lội đi. Và
thương đồng bào mình ở chốn heo hút xa xôi. Đâu ngờ có ngày trở về nâng
niu từng trái tim nhỏ bé...
Chỉ có điều... Choáng ngợp bất ngờ khi đi trên những con đường thênh
thang như đại lộ, cắt ngang Đồng Tháp Mười như cắt ngang một cái bánh
khổng lồ ngút ngàn lúa mượt. Bây giờ từ Tam Nông đi Tân Hồng, Tháp Mười
đâu cần vòng ra đường liên tỉnh, mà cứ băng đồng theo tuyến đường mới êm
ru. Thị trấn Sa Rài hồi nào như hòn đảo lọt giữa bốn bề nước lũ, nay to
đùng nhà ngói nhà lầu, ăng-ten, in-tẹc-nét. Quả là sức nước sức dân
đáng nể. Lặng lẽ làm nên một Đồng Tháp Mười đẹp như thế này đây. Nhờ vậy
mà có thêm niềm tin để chống chọi với những tin tức tham nhũng, hối lộ
hàng ngày chường lên mặt báo. Thôi thì, bàn tay có ngón vắn ngón dài,
hãy biết hỷ xả và hy vọng.
Sư bà trụ trì hơn 80 tuổi, người gầy, nhẹ tênh như một áng mây. Tánh
tình cũng nhẹ tênh, thanh thản. Cai quản một lũ con nít từ mẫu giáo tới
lớp 10, 11, chỉ lo nấu cơm cho tụi nó ăn đã lau chau phát mệt. Lại còn
đùa giỡn, nhảy nhót, ca hát. Đêm thứ bảy cả lũ xúm nhau ngủ lại chùa y
như ký túc xá, coi tivi xong bèn nổi lửa nấu mì gói húp xì xụp thấy mà
thương! Nhưng đừng tưởng... tới giờ tụng kinh là răm rắp Nam-mô, tới giờ
đi kinh hành là chân trước nối chân sau im phăng phắc. Sư bà còn đem
những bài kệ ra dạy, đứa nào cũng đọc thuộc lòng như cháo. Học ra học,
chơi ra chơi, vừa nghiêm túc, vừa thoải mái. Thầy trò khổ hạnh nơi xứ
nghèo mà vui, mà gắn bó. Tuần nào ba má không chở vô chùa là có đứa khóc
mếu máo. Tụi nhỏ "ghiền" chùa là... tại sư bà. Sư bà dễ thương quá mà!
Hổng ghiền sao được! Không ngờ "vùng biên địa" lại có bậc chân tu, và
chúng sanh đâu có tệ!
Chùa nghèo, tôi phải "cải tạo" gian nhà kho cạnh chánh điện làm lớp học.
Chẳng có bàn ghế, vội đi mua mấy chục bộ bàn ghế nhựa, thứ người ta
dùng để mở quán cóc vỉa hè. Mua thêm mấy cây quạt gắn lên tường. Thế là
học trò tôi có một lớp học "hoành tráng". Khổ nhất là bộ ampli cứ rè rè
như người nghẹt mũi, học trò dỏng tai lên nghe cô giáo giảng tiếng được
tiếng mất. Nhưng học giỏi dữ lắm. Bài nào cũng thuộc. Thuộc từ giáo
trình Búp Sen Hồng cho tới cuốn Đố vui Phật pháp. Thứ gì vô tay tụi nhỏ
cũng học hết trơn. Học như nỗi khát khao, say đắm. Vậy nên cô giáo quên
hết 260 cây số ngồi xe rêm xương sống, và 260 cây số lượt về. Vài năm
nữa chắc cô hết còn xuống đây với các con. Mỗi năm mỗi yếu dần đi. Các
con lớn lẹ lên, biết đâu lên Sài Gòn học, cô trò mình lại gặp nhau.
Học xong, tụi nhỏ ở lại chùa ngủ luôn. Cô giáo lại đãi một chầu kem, mì
gói, cà phê sữa. Mấy anh thanh niên trong xóm lân la tới chơi, cũng liên
hoan tưng bừng và rộn ràng chuyện đạo. Có hôm, cô trò lấy máy chụp ảnh
ra chụp và quay phim lẫn nhau, cười như nắc nẻ. Tội nghiệp, chỉ cần
trông thấy mặt mình trên màn ảnh là các con cười sung sướng, niềm vui
sao mà giản dị, đáng yêu. Tôi có dẫn theo thằng con trai duy nhất của
mình, quay sang hỏi nó: "Con thương các em hôn?" Nó mỉm cười gật đầu.
Vốn là con một, bây giờ tự dưng nó có "một bầy em", ngỡ ngàng thú vị lắm
chứ!
Một hôm, tôi ngẫu hứng lý qua cầu, rủ học trò đi ra chợ xã ăn chè. Trời
đất, đi 5 cây số lận đó cô! Hừm, cô đâu có ngán. Cô là phóng viên, đi bộ
giỏi lắm nghen! Rồi, thì đi. Nhưng mà sư cô Thành ơi, sư cô với Út Xuân
chạy hai chiếc honda kè theo nhé, vì con biết chắc sẽ có đứa mỏi giò,
phải leo lên xe thôi. Nào, bắt đầu hành quân, một, hai...
Thầy trò rồng rắn kéo nhau ra lộ. Eo ơi, hai chục mạng chứ ít sao! Dọc
đường còn "rước" thêm mấy em nữa nhập bọn. Vừa đi, vừa nhảy chân sáo,
vừa reo hò, vừa... thở. Tới cảnh nào đẹp đẹp thì dừng lại "chộp hình".
Cô ơi cô, chưa bao giờ tụi con vui như vầy! Cô ơi cô, tụi con kêu cô là
mẹ nha! Ê, con nhỏ này, tránh ra cho tao nắm tay mẹ. Hông, tao nắm hà,
mầy nắm nãy giờ rồi. Ứ ứ, mẹ ơi, hai đứa nó giành hoài, cho con nắm một
chút đi! Thôi thôi, tụi con tranh nhau một hồi té xuống sình bây giờ.
Rồi rồi, mỗi đứa nắm một tí. Hi hi, anh Ni bữa nay mất phần giành mẹ.
Mai mốt anh Ni về thành phố tha hồ có mẹ nha.
Tới quán chè. Chủ quán trố mắt. Hả, hai mươi lăm ly. Làm lẹ lên. Trà đá
đâu, uống trước đi, khát quá trời rồi. Ai da, muỗi, muỗi. Chạng vạng
rồi, muỗi túa ra tấn công. Chủ quán đem ra cả chục cây quạt giấy. Mẹ, để
con quạt cho mẹ. Thôi, mẹ tự quạt được mà. Chè xong rồi kìa, hai, ba,
dzô! Ngon dễ sợ!
Tính tiền có hơn một trăm ngàn đồng mà lũ con xuýt xoa: "Tội nghiệp mẹ
quá! Mẹ tốn tiền vì tụi con!" Tôi muốn rơi nước mắt. Bao nhiêu kẻ tiêu
xài bạc tỷ của dân chưa hề biết xót như thế này.
Lại rồng rắn kéo nhau về. Trời tối mịt, mẹ con nắm chặt tay nhau dò dẫm
qua từng vũng nước. Vậy mà vẫn có đứa sụp hố. Bùm! Sình văng lên. Áo mẹ,
áo con đều tèm lem tuốt luốt. Hi hi, ha ha, he he... Vui quá mẹ ơi!
Năm cây số trở về, bắp chân mỏi nhừ, cứng ngắc. Một số "chiến binh" thua
trận phải leo lên honda của sư cô và Út Xuân. Len lỏi qua bóng râm của
hai hàng me keo bên đường, ánh trăng lưỡi liềm mỏng te như ráng nhăn
răng cười cái đám cô trò "gàn" thấy sợ! Đi gần 10 cây số ăn có ly chè mà
vui nỗi gì hổng biết! Nhân gian thiệt lạ thiệt lùng!
Về tới chùa, ly chè "biến" đâu mất tiêu, bụng lại sôi lên vì đói. Cô
giáo lại đãi học trò chầu kem, sữa, mì gói, chứ ở thôn quê lấy đâu ra
quà bánh. Hoan hô mì gói, đi đâu cũng có mi cứu bồ!
Sư bà cũng thức tới khuya chờ lũ học trò. Rồi giăng mùng cho tụi nhỏ
ngủ. Rì rầm, rì rầm, tiếng lá tre xào xạc bên hiên chùa, tiếng con dế
gáy thanh tao giữa đêm trường tĩnh mịch. Chập chờn một chốc đã nghe
chuông mõ công phu ấm áp dịu dàng. Lũ trẻ không ai bảo mà tự động thức
dậy, tụng kinh vang rền. Một ngày mới bắt đầu.
Nhưng cô giáo phải quay về thành phố. Tạm biệt các con. Tạm biệt. Đừng
khóc. Rồi cô sẽ trở về thăm. Hãy giữ mãi tuổi thơ trong sáng nơi mái
chùa quê. Một ngày nào đó các con lớn lên, sẽ hiểu những phút giây này
là thiên đường giữa chốn trần gian...
MẸ CON
Nhân ngày 30 tháng 4 được nghỉ lễ, tôi tranh thủ về quê thăm các lớp
Phật học thiếu nhi của mình tổ chức, mấy tháng nay vì quá bận nên giao
hẳn cho quý thầy cô phụ trách. Đi một vòng thăm bốn chùa, di chuyển từ
Sài Gòn xuống Định Yên, rồi vòng về cù lao An Hiệp, sau đó trở lên Sa
Đéc, rất mệt, nhưng vui.
Các em rất mừng khi nhận những món quà thưởng tôi mang về, và những trò
chơi, câu đố sinh động. Nhưng nhiều học trò cũ thì mừng bởi đơn giản là
gặp lại cô giáo sau thời gian xa cách. Những đứa bé của Trúc Lâm năm nào
bây giờ đã là thiếu nữ với chiếc áo dài trắng thuỳ mị, xinh đẹp. Các em
nghe tin tôi về vội chạy bay tới chùa, có đứa vẫn gọi tôi là mẹ như hồi
xưa. Tối đó mấy mẹ con ngồi quây quần bên nhau nói chuyện không dứt.
Nhớ năm ấy, tôi về Trúc Lâm phải qua con sông khá lớn, lại còn đi tiếp
một đoạn rạch ngoằn ngoèo mới tới ngôi chùa nhỏ xíu, cột kèo xiêu vẹo.
Tôi tận dụng căn nhà kho để dạy học. Lứa học trò đầu tiên ngơ ngác lắm,
chỉ trong khoảng từ 6 tới 10 tuổi. Nhưng chỉ một hai lần là chúng đã
quấn quít lấy tôi và kêu bằng "mẹ" ngon lành. Buổi tối, đứa nào cũng đòi
ngủ với tôi, sư cô Duyên phải sắp xếp cho chúng một chiếc giường riêng,
như vậy khỏi phân bì. Riêng con Bé Hai thường được tôi cho ngủ chung,
vì mẹ nó có chồng khác, có vẻ như nó rất thiếu tình cảm, hay tủi thân,
hờn giận. Nó ôm tôi cả đêm, còn ban ngày thì cạo gió cho tôi, chăm sóc
từng đôi dép, đôi giày. Tôi cũng ôm nó vào lòng, coi như con của mình.
Có hôm, tôi bắt đứa nào cũng phải về nhà ngủ, thì sáng hôm sau mới 5
giờ, trời còn tù mù chúng đã gõ cửa chùa và ào hết vô mùng ôm lấy mẹ
Kim. Thằng Núm Rơm, con Dung, con Thùy... Sương lạnh, mưa lắc rắc, gió
từ sông thổi vào buốt da, tóc đứa nào cũng ướt, tay chân lạnh cóng.
Chúng giành nằm cạnh mẹ, cãi nhau chí choé, đè nhau bẹp dí. Tôi lấy chăn
trùm hết cả bọn, và "phân công" mỗi đứa được mẹ ôm một tí thì phải đổi
chỗ cho đứa khác. Thằng Núm Rơm mẹ chết từ hồi nó còn nhỏ xíu, ba nó lấy
vợ khác, ở xa, nó sống với ông ngoại và dì, nổi tiếng lì lợm nhất xóm,
vậy mà tôi về mấy tháng đã nghe hàng xóm khen nó ngoan dần. Tôi thường
âu yếm gọi nó: "Con trai của mẹ!" y như gọi thằng Rani của tôi. Con Thùy
cũng sống với ông bà ngoại, tánh tình hồn nhiên, mặt mày xinh đẹp. Con
Dung có mẹ mà vẫn thương tôi, lẽo đẽo theo suốt. Nó đông em, tay ẳm đứa
này, tay dắt đứa kia, không khác hình ảnh của tôi thời thơ ấu. Tôi cho
nó cái bánh nào nó cũng để dành đem về cho em. Cả bọn chui vào lòng tôi
và xuýt xoa: "Mẹ thơm quá!" Tôi tức cười, thơm nỗi gì, mới cạo gió hồi
đêm, sực mùi dầu thì có! Nó thương nên thấy cái gì cũng thương. Tôi cũng
đã thương mùi mồ hôi, mùi cỏ, mùi khét nắng của chúng. Chợt nghĩ, phải
tìm cho đám con vài bộ quần áo mới, đứa nào cũng ăn mặc lấm lem quá…
Hồi tối, dẫn cả chục đứa đi ăn hủ tiếu trong cái quán nhỏ tí ở xóm. Đứa
nào cũng tranh nhau dắt tay mẹ, tranh cầm đèn pin soi cho mẹ. Mỗi tô hủ
tiếu có 2.000 đồng, mẹ con húp xì xụp. Xong, mẹ con chạy về chùa trốn
mưa. Sáng chúa nhật, lớp học bắt đầu. Nhưng 6 giờ mẹ con cũng tranh thủ
đi chợ được một chuyến. Rồng rắn kéo nhau đi trên đường làng, con lại
giành nắm tay mẹ, đến mức phải "chia ca" mỗi đứa nắm một hồi. Chợ xã An
Hiệp cách chùa 1 km, đường đất đầy sương và thơm thơm mùi cỏ. Lũ con nói
ríu rít không ngừng, mẹ Kim nghe không kịp thở. Con sợ mẹ là dân thành
phố đi bộ không quen nên giành xách hết mấy cái giỏ. Người ở chợ một
phen kinh ngạc không biết "đoàn đại biểu" này mua gì mà đông dữ vậy.
Nhưng lâu ngày rồi quen, cả xóm khi vừa thấy chúng tôi đã mỉm cười chào:
"Mấy mẹ con vui ghê nghen!", "Tụi bây có mẹ về sướng quá hén!" Tôi mua
mấy bó hoa cúng Phật, mua tàu hủ, bún, rau, giá, dưa leo, nước tương,
đường, đậu… đem về chùa, lại còn mua bánh bò, bánh bông lan cho các con.
Trẻ con lúc nào chả thèm bánh. Có lần còn mua tặng mỗi đứa một bình
nhựa đựng nước đi học, chúng reo lên sung sướng. Rồi mẹ con tôi ăn bún
riêu, ngồi chật cả quán, vui hết biết!
Chuyến về, lại ríu rít như chim. Bầy chim trên cây thấy "bầy chim" này
"hót" dữ quá, hết hồn im tiếng! Các con lại tranh nhau chỉ nhà của bạn
này, nhà của bạn kia, kể vanh vách hoàn cảnh mỗi bạn. Ngược lại, trẻ con
thành phố học chung lớp, ngồi cạnh nhau nhưng chưa chắc biết nhà nhau
và biết gia cảnh, tâm tư bạn mình. Tụi nhỏ còn chỉ cho tôi xem ngôi
trường tiểu học của chúng. Ngôi trường nghèo, chỉ có vài lớp xập xệ, vôi
vữa ngả màu cũ kỹ. Tôi chợt ứa nước mắt nhớ ngôi trường xưa của mình,
cũng y như thế. Nhưng chính nơi đó tôi đã lớn khôn. Biết đâu sau này lũ
con của tôi cũng lớn khôn, và chúng sẽ quay về dìu dắt thế hệ tiếp theo.
Chúng tôi đi, đường làng quanh co uốn lượn, cỏ rất xanh, lúa nõn nà, ngoài bến sông sóng vẫn vỗ vào bờ bãi cù lao…
Bây giờ thì tôi không cần cho các em món quà gì nữa, các em chỉ cần ở
bên tôi ôn lại quãng thời gian ấu thơ là đã vui rồi, đứa nào cũng long
lanh đôi mắt. Tôi nghĩ rằng mình không chỉ cho đi những kiến thức Phật
học, mà còn cho các em một tuổi thơ tuyệt đẹp với tiếng cười, niềm vui,
mộng mơ, thân ái. Mẹ con chúng tôi đã có những ngày hạnh phúc bên mái
chùa nghèo, để các em lấy đó làm hành trang vào đời. Tuổi thơ là nền
tảng quan trọng của nhân cách, và tôi tin các em sẽ trở thành những
người tốt từ nền tảng đó. Bây giờ thì mẹ con chúng tôi ngồi chia sẻ với
nhau những nỗi niềm, những tâm sự, "người lớn" hơn một chút, sâu sắc hơn
một chút. Tôi trở thành nhà tư vấn cho các em về nghề nghiệp, về xã
hội, về gia đình... Mọi thứ đều rất "đời" nhưng vẫn nằm trong lòng Phật
pháp.
Các em quyến luyến không muốn về nhà, nhưng tôi nhìn đồng hồ đã 9g30,
trời tối đen, buộc các em phải về, sợ nguy hiểm. Ở nông thôn không có
đèn đường, nhà nhà 8 giờ đã đóng cửa, chúng tôi ngồi tới giờ này đã là
phá lệ.
Đêm đầy sao, mỗi ngôi sao lấp lánh là một đứa con của tôi lớn lên rạng ngời, nhân hậu.
HỌC NHO
Tuần trước, giảng bài Phật giáo thời nhà Lý, có thiền phái Thảo Đường,
một trong các đặc điểm là "dung hợp Phật-Nho". Học trò hỏi: "Cô ơi, Nho
giáo là thế nào?" Nói sao để các em hiểu? Vậy là quyết định phải có một
buổi hướng dẫn các em lướt sơ qua Nho giáo. Dù sao, ở một đất nước chịu
ảnh hưởng của "Tam giáo đồng nguyên" mà các em không hiểu chút gì về Nho
- Lão - Phật thì cũng đáng tiếc.
Ôm một đống sách ra nghiên cứu lại. Suốt một tuần, Tứ thư, Ngũ kinh gối
đầu giường. Và bất ngờ thay, đọc lại lời thánh hiền thấy hay hơn xưa,
bởi đời đã trải nghiệm thêm nhiều, có những cái thấm hơn, hiểu hơn, đem
đối chiếu với sách lại càng tâm đắc. Khổ nỗi, rút gọn làm sao để hơn
ngàn trang chỉ còn vài tờ đủ trình bày trong một buổi chiều? Giống như
sắc thuốc Bắc, ba chén còn tám phân, cực quá! Chọn lọc mãi, đánh máy
được 5 trang A4, tuy ít nhưng hầu như đã đầy đủ phần tinh túy nhất của
Nho giáo.
Vào lớp, hỏi thử các em xem biết về Nho giáo ra sao. Có đứa lắc đầu. Có
đứa biết lõm bõm vài câu Tam cương, Ngũ thường, Nam nữ thọ thọ bất thân,
Nhứt nam viết hữu, thập nữ viết vô... Y như nhiều người ngoài đời, biết
Nho giáo bằng cách trích ngang vài câu, rồi suy luận Nho giáo lạc hậu,
vô ích, thậm chí có hại. Giống như khi ta tình cờ gặp lúc một người đang
nổi quạu, rồi khái quát luôn rằng người đó xấu xa thì oan quá. Phải
biết người ta đầy đủ hơn, nhiều khía cạnh hơn, mới đánh giá được. Nho
giáo cũng thế, phải nghiên cứu sâu xa thì mới không sai lệch. Nếu không,
chắc nó chẳng tồn tại qua 25 thế kỷ. Hiện nay, Trung Quốc đang phục hồi
những khía cạnh tích cực của Nho giáo để chống lại tình trạng đạo đức
xã hội suy đồi, quan lại cán bộ tha hóa. Xã hội Việt Nam chắc cũng phải
chọn lựa những cái tốt của Nho và Phật để gầy dựng lại sự tan vỡ trong
những thế hệ sau này.
Bài dài hơn mọi hôm, nhưng học trò ngồi nghe tới gần 6 giờ chiều vẫn
không chịu nghỉ. Tôi giảng chuyện xưa nhưng dẫn chứng chuyện nay, nên
các em thấy gần gũi, dễ hiểu. Thí dụ, Khổng Tử nói "lễ mà không kính thì
không còn là lễ", tôi liên hệ tới vụ bánh dầy của Đầm Sen đem ra Bắc
giỗ tổ Hùng Vương mà độn mút xốp bên trong. Hình thức của lễ thì hoành
tráng lắm, nhưng toan tính lập kỷ lục để quảng cáo nhiều hơn tấm lòng
thành kính, cho nên rốt cuộc vẫn không phải là lễ. Rồi "tu thân, tề gia,
trị quốc, bình thiên hạ", thử nhìn những ông cán bộ "được" lên báo, nào
đánh bạc, tham nhũng, thì vợ con ở nhà làm sao dạy được, tất phải đi
đua xe, thuốc lắc, vũ trường. Tề gia không được, làm sao trị quốc, lãnh
đạo ban ngành, khỏi nói tới bình thiên hạ, là lãnh đạo cả thế giới. Học
tới chữ "chính trị" của Khổng Tử, có đoạn nói "chính trị hay dở là tùy
người hành chính chứ không phải chính thể", tôi nhắc lại chế độ phong
kiến cũng có những giai đoạn rực rỡ nhờ ông vua rất tốt. Có những nhà
chính trị ước mơ xã hội công bằng, nhân dân hạnh phúc, nhưng tại sao lại
không thể thực hiện trọn vẹn? Thật ra, bản năng con người là làm biếng
và thích hưởng thụ, cho nên vẫn có những kẻ ham vơ vét của người khác
hơn là cống hiến. Thế là người này sẽ tức giận khi thấy mình phải cày
bừa cho người kia hưởng. Vậy là có đấu tranh. Từ cái tham sân si mà xã
hội lòng vòng mãi trong sự bất công. Chỉ khác nhau là tùy theo nhà lãnh
đạo tốt hay xấu thì bất công nhiều hay ít mà thôi, chứ không bao giờ có
công bằng tuyệt đối. Kiến trúc sư vẽ ngôi nhà quá lý tưởng, nhưng thầy
thợ thi công không nổi, vì mỗi người còn nặng tham sân si. Ngay cả Khổng
Tử cũng thiết kế nên xã hội lý tưởng mà ở đó người ta coi trọng lễ,
nhạc, hiếu, trung, đạo đức... nhưng có được đâu. Xã hội nào thực hiện
chừng 50% lời Ngài dạy đã là quá thịnh trị rồi. Và Phật Thích Ca cũng
thế, từng lặn lội bao nhiêu đồi núi sông hồ, trải bao mưa nắng gian
truân, thuyết giảng 49 năm trời nhưng chúng sanh có đứa cũng chẳng chịu
nghe. Cuộc cách mạng giai cấp mà Đức Phật khởi xướng đến bây giờ vẫn
chưa xong, ở Ấn Độ người ta vẫn còn kỳ thị tầng lớp bên dưới đó thôi.
Thấy thương cho những bậc thánh nhân, hiền triết, đau đáu tấm lòng vì
cuộc đời, vì nhân sinh!
Quyển Đại học (trong bộ Tứ thư) chỉ có 205 chữ mà thực hiện được cũng đủ
thành hiền tài. Người Trung Hoa xưa 15 tuổi đã phải học quyển này để
làm "người lớn", nên sách Đại học nghĩa là "sách dạy cho người lớn". Vừa
dậy thì, là lúc hình thành nhân cách mạnh mẽ nhất, đã được uốn nắn đạo
đức và nuôi chí lớn "trị quốc, bình thiên hạ", nghĩa là nuôi lý tưởng
sửa mình rồi giúp đời. So lại nền giáo dục chúng ta bây giờ, hầu như
không có môn học nào, giờ học nào hun đúc ý chí, lý tưởng cho lớp trẻ.
Ta cứ coi chúng như con nít, đến nỗi văn mà cũng làm bài mẫu giùm cho,
thảo nào chúng ngơ ngác như còn bám váy mẹ. Nhưng càng ngơ ngác trước
cuộc đời bao la, lý tưởng, thì chúng lại sử dụng trí thông minh và năng
lực dồi dào của tuổi trẻ vào những chuyện vặt như thời trang, giải trí,
yêu đương, phim sex, chat chit tầm phào. Cái khôn lỏi này đâu phải cái
trí của người nuôi lý tưởng lớn hơn? Nhìn lớp trẻ mà ngao ngán, đó là hệ
quả của một nền giáo dục như thế. Chưa hết, Khổng Tử còn đề cập đến một
cách học "Vật có bốn góc, đã chỉ cho một góc mà không biết cách suy ra
ba góc kia thì ta không dạy nữa", quả thật rất hiện đại như kiểu giáo
dục của các nước tiên tiến. Ở đó, người thầy chỉ gợi ý thôi, và học sinh
phải tự tìm tòi, suy luận. Còn mình, bắt học thêm để giải toán giùm,
làm văn giùm, thậm chí học dở quá thì... cho điểm giùm luôn, để em lên
lớp, cô giáo không mất thi đua. Báo đăng nhiều em tới lớp 6 mà đọc chữ
không chạy. Sinh viên đại học thì copy luận văn của nhau, của thầy. Mình
lạc hậu hơn Khổng Tử nhiều lắm, vậy mà cứ nói Khổng Tử lạc hậu!
Học trò tôi tròn xoe mắt khám phá Nho giáo. Dù buổi học chỉ như cưỡi
ngựa xem hoa, nhưng ít ra các em đã nắm được kiến thức một cách hệ
thống, rồi từ đó tự phăng ra tham khảo thêm. Vấn đề quan trọng là học
xong có áp dụng được gì không? Chắc không đến nỗi vô ích. Nhìn những
gương mặt sáng ngời kia, tôi tin rằng lời Phật, lời Khổng đã thấm vào
lòng chúng. Chúng ta rất cần đọc lại lời người xưa để chọn lọc lấy những
gì còn phù hợp, giúp cho cuộc sống tốt đẹp hơn. Một thời, chúng ta giẫm
đạp lên quá khứ nên mới có những hiện trạng đau lòng như thế này đây!
THIỆN ÁC
Những năm gần đây cuộc sống cứ phập phồng xôn xao thế nào ấy. Hằng ngày
mở tờ báo thấy phần nhiều là tin tham nhũng, chiếm đất của dân, mãi lộ
giao thông, lâm tặc hoành hành, kẻ cướp chém người, buôn người qua biên
giới, dụ dỗ bán thận, rồi lạm phát, giá gạo tăng đột biến, giá xăng
tăng, cá tra ế ẩm, nông dân vỡ nợ, học sinh bỏ học, sách giáo khoa tăng
giá, học sinh chửi thầy, đến lượt cô giáo ngược đãi học sinh, bạo lực
trong gia đình tới nhà trường, phim sex phát tán trên mạng, công nhân bị
dụ tình, trẻ vị thành niên bị hãm hiếp... Rồi kẹt xe, ngập lụt, sập
cầu... Chao ôi, sao mà buồn! Có đứa bạn buột miệng: "Cái thiện còn ít
quá!" Không biết nó có bi quan?
Chợt nhớ ông thiện và ông ác thờ trong chùa. Một ông chuyên xây dựng
điều thiện, nên nét mặt hiền lành, đẹp đẽ. Một ông chuyên diệt trừ cái
ác, nên nét mặt dữ tợn, binh khí giắt đầy người. Hình như nhiệm vụ của
ông ác nặng nề hơn, nguy hiểm hơn, vì ông có thể mất mạng, hoặc thiệt
hại do phản ứng của kẻ xấu. Trong cuộc chiến, dù thắng đi chăng nữa, ít
nhiều cũng phải bị thiệt hại, thương vong. Và người có dũng khí "đóng
vai ông ác" không nhiều. Cho nên, tôi khâm phục họ, kính trọng họ. Cũng
thấy xấu hổ khi biết bản thân mình không dám làm "ông ác" trừ gian diệt
bạo. Thôi thì, cố gắng đóng vai ông thiện đi xây dựng cái tốt cho ông ác
đỡ phần nặng nhọc, hy sinh.
Mỗi người chỉ có hai bàn tay nhỏ bé, nhưng nếu ráng sức trồng một cây
xanh thì triệu cây sẽ lớn thành rừng. Tôi đi dạy học, ráng trồng một cái
cây trong tâm hồn đứa bé, hy vọng 15 năm sau nó lớn lên thành cột kèo
cho ngôi nhà chung. Phải ráng nuôi dưỡng những mầm sống mới. Không có hy
vọng, người ta không sống nổi đâu. Than thở cũng chẳng ích gì, phải bắt
tay làm cái gì đó, dù nhỏ xíu. Rốt cuộc, công việc dạy học vẫn là thích
hợp nhất. Thảo nào ngày xưa khi các vị quan chán bỏ thế cuộc thường về
nhà dạy học. Dạy học là nuôi dưỡng cái mầm hy vọng cho mai sau. Rồi hết
mưa trời lại nắng.
Nói vậy chứ ... Ông thiện đứng trong chùa mặt rất đẹp, nhưng không cười!
NỖI BUỒN MÙA PHẬT ĐẢN
Phật Đản năm nay rất tưng bừng, vì Việt Nam được Liên Hiệp Quốc đồng ý
cho phép tổ chức lễ Vesak thế giới. Cả nước từ trung ương đến địa phương
đều trang hoàng và làm lễ tốt hơn mọi năm. Ai lại không thấy vinh hạnh!
Nhưng, trong niềm vui đó, vẫn gợn lên một chút ưu tư...
Tôi về quê, ghé thăm một vị thầy trẻ từng thân thiết với mình hồi còn đi
học Phật học tại Sài Gòn, nay thầy về nhận chùa gần ba năm. Trông thấy
ngôi Tam Bảo mà choáng váng. Hồi nào thầy than không có tiền trùng tu,
bây giờ có người giúp đỡ dĩ nhiên tôi rất mừng. Nhưng nhìn cơ ngơi đồ sộ
đến mức hình như không hòa hợp với bối cảnh chung quanh, và với cả nội
dung bên trong. Những tượng Phật bằng đá đắt tiền trông hơi xa xỉ so với
bối cảnh quanh đây là biết bao dân nghèo và ít học. Một cây đèn dược sư
bằng gỗ quý mấy chục triệu đồng. Rồi những dãy nhà thênh thang nhưng
không có hoạt động gì thì lấy ai về ở? Mấy năm trước, tôi bảo thầy xây
dựng vừa phải thôi, còn dành thời gian và tiền bạc mà lo giáo hóa người
dân, bởi hiện nay địa phương mong tăng ni trẻ về quê là để nâng cao
trình độ dân chúng, giúp họ tu học trở thành người hiểu biết, hiền
thiện. Điều đó mới là quan trọng nhất. Xây chùa cũng cần, nhưng xây pháp
phải đi đôi. Giáo pháp còn thì đạo Phật mới thật sự còn, nếu không đạo
Phật chỉ có cái vỏ thờ cúng, nghi lễ rình rang như một thứ tín ngưỡng.
Tôi đến nhiều địa phương, thấy hình như đang có xu hướng xây cất chùa to
Phật lớn, coi đó là "sự nghiệp" cả đời, hơn là quan tâm đến sự nghiệp
phát triển trí tuệ, đạo đức cho Phật tử. Nhiều vùng sâu vùng xa mà cũng
mọc lên những ngôi chùa hoành tráng, rồi bỏ mặc cho bụi thời gian vây
phủ.
Có chùa, lớp gạch bông đang tốt mà thầy tự nhiên đòi lột ra lót lại, tốn
chục triệu như chơi, nhưng lại không dám bỏ vài trăm ngàn ra mời giảng
sư về thuyết pháp, nói gì mở cả lớp giáo lý hoặc đạo tràng tu học thường
xuyên. Nhiều vị xây chùa để cạnh tranh uy tín, bảo rằng phải làm to
nhất tỉnh mới nghe, cái động cơ xem ra đã không còn trong sáng.
Chúng ta cần nói thật với nhau như thế, đừng sợ mích lòng. Thiết nghĩ,
Đức Phật đản sinh nơi rừng cây, thành đạo dưới gốc cây, và nhập Niết Bàn
cũng tại rừng cây, nghĩa là Ngài từ bỏ cung vàng điện ngọc, từ bỏ cả
những tinh xá của các vị vua xây để cúng dường, thì sá gì những ngôi
chùa chúng ta hiện nay. Tôi quan niệm tại những trung tâm chính thì nên
xây chùa to, đẹp, mang dấu ấn văn hóa, còn những vùng phụ cận hoặc nông
thôn xa xôi thì xây vừa phải, phù hợp với đại đa số dân chúng còn nghèo
khó, hài hòa với môi trường thiên nhiên chung quanh. Còn lại thời gian,
tiền bạc và sức khỏe thì tập trung mở mang những đạo tràng tu học cho
Phật tử, và tạo điều kiện cho tăng ni trẻ cống hiến sau khi ra trường.
Không có hoạt động Phật sự, người trẻ lánh mình trên thành phố luôn, vì
họ không thích về quê chỉ để lau chùa, làm đám quanh năm.
Phật giáo cần cái nội dung bên trong, chứ bề ngoài đã tinh tươm lắm rồi.
Thử tính số tiền xây chùa và số tiền đầu tư cho việc tu học, giáo dục,
sẽ thấy chênh lệch gấp trăm, ngàn lần. Vậy không buồn sao được? Hoặc
giả, với số tiền xây một ngôi chùa hoành tráng thì có thể san sẻ ra để
xây hai, ba ngôi vừa vừa, rải đều trong địa bàn rộng lớn. Có nhiều nơi
trong vòng đường kính 20 hoặc 50 cây số mà không có ngôi Tam Bảo làm
điểm tựa tâm linh cho quần chúng, dân ở đó nói rằng rất thèm nghe tiếng
chuông mõ sớm chiều. Nên chăng có sự chăm sóc tinh thần cho người dân
một cách gần gũi thiết thực hơn.
Phật đản sanh là để khai thị chúng sanh ngộ nhập Phật tri kiến chứ đâu
phải nhập chùa, nhập đám rình rang. Làm gì cũng phải giữ trung đạo, nơi
thờ cúng mà tuềnh toàng quá thì có lỗi, mà xa xỉ quá cũng là đi ngược
với trái tim Đức Phật.
PHẬT TỬ
Ngày rằm, đi chùa ở Tiền Giang, lên xe đò ngồi cạnh một ông khách. Ông
ta cười cười nói với tôi: "Ờ, vô chùa thấy toàn mấy bà, mấy cô, nhứt là
mấy bà ở giá, thôi chồng, hoặc ở nhà ăn hiếp chồng, thu tóm tiền bạc nên
vô chùa cho bớt tội. Tui cũng chở vợ đi chùa, nhưng bả vô lạy, còn tui
đứng ngoài cổng chờ, xong rồi chở về."
Tôi nghe, hết biết đường trả lời. Thật ra, tôi đang tính cách trả lời
thế nào cho ông khách này hiểu về giới Phật tử của mình. Trước hết là
buồn cái đã. Hiện nay, đa số người vẫn có cách nghĩ giống như ông ta,
nhưng nghĩ lại, làm sao trách họ được? Bởi vì "tiên trách kỷ, hậu trách
nhân", mình thử nhìn lại mình mà xem...
Rõ ràng, nếu thử thống kê sẽ thấy Phật tử chúng ta hiện nay đa số là phụ
nữ, và là giới bình dân, người già, ít học hành, thường vô chùa với
tính cách cầu xin, cúng vái, có khi mang theo màu sắc mê tín, thậm chí
còn thị phi phức tạp trong chùa nữa. Đi chùa hoài mà không thay đổi,
không tiến bộ, nên mới bị người ta phê phán. Một cộng đồng như thế khiến
người trẻ, người trí thức, đặc biệt nam giới, ngại ngần không muốn gia
nhập.
Từ chỗ "đánh giá" Phật tử mà họ "đánh giá" luôn cả đạo Phật. Thật sự là
một sự thiệt thòi cho chính những người đó và cho cả đạo Phật. Bởi đạo
Phật là đạo trí tuệ, rất cần thu hút lực lượng trẻ, trí thức, tại sao
chúng ta lại không làm được? Dĩ nhiên không ai phủ nhận công lao đóng
góp của đội ngũ Phật tử hiện nay, nhưng chúng ta không thể bằng lòng mãi
như vậy, mà nên nghĩ cách nâng cấp lên, làm sao cho mọi thành phần đều
tìm đến và nhận được sự an lành từ ánh sáng của Phật đà.
Muốn tiến hành nâng cấp Phật tử, không gì khác hơn ngoài công tác giáo
dục. Hiện nay rất nhiều chùa chỉ chú trọng việc lễ, đám rình rang, mà
thiếu tổ chức những buổi thuyết pháp, những lớp học giáo lý, hoặc chương
trình văn nghệ Phật giáo, làm báo tường, dạy Anh văn, vi tính. Nếu làm
được công tác giáo dục này thì các bà các cô mở rộng hiểu biết, vô chùa
đỡ mê tín, đỡ thị phi. Mặt khác, người trí thức thấy đạo Phật có học
hành đàng hoàng, họ sẽ tìm hiểu, nghiên cứu, rồi mới tin tưởng. Giới trẻ
thì có các môn học và phong trào hấp dẫn, sẽ chịu lui tới cổng chùa.
Như vậy, chúng ta vừa nâng cấp đội ngũ Phật tử cũ, song song với thu hút
đội ngũ Phật tử mới.
Không đến nỗi quá khó. Chỉ cần vị trụ trì quyết tâm là làm được. Nhiều
chùa trong vùng sâu vùng xa nhưng vị trụ trì rất cấp tiến, mở lớp dạy
giáo lý, dạy múa hát, khiến lớp trẻ kéo về nườm nượp. Chúng ta có thể
tham quan và nhân rộng mô hình đó ra.
Nghĩ ngợi một hồi, tôi chỉ biết nói với ông khách một câu: "Thôi, anh
ráng chịu khó bước vô cổng chùa thử xem. Có khi đứng ngoài không thấy
hết cái hay, cái đẹp đâu. Chuyện đời luôn lẫn lộn tốt xấu, anh vô thử,
rồi lọc lấy cái tốt cho mình, còn cái xấu để lại, hoặc 'ngon' hơn nữa
thì giúp người ta cải cách. Biết đâu, anh 'đi sau' bà xã mà 'về trước'
hổng chừng! Bả sẽ bái phục anh, cảm ơn anh!"
Và cũng xin gởi luôn câu đó đến với những ai chưa một lần thử bước vào
cổng chùa vì định kiến của mình. Quý vị ơi, trái tim mình không mở ra
thì cánh cổng nào cũng là khép chặt!
CÂY HÃY CÒN NON
Hiện nay đang là mùa tuyển sinh của các lớp trung cấp Phật học tại nhiều
tỉnh, là cơ hội tốt cho các tăng ni trẻ tham gia học tập. Tuy nhiên, có
một thực trạng không biết có nên khuyến khích hay cần phải khuyên ngăn
dừng lại?
Đó là thực trạng một số vị thầy tổ cho đệ tử mình vào học trung cấp khi
đệ tử còn chưa tốt nghiệp trung học phổ thông ngoài đời. Có vị đang ngồi
ghế lớp 9, lớp 10 đã được sư phụ cho chuyển sang hệ bổ túc, để đi học
vào ban đêm, còn ban ngày thì đến lớp Phật học. Thử hỏi, một người chưa
qua tuổi 18, vẫn như một thiếu niên non nớt, mà gánh trên vai một lúc
hai chương trình học như thế, làm sao kham nổi? Chương trình phổ thông
vốn đã nặng nề, ai cũng kêu than, giải quyết xong bài vở đã đuối cho mấy
cô chú sa di lắm rồi. Khi chuyển sang hệ bổ túc dĩ nhiên chương trình
có nhẹ đi, nhưng đó lại là một sự đánh đổi đáng tiếc, bởi hệ bổ túc
không thể nào tốt hơn hệ chính quy, tự nhiên người học thiệt thòi. Rốt
cuộc, khi gánh hai chương trình, những học viên này phải học theo kiểu
đối phó, thế học lẫn Phật học đều không chất lượng. Vì vậy mới có tình
trạng người có bằng cấp hẳn hoi mà không viết nổi một văn bản suôn sẻ,
không hướng dẫn được đạo tràng...
Nhưng còn tai hại hơn nữa, khi đạo hạnh chưa thâm sâu thì cái bằng cấp
vô tình tiếp tay cho lòng ngã mạn của tuổi trẻ, gây nên những điều đáng
tiếc.
Xin quý vị trụ trì, thầy tổ hãy bình tĩnh mà nuôi đệ tử như trồng một
cái cây, nếu chưa đủ năm tháng thì đừng bắt nó ra hoa, kết trái sớm quá,
để rồi chỉ vài lứa thu hoạch vội vàng cái cây đó sẽ èo uột nhanh chóng.
Nhiều nhà vườn đã mạnh dạn cắt bỏ lứa trái chiến để dưỡng cây kia mà.
Hãy để các cô chú sa di non nớt của chúng ta được ngồi yên trong ngôi
trường phổ thông, học hành trọn vẹn. Kinh nghiệm cho thấy những vị nào
học giỏi phần thế học thì sau này sẽ tiếp thu rất tốt phần Phật học,
không cần phải nôn nóng. Nếu cần, thì thầy tổ tại chùa có thể bồi dưỡng
hằng ngày về kinh kệ, giới luật, chữ Hán, chuẩn bị một số vốn liếng để
khi bước vào trung cấp Phật học không quá bỡ ngỡ. (Bởi theo chúng tôi
biết, các học viên trung cấp sợ nhất môn Hán văn, lơ mơ là "bơi" theo
không kịp.). Vậy cũng là khá nhiều đối với lứa tuổi thiếu niên, vì còn
biết bao chuyện chấp tác trong chùa, đám sám, lễ lạc quanh năm. Khi xong
phần thế học, các cô chú sa di sẽ tập trung vào Phật học một cách tối
đa, bảo đảm chất lượng.
Thêm một vấn đề nữa, các vị đệ tử còn nhỏ tuổi mà đã xa lìa sự dạy dỗ,
chăm sóc của thầy tổ thì có nguy cơ không tốt. Trường Phật học dĩ nhiên
cũng có thanh quy, nhưng vì quá đông nên không thể nào bằng cái tình gần
gũi của thầy trò tại nơi trú xứ, vì vậy dễ xảy ra những tiêu cực, đặc
biệt với lứa tuổi chưa đủ lớn, chưa đủ nhận định, bản lĩnh. Cây còn non
thì phải được sự che chắn gió bão, nếu không gãy cành như chơi!
Cuối cùng, ngồi tính toán thì một người tốt nghiệp lớp 12 mới 18 tuổi,
học trung cấp Phật học 3 năm, mới 21 tuổi, học tiếp Cao cấp hoặc Cao
đẳng 4 năm nữa, cũng chỉ 25 tuổi. Đâu đã gọi là già? Các vị tôn túc còn e
tuổi đó đạo hạnh chưa vững, sợ khi ra làm Phật sự còn vướng phải nhiều
hệ lụy nữa kia. Xu hướng hiện nay là "trẻ hóa cán bộ", hầu hết mọi người
đều tán đồng, nhưng không có nghĩa là phải trẻ hóa bằng mọi cách đến
mức quên đi cái chuẩn cần thiết cho một vị tu sĩ về học lực, phẩm hạnh.
Vì vậy, chúng ta khẩn trương nhưng không vội vàng mà đào tạo ra những
cây non, kém chất lượng. Thà chậm một vài năm nhưng gặt hái thành quả
lâu dài.
LỢI KHẨU
Trại sáng tác văn học Phật giáo do Thành Hội Phật giáo Thành phố Hồ Chí
Minh tổ chức lần đầu tiên. Có đến gần 40 tăng ni và Phật tử tham gia,
rất vui. Sau những ngày ngồi tại lớp để nghe các nhà văn, nhà thơ trao
đổi chuyên môn, mọi người được lên đường đi thực tế. Chủ yếu là đi viếng
các chùa nổi tiếng ở miền Đông như Thường Chiếu, Viên Chiếu, Linh
Chiếu, Chân Không, Linh Quang tịnh xá.v.v... Có cả những buổi tắm biển
hoặc lang thang ngắm biển, ngắm trời, leo núi đến rã chân...
Ban đêm, mọi người quây quần đọc thơ, đàm đạo. Có bổ ích, mà cũng có...
giận hờn, vì người này phê thơ người kia, người nọ sửa văn giùm người
khác... Ôi thôi, đụng chuyện đi, rồi mới thấy cái "ngã" nó bự chảng!
Nhưng không sao, cuối cùng vẫn là dư âm luyến nhớ, thắt chặt thêm tình
đồng đạo.
Linh Quang tịnh xá nằm trên một ngọn núi không cao lắm, leo vừa đủ mệt
thì đã tới nơi. Hớn hở ngồi vào một góc đá nhô ra có tàn cây tuyệt đẹp
làm hậu cảnh, tha hồ cho bác phó nhòm bấm máy. Buổi tối, góc đá ấy trở
thành nơi cả nhóm ngồi đàm đạo thơ văn. Một hồi thì bắt đầu "chia phe",
thành từng nhóm nhỏ, hợp với nhau chuyện gì thì túm lại nói riêng với
nhau. Tôi và thầy Q.T, Q.K đã có một cuộc trao đổi thật thú vị.
– Diệu Kim thấy quý sư cô ở Viên Chiếu như thế nào? Thầy nghĩ Phật giáo phải có những vị tu hành như thế.
Tôi nhớ tới cảnh quý sư cô ngồi thiền im phăng phắc. Thiền đường mờ mờ
ngọn đèn, tỏa khói trầm thơm dịu. Những dáng người trang nghiêm, toát ra
một năng lực kỳ lạ không thể diễn tả bằng lời. Năng lực ấy khiến chúng
tôi ngồi trên băng đá ngoài sân vườn tự dưng cũng im phăng phắc theo.
Chúng tôi cảm nhận rất rõ có một điều gì đó đang lan tỏa trong không
gian tĩnh mịch, làm lòng mình khinh an, nhẹ nhõm. Và cái đẹp, cảm nhận
một cái đẹp từ bức tranh thiền trước mắt, với những nét chấm phá giản dị
nhưng rung động lòng người.
– Thưa thầy, con rất ngưỡng mộ quý sư cô. Ngưỡng mộ tất cả những vị đang
hạ thủ công phu tu hành nghiêm mật. Đúng là thời đại ngày nay đã ít dần
những bậc đắc đạo, coi như những minh chứng hùng hồn cho Phật giáo.
– Chính vì vậy thầy đang suy nghĩ tới công việc giảng dạy của mình và
của nhiều vị khác. Liệu có tốt không khi quá ít người hạ thủ công phu?
Thầy rất băn khoăn...
– Thưa thầy, thật sự con kính ngưỡng những vị tu hành giải thoát, nhưng
đồng thời con cũng cảm ơn những vị đã hành Bồ Tát đạo, lo hoằng pháp cho
chúng con. Nếu ai cũng đóng cửa lo tu cho mình, thì chúng sanh như tụi
con đâu có ai dạy dỗ, mãi mãi đi trong bóng tối si mê, và Phật giáo sẽ
mai một vì không ai phổ biến, truyền bá. Dù bây giờ có một số vị giảng
sư đã bị vấp ngã, nhưng ngọn lửa Phật pháp đã được truyền lại cho tăng
ni trẻ và cho Phật tử, chắc chắn sẽ có người tiếp nối giữ gìn. Khi đi
vào giữa dòng đời, thế nào cũng có người sẽ bị rơi rụng, nhưng bù lại,
có biết bao người được tiếp cận giáo pháp, sẽ đứng lên lấp vào chỗ mất
mát ấy. Cho nên, Phật giáo cần cả hai dạng: tu hành miên mật như Thiền
Chiếu, Viên Chiếu... và hoằng pháp lợi tha như các ngôi chùa Đại thừa
đang đồng hành với chúng sanh.
Thầy Q.K nói:
– Hoằng pháp rất cần lợi khẩu, nhưng lợi khẩu cũng gây nhiều tác hại,
mình dễ kiêu căng, lợi dụng người khác. Có khi nói rất hay, mà làm thì
sai quấy.
Tôi cười:
– Trời, vậy là lỗi tại cái tâm mình chứ đâu phải tại lợi khẩu. Giống như
đồng tiền, nó không có tội, mà mình xài tiền cách nào mới thành ra tội.
Mình phải điều khiển cái tâm đừng cho nó làm bậy, chứ sao đổ lỗi cho
cái miệng.
Thầy phì cười. Tôi nói thêm:
– "Y pháp bất y nhân" phải không thầy? Dĩ nhiên với người mới vào đạo
thì "y nhân" trước khi "y pháp". Nhưng vào đạo lâu rồi thì đừng lo, chỉ
biết ông thầy đó cho mình "toa thuốc" đúng thì mình cứ nhặt lấy mà trị
bệnh tâm cho mình. Còn ổng làm bậy thì mai mốt ổng tự chịu.
Thầy Q.T:
– Có khi một ông giảng sư nói thật nhiều mà sức mạnh giáo hóa không bằng
một ông thầy lặng lẽ tu hành, chỉ cầm cây chổi quét sân chùa thôi, đã
toát lên đạo hạnh khiến người ta kính phục.
– Con đồng ý. Nhưng thầy nghĩ xem, nếu thầy lợi khẩu, nghĩa là thầy cũng
có phước đức nhiều đời nhiều kiếp lắm rồi, chứ đâu phải ai muốn lợi
khẩu cũng được. Vậy tại sao không dùng khả năng hiện có đó mà giáo hóa
chúng sanh? Nếu ai cũng đi quét chùa hết thì Phật pháp chắc diệt vong.
Chính Đức Phật còn đi thuyết pháp bằng ngôn ngữ kia mà, và Ngài bảo đệ
tử chia nhau đi khắp các nẻo, không cho hai người đi chung một lối, để
sự hoằng hóa được rộng lớn hơn. Vậy có nghĩa là, ta có khả năng gì,
phương tiện gì, thì ta cứ sử dụng. Nếu ta không lợi khẩu thì ta vui vẻ
quét sân. Nếu ta lợi khẩu, thì cứ đi giảng, mắc mớ chi phải bỏ. Hoặc nếu
ta làm từ thiện tốt hơn thì ta làm từ thiện. Nếu ta có thể viết văn để
truyền bá Phật giáo thì cứ viết. Phước đức ta tới đâu thì ta sử dụng tới
đó, quan trọng là giữ đạo hạnh cho tốt, chứ đâu phải lỗi ở lợi khẩu,
lỗi ở phương tiện.
Thầy Q.T:
– À há, vậy tui lợi khẩu thì cứ sử dụng nó mà đi giảng hén!
CHÚ TIỂU ĐI RỒI
Chùa mở lớp giáo lý. Trong mấy chục em thiếu nhi tung tăng đến lớp, có
một chú tiểu rụt rè đứng nơi cửa. Tôi nói mãi chú mới chịu vô ngồi, mà
lại chọn cái bàn cuối cùng. Tôi nhấn mạnh: "Người ta cư sĩ mà còn học
Pháp, chú là người xuất gia càng phải học nhiều hơn, giỏi hơn." Chú im
lặng, đầu cúi gằm.
Hình như suốt mấy buổi học chưa khi nào tôi thấy chú nhìn thẳng lên một
cách đường hoàng, cứ trông thấy ai nhìn là chú lảng mắt đi, hoặc cúi
xuống trang vở. Đặc biệt không thấy chú cười. Gương mặt rất trắng trẻo,
thông minh, hơi đẹp trai nữa là, nhưng không hiểu sao lại phảng phất nét
buồn, không hợp chút nào so với cái tuổi mười hai của chú. Khi tôi
giảng, cả lớp reo hò tranh nhau trả lời, hoặc cười vang vì những câu hài
hước của tôi, thì chú vẫn buồn hiu, thi thoảng có mím miệng một chút là
tôi biết có "ấn tượng" lắm rồi. Thế cho nên, tôi càng quan tâm gọi chú
trả bài.
Chú học hơi chậm hơn các bạn, nhưng mỗi lần chú thuộc được một câu tôi
đã khen ngợi, đề nghị cả lớp vỗ tay tán thưởng. Rồi tôi tặng chú những
món quà nho nhỏ, khi thì cái bánh ngọt, khi cây bút bi xinh xinh, lúc là
con gấu bông tí hon gắn vào chìa khóa... Chú nhoẻn miệng cười. Tôi mừng
quá. Trong học bạ, tôi thường ghi nhận xét rất tốt về những thành tích
be bé của chú. Có hôm tới giờ học mà chú vẫn chưa ăn cơm. Tôi bắt buộc
chú phải ăn hết cái bánh mì ngọt tôi đưa. "Nè, trẻ con phải ăn đúng giờ,
không được nhịn đói, mất sức và tiếp thu bài không tốt." Nghe tôi dặn,
chú nhìn tôi, long lanh đôi mắt.
Một tháng trôi qua, chú tiểu đã cười, thậm chí đã nói chuyện với bạn
cùng lớp. Và một buổi chiều tôi thấy chú sửa soạn bàn ghế cho cô giáo
rất tinh tươm, nào phấn, bảng, học bạ, sổ điểm, có cả một ly nước lọc.
Chú nhanh nhẹn vô cùng, chạy lên chạy xuống thang lầu tìm người sửa giùm
dây điện để gắn cái loa dạy học, rồi kéo dây ra mở quạt cho cả lớp. Mồ
hôi ướt trên trán chú, mà chú vẫn vui vẻ, trong lúc các bạn cứ í ới đùa
nghịch. Chú bỗng nhiên "lớn" hẳn ra, chững chạc một cách bất ngờ. Tôi
vuốt đầu chú, nói "Cảm ơn con!" Chú lỏn lẻn dạ nhỏ, đôi má rất hồng.
Qua tháng thứ hai, tự nhiên tôi thấy chú buồn bã trở lại. Có một hôm,
tôi lên lớp mà không thấy chú đâu, bèn tranh thủ đi xuống nhà tổ tìm
thử. Thì ra chú đang bị sư huynh phạt quỳ hương, vì chú mãi chơi quên
làm việc gì đó mà sư huynh đã dặn. Tôi nói với một vị khác rằng hãy xin
giùm chú, để chú học xong rồi hẵng phạt sau, như vậy chú không bị lỡ bài
học. Vị ấy lắc đầu, không muốn can thiệp. Tôi buồn hiu.
Vài hôm sau nữa, chú vắng mặt hẳn. Rồi tôi nghe thầy nói chú đã bỏ về
nhà. Tôi tìm hiểu mới biết nhà chú rất nghèo, có người cha say xỉn, hay
đánh con, mẹ thì trốn đi mất biệt. Chú được đem vô chùa. Và cái tội lớn
nhất là đã ăn cắp mấy trăm ngàn đồng của thầy, chỉ để mua cái máy nghe
nhạc. Thảo nào hôm nọ tôi thấy chú mân mê cái máy nhỏ xíu màu đỏ đỏ, mặt
phấn khởi lắm. Chú áp tai vào máy, như có người bạn chia sẻ tâm sự. Nào
ngờ...
Tôi không thể thanh minh cho chú. Nhưng nếu ai nhìn thấy niềm hạnh phúc
của chú khi áp tai vào máy, mới hiểu nỗi lòng chú. Dường như chiếc máy
ấy là một người bạn chia sẻ với chú những điều mà chú không thể nói với
ai. Tôi lặng lẽ cất học bạ của chú vào túi xách, trong đó có mấy bức vẽ
con mèo, con vịt tô màu rất đẹp. Thầy qua cơn giận, đã đến nhà kêu chú
tiểu quay lại chùa, nhưng chú lắc đầu...
Ở một ngôi chùa quê tôi, cũng có hai chú tiểu con nhà nghèo được đem vô
cho sư ông nuôi dưỡng. Chẳng bao lâu, hai đứa bé lên 8, lên 9 ấy đã bị
đòn vì dám lấy tiền trong thùng Tam Bảo đi mua đồ chơi. Đó là hai chiếc
xe ô tô bằng nhựa bán đầy ngoài chợ, giá chỉ vài ngàn đồng. Sau trận
đòn, hai chú đi biệt luôn không về. Nghe nói hai chú trở lại căn nhà cũ,
bỏ luôn chương trình học vì không có tiền mua sách vở. Tôi ứa nước mắt,
nhìn đống đồ chơi của con mình.
Một ngôi chùa khác có cô tiểu vào ở với ni chúng. Mọi người rất bực vì
cái tật ở dơ của cô. Mặc hết đồ mới chịu giặt, mà nếu giặt không kịp thì
lấy đồ của người khác mặc tỉnh bơ. Mặt mũi cũng tèm lem, không biết giữ
cho sạch sẽ. Mười sáu tuổi, cô thèm nhất cái đồng hồ đeo tay như các sư
chị. Thế là cô lấy cắp tiền của sư chị, mua cái đồng hồ cũ về đeo hí
hửng. Sư chị giận, báo lên sư cô. Cô tiểu sợ bị phạt, bỏ chùa đi trước.
Tôi buồn buồn nói với sư chị: "Sao cô biết nhà nó nghèo, ba nó hay đánh
con, mà cô không thương nó? Chính vì mẹ nó chết sớm nên không ai chăm
sóc, dạy dỗ từng sự ăn, sự mặc, nó mới dơ, mới dở như vậy. Cô thử làm mẹ
nó, giặt giùm nó bộ đồ, nhắc nó đánh răng, rửa mặt, coi nó có cảm động
không? Rồi từ từ nó sẽ tiến bộ, sẽ hòa được với kỷ luật chung. Có ai
sinh ra đã giỏi liền đâu, phải có người nâng đỡ, dạy dỗ. Nó thiếu tình
mẹ, nay lại thiếu tình chị nữa, tội nghiệp!" Sư chị chảy nước mắt: "Trời
ơi, tôi quên. Chúng sanh ở gần đó mà tôi còn chưa thương, thì làm sao
tôi thương được những chúng sanh khác!" Sư chị vội vã đi tìm nhà em, gọi
em trở lại chùa. Nhưng cô tiểu đã mặc đồ mô-đen lên Sài Gòn bán quán cà
phê rồi. Sư chị hết hồn: "Xin chư Phật gia hộ cho em đừng sa ngã giữa
chốn phồn hoa!"
Những đứa trẻ ấy được nuôi dưỡng với một lý tưởng cao đẹp, với lòng kỳ
vọng sẽ đào tạo trở thành người tử tế, nhưng đôi khi chúng ta quên mất
tuổi thơ của chúng. Tuổi thơ bình thường đã khó gìn giữ, nâng niu, huống
chi những tuổi thơ bất hạnh, đầy mặc cảm, đầy vết hằn đau đớn từ những
ngôi nhà không có tiếng cười. Tuổi thơ ấy mong manh lắm. Và có đứa không
hề có tuổi thơ, chúng "già" đi thật nhanh. Khi chúng ta biết giật mình
nhìn lại, thì tuổi thơ đã theo gió bay đi...
Cánh diều nhỏ đứt dây, biết nó rơi chốn nào, trong đục ra sao...
NHẶT CỎ
Thầy VG ghé thăm tôi và tặng tập thơ thầy mới sáng tác. Một hồi, nhân chuyện thuyết pháp của thầy C., thì thầy VG nói:
– Thầy chủ trương "không cưỡng cầu", chừng nào đủ duyên thì làm, không
thì thôi. Bởi có người ban đầu vì tâm từ bi, thương chúng sanh, nhưng về
sau lại tham phước, lại sinh ngã chấp rất lớn.
– Con đồng ý, rất nên cảnh giác "hệ quả" này. Không khéo Phật sự thành
ma sự. Tuy nhiên, con cũng không đồng ý sự thụ động, không tích cực hóa
độ chúng sanh, để rồi khi chúng sanh thiếu hiểu biết thì lại chê bai.
– Muốn hóa độ cũng phải đủ phước duyên chớ con. Ngay cả thời Đức Phật
tại thế mà có những làng còn không chịu nghe pháp. Đức Phật vào làng bị
họ ném đá xua đuổi. Sau, Mục Kiền Liên và Xá Lợi Phất vào, họ lại chịu
nghe, vì kiếp trước họ là bầy kiến được hai vị này cứu thoát.
– Đành rằng phải đủ phước duyên, nhưng chúng ta phải nỗ lực chứ không
thể thụ động ngồi chờ mọi sự dâng tới tay. Ngay Đức Phật cũng nỗ lực đi
hết làng này tới làng khác thuyết pháp suốt 49 năm chứ Ngài đâu có ngồi
hoài một chỗ.
– Nhưng Đức Phật nhìn thấy căn cơ chúng sanh đủ rồi Đức Phật mới đến. Ngài đạt tha tâm thông rồi chứ.
– Thì mình chưa đạt tha tâm thông mình cũng làm thử đi. Có thử mới biết
làm được hay không. Dĩ nhiên, trước khi thử, mình cũng phải "nhắm"
người, chứ không phải ai mình cũng a thần phù nhào vô hóa độ. Nhưng
"nhắm" cũng khi trúng, khi trật. Người nào mình nhắm trúng, hợp duyên
với mình, thì mình làm thành công. Người nào mình nhắm trật thì thôi,
mình chia tay, đừng phiền não chi hết. Nghĩa là, khi làm cứ làm, khi
buông thì buông nhẹ nhàng. Nhưng trước hết, vẫn phải nỗ lực, rồi mới
biết người đó đủ duyên hay thiếu duyên với mình. Nỗ lực khác hẳn sự
cưỡng cầu.
– Thầy vẫn cho rằng đó là thế gian pháp chứ không phải xuất thế pháp.
– Con thấy pháp nào cũng cần nỗ lực. Thí dụ, cuốn "Pháp môn Tịnh Độ"
thầy mất gần một năm dịch từ Hán ngữ sang Việt ngữ đó, không phải nỗ lực
là gì? Rồi thầy chạy xe từ Bà Chiểu sang quận 4 xa xôi tặng sách cho
con cũng là nỗ lực. Tóm lại, con đồng ý với thầy C. là phải tích cực
phát triển Phật giáo, nếu không Phật giáo sẽ lụi tàn dần trước xu thế xã
hội mới. Lịch sử đã chứng minh Phật giáo từng có những thời kỳ suy vong
do tăng đoàn thụ động. Con nghĩ thái độ tích cực này bao gồm lợi tha
song song tự lợi, chứ thiếu phần nào cũng hỏng. Mình không chủ trương
hoạt động thuần túy mà thiếu công phu tu hành.
– Nhưng lợi tha thường dẫn đến đắm nhiễm, ngã chấp.
– Con lại nghĩ, thà cứ lợi tha rồi ngã chấp lộ ra tới đâu mình nhận diện
tới đó, và tiêu diệt dần dần. Nếu mình không lợi tha, có chắc là ngã
chấp không có? Hay là nó vẫn nằm im đâu đó trong mình, khi đụng chuyện
mới nổi dậy. Con chợt nhớ, hồi 15, 16 tuổi, nhà con ở xã An Nhơn, huyện
Châu Thành, Đồng Tháp, con và thằng em tên Dũng thường cuốc đất để trồng
đậu xanh, đậu bắp. Trời ơi, mặt đất phẳng lì, đẹp đẽ vậy mà cuốc tới
đâu rễ cỏ tranh bật lên trắng xóa tới đó. Lượm rễ mệt hơn là cuốc. Chán
quá. Nhưng không lẽ không cuốc nữa thì đất làm sao sạch để trồng đậu?
Thế là, hai chị em cứ cuốc, cọng cỏ nào ló lên là nhặt, rồi cuốc tiếp.
Con nghĩ, lợi tha cũng vậy. Có làm, có hoạt động, ắt sẽ nảy sinh ngã
chấp, điều quan trọng là mình có nhận diện được nó không, có dám nhặt nó
không. Trí huệ ở chỗ mình nhận ra được lỗi lầm của mình, nhận diện từ
cái thô, rồi đi dần tới cái tế. Còn sửa lỗi là nhặt cỏ đó thôi. Cứ làm,
nếu thấy lỗi thì sửa. Tu là sửa chứ có gì đâu.
Thầy VG im im, suy nghĩ...
Riêng tôi, khi ra làm một số công tác nhỏ nhoi cho Phật giáo, tôi mới
thấy ngã chấp của mình hiện ra tùm lum. Nào nổi giận khi bị chê, nào vui
thích khi được khen, nào ganh tị khi thấy bạn mình giỏi hơn v.v... Cái
tâm chúng sanh lũ lượt hiện ra. Tôi càng khâm phục Đức Phật là nhà tâm
lý học vĩ đại, khi chỉ thẳng ra 51 món tâm sở hiện diện trong tất cả mọi
người. Có trong tay cái "bản đồ" Phật dạy, mình cứ nương theo đó mà xem
cái nào bất thiện lộ ra thì ráng nhận diện và ráng tiêu diệt. Không dễ
đâu nghen. Có cái không nhận ra. Có cái nhận ra mà không diệt được. Hoặc
có cái diệt được liền, có cái diệt rất lâu, hay diệt rồi mà trở đi trở
lại. Như cọng rễ tranh thôi, tưởng nhặt hết rồi đó, nhưng chỉ cần chút
xíu mưa xuống là chúng nảy mầm vọt lên. Tôi càng quán hai chữ "tập khí"
thật đáng sợ.
Nhưng, cũng có một tác dụng ngược lại, là khi làm cho mọi người, mình
cũng nảy sinh hoặc tăng trưởng những tính thiện mà trước đây mình không
có, hoặc có yếu ớt. Thí dụ, tính nhẫn nại, lòng từ bi, biết tàm quý
v.v... Tiếp xúc với người khác là một dịp gần gũi thiện tri thức để mình
học hỏi, thậm chí khi gặp nghịch duyên, gặp kẻ gây khó khăn cho mình
cũng là một dạng Bồ Tát nghịch hạnh giúp mình tốt hơn. Sao mình không
nhìn ra khía cạnh tích cực này mà cứ lo chuyện ngã chấp?
Nói cho cùng, tới A-la-hán mới diệt hết ngã chấp kia mà. Chúng ta tu còn
lẹt đẹt tuốt bên dưới mà cứ sợ, rồi đem giấu giấu giếm giếm. Giấu mà nó
vẫn còn y nguyên, mới khổ! Cứ để nó hiện ra hết đi, sẽ dễ diệt trừ.
Hiện mau, diệt mau. Chứ đợi tới già mới hiện thì đâu còn thời gian nữa,
xuống lỗ mất rồi. Dĩ nhiên là phải cảnh giác với ngã chấp, nhưng cảnh
giác không có nghĩa là không dám làm gì hết. Vừa làm, vừa cảnh giác, vừa
tiêu diệt.
Nhưng nghĩ cho cùng, giả sử mình kéo được 20 người kính tin Phật pháp,
mà mình phải "hy sinh" thì vẫn còn... lời ! Kệ, rớt một người, mà 20
người kia leo lên khỏi hố, thì hy sinh cũng đáng giá. Tôi chợt nghĩ,
trong bao nhiêu người mà tôi đã "rủ rê" đi theo Chánh pháp, không lẽ
chẳng có ai để "bù lỗ" nếu chẳng may tôi "hy sinh"? Cứ làm, đừng có tính
toán tới sự thiệt thòi của mình. Tính riết, hết dám làm gì. Và nếu có
làm, thì cũng trong vòng tính toán cho mình, chứ đâu phải vì thương
người khác mà làm!