Đạo đức - Tâm lý học
Phương trời thong dong
Thích Nhật Từ
20/10/2557 10:31 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

TẦM SƯ HỌC ĐẠO

Khởi đầu của việc tầm sư học đạo là cả một quá trình liên hệ đến lý tưởng. Nhiều câu hỏi được đặt ra như: Tại sao chúng ta không thỏa mãn đời sống của người tại gia? Tại sao chúng ta phải tìm một người thầy để gửi lý tưởng và thân phận cuộc đời mình? Tại sao chúng ta phải đi ngược lại với khuynh hướng sống của thế gian để chọn cho mình một cuộc sống giản đơn và thanh cao? Đặt ra những câu hỏi này để ta tìm ra lời giải đáp.Với những câu hỏi như thế, bao giờ cũng có những giải đáp tốt đẹp, nếu chúng ta biết tìm kiếm các giá trị cho cuộc đời.

Bản năng sinh tồn của con người trong quá trình của sinh tử là chạy theo những gì mà con người có thể đạt được hạnh phúc từ các giác quan.

Giác quan của mắt: thích tìm kiếm cách những loại hình, màu sắc, những sự vật đa dạng và phong phú.

Giác quan của tai: thích nghe những âm thanh ngọt dịu, êm đềm.

Giác quan của mũi: thích ngửi những hương vị hấp dẫn. Giác quan của lưỡi: thích hưởng thụ các món ngon vật lạ. Giác quan của sự xúc chạm thân thể: ta luôn muốn xúc chạm với hương liệu và các phương tiện để tạo ra cảm giác thoải mái.

Giác quan của ý thức: luôn tìm kiếm những đối tượng tư duy, đánh giá, phán đoán để tạo cho mình cảm giác an vui.

Chính bản năng của các giác quan đó làm cho con người dễ dàng thỏa mãn với những tình trạng hiện tại mà họ đang có. Tình trạng đó có thể họ chưa hài lòng, nhưng nếu từ bỏ nó, họ có cảm giác rằng mình mất tất cả. Điều này giải thích tại sao có những người bất hạnh, giác quan bị khiếm khuyết và phương tiện cuộc sống của họ thiếu thốn. Họ nghĩ rằng cuộc đời của họ xem như kết thúc. Từ đó, họ đã tìm cách quyên sinh hay rút mình vào trạng thái tiêu cực, an phận, không có một thái độ nào tích cực hơn để chuyển hoá cuộc đời. Như vậy, bản chất của các giác quan và bản năng sinh tồn làm cho con người luôn luôn chấp nhận sự thỏa mãn, những tình trạng mà kinh điển nhà Phật gọi là èo uột của đời sống tuệ giác, và không nỗ lực để phấn đấu vươn lên vượt qua nghịch cảnh.

Trong cuộc đấu tranh tư tưởng với bao giằng xé, căng thẳng, liệu chúng ta có nên tiếp tục đời sống của người tại gia, hay tìm kiếm một phương trời cao rộng khác, nơi đó chưa đảm bảo là mình có thể đi trọn cuộc đời. Và ta cũng chưa có một chí nguyện hay tin chắc mình sẽ dâng hiến trọn đời cho việc xuất gia, đóng góp vai trò tích cực cho Phật giáo, nhân sinh, xã hội và những khổ đau của kiếp người. Càng suy nghĩ, đắn đo, do dự càng làm cho ta bị thối chí, nản lòng và cảm thấy con đường tu hành thật xa xăm vời vợi.

Nếu như trong cuộc đời từng có những vị xuất gia thành công, làm nên Phật sự và đóng góp có giá trị, lợi ích cho mọi người thì nên tin rằng chúng ta là một trong những vị đó.

Điều trăn trở này đã hé lên một hy vọng và đặt vấn đề khả dĩ thực hiện được. Muốn làm được điều đó, ta cần có quá trình tầm sư học đạo. Chúng ta không thể nào trải qua lộ trình của giác ngộ, giải thoát bằng sự tự lập của bản thân trong những năm tháng đầu tiên, chúng ta khó có thể vượt qua cam go, trở ngại, thử thách khi phải đối đầu với cuộc sống hoàn toàn thay đổi, khác bản năng sinh tồn, dục tính và những thói quen hưởng thụ.

Tìm một vị thầy chân chính để được che chở hướng dẫn và giúp đỡ ta trên con đường tu học là điều hết sức cần thiết. Thông qua con đường tu tập thiền quán, kinh Phật có khái niệm “Vô sư trí” để nói lên khả năng khám phá tuyệt vời của đức Phật. Đó là trí tuệ mà Ngài đạt được không phải qua sách vở, thầy bạn mà từ chân tâm thường trú của Ngài.

Khái niệm đó gợi cho ta nhớ lại câu chuyện lịch sử của đức Phật. Đức Phật đã từng có những bậc thầy tâm linh hướng dẫn Ngài, khi Ngài còn là một vị đông cung thái tử. Đến với hai vị thầy chuyên tu thiền quán, họ đã hỗ trợ, hướng dẫn Ngài rất nhiều từ những bước đi chập chững đến cách đặt tâm, cách quán niệm và cách chiến thắng những dục vọng thấp hèn của kiếp người. Khi chứng đắc được tất cả những phương pháp thiền từ hai vị thầy này, thái tử Tất-đạt-đa với sự thông minh sẵn có, đã nhận ra được những giới hạn của pháp tu này, chưa phải là con đường hạnh phúc cuối cùng mà con người có thể đạt được. Trạng thái thiền này được gọi là:Diệt thọ tưởng định.

Diệt thọ tưởng định là một trạng thái thiền định rất cao. Nơi đó, sự vận hành của tâm, ý niệm của tư tưởng, và tất cả sự hình dung về quá khứ, vị lai hoặc cả những vận hành trong hiện tại không còn hoạt dụng nữa. Lúc đó, hành giả có trạng thái sống trong ảo giác của hạnh phúc tuyệt đối, bởi vì dòng cảm xúc của họ được lắng dịu một cách trọn vẹn, không còn những nỗi khổ niềm đau, sự bức xúc hay những tình huống khó chịu khác. Họ làm quen với phương diện tu tập mới, thay đổi môi trường sống và thích ứng với điều kiện sinh hoạt mới. Khi dòng cảm xúc có nhiều thì tất yếu hành giả sẽ cảm nhận được sự an lạc, thoải mái. Chính trạng thái này giúp người ta quên đi tất cả những phiền muộn xung quanh và tưởng chừng như, đây là đích đến cuối cùng mà đời sống của người xuất gia cần phải hướng đến.

Hai vị thầy từng hướng dẫn thái tử Tất-đạt-đa phương pháp tu thiền quán đã rơi vào trạng thái sai lầm này. Thật vậy, sau khi xuất thiền, trạng thái an lạc, thảnh thơi hoặc vững chãi không còn hiện hữu nữa. Lúc đó, họ phải đối diện với những đối tượng của các giác quan, chưa chắc họ giữ được trạng thái không còn cảm xúc khi các giác quan đó phải tiếp xúc với nhiều sự thay đổi, thử thách, hoặc những cám dỗ khác trong cuộc đời. Sự an ổn theo cách tu tập này chỉ có giá trị nhất thời. Ngoài ra, người muốn đạt được trạng thái đó cũng không đơn giản, đòi hỏi dụng công rất lớn.

Qua sự khai tâm của hai vị thầy này, thái tử Tất-đạt-đa nhận ra một phần giá trị con đường tâm linh, Ngài đã vượt qua những chướng ngại, giới hạn mà các vị thầy không thể nhận chân được, để đạt đến một sự thấy biết trọn vẹn, siêu việt gọi là Vô Thượng Bồ Đề. Kể từ đó, Ngài có sự thấy biết một cách chính xác và trọn vẹn, đó là tuệ giác vô thượng. Với tuệ giác này, Ngài đã nhận ra dòng chảy của quá khứ trải dài từ cội nguồn bởi các hoạt dụng của nhân quả. Ngài thấy được mọi sự vật hiện tượng trong cuộc đời không phải tự nhiên mà có. Nó không phải do sự áp đặt của thần linh, thượng đế mà do chính con người có ý thức thể hiện, tạo tác qua các hành động. Tuệ giác về một quá khứ của bản thân cộng với nhân quả của tha nhân làm cho Ngài phát hiện rõ bản chất của khổ đau và hạnh phúc, bản chất giới hạn của kiếp sống con người, và của tất cả các loài hữu tình, vô tình khác.

Việc học đạo của đức Phật ngày xưa nhắc chúng ta nên có sự nhận thức, dù ta có là một bậc vĩ nhân chăng nữa, ta vẫn cần đến một vị thầy hỗ trợ tinh thần và tâm linh, dìu dắt ta ít nhất những bước đi chập chững ban đầu. Nếu thiếu những trợ lực này, ta khó đạt được thành công. Một số người thành công có tinh thần tự lực cao và kiến thức uyên bác thường nhầm tưởng là mình có thể tự tiến thân, không cần đến sự hướng dẫn của người khác, những vị thầy hay thiện hữu tri thức. Thực tế cho thấy, có nhiều vị đồng tu đã gặt hái được những kinh nghiệm quý báu, có được sự hiểu biết trải qua quá trình thể nghiệm rất cao và sâu. Chính vì thế, khi thân cận và nương theo những vị này, chúng ta dễ dàng vượt khó và thăng tiến trên bước đường tu.

THẦY LÀ NGƯỜI CHỈ DẪN

Trong việc tầm sư học đạo này, ta cần lưu ý hai điều: thứ nhất là tìm thầy, và thứ hai là học đạo. Vế thứ hai có khả năng hỗ trợ cho vế thứ nhất rất nhiều. Trên thực tế, có rất nhiều người tìm đến thầy không phải để học đạo, mà do họ có thiện cảm với người thầy. Họ cho rằng chỉ có những vị thầy đó mới có thể giúp họ vượt qua những nỗi khổ niềm đau trong cuộc đời. Suy nghĩ như thế, khi những vị ấy không có mặt, hay do điều kiện không cho phép thân cận, họ sẽ gặp phải những bế tắc, không còn lối thoát, vì họ không tin tưởng vào những vị thầy khác. Từ đó, cơ hội tiếp xúc với chánh pháp không thể đến với họ.

Nhà Phật lưu ý ta nên xem việc học đạo là thực tập con đường chuyển hóa tâm linh nhằm mang lại an vui và hạnh phúc cho chính mình và những người khác. Trong khi đó, người thầy chỉ đóng vai trò hỗ trợ, giúp đỡ và dìu dắt ta trên con đường tu học. Cho nên, quý Phật tử khi quy y Tam bảo, ngôi Tam bảo thứ ba là những vị xuất gia chân chính chứ không phải ta phát nguyện quy y làm đệ tử của vị Hòa thượng này hay vị ni trưởng kia.

LẤY CHÁNH PHÁP LÀM NỀN TẢNG

Tiếp theo, chúng ta nên lấy chánh pháp làm nền tảng chính yếu, không nên đặt trên nền tảng tình cảm cá nhân, vì nó rất nguy hiểm. Khi thần tượng hóa một người thầy, chúng ta đến với đạo pháp và làm các Phật sự dấn thân thầm lặng. Đến một ngày nào, chúng ta phát hiện người thầy đó không còn giá trị của sự cung kính, không còn là nhân vật lý tưởng, tất cả những điều ta quý kính về đức Phật và giáo pháp của Ngài bỗng nhiên tan biến, khi đó ta có thể từ bỏ ngôi chùa, quên đức Phật và xa hơn nữa là ta quên đi giáo pháp.

Ngài Lục Tổ Huệ Năng từng dạy một câu rất chí lý:

Khi mê thì thầy độ,

Khi ngộ thì tự độ.

Từ “độ”, trong chữ Hán được sử dụng với nghĩa triết lý, là một cách chơi chữ rất hay, nó được kết hợp bởi hai thành tố. Bên trái là bộ thủy, bên phải là chữ bộ. Nghĩa là chúng ta tự chèo thuyền để vượt qua sông. Nó chứa đựng ý nghĩa rằng, khi con người chưa đủ tiềm năng, kinh nghiệm và sự nhận thức sáng suốt để tự mình chèo thuyền vượt khổ đau, đi tới bến bờ hạnh phúc thì ta cần đến sự giúp đỡ của một vị thầy. Khi chúng ta đã nắm được giáo pháp từ sự hướng dẫn căn bản từ vị thầy, điều quan trọng chúng ta cần phải có khả năng tự độ, tự giúp đỡ chính mình.

Nương vào các vị thầy là để ta tìm kiếm, học hỏi những kinh nghiệm, hạnh lành và nương theo những thành quả của những vị thầy đó, ta có thể phấn đấu vươn lên, mang lại những lợi ích từ sự công phu tu tập của bản thân.

Việc tầm sư học đạo đôi khi ta gặp không ít sự trở ngại, khó khăn. Vì không dễ tìm kiếm cho mình một vị thầy phù hợp với căn cơ, đối tượng, hiểu được những vướng mắc để giúp ta tháo gỡ. Tiếp theo, khi đã có thầy rồi, ta hãy cố gắng nương tựa vào thầy để tu tập, chuyển hóa đừng để rơi vào tình cảm cá nhân. Khi gặp được minh sư và thiện hữu tri thức, thì việc tu học của chúng ta mở ra một phương trời bao la, tươi đẹp. Ở nơi đó, lý tưởng của sự phục vụ giúp ta gặt hái những giá trị trong đời. Có như thế, sự từ bỏ và ra đi của ta mới thực sự có ý nghĩa, bù đắp được sự hy sinh to lớn của tuổi đời thanh xuân.

BỆNH THÀNH TÍCH

Câu chuyện của một vị cư sĩ. Ông vốn là một thương gia lớn. Lòng phát tâm cúng dường của ông chẳng thua gì cư sĩ Cấp Cô Độc thời xưa, nhưng tiếc thay, ông ta lại rơi vào bệnh chủ nghĩa thành tích. Khi cúng dường và làm các công việc Phật sự, ông thường nghĩ tất cả mọi người đều phải biết quý trọng, tôn kính ông. Từ đó, cái bản ngã đã bắt đầu len lõi trong từng suy nghĩ và hành động của ông. Cho nên, kết quả phước báu mà ông có được rất hạn chế.

Sau một thời gian tiếp xúc với tăng chúng và làm các Phật sự, ông suy nghĩ về cuộc sống của người cư sĩ tại gia không đủ làm cho ông thỏa mãn. Phước lực thì ông có đủ, chỉ cần tu tập thêm về tuệ giác. Cho nên, ông quyết định tập sự để trở thành một người xuất gia. Ông tìm đến một vị thiền sư lỗi lạc. Nơi tu tập của vị thiền sư nằm trên một triền núi. Điều kiện và phương tiện tu tập rất thiếu thốn. Là một đại thí chủ với tâm niệm luôn tự hào về những đóng góp to lớn của mình, ông luôn nghĩ khi gia nhập cuộc sống tu hành với đại chúng, ông sẽ được xem như một vị thượng khách được thầy ưu ái nhiều hơn, được giúp đỡ, quan tâm, chăm sóc đặc biệt hơn những người khác.

Thực tế có rất nhiều người cũng có tâm niệm giống như vị cư sĩ này. Khi có được một thành tích nào đó, họ thường muốn người mà họ đã từng giúp đỡ phải quan tâm, và nâng đỡ. Tâm niệm như vậy là đi ngược với tinh thần nhà Phật. Chúng ta chỉ nên xem mình là một công cụ của Phật pháp để đóng góp, làm Phật sự hướng dẫn cho mọi người được sống an vui. Khi làm Phật sự mà bản ngã mình không trỗi dậy, hoặc ta giảm bớt ý niệm phải được ưu tiên hưởng nhiều quyền lợi, tức chúng ta đang đi đúng con đường đức Phật đã đi. Nếu chưa làm được như vậy, ta cần phải điều chỉnh để không bị rơi vào tình huống sai lầm đó.

Trở lại câu chuyện của vị cư sĩ giàu có. Khi đi xuất gia, ông được xếp ở chung phòng với những người khác. Căn phòng chỉ có vài chiếc giường, không có chiếu và không có gối. Mỗi khi nằm vào giường, trở mình qua lại ông cảm thấy rất khó chịu. Trong cách tu thiền của tông phái Tào Động ở Nhật Bản, thường các vị thiền sư muốn cho đồ đệ của họ đi ngược lại với những thói quen thông thường bằng cách giữ trạng thái yên lặng, tập trung vào thiền quán để dòng chảy của tỉnh thức được hiện hữu và nhờ đó làm rơi rụng đi những nỗi khổ niềm đau. Quán chiếu về bản thân là cơ hội lớn giúp ta vượt khó, thắng được những tâm niệm và cảm xúc tiêu cực. Nhưng nếu không biết cách hoặc thực tập không đúng phương pháp trong trạng thái đó, ta có thể suy luận, tự diễn thuyết dẫn đến việc ta dễ dàng bị động tâm hơn.

Cứ mỗi hai tháng một lần, cả thầy và trò mới có cơ hội gặp mặt nhau, cùng trao đổi, trình bày và nhờ thầy tháo gỡ những nghi vấn, gút mắc trên con đường tu học. Hôm đó, mới bốn giờ sáng, ông mon men đến gõ cửa phòng thầy. Khi mở cửa ra, thầy đã nhẹ nhàng hỏi ông cần gì. Ông vội nói với thầy hai từ: “giường cứng”, và quay về tăng xá.

Theo truyền thống tu hành của tông phái này, phải nói ít và có chất lượng, nên ông ta chỉ có thể nói được hai từ mà thôi. Thực ra, ông muốn trình bày với thầy về chiếc giường bị cứng và gồ ghề đến độ suốt hai tháng qua, ông cứ như nằm trên hòn đá, khiến cho cảm giác đau nhức cứ luôn hiện diện và khống chế, làm cho tinh thần của ông không còn thoải mái để tu tập.

Hai tháng sau, cơ hội gặp thầy lại đến. Ông vội đi đến phòng của thầy sớm hơn và cũng gõ cửa như lần trước. Thầy mở cửa và hỏi ông lúc này đã khắc phục được tình trạng giường cứng hay chưa. Ông không trả lời thầy mà chỉ nói với thầy hai từ: “cơm khô”. Sau đó, ông lại quay lưng bỏ đi không thèm nhìn thầy. Ông có cảm giác không chịu nổi, bao tử của ông sẽ bị hư hoại nếu cứ tiếp tục phải ăn như thế này trong một thời gian nữa. Do đó, sự bực tức, khó chịu và phiền não trong ông chất đầy.

Hai tháng sau, ông lại có cơ hội đến gặp thầy lần thứ ba. Mới hai giờ sáng, ông đã đến gõ cửa phòng thầy. Thầy cũng ra mở cửa, và hỏi ông lúc này đã tốt hơn chưa, ông đã làm quen với cơm khô của chùa chưa. Nhưng ông đã không trả lời mà vội nói: “Bạch thầy con đi”. Thầy chưa kịp giải thích thì ông đã quay lưng đi mất. Đây là điều bất hạnh cho ông.

Đạo Phật rất cao siêu, người thầy muốn cho học trò của mình hiểu được bản ngã về thành tích chính là kẻ thù của sự tiến bộ trong tu tập. Nếu như gặp những vị thầy khác, có lẽ ông ta sẽ được vinh danh, ca tụng hoặc đề cao trước mặt quần chúng, khi ấy bản ngã đó sẽ không có cơ hội được khắc phục.

Bài giáo lý đầu tiên mà người thầy muốn dạy là phải làm sao gọt giũa cái bản ngã cho đến khi nào nó mòn dần và phải mài nhẵn nó đi, không còn góc cạnh nữa. Lúc ấy, chúng ta mới thành công. Rất tiếc người cư sĩ này có bệnh thành tích quá nặng, nên không thể hiểu được dụng ý của người thầy qua ánh mắt, ngữ điệu, sự biểu đạt chăm sóc thể hiện qua lời nói. Ông đã không nhận ra tinh thần giáo dưỡng đặc biệt mà thầy đã dành cho ông, nên vội bỏ thầy mà đi. Trong trường hợp nếu ông ta tu tập ở một nơi nào đó mà được người khác cung phụng, thì xem như ông sẽ sống trên phiền não của sự tự hào đó. Đến một lúc nào, ông nhận ra được giá trị của pháp tu diệt trừ bản ngã mà người thầy đã âm thầm trao truyền cho ông trên những bước tu tập đầu đời.

Câu chuyện này ẩn chứa những giá trị thật thâm thúy và sâu sắc. Ta không chỉ đánh giá một vấn đề dựa vào những sự kiện bên ngoài, mà cần nhìn sâu vào bản chất bên trong của vấn đề, để lý giải được tại sao người thầy đó lại ứng xử với mình như thế. Ta cần phải có cái nhìn đúng đắn, sáng suốt và tích cực. Thầy đã tạo cơ hội để mình có thể vượt qua nhiều thử thách, chông gai trong quá trình tu tập và hành trì, giúp ta trở thành pháp khí, rường cột Phật giáo trong tương lai.

Tìm thầy học đạo là một quá trình thật khó. Cũng có thầy lại muốn tìm được người học trò để giao chánh pháp nhãn tạng, niết bàn diệu tâm cũng khó khăn không kém. Thầy tìm trò và trò tìm thầy, hai bên cùng gặp nhau trong sự hiểu biết, hy sinh và phục vụ. Điều này lý giải cho một thực tế, người xuất gia thì nhiều nhưng người dấn thân phục vụ rất ít. Thật vậy, người thầy không hiểu được trò và người trò không hiểu được thầy. Họ khó có thể cùng chia sẻ những chí nguyện lớn, đại hùng, đại lực để đóng góp cho đời, mang lại những giá trị lợi lạc cho tha nhân và cộng đồng.

VAI TRÒ CỦA NGƯỜI THẦY

Vai trò của thầy trong đạo Phật là dẫn đạo. Đức Phật đã nói về vai trò này qua một câu chuyện ngụ ngôn như sau. Có con sư tử cái rất thương những con sư tử con của mình.

Một hôm, khi đi săn mồi, vì muốn được gần gũi con, nó đã dùng miệng ngậm vào cổ sư tử con để cùng đi. Khi sư tử mẹ phóng qua một mõm đá để rượt đuổi một con mồi đang tìm cách thoát thân, vô tình nó đã đụng vào mõm đá. Hoảng hốt với phản ứng tự nhiên, nó há miệng, làm cho sư tử con rơi xuống vực. Nó nhìn xuống dưới vực sâu mà không biết phải làm cách nào để có thể cứu con. Hai dòng nước mắt của nó chợt tuôn trào và nó đứng thật lâu để nhìn lại đứa con thêm một lần nữa trong sự tuyệt vọng. Cuối cùng, nó đành phải bỏ đi trong nỗi khổ đau vì mất con.

May mắn thay, ở dưới vực thẳm đó lại có một cánh đồng. Khi sư tử con bị rơi xuống, đã bám được những sợi dây leo dài ở phía dưới. Trên cánh đồng đó, có một bầy cừu đang sinh sống. Cừu là một loài động vật dễ thương và gần gũi. Cừu mẹ khi nhìn thấy sư tử con bị nạn nên động lòng cảm thương. Nó đã nuôi nấng sư tử con như những đứa con của mình. Khi sư tử lớn lên, nó đã làm anh em ruột với những con cừu này và chính môi trường sống mới làm cho nó thay đổi tánh khí giống như những con cừu, dù bản chất của nó là một con sư tử.

Một hôm nọ, khi sư tử mẹ đi săn mồi, nhìn thấy trên thảo nguyên xa đang có một bầy cừu và một con sư tử đang nằm giữa bầy cừu đó. Sư tử mẹ rất ngạc nhiên về điều này. Bản chất sư tử là ăn thịt con mồi. Con mồi đó có thể là những con vật có sức mạnh kém hơn như: loài cừu, hươu, ngựa, dê, bò v.v… Nó sẽ tấn công và lập tức con vật đó biến thành miếng mồi ngon cho nó. Nó suy nghĩ rất nhiều, tại sao sư tử to con lớn xác kia lại có thể sống hòa bình giữa bầy cừu, mà không hề có ý muốn tấn công hay ăn thịt bầy cừu đó.

Khi nhìn thấy con sư tử này, bỗng dưng nó chợt nhớ lại đứa con mà cách đây vài năm bị rơi xuống vực sâu. Điều này làm cho nó lóe lên một tia hy vọng, nó đã mon men tiến đến gần bầy cừu đó. Khi thấy sư tử xuất hiện, cừu mẹ hoảng hốt bỏ chạy, bầy cừu con với bản năng sinh tồn, cũng chạy theo cừu mẹ và con sư tử nọ cũng chạy theo. Khi đó, sư tử mẹ bằng trực quan cảm nhận được đây chính là đứa con bị thất lạc mấy năm về trước. Nó không đuổi bắt bất cứ một con cừu nào, chỉ đuổi theo sư tử con, sư tử con sợ hãi vô cùng. Nó van xin sư tử mẹ hãy tha cho nó, vì nó không làm gì nên tội. Sư tử mẹ không nói lời nào, mà chỉ gặm cổ sư tử con và bỏ chạy. Khi chạy đến bên một bờ suối, sư tử mẹ dừng lại và thả sư tử con xuống uống nước, giúp nó lấy lại bình tĩnh. Sư tử con thò đầu xuống húp lấy một ngụm nước bên dòng suối, nhưng nó vẫn không dám mở mắt ra nhìn, vì cảm giác sợ hãi với cái chết đang gần kề bên mình. Sau đó, sư tử mẹ đã gầm lên một tiếng thật to và sư tử con hốt hoảng quá liền mở mắt ra. Khi ấy, nó nhìn thấy cái bóng được in trên mặt nước, chợt nhận ra sao nó lại quá giống con sư tử kia. Nó nhận biết có một cái gì đó rất gần gũi giữa nó với con sư tử mẹ. Khi đó, nỗi sợ hãi của nó liền tan biến. Thay vào đó là một sự hồ hởi, phấn chấn. Sư tử mẹ khi nhìn thấy thái độ đó từ sư tử con, rất đỗi vui mừng và tự nhủ rằng nhiệm vụ của nó đã hoàn thành, những điều cần làm nó đã làm xong. Nó đã bày tỏ cảm xúc với sư tử con rằng, con có thể ra đi hay ở lại với mẹ cũng được. Con có thể thừa nhận ta là mẹ hay không cũng được, nhưng ta tin chắc rằng con chính là con ruột của ta. Câu chuyện này được khép lại tại đây.

Ý nghĩa của nó gợi cho chúng ta thấy, chính môi trường, hoàn cảnh là yếu tố quyết định tạo nên tính cách của con người. Nếu ta được tiếp xúc với môi trường tốt, ta sẽ trưởng thành theo chiều hướng tốt đẹp tích cực. Ngược lại, ta sẽ trở nên một con người hoàn toàn tiêu cực, từ tích cách cho đến hành vi, khi bị tác động bởi môi trường xấu. Tục ngữ Việt Nam có câu: “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”.

Theo đạo Phật, sự khổ đau hay hạnh phúc con người phụ thuộc vào nhiều hoàn cảnh. Môi trường, hoàn cảnh có ảnh hưởng, tác động đến hạnh phúc của con người, làm cho con người trở nên tích cực hay tiêu cực. Nhìn từ một góc độ khác quan trọng hơn, đó là vai trò của một bậc thầy được minh họa qua hành động của con sư tử mẹ. Nó đã giúp cho sư tử con nhận diện ra thân phận thực sự của nó là một con sư tử chứ không phải là một con cừu. Sư tử cần phải sống đúng với bản chất của nó, là làm rung chuyển núi rừng, không phải là một con cừu yếu ớt, chỉ sống an phận và thỏa mãn với những cánh đồng cỏ trước mặt.

NỖ LỰC BẢN THÂN

Ở đây, đức Phật không phân tích đến việc sư tử con sẽ trở về với bản chất của nó, là biến những con vật bé nhỏ làm mồi cho mình. Ngài muốn dạy chúng ta rằng, con người có một tiềm năng vĩ đại. Tiềm năng được ví như sức mạnh của loài sư tử, đó là tiềm năng của sự giác ngộ, an vui, đóng góp và phục vụ. Chúng ta không biết khai thác sức mạnh tiềm năng đó, và để cho nó ngủ yên trong một thời gian dài do những biến cố tiêu cực. Chẳng hạn như khi nhìn thấy hình ảnh tiêu cực của một người không có chí nguyện lớn, đã để lại cho ta một cảm giác bị chai sạn dòng cảm xúc, không còn muốn phấn đấu vươn lên.

Hành động của sư tử mẹ đánh thức lại sức mạnh vốn có của đứa con. Vai trò của một người thầy cũng thế, người thầy chỉ đánh thức những tiềm năng vốn có của người đệ tử và công việc còn lại là sự tự lực của bản thân mà những người xuất gia cần phải thực hiện.

Các phương pháp tu học đã được đức Phật để lại trong vô số các kinh điển, rất đa dạng và phong phú. Có những bài kinh mang ý nghĩa trừu tượng, triết lý hay những biểu tượng gần gũi với đời thường. Các bậc thầy trong quá khứ đã để lại cho ta nhiều kinh nghiệm. Sau khi trở thành một người xuất gia tu học, ta cần phải nương theo tấm bản đồ để có thể đi đúng đường hoặc nương vào những toa thuốc để chữa lành thân tâm. Nếu ta không có một khả năng tự lập, tất cả chỉ dựa hoàn toàn vào người thầy thì cơ hội phục vụ của ta khó thực hiện được.

Vai trò của người thầy vô cùng quan trọng, phải tạo cho học trò có sự tự tin, có khả năng vượt qua những thử thách, chướng duyên để thành công trong đời tu của họ. Do đó, nếu chúng ta vào chùa đã lâu mà không có điều kiện được tiếp cận với thầy, không có những cơ hội được học hỏi trực tiếp với thầy, thì cũng đừng than thân trách phận cho rằng mình kém phước. Chúng ta có thể học ở vị thầy bằng cách quan sát những hạnh nguyện mà thầy đã dấn thân. Ngoài ra, ta cũng có thể học hỏi với bất cứ vị thầy nào giúp ta được lợi lạc trong việc tu tập, có thể đem lợi lạc cho nhiều người khác, không nhất thiết chỉ học duy nhất ở thầy mình.

Khi tìm được thầy, ta phải biết tận dụng cơ hội để tu học. Nếu muốn có một quá trình tu học bền vững, cần phải có một chí nguyện lớn và xác định rõ vai trò tu học của mình trong hiện tại và tương lai.

Ngoài ra, người xuất gia khi tu học, hành trì cần thực tập sự phát nguyện lớn, làm được những điều lợi ích cho người khác. Sự phát nguyện này, hành giả nên thực tập trong mỗi thời kinh. Các vị Bồ tát đều có những lời phát nguyện, và ta nương vào đó để nuôi lớn chí nguyện của mình.

Dựa vào phát nguyện của những người đi trước, tôi đưa ra ba chí nguyện lớn. Người xuất gia hay tập sự xuất gia cần nêu một quyết tâm lớn để học hỏi và phấn đấu vươn lên, chắc chắn việc tu học sẽ thành công.

PHÁT NGUYỆN THỨ NHẤT

Ý thức được rằng xuất gia là lý tưởng sống theo hạnh nguyện xuất trần, sống theo hạnh nguyện cao cả của đức Phật và các bậc thầy tổ, con nguyện cắt bỏ hoàn toàn đời sống ái dục, trọn đời sống độc thân nhưng không cô đơn, giữ giới hạnh trang nghiêm thanh tịnh.

Lời phát nguyện này gồm hai vế. Vế thứ nhất là nhìn vào hạnh nguyện xuất trần của đức Phật và các bậc Tổ sư đã đi qua, với những thành tựu an vui và hạnh phúc. Vế thứ hai là xa lìa đời sống ái dục, sống trọn đời với giới hạnh trang nghiêm, thanh tịnh.

Quán sát như thế, ta thấy con đường ra đi của chúng ta có lý tưởng. Ta không phải xuất gia vì thiện cảm với người thầy, ngôi chùa, vì lý do kinh tế, hay những bế tắc khác trong cuộc đời. Ta đi trên con đường xuất gia với chí nguyện đại hùng, quyết tâm cao độ, chúng ta hoàn toàn cắt bỏ được đời sống ái dục. Chí nguyện đầu tiên này làm cho người xuất gia hoàn toàn khác với người tại gia.

Trong phần thứ hai, tôi đã đề cập đến bốn loại hình xuất gia, trong đó có hai loại hình tương phản nhau đó là xuất gia bằng thân và xuất gia bằng tâm. Người xuất gia bằng thân tuy mang hình thức là một người tu nhưng tâm tánh lại như những người phàm tục. Họ hoàn toàn không có chí nguyện lớn, không mang lại giá trị an lạc cho bản thân. Ngược lại, họ còn làm cho người khác đánh mất đi niềm tin tôn kính đối với Tam bảo.

Trái lại, những người thuộc loại hình tâm xuất gia nhưng thân tại gia thường là những cư sĩ có chí nguyện lớn. Họ làm việc lành, bố thí, cúng dường, tu tập tinh tấn, siêng năng hơn cả những người tu, nhưng họ lại e sợ không biết có vượt qua được mọi gian truân thử thách của một đời tu hay không. Cho nên họ cứ tiếp tục giữ mãi đời sống của một người tại gia, hình thức tu này là một chướng duyên. Chướng duyên này do họ không nhận thấy được tiềm năng to lớn của bản thân, nếu biết dụng công tu tập, họ sẽ trở thành một con người hoàn toàn khác với những kẻ phàm tình.

Cả hai loại hình xuất gia này đều thể hiện bản chất về những con người chưa hoàn thiện trong tu tập giải thoát. Phần lớn những người mang hình thức thân xuất gia nhưng tâm tại gia, do họ chưa cắt lìa sợi dây ái dục đời sống thế gian. Nếu không chuyển hóa được năng lượng tình dục, tình yêu giới tính thì con đường xuất gia sẽ không có giá trị. Đây là sự trở ngại và thất bại rất lớn đối với họ.

Khi phát nguyện, chúng ta phải nhận thức được rằng con đường từ bỏ ái dục là con đường sống trọn đời độc thân nhưng không cảm thấy cô đơn. Điều này rất quan trọng, vì thực tế có những người tuy sống độc thân, nhưng lại mang tâm trạng cô đơn, khổ đau, buồn tủi hoặc nuối tiếc vô cùng.

Có một số người khi nhìn thấy hình ảnh một đôi vợ chồng nào đó thể hiện tình yêu đôi lứa, yêu thương nhau tâm đầu ý hợp, trong lòng họ bỗng trỗi dậy sự thèm khát, rồi buồn tủi cho thân phận, đời sống của họ sao quá bất hạnh, không được trọn vẹn như đôi vợ chồng kia. Tất cả những người mang tâm trạng như thế đều là những người độc thân cô đơn.

Trên bước đường tu, ta cần phải quyết tâm sống đời độc thân nhưng không cô đơn. Ngoài các giá trị tình ái kia mà người đời cho rằng là hạnh phúc nhất, chúng ta vẫn còn những cơ hội để tiếp xúc các giá trị hạnh phúc khác cao hơn.

Đức Phật dạy chúng ta lấy chánh pháp, bao gồm đời sống đạo đức, các chất liệu cao thượng, những hạnh nguyện làm thực phẩm để nuôi lớn thân tâm. Người đời có thể thỏa mãn hạnh phúc bằng sự ăn uống, giải trí hay những phương tiện sinh hoạt đầy đủ. Trong khi đó, người xuất gia cảm nhận được niềm hỷ lạc qua lời kinh, câu kệ, ý nghĩa triết lý và đời sống thong dong, tự tại. Họ mang những hạnh nguyện xuất trần, dấn thân vì lợi ích cho cộng đồng và xã hội. Chính niềm hạnh phúc cao quý đó, giúp họ tăng trưởng, thăng hoa nếp sống tâm linh của họ.

Trong suốt quá trình tu tập, nếu thực hành đúng phương pháp thì đời sống tinh thần sẽ được lớn mạnh. Kinh Phật gọi đó là pháp hỷ thực và thiền duyệt thực, có tác dụng làm thăng hoa đời sống của người tu. Nếu chúng ta có được những nguồn vui từ sự thể nghiệm Phật pháp và sự an trụ trong thiền định, nuôi lớn giới thân huệ mạng thì những thú vui trần tục chỉ là bọt bèo, không một chút giá trị nào. Khi ta thâm nhập vào dòng chảy hỷ lạc ấy, làm gì có chỗ cho những cảm giác cô đơn chen vào.

Vì vậy, tu hành không có lý tưởng, ta khó đạt được sự thành công. Bản năng sanh tử vẫn chờ chực, đeo bám và chinh phục ta. Ta dễ bị thất vọng, nản lòng khi đối diện với những hạt giống xuất gia, có thể ta có sẵn từ nhiều đời trước. Muốn sống một cuộc sống độc thân, không cô đơn, đức Phật khuyên chúng ta hãy giữ một đời sống giới hạnh thanh tịnh, không tì vết.

Một câu hỏi được đặt ra: Làm thế nào để ta đạt được trạng thái không cô đơn đó? Câu trả lời là nương vào đời sống tăng thân. Tăng đoàn là một thành trì vững chắc, bảo hộ cho ta, giúp cho ta dễ dàng giữ được mình.

Con đường tu của chúng ta sẽ được lâu dài, bền vững khi ta sống trong một môi trường tập thể, biết hòa nhập với cộng đồng, tương trợ lẫn nhau và biết kính trên nhường dưới.

Đức Phật là một tấm gương cao đẹp nhất, xứng đáng để chúng ta học tập. Dù Ngài là một bậc đại giác ngộ, bậc giáo chủ, bậc đạo sư, nhưng hàng ngày Ngài vẫn sống cùng với tăng đoàn, không xa rời quần chúng. Trong khi đó, chúng ta đôi lúc chỉ vì những nỗi buồn, hiềm khích nho nhỏ, đã thối chí, muốn về nhà hay tự lập cốc riêng. Điều này chứng tỏ rằng ta thiếu bản lĩnh, sự chịu đựng và sự cố gắng vươn lên để tháo gỡ những vướng bận trên con đường tu học của mình. Do vậy, khi lâm vào tình trạng đó, ta hãy xét lại chính mình, cần nêu quyết tâm lớn để chuyển hóa những hạt giống tiêu cực, để không còn là ta của quá khứ và trở thành một con người khác hẳn mà Tổ Quy Sơn đã dạy: Đó là sự nhận thức, tâm lý, ứng xử, tình cảm phải khác hoàn toàn với người tại gia. Điểm khác ở đây chính là sự vĩ đại, mang chất liệu của lòng vị tha, cao cả. Điều này sẽ không khó thực hiện, nếu ta biết nỗ lực, rèn luyện, vun bồi cho những hạt giống có chất liệu tốt đẹp và cao thượng.

Đời sống tập thể được hiểu như là một hàng rào, giá trị của nó nằm ở sự nâng đỡ, bảo vệ. Dĩ nhiên, không phải lúc nào ta cũng may mắn được những hàng rào nâng đỡ, được sự bảo hộ của tăng thân, ta tháo gỡ được những gút mắc đang hiện có.

Ta cũng không nên phủ nhận tiềm năng của bản thân trong sự thay đổi, chuyển hóa và đặt cái thường kiến cho rằng mọi sự vật hiện tượng không thể thay đổi theo chiều hướng tích cực, phiền não, rắc rối trong ta bắt đầu xuất hiện. Ta trở nên quan trọng hóa vấn đề, cường điệu hóa một vấn đề phức tạp ở góc độ nhỏ, biến thành một vấn đề to lớn. Sự nhận thức đó có thể biến một hạt cát trở thành một tảng đá. Từ một tảng đá trở thành một quả núi. Từ một quả núi trở thành dãy trường sơn. Từ dãy trường sơn trở thành một vạn lý trường thành. Việc phức tạp hóa các vấn đề đang vấp phải làm cho con người chán nản, thất vọng, tự ti, mặc cảm và không có chí hướng vươn lên. Ngược lại, nếu có bản lĩnh, ta sẽ nghĩ cách làm cho một dãy núi trường sơn chỉ còn là một viên sỏi, một hạt cát và thậm chí không còn là gì cả.

Tăng thân là một môi trường tốt để rèn luyện bản thân. Nhìn thấy được những cái chưa hoàn thiện của những người đi trước, của những bạn đồng tu để chúng ta không vấp phải, không rơi vào những tình huống tương tự trong tương lai, nếu ta có chí nguyện lớn.

PHÁT NGUYỆN THỨ HAI

Ý thức rằng xuất gia là con đường tu học, hành trì lâu dài, đòi hỏi lòng kiên nhẫn và nhiều nguyện lực, con nguyện vượt qua tất cả thử thách và chướng duyên, không dễ ngươi trong các khoái lạc, không đắm nhiễm thói đời, không chạy theo danh lợi thấp kém, không tham gia chính trị, không phản bội lý tưởng của Phật pháp, quyết chí đạt được giác ngộ và giải thoát.

Lời phát nguyện này có hai vế. Vế thứ nhất lấy chư Phật, các vị Bồ Tát, các bậc thầy cao cả làm điểm tựa để ta nương về tâm linh. Các Ngài thành công vì đã nỗ lực trải qua một quá trình tu học và hành trình lâu dài. Các Ngài đã có nhiều kiên nhẫn và thực hiện được nguyện lực như ý muốn. Vế thứ hai nhắc nhở người xuất gia không dễ ngươi các khoái lạc giác quan, không chạy theo danh lợi thấp kém và không phản bội lý tưởng của Phật pháp.

Khi muốn làm được như các vị đó, ta cần có những tâm nguyện lớn. Những tâm nguyện này giúp ta thành tựu được Phật sự. Con đường Phật sự rất cam go, đôi lúc khi làm, ta không được người khác tán đồng mà còn bị phê bình, chỉ trích, nói xấu hoặc hãm hại. Nói chung, họ làm cho mình bị thất điên bát đảo hoặc chán nản. Ngay cả những người đang làm Phật sự rất tốt mà vẫn gặp phải những tình huống trở ngại, chướng duyên. Cho nên, ta chỉ xem chướng duyên là lẽ thường tình, không nên vì thế mà bỏ cuộc hoặc hối hận những việc tốt đã làm.

Chúng ta cần phải chỉnh đốn, cách tân để làm mới, bằng không, chính tâm niệm hối hận sẽ thiêu đốt tất cả những công đức ta đã làm được. Nhất là sự hối hận về những việc đã làm tốt trong quá khứ. Đức Phật từng dạy ta chỉ nên hối hận các việc làm xấu trong quá khứ, dù là vô tình hay cố ý.

Bản chất của tâm lý hối hận là, trung tính. Chỉ khi nào đối tượng được xác lập, giá trị của nó được phân định, ta mới nhận biết hối hận trong tình huống của ta là một cần thiết hay nên loại trừ. Do vậy, sự hối hận là một con dao hai lưỡi. Nếu biết cách nó sẽ giúp ta, hoặc ngược lại, nó sẽ làm cho ta chán nản, thất vọng hay bỏ cuộc nửa chừng. Ta phải lấy chí nguyện so sánh với các đức Phật. Có như thế tâm nguyện mới lớn, vượt qua tất cả những thử thách chướng duyên trên bước đường tu tập, hành trì.

Để vượt qua được nghịch cảnh và chướng duyên, ta có thể quán tưởng những hình ảnh và ý nghĩa đức Phật đã minh họa trong kinh. Trên biển cả bao la sóng gió chập chừng, có một chiếc thuyền con đang trồi lên hụp xuống, vượt qua những cơn sóng để đến được bến bờ. Đột ngột lúc đó, có một đợt sóng dữ đổ ập tới với sức mạnh thật khủng khiếp, đã làm cho chiếc thuyền bị chao đảo và lật ngã. Những người chèo thuyền cố gắng bằng mọi cách vực nó dậy để đi tiếp, vì nếu không nỗ lực, tất cả họ sẽ bị chết đuối. Người tu cũng được ví như những người chèo thuyền ngoài biển cả trước cơn sóng to gió lớn. Bằng mọi cách, họ phải lèo lái chiếc thuyền để nó đi đến nơi, không thể bị ngã quỵ nửa chừng trước những cơn phong ba bão táp của cuộc đời.

Đừng bao giờ bỏ cuộc trước những cam go và thử thách. Tu Phật cần có: Sự thử thách nhiều chừng nào, ta lấy đó làm niềm vui nhiều chừng đó, đó là cách tốt nhất để ta tháo gỡ tất cả những nghiệp xấu trong quá khứ, trả hết những nợ nần cần phải trả. Phần lớn những nghịch duyên, khổ đau, phiền não xảy đến với ta trong hiện đời, ít nhiều có liên hệ đến việc làm, hành động của ta trong quá khứ. Chính vì vậy, ta cần phải thanh toán hết những khoản nợ càng sớm càng tốt. Khi trả hết nợ, cuộc đời của ta sẽ được sáng sủa, thoải mái rồi gặp được nhiều thuận duyên trong tương lai.

Trong nghịch duyên, nếu ta mới đầu hàng, nó sẽ khống chế, làm cho ta mất hết nghĩa khí, không còn muốn thẳng tiến và sụt giảm lý tưởng.

Người xuất gia không nên dễ vui, chạy theo các khoái lạc giác quan. Phải biết kiềm chế và xem nó như một công cụ, một điều kiện giúp ta dấn thân xa hơn trên con đường tu. Sự thỏa mãn những đòi hỏi các giác quan, tạo nên những quán tính và thói quen không tốt. Thông thường, những thói quen không tốt lại có khuynh hướng sai khiến con người. Do đó, cần phải biết kềm chế ý thức, không cho nó tạo ra những thói quen mới, nếu thói quen đó không có lợi. Ngược lại, đối với những thói quen tốt như: tụng kinh, niệm Phật, ngồi thiền, bái sám, tu đức v.v… cần phải vun trồng, tưới tẩm, chăm sóc, đừng bao giờ để chúng bị gián đoạn. Nếu gián đoạn vì một lý do nào đó, ta cần nêu tâm nguyện lớn và tìm những chất liệu tương tự khác để bù đắp vào. Sống như vậy, ta sẽ không bị ngã quỵ trên bước đường tu học.

Người xuất gia không nên chạy theo các danh lợi thấp kém, vì bản chất của các danh lợi được xây dựng và sống trên bản ngã. Chúng ta luôn thích cái danh, nghĩa là muốn cho mọi người biết đến mình, xem mình như là một nhân vật giàu có, có địa vị, chức tước, quyền hạn, uy đức v.v...

Theo kinh Tứ Thập Nhị Chương, danh được ví như một loại hương liệu có thể làm đẹp thêm cho bản thân, nhưng nó cũng trở ngại rất lớn, đốt cháy mình. Sự đốt cháy của nó không phải để cho bản ngã này bị mất đi, mà làm cho nó bị đau khổ, dày vò hoặc thương tổn. Bên cạnh danh thường kéo theo lợi. Danh và lợi thường đi song hành với nhau, danh càng cao thì lợi lộc đến càng nhiều. Đồng thời, phước báu sẽ bị giảm thiểu tương xứng như vậy. Đây là một qui trình tất yếu.

Trong kinh Pháp Cú, đức Phật từng khuyên người tu không nên có suy nghĩ rằng, ta là trụ trì của một ngôi chùa, là số một, những người khác phải đảnh lễ và tôn kính ta. Lẽ ra ta sẽ trở thành người đức hạnh, có đời sống thanh cao, nhưng trước danh lợi, bản ngã trong ta trỗi dậy, ta chính là người sẽ bị ngã quỵ đầu tiên. Dĩ nhiên, khi ở chùa lâu năm, ta có nhiều kinh nghiệm nên được đề cử vào những vai trò hoặc vị trí liên hệ đến vai trò. Nhưng ta hãy xem đây là cơ hội để gánh vác công việc cho đạo, những công việc mà thầy tổ đang làm còn dang dở, ta cần phải tiếp nối. Không nên để cho bản ngã có cơ hội tăng trưởng, chinh phục và đánh chìm.

Người thế gian thường cho rằng: “Công thành thì danh toại” nhưng quan điểm nhà Phật thì ngược lại, “Công thành thì thân thoái”. Cùng là một vấn đề nhưng có hai cách nhìn hoàn toàn trái ngược nhau. Người đời khi nỗ lực làm việc, đầu tư, cống hiến, muốn được toại nguyện về danh phận, muốn được hưởng nhiều quyền lợi cùng nhiều sự ưu đãi khác từ những nỗ lực, đóng góp. Trong khi đó, đức Phật dạy người tu khi đã thành tựu được nhiều công đức, cần phải vô ngã và khiêm tốn để phước báu càng được lớn mạnh và tâm lực ngày một phong phú thêm.

Tiêu chí quan trọng mà người xuất gia cần phải giữ trong lời phát nguyện thứ hai là không phản bội lại lý tưởng của Phật pháp. Khi chúng ta tiếp xúc với cuộc đời và làm nhiều Phật sự, cơ hội phóng tâm theo đó dễ dàng phát sinh. Nếu không có những chí nguyện lớn hoặc không làm cho tâm nguyện sơ phát tâm sống mãi với ta, lúc ấy ta dễ dàng đi sai lý tưởng của chánh pháp. Có một số người đã đi sai một cách cố tình. Họ thân cận với chính quyền bằng cách tìm cơ hội tham gia vào các cơ quan chính trị. Làm chính trị là đi sai tinh thần nhà Phật, sai với giới luật của Thanh văn, và Bồ tát, nói chung là giới của những người xuất gia.

Từ khi bắt đầu xuất gia, ta cần học hạnh nguyện của đức Phật Thích Ca: bỏ ông vua ngoài đời để có được ông vua chánh pháp. Khi ngồi trên ghế cao, điều tất yếu là phải bảo vệ địa vị, để nó không bị sụp đổ. Từ đó, tâm lý và quyền lợi chấp thủ nảy sinh, ta bị danh lợi khống chế. Nếu do vì hoàn cảnh lịch sử, điều kiện xã hội có thể đẩy ta đi vào con đường đó, ta vẫn phải sáng suốt mà lánh bỏ, bằng không, ta dễ dàng phản bội lại lý tưởng, chí hướng của chánh pháp.

Nếu phải chọn một con đường, ta nên chọn con đường đạo đức của đức Phật. Nếu phải chọn một học thuyết, ta chỉ nên chọn chánh pháp. Nếu phải chọn một ý thức hệ, ta nên chọn con đường chuyển hóa nhân tâm. Ta chỉ nên đi trên con đường của sự chuyển hóa. Nếu đạo Phật được xem là một con đường thì đây chính là một con đường của sự chuyển hóa tốt đẹp nhất.

PHÁT NGUYỆN THỨ BA

Ý thức được rằng xuất gia là tập sống theo lý tưởng độ sanh của các đức Phật và các vị thầy tổ, con nguyện làm tất cả các việc với tâm từ bi không sợ hãi, sống bằng thái độ và hành động vị tha, cao cả của các vị Bồ tát, để hoàn thành chí nguyện xuất trần, cùng nối gót con đường độ sanh của các bậc tiền bối.

Phát nguyện thứ ba này bao gồm hai vế. Vế thứ nhất nhắc nhở ta phải nêu tâm nguyện lớn, nối tiếp con đường thực hành lý tưởng, thực hành các pháp môn mà chư Phật ba đời và các vị Bồ tát đã làm. Vế thứ hai nhắc nhở ta cần có đức tính từ bi, trí tuệ và thái độ không sợ hãi.

Với sự so sánh trên, ta phát nguyện, thể hiện đức tính từ bi và tuệ giác. Đây chính là hai đức tính thể hiện bản chất của đạo Phật. Tu mà không có đức tính từ bi sẽ không thể độ sanh được. Nếu có lòng từ bi nhưng lại không có tuệ giác dẫn đường thì việc độ sanh đó dễ thất bại, bị sai sử bởi những cảm tính.

Bằng kinh nghiệm của người đi trước, tôi khuyên những vị mới xuất gia, trong những năm tháng tập sự tu hành, đừng phát triển lòng từ bi quá sớm. Chúng ta có thể lạnh nhạt với cuộc đời, nhưng bên cạnh đó, hãy phát triển trí tuệ để giữ mình. Vì lòng từ bi và tình cảm, chỉ cách nhau trong đường tơ kẻ tóc của sự nhận thức. Nếu ta không hiểu được bản chất của từ bi, khó hành động cho đúng lợi lạc. Khi ta dấn thân nhiều mà không có tuệ giác thì lòng từ bi có thể bị biến thành tình cảm và dẫn đến tình yêu.

Những năm tháng đầu tiên đó, ta phải nuôi nấng trí tuệ bằng cách đọc, thọ trì và ứng dụng kinh điển thật nhiều. Ta có thể học với bất cứ vị thầy nào và học ở bất cứ nơi đâu. Việc tìm thầy để học là ta đang đi tìm cơ hội hoàn thiện sự hiểu biết về Phật pháp. Khi học càng nhiều với các bậc thầy đạo cao đức trọng sẽ có ích cho ta nhiều chừng đó.

Trong vế thứ hai của lời phát nguyện thứ ba này, có một yếu tố tâm lý quan trọng, nhắc nhở những người xuất gia về thái độ không sợ hãi. Sự sợ hãi làm cho con người bất an, không vững chãi và dễ bị chao đảo trước những lý tưởng. Khi ta có được dòng chảy chánh niệm tỉnh thức trong cử chỉ đi, đứng, nằm, ngồi và các sinh hoạt khác, lúc ấy ta có được thiền định. Việc luyện tập thiền định chính là phương pháp giúp cho ta có thái độ không sợ hãi. Từ đó, ta sống với tất cả những giá trị trong hiện tại, không dễ vui trong các giác quan, không chạy theo những dục vọng thấp kém. Ta có được chất liệu của sự an lạc, vững chãi, tự tin để có thể đi trọn con đường tu của mình.

Người tu cần có ba đức tính từ bi, trí tuệ và sự không sợ hãi. Ta từng bước sống bằng thái độ, hành động của một con người có tấm lòng vị tha cao cả. Đó là một hệ quả, khi cái này có, kéo theo cái kia có. Sự tương tác giữa lòng từ bi cao cả, tuệ giác và lòng vô úy là luôn là hai chiều.

Khi phát xuất từ thái độ không sợ hãi, ta có sự nhận thức sáng suốt, có tuệ giác và thấy được những nỗi khổ niềm đau, ta sẽ khởi lên lòng từ bi và phát nguyện độ sanh.

Có được như thế, ta mới thật sự là những người đang nối gót theo bước chân của đức Phật. Những gì đức Phật đã đạt được, chắc chắn chúng ta sẽ đạt được, ở giai đoạn này, hay giai đoạn khác trong tương lai.

Theo tôi, người xuất gia phải ghi nhớ ba chí nguyện trên. Đừng đi ngược lại với những gì mà chúng ta đã hy sinh cả cuộc đời. Nếu những ai đang sống và tu tập, nhưng chưa có được những chí nguyện thì phải nêu quyết tâm đạt được. Ngay cả trong trường hợp ta làm Phật sự cho giáo hội với vai trò này hay vị trí kia, không khéo, ta cũng bị rơi vào danh lợi giống như danh lợi của thế gian. Nếu ta làm tăng quan, tức là nhà sư có vị trí trong giáo hội, ta cũng nêu chí nguyện không để cho những thứ này ràng buộc ta, làm mất đi những lý tưởng của Phật pháp. Chức vụ chỉ là sự hỗ trợ của ta cho những người đồng tu. Có như vậy, việc dấn thân mới được nhẹ nhàng, thảnh thơi, không vướng mắc.

Có hai câu dân gian trong Phật giáo nói về nỗi sợ hãi của những người muốn xuất gia. Đó là:

Cà sa vị trước hiềm đa sự,

Dĩ trước cà sa, sự cánh đa.

Không trở thành người xuất gia được là vì đời sống tại gia quá bận bịu bởi nhiều thứ ràng buộc về danh vọng, chức tước, hoàn cảnh gia đình. Khi đã vào chùa làm tu sĩ rồi thì Phật sự lại nhiều hơn. Khi nhìn thấy, nghe kể hoặc chứng kiến quá nhiều về những tiêu cực của người tu, bị ấn tượng, thất vọng, chán nản, bỏ cuộc, không có nguyện vọng muốn tu nữa. Họ cho rằng đời sống của người tu là như thế. Đây là sự suy diễn theo nguyên lý biến cá thể thành tổng thể.

Hai câu thơ trên được hiểu dưới một góc độ tích cực hơn. Khi trở thành người tu mặc áo cà sa rồi, chúng ta phải làm việc Phật sự nhiều hơn, bận rộn hơn người tại gia. Người tại gia chỉ làm việc theo giờ hành chánh, được qui định tám tiếng mỗi ngày, và thời gian còn lại, họ vui sống với gia đình. Trong khi đó, người xuất gia nếu gánh vác vai trò, chí nguyện, tâm lượng lớn thì sau tám giờ làm công việc Phật sự, phải tiếp tục làm những công việc khác như: dịch kinh, viết sách, phác thảo chương trình, kế hoạch v.v… Vì thế, có nhiều vị một ngày làm việc từ mười giờ cho đến hai mươi giờ. Đức Phật và các vị đại Bồ tát đều là những người có hạnh nguyện dấn thân không mệt mỏi. Ta phải có một cách nhìn tích cực, vui vì mình có cơ hội làm được nhiều điều phước báu, vui vì mình có cơ hội để công phu tu tập, dấn thân làm nhiều việc có ích.

Hãy thử đặt mình trong một tình huống, nếu ta là một chú tiểu. Ngày hôm đó, ta được thầy phân công quét ngôi chùa dài khoảng một cây số, sau đó ta còn phải đi học. Vậy mà hôm đó, ta lại phải gồng gánh thêm phần việc của một chú tiểu khác. Với phần việc được giao, chắc chắn là mình sẽ bị trễ học, lúc đó tâm niệm không tốt của ta sẽ xuất hiện. Ta bị vướng mắc với tâm trạng không vui.

Nếu chú tiểu này có nhận định sáng suốt sẽ thấy, ngày hôm nay mình có cơ hội làm được nhiều phước báu hơn. Hàng ngày, thầy đã chia đều công việc cho mọi người, ai cũng có cơ hội được làm phước báu như nhau. Ngày hôm nay cảm thấy thật sung sướng, hạnh phúc, dù ta phải đi học trễ một tí. Khi tâm niệm như vậy, trong trường hợp này phước báu của ta sẽ tăng gấp nhiều lần.

Điểm khác biệt ở đây chỉ tùy thuộc vào cách nhìn, cách nghĩ của chúng ta. Nếu có cách nhìn tích cực và làm việc với tâm tích cực, ta sẽ có phước báu lớn.

Những người tại gia cũng nên có suy nghĩ tích cực khi làm nhiều công việc hay Phật sự, nên lấy đó làm niềm vui, và tâm niệm rằng ngày hôm nay ta đã thực hiện được hạnh nguyện của Bồ tát.

Người đã xuất gia và người đang tập sự xuất gia cần phân biệt đến hai lối sống tích cực và tiêu cực, lối sống của lòng vị kỷ và lòng vị tha. Lối sống tích cực theo hướng vị tha, dấn thân làm lợi ích cho nhiều người, sẽ có giá trị lớn. Ý thức được như thế, ta có một quyết định sáng suốt và không hề hối hận. Thậm chí, khi phải tiếp xúc với những con người tiêu cực, chán nản, tâm ta sẽ không bị ảnh hưởng, chi phối theo sự tầm thường của họ. Chính ở những nơi có nhiều lỗ hổng là cơ hội để ta đóng góp, làm nhiều Phật sự hơn.

Điều quan trọng là ta cần nhận thức rõ giá trị trong sự dấn thân phục vụ của ta là vì lợi ích cho tha nhân, cộng đồng và xã hội. Đây mới chính là cái nhìn và chí nguyện của các vị Bồ tát. Chúng ta sống bằng thái độ và hành động vị tha, cao cả của các Ngài, thể hiện được tinh thần rộng lớn của đại thừa, hoàn thành chí nguyện xuất trần, cùng nối gót con đường độ sanh của các bậc tiền bối.

***