Tôi đã từng xem qua sự tích về ông Dương Chấn Ninh từng đoạt giải thưởng Nobel. Khi ông Dương Chấn Ninh còn học trung học thì đã tỏ ra là một thiên tài về mặt vật lý và toán học. Cha của ông Dương Chấn Ninh là một người dạy học, thế nhưng sau khi ông phát hiện ra con trai của mình có cái sở trường đặc biệt này, ông ấy lại không phát huy con mình về mặt này, ông ấy lại mời một gia sư để dạy cho con mình. Dạy cái gì? Dạy Quốc học, là giáo học của Khổng Mạnh, là dạy về Mạnh Tử. Vị thầy dạy Quốc học này khi mời đến nhà dạy học thì Dương Chấn Ninh đã học cấp hai rồi. Vị thầy này dạy Dương Chấn Ninh học về Mạnh Tử thì Dương Chấn Ninh học thuộc lòng Mạnh Tử, rồi thể ngộ về Mạnh Tử. Sau cùng, ông ấy nói sự nghiệp một đời của ông ấy là nhờ vào Mạnh Tử, đã cho ông ấy một sự khởi phát đắc lực. Sự giáo dục cho Mao Sâm khi còn là thanh thiếu niên thì đắc lực bởi văn hóa truyền thống Trung Hoa.
Giáo dục có liên quan đến hiếu đạo của kinh điển ba nhà Nho-Thích-Đạo trong văn hóa truyền thống Trung Quốc là:
- Hiếu Kinh của nhà Nho.
- Kinh Cha Mẹ Ơn Nặng Khó Báo Đáp của nhà Phật.
- Văn Xương Đế Quân Nguyên Đán Khuyến Hiếu Văn và Lữ Tổ Khuyến Hiếu Văn của nhà Đạo.
Khi Mao Sâm được năm tuổi thì tôi đã dùng phấn dạy Mao Sâm viết thơ Đường bài thơ “Du Tử Ngâm” ngay trên tấm ván cửa trong nhà mình:
Du Tử Ngâm
Từ mẫu thủ trung tuyến
Du tử thân thượng y
Lâm hành mật mật phùng
Ý khủng trì trì quy
Thuỳ ngôn thốn thảo tâm
Báo đắc tam xuân huy.
Đoạn thơ ngắn này đã lột tả tình yêu thương của người mẹ bao trùm đến cả những điều vi tế nhất trong cuộc sống, mà cũng bảy tỏ lòng cảm ân của con cái đối với người mẹ. Đây chính là bài học về văn hóa gia đình đầu tiên của Mao Sâm. Lúc đó Mao Sâm mới có hơn năm tuổi. Tư chất của Mao Sâm vốn không thông minh, vì vậy mà việc chuyển nói từ tiếng Quảng Châu thành tiếng Phổ Thông rất là tốn công sức, nhưng mà tôi vẫn rất là nhẫn nại để dạy cậu ấy. Sau khi đã khắc phục được những khó khăn cục diện ban đầu này thì dần dần cũng trở nên thuận lợi hơn rất nhiều. Hai mẹ con chúng tôi cùng nhau học tập những sự giáo dục về hiếu đạo trong kinh điển của ba nhà Nho-Thích-Đạo. Có khi tôi giảng cho con trai tôi nghe, có khi con trai đọc thuộc lòng cho tôi nghe. Mẹ con chúng tôi cùng nhau học tập, cùng nhau hòa vào cái bầu không khí hiếu đạo như vậy, cho nên việc học của hai mẹ con đã trở nên rất là vui vẻ. Trên Hiếu Kinh có viết: “Khổng Tử nói, cái đạo của người con hiếu, ở phải hết lòng cung kính, nuôi phải hết lòng vui vẻ, bệnh phải hết lòng thuốc thang, tang phải hết lòng thương tiếc, cúng bái phải hết sức trang nghiêm. Làm tốt năm điều này thì mới trọn đạo làm con”.
Những giáo huấn này Mao Sâm đã ghi nhớ rất chắc chắn. Vào mùa xuân năm 1984, khi đó Mao Sâm mới 11 tuổi. Trong buổi sum họp Tết truyền thống của gia đình chúng tôi, theo thường lệ mà nói thì mỗi một gia đình anh chị em chúng tôi đều dẫn theo con cái của mình đến nhà ba mẹ chúng tôi để chúc Tết, để lễ bái cha mẹ, sau đó thì dâng lên một ít tiền lì xì và quà. Sau cùng là mỗi đứa trẻ đều phải biểu diễn một tiết mục. Có đứa thì trình diễn thơ ca, có đứa thì trình diễn văn chương, Mao Sâm khi đó thì trình diễn một đoạn văn. Đoạn văn cậu ấy viết có tựa đề là “Làm sao để hiếu kính cha mẹ”
“Làm sao để hiếu kính cha mẹ?
“Trong Hiếu Kinh có một đoạn viết như thế này: “Phu hiếu, thiên chi kinh dã, địa chi nghĩa dã, dân chi hành dã”.
“Hiếu kính cha mẹ, một mặt là hiếu kính về mặt vật chất, phải làm cho cha mẹ được cơm no áo ấm, đúng hạn kỳ cho cha mẹ một ít tiền tiêu vặt, thường xuyên mua cho cha mẹ những món ăn mà cha mẹ ưa thích, đặc biệt là khi họ bị bệnh, con cái phải tận hết sức lực mà chăm sóc tốt cho cha mẹ tuổi tác đã cao. Đây cũng là làm ra một tấm gương tốt cho con cái mình, càng quan trọng hơn nữa là vì một tinh thần hiếu kính. Chúng ta phải quan tâm đến cha mẹ tuổi tác đã cao, phải tôn kính họ, có việc thì phải cùng họ trao đổi ý kiến, tôn trọng ý kiến của họ, khiến cho họ được vui vẻ về mặt tinh thần”.
Đây là lời phát biểu của Mao Sâm lúc 11 tuổi trong buổi họp mặt nhân dịp Tết của gia tộc chúng tôi. Trong chiếc hộp đựng những kỷ vật gia đình chúng tôi đều có lưu giữ những thứ này. Sau đó khoảng 10 năm, vào năm 1994, Mao Sâm được 21 tuổi, khi đó đang học tại đại học Trung Sơn. Vào dịp sinh nhật của tôi năm đó, Mao Sâm đã tặng cho tôi một tấm thiệp chúc mừng sinh nhật đặc biệt lớn. Tấm thiệp đó to bằng bề mặt của một tờ báo ảnh cỡ lớn như bây giờ vậy. Trên đó viết như vầy:
“Mẹ kính yêu!
Trong mắt của con, người là một người mẹ, cũng là một vị Bồ Tát! Người đã ban tặng cho con một cách vô tư vô cầu.
Cho con quần áo và những đồ dùng hàng ngày, tiền bạc lụa là, ăn mặc các thứ, đã khiến cho máu thịt thân thể con từ không đến có, từ nhỏ đến lớn, người dạy cho con phong độ lễ nghĩa, thông đạt nhân tình, tư duy làm việc, quy luật nhân sinh v.v…
Người đã khiến cho con đi vào ngưỡng cửa của Phật pháp, dạy con nhận thức được về đạo lý nhân quả ba đời, thể ngộ được chân đế của vũ trụ nhân sinh.
Người đã ban cho con trí tuệ và sức lực, khiến con có năng lực và dũng khí để đối đầu với những sóng gió cuộc đời, lập chí vượt biển ra khơi, cầu học thâm sâu, v.v…
Ôi! Mẹ kính yêu của con!
Người là người mẹ đã sinh và nuôi dạy con.
Người là vị Bồ Tát đã độ hóa và giác ngộ cho con!
Ơn ban tặng của người, không những khiến con một đời được phước, mà còn trăm đời nghìn đời được phước. Ân tình như biển vậy, ngàn đời khó mà báo đáp được!
Mẹ phát nguyện vãng sanh Tây Phương Tịnh Độ, con xin phát nguyện vì mẹ mà làm người hộ pháp!
Con phải làm nên thành tựu to lớn tại thế gian, đem việc này mà cúng dường cho người mẹ Bồ Tát kính yêu nhất của con!
Con trai của mẹ - Mao Sâm - Khấu trình
Ngày 02 tháng 01 năm 1994”.
Khi đó Mao Sâm đang theo học tại trường Đại Học Trung Sơn. Lợi dụng thời gian rảnh rỗi đi làm việc cho công ty P&G, chính là công ty Bảo Khiết, có chi nhánh tại Quảng Châu của một công ty nổi tiếng của Mỹ. Lúc này Mao Sâm lãnh đạo một đội quảng cáo xe đạp của Trường đại học Trung Sơn, phát những gói dầu gội đầu và dầu chăm sóc tóc dùng thử cho công ty này. Khi đó là phải phát cho từng nhà từng hộ của toàn thành phố Quảng Châu. Cũng vào thời đại đó nhà nước có quy định là nếu như sinh viên sau khi tốt nghiệp mà trực tiếp lo kinh phí đi du học ở nước ngoài mà không thể phục vụ ngay cho đất nước, thì sau khi tốt nghiệp bốn năm đại học hệ chính quy thì phải nộp lại cho nhà trường là 10.000 tệ tiền phí giáo dục đào tạo, phải trả lại 10.000 tiền phí giáo dục này. Mao Sâm vì muốn giảm nhẹ gánh nặng cho gia đình, cho nên cậu ấy tranh thủ thời gian đi làm mà kiếm về số tiền 10.000 này để nộp lại cho nhà trường, sau đó mới thuận lợi mà đi ra nước ngoài du học.
Vậy Hiếu là gì? Phụng sự cha mẹ chính là hiếu. Hiếu, chính là cách thường gọi cái hành vi đạo đức luân lý của con cái đối đãi tốt với cha mẹ và bậc trưởng bối.
Hiếu Kinh rất được chú trọng trong kinh điển của nhà Nho. Trong chương thứ nhất Khai tông minh nghĩa, Khổng Lão Phu Tử nói: “Phu hiếu, đức chi bổn dã, giáo chi sở do sinh dã”, ý nói hiếu chính là căn bản của đạo đức và là đầu nguồn của giáo dục.
Hiếu Kinh vốn không dài lắm, chỉ có 1799 chữ, nhưng nó được xếp ở một vị trí rất quan trọng trong số 13 kinh điển của nhà Nho. Mười ba kinh của nhà Nho là Chu Dịch, Thượng Thư, Thi kinh, Chu Lễ, Nghi Lễ, Lễ Ký, Tả Truyện, Xuân Thu-Công Dương Truyền, Xuân Thu-Cổ Lương Truyền, Luận Ngữ, Hiếu Kinh, Di Nhã, Mạnh Tử. Do vì lịch đại đế vương đều đã làm qua chú giải cho Hiếu Kinh rất nhiều, ví dụ như là Ngụy Văn Đế, Tấn Văn Đế, Tấn Hiếu Đế, Lương Võ Đế, Lương Giản Văn Đế, Đường Huyền Tông, cùng với triều nhà Thanh là Thuận Trị, Khang Hy, Hoàng Đế Ung Chính, v.v… Căn cứ vào quyển Hậu Hán Thư có ghi chép lại rằng, vào thời đại Triều nhà Hán, người dân đều học thuộc quyển Hiếu Kinh. Chúng ta sẽ tự hỏi rằng quyển Hiếu Kinh này tại sao lại được các vị vua xem trọng như vậy? Đây là bởi vì chỉ có đề xướng Hiếu đạo thì mới có thể khiến cho người dân có được tâm địa thuần hậu, mới có thể khiến cho đất nước được trị an lâu dài, xã hội hài hòa. Trong Hiếu Kinh trả lời chính là những vấn đề này. Khổng Tử đã nói rằng: “Một vị vua thánh minh sẽ lấy hiếu mà trị vì thiên hạ”. Nếu như nói nhà Nho là lấy “Nhân” làm trung tâm, thì “Nhân” lấy “hiếu” mà làm gốc. Hiếu Kinh đã khái quát ra hành vi một đời của con người: “Thân thể phát phu, thụ chi phụ mẫu, bất cảm hủy thương, hiếu chi thủy dã, lập thân hành đạo, dương danh vu hậu thế, dĩ hiển phụ mẫu, hiếu chi chung dã. Phu hiếu, thủy vu sự thân, trung vu sự quân, chung vu lập thân”.
Hành vi của một con người cần phải làm cho được đến chỗ hiếu đạo. Đầu tiên là đối với thân thể của chính mình như tóc tai, da thịt đều phải biết yêu quý, tại vì những thứ này đều là từ cha mẹ mà có, khiến cho chúng ta hiểu được là phải biết tự quý trọng bản thân. Đây chính là bắt đầu của việc hiếu, sau đó mới dần dần mà đem tâm hiếu của mình mở rộng ra, thậm chí còn mở rộng ra đến lòng trung thành đối với đất nước, phục vụ cho nhân dân. Nếu như có thể tiến thêm một bước nữa thì là tu thân hành đạo, kiến công lập nghiệp để mà thực hiện cái chủ trương của thánh nhân, không những khiến cho tự mình dương danh hậu thế mà còn có thể làm cho cha mẹ được vẻ vang. Đây chính là mục tiêu sau cùng của hiếu đức. Cho nên nói hiếu là phải bắt đầu từ việc phụng sự song thân, giữa là phải phụng sự quốc dân, nghĩa là phục vụ quốc gia và nhân dân, cuối cùng là đạt đến Lập Đức - Lập Công - Lập Ngôn, kiến lập công lao sự nghiệp cho nghìn đời sau. Tầng bậc của hiếu cũng không ngừng tăng lên, có thể phân thành tiểu hiếu, đại hiếu và chí hiếu. Có thể hiếu kính đối với cha mẹ của mình thì gọi là tiểu hiếu, đem lòng hiếu kính cha mẹ này mà mở rộng ra đến hiếu kính hết thảy cha mẹ trong thiên hạ thì gọi là đại hiếu. Đây cũng chính là cái mà ngày nay chúng ta thường nói là: “Toàn tâm toàn ý vì nhân dân mà phục vụ”. Tiến thêm một bước nữa là có thể lập chí thành thánh thành hiền mà làm đến được lợi ích cho rộng khắp chúng sanh trong thế gian, khiến cho nghìn vạn đời sau vẫn còn có thể nhận được lợi ích vô cùng tận. Đây chính là chí hiếu.
Hiếu vốn là là tình yêu thương giữa con cái và cha mẹ. Trên Hiếu Kinh có nói rằng: “Đạo cha con là bản tính tự nhiên”. Khi Mao Sâm được 17 tuổi, lúc đó đang học trung học, vào dịp sinh nhật của cha mình cậu ấy đã làm một bài thơ tặng cho cha. Bài thơ tên là: “Niệm Nô Kiều – Tử Thừa Phụ Chí” tặng lên cho cha. Cha là người Quảng Châu, từng làm việc ở Phương Bắc và cũng từng tham gia quân đội. Sau đây xin chia sẻ cùng mọi người bài thơ này:
“Cha kính mến!
Hôm nay là ngày mừng sinh nhật cha, con xin cảm niệm ân tình dưỡng dục của cha. Con đặc biệt làm bài thơ này, con sẽ dựa vào tự mình quyết tâm cố gắng lập chí, mong báo đáp một phần nào ân tình như biển của cha.
Niệm Nô Kiều, Tử Thừa Phụ Chí
Lăn lộn Bắc Nam,
Dầm giãi gió mưa
Vì tổ quốc đảm đương trọng trách
Nửa đời cực nhọc
Tóc đã bạc đầu
Trải bao gian nan cuộc đời.
Tuổi thơ vất vả
Nhiều năm tòng chiến,
Từ Thượng Hải, Quảng Châu cho đến Cam Túc.
Giữ nhà dựng nước
Đâu vì danh lợi no ấm?
Còn nhớ dưới ánh trăng bên cửa sổ
Đôn đốc dạy dỗ con thơ
Nào tính thời gian?
Thấm thoát qua đi
Con giờ đã lớn
Kế thừa chí cha
Không ngại khổ sở
Dày công học hành
Thâm ân khó trả
Chỉ xin dâng người bó hoa tươi thắm.
Con trai: Mao Sâm Kính thư!
Ngày 23 tháng 12 năm 1990”.
Hiếu rốt cuộc chiếm một vị trí như thế nào trong cuộc sống của chúng ta? Trong Văn Xương Đế Quân Nguyên Đán Khuyến Hiếu Văn của nhà Đạo nói rằng: “Kim nhật thị nguyên đáng, vi nhân gian đệ nhất nhật, ngô đương thuyết nhân gian đệ nhất sự. Hà vị đệ nhất sự? Hiếu giả, bách hành chi nguyên, tinh nhi cực chi, khả dĩ tham thán hóa dục, cố vị chi đệ nhất sự…”
Điều mà đoạn văn này nói, chúng ta có thể tỉ mỉ mà thể hội một chút. Trong đây nói “Hiếu giả bách hành chi nguyên”. Chúng ta biết hiếu là căn bản của hết thảy các hành vi thiện lành, là điều đầu tiên trong trăm điều thiện, là điểm bắt đầu của lòng yêu thương. Nếu có thể đem hiếu làm được đến chỗ chí thành thì chính là cái đoạn văn vừa rồi chỗ nói đến: “tinh nhi cực chi”. “Tinh nhi cực chi khả dĩ tham tán hóa dục” chính là có thể giúp cho trời đất giáo hóa vạn vật. Điều này làm sao để lý giải? Ở phương diện này có tấm gương nào chưa? Trong lịch sử đã có, chúng ta đã biết vua Thuấn của Trung Quốc ngày xưa, ông là một tấm gương về người có thể làm được hiếu đến chỗ chí thành. Căn cứ theo ghi chép trong quyển Nhị Thập Tứ Hiếu, tâm hiếu của Thuấn là chân thành và chí thuần, đã cảm động được người mẹ kế khiến bà ta không còn bức hại ông ta nữa, cảm động được người ta giúp ông ấy cày ruộng, cảm động được những chú chim nhỏ giúp ông ấy gieo hạt, cảm động được vị vua khi ấy là vua Nghiêu đã gả hai công chúa cho ông, còn cảm động được vua Nghiêu sau cùng đem vương vị truyền lại cho ông. Cái hiếu này của Thuấn còn cảm động được người dân cả đất nước đều rất tôn kính ông ta. Chúng ta từ vua Thuấn có thể thấy được hiếu đã sản sinh ra tác dụng to lớn như thế. Hiếu đã mang đến cho ông ta sự hài hòa trong mối quan hệ giữa người với người, mang đến cho ông ta niềm hạnh phúc nhân sinh, mang đến cho ông ta sự nghiệp thành công, mang đến cho ông ta một địa vị vô cùng tôn nghiêm là vị trí đế vương. Tất cả những thành công mỹ mãn của ông ta đều là bắt đầu từ hiếu mà làm, đã đem việc hiếu làm được rất viên mãn. Chúng ta có thể thấy, hiếu đích thực là có thể cùng tham gia giúp đỡ việc giáo hóa thay đổi thiên hạ, khiến cho lão bá tánh đều được cảm hóa, cho nên hiếu là đệ nhất đức.
Cái “đệ nhất đức” này làm sao để mà áp dụng trong cuộc sống? Chúng ta hãy xem Mao Sâm đã thể nghiệm như thế nào? Trong lúc Mao Sâm đi du học tại Mỹ, nhờ vào thành tích ưu tú của mình mà lấy được học bổng của trường. Mỗi tháng cậu ấy đều đúng hạn gửi cho cha mẹ 300 đô la Mỹ. Khi đó gửi cho tôi là 200 đô la, gửi cho cha là 100 đô la. Do vì cha cậu ấy và tôi đã chia tay nhau từ khi còn trẻ, lúc đó chúng tôi chưa học Phật. Ông ấy đã lập gia đình riêng, nhưng con trai vẫn tôn kính và phụng dưỡng ông ấy như xưa. Tôi sống cùng con trai. Lúc đó gửi cho tôi 200 đô la Mỹ là tương đương với 1,600 nhân dân tệ, đó là một khoản tiền rất lớn. Nhưng mà cuộc sống của cậu ấy khi đó ở Mỹ là như thế nào? Chúng ta hãy xem thử. Vào ngày 07 tháng 01 năm 1996, khi còn du học cậu ấy đã gửi cho tôi một bức thư:
“Mùa đông ở Louisiana rất lạnh. Ở đây vào ban đêm thường là dưới 00C. Có một hôm vào buổi sáng khi thức dậy, thật ngạc nhiên khi phát hiện ngoài trời có rất nhiều tuyết rơi… Trước mắt chính là thời điểm lạnh giá nhất, con vẫn có thể chịu đựng được. Để tiết kiệm được một ít tiền, con không mua chăn bông. Dù rằng lạnh như vậy con vẫn duy trì việc tắm nước lạnh một hai lần mỗi tuần.
“Việc học tập và cuộc sống của con trước mắt tương đối là đơn điệu, mỗi ngày đều mặc lại những bộ đồ như nhau, ăn lại những món ăn như nhau, đi lại trên những con đường như nhau, đọc lại những quyển sách như nhau. Con đã cố gắng để khiến mình trong đơn điệu mà tìm cầu đơn điệu, để nhằm tiêu giảm lòng vọng động ở trong con. Mỗi ngày sớm tối con đều tự nhắc nhở rằng phải an trú mình trong cuộc sống đơn điệu, ít nhất là cho đến khi lấy được bằng tiến sĩ mới thôi. Tại vì con đã sâu sắc mà hiểu rằng, con đến Mỹ không phải là để hưởng thụ, mà là nợ cha mẹ một món nợ ân đức, là tiêu xài đồng tiền mồ hôi nước mắt của cha mẹ, nếu không nỗ lực mà học hành thì thật khó mà tha thứ!
Cho nên con đột nhiên rất là thích cái lạnh của đêm mùa đông, bởi vì có ở trong cái đêm đông con mới thể hội được cái tinh thần: “Nằm gai nếm mật”, mới có thể cảm nhận được sự thanh tịnh của Phạm Trọng Yêm: “Bỏ yến tiệc, ăn cháo hoa”. Vào tối thứ sáu này lại có một trận mưa tuyết, vô cùng lạnh, nhưng mà trái lại lòng con trước sau đều là càng trở nên mạnh mẽ hơn mà thôi. Con phải lấy thành tích ưu tú của mình mà cúng dường cha mẹ!
Cha! Mẹ! xin hãy yên tâm, con trai xin bảo đảm và phát thệ với cha mẹ rằng: “Con nhất định sẽ hiếu thuận cha mẹ, con sẽ đem việc hiếu thuận cha mẹ đặt lên vị trí số một, đem sự nghiệp đặt ở vị trí số hai!”.
Trong đoạn này nói: “Đem hiếu thuận đặt ở vị trí số một”, chúng ta cũng có thể hiểu là đem đạo đức đặt ở vị trí số một, cũng chính là cái mà chúng tôi vừa giới thiệu. Văn Xương Đế Quân Nguyên Đán Khuyến Hiếu Văn đã nói: “Nhân gian đệ nhất sự chính là hiếu”.
Giáo sư: Năm đó, sau khi mẹ nhận được lá thư của tôi thì liền hồi âm như vầy:
“Cái lạnh của mùa đông mà có thể làm cho con lý trí và kiên cường như vậy, xin cảm ơn mùa đông của Louisiana! Xin cảm ơn cuộc sống thanh bần và không dục vọng, nó đã khiến cho con hồi phục được ánh sáng của tánh đức! Lục Tổ Đại sư Huệ Năng của Trung Quốc từng nói, trong bản tánh con người vốn là có đầy đủ trí tuệ, v.v… Chỉ là do con người từ lâu đã mê mất, đã bị bụi bặm của tham - sân - si che đậy khiến cho những thứ này không thể hiển lộ ra được. Như vậy thì, dùng phương pháp gì mới có thể khai mở cái bảo tàng nhân tính vậy? Là dùng “Hiếu”, đây là chiếc chìa khóa đầu tiên. Hiếu dưỡng cha mẹ, lại mở rộng ra thêm nữa, hiếu dưỡng hết thảy chúng sanh. Mao Sâm, trước tiên con hãy làm ra một tấm gương để cho các thanh niên khác họ xem nhé!”.
Cô giáo: Sau đó, tôi đi đến Mỹ tham gia lễ tốt nghiệp tiến sĩ của con trai. Nghe từ miệng các bạn học nói tôi mới biết cuộc sống của Mao Sâm. Khi đó lúc nào cũng đều tiết kiệm. Cậu ấy chủ động từ bỏ cái ấm áp của mùa đông và còn kiên trì ăn chay. Tiền tiết kiệm được từ khoản học bổng mỗi tháng của trường đem gửi về Trung Quốc để hiếu dưỡng cha mẹ.
Giáo sư: Nhớ lại lúc còn đang du học tại Mỹ quả thật là có chút khó khăn. Mùa đông đến nhưng vì để tiết kiệm được tiền nên đã không đi mua chăn bông mà lấy tấm thảm lông đem từ nhà qua để đắp mà qua mùa đông. Vào lúc thực sự lạnh của mùa đông, chúng tôi cũng không mở lò sưởi mà đem hết tất cả quần áo đắp lên người, thậm chí còn đem sách vở mà đắp luôn lên người. Rất nhiều lúc chúng tôi đi mua thức ăn đều là mua cà rốt và bắp cải. Ngoài ra khi tôi đến Mỹ thì không có đồ dùng nhà bếp. Có một người bạn học vừa mới tốt nghiệp, dư ra một cái nồi áp suất chuẩn bị đem vứt bỏ, tôi thấy vẫn còn có thể sử dụng được thế là tôi bèn nhặt lại để mà dùng. Cái nồi áp suất ấy đã không còn dùng áp suất được nữa, cái miếng kê trên nắp cũng không còn nữa, tôi đã dùng cái nồi này để xào rau, nấu cơm, nấu canh đều là dùng đi dùng lại nó cả. Đã dùng được đến bốn năm rồi. Nhưng mà tôi cảm thấy rằng đã là thanh niên thì phải nên giảm thiểu đi sự no đủ và yên vui, trong lòng phải nên gia tăng lên lòng báo ân và chí tiến thủ. Mạnh Tử nói rằng: “Sống trong hoạn nạn, chết trong an lạc”, đích thực là vậy.
Cô giáo: Mỗi năm vào ngày sinh nhật của Mao Sâm thì sau khi lạy tạ tôi cậu ấy liền đi đọc qua một lần bộ kinh Cha Mẹ Ân Nặng Khó Báo Đáp. Mỗi khi đọc đến cái câu sau đây thì cậu ấy đều rơi nước mắt:
Kinh Cha Mẹ Ân Nặng Khó Báo Đáp:
Ơn cha mẹ sâu nặng,
Không có lúc ngừng nghỉ,
Đứng ngồi tâm tương tục,
Xa gần ý đều theo.
Mẹ già 100 tuổi,
Còn thương con 80,
Chỉ khi thọ mạng hết,
Thì ân tình mới thôi.
Khi mẹ mang thai,
Trong mười tháng ròng,
Đứng ngồi không yên,
Như mang vật nặng,
Uống ăn chẳng đặng,
Như bệnh lâu ngày.
Khi đến kỳ sinh,
Chịu bao thống khổ,
Lúc phải sinh con,
Hiểm nguy vô thường,
Như giết heo dê,
Máu chảy dầm dề,
Chịu bao nhiêu khổ.
Sinh được con ra
Ngậm đắng nuốt cay,
Nuôi nấng ẵm bồng,
Giặt rửa đồ dơ,
Không quản mệt nhọc,
Chịu nóng chịu lạnh,
Không từ vất vả,
Chỗ khô con nằm,
Chỗ ướt mẹ ngủ.
Trong suốt ba năm,
Bú nương sữa mẹ,
Từ lúc bé thơ,
Cho đến trưởng thành,
Dạy bảo lễ nghĩa,
Dựng vợ gả chồng,
Cấp vốn làm ăn,
Nuôi dạy như vậy,
Mong sớm thành người.
Giả như có người,
Vai trái gánh cha,
Vai phải gánh mẹ,
Xẻ thịt đến xương
Chọc thủng xương tủy,
Rảo núi Tu Di,
Trải trăm nghìn kiếp,
Cũng không thể báo,
Thâm ân cha mẹ.
Giả như có người,
Gặp kiếp nạn đói,
Vì nuôi cha mẹ,
Đem lấy thân mình,
Xẻ thành từng mảnh,
Nghiền nát như tương,
Trải trăm nghìn kiếp,
Cũng không thể báo,
Thâm ân cha mẹ.
Giả như có người,
Vì nuôi cha mẹ,
Giã nát xương tủy,
Trải trăm nghìn kiếp,
Cũng không thể báo,
Thâm ân cha mẹ.
Nếu muốn báo ơn,
Vì cha mẹ biên chép kinh này,
Vì cha mẹ đọc tụng kinh này,
Vì cha mẹ sám hối tội chướng,
Vì cha mẹ cúng dường tam bảo,
Vì cha mẹ thọ trì trai giới,
Vì cha mẹ bố thí tu phước.
Ở đây nói là, biên chép kinh này, đọc tụng kinh này, ý nghĩa là khiến chúng ta có thể tuyên giảng hoằng dương hiếu đạo được rộng khắp. Do vì người xưa đối với kỹ thuật in ấn còn chưa phát triển cho nên muốn lưu thông kinh điển nhất định là phải ghi chép lại, lại cũng không có đĩa VCD, cho nên phải vì người mà đọc tụng kinh này. Ngày nay chúng ta hy vọng muốn hoằng dương hiếu đạo, thì không những phải tuyên giảng mà càng phải lấy bản thân làm gương, tự mình phải áp dụng làm được một tấm gương tốt về hiếu thân tôn sư, có thể lập thân hành đạo, toàn tâm toàn ý vì nhân dân phục vụ, đây mới là đại hiếu, đây mới là chân thật báo ân. Trong Phật kinh “Đại Chánh Tạng” có một bộ là Đại Thừa Bổn Sinh Tâm Địa Quan Kinh, trong đó có một đoạn nói như vầy:
“ Này thiện nam tử, thiện nữ nhân!
Vì báo ân mẹ - trải qua một kiếp
Mỗi ngày ba thời - tự cắt thân mình
Mà chưa thể báo - ân đức một ngày”.
Có thể thấy rằng cha mẹ ơn nặng khó báo đáp, đây là lời Phật đã nói. Người xưa đối với việc này đều tin sâu chẳng nghi, mà còn ra sức thực hành không ngừng nghỉ. Những câu chuyện kinh điển của Nhị Thập Tứ Hiếu của Trung Quốc lưu truyền đến nay, cảm động người đến tận đáy lòng. Nhưng mà những người thanh niên hiện tại trong thời buổi kinh tế thị trường phát đạt như ngày nay đã mãi mãi coi nhẹ cái căn bản của nền văn hóa nhân loại, đó chính là “Hiếu đạo”.
Nhà Nho nói: “Hiếu là đệ nhất thiện”.
Nhà Đạo nói: “Hiếu là đệ nhất sự”.
Nhà Phật nói: “Hiếu là đệ nhất phước”.
Nhà Nho nói: “Hiếu là đệ nhất thiện” thì chúng ta nghe tương đối nhiều. Nhà Phật nói: “Hiếu là đệ nhất phước” thì lời này xuất phát từ Phật Thuyết Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh. Trong Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh, Phật nói phải tu Tam Phước.
Nhất giả: “Hiếu dưỡng phụ mẫu, phụng sự sư trưởng, từ tâm bất sát, tu thập thiện nghiệp”. Vẫn còn nhị giả, tam giả nữa.
Câu đầu tiên trong đệ nhất phước chính là phải “Hiếu dưỡng phụ mẫu”, cho nên chúng ta nói nhà Phật nói: “Hiếu là đệ nhất phước”. Bạn có hiếu thì bạn mới có phước báu. Nhà Đạo nói: “Hiếu là đệ nhất sự”. Chúng ta vừa rồi có nói đến trong Văn Xương Đế Quân Nguyên Đán Khuyến Hiếu Văn đã có nhắc qua. Hành hiếu chính là phải dựa vào sức mạnh giáo hóa của kinh điển Nho Thích Đạo tam gia trong nền văn hóa truyền thống của Trung Hoa, nhưng mà người làm cha mẹ phải lấy mình làm gương mẫu. Cha mẹ lấy thân mình làm gương mới là có sức giáo hóa lớn nhất, có thể khiến cho con trẻ không cần phải ra lệnh mà vẫn làm theo, đó là làm ra một tấm gương cho chúng xem.
Trong buổi hội đàm “Thanh niên học tập hiếu đạo” của chúng tôi thì chúng tôi luôn sẽ đưa ra một vấn đề như vầy: “Cho đến bây giờ, bạn đã làm được những gì khiến cho cha mẹ bạn hài lòng nhất, khiến cha mẹ thường thường phải nhớ lại?”. Ví dụ như là tôi nhớ lại bà ngoại tôi, đây là mẹ của mẹ tôi, bà thường kể cho tôi nghe một sự việc như vầy. Khi mẹ tôi nhận được tiền lương của tháng đầu tiên đi làm thì liền đem tiền về cho cha mẹ anh chị trong nhà, mua cho mỗi người một chiếc áo. Việc này làm cho ngoại tôi rất là vui, đến bây giờ vẫn còn vui mỗi khi nhắc đến. Còn việc mà khiến cho ông bà ngoại tôi vui sướng nhất là việc mẹ tôi giúp đỡ anh chị của mình một cách vô tư. Mẹ tôi là nhỏ nhất trong tất cả anh chị em, nhưng mẹ luôn nhiệt tình vì họ mà phục vụ, giúp đỡ anh chị mình và cả con cái của họ nữa, giải quyết rất nhiều vấn đề của cuộc sống kiểu như là điều động công tác, tìm nhà, chuyển trường, nhập học cho con cái, v.v… Trong Đệ Tử Quy có nói: “Anh em hòa, chính là hiếu”. Cho nên khi bà ngoại nhìn thấy sự đoàn kết giữa các anh chị em như thủ túc thì rất đỗi vui mừng.
Còn có một việc khiến cho bà ngoại càng cảm thấy vui mừng và an ủi nữa, đó là vào lúc ông bà ngoại tôi đang trong những ngày tháng khó khăn nhất, đang trong thời kỳ đại cách mạng Văn hóa, khi đó thì ông ngoại đang dạy học ở trường đại học. Do vì vấn đề xuất thân của gia đình nên đã bị xung kích, bị đóng băng tiền lương, phải đi đến khu vực miền núi phía bắc tỉnh Quảng Đông để lao động và tiếp nhận thẩm tra. Bà ngoại tôi tuổi tác đã cao nên không thể đi thăm ông ngoại. Lúc đó thì cậu và dì tôi đều đang làm việc ở nơi khác, cho nên mẹ tôi thay bà ngoại mang rất nhiều đồ đạc đi đến vùng núi phía Bắc tỉnh Quảng Đông để thăm cha mình. Đồng thời mẹ tôi còn tích cực nghĩ cách giúp đỡ ông ngoại để áp dụng chính sách. Sau cùng đi đến Bắc Kinh gặp mặt Bộ trưởng giáo dục và trần thuật lý do, trao tận tay báo cáo, khiến vấn đề của ông ngoại tôi được sửa sai, đã được thả ra, còn được trở về lại trường đại học để tiếp tục dạy học. Áp lực chính trị vào giai đoạn đó là rất lớn, mà cuộc sống kinh tế trong thời gian đó cũng rất là khó khăn. Mẹ tôi trước sau gì cũng luôn bên cạnh ngoại tôi, chăm sóc cho bà, an ủi bà, cho nên ngoại tôi mỗi lần kể cho tôi nghe về việc này đều nói một cách thâm tình như vầy: “Mẹ của con đã cùng bà trải qua bao hoạn nạn”.
Trong Văn Xương Đế Quân Nguyên Đán Khuyến Hiếu Văn nói rằng:
“Sự phú quý chi phụ mẫu dị, sự bần tiện chi phụ mẫu nan.
Sự khang kiện chi phụ mẫu dị, sự suy lão chi phụ mẫu nan.
Sự cụ khánh chi phụ mẫu dị, sự quả độc chi phụ mẫu nan”.
Nghĩa là nói rằng nếu như cha mẹ còn khỏe mạnh giàu có thì việc phụng sự tương đối dễ dàng, nhưng mà nếu như cha mẹ nghèo khó, cha mẹ già yếu, thậm chí là cha mẹ neo đơn mà vẫn có thể tận tâm cung phụng cho cha mẹ thì khó mà có gì đáng quí hơn. Kể từ sau khi ông ngoại tôi mất thì bà ngoại tôi chỉ sống có một mình. Mẹ tôi thường ở bên cạnh mà bầu bạn với bà. Không những là chăm sóc bà về mặt cuộc sống và mặt kinh tế cho đến cuối đời mà còn an ủi bà về mặt tinh thần khiến bà được hài lòng và vui vẻ. Sau đó, mẹ tôi đã đem Phật giáo về gia đình khiến cho một người già 80 tuổi có thể khởi lòng tín ngưỡng, tâm trạng của bà cũng trở nên an hòa. Mẹ tôi thường thường tự mình giảng giải cho bà ngoại tôi nghe về nỗi thống khổ của kiếp sống và phương pháp giải thoát, giới thiệu sự quy hướng cuối cùng của kiếp sống chính là Thế Giới Cực Lạc của đức Phật A Di Đà. Trong những ngày cuối cùng khi bà 84 tuổi, cũng là thời khắc sau cùng của cuộc đời thì mẹ tôi cũng luôn ở bên cạnh để trông nom bà, đem đến cho bà sự quan tâm chăm sóc, sự khai đạo và an ủi cuối đời, khiến cho bà có thể giữ được trạng thái an hòa và nét mặt tươi cười đẹp nhất mà lìa khỏi thế gian. Trong vòng 49 ngày đó mẹ đã dẫn dắt tôi cùng làm rất nhiều việc thiện để hồi hướng cho hương hồn ngoại tôi ở trên trời. Sau này mẹ tôi vì để kỉ niệm ngoại tôi mà đặc biệt viết ra một quyển sách tên là “Niệm Phật Như Thế Nào Để Đưa Tiễn Người Già Lâm Chung”. Quyển sách này được lưu thông khắp nơi ở Quảng Châu, từ đó các đạo hữu quen và chưa quen biết được. Quyển sách này đã lần lượt được phiên ấn lần thứ nhất, lần thứ hai, lần thứ ba, nhiều lần để mà lưu thông. Cho nên mẹ tôi là một người con hiếu thảo, mẹ cũng là một người rất biết yêu thương và tán thán cha mẹ của mình. Còn nhớ vào năm 1979, trong buổi tụ họp gia đình của chúng tôi, trong ngày sinh nhật lần thứ 69 của ngoại, mẹ tôi đã viết một bài ca ngợi ngoại tôi như vầy:
“Dâng tặng mẹ kính yêu – Mừng sinh nhật lần thứ 69 của mẹ.
Có bông hoa hướng dương nào lại không quay về phía mặt trời?
Có đứa trẻ nào lại không yêu mến người mẹ của mình?
Mẹ kính yêu!
Một gia đình hạnh phúc,
Mẹ là người cầm lái,
Nhờ có mẹ,
Cha mới có được thành tựu!
Nhờ có mẹ,
Các anh chị mới có thể lên đại học;
Nhờ có mẹ,
Cả nhà mình mới có thể chuyển từ nông thôn lên thành phố.
Mẹ là suối nguồn hạnh phúc của chúng con!
Mẹ là hậu thuẫn thành công của chúng con!
Mẹ là rường cột của ngôi nhà ở đường Đại Bắc.
Mẹ kính yêu!
Tính cách của mẹ là:
Cho đi vĩnh viễn mà không cầu đáp trả.
Tình yêu thương của mẹ,
Sâu rộng như đại dương.
Mà sự báo đáp của chúng con,
Chỉ bằng một giọt nước!
Mẹ cho chúng con sinh mạng, học thức và của cải,
Mẹ cho chúng con sự ấm áp, niềm vui và hạnh phúc.
Chúng con nói đến thượng đế,
Chính là nói mẹ – mẹ kính yêu!
Chúng con nói đến mẹ,
Chính là nói thượng đế đã ban phúc cho chúng con!
Con gái Lương Ngọc, kính dâng!
Tháng giêng năm 1979”.
Trong quyển Lữ Tổ Khuyến Hiếu Văn có một câu nói như vầy: “Người thế gian, điều thiện lớn nhất chính là hiếu, điều bất thiện lớn nhất chính là bất hiếu”.
Ta có thể hiếu, tất sẽ không có con hư.
Con có thể hiếu, tất sẽ không có cháu hư.
Khi ta yêu quý cha mẹ mình, ca ngợi cha mẹ mình thì đứa con ở bên cạnh liền học được ngay.
Vào dịp lễ ngày của Mẹ năm 1992, tôi nhận được bài thơ ca ngợi mình của đứa con trai. Khi đó Mao Sâm được 19 tuổi. Sau đây xin chia sẻ cùng mọi người bài thơ này:
“Mẹ kính yêu! Chúc mẹ Ngày của Mẹ vui vẻ!
Tình thương con của mẹ và ba,
Đã có từ khi con là phôi thai,
Từ khi con mới tượng hình
Tổn hao tinh hoa sinh mạng, héo mòn tuổi thanh xuân.
Để con có được mắt tai mũi lưỡi,
Để tạo ra con tim và khối óc.
Mẹ dùng gian lao và máu sữa của mình,
Khiến con từ không thành có, hiện hữu giữa đời!
Mẹ dạy con học nói ô, a!
Mẹ dạy con nhận biết thế giới,
Dạy con bước đi bước đầu tiên,
Dạy con đọc chữ đầu tiên,
Dạy con học bài thơ đầu tiên …
Mẹ đã dùng tình yêu thương vĩ đại của một người mẹ và sự nhìn xa trông rộng hơn người của mình để bắt đầu dạy dỗ cho con kể từ khi con còn rất nhỏ.
Mẹ đưa con gửi vào nhà trẻ,
Nhằm rèn luyện khả năng sống độc lập cho con.
Trên tấm ván cửa nhà mình mẹ đã dạy con biết thơ Đường thơ Tống, dạy cả A B C D.
Mẹ đã nắm tay dạy con nắn nót từng nét chữ.
Mẹ chính là người thầy đầu tiên cho con vỡ lòng!
Mẹ đã tuần tự tiến dần, dạy không biết mệt, đã nuôi dạy lớn khôn một đứa trẻ bướng bỉnh tinh nghịch.
Mẹ đã cần mẫn không biết mệt mỏi để phù đạo cho con được đỗ đạt trong các kỳ thi, khiến con có được thành tích tốt để thi vào trường trung học số một thành phố Quảng Châu - Trường trung học liên kết đại học Sư Phạm Hoa Nam.
Mẹ giống như một người hướng dẫn,
Đã dẫn dắt con đi lên con đường quang minh…
Sau khi con lên đại học, mẹ lại đưa ra yêu cầu cao hơn nữa. Mẹ đã vì con mà vạch ra một con đường trọn đời cho con. Giảng giải cho con nghe về việc xử lý các mối quan hệ với xã hội, nâng cao tố chất tổng hợp. Mẹ đã chuẩn bị cho con việc đi du học.
Mẹ dùng cái tâm kham khổ, mong con trưởng thành.
Từ cái ăn mặc ở cho đến sách vở đồ dùng học tập, mọi thứ đều có mẹ ban cho một cách không ngần ngại.
Mẹ bất luận là về mặt tinh thần hay vật chất, đều ban cho con trai rất nhiều, rất nhiều. Đây toàn bộ là cơ sở tình yêu thiêng liêng trong sạch và vô tư của mẹ!
Như nay đôi cánh của con đang dần dần cứng chắc, những chiếc lông cũng đang dần đầy đủ, nhưng mà uống nước phải nhớ nguồn, mọi thứ trong mọi thứ của con, có chút nào mà không có sự quan tâm, yêu thương, lao động, trí tuệ, giáo dục và dẫn dắt của mẹ?
Mẹ là người mẹ mẫu mực trong các người mẹ, là ngôi sao mãi mãi không mờ nhạt trong ý nghĩ của con!
Trong ngày lễ “Ngày của Mẹ” này, con xin dùng tình cảm sâu sắc mà nói với mẹ rằng: Xin cảm ơn Mẹ, Mẹ kính yêu của con!”
Con trai Mao Sâm kính lên!
Viết Ngày 10 tháng 05 năm 1992 nhân dịp ngày của Mẹ”.
Hiếu chính là gốc của nền giáo dục văn hóa truyền thống Trung Hoa. Là cái gốc của sự giáo dục trong gia đình chúng ta. Bạn hãy xem cái chữ “HIẾU” này, nó là ký hiệu của trí tuệ. Tổ tiên của chúng ta thật quá thông minh, họ đã sáng tạo ra văn tự, ngụ ý sâu sắc. Chữ “Hiếu” này phần phía trên đầu là chữ “Lão”, phía dưới là chữ “Tử”, vậy “HIẾU” chính là thế hệ già và thế hệ trẻ hài hòa thành một thể. Nếu như không hài hòa, nếu như tách biệt ra, nếu như có khoảng giữa hai thế hệ thì sẽ không có cái chữ “HIẾU” này rồi. Thế hệ già đi ngược dòng thì vẫn còn một thế hệ già nữa, thế hệ trẻ tiếp tục tiếp nối thì vẫn còn một thế hệ trẻ nữa. Quá khứ vô thỉ, vị lai vô chung, tương tục nối tiếp, kéo dài vô tận. Đây cũng là truyền thống văn hóa Trung Hoa chúng ta, chính là nền giáo dục của chúng ta. Một đứa trẻ nếu như trong tâm có cha mẹ, có tổ tiên, có lòng “Hiếu”, có lòng yêu thương, có tinh thần dân tộc của chúng ta, vậy thì việc học tập của nó có chỗ nào mà không nỗ lực, thành tích của nó có chỗ nào mà không đạt chứ?
Mao Sâm sau khi tốt nghiệp đại học thì thực hiện xong hai dự định. Một mặt thì ghi tên dự thi nghiên cứu sinh vào Trường đại học Trung Sơn, một mặt thì ghi tên dự thi nghiên cứu sinh vào các trường đại học nước ngoài khác. Năm đó là năm 1995. Ghi danh dự thi nghiên cứu sinh chuyên nghiệp ngành kinh tế tài chính ở trường đại học Trung Sơn, cả nước có 180 người. Kết quả thi là Mao Sâm xếp vị trí thủ khoa trong 180 người, hơn nữa không những tổng thành tích đứng đầu mà còn đứng đầu danh sách cả hai khoa, đồng thời lấy được thành tích TOEFL và thành tích GMAT ưu tú để thi vào các trường đại học ở Mỹ. Cuối cùng, chúng tôi đã chọn học viện thương mại Trường đại học Công Nghệ Louisiana, vì ngôi học viện thương mại này cấp học bổng cho Mao Sâm, mà ngôi học viện thương mại này lại còn xếp ở vị trí thứ 100 trong tổng số 3000 ngôi trường đại học ở Mỹ, cũng là một ngôi trường hết sức lý tưởng. Người làm cha mẹ như chúng ta đều hy vọng con cái có thể thành tài, nếu vậy chúng ta nhất định phải cho nó một sự giáo dục từ gốc rễ. Mà cái gốc rễ này càng sâu càng tốt. Cái gốc này là “Hiếu”. Nên nhớ kỹ sự chỉ dạy của đức chí thánh tiên sư Khổng Tử.
Trên Hiếu Kinh đã nói: “Hiếu, đức chi bổn dã, giáo chi sở do sinh dã”. Đây chính là căn bản của nền giáo dục trong gia đình của chúng ta.
Vừa rồi chúng tôi vừa báo cáo với mọi người cái gọi là “Căn bản của giáo dục gia đình”. Sau đây tiếp tục báo cáo phương diện thứ tư là “Nội hàm của giáo dục trong gia đình là giáo dục tố chất”.