CHƯƠNG 7
GIÁ TRỊ VÀ LỢI ÍCH CỦA TỪ
BI
ĐẶC ĐIỂM CỦA TỪ BI
Khi các cuộc thảo luận của chúng tôi tiếp diễn,
tôi khám phá thấy sự phát triển từ bi đóng một vai trò trong cuộc đời của Đức
Đạt Lai Lạt Ma lớn hơn chỉ là phương tiện để trau dồi cảm nghĩ nhiệt tình và
tình cảm, một phuơng tiện cải thiện mối quan hệ với người khác. Thực ra rõ ràng,
là với tư cách một người Phật Tử đang tu hành, phát triển lòng từ bi là một phần
tối thiết trên con đường huân luyện tinh thần của Ngài.
"Vì tầm quan trọng đó mà Phật Giáo coi từ bi là
một phần thiết yếu trong việc phát triển tinh thần", tôi hỏi" Ngài có thể định
nghĩa rõ ràng hơn cái mà Ngài gọi là từ bi?
Đức Đạt Lai Lạt Ma trả lời, "Từ bi có thể định nghĩa đại thể là trạng thái
tâm không dùng bạo lực, không làm hại ai, và không hiếu chiến. Đó là một quan
điểm tinh thần căn cứ vào sự mong muốn người khác thoát khỏi khổ đau, và kết hợp
với ý thức tận tâm, trách nhiệm và tôn trọng đối với người khác. "Bàn đến định
nghĩa về từ bi, tiếng Tây Tạng từ Tse-wa cũng có nghĩa là trạng thái tâm bao gồm
một sự mong ước điều tốt lành cho chính mình. Trong việc phát triển từ bi, ta có
thể bắt đầu bằng mong ước cho chính mình thoát khỏi khổ đau, và rồi thì đem cảm
nghĩ tự nhiên này hướng về chính mình, trau dồi và nâng cao nó, mở rộng nó ra
cho cả những người khác.
"Bây giờ, khi người ta nói đến từ bi, tôi nghĩ
rằng thường có nguy cơ lầm lẫn tình thương với lòng quyến luyến. Cho nên khi
thảo luận về từ bi, trước tiên chúng ta phải phân biệt hai loại thương yêu hay
tình thương. Một loại tình thương nhuốm màu luyến ái - cảm tưởng kiểm soát ai
đó, hay thương yêu một người nào đó để người đó yêu lại mình. Loại thương yêu
hay tình thương thông thường này khá không công bằng và thiên vị. Và sự quan hệ
chỉ dựa vào điều đó không vững bền. Loại quan hệ thiên vị dựa vào quan sát và
nhận biết người đó là bạn, có thể dẫn đến một sự gắn bó cảm xúc nào đó và cảm
nghĩ muốn gần gũi. Nhưng trong tình trạng ấy chỉ cần nếu có một sự thay đổi nhỏ
như bất hòa, hay người bạn làm điều gì đó khiến cho bạn tức giận, thì đột nhiên
tất cả dự định tinh thần đều thay đổi, khái niệm"bạn tôi" không còn nữa. Rồi bạn
sẽ thấy sự gắn bó cảm xúc đó tan biến, và thay vì cảm giác thương yêu và lo
lắng, bạn có cảm nghĩ căm ghét. Cho nên loại tình yêu dựa vào sự quyến luyến, có
thể dính chặt chẽ với hận thù.
"Nhưng có một loại từ bi thứ hai không có sự gắn
bó quyến luyến như thế. Đó là từ bi chân chính. Loại từ bi này không dựa nhiều
vào việc người này hay người kia thân mật với tôi. Đúng hơn là, từ bi chân chính
dựa vào nhân tố căn bản là tất cả mọi người đều có một ham thích bẩm sinh muốn
hạnh phúc và khắc phục khổ đau, giống như chính tôi. Và cũng giống như chính
tôi, tự nhiên họ có quyền thực hiện nhiệm vụ khao khát căn bản này. Trên cơ sở
công nhận định sự bình đẳng và tính phổ biến của con người, bạn phát triển ý
thức quan hệ và gần gũi với người khác. Trên cơ sở đó, bạn cảm thấy từ bi dù bạn
nhìn người khác là bạn hay thù cũng vậy. Nó căn cứ trên quyền căn bản của con
người hơn là dự tính tinh thần riêng của bạn. Trên cơ sở đó, bạn tạo ra tình
thương và từ bi. Đó là từ bi chân chính.
"Vậy ta có thể thấy cách phân biệt giữa hai loại
từ bi này và trau dồi từ bi chân chính rất là quan trọng trong đời sống hàng
ngày. Chẳng hạn, trong hôn nhân thường có thành phần gắn bó tình cảm luyến ái.
Nhưng tôi nghĩ rằng nếu có thành phần từ bi chân chính, dựa vào vào sự tôn trọng
lẫn nhau như hai con người, hôn nhân sẽ lâu dài. Trong trường hợp gắn bó tình
cảm không có từ bi, hôn nhân không vững vàng bằng và có thể chấm dứt mau chóng
hơn ".
Ý định phát triển một loại từ bi khác, phổ quát
hơn, một loại từ bi có đặc điểm chung là tách khỏi cảm nghĩ cá nhân, dường như
giống một nhiệm vụ quá nặng. Đắn đo như thể nói ra, tôi hỏi,"Nhưng tình yêu và
từ bi là cảm nghĩ chủ quan. Dường như sắc thái tình cảm hay cảm nghĩ về tình yêu
và từ bi thì cũng như nhau dù chúng có pha chút luyến ái hay "chân thành". Vậy
nếu một người kinh qua cùng một cảm xúc hay cảm nghĩ giống như thế trong cả hai
loại, tại làm sao phân biệt giữa hai loại lại quan trọng?
Bằng một giọng dứt khoát, Đức Đạt Lai Lạt Ma trả
lời, "Trước nhất tôi nghĩ rằng nét khác biệt giữa cảm nghĩ thương yêu chân chính
hay từ bi và thương yêu căn cứ vào sự gắn bó. Nó không phải là cảm nghĩ giống
nhau. Cảm nghĩ về từ bi chân chính mạnh mẽ hơn và rộng lớn hơn nhiều, nó có đặc
tính rất sâu sắc. Ngoài ra tình yêu và từ bi chân chính vững vàng hơn nhiều và
đáng tin cậy hơn. Thí dụ nếu bạn nhìn thấy một con vật đang bị đau đớn hết sức
như con cá đang quằn quại vì lưỡi câu, cùng lúc bạn có thể có cảm nghĩ không thể
chịu đựng được cái đau đớn như con cá đó. Cảm nghĩ đó không căn cứ vào mối liên
tưởng đặc biệt nào đến riêng con vật đó, một cảm nghĩ, "Ô, con vật đó là bạn
tôi". Trong trường hợp đó lòng từ bi của bạn chỉ dựa vào sự thật là chúng sanh
cũng có cảm giác đớn đau, và có quyền không chịu cái đau đớn như vậy. Cho nên
loại từ bi này không hòa lẫn với ham thích và luyến ái, có cơ sở hơn, và lâu bền
hơn."
Đi sâu vào chủ đề từ bi, tôi tiếp tục: "Bây giờ theo thí dụ của Ngài khi nhìn
thấy một con cá hết sức đau đớn vì lưỡi câu móc trong miệng nó, Ngài đã nêu ra
vấn đề chính yếu - liên quan đến cảm nghĩ không thể chịu đựng được cái đau đớn
của con cá"
"Đúng" Ngài trả lời."Thực ra, trong một ý nghĩa
nào đó ta có thể định nghĩa từ bi là cảm nghĩ không thể chịu đựng nổi khi nhìn
thấy người khác khổ đau, những chúng sanh khác khổ đau. Và để tạo ra cảm nghĩ ấy
ta phải cảm nhận tính chất nghiêm trọng hay trạng thái đau khổ của người khác.
Vì vậy, tôi nghĩ là càng thấu triệt sự đau khổ, các loại đau khổ mà chúng ta
phải chịu, thì mức độ từ bi càng sâu ".
Tôi đưa ra câu hỏi: "Được, tôi đánh giá cao sự
thật là càng nhận thức được khổ đau của người khác có thể nâng cao khả năng có
tâm từ bi. Thực ra, theo định nghĩa, từ bi đòi hỏi mở rộng lòng mình trước sự
khổ đau của người khác. Chia sẻ nỗi khổ đau của người khác. Nhưng có một câu hỏi
căn bản hơn: Tại sao chúng ta chạnh lòng trước cái khổ đau của người khác mà lại
không quan ngại đến khổ đau của chính chúng ta? Tôi muốn nói là đa số chúng ta
sẵn sàng làm mọi việc để tránh cái đau đớn và khổ đau của chính mình, thậm chí
đến chỗ dùng ma túy vân vân... Tại sao chúng ta lại cố ý quan tâm đến khổ đau
của người khác?
Không chút ngập ngừng, Đức Đạt Lai Lạt Ma trả
lời: "Tôi nghĩ rằng có sự khác biệt quan trọng giữa cái khổ đau của chính mình
và cái khổ đau mà bạn có thể nếm trải trong trái thái từ bi khi bạn quyết định
chia sẻ niềm đau của người khác - khác biệt trong tính chất". Ngưng một chút, và
như thể là dễ dàng nhằm vào cảm nghĩ riêng tư của tôi, Ngài tiếp tục: "Khi bạn
nghĩ về đau khổ của chính bạn, bạn có cảm giác hoàn toàn bị lân áp. Có cảm giác
nặng trĩu, bị cái gì đó dồn ép - một cảm tưởng bất lực. Có một sự buồn nản, cứ
như thể là tất cả năng lực của bạn đã trở thành tê liệt.
"Bây giờ, để tạo ra lòng từ bi, khi bạn nhận lấy
cái khổ đau của người khác, bước đầu bạn cũng có thể thấy khó chịu ở một mức độ
nào đó, một cảm giác bực bội hay không chịu đựng nổi. Nhưng trong trường hợp có
lòng từ bi, cảm giác lại khác hẳn., bên dưới cảm nghĩ khó chịu là tính hoạt bát
quyết tâm ở mức độ rất cao vì bạn tự nguyện và chủ ý chấp nhận cái khổ đau của
người khác vì mục đích cao cả hơn. Bạn sẽ thấy liên đới và ràng buộc, chìa tay
ra giúp người khác, một cảm giác sảng khoái chứ không buồn nản. Giống như người
lực sĩ trong khi tập luyện nghiêm ngặt, người lực sĩ phải trải qua nhiều thứ -
lập kế hoạch, đổ mồ hôi, gắng sức. Tôi nghĩ rằng nếm trải điều đó đúng là khó
nhọc và mất nhiều công sức Nhưng người lực sĩ không coi đó là sự nếm trải khổ
đau. Người lực sĩ hiểu điều đó là một thành quả to lớn, mộtsự nếm trải liên kết
với cảm giác vui sướng. Nhưng nếu cũng con người ấy phải làm công việc lao động
thân thể không phải là một phần tập luyện thể thao, thì người lực sĩ ấy sẽ nghĩ
rằng: "Ồ, tại sao tôi phải chịu sự thử thách khủng khiếp này?" Vì vậy, thái độ
tinh thần gây ra sự khác biệt to lớn."
Những lời nói đó, được nói bằng sự quả quyết như
vậy, đã kéo tôi ra khỏi cái cảm giác bị đè nén thành người tìm cách giải quyết
khổ đau, vượt qua khổ đau.
"Ngài nói bước thứ nhất trong việc tạo ra loại
từ bi đó là cảm nhận đúng sự khổ đau. Nhưng có kỹ thuật đặc biệt nào khác trong
Phật Giáo dùng để nâng cao lòng từ bi của một con người không?
"Có. Thí dụ trong truyền thống của Đại Thừa Phật
Giáo, chúng tôi thấy có hai loại kỹ thuật chính để trau dồi từ bi. Chúng là
phương pháp "bẩy điểm nhân và quả" và phương pháp quan điểm và bình đẳng giữa ta
và người" Phương pháp "quan hệ và bình đẳng là kỹ thuật bạn có thể tìm thấy tại
chương tám trong cuốn "Chỉ dẫn về lối sống của Bồ Tát" của Shantideva. Nhưng,
nhìn vào đồng hồ tay của Ngài, Ngài thấy đã hết giờ, Ngài nói " Tôi nghĩ chúng
ta sẽ thực hành một vài bài tập hay thiền định về từ bi trong các cuộc nói
chuyện trước công chúng vào cuối tuần này.
Nói xong, Ngài mỉm cười nồng hậu và đứng lên
chấm dứt cuộc thảo luận.
GIÁ TRỊ THỰC SỰ CỦA ĐỜI SỐNG CON
NGƯỜI
Tiếp tục thảo luận về từ bi trong buổi gặp sau
đó, tôi bắt đầu: "Bây giờ chúng ta đang nói về tầm quan trọng của từ bi", về
niềm tin mà Ngài cho rằng tình cảm con người, thân thiện, tình bạn, và vân
vân... là những diều kiện tối thiết cho hạnh phúc. Nhưng tôi băn khoăn - thí dụ,
một thương gia giàu có đến gặp Ngài và nói " Thưa Ngài, Ngài nói rằng muốn hạnh
phúc thì thân thiện và từ bi là rất quyết định. Nhưng bản tính của tôi không
phải là người ân cần và dễ thương. Thành thực mà nói, tôi thực sự không cảm thấy
động lòng hay có lòng vị tha. Tôi có khuynh hướng đúng hơn là người khá lý trí,
thực tiễn và có lẽ là một người trí thức, và không cảm thấy những loại xúc cảm
như vậy. Tuy nhiên tôi cảm thấy dễ chịu về cuộc sống của tôi, tôi cảm thấy hạnh
phúc về điều kiện sống của tôi. Tôi rất thành công trong thương mại, bạn hữu, và
tôi chu cấp đầy đủ cho vợ con, và tôi có mối quan hệ tốt với họ. Tôi không cảm
thấy thiếu thốn gì. Phát triển từ bi, vị tha, ân cần và vân vân nghe có vẻ hay
lắm, nhưng với tôi vấn đề ấy là thế nào? Dường như chỉ là quá ủy
mị..."
"Trước hết" Đức Đạt Lai Lạt Ma trả lời " nếu ai
đó nói điều đó, tôi vẫn còn ngờ rằng liệu người ấy có thực sự hạnh phúc trong
thực tế không. Tôi thật sự tin là từ bi cung cấp cơ sở cho sự sinh tồn của con
người, giá trị thực sự của đời sống con người, không có điều đó sẽ thiếu một bộ
phận căn bản. Hết sức nhậy cảm trước cảm nghĩ của người khác là một yếu tố của
thương yêu và từ bi. và không có nó, thí dụ, tôi nghĩ người đó gặp khó khăn
trong quan hệ với vợ. Nếu một người thực sự có thái độ lãnh đạm đối với đau khổ
và cảm nghĩ của người khác, dù cho là tỷ phú, có học vân, không có vấn đề gì với
vợ và con, và được quấy quần bởi bạn bè, những thương gia giàu có, chính trị
gia, và những nhà lãnh đạo quốc gia, tôi nghĩ bất chấp những thứ đó, hiệu quả
của tất cả những thứ tích cực đó chỉ ở trên trên bề mặt.
Nhưng nếu người đó vẫn tiếp tục không cảm thấy
từ bi, không cảm thấy thiếu thốn gì ...thì có thể là có chút khó khăn giúp cho
người ấy hiểu được sự quan trọng của từ bi..."
Đức Đạt Lai Lạt Ma ngừng lại hồi lâu để suy nghĩ. Thỉnh thoảng ngừng lại
trong suốt những buổi đàm đạo, không tạo sự im lặng khó xử nào, mà đúng hơn là
những lúc ngừng lại này giống như lực hấp dẫn, thấu thập thêm sức thuyết phục và
ý nghĩa cho những lời của Ngài khi cuộc đàm đạo tiếp nối trở lại.
Cuối cùng Ngài tiếp tục, "Tuy nhiên cho dù là
đúng, vẫn có một vài điều mà tôi cần lưu ý. Trước nhất, tôi có thể gợi ý cho
người đó suy nghĩ về kinh nghiệm của chính mình. Người ấy sẽ thấy rằng nếu có
một người nào đó đối xử với mình bằng lòng từ bi và tình cảm, điều đó sẽ làm cho
người ấy cảm thấy hạnh phúc. Vì vậy nên trên cơ sở kinh nghiệm ấy, nó sẽ giúp
cho người ấy nhận ra rằng người khác cũng cảm thấy vui khi được đối xử ân cần và
từ bi. Cho nên, công nhận sự việc này sẽ làm cho người ấy tôn trọng hơn nữa độ
nhậy cảm xúc của người khác và làm cho người ấy thiên về việc đem từ bi và ân
cần đến cho người khác. Đồng thời người ấy khám phá ra rằng mình càng ân cần với
người khác bao nhiêu thì mình lại càng nhận được nhiều ân cần bây nhiêu. Tôi
không nghĩ rằng phải mất nhiều thời gian người đó mới nhận thức ra điều đó.
Thành thử, điều này trở thành cơ sở cho tình bạn và sự tin cậy lẫn nhau. "Bây
giờ, giả dụ người này có tất cả những điều kiện thuận lợi cụ thể này, thành công
trong đời, bạn hữu xum vầy, tài chính bảo đảm, và vân vân..., tôi nghĩ thấm chí
có thể là gia đình con cái đều nương tựa vào người ấy và hồ như thỏa mãn vì
người ấy thành công, và họ có nhiều tiền bạc và một cuộc sống sung túc. Tôi nghĩ
rằng ở mức độ nào đó thậm chí không cần có cảm xúc ân cần và tình cảm của con
người, người ấy không nếm mùi cảm giác thiếu thốn. Nhưng nếu người ấy cảm thấy
mọi thứ đều ổn thỏa, không thực sự cần phát triển từ bi, tôi cho rằng cách nhìn
đó là do vô minh và thiển cận. Dù cho có vẻ là những người khác phải nương nhờ
vào người ấy khá nhiều, trên thực tế những gì đang xẩy ra là quá nhiều quan hệ
hay tác động qua lại của những người đó với người ấy chỉ căn cứ trên sự nhận
thức rằng người ấy là nguồn thành công giàu có. Họ có thể chịu ảnh hưởng bởi của
cải và quyền thế của người ấy và chỉ liên hệ vói người ấy về những thứ đó chứ
không phải là chính người ấy. Cho nên trong một ý nghĩa nào đó, mặc dầu họ không
nhận được sự ân cần và tình cảm của người ấy, nhưng họ vẫn bằng lòng, và có thể
không mong muốn gì hơn nữa. Nhưng điều gì sẽ xẩy ra khi cơ đồ của người ấy bị sa
sút, lúc ấy cơ sở của sự quan hệ sẽ suy yếu. Rồi người ấy sẽ bắt đầu thấy hậu
quả của sự không có ân cần và lập tic bắt đầu đau khổ.
"Tuy nhiên, nếu có lòng từ bi, đương nhiên đó là
điều mà họ có thể trông cậy vào, cho dù có những khó khăn kinh tế, và sự giàu có
xuống dốc, họ vẫn có điều gì đó để chia sẻ với đồng loại. Kinh tế thế giới lúc
nào cũng mong manh và chúng ta phải chịu quá nhiều mất mát trong đời sống, nhưng
thái độ từ bi là điều chúng ta lúc nào cũng phải mang theo với chúng ta".
Người thị giả mặc áo choàng nấu sẫm vào phòng và
lặng lẽ rót trà, trong khi Đức Đạt Lai Lạt Ma tiếp tục, "Đương nhiên muốn giảng
giải cho ai đó về sự quan trọng của từ bi, trong một số trường hợp, bạn phải đối
đầu với người rất cứng rắn, cá nhân chủ nghĩa và ích kỷ, người đó chỉ biết đến
mình, quyền lợi của mình. Và thậm chí có thể là có những người không có khả năng
thông cảm ngay cả những người mà họ thương yêu hay gần gũi với họ. Nhưng ngay cả
với những người như thế, vẫn có thể bày tỏ tầm quan trọng của từ bi và tình
thương trên cơ sở rằng đó là cách tốt nhất để đáp ứng lợi ích cho bản thân họ.
Họ mong muốn có sức khỏe tốt, sống lâu, và an tâm, hạnh phúc và sung sướng. Và
nếu đây là những thứ mà họ ham thích, tôi nghe nói rằng có cả bằng chứng khoa
học là những thứ đó có thể được tôn lên bởi cảm nghĩ thương yêu và từ bi...
Nhưng là một bác sĩ, bác sĩ tâm thần, có lẽ ông phải biết nhiều hơn về những xác
nhận khoa học này?"
"Thưa vâng", tôi đồng ý, "Tôi cho rằng rõ ràng
là có bằng chứng khoa học hậu thuẫn cho những xác nhận về lợi ích vật chất và
cảm xúc từ những trạng thái từ bi của tâm".
"Cho nên tôi nghĩ rằng giáo dục ai đó về những
sự việc ấy và các nghiên cứu khoa học tất sẽ khích lệ một số người trau dồi
trạng thái tâm từ bi...", Đức Đạt Lai Lạt Ma bình luận." Nhưng tôi nghĩ rằng
ngoài những nghiên cứu khoa học, có những lập luận khác cho rằng con người có
thể hiểu và cảm nhận từ những những kinh nghiệm thực tiễn hay trực tiếp hàng
ngày. Thí dụ, bạn có thể vạch ra rằng không có từ bi sẽ dẫn đến một sự tàn nhẫn
nào đó. Có nhiều thí dụ cho thấy trong một số thực tế ở một mức độ nào đó, người
tàn nhẫn thường bất hạnh phúc và không vừa lòng như Stalin và Hitler. Những
người như vậy thường chịu đựng cảm giác khó chịu bất an và sợ sệt dai dẳng. Thậm
chí khi họ ngủ tôi cho là họ vẫn cảm thấy sợ hãi... Tất cả những điều đó có thể
khó hiểu, nhưng một điều mà bạn có thể nói là những người như vậy thiếu một cái
gì mà bạn có thể tìm thấy ở một người từ bi hơn - ý thức về tự do, ý thức xả bỏ,
cho nên khi bạn ngủ bạn sẽ nguội đi và không nghĩ nữa. Người tàn nhẫn không bao
giờ có được kinh nghiệm ấy. Một cái gì đó lúc nào cũng kìm kẹp họ, ảnh hưởng tới
họ, và họ không thể có được cảm nghĩ buông bỏ, ý thức về tự do." Ngài ngừng một
chút, lơ đãng gãi đầu, và tiếp tục."Mặc dầu tôi mới chỉ ức đoán, nhưng tôi nghĩ
rằng nếu bạn hỏi một số người tàn nhẫn: Lúc nào thấy hạnh phúc hơn khi ở thời
thơ ấu được mẹ chăm sóc và được gần gũi gia đình nhiều hơn hay bây giờ khi có
nhiều quyền uy hơn, ảnh hưởng và địa vị hơn? Tôi nghĩ rằng họ sẽ trả lời họ
thích hơn lúc còn nhỏ. Tôi nghĩ rằng cả đến Stalin cũng được thương yêu bởi
người mẹ khi còn thơ ấu."
Tôi nhận xét, "Đưa Stalin ra, tôi nghĩ Ngài đã
tìm ra một thí dụ điển hình chứng minh điều Ngài nói, về hậu quả của cuộc sống
không từ bi. Ai ai cũng biết hai đặc điểm trong trong cá tính của ông ta là tàn
nhẫn và nghi kị. Stalin xem tàn nhẫn là một đức hạnh, thực tế là ông ta đã đổi
tên Djugashvili thành Stalin, có nghĩa là "con người thép" Và trong cuộc đời ông
ta ông càng tàn nhẫn ông ta lại càng trở nên nghi kị. Sự nghi kị của ông ta ai
cũng biết. Rốt cuộc sợ hãi và nghi kị người khác dẫn đến những cuộc thanh trừng
lớn và những chiến dịch chống lại nhiều nhóm người khác ở đất nước ông ta, dẫn
đến tù đầy và hành quyết hàng triệu người. Nhưng ông vẫn thấy kẻ thù ở khắp nơi.
Không lâu trước khi ông chết, ông ta đã nói với Nikita Khruschev, "tôi không tin
ai cả, kể cả chính tôi nữa". Lúc cuối đời ông ta còn thù địch cả với bộ tham mưu
tin cẩn nhất của ông. Rõ ràng là càng tàn nhẫn và oai quyền, ông ta càng bất
hạnh phúc. Một người bạn của ông đã nói cuối cùng nét nhân tính duy nhất của ông
để lại là sự bất hạnh của ông. Svetlana, con gái của ông mô tả ông sao mà khổ vì
cô đơn và trống trải đến mức ông không còn tin tưởng là người ta có thể thực sự
thành thực hay nhiệt tâm.
"Dầu sao, tôi biết thật khó mà hiểu được một con
người như Stalin và tại sao họ có thể làm được những việc kinh khủng như vậy.
Nhưng một trong những điểm mà chúng ta nói tới là ngay cả những thí dụ cực đoan
về người tàn nhẫn họ cũng luyến tiếc quá khứ khi nhìn lại một số khía cạnh êm
đềm hơn trong thời thơ ấu của họ, như tình thương yêu từ người mẹ. Nhưng sẽ ra
sao đối với nhiều người không có tuổi thơ êm đềm hay không có người mẹ thương
yêu? Những người bị ngược đãi vân vân? Hiện tại, chúng ta đang thảo luận về đề
tài từ bi, Để mọi người phát tâm từ bi Ngài có nghĩ rằng họ cần được chăm sóc
nuôi dưỡng bởi những bậc cha mẹ hay bảo mẫu có tính ân cần và tình cảm
không?"
"Vâng, tôi nghĩ điều đó rất quan trọng."Ngài
ngưng một chút, tự động lần tràng hạt một cách khéo léo trong những ngón tay của
Ngài và ngẫm nghĩ." Có một số người, ngay từ lúc đầu, chịu nhiều đau khổ và
thiếu tình cảm của người khác.- cho nên sau này trong đời sống hầu như họ không
có cảm tính con người, không có khả năng từ bi và tình cảm, những người đó rất
nhẫn tâm và tàn bạo..." Đức Đạt Lai Lạt Ma ngưng lại nữa, và dường như cân nhắc
vấn đề một cách nghiêm chỉnh một lúc. Khi Ngài cúi xuống uống trà, ngay đường
nét đôi vai Ngài cũng cho thấy Ngài đang suy nghĩ lung lắm. Ngài không chứng tỏ
ra ý định tiếp tục ngay, và chúng tôi lặng lẽ uống trà. Cuối cùng Ngài nhún vai
như thể thừa nhận Ngài không có giải pháp.
"Vậy Ngài có nghĩ là những kỹ thuật nâng cao sự
đồng cảm và phát triển từ bi sẽ không giúp ích gì cho hạng người có một quá
trình khó khăn nhu vậy?"
"Bao giờ các lợi ích cũng có mức độ khác nhau
nhận được khi thực hành những phương pháp và kỹ thuật khác nhau tùy thuộc vào
hoàn cảnh riêng biệt của mỗi người", Ngài giảng giải."Cũng có thể trong một số
trường hợp những kỹ thuật ấy hoàn toàn vô hiệu quả..."
Cố gắng làm sáng tỏ, tôi cắt ngang: "Những kỹ
thuật đặc biệt để nâng cao từ bi mà Ngài nói đến là...?
"Đó là điều mà chúng ta vừa nói đến. Trước nhất,
nhờ học hỏi, hoàn toàn hiểu biết giá trị của từ bi - nó cho bạn cảm tưởng tin
chắc và quyết tâm. Rồi sử dụng các phương pháp nâng cao sự đồng cảm, như dùng óc
tưởng tượng, sáng tạo và hình dung mình trong tình cảnh của người khác. Và cuối
tuần này trong cuộc nói chuyện trước công chúng, chúng ta sẽ bàn về một số bài
tập hay cách thực hành mà bạn sẽ tu tập như cách tu tập Tong-Len, dùng để củng
cố từ bi của bạn. Nhưng tôi nghĩ rằng quan trọng là phải nhớ rằng những kỹ thuật
này như sự tu tập Tong Len,được phát triển để giúp ích càng nhiều càng tốt, ít
nhất cũng một phần nhân loại. Nhưng không bao giờ có thể mong ước là kỹ thuật ấy
có thể giúp ích cho 100 phần trăm con người, toàn thể dân số con người.
"Nhưng vấn đề chính thực ra là nếu chúng ta nói
đến những phuơng pháp khác nhau để phát triển từ bi -- điều quan trọng là người
ta có thành thực nỗ lực trong việc phát triển khả năng phát tâm từ bi không. Mức
độ mà họ thực sự có thể trau dồi từ bi tùy thuộc vào quá nhiều sự thay đổi, ai
có thể nói được? Nhưng nếu họ hết sức nỗ lực, nhằm tử tế hơn, để trau dồi từ bi,
và làm cho thế giới này tốt đẹp hơn, rồi thì đến cuối ngày, họ có thể nói "Ít
nhất tôi đã làm hết mình".
LỢI ÍCH CỦA TỪ BI
Trong những năm vừa qua đã có nhiều cuộc nghiên
cứu ủng hộ ý kiến cho rằng phát triển từ bi và vị tha đã có một tác động tích
cực về sức khỏe thể chất và cảm xúc. Thí dụ trong một thử nghiệm nổi tiếng,
David MacClelland, một nhà tâm lý học thuộc Đại Học Harvard cho một nhóm sinh
viên xem cuốn phim về Mẹ Teresa hoạt động giúp những người đau yếu và nghèo khổ
tại Calcutta. Những sinh viên này thuật lại cuốn phim kích thích cảm nghĩ từ bi.
Sau đó nhà tâm lý học này phân tích nước bọt của các sinh viên này và phát hiện
ra có sự gia tăng chất immuno-globulin-A, một kháng thể có thể giúp chống lấy
nhiễm đường hô hấp. Trong một cuộc khảo cứu khác của James House tại Trung Tấm
Nghiên Cứu của Đại Học Michigan, những nhà nghiên cứu thấy làm những công việc
thiện nguyện đều đặn, tương tác với người khác bằng thái độ từ bi và ân cần,
tăng tuổi thọ thêm và chắc chắn là tăng sức sống chung. Nhiều nhà nghiên cứu
khác trong lĩnh vực mới về tâm-thể trong y học đã chứng minh những khám phá
tương tự, dẫn chứng trạng thái tích cực của tâm có thế cải thiện sức khỏe thể
chất của chúng ta.
Thêm vào hiệu quả lợi ích về sức khỏe thể chất
của ta, có bằng chứng là từ bi và ứng xử chu đáo có lợi cho sức khỏe xúc cảm.
Những cuộc nghiên cứu cho thấy chìa tay ra giúp đỡ người khác có thể đem lại cảm
giác hạnh phúc, điềm tĩnh hơn, và ít chán nản hơn Trong một cuộc nghiên cứu ba
mươi năm của một nhóm tốt nghiệp tại Đại Học Harvard, nhà nghiên cứu George
Vaillant kết luận, thực tế áp dụng lối sống vị tha là một thành tố cốt yếu có
lợi cho sức khỏe tinh thần. Một cuộc khảo sát khác của Allan Luks, được tiến
hành với vài ngàn người thường xuyên tham gia các hoạt động tình nguyện giúp đỡ
người khác, cho thấy hơn 90 phần trăm những người tình nguyện ấy báo cáo họ
'"hân hoan" liên tưởng đến hoạt động này, có đặc điểm là cảm thấy ấm áp tình
người, nhiều nghị lực hơn, hồ như phớn phở. Họ cũng cảm thấy cảm giác bình thản
rõ ràng, và nâng cao giá trị của mình sau hành động mà cách ứng xử chu đáo không
chỉ mang lại tác động nuôi dưỡng xúc cảm mà người ta còn thấy rằng sự điềm tĩnh
của người giúp đỡ liên quan đến sự giảm bớt các loại rối loạn thể chất do căng
thẳng.
Trong khi rõ ràng bằng chứng khoa học là hậu
thuẫn cho lập trường Đức Đạt Lai Lạt Ma về giá trị thực sự và thực tiễn của từ
bi, ta không cần phải chỉ dựa vào những công cuộc thử nghiệm và khảo sát để xác
định sự đứng đắn của quan điểm này. Chúng ta có thể nhận ra sự liên quan chặt
chẽ của quan tâm, từ bi, và hạnh phúc riêng tư trong đời sống của chúng ta và
đời sống của những người chung quanh. Joseph, một nhà thầu xấy cất sáu mươi
tuổi, mà tôi gặp vài năm nay, là một minh họa tốt cho việc này. Trong ba mươi
năm, Joseph điều khiển công việc kiếm tiền dễ dàng, lợi dụng việc xấy cất tăng
vọt dường như vô tận tại Arizona để trở thành triệu phú. Tuy nhiên vào cuối thập
niên 80, việc buôn bán bất động sản địa ốc đổ vỡ tồi tệ nhất trong lịch sử
Arizona. Joseph bị thiệt hại nặng và mất mọi thứ. Cuối cùng ông phải tuyên bố
phá sản Những khó khăn về tài chánh gây căng thẳng trong hôn nhân của ông, dẫn
đến ly dị sau 25 năm chung sống. Không đáng ngạc nhiên lắm, Joseph đã không chịu
đựng được mọi sự. ông bắt đầu uống rượu nhiều. May mắn là cuối cùng ông đã bỏ
được rượu nhờ sự giúp đỡ của Hội Bài Trừ Rượu (AA). Là thành viên trong hoạt
động của Hội này, ông trở thành người bảo trợ, và giúp người khác chừa rượu. Ông
nhận ra ông rất vui trong vai trò bảo trợ, chìa tay giúp người khác, và tình
nguyện gia nhập vào các tổ chức khác. ông đã đem kinh nghiệm làm ăn của ông để
giúp đỡ những người bị thiệt thòi kinh tế. Nói về đời sống hiện tại, ông nói,
"Hiện tôi có một cơ sở tân trang nhỏ Cơ sở này có thu nhập vừa phải, nhưng tôi
hiểu rằng tôi sẽ không bao giờ giàu có bằng trước đây. Điều nực cười là tuy vậy
tôi thực sự không muốn có tiền như truớc đây nữa. Tôi muốn dành nhiều thì giờ
tình nguyện làm cho các đội ngũ khác nhau, trực tiếp làm việc với mọi người, và
giúp đỡ họ bằng tất cả khả năng của tôi. Những ngày này, tôi cảm thấy hoàn toàn
vui sướng từng ngày hơn là cả tháng kiếm được nhiều tiền. Tôi hạnh phúc hơn bao
giờ hết trong đời tôi."
THIỀN ĐỊNH VỀ TỪ BI
Như đã hứa trong khi đàm đạo, đúng theo lời
Ngài, Đức Đạt Lai Lạt Ma kết thúc bài giảng trước công chúng bằng một cuộc hành
thiền về từ bi. Đó là một bài tập đơn giản. Tuy vậy bằng một lối nói mạnh mẽ và
tao nhã, dường như Ngài tóm tắt và kết tinh lại cuộc thảo luận về từ bi trước
đây, biến nó thành một buổi tập chính thức trong năm phút, trực tiếp vào ngay
điểm.
Muốn phát tâm từ bi, bạn bắt đầu bằng cách công
nhận bạn không muốn khổ đau và bạn có quyền có hạnh phúc. Điều này có thể được
kiểm chứng hay được công nhận là đúng bằng kinh nghiệm của bạn. Rồi bạn công
nhận những người khác, cũng giống như bạn, cũng không muốn khổ đau và cũng có
quyền có hạnh phúc. Vậy nên việc đó trở thành cơ sở để bạn phát tâm từ bi.
"Vậy... hôm nay chúng ta hãy thiền định về từ
bi. Bắt đầu mường tượng đến một người hết sức đau khổ, một người đau đớn hay ở
trong một tình trạng rất bất hạnh. Trong ba phút đầu thiền tập, suy ngẫm về đau
khổ của một cá nhân theo phép phân tích - hãy nghĩ đến sự đau khổ dữ dội và tình
trạng sống bất hạnh của người ấy. Sau khi nghĩ đến sự đau khổ của người ấy trong
vài phút, kế đến, cố gắng liên hệ việc đó đến chính mình, nghĩ rằng cá nhân ấy
cũng có khả năng chứng nghiệm đau khổ, niềm vui và hạnh phúc, và cũng đau khổ
như mình đau khổ. Rồi, cố gắng để câu trả lời tự nhiên của bạn phát sinh - một
cảm tính từ bi tự nhiên đối với người ấy. Cố gắng đi đến kết luận, hãy nghĩ xem
bạn mong muốn người ấy thoát khỏi khổ đau mạnh đến đâu. Giải quyết điều đó sẽ
giúp người đó thoát khỏi khổ đau. Cuối cùng, hãy trụ tâm vào loại kết luận hay
giải pháp đó, và trong mấy phút cuối cùng của buổi thiền tập, cố gắng phát tâm
trong một trạng thái từ bi hay thương yêu."
Với lời giảng trên, Đức Đạt Lai Lạt Ma khoanh
chân ngồi trong tư thế thiền định, hoàn toàn bất động Ngài hành thiền cùng với
cử tọa. Một sự im lặng hoàn toàn. Nhưng có điều gì đó đang khơi dậy trong khi
ngồi ở cuộc họp sáng đó. Tôi nghĩ rằng cả đến người cứng cỏi nhất cũng không thể
tránh bị lay chuyển khi bị vấy quanh bởi một nghìn rưởi người, mỗi người đều nắm
giữ tư tưởng từ bi trong tâm. Sau một vài phút, Đức Đạt Lai Lạt Ma thốt lên một
câu kinh bằng tiếng Tây Tạng, giọng của Ngài trầm trầm, nhịp nhàng, lên bổng
xuống trầm gây lắng dịu và khoan khoái.
-ooOoo-