Giới thiệu & Giảng giải kinh điển
Kinh A Di Đà Yếu Giải
Hán dịch: Cưu Ma La Thập. Yếu giải: Trí Húc. Việt dịch: Thích Tuệ Nhuận.
08/04/2555 13:02 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Tu Thiền chắc chắn thành Phật. Tu Tịnh mau chóng thành Phật. Tu môn nào cũng phải thấy rõ Phật tánh rồi mới thành Phật. Mỗi niệm Phật danh là một nhớ đến Phật tánh. Thấy rõ Phật tánh là thành Phật quả. Thành Phật là khôi phục lại tự do hạnh phúc.

Kinh A Di Đà Yếu Giải
Mục lục

Tiểu Sử

Sư cụ Tuệ Nhuận thế danh Văn Quang Thùy, sanh năm 1887 (17-3-Đinh Hợi) tại tỉnh Hải Dương. Chuyên Nho học suốt thời niên thiếu. Ngài chăm học đến nỗi nhà cháy, ai nấy lo cứu hỏa, riêng ngài vẫn ngồi yên chuyên chú học. Mãi sau lớn mới chuyển qua học chữ Pháp, thi đỗ làm Thông phán tại nha quan thuế Hà Nội. Năm 1928, cụ thân sinh Văn Đức Khiêm thất lộc, ngài suy tư về kiếp sống vô thường, bắt đầu tụng kinh, nghiên cứu đạo Phật. Bẩm tánh thông minh lại sẵn Hán học, ngài vào giáo lý thâm sâu rất dễ dàng.

Thời ấy người đời xô nhau theo nếp sống mới, quên lãng đạo Phật. Nhưng ở các chùa thì Bồ-đề vẫn rộ nở hoa. Tổ Vĩnh Nghiêm, Tổ Bằng, Tổ Sở, Tổ Cồn v.v... pháp tràng phất phới khắp nơi. Nhưng giáo pháp vô thượng thậm thâm hoàn toàn được tuyên dương bằng chữ Hán ở các chùa trên các đồi quê, gần như không quan hệ gì đến xã hội quần chúng. Các quan chức như Tổng đốc Nguyễn Năng Quốc, Bùi Thiện Căn v.v... ý thức được sự lợi ích của Phật giáo đối với nền văn hóa Việt Nam, hô hào thành lập hội Phật giáo. Ngài nhiệt liệt tham gia. Từ đó một mặt giúp các Sư học đạo, một mặt giảng kinh ở các chùa Quán Sứ, Hòe Nhai và các chùa nhỏ ở quanh vùng Hà Nội. Mở các lớp học Phật Pháp cho các cư sĩ tinh tấn. Các tỉnh Nam Định, Thái Bình, Hải Phòng, thường thỉnh ngài giảng pháp, ngài đều vui vẻ đáp ứng.

Mùa xuân Canh Thìn, một phái đoàn Tăng sĩ Trung Hoa sang thăm Việt Nam, trong đó có 2 ngài Đế Nhàn và Thái Hư. Chùa Quán Sứ hồi ấy chưa đủ phòng xá tiếp đón khách Tăng, các ngài phải nghỉ ở khách sạn của người Hoa. Cụ Văn Quang Thùy mon men đến xin học thiền. Ngài Thái Hư đáp: “Tôi thấy Việt Nam toàn tu Tịnh-độ, cư sĩ nên vâng theo”. Rồi ngay tại khách sạn, ngài Thái Hư ngồi trên bàn, cụ quỳ dưới đất. Ngài trao Bồ-tát Giới và cho một mảnh thiếp để kỷ niệm:

“Nhập Như Lai Tạng.

Văn tự quang minh thùy vũ trụ.

Phật môn tuệ trạch nhuận sinh linh.

Thời tại Canh Thìn niên xuân,

Tam nguyệt nhị thập lục nhật.

Thái Hư lữ Hà Nội”.

Năm 1935 cụ xin nghỉ việc, dành trọn thời giờ để phục vụ Tam-bảo. Cụ đã dịch rất nhiều kinh tiếng Việt. Kinh Di Đà, Dược Sư, Hoa Nghiêm phẩm Phổ Hiền v.v... cho tới nay vẫn đang lưu hành trong toàn quốc. Giảng kinh Lăng Nghiêm ở Quán Sứ năm 1945, được học chúng nhiệt liệt hoan nghênh. Chùa Hòe Nhai thành lập hội Phật tử, mở lớp học Lăng Nghiêm. Cụ vừa dạy vừa phiên âm sang tiếng Việt Nam. Năm 1949, lần đầu tiên Việt Nam in chữ quốc ngữ bộ kinh Lăng Nghiêm và Từ Bi Đạo Tràng Sám Pháp (Lương Hoàng). Thấy tình hình quần chúng các thành phố toàn quốc đã rạng tỏ, cụ xuất bản tờ Bồ Đề Nguyệt San, thân làm giám đốc. Những bài của cụ đăng trong báo được coi như những hạt châu ngọc để lại cho hậu lai. Trên tờ báo này, những ngọn bút danh tiếng khắp Bắc, Trung, Nam đã cùng nhau thi đua trình bày tư tưởng cao thâm.

Năm 1954 cụ xuất gia theo Hòa-thượng Thích Thiện Hòa và từ đó lấy việc chuyên tu làm chính vụ. Cụ thị tịch năm 1964 trong tiếng niệm Phật và chí nguyện vãng sanh.

Pháp tử Cát Tường Lan

Dâng phiến tâm hương đền ơn pháp nhũ

 

Lời Người Dịch

Tu Thiền chắc chắn thành Phật. Tu Tịnh mau chóng thành Phật. Tu môn nào cũng phải thấy rõ Phật tánh rồi mới thành Phật. Mỗi niệm Phật danh là một nhớ đến Phật tánh. Thấy rõ Phật tánh là thành Phật quả. Thành Phật là khôi phục lại tự do hạnh phúc.

Tìm hiểu tánh Phật của mình của người là sự nghiệp Tịnh-độ hóa thế gian năm ấm ngũ trược của bảy thú. Sự nghiệp này Phật tử phải làm ngay.

Phật dạy: Tất cả chúng sanh ai cũng có tánh Phật. Bồ Tát Giới nói: Ngươi là Phật sẽ thành, ta là Phật đã thành, thường khởi tin như vậy, giới phẩm đã đầy đủ.

Áp dụng lời dạy trên vào đời sống, ta có 2 thực hiện: 1) Vâng giới luật, không dám áp bức một loài nào dù là con sâu cái kiến. 2) Khai trí tuệ bình đẳng, tôn trọng muôn loài hàm thức, tận tình cứu giúp lẫn nhau.

Có tâm Phật, mắt Phật như vậy là siêu phàm thoát tục.

Kinh Niết Bàn, Sư Tử Hống Bồ-tát hỏi: Tất cả chúng sanh cùng có chung một Phật tánh hay mỗi người riêng biệt một Phật tánh?

Phật đáp: Phật tánh chẳng phải một, chẳng phải hai, bình đẳng như hư không.

Nói bình đẳng tất nhiên phải có nhiều cái so sánh với nhau, thấy đều như hư không. Nghĩa là không hình không tướng nhưng bát ngát mông mênh không bờ bến.

Hôm nay ta mới đến phương Đông nhưng Phật tánh của ta đã ở đấy từ vô thủy rồi. Mai ta rời Đông đi Tây, Phật tánh của ta như hư không vẫn mãi ở Đông mà cũng đã ở Tây từ vô thủy rồi. Thân nghiệp báo theo duyên đổi dời vòng quanh luân chuyển khắp bảy thú. Phật tánh như hư không vẫn thường trụ ở khắp mười phương. Vậy đương khi ta ngồi ở Việt Nam, niệm Phật cầu sanh Tây phương, thì Phật tánh của ta như hư không vẫn ở Việt Nam và cũng đang ở An Lạc thế giới cách đây mười vạn cõi Phật. Mỗi tiếng niệm Phật là Phật tánh của ta ở khắp mười phương đều rung cảm. Duyên Sa Bà hết, duyên Tịnh-độ thành, nghiệp trần lụy hết, nghiệp Tịnh-độ thành, thì thân đất nước gió lửa ở Sa Bà tan rã mà thân hào quang rực rỡ sẽ hóa sanh. Tùy ý ta muốn hiện sanh phương nào, Phật tánh của ta sẽ hiện thân ở phương ấy một khi nhân duyên đầy đủ.

Bản Như Lai Tạng diệu chân như tánh của người, của ta, của chúng sanh, của Phật, bao giờ cũng thường hằng linh thông cảm ứng với nhau vô lượng, vô biên, vô cùng, vô tận.

Nam mô Pháp Giới Tạng Thân A Di Đà Phật.

Nam mô Vô Biên Thân Bồ-tát ma-ha-tát.

Nam mô Hư Không Tạng Bồ-tát ma-ha-tát.

Không Thiền tông, không Tịnh-độ

Địa ngục đêm ngày đau khổ

Muôn đời ngàn kiếp còn lâu

Nhờ cậy ai, ai tế độ?

Có Thiền tông, có Tịnh-độ

Như thêm sừng cho mãnh hổ

Hiện tại làm thầy trời người

Đời vị lai làm Phật Tổ.

Hà Nội, ngày 7-10-Tân Mão

(5-11-1951)

Tuệ Nhuận cẩn tự

 

KHÓA LỄ TỊNH-ĐỘ

TÁN PHẬT

Đấng pháp vương Vô-thượng,

Ba cõi chẳng ai bằng.

Đạo sư khắp trời người,

Cha lành chung bốn loài.

Quy y tròn một niệm,

Dứt sạch nghiệp tăng kỳ.

Xưng dương cùng tán thán,

Ức kiếp không cùng tận.

Phật, chúng sanh tánh thường không tịch.

Đạo cảm thông không thể nghĩ bàn,

Lưới đế châu ví đạo tràng,

Mười phương Phật bảo hào quang sáng ngời.

Trước Phật đài thân con ảnh hiện,

Cúi đầu xin đảnh lễ quy y.

CHÍ TÂM ĐẢNH LỄ:

— Nam mô tận hư không biến pháp giới, quá hiện vị lai. Mười phương chư Phật, Tôn Pháp, Hiền Thánh Tăng, thường trụ Tam-bảo. (1 lễ)

— Nam mô Sa Bà giáo chủ Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật, Long Hoa giáo chủ Di Lặc tôn Phật, đại trí Văn Thù Sư Lợi Bồ-tát, đại hạnh Phổ Hiền Bồ-tát, Hộ Pháp chư tôn Bồ-tát, Đạo tràng hội thượng Phật Bồ-tát, nhất thiết chư Hiền Thánh Tăng. (1 lễ)

— Nam mô Tây phương An Lạc thế giới đại từ đại bi tiếp dẫn đạo sư A Di Đà Phật, đại bi Quán Thế Âm Bồ-tát, Đại Thế Chí Bồ-tát, đại nguyện Địa Tạng Vương Bồ-tát, Thanh Tịnh đại hải chúng Bồ-tát. (1 lễ)

SÁM HỐI

Con nay khắp vì bốn ân ba cõi pháp giới chúng sanh tất nguyện đoạn trừ ba chướng quy mạng sám hối (1 lễ).

Chí tâm sám hối

Con xưa đã tạo bao nghiệp ác

Đều vì ba độc tham, sân, si

Từ thân miệng ý phát sanh ra

Hết thảy con nay cầu sám hối.

Bao nhiêu nghiệp chướng sâu nhường ấy

Nguyện đều tiêu diệt không còn dư.

Niệm niệm trí soi khắp pháp giới,

Rộng độ chúng sanh thề không thoái.

Sám hối phát nguyện rồi, chí tâm đảnh lễ

A Di Đà Phật biến pháp giới thường trụ Tam-bảo (1 lễ).

TÁN HƯƠNG

Lư trầm vừa đốt, pháp giới thơm lừng.

Xa đưa hải hội Phật đều mừng.

Đâu đâu cũng thấy cát tường vân.

Thành ý ân cần, chư Phật hiện toàn thân.

Nam mô Hương Vân Cái Bồ-tát ma-ha-tát (3 lần).

CHÚ SẠCH KHẨU NGHIỆP

Tu lị, tu lị, ma ha tu lị, tu tu lị, sa bà ha (3 lần).

CHÚ SẠCH THÂN NGHIỆP

Tu đa lị, tu đa lị, tu ma lị, sa bà ha (3 lần).

CHÚ SẠCH BA NGHIỆP

Ám sa phạ bà phạ, truật đà sa phạ, đạt ma sa phạ, bà phạ truật độ hám (3 lần).

CHÚ AN THỔ ĐỊA

Nam mô tam mãn đá một đà nẫm, ám độ rô độ rô địa vĩ sa bà ha (3 lần).

CHÚ PHỔ CÚNG DƯỜNG

Ám nga nga nẵng tam bà phạ phạt nhật la hộc (3 lần).

KỆ KHAI KINH

Pháp Phật cao sâu rất nhiệm mầu,

Ngàn muôn ức kiếp dễ hay đâu.

Con nay nghe thấy xin vâng giữ,

Chân nghĩa Như Lai hiểu thật sâu.

Nam mô Liên Trì hải hội Phật Bồ-tát ma-ha-tát (3 lần).

 

Mục Lục

Phẩm Tựa

Phần Chính Tông

Phần Lưu Thông