3. Tu cái gì?
Khi được hỏi: Anh tu cái gì? Đa số thường trả lời: "Tôi tu Thiền hoặc tu Tịnh Độ". Theo nghĩa đen, tu có nghĩa là sửa, như thế thì tu Thiền là sửa Thiền, tu Tịnh Độ là sửa Tịnh Độ. Nhưng Thiền và Tịnh Độ đâu có gì cần phải sửa vì đó là những pháp môn của Phật để lại. Nếu vậy bạn sẽ đáp: "Tôi tu theo pháp môn Thiền, hoặc tu theo pháp môn Tịnh Độ". Nói như thế rõ nghĩa hơn nhưng vẫn chưa trả lời "tu cái gì". Tu cái gì tức là sửa cái gì? Bạn sửa cái gì theo pháp môn Thiền, sửa cái gì theo pháp môn Tịnh Độ? Bạn chọn theo những pháp môn đó để sửa cái gì ?
Tôi có tánh tham lam, nóng giận, lo sợ, những tánh này làm tôi khổ sở, bất an. Tôi tu để sửa những tánh xấu này (tu tâm sửa tánh). Do đó nếu được hỏi tu cái gì thì tôi sẽ đáp là tôi tu tánh tham, tu tánh sân, tu tánh sợ.
Tu chuyển hay diệt?
Có người nghĩ tu là phải diệt trừ (đoạn) phiền não. Người khác lại quan niệm tu là chuyển phiền não thành bồ đề. Hãy lấy thí dụ về mưa. Khi sắp mưa, mây đen kéo đến phủ đầy trời rồi sấm sét nổi lên và cơn mưa bắt đầu trút xuống. Tạnh mưa bầu trời trở lại quang đãng không còn một bóng mây đen. Như thế ta có thể nói mây đen đã biến mất (hay được diệt trừ). Nhưng thật ra mây đen đã chuyển thành nước mưa rơi xuống đất. Sau cơn mưa, ánh nắng chiếu soi, những vũng nước mưa kia sau vài giờ lại biến mất. Nhưng kỳ thật những vũng nước đó đã chuyển thành hơi bay lên không trung tụ lại thành mây.
Khi phiền não không còn thì ta nói phiền não đã được diệt trừ, nhưng theo tinh thần Đại Thừa thì phiền não đã chuyển thành bồ đề. Vì thế trong Duy Thức học có một danh từ gọi là Chuyển Y, có nghĩa là khi tất cả những chủng tử được chuyển từ bất tịnh thành tịnh rồi thì A Lại Gia Thức chuyển thành Bạch Tịnh Thức hay Đại Viên Cảnh Trí. Và khi đó chúng sinh kia trở thành Phật, thái tử Siddharta chuyển thành Phật Thích Ca.
Tu chạy trốn
Tu là sửa và cũng có nghĩa là chuyển. Muốn vậy phải có trí huệ, trí huệ giống như mặt trời, phiền não giống như sương mù và mây đen. Khi mặt trời mọc thì sương mù, mây đen đều tan biến. Nơi nào có ánh sáng thì bóng tối không thể hiện hữu. Chư Bồ Tát nhờ có trí huệ nên ra vào sinh tử độ sinh không mệt mỏi chán nản (vô quái ngại), không có sợ hãi (vô hữu khủng bố). Nhưng có người lại tưởng tu là tránh né cuộc đời, chạy trốn phiền não nên họ tìm một chỗ yên thân sống qua ngày, không muốn ai quấy rầy. Ban đầu tu hành rất cần thầy lành bạn tốt, cần một hoàn cảnh thuận tiện, một nơi yên ổn thanh tịnh nhưng đó là thời gian đầu để tập luyện tu tâm sửa tánh chứ không phải để chạy trốn. Sau một thời gian tu học, ta cần phải đối diện tiếp xúc với cuộc đời để quán chiếu phát triển trí huệ, khai mở tâm từ bi. Hoa sen không thể nở trong lâu đài cẩm thạch mà mọc ở trong ao bùn.
Phương tiện và mục đích
Mục đích của tu là sửa những tánh xấu (phiền não) cho nên ta cần những phương tiện pháp môn như Thiền, Tịnh, Mật, tụng kinh, trì chú, v.v... Nhưng nhiều người hay lầm lẫn giữa phương tiện và mục đích (cứu cánh), họ nghĩ tu là phải ngồi thiền, hoặc niệm Phật, tụng kinh, trì chú cho nhiều. Tu như vậy gọi là tu luyện. Luyện tức là làm tới làm lui, làm thật nhiều cho quen giống như luyện võ, một thế võ được tập dợt cả trăm lần suốt ngày cho thuần thục. Dĩ nhiên tu cần phải luyện, nhưng sự luyện tập đó phải có ích lợi và hiệu quả. Sau một thời gian tu luyện ta phải thấy tánh xấu giảm đi và tánh tốt tăng trưởng. Ngược lại nếu tu luyện nhiều mà tánh xấu không bớt thì phải kiểm lại pháp môn có thích hợp không? Mải lo luyện pháp môn mà không nghĩ tới sửa tánh thì không phải là tu. Có người chuyên trì chú Đại Bi, tụng mấy trăm biến một ngày, tụng đến nỗi hết hơi kiệt sức và cho đó là tu. Đây là luyện chú Đại Bi giống như trường hợp thiền sư Từ Đạo Hạnh[2] nhập thất luyện chú Đại Bi để có phép trở về đánh pháp sư Đại Điên trả thù cho cha. Sau khi giết được Đại Điên, Từ Đạo Hạnh mới ăn năn và bỏ đi tu thực sự. Phương tiện là trì Đại Bi mà mục đích là để giết người. Tất cả thần chú (mantra) hay đà la ni (dharani) đều xuất phát từ Kinh, chúng ta không học kinh để hiểu nghĩa tu hành mà muốn tu tắt, lấy riêng những bài chú làm thành khóa tụng, biến pháp tu thành một việc thần quyền. Thần chú linh thiêng bất khả tư nghì nhưng phải được áp dụng một cách thông minh đúng đắn, ta phải tu tâm sửa tánh thì tha lực của thần chú mới giúp ta mau thành tựu. Hành giả mật tông Tây Tạng trước khi tu luyện một pháp quán tưởng nào đều phải đầy đủ ba điều: phát bồ đề tâm, xa lìa tham lam chấp ngã, và hiểu rõ tánh Không[3]. Nếu không đầy đủ ba điều trên thì dù tu luyện có thần thông phép tắc cũng thành ma đạo.
Có người chuyên trì tụng kinh Pháp Hoa và cho đó là tu. Trì tụng nhiều như thiền sư Pháp Đạt nhưng tâm ngã mạn đảnh lễ Lục tổ Huệ Năng đầu không chấm đất, hoặc "một ni cô tụng kinh Pháp Hoa 30 năm, nhưng tâm chưa dứt niệm sắc thinh nên kiếp sau đọa làm thân ca kỹ, tiếng thanh sắc đẹp thường bay ra mùi thơm như hoa sen"[4]. Trì tụng kinh chú là tụng để lời kinh thâm nhập vào tâm nhưng đó chưa phải là hành. Trì tụng là bước đầu, kế tiếp phải thực hành theo lời kinh để tu sửa. Trì Đại Bi mà không sống từ, bi, hỷ, xả; tụng Pháp Hoa mà không hiểu và sống với tinh thần Pháp Hoa, đó không phải tu theo nghĩa sửa mà là luyện với tâm mong cầu sở đắc.
Càng niệm Phật, tâm ta càng thanh tịnh vắng lặng không bị phiền não xao xuyến thì nên niệm nhiều hơn. Càng tụng kinh ta càng hiểu đạo, bớt chấp trước đắm nhiễm cuộc đời thì nên tụng nhiều hơn. Nhưng nếu nghe thầy dạy tụng nhiều, tâm ta không hoan hỷ, càng tụng càng mệt, càng khó chịu thì nên xin thầy một pháp môn khác thích hợp với căn cơ và thể tạng của mình. Kinh chú hay pháp môn giúp ta tu sửa chứ không phải để nhồi sọ hay luyện phép. "Như Lai thuyết pháp như chiếc bè để qua sông chứ không phải để đội lên đầu hay vác trên vai mà đi[5]".