Đạo đức - Tâm lý học
ĐẠO ĐỨC THIÊN NIÊN KỶ
Linh Thuỵ dịch
22/02/2553 23:10 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng
ĐẠO ĐỨC THIÊN NIÊN KỶ
Mục lục

ĐẠO ĐỨC THIÊN NIÊN KỶ
Linh Thuỵ dịch

Phần iii
LUÂN LÝ VÀ XÃ HỘI
 

Chương 11
TRÁCH NHIỆM TOÀN CẦU [^]

Tôi tin rằng mỗi hành động của chúng ta đều có một chiều phổ quát toàn cầu. Vì thế, giới luật luân lý, hành vi thiện lành, và nhận thức thận trọng là các chất liệu thiết yếu cho một đời sống ý nghĩa, hạnh phúc. Nhưng chúng ta thử quán xét về tầm mức tương quan cùng cộng đồng rộng lớn hơn.

Trong quá khứ, gia đình và các cộng đồng nhỏ chỉ hiện hữu độc lập ít hay nhiều giữa cái này và cái kia. Nếu họ đặt vấn đề an sinh của các đồng loại càng nhiều thì càng tốt. Lại nữa, họ không thể sanh tồn nếu thiếu phối cảnh đó. Trường hợp đó không còn giống như vậy. Hiện thực ngày nay rất phức tạp, và ít ra trên lãnh vực vật chất, thế giới nối liền nhau quá rõ rệt đến độ cần phải có một nhãn quan khác hẳn. Nền kinh tế hiện đại là một trường hợp cao điểm. Thị trường chứng khoán sụp đổ ở phía bên này của địa cầu có thể tạo ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế của các nước phía bên kia. Tương tự, thành quả kỹ thuật trong các sinh hoạt hiện nay lại có một ảnh hưởng tác hại không còn ngờ vực đến môi trường thiên nhiên. Và vấn đề dân số cho thấy chúng ta không thể bỏ quên ích lợi của người khác nữa. Thật thế, chúng ta có quá nhiều sự ràng buộc cho thấy khi phục vụ cho lợi ích của ta cũng tạo lợi ích cho người khác, ngay khi đó không phải là ý định rõ rệt của ta. Thí dụ, khi hai gia đình chia cùng một nguồn nước, phải bảo đảm cho sự không ô nhiễm sẽ làm lợi cho cả đôi bên.

Trên nhãn quan đó, tôi tin điều cốt yếu là chúng ta phải vun bồi một cảm thức mà tôi gọi là trách nhiệm toàn cầu (hay phổ quát). Dùng chữ này không hoàn toàn chính xác như từ ngữ Tây tạng mà tôi có trong đầu, chi sem, có nghĩa từng chữ là, tâm thức (chi) toàn cầu (sem). Mặc dù khái niệm về trách nhiệm được ngụ ý nhiều hơn là nói rõ rệt trong tiếng Tây tạng, nhưng nó hàm chứa sâu xa trong đó. Khi tôi nói đặt căn bản trên sự quan tâm đến an sinh tha nhân hầu có thể phát triển một cảm thức trách nhiệm toàn cầu, tôi không ngụ ý đề xướng mỗi cá nhân phải chịu trách nhiệm trực tiếp đến, chẳng hạn như, chiến tranh hay nạn đói kém ở nhiều nơi trên thế giới. Nhưng trong thật hành Phật giáo, chúng tôi thường tự nhắc nhở mình về bổn phận phải phục vụ cho toàn thể chúng sanh trong vũ trụ. Tương tự, các người hữu thần tin là phụng vụ cho Thượng đế sẽ kéo theo phụng vụ cho an sinh của tất cả con cái Ngài. Nhưng có vài điều hiển nhiên, như là sự nghèo đói của một làng nhỏ cách xa vạn dặm, xem như hoàn toàn vượt phạm vi của một cá nhân. Tuy nhiên, vấn đề ở đây không phải là nhìn nhận lỗi lầm, mà một lần nữa, là một sự tái định hướng tâm và trí vượt khỏi cái ngã đến hướng đến tha nhân. Phát triển được một cảm thức trách nhiệm toàn cầu – của tầm kích toàn cầu trong mỗi hành động của ta và của quyền bình đẳng giữa mọi người trong hạnh phúc và tránh đau khổ – là phát triển một thái độ của tâm, sao cho mỗi khi nhìn thấy bất cứ cơ hội nào lợi lạc cho tha nhân, ta sẽ nắm lấy, thay vì chỉ chú trọng hạn hẹp vào lợi ích bản thân. Nhưng, dĩ nhiên, vì chúng ta còn phải quan tâm đến cả những gì ngoài phạm vi của mình, do đó, cần chấp nhận nó như là thành phần của thiên nhiên, và quan tâm đến việc làm nào lợi lạc nhất có thể được.

Một ích lợi quan trọng trong sự phát triển cảm thức về trách nhiệm toàn cầu chính là giúp chúng ta trở nên nhạy cảm đối với tất cả – không phải chỉ riêng với những người thân cận. Chúng ta sẽ thấy nhu cầu phải chăm sóc đặc biệt cho những thành phần của gia đình nhân loại chịu nhiều đau khổ nhất. Chúng ta nhận ra nhu cầu phải tránh gây chia rẽ giữa đồng loại. Và chúng ta ý thức được tầm quan trọng vượt bực của sự hài lòng do tri túc.

Khi bỏ quên an sinh tha nhân và không biết đến tầm kích toàn cầu trong hành động của mình, điều khó tránh là chúng ta sẽ thấy các lợi ích của mình dường như cách biệt cùng của họ. Chúng ta sẽ đánh mất sự hợp nhất nền tảng trong gia đình nhân loại. Dĩ nhiên, rất dễ nêu ra vô số yếu tố đi ngược lại khái niệm hợp nhất này. Trong đó kể cả sự khác biệt tín ngưỡng, ngôn ngữ, phong tục, văn hóa, vân vân. Nhưng khi nhấn mạnh quá nhiều đến các khác biệt giả tạo đó, ngay cho dù các sự phân biệt nhỏ nhặt, cứng nhắc, chúng ta cũng không tránh khỏi mang thêm đau khổ đến cho chính mình và người khác. Điều đó thật vô nghĩa. Loài người chúng ta đã chịu quá nhiều khó khăn. Chúng ta phải đối diện cùng cái chết, tuổi già, và bệnh hoạn – không kể việc gặp phải bất mãn. Đó là các thứ chúng ta không sao tránh khỏi. Bấy nhiêu đó chưa đủ sao? Tại sao còn phải tạo nhiều thứ vấn đề không cần thiết chỉ đặt căn bản trên các khác biệt tư tưởng hoặc màu da?

Khi thẩm định các hiện trạng đó, chúng ta thấy cả hai, luân lý lẫn nhu cầu, đều cần một thứ giải pháp. Nhằm vượt qua khuynh hướng bỏ quên yêu cầu và ích lợi của người khác, chúng ta phải thường xuyên tự nhắc nhở mình về một điều rất hiển nhiên: đó là trên bản chất, chúng ta đều như nhau. Tôi đến từ Tây tạng; đa số độc giả quyển sách này không phải là người Tây tạng. Nếu tôi được gặp riêng từng độc giả và nhìn kỹ họ, tôi chắc hẳn sẽ thấy phần đông quả có các đặc điểm khác tôi ở ngoài mặt. Nếu tôi tập trung vào các điểm khác biệt đó, sẽ làm chúng trở thành điều gì quan trọng. Nhưng kết quả sẽ làm cho chúng ta xa nhau hơn là gần nhau. Nếu, mặt khác, tôi lại nhìn mỗi người như cùng một giống với tôi – giống người với một cái mũi hai con mắt vân vân, bỏ qua sự khác biệt của hình tướng và màu sắc – thì tự động sẽ thấy cảm thức cách biệt đó phai nhạt đi. Tôi sẽ thấy rằng tất cả chúng ta đều có cùng thứ thịt da của con người, và hơn nữa, người khác cũng như tôi, đều muốn hạnh phúc và tránh đau khổ. Trên căn bản của nhận thức đó, tôi cảm thấy xu hướng tự nhiên về họ. Và mối quan tâm đến sự an sinh của họ cũng tự động khơi dậy trong tôi.

Tuy thế, dù rằng hầu hết mọi người đều muốn chấp nhận nhu cầu hợp nhất trong nhóm riêng của họ, và trong đó, sự cần thiết quan tâm đến an sinh cho người khác, họ vẫn có khuynh hướng lãng quên phần còn lại của nhân loại. Làm như vậy, chúng ta bỏ quên không phải chỉ có bản chất tùy thuộc của thực tại, mà còn cả hiện thực của trường hợp riêng. Nếu một nhóm người, một chủng tộc, hoặc một dân tộc, có thể đạt hoàn toàn sự thỏa mãn và trọn vẹn hoàn toàn tự lập và không tùy thuộc chỉ trong hạn định của xã hội mình, thì có thể lý luận rằng, sự phân biệt cùng các người bên ngoài có thể đúng. Nhưng đây lại không phải thế. Thật vậy, thế giới tân tiến ngày nay được thiết lập trên phương thức các ích lợi của một cộng đồng riêng biệt nào đó không thể còn có thể nằm trong giới hạn của các biên giới cõi bờ.

Vun bồi sự hài lòng như thế chính là điều thiết yếu hầu bảo tồn việc chung sống hòa bình. Sự không hài lòng nảy sanh ra việc muốn chiếm hữu, vốn chẳng bao giờ được thỏa mãn. Nếu điều con người tìm vốn có bản chất vô hạn định, như phẩm chất về lòng khoan dung chẳng hạn, thì vấn đề sự hài lòng không cần đề ra. Khi chúng ta càng gia tăng khả năng khoan dung, thì chúng ta lại càng khoan dung. Đối với các phẩm chất tâm linh, hài lòng không cần thiết mà cũng không được mong muốn. Nhưng nếu điều ta tìm có hạn định, thì sẽ có nguy cơ là một khi đạt được nó, ta lại sẽ không hài lòng. Trong trường hợp một người muốn giàu có, ngay dù người đó có thể nắm trọn guồng máy kinh tế cả nước trong tay, cũng có thể bắt đầu nghĩ đến việc xâm chiếm nền kinh tế của nước khác. Tham muốn có hạn định này không bao giờ có thể thỏa mãn. Mặt khác, khi phát huy được sự hài lòng, chúng ta có thể không bao giờ bị mất hy vọng hoặc mất ảo vọng.

Thiếu sự hài lòng – sẽ đi dần vào tham lam – là gieo trồng các hạt giống của đố kỵ và tranh chấp, và đưa đến một nền văn hóa vật chất cực đoan. Không khí tiêu cực tạo dựng trở thành một khuôn khổ cho mọi thứ bệnh hoạn xã hội sẽ mang đến đau khổ cho mọi người trong cộng đồng. Nếu đây là trường hợp tham lam và đố ky không có phản ứng ngược, thì vấn đề chỉ diễn ra trong cộng đồng này. Nhưng, thường thì không phải như thế. Đặc biệt, thiếu sự hài lòng là một nguồn gây tổn hại đến môi trường thiên nhiên, và do đó, gây thiệt hại đến người khác. Người khác nào? Đặc biệt là kẻ nghèo và kẻ yếu. Trong cộng đồng riêng của họ, người giàu mạnh có thể bỏ đi nơi khác để tránh, nạn ô nhiễm cao độ chẳng hạn, còn người nghèo yếu không có sự lựa chọn.

Tương tự, người dân trong các xứ nghèo, không có nguồn tài nguyên để sử dụng, còn phải chịu đựng cả sự quá đáng của các nước giàu và nạn ô nhiễm từ kỹ thuật thô thiển của chính mình. Các thế hệ sắp đến cũng phải lãnh chịu đau khổ đó. Và dần dà mọi người chúng ta đều phải đau khổ. Bằng cách nào? Chúng ta sống trong một thế giới do ta góp phần tạo dựng. Nếu ta không chọn sự cải thiện hành động của mình trong sự tương kính bình quyền hưởng hạnh phúc và tránh đau khổ cho tha nhân, thì chẳng bao lâu ta sẽ thấy các hậu quả tiêu cực. Thử tưởng tượng nạn ô nhiễm do hơn hai tỷ chiếc xe thêm vào. Nó sẽ ảnh hưởng đến toàn thể chúng ta. Như thế, hài lòng tri túc không phải chỉ là một vấn đề luân lý. Nếu chúng ta không muốn gia tăng kinh nghiệm đau khổ của chính mình, thì đây là một vấn đề khẩn thiết.

Đó là một trong các lý do khiến tôi tin rằng sự bành trướng không giới hạn của nền kinh tế cần phải đặt vấn đề. Theo quan điểm của tôi, nó chỉ tạo thêm nhiều sự bất hòa, kéo theo rất nhiều vấn đề, cả xã hội lẫn môi sinh. Còn có cả sự kiện là trong khi tận hiến trọn vẹn cho sự phát triển vật chất, chúng ta sẽ bỏ quên sự thực thi phổ quát lên trọn cộng đồng rộng lớn. Lại nữa, điều này không phải chỉ là vấn đề hố cách biệt giữa Thế giới thứ Nhất và thứ Ba, giữa miền Bắc và miền Nam, giữa xứ tiền tiến và chậm tiến, giữa giàu và nghèo, giữa vô đạo đức và sai quấy. Đây là vấn đề của cả hai phía. Nhưng ý nghĩa nhất chính là sự kiện bất bình đẳng này tự nó là nguồn khởi loạn đối với tất cả mọi người. Trong ý nghĩ đó, thử đơn cử một thí dụ, Âu châu là toàn thế giới, chứ không phải chỉ là nơi cư ngụ của khoảng dưới mười phần trăm dân số thế giới, từ cơ sở đó, lý tưởng vượt trội của một sự tiến bộ không ngừng còn có thể biện luận hữu lý. Tuy nhiên thế giới không phải chỉ có Âu châu. Hiện trạng là có rất nhiều người đang đói khát ở khắp các nơi khác. Và sự bất quân bình sâu xa như thế, một phần do hậu quả tiêu cực của đủ các thứ, cho dù không phải là trực tiếp: người giàu có cũng cảm nhận triệu chứng nghèo thiếu trong đời sống hàng ngày của mình. Thử xét xem, các máy thu hình lén đặt khắp nơi, các hàng rào an toàn trên khung cửa sổ, tất cả cho thấy người giàu thiếu thốn cảm giác an bình và an toàn.

Trách nhiệm toàn cầu còn đưa chúng ta đến sự bảo toàn nguyên tắc chân thật. Tôi muốn ngụ ý gì? Chúng ta có thể nghĩ đến sự chân thật và thiếu chân thật trong khuôn khổ mối tương quan giữa bề ngoài và thực tế. Đôi khi chúng có vẻ như tương hợp với nhau, nhưng thường thì không. Khi chúng tương hợp, có thể xem là chân thật, theo như tôi hiểu. Như thế chúng ta chân thật khi các hành động của ta đúng như bề ngoài chúng thể hiện. Khi chúng ta giả dạng như thứ này, nhưng trên thực tế chúng ta lại là thứ khác, người khác sẽ phát khởi nghi ngờ, e sợ. Và e sợ là điều tất cả mọi người cần tránh. Đảo lại, nếu trong cách xử thế cùng mọi người chung quanh, ta cởi mở và thành thật trong bất cứ điều gì nói và nghĩ và làm, mọi người không cần phải sợ ta. Điều này đúng cho cả cá nhân lẫn cộng đồng. Hơn nữa, khi hiểu được giá trị của sự chân thật trong mọi thể hiện, chúng ta sẽ nhận ra không có sự khác biệt tối hậu giữa nhu cầu của cá nhân và nhu cầu của toàn cộng đồng. Các con số tuy có khác nhau, nhưng sự mong ước và quyền không muốn thất vọng của họ đều như nhau. Như thế, khi tận tâm bảo toàn sự chân thật, chúng ta giảm thiểu được mức hiểu lầm, nghi ngờ và sợ hãi của xã hội. Bằng một cách nhỏ nhặt nhưng ý nghĩa, chúng ta tạo điều kiện cho một thế giới hạnh phúc.

Vấn đề công lý liên hệ mật thiết với cả trách nhiệm toàn cầu lẫn vấn đề chân thật. Công lý kéo theo sự đòi hỏi phải hành động khi nhận thức được sự bất công. Thật vậy, thất bại trong hành động đó có thể sai quấy, tuy rằng không sai trong cảm thức là ta xấu từ bản chất. Nhưng nếu ta ngần ngại nói lên sự công bằng, chỉ vì một cảm thức quy ngã nào đó, đó lại là một vấn đề. Nếu phản ứng của ta trước sự bất công là đặt câu hỏi, "Việc gì sẽ xảy đến cho tôi nếu tôi nói lên? Có thể người ta sẽ không ưa tôi," thì điều đó vốn vô luân, vì chúng ta đã bỏ qua sự liên hệ rộng lớn từ sự im lặng của mình. Cũng chẳng thích đáng và ích lợi khi đưa vào khuôn khổ của sự bình quyền của tất cả trước hạnh phúc và tránh đau khổ. Điều này cũng đúng ngay khi, lấy thí dụ, chính quyền hoặc cơ chế phán rằng, "Đây là việc của chúng tôi" hoặc "Đây là việc nội bộ." Không những chúng ta có bổn phận phải nói lên trong các trường hợp như thế, mà quan trọng hơn nữa, đó là một phục vụ cho tha nhân.

Đương nhiên, có thể phản đối rằng, một sự chân thật như thế không phải lúc nào cũng khả thi, và chúng ta cần phải "thực tế." Hoàn cảnh của chúng ta có thể ngăn ngừa hành động theo đúng với trách nhiệm. Chẳng hạn như, gia đình riêng của ta có thể bị hại, nếu ta nói lên khi chứng kiến cảnh bất công. Nhưng trong khi ta phải đảm đang cùng hiện thực trong đời sống hàng ngày, điều cốt yếu là phải giữ một tầm nhìn rộng lớn. Chúng ta phải thẩm định các nhu cầu của mình theo tương quan cùng với nhu cầu của người khác; và phán đoán về hành động hoặc không hành động của mình sẽ ảnh hưởng ra sao cho họ trong dài hạn. Rất khó chỉ trích những người lo lắng cho các người thân của họ. Nhưng đôi khi cần phải chịu hy sinh vì lợi ích của một cộng đồng rộng lớn hơn.

Cảm thức trách nhiệm đối với tất cả mọi người nghĩa là, vừa như các cá nhân và một tập thể các cá nhân, chúng ta có bổn phận phải chăm sóc đến mỗi thành phần trong xã hội của mình. Điều đó không quan hệ thật sự đến khả năng vật lý hoặc tinh thần của họ. Cũng giống như ta, những người đó có quyền hạnh phúc và tránh đau khổ. Chúng ta phải tránh, bằng mọi giá, sự thôi thúc bỏ rơi các kẻ quá phiền não, xem họ như gánh nặng. Các người bệnh hoạn hay bên ngoài lề cũng cần được đối xử như vậy. Đẩy họ ra ngoài tức là tạo đau khổ chồng chất thêm. Nếu chúng ta ở trong các điều kiện đó, cũng chỉ mong được người khác giúp đỡ. Do đó, chúng ta cần phải đảm bảo người bệnh hoạn và phiền não không bao giờ cảm thấy bị bỏ quên, không được giúp đỡ hoặc bảo vệ. Thật vậy, lòng ưu ái dành cho các người đó, theo ý tôi, là thước đo sức khỏe tâm linh của ta, cả ở mức độ cá nhân lẫn xã hội.

Tôi có vẻ như quá sức lý tưởng trong bài nói chuyện về trách nhiệm toàn cầu này. Tuy nhiên, đó là một ý tưởng tôi từng trình bày trước công luận từ chuyến thăm viếng Tây phương lần đầu tiên của tôi, vào năm 1973. Vào những ngày đó, nhiều người còn nghi ngờ về các khái niệm này. Tương tự, đến nay cũng không phải dễ khiến mọi người thích thú về khái niệm hòa bình thế giới. Tuy nhiên, tôi rất được khích lệ khi ghi nhận rằng ngày hôm nay, một con số gia tăng đang bắt đầu phản ứng rất thuận lợi cho các ý tưởng đó.

Như kết quả từ rất nhiều sự kiện phi thường mà nhân loại kinh nghiệm trong thế kỷ hai mươi, chúng ta đã trở nên chín chắn hơn. Vào thập niên năm mươi và sáu mươi, và ngay cả ở vài nơi gần đây, nhiều người cảm thấy các xung đột cuối cùng chỉ có thể giải quyết qua chiến tranh. Ngày nay, sự suy tưởng đó chỉ còn dấy động trong lòng một thiểu số. Và cho dù trong tiền bán thế kỷ này, nhiều người còn tin tưởng rằng tiến bộ và phát triển trong xã hội phải được theo đuổi qua các chế độ cứng rắn, sự sụp đổ của phát xít, tiếp theo là sự tan biến của cái gọi là Bức Màn Sắt, đã cho thấy đó là một thứ nghiệp vụ vô vọng. Tưởng cần ghi nhận rằng, bài học từ lịch sử cho thấy, dùng bạo lực áp chế trật tự chỉ có thể tồn tại trong đoản kỳ. Hơn nữa, sự thỏa hiệp (ngay cả trong số các Phật tử) rằng khoa học và tâm linh không thể hòa hợp, đã trở thành một điều không còn đứng vững. Ngày nay, khi kiến thức khoa học về bản chất của thực tại càng sâu xa hơn, thì nhận thức đó đã thay đổi. Vì vậy, người ta bắt đầu biểu lộ nhiều thích thú về thứ mà tôi đã gọi là thế giới nội tại. Tôi muốn nói đến các động lực và tác năng của tâm thức, hoặc tinh thần: tâm và trí của chúng ta. Lại có một sự gia tăng trên toàn cầu của ý thức về môi sinh, và sự nhận biết rằng không phải chỉ có các cá nhân hoặc ngay cả trọn một quốc gia là có thể tự giải quyết lấy các vấn đề của chính mình, mà chúng ta ai ai cũng cần đến nhau. Đối với tôi, tất cả điều đó là những tiến triển đầy khích lệ, chắc chắn sẽ đưa đến các kết quả trường kỳ. Tôi cũng được khích lệ bởi sự kiện của nhu cầu tìm các giải pháp bất bạo động cho các xung đột, nhằm đưa ra tinh thần hòa giải mới. Còn một điều, như chúng ta đã từng ghi nhận, là sự chấp nhận gia tăng về tánh cách toàn cầu của nhân quyền, và nhu cầu nhìn nhận sự đa dạng trong các lãnh vực quan trọng chung, như là các vấn đề tôn giáo. Điều này tôi tin đã phản ánh được sự nhìn nhận nhu cầu về một phối cảnh rộng lớn hơn, hầu đáp ứng sự đa dạng của chính gia đình nhân loại. Như một kết quả, mặc dù quá nhiều đau khổ vẫn tiếp tục nhiễu hại các cá nhân và các dân tộc trên thế giới dưới các danh xưng là lý tưởng, hoặc tôn giáo, hoặc tiến bộ, hoặc kinh tế, nhưng một cảm thức hy vọng mới đã vươn lên cho những người bị áp bức chà đạp. Mặc dù chắc chắn rất khó mang lại hòa bình và hòa hợp thật sự, nhưng rõ rệt là sẽ đi đến. Tiềm năng đã hiển lộ. Và nền tảng là cảm thức trách nhiệm của từng mỗi cá nhân đối với tất cả người khác.

Chương 12
TRÌNH ĐỘ DẤN THÂN [^]

Qua sự phát huy một thái độ trách nhiệm đối với tha nhân, chúng ta có thể bắt đầu tạo một thế giới tốt lành, từ ái hơn mà ta hằng mơ ước. Độc giả có thể tán đồng hay không cùng các biện luận của tôi về trách nhiệm toàn cầu. Nhưng nếu các điều trên xác đáng, về tánh chất tùy thuộc lớn lao của thực tế, về sự phân biệt theo thói quen giữa ngã và tha trong một ý nghĩa nào đó là quá đáng; và nếu trên căn bản tôi nói đúng khi đề nghị rằng mục tiêu của chúng ta là phải mở rộng tâm từ bi của mình đến tất cả mọi người, ta không khỏi kết luận rằng từ bi – kéo theo hành vi luân lý – nằm ngay giữa mọi hành động của ta, kể cả cá nhân lẫn xã hội. Hơn nữa, mặc dù các chi tiết còn được mở ra cho các cuộc thảo luận, tôi tin chắc rằng trách nhiệm toàn cầu có nghĩa từ bi cũng nằm cả trong đấu trường chính trị. Nó cho biết điều quan trọng về đường lối chúng ta hành xử trong đời sống hàng ngày nếu muốn hạnh phúc theo phương cách đặc trưng của hạnh phúc đã đề ra. Nói lên điều đó, tôi tin rõ ràng là mình không kêu gọi mọi người từ bỏ lối sống hiện thời của họ và chấp nhận một lề luật hoặc cách thức tư duy nào khác. Đúng hơn, ý định của tôi là đề nghị các cá nhân, trong khi vẫn giữ lối sống hàng ngày, có thể chuyển hóa, có thể trở nên tốt hơn, từ bi, và hạnh phúc hơn. Và nhờ các cá nhân thiện lành từ bi hơn, chúng ta có thể khởi sự tiến hành cuộc cách mạng tâm linh của mình.

Công tác của một người cày bừa trong việc làm khiêm nhượng của mình cũng không kém phần hữu ích cho an sinh xã hội bằng, chẳng hạn như, một y sĩ, một giáo chức, một tăng sĩ, hoặc một nữ tu. Tất cả cống hiến của loài người đều có khả năng lớn lao và cao thượng. Khi ta làm việc với động cơ tốt, nghĩ rằng, "Việc làm của tôi là cho người khác," tất sẽ làm lợi cho cộng đồng rộng lớn hơn. Nhưng khi thiếu sự quan tâm đến cảm xúc và an sinh của người khác, sinh hoạt của ta sẽ đi đến chỗ sai hỏng. Do thiếu thốn các cảm xúc nhân bản, tôn giáo, chính trị, kinh tế, vân vân, đều có thể biến thành bẩn thỉu. Thay vì phục vụ nhân loại, chúng biến thành tác nhân tàn phá.

Do đó, ngoài sự phát huy một cảm thức trách nhiệm toàn cầu, chúng ta thật sự cần những người có trách nhiệm. Cho đến khi các nguyên tắc được đưa vào hành động, chúng vẫn chỉ là nguyên tắc. Như thế, chẳng hạn như, rất thích đáng cho một chính trị gia thật tâm chịu trách nhiệm trong hành vi của mình, với sự liêm khiết và ngay thẳng. Rất thích đáng cho một doanh gia lưu tâm đến nhu cầu của người khác qua mọi nghiệp vụ của mình. Rất thích đáng cho một luật sư dùng khả năng chuyên môn của mình để tranh đấu cho công lý.

Dĩ nhiên rất khó biện luận thật chính xác bằng cách nào mà thái độ của chúng ta có thể hình thành qua sự dấn thân chấp ước cùng nguyên tắc của trách nhiệm toàn cầu. Vì lý do đó, tôi không có một tiêu chuẩn đặc biệt nào trong trí. Tất cả điều tôi hy vọng là nếu những gì tôi viết ra đây có ý nghĩa đối với quý vị độc giả, quý vị sẽ nỗ lực khai triển tâm từ bi trong đời sống hàng ngày, hành động giúp đỡ bằng khả năng và ý thức trách nhiệm cùng tất cả mọi người. Khi đi ngang một vòi đang rỉ nước, quý vị sẽ khóa chặt lại. Khi nhìn thấy một cái đèn cháy một cách vô ích, quý vị cũng sẽ tắt. Nếu là một người hành đạo, và mai này được gặp một vị tín hữu thuộc truyền thống tôn giáo khác, quý vị cũng sẽ bày tỏ cùng một mức độ tôn kính đối với họ, ngang bằng sự mong muốn họ đối xử với mình như thế nào. Nếu là một khoa học gia và nhận thấy nghiên cứu mình đang làm có thể tác hại cho người khác, do bởi cảm thức trách nhiệm, quý vị sẽ tự chế không làm. Tùy theo khả năng, tùy theo giới hạn của hoàn cảnh, quý vị sẽ làm điều có thể làm. Ngoài các điều trên, tôi không kêu gọi thêm một trách vụ gì khác. Và một ngày kia, hành động của quý vị có thể trở nên từ bi hơn cả người khác, vâng, điều đó rất bình thường. Lại nữa, nếu lời tôi nói có vẻ không hữu ích lắm, cũng không sao. Điều quan trọng là việc chúng ta làm cho người khác, bất cứ sự hy sinh nào được thực hiện, đều phải tự nguyện và phát khởi từ sự hiểu biết ích lợi của hành động đó.

Trong chuyến viếng thăm mới đây tại New York, một người bạn cho tôi biết con số tỷ phú tại nước Hoa kỳ gia tăng từ mười bảy người chỉ vài năm trước đây đã lên đến nhiều trăm người ngày hôm nay. Đồng thời, người nghèo vẫn nghèo, và có khi còn nghèo hơn nữa. Điều này tôi xem như hoàn toàn vô đạo đức. Đó là một cội rễ của những khó khăn. Trong khi nhiều triệu người không được có đến các nhu cầu tối thiểu của đời sống – thức ăn, chỗ ở, giáo dục, y tế – sự phân phối tài sản bất công quả là một điều ô nhục. Nếu đó là trong trường hợp mọi người đã có đầy đủ hoặc dư thừa các nhu cầu, thì một lối sống xa hoa có thể tạm chấp nhận. Nhưng nếu đó chỉ là ý muốn của cá nhân, cũng khó mà lập luận rằng họ cần hạn chế bớt việc thực thi quyền sống theo sở thích của họ. Hơn nữa sự kiện không phải như thế. Trong thế giới ngày nay, có những vùng người ta vất bỏ các thức ăn dư thừa đi, trong khi những người sát bên cạnh – đồng chủng, kể cả các trẻ em vô tội – bị sa sút đến mức độ đào bới rác để ăn, và nhiều người chết đói. Như thế, mặc dù tôi không thể nói đời sống xa hoa của những người giàu có tự nó là sai lầm, bởi vì họ dùng chính tiền của họ và không kiếm tiền bằng cách bất chánh, nhưng tôi phải nói rằng đó là điều bất xứng, là điều làm hư hỏng con người.

Hơn nữa, tôi bị kích động vì lối sống của người giàu thường quá phức tạp một cách vô lối. Một người bạn của tôi ở cùng một gia đình vô cùng giàu có, cho biết mỗi lần họ bơi lội lên, họ được trao cho một cái áo choàng tắm mới. Và cứ mỗi lần họ đến hồ bơi đều phải thay một cái mới toanh, cho dù có tắm nhiều lần trong một ngày. Phi thường! Nếu không muốn nói là bất thường. Tôi không thấy cách sống đó thêm thắt được thứ gì vào sự tiện nghi cá nhân. Như là con người, chúng ta ai cũng chỉ có một cái bao tử. Và có sự hạn chế lượng thức ăn nuốt vào. Tương tự, chúng ta có mười ngón tay, do đó không thể nào đeo một trăm chiếc nhẫn. Dù lý luận như thế nào liên quan đến sự chọn lựa, sự dư thừa không có một mục đích gì, trong khi chúng ta đã đeo đủ số nhẫn. Các chiếc còn dư chỉ nằm trong hộp. Sử dụng sự giàu có thích đáng nhất – như tôi từng nói chuyện cùng các thành viên trong một gia đình Ấn độ rất giàu sang – là bố thí từ thiện. Trong trường hợp đặc biệt đó, khi họ hỏi, tôi đã đề nghị nếu có thể dùng tiền vào mục đích giáo dục là tốt nhất. Tương lai của thế giới nằm trong bàn tay của con em chúng ta. Do đó, nếu chúng ta muốn đem lại một xã hội từ ái hơn, công bình hơn, điều quan yếu chính là giáo dục trẻ em trở thành những người có trách nhiệm, biết quan tâm. Khi một người sanh trưởng trong sự giàu sang, hoặc đạt đến giàu có bằng phương tiện nào đó, họ có cơ hội giúp đỡ tha nhân vô cùng to tát. Thật là phí bỏ khi đã tiêu pha cơ hội đó trong việc tự nuông chiều mình thái quá.

Tôi thật sự cảm thấy lối sống xa hoa là không thích đáng, cho đến đỗi tôi phải nhìn nhận rằng, mỗi khi sống trong một khách sạn tiện nghi và nhìn thấy người ta ăn và uống thật đắt tiền trong khi ở bên ngoài nhiều người không có chỗ ngủ qua đêm, tôi cảm thấy vô cùng khó chịu. Điều đó càng tăng cường cảm xúc rằng tôi không khác gì cả những người giàu lẫn những người nghèo đó. Chúng ta cùng giống nhau ở điểm muốn hạnh phúc và tránh khổ. Và chúng ta có quyền được hạnh phúc như nhau. Như một kết quả, khi nhìn thấy một cuộc biểu tình của công nhân đang diễn tiến, tôi chắc chắn sẽ tham gia vào. Và dĩ nhiên, người đang nói những điều trên đây lại là người được hưởng thụ các tiện nghi trong khách sạn. Thật vậy, tôi phải tiến xa hơn nữa. Quả thật là tôi có nhiều đồng hồ tay quý giá. Và trong khi tôi cảm thấy nếu bán chúng đi, tôi có thể xây thêm vài cái chòi cho người nghèo, cho đến nay tôi chưa làm thế. Đồng thời, tôi cảm thấy rằng nếu tôi hoàn toàn ăn trường chay, không phải chỉ vì muốn làm một tấm gương tốt, mà còn muốn giúp phần nào trong việc cứu vớt mạng sống các con thú vô tội.

Cho đến nay tôi chưa hoàn toàn làm đúng, và phải nhìn nhận là có một sự thiếu sót ở vài diện, giữa các nguyên tắc và thật hành của mình. Đồng lúc, tôi không tin bất cứ ai cũng có thể và phải nên theo gương Mahatma Gandhi, sống đời như một nông dân nghèo nàn. Sự tận hiến đó rất tuyệt vời, và đáng được vô cùng ngưỡng phục. Nhưng chữ thường dùng là "tận hết khả năng" – mà không đi vào quá độ.

Chương 13
LUÂN LÝ TRONG XÃ HỘI [^]


Giáo dục và Truyền thông 

Sống một cuộc đời thật đúng theo luân lý trong đó chúng ta đặt nhu cầu của người khác trước tiên, và cung ứng cho hạnh phúc của họ, có rất nhiều liên hệ đến xã hội ngày nay. Nếu tự thay đổi nội tâm – tự giải giới bằng giải pháp xây dựng dành cho các ý niệm và cảm xúc tiêu cực của mình – chúng ta thật sự có thể thay đổi thế giới. Chúng ta đã sẵn có rất nhiều khí cụ mạnh mẽ hầu tạo dựng một xã hội hợp luân lý và hòa bình. Tuy nhiên, một vài khí cụ đó chưa được sử dụng đúng mức. Ở điểm này, tôi muốn chia sẻ vài nhãn quan về phương cách và các lãnh vực nào chúng ta có thể bắt đầu đem đến một cuộc cách mạng tâm linh của lòng tốt, tâm từ bi, nhẫn nại, bao dung, tha thứ, và khiêm hòa.

Khi chúng ta dấn thân cho lý tưởng của sự quan tâm đến tất cả mọi người, tiếp theo đó cần phải thông truyền các chính sách xã hội và chính trị của ta. Tôi nói thế không phải là giả thiết nhờ đó chúng ta sẽ có thể giải quyết tất cả mọi vấn đề xã hội qua đêm. Đúng hơn, tôi xác tín rằng, trừ phi một cảm thức rộng rãi về tâm từ bi mà tôi đã kêu gọi nơi độc giả, chính là nguồn cảm hứng để thiết lập thứ chính trị của chúng ta, thì các chính sách chỉ gây tác hại thay vì phục vụ cho toàn thể nhân loại. Tôi tin rằng chúng ta cần có những bước thực tiễn hầu nhìn nhận trách nhiệm của ta đối với tất cả người khác, trong hiện tại cũng như tương lai. Điều đó đúng thật dù cho có một số khác biệt nhỏ giữa các chính sách có động cơ là tâm từ bi và các chính sách có động cơ khác, chẳng hạn như, quyền lợi quốc gia.

Bây giờ, cho dù trong trường hợp chắc chắn là các lời đề xướng liên hệ đến từ bi, giới luật nội tại, nhận thức trí tuệ, và vun bồi đức tánh được áp dụng rộng rãi, và thế giới sẽ tự động trở thành nơi chốn tốt lành hơn, hòa bình hơn, tôi tin rằng hiện thực bắt buộc chúng ta phải giải quyết các vấn đề ở tầm mức xã hội cũng như cá nhân. Thế giới sẽ chuyển đổi khi mỗi cá nhân đều cố gắng chống lại các ý niệm và cảm xúc tiêu cực, và khi chúng ta thật hành từ bi đối với những người không liên hệ hoặc không có tương quan trực tiếp với mình.

Trên quan điểm đó, tôi tin, có một số vấn đề trên thế giới cần được đặc biệt quan tâm, đưa ra trước ánh sáng của trách nhiệm toàn cầu. Trong đó bao gồm các vấn đề giáo dục, truyền thông, môi sinh, chính trị và kinh tế, hòa bình và giải giới, và hòa hợp liên tôn giáo. Mỗi mỗi đều giữ một vai trò sanh tử trong việc tạo lập nên thế giới ta đang sống, và tôi đề nghị lần lượt quán sát từng vấn đề một cách ngắn gọn.

Trước khi làm việc đó tôi cần nhấn mạnh rằng, các quan điểm tôi diễn đạt hoàn toàn có tánh cách cá nhân. Đó cũng là quan điểm của một người không hề tự xưng là chuyên gia với sự tôn trọng các kỹ thuật chuyên khoa của các vấn đề này. Nhưng nếu điều tôi nói có vẻ đáng phê phán, hy vọng của tôi là ít ra nó sẽ khiến độc giả ngưng lại đôi chút để suy nghĩ. Vì mặc dù không có gì đáng ngạc nhiên khi thấy một sự dị biệt trong ý kiến liên hệ đến các điều hiện đang được diễn dịch trong các chính sách hiện hành, nhu cầu của tâm từ bi, như là nền tảng của giá trị tâm linh, giới luật nội tại, và tầm quan trọng của hành vi luân lý trên tổng quát vốn là quan điểm bất biến của tôi.

Nhân tâm (lo) vừa là căn nguồn, và nếu đúng hướng, sẽ là giải pháp cho tất cả mọi vấn đề của ta. Những người đạt được kiến thức cao, nhưng thiếu tâm thiện lành sẽ bị hiểm nguy làm mồi cho các sự lo lắng và bất an như kết quả từ các ham muốn bất toại nguyện. Đảo lại, một sự hiểu biết chân thật các giá trị tâm linh mang đến ảnh hưởng đối nghịch. Khi chúng ta nuôi dạy con cái mình cho có kiến thức mà thiếu từ bi, thái độ của chúng đối với tha nhân sẽ tương tự như một hỗn hợp của các thứ đố kỵ với kẻ hơn mình, tranh chấp với kẻ ngang hàng, và khinh khi kẻ thua kém. Điều này dẫn đến một xu hướng về tham dục, tự phụ, thái quá, và, nhanh chóng mất đi hạnh phúc. Kiến thức rất quan trọng. Nhưng quan trọng hơn nữa là biết cách sử dụng nó cho đúng. Điều đó tùy vào tâm và trí của người sử dụng.

Giáo dục là một vấn đề lớn hơn là chỉ nhằm mang đến kiến thức và công năng hầu thành đạt các mục tiêu hạn hẹp. Nó còn là việc mở mắt cho đàn trẻ thấy được nhu cầu và quyền lợi của tha nhân. Chúng ta phải chỉ dạy cho trẻ em rằng, hành động của chúng có một tầm kích toàn cầu. Và chúng ta phải tìm phương cách xây dựng cảm xúc thiện lành tự nhiên sao cho chúng có được một cảm thức trách nhiệm đối với người khác. Vì đó chính là điều thúc đẩy chúng ta hành động. Thật vậy, nếu ta phải chọn lựa giữa học hành và đức hạnh, thì thứ sau đương nhiên có giá trị vượt trội. Một trái tim tốt lành như quả của đức hạnh, tự nó mang đến lợi lạc lớn lao cho nhân loại. Kiến thức đơn thuần không làm được vậy.

Tuy nhiên, làm sao để dạy đạo đức cho trẻ em? Tôi cảm thấy rằng, nói chung, hệ thống giáo dục hiện đại bỏ quên không nói đến vấn đề luân lý. Đây có thể không phải là cố tình mà hầu như một thứ sản phẩm phụ của thực tế lịch sử. Hệ thống giáo dục thế tục được phát huy vào một thời điểm khi các cơ chế tôn giáo vẫn còn tầm ảnh hưởng lớn lao trên toàn xã hội. Vì các giá trị luân lý và nhân bản vẫn thường được đặt trong khuôn khổ của tôn giáo, cho nên diện này trong việc giáo dục trẻ em hầu như giả định do các tôn giáo đảm trách. Việc đó tương đối đầy đủ, cho đến khi tầm ảnh hưởng của tôn giáo bị giảm dần. Mặc dù nhu cầu vẫn còn đó, nhưng lại không được đáp ứng. Do đó, chúng ta phải tìm một phương cách khác hầu chỉ dẫn cho trẻ em về tầm hệ trọng của các giá trị căn bản của loài người. Và ta phải giúp chúng phát huy được các giá trị đó.

Cuối cùng, dĩ nhiên, tầm quan trọng của sự quan tâm đến tha nhân được học hỏi không phải qua lời nói, mà qua hành động: thí dụ điển hình từ chính chúng ta. Đó là lý do tại sao môi trường gia đình là yếu tố rất quan hệ trong việc dưỡng dục một đứa trẻ. Khi một không khí quan tâm và từ ái thiếu vắng trong nhà, khi trẻ em bị cha mẹ lơ là, rất dễ nhận thấy các hậu quả tổn hại. Trẻ em có xu hướng cảm thấy mình không được giúp đỡ và thiếu an toàn, và tâm trí chúng thường bị rối loạn. Ngược lại, khi trẻ em được nhận sự trìu mến và bảo vệ thường xuyên, chúng có khuynh hướng hạnh phúc và tự tin vào khả năng của mình hơn. Sức khỏe vật lý của chúng cũng khả quan hơn. Và ta thấy chúng không phải chỉ quan tâm đến riêng mình, mà cả đến người khác. Môi trường gia đình cũng quan trọng vì trẻ em học các thái độ tiêu cực từ cha mẹ chúng. Thí dụ, nếu người cha thường hay tranh chấp với bạn bè, hoặc nếu cha hay mẹ thường cãi cọ gấu ó nhau, mặc dù mới đầu đứa trẻ cảm thấy điều đó đáng chỉ trích, nhưng dần dà nó lại xem như là chuyện thường. Học biết như thế từ trong nhà, chúng sẽ đem ra áp dụng ngoài thế giới.

Không cần phải nói, những điều trẻ em học về hành vi luân lý ở nhà trường sẽ được đem ra thật hành trước tiên. Về điểm đó, các giáo chức phải chịu trách nhiệm đặc biệt. Qua chính thái độ của họ, có thể khiến trẻ em nhớ họ đến trọn đời. Nếu hành vi này là nguyên tắc, kỷ luật, và từ ái, thì các giá trị đó sẽ tạo ấn tượng mạnh mẽ trong tâm trí trẻ em. Đó là vì bài học do các thầy cô với một động cơ tích cực (kun long) sẽ thẩm thấu rất sâu đậm trong tâm trí học sinh của họ. Tôi biết được điều này do chính kinh nghiệm bản thân. Khi còn nhỏ, tôi rất biếng nhác. Nhưng khi tôi ý thức được sự thân ái và quan tâm của các vị trợ giáo, các bài học đó của họ đã để lại ấn dấu sâu đậm hơn là nếu vào thuở đó, có một vị trong nhóm lại khắc nghiệt hoặc lãnh đạm.

Cho đến giờ, các chuyên khoa trong nền giáo dục là do các chuyên gia đảm trách. Tuy nhiên, tôi chỉ tóm lược qua vài đề nghị. Trước nhất, để thức tâm những người trẻ tuổi trước tầm quan trọng của giá trị nhân bản nền tảng, tốt hơn không nên trình bày các vấn đề xã hội thuần túy như thể đó là vấn đề luân lý hoặc tôn giáo. Điểm quan trọng cần nhấn mạnh rằng, đó chính là cái mốc cho sự tồn tục của ta. Bằng cách đó, tuổi trẻ sẽ nhận thấy tương lai nằm trong tay chúng. Thứ đến, tôi tin rằng sự đàm luận đó thiết thực và phải được dạy trong lớp học. Trình bày cùng các học sinh một vấn đề có tánh tranh biện, và để các em thảo luận cùng nhau, chính là một phương cách rất tuyệt hầu giới thiệu khái niệm giải quyết một tranh chấp một cách bất bạo động. Thật thế, hy vọng rằng khi học đường dành ưu tiên cho việc này, sẽ tạo được ảnh hưởng lợi lạc cho chính cả đời sống gia đình. Khi thấy cha mẹ cãi cọ với nhau, một đứa trẻ hiểu được giá trị của đối thoại có thể tự khởi nói, "Ồ, không. Đó không phải là cách. Cha mẹ phải nói chuyện với nhau, thảo luận với nhau một cách thích hợp hơn."

Cuối cùng, điều thiết yếu là phải loại bỏ khỏi học trình mọi khuynh hướng trình bày vấn đề dưới màu sắc tiêu cực. Lấy thí hụ, ở vài nơi trên thế giới quả thật có việc giảng dạy lịch sử, trong đó đưa vào các lý thuyết cực đoan hoặc kỳ thị đối với các cộng đồng khác. Dĩ nhiên điều đó sai lầm. Nó không đóng góp gì cho hạnh phúc của nhân loại. Bây giờ, hơn lúc nào hết, chúng ta cần phải chỉ dẫn cho con em, sự phân biệt giữa "xứ ta" và "xứ người," "đạo ta" và "đạo người" chỉ là thứ yếu. Đúng hơn, ta phải nhấn mạnh trên sự quan sát rằng, quyền hạnh phúc của tôi không cân nặng hơn quyền của người khác chút nào. Điều đó không phải bảo là chúng ta phải dạy dỗ con em bỏ rơi và không biết đến truyền thống văn hóa và lịch sử của nơi chúng được sanh trưởng. Trái lại, rất quan trọng phải đặt nền tảng trên đó. Rất tốt cho trẻ em được học yêu quê hương, tôn giáo, văn hóa và các thứ của chính mình. Nhưng nguy cơ đến khi điều đó triển khai thành một thứ chủ nghĩa dân tộc thiển cận, xu hướng quy chủng tộc, và cực đoan tôn giáo. Thí dụ của Mahatma Gandhi rất hiển nhiên. Mặc dù ông hấp thụ một nền giáo dục Tây phương rất cao, nhưng không bao giờ lãng quên và trở thành xa lạ cùng sản nghiệp phong phú từ nền văn hóa Ấn độ của ông.

Nếu giáo dục thiết lập được một trong các thứ khí giới mạnh mẽ nhất trong sự khao khát đem lại một thế giới tốt đẹp hòa bình hơn, thì truyền thông là một thứ khác. Mỗi một khuôn mặt chính trị đều biết, họ không còn là những người duy nhất có quyền lực trong xã hội. Thêm vào đó còn có báo chí và sách vở, truyền thanh, điện ảnh, và truyền hình, gộp chung lại thành một thứ ảnh hưởng lớn lao trên mỗi cá nhân một cách không thể tưởng tượng nổi vào khoảng trăm năm trước đây. Sức mạnh này bao gồm một trách nhiệm lớn của tất cả mọi người chúng ta, các cá nhân, phải nghe và đọc và xem. Chúng ta cũng có một vai trò của riêng mình. Chúng ta không phải vô quyền lực trước truyền thông. Cái nút bấm để kiểm soát đài nằm trong tay ta, nói cho cùng.

Điều này không có nghĩa là tôi biện luận cho các báo cáo nhạt nhẽo hoặc các giải trí thiếu hấp dẫn. Trái lại, cho đến nay trong lãnh vực báo chí điều tra, tôi tôn trọng và đề cao sự can thiệp của giới truyền thông. Không phải mọi người phục vụ công cộng đều liêm khiết trong khi thi hành bổn phận. Do đó, rất thích hợp cần có các ký giả, mũi của họ dài như vòi voi, đánh hơi chung quanh, và trình bày các điều sai trái mà họ khám phá thấy. Chúng ta cần biết đến các cá nhân rất nổi tiếng này nọ đã che dấu khía cạnh rất đặc thù nào đó bên dưới bề mặt rất dễ ưa của họ. Có thể có một cách biệt rất lớn giữa bề ngoài và đời sống nội tâm của một người. Nói cho cùng thì cũng chỉ là cùng một người. Sự cách biệt đó khiến cho họ trở thành khó tin cậy. Đồng thời, người điều tra không thể hành động chỉ vì động cơ không thích đáng. Không công bằng và không tôn trọng quyền lợi của người khác, cuộc điều tra tự nó đã bị hoen ố.

Trong vấn đề truyền thông thường nhấn mạnh về dục tính và bạo động, có nhiều yếu tố cần quán xét. Trước tiên, rõ ràng là đa số khán giả đại chúng ưa thích các cảm giác do loại chất liệu đó gợi ra. Thứ đến, tôi ngờ rằng các sản phẩm chất liệu chứa dục tính và bạo hành quá lộ liễu vốn có dụng ý gây hại. Động cơ của họ chắc chắn chỉ là thương mại. Và cho dù tự nó là tích cực hoặc tiêu cực, điều đó không quan trọng bằng vấn đề nó có mang lại ảnh hưởng luân lý thiện lành nào không. Nếu kết quả sau khi xem một phim với nhiều bạo động, là khiến cho lòng từ bi của khán giả được khơi dậy, thì diễn đạt của sự bạo hành này được xác minh. Trong khi nếu sự tập hợp quá nhiều hình ảnh bạo động dẫn đến sự lạnh nhạt, thì kết quả ngược lại. Thật vậy, làm chai đá con tim là một tiềm chất nguy hại. Nó dễ đưa đến sự mất đi lòng thiện cảm.

Khi giới truyền thông đặt trọng điểm quá nhiều vào các khía cạnh tiêu cực của bản chất con người, có một nguy cơ là chúng ta sẽ được thuyết phục rằng bạo hành và tranh chấp là các đặc tánh chính yếu. Đó là một sự sai lầm, tôi tin vậy. Sự kiện chỉ có bạo hành mới đáng xem là tin tức đã đề xướng một thứ đối cực. Tin hay ít khi được chú ý bởi vì có quá nhiều. Hãy xem vào bất cứ thời điểm nào trên thế giới đều có nhiều trăm triệu hành động tốt đang diễn ra. Mặc dù không thể nghi ngờ đồng lúc cũng có rất nhiều hành động xấu đang diễn tiến, nhưng con số chắc chắn phải ít hơn. Do đó, nếu truyền thông có trách nhiệm luân lý, cần phải phản ánh sự thật đơn thuần đó.

Việc đề ra các luật lệ truyền thông rõ rệt là cần thiết. Sự kiện cần phải ngăn con em xem một số sự kiện nào đó cho thấy chúng ta đã phân biệt giữa điều gì thích hợp và không thích hợp theo các hoàn cảnh khác nhau. Nhưng luật lệ có phải là phương cách đúng để làm việc đó chăng là một vấn đề khó thẩm định. Trong tất cả các vấn đề luân lý, luật lệ chỉ hữu hiệu khi phát khởi từ nội tâm. Có thể cách tốt nhất để bảo đảm tánh cách lành mạnh của sản lượng đa dạng qua truyền thông, chính là cách chúng ta giáo dục con em. Nếu ta nhắc nhở chúng biết ý thức trách nhiệm của chính mình, chúng sẽ trở nên kỷ luật hơn khi dính dấp đến truyền thông.

Mặc dù rất khó hy vọng giới truyền thông sẽ xiển dương các lý tưởng và nguyên tắc của tâm từ bi; ít ra chúng ta có thể hy vọng những người liên hệ sẽ chú trọng đến vấn đề ảnh hưởng tiêu cực tiềm ẩn. Ít ra cũng không nên dành chỗ cho thứ kích thích của loại hành động tiêu cực như bạo hành kỳ thị chẳng hạn. Nhưng vượt trên điều đó, tôi cũng chưa biết ra sao. Có thể chúng ta sẽ tìm cách phương cách nào hầu nối kết trực tiếp hơn các người tạo ra các câu chuyện cho nguồn tin và giải trí, cùng với các khán giả, độc giả, hoặc thính giả chăng?


Thế giới Thiên nhiên

Có một lãnh vực trong đó cả giáo dục lẫn truyền thông đều lãnh một trách nhiệm đặc biệt, đó là môi trường thiên nhiên. Lại nữa, trách nhiệm này ít liên hệ đến vấn đề đúng hoặc sai mà chính là vấn đề sinh tồn. Thế giới thiên nhiên chính là nhà của chúng ta. Không nhất thiết là đất thánh hoặc đất thiêng, mà chỉ đơn giản là nơi chúng ta sống. Do đó chúng ta cần chú trọng bảo tồn nó. Đó là lẽ thường. Nhưng chỉ mới gần đây, các mực độ dân số, và sức mạnh của khoa học kỹ thuật đã phát triển đến mức có ảnh hưởng trực tiếp đến thiên nhiên. Nói cách khác, cho đến giờ, Mẹ Đất còn có khả năng bao dung được các thói xấu đối với nhà ở của chúng ta. Nhưng đã đến giai đoạn mà Mẹ không còn im lặng chịu đựng nổi thái độ của chúng ta nữa. Các vấn đề do sự phá hoại môi sinh tạo ra có thể xem như phản ứng của Mẹ trước hành vi vô trách nhiệm của chúng ta. Mẹ cảnh cáo chúng ta rằng, ngay cả trong sự bao dung nhất cũng phải có các giới hạn.

Không nơi nào cho thấy rõ rệt các hậu quả của sự thất bại trong việc thi hành kỷ luật trong liên hệ giữa ta và môi trường bằng trường hợp của Tây tạng hiện nay. Không có gì là quá đáng khi bảo rằng, Tây tạng mà tôi lớn lên là một thiên đường hoang dã. Bất cứ du khách nào được viếng Tây tạng trước giữa thế kỷ hai mươi đều nhận thấy điều đó. Thú vật ít khi bị săn bắt, ngoại trừ một số vùng quá hẻo lánh không thể trồng trọt hoa màu được. Thật thế, các viên chức chính quyền hàng năm có thông lệ đưa ra tuyên cáo về việc bảo về đời sống hoang dã: "Không ai, dù thường dân hay quý tộc, có quyền làm hại hoặc bạo hành đối với các động vật trong rừng hoặc dưới nước." Các ngoại lệ duy nhất là chuột và lang sói.

Khi còn thơ ấu, tôi còn nhớ đã từng được nhìn thấy rất nhiều giống thú khác nhau mỗi khi tôi đi du hành khỏi Lhasa. Hồi ức chính của tôi trong cuộc hành trình ba tháng xuyên Tây tạng – từ nơi tôi ra đời ở Takster ở miền đông cho đến Lasa, nơi tôi được chính thức tuyên dương là Đạt lai Lạt ma năm lên bốn – là đời sống hoang dã mà chúng tôi được gặp suốt dọc đường đi. Những đàn kiang (lừa rừng) và drong (bò rừng) khổng lồ tha hồ gậm cỏ trong các cánh đồng bao la. Thỉnh thoảng chúng tôi nhìn thấy nhấp nhoáng một vài đàn gowa, loại linh dương Tây tạng nhút nhát; hoặc wa, loại nai mõm trắng; hoặc tso, giống sơn dương uy vũ của chúng tôi. Tôi cũng còn nhớ đến sự chiêm ngưỡng của mình trước các con chibi (thỏ rừng) nhỏ bé lẩn thật nhanh vào bụi cỏ. Chúng thật dễ thương làm sao. Tôi cũng thích ngắm nhìn chim chóc, chim gho (chim ưng lông đầu dài) trang trọng cất giọng thật cao trên các tu viện nằm khuất trên đỉnh núi, từng đàn nangbar (ngỗng trời) bay ngang, và thỉnh thoảng vào đêm, nghe có tiếng của chim wookpa (chim cú tai dài). Ngay cả tại Lhasa, người ta cũng không cảm thấy bị cắt lìa khỏi thế giới thiên nhiên. Trong các căn phòng của tôi nằm trên tầng đỉnh của Potala, cung điện mùa đông của các Đạt lai Lạt ma, nơi đó tôi bỏ không biết bao nhiêu thời giờ của một đứa bé, để theo dõi hành vi của chim khyungkar mỏ đỏ làm ổ trong các khe hở trên vách tường. Và phía sau Norbulingka, cung điện mùa hạ, tôi thường được thấy các cặp trung trung (chim hạc cổ đen giống Nhật bản), loài chim đối với tôi là tột đỉnh của sự cao quý và yêu kiều, thường sống trong các đầm lầy gần đó. Và đó là chưa kể đến màu sắc rực rỡ của các con thú rừng Tây tạng: các con gấu và chồn núi, con chanku (sói), và sazik (con báo tuyết tuyệt đẹp), và cả con sik (sơn miêu) thường gieo kinh hoàng trong lòng các nông dân du mục, hoặc con gấu trúc panda lớn với nét mặt hiền lành, sanh trưởng nơi vùng biên giới giữa Tây tạng và Trung quốc.

Thật đáng buồn, đời sống hoang dã phong phú đó không còn tìm thấy nữa. Một số thú vì bị săn bắt, nhưng đa số vì bị tiêu diệt, vào hậu bán thế kỷ hai mươi, sau khi Tây tạng bị chiếm đóng, chỉ còn lại một phần nhỏ của lúc trước. Bất kể người Tây tạng từng về thăm nhà ba bốn chục năm sau, mà tôi được chuyện trò, cũng đều nói lên sự thiếu vắng đời sống thiên nhiên đến gây xúc động. Nơi trước kia thú rừng thường đến thật gần nhà cửa, giờ đây chẳng còn thấy bóng dáng chúng đâu.

Các khu rừng bị tàn phá của Tây tạng cũng là mối họa tương tự. Trong quá khứ, các ngọn đồi đều là rừng cây dày đặc; ngày nay, những người về thăm nhà báo cáo, đồi núi nhẳn nhụi chẳng khác nào đầu của nhà sư. Nhà cầm quyền ở Bắc kinh công nhận thảm cảnh lụt lội tại miền tây Trung quốc, và xa hơn nữa, một phần vì lý do đó. Thế mà tôi vẫn tiếp tục nghe các báo cáo về các đoàn xe vận tải chạy ngày đêm không ngừng nghỉ chở gỗ từ miền đông rời khỏi Tây tạng. Quả thật đó là một thảm cảnh tạo trên đất đai rừng núi và khí hậu khắc nghiệt của quốc gia. Nó có nghĩa là việc trồng cây lại sẽ đòi hỏi rất nhiều khó khăn trong việc chăm sóc và bảo tồn. Không may, hầu như không có chứng cớ gì về việc làm đó.

Tất cả các điều trên không phải cho thấy, trên mặt lịch sử, người Tây tạng chúng tôi là "bảo thủ." Chúng tôi không phải như vậy. Ý tưởng về điều gọi là "ô nhiễm" chỉ không hề xảy đến cho chúng tôi. Chúng tôi không phủ nhận đã từng được thiên nhiên nuông chiều trên lãnh vực đó. Một dân tộc rất ít người sống trên một khu vực rộng bao la với không khí trong lành khô ráo, và rất nhiều nước suối rừng tinh khiết. Thái độ ngây thơ trước sự sạch sẽ được phát lộ khi người Tây tạng bị lưu vong, chúng tôi rất kinh ngạc khi khám phá ra, chẳng hạn như, sự hiện hữu của các dòng suối không thể uống nước. Giống như đứa con một được chiều chuộng, cho dù chúng tôi làm gì đi nữa, Mẹ Đất vẫn bao dung cho các hành vi đó. Kết quả là chúng tôi không có sự hiểu biết thật sự về sạch sẽ và vệ sinh. Người ta có thể khạc nhổ hoặc xì mũi ra đường mà chẳng cần chút suy nghĩ. Thật thế, khi nói vậy, tôi nhớ đến ông lão Khampa, một cựu cận vệ mỗi ngày thường đến kinh hành vòng quanh khuôn viên nhà tôi ở Dharamsala (một cách bày tỏ sự tận tụy thông thường). Không may, ông bị mắc bệnh sưng cuống phổi khá nặng. Điều này càng tệ thêm vì cứ hít phải loại đèn sáp mà ông cầm theo. Cứ ở mỗi góc nhà, ông lại ngừng để ho và khạc quá mạnh đến nỗi đôi khi tôi phải nghĩ không biết ông đến để cầu nguyện hay là chỉ để khạc nhổ!

Nhiều năm sau khi đến lưu vong, tôi đã quan sát rất kỹ tình trạng môi sinh ở đây. Chính phủ Tây tạng lưu vong đặc biệt chú trọng đến việc giảng dạy cho trẻ em về trách nhiệm của chúng như là cư dân trên quả đất mong manh này. Và tôi không bao giờ ngần ngại nói lên đề tài đó mỗi khi có cơ hội. Đặc biệt, tôi luôn nhấn mạnh đến sự cần thiết phải quán xét các hành động của chúng ta ảnh hưởng như thế nào đến môi sinh, cũng như đối với người khác. Tôi công nhận đó là điều khó phán đoán. Chúng ta không thể quyết đoán hậu quả cuối cùng của các sự kiện, chẳng hạn như việc phá rừng, sẽ ảnh hưởng đến đất đai và mưa rừng như thế nào, đừng nói gì đến các sự áp đặt trên hệ thống khí hậu của địa cầu. Điều rõ rệt nhất là con người chúng ta là loài động vật duy nhất có sức mạnh tàn phá trái đất, như chúng ta đều biết. Loài chim không có sức mạnh này, sâu bọ cũng không, và bất cứ loài hữu nhũ nào cũng không. Thế nhưng nếu chúng ta có khả năng phá hủy địa cầu, thì cũng có khả năng bảo vệ nó.

Điều cốt yếu là chúng ta tìm ra phương cách sản xuất sao cho không tàn hoại thiên nhiên. Chúng ta cần tìm ra cách cắt giảm bớt nhu cầu dùng gỗ hoặc các thứ tài nguyên thiên nhiên hạn chế khác. Tôi không phải là chuyên viên của lãnh vực đó, và tôi không thể đề nghị cách thực hiện nào. Tuy chỉ biết rằng, nếu có thể, nên đưa ra các quyết định thiết yếu. Thí dụ, tôi còn nhớ đã từng nghe nhân một chuyến viếng thăm Stockholm vài năm trước đây, về sự kiện lần đầu tiên trong nhiều năm, loài cá đã trở lại các con sông chảy ngang qua các thành phố. Chỉ mới gần đây, không có một con cá nào cả, vì nước sông bị nhiễm độc kỹ nghệ. Tuy nhiên, tiến bộ này chỉ là kết quả của việc tất cả các cơ xưởng trong vùng bị đóng cửa. Cũng thế, trong chuyến viếng thăm Đức quốc, tôi được cho xem một kiến trúc kỹ nghệ được thiết kế hầu không tạo ra ô nhiễm. Điều đó cho thấy, rõ rệt là có được các giải pháp hạn chế bớt sự tổn hại thế giới thiên nhiên mà không khiến cho nền kỹ nghệ bị ngăn chặn.

Điều đó không có nghĩa tôi tin rằng chúng ta có thể trông cậy vào kỹ thuật hầu vượt qua mọi vấn đề. Tôi cũng không tin chúng ta có thể tiếp tục hành động phá hủy trong khi áp dụng giải pháp kỹ thuật toàn hảo. Ngoài ra, môi trường cũng không cần phải tái lập. Chính thái độ của chúng ta trong tương quan đó mới cần phải thay đổi. Thử hỏi nếu trong trường hợp một thiên tai đại họa khủng khiếp xảy ra vì hiện tượng nhà kiếng, thì bất cứ một "chỉnh trang" nào cũng không thể thực hiện được, dù chỉ trên lý thuyết. Cho dù giả thiết có thể có đi, chúng ta phải đặt câu hỏi về sự áp dụng trên tầm mức lớn cần thiết đó có khả dĩ chăng? Rồi chi phí như thế nào và tổn phí trên phương diện tài nguyên thiên nhiên của chúng ta ra sao? Tôi ngại rằng các con số đó quá cao vượt ngoài hạn định. Đó cũng là dữ kiện của nhiều lãnh vực khác – như sự cứu đói cho loài người – hiện đã không có đủ quỹ tài trợ hầu đáp ứng nhu cầu vốn đã bị xem nhẹ quá. Do đó, cho dù người ta biện luận là các quỹ cần thiết có thể quyên góp, nhưng phải nói bằng lương tâm đạo đức rằng, hầu như không thể biện bác gì nữa cho một sự thiếu sót đến như thế. Thật không đúng khi tiếp tục tung ra các khoản tiền khổng lồ chỉ nhằm giúp cho các nước kỹ nghệ hóa tiếp tục hành xử tai hại, trong khi loài người ở các nơi khác lại không có thức ăn để sống.

Tất cả các điểm trên đều nhằm vào nhu cầu nhận thức được tầm cỡ toàn cầu của hành động chúng ta, và căn cứ trên đó, cần phải thực hiện giới chế. Nhu cầu bắt buộc phải đề ra khi chúng ta quán xét về sự sanh sôi nảy nở của loài người. Mặc dù theo quan điểm của mọi tôn giáo chính, càng nhiều người thì càng tốt, và mặc dù theo một số nghiên cứu mới nhất đề ra một sự bùng nổ dân số trong vòng một thế kỷ tới, tôi vẫn tin rằng chúng ta không thể bỏ quên vấn đề này. Với địa vị tăng sĩ, có thể không thích hợp cho tôi khi bàn thảo các vấn đề đó. Nhưng tôi tin rằng kế hoạch hóa gia đình là điều quan trọng. Dĩ nhiên, tôi không muốn đề xướng chúng ta không nên có con. Đời người rất quý báu, và các cặp vợ chồng nên có con trừ phi có những lý do phải tránh. Ý tưởng không có con chỉ vì muốn hưởng thụ một đời sống đầy đủ khỏi chịu trách nhiệm, theo tôi, là một điều sai lầm. Đồng thời, lứa đôi cũng có bổn phận phải cứu xét mức ảnh hưởng của nhân số đối với môi sinh. Điều đó đặc biệt đúng với các kỹ thuật tân tiến.

Cũng may là càng ngày càng nhiều người nhận thức được tầm quan trọng của kỷ luật luân lý như một phương tiện đảm bảo một nơi chốn lành mạnh cho cuộc đời. Vì lý do đó, tôi khá lạc quan rằng, đại họa thiên tai đó có thể tránh được. Cho đến gần đây, ít người thật sự quan tâm đến ảnh hưởng của sinh hoạt loài người trên quả địa cầu. Nhưng hiện nay, có cả các đảng phái chính trị đặt mối quan tâm đó là mục tiêu sinh hoạt. Hơn nữa, sự kiện không khí chúng ta thở, nước chúng ta uống, rừng và biển chứa hàng triệu hình thái sinh vật khác nhau, và các khuôn thức thời tiết chi phối hệ thống khí hậu của chúng ta, tất cả đều đã vượt biên cương quốc gia để trở thành một nguồn hy vọng mới. Điều đó có nghĩa, không một quốc gia nào, dù giàu mạnh hoặc nghèo yếu, có khả năng chịu đựng tổn phí của hành động không tôn trọng vấn đề trên.

Cho đến khi nào các cá nhân đều biết quan tâm đến, các vấn đề hậu quả của sự lơ là môi sinh vẫn là một sự nhắc nhở mạnh mẽ rằng, tất cả chúng ta đều cần phải góp phần. Và trong khi hành động của một cá nhân không có kết quả gì đáng kể, thì ảnh hưởng tổng hợp của hàng tỷ hành động cá nhân chắc chắn có thể làm được. Đây là thời điểm cho mọi người sinh sống trong các xã hội kỹ nghệ tiền tiến phải suy nghĩ tận tường về việc thay đổi lối sống. Lại nữa, đây cũng chẳng phải chỉ là vấn đề luân lý. Sự kiện dân số còn lại của thế giới cũng bình quyền trong việc phát triển mức sống của họ vốn hệ trọng hơn các người giàu có tiếp tục duy trì lối sống xa hoa phung phí. Nếu điều đó được trọn vẹn mà không tạo thành tổn hại khó chuộc lại trên thiên nhiên – kéo theo tất cả hậu quả tiêu cực đối với hạnh phúc – thì các nước giàu nên cố gắng nêu gương. Tổn phí cho địa cầu, và từ đó, cho nhân loại, chỉ vì lối sống quá xa hoa không bao giờ ngừng, quả thật là quá đắt.

 

Chính trị và Kinh tế

Tất cả chúng ta đều mơ đến một thế giới tốt đẹp hạnh phúc hơn. Nhưng nếu chúng ta muốn biến nó thành hiện thực, phải đảm bảo được từ bi là nguồn cảm hứng cho mọi hành động. Điều đó đặc biệt đúng đối với các chính sách chính trị và kinh tế. Được biết hơn nửa dân số thế giới hiện đang thiếu thốn các nhu cầu căn bản về thức ăn, chỗ ở, thuốc men, và giáo dục; tôi thiết tưởng chúng ta cần đặt câu hỏi, phải chăng ta đang theo đuổi đường lối sáng suốt nhất đối với sự kiện đó? Tôi nghĩ rằng không. Nếu như năm dần qua đến trọn năm mươi năm rồi, chúng ta đã có thể quét sạch nạn nghèo đói, thì sự phân phối bất quân bình của tài sản hiện nay may ra còn được minh xác. Thế nhưng, ngược hẳn lại, nếu đà này cứ tiếp diễn, điều chắc chắn là người nghèo chỉ lại nghèo hơn. Chỉ riêng cảm thức căn bản của chúng ta về sự công bằng và công lý đã đề xướng rằng, chúng ta không nên thản nhiên phó mặc cho sự việc trên tiếp diễn.

Đương nhiên, tôi không biết về kinh tế. Nhưng tôi thấy rất khó tránh một kết luận rằng, tài sản của kẻ giàu được tích lủy từ sự bỏ mặc kẻ nghèo, đặc biệt qua phương tiện các món nợ quốc tế. Nói lên điều đó, tôi không có ý đề nghị các nước chậm phát triển không cần chịu trách nhiệm về vấn đề của họ. Cũng không phải chúng ta nên đổ trút tất cả bệnh chứng xã hội và kinh tế lên đầu các viên chức chính trị và công quyền. Tôi không phủ nhận ngay đến các nền dân chủ vững chắc nhất trên thế giới cũng thường có những chính trị gia đưa ra các lời hứa không thực tế và khoa trương về đủ thứ họ sẽ làm một khi đắc cử. Nhưng những người đó không phải từ trên trời rơi xuống. Vì vậy nếu các chính trị gia của một xứ nào đó tham nhũng hủ bại, chúng ta thường có xu hướng cho rằng xã hội đó thiếu đạo đức và các cá nhân kết thành dân tộc đó không sống đời hợp luân lý. Trong các trường hợp đó, thật không mấy công bằng khi chỉ có những cử tri chỉ trích các chính trị gia. Mặt khác, khi người ta có các giá trị lành mạnh, và khi họ thật hành giới luật luân lý trong đời sống đặt căn bản trên sự quan tâm đến tha nhân, thì các viên chức công quyền đến từ xã hội đó tự nhiên cũng tôn trọng cùng thứ giá trị. Mỗi người chúng ta, do đó, đều giữ vai trò trong việc tạo dựng một xã hội dành ưu tiên cho sự tôn trọng và quan tâm đến người khác, đặt nền tảng trên thiện cảm.

Trên bình diện thực hiện chính sách kinh tế, cùng quan điểm đó cần được áp dụng trong sinh hoạt của mỗi người. Một cảm thức về trách nhiệm toàn cầu rất trọng yếu. Tuy nhiên tôi phải nhìn nhận, rất khó đưa ra các đề nghị thực tiễn về sự áp dụng các giá trị tâm linh trong lãnh vực thương mại. Bởi vì cạnh tranh đóng vai trò rất quan trọng ở đây. Vì lý do đó, liên hệ giữa thiện cảm và lợi nhuận nhất thiết phải rất mong manh. Tuy nhiên, tôi chẳng thấy tại sao không thể tạo một sự cạnh tranh xây dựng. Yếu tố then chốt chính là động cơ của các người tham dự. Khi ý định là lợi dụng hoặc hủy diệt kẻ khác, hiển nhiên hậu quả không thể nào tích cực. Nhưng khi cạnh tranh được điều động trên một tinh thần rộng lượng và thiện chí, thì kết quả, mặc dù vẫn phải kéo theo sự đau khổ của kẻ thua cuộc, ít ra cũng không đến nỗi tác hại.

Lại nữa, có thể phản đối là trong thực trạng thương mại, chúng ta quả thật không thể nào hy vọng các thương vụ đặt con người lên trên lợi nhuận. Nhưng ở đây, ta phải nhớ rằng những kẻ quản trị kỹ nghệ và doanh nghiệp trên thế giới cũng vẫn là loài người. Cho dù người cứng rắn nhất chắc chắn phải nhìn nhận rằng đi tìm lợi nhuận bất kể hậu quả là điều sai lầm. Nếu điều đó đúng, thì buôn bán ma túy cũng không sai. Vì thế, một lần nữa, điều đòi hỏi ở đây là mỗi người chúng ta nên tự phát huy lấy bản chất từ bi của mình. Chúng ta càng gia tăng được điều đó, thì doanh thương càng phản ánh được các giá trị căn bản của loài người.

Ngược lại, nếu chính chúng ta lơ là các giá trị đó, không sao tránh khỏi thương mại cũng sẽ lơ là chúng. Đó không phải là vấn đề lý tưởng. Lịch sử cho thấy có nhiều tiến triển tích cực trong xã hội diễn ra như kết quả của tâm từ bi. Lấy thí dụ, sự hủy diệt thương vụ buôn bán nô lệ. Nếu nhìn vào tiến hóa của xã hội loài người, chúng ta thấy sự cần thiết phải có viễn ảnh hầu mang lại các đổi thay tích cực. Lý tưởng là guồng máy của tiến bộ. Bỏ quên điều này, và chỉ nói rằng chúng ta cần phải "thực tiễn" là một lỗi lầm trầm trọng.

Các vấn đề của chúng ta về sự phân phối kinh tế bất quân bình tạo nên một thách đố rất lớn cho toàn thể gia đình nhân loại. Tuy nhiên, khi chúng ta cùng đi vào thiên kỷ mới, tôi tin rằng có rất nhiều lý do để lạc quan. Trong các năm đầu và giữa thế kỷ hai mươi, có một nhận thức tổng quát rằng quyền lực chính trị và kinh tế vốn là hậu quả hơn là sự thật. Nhưng tôi tin quan điểm đó đã thay đổi. Ngay cả các nước giàu mạnh nhất đã hiểu rằng không nên bỏ quên các giá trị nhân sinh. Khái niệm về vị trí dành cho luân lý trong bang giao quốc tế ngày càng vững chắc. Đó là không quan hệ với những điều đã được diễn dịch thành hành động; ít ra các ngôn từ như "tái hòa hợp," "bất bạo động," và "sự cảm thông" đã trở thành ngữ vựng tồn trữ của các chính trị gia ngày nay. Đó là một tiến triển hữu ích. Theo kinh nghiệm cá nhân ghi nhận được khi công du ngoại quốc, tôi thường được yêu cầu thuyết về hòa bình và từ bi cho các cử tọa đoàn khá lớn – thường vượt quá số ngàn. Tôi không tin các đề tài đó hấp dẫn được số đông người như thế bốn mươi hoặc năm mươi năm về trước. Những tiến triển như trên đánh dấu tập thể loài người đã đặt nặng các giá trị căn bản như công lý và chân lý.

Tôi cũng rất vững tâm trước dữ kiện là, nền kinh tế thế giới càng tiến bộ, sự tùy thuộc lẫn nhau càng hiển nhiên. Kết quả, mỗi quốc gia này không nhiều thì ít đều phải tùy thuộc vào một quốc gia khác. Các loại kinh tế tân tiến, như là môi sinh, vốn không có biên cương. Ngay giữa các quốc gia kình địch với nhau cũng phải hợp tác trong việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên thế giới. Thông thường, lấy thí dụ, họ phải tùy thuộc vào chung một con sông. Và các mối tương quan kinh tế càng tùy thuộc nhau, thì tương quan chính trị càng tùy thuộc nhau. Nhờ vậy, chúng ta đã được chứng kiến, lấy thí dụ, sự lớn dậy của Liên hiệp Âu châu, bắt đầu chỉ là vài bạn hàng trao đổi mậu dịch nho nhỏ, đi dần đến sự kết hợp của các quốc gia thành một liên bang với số thành viên giờ đây đã gia tăng gấp đôi. Chúng ta cũng nhìn thấy hình thức tương tự, cho dù kém phát triển bằng, của sự tập hợp trên thế giới, có thể nêu danh ba tổ chức tiêu biểu: Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Tổ chức Phi châu Hợp nhất (OAU), Tổ chức các Quốc gia Xuất cảng Dầu hỏa (OPEC). Mỗi một tổ chức thử nghiệm một động lực nhân sinh về sự hợp quần vì lợi ích chung, và phản ánh sự tiến hóa không ngừng của xã hội loài người. Khởi đầu chỉ là các bộ lạc nho nhỏ, đã phát triển thành các đô thị tiểu quốc rồi đến quốc gia, và hiện giờ là các đồng minh bao gồm nhiều trăm triệu người, tiếp tục vượt trên mọi lằn biên phân chia địa dư, văn hóa, và chủng tộc. Đó là một khuynh hướng tôi tin là sẽ và phải tiếp tục.

Tuy nhiên, chúng ta không thể phủ nhận rằng, song song với sự phong phú của các liên hợp chính trị và kinh tế nói trên, còn có một yêu cầu hiển nhiên của sự quy tập lớn lao hơn vượt các đường ranh giữa chủng tộc, ngôn ngữ, tôn giáo và văn hóa – lại thường có bạo động tiếp diễn theo việc tháo bỏ liên hệ vào thể chế quốc gia. Chúng ta phải làm gì trước sự kiện nhị diện có vẻ tương phản đó – một diện là khuynh hướng hợp tác vượt quốc gia, diện kia là động cơ địa phương hóa? Thật ra, không nhất thiết có sự mâu thuẫn giữa hai mặt. Chúng ta vẫn có thể hình dung các cộng đồng địa phương hợp tác trong chính sách mậu dịch, xã hội, và các phối trí an ninh chung, nhưng vẫn giữ được sự đa dạng độc lập về nhân chủng, văn hóa, tôn giáo và các thứ khác. Có thể tạo một hệ thống luật pháp bảo vệ nhân quyền cơ bản trong các cộng đồng lớn hơn, mà vẫn để cho các cộng đồng nhỏ có quyền tự do theo đuổi lối sống riêng họ mong muốn. Đồng thời, quan trọng nhất trong sự xây dựng các loại hợp tác đó, là sự tự nguyện và đặt nền tảng trên nhận thức về quyền lợi của các phần tử đều được phục vụ tốt đẹp hơn qua sự hợp tác. Họ không thể bị áp đặt. Thật thế, thách đố của thiên kỷ mới chắc chắn là phải truy tìm phương cách hầu đạt đến sự hợp tác quốc tế – hay tốt hơn nữa, cộng đồng toàn cầu – trong đó sự đa dạng của loài người được công nhận và quyền lợi của tất cả được tôn trọng.

Chương 14
HÒA BÌNH VÀ GIẢI GIỚI [^]

Chủ tịch họ Mao từng phát biểu rằng quyền bính chính trị đến từ thùng thuốc súng. Dĩ nhiên bạo lực có thể hoàn tất vài mục tiêu đoản kỳ, nhưng không thể nào viên mãn được cứu cánh trường kỳ.

Nhìn vào lịch sử, chúng ta thấy qua thời gian, tình yêu hòa bình, công lý và tự do của nhân loại vẫn luôn chiến thắng sự tàn ác và áp bức. Chính vì vậy, tôi luôn luôn là người có niềm tin sâu đậm vào bất bạo động. Bạo động sanh ra bạo động. Và bạo động chỉ có một ý nghĩa: đau khổ. Trên lý thuyết, có thể tưởng tượng một trường hợp với phương cách duy nhất hầu ngăn ngừa một tranh chấp cao độ là qua sự can thiệp có võ trang ở ngay giai đoạn đầu tiên. Nhưng vấn đề trong biện luận này là vốn rất khó tiên đoán được kết quả của bạo động, nếu không phải là bất khả. Chúng ta cũng không thể chắc chắn về chánh nghĩa của nó ngay từ lúc đầu. Điều này chỉ trở nên sáng tỏ nhờ lợi ích của sự hậu nghiệm. Đoan quyết duy nhất là nơi nào có bạo động, nơi đó luôn luôn và không thể tránh khỏi đau khổ.

Vài người cho rằng sự tận hiến của đức Đạt lai Lạt ma cho bất bạo động rất đáng ngợi khen, nhưng lại không thực tiễn. Thật ra, phải nói là còn ngây ngô hơn nữa khi giả thiết các vấn đề do loài người tác tạo dẫn đến bạo động có thể được giải quyết bằng tranh đấu. Thử quán xét, chính bất bạo động là đặc điểm chính yếu của cuộc cách mạng chính trị đã quét sạch tình hình thế giới vào thập niên 1980.

Tôi tin lý do chính yếu khiến nhiều người cho rằng con đường bất bạo động không thực tiễn, là vì dấn thân vào đó có vẻ đầy thách thức: chúng ta sẽ trở nên nản lòng. Tuy nhiên, trong khi trước đây chỉ cầu mong được hòa bình trên chính lãnh thổ của mình là đủ, hoặc cho lân bang, thì ngày nay, chúng ta nói đến hòa bình thế giới. Đó là sự kiện rất thích đáng. Sự tùy thuộc hỗ tương của loài người giờ đã quá hiển nhiên: hòa bình duy nhất có ý nghĩa để nói lên là hòa bình thế giới.

Một trong các khía cạnh đầy triển vọng của tân thời đại là sự trổi vượt của vận chuyển hòa bình quốc tế. Nếu chúng ta ít được nghe về nó ngày hôm nay hơn là vào cuối Chiến tranh Lạnh, có thể chỉ vì lý tưởng của nó đã thẩm thấu vào dòng ý thức chủ yếu. Nhưng tôi muốn ngụ ý gì khi nói đến hòa bình? Có một nền tảng nào để giả thiết rằng chiến tranh là sinh hoạt tự nhiên của loài người, cho dù là đáng tiếc? Ở đây chúng ta cần phân biệt giữa hòa bình như là một sự vắng mặt của chiến tranh, và hòa bình như là một trạng thái yên tịnh được thiết lập trên ý nghĩa sâu xa về sự an ninh, phát khởi từ sự hiểu biết hỗ tương, bao dung cùng quan điểm của người khác, và tôn trọng quyền lợi của họ. Hòa bình trong ý nghĩa đó không phải là điều ta nhìn thấy ở Âu châu trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh kéo dài hơn bốn thập niên. Đó chỉ mới là sự gần đúng. Nền tảng kiến lập thật sự của nó chính là sự sợ hãi và nghi ngờ và tâm lý kỳ lạ của sự tàn phá hỗ tương chắc chắn (thường được viết tắt là MAD [điên] = <I>mutually assured destruction<D>). Thật thế, thứ "hòa bình" đặc thù của Chiến tranh Lạnh quả thật bất an, mong manh, mà bất cứ sự hiểu lầm nghiêm trọng của một phe nào sẽ đưa đến các hậu quả khốc liệt. Nhìn lại, đặc biệt là với kiến thức mà chúng ta có được về sự quản lý lộn xộn trên các thứ hệ thống khí giới ở vài khu vực nào đó, tôi nghĩ thật là một huyền nhiệm khi chúng ta đã thoát khỏi sự tàn phá bằng một cách nào đó!

Hòa bình không phải là thứ gì hiện hữu độc lập cùng chúng ta, cũng như chiến tranh. Quả thật một số cá nhân – các lãnh tụ chính trị, nhà làm chính sách, tướng lãnh quân đội – đã chịu trách nhiệm nặng nề đối với hòa bình. Tuy nhiên, những người đó không phải đến từ chốn không đâu. Họ không ra đời hoặc trưởng thành ngoài không gian. Giống như chúng ta, họ được nuôi nấng bằng sữa mẹ và tình thân ái. Họ là thành viên của gia đình nhân loại, và được dưỡng nuôi trong xã hội do chính các cá nhân chúng ta đã góp phần tạo dựng. Hòa bình trên thế giới do đó tùy thuộc vào hòa bình trong trái tim của các cá nhân. Điều này lại tùy thuộc vào mọi người chúng ta thật hành luân lý qua giới luật các phản ứng trước ý niệm và cảm xúc tiêu cực, và phát huy được các phẩm chất tâm linh căn bản.

Nếu hòa bình thật sự là điều gì sâu xa hơn một sự quân bình mong manh đặt trên sự hiềm khích lẫn nhau, nếu cuối cùng nó tùy thuộc vào quyết định của một sự tranh chấp nội bộ, thế thì chúng ta sẽ nói gì về chiến tranh? Mặc dù một cách nghịch lý, mục tiêu của hầu hết các chiến dịch quân sự là hòa bình, trên hiện thực, chiến tranh giống như lửa đối với cộng đồng nhân loại, mà dầu châm vào chính là các người sống. Nó còn giống như lửa trong cách thức lan tràn ra. Nếu, lấy thí dụ, nhìn vào diễn tiến của cuộc hỗn loạn tại cựu Nam tư, ta sẽ thấy rằng điều manh nha chỉ là một cuộc tranh cãi hạn hẹp, đã lan nhanh nuốt trọn cả một khu vực. Tương tự, nếu nhìn vào các cuộc chiến lẻ tẻ, chúng ta thấy mới đầu các chỉ huy nhận ra các vùng yếu kém, họ phản ứng bằng cách tăng cường lực lượng – giống hệt như ném người sống vào lửa. Nhưng vì thói quen, chúng ta không thấy điều đó. Chúng ta thất bại trong việc nhận ra rằng, bản chất chân thật của chiến tranh là sự tàn nhẫn lạnh lùng và đau khổ.

Sự thật không may là chúng ta được điều kiện hóa để nhìn chiến tranh như một điều gì kích thích và còn lộng lẫy nữa: các chiến binh trong quân phục bảnh bao (rất hấp dẫn đối với trẻ em) cùng dàn nhạc quân hành đi bên cạnh họ. Chúng ta xem giết chóc là điều ghê tởm, nhưng lại không liên kết chiến tranh cùng giết chóc. Trái lại, còn xem như đây là cơ hội cho người ta chứng tỏ tài năng và đảm lược. Chúng ta nói đến các anh hùng do chiến tranh sản xuất, gần như là con số người bị giết càng lớn, thì cá nhân đó càng hào hùng. Và chúng ta nói đến các thứ khí giới loại này loại khác như là những mẫu kỹ thuật tuyệt vời, quên đi mất khi sử dụng nó sẽ gây thương tật và vong mạng người sống. Bạn của quý vị, bạn của tôi, mẹ chúng ta, cha chúng ta, anh chị em chúng ta, quý vị và tôi.

Điều còn tệ hơn nữa là sự kiện trong chiến tranh tối tân, vai trò của những kẻ tham chiến đã không còn đụng độ chỉ trên chiến trường dưới mặt đất. Đồng lúc, ảnh hưởng của nó đối với những người không tham chiến càng lớn lao hơn nữa. Những người đau khổ trong chiến tranh võ trang hiện nay chính là các kẻ vô tội – không phải chỉ có các gia đình có thân nhân tham chiến, mà con số lớn hơn nhiều của các thường dân không hề giữ vai trò gì trực tiếp. Ngay cả sau khi chiến cuộc đã qua, còn tiếp tục tràn đầy nỗi khổ với các bãi mìn, và thuốc độc từ các loại khí giới hóa học – chưa kể đến nền kinh tế suy thoái. Điều này có nghĩa, càng ngày càng nhiều phụ nữ, trẻ em, và người già trong số các nạn nhân trước tiên.

Hiện thực về chiến tranh tối tân vốn là cả một thứ doanh nghiệp, gần giống như trò chơi điện tử. Sự tinh xảo tăng tiến không ngừng của các loại khí giới đã vượt ngoài khả năng tưởng tượng của một thường dân trung bình. Khả năng tàn phá của chúng thật đáng kinh hoàng, khiến cho bất cứ biện luận gì cho chiến tranh đều chỉ có giá trị quá thấp kém trước những người phản đối. Chúng ta hầu như có thể được tha thứ nếu có chút hoài niệm về các loại chiến trận thời xa xưa. Ít ra người ta còn đấu nhau mặt đối mặt. Không có sự phủ nhận các đau khổ dính dấp. Trong những ngày đó, đích thân các tướng lãnh cầm đầu quân lính của họ ra sa trường. Nếu tướng lãnh bị giết, thì chiến cuộc gần như kết thúc. Nhưng với sự tiến bộ của kỹ thuật, các tướng lãnh bắt đầu ở xa mãi tận phía sau. Ngày nay, họ có thể ở cách xa hàng ngàn dặm, trong các hầm trú ẩn nằm sâu dưới đất. Khi nhìn thấy điều đó, tôi hầu như thấy được sự phát triển một loại đạn "khôn ngoan" biết tìm kiếm những kẻ chỉ huy quyết định trận chiến trước hết. Đối với tôi điều đó công bằng hơn, và trên nền tảng đó, tôi có thể thấy người ta hoan nghinh một loại khí giới có thể tiêu diệt các kẻ quyết định trong khi để cho các người vô tội được an toàn.

Bởi vì thực trạng của khả năng tàn phá đó, chúng ta cần phải nhìn nhận rằng, cho dù được dùng vào mục tiêu tự vệ hoặc tấn công, khí giới chỉ hiện hữu để hủy diệt loài người. Nhưng nếu giả định rằng hòa bình chỉ thuần túy tùy thuộc vào sự giải giới, thì chúng ta cũng phải nhìn nhận là khí giới không thể tự chúng hoạt động. Mặc dù được thiết kế để giết người, một khi còn nằm trong kho chứa, chúng không thể làm hại. Phải có kẻ nào đó bấm nút để phóng phi tiễn bay đi, hoặc bóp cò để bắn ra một viên đạn. Không có lực "tà ác" nào có thể làm điều đó. Chỉ con người là có thể. Do đó, hòa bình thế giới thật sự đòi hỏi chúng ta phải bắt đầu tháo gỡ các cơ ngơi quân sự do chúng ta thiết lập. Chúng ta không thể hy vọng vui hưởng hòa bình một khi các chế độ độc tài vẫn còn được các lực lượng quân sự chống đỡ, vốn không ngần ngại gây chuyện bất công theo ý thích. Bất công làm tiêu mòn chân lý, và không có chân lý không thể có hòa bình lâu dài. Tại sao không? Bởi vì khi chúng ta có chân lý lẽ thật bên mình, cùng với nó, ta có cả sự chân thành và tự tin. Đảo lại, khi thiếu chân lý lẽ thật, cách duy nhất có thể đạt đến mục tiêu ngắn hạn của mình là bằng bạo lực. Nhưng khi quyết định bằng cách đó, bằng cách thách đố lẽ thật, người ta không cảm thấy đúng – cho dù là người thắng hoặc kẻ bại. Cảm xúc tiêu cực này sẽ làm tiêu mòn hòa bình, vốn chỉ được áp đặt bằng bạo lực.

Đương nhiên chúng ta không thể hy vọng thực hiện sự giải giới qua đêm. Dù đáng mong mỏi cách mấy, giải giới đồng loạt thật khó thực hiện vô cùng. Dù chúng ta mong muốn nhìn thấy một xã hội trong đó xung đột võ trang là chuyện đã lùi vào quá khứ, cứu cánh tối hậu của ta phải là sự hủy diệt tất cả các loại khí giới, nhưng điều hiển nhiên là việc hủy diệt mọi khí giới là kỳ vọng quá cao vời. Nói cho cùng, ngay cả hai nắm tay ta cũng có thể xem là khí giới. Và luôn luôn có một nhóm phá rối và cuồng tín tạo phiền nhiễu cho người khác. Do đó, chúng ta phải chấp nhận, một khi còn con người, sẽ còn cần các phương cách để giải quyết các điều hạ tiện.

Chúng ta mỗi người đều giữ một vai trò trong đó. Như là các cá nhân, chúng ta phải tự giải giới bên trong – qua sự đối phó các ý niệm và cảm xúc tiêu cực và vun bồi các phẩm chất tích cực – hầu tạo điều kiện cho sự giải giới bên ngoài. Thật vậy, hòa bình thế giới chân thật lâu bền chỉ có thể do kết quả của mỗi người trong chúng ta nỗ lực tự bên trong. Các cảm xúc phiền nhiễu là dưỡng khí cho tranh chấp. Điều cốt yếu là chúng ta phải có cảm giác cùng người khác, và nhìn nhận quyền hạnh phúc của họ, không làm điều gì góp phần vào nỗi đau khổ của họ. Muốn làm được điều này, cần bỏ thời giờ quán chiếu kinh nghiệm thật về chiến tranh của các nạn nhân ra sao. Về phần tôi, tôi chỉ cần nghĩ đến chuyến viếng thăm Hiroshima vài năm trước đây, là đủ thấy các cảnh tàn khốc nhất sống động lại. Trong viện bảo tàng tại đó, tôi nhìn thấy một chiếc đồng hồ đã ngừng vào đúng giây phút quả bom nguyên tử phát nổ. Tôi thấy một gói kim khâu, trong đó tất cả kim dính liền vào nhau vì sức nóng.

Điều được đòi hỏi là chúng ta phải kiến lập các mục tiêu rõ ràng với các phương tiện nhờ đó có thể giải giới từ từ. Và chúng ta phải phát huy được một ý chí chính trị để làm việc đó. Với sự tôn trọng các biện pháp thực tiễn cần thiết hầu mang đến việc giải thể quân sự, chúng ta cần nhìn nhận rằng, điều đó chỉ có thể xảy ra trong khuôn khổ một ý thức trách nhiệm rộng rãi của toàn thể. Nếu chỉ hủy bỏ các loại khí giới sát hại tập thể vẫn chưa đủ. Chúng ta phải tạo điều kiện thuận lợi cho mục tiêu của mình. Cách cụ thể nhất để làm điều đó là xây dựng trên các khởi xướng hiện hữu. Ở đây, tôi nghĩ đến các nỗ lực qua hàng bao nhiêu năm hầu kiểm soát việc sử dụng các loại khí giới nào đó – và hủy bỏ trong vài trường hợp. Trong các thập niên 1970 và 1980, chúng ta chứng kiến các cuộc đàm phán của cơ quan SALT (Strategic Arms Limitation Treaties = Thỏa hiệp Hạn chế Vũ khí Chiến lược) giữa hai khối Đông và Tây. Nhiều năm qua chúng ta cũng đã có một thỏa hiệp kiểm soát khí giới hạt nhân do nhiều quốc gia ký kết. Và mặc dù sự bành trướng của võ khí hạt nhân, ý tưởng về một cấm đoán trên toàn cầu vẫn còn tồn tại. Các tiến bộ khích lệ còn được thực hiện trong việc cấm bãi mìn. Trong khi quyển sách này được viết, phần lớn các chính quyền trên thế giới đã ký kết nghi thức từ bỏ việc sử dụng mìn. Vì vậy, trong khi quả thật đến giờ vẫn chưa có một khởi xướng nào hoàn toàn thành công, sự hiện hữu của chúng chứng thực các phương cách hủy diệt này vốn không được mong muốn. Chúng còn cho thấy căn bản của loài người là muốn sống trong hòa bình. Và chúng cung ứng một điểm khởi đầu hữu ích có thể triển khai.

Một cách khác giúp chúng ta đi xa hơn trong mục tiêu sự giải thể quân sự toàn cầu là giải tán dần dà kỹ nghệ khí giới. Đối với nhiều người, đề nghị này có vẻ một ý tưởng phi lý và không thể thực hiện. Họ sẽ phản đối rằng, trừ phi mọi người đồng ý làm như thế cùng một lúc, bằng không đó là chuyện điên rồ. Và, họ sẽ bảo, điều đó không bao giờ xảy ra. Ngoài ra, họ còn thêm, có một lập luận kinh tế cần phải cứu xét. Thế nhưng nếu chúng ta nhìn vấn đề theo quan điểm của những người đau khổ vì hậu quả của bạo lực võ trang, sẽ khó mà phủ nhận trách nhiệm phải vượt qua các phản bác đó bằng cách này hoặc cách khác. Thật vậy, mỗi khi tôi nghĩ đến kỹ nghệ khí giới và sự đau khổ nó mang lại, tôi lại hồi tưởng đến chuyến viếng thăm trại xử tử của Đức quốc xã ở Auschwitz. Khi tôi đứng nhìn hỏa lò thiêu đốt hàng mấy ngàn người cũng như chính tôi – nhiều người vẫn còn sống, những con người vốn không thể chịu đựng nổi sức nóng của một que diêm – đã khiến tôi bị đả kích nặng nề, trước sự chế tạo các thứ dụng cụ giết người này một cách tỉ mỉ và thận trọng của các tay thợ có tài. Tôi còn thấy cả các kỹ sư (toàn là những người thông minh) đứng trước bảng chỉ dẫn, cẩn thận phác họa lại hình thức của phòng nhiên liệu và tính toán kích thước của các ống khói lò, chiều cao và chiều rộng. Tôi nghĩ đến những tay thợ biến thiết kế đó thành sản phẩm. Chắc là họ rất hãnh diện vì việc làm của mình, cũng như các thợ khéo khác. Rồi tôi lại nghĩ đến các tay thiết kế và sản xuất khí giới hiện đại cũng làm y như vậy. Họ cũng đang chế tạo các thứ phương tiện hủy diệt hàng ngàn người, nếu không phải là hàng triệu người đồng loại của mình. Phải chăng đó là một ý nghĩ phiền toái?

Với điều đó trong đầu, tất cả cá nhân tham gia vào việc làm kia tốt hơn nên thử xét họ có thể minh xác sự dính líu của mình vào đó hay không. Chắc là họ sẽ đau khổ nếu đơn phương từ bỏ nó. Cũng chẳng ngờ vực chi khi các nền kinh tế của các quốc gia sản xuất khí giới sẽ đau khổ khi các cơ sở của mình bị đóng cửa. Nhưng cái giá đó có xứng đáng hay không? Ngoài ra, có rất nhiều thí dụ trên thế giới về các hãng xưởng thành công trong việc chuyển từ khí giới sang một thứ hình thức sản xuất khác. Chúng ta còn có cả thí dụ của một quốc gia trên thế giới không có quân đội mà ta có thể cứu xét trong liên hệ cùng các nước lân bang. Đó là Costa Rica, giải thể quân đội từ năm 1949 đến giờ, rất tiện ích trong mực sống, y tế, và nền giáo dục rất tốt đẹp.

Về lập luận cho rằng thực tiễn hơn là nên giới hạn chỉ xuất cảng khí giới đến các nước đáng tin cậy và an toàn, tôi cho rằng đó là quan điểm rất thiển cận. Nhiều lần đã cho thấy việc đó không thể làm. Chúng ta đều quen thuộc cùng lịch sử hiện đại về chiến tranh vùng Vịnh Ba tư. Trong thập niên 1970, các đồng minh Tây phương đã võ trang cho vua Shah của Iran hầu tạo lực lượng đối lập trước đe dọa từ Nga. Tiếp theo, khi không khí chính trị thay đổi, Iran tự nó đã biến thành một mối đe dọa cho quyền lợi của Tây phương. Thế là các đồng minh bắt đầu võ trang cho Iraq chống lại Iran. Nhưng rồi, thời thế lại thay đổi nữa, các khí giới này được dùng để chống lại các đồng minh khác của Tây phương tại vùng Vịnh (Kuwait). Kết quả là, các quốc gia sản xuất khí giới phải tự mình ra trận với chính khách hàng của họ. Nói cách khác, không có gì có thể gọi là khách hàng "an toàn" cho khí giới.

Tôi không thể phủ nhận rằng cảm hứng của tôi đối với việc giải giới và giải thể quân sự chỉ là lý tưởng. Đồng thời, có nhiều cứ điểm sáng tỏ để được lạc quan. Một trong số là sự kiện khôi hài rằng, cho đến nay khí giới hạt nhân và sát hại tập thể rất được quan tâm đến, nhưng quả thật rất khó nghĩ ra trong hoàn cảnh nào chúng mới hữu dụng. Các thứ khí giới đó rõ ràng là một sự lãng phí tiền bạc. Sản xuất chúng rất tốn kém, lại không thể hình dung sử dụng chúng ra sao, và không có việc gì làm ngoài tồn kho chúng, một điều cũng tốn kém rất nhiều. Thật thế, chúng quả vô dụng và không là gì cả ngoài một sự trút bỏ tiền bạc.

Một lý do khác để lạc quan là sự ràng buộc bền chặt giữa các nền kinh tế quốc gia. Điều này tạo ra một không khí trong đó khái niệm thuần quyền lợi quốc gia đã trở nên ngày càng mất dần ý nghĩa. Kết quả, ý tưởng chiến tranh như phương tiện giải quyết tranh chấp bắt đầu có vẻ lỗi thời. Nơi nào còn có loài người, nơi đó luôn luôn còn tranh chấp, điều đó đúng. Sự bất đồng thỉnh thoảng lại nổi lên. Nhưng cho dù hiện thực về việc gia tăng phát triển võ khí hạt nhân, chúng ta vẫn tìm ra phương cách tốt hơn là bạo lực để giải quyết vấn đề. Điều này có nghĩa là đối thoại trong tinh thần hòa giải và thỏa hiệp. Đó không phải chỉ là ý tưởng vọng cầu của riêng tôi. Khuynh hướng của thế giới nghiêng về tập hợp chính trị quốc tế, trong đó Liên hiệp Âu châu có thể là thí dụ cụ thể nhất, có nghĩa là có thể hướng về một thời điểm nào đó, khi việc bảo tồn quân đội quốc gia bị xem như là thiếu tánh chất kinh tế và không cần thiết. Thay vì nghĩ theo khuôn khổ bảo vệ bờ cõi từng quốc gia, việc nghĩ đến an ninh từng khu vực còn hữu lý hơn. Hiện đã manh nha các kế hoạch phòng thủ Âu châu kết hợp chung sát cánh hơn; một đạo vệ binh Pháp-Đức đã hoạt động từ mười năm qua. Hiện nay, ít nhất tại Liên hiệp Âu châu, điều khi mới khởi sự chỉ thuần túy là một nền mậu dịch hợp tác, giờ đã nhận lãnh cả trách nhiệm an ninh khu vực. Và điều có thể diễn ra tại Âu châu, tức có lý do đặt hy vọng vào các nhóm mậu dịch quốc tế khác – hiện đã có khá nhiều – sẽ dần dà tiến triển theo. Tại sao không?

Sự xuất hiện của các lực lượng phòng thủ khu vực chung, theo tôi, là đóng góp lớn lao vào chuyển tiếp từ các bận rộn hiện hữu giữa các quốc gia sang sự công nhận các cộng đồng ít hạn hẹp hơn. Chúng có thể lót đường cho một thế giới sẽ không còn các đạo quân hiện dịch nữa. Một phối cảnh như thế, dĩ nhiên, phải diễn tiến theo từng giai đoạn. Các lực lượng quân sự quốc gia nhường chỗ cho lực lượng an ninh khu vực. Dần dà lại đến lượt chúng sẽ giải thể, nhường chỗ cho lực lượng vệ binh toàn cầu. Mục tiêu chính của lực lượng này là bảo vệ cho công lý, an ninh cộng đồng, và nhân quyền trên thế giới. Tuy nhiên, các nhiệm vụ đặc biệt của họ rất đa dạng. Bảo vệ chống lại việc sử dụng bạo lực tiếm đoạt quyền bính là một trong các nhiệm vụ của họ. Về phần công tác, các vấn đề luật pháp sẽ được họ thi hành trước nhất. Nhưng tôi thiết tưởng, các cộng đồng bị đe dọa – do lân bang hoặc vài thành phần cũng như các đảng phái chính trị cực đoan – cũng có thể gọi họ đến; cũng như các cộng đồng quốc tế mỗi khi có bạo lực phát động từ tranh chấp, chẳng hạn do tranh luận về tôn giáo hoặc lý tưởng.

Mặc dù quả thật chúng ta còn ở quá xa cùng hoàn cảnh lý tưởng đó, nhưng, một lần nữa, đó không phải là một sự tưởng tượng cầu kỳ. Có thể thế hệ này không sống đủ để nhìn thấy nó. Nhưng chúng ta đã quen nhìn thấy quân đội của Liên Hiệp quốc hành quân dưới tính cách bảo vệ hòa bình. Chúng ta cũng bắt đầu thấy khuynh hướng nhất trí rằng, dưới bất kỳ trường hợp nào, việc sử dụng phương thức can thiệp được xem như chánh đáng.

Như một phương tiện phát triển xa hơn nữa, chúng ta có thể cứu xét sự thành lập của các Khu vực Hòa bình. Nơi đó, tôi hình dung một phần hoặc nhiều phần của một hoặc nhiều quốc gia sẽ được phi quân sự nhằm tạo thành các ốc đảo quân bình, ưu tiên cho các vị trí chiến lược nổi bật. Những khu vực này có thể xem như là các hải tiêu hy vọng cho thế giới còn lại. Phải nhìn nhận là ý kiến đó có vẻ khá tham vọng, nhưng nó không phải chưa từng có trước đây. Chúng ta đã từng có một khu phi quân sự được quốc tế công nhận ở Nam cực. Tôi cũng chẳng phải là người đầu tiên đề ra ý kiến này. Cựu Tổng thống Nga Mikhail Gorbachev từng đề nghị tình trạng như thế cho vùng biên giới Nga-Hoa. Chính tôi cũng đã đẩy mạnh ý tưởng này cho Tây tạng.

Dĩ nhiên, không phải khó nghĩ đến các vùng khác trên thế giới ngoài Tây tạng, nơi đó các cộng đồng lân cận hưởng lợi rất nhiều nhờ sự thiết lập vùng phi quân sự. Cũng như Ấn độ và Trung quốc – cả hai nước đều tương đối nghèo – sẽ tiết kiệm được một phần lợi tức hàng năm đáng kể, nếu Tây tạng trở thành Khu vực Hòa bình được quốc tế công nhận; cũng như rất nhiều nước trên mỗi lục địa sẽ trút bỏ được gánh nặng phung phí khi phải duy trì một quân số lớn lao dọc theo biên giới. Tôi vẫn hằng nghĩ, lấy thí dụ, Đức quốc là một địa điểm thích hợp nhất cho Khu vực Hòa bình, nằm ngay trung tâm của Âu châu và đã từng kinh qua hai trận thế chiến trong thế kỷ hai mươi.

Trong tất cả điều đó, tôi tin rằng Liên Hiệp quốc giữ một vai trò rất hệ trọng. Không phải đó chỉ là đoàn thể duy nhất tận hiến cho các vấn đề toàn cầu. Còn cần phải ngưỡng phục các ý kiến đằng sau Tòa án Quốc tế ở Hague, Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Ngân hàng Thế giới, và các hình thức cống hiến khác của các Hội nghị Geneva. Nhưng hiện nay, và trong tương lai gần, Liên Hiệp quốc vẫn là cơ chế toàn cầu duy nhất có khả năng vừa ảnh hưởng vừa thực hiện được chính sách nhân danh cộng đồng quốc tế. Dĩ nhiên, nhiều người chỉ trích Liên Hiệp quốc trên căn bản sự kém hiệu năng, và quả thật nhiều khi chúng ta thấy các quyết định bị bỏ qua, bỏ rơi và bỏ quên. Tuy nhiên, mặc dù các khiếm khuyết đó, tôi vẫn đặt nhiều kỳ vọng vào Liên Hiệp quốc, không những chỉ trên các nguyên tắc thành lập, mà cả trên một số thành quả thu hoạch kể từ khi thành hình vào năm 1945. Chúng ta chỉ cần tự hỏi rằng, phải chăng nó đã cứu giúp nhiều nhân mạng qua nhiều trường hợp tệ hại, thì mới thấy nó có khả năng hơn chỉ là một thứ hành chánh "không răng cắn" như nhiều người nói đến. Chúng ta còn phải xét đến các công tác lớn lao của các tổ chức phụ thuộc vào nó, như UNICEF, Cao ủy Tỵ nạn Liên Hiệp quốc UNHCR, UNESCO, và Tổ chức Y tế Thế giới WHO. Điều này vẫn đúng dù cho một số chương trình và chính sách và các tổ chức khác trên thế giới bị sai hỏng và lạc hướng.

Tôi thấy rằng Liên Hiệp quốc, nếu được phát triển đúng khả năng, sẽ là một cỗ xe thích đáng để chuyên chở các ước vọng nhân bản như là một toàn khối. Tuy là nó chưa thể hiện điều đó một cách thật hữu hiệu, nhưng chúng ta cũng chỉ mới bắt đầu nhìn thấy ý thức toàn cầu được phát khởi (thực hiện được nhờ cách mạng tin học). Dẫu khó khăn tột độ, chúng ta cũng đã chứng kiến nó hành động tại nhiều nơi khác nhau trên thế giới, dù rằng trong hiện tại, mới chỉ có một hoặc hai nước làm mũi dùi phát động. Sự kiện các nước tìm một hình thức luật lệ theo huấn lệnh của Liên Hiệp quốc, cho thấy một nhu cầu biện minh trước sự thừa nhận của tập thể. Đó là chỉ dấu sự phát huy của cảm thức về một cộng đồng nhân loại hợp nhất và tùy thuộc hỗ tương.

Một trong các nhược điểm đặc biệt của Liên Hiệp quốc là hiện tại tuy nó cung ứng được một diễn đàn cho các chính quyền riêng lẽ, nhưng các cá nhân công dân không thể phát biểu ở đó. Nó cũng không có cơ chế cho những người muốn phát biểu đối lập cùng chính quyền của họ được lắng nghe. Vấn đề tệ hại hơn nữa là hệ thống phủ quyết (veto) hiện thời đã mở cửa cho sự giật dây của các siêu cường. Đó là các khiếm khuyết trầm trọng.

Đối với vấn đề các cá nhân không có tiếng nói, ở đây chúng ta có thể quán xét vài điều cấp tiến hơn. Cũng như các nền dân chủ được đảm bảo bằng ba cột trụ độc lập của tư pháp, hành pháp, và lập pháp; do đó chúng ta cần có một cơ chế độc lập thật sự ở trình độ quốc tế. Nhưng có thể Liên Hiệp quốc không hoàn toàn thích hợp với vai trò đó. Tôi từng theo dõi các cuộc hội thảo quốc tế, như là hội nghị thượng đỉnh Địa cầu ở Ba tây, trong đó các cá nhân đại diện cho quốc gia của họ không sao tránh khỏi việc đặt quyền lợi quốc gia trước hết, cho dù thực tế của vấn đề đưa ra vượt khỏi hẳn mọi biên cương. Đảo lại, khi người tham dự đại hội quốc tế chỉ là các cá nhân – ở đây tôi nghĩ đến các nhóm như Hội Y sĩ Quốc tế, Hội Phòng ngừa Chiến tranh Hạt nhân, hoặc các đề xướng chống mậu dịch võ khí của Hội Nhân vật Giải Nobel Hòa bình, mà tôi là thành viên – sẽ có sự quan tâm lớn lao hơn dành cho riêng nhân quyền. Tinh thần của họ sẽ thuần túy quốc tế và cởi mở hơn nhiều. Điều này khiến tôi nghĩ, rất hữu ích nếu tạo dựng một cơ chế có nhiệm vụ chính là phát động các vấn đề nhân bản trên phối cảnh về luân lý, một tổ chức có thể mệnh danh là Hội đồng Cố vấn Thế giới (chắc chắn sẽ tìm ra một danh xưng hay hơn). Đây sẽ là một nhóm các cá nhân đến từ các bối cảnh khác nhau. Các nghệ sĩ, quản trị ngân hàng, môi sinh gia, luật sư, thi sĩ, học giả, nhà tư tưởng tôn giáo, và nhà văn, cũng như các nam nữ công dân nổi tiếng qua sự liêm khiết và tận tụy cùng các giá trị luân lý và nhân bản nền tảng. Cơ chế đó không hề bị các thế lực chính trị đầu tư, nhờ vậy công bố của nó sẽ không thiên lệch. Nhưng do phẩm chất độc lập của nó – không có ràng buộc cùng một quốc gia hoặc một nhóm quốc gia nào, và không có lý tưởng – cho nên các thảo luận sẽ tiêu biểu được lương tâm của thế giới. Nhờ đó họ có được thẩm quyền về đạo đức.

Dĩ nhiên, sẽ có rất nhiều người chỉ trích đề nghị này, cùng với điều tôi đã nói về việc giải thể quân sự, giải giới, và tái lập Liên Hiệp quốc, đặt trên nền tảng là thiếu thực tế, hay chỉ là quá đơn giản. Hoặc họ sẽ bảo rằng không thể áp dụng cho "thế giới thật." Nhưng trong khi người ta thường hài lòng chỉ nội việc chỉ trích và chê trách người khác về điều gì sai trái, đương nhiên ít ra chúng ta cũng nên đưa ra các ý kiến xây dựng. Một điều có thể đoan quyết. Đó là khả năng thật sự ban phát tình thương cho loài người, công bằng, hòa bình, tự do, tạo dựng một thế giới tốt đẹp và từ ái hơn. Khả năng ở đây. Nếu, qua sự giúp đỡ của giáo dục và sự sử dụng đúng đắn truyền thông, chúng ta có thể phối hợp vài đề xướng trên đây cùng với sự áp dụng các nguyên tắc luân lý, và sẽ có trong tầm tay một thứ môi trường thích hợp, trong đó việc giải giới và giải thể quân đội trở nên không còn gì để tranh biện. Trên căn bản đó, chúng ta sẽ có thể tạo điều kiện cho một nền hòa bình thế giới trường tồn.

Chương 15
VAI TRÒ TÔN GIÁO TRONG XÃ HỘI TÂN TIẾN [^]

Một sự kiện đáng buồn trong lịch sử nhân loại là tôn giáo từng làm một nguồn chính cho các cuộc xung đột. Ngay ở hiện đại, còn có các cá nhân thương vong, các cộng đồng hủy diệt, các xã hội bất ổn như kết quả của cuồng tín và cừu hận đến từ tôn giáo. Chẳng trách sao có những câu hỏi đặt ra về vị trí của tôn giáo trong xã hội loài người. Tuy nhiên nếu suy nghĩ tận tường, chúng ta thấy xung đột nhân danh tôn giáo trổi dậy từ hai nguồn chính. Một chỉ là kết quả của sự đa nguyên tôn giáo – các khác biệt chủ thuyết, văn hóa và nghi thức giữa tôn giáo này và khác. Rồi có xung đột trổi dậy trong khuôn khổ của chính trị, kinh tế, và các yếu tố khác, chủ yếu ở trình độ cơ chế. Sự hòa hợp liên tôn giáo là then chốt vượt qua xung đột loại đầu tiên. Trong trường hợp loại thứ nhì, cần tìm ra vài giải pháp. Thế tục hóa và đặc biệt là sự tách lìa hệ thống tôn giáo khỏi các cơ chế của quốc gia có thể làm giảm bớt vấn đề cơ chế. Tuy vậy, vấn đề quan tâm của chúng ta trong chương này là sự hòa hợp liên tôn giáo.

Đây là một diện rất hệ trọng trong điều mà tôi gọi là trách nhiệm toàn cầu. Nhưng trước khi quán sát vấn đề vào chi tiết, tưởng cần nên xét qua câu hỏi tôn giáo có thích đáng thật sự trong thế giới hiện đại chăng. Nhiều người lập luận phủ bác. Như tôi đã từng quán sát trước đây, đức tin tôn giáo không phải là điều kiện tiên quyết của thái độ luân lý hoặc của chính hạnh phúc. Tôi cũng đã đề nghị, dù một người có thật hành tôn giáo hay không, các phẩm tánh tâm linh như tình thương và tâm từ bi, nhẫn nại, bao dung, tha thứ, khiêm cung, vân vân đều cần thiết. Đồng thời, tôi phải làm sáng tỏ điều tôi tin tưởng, đó là tất cả các thứ trên sẽ được phát huy dễ dàng và hữu hiệu nhất trong khuôn khổ của thật hành tôn giáo. Tôi cũng tin rằng, khi một cá nhân thành tín thật hành tôn giáo, cá nhân đó sẽ hưởng lợi lạc rất lớn. Những người triển khai được một niềm tin vững chắc, đặt nền tảng trên sự hiểu biết và cội rễ trong thật hành hàng ngày, thường dễ đối phó cùng nghịch cảnh hơn những người không có. Do đó, tôi cũng đoan quyết rằng, tôn giáo có khả năng khôn lường trong việc tạo lợi lạc cho nhân loại. Biết sử dụng đúng đắn, đó là một thứ công cụ hữu hiệu tuyệt vời trong việc xây dựng hạnh phúc nhân sinh. Đặc biệt, tôn giáo giữ một vai trò dẫn đạo trong việc khuyến tấn loài người phát huy một cảm thức trách nhiệm đối với tha nhân và một nhu cầu cần giới luật theo đạo lý.

Do đó, trên các nền tảng này, tôi tin rằng tôn giáo vẫn còn rất thích đáng cho thời đại mới. Nhưng cũng nên quán xét điều này: vài năm trước đây, thân xác của một người Thời Đồ Đá được khám phá trong băng thạch ở đỉnh núi Alps tại Âu châu. Mặc dù đã hơn năm ngàn năm, thân xác đó vẫn còn được giữ nguyên trạng. Ngay cả áo quần vẫn còn khá nguyên vẹn. Tôi còn nhớ đã từng nghĩ đến việc nếu có thể hồi sanh cho người đó trở về đời sống ngày nay, chúng ta sẽ biết được có bao nhiêu điểm tương đồng cùng ông. Chắc hẳn chúng ta sẽ thấy rằng ông cũng quan tâm đến gia đình và các người thân thuộc, đến sức khỏe của ông, và vân vân. Bất kể khác biệt về văn hóa và diễn đạt, chúng ta vẫn còn có thể nhận diện nhau qua trình độ cảm xúc. Có thể sẽ không có lý do gì để giả định rằng ông ấy ít quan tâm đến việc tìm hạnh phúc và tránh đau khổ bằng chúng ta. Nếu tôn giáo, với sự nhấn mạnh về việc tìm hạnh phúc và tránh đau khổ qua việc thật hành giới luật luân lý và vun bồi tình thương và từ bi, có thể được cảm nhận thích đáng trong quá khứ, thật khó thấy tại sao lại không còn tương tự trong hiện tại. Cho rằng trong quá khứ giá trị của tôn giáo có thể hiển nhiên hơn vì đau khổ của loài người rõ rệt hơn do thiếu thốn các tiện nghi tân tiến. Nhưng bởi vì loài người chúng ta vẫn còn đau khổ, dù rằng ngày nay kinh nghiệm đó nằm trong nội tại nhiều hơn, như tinh thần và cảm xúc phiền nhiễu; và bởi vì tôn giáo ngoài các tuyên ngôn về chân lý cứu độ, còn quan tâm đến việc giúp chúng ta vượt qua đau khổ, cho nên chắc chắn vẫn còn rất thích nghi.

Như thế làm cách nào chúng ta có thể đem đến sự hòa hợp thiết yếu để vượt qua mọi xung đột giữa các tôn giáo? Như trong trường hợp các cá nhân dấn thân vào kỷ luật giới chế các phản ứng trước ý niệm và cảm xúc tiêu cực và vun bồi các phẩm tánh tâm linh, then chốt nằm ở việc phát huy tri thức. Trước tiên cần phải nhận diện các yếu tố ngăn trở. Tiếp theo phải tìm cách vượt qua chúng.

Có thể loại ngăn trở đáng kể nhất cho hòa hợp liên tôn chính là thiếu sự thẩm định giá trị của các truyền thống tín ngưỡng khác. Cho đến gần đây, sự truyền đạt giữa các nền văn hóa khác nhau, ngay cả các cộng đồng khác nhau, rất chậm chạp hoặc có khi không có. Vì lý do đó, thiện cảm dành cho truyền thống tín ngưỡng khác không cần thiết phải hệ trọng – dĩ nhiên ngoại trừ nơi nào các thành viên của nhiều tôn giáo khác nhau cùng chung sống cận kề. Nhưng thái độ đó không còn tồn tại được. Trong thế giới hiện đại ngày càng phức tạp và tùy thuộc vào nhau, chúng ta bắt buộc phải nhìn nhận sự hiện hữu của các nền văn hóa khác, các nhóm nhân chủng khác, và, dĩ nhiên, các niềm tin tôn giáo khác. Dù thích hay không, đa số chúng ta đang kinh nghiệm sự đa dạng đó trên căn bản mỗi ngày.

Tôi tin rằng cách tốt nhất để vượt khỏi vô minh và đạt được tri thức chính là đối thoại cùng các thành phần của truyền thống tín ngưỡng khác. Điều này có thể diễn tiến bằng nhiều phương cách khác nhau. Thảo luận giữa các học giả trong đó sự đồng quy, và có thể còn quan trọng hơn, sự dị phân giữa các truyền thống tín ngưỡng khác nhau được khảo sát và thẩm định, đó là điều rất giá trị. Ở một trình độ khác, rất hữu ích khi có các cuộc hội ngộ giữa các tín đồ bình thường phụng hành các tôn giáo khác biệt, hầu chia sẻ kinh nghiệm của mình. Đó là phương cách hữu hiệu nhất để có thể thẩm định được các thuyết giảng của truyền thống khác. Trường hợp của tôi, sự hội ngộ của chính tôi cùng cố linh mục Thomas Merton, vị tu sĩ Ki-tô giáo thuộc dòng Cistercian, đã tạo linh cảm sâu đậm. Các cuộc thảo luận đã giúp tôi triển khai được một sự ngưỡng phục sâu xa đến các thuyết giảng của Thiên Chúa giáo. Tôi còn cảm nhận rằng các cuộc gặp gỡ đôi khi cùng quý lãnh đạo tôn giáo khác, tụ họp cầu nguyện chung cho một chánh nghĩa chung, quả vô cùng hữu ích. Sự tập hợp tại Assisi ở Ý đại lợi vào năm 1986, khi đại biểu các tôn giáo chính trên thế giới cùng đến cầu nguyện cho hòa bình thật lợi lạc vô lượng cho các tín đồ của rất nhiều tôn giáo, như là biểu tượng của sự đoàn kết và một sự tận hiến cho nền hòa bình của tất cả.

Cuối cùng, tôi cảm thấy sự thật hành của các thành viên theo các truyền thống tôn giáo khác nhau cùng đi hành hương chung có thể rất hữu ích. Trong tinh thần đó, năm 1993, tôi đi Lourdes, rồi đến Jerusalem, thánh địa của ba tôn giáo lớn trên thế giới. Tôi cũng đã viếng thăm các đền điện khác nhau của Ấn giáo, Hồi giáo, đạo Jain, và đạo Sikh ở cả Ấn độ lẫn nước ngoài. Gần đây, nhân một cuộc hội thảo nhằm luận bàn và thật hành thiền định theo truyền thống Thiên Chúa giáo và Phật giáo, tôi có tham dự một cuộc hành hương lịch sử của các hành giả thuộc cả hai truyền thống, trong một chương trình cầu nguyện, thiền định, và thoại luận dưới gốc Bồ đề tại Bồ đề Đạo tràng ở Ấn độ. Đó là một trong số các thánh địa quan trọng nhất của Phật giáo.

Khi các trao đổi như thế diễn ra, tín đồ của một truyền thống sẽ thấy rằng, cũng như trong trường hợp của chính mình, giáo lý của các tín ngưỡng khác vừa là nguồn cảm hứng tâm linh vừa là hướng dẫn đạo lý cho các tín đồ. Rõ rệt hơn nữa, bất kỳ chủ thuyết hoặc các thứ khác biệt ra sao, mọi tôn giáo chính trên thế giới đều quan tâm đến việc giúp đỡ cá nhân trở thành người tốt. Tất cả đều nhấn mạnh đến tình thương và từ bi, nhẫn nại, bao dung, tha thứ, khiêm cung, vân vân, và đều có thể giúp cá nhân phát huy các điều đó. Hơn nữa, thí dụ do các vị sáng lập mỗi tôn giáo chính đưa ra đều minh chứng cụ thể một mối quan ngại trong việc giúp tha nhân tìm hạnh phúc qua sự triển khai các phẩm tánh trên. Ngay trong đời sống riêng của chính chư vị, mỗi vị đều hành xử bằng sự chân phương cao cả. Các giới luật đạo lý và tình thương dành cho tất cả mọi người là ấn dấu của đời chư vị. Họ không sống xa hoa như vua chúa. Thay vì vậy, họ tự nguyện chấp nhận sự đau khổ – không hề xét đến các nặng nề khổ nhọc – hầu tạo lợi lạc cho nhân loại như là một toàn thể. Trong sự giáo huấn của chư vị, tất cả đều nhấn mạnh đến sự phát huy tình thương và tâm từ bi, và phủ nhận các ham muốn ích kỷ. Và mỗi một vị đều kêu gọi chúng ta phải chuyển hóa tâm trí của mình. Thật thế, dù có đức tin hay không, tất cả chư vị đều xứng đáng được chúng ta tán thán ngưỡng phục sâu xa.

Đồng thời, khi đi sâu vào những thoại luận cùng tín đồ các tôn giáo khác, chúng ta dĩ nhiên cần phải hoàn tất trong đời sống hàng ngày giáo lý của chính tôn giáo mình. Một khi ta kinh nghiệm về lợi lạc của tình thương và tâm từ bi, của giới luật đạo lý, chúng ta sẽ dễ nhận ra giá trị của các giáo lý khác. Nhưng cốt yếu phải nhận ra thật hành tôn giáo đòi hỏi nhiều thứ chứ không phải chỉ nói, "Tôi tin cậy" hoặc, như trong Phật giáo, "Tôi quy y" là đủ. Cũng nhiều hơn là phải đi lễ chùa, đền điện, hoặc giáo đường. Và học giáo lý không có lợi là bao nếu không đi sâu vào trong tâm mà chỉ ở trình độ trí thức. Chỉ dựa cậy vào đức tin mà thiếu tri kiến và trọn vẹn thật hành, cũng chỉ đạt đến giá trị hạn chế. Tôi thường bảo các người Tây tạng rằng, đeo chuỗi <I>mada <D>(giống như tràng hạt) không làm cho người ta trở thành một hành giả thực thụ. Các nỗ lực chúng ta chân thành thực hiện hầu chuyển hóa tâm linh là điều sẽ giúp ta trở nên hành giả thực thụ.

Chúng ta sẽ thấy tầm quan trọng vượt trội của sự thật hành khi nhận thức rằng, theo cùng với vô minh, các liên hệ kém lành mạnh của cá nhân trong niềm tin của họ chính là một yếu tố khác gây sự bất hòa tôn giáo. Thay vì áp dụng các sự giảng dạy trong tôn giáo vào đời sống cá nhân, chúng ta lại có xu hướng dùng chúng để tăng cường thêm thái độ quy ngã của mình. Chúng ta liên hệ cùng tôn giáo như một thứ gì ta sở hữu, hoặc một thứ nhãn hiệu nào đó chia cách ta cùng người khác. Chắc chắn đó là điều lạc lối. Thay vì dùng tinh hoa của tôn giáo hầu tẩy gột các thứ độc chất trong tâm và trí, lại có nguy cơ khi ta nghĩ đến việc dùng các chất tiêu cực làm nhiễm độc tinh hoa của tôn giáo.

Chúng ta lại phải nhìn nhận điều này còn phản ánh một vấn đề khác, hàm súc trong mọi tôn giáo. Tôi muốn viện dẫn đến lời tuyên ngôn của tất cả tôn giáo như là "chân lý" duy nhất. Làm sao giải quyết khó khăn này? Quả thật trên quan điểm cá nhân của tín đồ, chủ yếu là cần phải hướng nhất tâm vào tín ngưỡng của mình. Ngoài ra còn cần tùy thuộc vào sự xác tín sâu xa rằng con đường của mình là phương tiện duy nhất đưa đến chân lý. Nhưng đồng lúc, chúng ta phải tìm cách để kết hợp đức tin đó vào một hiện thực với rất nhiều tuyên ngôn tương tự nhau. Trên diện thật hành, cá nhân hành giả phải tìm ra một lối, ít nhất chấp nhận sự hữu hiệu của giáo lý các tôn giáo khác, đồng thời vẫn giữ được tâm tận hiến cho đạo của mình. Còn về hiệu lực của tuyên ngôn về chân lý của thế giới, vốn có tánh cách siêu hình, đương nhiên đó là vấn đề nội bộ của truyền thống đặc thù đó.

Trong trường hợp của tôi, tôi tin tưởng là Phật giáo cung ứng cho tôi một khuôn khổ hữu hiệu nhất, trong đó tôi có thể đặt hết mọi nỗ lực hầu phát huy được tâm linh qua việc vun bồi tình thương và tâm từ bi. Đồng thời, tôi phải nhìn nhận trong khi Phật giáo là đạo siêu diệu nhất đối với tôi – phù hợp với cá tánh, khí chất, khuynh hướng, và bối cảnh văn hóa của tôi – thì điều này cũng đúng cho Thiên Chúa giáo đối với tín đồ. Đối với họ, Thiên Chúa giáo là con đường tốt nhất. Căn bản của tôi là sự xác tín, tuy vậy, tôi vẫn không thể nói, Phật giáo là tốt nhất cho tất cả mọi người.

Đôi khi tôi nghĩ về tôn giáo như là một y khoa cho tinh thần của loài người. Cách sử dụng của nó vốn độc lập, và thích hợp cho từng cá nhân trong các điều kiện riêng, vì vậy chúng ta không thể phán đoán thật sự mức hữu hiệu của một loại thuốc. Chúng ta không đúng khi bảo, thuốc này rất tốt vì có các chất liệu thế này thế kia. Nếu không đặt liên hệ tương xứng giữa bệnh nhân và ảnh hưởng của thuốc trên người đó, thì thật vô nghĩa. Điều thích đáng nhất là nói, trong trường hợp bệnh nhân cá biệt này với chứng bệnh đặc biệt này, loại thuốc đó hữu hiệu nhất. Tương tự, đối với các truyền thống tôn giáo khác nhau, chúng ta chỉ có thể nói loại này là hữu hiệu nhất cho cá nhân đặc biệt nào đó. Nhưng lý luận trên căn bản của siêu hình học hoặc triết học rằng tôn giáo này tốt hơn tôn giáo nọ, là điều vô ích. Điều quan trọng chắc chắn là sự hữu hiệu của nó cho các trường hợp cá biệt.   Cách giải quyết của tôi về sự kiện có vẻ mâu thuẫn giữa tuyên ngôn của các tôn giáo về "một chân lý và một tôn giáo" và hiện thực đa tín ngưỡng, chính là cần hiểu rõ, cho mỗi trường hợp của một cá nhân quả thật chỉ có một chân lý và một tôn giáo. Tuy nhiên, trong phối cảnh bao quát của xã hội loài người, chúng ta phải chấp nhận khái niệm "nhiều chân lý, nhiều tôn giáo." Tương tự, trong y khoa, trường hợp của một bệnh nhân cá biệt, món thuốc thích hợp quả là món thuốc duy nhất. Nhưng rõ ràng điều đó không có nghĩa là các món thuốc khác không thích hợp cho các bệnh nhân khác.

Theo tôi thiết nghĩ, sự đa dạng trong các truyền thống tôn giáo quả vô cùng phong phú. Do đó, không cần phải tìm cách để nói lên rằng cuối cùng thì tất cả tôn giáo đều như nhau. Chúng tương đồng trong sự nhấn mạnh tối yếu về tình thương và tâm từ bi trong khuôn khổ giới luật đạo lý. Nhưng nói thế không có nghĩa cho rằng chúng nhất thiết phải là một. Tri kiến khác biệt nhau về sáng thế và vô khởi thủy giữa Phật giáo, Thiên Chúa giáo và Ấn độ giáo, chẳng hạn, có nghĩa là cuối cùng khi đến các vấn đề siêu hình, chúng ta cứ tự thật hành riêng lẻ, mặc dù có nhiều điểm tương đồng không thể phủ nhận. Các mâu thuẫn đó có thể không quan trọng lắm trong giai đoạn khởi đầu thật hành tôn giáo. Như khi đi xa trên con đường truyền thống đạo, chúng ta bắt buộc phải nhìn nhận các dị biệt nền tảng. Thí dụ, khái niệm tái sanh của Phật giáo và các truyền thống cổ điển Ấn độ có thể không tương hợp cùng ý niệm cứu rỗi của Thiên Chúa giáo. Tuy nhiên, điều này không phải là một cái cớ để kinh khiếp. Ngay cả trong Phật giáo, trong lãnh vực siêu hình có rất nhiều quan điểm đối chọi nhau. Ít ra, sự đa dạng đó có nghĩa là chúng ta có nhiều khuôn khổ hầu đặt vào đó giới luật đạo lý và sự phát huy các giá trị tâm linh. Đó là lý do khiến tôi không hề đề thuyết về một tôn giáo siêu việt hoặc mới mẻ nào cả. Làm điều đó, chúng ta sẽ đánh mất đặc tánh của các truyền thống tín ngưỡng đa dạng.

Vài người cho là khái niệm Phật giáo về hunyata, hoặc không tánh, tối thượng sẽ giống như là tri kiến về khái niệm Thượng đế. Tuy vậy, sự kiện đó vẫn còn khó khăn. Thứ nhất là trong khi chúng ta có thể diễn dịch các khái niệm đó, đến tầm mức nào thì vẫn có thể giữ được sự trung thành cùng kinh pháp nguyên thủy? Có một số tương đồng giữa khái niệm Phật giáo Đại thừa về Dharmakaya, Sambogakaya, và Nirmanakya và Tam Thể trong Thiên Chúa giáo của Thượng đế như là Cha, Con và Thánh Thần. Nhưng nếu ngay trên căn bản đó, mà cho là Phật giáo và Thiên Chúa giáo tận cùng như nhau, thì quả là đi quá xa! Một câu cổ ngữ của Tây tạng nói, chúng ta phải thận trọng đừng cắm đầu bò rừng yak vào mình cừu – hoặc ngược lại.

Thay vì thế, điều thiết yếu là chúng ta phát huy được một ý nghĩa chân chánh về sự đa dạng của tôn giáo, mặc dù các tuyên ngôn khác biệt của các truyền thống tín ngưỡng. Điều này đặc biệt đúng nếu chúng ta thật nghiêm túc trong sự tôn trọng nhân quyền như một nguyên lý toàn cầu. Về diện này, tôi thấy khái niệm về một nghị hội các tôn giáo thế giới rất phấn khích. Trước tiên, chữ "nghị hội" mang một ý niệm dân chủ, trong khi "các tôn giáo" nhấn mạnh đến sự quan trọng của nguyên tắc đa dạng trong truyền thống tín ngưỡng. Phối cảnh đa nguyên trong tôn giáo thể hiện dưới hình thức một nghị hội, tôi tin là sẽ thật sự hữu ích. Nó giúp tránh được, một mặt là sự cực đoan quá khích từ lòng sùng tín tôn giáo riêng, mặt kia là sự hô hào một chủ nghĩa hỗn hợp vô ích.

Nối liền với vấn đề hòa hợp liên tôn này, phải nói đến sự kiện chuyển đạo. Đây là một vấn đề phải được quán chiếu thật nghiêm túc. Cần nhận thức rằng, không phải chỉ chuyển đạo là giúp cho cá nhân trở thành người tốt hơn, nghĩa là, giới luật hơn, từ bi hơn, trái tim ấm áp hơn. Do đó, lợi ích hơn nhiều là cá nhân đó cứ tập trung vào việc chuyển hóa tâm linh mình bằng cách thật hành giới luật, đức hạnh và từ bi. Trong khuôn khổ các tri kiến hoặc thật hành của tôn giáo khác lại hữu ích hoặc thích đáng cho tín ngưỡng của mình, sự học hỏi từ người khác rất có giá trị. Trong vài trường hợp, việc thọ nhận vài điều từ người khác còn có thể hiệu quả. Tuy nhiên, trong khi làm việc đó một cách sáng suốt, chúng ta vẫn có thể tiếp tục tận hiến cho đức tin của mình. Đây là cách tốt nhất, vì nó không mang theo nguy cơ của sự lẫn lộn, đặc biệt là trong cách sống khác nhau theo với các truyền thống tín ngưỡng khác nhau.

Đa dạng là điều tìm thấy trong xã hội loài người, đương nhiên có các trường hợp trong số hàng triệu tín đồ của một tôn giáo nào đó, một số người sẽ nhận thấy khuynh hướng phát huy đạo lý và tâm linh của một tôn giáo khác khiến mình mãn nguyện hơn. Đối với một số người này, khái niệm tái sanh và nghiệp lực có vẻ rất hữu hiệu cho cảm hứng phát huy tình thương và tâm từ bi trong khuôn khổ trách nhiệm. Đối với một số người khác, khái niệm siêu việt, một đấng sáng tạo yêu thương loài người, có vẻ thích hợp hơn. Trong các trường hợp như thế, điều hệ trọng đối với các cá nhân này là tự hỏi mình thật nhiều lần. Họ tự hỏi, "Tôi bị thu hút bởi tôn giáo khác đó có phải vì các lý do đúng không? Hay đó chỉ là sự hấp dẫn của các diện văn hóa và nghi thức? Hoặc chính bởi giáo lý cốt yếu? Giả thử như tôi chuyển sang tôn giáo mới, có ít sự đòi hỏi như tôn giáo hiện thời chăng?" Tôi nói lên điều này, vì tôi thường gặp nhiều trường hợp những người chuyển sang một tôn giáo khác truyền thống thừa hưởng của mình, thường khi chỉ vì họ chấp nhận một số khía cạnh phiến diện của nền văn hóa mà tôn giáo mới tùy thuộc vào. Nhưng sự thật hành đòi hỏi phải đi sâu vào trong tôn giáo nhiều hơn nữa.

Trong trường hợp một người sau khi đã quán chiếu thật lâu và chín chắn, quyết định tiếp thụ một tôn giáo khác, quan trọng nhất là phải nhớ đến sự đóng góp tích cực cho nhân loại của mỗi một truyền thống tôn giáo. Nguy cơ là cá nhân đó có thể, trong khi tìm cách biện minh cho quyết định của mình, lại chỉ trích niềm tin khi trước. Cốt yếu phải tránh điều này. Chỉ vì truyền thống không còn hữu hiệu cho trường hợp một cá nhân này không có nghĩa nó không còn ích lợi cho nhân loại. Trái lại, chúng ta có thể đoan chắc rằng nó đã từng tạo cảm hứng cho nhiều triệu người trong quá khứ, nhiều triệu người trong hiện tại, và sẽ gây cảm hứng cho nhiều triệu người trong tương lai, trên con đường của tình thương và tâm từ bi.

Điều quan trọng phải luôn ghi nhớ là cuối cùng thì cứu cánh trọn vẹn của tôn giáo chính là tạo điều kiện cho tình thương và lòng từ bi, nhẫn nại, khoan dung, tha thứ, khiêm hòa, vân vân. Nếu chúng ta lãng quên các điều đó, cho dù có chuyển đạo cũng chẳng ích chi. Cũng thế, nếu chúng ta là tín đồ sốt sắng với đức tin của mình, mà lại bỏ quên việc thể hiện các phẩm tánh đó trong đời sống hàng ngày, thì cũng không có gì lợi lạc. Một tín đồ như thế chẳng khác nào như một bệnh nhân mắc phải chứng bệnh trầm kha mà chỉ lo đọc cách chữa bệnh chứ không chịu uống thuốc trị liệu.

Hơn nữa, nếu các tín đồ tôn giáo chúng ta lại không có tâm từ bi và giới luật, thì làm sao ta có thể hy vọng nơi người khác? Nếu chúng ta xây dựng được một sự hòa hợp chân chánh đến từ sự tôn kính và hiểu biết lẫn nhau, tôn giáo sẽ trở thành một năng lực vĩ đại có thẩm quyền phát biểu trên các vấn đề đạo đức tử sanh, như hòa bình và giải giới, như xã hội và công lý chính trị, như môi trường thiên nhiên, và nhiều vấn đề hệ trọng khác ảnh hưởng đến toàn nhân loại. Nhưng nếu chưa tinh tấn đưa các giáo lý siêu hình vào thật hành, thì chúng ta cũng chẳng được xem như nghiêm túc. Và điều đó, cùng với các điều khác, có nghĩa là làm một tấm gương tốt, qua sự phát huy được liên hệ tốt với các truyền thống tín ngưỡng khác.

Chương 16
LỜI KÊU GỌI [^]

 Những điều đạo đạt trong các trang cuối cùng của quyển sách này nhắc nhở chúng ta đến sự vô thường của cuộc đời. Đời sống trôi qua thật quá nhanh và chẳng mấy chốc chúng ta sẽ đến những ngày tàn. Trong vòng chưa đầy năm mươi năm nữa, tôi, Tenzin Gyatso, tăng sĩ Phật giáo, sẽ chẳng còn gì hơn là một kỷ niệm. Thật vậy, khó tin được một người nào đọc các dòng chữ này sẽ còn sống sót sau một thế kỷ nữa. Thời gian qua không ngưng trệ. Khi chúng ta làm sai điều gì, không thể quay ngược chiều kim đồng hồ, và thử làm lại. Tất cả những gì ta có thể làm là hãy sử dụng hiện tại cho thật tốt. Được vậy, một khi giờ cuối cùng đã điểm, chúng ta có thể nhìn lại, và thấy rằng mình đã sống cuộc đời trọn vẹn, hữu ích và có ý nghĩa, điều đó ít ra có đôi chút an ủi. Bằng không, chúng ta có thể trở nên thật phiền não. Nhưng điều nào chúng ta sẽ kinh nghiệm đây còn tùy chính mình.

Cách tốt nhất để đảm bảo khi cận kề cái chết chúng ta sẽ không hối tiếc, là hãy đảm bảo trong phút giây hiện tại ta hành xử với trách nhiệm và với tâm từ bi cùng tha nhân. Thật vậy, đây là cho lợi ích cho chính ta hiện tại, chứ không phải chỉ lợi ích trong tương lai. Như chúng ta đã thấy, từ bi là một trong các điều chủ yếu khiến cuộc đời ta có ý nghĩa. Đó là suối nguồn của mọi thứ hạnh phúc và niềm vui lâu bền. Và đó là nền tảng của tâm thiện lành, tâm của một người hành xử từ ước vọng được giúp đỡ tha nhân. Qua lòng hảo tâm, qua sự thân ái, qua tánh liêm khiết, qua chân lý và công lý dành cho tất cả mọi người khác, chúng ta đảm bảo lấy lợi lạc của chính mình. Đó không phải là vấn đề lý thuyết hóa phức tạp. Đó là vấn đề của lẽ thường. Không thể phủ nhận sự quán xét về tha nhân rất hữu ích. Không thể phủ nhận hạnh phúc của chúng ta ràng buộc khó tháo gỡ cùng hạnh phúc của tha nhân. Không thể phủ nhận nếu xã hội đau khổ, chúng ta đau khổ. Cũng không thể phủ nhận khi tâm và trí ta càng bị phiền nhiễu bởi tà ý, thì ta càng khốn khổ. Do đó, chúng ta có thể ném bỏ hết tất cả các thứ khác: tôn giáo, lý tưởng, tất cả thứ trí tuệ thọ nhận. Nhưng chúng ta không thể tránh khỏi sự cần thiết của tình thương và tâm từ bi.

Điều đó, như thế, chính là tôn giáo thật sự của tôi, đức tin đơn thuần của tôi. Trong ý nghĩa đó, không còn cần đến chùa chiền hoặc giáo đường, điện thờ hay tòa thánh, cũng không cần các triết lý, giáo lý hoặc chủ thuyết phức tạp. Tự tâm ta, tự thức ta, chính là đền thờ. Chủ thuyết là từ bi. Tình thương đối với tha nhân và tôn kính đối với quyền lợi và phẩm cách của họ, cho dù họ là ai và làm gì: cuối cùng đó là tất cả những gì chúng ta cần. Khi thật hành các điều trên trong đời sống hàng ngày, rồi thì, bất kể ta thọ học hoặc vô học, bất kể ta tin nơi đức Phật hoặc Thượng đế, hoặc tin theo tôn giáo nào khác hoặc không tin theo gì cả, một khi ta có tâm từ bi cùng tha nhân và hành xử với sự giới chế phát xuất từ cảm thức trách nhiệm, không còn phải nghi ngờ nữa về hạnh phúc của chúng ta.

Nếu hạnh phúc chỉ giản dị như thế, tại sao ta lại cảm thấy quá khó khăn tìm kiếm? Không may, mặc dù đa số chúng ta nghĩ về mình như có tâm từ bi, ta lại quên đi các sự thật theo lẽ thường. Chúng ta buông lung trong việc điều phục các ý niệm và cảm xúc tiêu cực. Không giống như người nông dân phải theo mùa màng và không ngần ngại canh tác ruộng đất khi thời khắc đến, chúng ta đã lãng phí quá nhiều thời gian vào những việc vô ý nghĩa. Chúng ta cảm thấy tiếc nuối sâu xa trước các vấn đề tầm thường như mất tiền của, trong khi lại cứ ngăn mình làm các điều hệ trọng mà không chút cảm giác hối hận. Thay vì vui hưởng cơ hội có thể đóng góp vào an sinh của người khác, chúng ta chỉ biết đến các khoái lạc của mình bất cứ ở nơi nào. Chúng ta thu hẹp sự quán xét về tha nhân dựa vào nền tảng là quá bận rộn. Chúng ta chạy phải chạy trái, tính toán và điện thoại và suy nghĩ điều này lợi hơn điều kia. Chúng ta làm một việc nhưng lại lo lắng rằng nếu có việc gì khác đến tốt hơn ta sẽ làm ngay. Nhưng với mọi điều đó, ta chỉ mới dấn thân vào các trình độ thô thiển và ấu trĩ nhất của tâm hồn người. Hơn nữa, khi không chú ý đến nhu cầu của tha nhân, cuối cùng chúng ta không tránh khỏi gây hại cho họ. Chúng ta cho mình là rất khôn khéo, nhưng đã sử dụng các khả năng của mình như thế nào? Quá thường khi, chúng ta chỉ dùng chúng để lừa đảo người chung quanh, lạm dụng họ, và làm lợi cho ta bằng tổn phí của họ. Và khi việc không chạy, với đủ cách tự biện minh, chúng ta lại đổ lỗi cho người khác về các khó khăn của mình.

Thế nhưng mãn nguyện dài lâu không thể nào đến từ việc chiếm hữu các đối tượng. Dù có bao nhiêu bạn bè, họ cũng không thể khiến chúng ta hạnh phúc. Và sự buông lung theo dục lạc không gì khác hơn là một cửa vào đau khổ. Nó giống như mật dính dọc theo lưỡi sắc bén của cây kiếm. Dĩ nhiên, điều đó không phải muốn nói rằng chúng ta phải khinh miệt thân xác mình. Trái lại, chúng ta không thể nào giúp đỡ người khác nếu không có một thân thể. Nhưng chúng ta cần tránh các cực đoan có thể dẫn dắt đến tác hại.

Khi ta tập trung vào đời sống thế gian, điều cốt tủy sẽ bị ẩn khuất. Dĩ nhiên, nếu chúng ta có thể hạnh phúc thật sự khi làm thế, thì hoàn toàn hữu lý mà sống như vậy. Thế nhưng chúng ta lại không thể được vậy. Nếu tốt nhất, ta sẽ đi qua cuộc đời mà không bị lắm phiền nhiễu. Nhưng khi các khó khăn tấn công ta, như chúng vẫn phải làm, ta sẽ thiếu chuẩn bị. Chúng ta thấy mình không thể đối phó. Chúng ta sẽ thất vọng và mất hạnh phúc.

Do đó, với hai tay chấp lại, tôi kêu gọi cùng quý vị độc giả, hãy đảm bảo rằng quý vị sẽ khiến cho phần còn lại của đời mình càng có ý nghĩa càng tốt. Hãy làm điều đó bằng cách dấn thân vào việc thật hành tâm linh nếu quý vị có thể. Tôi hy vọng đã nói lên minh bạch rằng, không có gì bí mật trong việc đó cả. Nó không hàm chứa điều gì hơn là hành xử với sự quan tâm đến người khác. Và hãy phòng bị là khi thật hành quý vị phải rất chân thành và kiên trì, từng chút từng chút một, từng bước từng bước một, dần dà quý vị có thể chỉnh đốn lại thói quen và thái độ sao cho ít nghĩ đến các quan tâm hạn hẹp về bản thân, và nghĩ nhiều đến tha nhân hơn. Khi làm được vậy, quý vị sẽ thấy chính mình vui hưởng an bình và hạnh phúc hơn.

Hãy dứt lìa tật đố, buông bỏ tham dục muốn chiến thắng người khác. Thay vào đó, hãy mang lợi lạc đến cho họ. Với hảo tâm, với đảm lược, với tự tin khi làm điều đó, chắc chắn quý vị sẽ thành công, và đón tiếp người khác bằng nụ cười. Hãy thẳng thắn. Và đừng thiên vị. Đối xử với tất cả mọi người như họ là bạn thân. Tôi nói điều đó không phải như là Đạt lai Lạt ma hoặc một người nào có quyền lực hay khả năng đặc biệt. Tôi không có tất cả những thứ đó. Tôi chỉ nói như là một con người: một người, giống như quý vị, mong hạnh phúc và tránh đau khổ.

Nếu quý vị không thể, với bất cứ lý do nào, giúp đỡ cho người khác, ít nhất đừng làm hại họ. Hãy tự xem mình như một du khách. Hãy nghĩ đến thế giới như là được nhìn thấy từ trên không gian, thật nhỏ bé và vô nghĩa nhưng lại thật đẹp đẽ. Thật ra có điều lợi gì khi làm hại đến người khác trong khoảng thời gian ngắn ngủi ở tạm nơi đây? Chẳng phải tốt hơn, hay hợp lý hơn, là cứ thoải mái và tận hưởng một cách lặng lẽ, như chúng ta đang viếng thăm một vùng nào khác? Tuy nhiên, nếu trong khi đang vui hưởng thế giới, nếu có chút thời gian, hãy thử giúp đỡ cho dù bằng phương cách nào nhỏ nhặt nhất, những người bị áp bức và những người, vì bất cứ lý do nào đó, không thể hoặc không giúp được họ. Đừng quay mặt tránh những người có bề ngoài phiền não, những người rách rưới và ốm đau. Đừng bao giờ nghĩ về họ như là thấp hèn hơn mình. Nếu có thể, đừng bao giờ nghĩ về mình như là cao quý hơn một người hành khất khiêm nhường nhất. Quý vị cũng sẽ trông giống như họ khi nằm xuống đáy mộ.

Để kết thúc, tôi xin chia sẻ một thời kinh ngắn thường mang đến cho tôi nguồn linh cảm lớn lao trong việc đi tìm lợi lạc cho tha nhân:

Xin cho tôi được trở nên, bây giờ và mãi mãi
Một kẻ bảo vệ cho người không được bảo vệ
Một kẻ dẫn đường cho người lạc lối
Một con tàu cho người vượt đại dương
Một chiếc cầu cho người băng qua sông
Một điện đền cho người đang nguy hiểm
Một ngọn đèn cho người không ánh sáng
Một nơi trú ẩn cho người không chỗ ngụ
Một kẻ phục vụ cho tất cả những ai cần.


Các tin đã đăng: