Hôn nhân - Gia đình
Nghệ thuật tạo Hạnh phúc
Tác Giả: ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA và Bác Sĩ HOWARD C. CUTLER Dịch Giả: Tỳ kheo THÍCH TÂM QUANG
29/10/2554 06:50 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

PHẦN IV

VƯỢT QUA CÁC CHƯỚNG NGẠI
(tiếp theo)

-ooOoo-

CHƯƠNG 14

ĐỐI TRỊ VỚI LO ÂU VÀ XÂY DỰNG LÒNG TỰ TRỌNG

Người ta đánh giá rằng trong một đời người, ít nhất một phần tư người Mỹ bị suy nhược bởi lo ấu hay lo lắng đủ nghiêm trọng theo tiêu chuẩn chẩn bệnh y tế về chứng lo ấu. Nhưng ngay cả những người chưa bao giờ bị chứng bệnh lo ấu hay tình trạng bất lực trước lo ấu vào lúc này hay lúc khác, sẽ trải qua nhiều mức độ phiền muộn và lo ấu thái quá mà không đáp ứng được mục đích hữu ích nào cả và chẳng tác dụng gì cả ngoài việc xói mòn hạnh phúc và ngăn cản khả năng đạt mục tiêu.

Bộ não con người được trang bị với một hệ thống phức tạp dành để ghi nhận những cảm xúc sợ sệt và lo lắng. Hệ thống này đáp ứng một chức năng quan trọng - nó huy động chúng ta phản ứng với nguy hiểm bằng cách phát động hàng loạt những phản ứng sinh lý và sinh hóa. Khía cạnh thích ứng cho lo lắng là làm cho chúng ta biết trước nguy hiểm và có hành động phòng ngừa. Cho nên, một số loại sợ hãi, và mức lo ấu nào đó có thể là lành mạnh. Tuy nhiên, cảm xúc sợ hãi và lo ậu có thể dai dẳng và thậm chí leo thang khi không có đe dọa đích thực, và khi những cảm xúc này phát triển không cân xứng với bất cứ nguy hiểm thực sự nào, chúng trở thành thích ứng sai. Lo ấu và lo lắng thái quá giống như giận dữ và sân hận có thể có những tác động tàn phá đến tâm và thân, trở thành nguồn khổ đau nhiều về xúc cảm và cả đến bệnh về thể chất.

Về mặt tinh thần lo ấu kinh niên có thể làmsuy yếu phán xét, tăng tính dễ nổi cáu, và cản trở toàn bộ tính hiệu quả của ta. Nó cũng dẫn đến những vấn đề về thể chất gồm có giảm chức năng miễn dịch, bệnh tim, rối loạn ruột dạ dày, mệt mỏi, cơ bắp căng thẳng và đau đớn. Những rối loạn của lo ấu chẳng hạn, cho thấy đã gây còi cọc cho sự phát triển của các thiếu nữ..

Trong việc tìm các chiến lược đối trị với lo ấu, trước hết chúng ta phải công nhận rằng như Đức Đạt Lai Lạt Ma sẽ vạch ra, có nhiều nhân tố góp phần làm tăng thêm sự lo ấu. Trong một vài trường hợp, có thể là một thành tố sinh học mạnh mẽ. Một số người dễ bị thương tổn thần kinh khi trải qua trạng thái lo nghĩ và lo ấu. Các nhà khoa học gia mới khám phá ra, "gien" (di truyền) liên quan đến những người hay lo lắng và suy nghĩ tiêu cực. Tuy nhiên không phải tất cả mọi trường hợp về độc tố lo lắng đều do nguyên nhân di truyền, mà hầu như chắc chắn là học tập và tình huống cũng đóng một vai trò lớn trong nguyên nhân gây bệnh.

Nhưng dù cho sự lo ấu của chúng ta chủ yếu là bẩm sinh thể chất hay tâm lý đi nữa, thì tin vui là chúng ta vẫn có cách để chữa trị. Trong những trường hợp lo ấu trầm trọng, thuốc men có thể là một phần hữu dụng trong chế độ điều trị. Nhưng hầu hết trong chúng ta phiền muộn bởi lo nghĩ và lo ấu dai dẳng hàng ngày sẽ không cần can thiệp bằng thuốc. Những chuyên viên về điều trị lo ấu nhận thấy phương pháp giải quyết đa diện là tốt nhất. Trước hết nó gồm có việc loại bỏ việc xem tình trạng sức khỏe cơ bản có phải là nguyên nhân gây ra lo ấu. Tác động cải thiện bằng cách ăn uống cho thích hợp và tập luyện cũng rất kiến hiệu. Và, như Đức Đạt Lai Lạt Ma đã nhân mạnh, trau dồi tình thương và tăng cường quan hệ với người khác cũng thúc đẩy tinh thần phân khởi và chống lại được trạng thái lo ấu.

Tuy nhiên trong công việc tìm kiếm những chiến lược thực tiễn để khắc phục lo ấu, một kỹ thuật nổi bật là có hiệu quả đặc biệt: can thiệp bằng nhận thức. Đó là một trong những phương pháp chính mà Đức Đạt Lai Lạt Ma áp dụng để khắc phục phiền muộn và lo ấu hàng ngày. Áp dụng cùng một phương pháp để chế ngự giận dữ và sân hận, kỹ thuật này đòi hỏi tích cực không chấp nhận những ý nghĩ phát sanh lo ấu và thay thế chúng bằng ý nghĩ và thái độ tích cực và hợp lý.

Vì lo ấu lan tràn trong văn hóa của chúng ta, tôi hăm hở nêu đề tài này ra với Đức Đạt Lai Lạt Ma để xem Ngài đối trị nó ra sao. Lịch trình của Ngài vào ngày đó rất bận nên tôi cảm thấy sự lo lắng của chính tôi cũng tăng lên, trước cuộc phỏng vấn, tôi được người thư ký của Ngài báo phải rút ngắn cuộc nói chuyện ngày hôm nay. Cảm thấy bị áp lực vì thời giờ và lo không thể nói hết những đề tài mong muốn,, tôi ngồi nhanh xuống và bắt dầu trở lại xu hướng lúc hỏi lúc không để cố lấy ra được những câu trả lời đơn giản của Ngài.

"Ngài biết, sợ hãi và lo ấu là chướng ngại chính trong việc hoàn thành mục tiêu của chúng ta,liệu chúng là mục tiêu bên ngoài hay là sự tiến triển bên trong. Trong khoa tâm thần chúng tôi có nhiều phương pháp giải quyết vấn đề này, nhưng tôi vẫn muốn biết quan điểm của Ngài, cách tốt nhất để khắc phục sợ hãi và lo ấu là gì ?

Không đồng ý việc quá đơn giản hóa vấn đề theo ý tôi, Ngài trả lời bằng phương pháp rất đặc trưng.

"Khi đối trị với sợ hãi, trước nhất chúng ta cần phải biết có nhiều loại lo sợ. Có những loại sợ rất chính đáng, căn cứ vào những lý do hợp lý, thí dụ như sợ bạo lực, sợ đổ máu. Chúng ta có thể thấy những điều ấy rất là xấu. Rồi có những sự lo sợ về những hậu quả tiêu cực xẩy ra sau này từ những hành động tiêu cực của ta, sợ khổ sở, sợ những cảm xúc tiêu cực như sân hận. Tôi nghĩ đó là những loại sợ hãi đứng đắn, những loại sợ hãi này đưa chúng ta vào chánh đạo, giúp chúng ta tiến tới thành người có lòng tốt." Ngài ngừng lại suy nghĩ và trầm ngâm: "Mặc dù trong một ý nghĩa nào đó đây là những loại lo sợ, tôi nghĩ có khác biệt giữa sự lo sợ những điều ấy và sự tìm hiểu của tâm về tính chất phá hoại của những điều ấy".

Ngài ngừng lại hồi lâu, và có vẻ cân nhắc, trong khi tôi lén nhìn vào đồng hồ đeo tay. Rõ ràng là Ngài không cảm thấy thì giờ đã hết như tôi. Cuối cùng Ngài tục nói một cách thong thả.

"Mặt khác có những loại sợ hãi do chính tinh thần chúng ta tạo nên. Những loại lo sợ này hoàn toàn dựa trên hình chiếu tinh thần. Thí dụ như có nhiều cái sợ hãi rất con nít; Ngài cười, "như khi còn nhỏ, đi qua chỗ tối, nhất là các phòng tối trong điện Potola thì thấy sợ [*] -- cái sợ này hoàn toàn do tưởng tượng. Hay khi còn nhỏ những người quét tước và trông nom tôi thường khuyến cáo tôi có con chim cú hay bắt trẻ con ăn thịt", Đức Đạt Lai Lạt Ma cười to hơn nữa ."Và tôi tin là họ đã nói thật".

[*] Potola là cung điện mùa đông truyền thống của Đức Đạt Lai Lạt Ma, biểu tượng của di sản lịch sử và tôn giáo Tây Tạng. Dược Vua Tây Tạng là Song-Tsen Gampo xấy dựng vào thế kỷ thứ 7, sau này bị phá hủy và không được xây dựng lại đến tận thế kỷ thứ 17 của Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 5. Công trình hiện thời đứng uy nghiêm với chiều cao 440 feettren đỉnh "Đồi Đỏ ở Lhasa. Dài hơn 1/4 dặm, có trên 1000 phòng, lễ đường, và phòng nhỏ.

Ngài tiếp tục, " Có những loại lo sợ khác căn cứ vào tưởng tượng, Thí dụ nếu bạn có những cảm tưởng tiêu cực do tình trạng tinh thần, rồi bạn suy bụng ta ra bụng người, thấy người này có vẻ tiêu cực và thù nghịch. Kết quả, bạn cảm thấy sợ hãi. Loại sợ hãi này, tôi nghĩ liên quan đến sân hận và hầu như dẫn đến sự sáng tạo tinh thần. Cho nên, đối trị lo sợ trước hết bạn cần phải sử dụng khả năng suy luận và cố gắng khám phá xem có cơ sở vững vàng nào để bạn sợ không"

Tôi hỏi, "Vậy thì, thay vì quá lo sợ, hay tập trung lo sợ vào một cá nhân hay tình huống, nhiều người trong chúng tôi bị khó chịu nhiều hơn là những lo lắng lan truyền đang diễn ra về nhiều vấn đề hàng ngày. Vậy Ngài có gợi ý gì về cách giải quyết chúng không?"

Gật đầu Ngài đáp, "Một trong những cách giải quyết mà chính tôi thấy rất hữu hiệu để giảm bớt loại lo lắng này là trau dồi tư tưởng: nếu thấy tình huống hay khó khăn có thể sửa chữa được thì không cần phải lo lắng. Nói một cách khác, nếu có giải pháp hay có lối thoát khỏi khó khăn, thì ta không cần để nó áp đảo. Hành động thích hợp là tìm ra giải pháp. Sáng suốt hơn là tập trung năng lực tìm giải pháp hơn là lo lắng về vấn đề. Còn nếu không có cách giải quyết nào thoát ra khỏi khó khăn, thì cũng không có lý do gì phải lo, vì dù sao đi nữa ta cũng đâu làm được điều gì hơn. Trong trường hợp đó, nếu bạn chấp nhận sự thật càng sớm thì bạn càng cảm thấy dễ chịu hơn. Dĩ nhiên công thức này ngụ ý, ta nên trực tiếp đương đầu với vấn đề. Nếu không bạn sẽ không thể thấy liệu có cách nào để giải quyết không."

"Còn như đã nghĩ như vậy mà vẫn không làm dịu bớt được sự lo lắng thì ta phải làm sao?"

"Vậy thì bạn phải suy nghĩ về những ý nghĩ này một chút nữa và phải củng cố những ý nghĩ này. Hãy liên tục tự nhắc nhở mình. Dù sao tôi nghĩ rằng phương pháp này có thể giúp giảm lo lắng, nhưng không phải lúc nào nó cũng có kết quả. Nếu bạn đang đối phó với sự lo lắng đang diễn ra, tôi nghĩ bạn cần phải xét đến vấn đề một cách cụ thể. Có nhiều loại lo lắng và nguyên nhân khác nhau. Thí dụ như có những loại lo lắng và bối rối có thể vì lý do sinh học; như có người bị mồ hôi ướt lòng bàn tay mà hệ thống y khoa Tây Tạng cho đó là sự mất quân bình tinh vi về mức độ sinh lực. Có vài loại lo lắng giống như suy nhược, có thể có nguồn gốc sinh học, và đối với những loại này, cách điều trị y tế có thể có ích cho loại này. Do đó, để đương đầu với lo lắng một cách có hiệu quả, bạn cần xem xét về kiểu loại và nguyên nhân.

Giống như sợ sệt, lo lắng có nhiều loại khác nhau. Thí dụ như loại lo lắng mà tôi cho là thông thường bao gồm sự lo sợ tỏ ra khờ dại truớc mặt người khác hay sợ người khác nghĩ xấu về mình."

Tôi ngắt lời: "Ngài có bao giờ sợ hay lo lắng như thế không?"

Đức Đạt Lai Lạt Ma cười phá lên và không hề do dự, trả lời: "Có chứ"

"Xin Ngài cho một thí dụ"

Ngài nghĩ một chút rồi nói: "Thí dụ như năm 1954, ở Trung Quốc, vào ngày đầu tiên gặp Chủ Tịch Mao Trạch Đông, và trong một dịp khác gặp Chu Ân Lai. Lúc ấy tôi không biết hết mọi nghi thức và tập quán ngoại giao. Thủ tục thông thường của cuộc gặp là bắt đầu bằng vài câu xã giao rồi mới đi vào phần thảo luận công việc. Nhưng lúc đó, tôi bối rối đến nỗi mới ngồi xuống đã nhảy ngay vào công việc! Đức Đạt Lai Lạt Ma cười khi nhớ lại chuyện này."Tôi còn nhớ là sau đó, người phiên dịch của tôi, một người cộng sản Tây Tạng, rất đáng tin cậy và là người bạn tốt, đã nhìn tôi cười và chế nhạo tôi về chuyện ấy.

"Tôi nghĩ rằng ngay cả bây giờ, trước buổi thuyết giảng hay nói chuyện trước công chúng, tôi vẫn cảm thấy hơi lo, cho nên những phụ tá của tôi hay nói, "Nếu vậy tại sao Ngài lại nhận lời mời thuyết giảng.?" Ngài lại cười.

Tôi hỏi: "Vậy bản thân Ngài, Ngài làm sao để đối phó với loại lo lắng này?"

Với giọng nói bình thản, Ngài nhỏ nhẹ: "Tôi không biết" .. Ngài ngập ngừng, và chúng tôi ngồi lặng thinh một lúc lâu, và một lần nữa, Ngài có vẻ cân nhắc và ngẫm nghĩ thận trọng. Cuối cùng, Ngài nói: "Tôi nghĩ rằng có một động cơ thích hợp và thành thật là những điều chủ yếu để chế ngự những loại sợ hãi và lo lắng này. Do đó, nếu tôi lo lắng trước buổi nói chuyện thì tôi sẽ tự nhắc nhở mình lý do chính yếu, mục đích của buổi giảng, là ít ra cũng trình bày được một vài lợi ích cho người khác chứ không phải là khoe kiến thức của mình. Vậy thì cái gì tôi biết, tôi sẽ giải thích. Còn những gì tôi không hiểu rõ ràng - thì đâu có hề gì; tôi chỉ cần nói "cái này khó đối với tôi". Không có lý do gì phải dấu diếm hay giả vờ. Từ quan điểm này với động cơ đó tôi không phải lo lắng về điệu bộ ngờ nghệch hay quan tâm đến chuyện người khác nghĩ gì về tôi. Do đó tôi thấy rằng động cơ thành thật là một loại thuốc giải để giảm bớt sợ hãi và lo lắng."

Vậy đôi khi sự lo lắng còn hơn là sợ cái vẻ khờ dại trước mặt người khác. Còn hơn cả sợ thất bại, cảm tưởng kém cỏi..." Tôi suy nghĩ một lúc để xem bộc lộ được bao nhiêu ý riêng.

Đức Đạt Lai Lạt Ma chăm chú lắng nghe, gật đầu im lặng trong khi tôi nói, tôi không biết chắc Ngài nghĩ gì. Có thể đó là thái độ đồng tình, nhưng trước khi hiểu được, tôi đã chuyển việc thảo luận những vấn đề chung sang khẩn khoản xin lời khuyên của Ngài về cách đối phó với sợ hãi và lo lắng của chính tôi.

"Tôi không biết sao... đối với bệnh nhân có khi tôi thấy thật khó điều trị... những trường hợp không thể nào chẩn đoán được rõ ràng, như là suy nhược thần kinh hay những bệnh dễ trị khác. Có những bệnh nhân bị rối loạn tính cách nghiêm trọng như những người không chữa được bằng thuốc hay không có tiến triển nhiều với tâm lý trị liệu dù tôi đã hết sức cố gắng. Đôi khi tôi không biết làm gì với những người này, làm sao để giúp đỡ họ. Hình như tôi không thể nắm được chuyện gì xẩy ra cho họ. Việc này làm tôi tê liệt, phần nào bất lực." Tôi than phiền: "Tôi cảm thấy bất tài, và điều này thực sự gây ra một loại lo lắng nào đó",

Ngài lắng nghe tôi một cách nghiêm trang rồi hỏi với giọng thân mật: "Có phải ông nói rằng ông có thể giúp cho bẩy mươi phần trăm bệnh nhân của ông?"

Tôi trả lời: "Ít nhất là như vậy"

Vỗ nhẹ vào tay tôi, Ngài nói: "Vậy tôi nghĩ không có vấn đề gì ở đây. Nếu ông chỉ có thể giúp cho ba mươi phần trăm bệnh nhân, thì tôi khuyên ông nên nghĩ đến việc đổi sang nghề khác. Nhưng tôi nghĩ ông làm tốt lắm. Người ta cũng thường đến nhờ tôi giúp đỡ. Có nhiều người tìm kiếm phép mầu, hay phép lạ vân vân... và tôi không thể nào giúp hết mọi người. Nhưng tôi nghĩ vấn đề chính là động cơ thúc đẩy - có một động cơ thực sự trong việc giúp người. Rồi thì hãy cố làm hết sức của mình và không phải lo lắng gì nữa.

Về trường hợp của tôi, dĩ nhiên cũng có những tình thế dễ bị tổn thương hay nghiêm trọng, và một trách nhiệm nặng nề. Tôi nghĩ điều tồi tệ nhất là khi người ta đặt quá nhiều tin tưởng vào tôi trong những trường hợp ngoài khả năng của tôi. Trong trường hợp này, đôi khi tôi đấm ra lo lắng. Một lần nữa, chúng tôi quay trở lại ý nghĩa quan trọng của sự động cơ. Rồi tôi có gắng nhắc nhở mình trong chừng mực liên quan đến động cơ, hãy thành thật và cố gắng hết sức mình. Bằng động cơ thành thực, động cơ từ bi, cho dù tôi có gây lỗi lầm, hay thất bại thì cũng không có lý do gì để hối tiếc. Tôi đã cố hết sức làm tốt phần của tôi. Rồi, bạn sẽ thấy, nếu tôi thất bại, đó là vì tình thế vượt quá những cố gắng hết sức của tôi. Vậy động cơ thúc đẩy thành thật đó loại bỏ sợ hãi và cho bạn lòng tự tin. Mặt khác, nếu động cơ thầm kín là để lường gạt người ta, khi thất bại, bạn thực sự trở nên bối rối. Nhưng nếu bạn trau dồi động cơ từ bi, nếu bạn có thất bại, bạn không hối tiếc.

"Cho nên, nói đi nói lại, tôi nghĩ động cơ thích hợp có thể là cái bảo vệ, che chở cho bạn chống lại những cảm nghĩ sợ hãi và lo lắng. Động cơ quan trọng như vậy. Thực ra tất cả hành động của con người có thể được nhìn thấy bằng hoạt động, và động lực đằng sau tất cả những hành động là động cơ của ta. Nếu bạn phát triển một động cơ trong sáng và thành thật, nếu bạn được thúc đẩy bởi mong muốn giúp đỡ trên cơ sở của lòng nhân ái, từ bi và tôn trọng, thì bạn có thể thi hành bất cứ công việc gì, trong bất cứ lãnh vực nào, và hoạt động một cách hữu hiệu hơn với ít sợ hãi và lo lắng hơn, không sợ hãi gì về điều người ta nghĩ về bạn hay liêu cuối cùng bạn có đạt được mục tiêu hay không. Cho dù bạn không đạt được mục tiêu, bạn vẫn cảm thấy hài lòng vì bạn đã hết sức cố gắng. Nhưng bằng một động cơ xấu, người ta có thể khen bạn, hay bạn có thể đạt được mục tiêu, nhưng bạn vẫn không cảm thấy vui".

Trong việc bàn luận thuốc giải bệnh lo lắng, Đức Đạt Lai Lạt Ma đưa ra hai phương cách trị liệu, mỗi phương cách tốt ở một mức độ. Cách thứ nhất liên quan đến việc tranh đấu tích cực chống lại sự tư lự và lo lắng kinh niên bằng cách áp dụng tư duy đề kháng: hãy nhắc nhở mình, nếu có cách giải quyết vấn đề thì không cần phải lo. Nếu không có cách giải quyết, thì cũng không có lý do gì phải lo.

Phương thuốc giải thứ hai là phương pháp trị liệu có tính cách bao quát hơn. Nó liên quan đến việc biến đổi động cơ tiềm ẩn của ta. Có một sự trái ngược đáng lưu ý giữa cách giải quyết về động cơ thúc đẩy con người của Đức Đạt Lai Lạt Ma với tâm lý học Tây Phương Như đã thảo luận trước đây, các nhà nghiên cứu chuyện về động cơ thúc đẩy con người đã điều tra về những động cơ bình thường của con người, nhìn vào cả hai nhu cầu bẩm sinh và nhu cầu do biết được. Ở mức độ này, Đức Đạt Lai Lạt Ma nhắm vào sự phát triển và sử dụng lòng ham học được để nâng cao "nhiệt tình và quyết tâm" của ta. Trong một số khía cạnh, nó giống như quan điểm của nhiều "chuyên gia về động cơ " truyền thống Tây Phương, tìm cách đẩy mạnh tinh thần hăng hái và quyết tâm đạt mục đích. Nhưng điều khác biệt là Đức Đạt Lai Lạt Ma tìm cách xấy dựng quyết tâm và niềm say mê làm những hành động thiện nhiều hơn nữa, và loại bỏ những nét tinh thần tiêu cực hơn là nhân mạnh vào sự đạt được những thành công vật chất, tiền bạc hay quyền thế. Và có lẽ sự khác biệt nổi bật nhất là trong khi "những phát ngôn viên về động cơ" bận bịu thổi phồng lên ngọn lửa của những động cơ hiện có về những thành công vật chất, và những lý thuyết gia Tây Phương bận tâm đến việc phân loại những động cơ tiêu chuẩn của con người, thì mối quan tâm hàng đầu về động cơ con người của Đức Đạt Lai Lạt Ma lại nằm trong việc uốn nắn và thay đổi động cơ tiềm ẩn thành động cơ của từ bi và nhân ái.

Trong hệ thống huân luyện tâm và đạt hạnh phúc của Đức Đạt Lai Lạt Ma, càng được thúc đẩy bởi lòng vị tha, thì càng ít sợ trước những hoàn cảnh thậm chí cực kỳ lo ấu dằn vặt. Nhưng có một ít cách có thể áp dụng như nguyên tắc này ngay cả khi động cơ thúc đẩy của bạn không hoàn toàn do lòng vị tha.Đứng xa ra và xem xét và chỉ cần chắc chắn là bạn không có ý hại người và động cơ thúc đẩy của bạn thành thực có thể giúp bạn giảm thiểu lo ấu trong hoàn cảnh bình thường hàng ngày.

Không bao lâu sau lần đàm thoại trên với Đức Đạt Lai Lạt Ma, tôi ăn trưa cùng với một nhóm người gồm có một thanh niên trẻ mà tôi tôi chưa gặp trước đây, một sinh viên của một trường đại học địa phương. Trong bữa ăn này, có người hỏi tôi về đợt đàm luận với Đức Đạt Lai Lạt Ma tiến triển ra sao và tôi có kể lại cuộc đàm thoại về việc khắc phục lo lắng. Sau khi im lặng nghe tôi miêu tả khái niệm về "động cơ thành thực là một thuốc giải cho bệnh lo lắng", người sinh viên giãi bày là anh thường khổ tâm vì nhút nhát và rất lo lắng trong giao tiếp xã hội. Suy nghĩ về cách áp dụng kỹ thuật này để vượt qua sự lo lắng của mình, người học sinh này thì thầm "Tốt tất cả điều đó rất hay. Nhưng tôi nghĩ rằng phần khó khăn thường là phải có động cơ cao thượng về nhân ái và từ bi.

"Tôi nghĩ điều đó rất đúng", Tôi phải thừa nhận.

Cấu chuyện chuyển qua những đề tài khác, và chúng tôi chấm dứt bữa ăn trưa. Tuần lễ sau đó tôi tình cờ lại gặp người sinh viên này cũng tại quán ăn này.

Lại gần tôi một cách niềm nở, anh ta nói, " ông có nhớ bữa trước chúng ta có nói về động cơ thúc đẩy và lo lắng? Tôi có đem thực hành và nó thực sự hữu hiệu! Có một thiếu nữ làm việc trong tiệm bán đồ tại khu bán hàng mà tôi đã gặp cô rất nhiều lần, lúc nào tôi cũng định mời cô đi chơi, vì quá e thẹn và lo lắng sợ cô từ chối nên không bao giờ dám hỏi cô. Vậy mà, hôm nọ, tôi đến gặp cô, nhưng lần này tôi bắt đầu nghĩ đến động cơ thúc đẩy đã mời cô đi chơi. Đương nhiên động cơ thúc đẩy là muốn hẹn hò với cô. Nhưng đằng sau đó chính là lòng mong ước của tôi có thể tìm thấy một người mà tôi thương yêu và người ấy cũng yêu tôi. Khi tôi nghĩ như vậy, tôi nhận thấy không có gì sai trái trong việc này, và động cơ thúc đẩy của tôi thành thực. Tôi không muốn làm hại cô hay chính tôi, mà chỉ mong những điều tốt lành. Ghi nhớ điều này trong tâm và tự nhắc nhở một đôi lần không hiểu sao nó có vẻ có ích khiến cho tôi đã có can đảm bắt chuyện với cô. Tim tôi đập mạnh, nhưng tôi cảm thấy tuyệt vời vì đã có thể can đảm để nói chuyện với cô"

Tôi nói, "Tôi rất vui được biết việc đó" "Rồi chuyện ra sao nữa?

"À thì ra cô ấy đã có bạn trai chính thức rồi. Tôi hơi thất vọng một chút nhưng không sao. Tôi cảm thấy vui vì đã có thể vượt qua được sự rụt rè e thẹn của tôi. Và việc này làm cho tôi hiểu rằng nếu tôi chắc chắn không có gì sai trái trong động cơ thức đẩy của tôi, và ghi nhớ điều này trong tâm, nó sẽ giúp tôi lần sau ở trong hoàn cảnh như vậy."

THÀNH THẬT LÀ THUỐC GIẢI ĐỘC CHO TỰ TI VÀ TỰ TÔN

Ý thức lành mạnh của tự tin là một nhân tố chủ yếu trong việc đạt mục tiêu của chúng ta. Điều này rất đúng dù mục tiêu của chúng ta là đạt được bằng cấp đại học, thành công trong công việc làm ăn, có quan hệ mỹ mãn, hay rèn luyện tâm trí để được hạnh phúc hơn. Thiếu tự tin cản trở những cố gắng tiến tới, đối đầu với thử thách và cả đến phải chấp nhận may rủi khi cần thiết để theo đuổi mục tiêu của chúng ta. Quá tự tincó thể ngang bằng với nguy hiểm. Những người khổ vì có ý nghĩ thổi phồng thái

quá khả năng và thành quả của mình luôn luôn bị ngã lòng, thất vọng, và nóng giận khi xâm nhập thực tế vàthiên hạ không chấp nhận giá trịcủa cách nhìn lý tưởng hóa về mình của những người ấy. Và họ lúc nào cũng gần như sắp bị đắm chìm trong suy nhược khi không thể sống theo hình ảnh lý tưởng của mình. Thêm vào đó, tính phô trương của những cá nhân này thường dẫn đến cảm giác có quyền hành hồ như hách dịch khiến họ cách biệt với những người khác và cản họ trong những mối quan hệ thoải mái về tình cảm.

Cuối cùng, đánh giá quá cao khả năng của mình có thể dẫn đến những hiểm họa. Như viên thanh tra Dirty Harry Callahan, trong tâm trạng bình thản, nói cho chúng ta biết trong phim Magnum Force (trong khi theo dõi tên vô lại quá tự tin nên đã tự hại mình), " Mỗi một người phải biết giới hạn của mình".

Trong truyền thống tâm lý trị liệu ở Phương Tây, các nhà lý luận gia đã gắn cả tự ti và tự tôn với những xáo trộn trong hình ảnh bản thân của con người và tìm nguyên nhân của những xáo trộn này trong cách nuôi dưỡng đứa trẻ lúc còn bé. Nhiều lý luận gia coi tự ti và tự tôn như hai mặt của một đồng tiền, quan niệm việc thổi phòng hình ảnh bản thân là sự phòng thủ vô thức chống lại cái bất an nằm ở dưới và những cảm nghĩ tiêu cực về mình. Những bác sĩ chuyên khoa phân tích tâm lý đã đặc biệt trình bầy những lý thuyết phức tạp về sự nhận định sai lạc bản thân mình xảy ra như thế nào. Họ giải thích hình ảnh bản thân mình ra sao khi người ta tiếp thu thông tin phản hồi từ môi trường. Họ cũng mô tả làm thế nào mà con người phát triển khái niệm mình là ai bằng cách kết hợp những thông điệp rõ rệt hay ngấm ngầm về mình từ cha mẹ họ và làm thế nào mà những sự xáo trộn có thể xẩy ra khi những tương tác lúc nhỏ với những người chăm sóc không được lành mạnh và không biết cách nuôi nâng.

Khi những xáo trộn về hình ảnh bản thân đủ trầm trọng để gây ra những vấn đề thật sự trong đời sống, nhiều người quay về với tâm lý trị liệu. Những bác sĩ tâm lý huân luyện về nhận thức tập trung giúp bệnh nhân giành được sự hiểu biết về những kiểu bất thường trong quan hệ lúc thơ ấu là nguyên nhân của vấn đề và cung cấp cho họ cách phản ứng thích hợp và trong môi trường điều trị mà bệnh nhân có thể từ từ khôi phục lại và sửa chữa hình ảnh bản thân tiêu cực của mình. Mặt khác, Đức Đạt Lai Lạt Ma lại tập trung vào "nhổ mũi tên ra" thay vì tốn thì giờ xem ai bắn. Thay vì thắc mắc tại sao người ta lại tự ti và tự tôn, Ngài đưa ra một phương pháp đánh thẳng vào những trạng thái tâm tiêu cực.

Trong những thập niên gần đây, tính chất của cái ngã (cái tôi) đã là một trong những đề tài được nghiên cứu nhiều nhất trong lãnh vực tâm lý học. Trong "thập niên của tôi", trong những năm 80, có hàng ngàn bài viết mỗi năm khám phá những vấn đề về tự ti và tự tôn. Nghĩ đến đó trong đầu, tôi đã đem ra hỏi Đức Đạt Lai Lạt Ma.

"Trong một buổi thảo luận của chúng ta, Ngài có nói khiêm tốn là một nét tích cực, và nó liên quan ra sao tới việc tu dưỡng tính kiên nhẫn và khoan dung. Trong khoa tâm lý Tây Phương và văn hóa của chúng tôi nói chung, dường như khiêm cung không được chú ý tới để phát triển những đức tính như mức tự trọng và tự tin cao. Thật ra ở Phương Tây, người ta đặt quá nhiều tầm quan trọng vào những thuộc tính này. Tôi chỉ thắc mắc - Vậy chứ Ngài có cảm thấy đôi khi người Tây Phương có khuynh hướng nhân mạnh quá mức vào tự tin, phần nào quá ham mê hay quá say mê?

"Không hẳn vậy" Ngài trả lời, mặc dù đề tài này có thể là khá phức tạp. Thí dụ, những bậc chân tu là những người đã phát nguyện hay phát triển quyết tâm loại bỏ tất cả những trạng thái tiêu cực của tâm hầu mang lại hạnh phúc tối thượng cho tất cả chúng sinh. Họ có tầm nhìn xa và khát vọng. Điều này cần có ý thức cảm giác tự tin to lớn. Và sự tự tin này rất quan trọng vì nó cho bạn gan dạ giúp bạn đạt được mục tiêu vĩ đại. Về một ý nghĩa nào đó, điều này dường như có vẻ là kiêu ngạo, mặc dù không phải trong phương cách tiêu cực. Nó căn cứ vào những lý do có cơ sở Cho nên, ở đây, tôi có thể coi họ là rất can đảm- Tôi có thể coi họ là những anh hùng".

"Vậy đối với vị đại đạo sư, cái vẻ kiêu ngạo bề ngoài chính ra hồ như là loại tự tin và lòng can đảm". Tôi chấp nhận. Nhưng đối với những người bình thường, trong những hoàn cảnh hàng ngày, lại là điều ngược lại - một số người có vẻ như rất tự tin và tự trọng nhưng thật ra họ chỉ là những người rất kiêu ngạo. Tôi hiểu rằng theo Phật Giáo, kiêu ngạo được xếp loại là một trong những xúc cảm cơ bản gây ra đau khổ. Thật vậy, tôi biết điều đó theo một hệ thống phân loại, họ liệt kê bảy loại kiêu ngạo khác nhau. Vậy tránh hay khắc phục kiêu ngạo được coi như rất quan trọng. Nhưng cũng như vậy khi có ý thực mạnh về tự tin. Đôi khi dường như giữa chúng chỉ có một ranh giới rất nhỏ.

"Làm sao Ngài có thể phân biệt được chúng để trau dồi cái này và giảm thiểu cái kia?"

Ngài thừa nhận, "Đôi khi thật là khó phân biệt giữa tự tin và kiêu ngạo, có lẽ chỉ có một cách là xem liệu nó có cơ sở hay không. Người có thể ý thức thấy mình hơn hẳn ai đó rất có cơ sở hoặc rất đứng đắn, điều đó có thể chứng minh được và điều đó có thể có cơ sở vững chắc. Và cũng có thể đó là ý thức cái ta được thổi phồng hoàn toàn vô căn cứ, thì đó lại là kiêu ngạo. Vấy nói theo tình trạng hiện tượng, chúng có vẻ giống nhau. "Nhưng một người kiêu ngạo luôn luôn cảm thấy mình có một cơ sở vững vàng về .."

Đức Đạt Lai Lạt Ma công nhận, "Phải, phải"

Tôi lại hỏi, "Vậy làm sao Ngài có thể phân biệt được?"

"Tôi nghĩ đôi khi chúng ta chỉ có thể phán xét bằng hồi tưởng hoặc bởi cá nhân đó hoặc từ cái nhìn của người thứ ba. Đức Đạt Lai Lạt Ma ngưng lại rồi nói đùa, " Có thể người ấy phải ra tòa án để tìm ra có phải đó là trường hợp tự cao hay kiêu ngạo không! Ngài cười.

Ngài tiếp, "Muốn phân biệt tính tự cao tự đại và lòng tự tin đứng đắn, ta có thể nghĩ đến hậu quả về thái độ của người đó - tự phụ và kiêu ngạo thường dẫn đến những hậu quả tiêu cực trong khi lòng tự tin lành mạnh đem đến những hậu quả tích cực hơn nhiều. Do đó khi đề cập về tự tin, bạn cần nhìn xem cái gì là ý nghĩa tiềm ẩn của "cái tôi". Theo tôi ta có thể chia thành hai loại. Ý thức về bản thân hay "cái tôi" chỉ quan tâm đến đáp ứng quyền lợi bản thân, đến ham muốn ích kỷ của chính mình, và hoàn toàn không đếm xỉa đến phúc lợi của người khác. Một kiểu cái tôi khác hay ý thức về bản thân dựa vào mối quan tâm chân thành vì người khác và khao khát được giúp ích. Để thực hiện ước muốn giúp ích, ta cần có ý thức mạnh về bản thân, ý thức tự tin. Loại tự tin này dẫn đến những kết quả tích cực."

Tôi nhận xét, "Trước đây Ngài có đề cập đến cách giảm bớt kiêu ngạo hay hãnh diện, nếu thừa nhận kiêu ngạo là xấu và mong muốn khắc phục nó thì phải suy ngẫm về nỗi đau khổ của con người - suy nghĩ đến tất cả các cách mà bạn bị hay dễ bị đau khổ và vân vân... Ngoài cách suy ngẫm về nỗi đau khổ của con người, còn có những kỹ thuật nào khác hay thuốc giải độc đối với kiêu ngạo nữa không?

Ngài nói, "Có một cách giải độc là nghĩ đến tính đa dạng của việc rèn luyện trí óc mà bạn có thể không biết. Thí dụ như trong hệ thống giáo dục tiên tiến, có rất nhiều môn học. Vậy nghĩ xem biết bao nhiêu lãnh vực mà bạn không biết, nghĩ như vậy bạn sẽ khắc phục được tính kiêu ngạo.

Đức Đạt Lai Lạt Ma ngừng lại và nghĩ rằng đó là tất cả những gì Ngài muốn nói về đề tài này, tôi nhìn vào quyển sổ ghi chép rồi chuyển sang đề tài mới. Đột nhiên Ngài lại nói với giọng đầy suy tư, "Bạn biết không, chúng ta đang nói về việc phát triển lòng tự tin lành mạnh.. Tôi nghĩ rằng sự thành thật và tự tin có liên hệ chặt chẽ với nhau". Tôi hỏi, "Ý Ngài muốn nói về thành thực với chính mình về khả năng của chính mình, hay ý Ngài muốn nói thành thật với người khác?"

Ngài trả lời, "Cả hai, bạn càng thành thật, càng cởi mở thì bạn càng ít sợ, vì không có lo lắng gì khi phơi bầy hay bộc lộ với người khác. Do đó tôi nghĩ càng thành thật lại càng tự tin".

Tôi nói, "Tôi muốn biết thêm một chút về sự đối trị với vấn đề tự tin của chính bản thân Ngài? Ngài nói dường như nhiều người đến yêu cầu Ngài làm phép lạ. Dường như họ đã đặt nhiều áp lực cho Ngài và có nhiều mong muốn nơi Ngài. Cho dù Ngài có một động cơ căn bản chính đáng, việc này không làm cho Ngài cảm thấy thiếu tin tưởng về khả năng của Ngài hay sao?"

"Ở đây, tôi nghĩ rằng bạn nên nhớ khi nói đến 'thiếu lòng tin' hay có 'lòng tin' liên quan đến một hành động đặc biệt nào đó hay có thể là bất cứ cái gì. Để nói rằng bạn thiếu lòng tin trong việc gì đó, có nghĩa là hồ như bạn tin mình có thể làm được., nghĩa là nói chung trong phạm vi của bạn. Và rồi tuy nằm trong khả năng của bạn, bạn lại không thể làm, bạn bắt đầu cảm thấy, "Ồ, có lẽ tôi không đủ sức hay tài giỏi để làm việc đó hay cái gì đó theo hướng ấy ". Tuy nhiên với tôi, tôi biết tôi không làm được phép lạ - điều đó không dẫn đến mất lòng tin vì ngay từ đầu, tôi không bao giờ tin rằng tôi có khả năng này. Tôi không cho rằng tự mình có thể hoàn thành những nhiệm vụ như những Đức Phật đã hoàn toàn giác ngộ - mình có thể biết mọi thứ có thể làm đúng bất cứ điều gì và bất cứ lúc nào. Do đó, khi người ta đến với tôi để xin chữa bệnh hay thi triển phép lạ hay những thứ như vậy, thay vì làm cho tôi thiếu lòng tin thì tôi chỉ cảm thấy lúng túng mà thôi.

"Tôi nghĩ rằng, nói chung, thành thật với mình và người về những điều mình có thể làm hay không thể làm được, có thể chống lại cảm nghĩ thiếu lòng tin".

Nhưng, thí dụ, hiện nay trong việc đối phó với Trung Quốc, đôi khi tôi cảm thấy thiếu tự tin. Nhưng tôi luôn luôn tham khảo tình thế với các quan chức và trong một số trường hợp với những người không phải là quan chức. Tôi hỏi ý kiến và bàn thảo với bạn tôi. Vì nhiều quyết định được thực hiện trên cơ sở thảo luận với nhiều người khác nhau không hấp tấp vội vàng, nên bất cứ quyết định nào đã được tiến hành, làm cho tôi đủ tin, không có lý do hối tiếc trong việc đã làm.

Không sợ hãi và đánh giá mình một cách thành thật có thể là một vũ khí mạnh mẽ chống lại sự tự ngờ vực và thiếu tự tin. Đức Đạt Lai Lạt Ma tin rằng loại thành thật này có thể làm thuốc giải độc cho những tâm trạng tiêu cực đã được thực sự xác nhận bởi một số những nghiên cứu gần đây cho thấy rõ ràng là những người có quan điểm thực tế và đứng đắn về mình có khuynh hướng cầu thị và có lòng tin hơn những người ít tự biết về mình hoặc biết không đúng về mình.

Qua nhiều năm, tôi thường được chứng kiến Đức Đạt Lai Lạt Ma minh họa lòng tự tin bắt nguồn từ tính thành thật và ngay thẳng về khả năng của một người. Thật quá kinh ngạc khi lần đầu tiên nghe Ngài nói một cách đơn giản, "Tôi không biết" trước một số đông cử tọa để trả lời một câu hỏi. Không giống như những điều tôi thường thấy ở những giảng viên đại học hay ở những người cho mình là có thẩm quyền, Ngài đã nhận là mình thiếu kiến thức mà không hề lúng túng, không cần nói rõ hơn về những lời phát biểu hay giả vờ mình biết đây bằng cách nói quanh co.

Thực tế hình như Ngài rất thích thú trước câu hỏi khó khăn mà không có câu trả lời và thường hay nói đùa về việc này. Thí dụ như, vào một buổi chiều ở Tuscon, Ngài đang bình luận về một câu kệ của Shantideva trong cuốn "Hướng dẫn về Lối Sống của Bồ Tát" có lý luận rất phức tạp. Sau một lúc cố gắng, Ngài thấy lộn xộn, bèn phá lên cười và nói rằng: "Tôi thấy lộn xộn! tốt hơn là bỏ lại, không bàn luận nữa. Bây giờ đến bài kệ tiếp..." Để đáp lại tiếng cười tán thưởng từ phía khán giả, Ngài con cười lớn hơn nữa và nói rằng, " Có một cách diễn đạt gần giống điều này. Cách diễn đạt đó giống như người già ăn uống - người già thì răng long - Cho nên cái gì mềm thì ăn, còn cái gì cứng thì bỏ". Vẫn còn cười Ngài tiếp tục, " Vậy ngày hôm nay chúng ta bỏ cái đó lại". Ngài chẳng bao giờ nao núng vào lúc ấy nhờ lòng tin tuyệt đối của mình.

NGHĨ VỀ TIỀM NANG CỦA CHÚNG TA NHƯ THUỐC GIẢI CHO SỰ THÙ HẬN BẢN THÂN

Trong chuyến đi Ấn Độ vào năm 1991, hai năm trước chuyến viếng thăm Arizona của Đức Đạt Lai Lạt Ma, tôi có được gặp Ngài một lần tại tư gia ở Dharamsala. Tuần lễ ấy Ngài có buổi họp hàng ngày với một nhóm các khoa học gia, thầy thuốc, bác sĩ tâm lý, và giảng viên về thiền xuất xắc Tây Phương để tìm cách khám phá mối liên hệ giữa cơ thể và tinh thần và tìm hiểu sự liên quan giữa kinh nghiệm xúc cảm và sức khỏe của cơ thể. Tôi gặp Đức Đạt Lai Lạt Ma vào buổi xế chiều, sau một trong những cuộc gặp gỡ với các khoa học gia. Vào cuối buổi phỏng vấn, Đức Đạt Lai Lạt Ma hỏi tôi, "Ông biết tuần này tôi đang gặp gỡ các khoa học gia?"

"Vâng tôi có biết..." "Có điều này tôi thấy rất ngạc nhiên. Đó là khái niệm 'thù ghét bản thân mình'! ông có thấy quen thuộc với khái niệm này không?"

"Rất quen; khá nhiều bệnh nhân của tôi đau khổ về chứng này".

"Khi họ nói về điều này, mới đầu tôi không chắc có hiểu đúng hay không."

Ngài cười và nói, "Tôi nghĩ : -'dĩ nhiên chúng ta yêu chính mình! Sao lại có người ghét bản thân mình?' Mặc dù tôi nghĩ rằng mình hiểu tinh thần hoạt động như thế nào, nhưng ý nghĩ ghét mình quả thật hoàn toàn mới đối với tôi. Lý do tại sao tôi không thể tin được vì người Phật Tử tu tập chăm chỉ cố gắng khắc phục thái độ cho mình là trung tâm, tư tưởng và động cơ ích kỷ. Từ quan điểm này, tôi nghĩ chúng ta thương yêu trìu mến bản thân mình quá nhiều. Vậy nghĩ đến khả năng không thương yêu chính mình mà lại còn ghét chính mình, thì quả thật không thể tin được. Là bác sĩ tâm lý ông có thể nào giải thích về khái niệm này, tại sao nó lại xẩy ra?"

Tôi diễn tả ngắn gọn cho Ngài nghe quan niệm tâm lý về vấn đề thù ghét bản thân nẩy sanh ra sao. Tôi giải thích hình ảnh bản thân chúng ta được hình thành bởi cha mẹ và cách nuôi dưỡng như thế nào; chúng ta đã tập nhiễm những thông điệp ẩn tàng về mình từ cha mẹ trong khi lớn lên và phát triển ra sao, và tôi phác qua hoàn cảnh đặc biệt tạo nên hình ảnh bản thân tiêu cực. Tôi đi vào chi tiết những nhân tố làm tăng sự thù hận chính mình, như cách hành xử của chúng ta không xứng đáng hình ảnh lý tưởng về bản thân và miêu tả một vài khía cạnh mà hận thù bản thân được nặng thêm vì văn hóa, đặc biệt ở một số phụ nữ và dân tộc thiểu số. Trong khi tôi bàn luận về những điều này, Đức Đat Lai Lạt Ma tiếp tục gật đầu suy tư với vẻ mặt khó hiểu như thể Ngài vẫn thấy khó hiểu khái niệm mới lạ lùng này.

Groucho Marx có lần châm biếm, "Tôi không bao giờ gia nhập bất cứ câu lạc bộ nào mà có tôi là thành viên". Để mở rộng loại quan niệm bản thân tiêu cực này thành nhận xét về bản chất con người, Mark Twain nói, " Thực ra trong thấm tâm, chẳng có ai tôn trọng mình tý nào ". Và lấy quan điểm bi quan về con người này và hợp nó thành lý thuyết tâm lý của mình, nhà tâm lý học nhân văn Carl Rogers, đã từng nói, "Hầu hết con người đều coi thường bản thân mình, cho mình là vô giá trị và không đáng yêu thương".

Có một khái niệm rất phổ biến trong xã hội chúng ta, được chia sẻ bởi hầu hết các bác sĩ tâm lý đương đại là thù hận bản thân đang lan tràn trong văn hóa Tây Phương. Trong khi điều này chắc chắn đang tồn tại thì may thay nó không lan tràn như nhiều người tin tưởng. Chắc chắn nó là vấn đề chung trong số những người cần được chữa trị, nhưng đôi khi các bác sĩ tâm lý ở phòng khám lại có một cái nhìn lệch lạc, có khuynh hướng dựa trên nhận xét tổng quát về bản chất con người áp dụng cho một số ít người bước vào văn phòng của họ. Hầu hết các dữ kiện đều dựa trên thí nghiệm, tuy nhiên xác minh được sự việc có thật là người ta có khuynh hướng (hay ít ra cũng muốn) nhìn mình trong ánh sáng đẹp đẽ, tự đánh giá mình "trên trung bình" trong hầu hết các cuộc thăm dò ý kiến về những đức tính chủ quan và đáng có về mặt xã hội.

Như vậy, mặc dầu thù hận bản thân có thể không phổ biến như người ta tưởng, nó vẫn là một chướng ngại lớn cho nhiều người. Tôi ngạc nhiên trước phản ứng của Đức Đạt Lai Lạt Ma về khái niệm thù hận bản thân. Chỉ cần phản ứng đầu tiên của Ngài thôi cũng đủ thấy rõ ràng và chữa bệnh.

Có hai điểm liên quan đến phản ứng đáng lưu ý của Ngài bảo đảm cho sự phân tích. Điểm thứ nhất thật đơn giản là Ngài không quen với sự tồn tại của thù hận bản thân. Mặc nhiên công nhận ngầm thù hận là một vấn đề lan tràn của con người dẫn đến cảm giác ân tượng rằng đó là một đặc tính thấm căn cố đế trong tâm trí con người. Nhưng sự thực không ai nghe thấy có trong mọi nền văn hóa, trong trường hợp này là văn hóa Tây Tạng, đã mạnh mẽ nhắc nhở chúng ta đây chính là tình trạng rối loạn tinh thần, giống như tất cả những tình trạng tinh thần tiêu cực khác mà chúng ta đã thảo luận, nó không phải là phần nội tại trong tâm trí con người. Nó không phải là điều ta có từ lúc sinh ra, không phải là điều mà ta bị dồn cho, cũng không phải là đặc điểm không thể tẩy xóa được khỏi bản tính của chúng ta. Ta có thể loại bỏ nó được. Chỉ nhận thức này thôi có thể làm yếu đi sức mạnh của nó, cho chúng ta hy vọng, và gia tăng quyết tâm loại trừ nó.

Điểm thứ hai liên quan đến phản ứng đầu tiên của Đức Đạt Lai Lạt Ma là câu trả lời của Ngài: "Ghét mình ư? Dĩ nhiên chúng ta yêu bản thân mình". Đối với một số người bị bị khổ vì hận thù bản thân hay biết ai đó có chứng bệnh giống như vậy, thì câu trả lời này thoạt đầu nghe có vẻ ngấy thơ lạ thường. Nhưng khi xét kỹ, ta thấy có một sự thật sâu sắc trong câu trả lời của Ngài. Tình thương yêu rất khó định nghĩa, và có thể có nhiều định nghĩa khác nhau. Nhưng có một định nghĩa có lẽ là loại tình yêu trong sáng, được tán dương nhiều nhất, đó là ước mong dứt khoát, tuyệt đối và hoàn toàn vì hạnh phúc của một người khác. Đó là sự mong muốn chân thành vì người khác được hạnh phúc dù rằng có làm thương tổn chúng ta hay dù ta có thích người đó hay không thích. Từ tận đáy lòng, chắc chắn là mọi người chúng ta đều mong được hạnh phúc. Vậy nếu định nghĩa về tình thương yêu dựa trên sự mong ước chân chính vì hạnh phúc cho người thì đúng là mỗi chúng ta đều mong ước yêu thương cho chính mình. Trong khi điều trị, đôi khi tôi gặp những trường hợp thù ghét bản thân cực đoan đến nỗi họ tái diễn có ý định tự tử. Nhưng ngay cả trong trường hợp cực đoan nhất, ý tưởng quyên sinh chủ yếu là dựa trên mong ước cá nhân (dù là ý nghĩ méo mó hay lầm lạc) để giải thoát mình khỏi đau khổ chứ không phải gây ra đau khổ.

Vậy có lẽ Đức Đạt Lai Lạt Ma đã đi tới cái đích trong niềm tin của Ngài là tất cả chúng ta đều tiềm ẩn lòng thương yêu chính mình, và ý tưởng này gợi ý một loại thuốc giải độc cực mạnh cho sự thù hận bản thân: Chúng ta có thể chống lại tư tưởng khinh miệt bản thân bằng cách nhắc nhở mình dù chúng ta không thích một số tính nết của mình nhiều đến thế nào đi nữa, thì bên dưới điều đó tất cả chúng ta đều mong mình được hạnh phúc, và đó là loại tình yêu sâu sắc.

Trong cuộc viếng thăm Dharamsala kế đó, tôi trở lại vấn đề thù hận bản thân với Đức Đạt Lai Lạt Ma. Đến lúc đó thì Ngài đã quen thuộc với khái niệm này và bắt đầu triển khai phương pháp để chiến đấu với nó.

Ngài giải thích, "Theo quan điểm Phật Giáo, ở trong tình trạng thất vọng một tình trạng chán nản hồ như được coi là cực đoan rõ ràng là một chướng ngại để thực hiện những bước đi cần thiết nhằm hoàn tất mục tiêu. Trạng thái thù hận bản thân còn cực đoan hơn chán nản nhiều, và nó có thể vô cùng nguy hiểm. Với những ai tu tập Phật Giáo, thuốc giải độc cho thù hận bản thân có thể là suy nghĩ việc có thật là tất cả chúng sinh kể cả chính mình, đều có Phật tính - hạt giống hay tiềm năng vươn tới sự viên mãn, sự giác ngộ hoàn toàn cho dù hoàn cảnh hiện tại có yếu kém, nghèo nàn hay thiếu thốn. Vậy những người tu tập Phật Giáo đau khổ vì thù hận bản thân hay ghê tởm bản thân, nên tránh suy ngẫm về bản chất đau khổ của cuộc sống hay bản chất bất toại nguyện tiềm ẩn trong cuộc sống, và thay vì làm như vậy họ nên tập trung nhiều hơn nữa vào những khía cạnh tích cực của cuộc sống, như hiểu rõ về tiềm năng to lớn nằm trong bản thân của mỗi con người. Và bằng cách suy nghĩ về những cơ hội và tiềm năng này, họ có thể gia tăng cảm giác giá trị và lòng tự tin vào chính mình.

Nêu lên câu hỏi thông thường từ cái nhìn của một người không phải là Phật Tử, tôi hỏi, "Vậy thì cái gì có thể là thuốc giải độc cho một người chưa bao giờ biết đến khái niệm Phật Tính hay một người không phải là Phật Tử?"

"Một điểm chung mà ta có thể vạch ra cho những người đó là chúng ta có phước được làm người với trí thông minh tuyệt vời. Trên hết, tất cả mọi người có khả năng quyết tâm và hướng ý thức quyết tâm vào bất cứ chiều hướng nào mình muốn. Không có gì ngờ vực về điều đó cả. Cho nên là giữ được ý thức về những tiềm năng này và luôn luôn nhắc nhở mình cho đến khi ý thức này trở thành một phần trong thói quen nhận thức về chúng sinh - gồm cả chính mình - thì điều này sẽ giúp họ giảm thiểu cảm nghĩ chán nản, bất lực và tự khinh miệt mình". Đức Đạt Lai Lạt Ma ngừng lại một chút rồi tiếp tục với giọng như thăm dò nói lên Ngài đang tích cực tìm kiếm và tiếp tục tiến trình khám phá.

"Tôi nghĩ rằng chỗ này có một phần nào giống với cách chúng tôi trị bệnh. Khi bác sĩ trị bệnh cho bệnh nhân, không những họ cho bệnh nhân uống thuốc kháng sinh trong những trường hợp đặc biệt, mà họ còn phải chắc chắn rằng với tình trạng sức khỏe của bệnh nhân như vậy có thể uống được thuốc kháng sinh và chịu đựng được thuốc này. Vậy muốn bảo đảm như vậy, bác sĩ phải chắc chắn rằng bệnh nhân đủ dinh dưỡng và đôi khi còn cho uống thêm sinh tố hay thuốc bồi dưỡng cơ thể. Nếu bệnh nhân có sức khỏe tiềm ẩn trong thân, thì có tiềm năng hay khả năng trong thân thể để hồi phục nhờ thuốc men. Tương tự như vậy, nếu chúng ta biết và duy trì ý thức là chúng ta có món quà tuyệt vời của trí thông minh và khả năng phát triển quyết tâm và sử dụng chúng một cách tích cực, trong một ý nghĩa nào đó, chúng ta có sức khỏe tinh thần tiềm ẩn. Sức mạnh tiềm ẩn đến từ sự nhận thức chúng ta có tiềm năng vĩ đại.của con người Sự nhận thức này hồ như có thể thực hiện vai trò của một cơ cấu gắn liền nhằm đối trị với bất cứ khó khăn nào, dù tình trạng phải đương đầu ra sao, không mất hy vọng hay chìm đắm trong thù hận bản thân. Tự nhắc mình những phẩm tính cao quý mà ta chia sẻ với tất cả chúng sinh làm mất tác dụng của việc cứ nghĩ cho rằng mình xấu hay không xứng đáng. Nhiều người Tây Tạng thực hành điều này trong việc hành thiền thường nhật. Có lẽ đó là lý do tại sao thù hận bản thân không bao giờ có trong nền văn hóa Tây Tạng.

-ooOoo-