Đạo đức - Tâm lý học
Tâm Lý Học Phật Giáo
Thích Chơn Thiện
29/10/2554 05:36 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng
Tâm Lý Học Phật Giáo
Mục lục

1. VỀ TÂM LÝ HỌC PHƯƠNG TÂY

1.1.Các định nghĩa:

Các dịnh nghĩa tâm lý học trước thế kỷ XX (tiêu biểu):

a.Wilhelm Wundt (1832 – 1920), người Đức:

Wundt là nhà sáng lập phòng thực nghiệm về tâm lý đầu tiên gọi là Psychological laboratory (1879), định nghĩa: “Tôi thiết nghĩ, tâm lý học phải là nghành nghiên cứu về kinh nghiệm của ý thức. Công việc của chúng ta là phân tích các cảm giác, các cảm thọ và các ý niệm, đi vào những phần căn bản (nền tảng) nhất của chúng, hệt như các nhà hóa học phân tích các vật chất phức tạp. Bằng cách đó, chúng ta sẽ đi đến hiểu biết bản chất của cái tâm của con người...” Nghành Tâm lý học này có tên gọi là “Tâm lý cấu trúc học” (Structuralist)

(Psychology, Robert A. Baron, Prentice Hall of India Private Limited, New Delhi – 110001, 1995, p.4)

b. William James (1842-1910), người Mỹ:

James là tác giả của một tập sách có ảnh hưởng trước đây gọi là tập “Các nguyên lý của Tâm lý học” (Principles of Psychology), định nghĩa: “Tôi không đồng ý – không đồng ý với định nghĩa của Wundt - Cái tâm thì không tỉnh tại. Nó luôn luôn thay đổi. Cái tâm còn hữu dụng nữa – có lẽ nó là cái hữu dụng nhất mà chúng ta có được. Như thế, công việc chính của chúng ta dành cho Tâm lý học phải là công việc hiểu rõ cái Tâm vận hành trong đời sống hằng ngày. Như thế nào để bản chất Tâm lý cơ bản của chúng ta giúp chúng ta thích nghi với cái thế giới phức tạp và vô thường này? Để hiểu rõ cái Tâm con người, chúng ta phải nghiên cứu cái Tâm vận hành như thế nào, sự nhận ra rõ ràng các phần căn bản của tâm, hay các phần tố của tâm, là có ý nghĩa, nhưng nó cung ứng chỉ một phần của sự miêu tả tổng thể”. Nghành tâm lý học này gọi là “Tâm lý vận hành”.

(Ibid, p.4)

c. John B. Watson, người Mỹ (1878-1958):

Watson là nhà sáng lập về một phương pháp chế ngự nghành Tâm lý học mãi cho đến thế kỷ XX (suốt thế kỷ XX), định nghĩa: “Cả hai anh (chỉ Wundt và James) đều nghệt. Chúng ta không thể biết được (thấy được, hiểu được) cái tâm, cũng không thể thấy biết “cảm nghiệm của ý thức”. Những gì chúng ta có thể quan sát là cách ứng xử công khai (bên ngoài). Chúng ta không thể ghi lại một cách chính xác về những gì đang tiếp diễn trong tâm – dù là những gì. Như thế, ý tưởng xử dụng nội quan như là một phương pháp nghiên cứu để xây dựng lên cái khoa học mới mẻ của chúng ta quả là buồn cười. Sự ứng xử biểu lộ bên ngoài là điều duy nhất mà chúng ta có thể khảo sát (quan sát) hay trắc đạc một cách khoa học, nên sự ứng xử công khai (tánh hạnh) phải là quy điểm của Tâm lý học”. Nghành Tâm lý mà ông đưa ra gọi là “Tâm lý ứng xử” hay còn gọi là “nghĩa cử học”, “tánh hạnh học” (Behaviorism).(Ibid, p.4)

Các định nghĩa về tâm lý học của thập niên cuối thế kỷ XX:

Từ ba định nghĩa vừa được giới thiệu ở trên, Wundt thực sự là đại biểu của các nhà “Cấu trúc học”, James là đại biểu của các nhà “Chức năng học”, còn Watson là đại biểu của các nhà “Tánh hạnh học” (hay ứng xử học). Các nhà Tâm lý học của thập niên cuối của thế kỷ XX phần lớn tin tưởng vào nghành “Tánh hạnh học” (Behaviorism) – phần ít hơn của các nhà Tâm lý học thì chủ trương nghành tâm lý nhân bản (Humanism) – Tuy nhiên các nhà tâm lý ấy cũng nhận thức rằng “Tánh hạnh học” không phải là điều quan tâm duy nhất của họ, họ còn quan tâm về sự nghiên cứu tâm lý ở nhiều khía cạnh (hay phương diện) khác nữa, như về Nhận thức, về Sinh lý, về Xã hội – Văn hóa, và về Động lực tâm lý học (Cognitive, Physiologycal, Sociocultural, Psychodynamic perspectives).

a. Về khía cạnh nhận thức (hiểu biết):

Như khi giới thiệu một sinh viên chuyển trường hay tiếp tục theo học ở cấp học cao hơn tại trường khác, Viện trưởng, đại diện Viện trưởng, hay một giáo sư, cần theo dõi, quan sát sinh viên ấy để cung cấp một số thông tin về khả năng nhận thức, khả năng ghi nhớ, tiếp thu, khả năng học vấn (thông minh, giỏi...), về sự hiếu học, cần mẫn, v.v... của sinh viên ấy. Đây là sự để ý (lưu ý) về các tiến trình nhận thức (hiểu biết).

b. Về khía cạnh sinh lý:

Khi một người suy tư, nghe nhạc, đói bụng, khát nước hay giận hờn, giận dữ, có cái gì xảy đến với cơ thể của người ấy? Cái gì xảy đến khi người ấy mơ mộng, âu sầu, ham muốn dục tình hay muốn đọc cuốn sách hay?

Thực sự hẳn là có “một cái gì ấy” xuất hiện trong các trường hợp vừa nêu. Là con người đang sống, trong các cảm thọ của mình, luôn có các sự kiện sinh lý đi kèm theo ở một mức độ nào đó. Hoạt động của não bộ, hệ thần kinh, sự giải phóng các hormores, các năng lượng, nhiệt lượng trong cơ thể luôn luôn nối kết với những gì mà con người cảm thọ, tư duy, nói năng, v.v... Hiểu biết các sự kiện về sinh vật học cũng là một phần tố nghiên cứu của Ngành tâm lý học.
c. Về khía cạnh Văn hoá – Xã hội:

Về khía cạnh này, Robert A. Baron nêu ra một trường hợp biểu trưng để nhận rõ, đại để:

Quan sát hai nhà ngoại giao đang đàm phán về một thoả thiệp về thương mãi: một là người Mỹ, và một là người Nhật. Nhà đàm phán Mỹ đưa ra một số đề nghị. Nhà đàm phán Nhật chỉ mỉm cười mà không đáp lại một lời đáp cụ thể nào. Nhà đám phán Mỹ nhắc lại, nhưng nhà đám phán Nhật cũng chỉ mỉm cười. Điều nầy khiến nhà đàm phán Mỹ trở nên giận dữ và phá vở cuộc đàm phán.

Thái độ biểu hiện khác nhau của hai nhà đàm phán ấy có sự liên hệ đến hai nền văn hoá (Culture) khác nhau. Mỗi nền văn hoá, giáo dục thường chỉ dẫn cho con người của nền văn hoá ấy cách xử sự (ứng xử) riêng biệt: người Mỹ thì chấp nhận cách nói thẳng thắn: chấp nhận hoặc chối từ (không có gì sai khi chối từ đề nghị của người khác); nhưng người Nhật thì quan niệm nên cần thời gian để tìm hiểu ý muốn của hai bên trước khi đi vào giải quyết vấn đề, nếu nói thẳng lời chối từ là không lịch sự, không phải cách tốt. Điều này nói lên rằng các hệ thống văn hóa, xã hội có ảnh hưởng rất mạnh đến nhận thức, cảm nhận hay ứng xử của các cá nhân. Vì vậy, để hiểu rõ cách ứng xử (tánh hạnh), nhiều khía cạnh ứng xử, chúng ta cần tìm hiểu các yếu tố văn hoá, xã hội.

d. Về động lực tâm lý (Psychodynamic Perspective)

· Do nhiều nhà tâm lý học chủ trương, không do một nhà sáng lập.

· Quan sát, phân tích các giấc mơ và mối liên hệ giữa mơ và tâm lý hàng ngày. (Mộng làm sao chiêm bao vậy!)

· Quan sát các hiện tượng:

- Tâm lý rối loạn (Psychological disorder)

- Tâm bệnh (Metal illness)

à Do các động lực bên trong và bên ngoài tác động (Forces; Urges; Tendencies).

· Chấp nhận Behaviorism, nhưng cần bổ sung thêm nhiều phương diện tâm lý (nghiên cứu).

· Chấp nhận vô thức (tiềm thức) do Freud khởi xướng, nhưng không chấp nhận lý thuyết Nhân tính của ông ta.

1.2.Nét đặc trưng của Tâm lý học phương Tây:

Từ các phần vừa trưng dẫn, Tâm lý học phương Tây nổi bật một số nét tiêu biểu như sau:
- Dựa vào thông tin của các giác quan giới hạn và thiếu chính xác của con người.

- Dựa vào quan sát và khả năng quan sát của người quan sát.

- Dựa vào sự phân tích và tổng hợp và tổng hợp của tư duy ngã tính.

- Dựa vào các phương pháp nghiên cứu và kỷ thuật khoa học về sự ghi nhận và trắc đạc.
- Mục tiêu tìm hiểu tâm lý cá nhân (riêng lẻ, đại chúng và quần chúng) là thực dụng để đáp ứng các yêu cầu về lợi ích kinh tế, ngoại giao, xã hội, các yêu cầu lợi ích cá nhân.

- Dựa vào kết quả nghiên cứu gián tiếp về các nhân duyên (lãnh vực) liên hệ đến các biểu hiện của tâm lý cá nhân.

Tất cả điểm dựa ấy của nghành Tâm lý học sẽ không bao giờ có thể giúp con người thấy đúng và rõ sự thật của tâm lý mình và tâm lý người khác, và sẽ không bao giờ có thể nói lên sự thật của hạnh phúc, con người và cuộc đời. Đây là lý do mà nghành tâm lý học tiếp tục cuộc hành trình vô định của nó (nếu không như vậy thì đã chấm dứt, ngừng lại, công tác tìm hiểu, nghiên cứu tâm lý con người).

2. Về Tâm lý học Phật giáo:

Từ thời kiết tập Kinh, Luật, Luận thứ ba, dưới triều đại đế Asoka (thế kỷ thứ III trước Tây lịch) cho đến thế kỷ thứ IV sau Tây lịch (và cả cho đến nay), có ba hệ thống Tâm lý học Phật giáo xuất hiện:

- Cu Xá Luận (thuộc Nhất Thiết Hữu Bộ – Sarvastivada)

- Duy Thức luận (thuộc Phật giáo phát triển – Mahayana)

- Abhidhamma (thuộc Thượng Tọa Bộ – Theravada).

Cả ba hệ thống này đều xây dựng từ hệ thống kinh tạng, từ sự chứng ngộ giải thoát tận cùng của Đức Phật. Đây là dòng tâm linh thực nghiệm vừa xử dụng phương pháp phân tích, vừa dựa vào “tâm chứng” của chư Phật, chư Tổ, vừa để thích ứng với thời đại phát triển triết học, văn học hầu để giới thiệu con đường huấn luyện tâm lý dần đến chân lý và hạnh phúc của Phật giáo: Con đường Thiền định (hay Giới – Định – Tuệ).

Bài viết này chỉ giới thiệu hệ Tâm Lý Abhidhamma.

Về Abhidhamma, cụ thể phần giới thiệu ở đây là tập: Abhidhammatthasangaha (Thắng Pháp Tập Yếu Luận).

Như lời giới thiệu tổng quát của Hoà thượng Viện trưởng HVPGVN, tại TP. HCM, lời nói đầu của tập Thắng Pháp Tập Yếu Luận, tạng Abhidhamma là công trình hệ thống lại những gì đức Phật đã dạy cho nhiều người, tại nhiều nơi, về nhiều vấn đề liên hệ đến Sắc pháp (thế giới vật lý) và tâm pháp (thế giới tâm lý), về các cảnh giới (Dục giới, Sắc giới, Vô sắc giới, Siêu thế giới), về các ác tâm, hại tâm, sân tâm, tham tâm, si tâm, tuệ tâm, giải thoát tâm, về nhân quả nghiệp báo, về sự tái sanh, luân hồi, v.v... vốn đã được kết tập trong kinh tạng.

Tập Abhidhammatthasangaha là bản tóm tắt (toát yếu và hệ thống hoá) bảy bộ luận của luận tạng Pàli, bao gồm:

1. Dhammasangani (Pháp tụ luận) Được một số nhà nghiên cứu 

2. Vibhanga (phân tích, phân biệt luận) Phật học xem là ba bộ luận 

3. Patthàna (Phát trí luận) xưa nhất 

4. Dhàtu -kathà (Giới luận, Giới thuyết luận) Được xem là đã có mặt 

5. Puggala-Pannđđatti (Nhân thi thiết luận) trước thời vua Asoka

6. Yamaka (Song đối luận). 

7. Kathàvatthu (Luận sự hay Thuyết sự luận). Do ngài Moggaliputta sáng tác vào thời kỳ kiết tập kinh điển lần thứ ba.

Bản luận tóm tắt này phân tích tâm lý con người rất chi ly, ghi nhận Tâm hoạt động thường xuyên qua 89 (hay 121) tâm (cittas) và 52 tâm sở (cetasikas). Sự hiện diện di động của các nhóm tâm sở đã hình thành ra các loại tâm, như Dục giới tâm, Sắc giới tâm và, Vô sắc giới tâm, Siêu thế giới tâm; hoặc hình thành ra các thể loại tâm như Bất thiện tâm, Vô nhân tâm và Tịnh quang tâm (thuộc thiện tâm, ác tâm và tâm do nghiệp quá khứ hình thành – Vô nhân tâm-); hoặc trình bày dưới các dạng Thiện tâm, Dị thục tâm, và Duy tác tâm.
Đặc biệt Abhidhamma miêu tả Kiết sanh thức (Patisandhi) liên hệ giữa đời này và đời sau, giới thiệu trạng thái tái sanh của con người.

Abhidhammatthasangaha giới thiệu con đường đi vào các cảnh giới tâm, vẫn là con đường Thiền định, rất truyền thống (hay là con đường Giới-Định-Tuệ)

Các phần thuộc nội dung của tập sách sẽ được lần lượt giới thiệu tiếp.