07. Phật
giáo và thuyết Tương đối
Có thể
nói đầu óc tôi thiên về khoa học kỹ thuật và suy lý. Nếu không, tôi không thể
theo đuổi ngành Vật Lý Học để rồi dùng những kiến thức trong Vật Lý Học làm
nghề “kiếm cơm” trong hơn 30 năm, ở Việt Nam và ở Mỹ. Tuy nhiên, xin quý độc
giả hiểu rằng, kiến thức về Vật Lý Học của tôi chỉ thu hẹp trong một lãnh vực
nhỏ nhoi nào đó, vì không ai ở trên cõi đời này có thể cho rằng mình đã biết
hết về Vật Lý Học.
Đối với tôi, khoa học Vật Lý
thật là đẹp, đẹp ở chỗ người ta có thể cô đọng một hiện tượng vật lý rất phức
tạp trong một phương trình hoặc trong một mẫu toán học ngắn gọn, và qua phương
trình hay mẫu toán học này người ta có thể diễn tả sự biến đổi hay “cuộc sống”
của vật chất, hoặc “thấy những gì không thể thấy được.
Duyệt qua những tiến bộ của khoa
học vật lý trong vài thế kỷ nay, tôi thấy có nhiều khám phá kỳ diệu, nhưng cùng
lúc đi vào con đường tri hành hợp nhất trong Phật Giáo, tôi thấy Phật Pháp còn
kỳ diệu hơn nữa. Kỳ diệu hơn ở chỗ Phật Pháp dẫn dắt con người đến chỗ hội nhập
chân lý chung cùng, và dù chưa hội nhập được, trên con đường đi đến hội nhập,
con người cũng có thể có một cuộc sống đạo đức, thoải mái, tâm bình an. Chân lý
nhà Phật được coi là chung cùng vì không thể đi quá hơn và không thể thay đổi.
Trái lại, những chân lý của khoa học, nếu có, hiện còn ở ngoài tầm tay của các
khoa học gia, vì bản chất của khoa học là tương đối, gần đúng và giới hạn, có
tính cách nay vững mai đổ, tùy theo nhịp tiến bộ kiến thức của nhân loại.
Nếu ngày nay khoa học đã đưa ra
một số quan niệm có vẻ như tương đồng với một số quan niệm trong Phật Giáo,
hoặc khám phá ra một số hiện tượng và có thể diễn tả những hiện tượng này bằng
những phương trình, công thức toán học, thì ngày xưa Đức Phật và các đệ tử của
Người đã hội nhập một cách toàn diện những quan niệm hoặc hiện tượng này bằng
trực giác quán chiếu. Để cho vấn đề được rõ ràng, tôi xin trích dẫn vài lời của
David Bohm và Fritjof Capra, hai vật lý gia chuyên khảo sát về bộ môn vật lý
các hạt tiềm nguyên tử (Subatomic particles), nghĩa là nhỏ hơn nguyên tử, và ở
cấp năng lượng cao (có vận tốc rất cao).
David Bohm: Thuyết Tương Đối
[tôi sẽ nói rõ hơn trong một đoạn sau], quan trọng hơn nữa, cơ học nguyên lượng [quantum mechanics = một ngành của vật lý có
đối tượng khảo sát là sự di chuyển của những lượng nhất định
[quanta] của vật chất trong thế giới vi mô, thí dụ như điện tử hoặc các hạt nhỏ
căn bản khác. Cũng cần phải nói thêm là các hạt nhỏ này khi thì thể hiện dưới
dạng vật chất riêng biệt (tương tự như những hạt cát thu nhỏ), khi thì thể hiện
dưới dạng sóng truyền liên tục (tương tự như ánh sáng), do đó người ta bảo
những hạt nhỏ có cùng lúc hai tính chất, hạt và sóng, danh từ khoa học gọi là
“hạt- sóng song tính”] đề nghị rằng người ta không thể phân tích thế giới thành những phần riêng biệt và độc lập.
Hơn nữa mỗi phần có vẻ như bằng cách nào đó liên hệ tới mọi phần khác: chứa
đựng lẫn nhau hoặc bao hàm nhau.
Fritjof Capra (tác giả cuốn The
Tao of Physics): Thuyết nguyên lượng bắt buộc chúng ta phải quan niệm vũ trụ như là một mạng liên hệ phức tạp giữa
các phần của một tổng thể chứ không phải là một tập hợp các vật thể riêng biệt.
Mọi hạt nhỏ đều bao gồm các hạt khác một cách tự hợp, và theo nghĩa này, có thể
nói chúng chứa đựng lẫn nhau. Trong thuyết này, điểm cần nhấn mạnh là sự tương
tác (interaction) hay tương thông (interpenetration) của mọi hạt nhỏ.
Nếu chúng ta quen thuộc với kinh
điển Phật Giáo, nhất là Kinh Hoa Nghiêm, thì chúng ta sẽ thấy rằng những quan
niệm của Bohm và Capra đã chậm mất hơn 25 thế kỷ. Hơn nữa, Bohm và Capra chỉ
thấy được tính tương thông trong thế giới các hạt vật chất nhỏ nhoi, một phạm
vi vô cùng nhỏ của vật lý và vũ trụ, chứ chưa thấy được tính tương thông trong
bốn Pháp Giới như trong Phật giáo: tương thông trong thế giới các “nguyên lý”
(Lý Vô Ngại Pháp Giới), thế giới các “vật” (Sự Vô Ngại Pháp Giới), và tương
thông giữa các “nguyên lý và vật” (Lý Sự Vô Ngại Pháp Giới) và “giữa các vật”
(Sự Sự Vô Ngại Pháp Giới).
Trên đây tôi không có ý định so
sánh một số quan niệm trong bộ môn vật lý hiện đại (modern physics) với một số
quan niệm trong Phật Giáo mà một số tác giả Tây phương như Fritjof Capra, Gary
Zukav, Michael Talbot v.v... đã cho là có sự tương đồng trong những tác phẩm
Đạo Của Vật Lý (The Tao of Physics), Điệu Vũ Của Các Thầy Vật-Lý (The Dancing of Wu-Li Masters), và Huyền
Nhiệm học và Vật-Lý Hiện Đại (Mysticism and the New Physics) của họ. Tôi cũng
không có ý định dùng khoa học để “chứng minh lời Kinh xưa” như một vị “Thích
Tử” đã viết trước đây. Tôi nghĩ rằng Kinh Phật chỉ có thể chứng nghiệm vào bản
thân chứ không thể chứng minh cho người khác được. Chứng minh là tự buộc mình
vào trong “trò chơi” của một số quy luật. Người ta có thể mượn khoa học để làm
sáng tỏ trên một phương diện nào đó một số quan niệm trong Phật Giáo, nhưng
cách hiểu thuần trí thức này nếu không dùng được thì quả là vô ích, vì trong
Phật Giáo, hiểu có nghĩa là hội nhập giáo lý Phật Giáo trong đời sống hàng
ngày. Vì sự hiểu biết của tôi về Phật Giáo cũng như về Khoa Học đều rất giới
hạn, nên tôi xin tự hạn trong chủ đề “Tính Chất Tương Đối Của Mọi Sự Vật Trong
Phật Giáo và Trong Khoa Học.”
Trong khoa học vật lý, nói đến
thuyết Tương Đối người ta nghĩ ngay đến Albert Einstein, vật lý gia nổi tiếng
nhất thế kỷ 20 và cũng là cha đẻ của thuyết Tương Đối. Thực ra, thuyết Tương
Đối của Einstein có hai: Thuyết Tương Đối Hẹp (Special Theory of Relativity)
trong đó các chuyển động tương đối là chuyển động đều (Vận tốc không thay đổi),
và Thuyết Tương Đối Suy Rộng (General Theory of Relativity) trong đó bao gồm
các chuyển động không đều và ảnh hưởng của trọng trường (gravity = sức vạn vật
hấp dẫn). Thuyết Tương Đối Suy Rộng khá phức tạp cho nên tôi xin được miễn bàn
tới, tuy nhiên chúng ta cần hiểu rằng thuyết này đã cho tiên đoán chính xác về
nguồn gốc vũ trụ và cho phép các khoa học gia tính ngược trở lại thời điểm của
Big Bang.
Thuyết Tương Đối Hẹp mô tả sự
thể hiện khác nhau của các thực thể vật chất tùy theo quan điểm của quan sát
viên (đúng ra là tùy theo trạng thái di chuyển tương đối giữa các quan sát
viên) nhưng đồng thời thuyết này cũng định nghĩa sự bất biến (không thay đổi)
hay tính tuyệt đối của các thực thể vật chất. Thí dụ: một cái thước chúng ta
cầm trên tay dài 100cm nhưng đối với một người đang di chuyển với một tốc độ
khá nhanh nào đó qua mặt chúng ta thì cái thước đó có thể thấy ngắn hơn, độ
90cm chẳng hạn. Một thí dụ khác là nếu chúng ta thấy chiếc đồng hồ đeo trên tay
chúng ta chạy được một khoảng thời gian nào đó thì đối với người đang di chuyển
trên, khoảng thời gian đó có vẻ như lâu hơn là khỏang thời gian mà chúng ta
thấy. Vậy, cả không gian (cái thước) và thời gian (đồng hồ) đều thay đổi tùy
theo sự di chuyển tương đối của mỗi người, danh từ khoa học gọi là tùy theo “hệ
thống qui chiếu” trong đó người ta thực hiện thí nghiệm đo lường.
Dùng toán học, chúng ta có thể
tính ra được sự dài ngắn khác nhau của cái thước và sự sai biệt thời gian của
cái đồng hồ tùy theo tính trên hệ thống qui chiếu của mỗi người. Nhưng nếu mỗi
người mang kết quả tính to án của mình ra, đặt sự tính to án đó vào khuôn khổ
hệ thống qui chiếu của người kia, thì hai kết quả lại hoàn toàn phù hợp với
nhau, nghĩa là trong sự thay đổi (tương đối) có sự không thay đổi (tuyệt đối).
Đây chính là một điểm sâu sắc trong thuyết tương đối hẹp của Einstein. Nhưng
đây cũng là một quan niệm quen thuộc trong Kinh Thủ Lăng Nghiêm, và quan niệm
về cái “một tuyệt đối” trong Phật Giáo hiển nhiên là rộng rãi, không bị giới hạn
như cái tuyệt đối tương đối của khoa học.
Sau đây tôi xin nêu vài kết quả
dễ hiểu nhất trong thuyết Tương Đối, tất cả những kết quả này đều có thể chứng
minh bằng toán học, và đặt song song với một số quan niệm trong Phật Giáo để
quý độc giả quán chiếu.
Đối với một quan sát viên đứng
yên thì: Kích thước của một vật đang di chuyển sẽ càng thu nhỏ hay ngắn lại nếu
vận tốc di chuyển của vật đó càng tăng, và vật đó sẽ biến mất khi vận tốc đạt
tới vận tốc của ánh sáng trong chân không. Trong Phật Giáo, quan niệm mang núi
Tu Di đặt trên đầu một sợi lông mà núi không hề thu nhỏ lại cũng như đầu sợi
lông không hề nở rộng ra không phải là một quan niệm hoang đường nếu chúng ta ý
thức được rõ tính tương đối của không gian.
Một chiếc đồng hồ đang di chuyển
sẽ chạy chậm dần nếu vận tốc di chuyển nhanh dần, và sẽ hoàn toàn ngưng lại
không chạy nữa, nhưng không phải là hỏng máy, khi vận tốc di chuyển của nó đạt
tới vận tốc của ánh sáng trong chân không. Trong Phật Giáo có quan niệm sống
trong hiện tại, bây giờ và ở đây. Sự ngưng đọng thời gian trong Phật Giáo hiển
nhiên liên hệ tới sự ngưng đọng tương đối của thời gian, nhất là khi tâm thức
của hành giả đi vào Đại Định.
Hai hiện tượng xảy ra tại hai
thời điểm khác nhau trong một hệ thống qui chiếu có thể xảy ra cùng lúc trong
một hệ thống qui chiếu khác. Trong Phật Giáo, nếu chúng ta đến Chùa Giác Ngộ
nghe Thầy Nhật Từ thuyết Pháp thì Tam Thế chư Phật cũng đang thuyết Pháp ở
nhiều nơi khác: cung trời Đâu Suất, Núi Linh Thứu, Hội Long Hoa v.v…
Mấy điều song song trên là để cho
chúng ta quán chiếu, không phải để thực nghiệm, vì trong đời sống hàng ngày,
muốn thấy các hiện tượng trên, vận tốc di chuyển của chúng ta phải cao tới mức
sấp sỉ vận tốc của ánh sáng trong chân không, nghĩa là khoảng 300 ngàn cây số
trong một giây đồng hồ (300000km/sec hay 18600 miles/sec). Nhưng chúng ta đừng
quên rằng, ý nghĩ và tâm thức của con người nhiều khi còn nhanh hơn là vận tốc
truyền của ánh sáng nữa.
Trong Phật Giáo cũng có thuyết
Tương Đối nhưng tổng quát hơn: mọi sự vật trên thế gian chỉ là tương đối. Điều
này có nghĩa là, hình sắc và tính chất của mọi sự vật luôn luôn biến đổi tùy
theo cảnh giới trong đó sự vật thể hiện. Nói một cách giản dị, thì tương đối có
nghĩa là “thấy vậy mà không phải vậy” bởi lẽ tùy theo quan điểm và vị thế quan sát
của mỗi người (hệ thống qui chiếu riêng), hình sắc và tính chất của một vật có
thể khác nhau. Ngoài ra, tính tương đối trong Phật Giáo còn thấy rõ trong luật
“vô thường”. Tính tương đối trong Phật Giáo không có gì là lạ, vì “Vạn pháp duy
tâm tạo” mà tâm của mỗi người mỗi khác, mỗi người có một nghiệp riêng và sống
trong một cảnh giới riêng. Để cho dễ hiểu, tôi xin lấy vài thí dụ.
Đối với đa số người Việt Nam thì một
thiếu nữ đẹp không thể là một người mập thù lù như con trâu nước. Nhưng đối với
một vài dân tộc ở Phi Châu thì người phụ nữ nào càng mập càng đẹp và càng dễ
lấy chồng.
Đối với một số người thì tiếng
hát của Thái Thanh trước đây là “tiếng hát vượt thời gian”. Nhưng đối với riêng
tôi thì tiếng hát Thái Thanh nhiều khi có pha chất giấm và so với kỹ thuật và
giọng ca thế kỷ của Maria Callas hoặc Joan Sutherland v.v… trước đây thì thật
là… bất khả thuyết. Nhưng đối với một người thích nghe Vọng Cổ thì có lẽ tiếng
hát của Thanh Sang là tuyệt vời hơn cả, cả Thái Thanh, Maria Callas hay Joan
Sutherland đều là đồ bỏ.
Bây giờ, giả thử bạn đang ngồi
yên tham thiền trước bàn thờ Phật trong một gian phòng. Có chắc là bạn đang
ngồi yên hay không? Đối với một con ruồi đang bay vo ve xung quanh bạn thì bạn
thật sự đang điên đảo đảo điên. Mà dù không có ruồi trong phòng thì cũng không
có gì gọi là ngồi yên cả. Thật vậy, bạn đang di chuyển trong không gian với một
vận tốc nhanh gấp 1000 lần vận tốc bạn thường lái xe trên xa lộ, vào khoảng
66600 miles/1 giờ [đây là vận tốc của trái đất trên quỹ đạo xung quanh mặt trời
trong Thái Dương Hệ]. Đồng thời trái đất cũng còn đang quay xung quanh trục Nam
Bắc với vận tốc quay khoảng 1040 miles/1 giờ. Như vậy, cái gọi là ngồi yên của
bạn chỉ là tương đối, vì thực tế là bạn đang điên đảo đảo điên trong không
gian.
Vì nằm trong Vật Lý học, nếu
thuyết Tương Đối trong khoa học chỉ có những áp dụng giới hạn trong thế giới
vật chất, thì thuyết Tương Đối trong Phật Giáo có tác dụng mở rộng tâm thức của
con người đến vô hạn. Cũng như mọi quan niệm khác trong Phật Giáo, quan niệm
tương đối không phải để tranh luận mà để quán chiếu và hội nhập. Có thể nói,
thấy được tính tương đối của mọi sự vật là thấy được tính hòa hợp của mọi sự
vật, cùng lúc cũng thấy được tính vô thường và vô ngã của vạn pháp. Tuy nhiên,
thực tế cho thấy rằng, 99% những hành động và ý nghĩ của chúng ta là để phục vụ
cho “cái Ta”. Chính là vì chỉ để phục vụ cho “cái Ta” mà nhiều khi chúng ta gặp
phải những điều phiền toái. Với kinh nghiệm bản thân, sau đây tôi xin đề nghị
một lối sống cho “cái Ta” (có vẻ trái với giáo lý Đại Thừa).
Sống cho “cái Ta” là sống cho
chính mình, không sống vì người khác. Nhưng thế nào là sống cho chính mình. Đơn
giản thôi. Nếu bạn có thể mặc một bộ quần áo đắt tiền, rất hợp thời trang, hoặc
lái một chiếc xe đắt tiền, đeo những trang sức quý giá v.v.., thuần túy vì bạn
có khả năng kiếm tiền lương thiện, và thích như vậy [khoan nói đến chuyện có để
ra phần nào để làm việc từ thiện] chứ không phải để cho người khác nhìn vào thì
có thể nói bạn đã sống cho chính mình. Nếu bạn có thể tới Chùa lễ Phật, nghe
thuyết Pháp, làm công quả… thuần túy vì đạo tâm đưa đẩy chứ không phải để cho
người khác nhìn vào hay để lấy điểm với vị trụ trì thì bạn cũng đang sống cho
chính mình. Nói tóm lại, nếu bạn làm bất cứ việc gì mà không phải để cho người
khác nhìn vào thì thực sự bạn đã đang sống cho chính mình. Nếu bạn thực sự sống
cho chính mình thì đời sống của bạn sẽ vô cùng thoải mái. Nếu bạn sống để cho
người khác nhìn vào thì bạn sẽ thất vọng vì bản chất tương đối của mọi sự vật.
Bạn sẽ thấy rằng trong cái lối cho chính mình như trên, “cái Ta” của bạn thực
sự không còn lại bao nhiêu, và đây chính là một phương pháp tu tập trong Phật
Giáo.
Tôi còn nhớ, khi còn dạy ở Đại
Học Wisconsin, Madison, có một đồng nghiệp người Mỹ muốn tôi
theo Ki- Tô Giáo nhưng biết tôi là một Phật Tử. Một hôm, anh ta hỏi tôi: “Theo
Phật Giáo thì được cái gì?” Tôi biết là người Ki-Tô thường được hứa hẹn nhiều
thứ lắm, trong đời này cũng như đời sau. Tôi bèn trả lời: “Chẳng được cái gì
cả, trái lại tôi mất đi nhiều lắm. Tôi chỉ được những cái còn lại” [Nothing! On
the contrary I lost a lot. What’s left is what I gain]. Tôi không nghĩ rằng anh
ta hiểu, và tôi cũng không giải thích gì thêm.
Trên đây tôi đã viết một cách
hết sức sơ lược về quan niệm tương đối trong khoa học và trong Phật Giáo. Tôi
hiểu rằng, ngày nay, sống trong những xã hội được coi là văn minh tiến bộ, con
người thường bị hào quang của những tiến bô khoa học và tiện nghi vật chất làm
cho lóa mắt. Không ai có thể phủ nhận là đời sống của con người ngày nay được
thoải mái và tiện nghi hơn trước, dù chỉ trong phần nào của thế giới, là nhờ ở
những tiến bộ của khoa học kỹ thuật và những phó sản tiện nghi của nó. Nhưng
đây chỉ là khía cạnh vật chất của cuộc đời. Giữa vật chất và tinh thần cần phải
có một hòa hợp, nếu không con người sẽ ở trong tình trạng mất cân bằng. Thật
vậy, thay vì dùng khoa học để hỗ trợ, phát triển, hoàn bị đời sống tinh thần,
nếu người ta lại bị vướng mắc vào những tiện nghi vật chất, rồi phải tìm hết
cách, kể cả những thủ đoạn vô đạo đức, để được “hơn người” thì những tiện nghi
vật chất này đương nhiên trở thành sự thoái hóa hoặc sa đọa của đời sống tinh
thần. Điều này chúng ta có thể nhìn thấy rõ trong những xã hội được gọi là văn
minh tiến bộ về kỹ thuật. Cũng vì vậy cho nên chúng ta không lấy làm lạ khi một
số khoa học gia có lương tâm con người đã lên án khoa học kỹ thuật là một bộ
môn “vô tâm, thấp kém, thiếu sót, vô thường, nguyên nhân của nhiều ác nghiệp.”
Những tiến bộ kỹ thuật đưa tới
sự chính xác của bom Smart hoặc hỏa tiễn Tomahawk dùng trong cuộc chiến ở Trung
Đông trước đây, và vài vũ khí khác mới phát minh được dùng trong cuộc chiến ở
Iraq ngày nay, thực ra không phải là niềm hãnh diện của nhân loại. Mong sao
trong tương lai thế giới sẽ đầu tư vào việc nâng cao đời sống tinh thần của con
người thay vì vào những vũ khí hủy diệt con người. Tôi tin rằng Phật Giáo, với
bản chất hòa bình và tôn trọng con người, sẽ có những đóng góp đáng kể trong
nhiệm vụ này. Tôi cũng mong mọi Phật tử chúng ta sẽ nhìn khoa học với một cặp
mắt khôn ngoan, nhận đúng vị thế của khoa học trong đời sống con người, và tìm
ra một lối sống hòa hợp đưa tới sự cân bằng giữa vật chất và tinh thần. Có thể
vì vậy mà thế giới loài người sẽ tốt đẹp hơn chăng?