02. Phật
giáo và khoa học
(Buddhism and Science)
Nguyên tác của Tiến Sĩ
Buddhadasa P.Kirthisinghe. Tổng Thư Ký Á-Châu Vụ. Đại Diện Hội Đại Bồ Đề Ấn Độ
và Tích Lan. Đặc Sứ Danh Dự Hàn Lâm Viện Phật Giáo Hoa Kỳ, New York.
Nếu chúng ta duyệt qua lịch sử
văn minh Tây phương, bắt đầu ở Hi Lạp, thì chúng ta sẽ thấy rõ sự kiện là,
trong nền văn minh này, không những có nhiều cuộc chiến tranh và xung đột thảm
khốc trong đó có nhiều ngàn người bị hi sinh, mà phần lớn những cuộc chiến
tranh này xảy ra không phải vì lý do kinh tế. Nhiều cuộc chiến đã xảy ra vì sự
xung đột giữa những quan niệm về bản chất, nguồn gốc và số phận con người và
thế giới. Những quan niệm này bắt nguồn từ tôn giáo.
Tôn giáo chủ lực ở Tây phương là
Ki Tô Giáo. Do đó, chúng ta có thể nói chắc rằng, tôn giáo này phải chịu trách
nhiệm về những cuộc chiến với bao máu đổ nói trên. Vì, tới thế kỷ thứ 4 dương
lịch, Ki Tô Giáo đã trở thành ý thức hệ chủ yếu của thế giới Tây phương. Tôn
giáo này buộc con người phải tin những điều của tôn giáo đưa ra, cũng như phải
chấp nhận những điều mà tôn giáo này cho là chân lý.
Vì tất cả các giáo điều của giáo
hội Ki Tô được đặt căn bản trên niềm tin về sự mặc khải, mà sự mặc khải thì
được viết trong Thánh Kinh, cho nên tất cả những điều trong Thánh Kinh phải
được coi là chân lý tuyệt đối. Người nào nghi ngờ những chân lý này sẽ bị tội
đày vĩnh viễn xuống hỏa ngục.
Cho nên, điều rõ ràng là căn bản
chung cùng của Ki Tô Giáo, tôn giáo tự cho là căn bản của nền văn minh Tây
phương, là niềm tin về những lời mặc khải của Thần (God), và theo sự giải thích
của Ki Tô Giáo, Thần là điều kiện cần của mọi tín ngưỡng.
Khoa học, trái lại, đặt căn bản
trên những giả thuyết tiên nghiệm khác. Khoa học quan sát, mô tả, thiết lập
chân lý bằng chứng minh và kiểm chứng thực nghiệm, và bất cứ người nào cũng có
thể đạt tới những kết quả chung cùng mà không cần phải có một niềm tin nào. Đức
tin không suy lý hoàn toàn không có chỗ đứng trong khoa học, chỉ có sự áp dụng
một cách lương thiện một phương pháp khách quan, và rồi chấp nhận những kết quả
của phương pháp này. Cho nên người ta bảo rằng khoa học là nỗ lực của con
người, hoàn toàn khác biệt với quan niệm của Ki Tô Giáo, một tôn giáo đặt căn
bản trên một đức tin, một đức tin đặc biệt, vì, theo đức tin này thì mọi niềm
tin của mọi tôn giáo khác đều sai lầm và phải bác bỏ. (Vì đức tin trong Ki Tô
Giáo rất khác với những niềm tin trong các tôn giáo Đông phương cho nên chúng
ta cần phân biệt đức tin (faith) với niềm tin (belief) mà thường người ta hay
dùng lẫn lộn, không phân biệt. TCN).
Hơn nữa, khi phạm phải một sai
lầm thì khoa-học gia không bị trừng phạt trong đời này cũng như trong đời sau.
Nhưng trong Ki Tô giáo, một lỗi lầm sẽ có những hậu quả vô cùng khắt khe và
không chỉ trong cuộc đời hiện tại. Chúng ta có thể hoan hỉ nói rằng, ngày nay,
phần lớn Ki Tô Giáo không còn đặt nặng trên cái giáo điều lên án lý trí và sự
khác biệt về quan niệm nữa. Những tông phái chính của Ki Tô Giáo đã trở thành
nhân hậu và khoan dung hơn trước nhiều. Nhưng qua nhiều thế kỷ, họ đã chống đối
kịch liệt thái độ của các khoa học gia, những người đã cố gắng trong việc tìm
ra bản chất thực của thế giới và của con người, qua thực nghiệm và suy lý chứ
không phải là dựa vào một cuốn sách cổ được viết bởi những người dựa vào trực
giác và những điều mà họ cho là mặc khải. Mọi tiến bộ về khoa học và kỹ thuật ở
Tây phương, không phải là do lòng tin vào quyền lực siêu nhiên, mà phần lớn lại
chính là do sự phủ nhận niềm tin này hay ít ra cũng là lãnh đạm với niềm tin
này.
Mọi sự đã có thể tốt đẹp hơn nếu
những giáo điều của tôn giáo phù hợp với thực tế mà các nhà khoa học khảo sát.
Nhưng rõ ràng là không phải vậy. Vì không có một quan niệm siêu nhiên nào, thí
dụ như sự hiện hữu của một vị Thần có đầy tính người, những phép lạ, sự sa ngã
của con người, và sự cứu rỗi con người, có thể được chứng minh một cách khách
quan, và nhất là do lý trí. Khi giáo hội không thể bảo toàn được những gì bất
khả chứng minh, hoặc những gì ngược lại sự hiểu biết và kinh nghiệm thông thường
của con người, thì giáo hội đã phần nào ngưng truy tố những khoa học gia, những
người đã anh dũng bảo vệ sự diễn giải thực tại của họ. Khoa học gia không còn
bị bịt miệng hay thiêu sống trên giàn hỏa vì những "sai lầm" của họ
nữa, bởi lẽ Giáo hội không còn có thể từ chối cái quyền lý luận và chứng minh
của các khoa học gia nữa, vì những quyền này đã đưa đến những cải tiến đáng kể
trong đời sống vật chất của con người trong các phạm vi kinh tế và xã hội. Giáo
hội Ki Tô đã không góp được phần nào trong đường hướng cải tiến này vì tín
ngưỡng Ki Tô bảo rằng Thần muốn vậy, thí dụ như, sự nghèo khổ sẽ luôn luôn ở
với chúng ta.
Không ai có thể nghi ngờ được là
phần lớn những sự tiến bộ ở Tây phương là về phương diện vật chất. Có thể thế
giới đã có nhiều tiến bộ hơn nếu tôn giáo không can thiệp vào những sự diễn
giải của khoa học về thực tại và thế gới bằng những suy đoán siêu nhiên, bằng
những lời trong Thánh Kinh hoặc những lời mặc khải của Thần, thí dụ như, thế
giới này thì phẳng, trái đất thì cố định và mặt trời quay xung quanh trái đất,
và rằng dùng khoa học để thử nghiệm những hiện tượng thiên nhiên là sai lầm, và
rằng không có sự tiến hóa hay nhân duyên trong vũ trụ, và quan niệm chân thực
là tất cả chỉ do sự sáng tạo của một Thần. Trong hầu hết những giai đoạn của sự
tiến bộ, tôn giáo đã đối nghịch với khoa học gia và cho tới ngày nay, nhiều
người vẫn còn gọi khoa học là duy vật, vô tôn giáo. Tôn giáo thường ngăn chặn
những giá trị và những cải tiến của đời sống con người. Những điều kiện sống,
dù tàn khốc tới đâu, cũng được coi như là sự thử thách của Thần đối với niềm
tin nơi Thần, và để sửa soạn cho một đời sống hạnh phúc mai sau nơi Thiên
đường. Sự lạc quan của khoa học thường bị lên án, và một thái độ bi quan được
thay thế, kêu gọi con người phải thống hối, phải biết xấu hổ, phải tuân phục ý
muốn của Thần, theo như sự diễn giải của các cấp lãnh đạo trong giáo hội.
Đối ngược với tất cả những điều
trên là thái độ của Phật-tử, những người mà trong các ý nghĩ hay hành động,
không bao giờ bị ngăn ngại bởi bất cứ một giáo điều hay sự mặc khải siêu nhiên
nào. Phật tử ngưỡng kính Đức Phật, bậc giác ngộ đã nhận thức được nguồn gốc khổ
của thế giới, những điều kiện tàn khốc mà con người phải sống trong đó, bệnh
tật và chết chóc. Ngài muốn cho mọi người sung sướng, muốn giúp con người thoát
ra khỏi vòng khổ đau. Ngài muốn chỉ cho con người con đường đi tới Niết Bàn hay
sự giải thoát vĩnh cửu.
Đó là điều Đức Phật đã làm,
không đòi hỏi con người phải tin vào một đấng siêu nhiên, một vị Thần, hay là
tin vào chính Ngài dù Ngài là bậc toàn mỹ. Nếu một người đang sắp bị chết đuối
thì người đó không hỏi những người đứng trên bờ là nước hồ sâu bao nhiêu, nước
lạnh như thế nào, hồ nước thuộc về ai v.v... Tương tự, một người đang bị một
mũi tên độc hành hạ thì không hỏi về loại cung tên nào, bắn tới từ bao xa, hoặc
những câu tương tự. Cả hai người đều muốn biết làm thế nào để cứu họ ra khỏi
vòng nguy hiểm, các điều khác đều ra ngoài lề và không thực tế. Cũng như vậy,
thật là không thực tế khi nói về những điều họ tin về một vị Thần, có thực hay
không là Thần đã sáng tạo ra thế giới, hay thế giới hoặc vĩnh cửu hoặc không,
vô định hay hữu định. Đó là những nghi vấn mà những triết gia, những đấng Phạm
Thiên trong cổ kinh Ấn Độ và những người quan tâm tới siêu- hình-học muốn có sự
giải đáp. Những vấn đề trên không phải là vô ích khi ta muốn tìm hiểu chúng,
nhưng nếu một người đang ở trong một tình trạng khó khăn và muốn thoát ra khỏi
tình trạng này, thì những suy đoán về siêu hình học hay về Thần học quả thực là
vô ích. Đức Phật không lên án những sự suy đoán về tuổi của thế giới, bản chất
của sự sáng tạo hay những điều tương tự. Thí dụ, một khoa học gia chuyên về sự
cấu tạo địa chất sẽ không quan tâm tới những điều mà một nhà sinh lý học nói về
cơ thể con người và những cơ quan trong đó. Nếu ông ta muốn biết những điều
trên ông ta sẽ hỏi một y sĩ, nhưng không phải là lúc hỏi những điều này khi ông
ta đang khảo cứu về địa chất. Cũng như vậy, một người tìm kiếm hạnh phúc và sự
bình an trong tâm tư sẽ xét đến những điều Phật dạy để đạt tới những điều trên.
Họ có thể là một triết gia hay một nhà Thần học, họ có thể là một nhà luận lý
biết rất nhiều về vấn đề siêu hình. Nhưng trong trường hợp này họ không cần đến
kiến thức đó. Điều này không làm cho họ trở thành vô Thần hoặc là họ đã thỏa
mãn với những vật chất họ có. Cho nên, chúng ta thấy Đức Phật không hề đối
nghịch với bất cứ ai có những tín ngưỡng khác. Mục đích của Ngài là đáp ứng nhu
cầu cấp thời của con người muốn thoát ra khỏi cảnh khổ đau. Một y sĩ săn sóc
những vết thương cho một bệnh nhân không có hỏi là bệnh nhân có đi lễ nhà thờ
hay không? Ông ta là một y sĩ và nhiệm vụ của y sĩ là chữa bệnh cho bệnh nhân.
Cũng như vậy, Đức Phật là y sĩ của thân và ý, và Ngài đã dùng phương pháp khoa
học là: trước hết phân tích chứng bệnh.
Vì dùng phương pháp khoa học,
Đức Phật đã chứng tỏ rằng Ngài đích thực là một khoa học gia. Vì lý do này cho
nên thật là chẳng nhằm khi chúng ta hỏi Đức Phật, các đệ tử của Người, hay
những lời Người tuyên thuyết có thể coi như là có tính cách khoa học hay là thù
nghịch với khoa học? Đức Phật và các tín đồ Phật Giáo, và toàn thể phương cách
Phật Giáo dùng, đều phù hợp với tinh thần khoa học. Do đó, không có sự đối
kháng đối với bất cứ ai chấp nhận những nguyên tắc khoa học. Đức Phật và Phật
tử đón nhận mọi khám phá khoa học, mọi áp dụng của phương pháp khoa học, vì
những điều này không bao giờ trái ngược với những nguyên tắc mà Đức Phật và các
Phật tử thường theo.
Tuy nhiên, mỗi người đều có một
kinh nghiệm chọn lựa riêng. Do đó con người thường chọn lựa những phương pháp
để hoàn chỉnh điều kiện của họ và bỏ qua những phương pháp khác. Để vượt qua
những đau khổ và phiền não, Đức Phật đã chọn phương pháp luân lý đạo đức. Nhưng
ngay cả trong phương pháp này chúng ta cũng thấy rõ những tiên thuyết mà Người
đưa ra, vì Người xét mọi sự dựa trên những liên hệ nhân quả, và thường vạch rõ
những mối liên hệ vi tế mà vì gấp gáp hoặc thiếu kiên nhẫn chúng ta thường bỏ
qua không để ý tới, những mối liên hệ mà các nhà phân tâm học ngày nay đã thấy
rõ.
Khoa học đặt căn bản trên sự phân
tích, nghĩa là khảo sát kỹ càng mỗi hiện tượng, xem xét từng phần một và tìm ra
nguyên nhân. Đó chính là những điều Đức Phật đã làm. Nhận thức về sự hiện hữu
của Khổ và phiền não, và nhận thức về nguyên nhân của mọi sự việc, là hai nhận
thức đặc thù của Phật Giáo. Nhận thức thứ nhất bắt nguồn từ sự quán chiếu và
nội quán đưa đến sự tổng quát hóa kinh nghiệm của con người, và nhận thức thứ
nhì là huyết mạch của khoa học, dù là khoa học ở Đông phương hay Tây phương. Vì
cùng chia xẻ một căn bản nhận thức cho nên làm sao mà Đức Phật và các Phật tử
có thể đối nghịch với phương pháp khoa học? Làm sao họ có thể bóp nghẹt khoa
học khi mà chính họ đã dùng cùng những phương pháp khoa học? Làm sao họ có thể
nguyền rủa khoa học? Làm sao họ có thể ra lệnh cấm đoán một thí nghiệm khoa học
với luận cứ: hãy cầu nguyện, tin tưởng vào những điều ghi chép bởi những người
không phải là khoa học gia?
Chúng ta có thể đoan quyết rằng
Phật giáo chưa bao giờ có sự đối nghịch với khoa học hay khoa học gia, đừng nói
là hành tội các khoa học gia vì những khám phá của họ, bắt họ phải sửa đổi quan
niệm hoặc đưa họ lên thiêu sống trên giàn lửa. Những điều trên không những làm
cho các Phật tử, những người có một đời sống đạo đức hiền lành, không thể nào
hiểu nổi mà đối với họ còn hoàn toàn phi lý vì Phật tử không bao giờ chống đối
các phương pháp khoa học. Sự thật là, trong lịch sử Phật Giáo chưa bao giờ có
sự đối nghịch với các khoa học gia, Phật Giáo chưa bao giờ tuyên chiến với khoa
học cũng như chưa bao giờ ngăn chặn khoa học với luận cứ là khoa học đã đi lạc
đường và hoạt động cho điều ác thay vì điều thiện, như một số nhà đạo đức và
Thần học đã phát biểu. Khoa học có tính cách trung lập; và chính là tâm trí và
sự hành xử của con người cần phải được hướng dẫn theo những tiêu chuẩn luân lý
đạo đức, và đây cũng chính là nhiệm vụ của Phật Giáo. Chiến tranh giữa khoa học
và Ki Tô Giáo? Thật ra đã có quá nhiều cuộc chiến như vậy. Chiến tranh giữa
Phật Giáo và Khoa học? Không bao giờ.
Không những là chưa bao giờ có
chiến tranh giữa Phật Giáo và các tôn giáo khác, mà rất hiếm khi ta thấy Phật
Giáo bất đồng ý kiến với những cố gắng tìm tòi chân lý. Phật giáo chưa bao giờ
chống đối hoặc cưỡng lại những tìm tòi chân lý này, trái lại còn khuyến khích
những cố gắng tìm tòi này nữa. Một câu hỏi được đặt ra là, tại sao khoa học
không được phát triển ở Đông phương khi mà Phật Giáo đã thịnh hành ở những quốc
gia Đông phương từ nhiều thế kỷ? Câu trả lời thật là đơn giản. Thực ra Đông
phương đã có nhiều khám phá khoa học hơn là người ta thường biết tới. Nhưng
chúng ta không nghiên cứu văn minh Đông phương từ quan điểm này và nghĩ rằng
nền văn minh Tây phương hiện đại là cao hơn. Phật Giáo quan thiết chính yếu tới
sự an lạc của tâm hạnh con người, tới lòng từ bi, và quan tâm tới sự vui sướng
của người khác, hỉ, những điều này có tác dụng làm giảm bớt sự khổ trong thế
giới hay ít ra là không làm tăng thêm những sự khổ này. Chúng ta hãy xét đoán
một cách chính xác về sự phát triển khoa học và kỹ thuật chiến tranh như thế
nào trong khi những vấn đề xã hội còn ở trạng thái thật đáng buồn. Thí dụ,
chúng ta có cách mang thiên đường xuống hạ giới, nhưng luôn luôn chúng ta lo sợ
và bị ám ảnh bởi chiến tranh. Mặt khác, Phật tử, tuy không phát triển kỹ thuật
để thỏa mãn mọi người với một đời sống an nhàn không vất vả, nhưng thực sự đã
tìm thấy con đường hạnh phúc và giải thoát. Người Phật tử không để vào tâm vấn
đề tranh giành và chiến tranh, luôn luôn sống trong hòa bình và nghĩ tới phương
cách ngăn chặn chiến tranh.
Có một quan niệm Tây phương là:
chính vì Tây phương đã trải qua những cuộc khủng khoảng trí thức và tình cảm,
kể cả cuộc chiến tranh giữa khoa học và tôn giáo, nên đã tạo thành khuôn mẫu
văn minh Tây phương mà con người đã đạt tới đời sống cao hơn, trưởng thành hơn,
đã trong sạch hóa con người và tự giải thoát. Nhưng thật ra có đúng như vậy
không? Con người có đạt tới một đời sống tinh thần cao hơn không? Ngay ở Tây
phương nhiều người đã nghi ngờ các điều trên. Nhưng đối với Phật Giáo, Phật
giáo chưa bao giờ góp phần vào những đau khổ trên thế giới, và thường luôn luôn
tìm các làm nhẹ bớt những đau khổ này mà không cần phải hi sinh đời sống tinh
thần.
Tôn giáo Tây phương vẫn từng có
thái độ độc tài và khoa học Tây phương cũng vậy. Cho nên tự nhiên là khoa học
và tôn giáo Tây phương phải đụng độ nhau. Phật Giáo chưa bao giờ mang tính chất
độc tài và chưa bao giờ phải đi ra ngoài Giáo Pháp để tránh đụng độ với khoa
học. Không những vậy, Phật Giáo không thấy có sự khác biệt nào với khoa học,
đừng nói đến chuyện coi khoa học là địch thủ. Cho nên, không có lý do nào mà
những đức tính của Phật Giáo lại không được duy trì trong thế giới tân tiến
này. Có thể Phật Giáo còn cống hiến cho đời sống hiện đại của con người và xã
hội những căn bản luân lý đạo đức trong thời đại khoa học kỹ nghệ, điều mà từ
trước tới nay tôn giáo Tây phương không làm được vì tôn giáo Tây phương vẫn còn
nghi ngờ và e dè trước những mục đất vật chất của khoa học. Bằng những thỏa
hiệp với khoa học, tôn giáo Tây phương không đủ tự tin về những nguyên tắc của
mình. Gần đây những nguyên tắc này đã bị những tín đồ thông thường cũng như
những cấp lãnh đạo trong tôn giáo Tây phương đặt thành vấn đề để bàn cãi. Giáo
lý đạo đức rõ ràng của Phật Giáo đã chiếm được lợi thế qua sự phân tích, nghĩa
là qua tinh thần khoa học hiện đại - và không hề bị hạ thấp bởi những đòi hỏi
của đức tin hay niềm tin.