Chương
42. Phương tiện tri kiến, Như thị tri kiến
I. DỊCH NGHĨA
Đức Phật dạy rằng: Ta xem vị
vương hầu như bụi qua kẽ hở, xem những vàng ngọc quý báu như ngói gạch. Xem y
phục lụa là như đồ giẻ rách. Xem đại thiên thế giới như một hột cải. Xem nước
ao A Nậu như dầu thoa chân.
Ta xem các thứ phương tiện như
những thứ báu hóa hiện. Xem pháp vô thượng thừa như mộng thấy vàng bạc. Xem
Phật đạo như hoa đốm trước mắt. Xem thiền định như núi Tu Di. Xem Niết bàn như
ngày đêm đều thức. Xem thuận nghịch như sáu con rồng múa. Xem bình đẳng pháp
như nhất chân địa. Xem sự hưng hóa như cây cỏ bốn mùa.
II. LƯỢC GIẢI
Nội dung chương cuối cùng này,
bao gồm 13 phạm trù nhận thức trong triết học Phật giáo. Năm phạm trù đầu liên
quan đến một vài khía cạnh nhân sinh quan và thế giới quan Phật giáo. Tám phạm
trù còn lại đề cập đến bản thể luận của các pháp, trên cơ sở đó, hướng dẫn
chúng ta từ bình diện tri kiến phương tiện, tri kiến tu tập để đạt đến tri kiến
như thị, tri kiến toàn bích siêu việt, phản ánh đúng bản chất các pháp. Và đó
là mục đích giáo dục của Phật giáo.
Vì nội dung kinh văn gồm đến 13
phạm trù, mà năm phạm trù đầu như có cùng một mẫu số chung, một hệ ý nghĩa: có
cái nhìn phương tiện về các pháp để tu tập, và tám phạm trù còn lại cũng cùng
một mẫu số chung, một hệ ý nghĩa, đi từ phương tiện đến cứu cánh. Do đó, khi
lược giải, chúng ta cũng nên phân thành hai nhóm độc lập, để phần nội dung kinh
văn dễ hiểu hơn.
A.- Như
chúng ta đều biết “Tất cả chúng sinh đều có Phật tánh” đó là nhận định đúng đắn
của Đức Phật qua trí tuệ siêu việt mà Ngài đã có được khi giác ngộ thành bậc Vô
thượng Chánh đẳng Chánh giác. Đó cũng không phải là lời nói đẩy đưa hay dụ dỗ
chúng sinh hầu lôi cuốn con người đi theo bước chân giải thoát của Ngài, nhưng
trên thực tế, khả năng thành Phật đó gần như không thể thực hiện, như hoa Linh
thoại ngàn năm mới nở một lần, như con rùa mù trăm năm một lần ngoi lên mặt
nước mà gặp được khúc cây bọng để chui vào.
Mặc dù thuật ngữ Phật giáo cũng
có khá nhiều để hỗ trợ cho ý kiến lạc quan tin tưởng vào khả năng thành Phật
đó, nào “hồi đầu thị ngạn”, “bối trần hiệp giác”, nào “mê là chúng sinh, giác
ngộ là Phật”… nhưng từ mê sang ngộ là cả một con đường sạn đạo, là cả một cuộc
hành trình hầu như không có hồi kết thúc.
Sở dĩ như vậy, trước hết là vì
hầu hết chúng sinh đều quá chấp ngã, rồi từ chấp ngã đi tới hệ lụy với những gì
phục vụ cho cuộc sống của con người: tài, sắc, danh, thực, thùy… Chỉ có Đức
Phật với trí tuệ Bát nhã của một bậc đại giác ngộ, với ý chí dũng cảm dám từ bỏ
tất cả cuộc sống vàng son nhung lụa, mới có thể mạnh dạn nói với chúng sinh
rằng: “Ta xem vị vương hầu như bụi qua kẽ hở, xem vàng ngọc quý báu như ngói gạch.
Xem y phục lụa là như đồ giẻ rách. Xem đại thiên thế giới như một hột cải. Xem
nước ao A Nậu như dầu thoa chân”.
Để hiểu rõ ý nghĩa lời dạy của
Đức Thế Tôn hầu từ đó thấy được rằng, với Phật trí, Ngài đã quán được các pháp
thế gian như thế nào, chúng ta hãy đi sâu phân tích từng thứ mà đối với con
người rất quan trọng, to tát, quý báu, mà đối với Đức Phật tất cả lại trở nên
tầm thường, nhỏ bé, hạ liệt.
1.- Ta xem vị vương hầu như bụi
qua kẽ hở
Quay về với chế độ phong kiến,
ta biết rằng vương hầu là địa vị cao nhất, trên cả năm tước: công, hầu, bá, tử,
nam. Còn đối với hàng dân dã, vương hầu, tượng trưng cho “thiên tử” thay trời
để ban phúc hay giáng họa cho người dân, là địa vị mà để bảo vệ nó, có khi
người dân đã đổi cả cuộc đời an nhàn sung sướng bằng cuộc đời “nằm gai nếm mật”
như Việt Vương Câu Tiễn, có khi người ta tranh giành nhau bằng những thủ đoạn
ác độc nhất, kinh tởm nhất như câu chuyện “linh miêu tráo chúa” (hỏa thiêu Bích
Vân Cung), có khi để củng cố nó mà tay bạo chúa Tần Thủy Hoàng đã đốt sách chôn
học trò, đã đày đọa biết bao người dân vô tội phải dầm sương dãi nắng, đói khổ
ốm đau, xa lìa người thân, để đắp cho xong Vạn Lý Trường Thành.
Đạt được chức vương hầu là hứa
hẹn một cuộc sống phù hoa vương giả, nắm mọi quyền sinh sát. Thế thì tại sao
Đức Phật lại dạy rằng Ngài xem vị vương hầu như bụi qua kẽ hở? Ta biết rằng
khắp mọi nơi trong không gian đều có những hạt bụi nhỏ li ti mà bình thường
chúng ta không thấy, nhưng nếu nhìn qua kẽ hở, ta quan sát được sự vận hành của
những hạt bụi này và chỉ có lúc đó ta mới nhận ra được sự có mặt của chúng
trong không gian. Như vậy, ta thấy rằng bản thân của những hạt bụi này là có
nhưng không đáng kể vì chúng quá bé nhỏ và chúng chỉ vận hành được khi có sự
thay đổi áp suất trong không khí. Như vậy, đem cái tước vị tột đỉnh của cõi thế
gian mà ví với những vật thể li ti bé bỏng tưởng chừng như không có mặt trong
không gian này, Đức Phật đã cho chúng ta thấy rõ cái giá trị “không chút giá
trị nào” của danh vọng, nghĩa là trong pháp thế gian, Đức Phật xem cái vinh hoa
phú quá như vương hầu cũng chỉ bằng cái bé bỏng dật dờ của những hạt bụi qua kẽ
hở. Nếu ai cũng quan niệm được như Đức Phật thì làm gì có cảnh A Xà Thế giết
vua cha Tần Bà Sa La để đoạt ngai vàng, làm gì có cảnh Đường Thái Tông giết anh
là Kiến Thành để mưu phản, làm gì có cảnh nồi da xáo thịt của thời kỳ Trịnh
Nguyễn phân tranh…
2.- Xem những vàng ngọc quý báu
như ngói gạch
Đã có con người thì có sự sống,
mà muốn bảo vệ mạng sống, con người phải phục vụ nó. Muốn phục vụ cho nó phải
có nhiều yếu tố trong đó nhu cầu vật chất giữ vai trò quan yếu. Nhưng làm sao
để có những vật chất phục vụ đời sống như thức ăn, đồ mặc…?
Chúng ta biết rằng của cải vật
chất là do công sức chung của tất cả mọi người trong xã hội làm ra và để điều
hòa của cải vật chất này, con người quy ước với nhau dùng vàng ngọc, tiền bạc
để định giá trị mà trao đổi. Như vậy, tự nhiên vàng ngọc giữ vai trò quý báu vô
cùng đối với con người và cái ưu thế của nó đã được con người thừa nhận qua
những câu ca dao, tục ngữ: “Đồng tiền liền khúc ruột” hay “Có tiền mua tiên
cũng được”, hoặc:
“Vai đeo túi bạc kè kè
Nói quấy nói quá người nghe rầm
rầm”.
Vàng ngọc có giá trị thay bậc
đổi ngôi, thỏa mãn tất cả nhiều ước vọng ngông cuồng là thế, mà Đức Phật lại
chỉ xem chúng như ngói gạch, tức là những thứ tuy có thể góp phần che mưa đỡ
nắng cho con người nhưng cái giá trị thì vẫn tầm thường vì dưới tác dụng của
thời gian, ngói gạch sẽ không mãi mãi tồn tại như một thứ đồ vật phục vụ đời
sống con người, mà cũng cũng phải chịu sự chi phối của định luật vô thường, sẽ
tàn hoại để trở về với cát bụi mà thôi!
Như vậy, trong pháp thế gian thì
tiền tài cũng chỉ là giả tưởng. Đức Phật chỉ cho như vậy để chúng ta không còn
sinh tâm ái trước mà khổ lụy vì nó, để nó biến thành chủ nhân ông sai sử lại
ta, gây biết bao tình trạng bi đát trong xã hội: nào chém giết, nào kiện tụng,
nào tranh giành nhau vì mãnh lực của vàng bạc ngọc ngà.
3.- Xem y phục lụa là như đồ giẻ
rách
Song song với vấn đề ăn uống,
vấn đề mặc cũng đóng một vai trò quan trọng trong đời sống con người. Ngoài sự
đòi hỏi nhất định để chứng tỏ một nếp sống văn minh của con người khi đã vượt
qua thời kỳ “ăn lông ở lỗ”, y phục còn giữ một công dụng quan trọng và thiết
thực là giữ thân nhiệt cho con người, chống trả lại với thời tiết nóng lạnh,
giữ cho da thịt con người khỏi bị tiêm nhiễm khi tiếp xúc với những môi trường
có độc tố.
Đối với con người từ hạng bình
dân trở xuống, có được quần áo vải cũng đã là quý, nhưng từ hàng trung lưu,
thượng lưu cho đến hàng quý tộc thì hễ nói đến vấn đề ăn mặc là phải nghĩ đến y
phục lụa là, tức là những sản phẩm đòi hỏi một sự công phu thiện xảo hơn nhiều
của người phục vụ và phải đáp ứng được nhu cầu làm tăng vẻ đẹp, phải mượt mà,
sang trọng, cho người sử dụng. Như thế lẽ ra đối với pháp thế gian, nó phải
được xem như một thứ của báu, vậy mà trí Phật chỉ thấy nó ngang với đồ giẻ
rách, tức là thứ vải cũ chỉ còn có công dụng lau chùi các vật tầm thường thôi.
Nếu ai cũng hiểu được như vậy
thì làm gì còn có người chạy theo y phục lụa là mà phải khổ lụy, thậm chí còn
có cả kẻ cuồng si như U Vương vì mê tiếng cười của Bao Tự mà đã cho xé hàng
ngàn tấm lụa để mua một trận cười, và từ đó đi đến mất nước chỉ trong gang tấc.
4.- Xem đại thiên thế giới như
một hột cải
Theo thích nghĩa trong Kinh Pháp
Hoa, chúng ta biết rằng đại thiên thế giới là số thế giới của cõi Ta Bà, thuộc
quyền giáo hóa của Đức Phật Thích Ca.
Để có thế giới này, phải có ba
lần nhân ngàn (1000x1000x1000) của một tiểu thế giới (tức thái dương hệ)
1 tiểu thế giới x 1000 = 1 tiểu
thiên thế giới
(1 tiểu thế giới x 1000) x 1000
= 1 trung thiên thế giới
(1 tiểu thế giới x 1000) x 1000
x 1000 = 1 đại thiên thế giới
Chỉ ở trên phạm vi quả địa cầu
này thôi, mà chúng ta đã thấy tất cả cái to tát khổng lồ của nó: từ cái dễ nhìn
dễ thấy nhất là năm châu, bốn biển, cho đến những cái khó thấy khó đếm nhất và
chỉ có thể biết bằng ước lượng như: số người, số nhà cửa, núi, đồi, rừng, suối,
số thú vật, đồ vật… thì đối với cả một đại thiên thế giới chúng ta chỉ có thể
kết luận về mức độ khổng lồ của nó là “bất khả ước lượng” hoặc chỉ có thể dùng
hình ảnh thường được dẫn trong kinh Phật để so sánh là “nhiều như số cát sông
Hằng”.
Đem cái bao la vĩ đại ấy mà ví
như một hạt cải, một thứ vô cùng bé nhỏ và dễ hủy hoại, ta thấy rõ trí Phật đã
đi đến chỗ xóa bỏ ranh giới của sự phân biệt để hiểu được rằng “tất cả chỉ là
một” và “nhất, tức nhất thiết”. Lớn, nhỏ đối với mọi sự vật trong thế gian này
chỉ là giả tưởng mà thôi.
5.- Xem nước ao A Nậu như dầu
thoa chân
Theo giảng nghĩa ở Kinh Bốn Mươi Hai Chương, ta biết rằng
ao A Nậu là một cái ao lớn thuộc xứ Ấn Độ, cũng là nguồn của nhiều dòng nước,
thuộc trung tâm Nam Thiệm Bộ, ở về phía Nam của Hương Sơn và phía Bắc của Tuyết
Sơn, chu vi đến 800 dặm (chừng 460.800m). Theo Tây Vực Ký thì hai bên bờ ao này toàn bằng vàng, bạc, lưu
ly, pha lê… dưới đáy toàn là cát vàng, mặt nước như gương. Như vậy, nói đến
nước ao A Nậu là muốn nói đến một thứ nước rất hiếm có, rất quý báu vì hầu như
tất cả các ao hồ ở thế gian này đều là những chỗ trũng đất bùn lầy, nước tù hãm
quanh năm suốt tháng không lưu chuyển, vận hành.
Một thứ nước quý hiếm như thế mà
Đức Phật lại thấy nó không khác gì thứ dầu chỉ có công dụng thoa chân ngừa cho
khỏi bị độc xà làm hại, vì Ấn Độ là xứ có nhiều độc xà sinh sôi, nẩy nở.
Vậy thì đây, một lần nữa, Đức
Phật lại dạy cho chúng ta một bài học: đừng để tâm phân biệt, ái trước, tham
luyến đối với bất cứ một thứ gì ở cõi thế gian này, cho dù đó là vật to tát hay
nhỏ bé, cho dù nó có giá trị quý báu hay tầm thường, vì tất cả chỉ là giả tưởng
mà thôi.
Nhìn chung, năm phạm trù nhận
thức này vừa thể hiện cái nhìn phương tiện, cái nhìn tùy duyên bất trước tưởng
để hướng tới cái nhìn như thị, cái nhìn chánh kiến giải thoát.
B.- Nền
tảng hệ thống học Phật giáo được xem như là một “mạng lưới phương tiện chằng
chịt”. Mỗi một pháp môn đan kết, bện chặt vào nhau như những mắt lưới rộng lớn.
Nhưng phương tiện dù thế nào chăng nữa, cũng chỉ là nhịp cầu đạt đến mục đích,
bản thân nó không phải là mục đích. Tuy thế, để thành tựu mục đích, hành giả
Phật giáo không thể bỏ qua phương tiện, dù phương tiện chỉ là những thang bậc
ban đầu trong lộ trình giác ngộ Vô thượng Bồ đề, nhưng chính nó là yếu tố quan
trọng quyết định. Bỏ phương tiện không đạt được mục đích, cũng như mục đích chỉ
thật sự là cứu cánh, khi các phương tiện đã làm tròn chức năng xúc tác của nó.
Và có thể nói tam tạng thánh điển của Đức Phật đều là “những pháp môn phương
tiện, tự bản thân nó, khi đạt đến cứu cánh cũng không còn lưu lại ý niệm gì về
ý thức cứu cánh”. Đó là công trình mà Kinh
Bốn Mươi Hai Chương, bản dịch của Ma Đằng, Trúc Pháp Lan đã cố gắng
với nhiều thiện chí nhất để chứng minh chân lý đó. Đặc biệt hơn, chương thứ 42
của bản kinh lại thể hiện rõ nét nhất. Ở đây, chúng ta chỉ có thể phân tích một
cách khái quát, giản lược, để có một cái nhìn chung về chân lý của Phật giáo: tu
tập (phương tiện) là để đạt đến giải thoát (mục đích) nhưng giải thoát mà không
ý niệm trước tưởng về giải thoát (cứu cánh), cụ thể là trong trích đoạn của
chương cuối cùng này mới là giải thoát đúng nghĩa.
1.- Ta xem pháp môn phương tiện
như những thứ báu hóa hiện
Như đã nói, giáo lý Phật giáo,
tự nó là những phương tiện không phải là cứu cánh. Tuy nhiên, phương tiện lại
là những yếu tố, những duyên nhân khai triển chánh pháp đến với chúng sinh một
cách hữu hiệu. Trong Kinh Pháp Hoa, bằng trí tuệ viên mãn của bậc Đại Giác, Đức
Phật vận dụng tam thừa để dẫn đạo chúng sinh, nhưng cuối cùng chỉ quy về Nhất
thừa. Bày tam hiệp nhất là công thức hoằng pháp của ba đời chư Phật. Lập Hóa
thành để đến Bảo sở, Nhất Phật thừa là cứu cánh tuyệt đối, nơi quê hương xứ sở
của bản lai chân diện mục. Chính vì thế, lập phương tiện rồi phủ định phương
tiện để đạt đến cứu cánh tuyệt đối là ngón tay chỉ trăng, là chiếc bè qua sông,
do đó, dù rất quý nhưng không phải là mục đích chung cánh. Vì vậy “phương tiện
chỉ là những thứ báu hóa hiện” chứ không phải là “báu thật”.
2.- Xem pháp Vô thượng thừa như
mộng thấy vàng lụa
Pháp Vô thượng thừa, là pháp
Niết bàn, là chân như Phật tánh, là bản tính tịch minh, là bản thể Như Lai tạng
v.v… và còn nhiều thuật ngữ khác để diễn tả về nó nữa. Ở đây, điều Đức Phật
muốn nhấn mạnh “pháp Vô thượng thừa, hay Nhất Phật thừa” cũng không nên xem là
“thành quả cố chấp”. Mê là chúng sinh, giác ngộ là Phật. Chân lý rất hiển
nhiên. Do đó, khi giác ngộ tuyệt đối, thì lúc bấy giờ ta cũng chẳng cần bảo là
giác giả hay phi giác giả. Kinh Thủ Lăng Nghiêm, Đức Phật dạy, đã là chơn Văn
Thù thì không còn gọi “là Văn Thù hay không là Văn Thù” nữa. Cũng vậy, “đạt ngộ
Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, chẳng phải là đạt ngộ Vô thượng Chánh đẳng
Chánh giác, gọi là Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác vậy thôi.”[1] Phủ định ở đây
là sự khẳng định mức độ giác ngộ tuyệt đối, giác ngộ mà không còn đối tượng
giác ngộ và pháp giác ngộ “tu vô tu tu, chứng vô chứng chứng” (chương 2). Như
vậy, không xem pháp vô thượng thừa như “mộng” thấy vàng lụa thì còn là thấy cái
gì? Cũng nên lưu ý, mộng thấy vàng lụa không có nghĩa là phi chân thật đạt giác
ngộ, mà là phủ định chứng đắc để đạt chứng đắc tuyệt đối.
3.- Xem Phật đạo như hoa đốm
trước mắt
Như chúng ta đều biết, hoa đốm
là một pháp “hữu danh vô thực thể”. Cũng như lông rùa sừng thỏ vậy. Hoa đốm chỉ
xuất hiện ở những người bị bệnh “hoa mắt” hay loạn thị. Những điểm sáng chóa
lòa, ẩn hiện ở trong không trung khi mắt trong trạng thái không bình thường, đó
là hoa đốm, nhìn như là hoa, mà thật không phải là hoa, mà là hoa mắt. Xem Phật
đạo như hoa đốm (hư không hoa) cũng là một thái độ nhận thức như thị về bản
chất chánh pháp, không có mặt của chấp mắc. Bởi lẽ, thật ra, chân lý tuyệt đối
không phải là sản phẩm của một riêng ai, không ai là chủ thể tác tạo ra nó. Nó
“bản nhiên thanh tịnh, chu biến pháp giới, tùy chúng sinh tâm, ứng sở tri
lượng, tuần nghiệp phát hiện.”[2]
4.- Xem thiền định như núi Tu Di
Núi Tu Di là một quả núi lớn nằm
trong phạm vi của thế giới Ta bà. Ngày nay người ta vẫn chưa xác được cụ thể vị
trí xác thật của nó. Tuy nhiên, nội dung kinh văn mượn hình ảnh to lớn, vĩ đại,
kiên cố của núi Tu Di để so sánh, diễn tả trạng thái đặc thù của thiền định.
Thiền định theo Phật giáo Nam tông là pháp môn Chỉ và Quán. Theo Bắc tông,
Thiền định bao gồm Samatha, Tam ma Bạt đề. Danh xưng khác nhau, nhưng ý diễn tả
vẫn đồng nhất. Để đạt được thiền định kiên cố, kinh Phật dạy trước tiên gột rửa
năm pháp cấu uế tâm là: tham lam, sân hận, trạo hối, hôn thùy và hoài nghi.
Cũng còn gọi là năm triền cái. Diệt trừ tận gốc rễ năm triền cái, lúc ấy định
xuất hiện. Nhưng theo Biện chứng Tam tuệ học, thì thiền định là biện chứng nhân
duyên của giới phạm hạnh (nhân giới sinh định). Ở đây, ta vẫn tìm thấy sự đồng
nhất giữa hai cách lý giải trên là diệt năm triền cái chính là giới. Giới chính
là diệt năm triền cái. Và điều quan trọng mà Đức Phật dạy thiền định là ốc đảo,
là núi Tu Di của hành giả tu đạo giải thoát.
5.- Xem Niết bàn như ngày đêm
đều thức
Niết bàn là trạng thái giác ngộ
của một hành giả thực hành chánh pháp của Đức Phật. Có rất nhiều cách lý giải
về thuật ngữ này. Nam tông cho rằng “sự tận diệt tham sân si là Niết bàn” hay
“pháp nào vô duyên, pháp đó là Niết bàn.”[3] Trong khi đó, Bắc tông cho rằng sự
tận diệt tham sân si chỉ đạt đến A la hán - hóa thành - Niết bàn còn dư y (trần
sa hoặc và vô minh hoặc). Diệt tham sân si mới chỉ diệt kiến tư hoặc, chưa phải
chân Niết bàn, mà Pháp Hoa gọi chân Niết bàn và Vô dư Niết bàn, Niết bàn Nhất
Phật thừa (mặc dù theo Nam truyền Hữu dư Niết bàn là thánh nhân còn sống và Vô
dư Niết bàn là thánh nhân diệt độ). Nhưng điều Đức Phật muốn dạy ở đây chính là
tác dụng “tỉnh giác” của hành giả đạt được nó. Có Niết bàn, dù hữu dư hay vô
dư, dù theo Nam truyền hay Bắc truyền, nền tảng chính vẫn là sự sáng suốt, sự
minh triết, sự tỉnh thức… trong mọi thời gian, mọi không gian.
6.- Xem thuận nghịch như sáu con
rồng múa
Thuận cảnh và nghịch cảnh hay
tán thán và khiển trách là những điều không thể tránh khỏi với bất kỳ một ai
trên thế gian này, nhất là những người chân chính, đạo đức, vĩ đại. Suốt chiều
dài lịch sử Phật giáo, kể từ khi Đức Phật thành lập giáo hội Tăng già đầu tiên
cho đến ngày nay, Phật giáo đã trải qua biết bao khúc ngoặc thăng trầm, chìm
nổi. Những thuận cảnh là đền đài hưng thạnh Phật giáo, nhưng những nghịch
duyên, một đàng cản trở đà tiến hóa Phật giáo, và một đàng lại trui luyện sức
chịu đựng bền bỉ của Phật giáo trong sứ mạng hoằng hóa. Vượt lên trên, người
Phật giáo có cái nhìn thản nhiên, tự tại trước mọi hoàn cảnh, như những vầng
mây trên bầu trời tùy duyên tụ tán. Cũng vậy, người Phật giáo luôn vận dụng
công thức tùy duyên bất biến, bất biến tùy duyên, mà không thấy một tí gì là
trở ngại hay không trở ngại. Hình ảnh con rồng uốn hiện uyển chuyển nhằm minh
họa cho hạnh phương tiện quyền xảo trong Phật giáo. Quan trọng hơn hết, Đức
Phật không nói 3, 4, 5 hay 7, 8, 9 mà chỉ nói 6 con rồng làm chúng ta không thể
không liên tưởng đến Lục Độ Ba La Mật. Và đây mới chính là phương tiện kiên cố
của Phật giáo khi đứng trước thuận duyên hay nghịch cảnh.
7.- Xem bình đẳng như nhất chân
địa
Nhất chân địa, không chỉ có
nghĩa đơn thuần là mảnh đất nhất chân, mảnh đất nhất nguyên, dù là tuyệt đối. Ở
đây, nó còn được hiểu là quốc độ, cõi nước, thế giới nhất chân theo nghĩa nhất
chân pháp giới, ở đó không còn sự khác biệt, đối lập giữa thiện ác, sinh tử
Niết bàn… Bình đẳng, có thể nói, đó là chủ trương vừa khơi nguồn cho nhận thức
tư tưởng nhân loại, vừa là nguyên lý vô tiền khoáng hậu trong mặt trận đả phá,
tiêu diệt chủ nghĩa nhị nguyên, phân biệt chủng tộc, màu da, đảng phái, ý thức
hệ. Bình đẳng trong Phật giáo là tiếng chuông cảnh tỉnh những kẻ đang ngủ vùi
trong ý thức phân biệt, kỳ thị, chia rẽ. Bình đẳng, chỉ với cái nhìn bao dung
này mới đủ năng lực hàn gắn mọi sự khác biệt trở thành đồng nhất với nhau. Biến
cừu hận thành thân tình. Biến các sắc tộc, màu da thành một hợp thể nhiều màu
sắc. Biến các ý thức hệ, các tôn giáo, các triết phái tuy khác nhau trong
phương tiện cũng như mục đích… nhưng cùng chung ngồi lại với nhau, nhằm vào một
mục tiêu duy nhất là xây tạo cơm no áo ấm, hạnh phúc hòa bình và quan trọng là
có một thể trí sáng suốt, siêu tuyệt. Do đó, “bình đẳng như nhất chân địa” là
bình đẳng trên mọi loại hình của xã hội và cuộc sống mà Phật giáo đã cống hiến
cho lợi ích chung cho toàn nhân loại và nhân loại cần thực hiện.
8.- Xem sự hưng hóa như cây cỏ
bốn mùa
Hình ảnh cây cỏ bốn mùa gợi cho
chúng ta nhớ đến quy luật tuần hoàn của cuộc sống, dưới sự chi phối của chu kỳ
thời gian. Mùa Xuân, cây cỏ tươi tốt. Mùa Hạ, cây cỏ khô cằn. Mùa Thu, cỏ cây
xơ xác. Và mùa Đông là mùa lạnh lẽo nhưng cũng là mùa bắt đầu sự sống mới. Chu
kỳ tuần hoàn của cây cỏ trong bốn mùa để nói lên sự thịnh suy của bánh xe chánh
pháp lăn chuyển trong cuộc đời là một quy luật tất yếu. Sau mỗi biến cố thịnh
suy, Phật giáo không vì thế mà có tăng giảm. Giá trị Phật giáo, vốn nó tự đầy
đủ chân giá trị và tự bảo đảm được chân giá trị của nó. Không ai phá hủy được
nó. Nhưng nó có thể tùy thuộc vào hoàn cảnh xã hội mà thịnh suy tùy duyên.
Chính điều này không cho phép chúng ta bi quan trong sứ mạng thiêng liêng “trụ
Như Lai xứ, hành Như Lai sự” đến với mọi người trong mọi hoàn cảnh, thời đại.
***
Nhìn chung, qua tám điểm tuệ
giác của Đức Phật vừa lược nêu, chúng ta thấy tất cả đều xoay quanh trục
“phương tiện, tùy duyên bất biến”. Các pháp môn, con đường độc lộ hướng đến
giải thoát là phương tiện. Pháp vô thượng thừa chỉ là vàng trong mộng. Phật đạo
chỉ là hoa đốm trong không trung. Thuận duyên nghịch duyên như sáu con rồng
múa. Và sự hưng hóa như cây cỏ bốn mùa. Năm quan niệm này đều thấm nhuần sắc
thái phương tiện trong mục đích đạt đến cứu cánh, mà không còn ý thức bảo thủ
về cứu cánh, sự cứu cánh theo đúng nghĩa tuyệt đối.
Ba quan điểm còn lại, thiền định
như núi Tu Di, Niết bàn như ngày đêm đều thức và pháp bình đẳng là nhất chân địa
nhằm khẳng định phương pháp tu tập cũng như tông chỉ đặc thù của Phật giáo so
với các triết phái, tôn giáo là siêu tuyệt.
Tông chỉ Phật giáo luôn mở bày
phương tiện tùy duyên, nhưng rất chú trọng về mặt hành pháp. Chỉ với hành pháp,
hành giả Phật giáo mới đạt được những mục tiêu giải thoát mong muốn. Điều này
dạy chúng ta không vì một lý do gì viện cớ tùy duyên rồi “biến mất”. Mà phải là
bất biến trong tùy duyên. Vận dụng thiện xảo hai thao tác hoằng hóa này, người
hoằng truyền chánh pháp của Đức Phật sẽ thành tựu mỹ mãn.
Và hơn ai hết, những tu sĩ Phật
giáo phải là những chiến sĩ mặc giáp tinh tấn, trang bị vũ khí trí dũng, với
mục tiêu từ bi, phải can đảm xông xáo trong mọi chiến trường chống bất công,
đòi quyền bình đẳng xã hội cho mọi người, trong đó có quyền tự do tôn giáo, tự
do tu tập chánh pháp và hướng dẫn mọi người cùng như vậy. Trong thực tiễn, đây
mới chính là phương tiện, là mục đích, là cứu cánh của Phật giáo trong lòng dân
tộc, và xa là thế giới mà thông qua tám quan điểm tuệ giác của Đức Phật chúng
ta đúc kết được và có thể áp dụng trong hiện trạng xã hội hôm nay.
[1] Kinh
Kim Cang.
[2] Kinh Lăng Nghiêm.
[3]
Bộ Pháp Tụ, số 702