Sách 3D
Phật Giáo Và Khoa Học
Phúc Lâm Nhà Xuất Bản Tôn Giáo
Đã cập nhật: 0 phút
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

 

06. Phật giáo và khuôn mẫu toàn ký trong khoa học

 

 

Quan niệm nhìn vũ trụ một cách toàn ký (The holographic view of the universe) là một quan niệm mới trong khoa học hiện đại, bắt nguồn từ sự khám phá ra kỹ thuật chụp hình toàn ký vài thập niên trước đây. Kỹ thuật chụp hình toàn ký này đã giúp cho một số khoa học gia giải quyết được một số khúc mắc trong những công cuộc khảo cứu của họ về ký ức của con người cũng như trong ngành vật lý các hạt nhỏ (particle physics). Các khoa học gia này, từ những kết quả khảo cứu mới nhất, đã đưa ra những bằng chứng và đề nghị rằng thế giới của chúng ta ngày nay và mọi thứ trong đó chẳng qua chỉ là những hình ảnh không thực, là những dự phóng của một thực thể vượt ra ngoài thực thể của con người và vượt ra ngoài không gian và thời gian.

Hai khoa học gia được biết đến nhiều nhất trong quan niệm mới này là nhà vật-lý học David Bohm, rất nổi tiếng trong ngành vật lý nguyên lượng (quantum mechanics), thuộc đại học Luân Đôn, Anh quốc, và Karl Pribam, một nhà thần-kinh sinh-lý-học (neurophysiologist) thuộc đại học Stanford, California. Điều đặc biệt là Bohm và Pribam, tuy khảo cứu về hai ngành hoàn toàn khác biệt, cùng phải dựa vào quan niệm toàn ký để giải thích những kết quả khảo cứu của mình. Bohm khảo sát về sự tương tác của các hạt nhỏ trong ngành vật lý tiềm nguyên tử (subatomic physics), và Pribam khảo sát về ký ức của con người trong ngành thần-kinh sinh-lý học. Không đi vào chi tiết, hai khoa học gia trên đều nhận thấy rằng các lý thuyết cũ trong khoa học không đủ để giải thích mọi vấn đề trong các ngành khảo cứu của họ, và khuôn mẫu toàn ký (holographic paradigm) đã giúp họ giải thích một cách hợp lý các kết quả khoa học của họ.

Nghiên cứu kỹ vấn đề, chúng ta có thể nói ngay rằng khuôn mẫu toàn ký chẳng qua chỉ là sự thuyết giải khoa học của một phần nhỏ những quan niệm đặc thù trong Phật Giáo đã có từ nhiều thế kỷ trước như tương duyên, tương tức, tương nhập, tương liên, một là tất cả v.v... Nhưng trước hết, chúng ta hãy tìm hiểu đại cương thế nào là khuôn mẫu toàn ký.

Toàn ký (holography) là một kỹ thuật tạo hình ảnh bằng một loại ánh sáng đặc biệt thường được biết tới tên quen thuộc là ánh sáng LASER và hiện tượng giao thoa (interference) quen thuộc của các sóng. LASER là những chữ đầu của "Light Amplification by Stimulated Emission of Radiation", có nghĩa là "ánh sáng khuếch đại do phát xạ kích thích của bức xạ", hay gọn hơn: "ánh sáng khuếch đại do bức xạ kích thích".

Một phim ảnh toàn ký được tạo ra khi một tia sáng LASER đơn sắc được tách ra làm hai tia riêng biệt. Tia thứ nhất được chiếu trên vật muốn chụp hình, thí dụ một bức tượng Phật, dội lại và hợp với tia thứ hai tạo thành một mô thức giao thoa và được ghi trên một tấm phim ảnh.

Dùng mắt thường mà nhìn thì hình giao thoa trên tấm phim không có gì là giống bức tượng Phật cả, mà chỉ là một số mô hình gồm những vòng đồng tâm tương tự như những vòng sóng lăn tăn trên mặt nước khi ta ném một nắm sỏi xuống nước. Nhưng khi ta chiếu qua tấm phim này bằng một tia LASER khác, hoặc đôi khi chỉ cần một ngọn đèn thật sáng, một cái hình nổi của bức tượng Phật sẽ hiện ra. Hình này trông y như thật, ta có thể đi vòng xung quanh hình tượng Phật này và thấy đó là một bức tượng thật, bất kể nhìn dưới góc cạnh nào. Nhưng nếu ta muốn nắm bắt hình tượng Phật này thì ta sẽ không thành công bởi vì khi ta đưa tay vào chỗ hình tượng Phật này thì sẽ không thấy gì, vì thật ra đó chỉ là một ảo ảnh. Ngày xưa Phật đã chẳng nói, Phật thì vô hình vô tướng, làm sao mà nắm bắt được, và Tâm Kinh đã chẳng dạy là "Sắc chẳng khác không, không chẳng khác sắc, sắc chính là không, không chính là sắc" hay sao?

Nhưng điểm kỳ diệu của kỹ thuật toàn ký là, nếu ta cắt tấm phim ảnh ra làm hai, rồi chiếu lên mỗi nửa tấm phim này bằng một tia LASER, ta sẽ thấy mỗi nửa tấm phim sẽ lại tạo ra hình ảnh của toàn phần tượng Phật. Cứ tiếp tục chia cắt như vậy, mỗi mảnh nhỏ của tấm phim vẫn tạo ra nguyên hình của toàn thể bức tượng tuy càng ngày càng mờ nếu mảnh phim càng ngày càng nhỏ hơn. Nói tóm lại, kỹ thuật toàn ký đã khám phá lại một phần của một quan niệm rất quen thuộc trong Phật Giáo: một là tất cả. Để cho sự so sánh được rõ ràng hơn, có lẽ chúng ta nên đi thêm vào vài chi tiết trong công cuộc khảo cứu của Pribam và Bohm.

Pribam khám phá ra rằng, ký ức của con người được phân bố đều trong bộ óc và mỗi phần của bộ óc chứa trọn vẹn những thông tin mà bộ óc ghi nhận. Nếu ta cắt bỏ một phần các vùng ký ức, có khi là một phần khá lớn, ở trong óc một người thì ký ức của người đó không bao giờ mất đi một phần, và nếu người đó nhớ một cái gì đó thì bao giờ cũng nhớ trọn vẹn chứ không bao giờ chỉ nhớ một phần, thí dụ như chỉ nhớ 1 phần những người trong gia đình, hay một phần của một khuôn mặt quen thuộc, hay một phần của một câu chuyện mà người đó đã được kể cho nghe.

Khảo sát về sự tương tác giữa các hạt nhỏ trong ngành vật lý tiềm nguyên tử, Bohm đưa ra nhận định như sau: Thuyết tương đối, quan trọng hơn nữa, cơ học nguyên lượng (quantum mechanics) đề nghị rằng, người ta không thể phân tích thế giới thành những phần riêng biệt và độc lập. Hơn nữa, mỗi phần có vẻ như bằng cách nào đó liên hệ tới mọi phần khác: chứa đựng lẫn nhau hoặc bao hàm nhau.

Chúng ta thấy rằng kỹ thuật toàn ký đã tạo ra một căn bản giải thích những kết quả khảo cứu của Pribam và Bohm. Và Pribam đã đặt một câu hỏi: Nếu các hình ảnh của thực tại ghi trong óc của chúng ta không phải là một hình ảnh như chúng ta thường thấy mà là một toàn ký đồ (hologram), vậy thì toàn ký đồ là cái gì?

Vấn đề khúc mắc là ở chỗ nếu ta chụp hình toàn ký một cảnh, thí dụ một đám người ngồi quanh một cái bàn, và khi rửa phim ra ta thấy không phải là một đám người mà lại là những hình giao thoa, vậy thì thực tại là cái gì? Là những hình ảnh thông thường chúng ta thấy ở ngoài đời ghi nhận bởi quan sát viên/nhiếp ảnh viên hay là những hình mờ ảo giao thoa ghi bởi máy chụp hình/óc con ngườỉ? Pribam ý thức được rằng cái mẫu về "óc toàn ký" với những các kết luận hợp lý của nó đã dẫn đến một vấn nạn về thế giới của thực tại khách quan; thế giới của sông, núi, cây cỏ có thể là không hiện hữu, ít ra là không hiện hữu như chúng ta thường tưởng là hiện hữu. Phải chăng quan niệm về ảo tưởng (maya) của những huyền nhiệm gia cách đây nhiều thế kỷ là đúng, và những cảnh xum la vạn tượng chẳng qua chỉ là vùng rộng lớn các tần số (vast frequency domain) biến đổi thành những sự vật SAU KHI nhập vào các giác quan của con người. Nhưng lãnh vực khảo cứu của Pribam chỉ về ký ức con ngưòi, và khi biết được những kết quả khảo cứu của Bohm, không những Pribam tìm ra được giải đáp cho những thắc mắc trên mà còn biết được rằng, theo Bohm, toàn thể vũ trụ chỉ là một toàn ký đồ (hologram).

Nói một cách vắn tắt thì quan niệm về vũ trụ của Bohm như sau: thực tại mà chúng ta thấy hàng ngày thực ra chỉ là một loại ảo tưởng, giống như một hình ảnh toàn ký. Đằng sau cái thực tại này là một sự xếp đặt sâu sắc hơn của sự hiện hữu mà ta có thể coi như là bản chất rộng lớn của một thực tại từ đó sinh ra mọi sự vật tạo thành thế giới vật chất của chúng ta, giống như một mảnh phim toàn ký tạo ra một toàn-ký-đồ. Bohm gọi cái thực tại sâu sắc này là cấp ẩn (implicate order) hay sự xếp đặt ẩn và những thứ chúng ta thấy thường ngày thuộc cấp hiện (explicate order) hay sự xếp đặt hiện của mọi vật. Nói một cách tóm tắt dễ hiểu thì mọi vật đều sinh ra từ một căn bản chung, và căn bản chung này khi nhập vào giác quan của con người thì sinh ra mọi sai biệt mà chúng ta thường thấy ở ngoài đời.

Nhưng có ai ngờ rằng, những quan niệm về vũ trụ dựa trên khuôn mẫu toàn ký trên đã là những quan niệm đặc thù của Phật Giáo từ bao thế kỷ trước đây. Thật vậy, quan niệm về Chân Không Diệu Hữu, hay quan niệm về Chân Đế và Tục Đế của Bồ Tát Long Thọ trong Đại Trí Độ Luận, và quan niệm về Tâm Chân Như và Tâm Sai Biệt của Bồ Tát Mã Minh trong Đại Thừa Khởi Tín Luận không khác gì quan niệm toàn ký của Bohm ở trên, nếu không muốn nói là còn sâu sắc hơn và đầy đủ hơn. Và, nếu chúng ta quen thuộc với kinh điển Phật Giáo, nhất là kinh Hoa Nghiêm, thì chúng ta sẽ thấy rằng khuôn mẫu toàn ký và những quan niệm của Pribam và Bohm thực sự đã chậm mất 25 thế kỷ. Để làm sáng tỏ vấn đề này, chúng ta hãy đọc phớt qua chút ít về Kinh Hoa Nghiêm.

Trước hết, chúng ta hãy đọc vài lời tựa của Hòa Thượng Thích Đức Niệm ở đầu mỗi cuốn trong bộ kinh Hoa Nghiêm do Thích Trí Tịnh dịch:

"Kinh Hoa Nghiêm là bộ Kinh Đại Thừa, là vua trong các Kinh, với nội dung siêu việt tuyệt luân hùng vĩ, tráng lệ nguy nga, thể hiện Pháp thân, tư tưởng và tâm nguyện của Phật.

... Tư tưởng Hoa Nghiêm trình bày vạn pháp do tâm sanh. Tâm là thực thể của vạn pháp. Tâm vọng thì vạn pháp hoạt hiện sai biệt, hình hình sắc sắc, trùng trùng duyên khởi, cái này có cái kia có và ngược lại, như lưới đế châu. Tâm chơn thì pháp giới tánh với tâm là một, vạn vật đồng nhất thể....Kinh Hoa Nghiêm, đức Phật chỉ cho chúng sanh thấu rõ cội nguồn của xum la vạn tượng do mê thức vọng tưởng nghiệp duyên hình thành, các pháp hiện hành trong vũ trụ là huyễn hóa, như hoa trong gương, như trăng dưới nước. Tất cả vạn pháp trong pháp giới đều từ tâm sanh. Tâm trùm khắp cả pháp giới. Tất cả vạn hữu vũ trụ có thể nằm gọn trong hạt cải. Hạt cải có thể thâu nhiếp tất cả vũ trụ vạn pháp. Thể tánh của tâm nhiếp thâu tất cả. Tất cả là một, một là tất cả."

Vài lời trên đã tóm tắt phần nào những tinh túy của Kinh Hoa Nghiêm. Thật vậy, chúng ta hãy đọc đoạn sau đây trong Phẩm Nhập Pháp Giới, lời của nữ nhân Thích Ca Cù Ba giảng một pháp môn giải thoát cho Thiện Tài đồng tử:

"Này Thiện Nam Tử!.. Ta quán thân của Bồ Tát, nơi mỗi lỗ chân lông, mỗi niệm thấy vô lượng vô biên thế giới rộng lớn, những sự an trụ, trang nghiêm, hình trạng, những núi, đất, mây, danh hiệu, Phật xuất thế, những đạo tràng, chúng hội, diễn thuyết những khế kinh, những sự quán đảnh, các thừa, những phương tiện, những thanh tịnh.

Lại mỗi niệm nơi mỗi lỗ chân lông của Bồ Tát thường thấy vô biên phật hải, những sự ngồi đạo tràng, những thần biến, thuyết pháp, thuyết kinh hằng không gián đoạn.

Lại nơi mỗi lỗ chân lông của Bồ Tát thấy vô biên chúng sanh hải: những trụ xứ, hình mạo, tác nghiệp, căn tánh...."

Với lời tựa của Hòa Thượng Thích Đức Niệm và lời trích dẫn trong kinh Hoa Nghiêm chúng ta thấy rằng quan niệm toàn ký của các khoa học gia đã dựa vào các tư tưởng của Phật Giáo rất nhiều. Nhưng xét cho kỹ thì quan niệm toàn ký trong khoa học chỉ có tác dụng giải thích một số khúc mắc trong khoa học một cách đại cương trong khi quan niệm về tương thông, tương túc, hay dung thông vô ngại bao trùm mọi pháp giới. Nếu chúng ta đọc đoạn cuối của Kinh Hoa Nghiêm, khi Thiện Tài đồng tử vào trong lâu các Tỳ Lô Giá Na và rồi sau đó gặp Phổ Hiền Bồ Tát thì chúng ta sẽ thấy quan niệm về một vi trần chứa đủ thiên sai vạn biệt trong vũ trụ đã được trình bày với đầy đủ chi tiết và kèm vào đó những công hạnh của Bồ Tát. Và đây chính là điểm vi diệu của Kinh Phật vì ngoài việc dùng để giải thích những sự việc ngoài đời như khoa học, điểm chính yếu là cái dụng của Kinh Phật như sẽ được tóm tắt sau đây.

Chúng ta biết rằng kinh căn bản trong Hoa Nghiêm Tông là Kinh Hoa Nghiêm. Kinh Hoa Nghiêm bao gồm toàn bộ giáo lý Phật Giáo một cách hòa hợp, đa dạng; đó là một kinh được coi là cao nhất trong mọi kinh Phật ở Á Châu. Kinh trình bày một môn siêu hình học vô cùng tiến bộ và là một tập hợp phát triển tư tưởng một cách kỹ lưỡng, tinh tế để dẫn con người tới toàn giác.

Nhưng muốn nhận định đúng giá trị của Kinh Hoa Nghiêm chúng ta phải xét đến cái mặt dụng của Kinh này. Vì chúng ta đã biết, trong Phật Giáo, Kinh Phật thật là vô ích nếu chúng ta chỉ để ý tới phần lý thuyết mà không áp dụng chúng vào đời sống thường ngày. Các thiền sư thường ví những người tìm hiểu kinh mà không thực hành như là những người "đọc thực đơn mà không ăn" hay là "đếm tiền của thiên hạ trong ngân hàng".

Nói một cách ngắn gọn, Kinh Hoa Nghiêm cho chúng ta một tập hợp những phương thức tu tập - một lối nhìn sự vật trên mọi góc cạnh, từ đó khám phá ra sự hòa hợp và bổ túc lẫn nhau tiềm ẩn sau những khác biệt và mâu thuẫn biểu kiến của mọi sự vật ở trên đời. Giá trị của sự tu tập này là sự phát triển một quan điểm tròn đầy, lành mạnh, giúp ta khám phá ra sự thống nhất của mọi Pháp nhưng không phủ nhận sự khác biệt của các Pháp. Từ quan điểm này, con người vượt qua được những ngăn ngại tâm linh do sự chấp vào các sai biệt của vạn vật mà sinh ra. Từ đó, với sự phát triển bồ đề tâm, cái quan điểm viên dung này vận hành bất tuyệt trên cách hành xử của các bồ tát trong công cuộc tự giác, giác tha. Một khi hội nhập được vào ý tưởng dung thông vô ngại của Kinh Hoa Nghiêm, với căn bản là bồ đề tâm, hành giả sẽ không còn bị ngăn ngại bởi bất cứ cái gì về cách hành xử trong Bồ Tát Đạo.

Bài trên đây chỉ có mục đích chứng tỏ rằng các tư tưởng trong Phật Giáo đã đi trước và sâu sắc hơn các quan niệm của khoa học hiện đại nhiều, hiển nhiên tôi không thể đi vào chi tiết của khoa học cũng như Kinh điển Phật Giáo trong một bài viết ngắn. Bạn đọc nào muốn hiểu thêm về bồ đề tâm hay những quan niệm như tương duyên, tương tức, dung thông vô ngại trong Phật Giáo xin hãy chăm đi lễ Chùa và thụ huấn quý Thày. Tôi bảo đảm là các bạn sẽ không cảm thấy lãng phí thì giờ trong việc tìm hiểu kinh Phật vì Kinh Phật là một kho tàng vô giá và vô tận để phát triển trí tuệ con người.

Đôi Lời Kết Luận Về Con Người Và Vũ Trụ

Trong tinh thần khoa học, không ai bắt buộc ai phải tin vào thuyết Big Bang về nguồn gốc vũ trụ hay thuyết Tiến Hóa về nguồn gốc con người. Tuy nhiên, chúng ta không thể phủ nhận là, những kiến thức về vũ trụ và con người ngày nay đã giúp con người ra khỏi vòng mê tín vào những niềm tin tôn giáo cổ xưa về nguồn gốc vũ trụ và con người.

Ngày nay chúng ta biết rằng trái đất không phải là trung tâm của Thái Dương Hệ, cũng không phải là trung tâm của giải Ngân Hà, và tất nhiên không phải trung tâm của vũ trụ. Trái đất mà chúng ta sống trên đó không có gì đặc biệt, đó chỉ là một hành tinh quay xung quanh một ngôi sao không có gì đặc biệt trong một thiên hà không có gì đặc biệt trong số hàng trăm triệu thiên hà trong vũ trụ, mỗi thiên hà có cả trăm tỷ ngôi sao. Chúng ta cho nó là đặc biệt vì chúng ta sống trên đó, nhưng trong thực tế, trái đất chỉ là một hạt bụi vũ trụ [Trái đất: đường kính 12728 km, so với vũ trụ rộng 14 tỷ năm ánh sáng].

Chúng ta đều biết, trái đất nằm trong Thái Dương Hệ gồm có Mặt Trời và 9 hành tinh. Trái đất là một trong 9 hành tinh của Mặt Trời. Thái Dương Hệ nằm trong giải Ngân Hà trong đó có khoảng 200 tỷ ngôi sao mà Mặt Trời là một trong những ngôi sao đó. Chúng ta không thấy mặt trời lấp lánh như sao vì mặt trời tương đối ở gần chúng ta so với các ngôi sao khác. Nếu mặt trời lùi ra xa một khoảng cách gấp 250000 lần khoảng cách hiện nay thì ban đêm chúng ta sẽ thấy mặt trời lấp lánh như những ngôi sao khác. Lẽ dĩ nhiên khi đó thì không có một sinh vật nào có thể sống trên trái đất và không làm gì có “chúng ta” để mà nhìn “sao mặt trời” trên trời. Trong một vũ trụ rộng khoảng 14 tỷ năm ánh sáng và chứa hàng tỷ thiên hà, mỗi thiên hà chứa hàng trăm tỷ ngôi sao và hành tinh, thì trái đất mà những người Ki Tô Giáo tin rằng Thiên Chúa của họ đã đặc biệt “sáng tạo” ra để phục vụ riêng con người chẳng qua chỉ là một hạt bụi trong vũ trụ và không có gì đặc biệt hơn hàng tỷ các hạt bụi khác trong vũ trụ.

Sự sống của chúng ta trên trái đất cũng không có gì là đặc biệt. Chúng ta, hiện nay có trên 6 tỷ người, sống chung với cả tỷ tỷ [trillions] các loại sâu bọ, chưa kể hàng triệu các loại sinh vật khác. Mọi sinh vật trên trái đất đều nằm trong luật Vô Thường: Sinh, Trụ, Hoại, Diệt, không có một loài sinh vật nào được miễn trừ, không có một quyền năng nào, kể cả quyền năng của một Thiên Chúa trong niềm tin của các tín đồ Ki Tô, có thể thay đổi. Con người chúng ta chỉ là một dạng sinh vật ở cấp tương đối cao, vì chúng ta nằm trong một quá trình tiến hóa đặc biệt, cho nên phát triển để có lý trí, có đầu óc suy tư, từ đó con người đã tiến hóa từ thời đồ đá, đồ đồng, đồ sắt cho đến thời đại nguyên tử ngày nay. Đi vào thế giới của DNA, 99% DNA của chúng ta giống y hệt DNA của các con vượn (chimpanzees) và các con khỉ đột (gorilla) dù chúng ta có muốn chấp nhận hay không. 1% khác biệt đã tạo nên nền văn minh của chúng ta trong đó có nghệ thuật, văn chương v.v... Như vậy chúng ta có 99% khỉ, và chỉ có 1% là người, vì vậy chúng ta thường hay làm những trò gọi là “trò con khỉ”.

Thuyết Tiến Hóa của Darwin và những phát triển sau đó ngày nay đã dứt khoát chứng tỏ rằng: con người sinh ra không phải là do Thiên Chúa của Ki Tô Giáo (God) “sáng tạo” ra mà tiến hóa từ những dạng sống thấp hơn, và như vậy đã dứt khoát bác bỏ thuyết Sáng Tạo trong Kinh Thánh của Ki Tô Giáo, bác bỏ vai trò sáng tạo của Thiên Chúa của Ki Tô Giáo, biến những chuyện như “tội tổ tông”, “chuộc tội”, “cứu rỗi” v.v.. trong Ki Tô Giáo thành những chuyện hoang đường không thể chấp nhận trong thế giới ngày nay [Xin đọc thêm những bài Huyền Thoại Cứu Rỗi của Linh mục James Kavanaugh, Giê-su Là Đấng Cứu Thế: Một Vai Trò Cần Phải Dẹp Bỏ của Giám mục John Shelby Spong, và Những Lời Châu Ngọc Về Ki Tô Giáo của Robert G. Ingersoll trên trang nhà Giao Điểm trước đây. TCN], tuy tất cả những tác dụng thay đổi đầu óc con người trên không phải là mục đích của thuyết Tiến Hóa..

Những người Ki-Tô tin rằng Thiên Chúa của họ đã đặc biệt “sáng tạo” ra loài người nhưng họ quên rằng tai con chó thính hơn tai người, mũi con chó thính hơn mũi người, mắt con dơi sáng hơn mắt người trong đêm tối v.v.., và một loại vi-rút (virus) rất nhỏ nhoi cũng có thể giết cả triệu người như bệnh dịch hạch phát ra ở Âu Châu trước đây. Khoan kể đến chuyện Thiên Chúa “toàn năng” của Ki-Tô Giáo, cũng như chúng ta, đều hoàn toàn bất lực trước những thiên tai như bão lốc, Tsunamis, cuồng phong, núi lửa, lụt lội v.v... và riêng đối với loài người thì hoàn toàn bất lực trước những quái thai, bào thai khuyết tật v.v... sinh ra đời. Những thiên tai này không chừa một ai, kể cả những người tin vào quyền năng của chính Thiên Chúa của họ. Do đó, luận điệu Thần Học về một Đấng Tối Cao, sáng tạo ra muôn loài, đặc biệt sáng tạo ra loài người, và nhất là thương yêu chúng ta không còn đứng vững trong thời đại ngày nay. Chúng ta đã đi từ thời bán khai, đến thời Trung Cổ, và bỏ lại đàng sau những gì thuộc các thời đại đó, không còn có giá trị gì hay thích hợp với chúng ta ngày nay.

Với thời gian, từ khi mới thành lập, nền thần học Ki-tô Giáo, đã đưa ra nhiều luận cứ để “chứng minh” là có Thiên Chúa của họ, thực ra chỉ là một vị Thần trong niềm tin của người Do Thái [Thần Jehovah, Con của ông ta, Jesus, đều là người Do Thái], nhưng tất cả những luận cứ thần học này, thí dụ như Luận Cứ Về Bản Thể (Ontological Argument) của St. Anselm và René Descartes, Luận Cứ Vũ Trụ hay Nguyên Nhân Đầu Tiên (Cosmological Argument) của Thomas Aquinas, Luận Cứ Cứu Cánh (Teleological Argument) hay Thiết Kế (Design Argument) của William Paley, Luận Cứ Đạo Đức (Moral Argument) v.v.., ) đều đã bị dứt khoát bác bỏ bởi sự tiến bộ trí thức của nhân loại và bởi những bằng chứng bất khả phủ bác của khoa học về nguồn gốc vũ trụ và nguồn gốc con người.

Hiển nhiên là Ki Tô Giáo không đội trời chung với Charles Darwin vì Ki Tô Giáo muốn con người phải tin vào những điều viển vông, hoang đường, phản khoa học, phi lý trí, không thể kiểm chứng được, nếu không muốn nói là làm ô nhiễm đầu óc con người trong thời đại này. Cũng vì vậy, ngay từ khi thuyết Tiến Hóa ra đời, Ki Tô Giáo đã tích cực ra công chống đối thuyết Tiến Hóa, chống đối vì cần tiếp tục nhốt tín đồ trong những ngục tù tư tưởng, trói chặt tín đồ bằng những xiềng xích trí tuệ, và nuôi dưỡng sự mê tín trong đám tín đồ thấp kém, từ đó mới có thể duy trì được quyền lực tinh thần tự tạo của giới chăn chiên trên đám tín đồ, và tiếp tục hưởng thụ vật chất trên sự nghèo khổ của đa số tín đồ nghèo khó. Điều lạ là sự chống đối đó vẫn còn tiếp tục cho tới ngày nay từ một vài ốc đảo Tin Lành ở Mỹ, miền đất mà Darwin chưa bao giờ đặt chân đến, với sự phụ họa của một số tân tòng Tin Lành Việt Nam qua những luận cứ rất ấu trĩ và hoang đường.

Những người Ki-Tô tin vào thuyết sáng tạo của họ, tin rằng Thiên Chúa của họ đã đặc biệt sáng tạo ra con người theo hình ảnh của Thiên Chúa của họ, thường không đủ đầu óc để thấy rằng, chính cái niềm tin đó đã biến Thiên Chúa của họ thành một ác quỷ theo như nhận định của James A. Haught trong cuốn Holy Horrors. Suy nghĩ thêm một chút, chúng ta thấy về con người, chúng ta có thể phần nào an tâm hơn trước những bất toàn về đủ mọi mặt trên thế giới nếu chấp nhận thuyết Tiến Hóa, vì đó là một định luật thiên nhiên. Nếu chúng ta tin rằng con người là sản phẩm sáng tạo của Thiên Chúa của Ki Tô Giáo theo hình ảnh của Thiên Chúa thì đó chính là một sản phẩm tệ hại nhất cần phải lên án. Tại sao? Vì những súc vật, ác thú có cắn giết nhau cũng chỉ vì miếng ăn hoặc tranh giành con cái con đực và thuờng chỉ trong một phạm vi rất nhỏ. Trái lại, loài người do Thiên Chúa sáng tạo ra đã phát sinh ra Ki Tô Giáo với những núi tội ác làm chết hại nhiều triệu người qua những cuộc Thập Ác Chinh, Tòa Án xử Dị Giáo, Săn Lùng Phù Thủy, chiến tranh tôn giáo v.v… Hình ảnh của Thiên Chúa cũng hiện ra trên Hitler với 6 triệu mạng người Do Thái, trên những người phát minh ra những vũ khí nguyên tử, các loại bom đạn có thể giết hàng loạt người một lúc. Vậy so với thú vật, chúng ta có hơn gì không, hay là căn bản chúng ta ác và tàn bạo hơn các thú vật rất nhiều? Những người Ki Tô có bao giờ nghĩ đến vấn đề này không? Mỗi khi tôi thấy người ta vinh danh những “khoa học gia” phát minh ra những vũ khí độc hại có thể phá tan các công sự và giết được nhiều người, trong số này hình như có một người Việt Nam nào đó, tôi thấy những người Ki Tô thực sự đang mạ lỵ Thiên Chúa của họ nếu họ tin rằng Thiên Chúa đã sáng tạo ra loài người.

Những khám phá khoa học bắt nguồn từ Thuyết Tiến Hóa về vũ trụ và con người rất phù hợp với những tư tưởng đặc thù của Phật Giáo, rằng tất cả mọi sự vật trên thế gian đều liên hệ tới nhau, và tất cả đều nằm trong luật vô thường. Mặt khác, Khoa Sinh Học ngày nay cũng đã chứng minh là các loài khỉ cũng như các giống người đều cùng có nguồn gốc xa xưa từ những tổ tiên trong đó đã có sẵn mầm mống tính người, chứ không phải là khỉ tiến hóa thành người. Hơn nữa, chúng ta đã biết, Giáo sư Trịnh Xuân Thuận đã nhận định trong cuốn. “Sự Vô Tận Trong Lòng Bàn Tay” (L'Infini Dans La Paume de la Main”), dựa trên những kết quả khoa học cận đại chính xác nhất: "Tiến hóa từ những cát bụi của những ngôi sao, chúng ta chia sẻ cùng một lịch sử vũ trụ với những con sư tử trong những vùng hoang mạc và những bông hoa tỏa mùi thơm". Phải chăng Đức Phật đã quán chiếu thấy rõ những chân lý này cho nên Phật Giáo đã là tôn giáo duy nhất trên thế gian chủ trương hòa bình, không sát sinh, không những con người hòa bình với con người, mà còn hòa bình với mọi chúng sinh, với cả cây cỏ. Bất hạnh thay, về phương diện tâm linh, đa số trong nhân loại vẫn còn đi sau Phật Giáo khá xa, cho nên trên thế giới ngày nay, luôn luôn vẫn còn những cảnh chém giết tàn sát lẫn nhau, hủy diệt môi sinh v.v.., tất cả chỉ để phục vụ cho niềm hoang tưởng là mọi thứ đều thường hằng, và để thỏa mãn những ham muốn vật chất mà bản chất là vô thường và thường gây tác tại cho chính bản thân và cho xã hội.