Chương
24. Ái dục khổ đệ nhất (Cũng may chỉ có một)
I. DỊCH NGHĨA
Trong các ái dục, sắc dục là
nguy hại hơn hết. Cũng may là chỉ có một. Nếu mà có cái thứ hai, có lẽ thiên hạ
không ai hành đạo được.
II. LƯỢC GIẢI
Mặc dù ở nội dung của kinh văn,
Đức Phật chỉ chú trọng, nhấn mạnh sự nguy hại của sắc dục trong phạm vi của
người hành đạo. Người hành đạo là người tu hạnh viễn ly giải thoát, mà ái là
sợi dây cột trói con người ở tái sinh. Nhưng trên tinh thần mà nói, thì lời dạy
này còn bao quát cho mọi giới và mọi lãnh vực, hễ đam mê rượu chè, sắc đẹp,
nhất định người ta sẽ thất bại trong sự nghiệp.
Trong Kinh Tăng Chi, Đức Phật ví
sánh sắc dục như là độ nước cần thiết để cho hạt giống thóc sinh trưởng ở mảnh
ruộng nghiệp. Nước là yếu tố quan trọng để mầm sinh. Ái cũng vậy, là điều tiên
quyết của Hữu: “Này Ananda, nghiệp là thửa ruộng, thức là hạt giống và ái là sự
nhuận ướt. Chúng sinh bị vô minh che lấp, bị sắc dục trói buộc, nên thức được
an lập trong giới thấp kém. Như vậy sẽ có sự tái sinh. Nghĩa là “hữu” có
mặt.”[1] Vướng mắc vào ái là vướng mắc vào sinh tử miên viễn, trong đó đam mê
sắc dục là cụ thể và nguy hại hơn hết.
Chính sắc dục đã làm đắm lụy
biết bao anh tài thế phiệt, sắc dục không phải là sóng nước, mà lại là sóng
tình: “Vũ phi kiềm tỏa năng lưu khách. Sắc bất ba đào dị nịch nhân”.
Từ một Napoleon nước Pháp, một
Trụ Vương thời phong kiến Trung Quốc, cũng đều bị sắc dục mà tan tành sự
nghiệp. Câu nói của một triết gia Tây phương: “Nếu không có đàn bà thì tất cả
đàn ông đã ngồi đồng bàn với bậc thánh” hay của Pơrê: “Người đàn bà là thiên
đường của cặp mắt và là địa ngục của tâm hồn”, há không làm cho phái nam nhi
suy gẫm, cảnh tỉnh hay sao! Mùi vị của sắc dục, có chăng, chỉ là khó chịu: “Sắc
dục là liều thuốc đắng”. Sung sướng, khổ đau chỉ là hai mặt của một vấn đề: “Ái
tình như đỉnh núi cao: leo lên, người ta ca hát, xuống dốc bên sườn, người ta
than khóc”. (An-đơ-rê Thơ-ria).
Hệ lụy của sắc dục quá rõ ràng
làm cho chính Napoleon, vị anh hùng đã một thời làm bá chủ châu Âu, cũng là
người làm điêu đứng bao trái tim phụ nữ, phải nhận định nó là đầu mối của sự
nguy hiểm: “Đàn bà là linh hồn của mọi mưu cơ”.
Cuối cùng, nói như Cô-hin: “Đam
mê nữ sắc là ký kết với đau khổ” vì sự đam mê này không đem lại hạnh phúc như
người ta tưởng, mà phần nhiều đem lại tai họa không nhỏ. Những bậc vĩ nhân, đạo
nhân, A la hán… sở dĩ được nhân loại tôn xưng như vậy là do các vị ấy biết sống
ngoài sự trói buộc của sắc dục, nghĩa là sống phạm hạnh, giải thoát.
[1]
Tăng Chi I, tr. 256-257.