Giới thiệu & Giảng giải kinh điển
Tìm Hiểu Kinh Bốn Mươi Hai Chương
Thích Nhật Từ Nhà Xuất Bản Thời Đại
03/09/2554 22:56 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng
Tìm Hiểu Kinh Bốn Mươi Hai Chương
Mục lục
Xem toàn bộ

 

Chương 39. Chư pháp bình đẳng, vô hữu cao hạ

 

 

I. DỊCH NGHĨA

Đức Phật dạy rằng: Người thực hành chánh pháp của Đức Như Lai thì những lời dạy của Như Lai đều nên tín giải, thọ trì. Cũng như chén mật, ở giữa hay quanh miệng chén đều có vị ngọt. Chánh pháp của Như Lai cũng thế ấy.

II. LƯỢC GIẢI

Trong những ngày tháng đầu tiên kể từ khi Giáo hội Tăng già sơ khai được thành lập có khoảng hơn 60 A la hán, Đức Phật đã xác tín và khích lệ các vị Thánh Tăng này truyền bá chánh pháp tối thượng đến với thế gian. Chánh pháp ấy là toàn thiện, siêu xuất thời gian không gian, đem lại an lạc, hạnh phúc cho đời:

“Hãy ra đi, này các Tỳ kheo, đem lại sự tốt đẹp cho nhiều người. Vì lòng từ bi, hãy đem lại sự tốt đẹp, lợi ích, và hạnh phúc cho chư thiên và nhân loại. Mỗi người hãy đi một ngả. Hỡi các Tỳ kheo, hãy hoằng dương chánh pháp toàn hảo ở đoạn đầu, toàn hảo ở đoạn giữa, toàn hảo ở đoạn cuối cùng, toàn hảo trong cả hai, tinh thần và văn tự. Hãy công bố đời sống thiêng liêng cao thượng, vừa toàn thiện vừa trong sạch. Hãy phất lên ngọn cờ của bậc chân trí. Hãy truyền dạy giáo pháp cao siêu. ahỹ đem lại sự tốt đẹp cho người khác. Được như vậy là các con đã hoàn tất nhiệm vụ. Chính Như Lai cũng đi. Như Lai đi về hướng Uruvela ở Sananigama để hoằng dương giáo pháp.”[1]

Bản chất của giáo pháp Như Lai luôn là thiện pháp hướng đến phạm hạnh giải thoát. Bản chất của Phật giáo là vị tha, không nắm lại chân lý. Hoằng dương giáo pháp đến với nhân loại không phân giai cấp, vị trí, tôn giáo là nét đặc thù bậc nhất của Phật giáo. Chánh pháp Phật giáo là toàn thiện cả hai, tinh thần và văn tự. Hoàn thiện ở ba mặt, toàn hảo ở đoạn đầu, toàn hảo ở đoạn giữa, toàn hảo ở đoạn cuối cùng. Mỗi pháp môn Phật giáo đều đượm nhuần giá trị siêu thoát như vậy. Do đó, khó có thể nói pháp môn nào có giá trị cao hơn pháp môn nào và pháp môn nào là thấp hơn pháp môn nào. Bản thân của từng pháp môn tự nó có công năng giúp hành giả đạt đến giác ngộ giải thoát. Giáo pháp Như Lai như là chiếc bè để qua sông.”[2] “Là ngón tay để chỉ mặt trăng” (Kinh Viên Giác). Và pháp môn nào cũng có công năng như vậy. Chính vì thế mà Phật giáo gọi các pháp môn là: “Chư pháp bình đẳng, vô hữu cao hạ”.

Theo Phật giáo, bản thân các pháp môn chỉ có công năng giúp hành giả nương vào đó mà giác ngộ, chứ nó không phải là sự giác ngộ. Vì thế, người thực hành chánh pháp của Như Lai phải có thái độ nhận thức sáng suốt, không nên nắm giữ lại chân lý đạt được mà chỉ mượn nó để đạt mục đích. Khi đã đạt mục đích thì phải xả bỏ nó, không luyến tiếc. Có như vậy, giải thoát mới tuyệt đối. Sự tu học chánh pháp “được trăng quên đèn, đặng cá quên nơm” là rất cần thiết. Chính vì thế kinh Phật thường dạy:

“Những pháp chân chính (Dhamma) cũng nên từ bỏ. Càng phải nên từ bỏ hơn nữa, những pháp không chân chính.”[3]

Và Kinh Kim Cang gọi đó là: “Chư pháp bình đẳng, vô hữu cao hạ. Chánh pháp ưng xả, hà huống phi pháp”.

Thật vậy, như đã nói, công năng của pháp môn là thuyền bè của giải thoát. Pháp môn nào cũng hàm tàng bên trong nó công năng khai phóng hành giả khỏi mọi chấp trước, hệ phược. liễu ngộ được tám phong cũng đạt đáo bỉ ngạn.[4] Thực hành thập thiện nghiệp cũng đáo bỉ ngạn.[5] Và suy ra cho cùng, bốn niệm xứ, bốn chánh cần, bốn như ý túc, năm căn, năm lực, bảy Bồ đề phần, năm minh, sáu độ vạn hạnh, bốn nhiếp pháp, bốn vô lượng tâm v.v… đều có công năng đưa hành giả đến “bờ bên kia”. Thậm chí, ngay cả một chuỗi biện chứng các nguyên lý giáo pháp cũng đều mỗi mỗi có công năng giác ngộ:

“Nhàm chán ly tham có ý nghĩa giải thoát tri kiến, có lợi ích giải thoát tri kiến. Như thật tri kiến có ý nghĩa nhàm chán ly tham, có lợi ích nhàm chán ly tham. Định có ý nghĩa như thật tri kiến, có lợi ích như thật tri kiến. An lạc có ý nghĩa định, có lợi ích định. Khinh an có ý nghĩa an lạc, có lợi ích an lạc. Hỷ có nghĩa khinh an, có lợi ích khinh an. Hân hoan có ý nghĩa hỷ, có lợi ích hỷ. Không hối tiếc có ý nghĩa hân hoan, có lợi ích hân hoan. Các thiện giới có ý nghĩa không hối tiếc, có lợi ích không hối tiếc. Như vậy, này các Tỳ kheo, các pháp môn khiến cho mau tăng thịnh, khiến cho mau viên mãn, đưa từ bờ này sang bờ bên kia.”[6]

Suy cho cùng, từng pháp môn tự nó không quan trọng mà quan trọng là ở chỗ từng cá nhân chúng ta có chịu tin tưởng và nỗ lực thực hành hay không. Sống không niềm tin, sống thiếu nguyện lực, thiếu lý tưởng cao đẹp, có khác gì lao đầu vào đêm đen, nhưng chỉ cần một phút sực tỉnh nhận ra chân lý, tức khắc sẽ “bội trần hiệp giác” (quay đầu là về).

Kinh Pháp Hoa, Đức Phật khẳng định, hệ thống giáo pháp của Ngài, không có pháp môn nào là pháp môn đại, là pháp môn tiểu cả. Thể tánh pháp môn là ngang nhau, đều phát xuất từ chân thật tướng tịch diệt, không sinh, không diệt, là vô lậu (không còn phiền não), là vô vi (tức đạt Niết bàn):

“Tất cả các pháp môn

Nguyên lai là Không, Tịch

Chẳng pháp sinh, pháp diệt

Chẳng pháp lớn, pháp nhỏ

Là vô lậu, vô vi.”[7]

Căn cứ trên nền tảng này, Mã Minh Bồ Tát phát biểu:

“Nhất thiết chư pháp, tùng bản dĩ lai, ly ngôn thuyết tướng, ly danh tự tướng, ly tâm duyên tướng, tất cánh Bình đẳng, Vô hữu cao hạ, duy hữu nhất tâm, cố danh chân như.”[8]

Kinh Đại Bửu Tích, Đức Phật còn mổ xẻ tập hợp của giáo pháp chỉ là những giá trị mặc ước như âm thanh, lời nói, ngôn ngữ, văn tự, trên cơ sở đó, Đức Phật dạy không nên sinh tâm phân biệt, chấp trước. Vì chấp trước là tàn dư của vô minh:

“Tất cả pháp, chỉ Lời và Tiếng

Trong ấy giả đặt ra văn tự

Tiếng… ấy không có Pháp, Phi pháp

Kẻ ngu không biết vọng chấp trước.”[9]

Ở một đoạn khác, Đức Phật còn hoán ngữ, pháp tánh bình đẳng là vô tánh. Vô tánh là bất khả tư nghị:

“Nếu biết “pháp tánh” là “vô tánh”.

Đây gọi chân thật bất tư nghị.”[10]

Trước giờ phút thể nhập Niết bàn vô dư, Đức Phật còn di huấn về pháp tánh bình đẳng rộng hơn, phổ quát hơn, bao cập hơn. Từ hữu thể cho đến vô thể. Từ hữu lậu cho đến vô lậu, trong cái nhìn bản thể, tất cả đều bình đẳng trong tánh như thị:

“Ta dùng thậm thâm trí huệ quán khắp tam giới, lục đạo chúng sinh, ba cõi này bản tính rời lìa, rốt ráo tịch diệt, đồng như hư không, không danh không thức, dứt hẳn các cõi, bản lai bình đẳng. Vì bình đẳng với các pháp, nhàn cư tịnh trụ không có chỗ thi vi, an trú rốt ráo quyết định bất khả đắc… Pháp tướng như thế, rõ biết thì xuất thế, không rõ biết là đầu mối sinh tử.”[11]

Kinh Đại Bửu Tích, Đức Phật giải thích cho chúng ta biết, sở dĩ Ngài có danh hiệu Đẳng Chánh Giác là do có cái nhìn bình đẳng tuệ giác về các pháp môn:

“Hoặc pháp phàm phu, hoặc pháp thánh nhân, hoặc pháp chư Phật, hoặc pháp hữu học, hoặc pháp vô học, hoặc pháp độc giác, hoặc pháp Bồ Tát đều bình đẳng”.

“Hoặc pháp thế gian, hoặc pháp xuất thế gian, hoặc có tội, hoặc vô tội, hoặc hữu lậu, hoặc vô lậu, hoặc hữu vi, hoặc vô vi… Tất cả pháp như vậy, Đức Như Lai đều có thể bình đẳng chánh giác. Vì thế nên gọi Đức Như Lai là bậc Đẳng Chánh Giác.”[12]

Như vậy, các pháp môn bình đẳng, thì giá trị của chúng là ngang nhau, đều có công năng thăng hoa đời sống đạo đức, đưa hành giả đạt đến giải thoát. Do đó, người học Phật chân chính không nên có thái độ chê bai, công kích các pháp môn khác mà mình không thích. Mỗi pháp môn là một phương tiện để thể nhập chân lý, 84.000 pháp môn là 84.000 cửa phương tiện để đạt đến chân lý. Pháp môn nào cũng có vị ngọt là vị giải thoát, Niết bàn.[13] Chính vì vậy, người học Phật luôn tín giải thọ trì tất cả giáo pháp của Đức Phật, thông qua sự ứng cơ, phù hợp căn tánh của mình. Đó là nội dung của chương này mà cũng là một đặc thù trong giáo lý Đức Phật.

“Người thực hành chánh pháp của Như Lai, những lời dạy của Như Lai đều nên tín giải, thọ trì. Cũng như chén mật, ở giữa hay quanh miệng chén đều có vị ngọt. Chánh pháp của Như Lai cũng thế ấy”. Nghĩa là có vị ngọt giải thoát, Niết bàn ở mỗi lời dạy, mỗi pháp môn và ngay trong giáo pháp của Đức Phật.

“Một câu nhiễm tâm thần

Đều giúp đến bờ kia.”[14]

  


[1] Mahavagga, tr. 19-20.

[2] Kinh Kim Cang.

[3] Najjhima Nikaya, kinh 22. Theo Đức Phật và Phật Pháp, tr. 295-296.

[4] Tăng Chi III, tr. 513.

[5] Tăng Chi III, tr. 528.

[6] Tăng Chi III, tr. 305.

[7] Kinh Pháp Hoa, phẩm Tín Giải, tr. 172.

[8] Đại Thừa Khởi Tín Luận.

[9] Đại Bửu Tích III, tr. 471.

[10] Đại Bửu Tích III, tr. 470.

[11] Đại Bát Niết Bàn II, tr. 579-580.

[12] Đại Bửu Tích III, tr. 435.

[13] Kinh Pháp Hoa, phẩm Dược Thảo Dụ, tr. 189 hay Tăng Chi III, tr. 57, đặc điểm 6, số 16.

[14] Bài tán Kinh Pháp Hoa, quyển 7, tr. 611.