ĐI CHỢ TẾT
Từ ngày không có má, tôi phải đóng vai trò người thờ phụng ông bà,
giỗ chạp lễ tết đầy đủ. Căn nhà nhỏ trong hẻm biến thành "nhà thờ" tấp
nập con cháu. Cho nên, đi chợ tết là đi chợ cho cả mấy ngày tiệc tùng,
cúng quảy, trang trí bày biện, làm sao có thể qua loa?
Tôi bắt đầu "đi chợ" từ ngày đưa ông táo về trời. Tranh thủ chen vào
những lúc ngơi việc cơ quan, bởi nếu để cận ngày thì làm không kịp. Tôm,
gà, cá, thịt pha sẵn để đầy ngăn đông tủ lạnh. Ngó sen, dưa chua làm
mấy chục keo, phần tặng bạn bè, cơ quan, phần để dành cho nhà. Rồi gạo,
nếp, đậu, đường, đồ la-ghim cũng chất đầy vô tủ. Tôi chợt nhận ra mình
giống hệt má, dù chợ mùng 2 đã bán nhưng vẫn thích mua trước để tùm lum
như vậy. Có lẽ thói quen này có từ hồi ở quê, nhà tuốt trong ngọn rạch,
ra chợ rất xa, nên mọi thứ phải chuẩn bị sẵn. Bà ngoại lấy mấy cái rổ
tre to đùng để bắp cải, cà rốt, khoai tây, củ sắn, đậu que, su hào...
chen chúc, nhìn thật thích mắt. Bây giờ tôi cũng chất lổn ngổn trong cái
rổ nhựa hoành tráng, ăn tới hạ nêu cũng chưa hết. Nhìn cái rổ mà nhớ
ngoại, nhớ má...
Tôi đi chợ mà đầu óc cứ nghĩ tới má. Vô siêu thị thì còn đỡ, chứ đội nón
lá xách giỏ xuống chợ là hình bóng má hiện lên. Chợ Long Kiểng, chợ Xóm
Chiếu chỗ nào cũng có má đang khệ nệ với cái giỏ trên tay. Tôi mua mấy
trái "cầu - dừa - đủ - xoài" cho má vui. Và dĩ nhiên không thể thiếu cây
mai đón xuân, đặt trước bàn thờ cúng má. Năm nào tôi cũng mua một cây
mai bonsai như thế, dù cây mai cũ đã nở hoa. Nó đã nặng lắm rồi, tôi để
yên trên ban-công, không đem xuống nổi. Tôi còn cắm mấy lẵng hoa rực rỡ
đặt khắp các bàn thờ, và rinh luôn mấy chậu hồng, cúc, ớt đỏ về trang
trí, căn nhà cứ tưng bừng sắc hoa.
Nhớ hôm đi mua chậu hồng, người bán đòi 50 ngàn một cặp, tôi trả 40
ngàn, không bán. Chợt nghe giọng nói rất quen. Cái giọng Đồng Tháp trong
trẻo, đôi khi biến thành "nhão nhoẹt", đặc biệt là vùng Sa Đéc-Nha
Mân-Cái Tàu Hạ. Tôi hỏi người bán: "Anh ở tỉnh nào?" "Tôi ở Sa Đéc."
"Trời, đồng hương đây nè." Hai bên cùng cười mừng rỡ. Thế là mua luôn
cặp hồng không kỳ kèo nữa.
Sang hàng cúc kế bên, cũng nghe cái giọng trong veo ấy, hỏi liền "Người
Sa Đéc phải hôn?" "Dạ." Cũng rinh luôn chậu cúc không cần trả giá. Mà
trả gì nữa, 20 ngàn chỉ bằng tô hủ tiếu Sài Gòn, đã thấm biết bao công
sức của người trồng hoa. Chiều 29 rồi mà hoa còn ê hề, chắc ngày mai lại
quăng bỏ, tội nghiệp. Mình mua giùm người ta, có kỳ kèo 5, 10 ngàn cũng
chẳng tới đâu. Tức cười nhất là có những người chạy sô gần chục triệu
mỗi đêm, vậy mà nói rằng đợi đêm 30 đi lượm hoa cho đỡ tốn tiền!
Tôi thường mua hoa hồng không chỉ vì lòng yêu hoa mà còn vì kỷ niệm thời
con gái. Hồi làm việc ở báo Văn Nghệ Đồng Tháp, trụ sở tại Sa Đéc, tôi
hay vô vườn hồng nổi tiếng của bác Tư Tôn. Được đắm mình trong thế giới
cỏ hoa thơm ngát, trong lành, thấy lòng an nhiên thanh tịnh. Nhưng khổ
nỗi, đồng lương lúc ấy quá nghèo, không mua nổi hoa, tôi đành lén lén
ngắt mấy cành giấu trong vạt áo, đem về cắm vô ly nước để trên bàn viết.
Hồi ấy mình cũng là... hoa tặc! Nhưng còn biết xấu hổ. Và bây giờ thì
mua hoa để trả món nợ ân tình.
Nói cái chuyện "mua đồ mắc" thì nhỏ cháu của tôi đã "bình bầu" cho tôi
rồi. Chợ tết cái gì cũng tăng giá, và có những cú tức anh ách cho người
mua. Thí dụ, ngày 28 tôi mua cà chua 16 ngàn 1 ký, sáng 30 nghe thằng
nhỏ cỡ tuổi thằng Rani con mình rao 8 ngàn 1 ký, tôi khoái quá nhào vô
lựa thêm. Xế xế trưa, lại nghe nó hét to 4 ngàn 1 ký. Trời ơi... Nhưng
rồi mỉm cười, thôi, coi như tiền thưởng cuối năm cho người ta. Thằng nhỏ
như con mình, mà nó phải cực khổ bán buôn, so với con mình được ăn học
sung sướng, thấy thương nó. Mình làm việc cơ quan, được thưởng cả chục
triệu, còn người buôn gánh bán bưng đâu có ai thưởng, coi như thị trường
phải "điều tiết" cho họ. Mình so đo chi vài ngàn, vài chục ngàn, thậm
chí mua nhiều thứ thì tính ra cũng bị đội lên vài trăm ngàn. Cứ xem như
quà của mình tặng họ. Nghe nói cuối cùng vẫn còn rất nhiều hàng tồn lại
không bán được, cũng tội nghiệp.
Nhưng lại tội nghiệp cho những công nhân, nhà giáo, lương thưởng ít ỏi
làm sao mua đồ ăn tết. Hạnh phúc là cái chăn hẹp, người này kín thì
người kia hở. Người bán thay vì đừng nâng giá thì sẽ bán hết hàng, không
bị tồn đọng, mà người mua cũng đủ sức ăn tết. Sao mà cuộc sống cứ lòng
vòng, rốt cuộc người ta khổ và làm người khác khổ! Trong cái chợ tết
tưng bừng kia vẫn thấp thoáng nhiều cảnh đời không thắm sắc xuân.
Về ngang chỗ bà cụ bán muỗng đũa, lại sà vào mua giúp, dù nhà đã đầy đủ
hết rồi. Bà cụ hơn 70 tuổi, bé choắt, lưng còng, không còn răng cỏ chi
hết. Bà trải tấm nylon sát con hẻm, bày ra mấy thứ lặt vặt như đồ nhắc
nồi, cước chùi nồi, vá, sạn... thấy thương thương. Tôi mua mấy chục
ngàn, bà vui lắm. Không biết ngày nào bà "khai trương" mình sẽ mua lần
nữa cho bà lấy hên. Nhớ bà cụ bán bánh tét, chỉ mấy tháng không đi ngang
con đường đó mà bà đã "biến mất", không biết bây giờ còn sống hay
không. Những bà cụ già như ngoại của mình, phải dãi nắng dầm mưa, tội
quá!
Về tới nhà, thấy một chị cỡ tuổi mình đứng ngay cửa mời mua phong bao lì
xì. Giá 2 ngàn rưỡi. Trả 2 ngàn. Lắc đầu, "tôi lời có 500 đồng thôi
cô". Ừ, thì lấy, đưa 4 ngàn, thôi chị khỏi thối. Bà chị ngỡ ngàng. Mới
đòi bớt 500 đồng mà bây giờ cho luôn 1 ngàn rưỡi! Đi xe ôm cũng vậy, trả
cho đúng giá mới thôi, nhưng lát sau nghe người ta nói chuyện biết hiền
lành nhân hậu, thế là thêm tiền, và dặn vói theo "chúc anh cứ giữ được
tấm lòng như thế".
Đi chợ, đôi khi quên chuyện tính toán, mà cứ lẩn thẩn nghĩ ngợi, cứ nhìn
vào cuộc đời, nhìn vào gương mặt từng người hơn là nhìn giá, nhìn hàng.
Có những gương mặt rất tội, làm sao tôi nỡ kỳ kèo? Có những niềm vui
lớn hơn số tiền tôi phải bỏ ra, tại sao tôi lại tiếc? Chợ còn là chợ
đời, tính làm sao cho xuể!