6. Vấn đề của Ý
Ý là đầu dây mối nhợ của phiền não, là anh cả trong Ba Mình. Chúng ta sống hạnh phúc hay khổ đau đều từ Ý mà ra. Ý luôn hoạt động không ngừng (trừ khi ta ngủ mê), nó suy nghĩ cái này, tưởng nhớ cái kia, suy tư, phán xét, lo lắng, v.v... Nhiều lúc ta muốn nó nghỉ một chút cho ta khỏe, nhưng nó vẫn tiếp tục làm việc. Ý thức làm việc rất siêng năng, đến nỗi nó có thể làm cho ta phát khùng hay điên lên được, phải uống thuốc an thần, thuốc ngủ hoặc lấy súng bắn vào đầu thì nó mới yên.
Vọng tưởng
Trên văn tự, vọng có nghĩa là sai, tưởng là những ý tưởng hay nhận thức. Vọng tưởng có nghĩa là ý nghĩ sai lầm. Ban đêm đi một mình trên đường vắng, ánh trăng lờ mờ chiếu xuống một lùm cây, nhìn vào đó ta tưởng là ma rồi hoảng hồn ù té chạy. Bóng cây mà tưởng là ma.
"Trong ngôn ngữ thông dụng hàng ngày, chữ tưởng thường được hiểu là tưởng lầm. Tôi tưởng hôm nay trời đẹp, hóa ra trời xấu. Tôi tưởng anh đến hôm qua, ai dè hôm nay anh mới đến. Tôi tưởng sự vật như thế này, nhưng thực tế sự vật lại như thế khác. Cứ thế "tưởng" được dùng theo nghĩa hiểu lầm, tưởng lầm. Như vậy vô tình nó cho thấy sự nhận thức (tưởng) của ta thường là một sự nhận thức sai lầm"[15]. Sự vật vô thường mà ta tưởng là thường, sự vật vô ngã mà ta cho là có ngã.
Trong giới thiền môn, mỗi khi đang ngồi thiền ý nghĩ khởi lên loạn xạ kéo ta đi thì đa số gọi đó là vọng tưởng, nhưng đối với tôi cái đó không phải vọng tưởng mà là tạp niệm tức sự nhớ nghĩ lung tung bất định.
Trong tiếng Pháp chữ tưởng được dịch là "croire", tiếng Anh là "believe", vọng tưởng được dịch là "fausse croyance" hoặc "wrong belief". Danh từ vọng tưởng mà tôi đề cập ở đây và trong suốt tập sách này có nghĩa là sự tin tưởng sai lầm chứ không phải ý nghĩa vọng tưởng của Thiền Tông. Vọng tưởng ở đây bao gồm cả thành kiến (préjugé), quan niệm (concept), tập quán (coutume), phóng chiếu (projection)[16], v.v...
Nếu để ý quan sát dòng tư tưởng hay suy nghĩ của mình ta sẽ thấy nó khởi lên và trôi chảy theo một chiều hướng khá nhất định. Nói cách khác, cái thói quen suy nghĩ và nhận thức của ta bị ảnh hưởng bởi những cái tưởng của ta. Sống ở đời ai nấy đều có tưởng, không tin tưởng cái này thì tin tưởng cái kia. Người tin Phật, người tin Chúa, người tin Allah, ngay đến những người vô thần không theo đạo tưởng mình không có lòng tin nhưng thật ra họ đã tin vào cái tưởng vô thần của họ, tin vào mãnh lực đồng tiền, hoặc tin vào chủ nghĩa này chế độ nọ, v.v...
Trên chân lý tuyệt đối, tất cả những cái tưởng của chúng ta phần nhiều sai lầm vì chúng ta chưa giác ngộ, chưa thấy được bản tánh và pháp tánh, nhưng trên phương diện tương đối những cái tưởng của ta đôi khi có cái đem lại hạnh phúc và cũng có cái đem lại khổ đau. Cái tưởng đem lại khổ đau tôi gọi là vọng tưởng (fausse croyance, wrong belief).
Thời xa xưa tất cả mọi người đều tin tưởng mặt đất bằng phẳng và mặt trời mọc lên lặn xuống từ lòng đất. Sau đó người ta nhận ra mặt đất không phải thẳng mà là tròn và mặt trời bay vòng quanh trái đất. Mãi đến thế kỷ thứ 15, Copernic chứng minh là trái đất quay xung quanh mặt trời nhưng lúc đó trái với sự tin (tưởng) của quần chúng nên ông bắt buộc phải từ bỏ sự khám phá của mình nếu không sẽ bị đưa lên dàn hỏa thiêu.
Bà con của vọng tưởng gồm có: tưởng tượng, mơ tưởng, mộng tưởng và ảo tưởng. Tưởng tượng (imagination) là nghĩ tưởng và hình dung ra những chuyện chưa có hoặc không có. Thông thường những ý tưởng tượng này không kéo dài nên chỉ thoáng chốc là ta sực tỉnh, biết mình tưởng tượng. Mơ tưởng và mộng tưởng có vẻ giống nhau, nhưng mơ nhẹ hơn mộng, tiếng Anh mơ tưởng là daydream tức là giấc mơ ban ngày. Thí dụ tôi thèm chức tước quyền hành nên tôi mơ tưởng ngày nào đó tôi sẽ làm tổng thống, sẽ có người hầu kẻ hạ và tôi sẽ ra lệnh này nọ, v.v... Nếu ý tưởng này chỉ thoáng khởi lên rồi biến mất thì đó là tưởng tượng, nhưng nếu nó trở đi trở lại hoài thì gọi là mơ tưởng. Nếu mơ như vậy hoài đến nỗi tôi bắt đầu tưởng mình là tổng thống thật, đi đâu cũng ra oai, hách xì xằng, sai khiến kẻ khác, bắt họ phải hầu mình. Đây là tôi đã đi vào mộng tưởng, sống trong mộng mà không hay, cứ tưởng là thật. Bát Nhã Tâm Kinh có nói Bồ Tát khi dùng trí huệ Bát Nhã quán chiếu thâm sâu thì sẽ xa lìa điên đảo mộng tưởng, đạt đến Niết Bàn. Như thế thì biết mộng tưởng rất quan trọng và là một vấn đề lớn cần giải quyết. Ảo tưởng (illusion) là những ý tưởng sai lầm không đúng với sự thật, nó giống như trò ảo thuật khởi lên trong tâm mà ta không biết cứ tưởng là thật.
Quan niệm
Quan niệm (hay khái niệm) là những ý nghĩ, suy tư, cảm giác, nhận xét mà ta đóng lại thành khung cứng ngắc.
Ở Việt Nam người ta quan niệm lúc con còn nhỏ thì cha mẹ nuôi, đến khi cha mẹ già yếu thì con phải nuôi lại (Trẻ cậy cha, già cậy con). Nhưng ở Pháp người ta lại nghĩ khác, cha mẹ nuôi con đến 18 tuổi hoặc đến khi con học ra trường là hết bổn phận. Khi cha mẹ già yếu, con cái không bắt buộc phải nuôi lại. Hơn thế nữa, cha mẹ nên đi vào nhà dưỡng lão để khỏi làm phiền con cái.
Ở Phi châu, có một bộ lạc nọ, khi cha mẹ già yếu, họ bắt hai ông bà phải leo lên một cái cây cao, con cháu ở dưới đua nhau rung cây thật mạnh cho hai ông bà té xuống chết. Nếu rung xong mà ông bà không té thì con cháu đem về nuôi tiếp. Họ quan niệm (nghĩ) rằng xứ nghèo không đủ ăn, người nào già quá không đủ sức ôm cây thì nên chết cho rồi, khỏi sống làm khổ con cháu.
Ở Tây phương ngày nay, vợ chồng mới cưới nhau vài tháng mà không ưng ý thì ra toà ly dị, đó là việc bình thường, tự nhiên, không có gì trái luân thường đạo lý.
Theo truyền thống phong tục Á Đông, người đàn bà phải trung thành với chồng, ngay cả sau khi chồng đã chết. Một phụ nữ tiết hạnh là người ở giá thờ chồng nuôi con. Vì quan niệm như vậy nên cô không bao giờ dám nghĩ đến việc tái giá hay yêu đương một người đàn ông khác.
Thành kiến
Là người Việt Nam nên tôi có một lối suy tư riêng của người Việt Nam. Tôi suy tư như vậy vì tôi quan niệm như vậy. Vì quan niệm như vậy nên tôi mới có một cái nhìn (thành kiến) như vậy. Chữ thành kiến rất hay và có ý nghĩa. Thành kiến theo nghĩa đen là cái thấy đã thành hình trước khi nhìn thấy sự việc.
Thí dụ: Tôi quan niệm rằng tất cả những người đi buôn đều là gian lận. Vì quan niệm như thế nên trong một bữa tiệc, bạn bè tôi giới thiệu ông A và cho biết ông là một nhà thương gia nổi tiếng. Vừa mới nghe như thế là tôi có thành kiến ngay với ông A, mặc dù ông chưa làm gì hại tôi nhưng trong đầu tôi đã thấy ông A là người gian lận, lưu manh, xảo quyệt và tôi cảm thấy ghét ông ta ngay lập tức.
Ở Việt Nam trước kia, khi đất nước mới bị chia đôi, dân chúng ở ngoài Bắc có thành kiến là những người giàu có, điền chủ đều là người ác, bóc lột dân nghèo, nên họ có phong trào kết tội và đấu tố người giàu.
Một khi đã có thành kiến rồi thì ta không tiếp xúc được với thực tại nữa. Ta đã đeo vào một cặp mắt kính màu để nhìn sự vật nên cái thấy của ta bị méo mó. Thành kiến là một loại vọng tưởng rất nguy hiểm, thường gây nghi ngờ và chia rẽ.
Tập quán
Tập quán là những thói quen đúc kết từ truyền thống văn hóa, giáo dục, xã hội.
Ở Á Đông, chịu ảnh hưởng Nho Giáo, người ta quan niệm là "nam nữ thọ thọ bất thân". Nam nữ chưa quen nhau thì không được có những cử chỉ thân mật như nắm tay, sờ vai, ôm ấp, mỉm cười, v.v... Khi gặp nhau chào hỏi chỉ đứng xa vẫy tay hoặc cúi đầu là đủ. Sau khi tị nạn qua Pháp, vào trường Trung Học, mỗi ngày gặp bạn bè chào hỏi, có vài cô bạn đầm ôm hôn lên má làm tôi sững sờ, vừa mắc cở vừa hồi hộp, tim đập liên hồi. Về nhà, tôi cứ tưởng là chắc mấy cô ấy để ý thích mình nên mới ôm hôn như vậy. Cái tập quán Á Đông của tôi đã khiến cho tôi tưởng bở, tưởng mấy cô đầm kia thích mình, nhưng thật ra họ chả thích gì tôi tí nào, tập quán của họ là như thế! Gặp bạn trai thì bắt tay, gặp bạn gái thì hôn trên má (faire la bise). Bắt tay hay hôn má chỉ là xã giao, không có một chút tình ý gì bên trong hết! Vì không hiểu phong tục tập quán của mình và của người nên tôi đã ngộ nhận. Do đó tập quán cũng thường đưa đến ngộ nhận, và ngộ nhận tức là vọng tưởng.
Phóng chiếu
"Trong đời sống hàng ngày, có những ý nghĩ, tình cảm mà ta không nhận ra chúng là của riêng ta, phát xuất từ ta và ta phóng chiếu chúng vào sự vật và người khác, rồi tưởng hay đinh ninh sự vật và người khác là như thế. Danh từ bình dân là "suy bụng ta ra bụng người"."Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ", cảnh vật tự nó đâu có vui buồn, vì trong tâm ta buồn rồi ta phóng chiếu cái buồn của mình lên cảnh vật nên thấy (tưởng) cảnh vật buồn. Nhiều lúc còn đổ tại cảnh buồn nên làm ta buồn[17]." Trong sự liên hệ tình cảm, chúng ta thường xuyên phóng chiếu mà không biết.
Thực tại không phải như ta tưởng
Có một ông vua nọ muốn biết người mù nhìn sự vật ra làm sao. Vua bèn cho gọi năm anh mù đến, cho mấy anh sờ vào một con voi rồi tả cho vua nghe.
Anh sờ trúng cái vòi thì nói con voi giống như vòi nước.
Anh sờ trúng tai voi thì nói con voi giống như cái quạt.
Anh sờ trúng bụng voi thì nói con voi giống như cái trống.
Anh sờ trúng chân voi thì nói con voi giống như cột nhà.
Anh sờ trúng đuôi voi thì nói con voi giống như cái chổi.
Năm anh mù tả con voi theo kiểu của mình, không ai giống ai, người nào cũng cho mình đúng rồi cãi nhau um xùm làm vua vừa buồn cười vừa thương hại. Buồn cười vì anh nào cũng cho mình biết được con voi, thương hại vì các anh mù mà không biết mình mù, chỉ sờ thấy một phần nhỏ mà tưởng là mình đã thấy toàn thân con voi.
Đức Phật thuyết pháp trong suốt 45 năm, để lại biết bao nhiêu kinh điển. Chúng ta mỗi người chỉ học và nghiên cứu vài bộ hoặc vài chục bộ kinh rồi tưởng mình biết hết đạo Phật. Khi nghe quý thầy giảng đạo, tôi thấy đạo Phật của thầy A không giống đạo Phật của thầy B, đạo Phật của thầy B không giống đạo Phật của thầy C, và v.v...
Chẳng cần nói đến đạo Phật của quý thầy khác nhau, hãy chỉ nói về đạo Phật của thầy A. Hai vợ chồng tôi cùng đi nghe thầy giảng 2 tiếng đồng hồ. Về nhà hỏi lại thì mỗi người đã nghe và hiểu khác nhau rồi. Tôi thích Thiền nên trong suốt buổi giảng, tôi chỉ nghe thấy những gì có liên quan đến Thiền thôi. Vợ tôi thích Tịnh Độ, những gì thầy nói có liên quan đến Tịnh Độ thì nàng thâu nhận ngay, còn những chi tiết khác thì không nhớ gì hết!
Thầy nói pháp suốt 2 tiếng đồng hồ, nhưng những gì tôi nghe được gom lại không quá 15 phút. Những gì thầy nói trong 1 giờ 45 phút kia đã rơi đi đâu mất hết. Nhưng về nói chuyện với vợ thì tôi cứ đinh ninh rằng mình đã nghe hết những gì thầy nói trong 2 tiếng đồng hồ. Trớ trêu thay, vợ tôi cũng tưởng y như tôi nên không biết ai đã nghe đúng. Thật ra mỗi người chỉ nghe và thâu nhận những gì mình thích nghe mà thôi.
Trong một khu rừng nọ, các loài thú đang chung sống bình yên. Một hôm bỗng nhiên có tiếng sấm nổ vang rền trên bầu trời báo hiệu giông bão sắp đến. Có một chú thỏ đang say sưa giấc ngủ bị giật mình tỉnh dậy. Nửa tỉnh, nửa mê, thỏ hoảng hồn co chân bỏ chạy. Trên đường chú gặp hai anh nai vàng đang đứng ngơ ngác, thấy thỏ hoảng hốt, hai anh nai hỏi duyên cớ. Thỏ vừa chạy vừa la: "Trời sụp! Trời sụp! Chạy mau". Hai anh nai vốn nhẹ dạ, nghe nói vậy liền cắm đầu chạy theo. Ba con chạy một quãng gặp ba con ngựa vằn đang gặm cỏ. Thấy thỏ và nai phóng chạy hoảng hốt, ngựa hỏi tại sao thì cả ba con cùng đáp: "Trời sụp! Trời sụp! Chạy mau". Thế là ba con ngựa vằn hoảng sợ chạy theo thỏ và nai. Dần dần các con thú khác cũng hùa vào chạy theo. Nhóm thú chạy như thế càng ngày càng đông khiến các con thú khác dù không biết ất giáp gì cũng vội vàng tin là trời sụp rồi kéo nhau chạy trối chết.
Tương tựa như vậy, khi nghe ai nói một tin gì đó, chúng ta liền tin rồi đem rao truyền tiếp, nhiều khi còn thêm mắm thêm muối cho câu chuyện thêm lâm ly rùng rợn và nhất là thích nghe những tin đồn xấu về người khác.
Vì thế đức Phật đã nói: Chớ có tin bất cứ điều gì vì nghe đồn hay nói lại. (Xem phần trước, Kinh Kalama).
Câu chuyện sau đây về "Ba cái lọc" của nhà hiền triết Hy Lạp Socrate cũng tương tựa như vậy.
Một hôm có một người đến gặp Socrate và nói:
- Này Socrate, tôi phải kể cho anh nghe bạn của anh đã có những hành vi gì!
- Khoan đã! Nhà hiền triết cản lại. Điều mà anh muốn nói với tôi đã được sàng qua ba cái lọc chưa?
- Ba cái lọc là cái gì? Người kia ngạc nhiên hỏi.
- Đúng! Ba cái lọc. Chúng ta hãy kiểm lại xem điều anh muốn kể cho tôi có lọt qua ba cái lọc này không.
- Cái lọc thứ nhất là sự thật. Anh đã kiểm lại điều anh muốn kể có đúng là sự thật không?
- Ơ! Cái này tôi không chắc, vì tôi chỉ nghe kể lại thôi.
- Như vậy thì không lọt qua được cái lọc thứ nhất rồi! Nhưng thôi, anh nghe đây, cái lọc thứ hai là tốt lành. Anh đã kiểm lại điều anh muốn kể, mặc dù không hoàn toàn đúng sự thật nhưng ít nhất nó có tốt lành không?
- Ơ! Ơ! Điều này không có gì hay ho tốt lành cả mà ngược lại ...
- Hừ! Vậy coi thử nó có lọt qua được cái lọc cuối này hay không? Điều anh muốn kể cho tôi có đem lại lợi ích gì không?
- Lợi ích hả? Chắc không quá ....!!!!
- Thôi đủ rồi! Socrate mỉm cười. Điều mà anh muốn kể cho tôi nghe vừa không đúng sự thật, vừa không tốt lành và không đem lại lợi ích gì. Vậy thì tôi không muốn nghe và khuyên anh hãy nên quên nó đi là tốt nhất!
Đi dạo vườn hoa, tôi thấy một bông hồng to, đỏ thắm tuyệt đẹp. Về nhà gặp bạn, tôi muốn chia xẻ cho bạn niềm vui của tôi và tả lại cái bông hồng để bạn cùng thưởng thức vẻ đẹp của nó. Làm như thế tôi nghĩ rằng bạn sẽ biết và cảm nhận được bông hồng. Nhưng cái bông hồng mà tôi đang kể cho bạn không phải là bông hồng mà tôi đã thấy lúc nãy nữa. Nói cách khác là tôi đang trao cho bạn một mớ danh từ về bông hồng chứ không phải là bông hồng (tự thân).
Chúng ta thường lầm lẫn giữa ý tưởng và thực tại, cũng như lẫn lộn danh từ và sự vật.
Có một lần đi xem triển lãm tranh hình, tôi thấy có một tấm hình lớn, trên đó chụp một trái táo và ở dưới đề một câu như sau: "Đây không phải là một trái táo[18]". Tôi rất ngạc nhiên, không hiểu tác giả bức tranh muốn nói gì. Túng thế tôi quay lại hỏi vài người quan khách xung quanh, may thay có người hiểu ý nghĩa nói cho tôi biết đây không phải một trái táo mà chỉ là hình của một trái táo. Nghe xong vỡ lẽ, tôi chắp tay thầm phục tác giả bức tranh đã vô tình dạy cho tôi một bài học, bài học ghi nhận sự vật đúng như thật. Hình ảnh trái táo không phải là trái táo. Nhờ đó tôi ngộ ra:
Danh từ trái táo không phải là trái táo.
Ý tưởng về trái táo cũng không phải là trái táo.
Cũng thế, bản đồ Paris không phải là thành phố Paris. Những danh từ, ý tưởng và bản đồ giúp cho ta có một khái niệm về thực tại và sự vật, nhưng khi có trong tay thì ta lại xoay ra xem chúng là thực tại rồi quên đi thực tại. Thực tại luôn luôn biến đổi từng sát na, trong khi đó danh từ, ý tưởng và bản đồ thì cứng ngắc không thay đổi. Cho dù ngày nay với máy chụp hình tối tân, bạn đem ra chụp cảnh Paris thì cái hình kia cũng chỉ là một hình ảnh của thành phố Paris được chụp vào ngày 18 tháng 5 năm 1999. Và nếu bạn trở lại Paris một tháng sau hay một năm sau để chụp lại thì cảnh Paris đã thay đổi rồi.
Thực tại rơi rớt
Bình thường đa số chúng ta đều cho mình biết được thực tại (réalité), cái gì tôi thấy, biết, nghe, hiểu đều là sự thật (vérité). Vì thế nên mới có ngã kiến (tức là cái thấy của tôi) và kiến thủ (khư khư cho cái thấy của tôi là đúng). Nhưng thực ra chúng ta chỉ nắm bắt được những mảnh vụn của thực tại xuyên qua nhiều cái lọc (filtre) hay lăng kính.
Thực tại (trần cảnh)
↓
Tri giác (lục căn)
Lọc thứ 1
↓
Văn hóa, xã hội
Lọc thứ 2
↓
Kinh nghiệm bản thân
Lọc thứ 3
↓
Nhận thức (thức)
Lọc thứ 4
↓
Bóng dáng thực tại
Thực tại là sự việc hay cảnh vật bên ngoài (trần cảnh). Nó không đúng sai, phải trái, thiện ác, đẹp xấu, to nhỏ v.v... Nó là nó, danh từ đạo Phật gọi là như thị. Trong Bát Nhã Tâm Kinh nói là bất sinh, bất diệt, bất cấu, bất tịnh, bất tăng, bất giảm ...
Đứng trước thực tại (trần cảnh), ta thâu nhận nó qua những giác quan của mình là lục căn: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Nếu các giác quan của ta không được chính xác như mắt lé cận thị, tai điếc, mũi nghẹt, lưỡi khô, thân bệnh, ý đang tán loạn, vui buồn v.v... thì thực tại bị méo mó đi một phần. Do đây tri giác trở thành một cái lọc (filtre) hay lăng kính (miroir) thứ nhất. Và thực tại ban đầu trở thành thực tại số 1.
Kế tiếp thực tại số 1 lại được nhìn ngắm qua cái lọc thứ 2 là gia tài văn hóa, xã hội mà ta đã sinh ra và lớn lên. Nếu là người Việt Nam thì ta sẽ thấy sự việc đó như thế này, và nếu là người Mỹ hay Pháp thì ta sẽ thấy sự việc như thế khác, nói theo Duy Thức Học là ta chịu ảnh hưởng của cộng nghiệp. Từ đó thực tại số 1 lại bị biến thái và trở thành thực tại số 2.
Kế tiếp, cũng cùng là người Việt Nam nhưng tôi có những kinh nghiệm riêng tư, không giống như những người Việt Nam khác. Tôi có một đời sống khác, tình cảm khác, người yêu khác, công việc khác, v.v... tóm lại là một biệt nghiệp khác. Do đó cái thực tại số 2 kia sẽ được nhìn qua cái lọc thứ 3 là kinh nghiệm bản thân và trở thành một thực tại số 3.
Cuối cùng khi Ý của tôi muốn nhận thức thực tại thì nó chỉ thấy được cái thực tại số 3 chứ không còn thấy được cái thực tại ban đầu nữa. Sau khi nhận thức được cái thực tại số 3 này, Ý thức của tôi mới đóng khung (lọc thứ 4) nó qua hình ảnh, ngôn ngữ, khái niệm và cho đó là thực tại thứ thiệt. Cái thực tại sau cùng mà Ý nhận thức được chỉ còn là một bóng dáng, một mảnh vụn của thực tại, hay là một thực tại rơi rớt, méo mó vì đã trải qua nhiều cái lọc.
Tuy vậy đa số chúng ta cứ tưởng là mình nắm bắt được thực tại, cho là mình biết đúng, thấy đúng sự thật và từ đó muốn bao nhiêu người khác phải tin và nghe theo ý kiến của ta.
Jean Rostand, trong quyển "Ce que je crois", có nói: "Kẻ ngu thì tưởng là mình biết, người trí thì biết là mình tưởng" (les téméraires croient qu'ils savent, les sages savent qu'ils croient).
Làm sao biết vọng tưởng, vọng tình?
Tiến trình phiền não phát xuất từ ba anh Ý, Tình, Thân (Ba Mình) hoặc nói cách khác là do vọng tưởng, vọng tình và vọng nghiệp sinh ra. Hai cặp ba này liên quan rất mật thiết. Vì Ý vô minh nên khởi vọng tưởng, vọng tưởng nếu không được hóa giải thì sinh ra vọng tình, vọng tình nếu không được hóa giải thì đưa đến tạo nghiệp khổ đau.
Nhưng làm sao biết mình có vọng tưởng? Làm sao ngưng được vọng tưởng? Phải chăng mỗi khi có ý nghĩ khởi lên đều là vọng tưởng? Theo Thiền tông, hễ khởi ý niệm là vọng, dù đó là niệm xấu hay tốt. Nhưng ở đây chúng ta không nói chuyện Thiền mà nói chuyện đời sống hàng ngày, vì chúng ta không thể ngồi thiền nhập định suốt ngày, không nói năng hay tiếp xúc với trần cảnh. Ngày nào còn sống ngày đó chúng ta còn phải suy tư, nghĩ tưởng vì phải đi làm kiếm ăn nuôi gia đình. Chỉ khi nào đắc quả A La Hán nhập Diệt-thọ-tưởng-định thì lúc đó mới không còn một chút ý tưởng. Hơn nữa chúng ta được cấu tạo bởi năm uẩn, trong đó có thọ, tưởng, hành, và thức nên suốt ngày chúng ta cảm thọ, tư duy, suy nghĩ, nhớ tưởng lung tung, đó là chuyện đương nhiên.
Trên phương diện tương đối hàng ngày, chúng ta không thể không có Tưởng, không tưởng cái này thì tưởng cái kia. Tưởng rồi tin vào cái tưởng của mình gọi là tin tưởng (croyance, belief). Những cái tưởng đúng hoặc gần với thực tại, với chân lý thì được gọi là chánh kiến, đạo đức hay minh triết vì nó đem lại an vui hạnh phúc, còn những cái tưởng méo mó sai lầm không đúng thực tại, tin vào đó sẽ đưa đến buồn phiền khổ đau thì gọi là vọng tưởng (fausse croyance). Ngay cả những cái ta cho là sự thật hay chân lý rồi khư khư bám chặt vào đó thì nó cũng trở thành một loại vọng tưởng.
Mỗi khi khởi tâm so sánh một chiều, phê bình cái này đúng, cái kia sai, hoặc lên án người này tốt, người kia xấu, đó là đang rơi vào vọng tưởng (xem lại phần vọng tưởng).
Vọng tưởng « phân biệt, so sánh, phê phán, lên án, chỉ trích phải trái, tốt xấu.
Làm sao biết mình có vọng tình? Đó là khi trong lòng có sự ưa ghét đối với cảnh vật, hoặc yêu người này ghét người kia.
Vọng tình « trong lòng ưa ghét, thương giận, lo buồn...
Khi tâm thấy người này đúng, người kia sai thì ta sẽ ưa người (đúng) này và ghét người (sai) kia. Tiếp theo ta muốn gần gũi thân cận (thủ) người đúng và xa lánh ghét bỏ (xả) người sai.
Vọng nghiệp « thủ xả, bám víu, xua đuổi.
Tóm lại mỗi khi trong lòng có sự ưa ghét đối với người hay vật là biết mình đã có vọng tưởng rồi. Vì có vọng tưởng nên mới sinh ra vọng tình (ưa ghét).
Cảnh giới Ý Đồ
Trong Duy Thức Học có danh từ chánh báo và y báo, cả hai đều là nghiệp quả hay quả báo. Chánh báo là thân mạng con người, còn y báo là môi trường ta sống trong đó. Tùy nghiệp nhân đã tạo mà ta có thể được chánh báo và y báo tốt như sinh ra thân thể khỏe mạnh, đẹp đẽ và sống trong một quốc gia giàu sang. Hoặc chánh báo tốt mà y báo xấu như thân thể khỏe mạnh, đẹp đẽ nhưng sống ở một nơi nghèo hèn khốn khổ. Hoặc chánh báo xấu mà y báo tốt như thân thể xấu xí, bệnh hoạn nhưng lại được sống trong một gia đình giàu sang. Hoặc cả chánh báo và y báo đều xấu như sinh ra thân thể xấu xí, bệnh hoạn và phải sống trong một xứ nghèo khổ.
Chúng ta có thể sống trong cùng một y báo, cùng một môi trường, gia đình, xã hội, quốc gia nhưng trong thâm tâm mỗi người lại có riêng một cảnh giới khác. Vì mỗi chúng ta đều có những vọng tưởng, quan niệm, thành kiến, tập quán, và kinh nghiệm tình cảm cá nhân, tất cả những cái đó cộng lại tạo ra một thế giới riêng biệt trong tâm ý mà tôi gọi là "cảnh giới Ý Đồ". Ý đồ là bản đồ của tâm Ý. Thế giới tâm ý được đóng khung thành một bản đồ gồm có những con đường quen thuộc mà Ý của ta hay đi trong đó, với những quy tắc mà tình cảm và hành động của ta thường tuân theo.
Tâm của ta là một họa sĩ khéo, luôn vẽ vời ra đủ loại tranh ảnh, có cái đúng với thực tại, có cái méo mó và có cái hoàn toàn tưởng tượng không thực. Cái đúng với thực tại, Duy Thức Học gọi là tánh cảnh, cái hơi méo mó gọi là Đới chất cảnh, và cái hoàn toàn tưởng tượng được gọi Độc ảnh cảnh. Đới chất cảnh và Độc ảnh cảnh đều là thế giới tự biến của mỗi cá nhân.
Thí dụ: Hôm lễ Phật Đản tôi đi dự lễ Khánh Thành chùa mới và cùng lúc được nghe thầy trụ trì giảng về ý nghĩa công đức xây chùa cúng Phật. Cảnh chùa và buổi giảng có thực, đó là Tánh cảnh. Nhưng về đến nhà tôi chỉ còn nhớ mái chùa cong cong, với tượng Quan Thế Âm Bồ Tát lộ thiên đứng trên đầu con rồng đang phun nước, đây là những mảnh vụn của thực tại mà tôi mang về được, gọi là Đới chất cảnh. Sau đó tôi nghĩ thầm (tưởng tượng) mai mốt mỗi cuối tuần sẽ đến chùa lễ Phật, làm công quả và học đạo với thầy, cái này gọi là Độc ảnh cảnh, tức cảnh hiện ra một mình trong tâm ý tôi, vì việc này chưa xảy ra và có thể sẽ không bao giờ xảy ra.
Nếu so sánh với Duy Thức thì cảnh giới Ý Đồ có thể tương đương với Đới chất cảnh và Độc ảnh cảnh. Nhưng cảnh giới Ý Đồ ở đây còn bao gồm nhiều thứ khác như đã nói ở trên. Phần đông chúng ta tưởng mình cùng nói chung một thứ tiếng, cùng thấy một cảnh, cùng chung một lý tưởng, cùng theo một đạo Phật, v.v... nhưng cảnh giới Ý Đồ cho thấy thực tế không phải như vậy chút nào.
Một thí dụ khác: Tôi và bạn cùng theo đạo Phật, nhưng khi nói đến chữ Phật tôi tưởng ngay đến Phật Thích Ca trong khi đó bạn lại nghĩ đến Phật A Di Đà. Khi nói đến giải thoát thì tôi nghĩ đến Niết Bàn, còn bạn lại nghĩ đến Cực Lạc. Khi nhắc đến một ngôi chùa đẹp thì trong tâm tôi hiện ra chùa Một Cột ở Hà Nội, còn trong đầu bạn hiện ra chùa Vĩnh Nghiêm ở Sài Gòn. Chúng ta cùng nói đến Phật, giải thoát và chùa nhưng cả ba hoàn toàn khác nhau vì đức Phật trong cảnh giới Ý Đồ của tôi không phải là đức Phật trong cảnh giới Ý Đồ của bạn. Trong bản đồ (tâm ý) của bạn cũng có đầy đủ những thứ giống như của tôi (Phật, chùa, giải thoát) nhưng khác một điều là nó do chính bạn vẽ nên hai cái bản đồ không thể giống y như nhau được.
Biết được mỗi chúng ta đều có một cảnh giới Ý Đồ riêng là điều quan trọng trong việc giao tiếp và truyền thông. Nhờ hiểu được như thế ta sẽ không độc tài muốn mọi người phải tuân theo ý của mình, không buồn bực khi thấy người khác không hiểu mình, không vội nghe theo những tin đồn.
Chương trình tâm ý
Qua những phần trước: vọng tưởng, quan niệm, thành kiến, tập quán, phóng chiếu, và cảnh giới Ý Đồ, chúng ta có một chương trình tâm ý (programme mental). Trong xã hội văn minh ngày nay, tất cả máy móc, cơ khí, điện tử đều được điều khiển bởi chương trình tự động. Nhất là hệ thống vi tính (computer), nếu bạn muốn máy vi tính của bạn chạy được thì phải gắn những chương trình (programmes, logiciels, software) vào. Tâm ý của chúng ta cũng giống như vậy, sau khi được bỏ vào hay gắn vào những vọng tưởng, quan niệm, thành kiến, tập quán, v.v... nó cũng hoạt động theo chương trình mà ta đã thiết lập (một cách vô ý thức). Tâm ý hoạt động theo chương trình là sao? Đó là mỗi khi gặp một ngoại cảnh hay sự việc gì (input) nó liền cho ra một phản ứng (output) tự động khiến ta không kịp suy nghĩ hoặc suy nghĩ không ra.
Hồi nhỏ đi học ở Việt Nam tôi rất sợ bị kêu lên trả bài, vì mỗi khi trả bài không thuộc tôi bị thầy giáo tát hoặc cô giáo nhéo lỗ tai và chửi: "Sao ngu quá vậy"! Trong gia đình thì tôi không bao giờ được quyền nói lên ý kiến của mình, vì ông bà, cha mẹ, cô chú thường nói: "Con nít tụi bay im đi, biết cái gì mà nói". Qua những dữ kiện trên, tâm trí tôi lặng lẽ thiết lập một chương trình: "Tôi là người ngu, im đi, biết cái gì mà nói, nói bậy sẽ bị ăn đòn". Lớn lên tuy đã tốt nghiệp kỹ sư và đi làm lâu năm nên tôi biết rõ công việc của mình, nhưng mỗi khi phải đi họp (réunion, meeting) trong sở thì tôi rất sợ, tim đập mạnh, đầu óc tê cứng, tay chân lạnh ngắt, lúc đó tôi giống như một tù nhân sắp bị đưa ra pháp trường. Trong sở làm, từ chủ hãng cho đến nhân viên, ai nấy đều quý mến tôi vì tôi làm việc tốt và chăm chỉ, lúc nào cũng đối xử đàng hoàng lịch sự với mọi người, nhưng không hiểu tại sao đến các buổi họp là tôi sợ hãi, mặc dù biết sợ như vậy là vô lý làm tôi ăn nói vụng về. Nguyên nhân gây ra sợ hãi chính là cái chương trình cũ (old program) mà tôi đã đưa vào tâm mình năm xưa ở tiểu học, mỗi khi bị đứng ra trước một nhóm người để nói thì chương trình này nhảy ra hoạt động, nó nói: "Tôi là người ngu, im đi, biết cái gì mà nói, nói bậy sẽ bị người ta chửi".
Hồi cô Tám được ba tuổi, cha cô phải đi quân dịch và tử trận bỏ lại hai mẹ con cô bơ vơ. Vài năm sau mẹ cô mắc bệnh qua đời bỏ cô ở lại cho bà ngoại nuôi nấng. Lúc đó tuy hãy còn nhỏ không biết suy nghĩ nhiều nhưng trong tiềm thức bé Tám đã âm thầm đưa vào (set up) một chương trình: "Tôi là người bị bỏ rơi, những người tôi thương trước sau gì cũng bỏ rơi tôi"! Lớn lên lập gia đình, cô không dám lấy người cô thương mà lại lấy một người khác vì sợ nếu lấy người đó thì họ sẽ bỏ cô. Vì lấy chồng mà không thương nên cô không có hạnh phúc, thường buồn bực và bất mãn. Bởi gia đình không hạnh phúc nên cô hay lo sợ là chồng sẽ bỏ cô. Đúng như cô dự đoán mong chờ, sau hai chục năm chung sống chồng cô đã bỏ đi cưới người khác. Tuy không thương yêu gì chồng nhưng cô cảm thấy rất đau khổ, cái chương trình "bị bỏ rơi" lại hiện hành làm cô khóc suốt ngày, người ngoài tưởng cô nhớ chồng nhưng thật ra cô khóc cho thân phận "bị bỏ rơi". Cô Tám có năm đứa con, ba đứa đã lập gia đình, cứ mỗi lần làm đám cưới cho con, bên ngoài cô tỏ vẻ vui mừng nhưng trong lòng đau như cắt vì cảm thấy lại "bị bỏ rơi nữa". Hai đứa còn lại đang ở với cô vì còn đi học và sắp ra trường. Cô rất mong con cái học thành tài nhưng trong thâm tâm cô nơm nớp lo sợ học xong chúng nó sẽ ra ở riêng và cô sẽ sống cô đơn. Mấy đứa lớn tuy đã lập gia đình nhưng ở gần và hàng tuần đều ghé thăm mẹ nhưng cô không thấy được sự hiếu thảo đó mà tiếp tục sống trong hồi hộp lo âu sợ "bị bỏ rơi".
Chúng ta thường sống với những chương trình cũ rích không hợp thời hợp thế, chúng làm ta mắc kẹt không sống an vui hạnh phúc được trong hiện tại. Công trình tu tập là làm sao nhận diện được những chương trình lỗi thời này để xóa bỏ và thay thế bằng những chương trình mới hợp thời và hữu ích hơn.
Tất cả những mặc cảm như tự ti, tự tôn, tội lỗi, v.v... đều là những chương trình nằm sâu trong tiềm thức. Mặc có nghĩa là thầm lặng, cảm là cảm nhận, mặc cảm là sự cảm nhận âm thầm lặng lẽ trong tâm thức. Mặc cảm tự ti (complexe d'infériorité) là âm thầm cảm nhận, cho rằng mình là người ngu, dở, thua kém kẻ khác. Vì bị chương trình tự ti điều khiển nên ta trở thành nhút nhát, sợ hãi, mắc cở. Càng nhút nhát, sợ hãi, mắc cở thì ta lại càng tự ti, càng thấy mình dở và thua kém. Mặc cảm tự tôn (complexe de supériorité) là âm thầm cho mình là người tài giỏi hơn kẻ khác. Vì bị chương trình tự tôn điều khiển nên ta dễ kiêu mạn, ăn nói phách lối, khinh người. Mặc cảm tội lỗi (culpabilité) là âm thầm cho mình có tội, mỗi khi gặp chuyện không may, dù lớn dù nhỏ xảy ra đều ăn năn hối hận tự trách lỗi tại mình nên mới ra nông nỗi như vậy. Người này thường bị ăn năn hối hận dày vò, sống trong hồi hộp, sợ hãi, sợ bị trừng phạt.
Những mặc cảm này, xem ra có vẻ không nguy hiểm vì không làm hại người khác một cách trực tiếp, nhưng chúng cũng là một loại phiền não vì làm ta khổ sở. Nếu khổ sở, không hạnh phúc thì từ từ ta sẽ ảnh hưởng đến những người xung quanh như vợ chồng, con cháu, cha mẹ, anh em và làm họ khổ lây.