Giới thiệu & Giảng giải kinh điển
Tìm Hiểu Kinh Bốn Mươi Hai Chương
Thích Nhật Từ Nhà Xuất Bản Thời Đại
03/09/2554 22:56 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Tìm Hiểu Kinh Bốn Mươi Hai Chương
Mục lục
Xem toàn bộ


 

Mục lục

 

Lời giới thiệu

Thay lời tựa

Tiểu dẫn

 

Phần 1: Tổng luận

I. Kinh 42 chương với so sánh luận

II. Loại hình Kinh 42 chương

III. Khái quát nội dung tư tưởng Kinh 42 chương

 

Phần 2: Lược giải Kinh 42 chương

Chương 1: Định nghĩa Sa môn và Sa môn quả

Chương 2: Đối tượng tu tập

Chương 3: Sa môn hạnh

Chương 4: Thập thiện - Thập ác

Chương 5: Lỗi lầm và hối quá

Chương 6: Phỉ báng thiện và ác quả dị thục

Chương 7: Thái độ của Đức Phật trước lời khiển trách

Chương 8: Ác giả ác báo

Chương 9: Giá trị tri và hành

Chương 10: Phước đức tuỳ hỷ hạnh bố thí

Chương 11: Đối tượng và phước đức của bố thí

Chương 12: 20 điều khó của kiếp người

Chương 13: Điều kiện chứng túc mạng minh

Chương 14: Định nghĩa thiện và vĩ đại

Chương 15: Nhẫn nhục

Chương 16: Điều kiện con đường đạt đạo

Chương 17: Ánh sáng người đạt đạo

Chương 18: Cốt tuỷ của đạo Phật

Chương 19: Nguyên lý vô thường của vạn pháp

Chương 20: Hữu thể con người: Vô thường, khổ, vô ngã

Chương 21: Danh vọng: Thú vui ít giá trị

Chương 22: Tài sắc: Ngọt ít, đắng nhiều

Chương 23: Ân ái là tù ngục

Chương 24: Ái dục khổ đệ nhất

Chương 25: Lửa ái cháy tay

Chương 26: Thiên ma dâng ngọc nữ

Chương 27: Lại nói về điều kiện đạt đạo

Chương 28: Không nên chủ quan

Chương 29: Đoạn trừ tâm ái dục – duy trì phạm hạnh

Chương 30: Tránh dục như tránh lửa

Chương 31: Đoạn âm không bằng đoạn tâm

Chương 32: Diệt ái dục, ly sinh tử

Chương 33: Tỳ kheo-chiến sĩ diệt lậu hoặc

Chương 34: Độc lộ giải thoát

Chương 35: Bỏ cấu nhiễm tâm, đạt đạo giải thoát

Chương 36: Lại nói về cái khó của con người

Chương 37: Chứng đạo phải do sự tu tập

Chương 38: Mạng sống con người chỉ trong một hơi thở

Chương 39: Chư pháp bình đẳng, vô hữu cao hạ

Chương 40: Thân hành đạo - Tâm hành đạo

Chương 41: Tinh tấn - Bỏ tình dục

Chương 42: Phương tiện tri kiến, Như thị tri kiến

 

Phụ lục


 

Lời giới thiệu

 

 

Phật pháp vốn không sinh diệt, không biến đổi, nhưng giáo lý Đức Thế Tôn dạy ta lại vô cùng khế lý, khế cơ. Kinh điển về Phật pháp ngày nay được lưu hành vô số. 84.000 pháp môn là cả một khung trời mở rộng cho các hành giả tìm về tự tâm. Khi Phật giáo truyền vào Trung Hoa, phần đông mọi người rất hoang mang khi phải lựa chọn một “món hàng” tâm linh với quá nhiều mặt hàng tôn giáo bản địa. Hai dịch giả cuốn Kinh Bốn Mươi Hai Chương là Ca Diếp Ma Đằng và Trúc Pháp Lan đã tỏ ra là người hiểu rõ tâm lý quần chúng khi dịch và ấn hành quyển kinh quý này đầu tiên tại Trung Quốc.

Khác với những giáo điều, lý thuyết của phần nhiều các tôn giáo, kinh điển Phật là những bài, những sách dạy về thực hành. Tinh thần thực nghiệm của kinh Phật xuyên suốt từ truyền thống phát triển phương Bắc. Kinh Bốn Mươi Hai Chương dạy chúng ta các pháp hành đưa đến giác ngộ giải thoát một cách cụ thể, rõ ràng qua những lời hướng dẫn thiết thực đầy khoa học và những thí dụ mộc mạc giàu tính nhân bản.

Chúng tôi có duyên may được xem qua một số sách luận giải của chư vị tôn túc về Kinh Bốn Mươi Hai Chương. Nhưng đây là lần đầu một vị tăng trẻ đã mạnh dạn đem kinh này ra đối chiếu với các môn khoa học. Phương pháp tiếp cận này tỏ rõ ĐĐ. Thích Nhật Từ đã nhận chân được rằng: “Phật pháp siêu việt thời gian” và thích nghi với mọi tiến triển của thời đại. Phật pháp là môn khoa học, bao trùm cả khoa học kỹ thuật và khoa học xã hội. Việc làm của tác giả tuy có vẻ táo bạo, nhưng càng làm rạng tỏ điều này hơn. Ngày nay hơn bao giờ hết, phần đông các nhà nghiên cứu đang nhìn về kho tàng Phật học bằng con mắt thèm thuồng đầy thích thú.

Bằng phương pháp tiếp cận và đối chiếu với các kinh Nikaya của Nam tông, tác giả tuy đã đi ngược lại quá trình của soạn giả Kinh Bốn Mươi Hai Chương này (nhằm rút gọn một số điều tiêu biểu của Thế Tôn đã dạy) và đã thuyết phục độc giả rằng: Kinh Bốn Mươi Hai Chương, cũng như các kinh Bắc truyền khác đều mang tính chất nguyên thuỷ. Với lòng tin biết như vậy, các độc giả sẽ dễ khởi lòng tin đối với kinh này hơn. Đây là một việc làm cần được tán thán.

Với tư tưởng này, tuy không phải là “ba y và một bát”, mà bằng khối óc và ngòi bút, tác giả nỗ lực nối bước các bậc tiền nhân trong việc hoằng dương chánh pháp. Để đáp lại chân tình ấy, chúng tôi kính mong quý độc giả xem quyển sách này như một cẩm nang để “sống”. Như thế mới không cô phụ sự giáo huấn của Thế Tôn và chư Tổ.

  Tháng 04 - 1994

 Cẩn đề

 VÔ THỨC


 

TIỂU DẪN

 

 

I. KINH BỐN MƯƠI HAI CHƯƠNG VÀ CON ĐƯỜNG PHẬT GIÁO DU NHẬP TRUNG QUỐC

Nói đến Kinh Bốn Mươi Hai Chương là nói đến cái mốc thời gian quan trọng: Phật giáo du nhập vào Trung Quốc. Ngày nay, các nhà học giả Phật giáo, các nhà sử học Tây phương căn cứ vào các công trình khảo cổ có giá trị và các tác phẩm quan trọng như Hậu Hán Thư, Phật Tổ Thống Ký, Hoằng Minh tập, Chúng Kinh Mục Lục và các tư liệu liên quan khác, đã chứng minh được rằng Phật giáo du nhập vào Trung Quốc vào hậu bán thế kỷ I (sau T.L), bằng đường thông thương trên bộ. Khởi đầu từ miền Tây Bắc Ấn Độ đến Peshawar dọc theo Bamiyan và Balkh về hướng Đông đến Kasligar xuyên qua Kucha về hướng Đông Bắc rồi đến Khotan về hướng Nam, rẽ sang Đôn Hoàng vào Trung Quốc.

Phái đoàn truyền giáo đầu tiên theo đường thông thương này là hai vị cao tăng người Trung Ấn. Các ngài đi bằng ngựa đem theo nhiều Kinh Luật Luận quan trọng của hai hệ phái Nam tông và Bắc tông. Cuộc hành trình truyền giáo đã mất một thời gian dài đầy cam go thử thách. Vị thứ nhất tên là Ca Diếp Ma Đằng (Kasyapa Matanga), vị thứ hai tên Trúc Pháp Lan (Gobharana). Niên hiệu Vĩnh Bình thứ 10 (tức năm 67 T.L) phái đoàn truyền giáo được Hán Minh Đế tiếp đón nồng hậu và cho xây dựng chùa Bạch Mã, ngôi chùa đầu tiên tại Trung Quốc làm nơi tàng trữ kinh điển và phiên dịch Đại Tạng. Công trình truyền bá này tuy không mang tầm vóc lớn lao như sau này, nhưng nó mở ra một kỷ nguyên mới cho người dân Trung Quốc, kỷ nguyên bắt đầu hé mở bình minh chân lý Phật giáo tại nước này.

Cũng chính trong thời điểm lịch sử trọng đại trên, Kinh Bốn Mươi Hai Chương (Sutra in 42 chapters) được hai ngài Ca Diếp Ma Đằng và Trúc Pháp Lan phiên dịch đầu tiên ra Trung văn. Do đó, có thể nói, Kinh Bốn Mươi Hai Chương gắn liền với lịch sử Phật giáo truyền bá vào Trung Quốc và đồng thời cũng là thời điểm khơi nguồn cho công trình phiên dịch Đại Tạng Sanskrit và Pali ra quốc ngữ Trung Quốc về sau.

II. Ý NGHĨA KINH BỐN MƯƠI HAI CHƯƠNG

Bản nguyên tác Kinh Bốn Mươi Hai Chương bằng chữ Sanskrit được trích tuyển có chọn lọc và rất đặc sắc từ các bản kinh Bắc tạng, nằm rải rác trong các Kinh Tăng Nhất A Hàm (Tăng Chi), Tạp A Hàm (Tương Ưng) và Pháp Cú. Nó không phải là một quyển kinh theo nghĩa truyền thống của pháp hội, mà là công trình kết tập công phu của các vị Thánh đệ tử người Ấn (giống trường hợp góp nhặt đa dạng của Kinh Pháp Cú) do hai ngài Ca Diếp Ma Đằng và Trúc Pháp Lan hợp dịch ra Trung văn.

Mỗi một chương kinh văn được trích dịch hoặc lược dịch từ một bài kinh nào đó trong kinh hệ Bắc tạng, đánh theo số thứ tự từ chương 1 đến chương 42 mà không có tựa đề của từng chương. Như vậy, 42 Chương là được trích dịch hoặc lược dịch từ 42 bài kinh khác nhau. Tuy nhiên trong thời gian biên soạn, người viết đã truy nguyên được xuất xứ của 10 chương: 12, 17, 26, 27, 29, 32, 33, 34, 35, 38. Các chương còn lại đang tiếp tục nỗ lực khảo cứu. Về nội dung, mỗi chương mang một sắc thái giáo dục độc lập, đa dạng nhưng cùng hướng đến một mục tiêu nhất quán là giúp mọi hành giả trau dồi đạo đức nhân bản, đạo đức phạm hạnh, hướng đến hạnh phúc giải thoát. Tuy nhiên, có một số chương mang ít nhiều bản sắc Bắc tông mà trong Nam tông với năm bộ Nikaya hay bốn bộ A Hàm tương đương không có. Âu đó cũng là dụng ý của trích tập và phiên dịch.

Chính vì thế, học Kinh Bốn Mươi Hai Chương chúng ta sẽ dễ dàng hình dung ra rằng những kinh văn truyền thống, những giáo nghĩa phát triển đan quyện vào nhau như một mạng lưới chằng chịt, nhằm xiển dương chân lý duy nhất là: Chánh pháp của Đức Phật, gốc, ngọn, nhánh, lá, truyền thống hay phát triển, Nam truyền lẫn Bắc truyền đều có chung một hương vị: Giác ngộ giải thoát. Đây cũng chính là hương vị đặc thù, độc hữu của Phật giáo.

III. CÁC BẢN DỊCH, CHÚ KINH BỐN MƯƠI HAI CHƯƠNG

A. Bằng chữ Hán tại Trung Quốc

1. Tứ Thập Nhị Chương Kinh, Ca Diếp Ma Đằng và Trúc Pháp Lan hợp dịch đời Hậu Hán, (67 T.L) (sơ dịch).

2. Tứ Thập Nhị Chương Kinh, Ngô Chi Khiêm dịch, sau bản sơ dịch vài năm.

3. Tứ Thập Nhị Chương Kinh, Hiếu Minh Hoàng đế, đời Tiền Tấn (351-394, T.L).

4. Tứ Thập Nhị Chương Kinh, Tống Chân Tông Hoàng đế, chú giải (960, T.L).

5. Tứ Thập Nhị Chương Kinh Chú, sa môn Thủ Toại đời Minh (1368-1661) chú giải, sa môn Liễu Đồng bổ chú.

6. Tứ Thập Nhị Chương Kinh Giải, sa môn Tri Húc (1599-1655) đời Minh chú giải.

7. Tứ Thập Nhị Chương Kinh Chỉ Nam, sa môn Đạo Bái đời Minh soạn.

8. Tứ Thập Nhị Chương Kinh Sớ Sao 5q, sa môn Tục Pháp thuật.

9. Tứ Thập Nhị Chương Kinh Chú, Thái Hư Đại sư chú giải (1941).

10. Tứ Thập Nhị Chương Kinh Chú, Đinh Phúc Bảo chú giải (1959).

B. Bằng chữ Hán-Việt tại Việt Nam

1. Tứ Thập Nhị Chương Kinh, Trung tâm Phật giáo Luy Lâu, Giao Châu, thế kỷ I.

2. Tứ Thập Nhị Chương Kinh Khoa Chú, đời Trần (1225-1400).

3. Kinh Bốn Mươi Hai Chương, Hội Nam kỳ Nghiên cứu Phật học xuất bản (1939-1945).

4. Kinh Bốn Mươi Hai Chương Giải Thích, HT. Hoàn Quan chú giải (1963).

5. Kinh Bốn Mươi Hai Chương, HT. Thanh Cát dịch (1965).

6. Kinh Bốn Mươi Hai Chương, Hội Bồ đề Chợ Lớn dịch (1967).

7. Kinh Bốn Mươi Hai Chương, Trí Đức Tòng Thư xuất bản (1971), Đoàn Trung Còn dịch chú.

8. Kinh Những điều Phật dạy, sa môn Thái Không dịch (1978).

9. Một số bản khác như các bản của TT. Minh Thông, HT. Từ Thông, TT. Pháp Chiếu v.v…

IV. NGUYÊN TẮC BIÊN SOẠN

A/ Quyển “Tìm hiểu Kinh Bốn Mươi Hai Chương” được biên soạn gồm 2 phần:

- Phần một: Tổng luận về Kinh Bốn Mươi Hai Chương bằng cách so sánh với biện chứng pháp, quy nạp pháp, diễn dịch pháp; phân tích loại hình, thể tài và khái quát về nội dung tư tưởng toàn bộ kinh văn.

- Phần hai: Dịch nghĩa, lược giải kinh văn theo phương pháp phân tích, so sánh đối chiếu với kinh điển Nam Bắc truyền, để người đọc có thể kiểm chứng, so sánh rõ ràng khi cần đến. Các đầu đề đều do chúng tôi đặt ra ứng với nội dung của các bài kinh.

B/ Tài liệu tham khảo

1. Kinh Bốn Mươi Hai Chương Chú Giải của HT. Hoàn Quan (1963).

2. Lược sử Kinh Bốn Mươi Hai Chương của TT. Thiện Nhơn (1989).

C/ Kinh sách minh họa

- Hòa thượng Trí Tịnh dịch:

 1. Kinh Đại Bảo Tích tập III, VI, 1988

 2. Kinh Đại Niết Bàn, 2 tập, PL. 2510

 3. Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, Hán Việt đối chiếu

 4. Kinh Địa Tạng, Hán Việt đối chiếu

- Hòa thượng Minh Châu dịch:

 5. Trường Bộ Kinh, Pali – Việt đối chiếu

 6. Trung Bộ Kinh, 1988

 7. Tăng Chi Bộ Kinh, 1988

 8. Tương Ưng Bộ Kinh, 1982

 9. Tiểu Bộ Kinh, 1982

 10. Thắng Pháp Tập Yếu Luận, tái bản 1971

- Hòa thượng Tịnh Sự dịch:

 11. Bộ Pháp Tụ, 1990

- Đinh Phúc Bảo:

 12. Phật Học Đại Từ Điển, trọn bộ

- Sám Vân:

 13. Bách Pháp Minh Môn Luận Biểu Giải

- Mai Hạnh Đức dịch:

 14. Kinh Thủ Lăng Nghiêm

 15. Kinh Duy Ma Cật Sở Thuyết

 16. Kinh Kim Cang Bát Nhã

 17. Kinh Pháp Bảo Đàn


 

Thay Lời Tựa

 

 

Quyển “Tìm Hiểu Kinh Bốn Mươi Hai Chương” là một tiểu luận được tác giả thực hiện thay cho bài thi của môn Kinh Tứ Thập Nhị Chương do HT. Thích Thiện Trí dạy trong chương trình Trung Cấp Phật Học tại chùa Vĩnh Nghiêm cách đây 20 năm.

Tác phẩm được phân tích trong mối liên hệ giữa Kinh tạng Đại thừa và kinh điển Pàli. Hơn phân nửa số chương được đức Phật dạy cho người xuất gia về các phương châm hành đạo, chuyển hoá khổ đau, trao dồi tuệ giác để làm cẩm nang nhập thế. Số chương còn lại dạy cho cả hai giới Tăng Tục. Mỗi một chương tuy rất ngắn, nhưng ý nghĩa lại rất cô đọng, súc tích và rất sâu sắc.

Cấu trúc của tác phẩm này được phân thành hai phần: Tổng luận và Phân tích. Phần tổng luận nhằm so sánh một cách bao quát giữa Kinh Bốn Mươi Hai Chương với các phương pháp tư duy triết học, cũng như giá trị và ý nghĩa của kinh. Phần phân tích giới thiệu bao quát nội dung và yếu nghĩa của từng chương. Mỗi chương bắt đầu bằng đoạn kinh nguyên tác được dịch Việt, theo sau là phần lược giải, bao gồm giải thích các thuật từ nội dung và phân tích các ứng dụng.

Trong phân tích, tác giả đã trích dẫn phần lớn kinh điển thuộc Trung bộ Pàli, trong sự so sánh đối chiếu với kinh Đại thừa để nhằm minh chứng rằng tư tưởng chủ đạo của hai hệ thống Đại thừa và Pàli vốn dĩ chỉ là một và đều có đủ trong Kinh Bốn Mươi Chương.

Do vậy, việc nghiên cứu và hành trì nội dung kinh này như sách gối đầu giường, có thể giúp người hành trì đạt được tinh hoa tỉnh thức và an vui.

Sài Gòn 03/ 01/ 2008

Thay lời Tủ Sách Đạo Phật Ngày Nay

 Thích Quảng Tâm

(daophatngaynay.com)